Tết, Cúm Gà Ở Quê Nhà vn



tải về 299.09 Kb.
trang4/5
Chuyển đổi dữ liệu07.07.2016
Kích299.09 Kb.
#1394
1   2   3   4   5

Đồi Gió
Diệu Trân
Mới quá trưa, trời bỗng tối sầm, mây đen ở đâu kéo đến nhanh quá, và không bao lâu, mưa bắt đầu rơi. Tôi ngồi trước bàn thờ Phật, lặng lẽ nhìn mưa rạt rào ngoài khung cửa kính, lòng lắng trong, an tịnh sau thời kinh Bát Nhã. Nhưng mưa mỗi lúc một nặng hạt hơn, rồi gió vần vũ ngả nghiêng những nhánh hồng, đập vào cửa kính, phút chốc, cuốn giạt tâm tĩnh lặng trong tôi, lên tới một vùng đồi tầm tã bão giông và đầy gió nổi !
Mấy ngày nay, khi tọa thiền, tâm tôi lại lang thang về đồi gió đó, một nơi chốn tôi chưa từng được biết, được tới. Chỉ vì tờ tạp chí tình cờ có được, trong đó một bài viết có đôi giòng nhắc về ngôi chùa cổ rất nghèo, rất khuất lánh, trên ngọn đồi Kim Sơn nhìn xuống phía bắc sông Bạch Yến. Chùa thuộc làng Lựu Bảo, gần chùa Linh Mụ ở Huế. Sau khi bị chấn động vì một vài chi tiết trong bài viết đó, tôi lục tung cả hai kệ sách, giở tất cả những cuốn có di tích về chùa chiền miền Trung, tìm thấy hàng trăm tên chùa lớn nhỏ, trừ chùa Kim Sơn! Ngôi chùa nhỏ “vô ngã” đến thế nên mấy ai biết chùa đã gắn liền với lịch sử nổi trôi của vận nước từ hơn ba thế kỷ qua mà gần đây nhất, thập niên bốn mươi, đã để lại viên Xá Lợi sáng ngời Bi Trí Dũng trong ngôi tháp tại khuôn viên chùa.
Tuy không tìm được sách vở, hình ảnh gì về chùa Kim Sơn nhưng những chi tiết hiếm hoi đọc được qua tờ tạp chí đã không ngừng thôi thúc tôi quán chiếu về bao dữ kiện lịch sử hào hùng của dân tộc thời thập niên bốn mươi, thời người Pháp đã thẳng tay tiêu diệt những phần tử cách mạng yêu nước, tiêu biểu nhất là Việt Nam Quốc Dân Đảng, nổi dậy từ thập niên ba mươi. Không riêng gì Việt Nam, lịch sử thế giới đã chứng minh từ ngàn năm là khi không còn gì để mất thì không còn gì để sợ ! Bao nhiêu năm dưới ách thống trị của người Pháp, người dân Việt Nam đã không còn gì để mất nữa, nên người Việt Nam vẫn tiếp tục đứng dậy đòi lại quyền làm người. Cũng từ ngàn xưa, người Phật tử hiểu rằng Đạo Pháp với Dân Tộc là một.
“Đạo như Trời Đất
Vận hành mang mang
Lặng thinh dũng mãnh
Rạt rào thơm ngát Kim Cang….”
Thế nên vào những năm cực kỳ đen tối của Đạo Pháp và Dân Tộc thì Thất Hiền đã tùy duyên mà cứu độ chúng sanh. Đó là những năm 1946, 1947 bẩy vị Thầy ưu tú nhất, tốt nghiệp Phật Học Đường Báo Quốc tại Huế (tương đương với bằng đại học Phật Giáo đầu tiên thời ấy) đã nương hạnh Bồ Tát Quán Âm mà tải đạo giúp đời. Có vị lánh vào Nam, âm thầm củng cố Giáo hội tăng già, có vị cởi áo cà-sa tham gia kháng chiến, theo đúng tinh thần Quán Âm, nghe tiếng kêu thương quằn quại của cuộc đời là tìm đến bằng mọi cách, bằng bất cứ hình dáng nào thích hợp “Ưng dĩ trưởng giả, cư sĩ, tể quan, bà la môn, phụ nữ thân đắc độ giả, tức hiện trưởng giả, cư sĩ, tể quan, bà la môn, phụ nữ thân nhi vị thuyết pháp. Ưng dĩ đồng nam đồng nữ thân đắc độ giả, tức hiện đồng nam đồng nữ thân nhi vị thuyết pháp. Ưng dĩ thiên, long, dạ xoa, càn thát bà, atula, cẩn na la, ma hầu la già, nhân phi nhân đẳng thân đắc độ giả, tức giai hiện chi nhi vị thuyết pháp”, chỉ còn một Thầy tình nguyện ở lại với ngôi chùa xiêu vẹo để cùng chia xẻ gian nguy và làm nơi nương tựa tinh thần cho dân nghèo quanh vùng. Đó là Thầy Trí Thuyên, một trong Thất Hiền ưu việt của Phật giáo Việt Nam thời đó. Với lưới tình báo bủa vây khắp nơi, người Pháp đã nghe phong phanh về ngọn đồi khô cằn sỏi đá trên đó có ngôi chùa đổ nát đã thị hiện những vị Bồ Tát đang rải giòng Cam Lộ ngọt ngào cho vơi bớt cùng khổ của muôn dân.
Ngày 23 tháng 2 năm 1947, người Pháp được chỉ điểm đã bất thần kéo lực lượng võ trang hùng hậu tràn lên đồi Kim Sơn, xông vào chùa khi thầy Trí Thuyên đang tọa thiền trước chánh điện. Chúng lên đạn rầm rập, định bắn Thầy ngay. Thầy chỉ điềm đạm yêu cầu để Thầy tụng xong một thời kinh rồi hãy bắn, cũng không muộn. Chúng đồng ý. Và Thầy khai chuông mõ, an nhiên tụng kinh như Thầy từng hướng dẫn nghi lễ mà phía sau Thầy là những Phật tử hiền lành, chất phác. Khi phiên kinh dứt, Thầy điểm chuông, lạy ba lạy. Tiếng chuông còn ngân dài mà tiếng súng đã chát chúa vang lên! Thầy Trí Thuyên gục xuống trước Tam Bảo khi Thầy chỉ vừa hai mươi bốn tuổi!!!
Kính lạy Chư Phật
Kính lạy Quán Thế Âm Bồ Tát
Tiếng chuông cứu độ quyện vào tiếng súng oan nghiệt đó, tới nay đã gần sáu thập niên, có lúc, có kẻ tưởng rằng cát bụi ta-bà đã phủ lấp Chân Như; nhưng không, trên ngọn đồi Bi Trí Dũng đó, gió có bao giờ ngừng thổi, mây có bao giờ ngừng bay, mặt trời có bao giờ ngừng mọc, trăng có bao giờ ngừng sáng, mưa có bao giờ ngừng rơi, nắng có bao giờ ngừng chiếu... nên thầy Trí Thuyên có bao giờ mà không còn đó với Kim Sơn, khi gió chính là mây, mây chính là mặt trời, mặt trời chính là mặt trăng, mưa lạnh chính là nắng ấm và thầy Trí Thuyên chính là Đạo Cả, là Chánh Pháp, là trùng trùng duyên khởi của vạn hữu bất sanh bất diệt.
Với tất cả tấm lòng hướng về Chư Phật, con tin chắc thầy Trí Thuyên còn đó, con tin chắc không bao giờ thầy Trí Thuyên lại không còn đó. Không phải thầy chỉ còn đó mà thầy vẫn đang tụng kinh. Thầy chỉ mới dứt kinh Bát Nhã, đem trí tuệ Phật soi tâm thế gian; Thầy còn tụng Phổ Môn cứu khổ cứu nạn, còn tụng A Di Đà đưa người nhất tâm bất loạn về Tịnh Độ, còn tụng Địa Tạng chuyển nghiệp cho kẻ đọa trầm luân….
Bạch Chư Phật, tiếng chuông hôm đó vẫn còn ngân vang mà, tiếng chuông đó chưa dứt, tiếng chuông đó không bao giờ dứt vì tiếng chuông đó là tiếng đại hồng chung trong lòng Phật tử Việt Nam, những người con Phật hướng về Đạo Pháp trong tinh thần tải đạo cứu đời, thể hiện hạnh nguyện Quán Âm độ thế.
Thương thay cho những kẻ vô minh, vì nếu biết được điều đó, họ đã không lên đạn để diệt cái bất diệt.

Bang Giao Nga-Việt Trong Thời Kỳ Hậu Cộng Sản
Nguyễn Quốc Khải dịch
Tác giả: G.S. Vladimir M. Mazyrin, Đại Học Quốc Gia Moscova, Viện Nghiên Cứu Á – Phi -- 25.11.2004
Lược dịch: Nguyễn Quốc Khải -- 10.1.2005
Mở đầu
Bài viết này sẽ phân tách một cách vắn tắt mối bang giao giữa Liên Bang Nga và Việt-Nam sau khi Liên Bang Sô Viết và hệ thống xã hội chủ nghĩa tan vỡ. Bài viết cũng sẽ trình bầy những chiều hướng phát triển chính gần đây, những trở ngại chính và những cơ hội để vượt qua những trở ngại đó.
Tài liệu nghiên cứu nhắm giúp tăng cường sự hiểu biết về cách thức và điều kiện Việt-Nam tiếp cận với cộng đồng thế giới trong thời đại hậu Cộng Sản. Chính sách “mở cửa” của những nhà lãnh đạo Hà-Nội và việc đặt để Việt-Nam vào dòng luân lưu xuyên quốc gia mô tả sự thích ứng đối với khuynh hướng địa lý chính trị và kinh tế mới (modern geopolitical and economic tendencies). Điều này sẽ giúp chúng ta hiểu thêm về quan điểm mới của Việt-Nam về vấn đề an ninh quốc gia, một yếu tố căn bản trong chiến lược phát triển của Việt-Nam.
Chiều hướng tổng quát của chính sách ngoại giao của Việt-Nam
Những thay đổi lớn lao của chính sách ngoại giao là một trong những đặc điểm của tiến trình “đổi mới” bắt đầu vào nửa sau của thập niên 80. Trước đây Việt-Nam gắn bó đơn phương vào Liên Bang Sô Viết, dựa vào nhu cầu về hệ tư tưởng và quân sự. Ngày nay chính sách ngoại giao của Việt-Nam theo một định hướng thực tiễn và đa phương, một nguyên tắc “mở cửa” vào thế giới bên ngoài. Phương pháp này gia tăng tối đa ngoại thương nhắm vào việc bành trướng và canh tân nền kinh tế quốc gia, tái lập bang giao với những nước láng giềng đã mất trong thời gian trước, và tái hội nhập nhanh chóng vào hệ thống phân công lao động và mậu dịch quốc tế.
Trong khuôn khổ của tiến trình vừa trình bầy, bang giao giữa Việt-Nam và Nga, một thực thể pháp lý thay thế Liên Bang Sô Viết, đã trải qua những thay đổi cơ bản quan trọng. Sau giai đoạn thân hữu lâu dài và hợp tác rộng lớn là một thời kỳ cách biệt và khủng hoảng. Cơ cấu liên kết giữa hai nước có từ lâu bắt đầu tan rã. Sự biến đổi lớn lao không phải vì những bất đồng trầm trọng hoặc vì hành vi thù nghịch của một trong hai nước mà chính là hậu quả trực tiếp của sự xụp đổ của Liên Bang Sô Viết và thay đổi về địa lý chính trị có tính cách lâu dài gây ra bởi bíến cố toàn cầu này.
Việt-Nam mất mát không những một đồng minh quan trọng mà thêm vào là một nguồn hỗ trợ về hệ tư tưởng, chính trị, và kinh tế mang tính cách quyết định đối với chính sách ngoại giao của Việt-Nam. Liên Bang Sô Viết, một nước giúp đỡ và bảo vệ việc xây dựng xã hội chủ nghĩa ở Việt-Nam, đã được thay thế bởi một số quốc gia không có cơ hội thực sự hoặc không có ý muốn nắm giữ vai trò tương tự của cựu Liên Bang Sô Viết. Điều này làm Liên Bang Nga lo ngại. Chắc chắn rằng Hà-Nội coi Liên Bang Nga là một trong những nước hợp tác đầu tiên trong khối Thịnh Vượng Chung của Những Quốc Gia Độc Lập (Commonwealth of Independent States).
Chính quyền Nga cứu xét lại chính sách ngoại giao và ưu tiên kinh tế, xếp Việt-Nam và những đồng minh cũ tại Đông Dương vào hạng thứ yếu đối với quyền lợi quốc gia của Nga. Trên thực tế, nước Nga đã từ chối ảnh hưởng ở vùng này. Sau khi Liên Bang Sô Viết xụp đổ, chính quyền Nga đề xuất việc cắt giảm mậu dịch song phương, mọi tiếp xúc kinh tế và các lãnh vực khác. Mặc dù cố gắng cứu vãn bang giao tốt đẹp giữa hai nước, Việt-Nam đã không thành công.
Trong tình trạng này Việt-Nam bắt buộc phải thi hành những biện pháp cấp bách để cứu nguy nền kinh tế. Chính sách “mở cửa” lúc đầu được phát động vì nhu cầu cần đầu tư nước ngoài, những trợ giúp để giải quyết những vấn đề hệ trọng và tăng cường sự phát triển xã hội và kinh tế.
Hà-Nội bành trướng trao đổi mậu dịch và những hình thức cộng tác khác với những quốc gia phát triển và những nước kỹ nghệ mới ở phương Tây và Viễn Đông. Những quốc gia này mau chóng làm quen với thị trường Việt-Nam và thay thế những đồng minh cũ của Hà-Nội đã tự ý ra đi. Việt-Nam đã chính thức gia nhập Hiệp Định Bali và bành trướng hợp tác kinh tế với những nước trong khối ASEAN (Hiệp Hội Các Quốc Gia Đông Nam Á). Những cơ hội thu hút thêm ngoại viện đã mở ra nhờ vào vấn đề Kampuchia được giải quỵết ổn thỏa và việc cấm vận của Hoa-Kỳ được hủy bỏ sau đó.
Vào năm 1990, Liên Bang Sô Viết cung cấp 70% hàng Việt-Nam nhập cảng (4/5 là nguyên liệu) và mua 40% hàng Việt-Nam xuất cảng. Vai trò độc quyền này đã được thay thế bởi những hội viên ASEAN, những nước kỹ nghệ mới, và Liên Hiệp Âu Châu. Những công ty của các quốc gia này cung cấp những hàng hóa cần thiết và bắt đầu bỏ vốn đầu tư một cách quy mô. Trong khi đó chính phủ của những nước này cung cấp một số lượng tín dụng ưu đãi đáng kể và ngoại viện.
Đáng chú ý là trong giai đoạn chuyển đổi 1990-1991, xuất cảng của Việt-Nam đến các quốc gia này tăng 73% và nhập cảng tăng gấp đôi. Trong năm 1991, những nước kỹ nghệ mới và những quốc gia đã phát triển bán cho Việt-Nam một số hàng hóa trị giá US$1.8 tỉ so với tổng số trị giá nhập cảng của Việt-Nam là US$1.97 tỉ.
Tỉ lệ hàng xuất cảng của Việt-Nam đến những nước xã hội chủ nghĩa cũ giảm từ 50% xuống còn 13.5% trong cùng một khoảng thời gian. Trong khi đó tỉ lệ xuất cảng của Việt-Nam qua Nhật, Singapore và Hồng Kông gia tăng từ 15% vào năm 1989 lên đến 50%. Vai trò của thị trường Á châu bành trướng nhanh nhất. Khoảng 80% tổng số hoạt động ngoại thương của Việt-Nam liên hệ với Á châu.
Sự tranh giành ảnh hưởng trong vùng Đông Nam Á
Chính phủ Việt-Nam hiểu rằng việc chọn lựa bất cứ quốc gia nào thành một đối tác ưu tiên sẽ làm gia tăng sự chống đối trong vùng Đông Nam Á. Do đó, Hà-Nội theo một đường lối khác: đa dạng hóa chính sách ngoại giao và giữ khoảng cách đồng đều với các cường quốc.
Việt-Nam bắt đầu bình thướng hóa bang giao với Trung Quốc, một quốc gia thù nghịch lâu đời, nhưng không phải là không có sự do dự. Trung Quốc hấp dẫn đối với Việt-Nam vì một số lý do: Trung Quốc có tiềm năng phát triển kinh tế nhanh chóng và kinh nghiệm về cải tổ kinh tế. Một khuyến khích nữa là Trung Quốc trung thành với xã hội chủ nghĩa và có kinh nghiệm về quản trị nhà nước bao gồm việc duy trì độc quyền cai trị của đảng Cộng Sản.
Buôn bán giữa hai nước láng giềng gia tăng nhanh chóng, đặc biệt là tại vùng biên giới. Vào năm 1991 trị giá hàng hóa trao đổi giữa hai nước đã đạt được US$300 triệu trong khi đó vào năm 1990 không quá US$100 triệu. Sản phẩm của Trung Quốc chiếm 40% thị trường Việt-Nam và tại một vài tỉnh tỉ lệ này lên đến 70-90%. Người ta có thể tiên đoán được rằng miền nam của Trung Quốc với 200 triệu dân sẽ là đối tác thương mại chính của Việt-Nam. Sự tiên đoán này đã thành sự thật.
Nói một cách tổng quát, “yếu tố Trung Quốc” có vẻ bắt đầu chi phối Việt-Nam. Ngoài áp lực kinh tế của Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa ra, tư bản và kinh nghiệm về phát triển kinh tế của Đài Loan, Hồng Kông, và Singapore cũng đã đóng một vai trò lớn. Những quốc gia và lãnh thổ của Trung Quốc này rất gần với Việt-Nam về tổ chức xã hội, văn hóa, và truyền thống và được hỗ trợ của một triệu người Việt gốc Hoa. Nhóm người này tạo thành xương sống của guồng máy kinh tế và nhịp cầu đưa vốn dầu tư vào Việt-Nam. Họ dần dần phục hồi lại vị trí của họ đã mất tại miền Nam sau khi Việt-Nam thống nhất. Sự chi phối của Trung Quốc tại Đông Nam Á đã được khuyến khích bởi sự “rút lui” của Nga ra khỏi vùng này và sự giảm họat động của Hoa-Kỳ từ đầu thập niên 90. Trong khi đó Nhật Bản gặp nhiều khó khăn trong việc gia tăng ảnh hưởng.
Hà-Nội cố gắng đối trọng lại với khuynh hướng này bằng cách gia nhập vào khối ASEAN mà Việt-Nam có nhiều triển vọng. Quyền lợi của Việt-Nam và những quốc gia láng giềng trùng hợp nhau. Các nước này đều muốn quân bình hóa các thế lực, duy trì sự ổn định trong vùng, và giới hạn ảnh hưởng quá nhiều của khối dân gốc Trung Quốc. Mối lo ngại này bắt nguồn từ một sự kiện là Trung Quốc trở thành một siêu cường mới mà không có một đối thủ nào về cả hai phương diện kinh tế và chính trị.
Trong bối cảnh mô tả trên đây, Hà-Nội và những nước trong khối ASEAN hiển nhiên chú ý tới việc duy trì ít nhất một họat động tượng trưng trong vùng của Nga để Trung Quốc và Hoa-Kỳ không thể áp chế nguyện vọng của mình. Lập trường của Việt-Nam về sự có mặt của Hải Quân Nga tại căn cứ Cam Ranh là một thí dụ đáng chú ý. Để đối phó với sự tăng cường sức mạnh quân sự của Trung Quốc, chính phủ Việt-Nam vào đầu thập niên 90 muốn kéo dài khế ước cho Liên Bang Sô Viết thuê căn cứ này. Sau khi Nga từ chối, Hà-Nội kiên trì kêu gọi Nga trở lại, hạ giá thuê trong khi không chấp thuận đề nghị thuê của Hoa-Kỳ và Trung Quốc.
Kết quả là kể từ đầu thập niên 90, người ta nhận thấy có sự thay đổi về cán cân quyền lực tại vùng Viễn Đông và về sự bang giao của Việt-Nam với những nước như Hoa-Kỳ, Nga, và Trung Quốc. Đặc biệt vị thế của Nga đã suy yếu sau khi “rút lui” khỏi Việt-Nam. Nguyên do là thiếu thốn về tái chánh và thay đổi ưu tiên về chính sách ngọai giao của Nga. Trung Quốc, những quốc gia trong khối ASEAN, và các nước kỹ nghệ Âu châu đã lấp vào khoảng trống này.
Chính sách “mở cửa” đòi hỏi hệ thống tự kiểm soát đầy đủ nên đã trở thành một thử thách đối với sự tồn tại của chế độ Cộng Sản. Những nhà lãnh đạo Việt-Nam cương quyết từ chối những toan tính của một vài nước Tây phương muốn sẵn sàng hợp tác với Việt-Nam nhưng đòi hỏi Hà-Nội phải thay đổi hệ thống chính trị của Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt-Nam.
Sự phân tách về cân bằng lực lượng trong lãnh vực chính trị thế giới cho thấy rằng Trung Quốc, Nhật, và những nước Đông Á khác muốn dành ưu thế tại Việt-Nam. Những cựu cường quốc thực dân như Pháp, Anh và Đức cũng chú trọng đến vùng Đông Nam Á và muốn tham dự vào cuộc cạnh tranh này nhưng không có triển vọng tốt đẹp.
Sự đối nghịch mạnh mẽ trong vùng che dấu mỗi đe dọa tiềm tàng cho sự ổn định tại đây. Tuy nhiên sự đối nghịch này cũng là một kích thích cho sự tiến bộ về kinh tế, khoa học, và kỹ thuật. Để bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ quốc gia một cách tốt đẹp hơn, những nhà lãnh đạo Việt-Nam theo đuổi chính sách chính trị hướng ngoại và đa phương. Nhờ vậy mà họ thành công trong việc hạn chế được áp lực của những nước mạnh, lợi dụng những đối nghịch của các nước này, và xử dụng những lợi điểm của Việt-Nam.
Bang giao giữa Liên Sô và Việt-Nam
Việc phân tích mối bang giao song phương hiện nay đòi hỏi một sự đánh giá khách quan về kết quả trong sự hợp tác giữa Việt-Nam và cựu Liên Bang Sô Viết trong một nửa thế kỷ. Bang giao giữa Bắc Việt Nam với Liên Sô thực sự bắt đầu từ 1955, và Liên Bang Nga giữ một vai trò lãnh đạo đối với những nước thuộc Công Hòa Liên Bang Sô Viết. Sự hợp tác này mang tính chất phức tạp và liên hệ đến tất cả những lãnh vực chính như chính trị, mậu dịch, kinh tế, quân sự, kỹ thuật, văn hóa, giáo dục và khoa học.
Từ giữa thập niên 70, khi Việt-Nam thống nhất và bắt đầu phục hồi kinh tế sau chiến tranh, bang giao song phương ở mức độ lớn. Hai nước có cùng quan điểm về chính sách quốc tế và thực hiện những trao đổi chính trị thân cận (close political interaction). Viện trợ kinh tế của Liên Bang Sô Viết gia tăng hàng năm. Trong giai đoạn này Liên Bang Sô Viết và các hội viên của tổ chức COMECON là những nước duy nhất trợ giúp Việt-Nam. Liên Bang Sô Viết cung cấp những sản phẩm cần thiết cho kinh tế nội địa như thực phẩm, thuốc men, máy móc, dụng cụ, nhiên liệu và dầu nhớt, nguyên liệu, v.v.
Liên Bang Sô Viết giúp Việt-Nam xây dựng nền móng của nền kinh tế quồc gia trong tất cả mọi khu vực trên thực tế. Sự trợ giúp kinh tế chứng tỏ là một trong những yếu tố quyết định bảo đảm sự vận hành cân bằng của nền kinh tế trong chiến tranh giải phóng và bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ. Những thành công hơn trong thập niên 90 trên đường cải tiến sang kinh tế thị trường cũng bắt nguồn từ tiềm năng kinh tế do sự đóng góp của Liên Bang Sô Viết.
Trọng tâm của sự hợp tác kinh tế giữa hai nước là mậu dịch song phương. Cho tới năm 1990, Liên Bang Sô Viết chiếm 60-70% trị giá ngoại thương của Việt-Nam. Nhập cảng từ Liên Bang Sô Viết có tầm mức quan trọng đối với Việt-Nam vì nó đáp ứng 80-90% nhu cầu về nhiên liệu, 100% về tơ sợi, 70% về phân bón khoáng sản, 75% về thép cuốn. Ngược lại, Liên Bang Sô Viết mua rất nhiều máy móc, dụng cụ, xe cộ và phụ tùng của những nước Đông Âu.

Trong khi đó, cán cân thương mại không bao giờ cân bằng. Vì vậy, Liên Bang Sô Viết đã phải cho Việt-Nam vay những khoản nợ lớn với điều kiện dễ dàng để trang trải sự thiếu hụt. Việt-Nam chiếm những phần đáng kể trong số hàng hóa Liên Bang Sô Viết nhập cảng. thí dụ 20% về sợi đay, 16% về cao su thiên nhiên, 15% bông gòn, 12% về cà phê, và 9% về rau và trái cây.


Thành quả đáng kể trong sự hợp tác kinh tế và kỹ thuật giữa hai nước là sự đào tạo những cán bộ có khả năng cho Việt-Nam. Từ năm 1951, công dân Việt-Nam đã được huấn luyện tại Liên Bang Sô Viết. Vào khoảng 200,000 chuyên viên và cán sự cho mọi khu vực kinh tế đã tốt nghiệp tại Liên Bang Sô Viết. Ngoài ra còn có khoa học gia, bác sĩ và giáo sư. Hơn 30,000 học sinh Việt-Nam đã tốt nghiệp trung học tại Liên Bang Sô Viết và Lịên Bang Nga. Trên 3,000 tiến sĩ (PhD) và 100 bác sĩ khoa học (doctors of science) đã nhận được bằng tốt nghiệp. Với sự tham gia của chuyên viên Sô Viết, hệ thống giáo dục chuyên môn đã được thiết lập tại Việt-Nam. Vào khoảng 83,000 người đã được huấn luyện chuyên môn tại các xí nghiệp Sô Viết.
Tuy nhiên, cùng với những thành quả trên của sự hợp tác song phương, chúng ta cần nhấn mạnh đến những hậu quả xấu đối với nền kinh tế của Việt-Nam một cách tổng quát. Liên Bang Sô Viết đã áp dụng những mô hình phát triển kinh tế với hiệu năng đã thấp vào Việt-Nam mà lại không thay đổi cho thích ứng với địa phương. Hậu quả là Việt-Nam thừa kế tất cả những khuyết điểm và những vấn đề của mô hình phát triển tiêu biểu của kinh tế quốc gia Sô Viết.
Thí dụ, tất cả những cố gắng xây dựng một kỹ nghệ ứng dụng khoa học (engineering industry) tại một nước Việt-Nam cực kỳ chậm tiến không đáp ứng được nhu cầu thực sự của quốc gia này. Việt-Nam trước hềt cần những sản phẩm tiêu thụ căn bản, dụng cụ và máy móc nông nghiệp. Nông thôn, với tới gần 90% dân số, theo chế độ sản xuất tập thể dập theo khuôn mẫu của Liên Bang Sô Viết. Kế hoạch cải tổ cực đoan này đã hủy hoại sáng kiến của nông gia, đặc biệt là tại những tỉnh miền Nam. Ngoài ra, việc cải tổ này không giải quyết vấn đề an ninh thực phẩm mà còn gia tăng nạn nghèo đói và gây ra khủng hoảng trầm trọng trong khu vực canh nông.
Với những chính sách kinh tế vĩ mô và đầu tư đã áp dụng, ảnh hưởng tổng thể của viện trợ từ Liên Bang Sô Viết không thể so sánh với những tổn phí lớn lao. Chiến lược phát triển vào thập niên 80 do Liên Bang Sô Viết khai triển và tài trợ đã không đáp ứng được đúng tình trạng thực tế và nhu cầu của Việt-Nam và đã đưa quốc gia này đến chỗ bế tắc. Hậu quả là vào cuối thập niên 80 đã xẩy ra cuộc khủng hoảng kinh tế và xã hội trầm trọng, đặc biệt trở nên khó khăn hơn khi Liên Bang Sô Viết tan vỡ vào năm 1991 và Việt-Nam phải đoạn tuyệt với một đối tác thương mại và nguồn viện trợ chính yếu.
Hai nước trải qua một cuộc thử thách khủng khiếp trong giai đoạn tiếp theo thời kỳ thịnh vượng trước đây. Từ đầu thập niên 90, bang giao giữa hai nước xuống thấp. Tính chất, hình thức và nội dung của mối bang giao này cũng thay đổi rõ rệt. Giai đoạn mới này tuy ngắn ngủi nhưng khá bực bội. Tại những phiên họp đầu tiên của Ủy Hội Việt-Nga về Hợp Tác Mậu Dịch, Kinh Tế, Khoa Học và Kỹ Thuật (IGC) bắt đầu hoạt động vào năm 1992, bất cứ một quyết định nào cũng không làm ai hài lòng. Những đối tác viên Việt-Nam đã công khai bầy tỏ sự chống đối nước Nga về sự thay đổi thái độ đột ngột của nước này.
Chắc chắn, ảnh hưởng nghiêm trọng nhất đối với Việt-Nam là mức độ trao đổi hàng hóa giữa hai nước xuống thấp rõ rệt. Từ năm 1991 hai nước bắt đầu áp dụng nguyên tắc thương mại theo đúng lề lối thực hành quốc tế. Nga chấm dứt tài trợ những hàng xuất cảng vào Việt-Nam. Kết quả là số lượng hàng hóa buôn bán giữa hai nước giảm xuống nhiều lần.
Bang giao giữa Nga và Việt-Nam phục hồi
Sau vài năm ngưng trệ, bang giao song phương đã sống lại trong nửa sau của thập niên 90. Trước hết là những cuộc viếng thăm của hai nguyên thủ quốc gia và những viên chức cao cấp. Sự kiện này chứng tỏ hai bên có thể tiếp tục những cuộc đối thoại chính trị kín đáo và những hợp tác trong các lãnh vực truyền thống hoặc mới.
Chính phủ Nga xác nhận tầm quan trọng trong việc hợp tác với Việt-Nam để giải quyết những vấn đề kinh tế liên hệ đến hai quốc gia và phục hồi vị thế của hai nước trong vùng Đông Nam Á. Từ giữa thập niên 90, hai phía đã thi hành những biện pháp để ra khỏi tình trạng bế tắc. Những cố gắng đầu tiên nhằm tái lập sự buôn bán và vượt qua những trở ngại hiện hữu.
Chúng ta có thể tóm tắt một vài sáng kiến liên quan đến diễn tiến này:
Thứ nhất, căn bản kinh tế có lợi cho đôi bên được duy trì. Những xí nghiệp được thành lập với sự giúp đỡ của Liên Bang Sô Viết trước đây trở thành nền tảng để phát triển các ngành kỹ nghệ căn bản và nông nghiệp tại Việt-Nam và giúp giải quyết những vấn đề xã hội và kinh tế trọng yếu.
Thứ hai, những siêu cường thường muốn củng cố vị thế của mình trong vùng Đông Nam Á và tại Việt-Nam. Trái với những siêu cường này, dân tộc Việt-Nam không có một hội chứng nào hoặc thiên lệch gì đối với Nga về thời gian đã qua và quan điểm chung về tình hình thế giới.
Thứ ba, một tầng lớp trong xã hội Việt-Nam, bao gồm một số đông những nhà lãnh đạo Việt-Nam ở nhiều cấp bậc khác nhau và những quản trị gia cao cấp, đã được đào tạo tại Liên Bang Sô Viết. Họ rất có cảm tình với Nga và rất lo lắng về những biến cố xẩy ra ở Nga. Theo phong tục tập quán, người Việt-Nam rất kính trọng thầy giáo và đề cao giá trị giáo dục.
Thứ tư, cho tới khi Việt-Nam có thể quyết định hướng về một siêu cường khác theo lối suy nghĩ địa lý chính trị, quân lực Việt-Nam vẫn phải dựa vào võ khí, quân cụ và dịch vụ của quân đội Nga. Điều đáng chú ý là trung bình một nửa số hàng hóa trao đổi giữa hai nước qua chương trình hợp tác quân sự và kỹ thuật.
Như vậy, giai đoạn bang giao “nguội lạnh” đã chấm dứt với sự viếng thăm của Thủ Tướng Võ Văn Kiệt vào năm 1994. Trong cuộc viếng thăm này, hai bên đã ký kết một thỏa hiệp thân hữu giũa Việt-Nam và Nga, ấn định những nguyên tắc hợp tác song phương mới. Sau khi nguyên thủ của nước Nga viếng thăm trả lễ Việt-Nam vào năm 1997, hai bên đã vượt qua được tình trạng khủng hoảng trong mối bang giao song phương. Hai nước bắt đầu tìm những cách liên hệ trên căn bản đối tác bình đẳng để thay thế mô hình “cho – nhận” trong quá khứ.
Sự tiếp xúc giữa các viên chức cao cấp của hai nước gia tăng. Cuộc họp đầu tiên của hai quốc trưởng Nga và Việt-Nam đã diễn ra vào năm 1998 trong cuộc viếng thăm Nga của ông Trần Đức Lương. Hai nguyên thủ quốc gia đã ký chung bản tuyên ngôn tái lập và đa dạng hóa bang giao song phương. Vào năm 2000, thương lượng giữa hai thủ tướng chính phủ đã giải quyết những vấn đề liên quan đến những món nợ của Việt-Nam đối với Nga. Đây là một tiến bộ lớn. Từ nay trở đi hai nước xây dựng sự đối tác chiến lược cho thiên niên kỷ mới.
Cuộc viếng thăm chính thức Hà-Nội đầu tiên của Tổng Thống Nga Vladimir Putin vào tháng 3, 2001 mang tính cách lịch sử và cực kỳ quan trọng. Hai nước bầy tỏ sự mong muốn hợp tác có lợi cho đôi bên dựa trên nguyên tắc thị trường, kinh ngiệm của quá khứ và thực tại quốc tế. Sau đó Tổng Bí Thư Nông Đức Mạnh viếng thăm Nga vào tháng 10, 2002 và tháng 4, 2004.
Đánh giá những cuộc tiếp súc chính trị trong sáu năm qua, người ta có thể kết luận rằng, bang giao giữa Việt-Nam và Nga đã trải qua giai đoạn suy thoái và đang bước vào giai đoạn phát triển. Tuy nhiên vấn đề căn bản ở đây là làm thế nào để những cuộc đối thoại chính trị trở thành những kết quả cụ thể. Trước hết, bộ phận kinh tế, yếu tố chính quyết định hiệu quả và lợi ích chung trong sự bang giao, đã tiến hành chậm.
Do đó sự quan trọng của Nga đối với một nước Việt-Nam tiến bộ ở một mức độ khá thấp. Mức độ giao thương giữa hai nước và sự hợp tác kinh tế không có thể so sánh với thời kỳ Liên Sô. Nga chỉ chiếm dưới 1.5% trị giá tổng số ngoại thương của Việt-Nam và ngược lại phần Việt-Nam chỉ chiếm 0.34% trị giá ngoại thương của Nga. Quốc gia này xếp hạng chót trong 10 nước đầu tư vào Việt-Nam (theo thống kê chính thức là hạng 21 trên 64). Hai nước đang tìm cách để khai thác những tiềm năng hợp tác trong những lãnh vực có những điều kiên tiên quyết thích hợp như khai thác mỏ dầu, quân sự, kỹ thuật, năng lượng, dịch vụ xuất nhập cảng.
Kết luận
Có thể Nga và Việt-Nam hối tiếc thời đại hoàng kim của mối bang giao giữa hai nước nhưng không thể tái lập được. Người ta tự hỏi có cần thiết để hai nước, trước nhất là Việt-Nam, đã phải dựa quá nhiều vào nhau trong nhiều lãnh vực. Hiện tại, bang giao giữa hai nước chủ yếu phản ảnh những thực tại, nhu cầu, và cơ hội của hai nước.
Mục tiêu và động cơ thúc đẩy Liên Sô trợ giúp Việt-Nam rất rõ. Việt-Nam được “tạo ra và củng cố” thành một tiền đồn xã hội chủ nghĩa vùng Đông Nam Á ở bối cảnh đối địch địa lý chính trị giữa Liên Sô và Hoa-Kỳ. Việt-Nam đơn thuần là một lá bài thay đổi trong cuộc xung đột này (Vietnam was a simple change card in this antagonism). Sau khi giai đoạn lưỡng cực dài trong trật tự quốc tế chấm dứt, Moscova không còn có những khích lệ hoặc cơ hội để tiếp tục trợ giúp Hà-Nội. Chính sách ngoại giao của nước Nga mới đã thay đổi sâu rộng: Liên hệ với các nước khác căn bản dựa vào sự thực tiễn và quyền lợi hỗ tương. Việt-Nam cũng đã hành sử như vậy.
Nhu cầu tái định hướng phần lớn chính sách ngoại giao và ngoại thương trở thành một yếu tố tích cực cho việc phát triển quốc gia. Việt-Nam đã cắt đứt được đúng lúc những liên hệ “nhân tạo” với khối xã hội chủ nghĩa, như vậy tránh được sự cô lập đối với các quốc gia khác và đã tích cực hội nhập vào các cộng đồng trong vùng và thế giới.
Tuy nhiên, Nga vẫn là một yếu tố trong chính sách ngoại giao của Việt-Nam, nhưng chỉ là một trong nhiều yếu tố khác, không còn dóng một vai trò quan trọng như trước. Mặc dù mức độ hợp tác với Nga đã giảm, chính phủ Việt-Nam vẫn coi nước Nga quan trọng đối với mục tiêu đối ngoại và an ninh quốc gia. Việt-Nam xem Nga là một nước thân thiện và một đồng minh truyền thống trên đấu trường quốc tế.
GHI CHÚ:
1- Vietnam-Russian Relations in the Post-Communist Era. Quan điểm của tác giả không nhất thiết phản ảnh quan điểm của người dịch. Xin đón đọc bài thứ hai nghiên cứu về mối bang giao Nga-Việt hiện nay cũng của GS Vladimir M. Mazyrin.
2- Thương mại, Hà-Nội, 04.06.1991; Hà-Nội Mới, 17.03.1992; Vietnam Economic Review, 08.07.1991; Far Eastern Economic Review, 14.05.1992.
3- Vietnam News Agency, 10.10.1991; Thương Mại, 14.05.1992.
4- Far Eastern Economic Review, 01.08.1991.
5- Council for Mutual Economic Assistance.
6- Về chi tiết xin coi “Vietnam and Russia – Tradional Partners, Vietnam Economic Times, Hanoi, Special Issue, June 2003, P.4.
7- Vietnam and Russia – Traditional Partners, op. cit., p.12.
8- Việt-Nga: 50 năm hữu nghị và hợp tác, International Affairs Review, Hanoi, Special Issue – February 2001, p.8.
9- Poliakov A., Klimov V., Russia and Vietnam: From Stategic Interest to Strategic Partnership, Far Eastern Studies Review, No. 3, 2001, P.26.
10- Những học gỉa Nga và Việt-Nam đánh giá những sự kiện này một cách giống nhau. Thí dụ, Nguyễn Tất Giáp, Quan Hệ của Liên Bang Nga với Các Nước Đông Nam Á từ Sau Khi Liên Sô Tan Rã Đến Nay, luận án tiến sĩ, Hà-Nội, 2000, p.138.
11- Poliakov A., Klimov V. Russia and Vietnam: From Strategic Interest to Strategic Partnership, Op. cit., p.28-29.
12- 10 Năm Quan Hệ Việt-Nga (Ten years of Vietnam-Russia Relations), Viet-Nam Investment Review, Special Issue, August 2004, p.43, 79.


tải về 299.09 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương