TS. Hoàng Sỹ Kim Ban biên tập ts. Nguyễn Ngọc Hiếu ts. Nguyễn Việt Hùng Ths. Nguyễn Thúy Anh Ths. Trần Thị Thoa


Cải tạo đô thị và vai trò của các lực lượng thị trường



tải về 0.64 Mb.
trang3/8
Chuyển đổi dữ liệu26.07.2016
Kích0.64 Mb.
#6468
1   2   3   4   5   6   7   8

4.Cải tạo đô thị và vai trò của các lực lượng thị trường


Việc cải tạo các dự án quy mô lớn hay nhỏ trong nền kinh tế thị trường ở phương Tây đều tiến hành trên nền tảng sự lựa chọn của vốn (capital) và khu vực tư lớn mạnh và nền tảng kinh tế thị trường phát triển. Khi khu vực công không phải là các doanh nghiệp mà là nhánh quyền lực, bản chất các quá trình cải tạo là hợp tác hay đối tác (partnership) để thực hiện các mục tiêu. Nhiệm vụ của chính quyền là giám sát để các mục tiêu xã hội đạt được dựa trên các chính sách khuyến khích (incentive policies). Các chính sách hiện đại tìm cách hạn chế phá dỡ và tìm cách giữ gìn và cải tạo sử dụng sáng tạo các công trình và khu vực cũ.

Trong triết lý cải tạo này cũng như triết lý hòa hợp, vai trò của chính quyền có sự thay đổi từ người quản lý sang nhà doanh nghiệp đô thị. Nói cách khác, chính quyền tiến hành giải quyết các vấn đề cải tạo đô thị trên quan điểm kinh doanh (John Diamond et al., 2010). Cách thức tác động vào cải tạo phát huy có điều kiện sức mạnh của lực lượng thị trường và bản thân chính quyền cũng có tư tưởng kinh doanh trong cải tạo phát triển.

Tuy nhiên đặc điểm của cách tiếp cận sử dụng doanh nghiệp hay lực lượng thị trường (market forces) là thị trường chỉ phục vụ tốt những người có khả năng chi trả cao và ít rủi ro cho vốn đầu tư - đồng nghĩa với việc gạt ra rìa các đối tượng thu nhập thấp (marginalised groups). Những chương trình cải tạo đô thị có động lực thị trường thuần túy thường dẫn đến tình trạng ‘thanh lọc’ dân cư (gentrification) hay đẩy các đối tượng thu nhập thấp ra khỏi khu vực cũ. Việc cải tạo khu vực trung tâm đô thị có giá trị thương mại cao luôn diễn ra tình trạng này và mức độ khác nhau nhiều ít chủ yếu do chính sách điều tiết của chính quyền cố gắng giảm thiểu sự phân cách xã hội.

Từ Hoa Kỳ, Châu Âu, châu Á, Trung Quốc và kể cả ở Việt Nam, vấn đề này đã được ghi nhận và tổng kết. Ngay những dự luật về giới hạn tiêu chuẩn nhà ở tại Hoa Kỳ những năm 1934 (Đạo luật Nhà ở Quốc gia - NHA) luật hóa việc quy hoạch cải tạo các khu ổ chuột cũ. Tuy nhiên, điều kiện hỗ trợ mua nhà cho họ tại các khu mới đến lại hướng họ vào các khu vực cải tạo ‘dành riêng’ cho các ‘chủng’ người có thu nhập thấp (Jacobs Jane, 1993). Có thể làn sóng xây dựng lại các khu trung tâm cũ tại Hoa Kỳ với chương trình xóa nhà ổ chuột (đạo luật Nhà ở 1949) đã giúp thực hiện các dự án chỉnh trang đô thị quy mô lớn ở Pitsburg (1950), Boston, Los Angeles và nhiều đô thị khác khi kinh tế Mỹ thăng hoa vào thập niên 50 - 70, thì vấn đề cũng có hai mặt bởi việc chỉnh trang ‘quá đà’ đã vẫn đẩy người nghèo (chủ yếu là da đen) ra khỏi nơi ở cũ - đây cũng là nguyên nhân dẫn đến những phong trào phản kháng với lý do sắc tộc những năm 1960 (Martin Luther King - người bảo vệ quyền lợi người da đen ở Mỹ).

Bên ngoài nước Mỹ, các đô thị Đông Đức sau những năm 1990 và đặc biệt là Berlin được cải tạo bởi thời cơ đặc biệt khi tiềm lực kinh tế CHLB Đức dồi dào, hệ thống kinh tế Đông Đức rệu rã cần thay thế và các công trình hạ tầng đô thị xuống cấp. Nhưng lợi ích căn bản vẫn là sự khác biệt trong giá trị bất động sản sau khi cải tạo. Các đề xuất xóa nhà ổ chuột tại Trung Quốc cũng có vấn đề tương tự khi xóa sổ các khu ổ chuột của người nhập cư ở trung tâm cũ (ví dụ làng Zhejiang ở Bắc Kinh) hoặc các khu ở kiểu tập thể (danwei) do các xí nghiệp xây dựng vào thập niên 60 và đẩy họ ra vùng ngoại vi (Leaf, 1995). Đất trung tâm được dùng để xây dựng căn hộ cao cấp và các khu biệt thự xa hoa. Tại Việt Nam, nhiều dự án di dời nhà máy ở Hà Nội giai đoạn gần đây cũng chỉ phục vụ một nhóm người thu nhập cao bởi như Vincom Royal city, Vincom tower, hay Times city. Quá trình thanh lọc về nhóm thu nhập ở đây cũng đã được dự báo trong giai đoạn sắp tới.

Gần đây, vấn đề cạnh tranh đô thị và toàn cầu hóa đã thúc đẩy quy mô các dự án cải tạo đô thị cũ lên một tầm cao mới. Nhiều đô thị lấy động lực là tổ chức những sự kiện thể thao lớn như Olympic mùa hè ở Los Angeles (1984), Seoul (1988), Barcelona (1992), Sydney (2000), Athen (2004), và Bắc Kinh (2008). Một số các đô thị nhỏ hơn không ‘tranh’ được suất olympic mùa hè thì nhắm tới trở thành tâm điểm du lịch và sự kiện như thành phố Bilbao - xứ Basque Tây Ban Nha (1994), Dublin (Ireland), và thủ đô văn hóa của châu Âu Liverpool (2008).

Trong số các đô thị làm ‘Olympic’, duy chỉ có Athen thất bại về kinh tế dẫn đến nguy cơ phá sản chính phủ do nợ công, còn lại Los Angeles, Seoul, Barcelona đều thành công và Sydney thành công vừa phải. Barcelona (Tây Ban Nha) có lẽ là thành công nhất với tổng các giá trị đầu tư chỉnh trang lên tới 7,5 tỉ đô la Mỹ. Hiện nay Barcelona trở thành thành phố giàu có bậc nhất Tây Ban Nha với thu nhập xấp xỉ 36’000 euro/người (2009), cao hơn 40% so với mức bình quân của châu Âu.

5.Kết luận


Nhìn ra nước ngoài, có thể thấy triết lý trong quy hoạch cải tạo đô thị cũ thể hiện sự đa dạng trong giải quyết các vấn đề cụ thể. Tùy theo quy mô, mức độ cấp thiết và khả năng giải quyết mà các triết lý khác nhau được phát triển và áp dụng.

Trong giai đoạn hiện tại, xu hướng chung là coi trọng nguồn vốn xã hội (social capital) trong việc thu xếp vốn, tự điều chỉnh cộng đồng nhằm làm hài hòa lợi ích trong phát triển. Chính quyền cần phát triển các công cụ để khai thác nguồn tài nguyên này.

Bên cạnh đó, cùng với sự lớn mạnh của khu vực tư, chính quyền cần khai thác lực lượng thị trường ở những khu vực phù hợp nhằm giảm tải cho ngân sách đô thị; đồng thời giám sát chặt chẽ để định hướng sự phát triển hướng tới sự gắn kết cộng đồng. Đối với những vấn đề cụ thể, cần có cách tiếp cận đa phù hợp nhằm giải quyết hợp lý bản chất các mâu thuẫn trong quá trình cải tạo phát triển đô thị.

Mong rằng các nhà nghiên cứu và quản lý tiếp tục nghiên cứu và bổ sung để xây dựng căn cứ hoàn thiện hơn nữa thể chế trong lĩnh vực này phục vụ sự phát triển của đất nước.



Tài liệu tham khảoReferences

Healey, P. 1997, Collaborative planning: shaping places in fragmented societies Macmillan Press, London.

Jacobs Jane 1993, The death and life of great American cities, hard cover edn, Modern Library, New York.

John Diamond, Joyce Liddle, Alan Southern, & Philip Osei 2010, Urban regeneration managemen:international perspective Routledge, New York, USA & Oxford, UK.

Leaf, M. 1995, "Inner city redevelopment in China", Cities, vol. 12, no. 3, pp. 149-162.


PHÁT TRIỂN LÀNG NGHỀ GẮN VỚI BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG

Lê Hoàng Oanh

Bộ môn QLNN về Đô thị và Nông thôn



Một trong những tiêu chí xây dựng nông thôn mới là chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn theo hướng tăng tỷ lệ lao động phi nông nghiệp. Trong đó, yếu tố quan trọng để tạo ra sự chuyển dịch ấy là phát triển các làng nghề tiểu thủ công nghiệp, làng nghề truyền thống. Vấn đề đặt ra là chúng ta phải phát triển các làng nghề này một cách bền vững, gắn với bảo vệ môi trường.

Đảng và Nhà nước ta đã xác định bảo tồn và phát triển làng nghề sẽ tạo thêm lực lượng lao động mới có trình độ và tay nghề cao, chỗ làm việc mới cho lao động phi nông nghiệp, tăng thu nhập cho người dân và tăng lượng hàng hóa xuất khẩu, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Việc xây dựng Chương trình Bảo tồn và Phát triển làng nghề theo phương châm “mỗi làng một sản phẩm”, phát triển ngành, nghề theo thế mạnh của từng địa phương là một chương trình lớn , toàn diện, đồng thời, có ý nghĩa kinh tế xã hội đặc biệt quan trọng để bảo tồn và phát triển các nghề, sản phẩm, công nghệ truyền thống của dân tộc, là đòn bẩy và động lực vững chắc cho công cuộc xây dựng nông thôn mới.

Theo thống kê của Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, hiện nay nước ta có khoảng 2.790 làng nghề, riêng ở Hà Nội có khoảng 1.160 làng nghề. Theo tổng hợp của Tổng cục Môi trường, làng nghề nước ta phân bố tập trung chủ yếu tại đồng bằng sông Hồng (chiếm khoảng 60%), miền Trung (khoảng 30%) và miền Nam (khoảng 10%). Sự phát triển của làng nghề đang góp phần đáng kể trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở địa phương. Tại nhiều làng nghề, tỷ trọng ngành công nghiệp và dịch vụ đạt từ 60% - 80% còn ngành nông nghiệp chỉ đạt 20% - 40%.

Trong những năm gần đây, số hộ và cơ sở ngành nghề ở nông thôn đang tăng lên với tốc độ bình quân từ 8,8% - 9%/năm, kim ngạch xuất khẩu từ các làng nghề cũng không ngừng tăng lên. Trung bình mỗi cơ sở doanh nghiệp tư nhân chuyên làm nghề tạo việc làm ổn định cho khoảng 27 lao động thường xuyên và 8 - 10 lao động thời vụ; các hộ cá thể chuyên nghề tạo 4 - 6 lao động thường xuyên và 2 - 5 lao động thời vụ.

Tuy nhiên, các làng nghề truyền thống ở các địa phương vẫn còn rất nhiều khó khăn. Các làng nghề này vẫn được duy trì nhưng số lượng người tham gia ngày càng giảm. Số hộ chuyên làm nghề chỉ chiếm khoảng 30%, còn lại là vừa làm nghề vừa làm nông nghiệp. Sản phẩm làm ra chủ yếu bằng phương pháp thủ công, sản xuất nhỏ lẻ, phân tán. Người thợ làm nghề có kinh nghiệm và kỹ thuật truyền thống nhưng lại chưa được tiếp cận với kỹ thuật, công nghệ mới, thiếu thông tin về thị trường nên sản phẩm làm ra chất lượng thấp, mẫu mã chưa đẹp, không đa dạng nên khó tiêu thụ.

Các làng nghề giờ đây đang chuyển mình trong thời kỳ hội nhập kinh tế với những cơ hội và thách thức mới. Mở cửa, hội nhập, các làng nghề có cơ hội giới thiệu sản phẩm của mình ra thế giới. Điều đó được khẳng định với nhiều mặt hàng xuất khẩu là thế mạnh của nước ta trong nhiều năm qua, mà phần lớn có xuất xứ từ các làng nghề truyền thống trong cả nước như gốm sứ, đồ thủ công mỹ nghệ, khảm trai… và có mặt ở hơn 100 quốc gia trên thế giới.

Cùng với những cơ hội phát triển, làng nghề đang phải đối mặt với nhiều thách thức, trong đó có vấn đề bảo vệ môi trường làng nghề theo hướng phát triển bền vững.

Theo báo cáo môi trường quốc gia của Bộ Tài nguyên và Môi trường về tình hình môi trường làng nghề Việt Nam, các số liệu cho thấy môi trường làng nghề đang suy giảm một cách nghiêm trọng, gây ảnh hưởng xấu đến đời sống của người dân.

Kết quả khảo sát các làng nghề điển hình trong cả nước đã cho thấy: 46% số làng nghề có môi trường ô nhiễm nặng và 27% bị ô nhiễm vừa. Tại các làng nghề sản xuất vật liệu xây dựng, môi trường xung quanh khu vực sản xuất có hàm lượng bụi đều vượt quá tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) từ 3 - 8 lần, hàm lượng S02 có nơi còn vượt đến 6,5 lần. Tại các làng nghề chế biến lương thực, thực phẩm, chăn nuôi và giết mổ, không khí ô nhiễm do các chất hữu cơ trong nước thải, chất thải rắn phân hủy tạo thành các chất khí S02, N02, H2S, CH4 cùng các mùi hôi thối khó chịu. Hầu hết các loại nước thải từ những làng nghề đều không qua xử lý mà xả thẳng ra môi trường với hàm lượng các chất ô nhiễm cao.

Ô nhiễm môi trường làng nghề đã làm cho tỷ lệ người ở trong các vùng làng nghề mắc bệnh có xu hướng tăng cao. Kết quả nghiên cứu đã cho thấy, tuổi thọ trung bình của người dân tại các làng nghề ngày càng giảm đi, hiện đã thấp hơn 10 năm so với tuổi thọ trung bình toàn quốc và so với các làng không làm nghề, tuổi thọ trung bình cũng thấp hơn từ 5 - 10 năm. Tại làng nghề tái chế kim loại, người dân chủ yếu mắc các bệnh về đường hô hấp, bụi phổi và bệnh về thần kinh. Tại các làng nghề tái chế giấy, tỷ lệ người mắc chứng bệnh hô hấp, bệnh ngoài da, đường ruột có xu hướng tăng cao.

Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chỉ ra hàng loạt những điểm yếu mà trong thời gian qua chưa làm được, cụ thể là:

- Chức năng, nhiệm vụ và tổ chức quản lý môi trường làng nghề còn chưa rõ ràng, thiếu các quy định pháp luật đặc thù cho bảo vệ môi trường làng nghề;

- Việc quy hoạch không gian gắn với bảo vệ môi trường làng nghề còn nhiều bất cập dẫn đến tình trạng ô nhiễm lan rộng;

- Các loại phí bảo vệ môi trường đối với chất thải còn chưa thu được đối với các cơ sở sản xuất làng nghề;

- Xử phạt hành chính đối với các hành vi gây ô nhiễm môi trường còn chưa được thực hiện nghiêm;

- Công tác thanh tra, giám sát, quan trắc môi trường còn yếu kém.



Để giải quyết những tồn tại, yếu kém trong công tác bảo vệ môi trường làng nghề nói trên, chúng ta cần tập trung vào giải quyết những vấn đề sau:

Trước hết, các Bộ ngành có liên quan cần phối hợp để hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ môi trường làng nghề; trong đó cần quy định rõ trách nhiệm của địa phương, các ngành trong vấn đề bảo vệ môi trường để làm căn cứ cho công tác xử lý vi phạm sau này. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương có thể khuyến khích các làng nghề, các hộ làm nghề, các doanh nghiệp… có cam kết trong vấn đề bảo vệ môi trường…

Thứ hai, quy hoạch không gian làng nghề cần gắn với bảo vệ môi trường làng nghề. Quy hoạch tập trung theo cụm để thuận tiện trong vấn đề thu gom và xử lý chất thải rắn

Thứ ba, tăng cường công tác quản lý môi trường tại các làng nghề thông qua việc xây dựng và hoàn thiện bộ máy quản lý môi trường cấp cơ sở, đảm bảo thực hiện trách nhiệm bảo vệ môi trường cấp cơ sở một cách kịp thời nhất, tránh để tình trạng ô nhiễm nặng nề và trong một thời gian dài, đến khi có sự phản ảnh của nhân dân thì các cơ quan chức năng lúc đó mới vào cuộc. Bên cạnh đó, công tác thanh tra, kiểm tra tình trạng ô nhiễm môi trường ở các làng nghề cần diễn ra thường xuyên, từ đó các cơ quan chức năng kịp thời phát hiện và xử lý các trường hợp gây ô nhiễm, tránh để lan rộng và trở nên nghiêm trọng hơn.

Thứ tư, khuyến khích các làng nghề sử dụng công nghệ sạch hơn trong sản xuất để giảm thiểu ô nhiễm môi trường; đồng thời Nhà nước và chính quyền địa phương cần có những chính sách hỗ trợ trong vấn đề công nghệ xử lý chất thải tại các làng nghề như cho vay ưu đãi đối với các chủ cơ sở áp dụng công nghệ sạch và thiết bị tiên tiến tạo ít chất thải . Tiêu chí lựa chọn công nghệ xử lý chất thải tại các làng nghề cần bảo đảm các chất thải làng nghề sau khi được xử lý đạt quy chuẩn môi trường Việt Nam hiện hành; công nghệ đơn giản, dễ vận hành, chuyển giao; vốn đầu tư, chi phí thấp, phù hợp với điều kiện sản xuất của làng nghề; ưu tiên công nghệ có khả năng tận thu, tái sử dụng chất thải.

Thứ năm, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong các làng nghề. Địa phương cần có những khảo sát, đánh giá nhu cầu đào tạo của người lao động tại các làng nghề để có kế hoạch cụ thể, phối hợp giữa các làng nghề, các cơ sở đào tạo nghề trong việc huy động giáo viên dạy nghề tham gia vào các khóa đào tạo nghề và tổ chức cho các học viên được thực hành nghề phù hợp.Bên cạnh đó, các hoạt động đào tạo, truyền nghề của những nghệ nhân nổi tiếng đối với các làng nghề truyền thống cần được tổ chức thường xuyên để có sự giao lưu học hỏi kinh nghiệm, tránh mai một, thất truyền những kinh nghiệm nghề quý báu. Cùng với việc tiếp thu những kinh nghiệm truyền thống, những khóa đào tạo, phổ biến, cập nhật kiến thức mới đối với những công nghệ mới cũng cần được tổ chức để tiếp thu cái mới, loại bỏ những công nghệ cũ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường.

Tài liệu tham khảo:

1. Báo cáo môi trường quốc gia năm 2008 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về tình hình môi trường làng nghề.

2. http://www.moitruong.com.vn



tải về 0.64 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương