Triết lý DÙng ngưỜi của sony triết lý trong kinh doanh của tập đoàn điện tử hàng đầu thế giới luôn là doanh nghiệp sẽ thành công nếu mọi nhân viên của hãng đều có đầy đủ những kỹ năng cần thiết để hoàn thành công việc theo đúng yêu cầu



tải về 91.11 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu01.01.2018
Kích91.11 Kb.
#35193
BÀI TẬP TÌNH HUỐNG CHƯƠNG 1

TRIẾT LÝ DÙNG NGƯỜI CỦA SONY

Triết lý trong kinh doanh của tập đoàn điện tử hàng đầu thế giới luôn là doanh nghiệp sẽ thành công nếu mọi nhân viên của hãng đều có đầy đủ những kỹ năng cần thiết để hoàn thành công việc theo đúng yêu cầu.

Theo Sony, một sản phẩm làm ra sẽ chỉ hoàn hảo khi được đặt dưới bàn tay của những người thợ lành nghề có tài năng và tâm huyết. Chính vị vậy, hãng luôn coi trọng khả năng làm việc của các nhân viên. Làm việc tại Sony, nhân viên sẽ được trả lương xứng đáng theo năng lực và hãng sẽ không hề tiếc tiền để giữ chân một nhân tài. Sony cho biết một số nhân viên của hãng những ngày đầu chưa thể có ngay các kỹ năng cần thiết. Do vậy, công ty sẽ tạo điều kiện cho họ tham gia các khóa đào tạo phù hợp với trình độ của từng người. Phần lớn nhân viên đều đánh giá tốt những cơ hội được học hỏi thêm và đó cũng chính là động cơ để họ có thể làm việc với hiệu suất cao hơn.

Sau nhiều năm đứng vững trên thị trường điện tử, Sony đã đúc kết được những kinh nghiệm quý báu trong cách dùng người của tập đoàn. Theo Sony, đào tạo nhân viên phải dựa trên thực tế công việc. Và hình thức đào tạo kỹ năng mới của hãng là cho nhân viên được thực tập ngay trong các xưởng sản xuất ôtô của hãng. Bên cạnh đó, cần tạo cơ hội cho nhân viên tham gia các khóa học ngoài. Hình thức đào tạo này tốn kém hơn và chỉ phù hợp với những kỹ năng phức tạp. Ngoài ra, trong công tác tổ chức, quản lý nhân sự của Sony thì không thể thiếu yêu cầu đánh giá kết quả công việc. Mục đích của việc này là để cải thiện hiệu suất làm việc của từng người. Tuy nhiên, hãng điện tử cho rằng nếu các doanh nghiệp đã có sẵn danh sách công việc chi tiết và thông báo rõ yêu cầu cho nhân viên thì mọi việc sẽ thuận lợi hơn nhiều.

Chẳng hạn, nếu cán bộ của Sony hoàn thành xuất sắc một công việc nào đó, hãng sẽ thông báo cho họ biết công ty đánh giá cao sự đóng góp của họ. Nếu nhân viên làm một việc nào đó chưa tốt, Sony cũng giải thích rõ để họ có cơ hội sửa sai. Bí quyết giúp tập đoàn thành công chính là việc họ không ngừng đào tạo và trau dồi cho nhân viên những kinh nghiệm mới. Trong buổi trao đổi với các nhà quản lý hàng đầu thế giới, Sony luôn đặt cường độ công việc của nhân viên lên hàng đầu. Nếu kết quả làm việc của nhân viên này sau một thời gian vẫn không tiến triển tốt thì lập tức hãng có thể chấm dứt hợp đồng lao động với người đó.



Câu hỏi yêu cầu:

  1. Bạn hãy làm rõ triết lý dùng người của Sony và bình luận về triết lý đó.

  2. Bạn hãy rút ra bài học về hoạt động quản trị trong tình huống trên.

BÀI TẬP TÌNH HUỐNG CHƯƠNG 2



ĐÓNG CỬA DỆT LONG AN



"Đúng 0 giờ ngày 15/7/2004, Công ty Dệt Long An (DLA)chính thức chấm dứt hoạt động sau gần 30 năm tồn tại...". Đó là thông báo của Ban GĐ Công ty DLA cho toàn thể cán bộ công nhân viên và các phương tiện thông tin đại chúng vào ngày 15/7/2004 (theo QĐ 3273/QĐ-UB ngày 13/7/2003 của UBND tỉnh Long An).

Giải thể: kết quả tất yếu...

Tiếp xúc với chúng tôi, đại diện UBND tỉnh Long An cho biết: Bước vào những năm đổi mới, tỉnh Long An xác định DLA là "thương hiệu" của tỉnh nhà nên không ngại tập trung nguồn lực (nhân lực cũng như tài lực) lớn vào đây. Ông Huỳnh Văn Khánh- TGĐ DLA cho biết: Bước đột phá của DLA thời kỳ đó là dám ra nước ngoài mua công nghệ hiện đại theo phương thức trả chậm. Sản phẩm của Công ty trong thời gian ngắn đã vượt xa các sản phẩm của nhiều DN trong nước. Điều đặc biệt là gần như tất cả sản phẩm dệt của công ty khác trong nước đều đưa về DLA để gia công. Hàng năm nộp ngân sách trên 5 tỷ đồng. Thế thì tại sao DLA lại đi đến đường cùng như vậy? Ông Khánh thở dài: Khi lãnh đạo tỉnh giao mọi quyền hành cho giám đốc công ty vào đầu năm 1988, tưởng rằng với đà đó công ty sẽ tận dụng tối ưu lợi thế để phát triển hơn nữa, thế nhưng sự việc đi theo chiều hướng ngược lại. Lãnh đạo DN đã không theo kịp sự biến chuyển của nền kinh tế khi đất nước mở cửa hội nhập. Một số người tự bằng lòng với những gì DN đã gặt hái được. Lãnh đạo DN vung tay quá trán khi xét duyệt những dự án (mua sắm thiết bị) mới (có những sản phẩm chỉ có giá khoảng 1,5 triệu USD nhưng khi nhập về lại có giá gần 3 tiệu USD). Từ đó dẫn đến mâu thuẫn nội bộ không thể giải quyết. Tình hình rối loạn thêm khi nhiều công nhân viên lành nghề rứt áo ra đi. Không chỉ có thế, theo ông Khánh, lãnh đạo DN đã không có một hướng đi cụ thể trong nền kinh tế thị trường, sản phẩm không đa dạng, khâu tiếp thị quảng bá vô cùng yếu, thương hiệu không có... trong khi đối thủ cạnh tranh (trong và ngoài nước) luôn có bứt phá táo bạo nên sản phẩm của DLA cứ tồn kho mãi. Năm 2000 nhiều người trong Công ty DLA muốn sáp nhập vào Tổng Công ty Dệt may Việt Nam. TCty Dệt may Việt Nam đã bật đèn xanh nhưng với điều kiện tỉnh Long An phải giải quyết khoản nợ gần 100 tỷ đồng. Các ngân hàng cũng đã đồng ý khoanh nợ cho DLA. Nhưng cơ hội này đã trôi qua.



Sau đó là những hệ lụy

Giải thể DLA đồng nghĩa với gần 1.000 công nhân lao động thất nghiệp. Tiếp xúc với chúng tôi, nhiều công nhân buồn rầu chán nản. Khu nhà ở tập thể mấy hôm nay vắng lạnh, không một bóng người. Giải quyết những hệ lụy sau giải thể không dễ, ông Huỳnh Văn Khánh cho biết: theo chủ trương của tỉnh là giải quyết chính sách cho người lao động theo NĐ 41/2002/NĐ-CP của Chính phủ và phần lớn công nhân ủng hộ. Thế nhưng tiền đâu để chi trả cho người lao động trong khi nợ NH của Cty đã lên đến con số trăm tỷ đồng? Chỉ tính sơ sơ: nợ gốc NH là 60 tỷ đồng (lãi khoảng 10 tỷ đồng), nợ bảo hiểm xã hội khoảng 5 tỷ đồng, nợ các doanh nghiệp khác 6 tỷ đồng, nợ thuế GTGT khoảng 3 tỷ đồng... Theo BGĐ, tiền thanh toán cho người lao động sẽ trích từ tiền bán đấu giá tài sản. Thế nhưng để bán được những tài sản này cần phải có thời gian, chờ quyết định của tỉnh và qua rất nhiều công đoạn thẩm định khác, trong khi người lao động thì rất cần tiền trong thời gian thất nghiệp để trang trải cho cuộc sống. Ông Khánh cho rằng sẽ ứng tiền từ ngân sách của tỉnh khoảng 30 tỷ đồng để chi trả cho người lao động. Trong khi BGĐ Công ty đang ngồi với nhau để tính chuyện bán đấu giá tài sản và các thủ tục giải thể khác thì hàng trăm công nhân buộc phải rời công ty với tâm trạng lo lắng không biết tương lai mình rồi sẽ ra sao và sâu trong tâm hồn họ vẫn còn vương vấn, luyến tiếc, thương cảm... cho một công ty mà họ đã gắn bó hàng chục năm trời.

Hồi tuần qua, sau khi được phép của Chính phủ, chính quyền tỉnh Long An đã ra quyết định giải thể Dệt Long An, với lý do làm ăn thua lỗ, nợ tồn đọng lớn và kéo dài, không còn khả năng phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh. Quyết định đã được đăng tải trên báo địa phương và trung ương.

Có hai công ty muốn mua lại Dệt Long An là Dệt Gia Định và Thái Tuấn (công ty dệt may tư nhân ở TP.HCM, từng là tổng đại lý của Dệt Long An). Tuy nhiên, theo tỉnh Long An, quyền ưu tiên tiếp nhận được dành cho Dệt Gia Định, cũng là DN Nhà nước.

Câu hỏi yêu cầu:


  1. Phân tích môi trường kinh doanh của Dệt Long An và tìm ra nguyên nhân thất bại của Dệt Long An.

  2. Bạn hãy rút ra bài học từ câu chuyện Dệt Long An.




Chuyện từ những hạt cà phê của Đặng Lê Nguyên Vũ







Ngày đăng tin - 8/5/2012




It matters not what someone is born, but what they grow to be!” J. K. Rowling (Điều quan trọng không phải ở chỗ con người được sinh ra như thế nào, mà ở chỗ họ sẽ trở thành ai). Câu chuyện của Đặng Lê Nguyên Vũ – CEO tập đoàn cà phê Trung Nguyên - một trong những hãng cà phê lớn nhất thế giới là minh chứng cho câu nói trên. Hãy cùng FTUNews tìm hiểu về con đường lập nghiệp đầy gian truân, vất vả và thành công ngày hôm nay của thương hiệu “Cà phê Trung Nguyên”.

Trưởng thành từ nghèo khó…

Tuổi thơ từ lúc sinh ra đã sống trong cảnh nghèo khó, mẹ quanh năm đầu tắt mặt tối, mặt người lẫn trong ruộng rau lang, lưng còng nặng nhọc bê từng chồng gạch nặng; cha bị bạo bệnh, chỉ cần 2 triệu đồng để lo tiền thuốc thang nhưng chạy vạy vẫn không đủ. Những khó khăn ấy đã khiến chàng trai trẻ Đặng Lê Nguyên Vũ nung nấu khát vọng làm giàu, khát vọng đổi đời cho cả đại gia đình mình. Khi ấy, anh còn đang là chàng sinh viên 22 tuổi của Đại học Y Tây Nguyên.

Hai mươi hai tuổi, với vỏn vẹn 100 nghìn đồng và địa chỉ người chú họ chưa lần gặp mặt, gạt đi những giọt nước mắt của mẹ, từ bỏ con đường trở thành một bác sĩ; anh quyết tâm tìm đường lập nghiệp ở đất Sài Gòn. Lần đầu ấy có lẽ là những phút giây bồng bột của tuổi trẻ, nghe theo những lời khuyên bổ ích từ người chú, anh quay lại giảng đường Đại học, tiếp tục việc trau dồi kiến thức. Tuy vậy, anh vẫn luôn nung nấu những ý tưởng kinh doanh ấp ủ bấy nay. Nhận thấy giá trị của cây cà phê ngay trên mảnh đất quê hương, Đặng Lê Nguyên Vũ đã sớm định hướng trong mình con đường kinh doanh làm giàu từ cà phê - thứ đặc sản cao nguyên được làm ra từ mồ hôi của bao người nông dân nghèo quê anh.

Thực hiện quyết tâm lập nghiệp

Buổi đầu với bao khó khăn, trở ngại khi ý tưởng muốn chế ra một loại cà phê ngon có thể xuất khẩu và giành được một chỗ đứng trên thị trường thế giới của anh không được bạn bè ủng hộ và tỏ ra giễu cợt. Nhiều người xem anh là “thằng điên hạng nặng” với ý tưởng vượt xa tầm với ấy. Nhưng rồi cũng có 3 người bạn thân ủng hộ và cùng anh bắt tay thực hiện cái điều mà ai cũng cho là điên rồ ấy. Tranh thủ những ngày nghỉ, anh và các bạn lặn lội tìm đến các thương gia cà phê nổi tiếng khắp các tỉnh thành năn nỉ, thuyết phục họ truyền nghề. Nhờ vậy, anh tích lũy được vốn kiến thức sâu rộng về cà phê. Với vốn liếng chẳng có gì và chiếc xe đạp cũ, anh vay mượn thêm để mua một số lượng nhỏ cà phê về phơi, rang, xay và bỏ lại cho một số cửa hàng… Cứ vậy cho đến tháng 8/1996, hãng cà phê “ọp ẹp nhất thế giới” của anh ra đời với cửa hàng có bề ngang chỉ 2,8 m ở cây số 3, TP Buôn Mê Thuột.

Có được thành công bước đầu tại Buôn Mê Thuột, anh quyết định mở rộng kinh doanh đến thành phố Hồ Chí Minh nhưng đã thất bại vì quy mô của anh còn quá nhỏ so với đô thị lớn này. Chấp nhận thất bại để chuyển hướng sang thị trường miền Tây nhằm làm bước đệm tiến vào thị trường lớn TP Hồ Chí Minh, anh tìm được một đối tác ở Long Xuyên cùng mở lò rang, xay, chế biến và phân phối cà phê tại các tỉnh miền Tây. Nhưng rồi thất bại lại nối tiếp thất bại, và lần này dường như anh đã mất tất cả, không còn một đồng vốn nào. Sau đó, may mắn được một người bạn giúp đỡ, anh lại vực dậy tiếp tục gây dựng cơ đồ lại từ đầu tại thương trường thành phố Hồ Chí Minh.



Những nỗ lực không ngừng đã được đền đáp…

Xuất phát điểm đầu tiên tại TP Hồ Chí Minh là quán cà phê đầu tiên tại số 587 Nguyễn Kiệm (Phú Nhuận), chấp nhận lỗ vốn khi quyết định phục vụ miễn phí trong 10 ngày đầu khai trương, sự kiện này đã lần đầu tiên định vị thương hiệu cà phê Trung Nguyên trong lòng người Sài Thành. Với tiêu chí làm cho khách hàng thấy được cái chất của cà phê và biết cách thưởng thức sự khác nhau giữa cà phê Robusta và Arabica, Culi Robusca và cà phê Sẽ, cà phê Chồn… Trung Nguyên đã làm hài lòng những người sành cà phê khó tính nhất. Anh đã thuyết phục được người tiêu dùng trong nước có một cái nhìn khác đối với chất lượng và giá trị của cà phê nước nhà.


Không dừng lại ở đó, anh tự tin xuất khẩu cà phê ra thị trường thế giới trong đó có những thị trường rất khắt khe như Mĩ, Úc, Nhật, Châu Âu. Đồng thời không ngừng nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm và mở rộng mạng lưới phân phối. Kết quả thu được hết sức khả quan, cho thấy tiềm năng của cà phê Việt Nam.

Bên cạnh đó, anh còn ra sức học hỏi các mô hình quản lí từ các hãng cà phê lớn trên thế giới . Và chuỗi các quán cà phê Trung Nguyên được xây dựng dựa trên mô hình Hãng Starbucks ra đời. Anh còn cho xây dựng một “Bảo tàng cà phê Thế giới” tại Việt Nam với hy vọng thu hút được nhiều khách du lịch, làm giàu cho quê hương.

Với những nỗ lực không ngừng đưa cái tên Việt Nam gần hơn với thế giới thông qua những ly cà phê đậm đà hồn dân tộc và nâng cao giá trị của cây cà phê, giúp hàng ngàn nông dân thoát nghèo, thương hiệu cà phê Trung Nguyên xứng đáng ghi tên mình vào top 10 Sao Vàng Đất Việt – giải thưởng tôn vinh các doanh nghiệp hàng đầu có những đóng góp to lớn cho đất nước.

Năm 2004, Đặng Lê Nguyên Vũ nhận giải nhà doanh nghiệp trẻ xuất sắc nhất ASEAN tại Brunei, giải thưởng được Hội các nhà Doanh ngiệp trẻ ASEAN tổ chức 5 năm một lần. Cùng với sự phát triển của Trung Nguyên, anh được đánh giá là “một hiện tượng kinh tế” cuối thế kỉ XX.

Ngày 27/4/2011, cái tên “Cà phê Trung Nguyên” xuất hiện trên tờ báo 123 tuổi “Financial Times” và được bình chọn là một trong những doanh nghiệp thành công nhất.



Kết:

Câu chuyện của anh đã chứng minh rằng: xuất phát điểm của con người là không quan trọng, chỉ cần có mục tiêu và quyết tâm đến cùng, nhất định sẽ chạm đích thành công.

Từ thành công của CEO Đặng Lê Nguyên Vũ, ta rút ra được bài học kinh nghiệm quý giá về xây dựng thương hiệu. Thành lập một công ty thì dễ nhưng xây dựng một thương hiệu để người tiêu dùng biết và tìm đến là rất khó. Quá trình này đòi hỏi sự kiên nhẫn, tỉnh táo và sự sáng tạo của người CEO. Khi chia sẻ với các bạn trẻ, anh tâm sự: “Tôi biết trong cuộc sống vẫn có rất nhiều bạn trẻ mang mặc cảm của sự nghèo khó, của lòng tự ti, nhưng tiền bạc không phải là vốn mà điều quan trọng là phải có những ước mơ lớn lao. Hiện nay, có nhiều bạn trẻ mang trong lòng những ước mơ rất hạn hẹp về những giá trị vật chất mà thiếu đi “chất lửa” của một tuổi trẻ khát khao được cống hiến, được chia sẻ và tâm huyết với những thay đổi lớn lao của dân tộc, của đất nước…”

Câu hỏi:


  1. Tóm tắt con đường lập nghiệp của vua cà phê Việt.

  2. Rút ra một số nhận xét về quá trình tạo lập doanh nghiệp của Đặng Lê Nguyên Vũ và đưa ra bài học đối với quá trình tạo lập doanh nghiệp.

BÀI TẬP TÌNH HUỐNG CHƯƠNG 3


JACK WELCH – NHÀ QUẢN LÝ TÀI BA CỦA GENERAL ELECTRIC

Nghỉ hưu ở tuổi 67, hiện nay Jack Welch chủ yếu chỉ còn viết sách, nhưng tất cả những gì ông viết ra đều được người ta đổ xô tìm đọc. Các giáo sư, sinh viên thì đọc để nghiên cứu, phân tích. Giới kinh doanh thì đọc để tìm thấy những bí quyết lời khuyên của một nhà quản lý chuyên nghiệp, mẫu mực với những thành công kỳ diệu trong kinh doanh, của một người mà tên tuổi gắn liền với những thành công đã trở thành huyền thoại của Tập đoàn General Electric (GE) trong suốt hai thập kỷ 80 và 90 của thế kỷ 20.

GE là một tập đoàn quốc tế khổng lồ, sản xuất kinh doanh chủ yếu trong lĩnh vực điện máy với tổng doanh thu hàng năm lên đến 130 tỉ USD. GE có 2 triệu cổ đông, đuợc biết đến là một trong những tập đoàn lớn nhất, ổn định nhất và thành công nhất. Hiện có khoảng 350.000 người đang làm việc cho GE tại các xí nghiệp, nhà máy, chi nhánh của tập đoàn này ở trên 100 nước khác nhau trên thế giới. Ai cũng biết đến GE, nhưng có lẽ không phải ai cũng biết rằng tập đoàn này có một bề dày lịch sử và một truyền thống rất đáng chú ý.



Người có công tăng lợi nhuận của tập đoàn lên 15 lần
Ðược thành lập năm 1892 trên cơ sở sáp nhập giữa Công ty Thomson-Houston Electric và Công ty Edison Electric Light của Thomas Alva Edison - người phát minh ra chiếc bóng đèn điện kỳ diệu, từ những năm 80 trở đi, GE lại càng khẳng định tiếng tăm và vai trò nổi bật của mình với Jack Welch, vị chủ tịch điều hành xuất sắc có một không hai trong lịch sử của tập đoàn.

Jack Welch đã có công rất lớn khi tiếp tục duy trì và củng cố vị thế, giá trị của GE trên thị trường chứng khoán Mỹ. Các cổ phiếu GE của GE là cổ phiếu duy nhất liên tục có mặt trong danh sách các cổ phiếu quan trọng nhất để tính chỉ số Dow Jones Index kể từ khi chỉ số này được thiết lập và công bố năm 1896.

Cách đây hơn 30 năm, khi Jack Welch bắt đầu nhận chức Chủ tich điều hành của tập đoàn thì cũng là lúc nền kinh tế đang trì trệ, kết quả kinh doanh và tăng trưởng của GE có dấu hiệu chững lại, mỗi năm tập đoàn chỉ thu về 1 tỉ USD lợi nhuận. Dưới thời điều hành của ông, vào những năm 1990, GE đã tăng lợi nhuận lên gấp gần 15 lần với trên 14 tỉ USD. Ðây một kỳ tích của tập đoàn và là một minh chứng cho khả năng quản lý, điều hành hoàn hảo của Jack Welch.

Công việc là thước đo cao nhất

Cho đến nay đã có không biết bao nhiêu bài báo, sách giáo khoa ca ngợi tài năng tổ chức và quản lý của Jack Welch, đặc biệt là trong lĩnh vực quản lý, điều hành nhân sự. Quan điểm của ông về vai trò, nhiệm vụ quản trị nhân sự của người điều hành cao nhất rất rõ ràng. Không ít nhà quản lý điều hành cho rằng điều hành nhân sự trước hết là phải quản lý, giám sát, kiểm tra họ. Nhưng Jack Welch thì khác. Ông luôn khẳng định rằng nhà quản lý điều hành một doanh nghiệp phải biết động viên, biết kích thích nhân viên làm việc, làm ra được những kết quả mà chính bản thân họ trước đó cũng không dám làm, dám tin là được.

Ðể có thể thành công với phương châm quản lí đó, Jack Welch hiểu rằng chỉ với những lời khen, tiền thưởng, tăng lương thôi cũng chưa đủ. Mặt khác, là một nhà quản lý lão luyện và đầy kinh nghiệm thì ông cũng biết rằng với áp lực quá lớn thì con người cũng không nghĩ được nhanh hơn. Khi Jack Welch đánh giá nhân viên thì kết quả công việc là thước đo cao nhất. Với tính cách quyết đoán, dường như ông có vẻ khá nhanh chóng ưu ái, đãi ngộ và trọng dụng những người mà ông cho là được việc.

Nhưng người ta cũng thấy ở ông một vị chủ tịch cương quyết và cứng rắn có một không hai. Chỉ trong vòng chưa đầy 5 năm đầu tiên làm Chủ tịch tại Gen-eral Electric, Jack Welch đã sa thải tổng cộng 118.000 nhân viên, bằng hơn một phần tư toàn bộ biên chế của tập đoàn.

Rõ ràng là làm việc với Jack Welch thì căng thẳng, nhiều áp lực, nhưng Jack Welch còn biết cách để điều tiết áp lực, giải toả tâm lí một cách thích hợp thông qua việc chỉ cho nhân viên cùng thấy những kết quả mà họ đã đạt được, đánh thức những tiềm năng và cả sự tự tin còn đang ẩn trong họ.

Với những gì mà Jack Welch đã đem lại cho GE, ông đã dẹp bỏ mọi nghi ngờ về chiến lược “bàn tay sắt” của mình. Sau 5 năm, tập đoàn đã nhanh chóng thoát khỏi thời kỳ trì trệ và có một tình hình tài chính hết sức lành mạnh. Kế hoạch cải tổ của Jack Welch đã thành công và ông đã làm được theo đúng chiến lược đã vạch ra là trở thành tập đoàn số 1 của thế giới.



Tự tin và táo bạo với các chiến lược kinh doanh

Không chỉ trong quản lí nhân sự, Jack Welch cũng rất kiên quyết và táo bạo với các quyết đinh chiến lược kinh doanh của tập đoàn. Để đạt mục tiêu đưa GE trở thành tập đoàn số 1 thế giới. Jack Welch đã đề ra phương châm chỉ theo đuổi các sản phẩm và lĩnh vực kinh doanh mà tập đoàn có khả năng giữ vị trí số 1 hoặc số 2 thế giới. Vì thế mà hàng loạt sản phẩm không hiệu quả của GE bị Jack Welch thẳng tay loại bỏ.

Rất nhiều sách giáo khoa về quản trị kinh doanh đã ghi nhận đây là một trong những bí quyết, công thức dẫn đến thành công trong kinh doanh. Mệnh lệnh "hoặc là bán hay phải đóng cửa" của Jack Welch với nhân viên cũng chính là một triết lí kinh doanh đầy tự tin và quyết tâm của ông. Thay cho những sản phẩm, lĩnh vực yếu kém, Jack Welch cho tập trung nghiên cứu và phát triển các sản phẩm có tiềm năng khác như thiết bị phụ tùng máy bay, thiết bị, máy móc y tế...

Bên cạnh việc tập trung vào một số sản phẩm chính và tăng năng suất lao động một cách tối đa, Jack Welch cũng sớm nhận ra tầm quan trọng của các dịch vụ kèm theo. Ðê thống lĩnh thị trường thì không chỉ có giá cả mà còn là qui mô và chất lượng của các dịch vụ mà nhà sản xuất dành cho khách hàng. Dưới thời của Jack Welch, một trong những dịch vụ lớn nhất mà GE cung cấp cho khách hàng, đối tác là dịch vụ tài chính.

Ðặc biệt, ông đã mạnh dạn thành lập một công ty tài chính chuyên phát hành thẻ tín dụng cho khách hàng của GE và nhiều công ty thuê mua tài chính phục vụ cho các khách hàng mua máy bay trên toàn cầu. Năm 1986, Jack Welch làm chấn động giới kinh doanh và làm nhiều đối thủ cạnh tranh lo lắng khi có một quyết định táo bạo và bất ngờ là mua lại toàn bộ Hãng truyền hình NBC - một trong những hãng truyền hình lớn nhất nước Mỹ.

Tất cả các chiến lược nhân sự, kinh doanh táo bạo, dũng cảm, kiên quyết và rất thành công đều được xuất phát từ một sự tự tin cao độ của Jack Welch vào khả năng của mình. Năm 1981, ông mới chỉ là một trong các ứng cử viên của vị trí Chủ tịch điều hành và là ứng cử viên trẻ nhất (45 tuổi). Không ít người chưa tin hẳn vào khả năng lãnh đạo điều hành của ông với cương vị là người đứng đầu của một tập đoàn lừng danh và lớn bậc nhất thế giới.

Khi được phỏng vấn, Jack Welch đã làm các ông chủ và chủ tịch đương nhiệm của GE lúc đó phải bất ngờ và sửng sốt khi ông rất tự tin và mạnh mẽ khẳng định mình là người sáng giá nhất, không ai có thể bằng ông trong việc lãnh đạo điều hành tập đoàn để vượt qua trì trệ và phát triển kinh doanh. Và thực tế gần 20 năm điều hành của ông đã chứng minh điều đó.

Biết ơn Jack Welch, Tập đoàn GE ngày nay vẫn dành cho ông những đãi ngộ mà bình thường không thể có được với một người về hưu, dù đó là nguyên chủ tịch điều hành của tập đoàn. Ngoài lương hưu, ông còn được tặng một biệt thự, vẫ nhưởng chế độ xe đưa đón theo nhu cầu, một chuyên cơ Boeing 737 riêng... Tuy vậy không ít người vẫn nói điều đó không đáng kể so với những gì mà Jack Welch đã cống hiến và đem lại cho GE. Ðó không chỉ là lợi nhuận, là kết quả kinh doanh, là giá cổ phiếu mà còn là cả một văn hóa doanh nghiệp, một phương pháp và nghệ thuật quản lý tài tình.

Câu hỏi yêu cầu:


  1. Hãy phân tích các tố chất của chủ tịch tập đoàn GE

  2. Bạn có nhận xét gì về việc thực hiện chiến lược của GE.



ĐẶNG LÊ NGUYÊN VŨ VÀ KHÁT VỌNG TOÀN CẦU








Ngày đăng tin - 13/6/2013




Bây giờ, đặt bút viết về CEO Đặng Lê Nguyên Vũ mà chỉ tụng ca tài năng quản trị của ông thì có khi xem là thừa, bởi vị thế “vô đối” của Trung Nguyên trong nước đã nói lên tất cả rồi. Có một Đặng Lê Nguyên Vũ khác, rất nhiệt huyết với cộng đồng và máu lửa với khát vọng đưa hạt cà phê Việt thống lĩnh toàn cầu, dốc lòng cho khát vọng một nước Việt hùng mạnh và ảnh hưởng trên thế giới.

Đặng Lê Nguyên Vũ sinh năm 1971 tại Khánh Hòa nhưng sự nghiệp của ông gắn chặt với cao nguyên Đắk Lắk - thủ phủ cà phê cung ứng đến 50% lượng “vàng đen” của cả nước. Từ một cửa hiệu cà phê nhỏ, chỉ trong 16 năm, Đặng Lê Nguyên Vũ đã đưa Trung Nguyên trở thành thương hiệu cà phê số 1 Việt Nam, không chỉ làm mưa làm gió trong nước mà còn mạnh mẽ vươn ra toàn cầu, sản phẩm đã đi tới 60 quốc gia trên thế giới.



Khát vọng toàn cầu

Có phép mầu nào giúp Đặng Lê Nguyên Vũ biến Trung Nguyên từ chàng tí hon David trở thành gã khổng lồ Goliath? Không có phép mầu nào cả, mà theo ông: “Kinh doanh không chỉ vì lợi nhuận thuần túy, lợi nhuận chỉ là hệ quả của quá trình phụng sự cộng đồng. Một công dân - doanh nhân hơn ai hết phải thượng tôn các giá trị nhân văn có tính bền vững”.

Năm 2012, mặc dù kinh tế trong nước tiếp tục khó khăn nhưng ngành cà phê nổi lên như một điểm sáng khi Việt Nam vươn lên vị trí số 1 về xuất khẩu, mang lại hơn 3,6 tỉ USD. Nắm giữ vị trí số 1 tại nước xuất khẩu cà phê số 1 nhưng Đặng Lê Nguyên Vũ chưa bao giờ tự mãn. Ông cho rằng giá trị đó vẫn chưa tương xứng với tiềm năng thực sự của ngành cà phê Việt Nam vì trên 90% sản lượng xuất khẩu vẫn chỉ là cà phê nhân thô. Nông dân trồng cà phê cũng như những người tham gia trong ngành công nghiệp này lẽ ra đã được hưởng những lợi ích lớn lao hơn nếu chúng ta có những chiến lược và hạ tầng chính sách thông minh và phù hợp.

Đặng Lê Nguyên Vũ nói đời ông có ba mục tiêu: 1- Đưa Trung Nguyên trở thành thương hiệu toàn cầu; 2- Đưa cà phê vào kỷ nguyên mới với một Tuyên ngôn cà phê trong đó có phát kiến về định vị trung tâm của Việt Nam, dự án xây dựng Thánh địa cà phê toàn cầu và chuỗi ngành cà phê mang lại 20 tỷ USD/năm cho ngành cà phê Việt Nam và 3- Nỗ lực hết mình cho khát vọng một Việt Nam hùng mạnh và ảnh hưởng trên toàn cầu.

Cùng với các cộng sự, ông cam kết theo đuổi và hoàn thiện Học thuyết Cà phê, một hệ thống quy luật, nguyên tắc, lý luận mà giá trị trung tâm là “Sáng tạo có trách nhiệm”, hướng đến một nền văn minh mới, phát triển hài hòa, thịnh vượng và bền vững. Theo ông, loài người có được nền văn minh như ngày nay là nhờ óc sáng tạo; sáng tạo là động lực của phát triển, động lực của tương lai. Có hơn 2 tỉ người yêu và đam mê cà phê trên toàn cầu, xuyên tôn giáo, văn hóa, khu vực địa lý, thể chế chính trị. Đây chính là cộng đồng nền tảng cho thời đại sáng tạo có trách nhiệm, cộng đồng hùng hậu nhất trong lịch sử. Nếu họ cùng hướng đến tinh thần sáng tạo và cùng kiến tạo giá trị chung thì sẽ thúc đẩy thế giới phát triển giá trị bền vững. Trong đó cũng có các luận cứ để xác lập vị thế trung tâm của Việt Nam đối với cà phê, trên nền tảng tinh thần cà phê cộng hợp lợi thế quốc gia hàng đầu về nông nghiệp, về cà phê kết hợp đặc hữu về văn hóa, địa chính trị, hàng hải…, Việt Nam có đủ điều kiện sáng tạo hình mẫu quốc gia hài hòa làm trung tâm định hướng mô hình phát triển bền vững cho thế giới. Các dự án hiện thực hoá học thuyết này đang khởi động những bước đầu như Dự án Thánh địa cà phê toàn cầu, là một siêu dự án phức hợp (Complex Mega Project) tạo ra một địa bàn thể hiện tinh thần cà phê toàn cầu tại tỉnh Đăk Lắk; Dự án cà phê tiên phong tại Mỹ nhằm truyền bá giá trị “Sáng tạo có trách nhiệm” với mong muốn đóng góp vào quá trình dịch chuyển chiến lược quốc gia của Mỹ phục vụ cho hòa bình, ổn định và phát triển của thế giới.

Sau nhiều năm nỗ lực bền bỉ và sáng tạo, tư tưởng cũng như những luận điểm trong hệ thống triết lý của Đặng Lê Nguyên Vũ đã nhận được sự hoan nghênh và đồng thuận của nhiều bậc trí thức hàng đầu, có tầm vóc ảnh hưởng thế giới, như: GS. Joseph Nye - cha đẻ của “Quyền lực mềm”, GS Peter Timmer (Đại học Harvard), GS. Tom Cannon (Đại học Liverpool), GS. Roger B. Myerson (Nobel Kinh tế 2007, Đại học Chicago), GS. Hazald zur Hausen (Nobel Y học 2008, Đức), GS. Douglas D. Orsheroff (Nobel Vật lý, Đại học Standford), GS. Romano Prodi (cựu Thủ tướng Ý, cựu Chủ tịch Ủy ban châu Âu, Chủ tịch Quỹ hợp tác Toàn cầu)…

Trong hàng trăm cuộc gặp tầm quốc tế, các giá trị triết luận của Đặng Lê Nguyên Vũ được nhiều học giả, chính khách chia sẻ. Tiếp cận với những tư tưởng tiến bộ trên nền tảng cà phê do ông Vũ đề xướng và các luận cứ của ông Vũ về thuộc tính kích thích sáng tạo của cà phê, GS. Osheroff (Nobel Vật lý, Đại học Standford) bày tỏ sự ngạc nhiên với cách nhìn rất mới về cà phê và thừa nhận rằng, những phát minh của ông cũng là nhờ vào cà phê. GS. Joseph Nye, cha đẻ của thuyết “Quyền lực mềm, quyền lực thông minh”, sau khi nghe ông Vũ trình bày về quyền lực cà phê, đã nhìn nhận và xác tín cà phê chính là quyền lực mềm của Việt Nam. Theo GS. Tom Cannon, cà phê Trung Nguyên không còn là câu chuyện chỉ của riêng Trung Nguyên mà đó là khát vọng toàn cầu của doanh nhân nước Việt và cũng là câu chuyện của Việt Nam khi bước ra hội nhập. Đánh giá cao những triết lý nhân bản mang tính chiều sâu của Trung Nguyên về văn hóa cà phê, lấy sản phẩm văn hóa để đưa hình ảnh nước ra thế giới, GS. Peter Timmer khẳng định: “Khái niệm cà phê mới của Trung Nguyên đặt nền tảng cho cộng đồng phát triển bền vững”.

Vì một Việt Nam hùng mạnh và ảnh hưởng

Được xem là người đầu tiên nhìn ra tiềm năng to lớn của ngành cà phê (với giá trị lên đến 20 tỉ USD) và nông nghiệp Việt Nam, đóng góp trí lực để từng ngày nâng giá trị của ngành này trên sân chơi quốc tế, Đặng Lê Nguyên Vũ soạn thảo nhiều chiến lược phát triển vĩ mô khác nhau cho các quốc gia nông nghiệp và các tổ chức quốc tế lớn. Trong nước, ông luôn đau đáu khát vọng góp phần xây dựng để hình thành những thế hệ thanh niên biết nghĩ giàu và làm giàu. Quyết là làm, cuối năm 2012, Đặng Lê Nguyên Vũ đặt viên gạch đầu tiên của “công trình tâm thế” cho 23 triệu thanh niên Việt Nam. Sự kiện có tên “Ngày hội Sáng tạo vì Khát vọng Việt”, một sự kiện chính thức của Trung Nguyên trong chuỗi hoạt động giai đoạn mới (2012-2017). Đây là cột mốc đánh dấu chuỗi các chương trình dài thể hiện cam kết chung tay xây dựng thế hệ trẻ sáng tạo vì Khát vọng Việt mang trong mình một hoài bão chinh phục và ảnh hưởng cùng ba tinh thần: Tinh thần Chiến binh – dám thách thức mọi nghịch cảnh; Tinh thần doanh nhân – khao khát làm giàu cho mình và xã hội một cách chân chính và Tinh thần sáng tạo. Chỉ trong vòng chưa đầy 6 tháng, Trung Nguyên đã trao tặng gần 170 ngàn cuốn sách Nghĩ giàu làm giàu cho thanh niên sinh viên Việt Nam ở mọi miền đất nước nhằm khuyến khích tư duy tích cực, sáng tạo và khát vọng làm giàu chính đáng cho bản thân, gia đình và đất nước. Mục tiêu của chương trình Vì Khát vọng Việt là có thể tạo ra một thế hệ 300-500 ngàn doanh nhân mới của Việt Nam mang trong mình hoài bão ảnh hưởng và 3 tinh thần kể trên.Sự dấn thân và triết lý do ông đề xướng đã được cộng đồng các giới tinh hoa trí thức, doanh nhân, tổ chức xã hội, chính khách đặc biệt là thanh niên, ủng hộ rộng rãi. Chưa hết, ông còn theo đuổi giấc mơ về một nước Việt Nam hùng mạnh - ảnh hưởng. Để đi đến mục tiêu này, ông Vũ đang kêu gọi sự hưởng ứng của cộng đồng để hoàn thành 3 nhiệm vụ cốt yếu song song: Đoàn kết dân tộc trên một mục tiêu chung - Thiết lập Cộng đồng Sinh mệnh ASEAN - Hội tụ Tinh hoa thế giới.



Xuất phát điểm của bản thân khá khiêm tốn, lại tới từ một quốc gia đang phát triển với đầy thử thách, hành trình của Đặng Lê Nguyên Vũ và cộng sự không dễ dàng gì nhưng Đặng Lê Nguyên Vũ luôn tâm niệm và cổ vũ cộng sự và cộng đồng: “Người khác làm được thì ta làm được; nước khác làm được thì Việt Nam làm được và còn làm tốt hơn thế!”. Ông mỉm cười khi cho rằng hai mục tiêu đầu có thể sẽ thực hiện được trong cuộc đời ông, nhưng với mục tiêu thứ ba có thể sẽ phải đến nhiều thế hệ kế tiếp, nhiều những Lê, những Nguyễn, những Y những H’… sẽ tiếp nối ông để thực hiện một giấc mơ dấu ấn và ảnh hưởng của Việt Nam sẽ đi tới những Paris, London, New York,... và khắp nẻo trên thế giới.


Каталог: Portals
Portals -> Phan Chau Trinh High School one period test no 2 Name: English : 11- time : 45 minutes Class: 11/ Code: 211 Chọn từ hoặc cụm từ thích hợp A, B, C, d để điền vào chỗ trống trong đoạn văn sau
Portals -> PHẦn I: thông tin cơ BẢn về ĐẠi hàn dân quốc và quan hệ việt nam-hàn quốc I- các vấN ĐỀ chung
Portals -> Năng suất lao động trong nông nghiệp: Vấn đề và giải pháp Giới thiệu
Portals -> LẤy ngưỜi học làm trung tâM
Portals -> BÀi tậP Ôn lưu huỳnh hợp chất lưu huỳnh khí sunfurơ so
Portals -> TỜ trình về việc ban hành mức thu phí tham gia đấu giá quyền sử dụng đất
Portals -> CỘng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập – Tự do – Hạnh phúc
Portals -> GIẤY Ủy quyền tham dự Đại hội đồng Cổ đông thường niên năm 2016

tải về 91.11 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương