Tập sách được sự tài trợ của ubnd thành phố Đà Nẵng Để Đà Nẵng phát triển nhanh và bền vững



tải về 1.29 Mb.
trang9/15
Chuyển đổi dữ liệu29.07.2016
Kích1.29 Mb.
#9078
1   ...   5   6   7   8   9   10   11   12   ...   15

Có một Trường Sơn 532

Không phải chợt nhớ, hay bỗng dưng nhớ, mà hơn 10 năm qua, tôi vẫn làm bạn và qua lại với Lữ đoàn 532- Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn. Không phải bây giờ, thời Đại tá Nguyễn Thanh Xuân làm giám đốc cơ ngơi khang trang, phương tiện hiện đại, nhân lực, mạnh mẽ dồi dào, mà ngay thời Đại tá Liễn làm giám đốc, doanh trại còn tuềnh toàng, phương tiện còn hụt hẫng, nhân lực còn thiếu thốn, tôi đã công tác, cộng tác và chơi thân thiết với anh em cán bộ Lữ đoàn.

Có việc gì hay hay ở doanh trại Lữ đoàn, hay tại công trường nắng gió, xe máy, xe đào gầm rú hoặc máy đánh búa đóng cọc, anh Liễn, anh Xuân giám đốc, hoặc anh em cán bộ chính trị cầm phôn ới một tiếng là tôi có mặt.

Trong lòng Đà Nẵng

Có lần nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Hồng, phóng viên Báo Quân đội nhân dân, nguyên chiến sĩ Đoàn 559 năm xưa về miền Trung hỏi thăm có đơn vị nào thuộc Tổng Công ty Trường Sơn để anh sáng tác ảnh, tôi đã không ngại ngần giới thiệu ngay anh lên khu vực Hoà Khánh, Liên Chiểu để tác nghiệp.

Khác với nhiều đơn vị cơ ngơi choáng ngay mặt tiền, hiên ngang bề thế Lữ đoàn 532 gần như nấp bóng trong khu vực xa dân ở một nơi thoáng mát, vắng vẻ, đường sá đi lại rẽ dọc rẽ ngang phải có người hướng dẫn, chỉ đường mới tìm ra. Ấy thế mà từ 5- 10 năm trước đây là điểm đến của nhiều đơn vị tìm đến liên kết làm ăn, kêu gọi mời thầu, trong đó có lãnh đạo, chính quyền thành phố Đà Nẵng.

Hồi còn ở cấp Trung đoàn, khi đơn vị còn nghèo chưa đủ máy móc phương tiện, đơn vị đã được thành phố chọn thi công bờ kè đường Bạch Đằng Đông. Hỏi ra, lãnh đạo thành phố hồi ấy có “con mắt xanh” chọn doanh nghiệp là “ bộ đội Cụ Hồ” để tin yêu, giao phó. Được “ trên tin, bạn mến, dân thương”, lãnh đạo Trung đoàn mạnh dạn thuê máy đóng cọc của anh Lê Tự Quảng, một doanh nghiệp tư nhân ở Đà Nẵng để giáng những nhát búa đầu tiên rộn ràng gây âm vang cả một khúc sông Hàn.

May mắn cho tôi khi giám đốc Liễn nhờ mời Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại Đà Nẵng qua điện thoại, phóng viên Duy Hoà đã nhạy bén cùng đồng nghiệp đưa những thước phim có giá trị về gương mặt 532 rạng rỡ ở một góc sông Hàn. Đó là bộ đội 532 thi công hệ thống kè và đuờng Bạch Đằng Đông, nâng cấp mở rộng đường Bạch Đằng Tây.

“Gái có công chồng không phụ”, từ thành công sớm, chất lượng cao, hiệu quả tốt, 532 tiếp tục được thành phố tín nhiệm chọn thi công đường du lịch ven biển Sơn Trà- Điện Ngọc, kè chắn sóng và đường Thuận Phước- Liên Chiểu một số công trình ở Bà Nà ngay từ những năm đầu phôi thai khu du lịch sinh thái nổi tiếng này. Mưa nắng thất thường, đường sá đi lại thi công ngoằn ngoèo hàng trăm cua tay áo, áp lực thi công cho kịp tiến độ thời gian vẫn không làm cho những người lính Cụ Hồ mang tên 532 trong Binh chủng Trường Sơn nản chí.

Trong gian khó đã nẩy sinh những sáng kiến, sáng tạo thi công đường trong thời tiết lạnh cóng, phương tiện tiếp tế thực phẩm thiếu thốn, khan hiếm. Và một trong những“ gói thầu” đường lên Bà Nà đã hoàn thành xuất sắc trước thời hạn, được lãnh đạo thành phố khen thưởng, chất lượng không những bảo đảm kỹ thuật, mà mỹ thuật cũng được đánh giá cao.

Tôi còn nhớ ngày khánh thành Khu du lịch sinh thái Bà Nà, đi trên con đường mới mở, qua những rừng cây nguyên sinh rập rờn bóng lá còn thơm mùi cây cỏ và nhựa đường nhiều người đã không ngớt tấm tắc: Chỉ có bộ đội 532 mới làm được sớm và đẹp về con đường lên khu du lịch được tôn vinh là Đà Lạt thứ hai, là mùa xuân của nước Pháp này.



Trên đường Hồ Chí Minh

Sau những ngày mưa còn lấm lem bùn, một ngày nắng đẹp, Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn đã thi công đường Đông Trường Sơn bắt đầu từ Thạnh Mỹ, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam. Trong đội hình ở gần làng Mực gắn liền với tác phẩm “ Bức thư làng Mực” khá nổi tiếng của nhà văn quân đội Nguyễn Chí Trung, những chiếc xe chở đất vạm vỡ đã đồng loạt nổ máy chở đất khởi công trong sự hoan hỉ của hàng trăm đồng bào dân tộc về dự lễ trên cung đường này.

Bộ đội 532 đã nhận thi công từ cây số 101 đến cây số 108 mặt đường thâm nhập nhựa 3,5 mét. Thời tiết khắc nghiệt, mưa nắng thất thường, có những đoạn xa dân cư, hiểm trở, nhưng bộ đội vẫn thực hiện bền bỉ hai bám ( bám công trình, bám đồng bào ). Cung đường xa xôi, cách trở, nguyên liệu vật tư không phải sẵn có, vừa làm vừa khai thác, vừa nghe ngóng thời tiết, bộ đội phải đánh vật thay ca, tăng ca, tăng năng suất, tranh thủ những ngày lễ, ngày nghỉ mà bám sát thi công.

Để tiếp sức năng lực, bộ đội công trình thường xuyên thăm hỏi, trò chuyện, trao đổi với lãnh đạo chính quyền địa phương, giao lưu tình cảm với đồng bào. Chén trà, củ sắn, hạt đậu luộc, những câu chuyện một thời trận mạc đã ngày càng xích lại tình nghĩa quân- dân với nhau. Anh Hoàng, Chủ nhiệm chính trị Lữ đoàn còn bổ sung với tôi “ một bám” nữa là bám “ ký ức Trường Sơn”. Ngày xưa, trong mưa bom, bão đạn, đường Trường Sơn vẫn âm thành nối mạch cho bao chiếc xe, bao dấu chân chiến sĩ đi qua làm nên chiến công huyền thoại. Ngày nay đường Hồ Chí Minh mới sẽ mở ra công nghiệp hoá, hiện đại hoá để giúp đồng bào xoá đói giảm nghèo, giao thương, đi lại thuận tiện “ mở rộng cái chân, nhìn xa con mắt”

Chứng kiến bộ đội 532 làm đường Hồ Chí Minh qua Đông Trường Sơn, các ông Zơrâm Bia, nguyên đại đội trưởng, Hồ Đơ, nguyên trợ lý tác chiến thuộc đường dây 559 và Zơrâm Ấu, nguyên Huyện đội trưởng Nam Giang năm xưa phấn chấn ra mặt. Trong các buổi hội họp bàn chuyện hỗ trợ bộ đội mở đường, các ông đều nói: Đúng là bộ đội Cụ Hồ, bộ đội 532 làm suốt ngày đêm không hề biết mệt. Có việc chi dính dáng tới con đường cũng hỏi han đồng bào.

Thời gian ngắn, chúng tôi vội đi, nhưng các cựu chiến binh trên đường Trường Sơn năm xưa cứ ân cần mời ở lại. Nâng chén rượu Tà vạc, ông Zơrâm Bia nói: “ Hồi xưa, bộ đội 559 cùng quân-dân Nam Giang làm đường Trường Sơn để đánh đuổi giặc ngoại xâm, thống nhất đất nước. Nay bộ đội thuộc Binh đoàn Trường Sơn làm đường Hồ Chí Minh công nghiệp hoá- hiện đại hoá để chống giặc dốt, giặc đói, giặc nghèo. Bất cứ, nơi nào có con đường Hồ Chí Minh đi qua, đồng bào đều hỗ trợ nhanh chóng giải phóng mặt bằng, giúp đỡ bộ đội “ mở đường thắng lợi”.



Trên con đường tình nghĩa Việt-Miên

Ưu ái cánh báo chí, văn nghệ, lãnh đạo Lữ đoàn muốn chọn xe con êm ái, máy lạnh mát mẻ, nhưng anh Thành, Phó Chủ nhiệm chính trị Lữ đoàn 532 tham mưu rất đúng: đi Tây Nguyên lội rừng rú, đồi dốc, ngầm nước e sẽ không tiện, “đành” chọn chiếc xe u-oát thiện chiến nhất để “ cày” đường Trường Sơn. Chuyến đi hôm ấy, ngoài tôi, nhà văn Nguyễn Đức Chữ còn có hai nhà báo Công Dũng và Trần Đinh, phóng viên Phòng thời sự Trung tâm truyền hình Việt Nam tại Đà Nẵng. Ăn vội tô mì Quảng Tuý Loan, chúng tôi theo đường Trường Sơn bắt đầu từ xã Đại Hiệp, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam thẳng tiến về Nam Giang, lên Khâm Đức, lên Kon Tum.

Con đường Trường Sơn đẹp, êm như ru, những thác trắng xoá bọt nước, những ngôi nhà sàn đồng bào nép bên rừng đều được ghi lại trong chiếc ca-mê-ra của nhà báo Công Dũng. Những cánh rừng nguyên sinh, tái sinh xanh ngát sau mưa càng kích thích chúng tôi hát vang “Bài ca Trường Sơn”. Qua Plei Cần, Ngọc Hồi, rồi Đắc Tô- Tân Cảnh, trung tâm thành phố mới Kon Tum, rạng rỡ phố núi “ Em Plei Ku má đỏ môi hồng. Ở đây buổi chiều quanh năm mùa đông”, qua Hàm Rồng, đến cuối giờ chiều, chúng tôi mới đến được huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai. Bổi hổi, bồi hồi tôi nhớ lại những năm tháng ban đầu còn làm phóng viên báo Quân khu 5, rồi sau này làm phóng viên báo Quân đội nhân dân luôn luôn bám sát từng bước gian khổ, trưởng thành của Binh đoàn 15, một đơn vị làm kinh tế có hiệu quả, uy tín cao với đồng bào các dân tộc Tây Nguyên.

Đại tá Nguyễn Anh Tuấn, giám đốc Ban điều hành dự án Trường Sơn 78- Tổng công ty Trường Sơn đi kiểm tra tuyến về còn nhễ nhại mồ hôi, nhưng vẫn vô đề ngay:“Đây là dự án nâng cấp cải tạo quốc lộ 78 Vương quốc Cam-pu-chia có 70 cây số tử cửa khẩu Lệ Thanh đến Ô-za-đao vào đến thị xã Bung Lung với sự liên doanh của các nhà thầu Tổng công ty Trường Sơn( TS)-Cienco1-SK, trong đó của TS 35%. Các đơn vị thuộc TS gồm Công ty 384, Công ty 532 và Công ty 472. Khắc phục khó khăn về thời tiết khắc nghiệt, ngôn ngữ bất đồng, quá trình vận chuyển xe máy, vật tư thi công, các đơn vị thuộc Tổng công ty Trường Sơn đã cố gắng vượt lên hoàn thành tiến độ, bảo đảm an toàn tuyệt đối trong thi công, xây dựng tốt mối quan hệ đoàn kết gắn bó với chính quyền và nhân dân địa phương nước bạn. Cụ thể, Công ty 472 cố gắng kiên trì bền bỉ, làm việc có trách nhiệm tổ chức, xây dựng đơn vị tốt, gần hoàn thành phần việc của mình, còn chi viện 3 cây số đường cho Công ty 384. Công ty 532 đã bổ sung, điều chỉnh lực lượng quết tâm hết tháng 5 năm 2009 hoàn thành mố trụ, đúc hầm, 30/6 lắp xong đầm, 31/7 đổ xong bê tông mặt cầu. Đội thảm AC phấn đấu đến 30/7 là hoàn thành cơ bản phần cầu. Trung uý Trương Xuân Thành, Chỉ huy trưởng thi công trên công trình tâm sự: Đây là lần đầu tiên Tổng công ty Trường Sơn thi công công trình ở n ước bạn Cam-pu-chia. Tuy công trình không to tát, nhưng có ý nghĩa lớn, góp phần tăng cường mối quan hệ hữu nghị hợp tác, làm quen thị trường Cam-pu-chia.

Trăm nghe không bằng mắt thấy, sáng sớm hôm sau, xe chúng tôi đã qua biên giới tỉnh Na-ta-ra-ki-ri. Thay vì con đường ngày xưa lúc tôi làm phóng viên chiến trường- lầm lụi bụi đỏ, mìn rình rập, cỏ ngập úa đường đi, nay nhờ có xe các đơn vị thuộc Tổng Công ty Trường Sơn thi công đường sá khang trang hẳn. Ngầm Ô-za-đao!...Bao nhiêu đồng đội tôi đã ngả xuống ở khu vực ngầm, có vị thế “cửa tử” này do Pôn Pốt phục kích?. Một thoáng ngậm ngùi. Trung uý Thành bảo: “Còn khoản 10 cây số nửa là tới ngầm Ô-za-đao. Nơi ấy, người dân Cam-pu-chia đã làm miếu thờ hương khói quanh năm. Đến ngày rằm, mồng một, thỉnh thoảng có các sư đến tụng kinh cầu siêu, nhân dân đến tiếc thương hương khói nghi ngút”.

Xe đi bon bon theo con đường bộ đội Trường Sơn mới thâm nhập nhựa. R ất nhiều hàng quán, nhà cửa mọc sát hai bên đường buôn bán, tấp nập. Qua thị xã Bung Lung không khí làm ăn, chợ búa nhộn nhịp hẳn. Khi hỏi các tiệm tạp hoá, hầu hết người dân Cam-pu-chia đều hân hoan khen ngợi bộ đội các đơn vị thuộc Tổng Công ty Trường Sơn thi công. Mẹ Sriêng, một người dân của thị xã Bung Lung hồ hởi: “Bộ đội Trường Sơn giỏi lắm. Nó làm suốt ngày đêm mở rộng cái đường cho bà con mình dễ buôn bán làm ăn, đi lại. Trước đây, đường nhỏ trong rừng, nay đường rộng thông thống, không phải lầy lội mùa mưa, bụi ngập mùa khô. Cảm ơn bộ đội Trường Sơn, cảm ơn bộ đội 532”.



Trên đường tuần tra biên giới Việt- Lào

Về lại huyện Đăk Glei, tỉnh Kon Tum, qua đèo Lò Xo chúng tôi thắp nhang tưởng nhớ các cựu chiến binh của Hà Nội không may bị tử nạn ở nơi đây vào những năm trước. Nhà văn Nguyễn Đức Chữ cầm bó nhang lâm râm khấn vái. Rồi bỗng dưng như có ai thôi thúc, anh nhảy vọt lên một con dốc cao gần 100 mét để đọc thơ ứng khẩu tại chỗ về đồng đội hy sinh trên đường Trường Sơn: Nén nhang lòng cầu nguyện/Các anh chị ngủ yên/Có hồn thiêng sông núi/ Có tổ tiên hộ trì/ Mây ngàn năm vẫn trắng /Nâng hồn lên mây xanh/Rừng Trường Sơn trăm tuổi/ Thức dậy thời chiến tranh. Tôi chép lại đọc cho mọi người cùng nghe, ai cũng bùi ngùi.

Thôn 16 tháng 5, thị trấn Đăk Glei, huyện Đăk Glei nằm trên đường Hồ Chí Minh. Thượng tá Đinh Xuân Thu, trưởng ban dự án Đồn 671 Rơ Long ân cần đón chúng tôi. Anh cho biết: Dự án có 47 cây số, qua 2 xã Đăk Nhoong và Đăk Long sát biên giới nước bạn Lào, gồm 5 gói thầu của 8 đơn vị thi công: Công ty 470, Công ty 53, Công ty 532, Chi nhánh phía Nam, Xí nghiệp 567, Xí nghiệp 597, Xí nghiệp 145, Xí nghiệp rà phá bom mìn, Trung tâm thí nghiệm...

Địa hình dự án của tuyến đường tuần tra phức tạp nhất Kon Tum. Cả trục đường gần năm mươi cây số, chỉ có hai con đường vào thi công. Bộ đội tự mở đường vào, tự nối lại các tuyến đường. Trước đây, khi bộ đội chưa mở rộng đường, đồng bào Giẻ Triêng nơi đây, nếu đi bộ, phải mất hai ngày đường. Hiện nay, các đơn vị đã thi công được 15% trên tổng số khối lượng, trong đó đào đắp năm triệu khối, tương đương mỗi cây số là hơn trăm khối, làm mặt bằng bê tông xi măng mác 300 là 33 ngàn khối. Cầu thi công 2 chiếc, trong đó có một chiếc đã lao xong dầm.



Đánh giá của anh về chất lượng thi công?”. Bất chợt nhà báo Trần Đinh hỏi. Thượng tá Thu: “Việc thi công tương đối khoa học, bảo đảm đủ thiết bị, nhân lực. Những đơn vị được Tư lệnh Binh đoàn Trường Sơn biểu dương là Công ty 470, Công ty 53, Công ty 384. Công ty 532 đã có nhiều cố gắng bám nắm công trình, xây dựng tốt mối quan hệ với nhân dân. Đặc biệt, Công ty 470 xứng đáng được bằng khen của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng”.

Có một đoạn khó đi, xe u oát chúng tôi phải chờ xe ủi mở đường. Đã 5 giờ chiều không khí lao động trên công trường vẫn còn nhộn nhịp. Hùng, một chiến sĩ của Công ty 532 nói: “ Báo cáo các thủ trưởng, chiều mát, chúng em tranh thủ làm bù những ngày mưa dài trước đó để bảo đảm tiến độ”.

Chúng tôi vào thăm nhà dân. Đường mở tới đâu, đồng bào ra mặt tiền tới đó. Chúng tôi thấy nhiều xe máy ở trong làng, nhiều nhà đã mở ti vi xem chương trình văn nghệ. Cụ A Ngớ, ở làng Đăk Ung, xã Đăk Nhong đang ngồi đan lát, thấy chúng tôi vào làng, cười khà khà: “ Anh em bộ đội Trường Sơn tốt lắm. Hồi chiến tranh nó cũng qua đây ở với đồng bào mình. Nó mở đường tuần tra này giúp cho đồng bào Giẻ Triêng mình đi lại dễ dàng, nhiều nhà đã sắm được hon đa, con nít đến trường gần hơn”.

Tôi móc máy điện thoại liên hệ với Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Kon Tum Hà Ban. Anh Hà Ban nói như reo trên máy: “ Sao các nhà báo, nhà văn không báo sớm để bọn tôi đón tiếp và cùng đi lên tuyến đường tuần tra với anh em. Thay mặt lãnh đạo, chính quyền tỉnh, tôi cảm ơn bộ đội Trường Sơn trong kháng chiến chống Mỹ đã mở đường làm nhiệm vụ giải phóng dân tộc, nay tiếp tục làm đường Hồ Chí Minh qua địa bàn tỉnh nhà, đặc biệt là làm đường tuần tra phục vụ công tác bảo vệ quốc phòng an ninh, vừa gắn kết quốc phòng an ninh với phát triển kinh tế, vừa xây dựng mối quan hệ đoàn kết giữa các dân tộc tại địa bàn, giữa đồng bào hai nước láng giềng Việt Nam và Lào thắm tình hữu nghị anh em.”

Sáu giờ tối. Trời bắt đầu nhá nhem. Chúng tôi muốn về ngay Đà Nẵng, nhưng tình cảm bộ đội Trường Sơn, cả bộ đội tại chức và các cựu chiến binh như anh Nguyễn Đình Trung (doanh nghiệp tư nhân Sơn Thảo làm ăn rất khá, có uy tín), chị Võ Thị Lành ( chủ quán cà-phê Sắc Màu- một tụ điểm sinh hoạt văn hoá ở Đăk Glei) níu chân lại ăn cơm tối, thưởng thức cà phê phố núi đến chín giờ tối mới bịn rịn chia tay.

L.A.D
Thanh QuẾ


Những bước thăng trầm

của nhà doanh nghiệp Thân Đức Nam
Truyện ký
Thân Đức Nam còn nhớ như in cái ngày mình bị giảm biên chế ở trường Trung cấp Nông nghiệp Điện Bàn, nơi anh đã làm việc 3 năm sau khi xuất ngũ (1980-1983). Anh bước ra khỏi cổng trường với hai bàn tay trắng. Nhiều người khác có lẽ sẽ cảm thấy bơ vơ, chán nản lắm, bởi đã quen được ấp ủ trong cái lò bao cấp rồi. Nhưng Nam thì lại khác. Vốn có bản tính tự lập từ nhỏ, ngay hồi còn học lớp 4, lớp 5 ở Hội An, anh đã đi học một buổi, bán kem một buổi để có tiền mua sách vở, quần áo, mà không phải phụ thuộc vào cái “đảy” tiền lấm lem mồ hôi lẫn đất của cha mẹ. Nam vốn nhỏ bé, thùng kem dài tới gối, anh “na” thùng kem đi khắp phố phường. Bà con gặp cậu bé bán cơrem, ai cũng thương, cũng mua của cậu. Giờ cũng vậy thôi. Anh chẳng chịu thua số phận, quyết định đi làm kinh doanh. Không có đồng xu dính túi, anh chạy về nhà ngửa tay xin bố mẹ hai chỉ vàng. Mẹ bùi ngùi thương con không biết nó làm ăn ra sao. “Mẹ đừng lo, mẹ, con làm được mà”. Anh nói với mẹ như thế rồi xắn tay áo lên, quyết tâm làm ra tiền một cách hợp pháp. Anh nhìn thị trường, bà con cần thứ gì, anh sẽ buôn thứ ấy. Có lúc Nam đi buôn đồ bành, nổi tiếng đến mức người ta gọi anh là “Nam đồ bành”, ùn ùn đến mua hàng của anh. Có lúc nghe nói người Trung Quốc cần mua mây, anh tổ chức thu gom mây, chở xe ra tận biên giới Trung-Việt bán. Chuyến đầu anh đi thử 1, 2 xe, gặp dịp bán được giá gấp đôi. Nam sướng quá, hí hửng bỏ hết tiền ra chơi một quả đậm. Ai ngờ anh bị họ ép giá, lỗ trắng tay, đành ôm bộ mặt ỉu xìu quay về. Nam quay sang mua gạch từ các lò ở trong tỉnh đem ra Đà Nẵng bán lại. Tích luỹ từng đồng một, nhịn ăn nhịn mặc, anh mua máy ép gạch, mở lò gạch tại Đại Hiệp rồi chở đi bán cho các đại lý ở Đà Nẵng. Nhiều người cũng khôn lõi chẳng kém gì anh nên gạch nhiều, người mua ít thành ra ế. Anh chuyển nhanh sang kinh doanh thứ khác. Sức còn trẻ, còn khoẻ, lại tháo vát, anh chạy vào tận Tịnh Biên, biên giới Việt-Campuchia mua xe máy cũ về bán tại Đà Nẵng.

Lúc này, vào khoảng năm 1990, Nhà nước khuyến khích tư nhân mở các công ty trách nhiệm hữu hạn,. Chuyện này hợp với mơ ước của anh quá. Lâu nay, làm kinh doanh tự do, anh vẫn không muốn mình làm ăn kiểu cò con, mà mơ ước mình sẽ đàng hoàng được làm giám đốc một công ty do mình lập ra. Vậy là Nam hối hả chạy mọi cửa làm giấy tờ để cho ra đời Công ty trách nhiệm hữu hạn Nam Á. Văn phòng công ty được đóng ngay tại nhà anh ở 79 Nguyễn Chí Thanh, Đà Nẵng. Với số vốn hiện có 100 triệu đồng cùng với việc thế chấp ngôi nhà mình- anh chơi một canh bạc được bỏng hỏng không- để vay vốn ngân hàng kinh doanh. Anh nhập khẩu ủy thác buôn bán các loại xe cúp đỏ cũ của Hàn Quốc. Hàng của anh bán rất chạy. Nhưng anh nghĩ là mình mua bán xe cũ, chất lượng thấp, bây giờ người mua đang cần, nhưng dần dần họ sẽ không chấp nhận. Do chỗ làm ăn thân thiết với các công ty Hàn quốc, anh thực hiện mua trả dần các loại xe 24 chỗ ngồi rồi 50 chỗ ngồi, lúc này ở nước ta còn ít loại xe này. Xe mới, giá có cao, người mua lại so sánh với xe Nhật nên lúc đầu Thân Đức Nam phải vất vả trong việc tiếp thị. Bán được một chiếc, mừng một chiếc, người ta dần dần đến mua xe ở Công ty anh.

Tuy bán được xe hơi, có rủng rỉnh tí tiền trong túi nhưng anh lại nghĩ: Mình làm được việc này hà cớ gì người khác không làm được? Họ sẽ ùn ùn mở công ty buôn bán như mình cho coi. Vả lại, lúc này, anh thấy trên đất nước mình đâu đâu công trường xây dựng cũng mọc lên như nấm sau mưa, nên mình phải thay đổi nghề khác thôi. Anh vốn có năng khiếu đoán trước như vậy nên vội bỏ những cục tiền thu vén được do mua đi bán lại xe cúp, xe hơi để nhập thiết bị xây dựng cầu đường. Cũng lại nhờ mối làm ăn quen biết với các công ty Hàn quốc nên anh được họ cho mua trả chậm các thứ xe ben, xe xúc, máy khoan.

Có thiết bị rồi, cái khó là phải tìm ra việc làm. Công ty anh mới thành lập lại vốn là công ty thương mại giờ chuyển sang xây dựng chưa có tiếng tăm gì, ai biết ai tin mà tìm đến mời hợp tác. Anh phải tự mình chạy thôi, chạy đến những nơi xây dựng để tiếp thị, để trình diện mình. Chạy tới chạy lui mãi rồi người ta cũng thương, cũng giao việc. Công ty được nhận vào cùng các đơn vị khác xây dựng công trình thủy lợi Thạch Nham ở Quảng Ngãi. Bản thân chưa am hiểu gì về công việc xây dựng cầu đường, anh phải gấp rút đi tuyển những kỹ sư giỏi về cầu đường, thuỷ lợi để họ làm tham mưu cho mình. Nhưng những kỹ sư giỏi vốn không muốn làm việc ở các công ty tư nhân. Muốn lôi kéo họ về với mình anh phải trả cho họ lương cao, chừng đâu 4, 5 triệu một tháng, nghĩa là phải gấp đôi lương do Nhà nước trả cho họ. Từ đó, anh có một bộ phận chuyên môn giỏi. Để lãnh đạo họ, anh phải tự mày mò đến thư viện, các nhà sách, thức đêm thức hôm tìm hiểu về cầu đường, thuỷ lợi. Cái nào chưa hiểu, anh hỏi ngay các kỹ sư của mình. Thế vẫn chưa đủ, anh đăng ký xin vào học 1 khoá đại học mở, khoa quản trị kinh doanh của Đại học Duy Tân vừa thành lập. Cứ một tháng học một tuần. Vừa học vừa làm, đến năm 1998 thì tốt nghiệp.

Sau khi làm xong công trình thủy điện Thạch Nham, đơn vị anh cũng có một ít tiếng tăm. Công ty anh được nhận làm B’ nghĩa là làm thuê lại của Tổng công ty Sông Đà, tham gia xây dựng thủy điện Ialy ở Công Tum. Đây là một công trình lớn và quan trọng ở Tây Nguyên. Nó có tính chất mở đường cho Tây Nguyên phát triển về kinh tế. Tham gia xây dựng công trình này, Công ty anh học hỏi được nhiều ở những người bạn, người anh từng trải trong nghề về kinh nghiệm, chuyên môn kỹ thuật nhằm nâng cao tay nghề đội ngũ kỹ sư và thợ ở Công ty.

Vào khoảng cuối 1994 đầu 1995, công việc xây dựng công trình thủy điện Ialy của Tổng công ty Sông Đà đã ngơi ngơi việc. Đơn vị anh đang lo thất nghiệp thì may quá, các anh được Tổng công ty Sông Đà chỉ cho ký hợp đồng làm việc với các công ty than ở Mông Dương, Thống Nhất, Đèo Nai ngoài Quảng Ninh. Đơn vị anh lại lọc cọc vất vả di chuyển người xe ra một nơi lạ hoắc. Lo làm lán trại, ổn định chỗ ăn ở qua loa là xáp vô công việc. Nhiệm vụ công ty anh là cho xe xúc đất đá, chở đi đổ chỗ khác để lộ vỉa than ra cho đơn vị sản xuất...

Tuy vậy, cuộc đời Nam không phải bằng phẳng mà tiến lên. Một lần nữa số phận lại chơi anh một vố cay đắng: Tổng công ty Than Việt Nam có ý kiến không cho các đơn vị ngoài ngành làm công việc bốc xúc khai thác than mà muốn sử dụng cho hết năng suất năng lực các đơn vị trong ngành. Đang hồ hởi vì có công ăn việc làm, công ty trách nhiệm hữu hạn Nam Á như người đang chạy nhanh bỗng khựng lại. Không có việc làm, không có lương, làm sao nuôi sống mình với gia đình, cộng sự của anh lại lo lắng rầu rĩ. Thì phải tìm việc khác thôi. Thân Đức Nam lại chạy đôn chạy đáo lên tận Bắc Giang, Lạng Sơn, Bắc Cạn vòng ra Móng Cái, nghe nói ở đâu có việc xây dựng, bốc chuyển là anh lao đến.

Rồi công sức của anh cũng được đền bù. Một số đơn vị thiếu người làm nên nhận các anh. Nhưng họ không đủ sức nhận trọn gói công ty mà chỉ nhận từng bộ phận. Chỗ này cần bộ phận này, chỗ kia cần bộ phận kia nên đơn vị anh bị xé lẻ ra, khó thống nhất chỉ huy, lợi nhuận lại thấp, việc làm cứ bấp bênh không ổn định. Nhớ lại những ngày này, Thân Đức Nam ngùi ngùi nói: “Tụi em làm sao kiếm được đồng bạc để khấu hao máy móc và có đồng lương cầm hơi cho anh em là mừng lắm rồi”. Thế rồi trời cũng có mắt, năm 1998-1999, ngành Than đổi mới tư duy, cho phép đơn vị anh ký hợp đồng làm lại. Mừng hết chỗ nói. Anh em từ các nơi lục tục người, máy đoàn tụ về Quảng Ninh. Công việc làm ăn từ nay ổn định rồi.

Xa gia đình, quê hương, Thân Đức Nam cùng đơn vị lặng lẽ làm ăn nơi đất khách quê người. Một hôm, anh Nguyễn Chân, Phó chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Nam Đà Nẵng dẫn một đoàn đi công tác Quảng Ninh, nghe kể có một đơn vị người đồng hương làm ăn nơi đây vội ghé đến thăm. Thân Đức Nam đưa đoàn tham quan, kể cho đoàn nghe công việc của đơn vị mình. Anh Nguyễn Chân khen nức nở rồi cười hỏi:

- Tại sao chú từ Đà Nẵng chẳng biết ất giáp gì ngoài này mà ra đây làm được nhiều chuyện vậy?

Nam cười:

- Đói thì đầu gối phải bò thôi anh ơi.

Anh Nguyễn Chân im lặng một lúc rồi nói:

- Chú có tài như thế mà trong ta không biết để trọng dụng, thật tiếc.

Nam khẽ nói:

- Nếu quê hương cần thì em về thôi.

Nam nói vui như thế vì nghĩ anh Chân cũng “xã giao” với mình mà thôi. Không ngờ sau đó, mọi việc lại diễn ra thật. Chẳng rõ anh Chân về Đà Nẵng có trao đổi gì với mấy anh ở nhà không mà năm 2000, anh Phạm Tu, Tổng giám đốc Tổng công ty xây dựng công trình giao thông 5 ra Quảng Ninh lại đến xí nghiệp đá của Công ty 529 tại Cẩm Phả rồi đòi sang thăm Công ty trách nhiệm hữu hạn của Quảng Nam Đà Nẵng làm việc tại đây. Thân Đức Nam lại dẫn anh đi tham quan những nơi mình làm việc. Trưa đó, trong bữa cơm Nam đãi người đồng hương, anh vui vẻ hỏi Nam:

- Cậu có năng lực lại có thiết bị, vậy cậu có muốn làm một thành viên của Tổng công ty xây dựng công trình giao thông 5 không?

Thân Đức Nam chỉ mỉm cười không trả lời gì? Anh nghĩ anh Tu chỉ nói vui vậy thôi chứ làm sao một Tổng công ty nhà nước to đùng như vậy lại rủ một công ty tư nhân làm thành viên.

Nhưng cuối bữa ăn, lúc chia tay, anh Tu lại nhắc:

- Cậu cứ cân nhắc, có gì báo cho mình biết.

“Vậy có lẽ ông ấy thật bụng mời đơn vị mình về rồi”. Nam nghĩ. Bản thân anh thì anh quá thích làm ở Công ty nhà nước rồi. Ở đó việc vay vốn ngân hàng dễ dàng hơn, chỉ cần có con dấu với uy tín công ty là được. Còn như ở công ty trách nhiệm hữu hạn như anh cứ phải thế chấp này nọ lôi thôi lắm. Vì vậy ở Công ty nhà nước làm ăn dễ hơn. Suy đi nghĩ lại, hai tháng sau Nam vù về gặp anh Tu. Nam nói:

- Em chấp nhận việc anh mời về làm việc ở Tổng công ty. Nhưng em xin về trước một mình. Bản thân em xin làm giám đốc một công ty hay một bộ phận nào đó một năm. Việc đó sẽ chứng minh một giám đốc công ty tư nhân có thể làm việc được ở đơn vị Nhà nước không? Nếu thành công, em xin ở luôn, nếu thất bại em vù về Công ty em. Còn đơn vị em vẫn sẽ ở Quảng Ninh. Nếu em nhập cả đơn vị về đây, mà thành công, không ai nói gì. Nếu thất bại sẽ có người bảo em lợi dụng nhập vào Tổng công ty để bán những “cục sắt” của tụi em.

Thế là tháng 7-2000, Thân Đức Nam được điều về làm Giám đốc xí nghiệp 545 thuộc Tổng công ty xây dựng công trình giao thông 5, có chức năng là xây dựng cầu đường.

Với năng lực điều hành bẩm sinh, với sự tháo vát, sự cần cù học hỏi trong sách báo và đồng nghiệp, anh đã đưa xí nghiệp 545, một xí nghiệp làm ăn trung bình thành một đơn vị làm ăn có lãi của Tổng công ty. Để tự mình phát triển, thu lợi nhuận và mở rộng công việc cho anh em công nhân trong đơn vị, tháng 1-2001, Thân Đức Nam đề nghị Tổng giám đốc cho mình mở một chi nhánh của Tổng công ty tại Quảng Ninh. Anh hứa với Tổng giám đốc là bản thân anh sẽ tự tìm việc làm. Thế là Thân Đức Nam được điều ra làm Giám đốc chi nhánh ở Quảng Ninh, giao xí nghiệp cho người khác làm giám đốc.

Thân Đức Nam được cấp một tờ trình của Tổng công ty gửi Ủy ban nhân dân và Sở kế hoạch đầu tư Quảng Ninh để xin lập chi nhánh tại đây; chứ không có của cải, không có một đồng xu nào. Anh tự bỏ tiền túi ra để chạy việc. Vốn quen biết các cơ quan ở Quảng Ninh, chỉ trong 2 tuần, anh đã làm xong mọi thủ tục kể cả việc khắc dấu bọc theo trong túi mình vì chưa có trụ sở, văn phòng, văn thư gì cả. Bấy giờ, anh tự chiêu mộ một số anh em ở công ty cũ của mình cùng một số người mới, có nghiệp vụ ở Quảng Ninh, tất cả đâu 12 người để thành lập cơ quan. Không có tiền thuê nhà, Thân Đức Nam đành mượn của người em út- người đã thay anh làm giám đốc công ty tư nhân cũ của anh- vài gian phòng để làm việc. Có cơ quan rồi nhưng việc làm thì chưa chạy ra. Anh lại tiếp thị với các công ty than để hợp đồng công việc cho anh em cơ quan có tiền nuôi sống nhau. Có việc rồi, nhưng trong tay không có thiết bị để làm việc. Nam vội vù về Tổng công ty, xin Tổng giám đốc đứng ra bảo lãnh để mình vay tiền ngân hàng mua 10 xe ben, 2 xe xúc và 1 máy khoan đá. Trăm thứ lo đổ lên đầu Nam. Một nỗi lo nữa canh cánh trong lòng anh trong nhiều năm nay là việc nhà. Anh đi xa hoài, chẳng chăm sóc gì được cho vợ con. Mỗi lần về thăm, ra đi, là vợ và bốn con anh buồn bã, níu kéo không muốn chia tay. Nhất là bé Quyên, bé út cứ nắm áo bố: “Không cho bố đi. Không cho bố đi”. Anh thường cầm tay vợ, động viên: “Em cố gắng giúp anh lo việc gia đình, lo cho các con, đó là hy sinh lớn lao của em. Anh phải lo công việc xã hội. Sau này có chút nào thành công cũng là nhờ em cả đấy”. Vợ anh thường cười trong nước mắt, tiễn anh đi...

Ở Cẩm Phả một thời gian, anh thấy nơi đây hơi xa trung tâm của tỉnh, sẽ khó khăn trong việc giao dịch làm ăn nên bỏ tiền túi và vay tiền người em để thuê văn phòng cơ quan đóng tại thành phố Hạ Long. Nhớ lại việc này, Thân Đức Nam thường vui vẻ nói: “Mình phải chấp nhận hy sinh vì nếu chi nhánh không thành công thì mình cũng mất sạch của cải! Miễn sao làm được việc. Nhưng linh tính mách bảo mình thế nào mình cũng thành công thôi”.

Thuê xong nhà, Thân Đức Nam lại chạy nơi này nơi nọ để tiếp thị. Cũng may nhờ quen biết, đơn vị anh trúng thầu một dự án của Ban dự án tỉnh Quảng Ninh. Anh nhớ lúc đó, đồng chí trưởng Ban dự án hỏi anh:

- Cậu có dám đổi đất lấy hạ tầng không?

Đó là dự án Cao Xanh. Đơn vị sẽ làm 1, 5 km đường bao biển, trị giá 40 tỷ đồng. Quảng Ninh sẽ đưa lại cho đơn vị 30 ha mặt nước đầm lầy, vốn là khu đổ rác của thành phố ở vũng Vừng Đăng. Dự án này đã có một đơn vị ở Quảng Ninh và 1 đơn vị ở Hà Nội nhận thầu rồi nhưng thấy thực hiện không khả thi nên rút lui. Vì thế, khi nghe đơn vị Nam nhận dự án này, có nhiều cơ quan, nhiều người quen ngạc nhiên lắm. Họ hỏi Nam:

- Tại sao Nam dám làm, nên nhớ là có 2 đơn vị bỏ cuộc rồi đó.

Nhưng với cặp mắt tinh của một người kinh doanh, Nam nhìn ra bãi rác Vừng Đăng có một vị trí rất đẹp của Vịnh Hạ Long. Nó là vùng biển sát cầu Bãi Cháy, vừa giáp sông vừa ôm một vòng cung biển. Nay mai, về tay mình, Nam sẽ tạo ra thành một khu đô thị ngoạn mục. Vì thế Nam trả lời bạn bè:

- Kệ, cứ cố gắng làm cho anh em có lương bổng.

Khi làm xong con đường bao biển, vũng Vừng Đăng đã về tay đơn vị Nam. Bây giờ phải làm sao đây để biến khu đổ rác này thành ra tiền? Nam nghĩ chỉ có cách xây dựng thành khu đô thị mới của thành phố Hạ Long mà thôi. Muốn làm khu đô thị, phải dùng nhiều xe lấy cát, đá từ nơi khác về lấp vũng nước to lớn này. Như vậy sẽ gây ô nhiễm cho thành phố, liệu đồng bào và cán bộ Hạ Long có ủng hộ mình không? Còn nếu mỗi ngày cho một vài chiếc xe chở đất đá để khỏi ảnh hưởng đến môi trường, với cách làm kiểu cò con này biết bao giờ mới xong. Nam suy nghĩ mãi và trong đầu anh bật ra một sáng kiến táo bạo: Nam thuê tàu xúc cát ở lòng sông cách đó 5 cây số, chuyển theo đường sông về phun cát vô vũng Vừng Đăng. Thế là vào sáng ngày 20-12-2001, anh mở màn thực hiện thi công kế hoạch. Công việc thầm lặng này không ảnh hưởng gì đến nhân dân và các cơ quan ở thành phố Hạ Long. Đến khi các anh đưa được 5.000 m3 cát, đắp nổi lên được một vùng trong vũng thì bà con mới nhận ra đơn vị Nam đang làm một khu đô thị mới. Thế là bà con ở nhiều vùng của Quảng Ninh cũng như Hà Nội ùn ùn kéo đến đơn vị đăng ký mua đất. Nam cùng anh em cơ quan thở phào nhẹ nhõm. Bắt đầu nắm chắc được đồng tiền trong túi rồi, họ thi đua hoàn thành khu đô thị.

Xong dự án khu đô thị Vừng Đăng, đơn vị Nam được Ban Dự án tỉnh Quảng Ninh tin tưởng giao cho thực hiện tiếp dự án Cao Xanh- Hà Khánh ở phía nam Vừng Đăng, với việc nối đường bao cho khu vực 70 ha, theo cơ chế nộp tiền sử dụng đất. Nghĩa là đơn vị Nam phải tự bỏ tiền làm bao biển và qui hoạch khu đô thị để bán và nộp cho tỉnh số tiền 1m3 đất (trước mắt là vũng nước) là 135.000/m2. Với dự án này, Quảng Ninh thu được 45 tỷ. Đơn vị Nam cũng được một khu vực đô thị, khi thực hiện xong đã bán được 550 tỷ.

Lúc này, công việc theo nhau ùn ùn đến. Hết dự án này, đơn vị Nam tiếp tục thực hiện các dự án Khu biệt thự đồi Bãi Cháy (5 ha). Khu biệt thự Đài Truyền hình Hòn Gai, với qui chế đơn vị mua đất, làm đô thị, trả tiền đất cho Quảng Ninh.

Trong khi chi nhánh của Thân Đức Nam đang hái ra tiền ở Quảng Ninh thì ở Tổng công ty xây dựng công trình giao thông 5 đang trải qua giai đoạn làm ăn kém hiệu quả. Nhiều đơn vị thua lỗ, mắc nợ tiền ngân hàng. Để gỡ thế kẹt này, Tổng giám đốc điều Thân Đức Nam về nhận nhiệm vụ mới: sát nhập chi nhánh Quảng Ninh với công ty 507 đóng tại thành phố Buôn Ma Thuột và Công ty 519 đóng tại thành phố Hồ Chí Minh để trở thành Công ty 507. Trong đơn vị Nam anh em cũng thì thầm bàn tán dữ lắm. Họ thấy đơn vị mình vốn là chi nhánh trực thuộc Tổng công ty nay trở thành một bộ phận của Công ty con, vậy là vị thế của mình nhỏ hơn. Mặt khác, mình đang làm ra tiền nay phải đem tiền mình làm ra để san sẻ cho 2 công ty thua lỗ sắp phá sản nọ kể cũng xót. Nam và anh em chi nhánh nghĩ lắm chứ. Nhưng vì công việc chung nên cũng phải chấp nhận thôi. Hy sinh để cứu đồng nghiệp mà. 17000 mạng người chớ có phải ít đâu. Nam họp anh em chi nhánh bàn bạc điều hơn lẽ thiệt để anh em đồng tình cùng với mình mang tiền về cứu công ty mới. Nam nhớ lại rằng, mình nhận quyết định làm giám đốc Công ty 507 vào ngày 18-1-2003.

Vừa nhận nhiệm vụ, Nam mở cuộc “vi hành” đến các công ty con của mình. Đến đâu, anh cũng gặp những bộ mặt rầu rĩ của cán bộ, công nhân viên vì không có việc làm, không có lương. Nhiều người mang đơn đến đề nghị anh giải quyết cho đi làm ở nơi khác. Nam biết rằng, việc củng cố tổ chức là quan trọng nhất lúc này. Nếu không, nhiều cán bộ có năng lực sẽ rời bỏ công ty ra đi, mình sẽ mất những cánh tay đắc lực trong công việc làm ăn sắp tới. Nhưng làm sao để anh em “tâm phục khẩu phục” mình? Anh cấp tốc vận động anh em ổn định vị trí rồi đem tiền từ Quảng Ninh về trả nợ cho Ngân hàng và thanh toán lương bổng cho mọi người yên tâm công tác. Công ty dần dần đi vào quy củ trở lại. Sau một năm trời, công ty 507 đã hồi phục, lấy được thương hiệu và tiếp tục phát huy mở rộng uy tín trong cả nước. Công ty đã thực hiện được những dự án Đô thị thành phố Cần Thơ với độ rộng 150 ha, giá trị 1000 tỷ. Dự án Điện Nam- Điện Ngọc... Những dự án gây tiếng vang tới cấp trên. Thân Đức Nam nhớ rằng, có lần Thủ tướng Phan Văn Khải về thăm chi nhánh Quảng Ninh. Ông đã nói chuyện và khen ngợi thành công của đơn vị anh. Tại dự án Cần Thơ, phó thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cầm tay anh lắc lắc và nói:

- Đơn vị đồng chí làm rất tốt và rất kịp tiến độ.

Còn Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh khi đi tham quan Khu công nghiệp Điện Nam- Điện Ngọc thì gật đầu tỏ vẻ hài lòng.

Công ty 507 do Thân Đức Nam làm Giám đốc, có việc làm, có lương cho công nhân như liều thuốc hồi sinh, đã sống lại và ngày một cường tráng. Bản thân Giám đốc công ty Thân Đức Nam ngày một được cấp trên tín nhiệm, đồng nghiệp quý mến. Nhưng Nam chưa thỏa mãn, chưa yên lòng, Nam còn nhiều tâm sự day dứt:

- Tôi nghĩ rằng điều mà một doanh nghiệp, một doanh nhân vui mừng nhất không chỉ là kiếm ra tiền nộp cho Nhà nước, có lương cho cán bộ công nhân viên mình mà còn đóng góp được nhiều cho xã hội, cho những người còn nghèo khó...

Nam thường nhớ lại tuổi nhỏ ở quê hương Điện An- Điện Bàn. Mùa lụt năm 1964. Xóm làng nước mênh mông trắng xóa. Những thây người lềnh bềnh trên sông. Nước cuốn những ngôi nhà ra biển. Bao bà con đói khát, không nơi nương tựa. Nhân lụt lội bọn Mỹ lại càn vào đánh phá. Gia đình Nam phải đùm túm nhau chạy ra Hội An tìm cách sinh sống. Bố đạp xích lô rã cả chân để nuôi các con...Nam cũng hay nằm gác tay lên trán nhớ lại những ngày sống trôi nổi sau khi bị giảm biên chế, có lúc bị “thị trường” chơi cho anh những vố trắng tay. Cái được và cái mất trong cuộc đời vô thường lắm. Có lẽ đã trải qua những nỗi vất vả cay cực trên đường đời nên Nam hay thương người, nhất là những người nghèo khổ. Hồi làm giám đốc ở Chi nhánh Quảng Ninh, vừa mới tìm được việc làm, có tiền trả lương cho anh em, dư chút ít là anh bàn với cơ quan hỗ trợ cho bà con ở Ba Chẻ và Tiên Yên, hai vùng núi của Quảng Ninh 600 triệu đồng để xoá nhà tạm. Một lần đi qua thị xã Uông Bí, thấy những người cơ nhỡ không nơi nương tựa sống cơ cực quá, Nam lại bàn cơ quan tặng cho họ 60 triệu đồng để mua chăn màn, quần áo.

Vào mùa lụt năm 2002, 19 cháu học sinh ở Nông Sơn bị chìm xuồng chết thảm khốc giữa dòng nước lũ. Nghe tin, Thân Đức Nam không cầm được nước mắt. Anh không muốn đau thương này xảy ra một lần nào nữa. Nam bàn với anh em cơ quan trích ra 500 triệu đồng tiền lợi nhuận để xây cầu cho các em Nông Sơn. Cùng lúc ấy, nghe tin Bộ trưởng Bộ Lao động thương binh xã hội Nguyễn Thị Hằng kêu gọi đóng góp xoá nhà tạm cho là con người dân tộc ở Na Rì và chợ Đồn (Bắc Cạn), đơn vị Nam lại đóng góp 1 tỷ đồng, xây 200 căn nhà mới.

Từ lâu, những Bà mẹ Việt Nam anh hùng đã hy sinh con cái cho cách mạng, giờ sống cô đơn trong tuổi già; những người bị nhiễm chất độc màu da cam, những người già mù lòa, những trẻ em lang thang cơ nhỡ thường gây cho Nam nhiều xúc động. Anh nghĩ tại sao mình được sống hạnh phúc trong khi nhiều người còn bất hạnh như vậy. Những đóng góp tính hàng trăm triệu đồng của đơn vị và của riêng Nam cho bà con trong cả nước nhất là ở quê hương Quảng Nam Đà Nẵng chưa thấm vào đâu so với những hy sinh to lớn, những đau khổ to lớn của họ. Nam nghĩ, nếu “trời cho” đơn vị anh còn làm ăn được, anh sẽ còn đóng góp nhiều hơn nữa. Đó không những là đạo lý mà còn là bản chất văn hóa của người làm doanh nghiệp. Nó góp phần thúc đẩy cho doanh nghiệp phát triển, có tính chất nhân văn hơn...

Giờ đây Thân Đức Nam được giao gánh vác một trọng trách mới ảnh hưởng đến hàng ngàn con người. Tổng giám đốc Tổng công ty xây dựng công trình giao thông V. Anh phải làm gì đây để tiếp tục đóng góp cho Nhà nước và cho xã hội?

Thân Đức Nam thường vui vẻ nói với bạn bè và đồng nghiệp rằng: Trong sự thành đạt của người doanh nhân nghiệm ra chỉ có 10% là trình độ học vấn còn 90% là do biết lãnh đạo đơn vị, biết học hỏi ở tập thể và cuộc sống mà phát huy lên. Sự nghiệp của mình và của đơn vị mình vẫn đang còn ở phía trước.
Đà Nẵng, 12-2004

T.Q


Каталог: files
files -> Sạt-đe rằng: Nầy là lời phán của Đấng có bảy vì thần Đức Chúa Trời và bảy ngôi sao
files -> HƯỚng dẫn càI ĐẶt và SỬ DỤng phần mềm tạo bài giảng e-learning
files -> VIỆn chăn nuôi trịnh hồng sơn khả NĂng sản xuất và giá trị giống của dòng lợN ĐỰc vcn03 luậN Án tiến sĩ NÔng nghiệp hà NỘI 2014
files -> ĐẠi học quốc gia hà NỘi trưỜng đẠi học khoa học tự nhiên nguyễn Thị Hương XÂy dựng quy trình quản lý CÁc công trìNH
files -> PHỤ LỤC 2 TỔng hợp danh mục tài liệu tham khảO
files -> BÁo cáo quy hoạch vùng sản xuất vải an toàn tỉnh bắc giang đẾn năM 2020 (Thuộc dự án nâng cao chất lượng, an toàn sản phẩm nông nghiệp và phát triển chương trình khí sinh học ) Cơ quan chủ trì
files -> BỘ TÀi nguyên và MÔi trưỜng
files -> 1. Mục tiêu đào tạo: Mục tiêu chung

tải về 1.29 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   5   6   7   8   9   10   11   12   ...   15




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương