UỶ ban nhân dân tỉnh hòa bìNH



tải về 86.6 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu17.08.2016
Kích86.6 Kb.
#21021

UỶ BAN NHÂN DÂN

TỈNH HÒA BÌNH

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc




Số: 439/QĐ-UBND

Hòa Bình, ngày 16 tháng 4 năm 2013


QUYẾT ĐỊNH

Phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển giao thông vận tải

tỉnh Hòa Bình đến năm 2020, định hướng đến năm 2030
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH HÒA BÌNH
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Giao thông đường bộ ngày 13 tháng 11 năm 2008;

Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội; Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11 tháng 4 năm 2008 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ;

Căn cứ Thông tư liên tịch số 02/2012/TTLT-BGTVT-BKHĐT ngày 17 tháng 01 năm 2012 của Bộ Giao thông vận tải - Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn nội dung, trình tự lập quy hoạch tổng thể phát triển giao thông vận tải;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Giao thông vận tải, báo cáo thẩm định của Hội đồng thẩm định điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển giao thông vận tải tỉnh Hòa Bình đến năm 2020, định hướng đến năm 2030,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển giao thông vận tải tỉnh Hòa Bình đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, như sau:

I. Phạm vi, đối tượng

1. Phạm vi quy hoạch: Địa bàn tỉnh Hòa Bình, diện tích tự nhiên 4.608 km2.

2. Đối tượng quy hoạch: Giao thông đường bộ, đường thủy và đường sắt.

II. Quan điểm, mục tiêu phát triển

1. Quan điểm phát triển

- Ưu tiên đầu tư phát triển hệ thống giao thông vận tải, trước hết là ưu tiên nâng cấp, mở rộng các tuyến quốc lộ, đường tỉnh huyết mạch, phù hợp với quy hoạch giao thông vùng và cả nước; đáp ứng được quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và phù hợp với các quy hoạch chuyên ngành trên địa bàn tỉnh để tạo tiền đề, làm động lực phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh.

- Phát huy tối đa lợi thế địa lý của tỉnh, phát triển hệ thống giao thông đường bộ đối nội, đối ngoại hợp lý, đồng bộ, bảo đảm được sự liên hoàn, liên kết giữa các phương thức vận tải, tạo thành mạng lưới giao thông thông suốt.

- Tận dụng tối đa năng lực kết cấu hạ tầng giao thông hiện có, coi trọng việc duy trì, củng cố, nâng cấp mạng lưới giao thông đường bộ hiện tại, đầu tư nâng cấp mở rộng các quốc lộ, đường tỉnh, đường huyện quan trọng; từng bước hiện đại hoá giao thông đô thị.

- Xây dựng và từng bước cải thiện mạng lưới giao thông nông thôn, giao thông ở vùng núi, vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ cách mạng để tạo ra một mạng lưới giao thông đường bộ liên hoàn, phục vụ đắc lực cho công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, phục vụ xóa đói, giảm nghèo.

- Coi trọng công tác bảo trì, đảm bảo khai thác hiệu quả, bền vững cơ sở hạ tầng giao thông hiện có, đặc biệt là đối với hệ thống cầu đường giao thông nông thôn.

- Phát huy nội lực, thu hút mọi thành phần kinh tế, từ nhiều nguồn khác nhau, nhiều hình thức tham gia đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông; dành quỹ đất hợp lý để phát triển, đầu tư xây dựng giao thông; đảm bảo hành lang an toàn giao thông và bảo vệ môi trường, cảnh quan.

2. Mục tiêu phát triển

a) Mục tiêu tổng quát

Phát triển giao thông vận tải đồng bộ cả về kết cấu hạ tầng, vận tải, công nghiệp, tạo thành mạng lưới hoàn chỉnh, có khả năng liên kết thuận lợi các phương thức vận tải, đảm bảo thông suốt từ tỉnh tới xã, với các tỉnh, thành phố lân cận, phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

Giai đoạn đến năm 2020 tập trung nâng cấp các tuyến quốc lộ, đường tỉnh, một số tuyến đường huyện, đường đến trung tâm các xã.

Giai đoạn sau năm 2020 hoàn chỉnh, từng bước hiện đại hoá kết cấu hạ tầng giao thông, nâng cao chất lượng khai thác, đảm bảo vận tải thông suốt toàn bộ mạng lưới đối nội và đối ngoại.

b) Mục tiêu cụ thể

* Giai đoạn từ nay đến 2020

Về kết cấu hạ tầng giao thông

- Đường bộ: Coi đây là phương thức vận tải chủ đạo, phục vụ các mục tiêu thúc đẩy các lĩnh vực kinh tế đột phá trong giai đoạn tới; mục tiêu chính:

+ Toàn bộ hệ thống quốc lộ, đường tỉnh cơ bản đưa vào cấp kỹ thuật, quốc lộ đạt tiêu chuẩn tối thiểu cấp IV; đường tỉnh cơ bản đạt cấp IV, cấp V; 100% được thảm bê tông nhựa hoặc bê tông xi măng. Hoàn thiện đưa vào khai thác đường cao tốc Hòa Lạc - thành phố Hòa Bình. Xây dựng cầu lớn qua sông Đà.

+ Giao thông đô thị: Phát triển theo hướng hiện đại, tuân theo quy hoạch xây dựng đô thị được duyệt, 100% mặt đường bê tông nhựa, bê tông xi măng.

+ Giao thông nông thôn: Phát triển giao thông nông thôn đáp ứng tiêu chí Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; 100% đường huyện, 70% đường xã được cứng hóa bằng nhựa hoặc bê tông xi măng; đường huyện đạt tối thiểu cấp V, đường xã đạt tối thiểu cấp VI.

+ Hoàn thành xây dựng mỗi huyện có ít nhất một bến xe đạt tối thiểu loại 5; thành phố Hòa Bình có 3 bến xe khách quy mô loại 2 - 3.

- Đường thủy nội địa: Tập trung nạo vét các tuyến đường thủy nội địa chính: Hà Nội - Việt Trì, ngã ba Hồng Đà – cảng Hòa Bình để đạt được tiêu chuẩn kỹ thuật theo quy hoạch; xây dựng các bến thủy nội địa đạt tiêu chí và theo hướng hiện đại.

Về vận tải

Đáp ứng được nhu cầu cả về vận tải hàng hoá và hành khách với chất lượng và giá cả hợp lý, bảo đảm an toàn, tiện lợi, kiềm chế tiến tới giảm tai nạn giao thông và hạn chế ô nhiễm môi trường; một số chỉ tiêu cụ thể:

+ Khối lượng vận tải hàng hóa đến 2020 đạt 21,90 triệu tấn (tăng bình quân 15%/năm).

+ Khối lượng hàng hóa thông qua cảng sông đến 2020 là 600.000 tấn.

+ Khối lượng vận chuyển hành khách đến năm 2020 đạt 23,33 triệu hành khách (tăng bình quân 15,5%/năm).

* Định hướng phát triển đến năm 2030



Về kết cấu hạ tầng giao thông

Hoàn thiện và cơ bản hiện đại hóa hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh nhất là giao thông đường bộ:

- Hệ thống quốc lộ cơ bản đạt cấp III trở lên, đường tỉnh đạt cấp IV trở lên.

- Xây dựng xong các cầu lớn, các cảng thủy nội địa chính.

- Hoàn thành xây dựng hệ thống bến xe, bãi đỗ.

- Nhựa hóa và bê tông hóa 100% đường tỉnh, đường huyện và đường xã, gắn với việc xây dựng nông thôn mới có hạ tầng giao thông hiện đại.



Về vận tải

Thỏa mãn được nhu cầu và dịch vụ vận tải của xã hội với chất lượng cao, nhanh chóng, êm thuận, an toàn; kết nối giữa các phương thức vận tải, nhất là vận tải hành khách đường dài với vận tải hành khách đô thị; một số chỉ tiêu:

- Khối lượng vận tải hàng hóa đến 2030 đạt khoảng 68 triệu tấn (tăng bình quân 12%/năm).

- Khối lượng vận chuyển hành khách đến 2030 đạt khoảng 80 triệu lượt hành khách (tăng trưởng bình quân 13%/năm).

- Khối lượng hàng hóa thông qua cảng sông đến 2030 đạt khoảng 750.000 tấn.

III. Quy hoạch phát triển giao thông vận tải đến năm 2020, định hướng đến năm 2030

1. Đường cao tốc và quốc lộ

a) Quy hoạch phát triển đường bộ cao tốc, quốc lộ (theo Quy hoạch phát triển giao thông vận tải đường bộ Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 356/QĐ-TTg ngày 25 tháng 02 năm 2013), cụ thể trên địa bàn tỉnh như sau:

- Đường cao tốc Hòa Lạc - thành phố Hòa Bình: Hoàn thành xây dựng đường cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình theo hình thức Hợp đồng Xây dựng - Chuyển giao (Hợp đồng BT) và các hình thức đầu tư khác.

- Đường Hồ Chí Minh: Theo Quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 194/QĐ-TTg ngày 15 tháng 02 năm 2012 về Quy hoạch chi tiết đường Hồ Chí Minh.

- Quốc lộ 6: Hoàn chỉnh nâng cấp mở rộng đoạn Xuân Mai - Hòa Bình đạt tiêu chuẩn đường cấp II, 4 làn xe; đoạn tránh thành phố Hòa Bình đạt tiêu chuẩn đường từ cấp I đến cấp II, 4-6 làn xe; các đoạn khác ngoài đô thị tối thiểu đạt tiêu chuẩn cấp III, 2 làn xe; các đoạn qua thị trấn Lương Sơn, Kỳ Sơn, Cao Phong, Tân Lạc theo Quy hoạch không gian đô thị được phê duyệt.

- Quốc lộ 15: Hoàn thành nâng cấp cải tạo tối thiểu đạt tiêu chuẩn cấp III, 2 làn xe; xây dựng tuyến tránh qua thị trấn Mai Châu theo Quy hoạch đã được phê duyệt.

- Quốc lộ 12B: Hoàn thiện xây dựng, nâng cấp đoạn Ngọc Lương - Hàng Trạm tối thiểu đạt cấp III, 2 làn xe; các đoạn qua thị trấn Mường Khến, Vụ Bản theo Quy hoạch không gian đô thị được duyệt; các đoạn còn lại tối thiểu đạt tiêu chuẩn đường cấp IV, 2 làn xe.

- Quốc lộ 21: Hoàn thành xây dựng nâng cấp tối thiểu đạt tiêu chuẩn đường cấp III, 2 làn xe; các đoạn qua thị trấn Thanh Hà, Chi Nê theo Quy hoạch được phê duyệt.

- Nâng cấp đường huyện ĐH.83: (Đồng Tâm - Gia Viễn), huyện Lạc Thủy thành quốc lộ, nằm trong tuyến quốc lộ từ Mỹ Đình, thành phố Hà Nội - Ba Sao, Hà Nam - Bái Đính, Ninh Bình.

- Ưu tiên xây dựng, nâng cấp các tuyến: Cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình; quốc lộ 12B, quốc lộ 21, quốc lộ 15.

b) Nâng cấp quản lý một số tuyến thành quốc lộ

- Nâng cấp tuyến đường thành phố Hòa Bình - Thanh Sơn, Phú Thọ (ĐT.434 cũ) thành quốc lộ: Tuyến quốc lộ được hình thành trên cơ sở ĐT.434, tỉnh Hòa Bình nối tiếp với ĐT.316, tỉnh Phú Thọ, nối vào quốc lộ 32.

- Nâng cấp tuyến ĐT.433 thành quốc lộ: Tuyến quốc lộ được hình thành trên cơ sở ĐT.433, tỉnh Hòa Bình nối tiếp với ĐT.114, tỉnh Sơn La và quốc lộ 37 đến Thủy điện Sơn La.

2. Các tuyến đường 229

- Đường 12B: Hoàn thiện nâng cấp toàn tuyến đạt cấp IV; giai đoạn sau 2020 nâng cấp đạt cấp III.

- Tuyến TSA, Tuyến C: Nâng cấp đạt tiêu chuẩn tối thiểu cấp IV; giai đoạn sau 2020 duy trì cấp.

- Các tuyến T, X, Y: Duy trì cấp hiện tại; giai đoạn sau 2020 nâng cấp tối thiểu đạt tiêu chuẩn cấp IV.

- Ưu tiên nâng cấp các tuyến: Đường 12B, tuyến TSA, tuyến C.

3. Hệ thống đường tỉnh

a) Nâng cấp kỹ thuật các tuyến

- Đường tỉnh 431: (Chợ Bến - Quán Sơn) dài 2 km, nâng cấp đạt tiêu chuẩn đường đô thị; giai đoạn sau 2020 duy trì cấp.

- Đường tỉnh 432B: (Thung Khe - Pù Bin) dài 17 km, nâng cấp tối thiểu đạt tiêu chuẩn cấp VI; giai đoạn sau 2020 tối thiểu đạt tiêu chuẩn cấp V.

- Đường tỉnh 433: (Hòa Bình - Đồng Nghê) dài 90 km, xây dựng, nâng cấp đạt cấp IV, III, II; giai đoạn sau 2020 duy trì cấp.

- Đường tỉnh 435: (Chăm - Bờ) dài 11,4 km, nâng cấp tối thiểu đạt tiêu chuẩn cấp IV; giai đoạn sau năm 2020 tối thiểu đạt tiêu chuẩn cấp III.

- Đường tỉnh 435B: (Bình Thanh - Thung Nai) dài 10,2 km, nâng cấp tối thiểu đạt tiêu chuẩn cấp IV; giai đoạn sau năm 2020 tối thiểu đạt tiêu chuẩn cấp III.

- Đường tỉnh 437: (Vụ Bản - Cẩm Thuỷ) dài 7 km, nâng cấp tối thiểu đạt tiêu chuẩn cấp V; giai đoạn sau năm 2020 tối thiểu đạt tiêu chuẩn cấp IV.

- Đường tỉnh 438: (Chi Nê - Yên Bồng) dài 7 km, nâng cấp đạt tiêu chuẩn cấp II, III; giai đoạn sau 2020 duy trì cấp.

- Đường tỉnh 438B: (Khoan Dụ - An Bình) dài 24 km, nâng cấp tối thiểu đạt tiêu chuẩn cấp V; giai đoạn sau năm 2020 tối thiểu đạt tiêu chuẩn cấp IV.

- Đường tỉnh 442: (Yên Trị - Ngọc Lương) dài 11 km, nâng cấp tối thiểu đạt tiêu chuẩn cấp VI; giai đoạn sau năm 2020 tối thiểu đạt tiêu chuẩn cấp IV .

- Đường tỉnh 445: (Pheo - Chẹ) dài 16,34 km, nâng cấp đạt tiêu chuẩn cấp II, III; giai đoạn sau 2020 duy trì cấp.

- Đường tỉnh 446: (Bãi Nai - Đồng Dăm) dài 13,2 km, nâng cấp tối thiểu đạt tiêu chuẩn cấp V; giai đoạn sau năm 2020 tối thiểu đạt tiêu chuẩn cấp IV.

- Đường tỉnh 447: (Long Sơn - Hợp Châu - Tân Thành) dài 11,8 km, nâng cấp tối thiểu đạt tiêu chuẩn cấp V; giai đoạn sau năm 2020 tối thiểu đạt tiêu chuẩn cấp IV.

b) Các tuyến đường tỉnh song song điều chỉnh chiều dài và nâng cấp kỹ thuật

- Đường tỉnh 432: (Đồng Bảng - Ênh): Điểm đầu từ ngã ba Đồng Bảng thuộc xã Đồng Bảng, huyện Mai Châu (giao QL.6) - Phúc Sạn - Tân Mai - Tân Dân (huyện Mai Châu) - Yên Hoà - Trung Thành - Đoàn Kết - điểm cuối là ngã ba Ênh thuộc xã Tân Minh, huyện Đà Bắc (giao ĐT.433); tuyến có chiều dài 57 km, nâng cấp toàn tuyến tối thiểu đạt tiêu chuẩn cấp V; giai đoạn sau 2020 tối thiểu đạt tiêu chuẩn cấp IV. Trước mắt, thông tuyến bằng phà qua sông Đà, sớm nghiên cứu xây dựng cầu tại khu vực này.

- Đường tỉnh 436: (Phong Phú - Phú Lương - Định Cư - ĐT.437): Kéo dài tuyến ĐT.436 từ Định Cư đến Tân Mỹ, kết nối với ĐT.437 nối ra đường Hồ Chí Minh, tuyến có chiều dài 44,8 km; nâng cấp toàn tuyến tối thiểu đạt tiêu chuẩn cấp V; giai đoạn sau năm 2020 tối thiểu đạt tiêu chuẩn cấp IV.

- Đường tỉnh 439: (Vạn Mai - Cun Pheo - quốc lộ 6): Kéo dài tuyến ĐT.439 từ Cun Pheo qua các xã Hang Kia, Pà Cò đến giao quốc lộ 6 tại Km53+250; tuyến có chiều dài 51,2 km; nâng cấp toàn tuyến tối thiểu đạt tiêu chuẩn cấp VI; giai đoạn sau năm 2020 tối thiểu đạt tiêu chuẩn cấp IV.

- Đường tỉnh 440: (Địch Giáo - Lũng Vân - Noong Luông; Lũng Vân - Nam Sơn), kéo dài tuyến ĐT.440 từ Lũng Vân theo ĐH.66 qua Bắc Sơn đến Noong Luông (giao với ĐT.432B) và từ Lũng Vân đến Nam Sơn, nối với đường tỉnh của Thanh Hóa, toàn tuyến có chiều dài 35 km; nâng cấp toàn tuyến tối thiểu đạt tiêu chuẩn cấp V; giai đoạn sau năm 2020 tối thiểu đạt tiêu chuẩn cấp IV.

- Đường tỉnh 443: (Vụ Bản - Tự Do; Vụ Bản - đường Hồ Chí Minh), kéo dài tuyến ĐT.443 từ Vụ Bản qua Yên Phú, Bình Hẻm, Lạc Lương và nối vào đường Hồ Chí Minh, toàn tuyến có chiều dài 44 km; nâng cấp toàn tuyến tối thiểu đạt tiêu chuẩn cấp V; giai đoạn sau 2020 tối thiểu đạt tiêu chuẩn cấp IV.

- Đường tỉnh 444: (Tây Phong - Yên Thượng - tuyến C, đường 229), kéo dài tuyến ĐT.444 qua xã Miền Đồi nối với tuyến C, đường 229 tại xã Nhân Nghĩa; toàn tuyến có chiều dài 29,4 km; nâng cấp toàn tuyến tối thiểu đạt tiêu chuẩn cấp V; giai đoạn sau năm 2020 tối thiểu đạt tiêu chuẩn cấp IV.

- Đường tỉnh 448: (Bãi Chạo - Đú Sáng - Dân Hạ), kéo dài tuyến ĐT.448 từ Đú Sáng qua Độc Lập và nối với QL.6 tại xã Dân Hạ; toàn tuyến có chiều dài 29,3km; nâng cấp toàn tuyến tối thiểu đạt tiêu chuẩn cấp V; giai đoạn sau 2020 tối thiểu đạt tiêu chuẩn cấp IV.

- Đường tỉnh 449: (Kim Truy - Nuông Dăm - đường Hồ Chí Minh), kéo dài tuyến ĐT.449 từ Nuông Dăm đến Hưng Thi (Lạc Thủy) để nối vào đường Hồ Chí Minh, toàn tuyến có chiều dài 27,8 km; nâng cấp toàn tuyến tối thiểu đạt tiêu chuẩn cấp V; giai đoạn sau năm 2020 tối thiểu đạt tiêu chuẩn cấp IV.

- Ưu tiên nâng cấp các tuyến: ĐT.431, ĐT.433, ĐT.435, ĐT.435B, ĐT.443, ĐT.444, ĐT.445, ĐT.449, ĐT.438.

c) Nâng cấp quản lý các tuyến đường huyện thành đường tỉnh

- Tuyến đường huyện ĐH.81: (Liên Hòa - Hưng Thi, huyện Lạc Thủy), kết nối ĐT.438 với đường Hồ Chí Minh, dài 10 km; nâng cấp tối thiểu đạt tiêu chuẩn cấp V; giai đoạn sau năm 2020 tối thiểu đạt tiêu chuẩn cấp IV

- Tuyến đường huyện ĐH.57: (Phú Cường - Ba Khan, huyện Tân Lạc, kéo dài qua xã Phúc Sạn đến So Lo, huyện Mai Châu, dài khoảng 27,5 km. nâng cấp tối thiểu đạt tiêu chuẩn cấp V; giai đoạn sau năm 2020 tối thiểu đạt tiêu chuẩn cấp IV.

- Tuyến Trung Mường - Hợp Thịnh: Kết hợp với tuyến Phúc Tiến - Hợp Thịnh (ĐH12), kết nối ĐT.446 và ĐT.445, dài khoảng 10 km, nâng cấp tối thiểu đạt tiêu chuẩn cấp IV.

- Tuyến đường huyện ĐH.58, ĐH.77: (Quyết Chiến - Ngổ Luông - Ngọc Sơn - Ngọc Lâu - ĐH.77 - Đường Hồ Chí Minh, huyện Lạc Sơn), dài khoảng 30 km. Nâng cấp tối thiểu đạt tiêu chuẩn cấp V; giai đoạn sau năm 2020 tối thiểu đạt tiêu chuẩn cấp IV.

4. Các công trình vượt sông

Nghiên cứu đầu tư xây dựng các cầu lớn:

- Cầu Hòa Bình 1, Hòa Bình 2, Hòa Bình 3 và cầu Trung Minh (nối đường cao tốc Hòa Lạc - thành phố Hòa Bình qua sông Đà).

- Các cầu trên: ĐT.449, ĐT.437, ĐT.436 và một số cầu khác.

- Sau năm 2020 nghiên cứu xây dựng cầu vượt sông Đà trên tuyến ĐT.432.

5. Giao thông đô thị

Quy hoạch phát triển giao thông đô thị thực hiện theo các quy hoạch chung và chi tiết đô thị được phê duyệt.

Phát triển theo hướng hiện đại, đảm bảo quỹ đất dành cho giao thông đô thị đạt 16-26%.

6. Giao thông nông thôn

- Đường huyện đến năm 2020, cải tạo, nâng cấp 100% đạt tiêu chuẩn đường cấp V; 100% được cứng hoá mặt đường. Xây dựng, nâng cấp một số tuyến đường xã quan trọng lên thành đường huyện.

- Đường xã đến năm 2020, cải tạo, nâng cấp 70% được cứng hoá mặt đường, đạt tiêu chuẩn cấp VI, tối thiểu đạt loại A-GTNT.

- Tăng cường phát triển giao thông nông thôn đạt các tiêu chí theo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.



7. Giao thông đường sắt

Nghiên cứu xây dựng tuyến đường sắt nội vùng kết nối thành phố Hà Nội với thành phố Hòa Bình theo quy hoạch vùng thủ đô.



8. Đường thủy nội địa

a) Luồng tuyến

- Trên sông Đà: Đầu tư nạo vét, chỉnh trị luồng, đưa vào cấp các tuyến đường thủy nội địa chính (Ngã ba Trung Hà - đập Hoà Bình: Cấp III, đập Hoà Bình - Vạn Yên cấp I).

- Trên sông Bôi: Đầu tư nạo vét, chỉnh trị luồng, đưa vào cấp. Tăng cường công tác quản lý nhà nước, duy trì đảm bảo khai thác hoạt động trên tuyến.

b) Cảng, bến bãi

* Tiếp tục đầu tư nâng cấp các cảng, kho bãi hiện có trên tuyến sông Đà, sông Bôi đạt quy chuẩn và theo hướng hiện đại để phục vụ phát triển kinh tế xã hội và đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân. Cụ thể như sau:

- Tuyến sông Đà:

+ Cảng Hoà Bình (Bến Ngọc): Công suất đạt 500.000 tấn vào năm 2020;

+ Cảng Ba Cấp: Tiếp tục nâng cấp cải tạo đảm bảo đúng tiêu chuẩn kỹ thuật cảng cấp IV trở lên, tiếp nhận tàu tối thiểu 200 tấn;

+ Cảng Bích Hạ: Đầu tư cải tạo thành cảng đầu mối hỗn hợp đảm bảo đúng tiêu chuẩn kỹ thuật cảng cấp IV trở lên, tiếp nhận tàu tối thiểu 200 tấn;

+ Cảng du lịch Thung Nai: Cải tạo, nâng cấp, duy trì đảm bảo đón khách du lịch vùng hồ;

+ Nghiên cứu đầu tư xây dựng các cảng trên tuyến Sông Đà phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế xã hội của tỉnh;

- Tuyến sông Bôi: Nghiên cứu đầu tư xây dựng cảng trên sông Bôi địa phận huyện Lạc Thuỷ đạt quy chuẩn cấp IV trở lên, tiếp nhận tàu tối thiểu 200 tấn.

* Các cảng, bến thuỷ nội địa, bến đò ngang

- Tuyến sông Đà:

+ Duy trì và nâng cấp hệ thống cảng, bến nhỏ dọc sông Đà (cảng Hạng nặng, cảng Kho Ba, cảng nhà máy xi măng, cảng Yên Mông,...).

+ Duy trì hoạt động các bến đò ngang qua sông Đà đến khi xây dựng xong các cầu vượt sông.

- Tuyến sông Bôi: Duy trì hoạt động các bến đò ngang hiện có, tăng cường công tác quản lý hoạt động các bến đò để đảm bảo an toàn; các bến phải đạt tiêu chuẩn quy định.

- Tuyến sông Mã: Nghiên cứu xây dựng bến thủy nội địa trên sông Mã tại Co Lương (Mai Châu).

9. Bến, bãi đỗ xe

a) Bến xe

- Tiếp tục đầu tư nâng cấp, mở rộng các bến xe hiện có trên địa bàn tỉnh đạt quy chuẩn quy định.

- Khu vực thành phố Hòa Bình: Xây dựng mới bến xe liên tỉnh bờ phải sông Đà (dự kiến giao QL.6 - đường Chi Lăng) diện tích 10.000-15.000m2 đạt bến loại 1; bến bờ trái sông Đà (dự kiến phường Tân Hòa) diện tích khoảng 10.000m2, đạt bến loại 2.

- Nghiên cứu xây dựng mới bến xe tại trung tâm các huyện tối thiểu đạt quy chuẩn bến xe loại 5 trở lên; xây dựng mới các bến xe đến các xã vùng sâu, vùng xa đạt quy chuẩn bến xe loại 6 trở lên.

b) Bãi đỗ, điểm dừng

- Xây dựng các bến, bãi khu vực thành phố Hòa Bình và các huyện theo Quy hoạch được duyệt, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo trật tự, an toàn và môi trường. Kết hợp bãi đỗ xe tĩnh tại bến xe trung tâm các huyện, thành phố. Nghiên cứu xây dựng mới các bãi đỗ xe tĩnh trên địa bàn phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

- Duy trì khai thác hiệu quả Trạm dừng nghỉ Mường Khến (Tân Lạc). Xây dựng trạm dừng nghỉ trên đường Hồ Chí Minh tại huyện Yên Thuỷ.



10. Vận tải

- Mở thêm các tuyến vận tải nội tỉnh, liên tỉnh, loại hình vận tải; không ngừng nâng cao chất lượng phục vụ vận tải.

- Giai đoạn đến năm 2015 ưu tiên phát triển 3 tuyến xe buýt: Hoà Bình - Lạc Thuỷ, Hòa Bình - Yên Thủy, Hòa Bình - Lương Sơn

- Giai đoạn 2016-2020, phát triển thêm 5 tuyến vận tải khách hoạt động dạng xe buýt: Hòa Bình - Yên Nghĩa (Hà Nội), Hòa Bình - Mỹ Đình (Hà Nội), Hòa Bình - Thanh Thủy (Phú Thọ), Hòa Bình - Đà Bắc, Hòa Bình - Sơn Tây (Hà Nội) và một số tuyến trong nội thành phố Hòa Bình.

- Giai đoạn sau 2020 phát triển các tuyến vận tải đến trung tâm các xã trên địa bàn tỉnh.

11. Công nghiệp giao thông vận tải

- Tăng cường phát triển các cơ sở hiện có, đầu tư một số cơ sở mới với quan điểm xã hội hóa đầu tư, bố trí ở vùng ngoại ô thành phố và trung tâm các huyện.

- Đối với công nghiệp cơ khí thủy, củng cố và mở rộng quy mô, tăng năng lực, cơ sở vật chất của các cơ sở hiện có; đầu tư xây dựng mới xí nghiệp cơ khí đóng tàu, thuyền.

- Tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư trong nước, ngoài nước vào tỉnh trong lĩnh vực công nghiệp giao thông.



12. Trung tâm đăng kiểm, đào tạo và sát hạch

- Đầu tư nâng cấp, mở rộng trung tâm đăng kiểm hiện có tại thành phố Hoà Bình bằng việc đầu tư thêm một dây chuyền mới và chuyển đến vị trí mới đảm bảo diện tích phục vụ nhu cầu đăng kiểm trên địa bàn với hai dây chuyền kiểm định, năng lực kiểm định trên 30.000 lượt/năm. Nghiên cứu xây dựng dây chuyền đăng kiểm phương tiện thuỷ nội địa trên địa bàn tỉnh theo hướng bổ sung chức năng nhiệm vụ cho trung tâm đăng kiểm phương tiện cơ giới đường bộ.

Giai đoạn sau năm 2020, xây dựng mới một trung tâm đăng kiểm tại huyện Lạc Thuỷ hoặc Yên Thuỷ, với một dây chuyền kiểm định, năng lực kiểm định trên 15.000 lượt/ năm.

- Đầu tư nâng cấp các Trung tâm Đào tạo, sát hạch hiện có trên địa bàn. Nâng cấp Trung tâm Đào tạo, sát hạch lái xe Lương Sơn thành Trung tâm sát hạch tối thiểu đạt loại II. Di chuyển Trung tâm Đào tạo lái xe mô tô hạng A1 đến vị trí mới và nâng cấp, mở rộng thành trung tâm đào tạo, sát hạch lái xe cơ giới đường bộ loại III trở lên;

Giai đoạn sau năm 2020, đầu tư xây mới các trung tâm đào tạo sát hạch lái xe trên địa bàn tỉnh đáp ứng nhu cầu của nhân dân và góp phần đáp bảo trật tự an toàn giao thông. Đặc biệt ưu tiên đầu tư xây mới trung tâm đào tạo sát hạch lái xe trên địa bàn huyện Tân Lạc và huyện Yên Thủy với quy mô tối thiểu đào tạo hạng C và Trung tâm sát hạch loại II trở lên.

13. Nhu cầu đất

Dự kiến quỹ đất cho hệ thống giao thông đến năm 2030 là 12.926,42 ha.



14. Nhu cầu vốn đầu tư

a) Vốn đầu tư xây dựng

Ước nhu cầu vốn đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông đến năm 2020:

- Đường cao tốc, quốc lộ: 7.198 tỷ đồng.

- Đường 229: 1.080 tỷ đồng.

- Đường tỉnh: 4.678 tỷ đồng.

- Đường GTNT: 3.016 tỷ đồng.

- Đường thuỷ nội địa: 95 tỷ đồng.

b) Vốn bảo trì

Ước nhu cầu vốn bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đến năm 2020:

- Đường do Trung ương quản lý: 416,5 tỷ đồng.

- Đường do tỉnh quản lý: 315 tỷ đồng.

- Đường giao thông nông thôn: 119,2 tỷ đồng.

15. Cơ chế, chính sách phát triển giao thông vận tải

a) Phát triển giao thông vận tải theo quy hoạch, kế hoạch: Căn cứ Quy hoạch được duyệt, xây dựng kế hoạch đầu tư phát triển các công trình theo từng giai đoạn.

Việc đầu tư cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới các tuyến giao thông và các công trình phục vụ vận tải phải phù hợp với quy hoạch.

Xác định và cắm mốc chỉ giới theo quy định của pháp luật, dành quỹ đất để mở rộng, nâng cấp các công trình giao thông nhằm giảm thiểu chi phí đền bù GPMB.

b) Sử dụng hiệu quả các nguồn ngân sách và hỗ trợ từ trung ương, bộ, ngành cho các công trình trọng điểm, phát huy nội lực địa phương cho các công trình địa phương.

Tăng cường thu hút vốn đầu tư trong nước, ngoài nước, các thành phần kinh tế, dưới nhiều hình thức khác nhau: Xây dựng - Kinh doanh - Chuyển giao (BOT); Xây dựng - Chuyển giao - Kinh doanh (BTO); Xây dựng - Chuyển giao (BT), phối hợp đầu tư nhà nước và tư nhân (PPP), đồng thời tranh thủ các nguồn vốn hỗ trợ chính thức (ODA), vốn phi chính phủ (NGO),...

Khuyến khích các thành phần kinh tế có đủ điều kiện tham gia kinh doanh vận tải, các dịch vụ hỗ trợ vận tải và công nghiệp sửa chữa, lắp ráp, đóng mới phương tiện.

Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chủ trương “nhà nước và nhân dân cùng làm” để phát triển, cứng hóa giao thông nông thôn, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

c) Khuyến khích áp dụng công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực xây dựng công trình cũng như trong các lĩnh vực vận tải.

Tích cực và mạnh dạn áp dụng các công nghệ khoa học tiên tiến trong công tác nâng cấp, cải tạo cầu đường, làm đường mới, xử lý những nơi nền đường, mặt đường yếu ở những nơi hay bị lũ lụt, xử lý chống sụt ta luy đường.

d) Thực hiện bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông theo đúng quy trình, quy định; huy động nhiều nguồn để đảm bảo số vốn, kịp thời cho công tác bảo trì.

Xác định, phân chia rõ trách nhiệm quản lý, bảo trì giữa các cấp; nâng cao nhận thức, tạo lập thói quen quản lý bảo trì đường giao thông nông thôn.

đ) Tăng cuờng năng lực cho cán bộ, công nhân làm công tác quản lý giao thông cả về kiến thức quản lý và kỹ thuật.

Điều 2. Tổ chức thực hiện

1. Giao Sở Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố tổ chức triển khai thực hiện điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển giao thông vận tải tỉnh Hòa Bình đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

Trên cơ sở quy hoạch, Sở Giao thông vận tải xây dựng kế hoạch cụ thể theo từng giai đoạn, phù hợp với phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; đề xuất những giải pháp để thực hiện quy hoạch, trình Uỷ ban nhân dân tỉnh quyết định.

2. Các sở, ngành có liên quan và Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với Sở Giao thông vận tải thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu của quy hoạch phát triển giao thông vận tải, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ với quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.



Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 1119/QĐ-UBND ngày 22 tháng 5 năm 2008 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh.

Điều 4. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc các Sở: Giao thông vận tải, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.


TM. UỶ BAN NHÂN DÂN

KT. CHỦ TỊCH

PHÓ CHỦ TỊCH

Nguyễn Văn Dũng


tải về 86.6 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương