TRƯỜng đẠi học văn hóa hà NỘi khóa luận tốt nghiệP


CHƯƠNG 2 ĐẶC ĐIỂM DÂN CA LÔ LÔ Ở ĐỒNG VĂN - HÀ GIANG



tải về 324.07 Kb.
trang2/4
Chuyển đổi dữ liệu18.08.2016
Kích324.07 Kb.
#22440
1   2   3   4

CHƯƠNG 2

ĐẶC ĐIỂM DÂN CA LÔ LÔ Ở ĐỒNG VĂN - HÀ GIANG

2.1. Khái quát về dân ca Lô Lô ở Đồng Văn - Hà Giang

Cùng với trống đồng thì vốn nghệ thuật dân gian ở dân tộc Lô Lô thật đáng khâm phục. Nó được biểu hiện ở tất cả các mặt trong đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào từ các mẫu hoa văn trên trống đồng, nhất là trên y phục của phụ nữ, rồi truyện cổ tích, điệu múa, bài ca... Hầu như các mặt sinh hoạt chủ yếu về vật chất và tinh thần từ dĩ vãng xa xăm cho đến đời sống thường nhật đều được phản ánh trong dân ca của họ. Qua những bài ca thần thoại "Trời, đất, con người", "Mẹ trời, mẹ đất" hay "Chuyện mặt trời, mặt trăng"... phản ánh rõ vũ trụ quan tối thiếu và tinh thần đấu tranh chinh phục thiên nhiên của họ. Hàng hoạt bài ca ca ngợi tinh thần lao động cần cù và dạt dào tình yêu cuộc sống. Những mốc lớn của cuộc đời mỗi con người: Cưới hỏi, tang ma... đã đi vào dân ca một cách hết sức tự nhiên.

Sinh hoạt dân ca Lô Lô thường vào lúc nông nhàn nhân tuần trăng sáng, đặc biệt vào dịp trong làng có đám cưới, đám ma. Lời ca làm cho đám cưới thêm vui và đám ma nhẹ bớt nỗi u buồn và cũng như múa ma, để tiễn biệt người quá cố về với tổ tiên. Đó là triết lý Lô Lô và trở thành tập quán.

Dân ca Lô Lô có một đặc điểm chung là đều được sáng tác theo thể thơ năm chữ và từng cặp hai câu bổ sung nhau.

Ví dụ:

"Sắp đến lúc làm nương

Sắp đến lúc làm ruộng"

Lời ca nhìn chung là mộc mạc, gần gùi với ngôn ngữ hàng ngày. Cái gây xúc động cho người nghe chính là nội dung bài ca.

Tuy nhiên, nhiều đoạn cũng đã đạt tới trình độ nghệ thuật khá cao. Ví dụ trong bài "Đón khách":

"Tối nay là tối gì?

Mà thoang thoảng hương bay

Đêm nay là đêm gì?

Mà ấm áp cỏ cây…"

Quan sát lối hát đối đáp trong dân ca của dân tộc Lô Lô ta sẽ thấy có rất nhiều biểu hiện của tính diễn xướng ở trong đó. Phần nhiều khi người ta hát dân ca là người ta không lệ thuộc vào sự ngăn cách tuổi tác, cho nên nhiều người cao tuổi vẫn xưng mình còn "Thanh tân" còn "Đợi chờ"… Vì vậy trong dân ca dân tộc Lô Lô mới có những bài, những câu:


" Gặp anh em muốn chào

Nhưng lời ca có hạn

Lời ca anh thật lòng

Sao anh không cất giọng

Chưa ca đã thấy thương

Chưa nhìn đã thấy mến

Tiếng ca anh đến đâu

Lời chứa chan đến đó"



Hoặc

"Mình nói mình còn son

Xa cũng biết mình rồi

Chồng con mong mình đó

Còn ta chẳng ai mong".

Như vậy trong dân ca dân tộc Lô Lô chẳng những có tính chất thơ mà còn có tính chất kịch. Hơn nữa, trong dân ca Lô Lô còn có tính chất tự sự đi đôi với yếu tố trữ tình. Hai yếu tố đó không thể tách rời nhau cho nên hầu hết các bài dân ca dù ngắn hay dài cũng thường có yếu tố của một cốt truyện, đơn giản, trong đó tác giả nêu rõ về thời gian, địa điểm nhân vật và một số biến cố nhất định, chẳng hạn như:

"Xe chỉ để trao duyên

Ô mở để trao duyên

Chỉ không trao không nhớ

Ô không mở không thương

Chỉ để thêu tình đẹp

Ô để che tình duyên

Che mối tình chung thủy

Vững như cây với cành

Như nước suối bên ta

Không trong không hề uống

Duyên đã trao từ đây

Nhớ thương đã từ đây

Nóc nhà có cột giữ

Cành cây có thân cây

Mối tình ta cũng vậy

Giữ mãi cho đến cùng.

Ta thấy sự tồn tại và phát triển của dân ca Lô Lô cũng như các dân ca nói chung của nhiều dân tộc khác, không bị ràng buộc bởi các yếu tố như nhạc và vũ. Sự thật trong dân ca dân tộc Lô Lô gắn với các cốt truyện ngắn hoặc dài nhưng yếu tố nhạc không cảm thấy cần thiết bằng làn điệu (thường chỉ làn điệu trầm bổng khoan thai của người ca lặp đi lặp lại). Ở đây vấn đề trở nên khó khăn và phức tạp hơn vì sự gắn bố giữa lời ca và làn điệu chặt chẽ hơn nhiều so với các lĩnh vực khác. Nếu tách giữa làn điệu và lời ca thì người ca khó có thể nhớ được lời một cách tuần tự và thường bị ngưng rồi hát lại.

Nhìn chung dân ca Lô Lô phổ biến dùng để hát đối đáp trai gái lứa đôi. Nó nảy nở, phát triển theo thời gian, trong hoàn cảnh đó, thơ ca dân gian phát triển theo quy luật riêng của mình, nó không bị chi phối, lệ thuộc vào các yếu tố khác, nghĩa là không mất đi tính độc lập của nó.

Cũng như các dân tộc khác trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam, dân ca Lô Lô cũng đã có một lịch sử phát triển lâu dài. Những kết quả phong phú đúc kết từ trong lao động sản xuất và trong việc phòng chống thiên tai, chống ngoại xâm của dân tộc và không một ai có thể phủ nhận được.

Nếu dựa vào phương thức diễn xướng và nội dung của dân ca, thì có thể phân chia dân ca Lô Lô theo ba loại là: dân ca trong lễ hội, dân ca trong sinh hoạt, dân ca giao duyên.



2.2. Dân ca trong lễ hội

Lễ hội dân tộc Lô Lô với tư cách là một hình thức sinh hoạt văn hoá đặc biệt không thể thiếu được trong cộng đồng tộc người. Một môi trường văn hoá đặc thù mang màu sắc rõ nét, thể hiện bản sắc độc đáo được bản thân tộc người Lô Lô hết sức trân trọng, gìn giữ và quan tâm như một chuẩn mực ứng xử. Nó còn là một loại hình sinh hoạt văn hoá tinh thần từ lâu đời của dân tộc, có sức hấp dẫn, lôi cuốn các tầng lớp trong xã hội của cộng đồng và trở thành một nhu cầu và khát vọng của dân tộc qua các thời kỳ lịch sử.

Lễ hội Lô Lô là một giá trị văn hoá tinh thần cần được bảo lưu, giữ gìn và phát triển. Là một thành tố bền vững của lễ hội theo nguyên tắc nguyên hợp của văn hoá dân gian, dân ca Lô Lô có một vị trí quan trọng trong lễ hội. Nội dung của dân ca Lô Lô phối hợp với các hành vi diễn xướng, cho các yếu tố trang trí - hội hoạ - vũ đạo... giúp người dân thể hiện được lòng thành của mình đối với đáng siêu nhiên để cầu mong mưa thuận gió hoà, mùa màng bội thu, cuộc sống yên ấm. Những lời ca trong lễ hội đã góp phần bồi dưỡng tâm hồn, nhân cách, đạo đức, lối sống cho con người. Tâm hồn dân tộc bắt nguồn từ tình cảm gia đình, làng xóm, bạn bè, từ đạo lý sống, từ hành vi ứng xử giữa người với người, giữa con người với thiên nhiên - đất trời - vũ trụ.

Lễ hội, với bản chất cao đẹp đã ăn sâu vào ký ức của mỗi người trong cộng đồng từ thuở ấu thơ. Nhờ được tổ chức thường xuyên trong suốt chiều dài lịch sử, lễ hội của dân tộc Lô Lô được bảo lưu khá bền vững và nhờ vậy, nghệ thuật diễn xướng, các làn điệu dân ca cổ truyền của dân tộc được gìn giữ và phát triển.



2.2.1. Lễ tế trời đất

Ở người Lô Lô, trời đất đã trở thành vị thần được tôn kính, trời được coi như cha, đất được coi nhà mẹ. Triết lý của người Lô Lô là trời đất sinh ra tất cả muôn loài, muôn vật. Lễ tế trời đất là sự kiện quan trọng của người Lô Lô, là ngày vui mang tính chất ngày hội của cả cộng đồng. Vì vậy dân ca trong lễ tế trời đóng vai trò quan trọng trong lễ hội của người Lô Lô.

Với quan niệm ngày tế trời đất là ngày cúng giỗ cha mẹ, nên phải tế vào một nơi trên đồi lớn và chỉ được đánh trống, thổi kèn, thanh la... đều bằng đồng.

Đến ngày tế, người ta định hướng để treo các màu cờ, phía Nam treo cờ màu đỏ, phía Bắc treo cờ màu đen, phía Đông treo cờ màu xanh, phía Tây treo cờ màu trắng cùng với màu vàng.

Trong lễ tế trời, có một ngày lễ long trọng nhất, được tiến hành vào ngày mở đầu cho sự sinh sôi phát triển. Cuộc tế bắt đầu tư lúc nửa đêm. Dân làng tập trung đông đủ trong ánh đuốc sáng rực, tiếng trống, chiêng vang động cả góc trời. Các nhạc cụ đặt trên những tấm đá ghép tài tình, tạo khuếch âm thanh lạ lùng, làm cho âm thanh vang rất xa cũng như rất rõ nét. Thay mặt dân làng, thầy cúng đọc chúc văn kính cáo trời đất sinh hạ muôn dân, ơn trời, ơn thiên hạ thái bình, muôn dân cùng hưởng...

Thuở chưa có trời đất

Trời đất nằm sát nhau

Mặt hai người nhợt nhạt

Chưa tách rời được nhau
Một hôm mẹ Đất bảo

Có lẽ phải tách ra

Ai nằm trên là bố

Ai ở dưới là mẹ


Bố trời nghe nói vậy

Tại sao lại làm thế

Cứ thế này thì sao

Ai mà tách ra được.


Mẹ Đất lại nằn nì

Bố Trời cũng nghe ra

Liền vùng dậy xem sao

Nhưng không sao dậy nổi.


Ôi! Làm sao lại thế này

Có ai xui ai khiến

Làm sao lại thế kia

Có ai xui ai bẩy.


Sao mà tách được ra

Làm sao rời được ra

Mọi vật xung quanh ta

Chặt như chôn như dính


Ôi! Một vật rất cao to

Tên là Sáng đâu tới

Đặt Trời lên trên đầu

Rồi đội trời lên cao


Ôi! Đây là nơi nào vậy

Đâu phải là trời cao

Nhìn lên còn xa lắm

Làm sao tới tận cùng


Phải sống nơi lưng chừng

Không muốn sống phải sống

Lên thì làm sao đây

Muốn xuống không xuống nổi.


Ôi! Đã tới lưng chừng

Không muốn cũng phải đi

Lấy chân đạp mà đi

Dùng tay cào mà tới


Phải mất mười mấy năm

Vật lộn với gian nan

Cúi đầu không ngoảnh lại

Mới tới nơi cùng trời.


Cuộc sống nơi cùng trời

Không biết từ bao lâu

Có ai đếm được ngày

Không ai nhớ được tháng.


Dù sống ở trên cao

Cuộc sống buồn làm sao

Bố Trời nhớ Mẹ Đất

Nhưng không sao xuống được


Phải làm thế nào đây

Miệt mài không nản trí

Để tạo ra mặt trăng

Mặt trăng có đây rồi.


Trong suốt mười hai năm

Mười hai năm trăng sáng

Trăng sáng soi đường đi

Bố Trời gặp Mẹ Đất.

……………………

Bài hát của thầy cúng là loại thanh nhạc có sắc thái âm nhạc dân tộc, cũng được sáng tác theo thể thơ năm chữ. Thầy thường đọc các bài cúng, tính chất âm nhạc của giai điệu chưa thật xa ngôn ngữ nói bao nhiêu. Âm nhạc của bài cúng nghèo nhưng bà con vẫn xúc động và thích nghi vì giá trị nội dung lớn của bài ca.

Qua bài dân ca trên, ta thấy những khúc hát này thật dân dã, gần gũi với cơ sở. Nó gợi lên cội nguồn xa xôi của con người. Ngoài ra, ta còn thấy nói lên những tâm hồn khác nhau trong đời sống tinh thần của họ. Nội dung bài ca cũng cho thấy, tuy sống trong điều kiện núi non trùng điệp, giao lưu khó khăn, nhưng người Lô Lô vẫn muốn mở rộng nhận thức của mình ra ngoài vũ trụ để giải thích nguồn gốc đất trời.

Những bài ca trong lễ tế trời đất, cũng như các nghi lễ khác đều đã được quy định rõ. Bài nào hát trước, cách diễn xướng ra sao đều nhằm phục vụ nghi lễ. Do đó các bài ca đều được chuẩn bị kỹ, có khuôn mẫu sẵn; các nhân vật tham gia phân nghi lễ của lễ hội đều có "vai trò" rõ ràng, được quy định rõ, và vai trò của thầy cúng là rất quan trọng.

Nói chung, lễ tế là một hành vi thiêng liêng của dân làng cầu mong mối giao hoà giữa trời đất và con người, giữa thần bản mệnh với muôn dân. Cả về bố trí kiến trúc lễ vật, thời gian lễ đều quy tụ về một ý nghĩa triết học âm dương ngũ hành giao thoa, tương sinh, cũng là mối quan hệ giữa văn hoá địa lý với văn hoá nhân dân.

2.2.2. Lễ cầu mưa

Như đã giới thiệu ở phần trên, đồng bào Lô Lô sống trong điều kiện địa lý khó khăn, thiên nhiên khắc nghiệt, sản xuất nông nghiệp lạc hậu, phụ thuộc rất nhiều vào thiên nhiên. Với nghề trồng trọt, yêu cầu về nước tưới là tối quan trọng. Nhưng, người dân Lô Lô không chủ động được nguồn nước tưới cho hoa mầu, cho nên tất yếu họ trông chờ vào thiên nhiên. Bởi vậy, lễ cầu mưa ra đời, có vị trí quan trọng trong lễ hội của đồng bào Lô Lô. Ở tộc người Lô Lô, mỗi vùng có cung cách, lý do và cốt truyện với nhiều dị bản khác nhau để tổ chức lễ cầu mưa. Ở huyện Đồng Văn - Hà Giang tổ chức lễ cầu mưa vào cuối tháng 5 (âm lịch) hàng năm.

Lễ cầu mưa có nguồn gốc từ một câu chuyện rất thương tâm: Ngày xưa ở Vùng Mèo Vạc có một ông tên là Cồ vào một năm nọ, trời nắng hạn kéo dài, cỏ cây, hoa màu đều không mọc được, ruộng bị cạn khô và nứt nẻ, dân làng không có nước uống, trâu bò cũng bị chết khát, chết khô... Thấy thương những người thân bị khổ và muôn vật có thể bị chết hết, ông Cồ liền nghĩ ra cách để trêu trời và cho trời biết rằng dưới trần đang cần mưa và chờ mữa. Ông đem cuốc khơi các rãnh xung quanh nhà để chờ mưa. Ông đi khơi hết các rãnh từ nhà nọ đến nhà kia, làng này đến làng khác mà trời vẫn nắng to kéo dài. Ông gọi dân làng đào những con mương để chờ mưa dẫn nước vào ruộng, nhà nào cũng thi nhau đào những con mương thật to vào khu ruộng của nhà mình. Càng chờ càng thất vọng, ruộng nương không làm được, cỏ cây gia súc chết dần, chết mòn. Ông Cồ lại động viên dân làng đi chặt cây mai về làm máng hứng nước từ mái nhà. Dân làng đi khắp vùng để chặt cây mai về làm máng nước - quanh nhà chờ dẫn nước vào bể, vào ao.

Mọi việc từ khơi rãnh, đào mương đến làm máng nước đã xong mà trời vẫn không mưa. Ông gọi dân làng khua chiêng, gỗ trống, gõ mõ, đốt giẻ rách làm khói tung bụi mù cả một vùng trời đất.

Bỗng trời đất tối sầm lại, sấm sét đánh rung cả đất, gió bão nổi lên những cơn lốc, trời đổ những cơn mưa như trút nước mấy ngày đêm. Các cánh đồng ruộng, hồ, ao nước mênh mông ngập khắp nơi không đi lại được. Ông Cồ bụng vui lắm, ông chạy ra sửa máng, chỉnh mương, dân làng không ai để ý. Ông phấn khởi mải mê không để ý đến mưa gió rồi chẳng may trượt chân bị nước cuốn trôi, mấy ngày sau dân làng mới tìm thấy xác ông nổi lên ở hồ Rồng.

Dân làng thương tiếc, đưa xác ông về và chỉ còn lại vài con chó cúng thịt để đưa tiễn ông lên đường đến nơi yên nghỉ. Dân làng trồng cây mai trên mộ ông để làm dấu hàng năm đến viếng sửa.

Đã qua nhiều đời, đời này qua đời khác, con cháu truyền lại cho nhau luôn nhớ đến ông như một biểu tượng thiêng. Vì ông Cồ có công với dân nên ông Trời đã đưa ông lên trời để quản mưa gió cho dân làng. Hàng năm cứ đến tháng 5 âm lịch dân làng lại tổ chức lễ cầu mưa xin ông Cồ cho mưa xuống để dân làng cấy trồng và có nước ăn. Người ta cử những thanh niên khỏe mạnh tới mộ ông chặt cây mai về cắm tại nơi quy định làm lễ rồi lấy mo cau cắt tròn và đào những hố tròn đặt tấm mo cau có cắm ngọn cao lương tưới nước lên, rồi dùng tay kéo phát ra những tiếng kêu như tiếng ếch, nhái, ễnh ương, tiếng cóc...

Già làng đọc lời cầu khấn ông Cồ, dân làng vây quanh cây mai múa với những tiếng hú, tiếng kèn trống, tiếng mo cau vang động đất trời. Dưới đây xin giới thiệu trích đoạn bài khấn trong lễ cầu mưa:

"Hôm nay ngày đẹp trời

Chúng con xin ông Cồ

Ông Cồ cho mưa gió

Để làm ruộng làm nương

Ông Cồ giờ ở đâu

Trong nấm mồ chôn sâu

Một mẩu đời bạc mệnh

Hay vừa mới nguội lạnh

Thiên hạ được ngày nay

Nhờ có công ông Cồ

Ông Cồ xin trời mưa

Nhờ ngọn mai cao vút

Ông Cồ xin trời mưa

Nhờ có lửa có khói

Dân làng nổi trống lên

Bụi tung bay mặt đất.

…………………….

Trời vẫn không chịu mưa

Ông khua chiêng gõ mõ

Rung cả động cây rừng.

Bụi bay từ bốn phía

Bỗng trời cao tối lại.

Sấm sét nổ ầm vang

Gió nổi cơn như xé

Lốc cuốn bay tung trời

Trời đã đỗ cơn mưa

Đồng ruộng mênh mông nước

Lũ tràn quanh nơi ở

Nước thở từng đợt hả.

Ông Cồ nhìn thấy vậy

Nỗi mừng không kể xiết

Dân làng có nước rồi.

Thoả lòng như mong ước

........................................"

Các bài cúng này vẫn được sáng tạo theo thể thơ năm chữ và có tình nguyên hợp cao. Các bài của thầy cúng, già làng được hát trong hoàn cảnh cụ thể phục vụ cho nghi lễ. Diễn xướng và một bộ phận ngôn từ (lời ca) gắn bó chặt chẽ với âm nhạc, vũ điệu, tạo hình.

Trong bài khấn của thầy cúng, lời ca mang đầy chất trữ tình, thể hiện tình cảm thương tiếc, yêu mến giữa dân làng với ông Cồ, người có công với làng bản.

Về giai điệu trong diễn xướng thì lời ca trong nghi lễ của lễ hội dân tộc Lô Lô thường được hát với giọng trầm thấp, chầm chậm. Cùng với lời ca giàu chất trữ tình, những giai điệu và phương thức diễn xướng rất hồn nhiên chân thực đó cũng tăng thêm sự linh thiêng trong lễ hội.

2.3. Dân ca trong sinh hoạt

2.3.1. Hát ru

Hát ru là những bài hát có âm điệu du dương êm đềm của người mẹ ru con, bà ru cháu, chị ru em. Những giọng hát ngọt ngào cùng với cử chỉ âu yếm vỗ về đưa trẻ thơ vào giấc ngủ ngon lành sâu lắng.

Những bài hát ru của người Lô Lô thường ngắn gọn, câu hát mộc mạc, giản đơn, nhưng các từ cuối phải hợp với vần trắc hoặc bằng để trao được trường độ ngân nga theo thành điệu của mỗi câu, mỗi đoạn trong bài.

À ơi à ời ơi

Ngủ đi, ngủ đi con

Ngủ say, ngủ say con

Bố lên núi, lên non

Tay sao bố chặt củi

Củi mọt ăn hết rồi!

Chỉ còn một cành khô

Thiếu củi lo khách đến

Lửa không đủ ấm tay,

Chủ nhà dùng không có...

Khi đứa trẻ ra đời đã gắn liền với những câu hát, lời ru của bà, mẹ, chị, lúc nào đứa trẻ cũng được mẹ bồng bế và có thể hát ru bất cứ lúc nào, ban ngày hoặc mỗi tối, trong nhà hoặc ngoài sân, bên chiến võng, nôi ru, có khi đem con trên nương họ vẫn hát những bài ru, như những lời tâm sự về tình thương yêu càu mẹ giành cho con.

Nín đi nào, con ơi

Đừng khóc nhiều con hỡi!

Bố đang bận ở nhà

Mẹ thương con, con à

Ngủ đi nào, con ơi

Đừng khóc nhiều, con à

Mẹ lấy củi gần nương

Bố kéo nước gần nhà

Nín đi nào, con ơi,

Đừng khó nhiều, con hỡi!

Đi nương mới có ăn,

Lấy nước mới có uống

Hổ dữ sống trong rừng.

Thuồng luồng bơi trong nước

Nín đi, con nín đi

Thuồng luồng, hổ không về.

Ngủ say nào con ơi,

Con hỡi im tiếng đi!

Con khóc bố không thương,

Con khóc, mẹ không quý!

Lời hát ru của người Lô Lô có nội dung hiện thực độc đáo nhưng sắc thái tình cảm hồn hậu, dung dị cùng với những hình ảnh ngôn từ khi mộc mạc, khi thì được chọn lọc tinh tế. Cho nên tiếng hát ru đã tạo ra thành hoài niệm sâu lắng và biểu tượng thân thương của người Lô Lô nói riêng và của các dân tộc nói chung.

Tuy là hát ru, mang sắc thái trữ tình, nhưng lời ca vẫn phản ánh phần nào cuộc sống của đồng bào Lô Lô, cuộc sống làm ruộng nương, gần gũi thiên nhiên.



2.3.2. Hát than thân

Những bài dân ca than thân thường mang tính tự sự, đó là những bài hát phản ánh nỗi khổ của người dân nghèo. Đặc biệt là những người mồ côi cha mẹ, những người con dâu. Đó là tiếng khóc than thân trước cảnh đời ai oán của người không cha, không mẹ, nỗi u uất của người con dâu. Những bài ca loại này phản ánh xã hội Lô Lô đã phân chia giai cấp, có kẻ giàu người nghèo, người bóc lột và kẻ bị bóc lột.

Trong xã hội cũ, nhân dân các dân tộc vùng cao đã phải chịu đựng một cuộc sống khổ cực, đói rách dưới bao tầng áp bức của thực dân phong kiến, cuộc sống cô đơn, không lấy được vợ được chồng… Trước những hoàn cảnh ấy đồng bào các dân tộc đã sáng tác những bài hát "than thân" khá sâu sắc để chia sẻ, cảm thông bao nỗi khổ của đồng loại.

Tiếng hát mồ côi: Là những bài hát nói nên nỗi khổ đau cơ cực của những người bất hạnh, có cha mẹ mất sớm, chủ yếu là những bài mang tính tự sự, người ta hát trong bất cứ lúc nào, ở hoàn cảnh nào để làm người khác nghe xúc động. Hát cho mình nghe, hát cho người khác nghe, thậm chí hát lên hộ người khác nữa.

"Mẹ chết đã lâu rồi,

Bố chết đã lầu rồi,

Mưa về, trốn gốc cây,

Mưa về trú gốc cối,

Trú dưới cây không xong.

Trú dưới cối không được

Nước từ cành rơi xuống

Nước theo lá giỏ giọt

Mưa về, dựa hang đá:

Hang đá nước chảy buốt.


Bố bỏ ta lúc bé,

Mẹ bỏ ta lúc nhỏ.

Con chim làm chín tổ

Ta phải dựng chín nhà

Chim làm nổi mười tổ

Ta dựng nổi mười nhà.


Bố bỏ ta lúc bé

Muốn uống, không có rượu

Muốn ăn không có đường

Mẹ bỏ ta lúc nhỏ

Muốn may, không có vải

Muốn mặc không có quần.

Làm nhà, không có em

Một người, sức không đủ

Nhiều người, sức mới lên!

Nội dung của bài hát không chỉ nêu lên nghịch cảnh về tâm sự đau thương của đứa trẻ mồ côi, mà hơn nữa còn có giá trị tố cáo sự bất công của chế độ xã hội cũ đối với những kẻ thân cô mất cha, mất mẹ.

Từ tiếng kêu ai oán cho số phận mồ côi vùi nỗi đau vào cái chết hoặc mơ ước cuộc sống hạnh phúc, đến việc tự khẳng định niềm tin, vùng lên chống kẻ áp bức đến quyết liệt. Đó là bản lĩnh của con người Lô Lô, là bản sắc trong dân ca Lô Lô.

Xã hội dân tộc Lô Lô ngày xưa cũng đầy rẫy những bất công, địa vị phụ nữ thấp kém. Những cảnh làm dâu bị đầy đoạ như trâu ngựa, suốt đời người phụ nữ bị buộc chết vào nhà chồng.

Trong gia đình người vất vả nhất, gánh nặng cuộc sống và tập tục đè nặng nhất lên đôi vai người con dâu. Người con dâu vô cùng đau khổ, hầu như không có quyền sống, tình cảm họ bị chà đạp, thể xác bị dập vùi, họ chỉ biết dùng lời hát mà kể lể than thở cho cảnh ngộ đau thương của mình.

Chặt cây bẻ lá (lời than của nàng dâu) là tiếng hát khóc than của cuộc sống cùng cực, than cho thân phận làm dâu, đồng thời chặt cây bẻ lá là tiếng hát căm phẫn phản kháng chế độ cũ, chế độ phong kiến đầy rẫy những bất công.

"Đã đến mùa chặt cây

Đã đến ngày bẻ lá

Chặt cây vào tháng này

Buổi sáng trời mù sương

Buổi trưa trời trắng xoá

Mắt không nhìn thấy rừng

Chân vẫn leo vách đá

Chặt cây không muốn chặt

Kiếm rau chẳng muốn đi

Không chặt, thiếu cái đun

Không đi, thiếu cái nấu

Ở nhà, thiếu củi sưởi

Ở nhà thiếu rau ăn

Không đi, người già buồn

Người trẻ, mặt không vui…"

Nhìn chung: Những bài hát về cảnh mồ côi, lời than của nàng dâu đã nói lên nỗi khổ của kẻ mồ côi, những phụ nữ đi làm dâu, lên ăn những bất công của chế độ phong kiến. Những tiếng hát này giàu tính nhân đạo và tính chiến đấu, làm cho người nghe càng thêm bất bình với chế độ xã hội cũ và nung nấu ý chí của con người nghèo khổ muốn phá bỏ tất cả những gì đã mang lại cho họ sự nghèo khổ, bất hạnh. Bằng những giai điệu chậm rãi buồn thương, tiếng hát đã cho người nghe cảm nhận và cảm thông cho cuộc sống nghèo và thiếu thốn của người Lô Lô. Tuy nhiên những sáng tác dân gian của người Lô Lô vẫn tạo cho họ có niềm tin, hy vọng và sức mạnh để vượt qua cảnh sống khổ đau hoà nhập với cộng đồng mà họ đang sống.



2.4. Dân ca giao duyên

Như nhiều dân tộc anh em khác, người Lô Lô rất thích múa hát. Đặc biệt lứa tuổi trẻ, trai gái tìm hiểu và yêu nhau, nên vợ chồng sau này, thường cũng nhờ vào sinh hoạt ca hát làm nhịp cầu liên kết. Hát về tình yêu của người Lô Lô khá phong phú, nhưng điểm nổi bật là người ta hay hát ở trong nhà, vì hát ở trong nhà được ấm áp, dễ kéo dài cuộc hát do nơi người Lô Lô ở thường rét lạnh quanh năm và khi hát thường là nam nữ đối đáp, mỗi bên một đôi "khách" tới hát (bên nam thường chủ động tới nhà các cô gái), thoạt đầu phải đứng ngoài nhà mà "đánh tiếng", kế đó "chủ" (nữ giới) có mời đón thì khách mới được vào, và từ khi vào nhà là coi như cuộc hát bắt đầu.

......................

Khách (nam)

Tối nay là tối gì

Đêm nay là đêm gì

Mà ấm áp cỏ cây

Gốc thảo quả trên trời

Hương toả thơm mặt đất

Quả dù piăng trên cao

Hương quả lan ngây ngất

Chưa thấy lá gừng đâu

Mà đã thoáng thơm cay

Quả dù xó nơi nào

Mà hương bay qua đây...

Nghe giọng biết hát hay

Mặt một lần chưa gặp...



Chủ (nữ)

Chúng ta là người quen

Chúng ta là anh em

Nhà anh tận trên trời

Nhà em ngay mặt đất

Khách tới chủ phải hỏi

Đuổi ngay gà ra sân

Rồi nhốt ngay chó lại.

…………………….

Về nội dung loại hát tình yêu trai gái của người Lô Lô rất phong phú, đó là những bài dân ca về tình yêu nam nữ. "Lồ Mi Fo" tức tiếng hát tình yêu, là một dạng trường ca dài trên 2000 câu diễn ra một cách lôgíc, có quá trình tiến triển từ lúc tìm hiểu yêu nhau đến lúc lấy nhau, sinh con đẻ cái của đôi trai gái. Lời ca chất phác, rất gần với cuộc sống thực, câu chuyện được diễn tả dễ hiểu, nhưng lối ví con khá trừu tượng. Bài ca này, nếu nghe quen và nghe nhiều lần thì mới có thể hiểu được.



Nam:

- Xóm này là xóm gì?

Mà tiếng lành bay xa

Vùng này là vùng nào?

Mà tiếng thơm toả rộng.

……………………….


Nhạc kèn, nguồn có hạn

Nhịp trống, gõ phải vơi

Con gái bao giờ hết?

Gái xinh mãi vẫn còn!

Em đẹp, ra em trắng,

Trắng như dây đeo dao

Tên em gọi thế nào?

Tên chị gọi làm sao

Chị đẹp như ống tre

Chị xinh như ống trúc…


Nữ:

 Nhà anh tận nơi đâu,

Tên anh gọi thế nào?

Tay có biết gõ trống

Chân có vững nhịp không

Nhịp điệu trống có hạn,

Con gái mãi vẫn còn!

Kèn này em đã sẵn

Sáo trúc em có rồi,…
Lồ Mi Fo là dân ca cổ truyền dài, dành cho những đôi nam, nữ hát đối đáp tuỳ hứng phát triển hay kéo dài hai ba ngày đêm. Là dạng tình ca mang nội dung phong phú, chứa đựng tính tự thuật câu chuyện dài của đôi trai gái đã trải qua nhiều thế hệ. Dạng trường ca này vừa là truyện kể, vừa là bài học cho các thế hệ tiếp theo mang tính quy luật. Từ khi đôi trai gái gặp nhau, tìm hiểu, có lời ước hẹn, rồi lấy nhau thành vợ thành chồng. Họ sinh con trở thành bố mẹ, trở thành những người có ích trong cộng đồng xã hội và lo dựng vợ gả chồng cho con cái…

Loại hát đối này thường xảy ra ở những đôi trai gái, vùng này với vùng khác, thường hát theo lối song ca, một đôi nam và đôi nữ.



Nam:

 Đẹp như em, như anh

Cớ sao em không yêu?

Không cùng anh chung sống

Vật gì em muốn tặng,

Của tin nào em ưa?

Thuốc lá ngon anh đưa,

Thuốc thơm mười hai điếu

Mười hai điều thuốc vàng

Mười hai lần quý yêu!

Yêu em, yêu thật bụng

Quý em, quý hết lòng

Không thể rời xa em

…………………….



Nữ:

 Đẹp như anh, như em,

Mối tình anh, em rõ,

Lời anh ngỏ, em hay.

Quà anh vẫn còn đây

Biết lấy gì đáp lại?

Thuốc thơm mười hai điếu

Mười hai điếu thuốc vàng

Mười hai lần quý yêu;

Thuốc thơm em cũng sẵn

Thuốc vàng em còn nhiều

………………………….

"Lồ Mi Fo" là loại tình ca tự sự mang tính thầm kín, nên người ta chỉ hát về đêm. Người Lô Lô gọi loại hát này là "Vuir Tror Tangx", nghĩa là "Câu chuyện xấu hổ".

Xuất phát từ nhu cầu trao đổi tâm tình của người Lô Lô nên bài hát Lồ Mi Fo ra đời. Bởi vậy lối hát đã trở thành hình thức trao đổi tâm tình không thể thiếu được của người Lô Lô nói chung và của người Lô Lô ở Đồng Văn nói riêng. Vì họ thích kín đáo, tế nhị trong lời ăn tiếng nói nên bài hát Lồ Mi Fo được coi là "người bạn" tin cậy nhất để họ gửi gắn tâm sự, đặc biệt là tâm sự của thanh niên nam nữ trong tình yêu từ bước đầu thăm hỏi, mời chào nhau, đắn đo ướm ý thử lời đến chỗ tỏ tình.

Người Lô Lô cảm thấy hát Lồ Mi Fo rất hay, rất thắm thiết, đượm nồng và say đắm. Đây cũng chính là lý do tại sao hát Lồ Mi Fo lại có sức sống mãnh liệt trong đời sống tinh thần của người Lô Lô ở Đồng Văn - Hà Giang, đã vượt qua thử thách của thời gian, lưu truyền cho tới ngày nay.


Каталог: books -> luan-van-de-tai -> luan-van-de-tai-cd-dh
luan-van-de-tai-cd-dh -> Thế kỷ 21, cùng với sự phát triển nh­ vũ bão của khoa học kỹ thuật, của công nghệ thông tin. Sự phát triển kinh tế tác động đến tất cả mọi mặt đời sống kinh tế xã hội
luan-van-de-tai-cd-dh -> VIỆN ĐẠi học mở HÀ NỘi khoa công nghệ thông tin đỒ Án tốt nghiệP ĐẠi họC
luan-van-de-tai-cd-dh -> Phần một : Tình hình thu hút vốn đầu tư trên thị trường vốn việt nam hiện nay
luan-van-de-tai-cd-dh -> TRƯỜng đẠi học cần thơ khoa công nghệ BỘ MÔN ĐIỆn tử viễn thôNG
luan-van-de-tai-cd-dh -> Em xin chân thành cảm ơn! Vị Xuyên, ngày 19 tháng 5 năm 2012 sinh viêN
luan-van-de-tai-cd-dh -> PHẦn I mở ĐẦu tầm quan trọng và SỰ ra đỜi của giấY
luan-van-de-tai-cd-dh -> Đề tài: Tìm hiểu về vấn đề sử dụng hợp đồng mẫu trong đàm phán ký kết hợp đồng mua bán ngoại thương và thực tiễn ở Việt Nam
luan-van-de-tai-cd-dh -> Đề tài phân tích thực trạng kinh doanh xuất khẩu cà phê nhân của các doanh nghiệP
luan-van-de-tai-cd-dh -> Giao tiếp máy tính và thu nhận dữ liệU ĐỀ TÀI: TÌm hiểu công nghệ 4g lte

tải về 324.07 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương