Tập 88 Xin xem a di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bổn, trang một trăm năm mươi mốt: (Sớ) Án bổn truyện, Sư, Trung Thiên Trúc quốc nhân, phụ danh Cưu Ma La Diễm, gia thế tướng quốc, khí vinh xuất du, Quy Tư vương dĩ muội thê chi, sanh Sư



tải về 175.79 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu25.03.2018
Kích175.79 Kb.
#36544


Tập 88
Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bổn, trang một trăm năm mươi mốt:
(Sớ) Án bổn truyện, Sư, Trung Thiên Trúc quốc nhân, phụ danh Cưu Ma La Diễm, gia thế tướng quốc, khí vinh xuất du, Quy Tư vương dĩ muội thê chi, sanh Sư. Sư sanh nhi thần linh, thất tuế tùy mẫu nhập tự, kiến thiết bát, thí thủ gia đảnh, nga niệm thử bát thậm trọng, ngã hà năng cử? Tức bất thắng trọng. Toại ngộ vạn pháp duy tâm, bác học cường ký, nhân năng mạc cập.

()按本傳,師,中天竺國人,父名鳩摩羅琰,家世相國,棄榮出遊,龜茲王以妹妻之,生師,師生而神靈,七歲隨母入寺,見鐵缽,試取加頂,俄念此缽甚重,我何能舉?即不勝重。遂悟萬法唯心,博學強記,人能莫及。

(Sớ: Theo truyện ký của Ngài, Sư là người xứ Trung Thiên Trúc, cha tên là Cưu Ma La Diễm (Kumārāyana), vốn thuộc dòng dõi Tướng Quốc, bỏ vinh hoa, đi du hóa khắp nơi. Vua xứ Quy Tư (Kucha) gả em gái cho, sanh ra Sư. Sư sanh ra thông minh, bảy tuổi theo mẹ vào chùa, thấy bát sắt, thử đội lên đầu, chợt nghĩ bát này rất nặng, ta làm sao có thể giở lên được? Liền [cảm thấy] bát nặng khôn xiết, bèn ngộ “vạn pháp duy tâm”, học rộng, nhớ dai, không ai bằng được).
Giới thiệu người phiên dịch bộ kinh này là Cưu Ma La Thập đại sư. Vị đại sư này là Bồ Tát tái lai, trong đời quá khứ từng là vị sư dịch kinh của bảy đức Phật, từng phiên dịch kinh điển của bảy đức Phật. Vì thế, Ngài dịch hay như thế, do có mối quan hệ nhân duyên với đời trước.

“Bổn truyện”: Đây là trích lục từ truyện ký của Ngài. Truyện ký bản gốc rất dài, trong Đại Tạng Kinh và Cao Tăng Truyện đều có truyện ký của Ngài. Chữ “Sư” [trong lời Sớ] chỉ La Thập đại sư. “Trung Thiên Trúc quốc nhân”: Đây là nói về quê hương của Ngài. Thiên Trúc là Ấn Độ, khi ấy Ấn Độ được chia thành năm khu vực: Đông, Nam, Tây, Bắc, và Trung, Ngài là người Trung Ấn Độ. Cha Ngài là Cưu Ma La Diễm (Kumārāyana), là Tướng Quốc, tức Tể Tướng, giống như Hành Chánh Viện Trưởng (Thủ Tướng)1 trong chế độ hiện thời, địa vị khá cao. Tuy sanh trong gia đình quý tộc, ông từ bỏ phú quý đi xuất gia, [lời Sớ chép là] “khí vinh xuất du”, tức là sang du lịch nước khác. Sau đấy đến Quy Tư (Kuche, Cưu Ty), chữ này đọc [theo âm Quan Thoại] là Qiu Cí2 thuộc Thiên Sơn nam lộ của vùng Tân Cương, Trung Quốc; khi ấy, [Cưu Ty] là một quốc gia rất nổi danh tại Tây Vực3. Quốc vương Cưu Ty coi trọng Cưu Ma La Diễm, bèn gả em gái cho Ngài. Định cư ở nơi đây, sau đó, sanh ra một trai là Cưu Ma La Thập. Đây là tường thuật gia thế của Ngài.

“Sanh nhi thần linh”: Ngài sanh ra cũng rất không tầm thường, đứa bé này vô cùng thông minh, có trí huệ. “Thất tuế tùy mẫu nhập tự” (bảy tuổi theo mẹ vào chùa), thấy bát sắt trong chùa, đội lên đầu chơi, bỗng nhiên nghĩ: Bát này nặng như thế, ta bé như thế, làm sao đội lên đầu được? Ý niệm này vừa nẩy sanh, liền cảm thấy cái bát ấy quá nặng, nhấc lên không nổi! Ngay lúc ấy, Ngài liền ngộ “vạn pháp duy tâm”. Trong tâm không có phân biệt chấp trước, sẽ chẳng có nặng hay nhẹ; có phân biệt, chấp trước, hết thảy hiện tượng sẽ sanh ra. Đúng là cảnh chuyển theo tâm! Vào thời Hán, tại Trung Quốc, Lý Quảng là một vị đại tướng rất giỏi. Có một lần trong khi hành quân, ông ta thấy một khối đá lớn trong đám cây cỏ, khối đá ấy nhìn xa giống như một con cọp, liền bắn một phát tên. Khi bắn, mũi tên cắm sâu vào tảng đá, Lý Quảng vừa nhìn thấy khối đá, liền cảm thấy chính mình ghê gớm lắm: “Các ngươi xem đó, ta rất mạnh! Bắn một phát lút sâu vào đá”. Bắn phát nữa, chẳng thể xuyên vào đá! Đấy cũng là vạn pháp duy tâm! Khi ông ta bắn tên, chẳng nghĩ đó là tảng đá mà tưởng là con cọp, cho nên mũi tên có thể bắn xuyên qua. Niệm thứ hai, biết nó là tảng đá, nên mũi tên chẳng bắn xuyên thấu được. Vạn pháp duy tâm, tâm chuyển vạn pháp. “Bác học cường ký”: Đại sư có trí nhớ rất tốt, những sách đã đọc chẳng quên, “nhân năng mạc cập”: So ra, người bình thường chẳng bằng Ngài.
(Sớ) Dĩ xung niên cao đức, cố vân Đồng Thọ.

() 以沖年高德,故云童壽。

(Sớ: Do [tuổi còn trẻ] mà đức hạnh cao trỗi như người đã lão thành, nên gọi là Đồng Thọ).
Ngài mười hai, mười ba tuổi đã giảng kinh; khi ấy, những vị cao tăng đại đức cùng Ngài biện luận đều chẳng thể thắng Ngài. Tuổi rất trẻ, nhưng học vấn lẫn đức hạnh giống như người trưởng thành, nên mọi người gọi Ngài bằng danh xưng Cưu Ma La, có nghĩa là Đồng Thọ (đứa trẻ già dặn).
(Sớ) Ký thông Tam Tạng, đông du Cưu Ty, vương thiết kim sư tử tòa xử chi.

() 既通三藏,東遊龜茲,王設金獅子座處之。

(Sớ: Đã thông suốt Tam Tạng, đi sang phương Đông, [trở về] xứ Cưu Ty, quốc vương bày tòa sư tử bằng vàng thỉnh Ngài ngồi).
Sau khi mẹ Ngài xuất gia, bèn dẫn Ngài sang Ấn Độ. Bà mẹ đã chứng Tam Quả, chính Ngài cũng đại triệt đại ngộ. Từ Ấn Độ du học, trở về Cưu Ty, khi ấy, La Thập đại sư hai mươi mấy tuổi. Quốc vương Cưu Ty vô cùng tôn trọng Ngài, cúng dường Ngài bảo tọa sư tử bằng vàng, thỉnh Ngài ở lại nơi ấy giảng kinh, thuyết pháp, coi Ngài như quốc bảo. Thời cổ, Trung Quốc và ngoại quốc giống nhau, coi nhân tài là quốc bảo. Đế vương, đại thần chẳng ai không tôn trọng hiền nhân, lễ hiền hạ sĩ (lễ kính, khiêm tốn đối với bậc hiền nhân, trí thức), xin họ dạy bảo cách cai trị nước nhà. Nói theo cách bây giờ là “tư chánh” (資政: giúp đỡ cai trị), làm cố vấn cho quốc vương. Đây là nói rõ địa vị của

Ngài tại Cưu Ty.


(Sớ) Phù Kiên cứ Tần, tương sự Tây thảo, thích Thái Sử tấu dị tinh hiện ư Tây Vực phân dã, đương hữu đại đức trí nhân, nhập phụ Trung Quốc.

() 苻堅據秦 將事西討 適太史奏異星現於西域

分野,當有大德智人,入輔中國。

(Sớ: Phù Kiên chiếm cứ đất Tần, sắp sửa [đem quân] chinh phạt phía Tây, nhằm lúc ấy, quan Thái Sử tâu có ngôi sao lạ mọc trên phần bầu trời4 ở phía Tây Vực, ắt sẽ có bậc đại đức trí huệ, vào giúp Trung Quốc).
“Phù Kiên cứ Tần”: Vào thời Nam Bắc Triều, Phù Kiên chiếm cứ vùng Quan Trung5, thành lập một quốc gia gọi là Tần. “Tây thảo”: “Thảo” (討) là “thảo phạt” (討伐). Ông ta rất có dã tâm, vẫn luôn không ngừng mong mở rộng lãnh thổ quốc gia, xâm phạm những thành thị lân cận. Thời cổ coi trọng bói toán, chiêm tinh, nó có ảnh hưởng rất lớn đến quốc gia đại sự. “Thái Sử” là chức quan trông coi việc quan sát hiện tượng thiên văn, ông ta thấy một ngôi sao rất lớn xuất hiện tại phương Tây. Đây là hiện tượng bất thường, bèn tâu lên Tần vương: Phía Tây xuất hiện một ngôi sao lớn. Căn cứ trên sự bói toán, phương Tây có bậc đại đức đại trí huệ đến Trung Quốc, giúp đỡ Trung Quốc.
(Sớ) Kiên vân: “Trẫm văn Cưu Ty hữu La Thập giả, đắc phi thử da?

() 堅云:朕聞龜茲有羅什者,得非此耶?

(Sớ: Phù Kiên nói: “Trẫm nghe nói xứ Cưu Ty có ngài La Thập, có phải là người ấy đó chăng?”)

Phù Kiên nói: “Ta nghe nói nước Cưu Ty có một vị tên là Cưu Ma La Thập, có đúng người ấy hay chăng”. Vì sự bói toán này, khi ấy, nhà vua bèn sai người sang Tây Vực nghênh thỉnh ngài Cưu Ma La Thập, thỉnh bậc cao nhân thật sự có trí huệ, có đức hạnh đến phụ trợ quốc gia này; nhưng quốc vương [Cưu Ty] không chịu để cho Ngài đi.


(Sớ) Khiển tướng Lữ Quang.

() 遣將呂光。

(Sớ: Phù Kiên sai tướng Lữ Quang).

Năm Kiến Nguyên mười ba (377) thời Phù Kiên, phái đại tướng Lữ Quang dẫn bảy vạn đại quân Tây chinh.


(Sớ) Lâm phát, vị viết.

() 臨發,謂曰。

(Sớ: Lúc sắp xuất hành, vua nói).
Lúc sắp dẫn quân đi, vua dặn riêng Lữ Quang.
(Sớ) Trẫm phi tham địa dụng binh.

() 朕非貪地用兵。

(Sớ: Ta chẳng phải do tham chiếm đất mà dụng binh).

Xuất binh lần này không phải là tham cầu đất đai của người ta, mà cũng chẳng phải là tham cầu vàng, bạc, đồ quý giá.


(Sớ) Văn La Thập thâm giải pháp tướng, vi hậu học tông.

() 聞羅什深解法相,為後學宗。

(Sớ: Ta nghe nói La Thập hiểu pháp tướng sâu xa, là bậc tông sư cho hàng hậu học).
Ta nghe nói La Thập đại sư hết sức thông đạt Đại Thừa Phật pháp, quả thật có sự ngộ nhập rất sâu, là tông sư cho hàng hậu học. “Tông” là tông sư, là tổ sư trong Phật môn, Nho gia gọi vị ấy là tông sư.

(Sớ) Nhược khắc Cưu Ty, tức nghi trì dịch tống Thập.

() 若克龜茲,即宜馳驛送什。

(Sớ: Nếu phá tan Cưu Ty, hãy mau đưa ngài La Thập trở về).
Phá được Cưu Ty, thắng trận, hãy lập tức dùng khoái mã (ngựa chạy rất nhanh), chạy tiếp sức từng trạm chẳng ngừng, ngay lập tức đưa pháp sư La Thập về. Bỏ ra bảy vạn đại quân chẳng tiếc nuối, lao sư động chúng6 để thỉnh một người. Phù Kiên tôn trọng hiền nhân, đúng là chẳng cần phải tranh cãi nữa! Lữ Quang dẫn đại quân tới nước Cưu Ty. Tuy Cưu Ty là một nước lớn ở Tây Vực, cũng bất quá là một thành mà thôi, không có cách nào chống lại binh Tần. Quân Tần vây kín đô thành nước Cưu Ty, nói rõ nguyên nhân vì sao kéo đến: Do muốn thỉnh người ấy. Vua Cưu Ty rất không vừa lòng, muốn chống lại. La Thập bảo vua Cưu Ty: “Binh lực của chúng ta không bằng người ta, nhất định sẽ thua trận, chẳng biết bao nhiêu người bị tử thương”, khuyên vua Cưu Ty hòa đàm, không nên chiến tranh, Ngài tự theo họ đi. Vua Cưu Ty nghe lời Ngài khuyên. Trong tình hình ấy, Lữ Quang dẫn Cưu Ma La Thập đại sư trở về Trung Quốc, thỉnh đến như thế đó!
(Sớ) Cập phá Cưu Ty, tải Thập dĩ quy.

() 及破龜茲,載什以歸。

(Sớ: Đến khi phá được Cưu Ty, chở ngài La Thập về).

Thắng trận, dùng xe chở La Thập đại sư về.


(Sớ) Trung đạo, văn Kiên dĩ vi Diêu Trành sở hại, toại chỉ bất phản, Thập sư nhân bất chí Tần.

()中道聞堅已為姚萇所害,遂止不返,什師因不至秦。

(Sớ: Giữa đường, nghe Phù Kiên đã bị Diêu Trành hại, bèn dừng lại, không trở về [kinh đô Trường An] nữa, do vậy, ngài La Thập chưa đến đất Tần).
Lữ Quang về tới Lương Châu, nay thuộc tỉnh Cam Túc, được tin quốc gia có biến cố. Tần vương đánh nhau với Đông Tấn tại Phì Thủy, thua trận. Nói thật ra, ông ta bại trận lần này vì quá kiêu ngạo, đó gọi là “kiêu binh tất bại”. Khi ấy, Phù Kiên dẫn mấy chục vạn quân, phô trương là một trăm vạn, quân đội Đông Tấn tập hợp hết cả lại, tổng cộng chưa đầy mười vạn người. Đấy là “dĩ quả địch chúng” (lấy ít chống đông). Phù Kiên hết sức kiêu ngạo, nghĩ mình ắt chiến thắng, Đông Tấn đâu có lực lượng nào để chống lại ông ta? Không ngờ chính mình bại trận! Sau khi bại trận, quay về, đại tướng dưới quyền là Diêu Trành đảo chánh, giết ông ta để tự mình làm quốc vương. Diêu Trành và Lữ Quang cùng là đại tướng của Phù Kiên, nay Diêu Trành làm quốc vương, Lữ Quang chẳng phục; vì thế, chiếm cứ Lương Châu, lập ra nước Lương tại đó, xưng là Lương Vương. Khi ấy, lực lượng của ông ta khá hùng hậu, Diêu Trành cũng chẳng có cách nào khác. Do vậy, La Thập đại sư không có cách nào đến nước Tần, ở Lương Châu gần ba mươi năm. Lữ Quang biết ngài La Thập là một người lỗi lạc, nhưng chính mình không thể dùng Ngài, lại không dám tha Ngài, vì Ngài là người có trí huệ, sợ Ngài phù tá người khác. Do vậy, giam kín Ngài tại Lương Châu. Mẹ ngài La Thập từng bảo Ngài: “Ngươi và Trung Quốc hữu duyên, nhưng phải chịu tai nạn rất lớn, sẽ gặp cảnh giam cầm”. La Thập thưa cùng mẹ: “Chỉ cần có thể lợi ích chúng sanh, khổ nạn dẫu lớn đến mấy cũng đều ưng chịu”.
(Sớ) Hậu Trành diệc văn Sư danh, yếu thỉnh, nhi Quang bất doãn.

() 後萇亦聞師名,要請,而光不允。

(Sớ: Sau này, Diêu Trành cũng nghe danh Sư, muốn thỉnh, nhưng Quang không chấp nhận).
Diêu Trành hướng về Lữ Quang yêu cầu, mong có thể thỉnh La Thập đại sư tới Trường An, Lữ Quang không đáp ứng.
(Sớ) Trành vong, tử Hưng phục thỉnh, diệc bất doãn.

() 萇亡,子興復請,亦不允。

(Sớ: Diêu Trành mất, con là Diêu Hưng lại thỉnh, Lữ Quang vẫn không chấp nhận).
Sau khi Diêu Trành chết, con trai là Diêu Hưng kế vị, lại hướng về nước Lương thỉnh cầu hãy để Cưu Ma La Thập đại sư tới Trường An, nhưng vẫn không được đáp ứng.

(Sớ) Nhân khiển binh phạt Quang, Quang điệt hàng Tần, phương đắc nghênh Sư nhập quan, phụng vi quốc sư.

()因遣兵伐光,光姪降秦,方得迎師入關,奉為國師。

(Sớ: Do vậy, phái quân chinh phạt Quang. Cháu của Quang bèn đầu hàng nước Tần, mới đón được Sư về Quan Trung, tôn làm quốc sư).
Khi ấy, Lữ Quang đã chết, cháu trai của Lữ Quang đầu hàng, Diêu Hưng mới có thể nghênh thỉnh La Thập đại sư tới Trường An. Diêu Hưng đối xử với Ngài theo lễ tiết quốc sư, vô cùng tôn kính. Lại còn đem biệt thự của hoàng đế trong vườn Tiêu Dao cúng dường La Thập đại sư, thỉnh Ngài tiến hành công tác dịch kinh. Ngài ở Trường An bảy năm rồi viên tịch. Do vậy, La Thập đại sư tới Trung Quốc hoằng pháp trên thực tế chỉ có bảy năm. Thuở ấy, dịch trường dịch kinh của La Thập đại sư gần như tới tám trăm người, quy mô to lớn, là dịch trường bậc nhất trong lịch sử Trung Quốc. Sau này, dịch trường của Huyền Trang đại sư đại khái là sáu trăm người. Vì Ngài trụ tại Lương Châu một thời gian dài, học tiếng Hán đến nơi đến chốn, những kinh điển do Ngài dịch gần như là văn chương do người Hoa viết. Vì thế, tài nghệ về tiếng Hán của tất cả các pháp sư dịch kinh khác đều chẳng bằng ngài La Thập. Đối với Phật giáo Trung Quốc, Ngài có ảnh hưởng sâu xa, có cống hiến không ai lớn bằng!
(Sớ) Sư duyệt cựu kinh, nghĩa đa phi tích, bất dữ Phạn bổn tương ứng.

() 師閱舊經,義多紕僻,不與梵本相應。

(Sớ: Ngài duyệt những kinh điển đã dịch từ trước, thấy nghĩa lý sai lạc, trúc trắc, chẳng tương ứng với nguyên gốc tiếng Phạn).

La Thập đại sư thấy kinh điển được phiên dịch tại Trung Quốc trước đó, nghĩa lý có rất nhiều thiếu sót, có rất nhiều chỗ chẳng viên mãn.


(Sớ) Nãi tập sa-môn Triệu, Duệ đẳng bát bách dư nhân, tân dịch kinh luận tam bách cửu thập dư quyển, tịnh sướng thần nguyên, phát huy u trí.

()乃集沙門肇叡等八百餘人,新譯經論三百九十餘

卷,並暢神源,發揮幽致。

(Sớ: Bèn nhóm họp các sa-môn như Tăng Triệu, Tăng Duệ v.v... hơn tám trăm người, dịch lại các bản mới đến hơn ba trăm chín mươi quyển, khiến cho những nguồn cội thần kỳ, mầu nhiệm trở thành thông suốt, nêu tỏ lý thẳm sâu tột cùng).
Thuở ấy là lúc nhân tài trong Phật môn cực thịnh, các đời sau không có cách nào hơn được. Những vị như Tăng Triệu, Tăng Duệ đều là những nhân vật lỗi lạc. Lúc ấy, Tăng Triệu đại sư hai mươi mấy tuổi, Ngài thọ mạng rất ngắn, ba mươi mấy tuổi đã qua đời, nhưng thành tựu chẳng thể nghĩ bàn, lưu lại các trước tác như Duy Ma Kinh Chú Giải, Triệu Luận mãi cho đến nay đều vẫn là những tác phẩm đầy uy tín trong Tánh Tông. Tăng Duệ cũng là một trong tứ đại đệ tử của ngài La Thập. Dịch trường của đại sư có hơn tám trăm người, có thể nói là đã tập hợp tinh anh cả nước để tiến hành công tác phiên dịch. Tổng cộng dịch được hơn ba trăm chín mươi quyển kinh luận, mỗi một bộ đều dịch hết sức hay. Người Trung Quốc thường niệm kinh Di Đà, kinh Kim Cang, kinh Pháp Hoa, [những kinh ấy] đều do Ngài phiên dịch. “Phát huy u trí”: “U” (幽) là Lý sâu thẳm qua sự phiên dịch của Ngài đều được hiển lộ rất rõ rệt.
(Sớ) Sư vị chung thiểu nhật, tập chúng vị viết: “Nguyện sở tuyên dịch, truyền chi hậu thế, hàm cộng lưu thông, kim ư chúng tiền, phát thành thật thệ, nhược sở truyền vô mậu, đương sử phần thân chi hậu, thiệt bất tiêu lạn.

() 師未終少日 ,集眾謂曰 :願所宣譯 傳之後世

,咸共流通,今於眾前,發誠實誓,若所傳無謬,當使焚身之後,舌不焦爛。

(Sớ: Trước khi Sư tịch mấy ngày, nhóm đại chúng, bảo: “Nguyện những kinh điển do tôi tuyên dịch, truyền đến đời sau đều được lưu thông. Nay đối trước đại chúng, phát thệ thành thật, nếu những bản dịch được truyền lại không sai lầm, sẽ khiến cho sau khi hỏa thiêu, lưỡi chẳng cháy tiêu”).

Thuở ấy, La Thập đại sư tới Trung Quốc, Diêu Hưng biết đại sư là người thông minh tuyệt đỉnh, nếu Ngài sanh mấy đứa con, nhất định chúng nó sẽ thông minh tuyệt đỉnh. Ngài là người xuất gia, quốc vương ban cho Ngài mười mỹ nữ, ép Ngài nhất định phải nhận lấy. Truyện ký có chép chuyện ngài La Thập nuốt kim. Ngài dạy học trò trì giới, học trò thấy Ngài như vậy, có kẻ chẳng phục lắm. La Thập đại sư chẳng có cách nào, bất đắc dĩ hiển lộ một chút thần thông, lấy kim thêu bỏ đầy một chén, ăn hết chén kim ấy trước mặt mọi người, nhằm bảo học trò: “Các ông có năng lực giống như ta thì mới có thể bắt chước ta, chưa có năng lực ấy thì hãy ngoan ngoãn trì giới”.



“Vị chung thiểu nhật”: Trước lúc Ngài viên tịch vài bữa, Ngài triệu tập đại chúng, hướng về mọi người tuyên bố, nói rõ những kinh điển do Ngài phiên dịch chẳng có sai lầm, mong muốn những kinh điển ấy có thể lưu thông trong đời sau. “Kim ư chúng tiền”: Đối trước đại chúng phát thệ, nếu kinh điển do Ngài phiên dịch chẳng sai lầm, có thể phù hợp ý Phật, sau khi Ngài đã chết, đem hỏa táng, lưỡi chẳng nát, dùng chuyện này để chứng minh.
(Sớ) Dĩ Hoằng Thỉ thập nhất niên bát nguyệt, nhị thập nhật, tuất7 ư Trường An.

() 以弘始十一年八月二十日卒於長安。

(Sớ: Ngày Hai Mươi tháng Tám năm Hoằng Thỉ thứ mười một (409), Ngài mất tại Trường An).
Lão nhân gia viên tịch ngày Hai Mươi tháng Tám Âm lịch.
(Sớ) Xà-duy tân diệt hình tận.

() 闍維薪滅形盡。

(Sớ: Khi trà tỳ, [tới lúc] củi cháy hết, thân hình đều cháy tan).
Xà-duy (Jhāpeti) là hỏa táng. Sau khi hỏa táng, “tân diệt”: Tân (薪) là củi để thiêu; củi thiêu cháy sạch rồi, “hình tận”: Cả cái thân đều cháy tan, cháy hết sạch.
(Sớ) Thiệt căn nghiễm nhiên.

() 舌根儼然。

(Sớ: Lưỡi vẫn còn nguyên).

Quả nhiên chẳng sai! Đúng như Ngài đã tự nói, lưỡi Ngài chẳng nát! Toàn thân cháy tan thành tro, lưỡi chẳng tan, dùng chuyện này để chứng tỏ kinh điển do Ngài đã dịch phù hợp ý Phật.


(Sớ) Kim thử kinh giả, dịch ư Thập sư, nhi thiệt căn bất hoại, dữ chư Phật xuất quảng trường thiệt tán thán thử kinh, hợp nhi quán chi, Phật ngữ bất hư, ư thị ích tín.

() 今此經者 ,譯於什師 ,而舌根不壞 與諸佛出

廣長舌讚歎此經,合而觀之,佛語不虛,於是益信。

(Sớ: Nay kinh này do ngài La Thập dịch, mà lưỡi Ngài chẳng nát, cùng với chư Phật hiện tướng lưỡi rộng dài tán thán kinh này. Hợp cả hai điều này lại để xem xét, lời Phật chẳng dối; do vậy, càng thêm tin tưởng).
La Thập đại sư phát thệ nguyện giữ cái lưỡi lại để chứng minh. Trong kinh này, mười phương chư Phật hiện tướng lưỡi rộng dài ca ngợi kinh này, khuyên chúng ta tu học. Chúng ta hợp những điều này lại để xem xét, lòng tin mới có thể tăng trưởng.
(Huyền Nghĩa) Nhị, danh Xưng Tán Tịnh Độ Phật Nhiếp Thọ Kinh.

(玄義) 二、名稱讚淨土佛攝受經。

(Huyền Nghĩa: Bản thứ hai tên là Xưng Tán Tịnh Độ Phật Nhiếp Thọ Kinh).
Kinh này có hai bản dịch, bản trước do La Thập đại sư phiên dịch, nay chúng ta đang dùng bản này. Về sau, Huyền Trang đại sư từ Ấn Độ trở về, mang theo nguyên bản kinh Di Đà bằng tiếng Phạn, cũng dịch sang tiếng Hán, nhưng tựa đề kinh khác nhau, Huyền Trang đại sư ghi tên kinh là Xưng Tán Tịnh Độ Phật Nhiếp Thọ Kinh.
(Huyền Nghĩa) Đường Tam Tạng pháp sư Huyền Trang dịch, nhị kinh liên tỷ, tiểu dị đại đồng, thời sở tông thượng, giai hoằng Tần bổn.

(玄義)唐三藏法師玄奘譯,二經聯比,小異大同,時所宗尚,皆弘秦本。

(Huyền Nghĩa: Do Tam Tạng pháp sư Huyền Trang dịch vào đời

Đường. So sánh giữa hai kinh, sai biệt đôi chút, những điểm chánh yếu đều giống nhau, nhưng các thời đều ưa chuộng, hoằng dương bản dịch đời Tần).
“Liên” (聯) là liên tục, ngài La Thập dịch trước, ngài Huyền Trang dịch sau. “Tỷ” (比) là so sánh. Lấy hai bản này để so sánh, ý nghĩa giống như nhau, nhưng văn tự khác nhau, cho nên là đại đồng tiểu dị; nhưng từ xưa tới nay bản được lưu thông luôn là bản dịch của La Thập đại sư. Tuy Huyền Trang đại sư có phiên dịch, nhưng từ xưa tới nay không có ai niệm bản dịch của Ngài. Huyền Trang đại sư phát tâm tới Ấn Độ vì hoài nghi kinh điển được phiên dịch qua các đời chẳng đáng tin cậy lắm, cho nên tự mình đến Ấn Độ để ấn chứng đôi chút, coi thử bản dịch bằng tiếng Hán và nguyên văn kinh điển có bị sai khác rất lớn hay chăng, có bị dịch sai hay không. Do động cơ (motivation) này, Ngài qua Ấn Độ, ở lại Ấn Độ học tập mười bảy năm.

Thuở ấy, du hành bằng ngựa, tức là cỡi ngựa, giao thông chẳng thuận tiện như hiện tại, kinh điển từ Ấn Độ chuyển về Trung Quốc cũng vô cùng gian khổ. Kinh chép trên lá Bối. Lá cây Bối Đa La (Pattra) dầy như lá chuối, nhưng chất liệu bền bỉ hơn lá chuối rất nhiều. Quý vị hãy nghĩ xem: Lá cây cồng kềnh, một mảnh lá cây như vậy được cắt thành từng miếng, mỗi miếng chép bốn dòng, một thớt ngựa đại khái chỉ chở được một bộ kinh mà thôi! Kinh sách, tượng Phật từ Ấn Độ mang về Trung Quốc, gặp bao nhiêu khổ nạn chẳng thể nào tưởng tượng, đúng là nguy hiểm tánh mạng, chín phần chết, một phần sống.



Sau khi trở về, Huyền Trang đại sư đã công nhận bản dịch kinh Di Đà của Cưu Ma La Thập đại sư không có vấn đề gì. Nếu có vấn đề, Ngài đã sớm tuyên bố nên dùng bản dịch của Ngài. Bản dịch của Ngài chỉ để cho chúng ta tham khảo, vẫn chủ trương mọi người hãy niệm bản dịch của La Thập đại sư y như cũ; do vậy, chúng ta đối với bộ kinh này, càng tăng trưởng lòng tin vô cùng. Truyền nhân của Huyền Trang đại sư là Khuy Cơ, Khuy Cơ đại sư là khai sơn tổ sư của Pháp Tướng Duy Thức Tông. Bộ Di Đà Kinh Thông Tán Sớ của Khuy Cơ đại sư đã dùng bản dịch của Cưu Ma La Thập. Khuy Cơ đại sư chú giải kinh Di Đà chẳng chọn bản dịch của thầy, mà chọn bản dịch của Cưu Ma La Thập đại sư, dụng ý ấy đặc biệt sâu xa. Hai vị đại sư này làm chứng cho chúng ta biết: Bản dịch của Cưu Ma La Thập đại sư chắc chắn là khá lắm, hai Ngài đều tán thán, đều giúp lưu thông, còn tranh cãi gì nữa hay chăng? Hơn nữa, Khuy Cơ đại sư chú giải kinh Di Đà, tán thán pháp môn này, tán thán đến mức không còn gì hơn được nữa: Chí viên chí đốn, từ một ngày đến bảy ngày thành tựu. Nếu câu nói này thốt ra từ miệng một vị Tổ Sư bên Tịnh Độ Tông sẽ là chuyện rất bình thường, nhưng do khai sơn tổ sư của Duy Thức Pháp Tướng Tông thốt ra, chuyện này chẳng đơn giản! Do vậy, cống hiến của hai vị đại sư đối với pháp môn Tịnh Độ quả thật quá to lớn. Chúng ta nên hiểu điều này!
(Sớ) Huyền Trang pháp sư giả, Đường Lạc Châu Câu Thị nhân, tánh Trần thị.

() 玄奘法師者,唐洛州緱氏人,姓陳氏。

(Sớ: Pháp sư Huyền Trang pháp sư là người huyện Câu Thị, xứ Lạc Châu, sống vào đời Đường, họ Trần).
“Đường” là đời Đường, Lạc Châu nay là Lạc Dương, Ngài là người huyện Câu Thị. “Tánh Trần thị” (họ Trần) đây là họ ngoài đời8 của Ngài.
(Sớ) Thiếu ly hoạn nạn, tùy huynh Trưởng Kiện pháp sư xuất gia ư Tịnh Trụ Tự.

() 少罹患難,隨兄長腱法師出家於淨住寺。

(Sớ: Thuở nhỏ gặp hoạn nạn, theo anh là pháp sư Trưởng Kiện xuất gia tại chùa Tịnh Trụ).
Lúc còn trẻ, gia cảnh khó khăn, anh Ngài xuất gia, Ngài cũng xuất gia làm tiểu sa-di.
(Sớ) Niên thập nhất, tụng Duy Ma, Pháp Hoa, trác nhiên tự lập, bất ngẫu thời lưu.

() 年十一,誦維摩法華,卓然自立,不偶時流。

(Sớ: Năm mười một tuổi, do tụng Duy Ma và Pháp Hoa, nổi bật hơn người, chẳng chơi đùa cùng đồng bạn).
Mười một tuổi, nếu nói theo chúng ta hiện thời thì gần như là một đứa bé con chẳng hiểu biết nhiều nhặn gì! Khi ấy, gia cảnh kham khổ, có lẽ là một đứa trẻ cha mẹ đã khuất, không nơi nương tựa, thường được đưa đến chùa miếu làm tiểu sa-di. Theo quy chế nhà Phật, bảy tuổi mới có thể là sa-di. Nhìn vào những tiểu sa-di ở chung với nhau, đương nhiên trẻ nhỏ không thể nào chẳng chơi đùa. Ngài mười một tuổi, tuổi chẳng khác mọi người cho mấy, nhưng Ngài quở trách các bạn trẻ khác: “Đã xuất gia thì phải nên nghiêm túc tu học Phật pháp, chẳng thể vẫn giống như lũ trẻ giỡn hớt, đùa nghịch, bỏ phí thời gian quý báu của chính mình”. Ngài có thể nói những câu này, những người lớn nghe được, biết đứa bé này chẳng tầm thường, nên cũng khá coi trọng Ngài. “Trác nhiên tự lập” là nói đến chuyện này. “Bất ngẫu thời lưu” là chẳng chơi đùa cùng với mọi người.
(Sớ) Niên nhị thập nhất, giảng Tâm Luận, bất khuy văn tướng, dũng chú bất cùng, thời hiệu “thần nhân”.

() 年二十一 ,講心論 ,不窺文相 ,涌注不窮 ,時

號神人。

(Sớ: Năm hai mươi mốt tuổi, giảng Tâm Luận, chẳng nhìn vào văn tự, mà tuyên giảng ào ạt chẳng ngớt, khi ấy, gọi Ngài là “thần nhân”).

Ngài từ năm mười một tuổi đã chuyên tâm nhất chí, chẳng ham vui đùa, chuyên tâm tu học Phật pháp, tới năm hai mươi mốt tuổi đã có thành tựu kha khá. Ngài giảng kinh có thể không cần nương theo chú giải, lên bục giảng, ý nghĩa tự nhiên nẩy sanh “dũng chú bất cùng” (tuôn ra ào ạt chẳng ngớt), đối với nghĩa lý áo diệu trong kinh, từ cái tâm thanh tịnh giống như nước suối tuôn trào ra ngoài. Đây là trí huệ, mà cũng là cảm ứng; do vậy, Ngài được gọi là “thần nhân”, thật sự là bậc hữu đức hữu học. La Thập đại sư thuở ấy là như vậy, mà ngài Huyền Trang cũng chẳng phải là ngoại lệ.


(Sớ) Trinh Quán tam niên, vãng Tây Vực thủ kinh, bị kinh hiểm nạn, lịch bách ngũ thập quốc, toại chí Xá Vệ.

()貞觀三年,往西域取經,備經險難,歷百五十國

,遂至舍衛。

(Sớ: Năm Trinh Quán thứ ba (629), sang Tây Vực thỉnh kinh, trải đủ mọi nỗi hiểm nạn, đi khắp một trăm năm mươi nước, dần dần đến Xá Vệ).
Trinh Quán (626-649) là niên hiệu của Đường Thái Tông. Vào thời ấy, ra khỏi nước phải được hoàng đế phê chuẩn. Hoàng đế chẳng phê chuẩn, Ngài lén lút ra đi. Trên đường đi, đúng là nếm trọn hết nỗi khổ, đến Đôn Hoàng9, đồng bạn đều ngã lòng, quay về, chịu khổ không thấu mà! Ngài một mình, chẳng sợ gian nan, nguy hiểm, lần lượt đi qua hơn một trăm năm mươi quốc gia, những nước này đều là tiểu quốc. Đi như vậy đến thành Xá Vệ của Ấn Độ. Chùa Na Lạn Đà (Nālandā)10 là nơi Huyền Trang đại sư ở lại để học tập, cũng thuộc thành Xá Vệ.

(Sớ) Thủ kinh lục bách dư bộ, Trinh Quán thập cửu niên hoàn kinh.

() 取經六百餘部,貞觀十九年還京。

(Sớ: Thỉnh được hơn sáu trăm bộ kinh, năm Trinh Quán mười chín, trở lại kinh thành).
Ngài ra đi năm Trinh Quán thứ ba (629), năm Trinh Quán mười chín (645) quay về. Từ đầu đến cuối là mười bảy năm. Khi trở về, Đường Thái Tông nghênh tiếp tại trường đình, gặp mặt Ngài bèn hỏi: “Sao Ngài lại lén lút ra đi?” Đây là Ngài hết sức thành công tại ngoại quốc, vô cùng quang vinh trở về. Lúc đó, người Ấn Độ tôn xưng Ngài là Đại Thừa Thiên. Tại Ấn Độ, trong Đại Thừa Phật pháp, không có một ai có thể trội hơn Huyền Trang đại sư. Khi ấy, Ấn Độ có mười tám quốc vương hợp sức tổ chức cử hành một đại hội biện luận. giống như là đấu võ đài vậy, thỉnh Huyền Trang đại sư chủ trì, bất cứ ai trong xứ Ngũ Ấn Độ đều có thể tùy tiện biện luận với Ngài, nhưng không có một ai tranh biện thắng nổi Ngài. Lúc trở về khác hẳn, mỗi lần đến một nước nào, quốc vương, đại thần đích thân nghênh tiếp và đưa tiễn, cho nên Ngài mang nhiều kinh sách như vậy quay về chẳng khó khăn, dọc đường có người hộ tống, có người cung cấp ngựa và lương khô, đúng là “áo gấm vinh quy”. Sau khi Ngài trở lại Trung Quốc, Đường Thái Tông đích thân ra ngoài thành hoan nghênh Ngài.
(Sớ) Ư Ngọc Hoa Đài phiên dịch kinh luận, tổng nhất thiên tam bách tam thập quyển.

() 於玉華臺翻譯經論,總一千三百三十卷。

(Sớ: Phiên dịch kinh luận ở Ngọc Hoa Đài, tổng cộng một ngàn ba trăm ba mươi quyển).

Trong lịch sử dịch kinh Trung Quốc, Huyền Trang đại sư phiên dịch kinh điển nhiều nhất, phong phú nhất. Ngài mang về hơn sáu trăm bộ kinh sách, mỗi một bộ nhỏ thì chỉ có một quyển, lớn thì có tới cả ngàn quyển. Nguyên văn Trí Độ Luận là một ngàn quyển, Huyền Trang đại sư phiên dịch, đã rút gọn thành một trăm quyển. Chỉ có Đại Bát Nhã Kinh sáu trăm quyển là phiên dịch giữ đúng nguyên văn. Kinh Kim Cang là một quyển trong bộ kinh Đại Bát Nhã này, quyển này cũng là tinh hoa của toàn bộ kinh Bát Nhã. Huyền Trang đại sư phiên dịch kinh luận tổng cộng một ngàn ba trăm ba mươi quyển, dịch nhiều nhất!

Những kinh do Huyền Trang đại sư dịch là trực dịch. Theo ngữ pháp trong tiếng Ấn Độ có rất nhiều câu viết theo lối đảo ngược, người Trung Quốc đọc bản dịch của Ngài [cảm thấy] không quen thuộc lắm! La Thập đại sư là ý dịch, tức là Ngài vốn đã hiểu rõ ý nghĩa của bản gốc kinh điển, hoàn toàn dùng ngữ pháp và cách nói của người Hoa để phiên dịch, cho nên chúng ta thấy kinh do Ngài dịch giống như văn chương của người Hoa, nên họ đọc rất hoan hỷ, chẳng gặp khó khăn. Bản dịch của La Thập đại sư đặc biệt được người Trung Quốc hoan nghênh là do đạo lý này!
(Sớ) Ký ngọa tật.

() 既臥疾。

(Sớ: Đã nằm bệnh).

Huyền Trang đại sư viên tịch năm sáu mươi mấy tuổi. Tại Trung Quốc, gần như là những pháp sư đại đức nghiên cứu Duy Thức Pháp Tướng thọ mạng cũng chẳng dài, những vị có thể thọ hơn bảy mươi tuổi rất ít. Chúng tôi nghĩ có lẽ là do các Ngài suy nghĩ quá độ! Duy Thức Pháp Tướng rất tốn công suy nghĩ, quả thật là có chút hợp lý. Hiện thời, cũng có không ít người rất có hứng thú đối với tông này, nhưng muốn thật sự thành tựu, chắc chắn là vắt kiệt cân não, vì phải làm công tác phân tích, phân tích vô cùng vi tế. Không giống như Tánh Tông hay Niệm Phật, chẳng cần phải bận tâm gì hết, cầu nhất tâm bất loạn, tâm thanh tịnh là được rồi! Khi Huyền Trang đại sư viên tịch, Ngài ngã bệnh. Có học trò hỏi Ngài: “Công phu tu hành của lão nhân gia tốt đẹp dường ấy, cả đời phiên dịch kinh điển nhiều ngần ấy, có công đức to dường ấy, cớ sao lúc ra đi vẫn ngã bệnh?” Ngài bảo: “Do tội chướng từ vô thỉ kiếp tới nay, tội nặng, báo nhẹ, do đau bệnh lần này, tất cả nghiệp chướng sẽ đều tiêu trừ”.


(Sớ) Kiến đại bạch liên hoa cập Phật tướng.

() 見大白蓮華及佛相。

(Sớ: Thấy hoa sen trắng to và hình tướng Phật).

Đây là một tướng lành hết sức tốt đẹp.


(Sớ) Hữu hiếp lũy túc nhi thệ, lưỡng nguyệt, sắc mạo như sanh.

() 右脅累足而逝,兩月,色貌如生。

(Sớ: Xếp chân nằm trên hông phải qua đời, đã mất hai tháng mà sắc tướng, diện mạo vẫn như còn sống).

Vì Ngài là người được Đường Thái Tông tôn kính nhất, nên sau khi Ngài đã tịch, vua đã lưu xác Ngài hai tháng rồi mới nhập liệm, diện mạo như còn sống, có thể thấy tướng tốt lành này.


(Sớ) Tiên thị Tây hành chi nhật, phủ Linh Nghiêm Tự tùng nhi tác thệ ngôn: “Ngô Tây khứ, nhữ Tây trưởng, ngô Đông quy, nhữ Đông hướng”.

()先是西行之日,撫靈嚴寺松而作誓言:吾西去,汝西長,吾東歸,汝東向。

(Sớ: Trước ngày Ngài sang Tây Trúc, đã vỗ vào cây tùng ở chùa Linh Nghiêm thề rằng: “Ta sang phương Tây, ngươi hãy mọc dài về phương Tây. Ta trở về phương Đông, ngươi hãy hướng về phương Đông”).
Khi Ngài sang Ấn Độ, xuất phát từ Linh Nghiêm Tự. Ở cổng chùa Linh Nghiêm có một gốc tùng, Ngài bèn vỗ vào thân cây tùng, bảo nó: “Ta sang phương Tây thỉnh kinh, ngươi hãy mọc dài về phương Tây. Năm nào ta trở về, ngươi hãy đổi lại, mọc dài sang phương Đông”. Đúng là như vậy, cây này rất linh.
(Sớ) Sư khứ, tùng Tây trưởng chí ư sổ trượng.

() 師去,松西長至於數丈。

(Sớ: Sư đi rồi, cây tùng mọc dài về phía Tây đến mấy trượng).
Huyền Trang đại sư sang Ấn Độ, cây ấy mọc dài về phía Tây, mọc đặc biệt tươi tốt, mọc đến vài trượng.
(Sớ) Nhất nhật hốt Đông hồi.

() 一日忽東迴。

(Sớ: Một hôm, cây chợt mọc trở về phương Đông).
Có một ngày, những pháp sư trong chùa thấy cây ấy xoay trở lại, mọc dài về phương Đông. Mọi người nhớ mười bảy năm trước lúc Huyền Trang đại sư sang Ấn Độ, đi rồi tin tức mịt mù, chẳng biết Ngài còn sống hay đã chết? Sau mười bảy năm, thấy cây ấy mọc dài về phương Đông, quay trở lại, mọi người trong lòng hoan hỷ, Huyền Trang đại sư sắp quay về!

(Sớ) Môn đệ tử hỷ viết: “Sư quy hỹ”. Dĩ nhi quả nhiên, thời hiệu Ma Đảnh Tùng vân.

() 門弟子喜曰 :師歸矣 。已而果然 時號摩頂松

云。

(Sớ: Các đệ tử vui mừng nói: “Thầy về rồi đấy!” Quả nhiên là như thế, khi ấy, người ta gọi cây tùng ấy là Cây Tùng Được Xoa Đầu).
Cây tùng ấy sau này được gọi là Ma Đảnh Tùng. Ngay cả cây cỏ đều có linh tánh, con người quyết định chớ nên cô phụ linh tánh của chính mình.
(Sớ) Án Sư thệ ngôn tự yếu, bất sảng như thị, chân ngữ, thật ngữ.

() 按師誓言自要,不爽如是,真語實語。

(Sớ: Xét thấy lời Sư tự thề chẳng sai sẩy như thế, [đó là] chân ngữ, thật ngữ).
Điều này cũng có thể là chứng minh: Lời Ngài là lời chân thật. La Thập đại sư dùng cái lưỡi để làm chứng, Huyền Trang đại sư dùng cây tùng ấy cũng có thể làm chứng. Nếu chẳng phải là lời chân thành, chẳng thể cảm động cây cỏ. Chỉ có chân thành mới có thể cảm động.
(Sớ) Diệc Thập sư thiệt căn bất hoại, chư Phật thiệt tướng quảng trường ý dã.

() 亦什師舌根不壞,諸佛舌相廣長意也。

(Sớ: Cũng có cùng một ý nghĩa với chuyện cái lưỡi của ngài La Thập chẳng hư nát và tướng lưỡi dài rộng của chư Phật vậy).

Điều này nói chung giống với ý nghĩa đã được nói trong phần trước.


(Sớ) Sở dịch thử kinh, yên khả bất tín?

() 所譯此經,焉可不信?

(Sớ: Đối với kinh này do các Ngài dịch, há có thể chẳng tin?)
Đây là nói đến sự phiên dịch kinh Di Đà, chúng ta có thể nào chẳng tin?

(Sớ) Liên tỷ giả, tiên hậu trùng dịch dã.

() 聯比者,先後重譯也。

(Sớ: “Ghép lại để so sánh” là [so sánh giữa] hai lần dịch trước và sau).
Ghép liền hai bản dịch, so sánh giữa hai bản dịch để đối chiếu, ý nghĩa như nhau, văn tự không giống nhau, trong ấy cũng có rộng lược sai khác, chẳng hạn như “Lục phương Phật”, La Thập đại sư dịch thành sáu phương, Huyền Trang đại sư dịch thành mười phương.
(Sớ) Tiểu dị đại đồng giả, Phạn âm sảo biệt, cập ngữ hữu phồn giản, như Hằng hà, Căng Già.

()小異大同者,梵音稍別,及語有繁簡,如恆河殑伽。

(Sớ: Sai biệt đôi chút, phần lớn giống nhau: Âm tiếng Phạn hơi khác nhau, và từ ngữ có rườm rà hay đơn giản khác biệt, ví dụ như Hằng hà và Căng Già).
La Thập đại sư dịch là “Hằng hà sa số”, dùng chữ “Hằng hà”; Huyền Trang đại sư dịch thành Căng Già, sông Căng Già (Ganges) là Hằng hà, từ âm tiếng Phạn dịch ra.
(Sớ) Lục phương thập phương chi loại.

() 六方十方之類。

(Sớ: Sáu phương và mười phương v.v...)
“Lục phương Phật”: La Thập đại sư dịch thành sáu phương, tức Đông, Nam, Tây, Bắc, trên, dưới; Huyền Trang đại sư dịch là mười phương. Bản dịch của La Thập đại sư đã tỉnh lược bốn phương Đông Bắc, Đông Nam, Tây Bắc, Tây Nam. Tuy văn tỉnh lược, nhưng ý nghĩa viên mãn.
(Sớ) Nhi đại ý nhất vô tương quai dã.

() 而大意一無相乖也。

(Sớ: Nhưng đại ý là một, chẳng trái nghịch nhau).
Đại ý hoàn toàn tương đồng.

(Sớ) Giai hoằng giả, Pháp Hoa tam dịch, Tần bổn thịnh hành. Thử kinh nhị dịch, diệc phục như thị.

()皆弘者,法華三譯,秦本盛行。此經二譯,亦復如是。

(Sớ: “Đều hoằng dương”: Pháp Hoa có ba bản dịch, bản dịch đời Tần thịnh hành. Kinh này có hai bản dịch, cũng giống như thế).
Kinh Pháp Hoa tại Trung Quốc có ba bản dịch, nhưng hết thảy mọi người thích tụng bản dịch của La Thập đại sư, những bản khác như Chánh Pháp Hoa, Thiêm Phẩm Pháp Hoa Kinh11 rất ít người niệm, rất ít lưu thông. Kinh Di Đà cũng giống như thế, có hai bản dịch, nhưng bản dịch của La Thập đại sư được hoan nghênh nhất.

Hiện thời, chúng tôi nói Vô Lượng Thọ Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác Kinh được truyền đến Trung Quốc sớm nhất, được phiên dịch vào thời ngài An Thế Cao, chỉ trễ hơn [bản dịch kinh Tứ Thập Nhị Chương] của Ma Đằng và Trúc Pháp Lan. Đó là vào đời Hán. Hơn nữa, tại Trung Quốc có mười hai bản dịch, được phiên dịch nhiều nhất. Do điều này có thể biết: Từ xưa tới nay, pháp môn Tịnh Độ được coi trọng và phổ biến, các vị cổ đại đức đều đề xướng cầu sanh Tịnh Độ, chúng ta chớ nên không biết điều này! Nhưng hơn nửa các bản dịch đã bị thất lạc, được thu thập trong Đại Tạng Kinh chỉ năm bản dịch, chỉ còn những bản ấy. Nay chúng ta nghiên cứu kinh Vô Lượng Thọ, phải lấy năm bản dịch ấy làm căn cứ. Bản được chúng tôi dùng để giảng hiện thời là bản hội tập của cư sĩ Hạ Liên Cư. Cụ đã đem năm bản dịch, biên tập lần nữa thành một bản mới. Nhưng mỗi câu kinh văn, mỗi chữ trong ấy đều xuất phát từ năm bản dịch gốc, tự mình chẳng thêm vào một chữ nào, không hề sửa một chữ nào. Đây là biên tập trung thực, lại còn là biên tập khá hay! Chúng ta đọc bản này, giảng bản này, năm bản dịch gốc có thể dùng để tham khảo. Những chuyện này không gì chẳng nhằm kiến lập lòng tin cho chúng ta, kích phát đại nguyện cầu sanh Tịnh Độ, khiến cho chúng ta trong một đời này thành tựu viên mãn Bồ Đề. Đây là bổn hoài khiến đức Thế Tôn xuất hiện giáo hóa chúng sanh trên thế gian này, mà cũng là kỳ vọng duy nhất của lịch đại tổ sư đại đức đối với chúng ta, mong muốn chúng ta hãy chọn lựa pháp môn này, sẽ thành tựu ngay trong đời này. Hôm nay chúng tôi giảng tới đây.





1 Hành Chánh Viện Trưởng là danh xưng để gọi Thủ Tướng của Đài Loan, tại Hoa Lục thì gọi là Tổng Lý Quốc Vụ Viện.

2 Từ cách đọc này trong tiếng Hán, chữ Quy Tư phải đọc đúng âm là Cưu Ty. Xứ này nằm phía Bắc sa mạc Taklamakan trong vùng trũng Tarim, phía Nam sông Muzat. Dân Cưu Ty nói tiếng Toracharian (thuộc hệ ngôn ngữ Ấn Âu), có văn tự riêng. Người Trung Hoa đã biết đến xứ này từ thời Hán. Thời Đường, xứ này rất nổi tiếng về âm nhạc và ca vũ, cung đình triều Đường rất chuộng nhạc Cưu Ty, thể loại Nhã Nhạc của Trung Hoa chịu ảnh hưởng lớn từ nhạc Cưu Ty. Đàn Tỳ Bà cũng do người Trung Hoa vay mượn của dân Cưu Ty và cải tiến. Hiện thời, Cưu Ty chính là thành phố Kuqa (Khố Xa) thuộc địa khu Aksu của Tân Cương Duy Ngô Nhĩ Tự Trị Khu, Trung Quốc.

3 Tây Vực là danh xưng để gọi chung toàn bộ những vùng đất nằm ở Thiên Sơn nam lộ (tức là tuyến đường Tơ Lụa đi từ Ngọc Môn Quan về phương Tây). Từ Ngọc Môn Quan đi về phương Tây có ba tuyến đường: Bắc, Nam, và Trung. Thoạt đầu vào thời Tùy Đường, Tây Vực bao gồm: Phía Bắc đến Phất Lâm (đế quốc Byzantine), phía Đông đến Ba Tư, phía Nam đến giáp ranh Bà La Môn (Ấn Độ). Thời Nguyên, cả khu vực Âu Châu cũng được gộp vào Tây Vực. Hiểu theo nghĩa hẹp, Tây Vực chỉ bao gồm các quốc gia Trung Á nằm dọc theo con đường Tơ Lụa. Sử Trung Hoa thường ghi các quốc danh nổi tiếng tại Tây Vực như Thiện Thiện (Lâu Lan), Nhược Khương, Ô Tra, Tây Da, Tử Hợp, Quyên Độc, Tiểu Uyên, Tinh Tuyệt, Thả Mạt, Vu Điền, Nhung Lô, Ba Sơn, Sớ Lặc, Kiệt Thạch, Nguy Tu v.v...

4 “Phân dã” là cách phân chia bầu trời thành mười hai cung (Tinh Kỷ, Huyền Hiêu, Phản Tý, Giáng Lũ, Đại Lương, Thật Trầm, Thuần Thủ, Thuần Hỏa, Thuần Vỹ, Thọ Tinh, Đại Hỏa, Tích Mộc) của thiên văn cổ Trung Hoa, khá giống như cách chia mười hai cung Hoàng Đạo hiện thời, nhưng trong “phân dã” thì mặt đất cũng chia thành mười hai cung tương ứng với bầu trời. Do vậy, để chiêm nghiệm vận mạng một nước, quan Thái Sử thường quan sát tinh tú ứng với phân dã của nước ấy.

5 Quan Trung là vùng bình nguyên sông Vị, thuộc miền Trung tỉnh Thiểm Tây hiện thời, thuộc vùng thượng lưu sông Hoàng. Vùng này nông nghiệp trù phú, dân cư đông đảo, thường gọi là Bát Bách Lý Tần Xuyên (vùng Tần Xuyên tám trăm dặm). Do chung quanh vùng này có bốn ải là Tán Quan (ở phía Tây), Hàm Cốc Quan (phía Đông), Vũ Quan (phía Nam) và Tiêu Quan (phía Bắc) nên gọi là Quan Trung. Kinh đô Hàm Dương của nước Tần thời Tần Thủy Hoàng cũng thuộc Quan Trung.

6 Chữ Sư ở đây chỉ quân đội.

7 Tuất (): Thời cổ, quan đại phu chết được gọi là Tuất, nên cổ văn thường dùng chữ Tuất để nói về cái chết của những người đáng tôn trọng.

8 Ngài Huyền Trang tên thật là Trần Huy, hậu duệ của công thần Trần Thật (104-187) thời Đông Hán. Ngài thuộc gia đình vọng tộc, ông cố là Trần Khâm làm quan Thái Thú vùng Thượng Đảng thời Đông Ngụy, ông nội là Trần Khang làm quan Quốc Tử Bác Sĩ nhà Bắc Tề, cha là Trần Huệ làm huyện lệnh Giang Lăng đời Tùy. Khi Ngài sanh ra, cha đã từ quan, cõi đời loạn lạc, gia cảnh suy sút. Ngài có ba người anh, người anh thứ hai là Trần Tố, đã xuất gia trước đó tại chùa Tịnh Trụ ở Lạc Dương. Vị này có tài giảng kinh nên người đương thời thường gọi là pháp sư Trưởng Kiện.

9 Đôn Hoàng nay thuộc thành phố Tửu Tuyền, tỉnh Cam Túc. Thời Xuân Thu, do nơi này có một loại dưa ngon nổi tiếng, nên gọi là Qua Châu. Do ở trong vùng sa mạc, nên đôi khi còn gọi là Sa Châu. Tới thời Chiến Quốc, Đôn Hoàng thuộc địa bàn của Đại Nhục Chi. Nơi này từng bị quân Hung Nô chiếm lãnh một thời gian dài, đến khi nhà Hán lấy lại bèn đổi chữ viết từ 燉煌 (đồi núi lửa) thành Đôn Hoàng (敦煌), ngụ ý cầu chúc thịnh vượng dài lâu. Thời ngài Huyền Trang, Đôn Hoàng bị dân Thổ Phồn (Tây Tạng) chiếm đóng, mãi đến đời Đường Tuyên Tông mới chiếm lại Đôn Hoàng.

10 Na Lạn Đà (那爛陀) là một tu viện nổi tiếng được xây dựng bởi vua Śakrāditya (Thước Ca La A Điệt Đa) của vương triều Ma Kiệt Đề. Na Lạn Đà thường được dịch nghĩa là Thí Vô Yếm (bố thí không chán), một danh hiệu của long vương hồ Amrā gần tu viện. Thuở cực thịnh, Na Lạn Đà có đến mười ngàn vị tăng tu học và hai ngàn giáo sư, là một đại học Phật giáo lớn nhất thời ấy. Riêng thư viện của Na Lạn Đà chiếm hết ba tòa nhà lớn, mỗi tòa nhà gồm chín tầng. Hiện nay, di chỉ Na Lạn Đà thuộc tiểu bang Bihar của Ấn Độ, cách thành phố Patna năm mươi lăm dặm về phía Đông Nam. Năm 1193, Khtiyar Uddin Muhammad Bin Bakhtiyar Khilji, tướng quân của vua Qutb-ud-din Aibak, Sultan xứ Delhi (người sáng lập vương triều Ghuhlam), đã tấn công tu viện Na Lạn Đà, thiêu sống hoặc chặt đầu hàng ngàn vị tăng, đốt cháy kinh sách, đập nát các kiến trúc. Theo sử gia Minhaj-ib-Siraj của Ba Tư, thư viện cháy đến vài tháng mới tắt. Tu viện trưởng Shakya Shribhadra (Thích Thắng Hiền) chạy thoát sang Tây Tạng, truyền thừa giáo nghĩa Căn Bản Nhất Thiết Hữu Bộ (Mūlasarvāstivāda). Tu viện Na Lạn Đà diệt vong.

11 Chánh Pháp Hoa Kinh do ngài Trúc Pháp Hộ dịch vào đời Tây Tấn, chỉ có hai mươi bảy phẩm, hơi khác với bản dịch của ngài La Thập ở chỗ phẩm Chúc Lụy được xếp vào cuối cùng, phẩm Phổ Hiền Bồ Tát Khuyến Phát được xếp thành phẩm hai mươi sáu với danh xưng Lạc Phổ Hiền. Thiêm Phẩm Diệu Pháp Liên Hoa Kinh do Ngài Xà Na Quật Đa dịch vào đời Tùy, gồm hai mươi bảy phẩm, và phẩm Chúc Lụy cũng được xếp vào cuối cùng.

Quyển III - Tập 88



tải về 175.79 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương