Tr­êng SỞ giáo dục và ĐÀo tạo hưng yên trưỜng thpt phù CỪ 


Đưa ra yêu cầu của đề thi



tải về 232.03 Kb.
trang2/2
Chuyển đổi dữ liệu25.04.2018
Kích232.03 Kb.
#37112
1   2

2. Đưa ra yêu cầu của đề thi

Có hai cách để đưa ra yêu cầu của đề thi

Cách thứ nhất là: Trình bày suy nghĩ của anh/chị sau khi đọc mẩu chuyện, mẩu tin hay câu nói trên. Cách này khá phổ biến và tránh được những đáng tiếc về các cách hiểu khác nhau. Nhưng nếu đưa yêu cầu như vậy thì đáp án hoặc hướng dẫn chấm phải có lối mở để khuyến khích được những phát hiện riêng của học sinh.

Cách thứ hai là: Từ mẩu chuyện, mẩu tin, câu nói trên, anh chị rút ra bài học gì cho mình về một khía cạnh nào đó (chẳng hạn như lòng nhân ái, khát vọng sống…). Nghĩa là vạch sẵn một hướng đi, nêu ra một luận điểm khá rõ ràng. Cách này tránh được cách viết tản mạn, không tập trung nhưng dễ có “tai nạn”. Trở lại với đề Văn học sinh giỏi của Hải Phòng năm 2013:



Người mẫu Ngọc Trinh từng trả lời phỏng vấn rằng: "Yêu không có tiền thì cạp đất mà ăn à?". Mới đây, cô gái trẻ Lê Thị Huyền Anh (biệt danh "Bà Tưng") khi trả lời một trang mạng xã hội, cũng thẳng thắn: "Tôi mơ ước có nhiều đại gia, nhiều người giàu quan tâm đến mình, cho tôi thật nhiều tiền” (theo Vietnamnet). Từ những hiện tượng trên, anh/chị hãy viết một bài văn (tối đa 800 từ) về chủ đề: "Tiến bộ xã hội và ước mơ đại gia của cô gái trẻ”.

Thực ra, trong đề văn nghị luận xã hội có thể lấy những hiện tượng tiêu cực làm ngữ liệu nhưng phải đặt ra yêu cầu rõ ràng để người viết không lầm lẫn. Vẫn ngữ liệu trên nhưng chúng ta chỉ cần thay câu lệnh: Từ những hiện tượng trên, anh/chị hãy viết một bài văn (tối đa 800 từ) về chủ đề: "Tiến bộ xã hội và ước mơ đại gia của cô gái trẻ” thành câu lệnh mới: Trình bày suy nghĩ của anh/chị về lối sống của một bộ phận giới trẻ như Ngọc Trinh và bà Tưng. Câu lệnh của đề văn này vô hình chung khiến người đọc hiểu rằng lối sống buông thả, thực dụng của các nhân vật trên chính là ước mơ chính đáng của những cô gái trẻ trong một xã hội tiến bộ.

3. Ra đáp án, hướng dẫn chấm cho đề thi

Hướng dẫn chấm của một bài văng nghị luận xã hội vừa đảm bảo yêu cầu của một bài văn nói chung, vừa phải đảm bảo các thao tác làm văn nghị luận xã hội nói riêng. Với mỗi dạng bài lại có hướng ra đáp án khác nhau



a. Với dạng đề là một câu nói, một đoạn thơ, một mẩu chuyện

Bước thứ nhất

Bước thứ nhất là phải giải thích được mẩu chuyện, đoạn thơ, câu nói ấy muốn nói tới vấn đề gì. Muốn giải thích được phải trả lơi câu hỏi:

- Nói như thế nghĩa là thế nào?( giải thích)

Tuỳ theo từng yêu cầu cụ thể mà mức độ và cách giải thích có thể khác nhau. Có những đề bài, khâu giải thích có thể làm rất gọn gàng, đơn giản nhất là khi trong yêu cầu, nhận định không có những khái niệm phức tạp, khó hiểu hay những hình ảnh có khả năng khơi gợi những tư tưởng sâu xa nhưng lại có những đề bài, khâu giải thích rất công phu, phải giải thích cả nghĩa đen rồi sau đó suy ra nghĩa bóng.

Ví dụ: Anh, chị suy nghĩ như thế nào về câu nói sau: “Con tàu rất an toàn khi neo đậu ở cảng, nhưng người ta đóng tàu không phải vì mục đích đó”( Grace Hopper) . Đề bài này yêu cầu phải giải thích được nghĩa đen, nghĩa bóng của câu nói.

- Nghĩa đen: Con người đóng tàu là để khám phá đại dương và thực hiện những mục đích lớn lao. Giá trị con tàu chỉ được khẳng định khi nó vượt qua phong ba, bão tố để thực hiện những mục đích ấy. Con tàu neo đậu ở bến cảng sẽ an toàn nhưng không có giá trị, không có ý nghĩa về sự tồn tại.

- Nghĩa bóng: Câu nói khẳng định con người chỉ có giá trị, có ý nghĩa khi dám đối mặt với khó khăn, thử thách để thực hiện những mục đích, hoài bão, khát vọng lớn lao của mình. Đây chính là vấn đề cần nghị luận.

Bước thứ hai

Bình luận được vấn đề cần nghị luận được gửi gắm trong câu chuyện, đoạn thơ, câu nói. Muốn thao tao này được tốt phải trả lời được câu hỏi:

- Nói như thế đúng hay sai? Tại sao đúng? Tại sao sai?

Vẫn với đề bài trên, đến bước hai này chúng ta có thể có những ý trong hướng dẫn chấm như sau

Ý kiến trên là đúng vì:

+ khi phải đối mặt với khó khăn, con người sẽ bộc lộ được những khả năng, những giá trị còn tiềm ẩn.

+ Dám đối mặt với thử thách, con người mới đạt được những mục đích lớn, vì những mục đích lớn thường không dễ dàng thực hiện.

+ Không dám đối mặt với gian khổ, con người sẽ có cuộc đời êm ả những cũng chẳng thực hiện được những điều gì lớn lao, cuộc sống sẽ tẻ nhạt, vô vị.

Bước thứ ba

Cần phải chứng minh được tính đúng đắn hoặc sai lầm của vấn đề cần nghị luận. Phải trả lời được câu hỏi:

Cơ sở nào chứng minh cho điều đó?

Thao tác này yêu cầu phải lấy được những dẫn chứng xác thực để chứng minh cho luận điểm của mình. Bài viết phải đưa ra được những dẫn chứng thì mới thuyết phục được người đọc.Tuỳ từng đề bài mà có cách lấy dẫn chứng khác nhau: có thể lấy dẫn chứng trong thực tế cuộc sống, trong các tác phẩm văn học, có thể chứng minh trực tiếp, có thể chứng minh bằng phản đề…

Với đề bài trên yêu cầu học sinh lẫn dẫn chứng về những con người đã dám đối mặt với khó khăn thử thách để khẳng định giá trị của bản thân.

Bước thứ tư

Bước này yêu cầu người viết phải rút ra cho mình bài học từ vấn đề cần nghị luận. Với đề bài trên, bài học cần rút ra là:

+ Không ngại khó, ngại khổ để vươn lên trong cuộc sống

+ Phê phán những người tìm lối sống hưởng thụ, an nhàn vô nghĩa

b. Với dạng đề về một hiện tượng đời sống

Để ra được hướng dẫn chấm cho dạng đề này cần trả lời một số câu hỏi sau đây:

- Hiện tượng đó là gì?

Để trả lời được câu hỏi này các em phải nêu được khái niệm các hiện tượng. Đây là cơ sở quan trọng để các em có thể trình bày quan điểm của mình theo đúng yêu cầu mà đề bài đặt ra. Có những hiện tượng diễn ra hàng ngày, rất quen thuộc với học sinh thì các em sẽ dễ dàng nêu được khái niệm.Ví dụ: hiện tượng tai nạn giao thông, ô nhiễm môi trường, nghiện internet, bạo lực học đường

- Hiện tượng đó đang diễn ra trong cuộc sống ra sao?

Tương ứng với câu trả lời này là việc nêu thực trạng của vấn đề. Đây là phần việc đòi hỏi học sinh phải có kiến thức xã hội sâu rộng để có thể nhận diện được thực trạng vấn đề đang diễn ra trong cuộc sống như thế nào. Đối với các hiện tượng tiêu cực trong đời sống như tai nạn giao thông, ô nhiễm môi trường, gian lận trong thi cử…, giáo viên có thể hướng dẫn học sinh “mô típ” của việc nêu thực trạng là: hiện tượng đó đang diễn ra ở mức độ nghiêm trọng, ngày càng phổ biến, đáng báo động và là nỗi quan tâm lo lắng của toàn xã hội.

Câu hỏi tiếp theo là:

- Nguyên nhân của hiện tượng đó?

Nêu được thực trạng của vấn đề thì phải giải thích được các nguyên nhân dẫn đến thực trạng đó. Có đưa ra được những nguyên nhân mới chứng tỏ được sự hiểu biết của mình về vấn đề một cách cặn kẽ, bài viết mới có sức thuyết phục.

Sau khi đưa ra các nguyên nhân, bài viết cần làm sáng tỏ vấn đề bằng cách trả lời câu hỏi sau:

- Hậu quả hay tác dụng của hiện tượng đó?

Nếu vấn đề cần nghị luận là hiện tượng tiêu cực của đời sống thì bài viết phải đưa ra hậu quả của hiện tượng. Ngược lại, nếu là hiện tượng tích cực phải nêu được tác dụng của hiện tượng.

Từ việc nêu hậu quả hay tác dụng của hiện tượng, bài viết cần đưa ra được các giải pháp qua việc trả lời câu hỏi thứ năm:

- Giải pháp để ngăn chặn hay đẩy mạnh hiện tượng đó?

Nếu vấn đề cần nghị luận là hiện tượng tiêu cực của đời sống thì bài viết phải đưa ra giải pháp để ngăn chặn. Ngược lại, nếu là hiện tượng tích cực phải nêu được giải pháp để thúc đẩy. Có thể căn cứ vào các nguyên nhân để nêu ra giải pháp.

Như ở trên tôi đã nói, mục đích của kiểu bài nghị luận về một hiện tượng đời sống là tìm ra ý nghĩa về tư tưởng, đạo đức của hiện tượng nên bài viết cần trả lời câu hỏi tiếp theo:

- Suy nghĩ và hành động của bản thân với hiện tượng đó?

Phần này yêu cầu học sinh phải nêu được cảm nghĩ riêng của mình về hiện tượng đã nêu. Có thể sử dụng một số phép tu từ và yếu tố biểu cảm để phần liên hệ được sâu sắc, thấm thía.



IV. GIỚI THIỆU MỘT SỐ ĐỀ VĂN NGHỊ LUẬN XÃ HỘI

ĐỀ SỐ 1:

Bạn hãy bao dung với tất cả mọi người trừ chính mình. – Joubert.

Trình bày suy nghĩ của anh, chị về ý kiến trên.

HƯỚNG DẪN CHẤM

Để làm sáng tỏ được vấn đề nghị luận trong câu nói của Joubert, các ý cơ bản cần có:

- Giới thiệu khái quát vấn đề cần nghị luận.

- Giải thích : +Bao dung là rộng lượng, dễ dàng bỏ qua, tha thứ cho những thiếu sót hoặc lỗi lầm của người khác.

+ Ý nghĩa của cả câu: Cần rộng lượng với người khác song phải thật nghiêm khắc với bản thân.

- Làm sáng tỏ “bao dung với tất cả mọi người”:

+ Mọi người ai cũng có lúc thiếu sót, sai lầm, nếu chấp trách sẽ khiến các mối quan hệ trở nên căng thẳng.

+ Bỏ qua những lỗi lầm của người khác thì lòng mình sẽ được nhẹ nhàng, thanh thản và con người sống gần nhau hơn.

+ Trong cuộc sống có rất nhiều tấm lòng bao dung, độ lượng.

- Làm sáng tỏ “trừ chính mình”:

+ Không thể dễ dàng bỏ qua, tha thứ cho những thiếu sót, lỗi lầm của bản thân.

+ Nếu dễ dàng tha thứ cho bản thân, con người sẽ coi những lỗi lầm là chuyện bình thường nên dễ dàng phạm lại và khó có thể tiến bộ, thậm chí sẽ phạm phải những sai lầm nghiêm trọng.

+ Nghiêm khắc với bản thân, con người sẽ cẩn trọng trong hành vi ứng xử và ít phạm phải những sai lầm đáng tiếc.

+ Trong cuộc sống có rất nhiều người nghiêm khắc với bản thân, có ý thức sửa chữa sai lầm để sống tốt đẹp hơn.

- Từ đó rút ra cho mình bài học: sống bao dung với mọi người nhưng cần thật nghiêm khắc với bản thân.

ĐỀ SỐ 2:

Thiên nhiên ban cho ta cuộc sống không lâu dài, nhưng kí ức về một cuộc sống đẹp thì còn lại mãi mãi - M. Cicero

Trình bày suy nghĩ của anh, chị về ý kiến trên.

HƯỚNG DẪN CHẤM
Để làm sáng tỏ được vấn đề nghị luận trong câu nói của M. Cicero các ý cơ bản cần có:

- Giới thiệu khái quát vấn đề cần nghị luận.

- Giải thích ngắn gọn câu nói : Thiên nhiên ban cho ta cuộc sống không lâu dài, nhưng kí ức về một cuộc sống đẹp thì còn lại mãi mãi : Cuộc đời của mỗi con người là hữu hạn nhưng những ai có một cuộc sống có ý nghĩa thì dù đã chết, họ vẫn sống mãi trong kí ức của những thế hệ mai sau.

- Nhận xét, đánh giá về ý nghĩa của câu nói : Câu nói của M. Cicero đúng đắn và có ý nghĩa sâu sắc về lẽ sống của con người. Người có cuộc sống đẹp là con người đem lại cho cuộc đời những giá trị nhất định nào đó, đem đến cho con người những niềm vui và hạnh phúc. Họ sẽ được người đời sau mãi nhớ đến với tình cảm ngưỡng mộ, biết trân trọng, yêu mến. Tên tuổi họ mãi tồn tại như một chân lí bất diệt ; sức sống của họ vượt lên thời gian mà họ được sống.

- Thực tế cuộc sống đã có những con người, những cuộc đời bất tử.

- Từ đó thí sinh cần rút ra bài học cho bản thân về cuộc sống : hãy biết trân trọng thời gian ngắn ngủi mà tạo hoá ban tặng để sống có ý nghĩa, có giá trị ; phê phán những kẻ sống vô nghĩa, bỏ phí thời gian được sống trên đời bằng những việc vô bổ.



ĐỀ SỐ 3:

Trong bộ sách Hạt giống tâm hồn” của NXB tổng hợp TP Hồ Chí Minh năm 2008 có mẩu chuyện sau:

“Hai người bạn cùng đi qua sa mạc. Trong chuyến đi, giữa hai người có xảy ra một cuộc tranh luận và một người nổi nóng không kiềm chế được mình đã nặng lời miệt thị người kia. Cảm thấy bị xúc phạm, anh không nói gì, chỉ viết lên cát: “Hôm nay, người bạn tốt nhất của tôi đã làm khác đi những gì tôi nghĩ”. Họ đi tiếp, tìm thấy một ốc đảo và quyết định đi bơi. Người bị miệt thị lúc nãy bây giờ đuối sức và chìm dần xuống. Người bạn kia đã tìm cách cứu anh. Thoát khỏi vũng lầy, anh lấy một miếng kim loại khắc lên đá: “Hôm nay, người bạn tốt nhất của tôi đã cứu sống tôi”. Người bạn kia hỏi: “Tại sao khi tôi xúc phạm anh, anh viết lên cát, còn bây giờ anh lại khắc lên đá?”...”.

Anh, chị hãy lí giải điều mà người bạn kia thắc mắc.

HƯỚNG DẪN CHẤM
* Cần lí giải thấu đáo điều mà anh bạn trong mẩu chuyện thắc mắc: Tại sao khi tôi xúc phạm anh, anh viết lên cát, còn bây giờ anh lại khắc lên đá ?

* Bài viết có thể có nhiều cách trình bày nhưng cần đảm bảo những ý cơ bản sau :

- Thấy được ý nghĩa sâu sắc của mẩu chuyện .

- Lí giải khi bị xúc phạm thì viết lên cát :

+ Khi bị xúc phạm con người sẽ bị tổn thương, đau khổ và dễ sinh lòng thù hận.

+ Viết những điều đó nên cát để nỗi đau và lòng thù hận dễ nguôi ngoai và dần được xoá nhoà theo thời gian.

+ Tìm cách quên đi nỗi đau và lòng thù hận, tâm hồn con người sẽ trở nên thanh thản và cao thượng hơn.

+ Trong cuộc sống đã có nhiều người biết vượt lên nỗi đau và lòng thù hận để sống có ý nghĩa.

- Lí giải khi được cứu sống thì khắc lên đá

+ Khi được cứu sống, con người thường có tình cảm biết ơn với người cứu giúp.

+ Khắc những điều đó lên đá để nhủ lòng mình không bao giờ được quên ân tình, ân nghĩa.

+ Tìm cách khắc ghi trong lòng sự biết ơn, con người sẽ nâng cao được tâm hồn và nhân cách của bản thân.

+ Trong cuộc sống có rất nhiều người biết sống nghĩa tình, biết tri ân với những người giúp đỡ mình những lúc khó khăn.

- Từ đó, phê phán những kẻ luôn gây thù chuốc oán và bội nghĩa vong ân ; rút ra cho mình bài học : biết học cách quên nỗi đau và lòng thù hận, học cách nhớ những ân nghĩa ân tình trong cuộc sống để con người gần nhau hơn.



ĐỀ SỐ 4:

Trong bộ sách Hạt giống tâm hồn” của NXB tổng hợp TP Hồ Chí Minh năm 2008 có mẩu chuyện sau:

Một buổi sáng, khi đang dùng điểm tâm, tôi vô tình nghe được câu chuyện của hai bác sĩ điều trị bệnh ung thư. Một bác sĩ tâm sự:

- Anh biết không, tôi thật chẳng hiểu nổi. Cả anh và tôi cùng cho bệnh nhân uống một thứ thuốc giống nhau, cùng một liều như nhau, cùng một phác đồ điều trị và cùng một tiêu chuẩn nhập viện. Vậy mà kết quả của tôi chỉ đạt 22% còn anh lại lên tới 74%. Một kết quả chưa từng thấy đối với bệnh ung thư di căn. Làm thế nào anh có thể thành công được như vậy?

Vị bác sĩ đồng nghiệp nhẹ nhàng trả lời:

- Cả hai chúng ta đều dùng loại thuốc Etoposide, Platinum, Oncovin và Hydroxyurea phải không? Anh gọi tắt các thuốc này là EPOH. Nhưng tôi lại nói với các bệnh nhân của mình là họ đang dùng loại thuốc HOPE (nghĩa là hi vọng)…”.

Đọc mẩu chuyện trên, anh (chị) có suy nghĩ gì?



HƯỚNG DẪN CHẤM

Làm sáng tỏ được vấn đề nghị luận trong mẩu chuyện. Các ý cơ bản cần có:

- Giới thiệu khái quát vấn đề cần nghị luận.

- Giải thích được nguyên nhân dẫn đến thành công của người bác sĩ điều trị bệnh ung thư trong mẩu chuyện: đó là biết gieo vào lòng những bệnh nhân niềm hi vọng, niềm tin được sống nhờ cách gọi tên các loại thuốc.

- Thấy được sức mạnh kì diệu của niềm tin trong cuộc sống. Niềm tin và hi vọng tiếp cho con người nghị lực và sức mạnh để vượt lên hoàn cảnh dù là những hoàn cảnh nghiệt ngã nhất.

- Trong cuộc sống đã có nhiều người biết vượt lên nghịch cảnh bằng niềm tin và hi vọng.

- Từ đó rút ra bài học cho bản thân: biết nuôi dưỡng niềm tin và hi vọng trong bất cứ hoàn cảnh nào, biết gieo niềm tin cho những người xung quanh bạn.

- Thấy được ý nghĩa sâu sắc của mẩu chuyện.



ĐỀ SỐ 5:

Hào Anh sinh ra trong một gia đình nghèo, bố mẹ chia tay và có gia đình mới, em sống với mẹ. Tháng 8/2009, Hào Anh được mẹ đưa vào trại tôm giống Minh Đức để làm việc và hi vọng học nghề. Tại đây, em bị vợ chồng chủ trại hành hạ dã man: đổ nước sôi vào người, bẻ răng, đánh đập, dùng dao rạch lưng đổ formol…Chính quyền địa phương và hàng xóm đều không hay biết để can thiệp. Mãi đến cuối tháng 4, hàng xóm đưa Hào Anh đến bệnh viện cấp cứu trong tình trạng thương tích đầy mình, vụ việc mới vỡ lở. Vợ chồng chủ trại bị bắt cùng hai người làm công. Lãnh đạo chính quyền địa phương nhận kỷ luật. Phiên toà sơ thẩm vụ án hành hạ Hào Anh được tổ chức lưu động ngày 29/6, thu hút hàng nghìn người dân. Vợ chồng chủ trại phải nhận mức án tù mỗi người 23 năm.”



Tiến Thuỳ

(Theo VnExpress – Tin nhanh Việt Nam)

Trình bày suy nghĩ của anh/chị về nạn bạo hành trẻ em sau khi đọc mẩu tin trên.

HƯỚNG DẪN CHẤM

Thí sinh có thể có nhiều cách trình bày khác nhau nhưng cần đảm bảo các ý cơ bản sau :

- Cần chỉ ra được hiện tượng trong mẩu tin chính là thưc trạng của nạn bạo hành trẻ em trong đời sống xã hội hôm nay. Hiện tượng này đang có nguy cơ gia tăng trong thời gian gần đây.

- Chỉ ra được nguyên nhân của nạn bạo hành.

+ Do thiếu sự quan tâm, yêu thương của gia đình mà trẻ em sớm phải dấn thân vào chốn mưu sinh với rất nhiều nguy cơ bị xâm hại.

+ Do những ông chủ, bà chủ tham lam, độc ác, vô nhân tính, coi rẻ mạng sống của trẻ thơ.

+ Do thái độ sống thờ ơ, vô cảm của những người xung quanh, sự thiếu trách nhiệm của chính quyền địa phương.

- Thấy được hậu quả của nạn bạo hành trẻ em.

+ Gây tổn thương nghiêm trọng đến thể xác và tâm hồn trẻ em.

+ Phá hoại giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc.

+ Gây bất bình, hoang mang, lo sợ trong cộng đồng.

- Từ đó, thí sinh bày tỏ suy nghĩ thái độ của mình trước nạn bạo hành.

+ Xót thương, cảm thông, chia sẻ với trẻ em bị đánh đập, hành hạ, bị bóc lột sức lao động.

+ Lên án, bất bình với những kẻ chà đạp, xâm hại trẻ em.

+ Phê phán thái độ thờ ơ, vô trách nhiệm của những người xung quanh và chính quyền địa phương.

+ Mở rộng tấm lòng để quan tâm, chia sẻ với những trẻ em có cảnh ngộ bất hạnh quanh mình, sớm phát hiện những biểu hiện của nạn bạo hành và báo cho cơ quan chức năng hoặc những người xung quanh.

+ Đề xuất những giải pháp để bảo vệ trẻ em.

KẾT QUẢ ĐẠT ĐƯỢC

Với việc áp dụng sáng kiến kinh nghiệm này trong quá trình giảng dạy về nghị luận xã hội và trong kiểm tra, đánh giá, tôi thấy mình đã thu được những kết quả sau:

- Những giờ học về nghị luận xã hội khá sôi nổi, hào hứng.

- Các bài kiểm tra, bài thi về nghị luận xã hội có kết quả khá cao.

- Đa phần học sinh nắm được các thao tác làm bài và tích cực làm bài. Bài viết có màu sắc riêng của học sinh

Đội tuyển học sinh giỏi do tôi bồi dưỡng, giảng dạy nhiều năm đạt kết quả cao trong kì thi học sinh giỏi cấp tỉnh, tiêu biểu là đội tuyển lớp 12 năm học 2008-2009 đứng thứ 2 tỉnh Hưng Yên

Về bản thân mình, tôi được nhà trường, đồng nghiệp tín nhiệm và giao cho nhiều công việc chuyên môn quan trọng như dạy lớp chọn văn, bồi dưỡng đội tuyển, dạy các lớp ôn thi đại học, cao đẳng. Trong quá trình giảng dạy, tôi đã ra nhiều đề nghị luận xã hội. Các đề bài của tôi đã được sử dụng trong nhiều kỳ thi các cấp

Kết quả đạt được của tôi thực sự còn rất hạn chế. Tuy nhiên, với tình yêu công việc dạy văn, tôi sẽ tiếp tục phấn đấu để có thêm nhiều đóng góp cho công việc dạy văn nói chung và việc dạy văn nghị luận xã hội nói riêng.



KẾT LUẬN VÀ ĐỀ XUẤT

Dạy văn thì nhọc nhằn, lao tâm khổ tứ. Đã theo nghề thì đâu có ngại những gian khổ của nghề. Chính nỗi nhọc nhằn, vất vả của nghề tạo nên niềm vui, hạnh phúc và ý nghĩa cao cả của một giáo viên dạy văn. Văn chương thì vô bờ, nghề dạy học thì thầm lặng, cuộc sống thì bộn bề, sôi động với bao nhiêu thăng trầm, toan tính. Cái tâm của người thầy dạy văn là cốt lõi, là nên tảng của mọi kinh nghiệm dạy học. Khi yêu bằng một tình yêu đủ lớn, người ta có muôn ngàn cách vượt qua những trở ngại để giữ gìn và bồi đắp tình yêu ấy.

Một số kinh nghiệm về việc ra đề văn nghị luận xã hội mà tôi vừa trình bày trên đây, thiết nghĩ chỉ như một vài hạt muối bé nhỏ ném vào lòng đại dương thăm thẳm của nghiệp dạy văn. Dù bé nhỏ, ít ỏi là thế nhưng nếu góp được chút mặn mòi nào đó cho công việc của những người dạy văn tôi đã cảm thấy hạnh phúc và mãn nguyện.

Tôi biết, còn nhiều các thầy cô dạy văn, tâm huyêt, giỏi nghề, giàu kinh nghiệm giảng dạy. Rất mong được các thầy cô góp ý cho sáng kiến kinh nghiệm của tôi và chia sẻ thêm những kinh nghiệm của bản thân để công việc dạy văn của chúng ta hiệu quả và bớt phần nhọc nhằn hơn.



Xin trân trọng cảm ơn!

Người viết

Nguyễn Văn Song
Mục lục

Trang

PHẦN MỞ ĐẦU …………………………………………….............. 1

I. Lý do chọn đề tài................................................................................ 1

II. Mục đích của đề tài……………………………. .............................. 2

III . Nhiệm vụ của đề tài ………………………….…….……….......... 2

IV. Phương pháp nghiên cứu.................................................................. 2

PHẦN II – NỘI DUNG ĐỀ TÀI ………….…...................………..... 3

I. Khái quát về văn nghị luận xã hội.................................................. .... 3

II. Thực trạng việc ra đề văn nghị luận xã hội ở trường THPT.............. 3

III. Yêu cầu của một đề văn nghị luận xã hội.........................................4

IV. Các bước ra đề văn nghị luận xã hội.............................................. 8

V. Giới thiệu một số đề văn nghị luận xã hội..................................... .19

KẾT QUẢ CỦA ĐỀ TÀI ..............................................……................25

KẾT LUẬN VÀ ĐỀ XUẤT.................................................... ……......26



MỤC LỤC...............................................................................................27




Nguyễn Văn Song Trường THPT Phù Cừ


tải về 232.03 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương