TS. Hoàng Sỹ Kim Ban biên tập ts. Nguyễn Ngọc Hiếu ts. Nguyễn Việt Hùng Ths. Nguyễn Thúy Anh Ths. Trần Thị Thoa


QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN CỦA BỘ NÔNG NGHIỆP &



tải về 0.64 Mb.
trang5/8
Chuyển đổi dữ liệu26.07.2016
Kích0.64 Mb.
#6468
1   2   3   4   5   6   7   8

QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN CỦA BỘ NÔNG NGHIỆP &

PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN VÀ CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ

ThS. Trần Thị Thoa

Bộ môn QLNN về Đô thị và Nông thôn



Bài viết này nhằm mục đích giúp bạn đọc có quan tâm đến nông nghiệp, nông thôn Việt Nam phần nào rõ hơn được sự phát triển khởi đầu của cơ quan quản lý về nông nghiệp, nông thôn.

1. Quá trình phát triển của Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn

Tiền thân của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn là Bộ Canh nông được thành lập ngày 14/11/1945 với 2 nhiệm vụ ban đầu là: (1) Thực hiện chương trình tăng gia sản xuất cấp tốc ở Bắc bộ và miền Bắc Trung bộ để giải quyết một phần vào nạn đói đang đe doạ đồng bào; (2) Sửa soạn một nền tảng chấn hưng nông nghiệp để mở đường phát triển cho một nền kinh tế nông nghiệp quốc gia sau này.

Sau đó để quản lý thống nhất các lĩnh vực trong ngành nông nghiệp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh số 69 về việc sát nhập một số cơ quan vào Bộ Canh nông: "Tất cả các cơ quan: canh nông, thú y, mục súc, ngư nghiệp, lâm chính và nông nghiệp tín dụng (hợp tác xã và nông khố ngân hàng) trong toàn cõi Việt Nam từ nay thuộc Bộ Canh nông, các cơ quan trên này sẽ tổ chức theo Nghị định của Bộ Canh nông” [1]. Lúc này Bộ máy quản lý Bộ Canh nông gồm: Văn phòng; Các phòng sự vụ; Các Nha (Nha nông chính; Nha Mục súc, Ngư nghiệp; Nha Lâm chính; Nha Nông nghiệp tín dụng). Đến năm 1950, Nhà Lâm chính được đổi tên thành Nha Thủy Lâm [2]. Năm 1952, Nha Thủy Lâm được tổ chức lại thành Vụ Thủy Lâm - là cơ quan tham mưu giúp Bộ Canh nông quản lý và phát triển lâm nghiệp trên toàn miền Bắc Việt Nam [3].

Năm 1955, Bộ Canh nông đổi tên thành Bộ Nông Lâm, cơ cấu tổ chức gồm: Văn phòng; Vụ Nông nghiệp; Vụ Lâm nghiệp; Vụ Ngư nghiệp; Ngoài ra còn các bộ phận trực thuộc: Sở Quốc doanh Nông nghiệp; Viện Khảo cứu nông lâm; Viện Khảo cứu nông lâm; Phòng Tổ chức cán bộ; Trường Nông Lâm Trung ương.

Năm 1960, Bộ Nông Lâm tách thành 4 tổ chức: Bộ Nông nghiệp, Bộ Nông trường, Tổng Cục Thuỷ sản và Tổng Cục Lâm nghiệp [4]. Bộ Nông nghiệp với trách nhiệm: “quản lý công tác nông nghiệp trong khu vực sản xuất thuộc sở hữu tập thể của nông dân lao động theo đường lối chính sách của Đảng và nhà nước, nhằm phát triển nông nghiệp toàn diện, mạnh mẽ và vững chắc để thoả mãn nhu cầu về lượng thực , thực phẩm cho nhân dân , cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp và sản xuất nông nghiệp cho xuất khẩu, tiến lên xây dựng một nền nông nghiệp hiện đại và một nền khoa học kỹ thuật nông nghiệp tiên tiến”. [5] và có cơ cấu, tổ chức gồm: Văn phòng Bộ; Vụ Tổ chức cán bộ; Vụ Tuyên giáo; Vụ Kế hoạch; Vụ Tài vụ, kiến thiết, vật tư; Vụ Khoa học kỹ thuật; Vụ Quản lý ruộng đất; Vụ Hợp tác xã nông nghiệp; Vụ trồng trọt; Vụ Chăn nuôi; Cục Bảo vệ và kiểm dịch thực vật; Cục Giống và phân bón; Cục Nông cụ và cơ khí nông nghiệp; Ban Thanh tra; Học viện Nông lâm và các đơn vị sự nghiệp, xí nghiệp do Bộ quản lý.

Năm 1969, với mong muốn có một tổ chức đủ mạnh để điều hành sản xuất nông nghiệp đi lên sản xuất lớn nhằm tạo nên nhiều nông sản hàng hoá để đảm bảo nhu cầu của sự nghiệp chống Mỹ cứu nước và ổn định đời sống của nhân dân, Uỷ ban Nông nghiệp Trung ương được thành lập trên cơ sở sáp nhập Bộ Nông nghiệp, Bộ Nông trường và Ban Quản lý hợp tác xã sản xuất nông nghiệp. Tổ chức Bộ máy của Uỷ ban Nông nghiệp Trung ương gồm: Văn phòng Uỷ ban; Vụ Kinh tế Kế hoạch; Vụ Kế toán - tài vụ; Vụ Tổ chức cán bộ; Vụ Tuyên giáo, Vụ Quản lý ruộng đất; Vụ Lao động nông nghiệp và lao động tiền lương; Vụ Khoa học kỹ thuật; Ban Thanh tra; Ban phân vùng và quy hoạch nông nghiệp; Ban quản lý hợp tác xã sản xuất nông nghiệp; Ban quản lý nông trường quốc doanh; Ban kinh tế nông nghiệp miền núi và vùng kinh tế mới; Cục cây lương thực và cây thực phẩm; Cục cây công nghiệp, cây ăn quả và cây làm thuốc; Cục chăn nuôi gia súc lớn; Cục chăn nuôi gia súc nhỏ; Cục nuôi cá nước ngọt; Cục dâu tằm; Cục chế biến nông sản; Cục thuỷ nông; Cục công cụ và cơ giới nông nghiệp; Cục xây dựng; Tổng công ty vật tư nông nghiệp; Viện khoa học nông nghiệp; Viện cây lương thực và cây thực phẩm; Viện cây công nghiệp, cây ăn quả, cây làm thuốc; Viện thổ nhưỡng nông hoá; Viện chăn nuôi; Viện thú y; Viện bảo vệ thực vật; Viện công cụ và cơ giới hoá nông nghiệp; Các trường đại học nông nghiệp I, II, III; các Trường nghiệp vụ, trung cấp thực hành, trường đào tạo công nhân kỹ thuật; Học viện kinh tế nông nghiệp. Sau này có thêm Cục Thuỷ nông.

Sau ngày đất nước hoàn toàn thống nhất (30/4/1975), Nền nông nghiệp nước ta được đặt ra trước nhiệm vụ mới trên địa bàn cả nước. Bộ Nông nghiệp phải thực hiện nhiệm vụ mới để phù hợp với tình hình lịch sử mới nhằm mục đích phát triển nông nghiệp toàn diện, mạnh mẽ và vững chắc để thoả mãn nhu cầu về lương thực, thực phẩm cho nhân dân, cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp và sản phẩm cho xuất khẩu, xây dựng một nền nông nghiệp tiến lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa với một nền khoa học, kỹ thuật tiên tiến. Bộ có nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm để thực hiện sự quản lý Nhà nước đối với toàn ngành nông nghiệp trong cả nước, kết hợp với việc tăng cường sự chỉ đạo, giúp đỡ và phát huy tính chủ động, sáng tạo của các cấp tỉnh, huyện và đơn vị cơ sở trên nguyên tắc đảm bảo sự quản lý tập trung, thống nhất của Trung ương. Đồng thời, với chủ trương phát triển nền nông nghiệp Việt Nam gắn với chế biến, tiêu thụ theo một quy trình khép kín từ sản xuất - chế biến - tiêu thụ, năm 1987 Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm được thành lập trên cơ sở sáp nhập của 3 bộ: Bộ Nông nghiệp, Lương thực , Công nghiệp thực phẩm.

Năm 1995, để giảm bớt sự chồng chéo, chia cắt giữa các Bộ; nhằm mục đích nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước trong các lĩnh vực Nông nghiệp, Lâm nghiệp, Thuỷ lợi và phát triển nông thôn theo định hướng thu gọn các Bộ quản lý ngành hiện có theo chiều hướng chuyển từ Bộ quản lý đơn ngành sang mô hình Bộ quản lý nhà nước nhiều ngành, nhiều lĩnh vực có chức năng gần giống nhau; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được thành lập trên cơ sở hợp nhất 3 bộ: Bộ Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm và Bộ Thuỷ lợi. Trước những khó khăn của nền kinh tế lạc hậu, nhiệm vụ chính trị của Bộ đòi hỏi phải phát triển ngành nông nghiệp một cách bền vững, bảo vệ các nguồn tài nguyên thiên nhiên đất - nước rừng, gắn chặt hơn nữa giữa việc phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ lợi với việc phát triển nông thôn trong thời kỳ đổi mới. Năm 1997, Bộ NN & PTNT được bổ sung thêm nhiệm vụ quản lý Nhà nước về Diêm nghiệp.

Đến tháng 8/2007, tại kỳ họp thứ nhất Quốc Hội XII đã quyết định hợp nhất Bộ Thủy sản vào Bộ Nông nghiệp & PTNT. Như vậy, tùy thuộc vào từng thời kỳ lịch sử và tiến trình phát triển kinh tế xã hội của đất nước, Bộ đã thay đổi, hoàn chỉnh dần cơ cấu tổ chức để phù hợp với yêu cầu quản lý nhà nước trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Cụ thể cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp & PTNT hiện nay gồm:

1. Vụ Kế hoạch.

2. Vụ  Tài chính.

3. Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường.

4. Vụ Hợp tác quốc tế.

5. Vụ Pháp chế.

6. Vụ Tổ chức cán bộ.

7. Thanh tra Bộ.

8. Văn phòng Bộ.

9. Cục Trồng trọt.

10. Cục Bảo vệ thực vật.

11. Cục Chăn nuôi.

12. Cục Thú y.

13. Cục Chế biến, Thương mại nông lâm thuỷ sản và nghề muối.

14. Cục Lâm nghiệp.

15. Cục Kiểm lâm.

16. Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản.

17. Cục Nuôi trồng thuỷ sản.

18. Cục Thuỷ lợi.

19. Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống lụt, bão.

20. Cục Quản lý xây dựng công trình.

21. Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn.

22. Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thuỷ sản.

23. Trung tâm Tin học và Thống kê.

24. Trung tâm Quốc gia Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn.

25. Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư Quốc gia.

26. Báo Nông nghiệp Việt Nam.

27. Tạp chí Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.



2. Chức năng, nhiệm vụ của Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn

Quá trình hình thành và phát triển Bộ Nông nghiệp và PTNT có những thay đổi về cơ cấu tổ chức để đứng vững hơn trong mỗi thời kỳ lịch sử. Trong kháng chiến ngành Nông nghiệp đã vượt lên tăng gia sản xuất, cung cấp nông sản để phục vụ cho kháng chiến và giúp người dân dần dần xóa đi cảnh nghèo đói trên khắp đất nước. Khi đất nước thống nhất với việc thực hiện tốt các chức năng, nhiệm vụ trong từng thời kỳ lịch sử, ngành nông nghiệp đã có đóng góp lớn cho công cuộc xây dựng nền kinh tế xã hội của chúng ta như ngày nay. Đến nay, đứng trước những yêu cầu phát triển cao hơn của ngành nông nghiệp trong thời kỳ hội nhập WTO đặt ra cho nước ta cơ hội và thách thức mới nên Bộ Nông nghiệp & PTNT phải tiếp tục thực hiện chức năng quản lý nhà nước các ngành, lĩnh vực: nông nghiệp, lâm nghiệp, diêm nghiệp, thuỷ sản, thuỷ lợi và phát triển nông thôn trong phạm vi cả nước; quản lý nhà nước các dịch vụ công trong các ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Bộ. Cụ thể:



- Đối với nông nghiệp (trồng trọt, chăn nuôi):

+ Quản lý nhà nước về sản xuất, thu hoạch, bảo quản nông sản;

+ Thống nhất quản lý về chế biến nông sản;

+ Quản lý nhà nước về giống cây trồng nông nghiệp, giống vật nuôi nông nghiệp;

+ Thống nhất quản lý vật tư nông nghiệp, phân bón và thức ăn chăn nuôi;

+ Quản lý nhà nước về bảo vệ thực vật, thú y, kiểm dịch thực vật, kiểm dịch động vật; tổ chức kiểm dịch đối với động vật nuôi nông nghiệp, động vật rừng và thực vật xuất khẩu, nhập khẩu theo quy định của pháp luật và các điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia.



- Đối với lâm nghiệp:

+ Quản lý nhà nước về trồng rừng, phát triển tài nguyên rừng, khai thác, bảo quản lâm sản;

+ Thống nhất quản lý về chế biến lâm sản;

+ Quản lý nhà nước về giống cây lâm nghiệp, vật tư lâm nghiệp;

+ Quản lý nhà nước về bảo vệ tài nguyên rừng.

- Đối với diêm nghiệp:

+ Quản lý nhà nước về sản xuất, bảo quản muối và các sản phẩm của muối;

+ Thống nhất quản lý về chế biến muối và các sản phẩm của muối.

- Đối với thủy lợi:

+ Thống nhất quản lý việc xây dựng, khai thác, sử dụng và bảo vệ các công trình thủy lợi, công trình cấp thoát nước nông thôn;

+ Thống nhất quản lý lưu vực sông, khai thác sử dụng và phát triển tổng hợp các dòng sông theo quy hoạch, kế hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt;

+ Thống nhất quản lý về xây dựng, bảo vệ đê điều, công trình phòng, chống lụt, bão và công tác phòng, chống lũ, lụt, bão, hạn hán, sạt lở ven sông ven biển.



- Đối với việc phát triển nông thôn:

+ Tổng hợp trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành kế hoạch, chương trình, chính sách về phát triển nông thôn;

+ Thống nhất quản lý về công tác điều chỉnh bố trí lại dân cư trong nông nghiệp và nông thôn theo quy định của pháp luật;

+ Thống nhất quản lý về xây dựng và phát triển kinh tế hộ, trang trại, kinh tế hợp tác, hợp tác xã nông nghiệp và nông lâm trường của Nhà nước;

+ Thống nhất quản lý công tác khuyến nông, khuyến lâm, khuyến diêm và phát triển ngành nghề nông thôn;

+ Thống nhất quản lý về khai thác và sử dụng nước sạch nông thôn.

+ Quản lý về dự trữ quốc gia những vật tư, thiết bị theo phân công của Chính phủ.

- Việc phát triển khoa học, công nghệ ứng dụng trong nông nghiệp, nông thôn:

+ Thống nhất quản lý việc xây dựng chương trình, kế hoạch, đề tài nghiên cứu phát triển, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong các lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, diêm nghiệp, thủy lợi và phát triển nông thôn theo quy định của pháp luật;

+ Quản lý nhà nước về quỹ gen động thực vật (kể cả thực vật rừng và động vật hoang dã), vi sinh vật dùng trong nông nghiệp, lâm nghiệp, diêm nghiệp theo quy định của pháp luật;

+ Quản lý tiêu chuẩn, chất lượng vật tư và sản phẩm nông, lâm, diêm nghiệp. Giám định chất lượng thiết bị chuyên dùng và công trình xây dựng thuộc phạm vi quản lý của Bộ;

+ Quản lý công tác thông tin khoa học công nghệ, sở hữu trí tuệ chuyên ngành trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Bộ theo quy định của pháp luật.

- Về xúc tiến thương mại:

+ Phối hợp với Bộ Thương mại xây dựng trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cơ chế, chính sách phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm nông, lâm, diêm nghiệp;

+ Phối hợp với Bộ Thương mại xây dựng và dự báo định hướng phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm nông, lâm, diêm nghiệp;

+ Thống nhất quản lý việc tổ chức hội chợ, triển lãm về nông nghiệp, lâm nghiệp, diêm nghiệp, thủy lợi và phát triển nông thôn theo quy định của pháp luật.

+ Thực hiện hợp tác quốc tế trong các lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, diêm nghiệp, thủy lợi và phát triển nông thôn theo quy định của pháp luật.

+ Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể thuộc quyền đại diện chủ sở hữu phần vốn của Nhà nước tại doanh nghiệp có vốn nhà nước trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Bộ theo quy định của pháp luật.



- Về hoạt động sự nghiệp, dịch vụ công:

+ Quản lý và chỉ đạo hoạt động của các tổ chức sự nghiệp thuộc Bộ;

+ Quản lý nhà nước các tổ chức dịch vụ công trong nông nghiệp, lâm nghiệp, diêm nghiệp, thủy lợi và phát triển nông thôn theo quy định của pháp luật.

+ Quản lý nhà nước đối với hoạt động của các hội và các tổ chức phi Chính phủ trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, Bộ còn phải thực hiện các chức năng, nhiệm vụ:

+ Thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, chống tham nhũng, tiêu cực và xử lý vi phạm pháp luật về nông nghiệp, lâm nghiệp, diêm nghiệp, thủy lợi và phát triển nông thôn theo quy định của pháp luật.

+ Quyết định và chỉ đạo thực hiện chương trình cải cách hành chính của Bộ theo mục tiêu và nội dung chương trình cải cách hành chính nhà nước đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

+ Làm thường trực công tác phòng, chống lụt, bão Trung ương, công tác phòng cháy, chữa cháy rừng, công tác chống sa mạc hóa; thường trực Văn phòng ủy ban sông Mê Kông-Việt Nam, cơ quan thẩm quyền quản lý về buôn bán quốc tế các loài động thực vật hoang dã nguy cấp, Chương trình an ninh lương thực quốc gia theo quy định của pháp luật.

+ Quản lý tổ chức bộ máy, biên chế; chỉ đạo thực hiện chế độ tiền lương và các chế độ, chính sách đãi ngộ, khen thưởng, kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức nhà nước thuộc phạm vi quản lý của Bộ; đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nhà nước trong nông nghiệp, lâm nghiệp, diêm nghiệp, thủy lợi và phát triển nông thôn.

+ Quản lý tài chính, tài sản được giao và tổ chức thực hiện ngân sách được phân bổ theo quy định của pháp luật.



Tài liệu tham khảo:

[1] Sắc lệnh số 69 ngày 01/12/1945 của Chủ tịch Chính Phủ Lâm thời.

[2] Sắc lệnh số 69 ngày 14/5/1950 của Chính phủ.

[3] Nghị định số 02-CN/QT/NĐ ngày 09/02/1952 của Bộ Canh nông về tổ chức các Khu và Ty Canh nông.

[4] Chính phủ Việt Nam 1945 - 2000, Nhà Xuất bản chính trị Quốc gia, Hà Nội 2000, trang 87.

[5] Nghị định số 152 - CP ngày 05/10/1961 của Hội đồng Chính phủ.



MỘT SỐ ĐẶC ĐIỂM CHUNG CỦA ĐÔ THỊ

ThS. Nguyễn Thúy Anh

Bộ môn QLNN về Đô thị và Nông thôn



Tóm tắt: Bài viết này tập trung vào một số đặc điểm của đô thị để thấy được sự khác biệt giữa một điểm dân cư đô thị và dân cư nông thôn.

Từ khóa: đô thị, đặc điểm, cơ sở hạ tầng, dân cư, lao động phi nông nghiệp

Khi bàn về đô thị, người ta thường nói đến một trong những đặc điểm chung nhất của đô thị đó chính là hai yếu tố “đô” và “thị”. Trong đó, yếu tố “đô” thường được cho là có ý nghĩa về hành chính, chính trị của đô thị như là nơi định đô, bố trí các tòa nhà hay công trình làm việc của tầng lớp lãnh đạo, quản lý nhà nước, quản lý xã hội,… Yếu tố “thị” thường được coi là nơi giao thương buôn bán, trao đổi những yếu phẩm hàng hóa như chợ, phố thị, thường là những nơi thuận tiện cho việc giao thông, giao lưu trong vùng hoặc khu vực. Hai yếu tố này được định hình ngay từ thủa ban đầu mới xuất hiện đô thị trên thế giới như các đô thị cổ đại có từ 3000 năm trước Công nguyên tại Ai cập, Lưỡng Hà, Trung Quốc, Ấn Độ, Hy Lạp, La Mã và hàng loạt các quốc gia khác. Trải qua thời gian dài cho tới trước cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất tại châu Âu, người ta vẫn thấy hai yếu tố này vẫn là yếu tố chủ đạo của đô thị. Nhưng kể từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất đến khoảng đầu thế kỷ XIX đến nay, theo nhịp phát triển kinh tế và khoa học kỹ thuật trong sản xuất đã tác động rất lớn tới các ngành và lĩnh vực như nông nghiệp, công nghiệp, xây dựng, giao thông vận tải, … các đô thị trên thế giới từng bước biến đổi trở thành các đô thị như ngày nay. Các đô thị này không chỉ có hai yếu tố “đô” và “thị” nữa mà còn phải tính tới nhiều yếu tố khác như giao thông, khoa học, dịch vụ, văn hóa,… để tạo nên cuộc sống đô thị muôn mặt hiện thời. Các yếu tố đó tạo nên những đặc điểm chung của đô thị giúp cho các nhà lãnh đạo và quản lý dễ dàng phân biệt sự khác nhau giữa đô thị và nông thôn để có cách thức quản lý hữu hiệu.

Các đặc điểm của đô thị thường được thể hiện trong những mặt sau:

- Đô thị thường là nơi được Nhà nước công nhận là điểm dân cư đô thị,

- Đô thị thường là những nơi được thành lập theo nhu cầu tổ chức quản lý lãnh thổ của Nhà nước

- Đô thị là những điểm dân cư tập trung với dân số đông,

- Đô thị là những điểm dân cư có mật độ dân số cao,

- Đô thị là những nơi có số người lao động hoạt động chủ yếu trong những ngành nghề phi nông nghiệp,

- Đô thị là những nơi người dân sống và làm việc theo phong cách, lối sống văn minh, hiện đại hơn, có tổ chức hơn,

- Đô thị thường là nơi có hiệu quả kinh tế cao.

- Đô thị là những nơi có hệ thống cơ sở hạ tầng được đầu tư đồng bộ và hoàn chỉnh hơn.

- Đô thị là những nơi có mật độ công trình xây dựng cao hơn...

Dù hiện nay còn nhiều khác biệt trong cách nhìn nhận và đánh giá nhưng hầu hết các nước đều có những quy định để phân biệt điểm dân cư đô thị và nông thôn. Ở mỗi quốc gia trên thế giới, việc phân biệt đô thị và nông thôn khác nhau tuỳ thuộc vào điều kiện địa lý, phân bổ dân cư, mức độ phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia đó.

Tại Việt Nam, điểm dân cư được gọi là đô thị khi được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ra quyết định thành lập là thành phố, thị xã, thị trấn với các tiêu chuẩn tương ứng về trình độ phát triển của từng loại đô thị.

Theo quy định của Việt nam, “đô thị: là khu vực tập trung dân cư sinh sống có mật độ cao và chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực kinh tế phi nông nghiệp, là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa hoặc chuyên ngành, có vai trò thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia hoặc một vùng lãnh thổ, một địa phương, bao gồm nội thành, ngoại thành của thành phố; nội thị, ngoại thị của thị xã; thị trấn.”i

Theo quy định của Việt Nam (Nghị định của Chính phủ số 42/2009/NĐ-CP ngày 07 tháng 05 năm 2009 về việc Phân loại đô thị), sự khác biệt chủ yếu của điểm dân cư đô thị và nông thôn dựa vào 6 đặc điểm hay còn gọi là 6 tiêu chuẩn để được gọi là một điểm dân cư đô thị, như sau:



1. Vai trò, chức năng của đô thị

Việc quyết định thành lập đô thị dựa vào một đặc điểm quan trọng đầu tiên, đó là vai trò, chức năng của đô thị trong việc thúc đẩy sự phát triển của một vùng lãnh thổ. Vùng lãnh thổ chịu ảnh hưởng của đô thị đó có thể là toàn quốc, hay vùng liên tỉnh, vùng tỉnh, vùng huyện hoặc tiểu vùng trong huyện. Khi đó, vai trò và chức năng của đô thị trong phát triển có thể hiểu là “Là trung tâm tổng hợp hoặc trung tâm chuyên ngành, cấp quốc gia, cấp vùng liên tỉnh, cấp tỉnh, cấp huyện hoặc là một trung tâm của vùng trong tỉnh; có vai trò thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của cả nước hoặc một vùng lãnh thổ nhất định.”ii Trong đó, đô thị là trung tâm được hiểu như sauiii:

- Đô thị là trung tâm tổng hợp khi có chức năng tổng hợp về nhiều mặt như hành chính - chính trị, an ninh, quốc phòng, kinh tế (công nghiệp, dịch vụ), đào tạo, nghiên cứu khoa học;

- Đô thị là trung tâm chuyên ngành khi có một vài chức năng nổi trội hơn so với các chức năng khác và giữ vai trò quyết định tính chất của đô thị như: đô thị công nghiệp, du lịch, nghiên cứu khoa học, đào tạo, đô thị cảng;

- Đô thị là trung tâm tổng hợp của một tỉnh, vùng tỉnh hoặc trung tâm chuyên ngành của một vùng liên tỉnh hoặc của cả nước.

Ví dụ ở Việt Nam có những thành phố công nghiệp như Thái Nguyên, thành phố cảng như Hải Phòng, thành phố du lịch như Huế…

Tính chất trung tâm của đô thị đối với vùng lãnh thổ có thể vừa là trung tâm tổng hợp của một vùng vừa là trung tâm chuyên ngành của một vùng lãnh thổ lớn hơn.

2. Quy mô dân số đô thị

Quy mô dân số là đặc điểm quan trọng dễ dàng phân biệt điểm dân cư đô thị và nông thôn và cũng là một chỉ tiêu quan trọng để đánh giá quy mô đô thị. Trên thế giới, thường các đô thị được phân thành các đô thị cực lớn, đô thị lớn, đô thị trung bình lớn, đô thị trung bình nhỏ và đô thị nhỏ

Nhiều nước trên thế giới, do quy mô đất đai lãnh thổ và dân số nhỏ bé, kể cả các nước phát triển và đang phát triển, thường phân loại các đô thị của mình ra làm 3 loại cơ bản sauiv:

- Đô thị lớn, dân số trên 1.000.000 người.

- Đô thị trung bình, dân số từ 20.000 người đến dưới 1.000.000 người.

- Đô thị nhỏ, dân số từ 2.000 người đến dưới 20.000 người.

Theo quy định của Việt nam, quy mô dân số toàn đô thị tối thiểu phải đạt 4 nghìn người trở lên.v Dân số đô thị là dân số thuộc ranh giới hành chính của đô thị, bao gồm: nội thành, ngoại thành, nội thị, ngoại thị và thị trấn.vi

Quy mô dân số toàn đô thị bao gồm dân số thường trú và dân số tạm trú đã quy đổi khu vực nội thị và khu vực ngoại thị. Quy mô dân số của khu vực nội thị và của khu vực ngoại thị được xác định gồm dân số thống kê thường trú và dân số tạm trú đã quy đổi, dân số tạm trú từ 6 tháng trở lên được tính như dân số thường trú.vii



3. Mật độ dân số đô thị

Mật độ dân số phù hợp với quy mô, tính chất và đặc điểm của từng loại đô thị và được tính trong phạm vi nội thành, nội thị và khu phố xây dựng tập trung của thị trấn.viii Mật độ dân số bình quân ít nhất từ 2.000 người/km2 trở lên.ix



Mật độ dân số là chỉ tiêu phản ánh mức độ tập trung dân cư của đô thị được xác định trên cơ sở quy mô dân số nội thành, nội thị và diện tích đất nội thành, nội thị. Diện tích đất xây dựng đô thị trong khu vực nội thị không bao gồm các diện tích tự nhiên như núi cao, mặt nước, không gian xanh (vùng sinh thái, khu dự trữ thiên nhiên được xếp hạng về giá trị sinh học...) và các khu vực cấm không được xây dựng (km2).x

4. Tỷ lệ lao động phi nông nghiệp

Tỷ lệ lao động phi nông nghiệp được tính trong phạm vi ranh giới nội thành, nội thị, khu vực xây dựng tập trung phải đạt tối thiểu 65% so với tổng số lao động.xi

Lao động phi nông nghiệp của đô thị: là lao động trong khu vực nội thị thuộc các ngành kinh tế quốc dân như: công nghiệp, xây dựng, giao thông vận tải, bưu điện, thương nghiệp, cung ứng vật tư, dịch vụ công cộng, du lịch, khoa học, giáo dục (học sinh, sinh viên không tính trong lực lượng lao động), văn hoá, nghệ thuật, y tế, bảo hiểm, thể thao, tài chính, tín dụng, ngân hàng, quản lý nhà nước và lao động khác không thuộc ngành sản xuất nông nghiệp, ngư nghiệp (lao động làm muối, đánh bắt cá, công nhân lâm nghiệp được tính là lao động phi nông nghiệp). xii

5. Hệ thống công trình hạ tầng đô thị

Hệ thống công trình hạ tầng đô thị gồm hệ thống công trình hạ tầng xã hội và hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuậtxiii:

a) Đối với khu vực nội thành, nội thị phải được đầu tư xây dựng đồng bộ và có mức độ hoàn chỉnh theo từng loại đô thị;

b) Đối với khu vực ngoại thành, ngoại thị phải được đầu tư xây dựng đồng bộ mạng hạ tầng và bảo đảm yêu cầu bảo vệ môi trường và phát triển đô thị bền vững.

Hệ thống các công trình hạ tầng đô thị: từng mặt đã hoặc đang được xây dựng tiến tới đồng bộ, các cơ sở sản xuất mới xây dựng phải được áp dụng công nghệ sạch hoặc được trang bị các thiết bị giảm thiểu gây ô nhiễm môi trường.xiv

Theo quy định, hệ thống công hạ tầng đô thị được hiểu làxv:

- Hệ thống công trình hạ tầng xã hội gồm: nhà ở, các công trình dịch vụ, thương mại, y tế, văn hoá, giáo dục, đào tạo, nghiên cứu khoa học, thể dục thể thao và các công trình phục vụ lợi ích công cộng khác;

- Hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật gồm: giao thông, cấp điện và chiếu sáng công cộng, hệ thống cấp nước, hệ thống thoát nước, công viên cây xanh, xử lý các chất thải, nghĩa trang, thông tin, bưu chính viễn thông;

- Khi xây dựng các trục giao thông chính của đô thị phải đảm bảo đầu tư đồng bộ các công trình hạ tầng kỹ thuật khác như: cấp nước, thoát nước, thông tin, bưu chính viễn thông, cấp điện, chiếu sáng, cây xanh.

- Khu vực ngoại thị phải được đầu tư xây dựng theo quy hoạch được duyệt đảm bảo sự đồng bộ các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội tại các khu dân cư; mạng hạ tầng khung kết nối nội, ngoại thị và vùng xung quanh; các công trình hạ tầng kỹ thuật đầu mối; bảo vệ cảnh quan sinh thái và vùng ưu tiên phát triển nông nghiệp.




tải về 0.64 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương