TRÁi tim mặt trời từ Chánh Niệm Ðến Thiền Quán


THÌ GIỜ ĐỂ TẮM MỘT ĐỨC PHẬT SƠ SINH



tải về 0.55 Mb.
trang5/27
Chuyển đổi dữ liệu13.05.2018
Kích0.55 Mb.
#38163
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   27

THÌ GIỜ ĐỂ TẮM MỘT ĐỨC PHẬT SƠ SINH


Tôi thấy cái việc rửa bát chỉ có thể là khó chịu khi ta không rửa bát hoặc chưa rửa bát thôi, chứ khi đã đứng lên và xăn hai ống tay áo rồi thì việc rửa bát trở nên dễ chịu.  Tôi ưa rửa thong thả từng cái bát, lấy ý thức quán chiếu từng cái bát và từng cử động của tay.  Tôi biết rằng nếu tôi hối hả rửa cho xong chồng chén bát để mà đi uống trà thì như vậy thời gian rửa bát là thời gian khó chịu, không đáng cho ta sống.  Và như thế thật đáng tiếc.  Đời sống mầu nhiệm trong từng giây phút, biết vậy nên tôi thắp mặt trời ý thức của tôi lên chạn chén bát.  Sự kiện tôi đang đứng đây và rửa những chén bát này là một sự kiện mầu nhiệm.  Câu này tôi đã viết một lần trong cuốn Phép Lạ Của Sự Tỉnh Thức.  Mỗi cái bát tôi rửa cũng như mỗi câu thơ tôi làm, cũng như mỗi tiếng chuông tôi thỉnh.  Một hôm trong khi rửa bát, tôi có cảm tưởng rằng cử chỉ của tôi khi rửa cái bát cũng trịnh trọng và thiêng liêng như thể cử chỉ tôi tắm cho một đức Phật sơ sinh.  Đức Phật sơ sinh nghe tôi nói như thế chắc là mừng cho tôi và không trách tôi đã dám so sánh ngài với một cái bát.  Mỗi tư tưởng mỗi động tác đặc dưới ánh sáng quán niệm đều trở thành một nghi lễ.  Mặt trời thiền quán thắp lên thì không còn ranh giới giữa sự thiêng liêng và trần tục nữa.  Tôi rửa bát có chậm hơn người khác thật đấy, nhưng tôi được sống trọn vẹn trong thời gian rửa bát, và tôi rất bằng lòng về điểm đó.  Rửa bát vừa là phương tiện vừa là cứu cánh, nghĩa là rửa bát để vừa có bát sạch vừa sống trọn vẹn trong thời gian rửa bát. 

Nếu không có khả năng sống an lạc trong khi rửa bát mà cứ mong rửa bát cho mau xong để ngồi uống trà thì đến khi uống trà ta cũng sẽ không có khả năng uống trà.  Nâng tách trà lên, ta sẽ nghĩ đến những chuyện khác và vì vậy, hương vị trà và thời gian thoải mái của tách trà cũng sẽ biến mất.  Ta sẽ luôn bị hút vào trong vị lai mà chẳng còn khả năng sống trong hiện tại. 


  
---o0o---

NUÔI DƯỠNG CHÁNH NIỆM TRONG NHỮNG LÚC LÀM VIỆC


Công việc hàng ngày gọi là để “sinh sống’ của ta, ta cũng có thể làm như  ta rửa bát.  Tại Phương Vân Am tôi có nghề đóng sách.  Tôi dùng một bàn chải  đánh răng, một cái đũa, một cái bánh xe lăn và một viên gạch réfractaire khá nặng chừng hai ký, và tôi có thể đóng và vào bìa mõi ngày hàng trăm cuốn sách.  Nhưng trước khi đóng sách, tôi còn phải “lượm sách” nghĩa là phải thâu những tờ sách rồi gom lại theo thứ tự các trang để làm thành một tập.  Những trang này tôi sắp trên một cái bàn thật dài,  và hễ đi một vòng quanh bàn thì tôi lượm đủ số trang cho một cuốn sách.  Tôi biết là tôi đang đi quanh, và không có gì  đợi tôi phía trước, cho nên tôi đi chậm thôi, và lượm từng tờ sách thong thả trong quán niệm.  Tôi vừa làm vừa thở những hơi thở nhẹ nhàng, hơi dài và có ý thức.  Tôi có an lạc trong khi lượm sách, đóng sách và vào bìa sách.  Nếu thi đóng sách với những người thợ khác hoặc với máy đóng sách thì tôi thua, bởi vì tôi đóng được ít sách hơn.  Nhưng có một điều tôi biết chắc là tôi không chán ghét chuyện đóng sách.  Mình tiêu xài nhiều thì mình phải  làm việc cho nhiều và cho nhanh.  Nếu mình sống đơn giản thì mình có thể làm ít và làm chậm trong quán niệm.  Tôi biết có rất nhiều người trẻ tuổi ưa làm việc ít thôi, mỗi ngày chừng bốn giờ, với số lương nhỏ có thể sống đơn giản nhưng hạnh phúc.  Biết đâu đây chẳng là con đường khai thông cho tình trạnh bế tắc của xã hội ngày nay?  Bỏ bớt sự sản xuất những hóa phẩm không thiết yếu, san sẻ việc làm cho những người chưa có việc làm, sống đơn giản nhưng có hạnh phúc.  Đã có những cá nhân và những cộng đồng chứng minh được khả năng sống đơn giản mà hạnh phúc rồi, điều đó há không phải là một dấu hiệu đáng mừng hay sao? 

Bạn hỏi tôi: trong khi rửa bát, làm vườn, đóng sách hoặc làm việc trong các xưởng các hãng, làm thế nào để nuôi dưỡng chánh niệm?  Tôi nghĩ là bạn phải tìm ra câu trả  lời cho chính bạn.  Bạn làm thế nào mà mặt trời chánh niệm sáng mãi trong bạn thì làm.  Bạn có thể sáng tạo ra những phương thức thích hợp với bạn.  Hoặc gỉa bạn áp dụng thử một vài phương thức mà người khác đã làm.  Ví dụ bạn làm những bài thơ “cài nút áo” theo lối thiền sư Độc Thể.  Bạn cười ư?  Hoặc bạn theo dõi hơi thở của bạn.  Bạn nuôi chánh niệm bằng hơi thở ra và hơi thở vào, thở đến đâu thì bạn biết đến đấy.  Tư tưởng nào hoặc cảm thọ nào phát khơỉ bạn cũng cho xuôi dòng theo hơi thở.  Bạn nên thở thật nhẹ và hơi thở dài hơn lúc bình thường một tý.  Một tý thôi, đủ để chứng minh là bạn thực sự đang theo dõi hơi thở. 

---o0o---

NỤ CƯỜI ĐÁNG GIÁ NGÀN VÀNG


Theo hơi thở, bạn nuôi dưỡng chánh niệm được lâu lắm.  Bạn thành công rồi phải không? Vậy thì bạn hãy mỉm một nụ cười.  Nụ cười hàm tiếu.  Để chứng tỏ bạn thành công.  Và giữ mãi nụ cười ấy trên môi đi, như một đức Phật vậy.  Nhìn thậy nụ cười, tôi biết ngay là bạn đang an trú trong chánh niệm. 

Cái nụ cười hàm tiếu ấy, nhiều nghệ sĩ đã từng ngày đêm hết công phu để thể hiện trên các tượng Phật.  Bạn đã từng thấy nụ cười ấy trên nghệ thuật Gandhara hoặc trên nghệ thuật Đế Thiên Đế chưa?  Tôi chắc rằng trong khi thực hiện nụ cười đó trên mặt một tượng Phật, các điêu khắc gia cũng đang duy trì nụ cười đó trên mặt mình.  Bạn có thể tưởng tượng được một điêu khắc gia nét mặt cau có đang thực hiện nụ cười hàm tiếu trên môi Phật không?  Chắc là không!  Tôi có quen biết điêu khắc gia đã thực hiện pho tượng Nhập Niết Bàn trên núi Trà Cú ở Phan Thiết.  Trong suốt sáu tháng trời thực hiện pho tượng này, ông ăn chay, ngồi thiền và đọc kinh Đại Niết Bàn. 

Trên khuôn mặt nàng Mona Lisa, Leonard Da Vinci có đề một nụ cười thật nhẹ, nhẹ đến nỗi không hẳn là một nụ cười mà là một sự dợm cười (khuynh hướng muốn cười!)  Tuy nhiên một nụ cười như thế cũng đủ làm khoan thư hết cả những bắp thịt trên mặt và làm tiêu tán hết những lo lắng cau có và mệt nhọc trong người.  Nụ cười hàm tiếu của người hành thiền ngoài tác dụng nuôi dưỡng chánh niệm cũng có tác dụng khoan thư mầu nhiệm đó.  Nó trả lại cho ta sự an lạc mà ta đã đánh mất. 

Trong lúc đi bách bộ trên đồi, nơi công viên hay dọc bờ sông, bạn có thể vừa theo dõi hơi thở vừa duy trì nụ cười hàm tiếu.  Vào những lúc cảm thấy mệt mỏi hoặc cau có, bạn có thể nằm duỗi dài hai chân hai tay, buông thả và khoan thư hết tất cả thân tâm, tất cả các bắp thịt, chỉ duy trì hơi thở và nụ cười.  Buông thả trong tư thế nằm này là một phương cách phục hồi sinh lực rất thần hiệu và nhanh chóng.  Nếu bạn không thực hành mỗi ngày ít ra là vài ba lần thì thật là uổng cho bạn.  Nuôi chánh niệm, theo dõi hơi thở và duy trì nụ cười, đó là những hạnh phúc bạn tự ban cho mình và phân phát cho người xung quanh bạn.  Bạn có thể xuất nhiều tiền để mua nhiều món qùa cho từng người trong gia đình bạn.  Nhưng không món qùa nào đem lại nhiều hạnh phúc cho họ bằng chánh niệm, hơi thở và nụ cười của bạn.  Qúy giá lắm, mà lại không mất tiền mua! 

---o0o---



tải về 0.55 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   27




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương