Tập sách được sự tài trợ của ubnd thành phố Đà Nẵng Để Đà Nẵng phát triển nhanh và bền vững


TRUNG TIẾN Hoàng Sa biển đảo mến yêu



tải về 1.29 Mb.
trang10/15
Chuyển đổi dữ liệu29.07.2016
Kích1.29 Mb.
#9078
1   ...   7   8   9   10   11   12   13   14   15

TRUNG TIẾN

Hoàng Sa biển đảo mến yêu
I. Tổng quan địa lý hành chính Hoàng Sa

Trong hệ thống biển đảo Việt Nam, Hoàng Sa là quần đảo san hô gồm trên 40 đảo, đá, cồn san hô và bãi cạn ở khu vực biển Đông , đáy biển ở đây có độ sâu từ 40-100 mét nước, bao phủ bằng một lớp vỏ san hô sống, cát và sỏi san hô, vị trí tọa độ xác định khoảng giữa 15o45"-17o15" vĩ độ bắc và 111o-113o kinh độ đông, trên diện tích tự nhiên rộng khoảng 16.000km2.

Vùng biển này có khí hậu nóng ẩm, mưa nhiều, thường có sương mù và nhiều bão tố đi qua. Trên một số đảo có nguồn nước ngọt, cây cối um tùm, vô số chim và đặc biệt nhiều rùa biển sinh sống. Khu vực biển đảo Hoàng Sa có tiềm năng lớn về hải sản và trữ lượng dầu khí. Việc di chuyển bằng hàng hải giữa các quốc gia thuộc vành đai Thái Bình Dương với vùng Đông Nam Á, Ấn Độ, Tây Á, Địa Trung Hải và cả châu Úc cũng đều thường xuyên đi qua vùng biển này.

Điểm gần nhất của quần đảo Hoàng Sa cách đảo Lý Sơn thuộc tỉnh Quảng Ngãi của Việt Nam 123 hải lý (228 km), điểm gần nhất từ quần đảo Hoàng Sa cách đảo Hải Nam của Trung Quốc khoảng 140 hải lý (254 km).

Quần đảo Hoàng Sa gồm hai nhóm đảo chính là Nguyệt Thiềm và An Vĩnh; đồng thời có rất nhiều đá, cồn, bãi cạn, bãi ngầm. Nhóm đảo Nguyệt Thiềm gồm 7 đảo chính là Hoàng Sa, Hữu Nhật, Duy Mộng, Quang Ảnh, Quang Hòa, Bạch Quy, Tri Tôn. Nhóm đảo An Vĩnh gồm các đảo chính là Phú Lâm, Cây, Linh Côn, Trung, Bắc, Nam, Tây, Hòn Đá.

Các đá, cồn, hòn, bãi trong quần đảo Hoàng Sa gồm Đá Nam, Đá Tây, Đá Tháp, Đá Bông Bay, Đá Chim Yến, Đá Lồi, Bãi Addington, Bãi ngầm Sơn Dương, Bãi Balfour, Bãi Vọng Các, Bãi Bassett, Bãi ngầm Bremen, Bãi Carpenter, Bãi Cathay, Bãi Cawston, Bãi Egeria, Bãi Hand, Bãi Hardy, Bãi Ốc Tai Voi, Bãi Howard, Bãi Learmonth, Bãi Xiêm La, Bãi Smith, Bãi ngầm Bắc, Bãi Quan Sát, Bãi Quảng Nghĩa... Ngoài ra, còn có hai bãi ngầm rất rộng cũng liên quan khu vực quần đảo Hoàng Sa là Macclesfield và Scarborough.

Tài liệu cổ của Việt Nam cho biết, từ thế kỷ XVII trở về trước người Việt đã gọi quần đảo này là Bãi Cát Vàng hoặc Cồn Vàng. Theo nhiều nhà nghiên cứu, tên gọi này xuất phát từ đặc điểm chung quanh các đảo, nhất là đảo Quang Hòa, bãi cát thường có màu vàng, thậm chí có thể nhìn thông suốt đến đáy các nền lòng chảo san hô và thấy cát vàng ở dưới vào những ngày biển lặng. Tên Hán-Việt của Bãi Cát Vàng được dùng nhiều về sau là Đại Trường Sa, Hoàng Sa Châu, Hoàng Sa Chử, Hoàng Sa.

Trên các hải đồ quốc tế, Bãi Cát Vàng của Việt Nam được các nhà vẽ bản đồ của phương Tây ghi là Pracel, Paracel islands hay Paracels. Tên Pracel/Paracel đã được dùng trong bản đồ của Diego Ribeiro năm 1527, Bartholomeu Velho năm 1560, Liveo da Marinharia năm 1560, Lazaro Luis năm 1563, Frères Van Langren năm 1595, Plancius năm 1604, Mercator năm 1613... Theo Pierre Yves Manguin, chữ Parcel (cũng ghi là Pracel) là tiếng Bồ Đào Nha cổ, nghĩa là đá ngầm (récif) hay cao tảng (haut-font). Còn A. Brébion lại cho rằng một thương thuyền Hà Lan thuộc Công ty Đông Ấn tên Paracelsse bị đắm tại vùng biển này vào thế kỷ XVI, nên người phương Tây gọi quần đảo này là Paracel.

Đối với người Trung Quốc, do ít có sự gắn bó với vùng biển này, nên họ gọi quần đảo Hoàng Sa bằng rất nhiều tên, thay đổi một cách bất nhất và chỉ mới gần đây, họ gọi là Hsisha hay Xisha Qundao (Quần đảo Tây Sa).

Vào các thế kỷ XVI-XVIII, hằng năm, dân binh ở khu vực Nam - Ngãi được thay mặt chính quyền Xứ Đàng Trong của Chúa Nguyễn đi khai thác nguồn lợi và kiểm soát quần đảo này thông qua đội Hoàng Sa. Đến vương triều Nguyễn, từ năm 1816 triều đình Huế chính thức xác lập chủ quyền quốc gia ở Hoàng Sa và cử thêm quân đội chính quy trực tiếp đo đạc hải trình, phối hợp dân binh đội Hoàng Sa kiểm soát và quản lý quần đảo, vẽ bản đồ.

Thời Pháp thuộc, ngày 15-6-1932 Pháp bắt đầu thiết lập một đơn vị hành chính ở quần đảo Hoàng Sa thuộc tỉnh Thừa Thiên, lấy tên là Đại lý hành chính Hoàng Sa (Délégation des Paracels), do đại diện chính quyền thực dân ở Trung Kỳ phối hợp với quan đại diện chính quyền Trung ương Nam triều ở Huế chịu trách nhiệm quản lý, chế độ phụ cấp và kinh phí quản lý trích từ ngân sách xứ Trung Kỳ.

Đến 30-3-1938, Hoàng đế Bảo Đại của Nam triều ký Dụ sáp nhập quần đảo Hoàng Sa vào địa hạt tỉnh Thừa Thiên và giao cho quan tỉnh trực tiếp quản lý. Tiếp đó, ngày 5-5-1939, Pháp chia Hoàng Sa thành hai đơn vị hành chính gồm Đại lý hành chính Nguyệt Thiềm và phụ cận và Đại lý hành chính An Vĩnh và phụ cận. Trụ sở của hai đại lý hành chính này đóng tại các đảo Hoàng Sa và Phú Lâm.

Sau Cách mạng Tháng Tám, vào tháng 4-1946, phiên họp đầu tiên của Hội đồng Nhân dân thành phố Đà Nẵng đã ra Nghị quyết phân chia địa giới hành chính thành phố thành 7 khu, và đảo Hoàng Sa là một đơn vị xã trực thuộc thành phố Đà Nẵng. Nhưng đến 20-12-1946, khi Pháp chiếm đóng trở lại thì chính quyền cách mạng tổ chức thành 3 khu như cũ để tiện việc chỉ đạo.

Sau Hiệp định Genève, ngày 13-7-1961, Chính phủ Việt Nam Cộng hòa chuyển quần đảo Hoàng Sa thuộc tỉnh Thừa Thiên để thành lập đơn vị hành chính lấy tên là xã Định Hải, trực thuộc quận Hòa Vang, tỉnh Quảng Nam. Ngày 21-10-1969, Chính phủ Việt Nam Cộng hòa sáp nhập xã Định Hải vào xã Hòa Long cùng thuộc quận Hòa Vang, tỉnh Quảng Nam.

Khi đất nước thống nhất, dù quần đảo Hoàng Sa đã bị quân đội Trung Quốc chiếm đóng hoàn toàn từ 19-1-1974, Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam vẫn tiếp tục xem Hoàng Sa là một đơn vị hành chính của quốc gia, và thành lập huyện Hoàng Sa thuộc tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng vào ngày 9-12-1982 Từ 1-1-1997, Đà Nẵng tách khỏi Quảng Nam, trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, huyện đảo Hoàng Sa được đặt dưới sự quản lý của chính quyền thành phố Đà Nẵng.

Hiện nay, huyện đảo Hoàng Sa cách bờ biển thành phố Đà Nẵng 170 hải lý (khoảng 315 km), với diện tích toàn bộ phần nổi của quần đảo khoảng 10km2 trong tổng số 305 km2 diện tích tự nhiên của huyện quản lý, chiếm khoảng 23,77% diện tích thành phố Đà Nẵng.


2.Nhóm đảo Nguyệt Thiềm

Từ lâu, mặc dù các nhà hàng hải phương Tây đã biết nhiều về quần đảo Hoàng Sa thuộc vương quốc Xứ Đàng Trong, nhưng mãi đến nửa sau thế kỷ XVIII, tên gọi và đặc điểm các đảo, đá, bãi ngầm trong quần đảo vẫn chưa được nhận thức đầy đủ, nhất là khu vực nhóm đảo Nguyệt Thiềm.

Đầu thế kỷ XIX, từ thực tế có khá nhiều tàu thuyền hay gặp nạn ở Hoàng Sa, nên vào năm 1807, Công ty Đông Ấn của Anh ở Bombay đã cử nhà bản đồ học Daniel Ross mang theo hai con thuyền Discovery và Antelope sang khảo sát vùng Biển Đông trong những năm 1807-1810. Daniel Ross đã khảo sát tỉ mỉ quần đảo Hoàng Sa, đặt thêm một số tên đảo, vẽ thành bản đồ khá chính xác và được James Horsburgh ấn hành năm 1815.

Nhóm Nguyệt Thiềm có tên thuần Việt là Trăng Khuyết hay Lưỡi Liềm, cũng gọi là Nhóm Tây, tên tiếng Pháp (P) là Croissant groupe, tên tiếng Anh (A) là Crescent group, hiện nay Trung Quốc gọi là Yongle Qundao (Vĩnh Lạc Quần đảo), nằm về phía tây nam, gần đất liền của Việt Nam, ở tọa độ 16031’ vĩ độ bắc và 111038’ kinh độ đông. Tên Nguyệt Thiềm xuất phát từ vị trí các đảo nằm nối nhau như hình mặt trăng lưỡi liềm.

Có lẽ do đặc điểm đó và học theo cách gọi của người Việt, Daniel Ross đặt tên nhóm đảo này trong bản đồ là Crescent (Lưỡi Liềm). Nhóm Nguyệt Thiềm gồm 7 đảo chính là Hoàng Sa, Hữu Nhật, Duy Mộng, Quang Ảnh, Quang Hoà, Bạch Quy, Tri Tôn và các bãi ngầm cùng vô số mỏm đá .



Đảo Hoàng Sa

Đảo Hoàng Sa còn có tên là Île Pattle (P), Pattle Island (A), hiện nay Trung Quốc gọi là Shanhu Dao (San Hồ Đảo), nằm ở tọa độ 16032’ vĩ độ bắc và 111036’ kinh độ đông. Thư tịch cổ Việt Nam cho biết tên xưa của đảo Hoàng Sa là núi Phật Tự. Chính Daniel Ross sau chuyến khảo sát đã đặt tên tiếng Anh trên bản đồ năm 1815 cho đảo là Pattles .

Phải chăng từ cách gọi Phật Tự mà tên đảo được phiên âm thành tên quốc tế là Pattle (một từ có âm gần giống Phật Tự mà không rõ nghĩa)? Cũng có ý kiến cho rằng Daniel Ross đặt như thế để vinh danh giám đốc Công ty Đông Ấn của Anh giai đoạn 1787-1795 là Thomas Pattle (1748 – 1818).

Đảo có hình bầu dục, dài khoảng 950m, rộng khoảng 650m, nơi cao nhất là 9,15m, diện tích chừng 0,32km2, có vòng san hô bao quanh. Tuy không phải lớn nhất, nhưng Hoàng Sa là đảo chính của quần đảo. Năm 1816, triều Nguyễn cử quân đội chính quy phối hợp dân binh đội Hoàng Sa chính thức cắm cờ, xác lập chủ quyền quốc gia ở Hoàng Sa.

Trên đảo Hoàng Sa, ở góc tây nam có một miếu cổ được dựng lên từ trước thời Nguyễn, có bia khắc 4 chữ “Vạn lý ba bình” (vạn dặm sóng yên). Đến tháng 6 năm Ất Mùi (1835), vua Minh Mạng cử Cai đội Thủy quân là Phạm Văn Nguyên đem lính thợ Giám thành cùng dân binh hai tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định chuyên chở vật liệu ra xây thêm ngôi miếu thờ thần cách miếu cổ 7 trượng (khoảng 29,75m) và dựng thêm bia đá ở bên trái miếu, phía trước xây bình phong .
 
Góc đông bắc của đảo có vài ngôi mộ của binh lính Việt Nam thời Nguyễn hy sinh trong lúc làm nhiệm vụ được chôn cất tại đó. Về sau, trong thời gian Chiến tranh thế giới thứ II còn có thêm Miếu Bà được xây dựng trên nền miếu cũ, cửa miếu mở hướng đông, trong có thờ Tượng Bà cao khoảng 1,5m đứng trên tảng đá.

Ngoài những trại quân có tính chất mùa vụ ít để lại dấu tích của thời chúa Nguyễn và vương triều Nguyễn, thì một số cơ sở quân sự và quan trắc bền vững đã được người Pháp thiết lập trên đảo từ thập niên 1930. Tháng 6-1938, một đơn vị lính khố xanh người Việt được cử ra trấn đóng các đảo ở Hoàng Sa. Cũng vào năm đó, Pháp xây dựng tại đảo Hoàng Sa một hải đăng, một trạm vô tuyến TSF, một đài khí tượng. Cơ sở của đài cũng như đồn binh là hai ngôi nhà đồ sộ và kiên cố.

Đài khí tượng Hoàng Sa được Tổ chức Khí tượng Thế giới (World Meteorological Organization, viết tắt là WMO) công nhận năm 1947, có số hiệu là 48860, trong đó số 48 chỉ vùng Đông Nam Á, số 860 chỉ đài Hoàng Sa. Vì thế, đài Hoàng Sa còn mang tên tiếng Pháp là Station d’Observation 860. Đài đã được duy trì để quan trắc thời tiết và phổ biến tin tức khí tượng cho vùng Đông Nam Á trong nhiều thập niên, kéo dài cho đến tháng 1-1974.

Ngọn hải đăng nằm ở phía bắc của đảo với đèn hiệu phát sáng xa chừng 12 hải lý, thuộc loại hải đăng chớp tắt có chu kỳ, thời khoảng sáng dài hơn thời khoảng tắt, cũng đã trợ giúp đắc lực cho ngành hàng hải dẫn lộ tàu thuyền ngang qua vùng biển Hoàng Sa được an toàn trong suốt thời gian dài.

Đặc biệt, năm 1938 chính quyền Pháp-Nam đã dựng một tấm bia chủ quyền trên vị trí gần trung tâm đảo Hoàng Sa, có khắc dòng chữ Pháp: “Cộng hòa Pháp - Vương quốc Đại Nam - Quần đảo Hoàng Sa 1816 - Đảo Hoàng Sa 1938” (République Française - Royaume d’Annam - Archipels des Paracels 1816- Île de Pattle 1938).

Trong thời gian nổ ra Chiến tranh thế giới lần thứ II, quân đội Pháp và Nhật đã xây dựng một số công sự phòng thủ và liên lạc thám báo trên đảo. Ngày 9-3-1945, khi Nhật đảo chính Pháp ở Đông Dương, lính Nhật cũng đã tước khí giới của trung đội lính Lê dương Pháp trú đóng ở đây. Các nhân viên khí tượng người Việt đã bóc gỗ đóng trần nhà để kết bè vượt biển, về cặp đất liền ở Quy Nhơn. Không quân Đồng minh từng oanh tạc các công sự phòng thủ của Nhật trên đảo Hoàng Sa.

Khi kết thúc Chiến tranh thế giới lần thứ II, trong thời gian từ 20 đến 27-5-1946, Cao ủy Đông Dương là D’Argenlieu đã phái tốc hạm L’Escarmouche ra nắm tình hình đảo Hoàng Sa. Tháng 6-1946, Pháp điều chiến hạm Savorgnan de Brazza đi chiếm lại quần đảo Hoàng Sa, nhưng đến tháng 9-1946 thì rút quân về. Ngày 26-10-1946, lợi dụng thời cơ Pháp-Việt chuẩn bị chiến tranh, Trung Hoa Dân Quốc điều 4 chiến hạm chở quân đi chiếm Hoàng Sa, Trường Sa, và vào 29-11-1946 đã chiếm đảo Phú Lâm.

Trước hành động đó, Chính phủ Pháp lên tiếng chính thức phản đối sự chiếm đóng bất hợp pháp và ngày 13-1-1947 cử chiến hạm Le Tonkinois ra Hoàng Sa để yêu cầu quân Tưởng Giới Thạch rút khỏi Phú Lâm, nhưng họ không rút, nên đã đổ bộ 10 lính Pháp cùng 17 lính Việt lên đóng quân giữ đảo Hoàng Sa . Các đồn lính của Pháp đóng ở đảo Hoàng Sa duy trì mãi đến năm 1956.

Thời Việt Nam Cộng hòa, sau khi tiếp quản từ Pháp, trong hai thập niên 1950-1960, trại lính, nhà kho trên đảo Hoàng Sa được xây cất thêm, đủ cho quân số một tiểu đoàn Thủy quân lục chiến trú phòng. Về sau, lực lượng trú phòng giảm xuống còn một trung đội Địa phương quân, nhà cửa mới thu gọn lại. Bên cạnh đó, một nhà thờ cũng được xây dựng từ thập niên 1950 cho quân nhân theo Thiên chúa giáo có chỗ hành lễ. Phục vụ cho sinh hoạt trên đảo có vài giếng nước được đào vét nhiều lần qua các giai đoạn lịch sử.

Ngoài ra, ở đảo Hoàng Sa còn có một đường sắt cho xe goòng chạy, dài 180m dẫn ra cầu tàu, dùng cho việc vận chuyển phân bón khai thác trên đảo xuống tàu. Cầu tàu bằng đá và xi măng do một công ty Nhật Bản được nhà cầm quyền Pháp trước đây cho phép khai thác phân chim xây dựng ở phía nam đảo, có rạch nước khá sâu từ biển nối vào. Trong giai đoạn 1956-1964, các sà lan của Công ty Phân bón Việt Nam thường cặp cầu tàu để chở phosphate thu gom trên đảo.

Đầu thập niên 1970, lực lượng quân đội Việt Nam Cộng hòa dự định thiết lập một phi đạo ngắn trên đảo Hoàng Sa, đủ khả năng tiếp nhận máy bay vận tải C7 (Caribou) hoặc các loại máy bay có thể dùng phi đạo ngắn hơn; nhưng thời điểm toán công binh tiền phương ra tới nơi thì cũng là lúc hải quân Trung Quốc triển khai chiếm đóng quần đảo, nên việc bất thành.

Từ khi chiếm đóng đảo Hoàng Sa năm 1974, quân đội Trung Quốc đã xây cất thêm nhà cửa, cầu cảng, sân bay, tạo thành những căn cứ dành cho cả quân sự lẫn khai thác biển, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chủ quyền của đất nước và đời sống của nhân dân Việt Nam



Đảo Hữu Nhật


Đảo Hữu Nhật còn có tên Île Robert (P), Robert Island (A), hiện nay Trung Quốc gọi là Guanquan Dao (Cam Tuyền Đảo), nằm ở tọa độ 16031’ vĩ độ bắc và 111034’ kinh độ đông. Tên Hữu Nhật xuất phát từ việc năm 1836 vua Minh Mạng cử Chánh đội trưởng Suất đội Thủy quân của triều Nguyễn là Phạm Hữu Nhật ra quần đảo Hoàng Sa để đo đạc hải trình, cắm mốc và vẽ bản đồ các đảo.

Phạm Hữu Nhật (1804-1854) húy danh là Phạm Văn Triều, con ông Phạm Văn Nhiên và bà Dương Thị Lãng, là thế hệ thứ tư của thủy tổ họ Phạm Văn ở cù lao Ré, nay thuộc thôn Đông, xã An Vĩnh, huyện đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi. Khi nhận lệnh vua, ông sai mỗi binh thuyền đem theo 10 cái bài gỗ loại rộng 5 tấc, dài 5 thước, dày 1 tấc, trên khắc dòng chữ:



Minh Mạng thập thất niên, Bính Thân, Thủy quân Chánh đội trưởng Suất đội Phạm Hữu Nhật phụng mệnh vãng Hoàng Sa tương độ chí thử lưu đẳng tự [Năm Minh Mạng thứ 17, Bính Thân (1836), Thủy quân Chánh đội trưởng Suất đội Phạm Hữu Nhật vâng mệnh đi Hoàng Sa xem xét đo đạc đến đây để ghi nhớ]. Do có nhiều công lao trong việc khám đạc Hoàng Sa nhiều lần, nên sau khi mất trong một lần ra biển năm 1854, tên ông được đặt cho đảo.

Năm 1815, Daniel Ross đã đặt tên tiếng Anh trên bản đồ cho đảo là Roberts . Có ý kiến cho rằng đó là tên người bạn sinh ra ở Ấn Độ của Daniel Ross là Robert Grant (1779 – 1838), vốn là một luật sư và nhà chính trị, con trai của chủ tịch Công ty Đông Ấn Charles Grant.

Đảo có hình hơi tròn, nơi cao nhất 7,92m, rộng độ 0,32km2, nằm về phía nam cách đảo Hoàng Sa 3 hải lý. Quanh đảo có những cây nhàu cao từ 2 đến 3m, khu lòng chảo nằm giữa đảo không sâu, ngoài những bụi cây nhỏ thì cỏ tranh mọc khắp nơi. Ngoài bìa đảo là một vòng san hô, có nhiều chỗ lấn hẳn vào bãi cát, rong phủ kín mặt biển chung quanh, loài vích thường lên bờ đẻ trứng từ mùa xuân đến mùa hạ.

Trên đảo Hữu Nhật có một vài ngôi miếu nhỏ được xây dựng từ xưa. Trong khoảng những năm 1924-1945, một số công ty Nhật Bản đã được phép đến khai thác phosphate. Một con đê bằng đá phosphate và chiếc cầu sắt dài 300m dùng để vận chuyển phosphate lên tàu đã được người Nhật xây dựng. Trước năm 1960, có một vài đoàn chuyên gia về hầm mỏ và phân bón Việt Nam, Nhật Bản đến thăm dò nghiên cứu trên đảo. Năm 1963, lực lượng quân sự của Việt Nam Cộng hòa đến trú đóng và thiết lập bia chủ quyền ở đây vào 5-12-1963.

Ngày 15-1-1974, Trung Quốc triển khai một lực lượng hải quân mạnh mẽ, trong đó có nhiều tàu được nguỵ trang thành tàu đánh cá có máy bay yểm trợ, đổ người lên dựng cờ trên các đảo Quang Ảnh, Hữu Nhật. Từ 19-1-1974, đảo Hữu Nhật bị quân đội Trung Quốc chiếm đóng hẳn.

Đảo Duy Mộng

Đảo Duy Mộng còn có tên là Île Drummond (P), Drummond Island (A), hiện nay Trung Quốc gọi là Jinqing Dao (Tấn Khanh Đảo), nằm ở tọa độ 16028’ vĩ độ bắc và 111044’ kinh độ đông. Năm 1815, Daniel Ross đặt tên đảo trên bản đồ là Drummonds .

Tên Duy Mộng có thể phiên âm từ tiếng Anh mà thành. Có ý kiến cho rằng Daniel Ross lấy tên một quan chức tài chính của Công ty Đông Ấn là James Drummond đã chết trên một con tàu của Công ty Đông Ấn năm 1812 đặt cho đảo.

Đảo cao không quá 4m, hình bầu dục, diện tích khoảng 0,41km2. Trên đảo có nhiều loại cây nhỏ, giữa đảo là một vùng đất trống, nhiều con vích và chim biển sinh sống, ngoài ra còn có 5 ngôi mộ của binh lính thời Nguyễn và Việt Nam Cộng hòa. Đảo có một lạch nước nhỏ nên ghe thuyền có thể theo cửa lạch đó vào được sát bờ, còn tàu lớn thì bỏ neo cách bờ vài ba trăm mét.

Vào đầu tháng 1-1974, trong những ngày chuẩn bị đánh chiếm nhóm Nguyệt Thiềm thuộc quần đảo Hoàng Sa, Trung Quốc đã tập trung tới 11 tàu chiến ở phía tây đảo Duy Mộng.

Đảo Quang Ảnh

Đảo Quang Ảnh còn có tên là Île Money (P), Money Island (A), hiện nay Trung Quốc gọi là Jinyin Dao (Kim Ngân Đảo), nằm ở tọa độ 16050 vĩ độ bắc và 112020’ kinh độ đông.

Đảo mang tên Quang Ảnh là do năm 1815 vua Gia Long từng phái Đội trưởng đội Hoàng Sa Phạm Quang Ảnh quê ở Lý Sơn, Quảng Ngãi đem hải đội ra Hoàng Sa xem xét, đo đạc hải trình, thu hồi hải vật. Năm 1816 Phạm Quang Ảnh lại tiếp tục được phái đi. Về sau, trong một lần đi Hoàng Sa, Phạm Quang Ảnh cùng 24 dân binh gặp bão, mất tích giữa biển. Để ghi nhớ công lao, tên ông được đặt cho đảo này. Phạm Quang Ảnh được thờ ở từ đường tộc Phạm Quang tại thôn Đông, xã An Vĩnh, huyện đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi.

Bản đồ năm 1815 của Daniel Ross đặt tên đảo là Moneys. Tên Money có thể lấy từ William Money (1738- 1796) cha, hoặc con là William Taylor Money (1769-1834), đều là thuyền trưởng và lần lượt làm giám đốc Công ty Đông Ấn.

Đảo có hình bầu dục, diện tích khoảng 0,5km2, cao cách mặt biển 6,09m, có một số cây lớn mọc ở giữa đảo cao tới 5m, bên ngoài là loài cây phosphorite và một số loại cây khác, chung quanh đảo có nhiều đá ngầm và san hô, tàu lớn không thể lại gần đảo vì rất dễ mắc cạn.

Ngày 15-1-1974, lực lượng hải quân Trung Quốc ngụy trang thành tàu đánh cá có máy bay yểm trợ, đổ người lên dựng cờ trên các đảo Quang Ảnh, Hữu Nhật. Từ 19-1-1974, đảo Quang Ảnh bị quân đội Trung Quốc chiếm đóng.



Đảo Quang Hòa

Đảo Quang Hoà còn có tên là Île Duncan (P), Duncan Island (A), hiện nay Trung Quốc gọi là Chenhang Dao (Sâm Hàng/Thâm Hàng Đảo), nằm ở tọa độ 16027’ vĩ độ bắc và 111042’ kinh độ đông. Bản đồ năm 1815 của Daniel Ross đặt tên đảo là Governor Duncans. Có ý kiến cho rằng Daniel Ross đặt thế để vinh danh Jonathan Duncan (1756-1811) là Thống đốc Bombay ở Ấn Độ từ 1795 đến 1811.

Đảo có độ cao 3,96m, diện tích gần 0,5km2, chung quanh đảo là bãi cát màu vàng, vòng san hô lan ra rất xa khỏi bìa đảo. Cạnh đảo lớn còn có những đảo nhỏ, nối liền nhau bằng bãi cát dài. Đảo Quang Hòa có hai phần là Quang Hòa Đông và Quang Hòa Tây.

Quang Hòa Đông có cây nhàu và cây phosphorite mọc ở phía tây của đảo, nhiều cây cao tới 5m, phía đông đảo chỉ có dây leo sát mặt đất. Quang Hòa Tây là một đảo nhỏ, bằng khoảng 1/10 diện tích Quang Hòa Đông, và cũng chỉ có những loại cây như thế.

Vào 15-1-1974, Trung Quốc bắt đầu triển khai lực lượng hải quân dựng cờ trên các đảo Quang Ảnh, Hữu Nhật. Lực lượng quân đội Việt Nam Cộng hoà được tăng cường 1 khu trục hạm, 1 tuần dương hạm, 1 hộ tống hạm đưa các toán biệt hải đổ bộ lên các đảo hạ cờ của Trung Quốc xuống, dẫn đến vài vụ xô xát và nổ súng trên đảo Quang Hoà và một đảo khác. Đến 19-1-1974, trận hải chiến giữa hải quân Việt Nam Cộng hòa và Trung Quốc đã diễn ra trong vòng từ 3 đến 7 hải lý quanh đảo Quang Hòa, kết cục Trung Quốc chiếm đóng đảo này từ đấy.

Đảo Bạch Quy

Đảo Bạch Quy còn có tên là Đá Rùa Trắng, Passu Keah Island (A), hiện nay Trung Quốc gọi là Panshi Yu (Bàn Thạch Dữ), nằm ở tọa độ 16003’ vĩ độ bắc và 111047’ kinh độ đông.

Bản đồ Hoàng Sa do Daniel Ross vẽ năm 1808 và công bố năm 1815 ghi tên đảo là Passoo Keah. Đảo là một dải san hô, có hình bầu dục, chỉ thật sự nổi hẳn lên khỏi mặt nước khi thủy triều xuống, địa thế trơ trọi, rất khó sinh tồn.

Đảo Tri Tôn

Đảo Tri Tôn còn có tên là Île Triton (P), Triton Island (A), hiện nay Trung Quốc gọi là Zhongjian Dao

(Trung Kiến Đảo), nằm ở tọa độ 15047’ vĩ độ bắc và 111012’ kinh độ đông, gần bờ biển Việt Nam nhất so với các đảo khác của Hoàng Sa. Tên gọi Tri Tôn có thể được đặt theo tên chiếc thuyền Triton do John Brown làm thuyền trưởng đã tiếp cận đảo này vào ngày 13-11-1804 . Bản đồ Hoàng Sa năm 1815 do Daniel Ross vẽ ghi tên đảo này là Ship Triton.

Đảo này nơi cao nhất 3,04m, toàn đá san hô đủ màu sắc, không cây cỏ nhưng nhiều hải sâm, ba ba. Sau ngày chiếm đóng năm 1974, Trung Quốc xây dựng các hải đăng và bố trí một cảng mới trên đảo từ năm 1982



3. Nhóm đảo An Vĩnh

Vào nửa sau thế kỷ XVIII, trong lúc nhóm Nguyệt Thiềm ở phía tây nam quần đảo Hoàng Sa vẫn còn chưa chuẩn xác trong ghi chép của các nhà hàng hải phương Tây, thì ngược lại, nhóm đảo An Vĩnh ở phía đông bắc lại được họ biết đến khá nhiều dưới cái tên Nhóm đảo Tam giác (Les Triangles).

Nhóm An Vĩnh còn được gọi là Nhóm Bắc, Amphytrite groupe (P), Amphitrite group (A), hiện nay Trung Quốc gọi là Xuande Qundao (Tuyên Đức Quần đảo), nằm về hướng đông bắc quần đảo Hoàng Sa, ở tọa độ 16053’ vĩ độ bắc và 112017’ kinh độ đông.

An Vĩnh là tên một xã thuộc huyện đảo Lý Sơn của tỉnh Quảng Ngãi ngày nay. Từ thời các chúa Nguyễn, dân An Vĩnh đã gắn liền với lịch sử khai thác và quản lý quần đảo Hoàng Sa. Đầu thế kỷ XIX, triều Nguyễn đặt đội Hoàng Sa gồm 70 người, lấy dân xã An Vĩnh sung vào, hằng năm cứ đến tháng ba đi thuyền ra khai thác sản vật trên các đảo cho triều đình, đến tháng tám thì về.

Những nhân vật nổi tiếng về việc chinh phục quần đảo gắn liền với đội Hoàng Sa như Phạm Hữu Nhật, Phạm Quang Ảnh, Võ Văn Khiết, Võ Văn Hùng, Phạm Văn Sanh, Phạm Văn Nhiên, Phạm Văn Nguyên cùng rất nhiều người vô danh khác đều là con dân An Vĩnh. Chính từ những đóng góp to lớn đó mà tên xã An Vĩnh được dùng để đặt tên cho nhóm đảo này.

Đối với tên gọi Amphitrite, đây là tên chiếc tàu chiến của Pháp vào Biển Đông để đến Trung Quốc cuối thế kỷ XVII. Các giáo sĩ thuộc Hội Thừa sai Paris cũng đã đi tàu Amphitrite ngang qua phía đông quần đảo Hoàng Sa đến Trung Quốc năm 1701 và có nhiều ghi chép về quần đảo này. Vì thế, các nhà hàng hải quốc tế đã gọi nhóm đảo này theo tên chiếc tàu (1).

Nhóm đảo An Vĩnh bao gồm các đảo tương đối lớn và cao nhất trong các đảo của Hoàng Sa, và cũng là các đảo san hô lớn nhất Biển Đông, như đảo Phú Lâm, đảo Cây, đảo Linh Côn, đảo Trung, đảo Bắc, đảo Nam, đảo Hòn Đá.

Đảo Phú Lâm

Đảo Phú Lâm còn có tên là Île Boisée (P), Woody Island (A), hiện nay Trung Quốc gọi là Yongxing Dao (Vĩnh Hưng Đảo), nằm cạnh đảo Hòn Đá, cách đảo Hoàng Sa khoảng 87 km, ở tọa độ 16050’ vĩ độ bắc và 112020’ kinh độ đông. James Horsburgh giải thích đảo mang tên này do có nhiều cây cối bao phủ, trong đó có một số cây dừa (2).

Phú Lâm là đảo quan trọng nhất của nhóm đảo An Vĩnh, dài 1,7km, chiều ngang 1,2km, diện tích chừng 1,3km2. Trên đảo có nước ngọt, nhiều cây cối và chim biển sinh sống, tạo nên lớp phân chim dày.

Thời Pháp thuộc, một số công ty Nhật Bản được phép khai thác phân chim làm phân bón. Năm 1938, khi còn làm chủ Đông Dương, bên cạnh đài quan trắc khí tượng trên đảo Hoàng Sa, người Pháp cũng đã thiết lập một đài quan trắc khí tượng ở đảo Phú Lâm, số hiệu được ghi trong danh sách của WMO là 48859. Nhật đã nhanh chóng chiếm đảo Phú Lâm khi nhảy vào Đông Dương năm 1939.

Sau khi Nhật đầu hàng Đồng minh, từ tháng 6-1946 Pháp chiếm lại quần đảo Hoàng Sa, nhưng đến tháng 9-1946 thì rút quân về. Lợi dụng thời cơ Pháp-Việt chuẩn bị chiến tranh, Trung Hoa Dân Quốc lấy cớ đến giải giới quân Nhật, điều 4 chiến hạm chở quân đi chiếm Hoàng Sa, Trường Sa, và vào 29-11-1946 các tàu Vĩnh Hưng và Trung Kiên đổ bộ lên chiếm đảo Phú Lâm. Chính phủ Pháp đã phản đối sự chiếm đóng bất hợp pháp và ngày 13-1-1947 cử chiến hạm Le Tonkinois ra yêu cầu quân Tưởng Giới Thạch rút khỏi Phú Lâm, nhưng họ không rút.

Ngày 1-10-1949, Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa được thành lập ở lục địa Trung Quốc, Trung Hoa Dân Quốc do Tưởng Giới Thạch cầm đầu rút ra Đài Loan; nên tháng 4-1950, lính Trung Hoa Dân Quốc cũng rút khỏi đảo Phú Lâm. Sau Hiệp định Genève, quyền quản lý Hoàng Sa thuộc về chính quyền Sài Gòn, nhưng Trung Quốc đã bí mật điều quân ra chiếm đảo Phú Lâm vào 21-2-1956.

Từ khi chiếm Phú Lâm, Trung Quốc đã đầu tư xây dựng cảng ở đây. Một cảng mới được đào thêm vào năm 1971, đến năm 1979 thì cảng được mở rộng. Từ năm 1980, Trung Quốc xây dựng một sân bay ở Phú Lâm và thiết lập một đường bay với các chuyến bay 2 tuần một lần (3).

Hiện nay, Phú Lâm có hai bến cảng lớn, một sân bay lớn đáp ứng được việc lên xuống cho các máy bay hạng nặng, đài kiểm báo, kênh đào và nhiều phương tiện quân sự. Cơ sở hạ tầng trên đảo Phú Lâm khá hoàn chỉnh và được tổ chức chặt chẽ nhằm phục vụ mục đích quân sự và kinh tế của Trung Quốc trong khu vực Biển Đông.



Каталог: files
files -> Sạt-đe rằng: Nầy là lời phán của Đấng có bảy vì thần Đức Chúa Trời và bảy ngôi sao
files -> HƯỚng dẫn càI ĐẶt và SỬ DỤng phần mềm tạo bài giảng e-learning
files -> VIỆn chăn nuôi trịnh hồng sơn khả NĂng sản xuất và giá trị giống của dòng lợN ĐỰc vcn03 luậN Án tiến sĩ NÔng nghiệp hà NỘI 2014
files -> ĐẠi học quốc gia hà NỘi trưỜng đẠi học khoa học tự nhiên nguyễn Thị Hương XÂy dựng quy trình quản lý CÁc công trìNH
files -> PHỤ LỤC 2 TỔng hợp danh mục tài liệu tham khảO
files -> BÁo cáo quy hoạch vùng sản xuất vải an toàn tỉnh bắc giang đẾn năM 2020 (Thuộc dự án nâng cao chất lượng, an toàn sản phẩm nông nghiệp và phát triển chương trình khí sinh học ) Cơ quan chủ trì
files -> BỘ TÀi nguyên và MÔi trưỜng
files -> 1. Mục tiêu đào tạo: Mục tiêu chung

tải về 1.29 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   7   8   9   10   11   12   13   14   15




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương