TR­­­­ƯỜng đh kinh tế quốc dâN


Điều 25. Tổ chức tính điểm và nhập điểm học phần



tải về 363.55 Kb.
trang3/4
Chuyển đổi dữ liệu25.07.2016
Kích363.55 Kb.
#5119
1   2   3   4

Điều 25. Tổ chức tính điểm và nhập điểm học phần

1. Trưởng Bộ môn chịu trách nhiệm trước Hiệu trưởng về tính điểm và nhập điểm học phần. Trưởng Bộ môn thống nhất với Trưởng Khoa, Viện trưởng phân công cho Trợ lý Khoa, Viện hoặc giảng viên của Bộ môn nhập điểm vào mạng quản lý đào tạo. Trưởng Bộ môn phải photocopy 01 bản để nhập điểm và lưu trữ; đồng thời nộp bảng điểm gốc cho Phòng Quản lý đào tạo, thời gian 01 tuần kể từ ngày có kết quả thi học phần. Người nhập điểm phải chịu trách nhiệm về tính chính xác, kịp thời của công tác nhập điểm.

2. Điểm học phần được tính và ký hiệu tại khoản 5 Điều 5 của Quy định này

3. Đối với những học phần chưa đủ cơ sở để đưa vào tính điểm trung bình chung học kỳ, khi xếp mức đánh giá được sử dụng các ký hiệu sau:

I: Chưa đủ dữ liệu đánh giá.

X: Chưa nhận được kết quả thi.

4. Đối với những học phần được Nhà trường công nhận chuyển đổi kết quả hoặc cho phép bảo lưu kết quả, khi xếp mức đánh giá được sử dụng kí hiệu R viết kèm với kết quả.

5. Việc xếp loại ở mức điểm F ngoài những trường hợp như đã nêu ở khoản 2 Điều này, còn áp dụng cho trường hợp sinh viên không đủ điều kiện thi học phần hoặc vi phạm nội quy thi, bị xử lý ở mức đình chỉ.

6. Việc xếp loại theo mức điểm I được áp dụng cho các trường hợp sau đây:

a) Trong thời gian học hoặc trong thời gian thi kết thúc học kỳ, sinh viên bị ốm hoặc tai nạn không thể dự kiểm tra hoặc thi, nhưng phải được Trường cho phép;

b) Sinh viên nhận mức điểm I phải trả xong các nội dung kiểm tra bộ phận còn nợ để được chuyển điểm ngay ở kỳ thi học phần kế tiếp. Trường hợp sinh viên chưa trả nợ và chưa được bảo lưu kết quả nhưng không rơi vào trường hợp bị buộc thôi học thì vẫn được học tiếp ở các học kỳ kế tiếp.

7. Việc xếp loại theo mức điểm X được áp dụng đối với những học phần mà sinh viên đã đăng ký học, Trường đã tổ chức thi học phần nhưng chưa nhận được kết quả học tập.

8. Ký hiệu R được áp dụng cho các trường hợp sinh viên được chuyển đổi kết quả hoặc được bảo lưu kết quả học phần.

Điều 26. Khiếu nại điểm và xem lại kết quả bài thi học phần

1. Đối với điểm đánh giá của giảng viên và điểm kiểm tra học phần sinh viên khiếu nại trực tiếp đến giảng viên giảng dạy học phần.

2. Đối với điểm thi học phần, sinh viên có thể đề nghị xem lại kết quả bài thi học phần trong thời gian quy định. Để xem lại bài thi học phần, sinh viên nộp đơn cho Phòng Thanh tra, Đảm bảo chất lượng giáo dục và Khảo thí. Sau thời gian 3 tuần kể từ ngày nhận đơn, Phòng Thanh tra, Đảm bảo chất lượng giáo dục và Khảo thí công bố kết quả sau khi xem lại bài thi thông qua cổng thông tin điện tử.

3. Sau khi điểm thông báo trên mạng quản lý đào tạo, phát hiện có sự khác biệt giữa bảng điểm học phần và điểm nhập trên mạng quản lý đào tạo, sinh viên đề nghị Phòng Quản lý đào tạo kiểm tra đối chiếu điểm đã nhập trên mạng và bảng điểm gốc trong thời gian không quá 6 tháng kể từ ngày thi.

4. Các quy định khác liên quan đến việc xem lại bài thi học phần thực hiện theo Quy định về tổ chức xem lại kết quả bài thi học phần ban hành kèm theo Quyết định số 880/QĐ-ĐHKTQD ngày 5/9/2011của Hiệu trưởng.

Điều 27. Cách tính điểm trung bình chung

1. Để tính điểm trung bình chung học kỳ và điểm trung bình chung tích lũy, mức điểm chữ của mỗi học phần phải được quy đổi qua điểm số thang điểm 4 như khoản 5 Điều 5 của Quy định này.

2. Điểm trung bình chung học kỳ, năm học và điểm trung bình chung tích lũy được tính theo công thức sau và được làm tròn đến hai chữ số thập phân:


Trong đó:

A là điểm trung bình chung học kỳ và điểm trung bình chung tích lũy;

ai là điểm của học phần thứ i, theo thang điểm 4;

ni là số tín chỉ của học phần thứ i;

n là tổng số học phần.

Điều 28. Lưu trữ bài thi, điểm thi và các tài liệu có liên quan

1. Các đơn vị có liên quan thực hiện chế độ lưu trữ có thời hạn đối với tất cả các tài liệu chấm thi:

- Thời gian lưu trữ tối thiếu là 365 ngày kể từ ngày Phòng Thanh tra, Đảm bảo chất lượng giáo dục và Khảo thí, Bộ môn hoàn thành việc hồi phách, lên điểm đối với bài thi, đầu phách, túi đựng bài thi, đáp án, biểu 4, bản photocopy bảng điểm học phần và các văn bản đề nghị điều chỉnh điểm học phần (nếu có), bảng phân công chấm thi, sổ giao nhận bài thi, sổ giao nhận túi chấm thi và các tài liệu có liên quan khác.

- Thời gian lưu trữ tối thiểu là 365 kể từ ngày các đơn vị quản lý đào tạo có quyết định công nhận tốt nghiệp của sinh viên hoặc sinh viên hết thời hạn học tối đa đối với bảng điểm học phần gốc có chữ ký của sinh viên và các văn bản đề nghị điều chỉnh điểm học phần.

2. Trưởng Khoa, Viện trưởng Quản lý sinh viên chịu trách nhiệm lưu trữ bảng điểm của lớp sinh viên bao gồm: Điểm trung bình chung học tập, điểm trung bình chung tích lũy theo học kỳ, năm học, khoá học.

Bảng điểm các lớp sinh viên được đóng thành tập, có ghi rõ họ tên và chữ ký của trợ lý khoa hoặc cán bộ quản lý lớp học, có xác nhận của Trưởng Khoa, Viện trưởng Quản lý sinh viên.

Bảng điểm học kỳ, năm học lưu trữ tại văn phòng khoa, viện quản lý sinh viên sau khi kết thúc học kỳ, năm học ít nhất là 365 ngày.

Bảng điểm khóa học được lưu trữ vĩnh viễn

3. Trưởng Bộ môn lưu trữ bài thi viết, kết quả thi học phần; đề thi, đáp án sau khi chấm. Thời gian lưu trữ các tài liệu này ít nhất là 365 ngày, kể từ ngày thi.

4. Phòng Thanh tra, Đảm bảo chất lượng giáo dục và Khảo thí lưu trữ đầu phách, biểu 4, đề thi và các tài liệu liên quan, kể cả các học phần thi trên máy tính. Thời gian lưu trữ tối thiểu 365 ngày sau khi hồi phách, lên điểm.

5. Phòng Quản lý đào tạo

a) Lưu trữ Sổ điểm cuối khóa của các lớp. Thời gian lưu trữ vĩnh viễn.

b) Tổ chức lưu trữ các tài liệu lên quan đến kết quả học tập của sinh viên.




Ch­ương IV

THỰC TẬP CUỐI KHOÁ, XÉT VÀ CÔNG NHẬN TỐT NGHIỆP
Điều 29. Thực tập cuối khoá, làm đồ án hoặc viết chuyên đề thực tập

1. Tất cả sinh viên đều phải đăng ký nghiên cứu và viết chuyên đề thực tập, hoặc đăng ký làm đồ án tốt nghiệp:

2. Điều kiện để sinh viên được đi thực tập, viết chuyên đề thực tập hoặc làm đồ án tốt nghiệp:

a) Tích lũy được ít nhất 75% tổng số tín chỉ của chương trình đào tạo;

b) Thỏa mãn các điều kiện tiên quyết của học phần chuyên đề thực tập;

c) Đang trong thời gian tối đa hoàn thành chương trình theo quy định;

d) Không bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc không đang trong thời gian bị kỷ luật ở mức đình chỉ học tập.

e) Hoàn thành đầy đủ nghĩa vụ học phí theo quy định của Trường.

3. Thời gian đăng ký thực tập và viết chuyên đề thực tập, hoặc làm đồ án tốt nghiệp:

a) Mỗi năm, Trường xét cho sinh viên đủ điều kiện đăng ký thực tập và viết chuyên đề thực tập hoặc làm đồ án tốt nghiệp theo 2 đợt: Tháng 01 và tháng 07;

b) Thời gian thực tập là 15 tuần, ngoài ra còn 01 tuần chuẩn bị và 2 tuần phân công giảng viên hướng dẫn và mời các chuyên gia đầu ngành báo cáo chuyên đề mới cho sinh viên.

- Sinh viên đủ điều kiện, làm đơn đăng ký thực tập. Trưởng Khoa, Viện trưởng Quản lý sinh viên xét danh sách sinh viên đủ điều kiện thực tập và gửi báo cáo về Trường (qua Phòng Quản lý đào tạo).

- Trưởng Khoa, Viện trưởng Quản lý sinh viên căn cứ kế hoạch của Trường, ban hành Quy định cụ thể kế hoạch của đợt thực tập, thời gian nộp chuyên đề và tổ chức kiểm tra thực hiện kế hoạch của đơn vị mình; tổ chức cho sinh viên đăng ký thực tập trong tuần đầu của đợt thực tập; tổ chức báo cáo các chuyên đề mới cho sinh viên;

- Trưởng Khoa, Viện trưởng Quản lý sinh viên chủ trì, thống nhất với các Trưởng Bộ môn phân công giảng viên chỉ đạo thực tập, hướng dẫn làm đồ án, chuyên đề thực tập.

4. Các giai đoạn thực tập

Tuỳ theo đặc điểm của các ngành, chuyên ngành đào tạo Trưởng khoa, Viện trưởng có thể tổ chức cho sinh viên thực tập thành 2 giai đoạn: Thực tập tổng hợp và thực tập chuyên đề. Hai giai đoạn có thể liên tục hoặc tách rời nhau.

Đối với một số ngành, chuyên ngành đặc thù như Du lịch - Khách sạn, Kinh tế Quản lý Môi trường, Quảng cáo…Trưởng Khoa có thể tổ chức cho sinh viên đi khảo sát thực tế tại cơ sở thay cho thực tập tổng hợp.

5. Địa điểm thực tập

Trưởng Khoa, Viện trưởng quy định cụ thể về việc sinh viên phải có hoặc không cần địa điểm thực tập tùy vào đặc thù của từng ngành, chuyên ngành và yêu cầu nội dung chuyên đề thực tập.

Trường hợp sinh viên có địa điểm thực tập cố định thì kết thúc đợt thực tập phải có xác nhận của cơ sở thực tập.

6. Kết cấu chuyên đề thực tập

Trưởng Khoa, Viện trưởng chuyên ngành quy định kết cấu chuyên đề thực tập, số trang của chuyên đề thực tập nhưng không dưới 30 trang không kể phụ lục.

Chuyên đề thực tập phải đ­ược trình bày theo phông chữ Times New Roman cỡ chữ 13, cách dòng 1,3; kiểu gõ (bảng mã Unicode); kích thước lề trên và dưới 25mm; lề trái 35mm; lề phải 25mm.

7. Giảng viên hướng dẫn sinh viên thực tập, viết chuyên đề thực tập

a) Giảng viên hướng dẫn sinh viên thực tập phải thỏa mãn ít nhất một trong các điều kiện sau: Đã giảng dạy các học phần chuyên ngành từ 5 năm trở lên; có trình độ thạc sỹ hoặc tiến sỹ đúng chuyên ngành. Giảng viên kiêm giảng, cán bộ quản lý, nghiên cứu sinh ngoài trư­ờng đ­ược mời hướng dẫn chuyên đề thực tập phải đáp ứng những điều kiện quy định này;

b) Mỗi giảng viên h­ướng dẫn không quá 15 chuyên đề thực tập trong mỗi đợt thực tập.

8. Quy trình hướng dẫn sinh viên

Giảng viên hướng dẫn sinh viên thực tập, hướng dẫn sinh viên viết chuyên đề thực tập hoặc làm đồ án theo các bước sau đây:

- Hướng dẫn sinh viên, nhóm sinh viên lựa chọn và đăng ký các đề tài nghiên cứu, khuyến khích sinh viên hoặc nhóm sinh viên nghiên cứu đề tài khoa học gắn với thực tập;

- Duyệt bản đề cương sơ bộ và đề cương chi tiết;

- Hướng dẫn sinh viên thu thập số liệu, tài liệu tham khảo, tình hình và xử lý số liệu tình hình phục vụ cho việc viết chuyên đề thực tập, làm đồ án;

- Viết bản thảo;

- Sửa bản thảo;

- Hoàn thiện đồ án, chuyên đề thực tập;

- Chấm đồ án, chuyên đề thực tập;

- Phối hợp thanh tra đồ án, chuyên đề thực tập.

9. Chấm đồ án, chuyên đề thực tập

a) Trưởng Bộ môn phân công 2 giảng viên chấm đồ án, chuyên đề thực tập, trong đó có giảng viên hướng dẫn;

b) Điểm đồ án, chuyên đề thực tập bao gồm 2 phần: Điểm báo cáo thực tập tổng hợp và điểm đồ án, chuyên đề thực tập. Điểm báo cáo thực tập tổng hợp (nếu có) không được vượt quá 30% điểm đồ án, chuyên đề thực tập;

c) Điểm đồ án, chuyên đề thực tập là điểm trung bình cộng điểm của giảng viên hướng dẫn và điểm của người chấm thứ 2.

Điểm đồ án, chuyên đề thực tập chấm theo thang điểm 10, lấy lẻ đến 01 chữ số thập phân;

d) Kết quả chấm đồ án, chuyên đề thực tập được công bố chậm nhất là 2 tuần lễ, kể từ ngày sinh viên nộp đồ án, chuyên đề thực tập;

đ) Điểm của đồ án, chuyên đề thực tập được tính vào điểm Trung bình chung tích lũy của sinh viên toàn khoá học;

e) Sinh viên thuộc một trong các trường hợp sau phải nhận điểm 0, phải đăng ký thực tập lại và nộp học phí theo quy định của Trường:

- Nộp chuyên đề, hoặc đồ án chậm so với thời gian quy định của Khoa, Viện;

- Không thực hiện việc viết đề cương sơ bộ, đề cương chi tiết, bản thảo chuyên đề thực tập theo hướng dẫn của giảng viên, không gặp giáo viên trong quá trình thực tập;

g) Trưởng Bộ môn ký tên vào Bảng điểm chuyên đề, đồ án thực tập; photocopy 01 bản để nhập điểm và lưu trữ; đồng thời nộp bảng điểm gốc cho Phòng Quản lý đào tạo;

h) Chế độ chấm chuyên đề thực tập, hoặc đồ án, theo quy định của Quy chế thu chi nội bộ.

10. Kéo dài thời gian thực tập hoặc thời gian viết chuyên đề thực tập

Trường hợp có lý do chính đáng, không thể hoàn thành thực tập, viết chuyên đề thực tập trong thời gian quy định ban đầu, sinh viên phải kịp thời báo cáo với giáo viên hướng dẫn, Trưởng Khoa, Viện để được kéo dài thời gian thực tập, viết chuyên đề thực tập. Trưởng Khoa, Viện xem xét đề nghị của sinh viên, giáo viên hướng dẫn và thông báo với Nhà trường (qua Phòng Quản lý đào tạo). Thời gian kéo dài không quá 7 tuần.



Điều 30. Điều kiện xét tốt nghiệp và công nhận tốt nghiệp

1. Sinh viên được trường xét và công nhận tốt nghiệp khi có đủ các điều kiện sau:

a) Cho đến thời điểm xét tốt nghiệp không bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc không đang trong thời gian bị kỷ luật ở mức đình chỉ học tập.

b) Tích lũy đủ số học phần quy định cho chương trình đào tạo;

c) Điểm trung bình chung tích lũy của toàn khóa học đạt điểm từ 2,00 trở lên;

d) Có chứng chỉ giáo dục quốc phòng và giáo dục thể chất;

đ) Hoàn thành việc học tập chính trị đầu khoá và được cấp chứng chỉ của Trường;

e) Hoàn thành nghĩa vụ học phí, lệ phí theo quy định của Trường;

g) Có đơn gửi Phòng đào tạo đề nghị được xét tốt nghiệp trong trường hợp đủ điều kiện tốt nghiệp sớm hoặc muộn so với thời gian thiết kế của khoá học.

2. Thời điểm xét tốt nghiệp

Hàng năm, Nhà trường xét tốt nghiệp cho sinh viên đủ điều kiều kiện tốt nghiệp 03 đợt: Đợt 1 vào tháng 3, đợt 2 vào tháng 6 và đợt 3 vào tháng 10.

3. Hội đồng xét tốt nghiệp cấp Khoa, Viện bao gồm Chủ tịch Hội đồng: Trưởng Khoa, Viện trưởng hoặc Phó Trưởng Khoa, Phó Viện trưởng được ủy quyền; Ủy viên Hội đồng: Phó Trưởng Khoa, Phó Viện trưởng, các Trưởng Bộ môn thuộc Khoa, Viện, Chánh văn phòng Viện và Trợ lý đào tạo.

4. Hội đồng xét tốt nghiệp Khoa, Viện họp xét và đề nghị Hội đồng xét tốt nghiệp Nhà trường xét và công nhận tốt nghiệp cho sinh viên đủ điều kiện theo quy định tại khoản 1 của Điều này.

5. Hội đồng xét tốt nghiệp cấp Trường do Hiệu trưởng làm Chủ tịch, Phó Hiệu trưởng làm Phó Chủ tịch Hội đồng; Trưởng phòng Quản lý đào tạo làm Uỷ viên Thường trực Hội đồng; Trưởng Khoa, Viện trưởng Quản lý sinh viên có sinh viên tốt nghiệp, Trưởng các Phòng có liên quan và Trưởng Trạm y tế là Uỷ viên Hội đồng.

6. Hiệu trưởng ký Quyết định công nhận tốt nghiệp và danh sách sinh viên được cấp bằng tốt nghiệp Đại học Kinh tế quốc dân căn cứ biên bản của Hội đồng xét công nhận tốt nghiệp của Trường và Quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

7. Hội đồng xét tốt nghiệp thực hiện công tác xét tốt nghiệp và công tác xét thôi học cho sinh viên hết thời hạn học tập hoặc sinh viên có kết quả học tập yếu theo khoản 1 Điều 15 của Quy định này.



Điều 31. Cấp bằng tốt nghiệp, bảo lưu kết quả học tập, chuyển chương trình đào tạo và chuyển loại hình đào tạo

1. Cấp Bằng tốt nghiệp đại học

a) Bằng tốt nghiệp đại học được ghi theo ngành đào tạo và kèm theo Bảng điểm. Bảng điểm ghi rõ ngành và chuyên ngành đào tạo hoặc ngành phụ (nếu có); xếp loại rèn luyện và kết quả học tập cao nhất đã tích luỹ theo từng học phần của sinh viên;

b) Bằng tốt nghiệp đại học được cấp cho sinh viên tốt nghiệp đại học sau 01 tháng kể từ khi có Quyết định công nhận tốt nghiệp của Hiệu trưởng;

c) Trong thời gian chờ cấp Bằng, Nhà trường cấp Giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời cho sinh viên có nhu cầu;

d) Mỗi sinh viên tốt nghiệp đại học chỉ được cấp 01 bằng tốt nghiệp đại học, mất không cấp lại. Trường hợp có nhu cầu, sinh viên làm đơn đề nghị và được Nhà trường cấp Giấy chứng nhận theo quy định hiện hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo;

đ) Bằng tốt nghiệp đại học chỉ được cấp cho sinh viên khi đã ghi đầy đủ, chính xác các nội dung trên Bằng theo quy định hiện hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo về quản lý văn bằng;

đ) Hạng tốt nghiệp đại học được xác định theo điểm trung bình chung tích lũy của toàn khoá học như sau:




TT

Hạng tốt nghiệp

Điểm trung bình chung tích lũy (thang điểm 10)

Điểm trung bình chung tích lũy (thang điểm 4)

1

Xuất sắc

Từ 9,0 đến 10

Từ 3,60 đến 4,00

2

Giỏi

Từ 8,0 đến cận 9,0

Từ 3,20 đến 3,59

3

Khá

Từ 7,0 đến cận 8,0

Từ 2,50 đến 3,19

4

Trung bình khá

Từ 6,0 đến cận 7,0

Từ 2,25 đến 2,49

5

Trung bình

Từ 5,0 đến cận 6,0

Từ 2,00 đến 2,24

e) Hạng tốt nghiệp của những sinh viên có kết quả học tập toàn khoá loại xuất sắc và giỏi sẽ bị giảm đi một mức nếu rơi vào một trong các trường hợp sau:

- Có khối lượng học phần bị điểm F phải đăng ký học lại vượt quá 5% so với tổng số tín chỉ quy định của chương trình đào tạo;

- Đã bị kỷ luật từ mức cảnh cáo trở lên trong thời gian học.

g) Trường tổ chức bế giảng khoá học và trao bằng tốt nghiệp đại học cho sinh viên được công nhận và cấp bằng tốt nghiệp đại học mỗi năm một lần vào tháng 7.

3. Sinh viên chưa tốt nghiệp đại học

a) Những sinh viên còn nợ các chứng chỉ Giáo dục quốc phòng và Giáo dục thể chất nhưng đã hết thời gian tối đa được phép học, trong thời hạn 5 năm tính từ ngày phải ngừng học, được trở về trường tích lũy đủ các chứng chỉ này để có đủ điều kiện tốt nghiệp;

b) Những sinh viên này phải làm đơn xin trả nợ các học phần còn thiếu, có xác nhận của chính quyền địa phương nơi cư trú về ý thức chấp hành pháp luật của bản thân kể từ sau khi phải ngừng học.

4. Sinh viên không tốt nghiệp đại học

a) Sinh viên chưa hết thời gian quy định cho toàn khoá học nhưng có số học phần chưa tích luỹ của toàn khoá học ít hơn 15 tín chỉ, có thể làm đơn đề nghị Hiệu trưởng (qua Phòng Quản lý đào tạo, Trưởng Khoa, Viện trưởng) cho phép kéo dài thêm 01 học kỳ để tích luỹ các học phần còn thiếu. Trường hợp đặc biệt do Hiệu trưởng quyết định.

b) Sinh viên đã hết thời gian tối đa quy định cho toàn khoá học (quy định tại Điều 6 của Quy định này) nhưng không tốt nghiệp đại học được Trường cấp giấy chứng nhận về các học phần đã học trong chương trình của Trường. Những sinh viên này, nếu có nhu cầu, được quyền làm đơn xin chuyển qua học theo hình thức đào tạo vừa làm vừa học của Trường và được chuyển điểm các học phần đã tích luỹ.

5. Lưu trữ hồ sơ xét tốt nghiệp

a) Trưởng Khoa, Viện Quản lý sinh viên chịu trách nhiệm lưu trữ những tài liệu sau:

- Đơn đề nghị công nhận tốt nghiệp và các tài liệu kèm theo đơn đề nghị công nhận tốt nghiệp: lưu trữ ít nhất 2 năm kể từ ngày có quyết định công nhận tốt nghiệp.

- Biên bản họp xét công nhận tốt nghiệp; tài liệu về các trường hợp đặc biệt khi xét công nhận tốt nghiệp; bảng điểm tổng hợp cuối khóa của sinh viên được xét công nhận tốt nghiệp; hồ sơ trích ngang của sinh viên; các quyết định về sự thay đổi của sinh viên: lưu trữ vĩnh viễn.

b) Phòng Quản lý đào tạo chịu trách nhiệm lưu trữ vĩnh viễn những tài liệu sau:

- Quyết định công nhận danh sách trúng tuyển;

- Kết quả học tập toàn khóa học;

- Quyết định công nhận tốt nghiệp.
Chương V

KHEN THƯỞNG, KỶ LUẬT
Điều 32. Khen thưởng

Sinh viên được xét khen thưởng khóa học với các danh hiệu sinh viên ưu tú, sinh viên xuất sắc khoá học. Tiêu chuẩn và điều kiện của các danh hiệu này thực hiện theo quy định hiện hành về công tác khen thưởng đối với sinh viên Trường Đại học Kinh tế quốc dân.



Điều 33. Xử lý kỷ luật đối với sinh viên vi phạm các quy định về kiểm tra, thi, làm đồ án và viết chuyên đề thực tập

1. Trong quá trình kiểm tra, thi học phần nếu sinh viên vi phạm nội quy thi, sẽ bị xử lý kỷ luật đối với từng học phần và tùy theo mức độ vi phạm sẽ xử lý từ hình thức khiển trách, cảnh cáo đến đình chỉ thi.

a) Hình thức khiển trách và cảnh cáo do cán bộ coi thi, kiểm tra lập biên bản và quyết định, cụ thể:

- Sinh viên bị khiển trách trong khi thi, kiểm tra học phần nào thì bị trừ 25% điểm bài thi, kiểm tra học phần đó.

- Sinh viên bị cảnh cáo trong khi thi, kiểm tra học phần nào thì bị trừ 50% điểm bài thi, kiểm tra học phần đó.

b) Hình thức đình chỉ thi, kiểm tra học phần:

- Hình thức đình chỉ kiểm tra học phần do cán bộ giảng dạy hoặc người được phân công kiểm tra học phần lập biên bản, thu tang vật, xử lý và báo cáo Tr­ưởng Bộ môn;

- Hình thức đình chỉ thi do cán bộ coi thi lập biên bản, thu tang vật và do Tr­ưởng Bộ môn hoặc người được ủy quyền phụ trách ca thi quyết định;

- Sinh viên bị đình chỉ thi, kiểm tra trong khi thi, kiểm tra học phần nào thì bài thi, kiểm tra học phần đó bị điểm không (0).

Chậm nhất 1 tuần sau khi kết thúc mỗi đợt thi hết học phần của mỗi học kỳ, Trưởng Bộ môn thông báo về Phòng Thanh tra, Đảm bảo chất lượng giáo dục và Khảo thí danh sách sinh viên bị đình chỉ thi học phần.

c) Sinh viên bị đình chỉ thi học phần từ hai lần trở lên bị xử lý kỷ luật cảnh cáo toàn trường.

2. Sinh viên kiểm tra, thi hộ hoặc nhờ người kiểm tra, thi hộ học phần đều bị kỷ luật ở mức đình chỉ học tập 01 năm đối với trường hợp vi phạm lần thứ nhất và buộc thôi học đối với trường hợp vi phạm lần thứ hai.

3. Sinh viên học hộ hoặc nhờ người học hộ bị kỷ luật từ khiển trách đến buộc thôi học tùy theo mức độ vi phạm.

4. Xử lý sinh viên sao chép chuyên đề thực tập, đồ án của người khác tùy mức độ sao chép mà áp dụng các hình thức:

a) Trừ điểm ít nhất 1 điểm chuyên đề, đồ án nếu sao chép từ 10% đến dưới 20%, điểm còn lại không quá 6,0;

b) Thực tập và viết lại chuyên đề thực tập nếu sao chép từ 20% trở lên.

5. Ngoài việc xử lý theo khoản 1, 2, 3 và 4 của Điều này, sinh viên còn bị xử lý kỷ luật theo Quy chế công tác học sinh, sinh viên trong các trường đại học, cao đẳng.

6. Cán bộ, giảng viên, nhân viên của Tr­ường có hành vi vi phạm các quy định về tổ chức đào tạo, kiểm tra, thi và công nhận tốt nghiệp, tuỳ theo mức độ vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật theo quy định của pháp luật.



Chương VI

TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC ĐƠN VỊ, CÁ NHÂN CÓ LIÊN QUAN
Điều 34. Phân cấp quản lý đào tạo

Nhà trường thực hiện phân cấp quản lý quá trình đào tạo, quản lý tài chính cho các khoa, viện quản lý sinh viên; các bộ môn; các phòng và các đơn vị có liên quan trong quá trình đào tạo đại học, hình thức đào tạo chính quy, theo hệ thống tín chỉ.

Hiệu trưởng Quyết định cụ thể về cơ chế phân cấp tài chính cho các đơn vị liên quan.

Điều 35. Trách nhiệm của Trưởng Khoa, Viện trưởng

1. Thực hiện việc xây dựng đề xuất chương trình đào tạo toàn khóa và báo cáo về Trường theo kế hoạch công tác hàng năm (qua Phòng Quản lý đào tạo) để tổng hợp báo cáo Hiệu trưởng phê duyệt.

2. Thống nhất quản lý giảng dạy theo nội dung, chương trình môn học, theo kế hoạch đã được phê duyệt.

3. Chịu trách nhiệm trước Hiệu trưởng về quản lý sinh viên theo lớp sinh viên; phân công các bộ môn và giảng viên trong đơn vị thực hiện kế hoạch giảng dạy, học tập, thi đã được phê duyệt.

4. Tổ chức hoặc ủy quyền để Trưởng Bộ môn phân công giảng viên hướng dẫn sinh viên thực tập và viết chuyên đề thực tập.

5. Chọn cử cố vấn học tập.

6. Phối hợp với Phòng Quản lý đào tạo in bảng điểm cấp kèm theo bằng tốt nghiệp cho sinh viên.

7. Đôn đốc, kiểm tra sinh viên thu nộp học phí và lệ phí theo quy định của Trường.

8. Xét và đề nghị Nhà trường công nhận tốt nghiệp; phối hợp các đơn vị để tổ chức lễ trao bằng tốt nghiệp cho sinh viên.



tải về 363.55 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương