Tập sách được sự tài trợ của ubnd thành phố Đà Nẵng Để Đà Nẵng phát triển nhanh và bền vững


Nghĩ về người anh hùng và cuộc sống hôm nay



tải về 1.29 Mb.
trang13/15
Chuyển đổi dữ liệu29.07.2016
Kích1.29 Mb.
#9078
1   ...   7   8   9   10   11   12   13   14   15

Nghĩ về người anh hùng và cuộc sống hôm nay
Năm 1960, chị Lý thoát khỏi ngục tù, được tổ chức đưa ra miền Bắc chữa trị các vết thương và những bệnh tật mà những ngày “điện giật, dùi đâm, dao cắt, lửa nung” đã để lại trên cơ thể và tâm hôn chị.

Năm ấy, tôi công tác ở Hà Nội, mới có hai mươi mấy tuổi, đang sôi nổi hoạt động thanh niên. Với tôi, chị lý là tấm gương, là thần tượng (chị hơn tôi có 1 tuổi).

Chúng tôi được biết chị là người chiến sĩ cách mạng kiên trung bất khuất, cả nước bên chị “quanh giường nệm trắng” và chị được Bác Hồ tận tay chăm sóc, hết mực yêu thương. Tất cả đều nhờ đọc báo, nghe đài, nhất là qua bài thơ “Người con gái Việt Nam” của Tố Hữu. Riêng tôi, tôi còn có chút tự hào là người đồng hương với chị, tôi không hình dung có ngày mình sẽ vào bệnh viện thăm chị. Nhưng chắc chắn là hình tượng người con gái anh hùng ấy, cùng với vô số những điều giản dị và thiêng liêng khác đã thôi thúc tôi bằng mọi cách đứng vào đội ngũ đông đảo những người cùng trang lứa hăm hở ra tiền tuyến, những năm tháng không thể nào quên đó.

Mười mấy năm sau, từ chiến trường Quảng Đà tôi ra miền Bắc về với Hà Nội chữa bệnh và cùng một khu điều dưỡng K5 với chị Lý. Chị ở một căn nhà cấp 4 nhỏ ven hồ Tây. Tôi thường đến thăm chị, kể chuyện Tư Phú, Gò Nổi cho chị nghe. Trước và sau Mậu Thân (1968), tôi luôn ghé nhà chị ở xóm Giếng Đôi (Điện Quang). Mẹ và em gái chị đang ở đó. Như bao bà mẹ xứ Quảng hiền hòa, bà làm mỳ Quảng cho chúng tôi ăn. Bà còn kể: “Các anh bộ đội miền Bắc, nhiều người biết bà là mẹ chị Trần Thị Lý (mà tôi nghĩ rằng phần lớn họ là học sinh cấp 3, ít nhiều biết chị qua bài thơ của Tố Hữu) nói vui: “Có lẽ cả nước này chỉ có nhà mẹ chị Lý là lợp lá chuối” và bà giải thích cho tôi rõ: “Nó càn hoài, đốt hoài, không công sức đâu mà cắt tranh, đánh tranh; sẵn chuối trong vườn nhà, cây nào cây nấy tốt um, chặt đại mấy tàu lá chuối che nắng, chứ khi nào mưa lại phải phủ giấy dầu”.

Nghe tôi nói chuyện mẹ và quê hương, gương mặt chị hơi buồn. Chị nhìn xa xôi rồi bất chợt chỉ vào một cây mít chi chít những quả ở ngay bên thềm: “Anh thấy cây mít đó. Nó chưa phải là cổ thụ nhưng cũng đã già rồi. Về đây ở tôi mới trồng, cả chục năm rồi còn gì. Vườn nhà tôi trong nớ nhiều mít lắm”. Tôi không biết nói sao với chị. Cả Gò Nổi đã bị Mỹ cày đi ủi lại không biết mấy lần, chỉ còn bạt ngàn tranh và bói. Đây đó có mấy bụi tre, hàng keo nhỏ. Chúng chưa kịp lớn lại bị cày ủi.

Lúc này với tôi, chị không còn là thần tượng xa xôi nữa mà là người đồng chí, đồng hương gần gũi, dễ thương. Chúng tôi, những người từ chiến trường ra ở K5, nhiều lúc còn trêu chọc chị.

Thời bao cấp, khó khăn thiếu thốn đó, chúng tôi được ưu tiên lắm. Các mặt hàng cung cấp định lượng nhiều hơn, lại được đưa về tận nơi. Đến ngày bán thịt heo theo lịch, chỉ việc tới căng-tin xếp sổ mua hàng, ngồi chờ đến lượt mình, không phải xếp hàng. Chúng tôi ngồi bên nhau trên những chiếc ghế dài, có chỗ tựa lưng, nói đủ thứ chuyện. Tôi nhớ có một anh ngồi ngay bên chị Lý, khẽ đụng vào chân chị nói vui: “Sao hôm nay anh không thấy bàn chân em lạnh ngắt”(1) . Tất cả cười vui, thông cảm với chị. Chị không còn thê thảm, nguy kịch như ngày ở chiến trường mới ra Hà Nội.

Ở K5 tôi còn được nghe nhiều chuyện về chị. Chuyện bị tra tấn hiểm độc để đến bây giờ chị không thể thực hiện thiên chức làm mẹ. Chuyện một gia đình cơ sở chăm nuôi chị hồi mới thoát ngục. Mấy lần vào tù ra khám, chết đi sống lại, chị không chịu được tiếng động, dù không lớn, thế là gia đình ấy tháo cả bộ phận chuông báo giờ của đồng hồ treo tường và làm thịt cả bầy vịt đang đẻ nuôi ở ngoài vườn. Đặc biệt, chuyện Bác Hồ trực tiếp chăm lo cho chị. Bác tự tay hái những bông hoa trong vườn Phủ Chủ tịch tặng chị mỗi lần chị đến thăm. Bác có ý kiến với các bác sĩ hết sức chữa chạy cho chị và cố giữ để không ảnh hưởng đến chuyện sinh nở. Bác dỗ chị ăn hết chén cháo đậu xanh khi chị đến chào Bác đi chữa bệnh ở nước ngoài (đây là lần cuối cùng chị được gặp Bác).

Sau này tôi còn được biết, khi Bác còn khoẻ mạnh, đồng chí Phạm Văn Đồng luôn cùng Bác chăm sóc chị. Hình như trước lúc đi xa, Bác có nói sao đó với đồng chí, lĩnh ý đó của Bác, sau ngày Bác mất, đồng chí chăm sóc chu đáo, ân cần hơn. Sau ngày miền Nam giải phóng, theo nguyện vọng của chị, tổ chức bố trí chị về sống ở Đà Nẵng, một ngôi nhà nhỏ gần Bệnh viện C. Đồng chí Phạm Văn Đồng lại giao việc ân tình này cho các đồng chí Võ Chí Công, Hồ Nghinh. Tôi nhớ một chiều 30 Tết năm đó, ngoài những quà tết như dành cho những gia đình có công với nước, đồng chí Hồ Nghinh còn cho người đem đến tặng chị một cành đào, đồng chí nói: “Cô ấy nhiều năm ăn Tết ở miền Bắc, gửi cành đào cho cô ấy đỡ nhớ Hà Nội”.

Những ngày ở K5 ấy tôi cũng được biết, nhiều người có ý kiến “gan góc, kiên cường như cô Nhâm (một tên của chị Lý) ở miền Nam nhiều lắm, nhiều lắm”. Nhưng không vì thế mà giảm đi sự quý mến chị, ngược lại ai cũng thấy nhân dân ta rất anh hùng và càng thương quý chị hơn. Chẳng ai đặt vấn đề so người anh hùng này và người anh hùng khác, để rồi cho rằng chị Lý và một số người nào đó may mắn hơn, trong một hoàn cảnh cụ thể được biết đến, được tôn vinh. Thực ra, cho đến lúc về sống ở Đà Nẵng, chị chưa được phong Anh hùng. Người ta biết chị, yêu quý, ngưỡng mộ chị vì được biết tấm gương kiên trung, bất khuất tuyệt vời của chị và chẳng ai nhớ đến (thấy là cần thiết) làm các thủ tục để chị được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng. Ai cũng biết vinh dự đó là thuộc về tất cả những người đã dâng hiến cuộc sống của mình cho Tổ quốc, những người được biết tên và những người không tên. Như Bác Hồ đã nói “Cứ mỗi lần có thử thách lớn thì nhân dân ta lại tỏ rõ khí phách, nêu cao phẩm chất tốt đẹp của mình. Ngày nay chúng ta lại đang đứng trước nhiều thử thách rất lớn. Truyền thống anh hùng hàng nghìn năm đang được nhân dân ta phát huy đến độ cao chưa từng thấy. Đã có những người làm nên sự tích oanh liệt, được Đảng và Nhà nước tuyên dương. Dù sao, số người và những tập thể được công nhận anh hùng, được tuyên dương cũng chỉ là số ít so với hàng triệu, hàng chục triệu con người hằng ngày góp gió thành bão gánh vác mọi việc nước, việc nhà để đánh thắng giặc Mỹ và xây dựng chủ nghĩa xã hội”.

Nói về những người anh hùng không tên, hay nói cho đúng là họ có tên, nhưng không được nêu tên, được tuyên dương, hơn thế cuộc đời và công tích của họ có thể bị rơi vào quên lãng, một sự quên lãng mà không ai chịu trách nhiệm trừ cuộc đời vô cùng phong phú, bề bộn này.

Tôi xin kể thêm một câu chuyện chị Vũ Thị Thúy Mùi, quê Thái Bình. Mùi tốt nghiệp y sĩ đúng lúc Mậu Thân, tiếng gọi tiền tuyến lay động mọi người, không chịu đi Thanh niên xung phong, cũng không chịu đi B ngắn, cô quyết đi B dài, đích thực và đã ăn gian 2 kg để đủ cân lên đường. Cô được phân công về vùng Đông Thăng Bình, về Bình Dương phụ trách một tổ phẫu thuật. Bình Dương là xã ác liệt nhất của Quảng Nam-chiến trường ác liệt bậc nhất. Trong chiến tranh, xã 6.000 dân đã có 4.700 người ngã xuống, quân đội Sài Gòn, Đại Hàn, Hoa Kỳ chà đi xát lại vùng này, cả một dải rừng dương xanh nghít ven biển tan nát, xác xơ, chỉ còn một cây dương, bà con Bình Dương gọi là cây dương một, cây dương thần, nó như là biểu tượng sức mạnh bất khuất, vô địch của Bình Dương. Và kỳ lạ thay, trên cây dương huyền thoại, nhỏ nhoi như một chấm xanh đậu trên cát trắng còn có một tổ chim sáo.

Mùi về Bình Dương đúng lúc dữ dội nhất, và cô gái nhỏ bé của quê hương 5 tấn ấy mau chóng hòa nhập vào dòng thác Bình Dương. Cô không chỉ là tổ trưởng phẫu thuật mà còn là nữ du kích, là cán bộ cơ sở, là một người dân, người con gái Bình Dương thứ thiệt.

Cô chịu đủ thứ trận ở Bình Dương, lọt vào ổ phục kích, đi vào giữa bãi mìn, bị bủa vây bốn phía trong nhiều trận càn, phải nằm im trong đám dừa nước ngấm cái lạnh sông Trường Giang cả đêm. Và cô còn thủ vai một cô gái câm để có thể hợp pháp lợi hại trong đấu tranh mặt giáp mặt với địch, bởi cô nói sẽ lộ ngay cô là Bắc Việt xâm nhập.

Trong những ngày tột cùng ác liệt, căng thẳng ở Bình Dương, cô thấy mình vững tâm, yên lòng hơn bao giờ hết, bởi quanh cô là tất cả bà con Bình Dương yêu thương cô, dõi theo mỗi bước đi của cô, sẵn sàng đem mạng sống của mình che chở cô, giúp cô hoàn thành nhiệm vụ, và đã bao lần cận kề với cái chết cô đã nghĩ, dẫu phải hy sinh nhiều lần cho mảnh dất xa xôi mà kỳ lạ này, cô vẫn sẵn sàng.

Chuyện cô y tá Mùi là một trong ngàn lẻ một chuyện ở Bình Dương thời chống Mỹ được nhà văn Nguyên Ngọc kể lại trong những trang bút ký chân thực và cảm động đến với bạn đọc năm 2002. Mấy năm sau đó, cuốn nhật ký của bác sĩ Đặng Thùy Trâm viết trong những ngày chống Mỹ ác liệt ở Đức Phổ được công bố. Dù chẳng muốn, tôi vẫn phải làm cái việc so sánh khập khiễng này.

Công tích và sự dâng hiến của chị Mùi và chị Trâm chắc là chẳng ai kém ai.

Chị Trâm đã hy sinh năm 1970, nhiều năm nay không có mặt trên cuộc đời này, chị ở đâu đó một nơi rất cao, rất xa. Nhưng chị cùng với cuốn nhật ký đã đi khắp trái đất và gần gũi với chúng ta biết chừng nào.

Chị Mùi giờ đã nghỉ hưu, là một bác sĩ ở quê nhà.

Có người nói “May mà có ông Nguyên Ngọc với tấm lòng yêu quý Bình Dương và tài năng của mình đã về tận Thái Dinh-Thái Thụy nghe chị kể, viết về chị, người ta mới ít nhiều nhớ đến, biết đến chị”.

Lại có người nói: “Thì cũng có khác gì đâu, chị Mùi vẫn hòa tan trong cái biển Nhân dân ta rất anh hùng”.

Đã không ít người nói “Ở Bình Dương (và cũng có thể là ở nhiều làng quê trên đất nước này), ai ngã xuống trong chiến tranh chống Mỹ cũng xứng đáng được tuyên dương anh hùng. Nhưng chẳng lẽ 4.700 người ở Bình Dương đều là anh hùng”.

Chị Mùi cũng vậy, anh hùng thì thiệt là anh hùng rồi nhưng làm gì bây giờ. Không thể tạc một bức tượng chị đặt ở trạm xá Bình Dương như tượng chị Trâm ở Bệnh viện mang tên chị trên bãi biển Sa Huỳnh.

Vận mệnh dân tộc ta, số phận mỗi người chúng ta-như Bác Hồ đã nói-đứng trước thử thách rất lớn; lại tỏ rõ khí phách, nêu cao phẩm chất tốt đẹp. Khí phách đó, phẩm chất đó không chỉ cao lớn, lẫm liệt trước kẻ thù mà còn đầy ắp đạo nghĩa thấm đẫm nhân tình với đồng đội, đồng bào trong cuộc sống muôn mặt đời thường.

Gần đây, dù cố thuyết phục mình những chuyện tiêu cực, nhức nhối chỉ là con sâu làm rầu nồi canh, tôi vẫn cảm thấy không yên tâm với lý lẽ đó và cứ luôn chập chờn trong mình nỗi lo lắng về chuyện lành ít dữ nhiều, ở đâu đó cũng tiềm ẩn những bất trắc, bất ổn.

Nhớ lại những năm tháng chống Mỹ chưa xa ai cũng bảo sao lúc ấy thiếu đói thế mà lại sống đẹp, thanh thản; sao lúc ấy gian khổ thế mà lại vui vẻ yêu đời, sao lúc đó cái chết luôn rình rập, có thể đến với mình bất cứ lúc nào mà sao ai cũng tin tưởng, phấn chấn.

Nghe anh em bàn bạc tiếc nuối những ngày ở rừng núi có lần đồng chí Hồ Nghinh nói vui “Thế mấy ông tính lại kéo nhau lên Hòn Tàu mà sống à”.

Làm sao có thể quay ngược bánh xe lịch sử.

Tôi nghiệm ra rằng lúc ấy chẳng ai răn dạy chúng tôi phải sống đẹp, nhưng chính cái lý tưởng, cái lẽ sống cứu nước đã xuyên suót tất cả khiến chúng ta phải sống như vậy, không thể khác được.

Bây giờ dường như cái lý tưởng, cái lẽ sống ấy không sáng tỏ, không mạnh mẽ như ngày ấy. Hay là cái phần đẹp, mạnh mẽ ấy nó có vẻ là sách vở, rời xa tách khỏi cuộc sống đời thường hiện thực và trấn thế.

Nó trở nên thiếu sức sống, sức hấp dẫn, còn cái mà chúng ta khuyến khích “làm giàu cho mình và cho đất nước” thì chẳng cần bày bảo nó đi liền với tệ sùng bái, nô lệ đồng tiền, chạy theo đồng tiền với bất kỳ giá nào để có cuộc sống vật chất bằng và hơn người, thì như “ma đưa lối, quỷ dẫn đường”.

Tôi đã ở nhà những bà mẹ nghèo buổi chiều còn đi mượn gạo hàng xóm nhưng mới gà gáy đã thức dậy đếm số võng của chúng tôi và số dép ở cửa hầm nấu cơm cho chúng tôi kịp ăn thiệt sớm còn để chống càn.Với những bà mẹ ấy chúng ta là căn hầm bí mật mà bà chỉ cho chúng ta, ngụy trang cho chúng ta là an toàn tuyệt đối, mẹ có thể gục ngã ngay cửa hầm chứ địch không khi nào lấy được một chỉ dẫn của mẹ về nơi chúng ta ẩn nấp. Sống xa cách mẹ đẻ, trong vòng tay ấm áp của những bà mẹ ấy ai chẳng thấy cuộc đời này thật đáng yêu, đáng sống, ai chẳng tự nhủ đừng làm gì sai quấy, đừng làm các mẹ phiền lòng phật ý.

Tôi không đòi hỏi và cũng không mong muốn các bạn trẻ hôm nay có trải nghiệm như tôi (mà có đòi, có mong củng chẳng được), nhưng tôi có quyền yêu cầu các bạn có lẽ sống, có lý tưởng cao đẹp, có tình yêu và trách nhiệm với Tổ quốc như chị Lý, chị Trâm, chị Mùi, như vô số bà mẹ Việt Nam chúng ta đã gặp trên mọi nẻo đường đất nước.

Và nó không chỉ cao đẹp, rực sáng khi đối diện với những vấn đề, những thử thách lớn của dân tộc mà nó rất sáng đẹp trong cuộc sống muốn màu, muốn vẻ đời thường.

Tôi có thể hy vọng như thế không?
N.Đ.A

HỒ DUY LỆ


Hơn cả nguồn nước!

Giữa mùa xuân 1977, một cuộc họp giữa Tỉnh ủy, Uỷ ban nhân dân Quảng Nam-Đà Nẵng và Bộ thủy lợi nhất trí phải sớm triển khai thi công công trình đại thủy nông Phú Ninh, Bộ đảm nhận thi công công trình đầu mối, tỉnh thi công công trình kênh mương.Một công trình cần một triệu ngày công để đào đắp tám triệu mét khối đất đá.Cần đến 1.560 chuyến xe tải, đắp tạm một con đường dài 2 cây số rưỡi, dời 30.000 ngôi mộ, dọn hơn 2.147 hecta cây, bụi cây làm sạch lòng hồ rộng trên 32 cây số vuông…

Ngày 25-3-1977, Chính phủ chuẩn y dự án công trình, thì 4 ngày sau, ngày 29-3-1977, kỷ niệm 2 năm ngày giải phóng quê hương, tỉnh làm lễ phát lệnh khởi công với hai mươi chín phát mìn nổ vang dội núi đồi Tư Yên, Chóp Chài, Đá Đen, Yên Thành...

Khi tuyên truyền giải thích caí lợi của ‘’Đại thủy nông Phú Ninh’’ thì ai cũng thấy hồ hởi, đến khi xáp vào ‘’di dời’’ trên 7000 dân, tức hơn 1.560 hộ dân ra khỏi lòng hồ thì vấp không biết bao nhiêu là chướng ngại, gai góc.

Cuộc vận động quần chúng lần nầy cũng gay go, từ vận động chung đến vận động từng đợt, từng xã, từng gia đình, rồi từng người. Những năm đen tối sau năm 1954, các anh về dựa vào vùng bán sơn địa nầy, được bà con không sợ tù đày mà che dấu, nuôi cơm. Hồi địch đánh phá ác liệt, xúc tát dân đi thì các anh khuyên bà con’’một tấc không đi, một ly không rời’’.Bà con liều sống với bom đạn, mặc cho hù dọa, về làng trụ bám, trồng khoai, cấy lúa.Hòa bình lập lại, bà con đang ra sức khai hoang, phục hóa, phá gỡ bom mìn, dọn vườn, làm nhà, cuộc sống đang từng ngày phục hồi thì các anh đến bảo dỡ nhà đi…Quen sống với ruộng lúa, vườn cây, chừ bỏ hết, cả mồ mã cha ông, lên núi thì ‘’đi răng cho đành’’?

Gia đình ông Hương ở Đức Phú có 5 người con trai hy sinh hết, xã phát động hai vợ chồng già không chịu đi. Gia đình bà Loát(tức bà Lượng) là dân bám trụ kiên cường, nhà bà Nghệ có em là Lê Khoảng từng bảo vệ cơ quan Huyện uỷ Tam Kỳ, bà Nguyên(Năm Kiền) từng chạy giặc Tây vào Tứ Mỹ ở, không yên, chạy lên tận xã Zút…Gia đình nào cũng lo đi rồi sống sao đây? Sau khi giải quyết tư tưởng, ông Hường thấy thông, xách gói đi, sau đó gia đình bà Loát, bà Nghệ, ông Tịnh, ông Khoảnh …gồng gánh lên đường theo chân ông Hường...

Huyện Tam Kỳ( bao gồm Phú Ninh và Núi Thành) huy động được 57 xe ô tô chở mấy ngày liền đưa bà con lên …núi.

Còn, hàng chục ngàn lao động lên với công trường thì ai lo?

Ty lương thực lo chạy gạo, Ty tài chính lo chạy tiền, Công ty vật tư chạy tranh tre, cát, sạn, dụng cụ lao động… cho công trường, tất cả đều phải cật lực chạy đua với thời gian cho kịp ngày phát lệnh khởi công: 29-3-1977.

Trung đoàn xung kích 977 mới thành lập đưa quân đến Phú Ninh sớm nhất làm lán trại dưới chân đèo Tư Yên thôi thúc các đơn vị bạn.Ở đây nhìn thấy hòn Chóp Chài- nơi, năm 1974, quân giải phóng đánh tiêu diệt cứ điểm chốt trên đỉnh núi nầy. 10 năm sau, mùa xuân 1974, quân ta giải phóng Đức Phú, phá vỡ phòng tuyến phía Tây tỉnh lỵ Quảng Tín, mở ra một hành lang đưa cơ giới, xe, pháo cho chiến dịch mùa Xuân năm 1975.

Tỉnh giao cho thành phố Đà Nẵng huy động đưa 3.000 quân lên công trường.Quân của Quận I đến sớm, đón nhận ngay tinh thần mà đồng chí Nguyễn Hà, chỉ huy trực tiếp tại công trường cho biết, Công ty vật tư chưa thể cung cấp kịp tranh tre để làm nhà, Quận tự xoay xở thì rất hoan nghênh! Ông Trần Bắc(Trần Hưng Thừa) Bí thư, ông Trương Chí Thanh Chủ tịch Quận Nhất-quận trung tâm của thành phố Đà Nẵng(nay là Quận Hải Châu) lên tận công trường để chỉ đạo, kịp thời khắc phục những khó khăn, yêu cầu xuất hiện.

Sau khi Ban Thường vụ Quận ủy họp bàn, lập tức tất cả cán bộ quận, cán bộ 12 phường của quận I được phân công, cùng Ban chỉ huy quận ra quân đi ngay xuống các phường vận động bà con ủng hộ tre, tôn, vận động thanh niên, tìm vật liệu, dụng cụ, chạy cả tiền và gạo, không chờ Ty tài chính rót! Tiếp theo, các quận II, Quận III, Huyện Hòa Vang tiếp tục dồn sức cho công trường Phú Ninh.

Thử tưởng tượng, huy động người, mà rất nhiều là thanh niên hư hỏng, là gái làm tiền thất nghiệp, là thanh niên nghiện xì ke không có chất hít, là ăn cắp, bụi đời… đã vô cùng khó rồi, vậy mà phải huy động tre giữa Đà Nẵng thì khó hơn…huy động tiền và gạo. Khi nhận tre thì có tre tươi(vùng bàu Thạc Gián), tre đã làm giàn bí, tre đã nằm trên nhà. Còn tôn thì đủ loại, ngắn có, dài có, tấm mới, tấm cũ. Tất cả là tấm lòng của bà con Đà Nẵng với công trình thủy nông Phú Ninh!

Những ngày đầu, sau cuộc vận động, một số thanh niên nam nữ tuổi trên dưới đôi mươi, lần lượt tập trung về điểm tập kết, lúc đầu vài ba chục, sau mấy ngày tăng lên con số trăm. Đó là những thanh niên sau ngày giải phóng từng xung phong đi lao động khai hoang ở Ba Viên-sông Trường Định, đào gánh đất, bùn, xúc rác rưởi ở công trường hầm bứa sau nầy là Công viên 29-3. Những thanh niên Đà Nẵng tập họp thành tiểu đội, trung đội theo nhau tiến lên xóm làng của Tam Dân, Tam Thái, Cẩm Khê-Phú Ninh, cùng với họ là những chiếc xe ô tô tải nặng trĩu tôn và tre. Những ngày tiếp theo, những chiếc xe chở quà của Hội phụ nữ cho riêng chị em và thực phầm của bà con tiểu thương cho Bê hai Đà Nẵng…

Có tranh tre, tôn, những lán trại nhanh chóng được dựng lên kịp có chỗ cho quân của các B lên trú tạm, không đủ chỗ, quân ở nhờ nhà dân, những ngôi nhà tranh, vách đất, nhưng với những tấm lòng rộng mở, chân tình đã che chở, động viên anh em vừa rời xa thành phố, nhiều người chưa một lần đụng đến cái cuốc, cái xẻng, cái xe cải tiến. Các Ban quản lý các B lo ổn định chỗ ở, lo cái ăn cho đủ no, ngoài hàng hóa và vật dụng thiết yếu ít ỏi do Công ty thương nghiệp phục vụ tận công trường cũng phải chạy mua thức ăn dù thức ăn chính là rau, muối mắm và canh, từ chợ Cây Sanh ở gần, chợ Tam Kỳ ở xa gần bảy cây số, mỗi ngày lên giá theo số quân tăng lên trên công trường nắng nóng, cát bụi mù.

Và, công tác tư tưởng, một nhiệm vụ nặng nề, thường xuyên mà các cán bộ Đoàn Thanh niên hết sức lo để giữ anh chị em ở lại với công trường, để anh chị em phấn đấu hoàn thành từng đoạn kênh với chất lượng được Ban nghiệm thu Ok!

Công ty xây dựng thủy lợi 3-đơn vị xây hồ Kẻ Gỗ-Nghệ Tĩnh được Bộ giao thi công công trình đầu mối. Trung đoàn xung kích 977 nhận đoạn kênh dài 1.800 mét, rộng gần 20mét từ đầu mối, tiếp theo đoạn kênh dài trên 50 cây số cánh Bắc, được phân cho quân các B (trung đội) của Tam Kỳ, Quận I, Quận II, Quận III, các huyện Thăng Bình, Duy Xuyên, Điện Bàn, Hòa Vang..,

Ngày nay đi qua những đoạn kênh dài, rộng như con suối, nước trong xanh, mấy ai biết những ngày đầu tiên ấy, các chàng trai cô gái đã đổ mồ hôi đào cuốc đất, đào những lớp đất cát pha bạc màu gặp những vĩa đá da trâu ương ngạnh, người ta gọi là đá gốc, làm sứt cả mũi đục thép cứng, làm cong cả xà beng, gặp những đoạn sình lầy, bùn nhão lút tận bắp vế…

Con đập nối núi Yên Thành và núi Đá Đen là con đập chính dài 561 mét,cao 39 mét, chặn dòng nước sông Tam Kỳ, tích tụ 370 triệu mét khối nước, tưới trên 20 nghìn hecta lúa của những đồng đất khô cằng của Tam Kỳ, Thăng Bình, Quế Sơn và một ít cho Duy Xuyên., đưa năng suất một vụ năng suất thấp, bấp bênh, tăng lên hai vụ, ba vụ, năng suất 4 tấn, 5 tấn hecta…

Với tôi, Phú Ninh hơn cả nguồn nước!

Con đập đã hơn 30 năm sừng sững với nắng nóng mưa dầm,vẫn đứng vững như núi đá sau những trận đại hồng thủy nhận chìm các thôn làng của Quảng Nam. Giữa những ngày tháng Ba lịch sử nầy, leo lên bờ đập chính nhìn ngắm xung quanh, lòng rộn vui. Nhìn mặt hồ trong xanh, lộng gió, biết dưới lòng nước sâu là đất của ba xã Tam Sơn, Tam Lãnh, Tam Trà, bỗng nhớ những người dân từng sinh sống ở đây đã rưng rưng, lặng lẽ rời làng ra đi.Nhớ đến những chiến sĩ giải phóng năm xưa như, Sáu Bạc, Tư Để, Bảy Truyền, Mười Chấp… và biết bao người trung kiên, anh dũng, gan dạ…những con người rồi sẽ’’không còn ai nhớ nữa’’. Cùng với họ là công lao, xương máu, những trận chiến đấu tử sinh…sẽ như tên đất, tên sông, như Ba Kỳ,Tư Yên, Long Sơn, Ngọc Nha, Trường Cữu..Tất cả chỉ còn là kỷ niệm, là tình yêu, nỗi nhớ. May chăng, chỉ còn lại trong các trang sử, trang văn.

Nhớ những con người, ngay sau những ngày bận rộn của mùa Xuân lịch sử 1975, chưa kịp phủi bụi chiến trường trên lớp áo màu tro còn sờn vai, tổ chức đưa hết mấy chục vạn dân bị dồn vào thành phố trở về làng cũ, lo cứu đói khi trong kho không có gạo, lo đau khi thuốc men có quá ít , lo tổ chức khai hoang, phục hóa, phá gỡ bom mìn lấy đất cho sản xuất.Rồi cải tạo những người cầm súng đánh thuê cho giặc, giáo dục, cải tạo gái làm tiền, trai lưu manh, các vị liền lao ngay lên trên đèo Tư Yên, lội xuống sông Ba Kỳ, khảo sát, thiết kế, kêu gọi, động viên toàn dân trong tỉnh dù ăn chưa đủ no, cuộc sống còn nghèo chưa đủ ấm, hãy chung tay góp sức cho công trình Đại thủy nông Phú Ninh. Các ông Hồ Nghinh, Bí thư Tỉnh ủy, Phạm Đức Nam, Chủ tịch ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng, Trần Hưng Thừa, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố Đà Nẵng…đã lần lượt từ biệt mảnh đất thân yêu nầy…rồi người sau chỉ còn nhớ đến các ông như nhớ đến những chiến dịch’’khai hoang, phục hóa’’, ‘’phá gỡ bom mìn’’, như ‘’lúa Xuân Hè’’… Và, những chàng trai, cô gái trẻ trung, nhiều người xung phong đến Phú Ninh với tấm lòng đầy nhiệt huyết, nhiều người đến vì nghiã vụ thúc ép, và những người dùng dằng bỏ lại một quá khứ buồn, quyết rèn luyện bản thân tại Đại học công trường gian khổ Phú Ninh, làm lại cuộc đời…Tất cả họ đã đội nắng, ăn không bữa nào thấy no, nằm dưới sương đêm nhớ nhà đến khóc…nhiều người muốn trốn trại, chạy về với phố nghèo, kiệt hẽm của Quận Nhất, Quận Nhì, Quận Ba, đã có một lần nào trở lại với biển nước Phú Ninh trong xanh, dạo chơi dưới khu rừng đầu nguồn mát rượi, đi qua những cánh đồng lúa xanh thơm lòng ngỡ ngàng mừng vui trước một hiện thực tuyệt vời mà ngày ấy là ước mơ tưởng chừng như vô cùng lãng mạn. Bây giờ, họ đang sinh sống ở đâu, làm gì…

Leo lên điểm cao đèo Tư Yên, nhìn xa xa trong mờ sương là nhà máy xí nghiệp, những con đường thảm nhựa, người người, xe cộ. Những mảng màu xanh nối tiếp nhấp nhô.Trong xanh thẳm của rừng cây, của núi, có màu của nước-một biển nước Phú Ninh bát ngát, xanh trong giữa trập trùng núi, nước bao quanh những đảo nhỏ gợi lên bao cảm xúc, ước mơ.

Ai mà không nhớ, ai mà dám quên những người của hôm qua, những ngày đã qua!Làm sao có thể hình dung hết những gì đã xảy ra trên đất nầy, nếu không có dịp nghe ai đó kể lại rằng: Nơi ấy, 35 năm trước…


Đà Nẵng, tháng ba, 2010.

LƯU ANH RÔ


Dọc miền tây bắc Hòa Vang
1. Đây Đại La oai hùng!

Người ta nói rằng, sở dĩ có tên là Đại La bởi xưa kia vùng này rất hoang vu và hiểm ác, ai muốn qua đèo phải la thật lớn, nếu không muốn hổ dữ xơi tái! Hai quả núi áng ngữ phía tây bắc làng Đà Sơn (Hòa Khánh), chỉ chừa đúng một con đường nhỏ len qua tạo nên một cửa ải hiểm yếu có tên là Đại La. Lợi dụng địa thế chết người đó, xưa kia “ông ba mươi” thường chầu chực tại đây để tóm những người bạo gan vượt qua hẻm núi hòng đến hai làng Đại La và Khê Lâm ở phía Tây. Vì vậy, ai muốn yên thân qua cửa ải thì phải la để cọp, beo, hùm gấu lảng đi, cũng là báo động cho mọi người biết là mình đang đi qua “cửa tử”. Đại La là nơi quyết chiến đầu tiên giữa ta và quân Pháp vào mùa Xuân năm 1947, là một trong những nơi thuộc vùng tây bắc Hoà Vang đã gợi cảm hứng để nhà thơ Khương Hữu Dụng viết nên trường ca “Từ đêm 19” năm nào…


Vào một chiều cuối năm này, tôi vượt đèo Đại La để lên miền Tây bắc Hòa Vang như đã hẹn với một tay bạn nhà báo làm cho tờ An ninh thế giới. Vừa ra khỏi phố thị của Hoà Khánh Nam tôi gặp ngay đèo Đại La với dáng vẻ hoang sơ đến lạ: Đá chồng lên đá, đường đi đầy đá tảng, đá xanh làm chiếc xe máy già cỗi của tôi phải lồng lên một cách giận dữ. “Ngài Đại tá về hưu” Nguyễn Văn Thiêm – người gốc làng Nghi An, Hòa Phát, người từng tham gia đánh Pháp tại Đại La rất hào hứng khi nói về “Đại La oai hùng”. Vị đại tá già đưa bàn tay cong veo vì chiến tranh chỉ một tảng đá lớn án ngay lưng chừng đèo: “Chỗ nớ là nơi anh người Nhật đặt khẩu 12ly7 bắn chặn quân Pháp tiến lên đèo Đại La làm chúng không tài nào tiến được! Trận đó, dân quân tự vệ Đà Nẵng, Hòa Vang đã tiêu diệt trên 140 tên Pháp, phá huỷ 3 xe quân sự, bắn rơi 1 máy bay. Bên ta hy sinh 25 chiến sĩ, trong đó có người chiến sĩ Nhật ấy!”. Người lính người Nhật ấy – một trong số chiến sĩ “Việt Nam mới” do cố bộ trưởng Bộ Tài Chính Lê Văn Hiến đề nghị Bác Hồ thu nạp lính Nhật tại Đà Nẵng tham gia vào mặt trận Việt Minh, khi quân Nhật đầu hàng phe Đồng Minh. Không ai biết người ấy tên gì, người nói anh là Satô, người nói là Saritô… Đã hơn 50 trôi qua, giá ai biết được người lính ấy tên gì, quê quán tại đâu; giá ai biết mộ anh hiện chôn hoặc thân xác anh nằm đâu để chúng ta qui tập mộ anh về nghiã trang liệt sĩ và vinh danh anh như một người lính tiên phong của quân đội nhân dân Việt Nam trong trận “Đại La oai hùng năm ấy!”.
Tôi đứng giữa đỉnh đèo Đại La, trên con đường độc đạo, phóng tầm mắt về phía Đông thì thấy phố xá xênh xang, quay mặt về phía Tây thì vẫn một màu xanh của núi, thấp thoáng những ngôi nhà cấp 4 còn khá đơn sơ. Rời đèo Đại La, tôi tiến về phía Tây nơi có làng Đại La và ngôi đình cổ nổi tiếng một thời. Có biết về Đại La oai hùng trong quá khứ, Đại La bị kiệt quệ trong bão số 6 hiện đang hồi sinh trong cái tiết đất trời chuyển vận vào Xuân; mới hay cái tình yêu quê hương, khả năng trỗi dậy của người dân trong cái làng bé nhỏ này. Còn nhớ, trận bão Xangsane năm 2006, cả Đại La có 140 nóc nhà thì bị bão quật nát hết 90 cái. Do phần lớn nhà nằm dọc hai bên đèo, mắc kẹt giữa hai quả núi nên sức gió càng khốc liệt. Sau bão, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đến thăm và tặng quà cho nhân dân Đại La. Tiện đường, tôi ghé vào nhà bà Trần Thị Yến – người được Thủ tướng trực tiếp thăm hỏi và tặng quà. Bà Yến bồi hồi: “Dễ chi được Thủ tướng thăm và tặng quà. Dân Đại La giờ ổn rồi, chỉ khổ có con đường!”. Con đường làng chạy dọc theo thôn dài 3km đang hư hại, xuống cấp trầm trọng. Trời mưa thì đường lầy lội ổ gà, ổ khủng long, trời nắng thì bụi bay mù trời vì xe chở đất làm đường cao tốc Hải Vân - Tuý Loan và các công trình khác của thành phố. Một người dân nói đùa với tôi: “Xưa, ai qua Đại La thì la lớn, còn nay dân địa phương đang "la rầm trời" vì con đường!”. Nghe tôi nói, sang năm đến, thành phố sẽ đầu tư mạnh mẽ cho Đại La, trước hết là con đường và khu đô thị mới; thành phố cũng vừa cho phép Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam xây dựng cơ sở mới tại thôn Đại La… bà Yến cười móm mém: “Rứa thì sướng quá chú hè!”. Nhìn nụ cười của bà Yến, tôi thấy mùa xuân đã về sớm trên đất Đại La!
2. Trăm năm trăm cõi người ta

Dưới chân đèo Đại La, là một vùng thung lũng hẹp, xéo về phía Bắc thung lũng này là làng Khê Lâm. Có lần, tôi cùng hai nhà thơ Thanh Quế, Bùi Xuân từng đến khảo sát tại làng này và phát hiện nhiều điều thú vị về nó. Trời đã về chiều, những tia nắng nhạt yếu ớt rưới lên đám mạ xanh, trên những vạt đất hoang lác đác mấy cây bạch đàn. Nghe đâu, vùng này sắp đến ngày giải toả. Tiếp chuyện chúng tôi, cụ Nguyễn Vinh năm nay đã hơn 105 tuổi song còn khá minh mẫn. Cụ nói: “Đời ông cho đến đời cha chúng tôi vẫn không theo đạo để giữ lấy phần mộ của ông “quan Khâm”. Thời Pháp thuộc cho đến thời ông Diệm, họ cưỡng bức dân Khê Lâm theo đạo dữ lắm song chúng tôi hoặc chạy vào núi, hoặc bỏ đi nơi khác một thời gian rồi về bám làng, theo kháng chiến để giữ mộ ông quan Khâm!”.


Chúng tôi đứng bên phần mộ của cụ Nguyễn Hữu Lịch. Mộ khá đơn sơ, tấm bia đá cổ ghi rõ công rạng người dưới mộ “Binh bộ lang trung Thanh Hoá đổng lý tướng khê Nguyễn Công”. Ông Nguyễn Hữu Dân – cháu đích tôn của ông quan Khâm – vừa đưa chúng tôi đi thăm mộ vừa nói: “Đây chính là mộ của cụ cố tôi: ông Nguyễn Hữu Lịch - một trong những cử nhân đầu tiên của huyện Hoà Vang thời Tự Đức. Thế rồi, sau chính biến kinh thành Huế năm 1885, ông được triều đình cử ra làm Khâm sai tam tỉnh gồm Thanh Hoá, Nghệ An và Hà Tỉnh. Tại đây, thay vì đàn áp phong trào khởi nghĩa, ông đã bí mật liên kết với quân khởi nghĩa do Phan Đình Phùng, Cao Thắng để chống Pháp nên triều đình Huế lập tức triệu ông về kinh và tuyên án “tam ban triều điển”. Nghĩa là phải chọn một trong 3 cái chết bằng cách dùng gươm, uống thuốc độc và thắt cổ. Ông tôi đã chấp nhận hình phạt tự xử bằng gươm, trước khi chết, ông hướng về Tân Sở - nơi vua Hàm Nghi và Tôn Thất Thuyết đang ở để bái lạy rồi dùng gươm đâm thẳng vào ngực mà chết! Sau khi ông chết, một thuộc hạ thân tín đã đánh dấu ngôi mộ và một năm sau con trai của ông ra Huế lén bóc mộ đem về. Phát hiện sự việc trên, triều đình Huế đã cho người đến dùng xích sắt xiềng mộ ông tôi lại vì tội “phản nghịch”. Ở tây bắc Hoà Vang có 2 ngôi mộ bị xiềng, mộ ông Thống Hay (tức Hồ Như Học) ở Vân Dương và ngôi mộ này!”. Mới đây, mà bà chét nội của cụ Thông Hay đến cơ quan tôi vừa khóc vừa nói: “Mộ cụ tôi nằm trong diện giải tỏa, họ chỉ đền đúng 500 ngàn đồng làm sao tôi bốc được. Cũng tham gia đánh Tây song cụ Lê Quang Vỹ được chính quyền hỗ trợ 5 triệu đồng để di dời, nhà tui nghèo biết làm răng đây!”. Đứng trước ngôi mộ đơn sơ của cụ Lịch, tự nhiên trong tôi dậy nên niềm thương cảm: những người từng “quyết đánh cả triều lẫn Tây” như cụ Lịch và cụ Thống Hay cho đến nay mộ phần còn quá đơn sơ. Cũng là những người sĩ phu yêu nước như các cụ Lê Bá Trinh, Huỳnh Bá Chánh, Nguyễn Văn Diêu ở vùng Đông của Hoà Vang sao các sĩ phu vùng Tây Bắc lại không được bằng? Do con cháu các cụ còn nghèo hay do chúng ta làm công tác văn hoá nhưng chưa sát thực tế để tham mưu cho thành phố có các chính sách hợp lý hơn cho mộ phần các cụ? Dù nói làm sao thì trời xanh vẫn lồng lộn, những con người xả thân vì nước vì dân vẫn trường tồn cùng con cháu, vẫn là “nhân kiệt” của “địa linh” vùng tây bắc Hòa Vang!
Trước khi chia tay, cụ Nguyễn Xanh còn nói với tôi: “Sau khi đưa ông quan Khâm gia đình chôn trên đỉnh núi Mã Quốc cạnh đèo Lộc Hoà. Sau đó pháp làm đường đi qua đèo này, cấn phải mộ ông quan khâm nên mới cái bốc đem về chôn chỗ mấy anh vừa thấy! Đời tui chuyên đi ở đợ, không một nắm đất cắm dùi. Quanh năm suốt tháng chỉ biết vào rừng đốn củi kiếm sống qua ngày. Hồi còn Việt Minh tui được cử ra làm lý trưởng làng Khê Lâm nhưng là cơ sở cho Việt Minh. Chiến tranh liên miên, mãi hồi giải phóng đây mới có đất do nhà nước cấp. Tui sống qua nhiều đời, chưa thấy chế độ mô dễ sống như ri! Tôi chen ngang, “Rứa ít bữa nữa ở đây trở thành phố xá, cụ có chịu không?”. “Rứa thì còn gì bằng, có điều tính răng với một ông Quan Khâm đây hè?”.
3. Khóc vì… tài nguyên

Thông thường, ở một vùng có lắm gỗ, đá quý, vàng như tây bắc Hoà Vang thì phải sướng và mừng song kỳ lạ thay, những người tôi gặp, nhất là người tham gia chính quyền tại địa phương đều đang… khóc vì tài nguyên! Đã từng dậy lên “lâm tặc phá rừng Hoà Bắc”, “bãi vàng Khe Đương” và “mỏ đá thạch anh hồng”… làm hao tổn không biết giấy mực giới cầm bút. Vậy, phía sau đó là gì? Là nước mắt…



Khi nghe tôi đùa: - Mấy ông bợ bạc với mỏ đá thạch anh hồng rồi còn gì!” thì một anh cán bộ xã Hoà Ninh liền nói ngay: “Tôi cũng bái với mấy cha nhà báo luôn. Nhà báo mà không có tâm, không có sự trãi nghiệm, dễ bị mấy tay con buôn xỏ mũi, làm bọn tui khổ lây!” “Nghĩa là sao?”. “Thì mấy đời nay dân tui có để tâm chi đến cái “mỏ đá quí thạch anh hồng” đâu, có chăng lâu lâu họ chở mấy cục về làm hòn non bộ chơi. Mấy tay chơi đá cảnh ở Đà Nẵng lên khai thác một mớ, sau đó bắn tin cho một anh nhà báo trẻ, rứa là họ lu loa lên Hoà Ninh có mỏ đá cực kỳ quí! Lập tức, dân các nơi ùn ùn đổ về Hoà Ninh để săn đá quí. Đã quí thì phải giữ, bất kể hắn quí cỡ nào. Rứa là công an huyện, huyện đội cùng công an và xã hội bọn tôi trắng mắt canh giữ, làm tư tưởng cho dân. Chỉ tính sơ sơ cái vụ “thạch anh hồng”, Hoà Ninh mất biến đi hàng trăm triệu cho truy quét, tuần tra, canh gác! Chừ đá vẫn còn đó, quí thì đã ra đi, chẳng có ma mô tới nữa!”. Như để kiểm chứng, anh Sơn – Phó Bí thư xã dẫn tôi xuống cầu thang, lôi ra một bao đá, lấy một cụ tròn như quả trứng đưa: “Anh cầm về làm cái chặn giấy! Ai có mua thì bán kiếm một triệu tiêu Tết! Thì báo chí mấy ông nói vậy!”. Vừa bước xuống cầu thang, anh Nguyễn Văn Quý – Bí thư Hoà Ninh nói vô: “Ai cũng nói tây bắc Hoà Vang giàu tài nguyên, giàu đâu không thấy, chỉ toàn thấy khổ! Ngoài thạch anh hồng, bọn tui còn khổ vì vàng nữa”.
Trước khi anh Quý kể về vàng, để bạn đọc tiện theo dõi, người viết bài này xin nói thêm thế này: Xưa kia, xứ Quảng được mệnh danh là “xứ sở của vàng”, điều đó đã được khẳng định qua việc các vua triều Nguyễn bao giờ cũng lập nhiều “kim hộ” (những gia đình chuyên khai thác vàng và nộp thuế cho vua) tại Quảng Nam. Có thể nói rằng, vàng có rất nhiều tại vùng đầu nguồn Thu Bồn, Vu Gia, Cu Đê nên việc khai thác thủ công ở đây diễn ra liên tục hàng trăm năm qua. Tuy nhiên, theo Giáo sư, Tiến sĩ Trần Kinh Thạch con trai của nhà văn Thiên Giang Trần Kim Bảng, một cán bộ lão thành cách mạng quê gốc tây bắc Hoà Vang, người sau nhiều năm khảo sát địa chất tại Quảng Nam, Đà Nẵng từng nói với tôi: “Nếu vàng ở nguồn Vu Gia, Thu Bồn, Chiên Đàn của Quảng Nam là loại vàng sa khoáng thì nguồn Lỗ Đông thuộc tây bắc Hoà Vang là nơi vàng tụ nhiều nhất!”. Cuối thế kỷ 19, đầu XX, tại làng Vân Dương xã Hoà Liên hiện nay, có hàng chục hộ người Hoa từ Hội An ra để đấu thầu khai thác vàng của nguồn Lỗ Đông, trong số đó hiện còn gia đình ông Dương Vỹ sống ở đây. Năm ngoái, hai mẹ con chị T. ở thôn Quan Nam, thuộc xã Hoà Liên, Hoà Vang đào được một thỏi vàng ròng bằng chiếc dép nặng 2 ký, nên đã xây một ngôi nhà to và đẹp nhất làng này. Ngày 5.5.2003, anh B. cũng ở thôn Quan Nam, cùng với 2 người bạn đã khai thác tại Đồng Hầm và thu được 115kg vàng!
Sau khi rót nước mời tôi, anh Nguyễn Văn Quý tâm sự: “Hồi nãy ông lính của tôi trách mấy anh nhà báo không phải là không đúng đâu. Bản thân tôi cũng từng mang hoạ với mấy ổng. Số là vào năm 2000, có nhà báo nọ đến Hoà Ninh viết bài về vàng, anh ta quan tâm đến kho báu mà người Pháp rút chạy khỏi Bà Nà năm 1945 để lại. Theo chỗ tôi biết, sau khi có mặt tại Đà Nẵng, người Pháp thường lùng lội khắp Hoà Vang, nhất là nguồn Lỗ Đông. Thế rồi, cứ nơi nào có vàng, người Pháp thường trồng 3 cây thông để đánh giấu. Nhiều người già tại Hoà Ninh hiện nay từng là “phu vàng” cho Pháp. Trong khởi nghĩa giành chính quyền tháng Tám năm 1945, uỷ ban bạo động Hoà Vang kéo lên cướp chính quyền tại Bà Nà và thu được một số lượng lớn vàng. Có điều, trước đó mấy ngày, một tay tư sản Pháp tại Bà Nà đã thuê hai vợ chồng nọ tại thôn An Lợi đưa vào rừng để tìm chỗ chôn vàng. Ngày hôm sau, trong khi người chống đi làm rẫy thì tên Pháp kia ập vào giết chết người vợ để bịt đầu mối. Từ đó, chuyện kho báu Pháp chôn trong núi Bà Nà cứ lan truyền mãi đến sau này. Thấy đề tài hay, ông nhà báo T. nhờ tôi đưa đi thực tế. Suốt 2 ngày liền, tôi giúp nhà báo đến tận nơi người Pháp từng luyện vàng và những chỗ họ trồng 3 cây thông và nói bất cứ thông tin gì mà tôi biết. Mấy ngày sau, báo đăng bài “Giấc mộng vàng”, nhà báo nọ đã biến tôi thành nhân vật chính của bài và quy kết tôi là người mang nặng cái mộng tưởng tìm được kho báu nên mới biết hết mọi ngõ ngách tại Bà Nà! Từ bài báo trên, mấy anh cấp uỷ từng phê bình tôi một trận tơi bời. Vậy có ác không?”.
Còn chua xót hơn, khi vàng làm hàm oan người có trách nhiệm, đó là trường hợp của Phạm Tạo. Ai đã từng đến xã Hòa Bắc đều biết Phạm Tạo nguyên là Bí thư xã. Năm lên 24 tuổi, sau khi đi bộ đội Campuchia về, Phạm Tạo đang là bí thư đoàn thanh niên của xã, nhờ hoạt động năng nổ nên anh được bầu vào Ban chấp hành Đảng bộ huyện Hòa Vang. Ngày đầu tiên, Huyện ủy viên Phạm tạo đi họp Ban chấp hành, khi anh rón rén bước vào phòng họp, chị phục vụ la lớn: “Anh tê, làm chi mà xớ rớ ở đây, đi chỗ khác chơi, chỗ ni họp BCH mà!”. Tạo ấp a ấp úng chưa kịp nói gì thì một ông lãnh đạo Huyện đỡ đòn: “Bậy nà, đây là Phạm Tạo - Huyện ủy viên. hắn đi họp đó chớ!”. Vào Huyện ủy viên được chưa bao lâu, Tạo được bầu làm Bí thư xã và anh trở thành “quan trấn thủ vùng viên viễn” của Hòa Bắc từ năm 1978 đến năm 2008!
Năm 2008, Hòa Bắc rộ lên vụ “bãi vàng Khe Đương” làm rúng động dư luận. Không rúng động sao được, khi hằng ngày tin được vàng của các phu vàng Quan Nam (xã Hòa Liên) dồn dập bay về. Thậm chí, khi lực lượng bảo vệ mỏ vàng Khe Đương được triển khai thì có đêm, 40 thanh niên của một làng nọ tại Hòa Liên vẫn lén “đột kích” xuống hầm, bợ một vố rất khá. Ông Nguyễn Quý – nguyên Bí thư xã Hòa Liên, nay là Phó Ban Tuyên giáo huyện Hòa Vang kể với tôi: “Dân Hòa Bắc chỗ thằng Tạo họ không rành làm vàng đâu, cấp trên có phê bình thì tội cho hắn, toàn là dân vùng dưới Hòa Liên bọn tui lên khai thác thôi. Như cái vụ anh vừa nhắc, sáng hôm sau, sau khi chia chát, nhóm thanh niên trên còn cho dân trong làng mỗi nhà 1 triệu đồng đó. Tui đi nắm tình hình, bọn hắn nói: “Chu cha, vàng mô mà loạn, nhiều cục lấy lên như cái ánh gừng!” Những ngày đó, anh em chúng tôi bở hơi tai vì... vàng. Cốt sao không để dân khai thác vàng lên Khe Đương của Hòa Bắc!”
Tôi biết Phạm Tạo từ hơn 10 năm trước, tính anh thật thà, nhu mì. Cả một đời làm “quan trấn thủ” nhà của Tạo cũng tuềnh toàng như bao nhiêu nhà bà con Hòa Bắc khác. Tạo nói với tôi: “Tạo này mà đúng như người ta đồn thì giàu to rồi!”. Rồi anh kể: “Khi vụ Khe Đương nổi lên, Huyện ủy chỉ đạo phải quản lý chặt địa bàn, không cho dân lên đào đãi vàng trái phép. Cơ khổ, toàn dân các xã phía dưới kéo lên, dân tui mà biết làm vàng thì… chết liền. Để mục sở thị, tôi và mấy anh Chủ tịch xã, công an, xã đội cắt rừng lên bãi vàng Khe Đương. Tới nơi thì trời vừa tối. “Phu vàng” chẳng thấy đâu, chỉ thấy anh em bảo vệ đang trong tình trạng mệt mỏi, đói, tôi bảo anh em đem ra mấy con mực do mấy anh phường dưới biển tặng trước đó ra và kéo ra can rượu gạo 2 lít. Anh em uống và trò chuyện với nhau đến 4 giờ sáng thì đoàn tôi quày quả ra về. Thế là, không biết từ đâu, rộ lên tin Phạm Tạo được “vàng tặc” tặng một cục vàng… cả ký lô!”. Đang lúc vui chuyện, anh Nguyễn Tấn Dũng - hiện đã thay Phạm Tạo làm Bí thư xã Hòa Bắc nói vô: “Ông Tạo ni thì làm được cái chi ngoài việc làm Nhà nước. Thấy ổng nghèo, ông gia cho mấy con bò, không biết giữ kiểu răng rơi xuống hố phải làm thịt! Anh em thương tình cho ổng mấy con dê, được đâu vài tháng, dê cũng biến thành… mồi!”.
Tôi còn cảm tình với Phạm Tạo hơn, khi một lần được nghe một lâm tặc kể kỷ niệm có liên quan đến anh. Hồi thập niên 80 của thế kỷ trước, Hòa Bắc nói riêng và tây bắc Hòa Vang nói chung là tâm điểm khai thác gỗ của lâm tặc. Người ta huy động trâu vào rừng chặt phá gỗ rồi kéo ra suối. Từ đây, bằng các chiếc phích – xi hoặc ghe nhỏ, lâm tặc chuyển gỗ theo dòng Cu Đê đến nơi tập kết, rồi dùng xe cơ giới để chở. Với tư cách là Bí thư xã, Phạm Tạo kiên quyết chặn đứng tình trạng trên và anh đối đầu với lâm tặc. Một lâm tặc đã giã từ dĩ vãng, hiện có 20hécta hồ nuôi tôm tại Hội An, trong một lần đãi tôi món nhậu “cây nhà lá vườn” kể lại: “Có biết Phạm Tạo ở Hòa Bắc không? Thằng nớ chơi anh cú rất đau. Từ những năm 80, tau đã “mua đường” ngon lành để nhân đêm tối đưa gỗ xuống. Đúng 1 giờ đêm, 5 chiếc xe ben chở mấy chục tấn gỗ danh mộc ùn ùn kéo xuống thì bị Phạm Tạo cho dân quân ách lại. Tau dùng đủ kế, năn nỉ ỉ ôi và cố “dàn xếp” nhưng Tạo cứ không là không. Khi trời gần sáng, bí hết đường, tau chỉ còn có nước quỳ xuống nói như lạy “Tạo ơi, em không cho anh qua chuyến này thì tan gia bại sản mất!”. “Nhưng cho ông qua, anh em bọn tui cũng chết thôi. Bọn tui mang tiếng tiếp tay cho lâm tặc nhiều quá rồi, mà thực tế ông thấy có không?”. “Anh biết là em không có! Thôi cho anh qua đi!”. “Không!”. Rứa là bị bắt sạch. Sau vụ đó, tau dẹp tiệm luôn đến giờ. Chừ thằng mô cũng bạc tóc rồi, nghĩ lại không thể trách thằng Tạo được. Lâm tặc thì đời mô “chơi với bí thư”, ai nghĩ hắn rứa là oan cho thằng Tạo!”.
Trong mấy chục năm gác rừng, Phạm Tạo nếm đủ những chua xót, đoạn trường. Anh kể: “Làm chuyên viên một cơ quan cấp huyện có khi hay hơn làm Bí thư một xã như Hòa Bắc, nhiều cái bị phê bình oan lắm. Có ông nhà báo, mua đất trồng rừng tại Hoà Bắc. Những ngày đầu năm mới, ông nhà báo đi thăm rừng, gặp mấy đứa thanh niên chở đâu mấy cây gỗ nhỏ (chắc là thua bài bạc, bầu cua tôm cá thua) nên chúng tranh thủ vào rừng. Rứa là hôm sau, một tờ báo giật cái tít lớn “Lâm tặc sát hại rừng Hòa Bắc trong dịp Tết”, làm như không còn chính quyền chi ở đây nữa ấy! Chưa hết, một ông nhà báo khác, theo một đoàn cứu trợ lên Hòa Bắc, thấy dưới sông có mấy ông choai choai đang vớt củi, gỗ lụt bị trôi. Lập tức hôm sau, thay vì đưa tin cứu trợ là một bài rất ấn tượng “Hoà Bắc - Lợi dụng lũ lụt lâm tặc chuyển gỗ về xuôi…”. Rất may, báo thì đưa như vậy song mấy anh ở Huyện và ở thành phố kịp thời kiểm tra nên không lôi mình ra để phê bình. Sống ở địa phương giàu tài nguyên chưa chắc là sướng!”. Hiện nay, Phạm Tạo được điều chuyển về làm Phó Giám đốc Trung tâm 05, 06 thành phố Đà Nẵng, trước khi rời nhiệm sở, Tạo đã cương quyết kỷ luật hai cán bộ của mình vì đã “léng phéng” với lâm tặc!”.
Tôi nhớ mãi lời cụ Trần Văn Hoạt – một cán bộ lão thành cách mạng tại Hoà Liên lúc sinh thời: “Thời nào tây bắc Hoà Vang cũng có người vì dân vì nước; trong chiến tranh tây bắc Hoà Vang là nơi đứng chân của cách mạng, hoà bình đã hơn 30 năm mà tây bắc Hoà Vang chưa thực sự đổi đời mấy thấy cũng buồn! Thời mình có khổ cũng đã xong, chừ thương mấy đứa lãnh đạo tại Bắc, Liên, Ninh, Sơn, ngó rứa chứ bọn hắn chịu thiệt và chịu khổ nhiều lắm!”. Đà Nẵng sẽ phát triển đô thị về phía tây. Rồi một ngày mai, phố xá sẽ thênh thang nơi vùng đất giàu tài nguyên và kỳ bí tây bắc Hòa Vang. Tôi mong sao, tiềm năng và con người của tây bắc sẽ tiếp tục đổi thay khi mỗi độ quân về!

L.A.R


LÊ MINH QUỐC

Каталог: files
files -> Sạt-đe rằng: Nầy là lời phán của Đấng có bảy vì thần Đức Chúa Trời và bảy ngôi sao
files -> HƯỚng dẫn càI ĐẶt và SỬ DỤng phần mềm tạo bài giảng e-learning
files -> VIỆn chăn nuôi trịnh hồng sơn khả NĂng sản xuất và giá trị giống của dòng lợN ĐỰc vcn03 luậN Án tiến sĩ NÔng nghiệp hà NỘI 2014
files -> ĐẠi học quốc gia hà NỘi trưỜng đẠi học khoa học tự nhiên nguyễn Thị Hương XÂy dựng quy trình quản lý CÁc công trìNH
files -> PHỤ LỤC 2 TỔng hợp danh mục tài liệu tham khảO
files -> BÁo cáo quy hoạch vùng sản xuất vải an toàn tỉnh bắc giang đẾn năM 2020 (Thuộc dự án nâng cao chất lượng, an toàn sản phẩm nông nghiệp và phát triển chương trình khí sinh học ) Cơ quan chủ trì
files -> BỘ TÀi nguyên và MÔi trưỜng
files -> 1. Mục tiêu đào tạo: Mục tiêu chung

tải về 1.29 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   7   8   9   10   11   12   13   14   15




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương