Tu luật thánh biểN ĐỨc ngày 1 tháng 1



tải về 230.08 Kb.
trang2/3
Chuyển đổi dữ liệu05.08.2016
Kích230.08 Kb.
#13908
1   2   3

Ngày 11 tháng 1

 11 Thế nên, ai đã nhận danh hiệu viện phụ, phải biết hưởng dẫn môn đệ bằng hai hình thức giáo hoá: 12 nghĩa là lấy việc làm hơn là lời nói mà chỉ cho họ tất cả những gì lành thánh. Vậy với những môn đệ có khả năng nhận thức, ngài dùng lời nói mà giảng dạy lề luật Chúa; còn đối với những môn đệ cũng lòng hoặc chất phác, ngài hãy lấy việc làm mà bày tỏ huấn lệnh Chúa. 13 Tất cả những gì ngài dạy cho môn đệ biết là trái, ngài hãy lấy việc làm mà chỉ cho họ là không được làm, kẻo giảng cho người mà chính ngài lại bị luận phạt, 14 sợ rằng có ngày Thiên Chúa sẽ khiển trách ngài như một tội nhân : “Giới luật của Ta, sao ngươi hằng nhắc nhớ. Miệng  ngươi công bố lời giao ước của Ta mà chính ngươi lại chán ghét điều sửa dạy, lời Ta truyền đem vứt bỏ sau lưng”? 15 Lại rằng : “Sao anh thấy cải rác trong con mắt của người anh em, còn cải xà trong con mắt mình thì lại không để ý tới?”

 

1. Với thánh Biển Đức, viện phụ không chỉ giảng dậy bằng lời nói, nhưng bằng cả lời nói lẫn việc làm. Thánh Biển Đức hy vọng rằng ai không chịu nghe lời sẽ được cảm hóa nhờ gương sáng. Nhưng phải làm sao đây khi một đan sĩ không muốn nghe cũng chẳng muốn nhìn? Vì trong một cộng đoàn lúc nào cũng có thể có những đan sĩ không chịu nghe cũng chẳng chịu nhìn. Họ cứ sống theo cách của họ, bất chấp cộng đoàn nơi họ đang ở.



2. Người ta có thể nhắc nhở, dù xem ra như quá khắt khe, vậy mà ngay sau đó họ vẫn cứ như thường. Trái lại, có những người khác do óc chống đối mà làm ngược lại điều được yêu cầu, giống như con trẻ mới lớn muốn chứng tỏ mình khi đập phá đồ đạc. Khi ấy viện phụ có thể trở nên cứng cỏi, như một thứ cảnh sát, hoặc ngược lại, chán nản, buông xuôi và bỏ mặc.

3. Thánh Biển Đức mở ra cho ta một nhãn giới khác qua trích dẫn Thánh Kinh ở c.15: đó là bản văn Mt 7,3 trong dụ ngôn cọng rơm và cái xà. Chúa Giêsu không nói: con không thể làm gì được cho người anh em vì con chưa hoàn hảo. Vì như thế sẽ mâu thuẫn với đoạn Phúc âm khác khi ngài bảo nhắc nhở người anh em có lỗi, trước hết riêng mình với họ rồi có thêm người làm chứng. Không, Chúa Giêsu không bảo cứ để mặc, nhưng ngài lưu ý tới thái độ tâm hồn của người có trách nhiệm nhắc nhở. Phải chăng họ sẽ làm như người pharisiêu muốn bắt kẻ khác giữ luật? Hay như người môn đệ Chúa muốn cho anh em mình thăng tiến, muốn cho cộng đoàn nên hoàn hảo hơn? Yêu thương vẫn khó hơn là áp dụng kỷ luật. Nhưng tình yêu cũng không kém đòi hỏi. Trái lại, như chúng ta biết, vấn đề thực sự là vấn đề con tim. Vì chỉ con tim mới có thể nói với con tim và đánh động được con tim người khác.





Ngày 12 tháng 1

 16 Trong đan viện, viện phụ đừng thiên vị ai. 17 Đừng thương người này hơn người nọ, trừ khi nhận thấy kẻ ấy trội hơn về các việc lành và sự vâng phục. 18 Không được ưu đãi người tự do hơn người xuất thân từ giai cấp nô lệ, trừ khi có lý do chính đáng. 19 Nhưng nếu vì lẽ công bằng mà viện phụ xét là cần phân biệt như thế thì ngài cứ việc làm, bất kể người được ưu đãi thuộc giai cấp nào; ngoài ra, ai nấy cứ giữ thứ vị của mình. 20 Vì dù nô lệ hay tự do, tất cả chúng ta là một trong Chúa Kitô, cùng chiến đấu để phụng sự một Chúa, vì Thiên Chúa không thiên vị ai. 21 Mà nếu nơi Chúa có sự phân bịệt nào, thì duy ở chỗ chúng ta hơn nhau về việc lành và lòng khiêm tốn. 22 Vì thế, viện phụ phải thương yêu mọi người như nhau, áp dụng một quy tắc chung cho mọi người, tùy theo công trạng của họ.

 

1. “Ngài hãy yêu thương mọi anh em và xử với mọi người như nhau”. Chỉ thị này ở c.22 xem ra khó mà dung hòa được với điều thánh Biển Đức nói ở c.32: “ngài sẽ thích ứng với mọi anh em tùy theo cá tính và tâm thức của mỗi người”. Làm sao xử với mọi người như nhau mà vẫn thích ứng được với từng người? Làm sao giữ được sự công bằng trong khi vẫn quan tâm tới sự khác biệt về tính khí? Viện phụ phải làm một điều không thể thực hiện được sao?



2. Khi Thánh Biển Đức bảo phải âu yếm với người này và dùng đòn vọt với người kia thì thoạt tiên có vẻ như ngài bỏ qua nguyên tắc về công bằng tuyệt đối. Nhưng có đúng vậy không? Khi tôi hoán cải trở về với đời sống đạo, để ôn lại đức tin, tôi đã dậy giáo lý trong vòng một năm cho bọn trẻ hay phá phách thuộc các thành phổ mỏ. Trong các học trò của tôi có một đứa rất ngỗ nghịch, nó không bao giờ học bài và phá tới độ thường bị phạt ngồi góc nhà hay ngoài cửa lớp. Thế mà vào ngày sau cùng khi tôi kết thúc khóa học thì em ấy là người duy nhất đã đến tặng quà cho tôi. 

3. Thực ra thánh Biển Đức có lý. Có những người cần xử mạnh tay, có những người lại phải êm ái nhẹ nhàng, nhưng luôn luôn vẫn chỉ bằng cùng một tình yêu thương. Sửa dậy, khiển trách, khích lệ, như thánh Phaolô nói, là dấu chỉ của tình thương, dấu chỉ cho thấy rằng mỗi người đều có giá trị của họ, rằng mọi người đều đáng giá như nhau. Cách làm có thể khác nhau, nhưng tình thương vẫn chỉ là một. Đôi khi, nhìn những cách xử sự khác nhau như thế người ta có thể hoài nghi. Nhưng có lẽ phải cần đến một trái tim con trẻ để nhận ra được tình thương đích thực.





Ngày 13 tháng 1

 23 Trong việc giáo huấn, viện phụ phải luôn luôn theo mẫu mực thánh Tông đồ đề ra : “Hãy bịện bác, ngăm đe, khuyên nhủ ”. 24 Nghĩa là phải tùy cơ ứng biến : dung hoà lời dịu dàng với giọng răn đe, khi tỏ vẻ như thầy nghiêm nghị, lúc lại  âu yếm như cha hiền. 25 Nghĩa là với những người vô kỷ luật và khuấy rồi, ngài phải nặng lời khiển trách; còn với những kẻ vâng phục, nhu mì, nhẫn nhục, ngài hãy khuyến khích họ tiến tới; còn những kẻ ươn lười ngạo mạn, cha khuyên ngài hãy quở phạt, sửa chữa.

26 Ngài chớ bao che tội lỗi của phạm nhân, nhưng vừa khi thấy chớm mọc, ngài phải hết sức tiêu diệt tận căn. Ngài hãy nhớ đến thảm họa cho tư tế Hêli tại Silô. 27 Với những ai tế nhị và thông minh, ngài chỉ cần nhắn nhủ một hai lần là đủ. 28 Nhưng với những kẻ xấu nết ngoan cố, kiêu căng bất phục, ngài hãy dùng roi vọt mà trừng trị, hoặc những hình phạt thể xác mà trấn át ngay lúc tật xấu vừa phát sinh, vì có lời chép : “Người ngu không thể lấy lời nói mà sửa dạy được”. 29 Lại rằng : “Hãy dùng roi mà sửa phạt con cái ngươi, để cứu linh hồn nó khỏi chết”.

 

1. “Con sẽ cứu linh hồn nó khỏi chết” (Cn 23,14). Khi trích dẫn lời sách Châm ngôn để kết thúc đoạn Tu luật chúng ta vừa đọc, thánh Biển Đức đưa ra định hướng cho hành động của viện phụ. Nếu viện phụ khiển trách, khích lệ, răn đe, tỏ ra vừa dịu dàng vừa nghiêm khắc, sửa phạt người chểnh mảng và quanh co, thì không phải vì sự ổn định của đan viện, cũng không vì muốn duy trì kỷ cương, nhưng để làm nảy sinh và tuôn trào sự sống đích thực.



2. Vì có một con đường dẫn tới cái chết, và một con đường dẫn tới hạnh phúc cũng như tới sự sống. Đó là hai con đường Thiên Chúa đã truyền cho Môsê loan báo cho dân: sự sống và hạnh phúc, sự chết và bất hạnh. Chỉ có một con đường dẫn tới sự sống, và theo cách của mình, thánh Biển Đức hiện thực hóa kinh nghiệm trải dài qua toàn bộ Thánh Kinh. Con đường ấy ta không dễ dàng nhận ra được, chính vì vậy mà phải khuyến khích, nhắc nhở, sửa dậy, bởi lẽ yêu thích sự sống không phải là điều đơn giản.

3. Những nẻo đường dẫn tới cái chết thì dễ đi và rộng rãi. Và đôi khi chúng ta bị lôi cuốn bởi một thứ bản năng muốn chết. Lời mắng nhiếc của bà vợ ông Gióp là một thí dụ: “Hãy nguyền rủa Thiên Chúa rồi chết đi!” Nhưng ông Gióp chọn sự sống, ông chọn đối diện với Thiên Chúa, ông muốn trở thành một người sống khi thân thưa với Thiên Chúa của những người sống, Thiên Chúa của các tổ phụ Abraham, Isaác, Giacóp. Vì Chúa là Thiên Chúa của kẻ sống. Con đường dẫn tới sự sống đòi ta phải chịu nhiều đau khổ, nhưng Thiên Chúa lại chờ đợi ta trên con đường này để ta trở nên những kẻ sống.





Ngày 14 tháng 1

 30 Viện phụ hãy luôn nhớ mình là ai, mang danh hiệu gì. Ngài phải biết rằng kẻ được ủy thác nhiều sẽ bị đòi hỏi nhiều. 31 Ngài hãy nhận thức rằng ngài đã lãnh nhận một nhiệm vụ khó khăn và cam go biết bao, tức là việc hướng dẫn các linh hồn và phục vụ bá tính. Quả thế, phải dịu dàng với người này, khiển trách người nọ, thuyết phục người kia. 32 Ngài phải tùy theo tính tình và trình độ hiểu biết của họ mà thích ứng sao cho phù hợp với mọi người, để không những khỏi phải buồn vì đoàn chiên được ủy thác bị thiệt thòi, mà còn vui mừng vì đoàn chiên lành tăng số.

                      

1. Thánh Biển Đức nhắc lại câu ngài đã nói ở đầu chương 2 này: “Viện phụ phải luôn luôn nhớ mình là ai”. Động từ “nhớ” sẽ còn trở lại một lần nữa ở cuối chương.

2. Ta có thể tự hỏi tại sao thánh Biển Đức lại nhấn mạnh nhiều như thế đến việc viện phụ phải nhớ đến danh hiệu của mình. Như chúng ta đã biết, danh hiệu ấy nói lên một ơn gọi mà thánh Biển Đức xác định bằng hai động từ trong bản văn tiếp theo: -viện phụ phải “quản trị” (bản latinh là “regere”, từ này có gốc là “rex” nghĩa là vua); -viện phụ phải “phục vụ” (bản latinh là “servire”, có gốc là “servus” nghĩa là nô lệ, tôi tớ).

3. Hai từ này, vua và tôi tớ, diễn dịch hoàn hảo ý tưởng được khi triển ở đầu chương: “Trong đan viện, người ta tin ngài đại diện Chúa Kitô, đấng mà ngài mang danh hiệu”. Danh hiệu này chính là “vua và tôi tớ”.

4. Ở đây ta thấy có sự mâu thuẫn giữa hai từ này. Ta dễ hình dung được thế nào là một ông vua và thế nào là một người tôi tớ. Nhưng một ông vua tôi tớ của mọi người? Sự mâu thuẫn này nhắc ta nhớ đến Chúa Kitô, chỉ duy mình ngài là Vua và Tôi Tớ đích thực.

5. Khi tỏ mình ra là tôi tớ hơn cả chính là lúc Chúa Kitô  mạc khải cho chúng ta vương quyền của ngài. Đó là nghịch lý lớn lao của Mạc khải: vinh quang và thập giá. Nơi nghịch lý này ta thấy được trọn vẹn quyền bính trong Giáo hội. Trái với quyền bính trong thế gian, được xây dựng trên sức mạnh, uy thế và giầu sang, quyền bính trong Giáo hội xây dựng trên việc từ bỏ chính mình. Thánh Phaolô diễn tả điều đó khi quả quyết: “Chính khi tôi yếu là lúc tôi mạnh”. Như vậy là “quản trị” và “phục vụ” đã trở nên đồng nghĩa với nhau.



Ngày 15 tháng 1

 33 Trước hết, ngài đừng sao lãng hoặc coi nhẹ phần rỗi các linh hồn Chúa ủy thác mà quá bận tâm đến của cải phù vân thế tục và chóng tàn. 34 Nhưng ngài phải xác tín ngài đã nhận việc hướng dẫn các linh hồn, thì tất nhiên phải trả lẽ về các linh hồn ấy. 35 Để khỏi phải vịn cớ tài chính eo hẹp, ngài hãy nhớ lời Thánh Kinh: “Trước hết, hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ khác, Người sẽ thêm cho”. 36 Và có lời: “Kẻ kính sợ Người chẳng thiếu thốn chi”.



37 Ngài nên biết rằng ai đã nhận hưởng dẫn các linh hồn, phải sẵn sàng trả lẽ. 38 Số anh em thuộc quyền ngài săn sóc, dù là bao nhiêu, ngài hãy nhận thức chắc chắn rằng đến ngày công phán ngài sẽ phải trả lẽ với Chúa về các linh hồn ấy và dĩ nhiên cả linh hồn mình nữa. 39 Vì trong khi ngài sợ Chúa sẽ tra vấn chủ chăn về các con chiên đã được ủy thác, trong khi lo trả lẽ về người khác thì ngài cũng biết lo cho chính mình. 40 Và trong khi khuyên người khác tu sửa, thì chính ngài cũng tự sửa mình.

 

1. Trong đoạn ngắn này bốn lần thánh Biển Đức nhắc nhở viện phụ trước hết phải quan tâm đến “phần rỗi các linh hồn” (c.33,34,37,38), kể cả linh hồn mình. Với thánh Biển Đức, trong cuộc sống thường nhật, phần rỗi các linh hồn phải được chăm lo hơn mọi thứ bận tâm khác.



2. Mối bận tâm đầu tiên liên quan tới “những sự mau qua, trần tục và tạm thời” (c.33). Thánh Biển Đức nhắc nhở rằng trong cuộc sống đan viện có một trật tự về các giá trị khác nhau. Và ngài bảo viện phụ phải cẩn thận kẻo lại đảo lộn trật tự đó mà thực tình chẳng hay biết. Có thể xẩy ra thảm trạng là trong đan viện người ta sao lãng điều cốt yếu: tìm Chúa, để bận tâm đến cái phụ thuộc: tìm của cải trần gian và những thực tại đời này. Như thế, trong những điều phải lựa chọn, thuộc lãnh vực cộng đoàn hay cá nhân, điều phải chọn trước hết là lợi ích các linh hồn.

3. Mối bận tâm thứ hai có thể gây tổn hại cho lợi ích các linh hồn không thuộc phạm vi vật chất nữa nhưng thuộc cách sống. Viện phụ không mong gì sửa dậy được người khác nếu ngài không tự sửa mình (c.39-40). Và đó là một điểm cốt yếu khác trong trách nhiệm của viện phụ: ngài không mong dẫn dắt anh em mình trên đường ngay nẻo chính được nếu ngài lại không đi vào đó.

4. Như vậy, trong việc hướng dẫn cộng đoàn, viện phụ phải làm hai điều. Trước hết là chú tâm tới trật tự các giá trị trong cuộc sống cụ thể hằng ngày của cộng đoàn, sau đó chính ngài phải đi vào con đường ngài muốn dẫn anh em đi. Nói về cầu nguyện, về việc đọc sách thiêng liêng, về khó nghèo, thinh lặng v.v mà chính mình lại không thực hiện thì đó là cái bẫy nguy hiểm nhất cho một cộng đoàn đan tu. Muốn nâng đỡ anh em thì trước hết phải coi xem mình có sống như mình nói không.

Chương 3


VIỆC HỘI Ý ANH EM

 

Ngày 16 tháng 1



 l Trong đan viện mỗi khi có việc quan trọng cần giải quyết, viện phụ sẽ triệu tập toàn thể cộng đoàn và tuyên bố lý do. 2 Sau khi lắng nghe ý kiến anh em, chính ngài sẽ tự cân nhắc, rồi thực hiện điều ngài xét là ích lợi hơn. 3 Sở dĩ cha truyền phải hội ý mọi người, vì Chúa thường tỏ cho kẻ ít tuổi những ý kiến hay hơn. 4 Anh em hãy góp ý với tất cả lòng khiêm tốn tùng phục, chứ đừng cố chấp bênh vực quan điểm của mình. 5 Việc quyết định thuộc quyền viện phụ. Điều ngài xét là hay hơn, thì mọi người phải vâng theo. 6 Nhưng nếu môn đệ có bổn phận vâng lời thì thầy có nghĩa vụ sắp đặt mọi việc cho sáng suốt và công bình.

                         

 1. Dưới cái nhìn của thánh Biển Đức, cuộc nhóm họp của cộng đoàn đan viện không hề giống với một hội nghị dân chủ dựa trên nguyên tắc mỗi người một lá phiếu. Nhưng theo ngài, đây là một tiến trình phân định, trong đó mỗi người đi tìm để nhận ra ý Chúa.

2. Để nhận ra ý Chúa, cần có một số điều kiện: a) Phải triệu tập toàn thể cộng đoàn (c.1), cả những anh em nhỏ nhất (c.3). b) Mỗi người phải nêu ý kiến, nhưng với lòng khiêm tốn và tùng phục, không bảo thủ ý mình (c.4). Vì đây không phải là lúc để áp đặt ý kiến riêng, nhưng để cộng đoàn cùng nhau suy tư, nhờ thế mà trong suốt cuộc trao đổi các ý kiến sẽ phát sinh, sẽ thay qua đổi lại và làm phong phú cho nhau.

3. Tiến trình này đòi hỏi nơi anh em cũng như nơi viện phụ một khả năng cốt yếu, tức là khả năng tìm kiếm điều tốt nhất, như c.3 nói, và để được vậy thì phải cùng nhau đi tìm, phải chấp nhận rằng mình chưa biết được điều gì là tốt nhất. 

4. Vai trò của viện phụ là hỗ trợ tiến trình tìm kiếm, hướng nó tới đích, cho đến khi có được quyết định sau cùng. Tức là mang tới cho kinh nghiệm thuộc lãnh vực tinh thần của cộng đoàn một bộ mặt, một nội dung xác định. Mỗi người không còn dè giữ nữa nhưng mạnh bạo đi tìm điều tốt nhất mà Thiên Chúa muốn cho chúng ta. Đó thực là công việc của Giáo hội, chứ không của riêng ai.





Ngày 17 tháng 1

 7 Vậy, trong mọi trường hợp, tất cả phải theo Tu luật là thầy, chớ ai cả gan sai lệch ra ngoài. 8 Trong đan viện không ai được theo ý muốn của lòng mình. 9 Cũng đừng ai táo bạo tranh cãi với viện phụ một cách hỗn xược, dù ngoài đan viện cũng vậy. 10 Nếu ai cố phạm, hãy chiếu Tu luật mà trừng phạt. 11 Tuy nhiên, chính viện phụ phải thi hành mọi sự với lòng kinh sợ Chúa, và tôn trọng Tu luật. Ngài hãy biết không chút nghi ngờ rằng ngài sẽ phải trả lẽ cùng Thiên Chúa, Ðấng Thẩm Phán chí công về mọi quyết định của mình. 12 Còn những việc ít quan trọng, nhưng hữu ích cho đan viện, ngài chỉ cần tham khảo ý kiến các vị lão thành, 13 như lời chép: “Làm gì con cũng nên bàn hỏi, để xong việc, con sẽ khỏi hối hận”.

 

1. “Trong đan viện không ai được làm theo ước muốn của lòng mình”. Nếu chúng ta không làm chủ được những ước muốn nảy sinh và trào ra trong ta, thì có thể chúng ta sẽ chiều theo những ước muốn đó. Thánh Biển Đức biết rõ lòng người, và ở đây ngài chỉ lặp lại kiểu nói đã được sử dụng lâu đời trong truyền thống đan tu: “ý riêng”.



2. Đây không phải chỉ là vấn đề của đan sĩ mà của cả viện phụ nữa. Nếu những c.7,8,9 bảo đan sĩ không được sống ngoài Tu luật (7), làm theo ý muốn của lòng mình (8) và phản kháng (9), thì những câu tiếp theo nhắc nhở viện phụ phải tuân theo Tu luật, kính sợ Chúa (11) và tham khảo ý kiến anh em (12). Đây không phải là vấn đề kỷ cương như thoạt tiên ta có thể nghĩ, nhưng đây là vấn đề thực sự thiêng liêng. Dù ở vị trí nào trong đan viện, đan sĩ không được chiều theo ý muốn của lòng mình.

3. Công việc phân định mà thánh Biển Đức đòi chúng ta thực hiện thật không hề đơn giản. Chúng ta thường lẫn lộn ước muốn riêng của mình với điều gì tốt cho chúng ta và cho người khác, và chỉ nghe theo lời khuyên khi hợp với khuynh hướng của mình. Vậy bước đầu tiên là chấp nhận rằng mình không thấy. Cần điều trị cái nhìn để có thể thấy được. Việc điều trị này là một đề tài trọng yếu nơi các linh phụ. Nếu Thiên Chúa đã làm người là để chúng ta có thể nhìn thấy ngài, và khi nhìn ngài cái nhìn của chúng ta dần dần được biến đổi, vì sau cùng ta sẽ nên giống như đấng mà ta mến yêu ngắm nhìn. Chính khi nhìn ngắm Chúa Giêsu mà chúng ta sẽ dần dần được giải thoát khỏi ý riêng hằng gây trở ngại cho ta, nhờ thế ta nhận ra được ý ngài.



Chương 4


NHŨNG KHÍ CỤ LÀM VIỆC LÀNH

 Ngày 18 tháng 1



 l Trước hết, hãy kinh mến Chúa là Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực. 2 Thứ đến, hãy thương yêu người lân cận như chính mình. 3 Đừng giết người. 4 Chớ ngoại tình. 5 Đừng trộm cắp. 6 Chớ tham lam. 7 Đừng làm chứng gian. 8 Hãy tôn trọng mọi người. 9 Điều ta không muốn người khác làm cho mình thì đừng làm cho người ta. 10 Hãy bỏ mình để theo Chúa Ki tô. 11 Sửa trị thân xác. 12 Không ham mê khoái lạc. 13 Yêu thích chay tịnh. 14 Nâng đỡ người nghèo. 15 Mặc cho người không áo. 16 Thăm viếng bịnh nhân. 17 Chôn cất kẻ chết. 18 Cứu trợ kẻ hoạn nạn. 19 An ủi người sầu khổ. 20 Xa lánh việc đời. 21 Không quý gì hơn lòng mến Chúa Kitô.

 

1. Sách Sáng thế nói: “Thiên Chúa phán… và đã xẩy ra như vậy” (St 1,11). Nơi Thiên Chúa không có ngắt quãng giữa lời nói và hiệu quả. Nói tức là làm, cả hai chỉ là một. Khi đọc lại toàn bộ Thánh Kinh ta có thể nhận thấy khoảng cách ngày càng xa nơi con người giữa lời Chúa nói và việc họ làm.



2. Mọi xung đột giữa Chúa Giêsu và những người pharisiêu có thể tóm lại trong câu ngài bảo: “Họ nói mà không làm”. Thánh Phaolô lặp lại nhận xét đó trong thư Rôma: “Thật vậy, tôi làm gì tôi cũng chẳng hiểu, vì điều tôi muốn thì tôi không làm, nhưng điều tôi ghét, tôi lại cứ làm” (Rm 7,15). Như thế, cái khổ thực sự của con người hệ tại ở sự mất cân đối giữa lời nói và hành động. Đó là nguồn gốc của nỗi khắc khoải sâu xa nhất nơi chúng ta.

3. Chính trong bối cảnh này mà chúng ta phải đọc và suy tư về chương 4 của Tu Luật. Trước hết không phải như một bản liệt kê các điều luật để tuân giữ, nhưng như lời nhắc nhở về sự xâu xé làm biến dạng cuộc sống chúng ta: chúng ta nói nhưng lại không làm. Vì từ kinh nghiệm ban đầu của kitô giáo con người vừa ý thức được sự mỏng dòn và nỗi cùng khổ của thân phận mình vừa cảm nhận được bàn tay Chúa Kitô đưa ra để cứu thoát mình.

4. Ai không còn nhận ra được sự chênh lệch giữa lời nói và việc làm của mình, hay viện lẽ là Thiên Chúa nhân từ, sẽ không hiểu được điều thánh Biển Đức muốn nói ở đây. Thực vậy, chính ý thức về sự chênh lệch đó trong cuộc sống chúng ta sẽ là nguồn phát sinh và động lực cho mọi ơn gọi đan tu. Các linh phụ sa mạc đã hiểu như thế, và những cách ngôn của các ngài là giải đáp cho yêu cầu của người môn đệ: “Thưa viện phụ, xin nói cho con một lời để con được cứu” khi thực hành lời đó.



Ngày 19 tháng 1

 22 Đừng thỏa cơn giận. 23 Đừng tích lòng thù oán. 24 Đừng thủ mưu gian. 25 Đừng chúc bình an giả dối. 26 Đừng mất lòng bác ái. 27 Đừng thề kẻo bội thề. 28 Nói thật trong lòng cũng như ngoài miệng. 29 Đừng lấy ác báo ác. 30 Đừng lăng nhục ai. Còn điều người ta lặng nhục mình hãy kiên nhẫn chịu dựng. 31 Yêu thương thù địch. 32 Đừng nguyền rủa kẻ nguyền rủa ta, nhưng tốt hơn hãy chúc lành cho họ. 33 Vui chịu bách hại vì công lý. 34 Đừng kiêu căng. 35 Đừng rượu chè. 36 Đừng mê ăn. 37 Đừng mê ngủ. 38 Đừng bịếng nhác. 39 Không lẩm bẩm kêu ca. 40 Không gièm pha. 41 Hãy đặt hy vọng nơi Thiên Chúa. 42 Thấy gì tốt nơi mình, hãy quy về Chúa, chứ đừng gán cho mình. 43 Còn điều gì xấu, hãy luôn nhìn nhận là do mình làm và quy trách cho mình.

   


1. Đối với Thiên Chúa, nói và làm chỉ là một. Với chúng ta thì không phải thế. Như chúng ta đã lưu ý ở đoạn Tu luật của ngày hôm qua, Thánh Kinh là biên bản ghi nhận sự chênh lệch càng ngày càng lớn giữa lời nói và việc làm. Tu luật thánh Biển Đức hướng ta đến việc phục hồi hình ảnh Thiên Chúa nơi ta, được thể hiện bằng cách thực thì Lời Chúa.

2. Nhưng đối thánh Biển Đức, con đường trở về với Thiên Chúa khởi đầu bằng việc giữ mình cho khỏi điều xấu. Trước khi bước vào con đường hành thiện: “làm cho người khác điều mình muốn họ làm cho mình”, thánh Biển Đức yêu cầu đan sĩ “đừng làm cho người khác điều ta không muốn họ làm cho ta” (c.9). Như vậy, con đường tình yêu, con đường trở về với Thiên Chúa khởi đầu bằng việc giữ mình cho khỏi điều dữ, như ta nhận thấy trong đoạn luật này.

3. Nếu sự dữ là vắng bóng sự thiện, một sự khiếm khuyết, thì con đường trở về với sự thiện phải đi qua việc kiêng giữ mình khỏi những gì hủy hoại, những sai lạc và khiến cho cuộc sống con người trở nên cằn cỗi. Làm điều tốt khởi đầu bằng cách tránh làm điều xấu.

4. Điều đó xem ra quá sơ đẳng khiến ta tự hỏi tại sao thánh Biển Đức còn phải nhắc lại trong một bản luật dành cho các đan sĩ. Có thực sự đáng ngạc nhiên không? Chỉ cần đọc tiểu sử thánh Biển Đức do thánh Grêgôriô viết ta sẽ hiểu. Một số đan sĩ không những chỉ lăng mạ ngài mà còn tìm cách đầu độc ngài nữa. Thánh Biển Đức cũng đã phải giáp mặt với mầu nhiệm của Giuđa, của phản bội. Ngài biết rằng điều đáng ngạc nhiên không phải là sự dữ nhưng là sự lành. Ngài biết rằng điều làm nên phép lạ đó là “người không lỗi lời hứa và cho vay không đặt lãi”, như Thánh vịnh nói, chứ không phải ngược lại. Ngài hiểu rằng tình thương và lòng trung tín là phép lạ đích thực. Chính điều đó làm chúng ta phải ngạc nhiên.





Ngày 20 tháng 1

 44 Sợ ngày phán xét. 45 Kinh khiếp hoả ngục. 46 Hết lòng khao khát sự sống vĩnh cứu. 47 Ngày ngày đinh ninh mình sẽ chết. 48 Canh chừng hành động của mình trong từng giây phút. 49 Hãy xác tín Chúa nhìn ta mọi nơi. 50  Những tà ý phát khởi trong lòng, hãy vội đập tan vào Chúa Kitô, và hãy bộc lộ với vị linh hướng. 51 Hãy canh giữ miệng khỏi lời xấu xa hay ác độc. 52 Đừng ham nói nhiều. 53 Đừng nói chuyện phù phiếm diễu cợt. 54 Đừng ham cười nhiều hoặc cười ầm ĩ. 55 Thích nghe đọc sách thánh. 56 Siêng năng cầu nguyện. 57 Hằng ngày trong giờ cầu nguyện hãy khóc lóc than van, xưng thú cùng Chúa mọi lỗi lầm  quá khứ. 58 Rồi sửa chữa những lỗi lầm ấy. 59 Đừng thỏa mãn những ham muốn xác thịt. 60 Gớm ghét ý riêng. 61 Vâng lời viện phụ trong mọi điều, cho dù Ngài có ngôn hành bất nhất - mong đừng có như thế - lúc ấy hãy nhớ lệnh Chúa truyền: “Điều họ nói, các ngươi hãy làm; còn điều họ làm, các ngươi chớ theo”. 62 Khi chưa thánh đừng muốn người ta gọi mình là thánh; nhưng hãy thánh trước đi để lời người ta nói được xác thực.

                     

1. Sợ hãi, ước mong. Có lẽ hai từ đó đã tóm lược cả đoạn luật này. Hẳn là tình yêu xua đuổi sợ hãi, như thánh Gioan nói. Nhưng ai trong chúng ta dám cho rằng mình đã yêu cách hoàn hảo? Có thứ sợ rất lành mạnh, đôi khi lúc đầu có thể giống như nhút nhát hay quị lụy, nhưng sẽ mau chóng trở thành nỗi sợ vì yêu mến.

2. Thoạt tiên, nỗi sợ ấy giống như là sợ làm sai, sợ bị bắt, sợ bị lừa. Một nỗi sợ có tính cách nô lệ. Nhưng nếu có thêm tình yêu, nỗi sợ ấy sẽ dần dần nhường chỗ cho một nỗi sợ khác, sợ không biết hiến mình trọn vẹn, sợ không biết phải nói sao cho đúng, sợ không yêu thương cách chân thành.

3. Bước chuyển biến từ nỗi sợ cách nô lệ sang nỗi sợ vì yêu mến không xẩy ra tức khắc. Đôi khi, nếu chỉ nhìn từ bên ngoài, cả hai giống nhau tới độ ta không thấy được sự khác biệt giữa chúng. Tuy nhiên, chúng ta đều có thể quan sát thấy nơi anh em mình, nhất là nơi các vị cao niên, bước chuyển biến đó đang hình thành, dù đương sự không nhận ra.

4. Điều gì đã giúp cho sự biến chuyển ấy, tác động ấy của ơn thánh xẩy ra trong tâm hồn con người? Có lẽ chỉ là một điều rất đơn giản, rất nhỏ bé, nhưng lại đảo lộn cái nhìn của chúng ta. Người trong cuộc không nhận thấy. Điều đó diễn ra qua những cái nhỏ mọn nhất của cuộc sống hằng ngày. Có thể nói rằng ơn thánh hoạt động khi mà, trước một yêu cầu  nào đó, điều ta nghĩ đến trước hết không còn phải là bản thân mình nữa, nhưng là lợi ích, nhu cầu, nỗi khổ hay niềm vui của người khác. Tóm lại, khi ta từ bỏ chính mình là lúc bắt đầu có nỗi sợ vì yêu mến.



Каталог: wp-content -> uploads -> downloads -> 2011
2011 -> CÔng đỒng vatican II qua bốn thập niêN
2011 -> TÒa giám mục xã ĐOÀi chỉ nam giáo phận vinh lưỢC ĐỒ TỔng quáT
2011 -> 1. phép lạ thánh thể ĐẦu tiên khoảng năm 700 Tại làng Lanciano, nước Ý (italy)
2011 -> Thiên chúa giáo và tam giáO Đường Thi Trương Kỷ
2011 -> Tác giả Võ Long Tê chưƠng I bối cảnh lịch sử
2011 -> LỊch sử truyền giáo tại việt nam quyển II lm. Nguyễn hồng chưƠng I: MỘt cha dòng têN Ở việt nam tới rôMA
2011 -> Các mẫu thức MẠc khải lm. Lê Công Đức
2011 -> Một lời nói đầu không phải là nơi nhiều chỗđể tóm lược lập luận của một cuốn sách cũng như định vị hoặc phát biểu về sựquan trọng của nó. Đây quả thực là một cuốn sách rất quan trọng
2011 -> LỜi giới thiệu suy tư ban đẦu về MẦu nhiệm giêSU

tải về 230.08 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương