Trong sạch và ô uế Lm. Px vũ Phan Long, ofm 02


* 3. Ðức Kitô và KARMELIUK



tải về 427.58 Kb.
trang2/7
Chuyển đổi dữ liệu19.08.2016
Kích427.58 Kb.
#23819
1   2   3   4   5   6   7

* 3. Ðức Kitô và KARMELIUK

Có một cuốn phim truyền hình mang tên Karmeliuk,, kể chuyện một vị anh hùng dân tộc Nga: khi ấy nước Nga còn sống trong chế độ nông nô, một số ít phú nông địa chủ chiếm hầu hết đất đai, còn đa số dân chúng không có đất, thì phải đi làm nô lệ cho các phú nông địa chủ trên, đời sống của họ hết sức cơ cực, họ bị bóc lột, đàn áp dã man. Lúc bấy giờ có một chàng thanh niên có tâm huyết tên là Karmeliuk. Chàng cũng là một nông nô, nhưng không chịu nỗi cảnh đàn áp, bất công đó nên đã trốn vào bưng biền để cùng với một số bạn tâm huyết khác nổi loạn. Họ tổ chức đánh cướp nhà các phú nông địa chủ và lấy tài sản của chúng đem chia cho các người nghèo. Danh tiếng Karmeliuk loan truyền khắp nước. Có những bài thơ, những bài hát được lưu truyền trong dân gian để ca ngợi chàng. Chàng Karmeliuk trên những dặm đường gió bụi cũng đã gặp gỡ nhiều thanh niên. Lúc đầu họ không biết chàng. Nhưng khi họ hỏi "Anh là ai?" và Karmeliuk trả lời "Tôi là Karmeliuk", thì những thanh niên ấy vô cùng sung sướng, bỏ lại sau lưng tất cả để theo chàng. Họ hãnh diện vì đã đi theo một vị anh hùng dân tộc.


Bài Tin mừng hôm nay, nếu được diễn tả bằng ngôn ngữ thời đại, thì cũng tương tự như câu chuyện trên. Thuở bấy giờ dân chúng đang sống khổ sở, không phải họ chỉ mang một ách nô lệ, mà tới hai cái ách nô lệ: Nô lệ đế quốc La mã, và nô lệ đế quốc tội lỗi. Ðức Giêsu xuất hiện, Ngài đi đó đi đây khắp nơi để xoa dịu những cực khổ thể xác, và giải phóng khỏi cách tội lỗi. Có nhiều tiếng đồn, nhiều dư luận về Ngài. Một ngày kia, trên con đường từ Betsaiđa đến thành phố Xêxarê Philip, Ðức Giêsu đột ngột hỏi các môn đệ mình: "Còn anh em, anh em nghĩ Ta là ai?" Các môn đệ bối rối trước câu hỏi đột ngột ấy nên không trả lời được, khi ấy, Phêrô lên tiếng: "Thầy là Ðức Kitô". Ðức Kitô, đó là một danh xưng theo tiếng Hy Lạp, ý nghĩa của nó, nói theo ngôn ngữ thời nay, chính là "Vị anh hùng giải phóng". Lời Phêrô nói: "Thầy là Ðức Kitô", có nghĩa là "Thầy chính là vị Anh Hùng giải phóng mà toàn dân đã từ lâu mong đợi". Chắc hẳn Phêrô và các bạn ông rất hãnh diện vì được đi theo một Vị Anh Hùng như vậy. Họ dám bỏ lại sau lưng tất cả, nhà cửa, nghề nghiệp, gia đình, vợ con mà không hề tiếc nuối, bởi vì họ đi theo một Vị Anh Hùng, họ vô cùng hãnh diện.
Thế nhưng vấn đề không phải chỉ đơn giản có thế. Ði theo một Vị Anh Hùng không phải chỉ để được hãnh diện, mà còn phải chia xẻ tất cả những gian truân nguy hiểm trên con đường dài mà vị Anh Hùng ấy đã vạch ra. Trong chuyện Karmeliuk, nhiều thanh niên đã hãnh diện khi được đi theo chàng. Thế rồi gian truân nguy hiểm đã phân họ thành hai hạng: có một người đã không chịu nỗi những gian khổ nên cuối cùng đã phản bội, nghe theo âm mưu của địch để đầu độc Karmeliuk, rất may là chàng không chết; hạng thứ hai là những kẻ trung thành với chàng cho đến chết. Thánh Phêrô và các bạn cũng hãnh diện vì đi theo Ðức Kitô. Nhưng Ðức Kitô phải nhắc họ: Ði theo Ngài không phải chỉ để hãnh diện, mà còn phải cùng Ngài dấn thân vào con đường Thập Giá đầy đau khổ. Rõ ràng là các môn đệ chưa được biết điều đó, cho nên nghe vậy thì họ sợ nguy ngay. Và một lần nữa Phêrô lên tiếng thay các bạn "Thưa Thầy, đừng, không được như vậy đâu?" Ðức Giêsu nghiêm khắc rầy Phêrô và xác định lại dứt khoát "Ai muốn theo Ta, phải bỏ mình, vác Thập Giá mà theo". Từ đó trở đi, các môn đệ dần dần hiểu được con đường của Thầy. Nhưng họ cũng phân ra thành hai hạng: 1 hạng gồm những kẻ trung thành với Thầy cho đến chết, và hạng kia là Giuđa cuối cùng đã phản lại Thầy.
Ðoạn kết của câu chuyện Karmeliuk và câu chuyện Ðức Giêsu cũng giống nhau: cả 2 đều bị giết. Kể như cả 2 đều thất bại. Nhưng thực ra đó không phải là thất bại, mà là thành công: Karmeliuk đã gây được ý thức giải phóng nơi dân chúng, với ý thức đó, về sau họ đã đứng lên và dành lại được quyền sống cho mình. Còn Chúa Giêsu thì đã vạch ra một con đường cứu thoát rõ ràng: phải dám vác Thập giá, phải dám chết đi, rồi sau đó sẽ sống lại và toàn thắng. Con đường ấy ngày nay đang được hàng trăm triệu người đi theo.

Trong số đó có chúng ta.


Nhưng hôm nay, chúng ta hãy đặt lại 2 vấn đề cơ bản:

a. Chúng ta có hãnh diện vì đã đi theo Ðức Kitô không?

Người ta thường hãnh diện khi đi theo một Vị Anh Hùng đang nổi tiếng, đang thành công, đang đứng giữa vòng hào quang. Nhưng những vị "Anh Hùng Mạt lộ" thì thường bị đệ tử bỏ rơi. Khi Chúa Giêsu bị chống đối, rất nhiều người đã bỏ Ngài. Khi các thủ lãnh dân Do thái âm mưu giết ngài, Giuđa đã trở mặt, nộp Ngài cho chúng giết đi, còn Phêrô thì xấu hổ không dám nhận là môn đệ của Ngài. Có thể coi đó là tâm lý thường tình. Và chắc chúng ta cũng rơi vào thứ tâm lý thường tình đó khi thấy đạo của mình hình như không được vinh dự lắm, khi nghe thấy những lời chỉ trích, chế nhạo, lên án Ðạo mình. Có người đã làm như Giuđa, trở mặt bỏ Ðạo; có người làm như Phêrô không dám để cho người ta biết mình có Ðạo.
Giuđa thì một lần phản bội đã hư mất luôn. Còn Phêrô chỉ chối Thầy 3 lần. Sau đó đã ý thức được điều mà tôi đã trình bày ở phần trước: Chúa Giêsu xem ra đã thất bại vì đã bị Vác Thập Giá và đã bị giết chết; nhưng thực ra đó chính là thành công: Thập giá là đường đưa tới Phục Sinh, đau khổ là đường đưa tới vinh quang. Vì ý thức như vậy nên sau đó Phêrô (và các tông đồ khác) đã kiên trì theo Thầy cho đến cùng, và hãnh diện mà đi theo Thầy: vẫn hãnh diện khi bị bắt bớ, vẫn hãnh diện khi bị giết, luôn luôn hãnh diện. Thánh Phaolô đã nói "Vinh dự của chúng tôi là Thập Giá Ðức Kitô".

Ðó là điều thứ nhất chúng ta nên nghiền ngẫm suy nghĩ.
b. Và điều thứ hai cần xác định: chúng ta đi theo Chúa không phải chỉ để được hãnh diện.

Theo ai, chủ yếu là để cùng chia vui, xẻ buồn với người đó, đồng lao cộng khổ để đồng hưởng vinh quang. Như lời Thánh Phaolô "Nếu ta cùng chết với Ngài. Ta sẽ sống lại với Ngài; nếu Ta cùng chịu đau khổ với Ngài, ta sẽ cùng Ngài chia xẻ vinh quang". Ai có dám cùng bước với Chúa Giêsu trên những đoạn đường gian khổ thì mới có thể cùng đứng với Ngài trên đài Vinh quang.
Nhưng Vinh Quang, chiến thắng chỉ là bước cuối cùng, có thể còn xa xôi vời vợi. Còn trước khi đó là cả một đoạn đường thánh giá dài lê thê. Theo Chúa là phải theo cả con đường thánh giá ấy thì mới có thể đến cuối đường vinh quang kia. Chúa Giêsu đã nói trước "Ai muốn theo Ta, hãy bỏ mình, vác Thập Giá mà theo".
Liệu chúng ta có kiên trì để theo Chúa như vậy không?

Xin Chúa giúp chúng ta tìm ra câu trả lời,. Và nếu đó là câu trả lời: "Có" thì xin Chúa ban thêm sức cho chúng ta qua Bí tích Thánh Thể này mà chúng ta tiếp tục cử hành.
* 4. Tẩy rửa trái tim

Văn hào Dostoevski trong tác phẩm "Anh em nhà Karamazov" có kể lại câu chuyện sau đây: "Vào thời đại của tòa phán quan ở Tây ban Nha, người ta đã dựng những hỏa đài để thiêu sống những kẻ tà giáo. Ðức Kitô dịu hiền đột nhiên đến thăm con cái của Người ở Seville, Người về giữa loài người như một dân thường. Ðức Giêsu bước xuống những con đường sôi bỏng của thành phố phương Nam. Nơi đây, mới hôm trước, vị phán quan vĩ đại đã cho thiêu sống trăm tên tà giáo "Ad majorem Gloriam Dei".


Hỏa đài ngay trước khán đài danh dự có đông đủ vô số triều đình, các hiệp sĩ, các mệnh phụ xinh đẹp và cả Ðức hồng Y giáo chủ. Ðức Giêsu nhẹ nhàng bước trên đường bằng dáng điệu trầm tĩnh, nhưng lạ lùng tất cả đã nhận ra Người. Dân chúng xô đẩy nhau quấn quít bước chân Người. Người lặng lẽ vào giữa đám đông với nụ cười và ánh mắt từ bi. Một cụ già mù van xin: "Lạy Chúa, xin cho con được sáng để con nhìn thấy Người". Một cái vẩy rơi xuống và cụ nhìn thấy được. Dân chúng vui mừng chảy nước mắt và hôn lên mảnh đất chỗ Người đi qua. Những em bé tung hoa trên lối Người đi.
Ðức Kitô đứng lại trước giáo đường Seville ngay lúc có đám tang một cô bé bảy tuổi. Cạnh cỗ áo quan màu trắng phủ đầy hoa, người mẹ đang nức nở. Trong đám đông có người hô lớn: "Con bà sẽ hồi sinh". Người mẹ tha thiết: "Nếu đúng là Người xin hãy hồi sinh đứa con của con". Ðức Giêsu nhắc lại lời thuở trước: "Talitha Kum" và em bé ngồi lên.
Ðúng lúc đó, Hồng Y giáo chủ và phán quan vĩ đại đi ngang qua. Từ xa ông đã thấy hết. Ông thấy chiếc áo quan đặt xuống, đứa bé hồi sinh. Mặt ông xịu xuống, mắt ông chớp tia sáng ghê hồn. Ông lấy ngón tay chỉ vào Ðức Giêsu và ra lệnh cho bọn lính bắt người. Thế lực ông quá lớn nên ông khuất phục cả quần chúng. Phán quan ra lệnh tống giam Giêsu. Ông vào ngục một mình gặp Người. Ông thương cảm nhưng "Luật là luật, trật tự của Giáo hội phải được bảo tồn bằng mọi giá". Ông tuyên bố "Tôi chẳng rõ Người là ai. Hình như Người là Ðức Giêsu, nhân danh Giáo hội, Ad majorem gloriam Dei, ngày mai Ngài cũng lên giàn hỏa".


Vị phán quan trong câu chuyện trên cũng chỉ đi theo vết xe cũ của các biệt phái và ký lục Do thái. Bài Tin mừng hôm nay chứng minh điều ấy, Ðức Giêsu đang ở Galilê, các Biệt phái và Ký lục từ Giêrusalem tới, nghĩa là họ phải vượt qua 170 Km đường bộ để chỉ hỏi tại sao các môn đệ Người không rửa tay trước khi ăn. Ðiều đó cho thấy người Do thái rất coi trọng việc tuân giữ các tập tục tiền nhân về vấn đề thanh tẩy.


Thực ra, lúc đầu luật rửa tay trước khi vào nơi thánh dành cho các tư tế. Mục đích là tẩy rửa các ô uế về mặt tôn giáo để các tư tế xứng đáng thờ phượng Chúa. Sau này, dân chúng bắt chước các tư tế rửa tay trước khi cầu nguyện. Với suy nghĩ tương tự họ cũng rửa tay trước khi ăn. Ý tưởng này rất cao đẹp vì nó làm cho tôn giáo thâm nhập vào hành vi con người trong cuộc sống.
Khốn thay trong quá trình thực thi luật này, tôn giáo đã thoái hóa đến chỗ chỉ còn giữ nghi thức bên ngoài, nghĩa là ai tuân giữ các nghi thức này thì được xem là đạo đức, là đẹp lòng Thiên Chúa, còn không tuân giữ là phạm tội. Nói như nhà thần học William Barclay: "Người ta có thể căm thù tha nhân tận xương tuỷ mà không một chút áy náy vì họ đã tuân giữ chặt chẽ các nghi thức rửa tay và các nghi thức thanh tẩy khác". Tôn giáo không phải là một mớ luật lệ. Tôn giáo là một diễn tả tình yêu, một phát minh của Thiên Chúa nhân từ.

Thế nên, Ðức Giêsu mới vạch mặt sự giả hình của họ, vì họ chẳng quan tâm đến chuyện tẩy rửa trái tim. Họ rửa tay để được an tâm. Họ rửa tay để khỏi phải rửa tâm hồn. Rửa tay thì dễ chứ rửa tâm hồn mới thực là khó. Nhưng cái ô uế thực lại không từ bên ngoài vào, nó ở ngay trong trái tim mỗi người. Ðức Giêsu đã kể ra 12 ý định xấu từ trong trái tim. Từ ý định xấu xa sẽ dẫn đến những hành vi tội lỗi (x.Mc.7,21-22). Michael Taeboit nói: "Khi cái dằm tội lỗi ra khỏi mắt ta, tất cả thế giới sẽ tỏa sáng".


Vậy điều quan trọng là phải đổi mới trái tim. Ðổi mới được trái tim là đổi được tất cả. Ðiều cốt lõi trong đạo không phải là chúng ta làm việc này việc nọ, mà chính là lý do thúc đẩy chúng ta làm những việc ấy. Việc đọc kinh dự lễ, suy niệm Lời Chúa, làm việc bác ái... tự chúng không bảo đảm rằng chúng ta thánh thiện, nếu chúng ta làm vì một lý do không mấy đúng đắn. Nó chỉ trở nên thánh thiện trước mặt Chúa khi những hành động ấy phát xuất từ tình yêu Thiên Chúa và tha nhân. Thánh Phaolô đã quả quyết: "Giả như tôi có đem hết gia tài cơ nghiệp mà bố thí, hay nộp cả thân xác tôi để chịu thiêu đốt, mà tôi không có đức ái, thì cũng chẳng ích gì cho tôi" (1Cr.13,3).


Lạy Chúa, xin nhắc cho chúng con nhớ rằng: luật lệ và nghi thức là cần thiết, nhưng đừng quên điều cốt lõi của luật Chúa là yêu thương. Xin dạy chúng con chỉ biết có một điều: là chúng con làm mọi sự chỉ để kính mến Chúa và yêu thương anh em. Amen. (Thiên Phúc, "Như Thầy đã yêu")


* 5. Mảnh suy tư

a/ Ðầu và tim

Trong trường học, người ta để ý huấn luyện cái đầu hơn là trái tim, vì người ta cho rằng cái đầu mới biết suy nghĩ. Bởi đó người ta lo đào tạo nên những đứa trẻ giỏi hơn là những đứa trẻ tốt, vì công việc và nghề nghiệp sau này của đứa trẻ đòi hỏi hiệu năng hơn là tấm lòng. Kết quả của lối giáo dục trên là nền văn minh khoa học kỹ thuật ngày nay, rất hiệu quả nhưng cũng rất lạnh lùng, ích kỷ và tàn nhẫn.


Tuy nhiên trong trường đời thì trái tim lại quan trọng hơn, vì sống ở đời và giao tiếp với người đời, "được việc" mà thôi chưa đủ, còn phải "được người" nữa. Nền văn minh mang lại hạnh phúc cho con người không phải là văn minh của khoa học kỹ thuật mà là văn minh của tình thương.
b/ Chăm sóc bề ngoài

Hàng ngày xem TV, chúng ta thấy quảng cáo rất nhiều sản phẩm: các loại xà bông mới, các loại dầu gội mới, nhiều loại nước hoa v.v. Tất cả đều nhằm chăm sóc cho làm da, mái tóc, cơ thể... nhưng đều là bề ngoài. Ngày nay, người ta cũng để ý nhiều hơn đến chất lượng của những thức ăn và thức uống... Mọi thứ phải đáp ứng đúng tiêu chuẩn thực phẩm an toàn và bổ dưỡng. Tuy nhiên, tất cả chỉ là những thứ từ bên ngoài được đưa vào trong cơ thể con người.


Nhưng xem ra người ta rất ít lo chăm sóc cái bề trong của con người, như lương tâm, lòng nhân ái, ý thức về tội... và cũng rất ít để ý tới những cái từ trong lòng phát ra.
*6. Chuyện minh họa

Một sư phụ hỏi các đệ tử của mình: "Cái gì ta phải lo tránh nhất trong cuộc đời?" Sau đây là những câu trả lời của các đệ tử:



Một con mắt xấu

Một người bạn xấu

Một người láng giềng xấu

Một trái tim xấu.

Sư phụ đánh giá câu trả lời thứ tư là đúng nhất, bởi vì một trái tim xấu chứa đựng tất cả những sự xấu khác.

Sau đó sư phụ lại hỏi: "Và cái gì ta cần bồi dưỡng nhất trong cuộc đời?" Cũng có những câu trả lời tương tự:

Một con mắt tốt.

Một người bạn tốt.

Một người láng giềng tốt

Một trái tim tốt.

Vị sư phụ cũng đánh giá câu trả lời thứ tư là đúng nhất, vì một trái tim tốt chứa đựng tất cả mọi thứ tốt khác.



Nhưng sư phụ lưu ý thêm: Một trái tim tốt không chỉ là một trái tim sạch mà còn phải là một trái tim đầy, bởi vì một trái tim sạch có thể chỉ là một trái tim trống rỗng, còn một trái tim đầy thì chan chứa tình thương.
V. LỜi nguyỆn cho mỌi ngưỜi

Chủ tế: Anh chị em thân mến, người biệt phái Do thái tranh luận với Ðức Giêsu về sự ô uế và trong sạch Ðức Giêsu đã bảo họ: "Tất cả những điều xấu xa đều từ bên trong xuất ra và làm cho con người thành ô uế". Chúng ta hãy khiêm tốn cầu nguyện:

1. Xin cho các Ðức Giáo Hoàng, Giám mục, Linh mục và cá giáo lý viên / biết hướng dẫn mọi người sống theo tinh thần lề luật của Chúa / và tránh mọi lối sống vụ hình thức cũng như giả hình.

2. Xin cho các người lãnh đạo các dân tộc / biết ứng xử với nhau và với đồng bào của mình trong tinh thần và sự thật / để đôi bên luôn tín nhiệm và đoàn kết với nhau.

3. Xin cho những người quen sống lối sống vụ hình thức và giả hình / biết nhận thức rằng chính lối sống đó chỉ làm cho họ trở nên ô uế xấu xa.

4. Xin cho anh chị em trong giáo xứ chúng ta / biết yêu mến và tuân giữ lề luật của Chúa / hơn là chạy theo những thói quen ngoại giao giả hình.
Chủ tế: Lạy Ðức Giêsu, Chúa đã dạy chúng con rằng: tất cả những điều xấu xa đều từ bên trong mà xuất ra. Xin Chúa giúp chúng con luôn thanh tẩy tâm hồn cho trong sạch, để chúng con biết phục vụ Chúa và mọi người trong thần khí và sự thật. Chúa là Ðấng hằng sống và hiển trị muôn đời.
Lm Carolô Hồ Bặc Xái

CHÍNH TỪ CON NGƯỜI XUẤT RA CÁI LÀM CHO CON NGƯỜI Ô UẾ

Không có cái gì từ bên ngoài vào trong con người lại có thể làm cho con người ra ô uế được; nhưng chính cái từ con người xuất ra, là cái làm cho con người ra ô uế (Mc 7,15)

Miss Chiara Lubich
Đức Giêsu nói những lời mà ta đang đọc hôm nay với đám đông dân chúng. Sau đó theo yêu cầu của các môn đệ muốn nghe Người giải thích, Đức Giêsu bảo họ rằng thực phẩm mà con người ăn để sống không thể nào lại là nguyên do khiến cho con người bị ô uế về luân lý bởi vì ảnh hưởng của những thực phẩm ấy chỉ giới hạn nơi cơ thể con người mà không ảnh hưởng đến lương tâm của họ được.
Như vậy, không có những thực phẩm nhơ bẩn có thể làm cho con người ra ô uế và do đó khiến họ không xứng hợp để tiếp xúc với Thiên Chúa. Việc ăn một số loại thực phẩm chẳng có liên can gì đến sự tinh sạch theo nghĩa luân lý và tôn giáo.
Không có cái gì từ bên ngoài vào trong con người lại có thể làm cho con người ra ô uế được; nhưng chính cái từ con người xuất ra, là cái làm cho con người ra ô uế.
Lập trường của Đức Giêsu khá can đảm vào thời ấy. Người Do Thái tuân thủ luật cấm một số thực phẩm và ngoài ra còn có những cấm kỵ khác.
Đức Giêsu, nhìn tạo thành một cách tích cực, chấm dứt sự phân biệt giữa thú vật tinh sạch và thú vật không tinh sạch, và những quy tắc về kiêng khem có liên quan. Vốn cởi mở với toàn thể nhân loại, Đức Giêsu lấy đi một chướng ngại vật rất có thể khiến cho thế giới dân ngoại xa cách cộng đồng Kitô giáo tiên khởi.
Không có cái gì từ bên ngoài vào trong con người lại có thể làm cho con người ra ô uế được; nhưng chính cái từ con người xuất ra, là cái làm cho con người ra ô uế.

"... nhưng chính cái từ con người xuất ra, là cái làm cho con người ra ô uế".


Điều này, phần thứ hai trong lời của Đức Giêsu, đề cập đến sự ô uế đích thực: con người ra ô uế không phải bởi những gì đi từ bên ngoài vào, nhưng bởi những gì từ trong con người xuất ra. Chính từ trong con người, từ cái tâm, mà xuất ra những thứ tư tưởng và dự tính ác độc, đã được Đức Giêsu liệt kê: "tà dâm, trộm cắp, giết người, ngoại tình, tham lam, độc ác, xảo trá, trác táng, ganh tỵ, phỉ báng, kiêu ngạo, ngông cuồng" (Mc 7,21).
Không có cái gì từ bên ngoài vào trong con người lại có thể làm cho con người ra ô uế được; nhưng chính cái từ con người xuất ra, là cái làm cho con người ra ô uế.
Phần thứ nhất trong lời của Đức Giêsu có thể không còn có liên quan vào ngày hôm nay bởi vì  Kitô giáo đã bãi bỏ những phân biệt giữa thực phẩm tinh sạch và không tinh sạch. Nền luân lý Kitô giáo đã cắm gốc sâu rễ bền trong những quyết định thực hiện bởi lương tâm và đã nội tâm hóa tôn giáo. Tuy nhiên, phần thứ hai thì tuyệt nhiên không phải chẳng liên quan đến thời đại chúng ta, mà trái lại, cần nhấn mạnh xu hướng cái tâm của con người dễ phát sinh những tư tưởng và ước muốn xấu xa.
Nguồn gốc của biết bao sự dữ trên thế giới là gì nếu chẳng phải là phát sinh từ trong lòng dạ những con người đồng thời với chúng ta? Chính từ trong lòng con người mà xuất ra nào là những hành động khủng bố, trộm cắp, nghiện ngập ma túy, lừa đảo, báo thù, ganh tị, giết người, và vô vàn vô số những tai họa khác.
Mặc dù Đức Giêsu nhìn thấy nơi tạo thành một giá trị tích cực, và mặc dù Người biết rằng con người được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa, Người cũng biết rõ bản chất con người và cái khuynh hướng ngả về sự dữ của con người. Bởi lẽ đó, Người đòi hỏi con người hoán cải.
Sự nghiêm khắc về mặt luân lý của Người rất rõ từ những lời mà chúng ta đang đọc. Đức Giêsu muốn tạo dựng một con tim tinh sạch và chân thành trong chúng ta, sẽ là nguồn, như một dòng suối trong, phát sinh những tư tưởng tốt lành và những hành động không có gì chê trách.
Không có cái gì từ bên ngoài vào trong con người lại có thể làm cho con người ra ô uế được; nhưng chính cái từ con người xuất ra, là cái làm cho con người ra ô uế.
Làm thế nào sống Lời Sống này?

Nếu chẳng phải của cải, tài sản vật chất, thực phẩm và mọi thứ đến từ bên ngoài chúng ta mới làm cho ta ra ô uế và đưa ta ra khỏi tình bạn với Thiên Chúa, nhưng chính là bản ngã, con tim và các quyết định của con người, thì rõ ràng là trong thực hành, Đức Giêsu muốn chúng ta hãy suy nghĩ về cái động cơ sâu xa của các hành vi và cách ứng xử của chúng ta.


Đối với Đức Giêsu, như ta biết, chỉ có một động lực làm cho hết thảy những gì ta làm trở nên tinh sạch, đó là tình yêu.

Ai yêu thì không phạm tội, không giết người, không cáo gian, không trộm cắp, không phản bội ...


Do đó, ta hãy để cho mình chịu sự dẫn dắt bởi tình yêu, hai mươi bốn giờ một ngày, bởi tình yêu Thiên Chúa và tình yêu anh chị em mình. Rồi chúng ta sẽ trở nên người Kitô hữu một trăm phần trăm.
Miss Chiara Lubich

CN XXII Thường niên B
Lm. Augustine, SJ
Ơn Tạo Dựng

Cha Ðỗ Ðình Bộ (Dourisboure) thuộc hội Thừa Sai Ba Lê kể câu chuyện ông Hồ Mua (Hmur) là người dân tộc Bana đầu tiên trở lại đạo Công Giáo năm 1853.


Ông Mua được cha Cung (Combes) dậy đạo. Cha này nhìn nhận ông là người "rất trung thực, rất công bằng, rất thù ghét điều gian dối". Ðặc biệt về giới răn thứ sáu, ông tỏ ra là người bén nhạy cách lạ thường. Một hôm cha Cung dạy ông hơi nhiều về giới răn đó. Phản ứng của ông Mua là: "Ồ, thưa ông cố, về điều này, từ lâu tôi đã biết điều gì được phép làm hay không được phép, kể cả trong suy nghĩ. Xưa kia, khi còn là một thanh niên, và trên đường đi đâu đó, nếu tôi gặp một người con gái thì tôi quay mặt lại để khỏi nhìn cô ấy, và khỏi có những ước muốn xấu."
Ơn Cứu Chuộc

Nhưng không thể nói như vậy về vấn đề mê tín dị đoan. Tất cả những tập tục của dân Bana đều có mê tín dị đoan thấm nhuần. Và ông Hồ Mua mang nặng sư thấm nhuần đó. Khi ông Mua nghe cha Cung trình bày chi tiết đạo thánh Chúa, ông liền tỏ lòng khâm phục và muốn theo liền. Nhưng khi biết rằng tất cả những tập tục dân tộc Bana không thể đi đôi với việc ông gia nhập đạo công giáo, ông tỏ ra sợ hãi. Ông đã tin và vẫn còn tin vào tất cả đạo giáo của dân tộc ông. Ông xác quyết, ông không thể bỏ một số luật đạo ấy mà lại không tự chuốc lấy cái chết chắc chắn sẽ xảy đến cho ông. Cha Cung giúp ông cầu nguyện xin ơn lướt thắng những cám dỗ về mê tín dị đoan. Ông tỏ ra là người anh hùng khi phải nói lên niềm tin mà ông đặt nơi Thiên Chúa và về những sự sau hết của đời người. Nhưng nơi thâm tâm ông vẫn còn âm ỉ một sự sợ hãi, vẫn còn nửa tin nửa ngờ một tai ương lớn nào đó, hoặc có khi chính cái chết, có thể xảy đến nếu ông bỏ một số tập tục mê tín. Nhưng Chúa nhân lành vẫn cho ông cơ hội để thắng sự sợ hãi đó nhờ những thực tại khách quan.


Ðúng vào năm ông Mua trở lại đạo Công Giáo thì có nạn đói xảy ra cho làng ông và những làng lân cận. Bình thường phương pháp tốt nhất để cứu đói là gieo bắp vào lúc mùa mưa tới, để sớm có cái bỏ miệng trong khi chờ đợi mùa lúa đến. Nhưng theo tập tục xứ này, người ta không thể muốn trồng bắp lúc nào thì trồng, mà phải đợi hết điềm báo này đến điềm báo khác. Có khi vì thế mà phải chết đói trong khi thời tiết lại rất thuận lợi cho việc trồng tỉa ngay! Ông Mua, vào dịp đó, đã theo lời khuyên của cha Cung, đã coi thường những tập tục xưa. Ông cứ gieo bắp trước thời gian, chẳng chờ điềm báo. Nhiều bà con của ông từ làng lân cận đến khuyên ông: "Ô kìa, Hồ Mua, mày sắp làm gì vậy? Tại sao trồng bắp tháng này? Ồ, đừng đừng! Ai sẽ ăn bắp mày trồng? Chắc chắn là nó không mọc đâu! Mà như nếu nó có mọc, có sinh nhiều trái, thì mày cũng chẳng được ăn. Mày sẽ chết trước cho mà coi! Ðừng có nghe lời khuyên của mấy người ngoại quốc. Họ chẳng biết gì tập tục của chúng ta. Họ sẽ làm mày chết đấy. Chúng tao thương hại mày lắm! Cái chết luôn đến khá sớm, thì tại sao lại hối thúc nó!"
Nhưng ông Mua đã hứa với cha Cung là bằng mọi giá ông sẽ hành xử theo lời dạy của đức tin. Vậy ông đã tỉa bắp trong khi mọi người còn chờ điềm báo. Bề ngoài ông tỏ ra rất vững tin, nhưng bên trong ông thú thật là vẫn còn nơm nớp sợ.
Chúa thương cho ông Mua được mùa bắp trong khi mọi người chung quanh mới bắt đầu gieo hạt. Bà con lần này đến không phải để trách ông, nhưng để nhận phần bắp mà ông đã quảng đại chia sẻ cho họ như ân lộc Chúa ban.
Ông Mua cách nào đó tượng trưng cho chính Chúa Giêsu là Ðấng mở ra một con đường tự do cho mọi người. Còn những người bà con của ông tượng trưng nhóm Pharisêu và Kinh sư trong bài Tin Mừng hôm nay.
Ðức Giêsu trả giá để loài người được tự do

Nhưng ông Mua tượng trưng Ðức Giêsu theo nghĩa nào? Thực ra, chính nhờ Ðức Giêsu ta mới có thể nhận ra con người ông Mua hiện như thế nào và lẽ ra phải như thế nào, tức là nhận ra ông như được Thiên Chúa dựng nên và cứu chuộc như thế nào.


Ngay ở câu đầu của sách Tin Mừng Máccô đã cho ta thấy nhân vật chính của sách Tin Mừng là Ðức Giêsu, Con Thiên Chúa. Ý nghĩa của danh xưng Con Thiên Chúa được chất chứa rất phong phú nơi biến cố Ðức Giêsu chịu phép rửa tại sông Giođan. Khi ấy các tầng trời xé ra và Ðức Giêsu thấy Thần Khí tựa chim bồ câu ngự xuống trên mình. Lại có tiếng phán từ trời cao rằng: Con là Con yêu dấu của Cha. Cha hài lòng về Con. Thánh Thần xuống trên Ðức Giêsu là để tấn phong và xác nhận Ðức Giêsu là Ðấng Cứu Ðộ Thiên Chúa đã hứa (x. Is 11,2; 42,1; 63,11). Ðức Giêsu còn được xác nhận là Con Một yêu dấu của Chúa Cha được dâng làm lễ vật trong hy lễ.
Ðó là mạc khải cơ bản về Ðức Giêsu Con Thiên Chúa. Tất cả lời nói và việc làm của Ðức Giêsu mà sách Tin Mừng mô tả cũng là để làm sáng tỏ mạc khải đó mà thôi.
Cho nên khi một người bị quỉ ám nhìn nhận Ðức Giêsu là "Ðấng Thánh của Thiên Chúa" (Mc 3,24) cũng là để nói rằng chỉ một mình Thiên Chúa là Ðấng chí thánh và Ðức Giêsu là Ðấng được thánh hiến cho Ngài.
Cũng vậy khi Ðức Giêsu khẳng định Ngài có quyền tha tội (x.Mc 2,10) thì đó là vì Ngài dựa vào thiên tính là Con Thiên Chúa để tha tội.
Riêng trong bài Tin Mừng hôm nay Ðức Giêsu thực tỏ ra khéo léo để vượt lên trên những tập tục không mấy thiêng liêng (vì chỉ liên quan tới chuyện rửa bát, rửa tay v.v? trước khi ăn) để hướng người nghe về với Thiên Chúa. Người trích ngôn sứ Isaia nói rằng "Dân này tôn kính ta bằng môi bằng miệng, còn lòng chúng thì lại xa ta. Chúng có thờ phượng Ta thì cũng vô ích, vì giáo lý chúng giảng dạy chỉ là luật phàm nhân (Is 29,13)? Các ông gạt bỏ điều răn của Thiên Chúa, mà duy trì truyền thống của người phàm (Mc 7,8).
Mọi sự phải khởi đi từ Thiên Chúa. Ðó là ơn tạo dựng. Nếu ông Hồ Mua được nhìn nhận là con người có nhiều cái hết sức tích cực, như trung thực, công bằng, thù ghét điều gian dối, lại còn trong sạch trong cả suy nghĩ, từ thời còn thanh niên, thì đó là vì ông được dựng nên theo hình ảnh của Thiên Chúa.
Nhưng nếu từ cơ sở đó của ơn tạo dựng mà đã có sự suy thoái, sự biến chất do mê tín dị đoan là công trình của quỷ dữ, thì ông Mua phải được giải phóng để được tự do. Ðức Giêsu là Con Thiên Chúa xuống thế làm người là để thực hiện công trình giải phóng đó. Chính ông Mua phải tham dự vào công trình này, nhận lấy công trình đó của Chúa Giêsu làm của mình. Những người như cha Cung và thực ra, cả Giáo Hội, luôn giúp đỡ ông, nhưng không ai thay thế được ông để vượt trên sợ hãi, hầu sống sự sống mới làm Con Thiên Chúa nhờ Chúa Giêsu. Nhưng Ðức Giêsu đã trả giá cho công trình giải phóng loài người khỏi ách tội lỗi. Sự hy sinh đó có thực do tội lỗi loài người gây nên, chứ không phải là điều giả tạo được áp đặt vào cuộc đời của Ðức Giêsu. Máccô nói rõ điều đó khi mô tả năm cuộc tranh luận với người Pharisêu, mà vụ chữa người bại tay đã đưa đến việc bàn tính cách hữu hiệu nhất để giết Ðức Giêsu (x. 2,1-3,6). Thắc mắc mà người Pharisêu nêu trong Tin Mừng hôm nay liên quan tới chuyện rửa bát đĩa và tay trước khi ăn, cũng phát sinh do sự xung khắc có âm mưu nói trên.

 


Каталог: sites -> default -> files
files -> BÁo cáo quy hoạch vùng sản xuất vải an toàn tỉnh bắc giang đẾn năM 2020 (Thuộc dự án nâng cao chất lượng, an toàn sản phẩm nông nghiệp và phát triển chương trình khí sinh học ) Cơ quan chủ trì
files -> Mẫu tkn1 CỘng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập Tự do Hạnh phúc
files -> CỘng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập Tự do Hạnh phúc ĐĂng ký thất nghiệP
files -> BỘ TÀi chính —— Số: 25/2015/tt-btc cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam
files -> CỘng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập Tự do Hạnh phúc TỜ khai của ngưỜi hưỞng trợ CẤP
files -> BỘ giáo dục và ĐÀo tạO –––– Số: 40
files -> BỘ y tế CỘng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập – Tự do – Hạnh phúc
files -> Mẫu số 1: Ban hành kèm theo Thông tư số 19/2003/tt-blđtbxh ngày 22 tháng 9 năm 2003 của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Tên đơn vị Số V/v Đăng ký nội quy lao động CỘng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập Tự do Hạnh phúc
files -> CỦa bộ XÂy dựng số 04/2008/QĐ-bxd ngàY 03 tháng 4 NĂM 2008 VỀ việc ban hành “quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựNG”

tải về 427.58 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương