TS. nguyễn khắc tháI



tải về 71.06 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu07.08.2016
Kích71.06 Kb.
#15123
DANH NHÂN QUẢNG BÌNH

NHỮNG HÀO QUANG ĐI QUA NHIỀU THẾ HỆ



TS. NGUYỄN KHẮC THÁI

Cán bộ hưu trí tại Quảng Bình

Khách quan mà nói thì Quảng Bình chưa có nhiều cơ hội để trở thành địa danh có dấu ấn sâu sắc đến mức ai cũng biết, ai cũng hiểu. Hầu hết các giá trị của không gian lịch sử văn hóa nơi đây đều đang ở dạng tiềm ẩn và rất ít khi được đánh thức. Bởi vậy, khi "đào sâu" vùng đất Quảng Bình, nhiều người đã hết sức bất ngờ trước những giá trị truyền thống chứa đựng trong di sản vật chất và tinh thần mà người Quảng Bình rất đỗi tự hào. Và, một trong những niềm tự hào đó chính là các thế hệ danh nhân Quảng Bình - những người đã để lại hào quang xuyên suốt các thời kỳ lịch sử.

1. Truyền thống hiếu học và hào quang từ tài học

"Có học mới có danh", đó là điều mặc định trong suốt các thời kỳ lịch sử. Đặc biệt, dưới thời phong kiến, hầu hết quan chức và những người gánh vác trọng trách đất nước đều phải có học và phải là những người đỗ đạt cao trong các kỳ thi tuyển. Sinh ra ở vùng đất nghèo khó, lại xa chốn kinh kỳ, tưởng rằng người Quảng Bình khó có thể với tới được những đỉnh cao trong học hành, khoa cử. Nhưng không, những trở ngại của điều kiện tự nhiên, những khó khăn về hoàn cảnh kinh tế không những không làm mờ nhạt đức tính hiếu học mà hơn thế, còn học giỏi.

Dù phải trải qua bao thăng trầm của lịch sử nhưng ngay từ khi vùng đất Quảng Bình thuộc về Đại Việt vào thế kỉ XI và dù rằng vùng đất Quảng Bình lúc đó (đang mang danh xưng hành chính là châu Bố Chính - Địa Lý) vẫn đang là vùng biên viễn, chinh chiến liên miên nhưng việc học cũng đã ươm mầm, nẩy nụ. Ngay từ thời Lý, ở vùng đất này đã xuất hiện các lớp nho học do chính hệ thống quan lại địa phương và các cụ đồ nho từ phía Bắc theo chân các nhóm di dân vào lập nghiệp trên đất Quảng Bình xưa để mở lớp dạy nho học. Cuối thời Lý, đầu thời Trần, vùng đất này bắt đầu có nền học vấn để bước chân vào trường thi và thành đạt trong khoa cử. Nếu không có tư liệu nào sớm hơn thì chí ít, đến năm 1256, dưới triều vua Trần Thái Tông, vị nho sĩ Trương Xán của xứ Bố Chính - Lâm Bình hẻo lánh, xa xôi và nghèo khó (đất Quảng Bình xưa) đã gây chấn động học trường - khoa bảng bằng một đỉnh cao mà chính người kinh kỳ cũng không sánh được: đỗ đầu thi Đình với phẩm hàm Trạng nguyên. Đến thời Lê trở đi thì việc học ở vùng đất này đã đi vào quy cũ và nhờ vậy người Quảng Bình đã gặt hái được những thành công đáng kể. Phần lớn nho sinh vùng đất phía Nam Hoành Sơn thi đỗ đại khoa là người Quảng Bình, trong đó không ít người kiêm toàn văn võ như Lê Đa Năng, Nguyễn Trạch, Phạm Đại Khoáng, Nguyễn Khả Khoan, Hoàng Công Đán, Phạm Khắc Khoan,...

Qua một thời gián đoạn do nội chiến, việc học ở Quảng Bình có bị đình đốn nhưng đến thời Tây Sơn, khi Quang Trung xuống "Chiếu lập học" thì việc học hành thi cử của con em Quảng Bình có cơ hội hồi sinh và phát triển. Thời các chúa Nguyễn, nhà chúa không tổ chức thi đình quy mô lớn như các triều đại trước mà chỉ tổ chức thi trong phủ chúa, gọi là thi Chính đồ và Hoa văn (sau gọi là Văn chức và Tam ti). Việc thi tuyển cũng sơ sài và hạn hẹp nên các nho sinh Quảng Bình không có cơ hội để giành được phẩm hàm cao, nhưng số lượng cử nhân lại rất đông và được bổ nhiều chức sắc quan trọng trong hệ thống chính quyền nhà chúa. Đến thời nhà Nguyễn, việc học ở Quảng Bình lại bùng lên, phát triển mạnh mẽ.

Chỉ riêng trong 39 khoa thi dưới triều Nguyễn (từ năm 1822 đến năm 1919), lấy 293 tiến sĩ nho học trong cả nước thì người Quảng Bình đã chiếm tới 24 vị. Trong 10 tiến sĩ võ học thì Quảng Bình cũng đã ghi danh 1 vị tiến sĩ (và 20 vị khác đỗ phó bảng võ học trong số 166 phó bảng võ đường của cả nước).

Theo thống kê chưa đầy đủ thì trong vòng 700 năm (từ thế kỉ XIII đến đầu thế kỉ XX) đã có tới 56 nho sinh Quảng Bình ứng thí đỗ đại khoa, hiện diện cả trên phẩm hàm cao nhất là Trạng nguyên.

Như vậy, trên cả hai địa hạt văn - võ, người Quảng Bình đều chứng minh được tài học của mình.

Đặc biệt, không chỉ đỗ đạt cao, nhiều thế hệ người Quảng Bình đã lập được những "kỷ lục" hiếm thấy trong học hành, khoa cử. Dòng họ Nguyễn Đăng ở làng Phù Chánh, huyện Lệ Thủy, cả 5 đời từ ông tổ Nguyễn Đăng Tuân đến hậu duệ kế tục là Nguyễn Đăng Giai, Nguyễn Đăng Hành, Nguyễn Đăng Cũ, Nguyễn Đăng Cư đều đỗ đạt cao. Dòng họ Nguyễn Duy ở làng Lý Hòa, Bố Trạch, từ cụ tổ Nguyễn Duy Cần cùng các con cháu là Nguyễn Duy Miễn, Nguyễn Duy Thắng, Nguyễn Duy Đồng, Nguyễn Duy Tích, Nguyễn Duy Thiệu, một nhà học tài, tiếng tăm lừng lẫy. Ở làng La Hà, Quảng Trạch có dòng họ Trần Khắc, cả nhà mấy đời nổi tiếng hiếu học như Trần Khắc Mẫn, Trần Khắc Thận, Trần Khắc Khoan,... Họ Tạ Đình đến 5, 6 đời kế tục thì đỗ đạt cao, chỉ riêng dưới triều Nguyễn, trong họ này đã có 1 tiến sĩ, 1 phó bản, 5 cử nhân và nhiều bậc tú tài với những tên tuổi nổi tiếng như Tạ Kim Vực, Tạ Hàm. Cũng chính ở làng La Hà này, có trường hợp cả thầy và trò cùng thi và cùng đỗ đại khoa trong một khóa thi như thầy Phạm Nhật Tân và trò Trần Văn Hệ. Dòng họ Hoàng ở làng Văn La, Quảng Ninh với 3 đời kế tục nổi tiếng là người tài cao, đức hiếu học và chí tâm cho việc học thì không ai bằng, đó tấm gương cụ Hoàng Văn Hoán có sức học hơn người nhưng không có cơ ứng thí nên đã truyền dạy con cháu quyết tâm học để giúp đời và cụ đã thành công với sự kế tục của thế hệ con cháu với hai bậc học tài danh Hoàng Kim Xán và Hoàng Kế Viêm. Gia tộc Nguyễn Hữu ở làng Vạn Xuân, Quảng Ninh với những tên tuổi nổi tiếng nhiều thời, một nhà gồm mấy đời kế tục nhau đều nổi danh học tài, đều là đại công thần, đều được vua phong tước công, tước hầu, gánh vác nhiều trọng trách của đất nước như Nguyễn Hữu Dật, Nguyễn Hữu Hào, Nguyễn Hữu Cảnh, Nguyễn Hữu Thắng, Nguyễn Hữu Khắc, Nguyễn Hữu Thiệu. Với quyết tâm rèn học cho con cháu, ông tổ họ Lê ở làng Lệ Sơn, Tuyên Hóa, bản thân là một giám sinh Quốc Tử giám nhưng vẫn tìm mời vị đại học sĩ Trần Cảnh Huống về làng dạy học. Nhờ vậy, con cháu các dòng học trong làng đều có cơ hội học hành và rất nhiều người trong làng đạt được phẩm hàm cao. Làng Cảnh Dương, Quảng Trạch có truyền thống hiếu học, nổi danh nhiều đời đến mức dân làng phải lập bia để vinh danh. Một làng Cảnh Dương đã có tới 2 tiến sĩ, 12 cử nhân, 120 vị tú tài... Không thể kể hết những tấm gương và truyền thống hiếu học, tài học của nhiều danh nhân, nhiều dòng học và nhiều làng khác nữa. Những dẫn dụ trên đây cho thấy, đức hiếu học và tài học gần như phổ biến trong tất cả mọi địa bàn trong tỉnh. Vùng nào cũng có những dòng họ, những người tài cao, học rộng, danh truyền khắp cả nước.

Chính lòng hiếu học và tài học của con người Quảng Bình là một phần quan trọng làm nên nền tảng văn hóa cộng đồng để từ đó mà hình thành nhiều vùng văn hóa, làng văn hóa nổi tiếng như Lệ Sơn, La Hà, Cảnh Dương, Thổ Ngoạ, Di Luân, Phù Lưu, Lý Hòa, Cao Lao, Trung Bính, Văn La, Võ Xá, Cổ Hiền, Kim Nại, Quảng Xá, Phù Chánh, Hòa Luật, Đại Phong, Mỹ Lộc, Lộc An, An Xá và nhiều làng khác nữa... Có điều lạ là trong thời đại ngày nay, đa số những người thi đỗ thạc sĩ và tiến sĩ đều ở độ tuổi ngoài 40 và hầu hết là đi làm việc (ngày xưa gọi là làm quan) rồi mới dựa vào cơ quan để học lên thạc sĩ, tiến sĩ thì dưới thời phong kiến, hầu hết các bậc tiền bối trước khi ra làm quan đều đã hoàn thành việc học ở tuổi trên dưới 30. Phải chăng cái logique "có học mới có danh" dưới thời phong kiến đã kích thích lòng đam mê, hiếu học và quyết định tài học. Còn nếu ngược lại với logique đó, "có danh rồi mới đi học" thì e rằng chưa phải là truyền thống và hào quang hiếu học và tài học của các bậc danh nhân Quảng Bình để lại.

2. Tài năng trước người và khác người

Chính trên cơ sở của sự ổn định và phát triển làng xã từ sau khi vùng đất này thuộc về Đại Việt mà nền tảng văn hóa dần dần định hình và phát triển, đó chính là cái nôi nuôi dưỡng nhân tài người Quảng Bình. So với một số địa phương khác trong cả nước thì số người Quảng Bình thành danh trong hoạn lộ khá nhiều và ai đã thành danh thì lại rất nổi tiếng.

Dưới thời phong kiến, trong cách đào tạo của người xưa, mọi tri thức hội cả về nho học và văn chương thi phú. Nho học và thi phú được coi là chí chuẩn của trí tuệ và không ít danh nhân Quảng Bình đã chiếm được vị trí cao với những tác phẩm để đời và những chuyện so tài, đối trí lưu truyền nhiều thế hệ.

Thành danh từ rất sớm, trước hết phải kể đến Trương Xán, người Quảng Bình đầu tiên có mặt chốn quan trường ngay từ đầu thời Trần với phẩm hàm Trạng nguyên, đảm nhận nhiều trọng trách trong triều đình. Thành danh tại thời điểm muộn nhất (chỉ riêng dưới thời phong kiến) có lẽ cũng là 2 vị người Quảng Bình (đều quê Lệ Thủy) Nguyễn Đăng Cư và Võ Khắc Triển, được ghi danh Tiến sĩ nho học khóa thi cuối cùng của triều Nguyễn năm Kỷ Mùi - 1919. Như vậy, người Quảng Bình đã ghi danh mình ở hầu hết khoa thi thử thách tài năng con người dưới thời phong kiến.

Một trong những bằng chứng thể hiện sự tín nhiệm tài năng danh nhân Quảng Bình chính là việc triều đình chọn họ để đứng vào vị trí làm thầy dạy cho cả vua, hoàng hậu, thái tử và yếu nhân hoàng tộc. Đó là trường hợp Nguyễn Duy Cần, người làng Lý Hòa, Bố Trạch, sau khi đỗ Tiến sĩ khoa Nhâm Dần - 1842 dưới thời Thiệu Trị đã được sung chức Giáo tập Tôn Học Đường dạy học vấn, lễ nghĩa cho hoàng phi, công chúa, hoàng tử hoàng tôn trong phủ Tôn Nhơn, sau bổ làm Tế tửu Quốc Tử giám là lò đào tạo nhân tài cho chế độ. Con trai Nguyễn Duy Cần là Nguyễn Duy Miễn cũng kế nghiệp cha làm Tế tửu Quốc Tử giám, cháu Nguyễn Duy Cần cũng nối nghiệp ông cha được giao trọng trách Chủ sự Viên ngoại, Lang trung bộ Công rồi bổ làm Kinh kỳ đạo chưởng ấn. Trường hợp cụ Nguyễn Đăng Tuân, sinh ra đúng thời loạn lạc, không có cơ ứng thí để có tên trong danh bảng đại khoa nhưng có sức học hơn người, thông kim bác cổ nên được triều đình thăng bổ nhiều phẩm hàm, trọng trách như Hàn lâm học sĩ, Tham tri bộ Lễ. Khi đã đến tuổi nghỉ hưu, cụ vẫn được vời vào kinh dạy chữ nghĩa cho thân vương. Hậu duệ của cụ có rất nhiều thế hệ tài cao, học rộng như Nguyễn Đăng Giai, Nguyễn Đăng Hành, Nguyễn Đăng Cũ đều được giao phó nhiều trọng trách ở triều đình và nhiều người đã được triều đình giao phó nhiệm vụ dạy học cho thân vương như các vị tiền bối trong gia tộc. Thế mới biết danh nhân Quảng Bình được tín cẩn biết nhường nào.

Bên cái chung, cái phổ biến của lịch sử thì danh nhân Quảng Bình cũng có những lối rẽ riêng và nổi tiếng trên những ngõ hẹp thời ấy.

Trước hết trên địa hạt văn hóa, vùng đất Quảng Bình hẻo lánh và xa xôi chốn kinh kỳ nhưng không những không bị lãng quên mà còn nổi tiếng với nhiều sự lạ.

Dưới thời phong kiến, trong khi nho học ngự trị đời sống văn hóa, hầu hết nho sỹ bị ràng buộc trong niêm luật thi phú thì vẫn có những danh sĩ Quảng Bình lại có lối rẽ riêng, quay về với văn hóa dân tộc, dân gian. Nếu đất nước tự hào với truyện Kiều 3.254 câu thơ lục bát của đại thi hào Nguyễn Du thì trước Nguyễn Du hơn cả 100 năm, một danh sĩ - nhà thơ Quảng Bình là Nguyễn Hữu Hào đã có tác phẩm văn học để đời - "Song tinh bất dạ" với 2.216 câu thơ lục bát.

Đó là Nguyễn Hàm Ninh không chỉ nổi tiếng với sự nghiệp trác thuật và văn chương mà ông còn là danh nhân nổi tiếng với nhiều việc khiến những người nổi tiếng đương thời phải vị nể. Có thể dẫn ra đây 2 việc như thế. Vào thời đó (nữa đầu thế kỉ XIX), không ai không nể tài năng và bản lĩnh Cao Bá Quát đến mức tôn phù "thần Siêu, thánh Quát", không ai không nể trọng trí tuệ uyên quảng và hào hoa của Bạch Hào Tử - Tùng Thiện Vương Miên Thẩm  và không mấy ai dám đọ sức, so tài, kết bằng hữu với những bậc danh giá này. Nhưng, Nguyễn Hàm Ninh thì lại khác, ông không những được danh sĩ họ Cao và vị thân vương nhà Nguyễn kính trọng tài trí văn chương mà còn kết tình bằng hữu, thường ngày đối tửu thi phú và bàn luận thời thế, vị trí không mấy trí thức thời đó có được. Thứ hai là việc ông dịch bài thơ nổi tiếng "Phong kiều dạ bạc" của Trương Kế. Đây là bài thơ được truyền từ đời vua Đường Túc Tông, sau này đã được Khang Hữu Vi đời nhà Thanh khắc nguyên tác trên tấm bia lớn dựng trong chùa Hàn San để cho người đời sau qua đây thưởng lãm. Nhiều danh sĩ Việt Nam đã dịch bài thơ này ra thơ Nôm nhưng bởi bài thơ có nhiều từ “độc” nên ít ai dịch thoát nổi ý, thường bị người đời chê bai, trong đó không ít người vốn rất nổi tiếng về chữ nghĩa, thơ phú. Duy chỉ có bài dịch của Nguyễn Hàm Ninh - danh sĩ Quảng Bình - là tuyệt tác chưa ai sánh kịp.

Rồi đến khi sự bó hẹp của văn hóa nho học theo không kịp với sự bùng nổ văn hóa đa phương thì có ngay những danh sĩ Quảng Bình như Nguyễn Xuân Sanh, Lưu Trọng Lư, Hàn Mặc Tử lên tiếng trong phong trào Thơ Mới và hậu thơ mới mà thời đó còn quá nhiều người "thích mà không hiểu, không hiểu vẫn thích". Nguyễn Xuân Sanh được coi là một trong rất ít nhà thơ đi đầu với những vần thơ bí hiểm, tắc tị nhưng được nâng niu bởi sự tìm tòi thi tứ "đáy đĩa mùa đi nhịp hải hà". Lưu Trọng Lư - danh sĩ Quảng Bình mang cái lãng mạn vô thường vào hơi thở văn chương hiện đại, còn Hàn Mặc Tử - cũng là thi sĩ Quảng Bình - đã đem cái thế giới hỉ, nộ, ái, ố vào thơ để người đời mang theo suốt hành trang trần thế của họ.

Về xã hội, trong buổi loạn ly, hầu hết hệ thống quyền lực dựa vào bộ máy quân sự để tiêu trừ nghịch đảng, thu phục biên viễn và quản cai địa hạt thì ở đâu có người Quảng Bình, ở đó có những lối rẽ riêng trong chính sách an dân. Dù rằng nhiều danh nhân Quảng Bình thành đạt trên địa hạt quân sự nhưng hầu như công việc làm đầu tiên của những tướng tài quân sự chính là an dân. Đào Duy Từ khi đảm trách trọng trách xây dựng thành lũy đối phó với quân Trịnh đã đứng trên thế giữ đất chứ không lấy đất. Huỳnh Côn khi trấn nhậm ở Ninh Thái đã không cho xây thành phòng bị theo đề xuất của thổ hào, thay vào đó lại chủ trương cung tiền hỗ trợ cho dân để dân yên, dân tin và dân bảo vệ. Thống tướng Lê Sĩ lãnh nhiệm vụ đi trấn giữ phía Nam, chống lại cuộc tiến công của Pháp vẫn giành thời gian điều tra hiện tình kinh tế các địa phương rồi trình tấu kế sách xây dựng các công trình thủy lợi khắc phục hạn hán, chế ngự lũ lụt khiến một vùng đất nghèo Bình Định trở nên trù phú. Nguyễn Hữu Cảnh lãnh nhiệm trọng trách đem quân mở cõi phía Nam đã lấy việc an dân thay cho dùng gươm giáo mà thành công viên mãn. Đó là những lối rẽ khác người của danh nhân Quảng Bình.



3. Những cống hiến kiệt xuất

Công bằng mà nói thì dưới thời phong kiến, hầu hết những người có học và học rộng đều được trọng dụng và rất được nhân dân nể phục. Rất nhiều con em các thế hệ Quảng Bình học cao, biết rộng đã giành được những vị trí danh giá trong xã hội và đã có những đóng góp rất đáng ghi nhận cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước nói chung và cho sự hưng thịnh của các vương triều suốt tiến trình lịch sử. Nhiều vị đã nhận được sự tôn phù hoặc phong sắc những danh tước cao quý như Khai quốc công thần, công thần, nhiều vị nhận được các phẩm hàm cao trong hệ thống thứ bậc phong kiến như phẩm hàm "công", "hầu" (trong lục tước: vương, công, hầu, bá, tử, nam).

Trước hết, nói đến tài năng và cống hiến của các danh nhân phải kể đến công lao khai mở đất đai, thiết lập điền trang, thái ấp, dạy dân cày cấy, từ đó mà nên làng, nên xóm, ổn định nơi sinh sống cho dân Quảng Bình từ đời này sang đời khác. Công đầu trong sự nghiệp này thuộc về Lý Thường Kiệt. Ông là người chỉ huy đạo quân thu phục vùng đất Quảng Bình xưa vào lãnh thổ Đại Việt, thực hiện việc hoạch định cương vực lãnh thổ, chiêu dân lập ấp. Tính từ lần đầu đưa quân vào đất Bố Chinh, Địa Lý vào năm 1069 đến lần cuối cùng vào năm 1104 thì Lý Thường Kiệt đã có tới trên 35 năm gắn bó với vùng đất này (ông thọ 86 tuổi, gần một nửa cuộc đời ông đã giành cho đất Quảng Bình xưa), nên ông xứng đáng được ghi danh là bậc tiền hiền khai khẩn của đất Quảng Bình vậy. Công ấy không ai sánh bằng, rất đáng để lập đền miếu thờ phụng. Dưới các triều đại Trần, Lê, nhiều người Quảng Bình đã có công khai phá vùng đất Quảng Bình kế tục sự nghiệp Lý Thường Kiệt, khai mở đất đai, lập ấp, phát triển các cộng đồng làng xã nông nghiệp và thủ công nghiệp trên đất. Họ thực sự là những danh nhân Quảng Bình dám đột phá vào vùng đất hoang hóa, khắc nghiệt để giúp dân mưu sinh, còn để lại danh thơm đến ngày nay, được nhân dân thờ phụng. Đó là các vị danh tướng Trần Bang Cẩn chiêu dân, lập làng vùng Quảng Lộc, huyện Quảng Trạch; Hồ Hồng khai mở đất Lý Nhân Nam, huyện Bố Trạch; Hoàng Hối Khanh chiêu dân lập điền trang lưu vực sông Kiến Giang, huyện Lệ Thủy. Gần đây nhất là Phan Thúc Duyện, sau khi bị đày ở Côn Đảo, trở về sống ở Quảng Bình có 10 năm nhưng đã giúp dân khai phá cả vùng đất chua mặn rộng lớn, lập làng, phát triển nghề nông vùng Sơn Phú, huyện Lệ Thủy.

Trong nhiều thế hệ trải từ người thành danh sớm nhất đến người muộn nhất, có rất nhiều người soán đoạt vị trí cao trong hệ thống quan trường và được trọng dụng đặc biệt. Tỷ như trường hợp Võ Xuân Cẩn (người làng Hòa Luật, huyện Lệ Thủy), thành danh từ thời các chúa Nguyễn, đến đầu thời nhà Nguyễn làm quan đầu tỉnh ở nhiều xứ trọng yếu rồi vươn lên tới vị trí "tứ trụ" triều đình với phẩm hàm Thượng thư bộ Hình, gia thăng Đông các Đại học sĩ, được ban hàm Thái tử Thiếu bảo rồi sung chức Khâm sai, theo vua tuần thú tra xét án luật, rồi lại được thăng lên tới vị trí đứng đầu hàng quan đầu triều với chức Ngự Tiền đại thần. Về già, ông cáo lão muốn nghỉ ngơi nhưng vẫn có nhiều cống hiến lớn lao giúp vua trị nước. Khi mất, ông được vua Tự Đức ban 4 chữ vàng "Tứ Triều Nguyên Lão" (lão đại thần 4 triều vua), đưa vào thờ ở đền "Hiền Lương" chỉ dành thờ phụng đại công thần. Thế là bao nhiêu vị trí danh dự chốn cung đình về một tay danh nhân người Quảng Bình. Tài và nghiệp như thế ít ai sánh bằng.

Lại như cụ Trần Văn Thuần, người làng La Hà, huyện Quảng Trạch, đỗ tiến sĩ năm Nhâm Tuất - 1862, khởi đầu sự nghiệp bằng chức Hàn Lâm Viện Thị Độc học sĩ, làm việc tại nội các, rồi được sung phong hàng loạt phẩm hàm chức tước như Khâm sai, Thị lang bộ Lại, Tham tán quân vụ Ninh - Thái - Lạng - Bình, sau được thăng quan đến chức Thượng thư bộ Công, đã từng được phong tước Hông Lô tự khanh, từng được sung làm doanh điền sứ ở Quảng Bình.

Danh nhân Quảng Bình tài năng và được trọng dụng không thể không kể đến Vũ Trọng Bình. Trong khi Vũ Trọng Bình đang tại vị Thượng thư bộ Lại, kiêm quản Quốc Tử giám và Cơ mật viện, có lần Nguyễn Tri Phương thấy hàng ngũ quan lại các tỉnh phía Bắc sách nhiễu dân chúng, làm cho chính sự bất an, dân tình suy đốn, liền tấu trình triều đình xin cử đại thần Vũ Trọng Bình đặc phái thanh tra chấn chỉnh để yên lòng dân, Tự Đức đã thẳng thừng từ chối bởi một lý do hết sức chính đáng: "Nơi biên viễn là trọng, nhưng kinh sư còn trọng hơn". Nghĩa là trọng trách của Vũ Trọng Bình ở kinh kỳ là không thể có ai thay thế. Được kính nể và trọng dụng như thế, thiết tưởng phải là một tài năng đa văn, quảng kiến lắm mới có được.

Danh nhân Quảng Bình ở thời nào cũng có cái lạ, cái đáng ngạc nhiên, nhưng có lẽ ngạc nhiên hơn cả là chuyện hai bộ đôi danh nhân Quảng Bình chính là những người khởi đầu kháng Pháp rất oanh liệt và kết thúc sự nghiệp kháng Pháp rất vẻ vang, để lại danh thơm muôn đời.

Trong bộ đôi đầu tiên mở đầu sự nghiệp 100 năm chống thực dân Pháp xâm lược thì người thứ nhất là Thống đốc Trấn Bắc Đại tướng quân Hoàng Kế Viêm (người làng Văn La, huyện Quảng Ninh), từng soán đoạt vị trí rất cao dưới thời phong kiến, một trong những người lập công mở đầu kháng chiến chống thực dân Pháp. Cụ người làng Văn La, con trai của cụ Thượng Hoàng Kim Xán. Cuộc đời oanh liệt của cụ Hoàng Kế Viêm, oái oăm thay lại chứa đầy oan trái khiến tỉnh Quảng Bình đã phải dành riêng một hội thảo về cụ (tổ chức năm 2011) để lần nữa khẳng định những công trạng lớn lao của cụ đối với đất nước. Là Phò mã đương triều nhưng chẳng phải vì thế mà con đường tiến thân của cụ thênh thang như bao người khác. Sau khi được bổ làm Lang Trung bộ Lại, cụ lần lượt được giao đảm trách, cũng là dịp thử sức qua những chức quan đầu tỉnh ở những vùng khó khăn nhất như Án sát tỉnh Ninh Bình, Bố chính tỉnh Thanh Hóa, Bố chính kiêm Tuần vũ tỉnh Hưng Yên, Tổng đốc An - Tĩnh, thăng lên Thống đốc Quân vụ 4 tỉnh Lạng - Bình - Ninh - Thái, được phong Đại học sĩ, thống lãnh quân vụ Tam Tuyên rồi Tiết chế quân vụ miền Bắc, sung Thượng thư bộ Công, rồi lại phong Đông các Đại học sĩ, thăng Thái tử Thiếu bảo, sung Đại thần Viện Cơ mật. Cụ không chỉ là mệnh quan của triều đình mà còn là vị thánh của dân, đến đâu cụ cũng tìm cách chiêu dân khai hoang, dạy dân làm ăn, chăm dân no ấm và mở mang dân trí. Cụ còn là nhà thơ, nhà sử học với nhiều tác phẩm đề đời. Cuộc đời của cụ để lại nhiều tiếng thơm nhưng lẫy lừng nhất vẫn là những trận chiến với quân Pháp trong buổi đầu chúng kéo quân ra xâm lược miền Bắc với những chiến công ở trận Cầu Giấy các năm 1873 và 1883. Cùng với Thống tướng Lê Sĩ mở đầu sự nghiệp kháng Pháp, cụ Hoàng Kế Viêm chính là vị danh nhân người Quảng Bình ghi công đầu, thể hiện tinh thần và ý chí quyết tâm chống thực dân Pháp đến cùng của nhân dân Việt Nam.

Người thứ hai trong bộ đôi này, cùng ghi công đầu trong thời điểm đó tại miền Trung là Đô thống Lê Sĩ (người làng Võ Xá, huyện Quảng Ninh). Cụ Lê Sĩ ra làm quan vào thời kỳ đất nước rơi vào nguy cơ ngoại xâm. Chính vào thời điểm ấy, cụ được vua Thiệu Trị bổ làm nhiều chức vụ, chỉ huy trấn giữ nhiều căn cứ hiểm yếu. Khi sự an nguy của đất nước đang bị de dọa từ âm mưu tấn công trực diện của quân Pháp vào kinh đô, cụ đã được chính Tự Đức điều về cùng Nguyễn Tri Phương chỉ huy quân đội và nhân dân kháng cự quyết liệt, buộc địch phải lui binh. Khi thực dân Pháp đổi kế lui vào tấn công miền Nam, cụ Lê Sĩ lại được triều đình điều động cấp tốc vào Nam, tăng làm Chưởng vệ, cùng Tán tương Quân thứ Nguyễn Văn Hiển chỉ huy kháng cự ở miền Nam. Tình hình miền Nam tạm ổn định, lập tức cụ được điều về kinh đảm trách điều hành Vũ lâm Tả Dực doanh.

Trong một thời gian dài, cụ Lê Sĩ đã trải nghiệm sức tài bằng nhiều chức vụ như Hiệp quản Quảng Nam, Lãnh binh Ninh Bình, Đề đốc Bình Thuận, Phó đề đốc quân thứ Hải Dương, Đề đốc Bắc Ninh... Tài cao và kinh qua, trưởng thành từ thực tế, trải nghiệm ở nhiều địa bàn hiểm yếu, cụ Lê Sĩ đã được tin cẩn giao giữ những trọng trách tại chính kinh thành. Chính vào thời điểm nguy nan nhất của triều đình Nguyễn, cụ đã được tín chọn để cùng những nhân vật nổi tiếng như Chưởng vệ Tôn Thất Thể, Tham tri Hình bộ Phạm Ý, phó Đô Ngự sử Trần Văn Thiều thành bộ tứ canh giữ sự an nguy của kinh thành. Cũng chính cụ Lê Sĩ là người đã hiến kế thị uy quân Pháp bằng cuộc tổng thao diễn quân lực hiệp đồng tứ binh: hải, bộ, kỵ, pháo chưa từng có dưới các vương triều trước đây, gây thanh thế cho lực lượng kháng chiến. Đó là tất cả tố chất và phẩm chất hun đúc con người danh nhân Quảng Bình - Đô thống Lê Sĩ - để có cái kết lẫm liệt trong trận chiến sinh tử với thực dân Pháp trong 3 ngày 18, 19 và 20 tháng 8 năm 1883.

Trong bộ đôi thứ hai, có công lớn trong thời kỳ cách mạng và kháng chiến chống Pháp có một viên tướng huyền thoại - tướng Hoàng Sâm. Ông là Đội trưởng đầu tiên của Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, lực lượng vũ trang cách mạng chính thức đầu tiên của Việt Nam. Cuộc đời binh nghiệp của ông còn gắn với nhiều huyền thoại ly kỳ ít ai có được. Người Quảng Bình thứ hai trong bộ đôi này và là người cuối cùng trong bộ tứ làm nhiệm vụ kết thúc trọn vẹn sự nghiệp kháng Pháp là Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp. Tên tuổi và sự nghiệp của Đại tướng Tổng Tư lệnh vượt ra khỏi biên giới Quốc gia, sánh ngang tầm với các bậc danh tướng lẫy lừng thế giới.

Hơn 10 năm sau đó, khuấy động chính trường đất Việt hiện đại cũng có sự góp mặt của 3 người Quảng Bình trên cả 3 chính tuyến: cách mạng, trung lập và đối nghịch mà dòng chảy lịch đại chưa kịp đẩy qua thời quá vãng nên chưa tiện nhắc đến.



4. Nhân cách, bản lĩnh

Để thay lời kết về những hào quang phát lộ từ các thế hệ danh nhân Quảng Bình, không thể không nói đến cách đối nhân xử thế, bởi đó là bản lĩnh và nhân cách của danh nhân Quảng Bình. Xin được dẫn vài chuyện điển hình.

Đặng Đại Độ, người làng Cư Triền, huyện Khang Lộc (nay là làng Quảng Cư, huyện Lệ Thủy), làm quan dưới thời chúa Nguyễn Phúc Khoát, từng được cử đi đánh đông, dẹp bắc, được nhà chúa rất nể trọng bởi có công dẹp nạn giặc cỏ Thạch Bích năm Tân Tỵ - 1761. Khi ông còn làm Ký lục Quảng Nam, một hôm ông được dân bẩm báo có hai vị mệnh quan của nhà Chúa cậy thế làm càn, gây bất an trong vùng, Đặng Đại Độ liền cho lính thẩm tra tin tức, xác minh hành trạng rõ ràng rồi bắt "mệnh quan của triều đình" phải chịu tội chết giữa chợ mà không chút lo sợ hậu họa. Làm xong việc "to gan, lớn mật" đó, Đặng Đại Độ tự đeo gông về kinh chịu tội "tiền trảm hậu tấu". Cảm phục tính cương trực của ông, nhà Chúa không những không xử tội mà còn thăng thưởng, cho làm Tuần phủ Gia Định, gia quyền thăng giáng quan lại 5 phủ miền Tây nếu có công trạng, án tích rõ ràng. Tố chất ấy của danh nhân Quảng Bình quả là hiếm thấy.

Hoàng Kế Viêm, một dũng tướng kiên cường đánh Pháp ngay từ những ngày đầu Pháp đặt chân đến miền Bắc (những năm 1873 -1883). Sau khi triều đình Huế có xu hướng nhượng bộ, sắc chỉ cho ông lui binh, triệu ông về kinh, ông vẫn tìm cớ thoái thác để tiếp tục đánh Pháp. Không thuyết phục được ông, triều đình Huế dùng kế triệt thoái đội quân của ông, đe dọa khép tội, buộc phải hồi kinh ngồi nhìn đất nước lâm nạn ngoại xâm. Chưa dừng lại ở đó, triều đình Huế còn dấn tới một bước nữa là giao cho ông một nhiệm vụ mà cả hai đường tiến - thoái đều khó: phủ dụ Hàm Nghi để chấm dứt phong trào Cần Vương kháng Pháp. Không cam chịu tuân theo điều trái đạo lý nhưng cũng không thể bất tuân chỉ dụ của vua nếu không muốn phạm trọng tội "khi quân", ông đã tương kế, tựu kế "gậy ông đập lưng ông", dùng ngay kế của Pháp và triều đình (dùng ông để phủ dụ Hàm Nghi) làm cơ hội bảo vệ nghĩa sỹ Cần Vương. Ông đã lợi dụng quyền đó để yêu sách với Pháp và Nam triều, làm kế "hoãn binh", che chở cho phong trào kháng Pháp dưới ngọn cờ Cần Vương ở Quảng Bình. Đó là hành động có thể nguy hại đến tính mạng cá nhân và họ tộc nhưng vì nước, ông vẫn làm.



Nguyễn Hàm Ninh, khi còn tại vị chủ sự phủ Tôn Nhơn đã rất nổi tiếng và to gan vì chê vua dốt. Một lần đi qua điện Thái Hòa, thấy có câu đối của Tự Đức "Thần khả báo quân ân/ Tử năng thừa phụ nghiệp", ông dám lấy bút phê: "hảo hề, hảo hề, Cương thường điên đảo". Bên dưới ông cả gan công khai đề tên mình: "Thần: Nguyễn Hàm Ninh phụng khảo". Tự Đức là ông vua nổi tiếng hay chữ cũng phải ngậm ngùi tâm phục, khẩu phục, chịu để một danh nhân Quảng Bình chê và sửa chữ, nhờ đó mà thành vế đối hợp với cương thường thời đó: "Quân ân thần khả bảo/ Phụ nghiệp tử năng thừa". Trật tự phong kiến và lễ nghĩa nho học đã được danh nhân Quảng Bình Nguyễn Hàm Ninh dạy lại cho vua. Nhân cách và bản lĩnh danh nhân Quảng Bình là như vậy.

Sẽ là có lỗi với tiền nhân khi không thể nào nói hết những giá trị tinh hoa của các bậc tiền bối. Nhưng, chỉ một số ít dẫn dụ thôi về những tấm gương danh nhân Quảng Bình đạo cao, đức trọng, sức học như bể, công dày như núi, thông kim bác cổ, bản lĩnh và khí phách cương cường, quả thật như hào quang tỏa sáng muôn thế hệ.

tải về 71.06 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương