Tập sách được sự tài trợ của ubnd thành phố Đà Nẵng Để Đà Nẵng phát triển nhanh và bền vững



tải về 1.29 Mb.
trang6/15
Chuyển đổi dữ liệu29.07.2016
Kích1.29 Mb.
#9078
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   15

***

Khi người em trai của tôi là Mai Thanh Ngọc dùng bộ định vị Magellan gắn trên xe đưa tôi đến ngay trước cửa nhà anh, anh ra đón tôi với nụ cười trên môi và những lời chào hỏi vồn vã. Anh nói đây là lần đầu tiên anh đón được một người đồng hương xứ Quảng đến thăm nhà. Trước đây anh chỉ đón người phía Bắc hoặc phía Nam (Việt Nam) ghé thăm mà thôi. Anh bảo: “Phước phải ở đây chơi với mình một tuần nhé, để... nói chuyện cho đã”. Cho dù không có nhiều thời gian để ở chơi với anh theo đúng như thời gian mà anh bảo, nhưng tôi cũng đã cảm nhận được tấm lòng của anh riêng dành cho người đồng hương và đặc biệt là dành cho quê hương xa tít phía chân trời.

Trên bốn bức tường trong phòng khách, anh treo nhiều hình ảnh gợi nhớ về miền quê Đại Lộc. Hôm vừa tới nhà, mở cửa bước chân xuống xe tôi “chạm” ngay với bụi mía anh trồng đầu sân. Đi quanh một vòng trong vườn nhà tôi có cảm tưởng như mình đang đi trong một khu vườn quê ở Đại Lộc. Anh trồng nào là mía, là chanh, các loại rau thơm, rau mùi, cây mai, bụi trúc... Cây chanh thật là sai quả, nhiều trái đang chín vàng. Màu vàng tươi của nắng ấm. Chủ nhân của khu vườn không hái để ăn mà chỉ để... ngắm nhìn cho vui mắt, cho đỡ nhớ quê xa.

Anh sang Hoa Kỳ từ năm 1968, sau đó hoàn toàn mất liên lạc với quê nhà. Gia đình tưởng anh đã chết và lập bàn thờ cúng giỗ hằng năm. Sau năm 1975, anh tìm mọi cách để nối lại liên lạc với người thân ở quê. Anh chia sẻ gánh nặng cơm áo của thời kỳ kinh tế khó khăn với bà con chân lấm tay bùn. Đến năm 1986 anh mới về thăm quê lần đầu tiên sau gần 20 năm đi biệt. Ngày gặp lại nhau lần đầu đầy nước mắt và nụ cười. Bà con, bạn bè ở quê kẻ còn người mất. Anh lại đi trên những con đường mòn quen thuộc, thấy mình hãy còn may mắn hít thở được không khí thanh bình sau cuộc chiến tranh đầy khốc liệt. Anh thầm cảm ơn những tấm lòng vàng và những đôi bàn tay nhân ái đã nâng bước đưa anh về phía trước. Anh luôn tâm nguỵện có những đóng góp thiết thực cho xã hội như là lời cảm ơn cuộc sống.

Chuyện trò loanh quanh rồi anh cũng muốn vòng lại cái thời đi học ngày xưa ở chốn quê nhà. Hình như đối với người ra đi thì mọi kỷ niệm buồn vui về tuổi học trò dưới những luỹ tre làng đều ngưng đọng lại tại đó. Thuở mới lớn, anh có một cô bạn học cùng lớp, tên Tầm. Tầm là con của một gia đình khá giả trong làng. Không hiểu vì căn cớ gì mà bạn học cặp đôi anh với cô ấy. Họ đặt vè để chọc ghẹo anh với cô Tầm. Những câu vè đó hơn 40 năm qua vẫn còn vang vọng trong anh: Tầm - Tịch rúc vô bịch xùng xịch... Tầm - Tịch rúc vô bịch cút kít... Nếu như cuộc đời vẫn bình lặng trôi qua thì anh ghét cay, ghét đắng cái bọn bạn nhất quỹ nhì ma, thứ ba học trò đã sáng tác ra mấy cái câu vè quái quỷ đó để chọc anh. Nhưng đã xa lắm rồi, tít mãi bên kia nửa vòng trái đất mà anh chỉ có thể về trong những cơn mơ. Nhiều lúc anh thèm biết bao sự chòng ghẹo của bạn bè, thèm thấy cái mặt đỏ của cô bạn gái và thèm nghe những tràng cười của đám bạn đang xúm nhau leo leo hai người, cho dù ở quê họ vẫn còn là con trẻ và chưa biết gì để nói với nhau...

Anh kể cho tôi nghe chuyện tuổi học trò và chuyện quê anh của hơn 40 năm về trước mà anh còn giữ trong ký ức, nhưng sao tôi nghe cứ như chuyện hôm qua, hôm kia. Tất cả những điều anh kể, tôi có cảm tưởng như là một điệp khúc. Đó là điệp khúc về quê hương, về tuổi thơ và về bạn bè. Điệp khúc này là một khúc hoài niệm đắm đuối về một miền quê xa lắc. Phải chăng khúc hoài niệm này đã nâng đỡ anh trong những tháng năm dài lưu lạc?

Khi anh đọc lại các câu: Tầm - Tịch rúc vô bịch xùng xịch... Tầm - Tịch rúc vô bịch cút kít... Tôi thấy đôi mắt của anh sáng lên một vẻ gì đó tươi vui, tinh nghịch như bọn học trò xa xăm kia trong mỗi lần chọc anh, Anh như tự chọc lấy chính mình để trút bớt những muộn phiền khó tránh khỏi và nỗi niềm hoài vọng quê hương và tuổi thơ. Nếu cô Tầm ngày xưa và gia đình của cô ấy tình cờ đọc được bài viết này, nhận ra đựơc người trong cuộc thì tôi tin rằng họ sẽ mỉm cười. Tất cả mọi kỷ niệm đều đẹp, cho dù đó là những kỷ niệm mờ xa trong mắt ướt của cuộc đời.

***

Thời điểm tôi ghé thăm anh đúng vào những ngày cuối năm âm lịch ở Việt Nam. Người Việt ở nước ngoài đang có những hoạt động hướng về phút giao thừa bên quê nhà. Anh bảo tôi ở lại thêm vài hôm sẽ đưa dự tất niên ở Lãnh sự quán Việt Nam tại San Francisco vì đã có lời mời. Hôm đi chơi trên đường về từ San Jose chúng tôi ghé vào chợ, anh mua nhiều lá chuối, nếp và đậu. Anh bảo ngày cuối năm sẽ gói bánh chưng và bánh tét đón giao thừa cùng với các sinh viên Việt Nam đang trọ học ở gần anh. Sau khi tôi về lại Việt Nam, anh gởi qua email cho tôi một chùm ảnh chụp cảnh các sinh viên nam nữ đang đong nếp, cột dây gói bánh cùng vợ chồng anh. Bên nồi bánh nấu giữa sân sau nhà anh, các sinh viên ôm đàn ca hát nghêu ngao chờ đến giờ vớt bánh. Anh bảo năm nào cũng tổ chức nấu bánh và tiệc mừng năm mới như là một chút đồng vọng với Tết cổ truyền ở quê nhà. Hơn 40 năm lưu lạc xứ người anh vẫn còn giữ được chút hồn quê.



New Jersey tháng 2 - Đà Nẵng tháng 3/2010

LINH THY
Mùa xuân đầu tiên của một người Việt Nam “đặc biệt”


Vào đầu tháng 12/2009 vừa qua, tại thành phố Hồ Chí Minh, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã trao quyết định nhập quốc tịch Việt Nam cho ông Menras André Marcel, với cái tên Việt Nam Hồ Cương Quyết.

Andre Menras - Hồ Cương Quyết là người bạn thân thiết của nhân dân Việt Nam. Ông là một trong hai người Pháp công khai phất cao lá cờ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam và rải truyền đơn chống tội ác chiến tranh của Mỹ trước trụ sở quốc hội chính quyền Sài Gòn vào giữa trưa ngày 25.7.1970. Sau đó, ông bị bắt, giam tại khám Chí Hòa, đến tháng 12-1972 mới được thả và bị trục xuất về nước.

Trong gần 40 năm qua, bằng tất cả trái tim mình, Andre Menras - Hồ Cương Quyết vẫn thường xuyên trở lại Việt Nam tham gia giúp đỡ trên mọi hoạt động xã hội, đặc biệt là chú trọng nhiều đến cuộc sống của người nghèo và trẻ em nhiễm chất độc da cam... Ông cho biết, ông từng trải qua nhiều cái Tết ý nghĩa tại Việt Nam, nhưng có hai cái Tết quan trọng nhất, đó là: Tết 1971, ông được đặt tên Việt Nam là Hồ Cương Quyết, do gợi ý của Nguyễn Văn Quới (Ba Minh), giáo sư Anh văn - đại diện tù nhân chính trị xà lim OB1, và cái Tết Canh Dần 2010 năm nay, khẳng định ông đã chính thức là người Việt Nam.

Từ mấy năm gần đây, André Quyết đã sắp xếp sinh hoạt gia đình của mình theo quy trình 6 tháng ở Việt Nam và 6 tháng ở Pháp. Thành phố Hồ Chí Minh được ông chọn là địa bàn cư trú chính tại quê hương thứ hai. Song, Đà Nẵng lại là nơi có những kỷ niệm và ấn tượng khá đặc biệt với ông. Ngay trên các–vi-sít của ông, cũng in hình một cậu bé người Việt đội nón lá, vốn là ảnh ông chụp ở chợ cá ven biển Đà Nẵng năm 1969 khi vừa đặt chân tới Việt Nam, để làm nhiệm vụ dạy học. Ông nói: “Bức ảnh như một sự thôi thúc tôi mỗi ngày, phải làm gì cụ thể để giúp trẻ em nghèo Việt Nam!". Tại đây, là nơi ông gặp gỡ nhiều bạn bè cùng bộ lạc “Tà ru”(*) thời chiến tranh, và đặc biệt cũng là nơi ông có một “người mẹ Việt Nam” là bà Phan thị Minh (cháu ngoại nhà yêu nước Phan Châu Trinh - nguyên thành viên Đoàn đại biểu Chính phủ Cách mạng Lâm thời), người ông từng gặp tại Pháp thời điểm diễn ra Hội đàm Paris.

Nhắc đến Hồ Cương Quyết, bà Phan Thị Minh cho biết: “ Từ hồi gặp Menras, sau khi anh được thả tù trở về Pháp, bao giờ anh ta cũng xem tôi như một người mẹ. Đến nay, mỗi lần về Đà Nẵng, anh vẫn luôn ghé đến nhà tôi như đứa con đi xa về.

Tôi chưa bao giờ gặp một người Pháp nào có “chất” Việt Nam nhiều như anh ta. Hồi còn trẻ, sau khi ở tù trở về, vào thời điểm chưa đầy một tháng trước khi Hiệp định Paris được ký kết, nhờ có anh, mà ta mới có được một danh sách tù chính trị trong các nhà tù của chính quyền Sài Gòn ở miền Nam được thống kê đầy đủ tên tuổi, quê quán, đã được chuyển thẳng từ nhà lao Chí Hòa đến bàn đàm phán.

Còn giờ đây, mỗi lần qua Việt Nam, Menras sẵn sàng lăn xả đến những vùng hẻo lánh khó khăn để tham gia mọi việc. Anh cũng tỏ ra bức xúc như bất cứ người nào có lương tâm khi nghe trong xã hội mình có lôi thôi việc này, việc kia...”

Với tư cách là Chủ tịch Hiệp hội phát triển trao đổi sư phạm Pháp - Việt (A.D.E.P.France Việt Nam), trong năm 2007, André Quyết đã vận động mời đoàn cựu tù chính trị Côn Đảo - được gọi là những người bạn Tà Ru (gồm 17 người) sang thăm nước Pháp. Tại các buổi tiếp xúc với công chúng Pháp, ông đã giới thiệu: “ Tất cả họ đều bị bắt cầm tù, bị tra tấn, thường xuyên bị hành hạ vì họ đã hoạt động chống lại sự xâm lược của Mỹ đối với Tổ quốc họ. Nhiều người trong số họ đã bị tù đày từ lúc còn rất trẻ, và họ đã trải qua những quãng đời đẹp nhất của họ trong tù.”. Những cuộc gặp gỡ như vậy luôn gây xúc động, khi các thành viên đoàn nêu thêm những dẫn chứng, những câu chuyện từ trong hầm tối nhà tù... khiến cử toạ , ngay cả André Quyết, cũng không cầm được nước mắt.

Ông Phạm Văn Ba (Đà Nẵng), có mặt trong chuyến đi, kể lại : “Tại 2 địa phương Vendres, Portiragnes, sau buổi giao lưu, trò chuyện, tìm hiểu về quá trình hoạt động của các thành viên trong Đoàn, Thị trưởng thành phố có tổ chức lễ công bố quyết định của thành phố phong tặng danh hiệu công dân danh dự của thành phố và trao huy hiệu cho 3 người trong Đoàn, đó là: André Menras- Chủ tịch ADEP; Phạm Văn Ba, người có tuổi cao nhất và có thời gian ở tù Côn Đảo lâu nhất của Đoàn; Trịnh Văn Tư (Tư Cần)- là người Bí thư đầu tiên của Côn Đảo sau ngày tù nhân nổi dậy cướp chính quyền giải phóng Côn Đảo, nguyên Bí thư Tỉnh uỷ Vĩnh Long, Phó ban kiểm tra Trung ương Đảng đã nghỉ hưu”. Ông Ba cũng nói thêm với những người bạn Pháp: “Chúng tôi không bao giờ quên những người bạn Pháp đã từng giúp đỡ chúng tôi trong đấu tranh vì độc lập trước kia và giờ đây, như ADEP là một dẫn chứng cụ thể, vẫn đang giúp chúng tôi chống lại nghèo nàn...”.

Hồi tháng 3 năm 2008, khi nghe chương trình "Nước ngọt cho Trường Sa"(CT) do báo Thanh Niên khởi xướng, trong số rất nhiều sáng kiến, đề xuất, thể hiện tấm lòng đau đáu của người Việt Nam với những người lính Trường Sa, André Quyết là người đầu tiên nêu một kế hoạch khả thi: có thể mua một máy khử nước mặn được sản xuất tại Nantes (Pháp). Sau khi bàn bạc thống nhất, André Quyết vội vã về Pháp, tới Nantes tiếp xúc ngay với công ty chuyên sản xuất máy lọc nước biển để trao đổi về việc mua chiếc Power - Survivor 160 (công suất 25 lít nước/giờ chạy bằng sức gió và pin mặt trời). Cùng với hai người bạn mình là Hồng Lê Thọ (Việt kiều Nhật) và Nguyễn Đức Phương (chủ bút báo Đoàn Kết - Pháp), cả ba người đã tiên phong hưởng ứng, đưa ra giải pháp cho CT. Nhờ vậy, khá nhiều Việt kiều hiện đang sống, làm việc trong nước cũng như nhiều nước trên thế giới ủng hộ CT. Trị giá chiếc máy là 10.000 euro. Song thời điểm đó, số tiền quyên góp được đã đủ mua ba máy. Ông Quyết hồ hởi nói: "Vấn đề không phải là tiền mà là làm ấm lại một phong trào: Người nước ngoài, Việt kiều chung tay, ủng hộ một chương trình hữu ích cho, vì Việt Nam. Đặc biệt lần này là vì Trường Sa thân yêu !".

Tết Kỷ Sửu 2009, André Quyết có mặt ở Việt Nam. Ông cho biết, ông rất hạnh phúc khi vào giờ khắc giao thừa, ông đã được chọn để lên truyền hình chúc Tết mọi người. Cũng dịp này, ra Hà Nội, ông hân hạnh được phép đến thăm Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người ông ngưỡng một từ thời trai trẻ. André cũng nhờ nhà phê bình Ngô Thảo dẫn tới gặp Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam để chuyển những lời tâm huyết của một người bạn Pháp đặc biệt: Nhà báo Madeleine Riffaud. Ông cho biết: "Bà Madeleine Riffaud đã sống như một người Việt Nam tại Pháp. Nhà bà đã có chỗ trang trọng để đặt bàn thờ theo kiểu Việt Nam. Gốc rễ Madleine Riffaud đã thành người Việt Nam từ lâu lắm rồi".

***


Ngồi tại quán cà phê Givral - cách không xa, khu vực tượng đài Tình mẫu tử trước Nhà hát thành phố Hồ Chí Minh ngày nay, là nơi ngày 25/7/1970, André và Pierre Debris đã tạo nên sự kiện chấn động chính quyền Sài Gòn thời đó, André Quyết hồi tưởng lại thời tuổi trẻ và nói:

- Lúc mới bị bắt, ban đầu cơ quan ngoại giao Pháp bảo tôi là một người bị "tâm thần". Chính quyền Thiệu cũng muốn "quy" như vậy để vô hiệu hóa ý nghĩa của sự kiện treo cờ. Họ đưa chúng tôi lên nhà thương điên Biên Hòa, nhưng may thay, vị bác sĩ khám bệnh ở đây là người chính trực. Ông ấy đã không làm theo ý của họ, mà cho kết quả tôi và Debris là người hoàn toàn bình thường. Lúc đó , qua đường dây trong tù, tôi đã gửi một bức thư về Pháp tố cáo chế độ lao tù của Sài Gòn, bức thư đã được đăng trên báo Nhân Đạo. Từ đó, một phong trào được dấy lên mạnh mẽ ở Pháp chống chiến tranh xâm lược của Mỹ, đòi trả tự do cho chúng tôi . Cơ quan ngoại giao Pháp cũng gây áp lực để bảo vệ công dân của họ. Nhờ vậy mà chúng tôi được "nới lỏng" đôi chút, như : được đi phơi nắng mỗi ngày 15 phút, được nhận thư...

Nhắc về kỷ niệm với người bạn “tà -ru” Phạm Văn Ba, André kể: "Trong quá trình như vậy, tôi quen một thường phạm, tên là Jean Pierre Giunkini, người Pháp. Anh ta có một chiếc radio 3 band do vợ anh ta thăm nuôi gửi cho. Tôi đã xin chiếc radio đó giao cho ông Phạm Văn Ba. Về sau, ông Ba bị đày đi Côn Đảo, mang chiếc radio đó đi theo, mang luôn vào phòng giam. Sau này tôi biết người chịu trách nhiệm nghe chiếc radio đó ở Côn Đảo là ông Bùi Văn Toản (hiện nay ở Sài Gòn). Tôi tự hỏi, không biết các anh ấy đã làm thế nào mà giữ được chiếc radio đó dưới sự kiểm soát chặt chẽ của bọn chúng. Nhưng tôi biết các chiến sĩ trong tù, cũng như ở bên ngoài, rất mưu trí, cái gì cũng làm được".

Ngày 31.12.1972, Menras Quyết và Debris (còn có tên là Hồ Tất Thắng, cũng do Ba Quới đặt) bị trục xuất về Pháp. Ông nhớ lại: "Trước khi bị trục xuất 3 ngày, tôi được anh em ở OB1 giao một tài liệu gói kỹ, bảo sang đến Pháp thì giao ngay cho phái đoàn Cộng hòa miền Nam Việt Nam ở Paris. Anh em chỉ dặn việc đó rất quan trọng, cố gắng làm cho được, ngoài ra không nói gì khác. Tôi và Pierre Debris tính với nhau bằng mọi giá phải mang tài liệu này đi cho được, nếu bị chúng giở trò lục soát thì sẽ đánh trả để tạo dư luận. Tôi cuốn kỹ tài liệu đó lại, nhét vào trong xi-lip. Chúng tôi được cảnh sát áp giải ra sân bay. Lên máy bay có các nhân viên phòng nhì Pháp, tôi biết chắc ít nhất có 3 người, họ đưa thẳng chúng tôi về Paris. Tôi không bị lục soát gì cả. Đến Paris, tôi lấy chiếc xe của người bạn và đi thẳng tới nhà bác sĩ Henry Carpentier. Ở đây tôi gặp hai người trong phái đoàn, là bà Nguyễn Ngọc Dung và bà Phan Thị Minh. Tôi giao tài liệu cho họ, và đến nay tôi vẫn không biết đó là tài liệu gì...".

***

Năm 1973 André Menras và Jean - Pierre Debris viết chung tập sách Thoát khỏi ngục tù Sài Gòn, chúng tôi tố cáo, xuất bản tại Pháp (được NXB Trẻ tái bản vào năm 2004), nội dung của những trang viết là một bằng chứng về chính nghĩa cao cả của cuộc kháng chiến chống Mỹ gian khổ nhưng vinh quang mà nhân dân Việt Nam đã trải qua.



Sau giải phóng, 1976, ông Jeans Pierre Hồ Tất Thắng quay lại Việt Nam, làm đại diện thương mại cho một công ty Pháp, lấy vợ người Việt, sau đó đưa vợ con về Pháp sinh sống.

Tháng 8.1977, André Quyết, trở lại thăm VN theo lời mời của Chính phủ Việt Nam. Năm 2001, khi đã về hưu, André leo lên nóc tháp chuông nhà thờ cao 60 mét ở Sauvian, dầm mình giữa thời tiết giá lạnh 6 ngày trời để đòi Chính phủ Pháp phải tính thâm niên công tác cho cả quãng thời gian ông đi tù và những ngày tháng rong ruổi tại nhiều quốc gia vạch trần tội ác của chế độ nhà tù Sài Gòn. André lại thành công một lần nữa. Năm 2002, ông quay lại Việt Nam lần thứ ba, rồi sáng lập Hiệp hội ADEP làm cầu nối giúp các trường học của hai nước trao đổi giáo viên thực tập. Hiện, tại trường Hoàng Văn Thụ (Đà Nẵng) đang có 7 giáo viên Pháp tới thực tập, trao đổi kinh nghiệm giảng dạy với các đồng nghiệp Việt Nam. Từ năm 2004, ông chú tâm đến việc tặng học bổng cho trẻ em nghèo. Đến tháng 9.2006, ông nhận làm đại diện thương mại cho 800 hộ gia đình trồng nho, làm rượu vang vùng Languedoc Loussillon - Nam nước Pháp tại Việt Nam để có thêm thu nhập cho quỹ học bổng. Ông cũng là người làm hướng dẫn viên tình nguyện và... miễn phí cho đoàn làm phim của ĐD Nguyễn Hồ về 3 vị vua triều Nguyễn yêu nước.

***

Mặc dù, cái tên Hồ Cương Quyết đã gắn liền với Adré Menras, từ cách đây mấy chục năm, khi ông còn ở trong lao tù chế độ Sài Gòn, nhưng mãi đến cuối năm 2007, ông mới nộp đơn xin quốc tịch Việt Nam. Ông dí dỏm: "Chưa có người Pháp nào xin quốc tịch Việt Nam. Này, nếu tôi mà là cầu thủ, đơn của tôi có khi được duyệt nhanh đấy nhỉ? Nhưng tiếc quá, tôi đã 63 rồi, già rồi... ".



Trên thực tế, André kể: vị lãnh đạo đầu tiên mà tôi có dịp bày tỏ ý muốn ấy cách đây gần ba năm là ông Nguyễn Thành Tài, phó chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh, khi ngẫu nhiên tôi được gặp ông. Trước mặt bạn bè, ông phó chủ tịch nói, ông coi tôi là “người nhà”, tôi bèn nói đùa : “Thế thì tại sao không cấp cho tôi quốc tịch Việt Nam ?”. Ông trả lời không một chút do dự : « Anh làm đơn đi, tôi sẽ ủng hộ”. “Nhịp cầu đầu tư” của bạn tôi, đạo diễn Đặng Nhật Minh, là tạp chí đầu tiên đề cập chuyện này. Tôi đã viết thư tay cách đây hai năm gửi đại sứ Việt Nam tại Pháp. Sau đó, từ Việt Nam và từ Pháp, tôi đã hai lần gửi thư bảo đảm tới chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, nhưng cả hai lần thư không tới tay ông. Năm ngoái, Ủy ban Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh có nhã ý mời tôi về Việt Nam ăn tết. Trong một bữa ăn thân mật có mặt phó chủ tịch Nguyễn Thành Tài và đại diện Sở ngoại vụ, tôi lại nêu vấn đề này lên, và các vị đã giúp tôi thúc đẩy thủ tục. Rồi mới đây, qua sự liên hệ của những người bạn chiến đấu thân cận, chủ tịch Nguyễn Minh Triết đã dành cho tôi vinh dự được ông tiếp ở Hà Nội và báo cho tôi tin mừng. Như vậy là kể từ ngày 11 tháng 11 năm 2009, tôi chính thức là người Việt Nam.

Và giờ đây, Adré Quyết nói, nếu tình cờ đi ngoài đường phố hay trên đồng ruộng, có gặp một người Việt Nam hơi kỳ một chút, mũi lõ, mắt xanh, cánh tay lông lá, nói tiếng Việt với cái giọng lơ lớ, chữ tác đánh chữ tộ, thì hỡi đồng bào thân mến, các bạn đừng tưởng nhầm : trong thâm tâm, hắn ta là một người Việt Nam thực thụ đấy!

L.T

TRẦN TUẤN



Ghi trên đường cáp treo dài nhất thế giới
... Cuối cùng, vị đại diện Sách kỷ lục thế giới Guinness, bà Lucia Sinigagliesi cũng không kịp có mặt tại Bà Nà sáng 25/3/2009 để trao Chứng nhận hai kỷ lục thế giới cho cáp treo Bà Nà. Kẹt chuyến bay từ Philippines, khiến bà có mặt tại Đà Nẵng trễ hơn so với dự định, và lễ trao dời qua chiều hôm sau.

Nhưng có vẻ điều đó không khiến hàng ngàn vị khách có mặt bớt đi hào hứng khi chờ đợi phút giây được bước lên làm một chuyến du ngoạn trên dây cáp treo một lúc giành hai kỷ lục thế giới, mà như thông cáo đã đăng tải trước đó tại trang web của Guinness, đó là : “Longest & Highest Non-Stop Cable Car”, tạm dịch là “Cáp treo không ngừng dài nhất và cao nhất”. Là cáp treo một dây dài nhất thế giới : 5.042 mét. Là cáp treo có độ chênh lệch cao nhất thế giới : 1.292 mét. Đơn giản là chuyến du ngoạn ngắm non bồng núi thuý cao chót vót tới gần 1,3 cây số giữa lưng trời, trên đoạn đường dài nhỉnh hơn 5 cây số !

Dưới chân thác Suối Mơ cách mặt biển 35 mét, sợi cáp bắt đầu rùng rùng chuyển động. Hơi hẫng một chút khi ra ngoài khoảng không, những cabin đủ màu sắc như đang bơi theo luồng gió mỗi lúc một hào phóng lùa qua khe cửa kính trên đầu đem theo một chút sương mây. Đang độ cuối xuân, cơ man những lộc nõn trên tầng chóp đỉnh rừng nguyên sinh, nào xanh vàng đỏ trắng cứ trôi dần bên dưới. Thoắt ẩn hiện khe những suối với từng phiến đá khổng lồ mà giờ nom chỉ bé như đang bày nơi khuôn viên bể cá. Ai đó trong cabin thốt lên : “Giá mai mốt dưới kia ngưòi ta bủa rào vây lưới khoanh vùng lại và thả thú rừng cho đi lại nghênh ngang thì tuyệt”. Lơ mơ ngồi tưởng lại bao nhiêu lần đã lên đến đỉnh non này, khi thì với chức phận báo chí, lúc lại ... tiếp đón “hầu hạ” bạn bè phương xa. Giờ thì con đường hiểm trở ngặt nghèo dài ngót hai chục cây số với 330 cú “giật cùi chỏ” (cua tay áo) mà cánh lái xe hay đùa “bất đáo Bà Nà phi ...tài xế” đang trốn tìm đâu đó dưới bạt ngàn xanh kia, nhưng tôi biết, lúc này cũng đang có cả trăm ngàn cặp mắt trên suốt 94 cabin lơ lửng tầng giời này đang dòm dỏi kiếm tìm. Nhớ thời điểm trước năm 1997, lên Bà Nà chỉ có cách hì hục leo bộ ngót hai ngày trời theo con đường đất dốc đứng bốn, năm mươi độ do người Pháp để lại từ cả thế kỷ trước. Rồi sau này là những lần phóng xe máy luồn lách giữa đất đá lởm chởm những ngày mở đường với một bên là vách vực hun hút ghê người. Khi đường sá hoàn thành, lại là những chuyến nôn nao vặn lưng trên xe ôtô theo từng cú giật vô lăng của các bác tài. Cũng không nhớ rõ bao nhiêu bận đã viết về Bà Nà. Viết với cảm khái hào hứng của một kẻ ham khám phá vùng đất vùng trời mới. Nhưng thú thực với tôi, dần dà thay vào đó là nỗi ngao ngán trước sự bê tông hóa rầm rộ của Bà Nà về sau này với những nóc tôn xanh đỏ, với đủ kiểu kiến trúc, với cả những chầu karaoke nhão nhoẹt trên đỉnh núi vốn dĩ quá phí phạm để dùng vào việc ấy. Người ta lúng túng và khó khăn trong việc khai thác kinh doanh Bà Nà, phần nhiều cũng vì đường sá hiểm trở, du khách thưa vắng. Đến nỗi có dạo không ít nơi râm ran cái câu : “Không đi không biết Bà Nà …”.

Nhưng bây giờ thì, một chuyến đi thế này không thể bỏ lỡ, bởi dù chỉ vỏn vẹn chỉ 15 phút ngồi trên lưng giời nhìn ngắm núi non là đã đến đỉnh, nhưng phải đi để tìm lại cái cảm khái ngày nào đã mất.

Giữa bốn màn kính trong suốt lúc mờ lúc đậm hơi sương, thế nào lại nhớ tới thiên ký sự “Bà Nà du ký” của nữ sĩ Huỳnh Thị Bảo Hoà đăng trên tạp chí Nam Phong số 163 - tháng 6/1931. Bà Huỳnh đã được sách kỷ lục Việt Nam ghi danh là nhà văn nữ đầu tiên của Việt Nam viết tiểu thuyết bằng Quốc ngữ. Bà gốc Đà Nẵng, cũng là một trong những người phụ nữ tiên phong cắt tóc ngắn, đi xe đạp và làm báo mà Tiền Phong đã từng có bài giới thiệu. Trong bài ký có tuổi đời ngót tám mươi năm ấy, thấy kể ông bà Huỳnh và các trẻ lên chơi Bà Nà trên hai kiệu (loại kiệu 6 phu khiêng). Tiện thể xin trích lục một đoạn thế này: “Đến như mấy người khiêng gánh nặng nề mà cũng không thấy đổ mồ hôi vì mệt nhọc, càng lên cao thì càng mát, thanh khí nhẹ nhàng, làm cho tinh thần khoan khoái, mường tượng như giữa tiết trời xuân ở xứ Hàn đới, khác hẳn với Tourane đương gần ngày hạ chí vậy. Ngồi trên kiệu ngó xuống đường, bên thì sườn núi vắt vẻo, bên thì hố sâu thăm thẳm, những cây cao lớn mọc đầy la liệt, thành hàng ngay thẳng, ngó chẳng khác chi binh lính bồng súng đứng chào, còn các thứ ký sinh trùng như dây tơ hồng, chàm gởi, khô mộc, ổ rồng bám trên cành cổ thụ lủng lẳng, chằng chịt như treo đèn kết hoa, trông rất ngoạn mục, có chỗ đi qua mùi thơm sực nức, mà tìm không thấy hoa gì, có lẽ hoa lan mọc trong hang sâu chăng”.

Những người phu khiêng kiệu thời ấy, giờ còn được mấy người ?. Từ tháng 1/1901, đại úy thuỷ quân lục chiến Pháp Marin Debay, trong một nhiệm vụ tìm nơi nghỉ dưỡng cho người Pháp ở Trung kỳ theo yêu cầu của Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer, đã là người châu Âu đầu tiên đặt chân đến nơi này. Ngày 2/10/1902, trong lúc xây cầu ở ngã ba tại độ cao 850 m (km28), trung úy Dechert - một trong số cộng sự ít ỏi của Debay đã qua đời sau một tai nạn. Cú tai nạn ấy, cùng với nhiều lý do khách quan, khiến Bà Nà lại chìm vào sương khói. Phải ngót hai chục năm sau, Bà Nà mới thực sự sôi động với trên 200 căn nhà và biệt thự cùng bưu điện, nhà băng, sân quần, sàn nhảy rạp phim ... mà đóng góp đáng kể là các nhà tư bản, nhà buôn lớn, trong đó có nhà Morin vốn lừng lẫy bởi khắp các khách sạn từ Bắc chí Nam hồi đầu thế kỷ Hai Mươi. Chính nhà Morin mà đại bản doanh thời ấy ở Đà Nẵng chính là vị trí khách sạn Bạch Đằng bên bờ sông Hàn ngày nay, là người đầu tiên kinh doanh đi lại lên Bà Nà bằng kiệu. Bảng giờ và bảng giá của nhà Morin đi Bà Nà vào những năm xa xôi ấy còn lưu lại thế này : “Đi từ Đà Nẵng : Thứ Ba, thứ Năm, thứ Bảy. Xuất phát bằng ôtô từ khách sạn Morin, lúc 4h30 sáng, đến chân núi lúc 5h30 – 6h, tiếp theo xuất phát bằng kiệu, đến Bà Nà lúc 9h30 – 11h30. Đi từ Bà Nà : Thứ Hai, thứ Tư, thứ Sáu. Xuất phát từ Bà Nà bằng kiệu, lúc 5h sáng, đến chân núi lúc 10h, tiếp theo xuất phát bằng ôtô đến Đà Nẵng lúc 11h-12h. Giá chỗ ngồi : 1 hành khách đi ôtô, mỗi người lớn 2$ (đồng tiền Đông Dương); trẻ em từ 3 đến 10 tuổi 1$; Đầy tớ người bản xứ 0,50$. Đi kiệu: Người Âu: kiệu 8 dân phu 3$20; Trẻ em từ 10-16 tuổi và người bản xứ : kiệu 6 dân phu 2$40; Trẻ em từ 3 đến 10 tuổi: kiệu 4 dân phu 1$60. Giá chuyên chở hành lý: Từ Đà Nẵng đến Bà Nà hoặc từ Bà Nà đến Đà Nẵng : 0,04$ mỗi kilô. Khách muốn đi phải đăng ký trước giờ khởi hành 48 tiếng. Mỗi hành khách có thể đem theo khoảng 30kg. Mỗi chuyến có thể nhận 10 hành khách. Dịch vụ bắt đầu từ ngày 13.5 và kết thúc ngày 15.9...”.

Tính ra chỉ có giới thực nhiều tiền mới đi được, bởi thời giá khi đó giá 1 ang lúa (6kg) chỉ có 5 xu, tính ra gần 4 tạ lúa cho một suất đi lên đến Bà Nà, theo thời giá bây giờ cứ tạm đem nhân cho 4 ngàn đồng mỗi ký cũng phải mất 2 triệu đồng mỗi người. Nay thì 8 người ngồi một khoang cabin cho cái đường dây cáp thép lực lưỡng này nó “kiệu” lên tới đỉnh chỉ mất có 15 phút và 1 trăm ngàn đồng tiền vé đi về cho người lớn, 80 ngàn cho trẻ em. Ba trăm tỷ đồng đầu tư vào những cái “kiệu” lên giời này kể cũng đáng.

... Lâu lâu, những người ngồi trong cabin lại hơi ... thót tim khi mỗi khi đến đoạn lên dốc, thả dốc của đường cáp. Có cảm giác ù tai như đang ngồi trên máy bay. Cây cầu mang tên Debay giờ khuất lấp đâu đó dưới kia. Tôi nhớ từng có vài đêm buốt lạnh ngồi bên Hầm rượu Debay ở khu Bà Nà Bynight gần đỉnh núi. Hầm rượu bằng đá theo lối Pháp với thiết kế kiểu hang động rất kỳ thú được xây từ năm 1923, và được phục chế mở rộng vào năm 2000. Một hầm rượu, một cây cầu ghi công viên đại uý Pháp đã khám phá ra Bà Nà ! Lại nhớ câu chuyện khi nãy với những người vừa làm ra công trình cáp treo kỳ vĩ này. Vũ Huy Thắng – 42 tuổi, giám đốc Công ty Dịch vụ cáp treo Bà Nà, người Hà Nội, kể : “Thật khó để nhớ lại hết những khó khăn trong quá trình khảo sát lắp đặt tuyến cáp treo này. Địa hình dốc, mưa lũ kéo dài, kỹ sư, công nhân phải nằm lại rừng rất nhiều ngày, phải nhờ người dân địa phương giúp tìm vị trí. Để vận chuyển hơn 7.000 tấn vật liệu xây dựng và vật tư thiết bị, trong đó có 380 tấn thép trụ và 116 tấn dây cáp vào sâu giữa rừng núi hiểm trở địa thế ngặt nghèo, trong khi vì lý do giữ rừng nguyên sinh không thể mở đường công vụ cũng là cả một câu chuyện. Phải sang Thụy Sĩ, Áo tìm hiểu cách người ta vận chuyển thiết bị lên núi Alps làm cáp treo thế nào. Không thể mua những thiết bị vận chuyển của họ vì quá đắt, tới 1,5 triệu EUR, nên anh em đã lén “ghi nhớ” vào đầu để về tự chế ra thiết bị dùng cho Bà Nà. Rồi yêu cầu kỹ thuật của quá trình kéo cáp cũng rất ngặt nghèo, khi đỉnh của 22 trụ khi hoàn tất phải nằm trên một đường thẳng dài 5km với sai số không quá … 10 milimét ! Bởi vậy, có những móng trụ phải mất cả tháng trời mới định vị được”. Ròng rã tròn một năm trời thi công lắp đặt, đến 31/12/2008, ca bin đầu tiên được vận hành đúng tiến độ. Doppeelmayr (Áo)- nhà cung cấp cáp treo Bà Nà hiện tại cũng đã từng lắp đặt cáp treo tại Lâm Đồng, Bình Thuận, chùa Hương ..., và đường cáp dài 700 mét từ đồi Vọng Nguyệt lên đỉnh Bà Nà từ năm 2000. Hiện đường cáp Bà Nà cũ đã được gỡ, để chuẩn bị đầu tư lại đường cáp mới hiện đại hơn lên đến hàng trăm tỷ. Đặng Minh Trường - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Dịch vụ cáp treo Bà Nà, một chàng trai sinh năm 1971 quê Hà Nội tỉnh bơ nói với báo giới : “Chúng tôi không khó khăn khi quyết định đầu tư vào Bà Nà”. Sau nhiều thua lỗ, các doanh nghiệp đầu tư vào đây đã rút lui, nhường “sân chơi” Bà Nà lại cho công ty này. Một Bà Nà với những loại hình dịch vụ mới và chuyên nghiệp thực thụ hy vọng sẽ không còn là chuyện xa vời.

... Đã tới đỉnh, từ ca bin phía trước Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết tươi cười bước ra vẫy chào mọi người. Nhớ câu tâm sự khi nãy của ông với mọi người trước lúc cắt băng khai trương dưới chân Suối Mơ, rằng mười năm trước ông đã có một đêm nghỉ tại Bà Nà, thấy mọi chuyện còn khó khăn. Nay thì chuyện người dân và du khách buổi sáng tắm biển, chiều lên Bà Nà hưởng không khí tuyệt với của núi rừng đã thực sự thuận tiện, đơn giản hơn nhiều ...
Bà Nà, 25/3/2009

T.T


NGUYỄN NHÃ

Каталог: files
files -> Sạt-đe rằng: Nầy là lời phán của Đấng có bảy vì thần Đức Chúa Trời và bảy ngôi sao
files -> HƯỚng dẫn càI ĐẶt và SỬ DỤng phần mềm tạo bài giảng e-learning
files -> VIỆn chăn nuôi trịnh hồng sơn khả NĂng sản xuất và giá trị giống của dòng lợN ĐỰc vcn03 luậN Án tiến sĩ NÔng nghiệp hà NỘI 2014
files -> ĐẠi học quốc gia hà NỘi trưỜng đẠi học khoa học tự nhiên nguyễn Thị Hương XÂy dựng quy trình quản lý CÁc công trìNH
files -> PHỤ LỤC 2 TỔng hợp danh mục tài liệu tham khảO
files -> BÁo cáo quy hoạch vùng sản xuất vải an toàn tỉnh bắc giang đẾn năM 2020 (Thuộc dự án nâng cao chất lượng, an toàn sản phẩm nông nghiệp và phát triển chương trình khí sinh học ) Cơ quan chủ trì
files -> BỘ TÀi nguyên và MÔi trưỜng
files -> 1. Mục tiêu đào tạo: Mục tiêu chung

tải về 1.29 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   15




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương