Tập sách được sự tài trợ của ubnd thành phố Đà Nẵng Để Đà Nẵng phát triển nhanh và bền vững



tải về 1.29 Mb.
trang3/15
Chuyển đổi dữ liệu29.07.2016
Kích1.29 Mb.
#9078
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   15

Về trong nỗi nhớ…

1.

Tôi muốn neo lại cái nhìn của tôi, cảm giác của tôi vào buổi mai này, khi đứng bên sông Hàn một ngày cuối hạ, khi chỉ còn mấy tiếng đồng hồ nữa chuyến bay sẽ lại mang tôi ra đi. Kỳ lạ làm sao những khát vọng trong cuộc đời con người, tưởng đã hạnh phúc được đắm mình vào xa rộng những chân trời từng mơ ước, để rồi bây giờ đột nhiên tôi thấu hiểu trái tim tôi, hơi thở tôi, cả những sợi tóc trên mái đầu tôi đều thuộc về nơi này…Ôi Đà Nẵng! Ôi sông Hàn một thời nhỏ dại của tôi!

“…Cuối con đường lấp loáng một dòng sông. Nơi hoàng hôn thả màu chiều xuống cỏ. Mái tóc dài nghiêng bên trang vở. Nơi em thả nỗi buồn cho nước mang đi.” Những câu thơ đầu tiên tôi viết đã nhiều tâm tư với sông, đã tưởng tượng con sông như một người tình… Đó là thời điểm giữa những năm tám mươi, khi người con trai muốn tỏ bày tình cảm với người con gái mình yêu, thường hát theo Lionel Richie trong giai điệu nồng cháy mà êm dịu của bài “Hello…” đắm đuối .Tôi cũng yêu giọng hát Lionel Richie nhưng chưa biết vào quán uống cafe, chỉ biết đắm đuối bởi hoa bồ kết dại hằng đêm thả hương dọc đường Bạch Đằng ven sông từ Cổ Viện Chàm đến cầu chữ T trước toà thị chính… Bờ sông Hàn lúc đó rải rác ghế đá dưới những giàn hoa giấy. Đã có lần trong đêm tôi ngồi cùng anh dưới những chùm hoa rực rỡ ánh ngày, nhìn ra mặt sông đen thẫm, nao lòng bởi một bóng thuyền lặng lẽ trôi xuôi. Sự yên lặng khiến bàn tay muốn tìm hơi ấm bàn tay mà đau đớn không dám chạm vào, bởi biết rằng mình sẽ không thuộc về nhau và ngày mai đã là một ngày khác.
Sông Hàn xưa đẹp nhất vào buổi sáng. Yên bình, thanh thản trong một chút khói sương ngưng đọng trên mặt nước, khoảnh khắc này trôi qua khá nhanh như thể chỉ chờ mặt trời lên là tan biến. Tôi thường đạp xe từ Hoàng Diệu qua Lê Đình Dương, vòng một chút quanh công viên nhỏ trước Cổ Viện Chàm để ra đến bờ sông, gió nhẹ và sự chảy trôi của nước luôn làm thanh lọc tâm hồn con người. Chợ Hàn khi đó có những ma soeur áo choàng đen, khăn đen viền trắng ôm khít khao khuôn mặt dịu hiền đạp xe đi bán hoa. Là hoa cắt trong tu viện Thánh Tâm, thường thấy nhất là hoa bướm đủ màu vàng, tím, trắng… Tôi đã mua hoa cho mình vào một sinh nhật để buồn vì hoa chóng tàn, đêm đó Trúc mang đến tặng ba nụ hồng hái trong vườn nhà, những nụ hồng còn non không đủ sức nở vẫn làm không gian quanh nó phảng phất hương! Thương làm sao, cái thời nỗi lo cơm áo khiến con người không thể dành cho mình những mộng mơ hoa lá, vì cứ thấy có lỗi với những nhọc nhằn của cuộc sống chung quanh.
Giờ sông Hàn xưa vẫn còn nguyên thương nhớ trong lòng người đi xa, nên không thể không ngạc nhiên trước rực rỡ sáng trưng của một bờ sông luôn náo động âm thanh, đông đúc người xe, rộn ràng nhịp sống. Một sông Hàn trẻ trung, hiện đại với cây cầu quay nổi tiếng nối hai bờ làm nên sự thay đổi kỳ diệu cho những người dân xóm nhà chồ bên khu Bạch Đằng Đông… Mà đâu chỉ thêm một cầu quay, bên cạnh cầu Nguyễn Văn Trỗi, cây cầu xưa cũ nhất, sông Hàn còn có thêm cầu Trần Thị Lý (nâng cấp từ cầu đường sắt xưa), cầu Tuyên Sơn, cầu Cẩm Lệ, và hoành tráng nhất phải nói đến là cầu Thuận Phước (đang được xây dựng), cây cầu vòng cong trên mây,nằm ở hạ lưu sông, nơi gặp gỡ của sông và biển, nối liền cảng du lịch Thuận Phước với cảng Tiên Sa…

Bến phà xưa đã không còn để những học trò nghịch ngợm xuống phà mà không qua bờ Đông, cứ ngồi mãi tất tả theo con phà qua lại hai bờ, nói cười chọc phá nhau, nhìn bầy cá bạc bơi theo rỉa những rong rêu bám dưới hông phà…Tiếng cười nắng vỡ như vẫn còn lăn lăn mãi trên mặt nước sông Hàn hôm nay…

2.

Một vòng Đà Nẵng của chúng tôi không thể không qua đường Trần Phú, con đường song song và ngược chiều với Bạch Đằng, con đường êm nhất của Đà Nẵng xưa. Thật khó hình dung những năm học cấp III ở trường Phan Châu Trinh chúng tôi đã từng học quân sự trên đoạn đường này. Những lăn, lê, bò, toài, cùng đi đều, ngắm bắn, ném lựu đạn đều đã diễn ra ở đây. Nhớ lại để thấy một Đà Nẵng vắng vẻ, thơ mộng với những con đường nhiều bóng cây xanh. Đường Lê Lợi nhiều phượng. Đường Hải Phòng có cây điệp bông vàng. Đẹp nhất là hai hàng kiền kiền trên đường Thống Nhất (nay là đường Lê Duẩn). Mùa hạ lá rụng vàng mặt đường, lá khô cong vỡ rào rạo dưới mỗi bước đi. Những chiếc lá thường được Trúc nhặt viết vài câu vu vơ rồi ép vào vở. Ôi “…ngày xưa, ngày đó, ngày xanh lên khung trời.” Có bao nhiêu yêu dấu ràng buộc trái tim con người đã bắt đầu từ những con đường “nằm nghe bước chân qua” ấy.



Chiều hôm trước tôi đã vào thăm trường cũ, biết nơi này đang chờ ngày san phẳng để một ngôi trường mới được mọc lên. Một ngôi trường cao tầng với nhiều phòng học nhiều cửa gương cùng nhiều trang thiết bị hiện đại…Đó là điều đáng vui mừng, nhưng sao những giọt nước mắt không kìm chế được vẫn ứa ra trên mi mắt tôi. Là vì ích kỷ muốn lưu giữ hoài hình như thân thương ngày cũ, hay vì tôi đang cô đơn đối diện với tôi xưa. Bức tượng nhà chí sỹ Phan Châu Trinh vẫn cái nhìn nghiêm nghị, khảng khái. Những gốc kiền kiền cổ thụ vẫn chạy những chiếc rễ khổng lồ loằng ngoằng trên sân đá. Vẫn không gian ngày đó nhưng sao tiêu điều tàn tạ. Tôi để nước mắt rơi trên lối hành lang đã không còn những viên gạch vẹn nguyên, nghe tiếng nói cười của mình xưa ngây ngô khờ dại. Bóng dáng thầy cô, bè bạn về trong nhớ thương hun hút.

Nhớ nhất là thầy Ngôn khắc khổ, mỗi giờ văn vắt kiệt mình cùng tác phẩm, cố không nghĩ về người vợ bán thân bất toại và gia cảnh nheo nhóc ở nhà. Thầy là người khiến tôi phải khóc cười trong mê mải văn chương. Cùng thầy tôi đã run rẩy theo vó ngựa tàn bạo của quân Mông Cổ xưa, đã mềm lòng với tiếng thở dài Mỵ Châu rối bời lông ngỗng trắng, đã xót đắng “Em như quả ớt chín cây, càng tươi ngoài vỏ càng cay trong lòng”… Sau này thầy bỏ nghề đi làm mộc để nuôi sống gia đình nhưng những ấm áp, nghĩa tình, những đam mê mây gió thầy nhóm lên trong mỗi đứa học trò chúng tôi thì còn mãi.


Nhớ nữa là Quỳnh, người bạn vĩ cầm, tóc tém, mắt một mí mê hoặc cả lớp bằng réo rắt Hạ Trắng một đêm trại, sân trường đầy sao…
Phòng học này, trong đau đớn chúng tôi đã xé những mẩu vải tím cài lên áo trắng để cùng để tang cho Nguyễn. Nguyễn chết bên biển sau khi tỏ bày tình cảm với cô giáo thực tập chủ nhiệm lớp…và bị từ chối! Tình yêu kiểu thần tượng của học trò đó, đã trở thành một ám ảnh trong chúng tôi, bởi Nguyễn đã trả một cái giá quá đắt. Đó cũng là chuyện đầu tiên khiến tôi nghĩ ngợi, để biết rằng yêu là phi lý là nghiệt ngã, là đau đớn, là chia ly không hẹn trước …
Như anh và tôi! Tôi nhớ anh cao gầy, lơ ngơ mắt kính cận…đếm những bước dài trong con hẻm, đếm những thanh tà vẹt trên đường ray xe lửa mỗi tối đến nhà tôi chi. Có một trăm năm mười bảy thanh nếu đi kiệt mười hai, và chỉ có mười hai thanh nếu đi kiệt tám. Tôi luôn cười vào sự chính xác ngớ ngẩn đó. Để làm gì? Để nếu đánh rơi kính anh vẫn đến được nhà em. Đường ray xe lửa bây giờ là đường Nguyễn Hoàng, những ngôi nhà lên tầng vội vàng như vẫn chưa hết ngỡ ngàng vì sự đổi đời đột ngột. Chỉ có tôi lẩn thẩn hoài nhớ tiếng còi tàu những khuya mất ngủ, và vẹn nguyên là hình ảnh chiếc đèn pha phía đầu máy rọi ngược ánh sáng lên cây ô môi đang kỳ nở bông, hồng rực như cây san hô dưới đáy đại dương huyền ảo.
Anh đã không đánh rơi kính nhưng chúng tôi vẫn chẳng giữ được nhau. Tôi nhớ anh trong đêm cuối tháng chạp, chúng tôi ngồi canh lửa nồi bánh tét, chuyện trò, đàn hát… Gần sáng anh cứ ngồi thế mà thiếp đi…Tôi đi pha trà, lấy mứt gừng, chờ ngày rạng để nghe anh thú nhận đã ngủ thật ngon! Rất nhiều năm sau, khi ngủ bình yên bên cạnh người tôi yêu, tôi mới hiểu được niềm hạnh phúc trong lời anh nói và luôn ân hận vì đã đi qua một tấm lòng…Thôi đừng yếu mềm, Nguyên Sa viết: “Tất cả những gì nguyên lành đều xây trên một chút gì đổ vỡ…” Hạnh phúc nguyên lành, hay ngôi trường mới nguyên lành cũng vậy thôi. Ngày sau về Đà Nẵng tôi vẫn sẽ đến đây cho dù không còn cảnh cũ người xưa…

3.

Ngõ Cát là tên con hẻm nhỏ nhà tôi do bạn bè đặt, là thích gọi vậy thôi, chứ muốn sục chân vào cát thật sự chúng tôi phải qua biển. Gần nhất là bãi Thanh Bình nằm cuối đường Ông ích Khiêm, thường dành cho bọn trẻ con vì nước cạn, ra xa đến mấy chục mét, nước vẫn chỉ lên quá thắt lưng. Người lớn không thích biển cạn một phần, phần nữa sợ dơ do cống rãnh của khu dân cư quanh đó đổ về . Vả lại cảnh quan của bãi tắm cũng luộm thuộm bởi nhà ở, quán hàng lụp xụp nối nhau…Cái nghèo khó lộ ra trên từng tấm ván ép mục nát, từng miếng tole thủng không đủ sức che chắn gió mưa, từng dây phơi áo quần cũ kỹ . Cả bải biển dài chỉ có một toà nhà có vẻ khang trang, đó là khách sạn Thanh Bình, nhà nghỉ công đoàn thành phố. Mặc kệ hết, lũ trẻ chúng tôi khi đó chỉ biết ùa vào biển. Sóng vỗ bờ, trùm phủ bọt trắng lên những thân hình đen nhẻm, hét cười, vốc cát ướt xây lâu đài, sung sướng vô lo…


Biển Thanh Bình bây giờ nối dài ngút ngát trong vòng cung biển Liên Chiểu- Thuận Phước từ cửa sông Hàn đến quốc lộ 1 sát chân đèo Hải Vân. Đường rộng thênh thang, lâu đài, biệt thự, lá hoa rực rỡ. Người xa tìm về thân quen biển cũ còn chăng là khách sạn Thanh Bình nâng cấp sang trọng thành nơi lý tưởng cho ai muốn dừng chân nghe biển thở suốt đêm.
Lớn lên một chút, không còn thích xây lâu đài trên cát, chúng tôi thường rủ nhau qua Mỹ Khê hoặc đi xa hơn đến Sao Biển… ở đấy có bờ cát rộng, có rừng dương vi vút… Ngoài xa kia đại dương thăm thẳm ngút ngàn ẩn giấu bao điều bí mật. Nhiều lúc không tắm, chúng tôi ngồi hàng giờ nhìn những bức tranh núi sóng biển đã vẽ trên cát sau mỗi đợt vỗ bờ, nghe trong lòng thức dậy nhiều khát khao, mong ước. Một truyền thuyết cổ kể rằng nếu tặng cho biển một món quà vào đêm trăng biển động, biển sẽ yêu và không ngớt gọi tên mình. Chúng tôi đã lén ra biển, hồi hộp viết tên mình trên cát, ném chiếc vòng đá Non Nước màu hổ phách vào con sóng hung dữ nhất, rồi chờ mưa và thuỷ triều xoá nhoà những con chữ run run…Tin rằng biển đã nhận tên mình! Từ đó đi đến đâu tôi cũng nghe trong gió, trong sóng, trong u u tù và vỏ ốc tiếng gọi trở về…

Trở về để thấy ngõ Cát nhà tôi xưa đã không còn cát, cũng không còn hàng dương liễu rắc những cọng lá dài dày êm dưới bóng mát và tiếng gió ru. Phố phường bây giờ chật hẹp, đất đai mua bán được đo đếm, tính toán từng mét vuông, nhà cửa tầng chồng lên tầng ngộp thở, còn đâu không gian để thênh thang tiếng cười của Trúc. Trúc ngày xưa hát tình ca Ngô Thuỵ Miên những buổi trưa mộng mị trong tiếng reo dương liễu cũng đã xa lăng lắc một góc trời phiêu bạt. Người đàn bà áo đen tóc ướt đi dưới mưa trong tưởng tượng “…nhạc chiều lang thang rũ xanh, từng giọt mưa rơi ướt trên cung đàn.. ” của Trúc còn trẻ mãi hay đã già đi như ngôi mộ cổ bên bụi duối âm u. Ngôi mộ cổ Ngõ Cát vẫn còn và đã được công nhận là di tích văn hoá, nhưng không còn đứa trẻ nào tin rằng dưới bụi duối đang chật vật ra những trái vàng nhỏ xíu kia, có hai con rắn canh giữ kho báu! Vào những hoàng hôn nếu kiên nhẫn và thận trọng ta có thể nhìn thấy chúng thể hiện nghi lễ trung thành trong một vũ điệu tuyệt vời…


Ngày xưa chúng tôi đã tin thế, như tin vào lời biển gọi, tin vào những giọt mồ hôi rịn ướt vũ nữ Apsara trong Cổ Viện Chàm. Lòng tin hồn nhiên, trong trẻo để với chúng tôi cuộc đời luôn thiêng liêng, đáng sống, để chúng tôi đi qua bằng những bước trân trọng, hàm ơn…

4.

Đà nẵng xưa đã vươn vai Phù Đổng. Gần hai mươi năm xa, với những chuyến đi về thăm viếng, tôi luôn ngưỡng mộ trước sự thay da đổi thịt nơi này …Những con đường, những khu đô thị mới đã xoá lấp bao u ám của những cảnh đời nghèo khổ xưa kia. Thay đổi của Đà Nẵng ở rất nhiều nơi là sự đổi thay dâu bể, là phá bỏ cái cũ để làm lại cái mới một cách toàn diện. Những người mới đến Đà Nẵng làm sao tưởng tượng được con đường Lê Đình Lý, trục giao thông Bắc Nam to đẹp với biệt thự, chung cư, nhà hàng ngày đêm rộn ràng, tấp nập lại là bàu Thạch Gián xưa kia. Cũng làm sao hình dung được khu đất đẹp như trong mơ ước, nơi đang chờ thực thi dự án Biệt Thự Đảo Xanh soi bóng xuống sông Hàn, trước đây ruộng cạn bùn lầy, nhếch nhác, bẩn thỉu…Và rừng bạch đàn Tuyên Sơn cũng đã thôi xào xạc lá, thay vào đó là ngay hàng thẳng lối những biệt thự và chung cư cao tầng, đang chờ ngày đón đưa bao tuyển thủ quốc gia, trong những ngày hội thể thao lớn của thành phố…Biển xanh đã thành ruộng dâu nhưng không làm nên nước mắt. Có chăng chỉ là nước mắt của lòng sung sướng tự hào. Điều đó có thể đọc được trên nét mặt, trong câu chuyện của những người dân Đà Nẵng hôm nay, khi họ không đứng ngoài cuộc, khi mỗi thay đổi của thành phố quê hương đều có sự nỗ lực tham gia của họ.


Rời sông Hàn theo vòng xe cũ tôi lại về Cổ Viện Chàm…Màu vôi vàng, bức phù điêu, những pho tượng thấp thoáng sau hàng sứ già trầm tư đang mùa thay lá. Không gian u tịch luôn thêu dệt trí tưởng tượng cho người... Nơi này từng là sân chơi của chúng tôi, trốn tìm, nhảy dây, xỏ hoa sứ thành chuỗi đeo lòng thòng trước ngực… Bây giờ Cổ Viện Chàm kín cổng cao tường, vé tham quan được tính bằng đô la Mỹ…Có ai còn xót xa nhớ những năm tám tư, tám lăm khuôn viên u tịch nơi này được sử dụng làm quán café, sinh tố…để xô bồ người mua, người bán, để đêm ngày cả thần cả đá đều ong ong u u tiếng hát Nhã Phương…Ôi chao là kỷ niệm , sao cứ buộc tôi luẩn quẩn mãi trong khu rừng nhớ thương. Đà Nẵng đã theo thời gian mà hưng thịnh. Mỗi năm xa mỗi khác. Mỗi lần về mỗi cảm phục, mừng vui. Và nhớ thương trong tôi phải chăng thường tình kiếp người, khi ngắn ngủi tháng ngày gặp gỡ, mà khát khao gần gũi lại quá rộng dài! Rồi sẽ còn bao vật đổi sao dời, bao đèn điện cửa gương cao ốc…những góc phố quen có thể rồi mất để Đà nẵng theo kịp Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh…Nhưng mất làm sao thời gian ta đã sống, những vô hình, hữu hình đã tạo nên chính bản thân ta…Đà Nẵng với tôi mãi là ấp Tara để mỗi lúc cô đơn, vấp váp, yếu lòng… tôi lại như Xcarlet tìm về, để được yêu thương, để có thêm sức mạnh, để rồi lại bước đi trong cuộc đời bằng đôi chân và trái tim của một người vững vàng hạnh phúc. Mà làm sao không hạnh phúc khi vẫn còn một ni ấm áp chờ đợi ta, một bến bờ yên bình để đến, một thành phố với ngàn ngọn đèn hắt lên trời quầng sáng màu sửa loãng…Phía ấy có sông Hàn…

Đ.T.N.T


TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG
Từ Đà Nẵng đến Tam giác vàng

Người Đà Nẵng đi du lịch qua Hành lang kinh tế Đông Tây nay ít chọn tuyến đến Bangkok hoặc Pattaya. Giám đốc công ty Du lịch Vitours tại miền Trung cho rằng các tour ấy đã bảo hòa. Một hướng dẫn viên du lịch bổ sung: “Những bất ổn xã hội ở Thái cũng là lý do khiến nhiều du khách Việt ngần ngại!”. Vậy là Vitours phối hợp với 80 công ty lữ hành trong cả nước và 28 đối tác ở Thái Lan, Lào, Campuchea tổ chức khảo sát tuyến mới. Từ “9 ngày thăm 9 chùa với 9 niềm hy vọng” đến “Khám phá Tam giác vàng” ... đã được tổ chức. Và người viết đã được mời tham dự.



Hành trình gột rửa bản thân

Đó là chặng đường dài trên 3000 cây số cả đi và về trong thời gian 7 ngày và 6 đêm. 90 người là giám đốc, cán bộ điều hành của các đơn vị lữ hành, khách sạn tuy khá vất vả do đường dài và thời gian gấp gáp cho một chuyến khảo sát, nhưng ngược lại khá vui vì thỏa mãn được cả nhu cầu tự thân. Họ từng tổ chức cho hàng vạn khách hàng đi du lịch, nhưng với họ một chuyến đi lại rất khó thu xếp.

Tôi nói ai cũng vui, vì hành trình là một cuộc hành hương đến những miền đất thấm đẫm những dấu ấn tâm linh. Mà chìm đắm vào những đền chùa u tịch, linh thiêng có tuổi thọ hàng trăm năm, ai cũng cảm thấy như được gột rửa được tâm hồn mình sau những tháng năm dài vật lộn với cuộc sống.

Vừa đến xứ Lào, tiếp xúc với những bản làng đầu tiên là đã gặp chùa. Chùa lớn và chùa nhỏ, tùy theo hoàn cảnh kinh tế của địa phương. Người Lào và người Thái đi tu ở chùa như chúng ta đi nghĩa vụ. Anh con trai nào đi lấy vợ mà chưa đi tu vài năm ở chùa, sẽ bị từ chối! Người hướng dẫn viên của chúng tôi bảo rằng anh con trai đó chưa đủ điều kiện để trưởng thành và trở thành người đàn ông tốt. Nhưng ai theo đạo Phật mà chưa vào That Inghang- thánh địa Phật giáo Đông dương ở ngoại ô Savannakhet thì cũng chưa biết hết sự huyền nhiệm của đạo giáo. Người ta kể rằng ngôi tháp cao ở đây thờ xá lợi của một vị tổ sư đã thăng thiên trong lúc ngồi thiền ngay dưới chân cây Hang cổ thụ, đến nay đã ngót 2000 năm. Một tài liệu khác cho rằng, đây chính là nơi ghi dấu đức Phật ngày xưa đã từng dừng chân trên đường hành hương đến thăm vương quốc Triệu Voi. Toàn bộ chùa-tháp đã được trùng tu lại vào giữa thế kỷ 16 và tất cả hài cốt của những tu sĩ viên tịch từ trước đến nay đều được thờ trong những tượng phật đặt sát nhau trong những dãy nhà chung quanh đền. That Inghang thiêng liêng nên bất cứ du khách nào qua đây để xin cột chỉ tay cầu phúc và thắp hương ở đài Xá lợi để mong được Phật độ trì.

Trên suốt lộ trình trên đất Thái, chúng tôi còn đến các chùa lớn ở các tỉnh Chiang Mai, Chieng Rai, Phisanulok, Lam Pang, Khon Kean như chùa Wat Yai, Wat Mahathat, Rongkhun, Phathat Kham và cả chùa mới trong khu Tam giác vàng nổi tiếng. Có những ngôi chùa tồn tại hơn 800 năm, từ thời đế chế Khmer còn tồn tại ở miền Bắc Thái Lan như chùa Mahathat ở cố đô Sukhothai, hoạc những ngôi chùa vừa mới xây dựng hơn 10 năm qua như chùa bạc Wat Rongkhun nhưng đã thu hút đến 5 triệu du khách đến hành hương mỗi năm. Người dân Thái Lan cũng như người Lào đều coi tu Phật và phụng sự Phật pháp là lẽ sống, là con đường duy nhất để làm cho tâm hồn thanh sạch, không tỵ hiềm. Có lẽ vì vậy, đi đến đâu ta cũng thấy họ chào đón, giúp đỡ rất thân thiện. Một cảnh sát bất ngờ có mặt kịp thời ở ngoại ô Phisanulok và hướng dẫn chu đáo khi thấy xe của chúng tôi bị hỏng máy dọc đường. Một bảo vệ khách sạn ở Lampang thấy khách qua đường khó nhọc vì xe cộ đông, đã nhanh chân chạy ra giúp đỡ. Một thanh niên chạy xe ngựa hay một nhạc công đang biểu diễn nhạc cụ dân tộc để quyên tiền xây dựng chùa ở Lampang sẳn lòng hướng dẫn cho khách biết công việc của mình hay chụp ảnh chung mà chẳng đòi hỏi thù lao...

Ngay cả cái chấp tay cúi đầu chào người khác của họ, vẻ thành kính khi đứng trước đấng chí tôn như cũng xuất phát từ đáy lòng. Điều ấy trái ngược với nhiều du khách với những động tác chiếu lệ, giả dối!

Tôi không theo đạo Phật, nhưng trên suốt hành trình đã nhận ra những điều quý giá đó.

Thương hiệu” Tam giác vàng

Vua ma túy Khun Sa nổi tiếng toàn thế giới cho đến thập niên 90 của thế kỷ trước với 15 ngàn binh sĩ có trang bị cả tên lửa và mỗi năm cung cấp “cái chết trắng” trên 60% thị phần toàn cầu. Dưới danh nghĩa đấu tranh dành quyền tự trị cho bộ tộc Shan ở Myanmar, người con trai của vị tướng Quốc dân đảng Trung Hoa lưu vong này đã trở thành một bạo chúa đồng thời là tội phạm truy nã toàn cầu với giá tiền treo thưởng lên đến nhiều triệu USD. Cuối những năm 90, ông ta ra đầu hàng chính phủ Myanmar và đến năm 2007 đã qua đời vì bạo bệnh tại thủ đô Yangoon.

Khun Sa không còn, nhưng một vùng tam giác rộng lớn giáp giới 3 nước Lào- Thái-Myanmar đã trở nên nổi tiếng khắp năm châu. Và một nước có tiếng với nền công nghiệp du lịch như Thái Lan và cả Myanmar đã không bỏ qua cơ hội này: Xây dựng cây cầu Hữu nghị nối liền 2 tỉnh Mea Sai và Chiang Rai giữa hai nước, biến Tam giác vàng thành một điểm du lịch, giải trí hấp dẫn. Một bảo tàng sản ma túy đã được thành lập với mô hình thể hiện quá trình sản xuất, chế biến chất gây nghiện (nhưng không được chụp ảnh!), một khu resort 5 sao mang tên Golden Triangle cùng nhiều nhà hàng, khu bán đồ lưu niệm mọc lên nhanh chóng. Bên phía Mea Sai của Myanmar là các khu giải trí cao cấp và cả một casino luôn tấp nập. Cùng đó là một ngôi chùa đồ sộ với tượng Phật bằng đồng, các tượng voi được xây dựng tại bản Therd Thai tại ngã ba sông Ruek và Mê Kong, làm nơi hành hương cho du khách ngay tại biên giới của ba nước. Phía Lào, bên kia sông Mê Kong nay cũng trở thành điểm du lịch và các dịch vụ đưa du khách qua lại sông Mê Kong bằng ca nô máy khá nhộn nhịp...

Đã có hơn ba triệu du khách năm châu đến Tam giác vàng trong năm 2009 bất chấp những bất ổn chính trị ở miền Nam Thái Lan và Bangkok. Những con đường mở rộng đến 4 làn xe đã được người Thái đầu tư nối dài từ Chiang Rai lên (khoảng 80 km). Nhờ danh tiếng Tam giác vàng, giờ đây thành phố Chiang Rai lại có thêm những cái tên hấp dẫn: “Thành phố Thiên thần” hay “Thành phố của nụ cười” luôn đông nghẹt khách du lịch Âu-Mỹ hàng đêm. Thu nhập từ du lịch và dịch vụ đang làm thay đổi từng giờ cuộc sống ở Tam giác vàng và các vùng phụ cận...
Chúng tôi chia tay Tam giác vàng và về nghỉ đêm tại thành phố Chiang Mai, cách đó 180 km. Những khu rừng gỗ Teak bạt ngàn hai bên đường. Thỉnh thoảng là những bảng cảnh báo voi rừng và nai. Chứng tỏ tài nguyên thiên nhiên ở xứ Chùa Vàng được gìn giữ, bảo vệ hết sức chu đáo trong khi thực hiện mục tiêu phát triển du lịch. Thành phố Chiang Mai hầu như không ngủ với mọi loại dịch vụ, giải trí. Những cô gái mặc áo nửa ngực cười nói trong những quán bia bên đường. Một chợ đêm Seang Khampheang sầm uất đông đặc khách Âu Mỹ. Và vẫn u trầm những tường thành và kênh nước cổ Kum Kam cách đây 7 thế kỷ. Cái xô bồ của cuộc sống hiện đại đan xen với những di sản của lịch sử.
Bất ngờ ở Chiang Mai

Để kết thúc bài viết cho một chuyến đi, tôi ghi lại đây những câu nói bất ngờ của người lái xe tên Tink đưa chúng tôi lên thăm chùa Prathat Doi Suthep trên độ cao 1.600 mét ở ngoại ô Chiang Mai, khi biết chúng tôi là du khách đến từ Đà Nẵng: “Các anh bây giờ sung sướng hơn chúng tôi vì không sống trong cảnh bất ổn liên miên như Thái Lan hiện nay. Việt Nam, Đà Nẵng sẽ vượt lên người Thái vì điều đó. Tôi cũng đến Đà Nẵng năm ngoái để xem thi bắn pháo hoa và thường gặp nhiều người Việt hơn đi du lịch sang Thái Lan, nên hiểu là đất nước các anh sẽ phát triển nhanh và sẽ vượt qua người Thái...”.

Chúng tôi cám ơn người lái xe vì những tình cảm tốt đẹp và bất giác cảm thấy xúc động khi nhìn vẻ mặt nghiêm trang và cái chấp tay chân thành của anh lúc đưa chúng tôi về khách sạn Star.Cái chắp tay ấy còn kèm theo những lời dặn cẩn thận về giá cả ở chợ đêm Chiang Mai cùng số điện thoại để gọi anh giúp đỡ khi cần...

Sau khi chia tay Tink, tôi nhớ lại lời của họa sĩ tài danh Chalermchai, người đã bỏ tiền ra xây ngôi chùa bạc Rongkhun nổi tiếng ở Chiang Rai mà chúng tôi vừa đến thăm hôm trước: “ Tiền bạc, của cải là phù du; cả thân xác hữu hạn của ta cũng vậy. Tiền bạc chỉ có giá trị khi nó góp phần làm cho tâm hồn và những giá trị tinh thần của chúng ta trở nên phong phú”. Rõ ràng cái chắp tay xuất phát từ đáy lòng của người lái xe xứ Thái và câu nói của danh họa Phật giáo Chalermchai có điều gì đó như sự tương đồng trong cái nhìn của một du khách đến từ Đà Nẵng, là tôi.


T.Đ.T

NGUYỄN THỊ THU SƯƠNG



Khung nhạc xuân

Một lần ở Bà Nà tôi nhận ra một nghịch lý: không phải cái gì cũng sâu sát mới rõ, thậm chí ở điều rất bình thường. Khi ấy chúng tôi cùng Hideyuki Kamimera và Hironari Kanamori, hai chuyên gia của dự án MAHASRI (Monsoon Asian Hydro-Atmosphere Scientific Reseach and Prediction Initiative nhưng chủ dự án bỏ chữ P để thành Mahasri, tên vinh dự của một nữ thần Ấn Độ), dự án hợp tác Việt - Nhật nghiên cứu gió mùa Châu Á trong đó dự kiến Bà Nà là điểm đo khí hậu tự động. Tháng Mười nhưng trời trong như ngọc mây trắng như bông. Lên cao không khí càng tinh khiết, chân mây như lớp rèm bằng voan nhẹ đưa cùng gió. Gần trưa nhưng ẩm ướt, mát dịu. Trên trập trùng núi, phía dưới thành phố ngập nắng lung linh, xa xa biển xanh sóng trắng. Không có phiên dịch, chúng tôi nói với nhau bằng vốn tiếng Anh ít ỏi nhưng chỉ gương mặt Kanamori cũng đủ nói lên sự thích thú trước cảnh sắc Bà Nà. Kamimera trầm tĩnh hơn, cứ lặng nhìn trời đất.

Công việc kết thúc khi hoàng hôn xuống. Chúng tôi về nghỉ tại khách sạn Lệ Nim, khu cao nhất Bà Nà. Đang chuyện trò bên bàn ăn thì điện tắt phụt. Quản lý khách sạn báo mất điện với ai đó qua điện thoại trong khi cô lễ tân châm nến và đưa cho chúng tôi, mỗi phòng một cây. Mấy cô cậu trẻ chậc lưỡi tiếc lỡ tập phim, trận bóng khuya… Tôi nhớ thời bao cấp điện cúp liên tục, ngày nào không là được ân sủng. Trụ điện thì thấp tè, nghiêng vẹo, chằng chịt dây vậy mà có thành ngữ “đứng đắn như trụ điện”!

Để dành nến khi về phòng, chúng tôi lên sân thượng. Sương mù như tấm kính mờ khổng lồ vừa được dựng lên, ánh đèn ngay dưới ban công cũng đùng đục màu nước lũ. Mỗi khi màn sương dạt theo gió, thành phố dưới chân núi hiện ra như một khối kim cương khổng lồ, lấp lánh. Ánh điện hắt lên soi rõ mặt người trên độ cao gần ngàn rưỡi mét. Mấy cô cậu trẻ reo như bắt được vật quý. Cô lễ tân nói tối nào cũng được ngắm nhìn nên sau bão Xangsane, thành phố chìm nghỉm trong đổ nát và Bà Nà chìm trong màn đêm đúng nghĩa, tối như mực. Mỗi tối thêm một khu vực có điện là thấy thành phố đang sống lại từng phần, từng phần...

Tôi không được chứng kiến cơn bão đổ bộ vào Việt Nam lớn nhất từ trước đến nay vì đang dự trại viết Miền Trung và Tây Nguyên ở Phú Yên. Không chỉ tôi và Hồ Đình Nam Kha của Đà Nẵng mà cả trại viết cứ dán mắt vào tivi chờ tin từng giờ. Tôi sợ nhất là các cuộc gọi vang lên tín hiệu không liên lạc được. Nhiều số máy mà mấy ngày sau vẫn bặt vô âm tín, mãi chúng tôi mới biết là do loại máy có nguồn pin nhỏ, không có điện để xạc.

Cái lạnh theo màn đêm đặm lại. Chúng tôi về phòng. Không gian tĩnh lặng, ánh nến lung linh nhưng vẫn thấy thiếu hụt một chương trình thời sự, một game show quen thuộc. Bỗng điện bừng sáng, tiếng reo cười rồi tivi vang lên. Điện được sửa chữa thế nào trong điều kiện núi dốc như thế nhỉ?

Anh Lê Văn Thuận, Chi nhánh trưởng chi nhánh Điện Khu vực II, khu vực có đường điện Bà Nà nghe tôi hỏi vậy, cười: cáp treo Bà Nà đang giữ hai kỷ lục Ghi-nét thế giới: tuyến cáp treo một dây dài nhất và có độ chênh lệch ga trên và ga dưới lớn nhất, có nghĩa đường điện cũng ăn theo kỷ lục đó. Nhưng không thể leo núi sửa chữa trong thời gian ấy, ít nhất phải một buổi. Đấy là do chim đậu gây ngắn mạch, nhảy máy cắt. Tổ khắc phục sự cố kiểm tra trạm biến áp An Lợi dưới chân núi Bà Nà thấy chỉ mất một pha, có khả năng khôi phục được nên Điều độ Công ty cho phép đóng mạch. Anh Thuận nói sự bình yên, non nước hữu tình và nằm trên con đường di sản văn hóa miền Trung mà nhiều sự kiện trọng đại được tổ chức tại Đà Nẵng và vì thế Điện lực Đà Nẵng được ăn theo trách nhiệm! Khu vực Chi nhánh II quản lý có khu công nghiệp Hòa Khánh, khu công nghiệp Thanh Vinh, khu du lịch Bà Nà - Suối Mơ. Nhánh Hải Vân có trạm Vi-Ba, Đài Thông tin Duyên Hải cứu hộ cứu nạn trên biển của miền Trung, trạm tiếp sóng Mobifon, VNPT… là những nơi cần nguồn điện liên tục. Khi các phương tiện thông tin đại chúng đưa tin cuộc thi bắn pháo hoa Quốc tế và khánh thành cáp treo Bà Nà với hai kỷ lục Ghi-nét vào ngày 27/3/2009 nhưng trước đó, ngay sau tết Nguyên Đán, cán bộ và công nhân Chi nhánh đã được Ủy Ban Thành phố gặp mặt đưa ra kế hoạch giải tỏa hành lang an toàn cho cáp treo. Chi nhánh đã cắt điện để giải tỏa mặt bằng và có điện cho sản xuất ở khu công nghiệp Thanh Vinh và mỏ đá Sơn Phước, nơi cung cấp đá làm đường. Trực chiến 24/24 và hoàn thành đúng kế hoạch. Không chỉ vậy, anh Thuận nói, ngày Thế giới không dùng điện đúng vào ngày Đà Nẵng thi bắn pháo hoa Quốc tế, vì vậy chúng tôi chỉ cắt điện cục bộ, những nơi không ảnh hưởng đến lễ hội, nhắc khách hàng giảm số đèn dùng cho biển trang trí, quảng cáo. Không ngờ dung lượng điện giảm 10MGW/145MGW so với hàng ngày!

Bạn bè tôi ở nhiều tỉnh về xem thi pháo hoa Quốc tế đều tấm tắc thành phố trẻ, năng động. Họ rất ấn tượng bởi thành phố không có người ăn xin, đi đầu trong nâng chuẩn người nghèo, nhiều công trình giữ những con số độc đáo. Đường phố rất đẹp, rực rỡ ánh điện…

Anh Thuận nói địa bàn chi nhánh nhỏ nhưng nhiều đặc thù, núi cao luôn có sương mù, có mưa là có lũ trong khi tiêu chí “giữ bình yên dòng điện” bao hàm vận hành an toàn (cho người và thiết bị) và tin cậy (liên tục, không bị gián đoạn). Các loại sự cố thường xảy ra theo mùa. Quý I thời tiết ôn hòa, sản xuất ít nhưng dân cư tập trung về ăn Tết đông, điện sinh hoạt lớn. Lúc này cũng là mùa chim làm tổ, bay về nhiều và đặc biệt chúng thường đậu vào mỏ phóng gây ngắn mạch, nhảy máy cắt. Quý II sản xuất tăng, thành phố vào kỳ chỉnh trang, xây dựng nên bụi bám đường dây gây dẫn điện, mưa dông thường làm sứ nứt vỡ do nhiệt độ thay đổi đột ngột. Rồi phụ tải tăng cao do nóng, không vệ sinh, bảo dưỡng đường dây, đặc biệt là các vị trí có lắp đặt đo đếm cao áp sẽ dễ dẫn đến cháy kẹp đai nối hoặc quá tải biến áp. Mùa thu Đà Nẵng vẫn nóng, sinh viên các trường đại học tựu trường. Mùa đông mưa dầm, bão lũ, cây ngã vào đường dây, đổ trụ. Cho nên hết phát quang, kiểm tra cổ sứ, tần suất ngày và đêm, sơn tủ điện, thí nghiệm định kỳ các trạm biến áp, đo nhiệt độ tiếp xúc mối nối với các XT (điểm xuất tuyến)… Coi như tứ quý, chưa nói đường điện còn nhiều việc phải làm để bảo đảm kỹ, mỹ thuật.

Anh Sơn, phó chi nhánh nói: 4 xã núi và ven núi, Hải Vân đệ nhất hùng quan, Bà Nà đứng đầu độ chênh trong Ghi-nét, khu công nghiệp và nơi đông dân như Hòa Khánh - Liên Chiểu nhưng chỉ có 20 người vừa quản lý vừa xử lý sự cố. Không chỉ khó khăn trong vận hành và bảo dưỡng, điện lực là ngành kinh doanh rất đặc biệt. Bán điện nhưng không có việc tiền trao cháo múc mà tiền chưa trao đã mời “ăn”, cả tháng sau mới xin tiền. Vậy mà nhiều khi bị mắng vốn, điện quá tải, át-tô-mát tự cắt cũng bảo ngành điện tùy tiện. Có trường hợp cắt điện vì sau khi gửi thông báo cắt điện vẫn không đến nộp tiền, thế là gọi điện về chi nhánh la om sòm rồi đe “báo sở” rồi “điện lực độc quyền” trong khi giá điện nước ta vẫn thấp nhất trong khu vực, ở nông thôn vẫn dưới giá thành… Có khách hàng mỗi tháng cả tỷ đồng (khu công nghiệp) vẫn ngâm nợ, phải nói nhẹ, chủ nợ nhưng phải nài nỉ con nợ!… Rất mừng là anh em tự tìm niềm vui trong công việc.



*

Phó chi nhánh phụ trách kỹ thuật Phan Hiền Trí đứng trước sân với gần chục người áo quần màu da cam, xung quanh là dao rựa, kìm búa, máy nổ, dây… Phong cách như tên gọi, Trí nhỏ nhẹ: xây dựng nhà máy đã rất khó khăn nhưng vận hành an toàn gian nan không kém bởi nó đòi hỏi tính an toàn và tính liên tục trong lúc luôn bị ảnh hưởng bởi môi trường. Bà Nà và Hải Vân là hai nhánh có đường dây đi trên địa hình phức tạp, quản lý rất khó khăn.



Một người của Công ty mỏ đá Sơn Phước vào xin làm thủ tục cấp kế hoạch điện hàng tuần. Hướng dẫn xong Trí nói: chúng tôi đang xây dựng Công ty với tiêu chí văn hóa doanh nghiệp, báo kế hoạch sửa chữa, bảo dưỡng cho khách hàng chủ động kế hoạch sản xuất. Song song với việc bảo đảm điện bằng phương án hoán chuyển, nâng dung lượng và chống quá tải phục vụ các dịp lễ tết là tuyên truyền tiết kiệm, thay tuýp hỏng bằng bóng tuýp gầy.

Điện thoại vang lên. Trí xin lỗi vì phải đến Nhà máy nhiệt điện Cầu đỏ thực hiện buổi diễn tập. Hóa ra những người trước sân là đội xung kích đang chuẩn bị cho diễn tập. Đội mũ bảo hiểm, Trí ra xe, những người thợ cũng lên xe. Tôi xin phép đi cùng. Vừa nổ máy, Trí vừa hỏi dao rựa, áo phao và máy móc gì đó. Người phụ trách nhóm xung kích báo đủ. Xe hướng về Hòa Cầm. Tôi hỏi Trí: xếp tự lái xe đi công vụ cũng là một chuẩn của văn hóa doanh nghiệp? Anh cười: trưởng, phó các chi nhánh đều biết lái xe, đó là luật bất thành văn. Buổi diễn tập hôm nay lái xe Chiến cũng có trong đội xung kích. Trí nói những năm trước diễn tập tại chi nhánh nhưng năm nay tập trung ở Nhà máy Điện Cầu Đỏ. Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão yêu cầu ứng cứu. Với số km từ Chi nhánh đến Nhà máy Điện Cầu Đỏ xe đi bao lâu (thời gian tính từ cuộc gọi mà Trí nhận), lực lượng xung kích có đúng yêu cầu tình huống không, thiết bị, dụng cụ có phù hợp và đầy đủ với công việc không…Tình huống của Chi nhánh II là mưa bão làm cây ngã đè lên đường trung áp XT471TH, yêu cầu huy động chặt cây tách khỏi đường dây. Anh Trung, xung kích viên nói tình huống này là trúng chóc. Hồi bão Xangsane, dự báo rất mạnh nên tụi tôi được lệnh phát dọn, cưa cành, cắt điện những nơi có nguy cơ, nơi nào cần thì cho mượn máy nổ. Giao ca xong thì bão vào. Gió rít ào ào nhưng tôi phải về nhà lo cho vợ con. Cứ đi được năm mét thì xe vòng lại năm mét. Gió rít như cưa sắt, vặn cả cổ xe, phải rạp mình rù ga hết cỡ. Đến nhà đúng lúc gió mạnh nhất, tôn liệng như ném dĩa, phải nép chờ. Gió vừa lặng chạy vào đến nhà thì gió lại rít, tôn lại bay vèo vèo. Tối ấy vợ chồng tôi đưa nhau sang nhà ba má ngủ để nhà cho hàng xóm, xung quanh nhà thì sập, nhà bị lột hết tôn. Lúc đó Trí đang ở Chi nhánh Điện Khu vực III ở Mỹ Khê. Tháp ăng-ten cao 30m chân đế rộng 5m, lừng lững như tháp Ép-fen mà buloong chịu lực nổ đôm đốp rồi đổ cong như bún. Anh nói có thể do ảnh hưởng địa hình mà Chi nhánh Điện Khu vực II bị tàn phá mạnh nhất: nhà sập, hỏng máy biến áp, loại máy này rẻ nhất cũng 20 triệu đồng một cái. Trụ điện đổ theo hiệu ứng đôminô và theo sau là vô số “hiệu ứng”: hỏng biến áp, vỡ sứ, dây điện nằm trên đất, máy phân định khu vực (loại máy khi có sự cố, đèn chỉ thị đỏ trong 30 phút và thợ sữa chữa theo sau đèn tìm điểm xảy ra sự cố nhanh, lắp năm 2003) thì hỏng hết. Dân chờ điện và việc dây điện nằm trên đất rất khó bảo quản. Vì vậy nước đang trắng đồng vẫn dựng trụ. Ngoài khu công nghiệp Hòa Khánh nước ngập đến cổ, phải lặn hụp mà móc xích, dùng tời thủ công kéo trụ lên rồi néo tạm 4 góc, nước rút mới gia cố chân trụ. Độ nghiêng cho phép là 50 nhưng dựng thủ công với bốn bề nước thì hơn đánh vật. Cây cối gãy đổ, máy cưa chạy đến nỗi xạc xích, hỏng bình lọc dầu, mòn trục cơ. Dọn mặt bằng mới dựng trụ, thay sứ, kéo dây... Anh Nguyễn Chí Thành tổ trưởng tổ khắc phục sự cố (D2) lúc đó nói: nhà ngập, vợ chồng con cái khiêng xe qua chuồng heo xẻ vườn sau nhà mà đi. Lên đến nơi “dính” luôn, từng nhóm ba hoặc bốn người độc lập tác chiến. Nguyên tắc làm việc của D2 là trực tiếp với Phòng Điều độ Công Ty (B35) nhưng vì cả thành phố đổ nát, lệnh gọi đến B35 luôn đầy ứ nên phải làm việc với Trưởng Chi nhánh hoặc Phó phụ trách kỹ thuật rồi Chi nhánh tổng hợp, 2 hoặc 3 giờ làm việc với B35 một lần. Mục tiêu là có điện cho từng xuất tuyến (nhánh điện) nên ba đến bốn nhóm trên cùng một đường dây, vì thế càng phải khớp lệnh, nếu không muốn “nướng” quân. Nước ngập, không điện, không củi, cứ nhai mì tôm sống uống nước mà làm đến 12 giờ đêm, mười ngày như thế. Còn sáng mờ mắt đi cho đến tối thì cả tháng ròng. Lên điện hết thành phố rồi mới quay sang dọn nhà mình.

Xe vừa kịt lối đi nhà máy mọi người nhảy xuống mở cửa sau lấy áo phao, dây Balan, thước tiếp địa, túi thiết bị, máy phát điện… đưa vào bãi diễn tập. Xếp hàng điểm danh: 12 người, đủ quân! Trí đánh xe vào sân rồi vào ngay.

Trên bãi đất rộng cuối nhà máy, chiếc xe cẩu tải và xe gàu đặc chủng chuyên xử lý sự cố của ngành điện đã dựng xong trụ. Hai người thợ leo lên gàu. Tình huống của chi nhánh họ là bão gây đổ trụ 2 pha, nổ máy biến áp. Sau khi dựng trụ họ thực hiện thao tác bắt xà, lắp sứ. Nắng trưa nỏ lửa, bộ đồ màu cam đẫm mồ hôi trở màu nâu sậm. Cách chừng 10m, máy quay, ban chỉ huy, nhân viên y tế áo blu trắng... Tất cả đều im lặng theo dõi.

Phân xưởng Điện Cầu Đỏ diễn tập tình huống nước ngập gian máy I, mất điện tự dùng phải chạy máy phát Skoda. Đội xung kích phải bơm hút dầu nhờn carte các máy phát để tránh hư hỏng nhờn. Đặt bao cát chặn, đặt máy bơm bơm thoát nước. Rồi tình huống nước ngập hầm cáp; bảo vệ so lệch MBA 11V, cấp cứu tai nạn điện và ngã cao… Dưới nắng trưa, người nào cũng đẫm mồ hôi.

Anh Cương, trưởng phòng tổ chức của Sở Điện lực cũng đứng dưới nắng theo dõi. Anh nói tình huống thực, xử lý thực, theo phương châm phòng chống lụt bão: 4 tại chỗ. Các thao tác được máy quay ghi để ban Giám khảo xem lại lần nữa và kết luận. Vùng rốn thiên tai mà điện lực là ngành không được phép sơ suất, dù chỉ phần nghìn giây!

*

Phó Chi nhánh Phan Hiền Trí giới thiệu Võ Quang Hùng, tổ trưởng tổ khắc phục sự cố. Bộ đồ màu cam và dáng rắn rỏi của Hùng gợi tôi liên tưởng đội bóng đá Hà Lan. Đã trưa nên tôi bấm số di động của Hùng để liên lạc đi theo ca thì máy anh hụ lên âm thanh như còi xe cấp cứu. Tôi bật cười: cơn lốc màu da cam mà vẫn xin nhường đường sao? Hùng bảo: suốt ngày trên xe phải còi này mới nghe.



Ca II bắt đầu lúc 15h. Một cơn mưa bất ngờ làm tôi đến chậm 5 phút, gọi Hùng đã nghe nói đang khôi phục lưới điện ở trạm rẽ nhánh Bách khoa 474E9. Tôi đến thấy Hùng đang kê giấy trên yên xe máy ghi rồi bấm bộ đàm báo Ban Điều độ xin tháo dây tiếp đất để đóng mạch điện. Phiếu thao tác ghi rõ bậc an toàn Quang Hùng 5/5, Phi Hùng 4/5. Lê Phi Hùng, người cùng ca với anh đang lục cái túi lỉnh kỉnh dây điện, búa kìm, cờ lê, ti đặc chủng… lấy dây bảo hộ đeo rồi buộc thêm sợi dây dù vào thắt lưng. Di động reo, Phi Hùng bật máy “D2 nghe…” rồi ghi: 293, Âu cơ, 3738749 và giờ phút nhận báo mất điện.

Được lệnh từ Ban Điều độ, Phi Hùng trèo lên dùng thước tiếp địa tách dao cách ly. Thước tiếp địa có ba chấu, dao cách ly có ba dây móc lại vướng thanh xà, sứ, dây điện nên Hùng phải đổi tư thế, nhẹ nhàng tháo từng dây, phải mười phút sau mới xong. Cuộn dao cách ly, dây tiếp đất, bảng báo hiệu nhét vào túi, hai người đến chỗ đóng cầu dao điện. Lại gọi, lại ghi…Di động reo, Phi Hùng lại mở sổ, điểm mất điện là đường Nguyễn Khuyến. Tôi hỏi sao phải kềnh càng cả di động và bộ đàm? Hùng bảo di động thông dụng, khách hàng liên lạc tiện còn bộ đàm là yêu cầu bắt buộc vì bộ đàm không phải bấm nhiều số. Hơn nữa, Điện lực đăng ký với Cục tần số một “tần số sạch”, không mất thời gian chờ, dùng bộ đàm thì một người nói là tất cả mọi người trong hệ thống tần số (Ban điều độ) đều nghe và biết lệnh cắt hay đóng điện.

Điểm khôi phục thứ hai ở Nhà máy thép DANA - Ý. Chúng tôi đi xuyên qua khu công nghiệp Hòa Khánh sang khu công nghiệp Thanh Vinh. Quang Hùng chở, Phi Hùng vác thước tiếp địa. Tôi bảo trông như vác đinh ba của Trư Bát Giới. Hùng cười: nửa đêm đi, gà gáy đi, qua tha ma, qua nghĩa địa, trèo rừng lội suối, hai giờ chiều ăn trưa, chín giờ đêm mới ăn tối, mười giờ đêm giao ca nhưng có khi xử lý sự cố hai ba giờ sáng mới về đến nhà. Thỉnh kinh cũng chỉ đến thế! Tôi hỏi đi đêm có sợ? Hùng lại cười: chỉ sợ tư thế nằm. Trụ nằm, dây nằm là mình phải lồng lên. Cứ phải đứng đắn như trụ điện, cứ phải vắt ngang trời!

Vừa qua trận mưa khá lớn, nước vẫn đóng vũng, lối vào nhà máy lầm đất. Gỡ dao cách ly, đóng điện, bàn giao cho tổ trưởng tổ điện Nhà máy nhưng chờ hòa lưới điện nhà máy xong Hùng mới lên xe đến địa chỉ người báo mất điện. Anh nói hôm nay có hai vụ, vậy là nhàn chứ thường chạy hết tốc lực. Nhìn thầy trò len lỏi trong hẻm nhỏ tôi hỏi có khi nào “tận dụng” sự cố, đi ngang về tắt không? Có chớ. Xăng xe nằm trong lương thưởng càng phải đi ngang về tắt chớ - Hùng cười nói tiếp: điều độ điện lực ăn ngành dọc. Điều độ miền là A1, A2 rồi xuống Công ty là B… Tụi tôi hạng chót, D2, nói gọn là “dê”. Tôi là “tổ trưởng tổ dê”, tổ khi nào cũng bắt mặt nhìn lên đường điện tìm sự cố. Nhìn lên miết thành bệnh nghề nghiệp vậy mà các cô không biết cho lại nói làm bộ! Rồi bộ đồ da cam này đến đâu ai chẳng biết! Rồi chạy như cơn lốc... Toàn người thật việc thật đó chị!

Tôi bật cười khi nhớ âm thanh cấp cứu hụ lên trong phòng Phó chi nhánh Phan Hiền Trí. Bản báo cáo công tác quản lý kỹ thuật quý I/2009 ghi số đường dây trung áp 22kV là 237,269 km, hạ áp 234,501km, tuyến cáp quang, cáp đồng đôi cho dịch vụ Etel... Tất thảy là 501,763 km. Cũng trong báo cáo quý I có 35 lần sự cố với lưới trung áp, 13 lần với hạ áp, 2 lần với trạm biến áp, chưa kể sự cố điện dân dụng! Tổ trực sự cố 9 người, chia ba ca, tha hồ mà cuốn như cơn lốc.

Xử lý xong Hùng đưa tôi ra đường số 5, đường lên Bà Nà - Suối Mơ còn tươi nhựa. Đến trạm rẽ nhánh đi Hòa Phú, anh dựng xe dưới vệ đường đi xuống chân trụ. Phải tìm chỗ đặt từng bước chân nhưng giày tôi vẫn bết bùn. Hùng chỉ đường dây điện chạy mút rừng: vậy đó, tính độ dài theo đường chim bay với ngành nghề tụi tôi là chính xác nhất. Tiêu chí dựng trụ là đảm bảo kỹ thuật song song với việc đi đường ngắn nhất cho đỡ tốn kém. Sau anh em cứ theo đó mà băng rừng lội sông kiểm tra chim có đậu “đất lành”, cành lá có… la đà không mà xử lý. Sáng nay tuyến này bị nhảy máy cắt, anh em theo đường dây lội rừng “mới” 9 cây số thì phát hiện một con chim Mắt cắt đậu vào mỏ phóng, gỡ xuống đã ba giờ chiều. May mà đất lành, mới 9 cây đã đậu chứ nó bay đến trụ 104, giáp huyện Hiên của Quảng Nam thì còn “làm thơ” với cái bụng rỗng mệt nghỉ! Công đâu lội rừng ra ăn rồi lội lại? Xe máy cũng khóa còng bánh trước vất đấy, ra mới biết còn hay mất thôi. Mà chẳng chờ sự cố, ở tại phòng trực cũng qua giờ cao điểm mới ăn, cơm trưa một giờ chiều, cơm chiều 8 giờ tối. Là quy định sao? Hùng cười: chẳng quy định nhưng phải vậy chứ vừa bê ra mà có sự cố thì bỏ luôn. Hùng chỉ dãy trụ thẳng băng giữa đồng lúa bảo: hồi bão Xangsane chỗ này nước ngập đến cổ, phải lặn hụp mà móc xích, dùng tời thủ công kéo trụ lên rồi néo 4 góc, nước rút mới gia cố chân trụ. Phi Hùng cười, được dự báo là cơn bão cực mạnh nên chỉ duy trì điện ở những nơi thật cần thiết, có nơi cần nhưng vẫn cắt mà cho mượn máy nổ còn cả tổ đi phát chặt cành nhánh, sa thải điện… Năm giờ sáng về nhà, má em ra mở cửa vừa khóc vừa quát: mưa gió, cây cối đổ rầm rầm sao giờ mới về? Trước bão vậy ai ngờ sau bão đi khôi phục mút chỉ, cả tháng. Thế nhưng máy phân định khu vực thì đến nay vẫn chưa có thay thế nên lại phải “mắt thịt” của người trần, cứ dọc theo đường dây, ban đêm thì thêm cây đèn pin mà soi tìm! Quang Hùng bảo nắng cháy mặt nhưng vẫn đỡ hơn mưa. Mưa kéo theo nhiều việc: nước dâng thì rắn, chuột leo lên trạm biến áp, gây nổ biến thế. Cột điện trơn trèo đã khó, đôi chỗ không có lỗ đút ti làm bàn đạp thế là gồng người lên, trèo lên tuột xuống rồi lại trèo lên, cho nên sau khi thao tác xong là thả lỏng tay cho tuột đến đâu thì tuột! Nối dây bọc cách điện nguyên lý là không cho nước xâm nhập vào bên trong nên phải dựng bạt che rồi mới nối. Rồi vắt rừng ngóc dậy… Cứ đi, cứ làm, ra đến đường mới cởi áo gỡ vắt.

Tình cờ tôi biết Võ Quang Hùng từng đi xuất khẩu lao động. Năm năm ở nước ngoài được lên hai bậc nhưng khi về anh trở lại điểm khởi đầu để Một, hai! Một, hai!... Hùng nói: bằng cấp nước ngoài chẳng bằng của mình đâu. Năm nào cũng bão lũ, chỉ riêng cơn bão Xangsane cũng đủ tột bậc! Từ khi tách chi nhánh điện Thanh Khê, tổ khắc phục sự cố được trẻ hóa. Hùng chỉ chiếc xe: đấy, “ngựa sắt” cũng chỉ đến đây là nằm chứ đâu có “phi” được nữa, gối mỏi chân chồn sao đọ dốc cao vực sâu, tôi mới 47 nhưng đã là “già làng” của tổ!

Khuôn mặt cháy nắng càng rõ nụ cười của Hùng làm tôi nhớ đến câu nói của anh Sơn: rất mừng là anh em tự tìm niềm vui trong công việc... Tôi hiểu vì sao Ban lãnh đạo Sở Điện lực và Chi nhánh lại giới thiệu họ với tôi.

Mây trắng vắt ngang rừng chiều xanh thẫm. Trời trong rõ tháp Vi-Ba trên đỉnh Hải Vân, rõ cả biệt thự trên đỉnh Bà Nà. Đường điện lên mút đỉnh núi cũng rõ và thẳng băng như khung nhạc. Anh Thuận nói cáp treo Bà Nà có nguồn diesel dự phòng với công suất hai máy 1000 KVA, sau 5 phút là có điện. Nếu nguồn điện hỏng thì hệ thống thủy lực vận hành đưa khách về ga. Thế nhưng đó là phương án dự phòng, hiện Thành phố đang cho xây dựng kế hoạch đường dây Bà Nà đi riêng, ngay từ trạm DT602, để không phải mất thì giờ, dù chỉ 5 phút! Kế hoạch đang lên nhưng trước hết là tăng cường kiểm tra, thay sứ đỡ, vệ sinh sứ chuỗi và phát quang hơn 20km đường nội vụ. Bảo vệ thương hiệu là đó, văn hóa doanh nghiệp là đó.

Nhìn bộ áo màu da cam, tôi bảo tối nay có trận bóng tranh cúp C1 của M.U và Barxa, trực ca đỡ mệt mỏi. Phi Hùng cười: không đâu, phòng trực không tivi, không radio, phải ngồi bên máy bộ đàm, hễ đâu báo trục trặc là vù ngay. Nói chung là…đứng đắn như trụ điện!

Hoàng hôn đã buông nhưng ở một chợ nhỏ phía ngoài khu công nghiệp Thanh Vinh rất nhiều hoa trái và người mua tấp nập. Từng nhóm công nhân, tay túi quả, tay bó hoa cúc vàng rực. Đúng rồi, mai tết Đoan Ngọ...

Di động của Hùng hụ lên. Nghe xong anh nổ máy rồi tăng tốc. Tôi nhìn con đường mới với sáu làn xe, hàng phi lao giữa con lươn và hai dãy muồng kim phượng bên đường vừa tỏa bóng rồi nhìn lên đỉnh Bà Nà. Cô gái ấy vẫn ngắm thành phố như ngắm một khối kim cương khổng lồ. Tôi muốn nói với cô rằng trong khối kim cương ấy có người áo vàng da cam. Giờ đây, giữa chiều tím, giữa màu xanh cây lá và áo công nhân trông như một nốt nhạc lặng.

N.T.T.S

NGUYỄN HỮU ĐỔNG


Каталог: files
files -> Sạt-đe rằng: Nầy là lời phán của Đấng có bảy vì thần Đức Chúa Trời và bảy ngôi sao
files -> HƯỚng dẫn càI ĐẶt và SỬ DỤng phần mềm tạo bài giảng e-learning
files -> VIỆn chăn nuôi trịnh hồng sơn khả NĂng sản xuất và giá trị giống của dòng lợN ĐỰc vcn03 luậN Án tiến sĩ NÔng nghiệp hà NỘI 2014
files -> ĐẠi học quốc gia hà NỘi trưỜng đẠi học khoa học tự nhiên nguyễn Thị Hương XÂy dựng quy trình quản lý CÁc công trìNH
files -> PHỤ LỤC 2 TỔng hợp danh mục tài liệu tham khảO
files -> BÁo cáo quy hoạch vùng sản xuất vải an toàn tỉnh bắc giang đẾn năM 2020 (Thuộc dự án nâng cao chất lượng, an toàn sản phẩm nông nghiệp và phát triển chương trình khí sinh học ) Cơ quan chủ trì
files -> BỘ TÀi nguyên và MÔi trưỜng
files -> 1. Mục tiêu đào tạo: Mục tiêu chung

tải về 1.29 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   15




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương