Trong vài thập kỷ trở lại đây, nguồn tư liệu địa bạ được nhiều nhà khoa học quan tâm khai thác



tải về 0.72 Mb.
trang7/7
Chuyển đổi dữ liệu02.09.2016
Kích0.72 Mb.
#30782
1   2   3   4   5   6   7

Tổng Thượng từ đời Gia Long đến Minh Mệnh, Đồng Khánh không thay đổi, có 7 phường, sau này đến đời Đồng Khánh thì phường Yên Hoa đổi thành Yên Phụ do kiêng húy (đổi từ năm 1841) và tên phường Hòe Nhai lại viết thành phường Giai Cảnh22.

Số lượng và tên thôn, phường, trại của bốn tổng: tổng Hạ, tổng Nội, tổng Trung, và tổng Yên Thành có một số khác biệt so với danh mục đơn vị hành chính đời Gia Long và Đồng Khánh.

Tổng Hạ: đời Gia Long cho đến Minh Mệnh 12 (1831) có 7 phường, trại; nay còn địa bạ của 6 phường, trại, không còn phường Nhược Công sau đổi là Công Bộ, còn phường Thịnh Quang thì đổi thành phường Thịnh Hào.

Tổng Nội: đời Gia Long có 10 thôn, trại và khác biệt ở chỗ, ba thôn thuộc trại Giảng Võ tính là một đơn vị, do đó không có thôn Bảo Khánh, Tào Mã, Trung; trại Hữu Tiệp là một trại riêng. Đời Đồng Khánh có 9 trại, thôn, ba thôn thuộc trại Giảng Võ cũng tính là một đơn vị, trại Hữu Tiệp cũng là một đơn vị riêng, không có trại Hào Nam.

Tổng Trung: đời Gia Long và Đồng Khánh có 6 phường với tên gọi như danh mục địa bạ trên, chỉ có một khác biệt là danh mục địa bạ có thêm trang Thiên Niên và do đó số phường, trại là 7.

Riêng tổng Yên Thành thì các đơn vị phường, thôn từ đời Gia Long đến Minh Mệnh và Đồng Khánh có nhiều thay đổi về số lượng cũng như tên gọi. Tổng Yên Thành vào đời Gia Long có 26 phường, thôn, năm Minh Mệnh 12 có 24 thôn và đến đời Đồng Khánh có 12 thôn. Những địa bạ của tổng này đều mang niên hiệu Minh Mệnh 18 (1837) trừ 1 địa bạ thôn Châu Yên có niên đại Thiệu Trị 3 (1843). Tổng Yên Thành có 13 địa bạ, trong đó có 12 địa bạ với tên thôn hoàn toàn phù hợp với danh sách các thôn đời Đồng Khánh và thêm 1 địa bạ thôn Châu Long năm 1837 mà tên thôn này đã có từ đời Gia Long và Minh Mệnh 12. Như vậy tổng này có đủ địa bạ năm Minh Mệnh 18 phù hợp với tên thôn, trại sử dụng cho đến đời Đồng Khánh, cộng thêm 1 địa bạ năm Minh Mệnh18 với tên thôn đã có từ đời Gia Long.

Tóm lại, danh mục địa bạ cổ của hai huyện Thọ Xương và Vĩnh Thuận tương ứng với kinh thành Thăng Long xưa và vùng trung tâm của thủ đô Hà Nội hiện nay là 116 + 44 = 160 địa bạ thuộc hai niên đại chủ yếu là Gia Long 4 (1805) và Minh Mệnh 18 (1837). Số địa bạ đó phân bổ theo huyện và năm như sau:

Bảng 11. Tổng hợp địa bạ Vĩnh Xương/Thọ Xương, Quảng Đức/Vĩnh Thuận


Huyện

Gia Long 4

1805

Minh Mệnh 3

1822

Minh Mệnh 18

1837

Thiệu Trị 3

1843

Cộng

Vĩnh Xương/ Thọ Xương

3




113




116

Quảng Đức/
Vĩnh Thuận

27

2

14

1

44

Tổng cộng:

30

2

127

1

160

3. GIÁ TRỊ TƯ LIỆU CỦA ĐỊA BẠ CỔ HÀ NỘI

Với khối lượng 160 địa bạ và những thông tin phong phú, cụ thể do địa bạ cung cấp, đây là một nguồn tư liệu vô cùng quý giá để nghiên cứu về Thăng Long-Hà Nội vào nửa đầu thế kỷ XIX trên nhiều phương diện. So với địa bạ các làng xã ở nông thôn, địa bạ Hà Nội thuộc loại địa bạ đô thị nên cách biên soạn và giá trị tư liệu cũng có những khác biệt nhất định. Những thông tin khai thác từ địa bạ kết hợp với những nguồn tư liệu khác cho phép đặt ra và nghiên cứu nhiều vấn đề về lịch sử, kinh tế, xã hội, cả văn hoá và cảnh quan thiên nhiên của Hà Nội xưa. Sau đây có thể nêu lên giá trị tư liệu địa bạ trên một số phương diện mà phần Nghiên cứu chuyên đề sẽ nghiên cứu sâu như những chuyên đề.


3.1. Hệ thống đơn vị hành chính và bộ máy quản lý

Qua thống kê địa bạ, vùng trung tâm tỉnh Hà Nội tương ứng với thành Thăng Long xưa, vẫn gồm hai huyện mà năm 1805 Vĩnh Xương đổi thành Thọ Xương và Quảng Đức trước đó đã đổi thành Vĩnh Thuận, thuộc phủ Hoài Đức. Năm 1831, hai huyện này cùng huyện Từ Liêm lập thành phủ Hoài Đức thuộc tỉnh Hà Nội. Đó là thay đổi căn bản khi Thăng Long/Hà Nội không còn giữ vai trò kinh thành của cả nước. Nhưng dưới huyện vẫn chia làm tổng như cả nước: huyện Thọ Xương có 8 tổng, huyện Vĩnh Thuận có 5 tổng. Sự khác biệt giữa nông thôn và đô thị là tên gọi các đơn vị dưới cấp tổng. Trong 160 địa bạ, các đơn vị này mang tên phổ biến là thôn, phường, trại, chỉ có 1 địa bạ mang tên đơn vị xã. Đó là trường hợp đặc biệt của xã Cơ Xá thuộc tổng Phúc Lâm, huyện Thọ Xương, vốn là một xã của huyện Gia Lâm, xứ Kinh Bắc mới cắt nhập vào. So với kinh thành Thăng Long xưa thì từ thời Trần đến cuối Lê, đơn vị cơ sở phổ biến là phường: thời Trần 61 phường, thời Lê 36 phường.

Mỗi địa bạ ghi rõ giáp giới đông, tây, nam, bắc của mỗi đơn vị và chức danh cấp thôn/ phường/ trại/ xã chịu trách nhiệm lập địa bạ với họ tên và điểm chỉ cụ thể. Khai thác nguồn tư liệu địa bạ kết hợp với những tư liệu thư tịch, bản đồ cổ và tư liệu khảo sát điền dã với những di tích đền, chùa, bi ký... còn được bảo tồn đến nay, có thể xác lập hệ thống đơn vị hành chính cùng bộ máy quản lý cơ sở và thể hiện trên bản đồ với ranh giới tương đối hay ít nhất trong tương quan vị trí địa lý giữa các đơn vị. Đồng thời từ tư liệu địa bạ xác thực có thể đính chính một số địa danh và so sánh những biến đổi với thời trước và sau niên đại địa bạ. Từ những bản đồ Hà Nội cổ đối chiếu với bản đồ hiện nay, có thể lập một bản đồ hành chính của Hà Nội thế kỷ XIX với vị trí xác định tương đối trên bản đồ (kèm với niên đại địa bạ).

3.2. Cảnh quan tự nhiên

Trong địa bạ có ghi rõ các loại đất như “châu thổ”, “sa bồi”, “bạch sa vị thành thổ”, “bạch sa thổ”, “pha”, “pha thổ”, “thổ phụ”, “công pha”... phản ánh các loại đất cát, đất bồi ven sông, các gò đống... Một số địa bạ còn ghi loại đất gọi là “giang”,“tiểu cừ”, kê rõ những đoạn sông Tô Lịch... với diện tích cụ thể. Những thông tin đó cho thấy rõ đặc điểm ven sông của Thăng Long-Hà Nội mà địa bạ cho phép thống kê rõ hơn về diện tích từng loại đất. Thăng Long-Hà Nội ở phía nam sông Nhị (sông Hồng) và nằm gọn giữa các sông Nhị ở phía đông, sông Tô Lịch bao phía bắc và tây, sông Kim Ngưu phía nam.

Đặc biệt vùng đất Hà Nội xưa có rất nhiều hồ, ao. Trong địa bạ, ghi chép diện tích nhiều “hồ”, “trì”, trong đó có “quan hồ”, “công hồ”, “quan trì”, “công trì”, “tư trì”... Thống kê diện tích hồ, ao cùng vị trí của các hồ, ao ấy cho thấy rõ một đặc điểm nữa của cảnh quan tự nhiên vùng đất kinh thành và vai trò của hệ thống hồ, ao này trong tiêu thoát nước (cùng với hệ thống sông ngòi bao quanh), bảo tồn sinh thái, giữ gìn môi trường và cả trong phát triển kinh tế (nuôi trồng và tưới tiêu).

Nghiên cứu các bản đồ cổ kết hợp với tư liệu địa bạ cho phép khẳng định đặc điểm sông-hồ của Thăng Long-Hà Nội trên những con số thống kê rất cụ thể và có thể biểu thị trên bản đồ hiện đại.



3.3. Chế độ ruộng đất, đặc điểm kinh tế, xã hội và qui hoạch đô thị

Nguồn thông tin quan trọng bậc nhất của địa bạ là ruộng đất với những số liệu cụ thể của tổng diện tích các loại ruộng đất từng đơn vị rồi phân loại theo các loại đất, các hình thức sở hữu và mức độ sở hữu, sở hữu tư nhân, phương thức khai thác, sử dụng... Ví dụ về các loại đất thì có điền (ruộng), thổ (đất), châu thổ (đất bồi ven sông), hồ, ao... Về hình thức sở hữu thì có sở hữu nhà nước và cộng đồng như quan điền, quan thổ, quan châu thổ, quan đồn điền, công điền, công thổ, công châu thổ, công hồ, giếng làng, bãi tha ma (nghĩa địa)...; sở hữu tư nhân (như tư điền, tư thổ, tư trì...), sở hữu của chùa, đền, miếu (như Thần từ, Phật tự, Từ chỉ...). Về phương thức khai thác, sử dụng, địa bạ cung cấp những thông tin về đất ở gồm nhà, vườn, ao (thổ trạch, thổ trạch dân cư, thổ trạch viên trì), ruộng đất canh tác gồm “hạ điền” (ruộng hạ), “thu điền” (ruộng thu), “châu thổ thành tang thổ” (đất trồng dâu), “vu đậu” (đất trồng khoai đậu)... Riêng về loại ruộng đất, ao hồ thuộc sở hữu tư, địa bạ liệt kê từng thửa với giáp giới cụ thể và họ tên chủ sở hữu. Những bảng thống kê, biểu đồ sẽ cho thấy tình trạng phân bố và sở hữu ruộng đất của Hà Nội cũng như sự khác biệt so với nông thôn. Diện tích bình quân của từng đơn vị cư trú như thôn, phường, trại... cũng có sự khác biệt đáng kể giữa hai huyện và các tổng do điều kiện tự nhiên và đặc điểm kinh tế qui định. Một đặc điểm của đô thị trung đại Việt Nam là về kinh tế vẫn mang cơ cấu “nông, công, thương”, giữa đô thị vẫn bảo tồn nông nghiệp, nhưng công, thương giữ vai trò nổi trội hơn hẳn. Những phường thủ công, những hàng buôn bán, những chợ, bến và những trại nông nghiệp cũng được phản ánh trên địa bạ.

Phân tích và tổng hợp những thông tin về diện tích ruộng đất, cách sử dụng, mức độ sở hữu và kết hợp với những nguồn tư liệu khác có thể nêu lên những đặc điểm về kết cấu kinh tế, xã hội và qui hoạch đô thị của Thăng Long-Hà Nội thế kỷ XIX.

3.4. Những di tích lịch sử-văn hóa và dấu vết thành luỹ

Một số công trình văn hoá cổ còn được xác nhận vị trí và diện tích, giáp giới trong địa bạ. Ví như di tích Trường Thi ở thôn Bích Lưu, tổng Vĩnh Xương, huyện Thọ Xương rộng 20.3.04.3.6., Tịch điền ở thôn Cựu Lâu, tổng Đông Thọ, huyện Thọ Xương rộng 4.2.10.6.6., cục Bảo Tuyền cũng ở thôn Cựu Lâu rộng 18.7.14.0.0., đàn Tiên Nông cũng ở thôn Cựu Lâu rộng 0.9.12.2.0., đàn Nam Giao ở thôn Thịnh Yên, tổng Kim Hoa (Kim Liên), huyện Thọ Xương rộng 0.0.12.8.0...

Khá nhiều địa danh mang tên phản ánh những di tích lịch sử văn hoá như thôn Lương Sử (có đình Lương Sử), phường Hà Khẩu (cửa sông Tô Lịch đổ ra sông Nhị), thôn Thạch Thị có đồn Tây Long (hay Tây Luông), thôn Hữu Đông Môn ở phía cửa Đông, thôn Tự Tháp ở phường Báo Thiên, xứ Trường Thi cũ ở trại Giảng Võ... Trong nhiều địa bạ còn ghi những xứ đồng hay giáp giới mang dấu ấn của thành Thăng Long xưa như “thành Đại La”, “La Thành”, “Cựu Thổ Thành”, “Tân Thổ Thành”, “Cựu Lũy”, “Thành Nội”, “Thành Ngoại”, “Cựu Ô Môn”...

Những thông tin trên nếu được khai thác triệt để và thể hiện trên bản đồ kết hợp với sự khảo sát thực địa cùng những tư liệu liên quan từ các nguồn khác sẽ góp phần nghiên cứu các di sản văn hoá vật thể và cấu trúc của thành Thăng Long-Hà Nội.

Ngoài ra, địa bạ còn chứa đựng những thông tin về dấu tích của hệ thống giao thông thuỷ bộ với những ghi chép về “quan lộ”, “tiểu lộ”, “giang”, "tiểu cừ”, về nguồn gốc của một số xứ đồng, về nhiều địa danh viết bằng chữ Nôm... Địa bạ cổ Hà Nội không chỉ cung cấp những số liệu về ruộng đất mà thực sự là một nguồn tư liệu phong phú, đa dạng để nghiên cứu về Thăng Long-Hà Nội trên nhiều lĩnh vực.

4. CÔNG VIỆC DỊCH, NGHIÊN CỨU VÀ CÔNG BỐ

Trước đây, tôi đã bước đầu nghiên cứu 106 địa bạ huyện Thọ Xương và 44 địa bạ huyện Vĩnh Thuận và đã đưa ra một số kết quả nghiên cứu về một số mặt23. Tuy nhiên, lúc đó còn một số địa bạ chưa được đưa vào danh mục nghiên cứu và một ít địa bạ chưa được kiểm tra, đối chiếu thật chặt chẽ nên chỉ mới là sự giới thiệu về nguồn tư liệu địa bạ cổ của Hà Nội và một số kết quả khai phá ban đầu. Với một danh mục địa bạ đầy đủ của hai huyện Vĩnh Xương/Thọ Xương và Quảng Đức/Vĩnh Thuận được dịch và công bố toàn văn lần này, chắc chắn sẽ cung cấp một hệ thống tư liệu địa bạ cổ phong phú cho các nhà khoa học và những ai muốn sử dụng, khai thác nguồn tư liệu này trên mọi phương diện.



Tổng số địa bạ đưa vào danh mục dịch là 160, trong đó huyện Thọ Xương (Vĩnh Xương) là 116 và Vĩnh Thuận (Quảng Đức) là 44 như hai bản thống kê số 7 và 10 ở phần trên. Địa bạ huyện Thọ Xương phần lớn mang niên đại Minh Mệnh 18 (1837), chỉ có 3 địa bạ Gia Long 4 (1805) để bổ sung những đơn vị thiếu địa bạ năm 1837. Địa bạ huyện Vĩnh Thuận có 27 mang niên đại Gia Long 4 (1805), bổ sung 14 địa bạ Minh Mệnh 18 (1837), 2 địa bạ Minh Mệnh 3 (1822) và 1 địa bạ Thiệu Trị 3 (1843). Các địa bạ được sắp xếp theo vần chữ cái của tên đơn vị cơ sở (thôn, phường, trại, xã) trong hệ thống tên các tổng của hai huyện Thọ Xương (Vĩnh Xương) và Vĩnh Thuận (Quảng Đức). Ngoài ra còn 6 địa bạ trùng với những đơn vị trong danh mục trên nhưng mang niên đại khác hay không nằm trong hệ thống đơn vị mang niên đại chủ yếu của danh mục (Minh Mệnh 18 và Gia Long 4) thì chúng tôi đưa vào phần phụ lục để cung cấp tư liệu tham khảo và so sánh.

Bảng 12. Danh mục địa bạ trong phụ lục

TT

Huyện

Thôn, phường, xóm

Niên đại

Ký hiệu Cục LTNN

Số tờ

Ghi chú

1

Vĩnh Xương

phường Kim Hoa

GL4

R. 25







2




xóm Thị Trung Tiền

GL4

R.16




MM11PD

3




phường Xã Đàn

GL4

R.59




MM11PD

4




phường Yên Xá

GL4

R. 3




MM11PD

5

Thọ Xương

trại Ngọc Hà

MM18

K.15







6




thôn Yên Quang

TTr3

K. 2







Như vậy, tổng số địa bạ được dịch trong công trình Địa bạ cổ Hà Nội là 160 + 6 = 166. Chúng tôi dịch theo văn bản chính thức tức bản giáp trước đây được lưu giữ tại Bộ hộ của triều Nguyễn và nay do Trung tâm lưu trữ I thuộc Cục Văn thư và lưu trữ nhà nước quản lý, trừ 2 trường hợp không có bản chính thức thì sử dụng địa bạ sao chép trong sưu tập địa bạ của Viện nghiên cứu Hán-Nôm (thôn Trừng Thanh Trung Sài Đông và thôn Nghĩa Dũng, tổng Phúc Lâm). Đồng thời khi có những điểm nghi vấn hoặc văn bản không rõ, chúng tôi có đối chiếu và kiểm tra lại theo văn bản của Viện nghiên cứu Hán - Nôm. Nguyên tắc dịch là trung thành theo văn bản gốc, nhưng để tiện cho việc tra cứu, sử dụng và thống kê, chúng tôi đặt nội dung dịch trong một hệ thống đề mục thống nhất.

Mỗi địa bạ được xếp theo tên đơn vị địa bạ rồi đến tên tổng và huyện, ký hiệu đăng ký tại Viện nghiên cứu Hán - Nôm hay Trung tâm lưu trữ quốc gia I. Phần dịch đặt trong hệ thống đề mục như sau:

1. Giáp giới

2. Bản thôn/trại/phường/xã công tư điền thổ. Dưới đề mục này, các loại công điền, tư điền, thổ trạch viên trì, thần từ Phật tự, công châu thổ, quan hồ... tuỳ theo từng địa bạ được xếp theo thứ tự 2.1., 2.2., 2.3...

3. Loại khác để xếp những loại đất đặc thù và diện tích nhỏ như giếng nước, bãi tha ma, mộ địa...

4. Đất nơi khác tại bản thôn/phường/trại/xã gồm đất của các xã, thôn, phường khác nhưng nằm trên địa phận của đơn vị địa bạ này.

5. Chức dịch là phần ghi chức vụ và họ tên những người có tên trong phần cuối địa bạ và cuối cùng là niên đại lập địa bạ.

Những đề mục nào mà nội dung của địa bạ không có thì để trống. Trong khi dịch, một số tên đơn vị viết bằng chữ Hán rất khó xác định địa danh thật đúng vì trong đó bao gồm cả những từ mang tính chú giải nhưng viết liền không dễ phân biệt hay một vài chữ vốn tên Việt dịch sang chữ Hán. Ví dụ thôn “Tân Lập Tân Khai” nhờ dựa vào kết quả khảo sát thực địa đền và đình Tân Khai ở 16C Hàng Gà còn lưu giữ được văn bia đời Minh Mệnh mới xác định được chắc chắn tên thôn là Tân Khai và "Tân Lập Tân Khai" cần hiểu là thôn Tân Khai mới lập. Thôn “Thạch Thị” là tên Hán Việt, vốn có tên Nôm là Chợ Đá hay Chợ Bến Đá, năm Minh Mệnh 2 (1821) theo tấu nghị của Bộ Hộ mới đổi sang tên Hán Việt, chúng tôi phiên theo âm Hán Việt, không dịch theo tên Nôm ban đầu. Những tên thôn gồm nhiều chữ như Trừng Thanh Hạ Kiếm Hồ, Trừng Thanh Trung Ngũ Hầu, Trừng Thanh Trung Sài Đông (hay Sài Thúc)..., chúng tôi cũng chưa nghiên cứu và giải thích được. Vì vậy chúng tôi tạm để nguyên theo tên chữ Hán được ghi trong địa bạ trong lúc chờ đợi sự tra cứu và xác minh. Một số tên thôn, phường do chép nhầm mà có đủ cơ sở để xác minh thì chúng tôi chữa lại trong bản dịch và có ghi chú dưới trang như trường hợp thôn Giáo Phường chép nhầm thành Giáo Phòng, Tố Tịch chép nhầm thành Tô Tịch... Trong một số địa danh có chữ Hán có thể đọc theo nhiều âm thì chúng tôi dùng âm được sử dụng quen thuộc ở Hà Nội như chữ An phiên thành Yên trong trường hợp Yên Hòa, Yên Định, Yên Viên, Lương Yên... Những địa danh quan trọng như tên đơn vị hành chính từ huyện, tổng, đến thôn, phường, trại... và tên xứ đồng đều chua thêm chữ Hán, chữ Nôm theo địa bạ để tiện tra cứu, đối chiếu khi sử dụng.

Về số liệu diện tích ruộng đất các loại là khối lượng rất lớn và giữ vai trò rất quan trọng trong nghiên cứu địa bạ, chúng tôi cố gắng tiến hành kiểm tra nhiều lần từ nguyên bản và bản đánh máy vi tính. Nhưng trong một số địa bạ giữa số liệu tổng quát và số liệu liệt kê cũng thiếu sự nhất quán và có độ vênh nhất định, chúng tôi dịch theo văn bản và sau này khi xử lý số liệu thống kê sẽ nêu lên thành vấn đề để xác minh.

Xuân Ất Dậu - 2005

995 năm Thăng Long - Hà Nội

Xuân Canh Dần - 2010

1000 năm Thăng Long - Hà Nội

Tờ đầu trong địa bạ thôn Đông Thành Thị

tổng Thuận Mỹ, huyện Thọ Xương

Tờ cuối một địa bạ ghi niên hiệu Gia Long 4 (1805)



1 Phan Huy Lê (chủ biên), Địa bạ cổ Hà Nội, , Nxb Hà Nội, T. I, H. 2005; T. II, H. 2007

2 Đại Việt sử ký toàn thư, Q.3-12b, bản dịch, Nxb Khoa học xã hội, H.1993, T.1, tr.296

3 Đại Việt sử ký toàn thư, Q.10-62b, Sđd, T. 2, tr.298.

4 Quốc triều hình luật, H.1991, tr.130

5 Đại Nam thực lục, T.3, Nxb Khoa học xã hội, H.1963, tr.161

6 Đại Nam thực lục, T.18, Sđd, tr.49-52, 211-214

7 Các tổng trấn xã danh bị lãm, bản dịch Tên làng xã Việt Nam đầu thế kỷ XIX của Dương Thị The, Phạm Thị Thoa, Nxb Khoa học xã hội, H.1981.

8 Đồng Khánh địa dư chí lược, Viện Hán-Nôm, ký hiệu A.537, bản dịch tiếng Việt, Pháp của Ngô Đức Thọ, Nguyễn Văn Nguyên, Philippe Papin, (3 tập), H. 2003.

9 Vốn là Cục Lưu trữ nhà nước, từ năm 2005 đổi tên thành Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước.

10 Đại Nam thực lục, Sđd, H.1969, T. 21, tr.148-150, 259-261.

11 Nguyễn Thiệu Lâu: La réforme agraire de 1839 dans le Binh Dinh, BEFEO 1945.

Nguyễn Đình Đầu: Partage des rizières publiques (công điền) et rizières privées (tư điền) au cours de l'année 1839 / Note on the analysis of ancient land registry in Binh Dinh, Etudes Vietnamiennes/Vietnamese Studies No 107, 1-1993.

Phan Huy Lê: Analyse des cadastres de Kien My-Binh Dinh/ An analysis of ancient land registry in Binh Dinh, Etudes Vietnamiennes/Vietnamese Studies No 107, 1-1993.

Phan Phương Thảo: Chính sách quân điền năm 1839 ở Bình Định qua tư liệu địa bạ, Nxb Thế giới, H.2004.



12 Nguyễn Đình Đầu: Tổng kết nghiên cứu địa bạ Nam Kỳ lục tỉnh, thành phố Hồ Chí Minh, 1994.

13 Trung tâm hợp tác nghiên cứu Việt Nam: Danh mục địa bạ tại Viện nghiên cứu Hán-Nôm, H.1994.

Cục Lưu trữ nhà nước: Danh mục địa bạ tại Cục lưu trữ nhà nước, H.1993.



14 Trước đây, tôi và nhiều nhà khoa học cho rằng Long Thành/Phượng Thành/Long Phượng Thành thời Lý, Trần là Cấm Thành. Gần đây, tôi đã chứng minh rằng đây là vòng thành giữa hay vòng thành thứ hai mà thời Lê gọi là Hoàng Thành.

15 Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Chính biên Q. XL, tr.33b.

16 Bản đồ này mang tên Hoài Đức phủ toàn đồ, bản chính lưu giữ tại Thư viện Viện Thông tin khoa học xã hội, ký hiệu A.2.3.32, khổ 175 x 190 cm, nhưng tình trạng văn bản bị ố vàng, nhiều phần bị giòn vỡ nên chưa đưa ra phục vụ bạn đọc. Bản sao chép và phiên âm của cụ Biệt Lam Trần Huy Bá là bản được sử dụng hiện nay, nhưng là bản sao chép nên không tránh khỏi có những điểm nghi vấn cần đối chiếu với nguyên bản để kiểm tra và xác minh thêm.

17 Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Chính biên Q. XL, tr.26b.

Đại Việt sử ký tục biên, Nxb Khoa học xã hội, H.1991, tr.214.

18 Tên làng xã Việt Nam đầu thế kỷ XIX, Nxb Khoa học xã hội, H.1981, tr.14.

19 Tên làng xã Việt Nam đầu thế kỷ XIX, tr.95-96 chép tổng Tả Túc có 20 phường, thôn, nhưng theo thống kê thì có 26 thôn và 7 phường, cộng 33 thôn, phường. 7 tổng sau (tổng 2-8) thì số liệu chung và thống kê tên thôn, phường của mỗi tổng đều thống nhất. Số thôn, phường của 7 tổng này là 164 và số thôn, phường của cả 8 tổng là 193, vậy số thôn, phường của tổng Tả Túc (tổng 1) phải là 193 - 164 = 29. Đối chiếu với bản chữ Hán và tham khảo Bắc Thành địa dư chí lược, Phương Đình dư địa chí, tôi chỉnh lý lại như trên trong lúc chờ sự xác minh chắc chắn. Theo Phương Đình dư địa chí thì số thôn, phường của tổng này là 27. Các tổng trấn xã bị lãm trong Địa chí Thăng Long-Hà Nội trong thư tịch Hán Nôm, do Nguyễn Thúy Nga, Nguyễn Văn Nguyên chủ biên, Nxb Thế giới, H. 2007, tr. 468 cũng chỉnh lý lại, tổng Tả Túc có 29 phường thôn.

20 Người dịch chú, tên phường trại tổng Hạ bổ sung theo Bắc Thành địa dư chí lược và chép có 6 phường, trại. Nhưng theo Bắc Thành địa dư chí lược thì tổng Hạ có 7 thôn, phường, trong đó vừa có phường Thịnh Quang, vừa có trại Thịnh Quang. Có lẽ vì sự trùng tên này mà người dịch chữa lại 6 phương. Theo Địa bạ phường Thịnh Hào năm Minh Mệnh 18 (1837) thì phường này xưa là phường Thịnh Quang thuộc trại Hào Nam và theo Địa bạ trại Thịnh Quang năm Gia Long 4 (1805) thì lúc đó cũng có trại Thịnh Quang. Đồng Khánh địa dư chí cho biết đến đời Đồng Khánh, tổng Hạ có 6 phường, trại, trong đó vẫn có trại Thịnh Quang và phường Thịnh Hào. Như vậy, đời Gia Long tổng Hạ có 7 thôn phường, trong đó có phường Thịnh Quang và trại Thịnh Quang. Các trấn tổng xã danh bị lãm trong Địa chí Thăng Long-Hà Nội trong thư tịch Hán Nôm, Sđd, tr. 473 cũng đã chỉnh lý lại là tổng Hạ có 7 phường, trại.

21 Ngô Đức Thọ: Nghiên cứu chữ húy Việt Nam qua các triều đại, NXB Văn hoá, H.1997, tr.141.

22 Hệ thống đơn vị hành chính đời Gia Long dựa theo Các tổng trấn xã danh bị lãm, Bắc Thành đại dư chí lược, đời Minh Mệnh theo Phương Đình dư địa chí, đời Đồng Khánh theo Đồng Khánh địa dư chí lược và một số tư liệu tham khảo khác.

23 Phan Huy Lê: Địa bạ cổ Hà Nội (huyện Vĩnh Xương/ Thọ Xương), báo cáo tại Hội thảo Euroviet 2 ở Aix-En-Provence (Pháp) 5-1995, Tạp chí Nghiên cứu lịch sử số 2, tháng 3-4/4/1996; Tìm về cội nguồn, T.I, H.1999, tr.257-276; Les anciens cadastres de Hanoi trong Vietnam: sources et approches, Provence 1996, tr.363-378; Ancient land registers of Hanoi trong Vietnamese Studies 3-1995.

Địa bạ cổ Hà Nội (huyện Quảng Đức/Vĩnh Thuận), báo cáo tại Hội thảo Euroviet 3 ở Amsterdam (Hà Lan) 7-1997, trong Tìm về cội nguồn, Sđd, T.I, tr.277-300.

Địa bạ Hà Nội thế kỷ XIX, báo cáo tại Hội thảo khoa học về Hà Nội cổ, Hà Nội 1997, trong Tìm về cội nguồn, Sđd, T.I, tr.243-256.




Каталог: Upload -> Files -> Documents
Documents -> Thanh thực lục và giá trị SỬ liệu về quan hệ giữa nhà thanh và nhà TÂy sơn pgs. Ts sử học Tạ Ngọc Liễn
Documents -> Sơn Tây dư đồ, Sơn Tây địa chí, Sơn Tây tỉnh chí, Sơn Tây quận huyện khảo, Cầu Đơ tỉnh nhân đinh phong tục tổng sách, Hà Đông toàn tỉnh tổng xã thôn danh sách, Hà Đông tỉnh các phủ huyện tổng xã thôn danh hiệu
Documents -> Tranh dân gian Việt Nam đi triển lãm lưu động
Documents -> Minh Thực lục và sách Minh Thực lục: Quan hệ Trung Hoa –Việt Nam thế kỷ XIV-XVII phạm Hoàng Quân Lời mở
Documents -> An Nam phong tục
Documents -> PHẦn thứ nhấT: VĂn học thăng long hà NỘI
Documents -> Điều kiện tự nhiên (Đktn), tài nguyên thiên nhiên (tntn), môi trường sinh thái của Hà Nội khá phong phú và đa dạng

tải về 0.72 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương