TOÁt yếu giáo lý CỦa hội thánh công giáo compendium of the Catechism of the Catholic Church



tải về 1.01 Mb.
trang9/14
Chuyển đổi dữ liệu30.07.2016
Kích1.01 Mb.
#10584
1   ...   6   7   8   9   10   11   12   13   14

352. Nghi thức Trừ tà là gì?

1673

Người ta gọi là nghi thức Trừ tà, khi Hội thánh, với thẩm quyền của mình, nhân danh Chúa Giêsu, kêu xin để một người hay một vật được Thiên Chúa bảo vệ khỏi ảnh hưởng của Ác thần và giải thoát khỏi ách thống trị của nó. Trong cử hành Bí tích Rửa tội, có một nghi thức Trừ tà đơn giản. Nghi thức Trừ tà trọng thể chỉ được thực hiện bởi một linh mục, với sự cho phép của Giám mục.

 

353. Ðâu là những hình thức đạo đức bình dân kèm theo đời sống Bí tích của Hội thánh?

1674-1676

1679

Cảm thức tôn giáo của dân Kitô giáo trong mọi thời đại đều có những cách diễn tả lòng đạo đức của mình qua nhiều hình thức khác nhau luôn đi kèm theo đời sống Bí tích của Hội thánh, như việc tôn kính các di tích thánh, kính viếng các đền thánh, những cuộc hành hương, những cuộc rước kiệu, chặng đàng thánh giá, kinh Mân côi. Dưới ánh sáng đức tin, Hội thánh soi sáng và cổ võ những hình thức chính đáng của lòng đạo đức bình dân.

 

Lễ Nghi An Táng Theo Kitô Giáo

 

354. Có tương quan nào giữa các Bí tích và cái chết của người Kitô hữu?



1680-1683

Người Kitô hữu, chết trong Ðức Kitô, khi kết thúc cuộc đời trần thế của mình, đạt đến sự viên mãn của đời sống mới được bắt đầu nơi Bí tích Rửa tội, được củng cố bằng Bí tích Thêm sức và được nuôi dưỡng bằng Bí tích Thánh Thể, là tham dự trước vào bàn tiệc thiên quốc. Ý nghĩa cái chết trong Kitô giáo được biểu lộ dưới ánh sáng sự Chết và sự Phục sinh của Ðức Kitô, niềm hy vọng duy nhất của chúng ta. Người Kitô hữu chết trong Ðức Kitô, là ra đi để "cư ngụ nơi Chúa" ( 2 Cr 5,8).

 

355. Lễ nghi an táng diễn tả ý nghĩa gì?

1684-1685

Dù được cử hành theo nhiều nghi thức khác nhau tùy theo hoàn cảnh và truyền thống địa phương, lễ nghi an táng của Kitô giáo luôn làm nổi bật đặc tính Vượt qua của cái chết theo Kitô giáo trong niềm hy vọng sống lại, cũng như ý nghĩa của sự hiệp thông với người đã qua đời, đặc biệt là trong lời cầu nguyện cho linh hồn họ được thanh luyện.

 

356. Những giai đoạn chính của lễ nghi an táng là gì?

1686-1690

Lễ nghi an táng thường gồm bốn phần chính: cộng đoàn đón tiếp quan tài với những lời an ủi và hy vọng, Phụng vụ Lời Chúa, Hy tế Thánh Thể, và lễ nghi từ biệt, trong đó linh hồn người quá cố được phó dâng lên Thiên Chúa, Ðấng là nguồn sống vĩnh cửu, trong khi thân xác được an táng trong niềm hy vọng phục sinh.


PHẦN III: ÐỜI SỐNG TRONG ÐỨC KITÔ - ĐOẠN MỘT
Ðoạn Thứ Nhất:

Ơn Gọi Của Con Người:

Ðời Sống Trong Chúa Thánh Thần

 

357. Ðời sống luân lý của người Kitô hữu được nối kết với đức tin và các Bí tích như thế nào?



1691-1698

Ðiều mà Kinh Tin Kính tuyên xưng, các Bí tích tiếp tục trao ban. Qua các Bí tích, các tín hữu đón nhận ân sủng của Ðức Kitô và hồng ân của Chúa Thánh Thần. Nhờ đó, họ có khả năng sống đời sống mới với tư cách là con cái Thiên Chúa trong Ðức Kitô, Ðấng họ đã đón nhận trong đức tin.



"Hỡi người Kitô hữu, hãy ý thức phẩm giá của bạn" (Thánh Lêô Cả).

 

Chương Một



Phẩm Giá Con Người

 

Con người, hình ảnh của Thiên Chúa

 

358. Nền tảng phẩm giá con người là gì?

1699-1715

Phẩm giá của con người bắt nguồn trong việc con người được tạo dựng theo hình ảnh và giống Thiên Chúa. Ðược phú bẩm một linh hồn thiêng liêng và bất tử, lý trí và ý chí tự do, con người được qui hướng về Thiên Chúa và được mời gọi hưởng hạnh phúc vĩnh cửu cả hồn lẫn xác.

 

Ơn Gọi Ðược Hạnh Phúc

 

359. Làm thế nào con người đạt tới hạnh phúc?



1716

Con người đạt được diễm phúc nhờ ân sủng của Ðức Kitô, ân sủng này cho họ được tham dự vào đời sống của Thiên Chúa. Trong Phúc Âm, Ðức Kitô chỉ cho các môn đệ của mình con đường dẫn tới hạnh phúc vĩnh cửu: đó là các Mối phúc. Ân sủng của Ðức Kitô cũng hoạt động trong tất cả những ai, dựa theo lương tâm ngay thẳng, tìm kiếm và yêu mến chân lý và điều thiện, và tránh điều ác.

 

360. Tại sao các Mối phúc lại quan trọng đối với chúng ta?

1716-1717

1725-1726

Các Mối phúc nằm ở trung tâm lời rao giảng của Chúa Giêsu. Chúng nhắc lại các lời hứa mà Thiên Chúa đã trao ban từ thời ông Ábraham và hoàn thành các lời hứa. Các Mối phúc diễn tả chính diện mạo của Chúa Giêsu, nêu lên những đặc tính đích thực của đời sống người Kitô hữu và mạc khải cho con người cùng đích hoạt động của họ : đó là hạnh phúc đời đời.

 

361. Ðâu là mối liên hệ giữa các Mối phúc và lòng khao khát hạnh phúc của con người?

1718-1719

Các mối phúc đáp lại lòng khao khát bẩm sinh về hạnh phúc mà Thiên Chúa đã đặt để trong tâm hồn con người để lôi kéo họ về với Ngài và chỉ mình Ngài mới có thể lấp đầy lòng khao khát ấy.

 

362. Hạnh phúc đời đời là gì?

1720-1724

1727-1729

Ðó là việc chiêm ngưỡng Thiên Chúa trong đời sống vĩnh cửu, ở đó chúng ta sẽ được trọn vẹn "thông phần bản tính Thiên Chúa" (2 Pr 1,4), thông phần vinh quang của Ðức Kitô và niềm vui của đời sống Ba Ngôi. Hạnh phúc đời đời vượt quá khả năng con người. Ðó là một hồng ân siêu nhiên và nhưng không của Thiên Chúa, cũng như ân sủng dẫn đưa chúng ta đến đó. Hạnh phúc được hứa ban đặt chúng ta trước những chọn lựa luân lý quan trọng về của cải trần thế, thúc đẩy chúng ta yêu mến Thiên Chúa trên hết mọi sự.

 

Sự Tự Do Của Con Người

 

363. Tự do là gì?



1730-1733

1743-1744

Tự do là khả năng Thiên Chúa ban cho con người để hành động hay không hành động, để làm việc này hay việc khác, và như vậy, tự mình đưa ra những quyết định một cách ý thức. Tự do là nét đặc trưng của các hành vi nhân linh. Càng làm điều thiện, người ta càng tự do hơn. Tự do hướng đến sự hoàn hảo khi quy hướng về Thiên Chúa, Ðấng là sự thiện tối thượng và là hạnh phúc của chúng ta. Tự do cũng bao hàm khả năng lựa chọn giữa điều tốt và điều xấu. Sự lựa chọn điều xấu là một lạm dụng tự do, đưa chúng ta vào vòng nô lệ tội lỗi.

 

364. Ðâu là mối tương quan giữa tự do và trách nhiệm?

1734-1737

1745-1746

Vì có tự do, con người phải chịu trách nhiệm về các hành vi của mình theo mức độ các hành vi này do chính họ muốn, cả khi việc qui trách và trách nhiệm về một hành động có thể bị giảm thiểu hoặc đôi khi bị loại bỏ, vì lý do thiếu hiểu biết, không chú ý, do áp lực, do sợ hãi, do xúc động thái quá, hoặc do các thói quen.

 

365. Tại sao mọi người có quyền thực thi tự do của mình?

1738

1747

Mỗi người đều có quyền sử dụng tự do của mình, vì tự do không thể tách rời khỏi phẩm giá con người. Vì thế quyền này phải luôn được tôn trọng, đặc biệt trong lãnh vực luân lý và tôn giáo. Quyền tự do này phải được luật dân sự công nhận và bảo vệ, trong các giới hạn của công ích và trật tự công cộng chính đáng.

 

366. Sự tự do của con người nằm ở vị trí nào trong nhiệm cục cứu độ?

1739-1742

1748

Sự tự do của chúng ta bị suy yếu vì tội nguyên tổ. Sự suy yếu này càng trầm trọng hơn vì các tội lỗi sau đó. Nhưng "chính để chúng ta được tự do mà Ðức Kitô đã giải thoát chúng ta" (Gl 5,1). Nhờ ân sủng của Người, Chúa Thánh Thần hướng dẫn chúng ta đến sự tự do thiêng liêng, để làm cho chúng ta thành những cộng tác viên tự do của Người, trong Hội thánh và trong thế giới.

 

367. Ðâu là nguồn gốc luân lý của hành vi nhân linh?

1749-1754

1757-1758

Tính chất luân lý của hành vi nhân linh dựa trên ba nguồn:

- Ðối tượng được lựa chọn, nghĩa là một điều thiện đích thực hay có vẻ như thế.

- Ý hướng của chủ thể hành động, nghĩa là mục đích khiến cho chủ thể hành động.

- Các hoàn cảnh của hành động, bao gồm cả các hậu quả của hành động.

 

368. Khi nào hành vi là tốt xét về phương diện luân lý?



1755-1756

1759-1760

Xét về phương diện luân lý, hành vi tốt phải có cùng lúc đối tượng, ý hướng và các hoàn cảnh đều tốt. Ðối tượng được chọn tự nó có thể làm cho hành vi trở thành xấu, dù có ý hướng tốt. Không được phép làm một điều xấu để đạt được một điều tốt. Một mục đích xấu có thể hủy hoại hành vi, cho dù đối tượng tự nó là tốt. Ngược lại, một mục đích tốt không thể làm cho một hành động mà đối tượng của nó là xấu, trở thành tốt được, vì mục đích không biện minh cho các phương tiện. Các hoàn cảnh có thể làm giảm thiểu hay gia tăng trách nhiệm của tác giả hành vi, nhưng chúng không thể làm thay đổi phẩm chất luân lý của chính các hành vi. Hoàn cảnh không bao giờ có thể làm cho một hành vi tự nó là xấu trở thành tốt được.

 

369. Có phải có những hành vi luôn luôn không được phép làm hay không?

1756, 1761

Có những hành vi, mà sự lựa chọn chúng luôn luôn là không được phép, vì đối tượng của chúng (chẳng hạn lộng ngôn, sát nhân và ngoại tình). Việc lựa chọn những hành vi này đã có một lệnh lạc của ý chí, nghĩa là một điều xấu luân lý; điều xấu này không thể biện minh bằng việc xét đến những điều tốt có thể rút ra từ những hành vi đó.

 

Tính Luân Lý Của Các Ðam Mê

 

370. Các đam mê là gì?



1762-1766

1771-1772

Ðam mê là những cảm xúc, những rung động hay những chuyển biến của sự nhạy cảm - đó là những yếu tố tự nhiên của tâm lý con người - chúng thúc đẩy con người hành động hay không hành động, theo điều được cảm nhận là tốt hoặc xấu. Những đam mê căn bản là yêu và ghét, ước muốn và sợ hãi, vui buồn và phẫn nộ. Ðam mê quan trọng nhất là tình yêu, được hấp dẫn bởi điều thiện. Người ta chỉ yêu điều thiện hảo, hoặc là điều thiện hảo thực sự hoặc là điều người ta tưởng là thiện hảo.

 

371. Xét về khía cạnh luân lý, đam mê tốt hay xấu?

1767-1770

1773-1775

Vì là những rung động của khả năng cảm thụ, đam mê tự chúng không tốt và cũng chẳng xấu. Ðam mê tốt khi đưa đến những hành động tốt, và là xấu trong trường hợp nghịch lại. Các đam mê có thể được thăng hoa thành các nhân đức hay thoái hóa thành các nết xấu.

 

Lương Tâm Luân Lý

 

372. Lương tâm luân lý là gì?



1776-1780

1795-1797

Hiện diện trong sâu thẳm lòng người, lương tâm luân lý là một phán đoán của lý trí, vào lúc cần thiết, thúc đẩy con người làm lành lánh dữ. Nhờ lương tâm luân lý, con người nhận thức được phẩm chất luân lý của một hành vi sẽ làm hay đã làm, và đảm nhận trách nhiệm về hành vi đó. Khi lắng nghe tiếng nói của lương tâm luân lý, con người khôn ngoan có thể nghe được tiếng Thiên Chúa nói với mình.

 

373. Phẩm giá con người đòi buộc điều gì đối với lương tâm luân lý?

1780-1782

1798

Phẩm giá con người đòi hỏi sự ngay thẳng của lương tâm luân lý, có nghĩa là lương tâm phải phù hợp với điều công chính và tốt lành dựa theo lý trí và Lề luật của Thiên Chúa. Căn cứ vào phẩm giá nhân vị như thế, con người không thể bị ép buộc phải hành động nghịch lại với lương tâm mình, cũng như không thể bị ngăn cản, trong các giới hạn của công ích, hành động theo lương tâm mình, nhất là trong lãnh vực tôn giáo.

 

374. Làm sao đào tạo lương tâm ngay thẳng và chân thật?

1783-1788

1799-1800

Lương tâm luân lý ngay thẳng và chân thật được đào tạo qua giáo dục, qua việc thấm nhuần Lời Chúa và các giáo huấn của Hội thánh. Lương tâm luân lý được các hồng ân Chúa Thánh Thần nâng đỡ và được các lời khuyên bảo của những người khôn ngoan trợ giúp. Ngoài ra, cầu nguyện và xét mình cũng đóng góp rất nhiều vào việc đào tạo luân lý.

 

375. Ðâu là những quy tắc mà lương tâm luôn phải theo?

1789

Có ba qui tắc căn bản: 1) Không bao giờ được làm điều xấu để đạt tới điều tốt; 2) Luật vàng: "Tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta" (Mt 7,12); 3) Ðức ái Kitô giáo luôn đòi hỏi tôn trọng tha nhân và lương tâm của họ, mặc dù điều đó không có nghĩa là chấp nhận một điều xấu khách quan như là một điều tốt.

 

376. Lương tâm có thể đưa ra những phán đoán sai lầm không?

1790-1794

1801-1802

Con người phải luôn tuân theo phán đoán chắc chắn của lương tâm mình; nhưng lương tâm cũng có thể đưa ra những phán đoán sai lầm, vì không phải lúc nào người ta cũng tránh được lầm lỗi của mình. Tuy nhiên, người ta không thể qui trách nhiệm cho người thực hiện điều xấu vì sự thiếu hiểu biết ngoài ý muốn, cả khi đó là một điều xấu khách quan. Chính vì thế, con người phải vận dụng hết mọi khả năng để giúp lương tâm luân lý tránh khỏi những sai lầm.

 

Các Nhân Ðức

 

377. Nhân đức là gì?



1803, 1833

Nhân đức là một xu hướng thường xuyên và kiên trì để làm điều thiện. "Mục đích của một đời sống nhân đức là trở nên giống Thiên Chúa" (thánh Grêgôriô thành Nyssa). Có những đức tính nhân bản và những nhân đức đối thần.

 

378. Các đức tính nhân bản là gì?

1804

1810-1811

1834, 1839

Các đức tính nhân bản là xu hướng thường xuyên và kiên trì của lý trí và ý chí nhằm điều chỉnh hành vi của chúng ta, điều tiết các đam mê và hướng dẫn nếp sống chúng ta cho phù hợp với lý trí và đức tin. Nhờ đạt được và củng cố thường xuyên bằng các hành vi luân lý tốt, các đức tính nhân bản được ân sủng Thiên Chúa thanh luyện và nâng cao.

 

379. Các đức tính nhân bản chính là gì?

1805

1834

Ðó là các đức tính được gọi là các đức tính "căn bản." Tất cả các nhân đức khác đều qui tụ quanh các đức tính này và tạo thành nền tảng cho đời sống đạo đức. Ðó là: khôn ngoan, công bằng, can đảm và tiết độ.

 

380. Khôn ngoan là gì?

1806

1835

Khôn ngoan là đức tính giúp lý trí sẵn sàng trong mọi hoàn cảnh phân định điều thiện đích thực và chọn lựa những phương tiện thích hợp để đạt tới điều thiện đó. Sự khôn ngoan hướng dẫn các đức tính khác, bằng cách chỉ ra cho chúng luật lệ và mức độ của chúng.

 

381. Công bằng là gì?

1807

1836

Công bằng là đức tính luân lý thể hiện qua quyết tâm trả cho Thiên Chúa những gì thuộc về Thiên Chúa và trả cho tha nhân những gì thuộc về tha nhân. Công bằng đối với Thiên Chúa được gọi là "nhân đức thờ phượng".

 

382. Can đảm là gì?

1808

1837

Can đảm là đức tính luân lý giúp chúng ta kiên trì và quyết tâm theo đuổi điều thiện giữa những khó khăn trong đời; can đảm có thể đưa đến khả năng dám hy sinh chính mạng sống để bảo vệ một điều công chính.

 

383. Tiết độ là gì?

1809

1838

Tiết độ là đức tính luân lý giúp ta điều tiết sức lôi cuốn của những lạc thú, sử dụng chừng mực các của cải trần thế, giúp ý chí làm chủ các bản năng và kiềm chế các ham muốn trong giới hạn chính đáng.

 

384. Các nhân đức đối thần là gì?

1812-1813

1840-1841

Các nhân đức đối thần là những nhân đức có chính Thiên Chúa là nguồn gốc, động lực và đối tượng trực tiếp. Các nhân đức này được phú bẩm trong con người cùng với ân sủng thánh hóa, giúp con người có khả năng sống tương quan với Thiên Chúa Ba Ngôi. Các nhân đức đối thần tạo nền móng và động lực cho hành vi luân lý của người Kitô hữu, làm sinh động các đức tính nhân bản. Chúng là bảo chứng cho sự hiện diện và hoạt động của Chúa Thánh Thần trong các khả năng của con người.

 

385. Các nhân đức đối thần là những nhân đức nào?

1813

Các nhân đức đối thần gồm có: đức tin, đức cậy và đức mến.

 

386. Ðức tin là gì?

1814-1816

1842

Ðức tin là nhân đức đối thần, nhờ đó chúng ta tin vào Thiên Chúa và tất cả những gì Ngài đã mạc khải cho chúng ta và những gì Hội thánh dạy chúng ta tin, bởi vì Thiên Chúa là chính Chân lý. Bằng đức tin, con người phó thác bản thân mình một cách tự do cho Thiên Chúa. Vì thế người tin tìm kiếm để nhận biết và thi hành ý muốn của Ngài, vì "đức tin hoạt động nhờ đức ái" (Gl 5,6).

 

387. Ðức cậy là gì?

1817-1821

1843

Ðức cậy là nhân đức đối thần giúp chúng ta khao khát và mong chờ Thiên Chúa ban cho chúng ta đời sống vĩnh cửu là hạnh phúc của chúng ta, khi tin tưởng vào các lời hứa của Ðức Kitô và cậy dựa vào sự trợ giúp của ơn Chúa Thánh Thần để xứng đáng hưởng đời sống vĩnh cửu và kiên trì cho đến hết cuộc đời trần thế.

 

388. Ðức ái là gì?

1822-1829

1844

Ðức ái là nhân đức đối thần giúp chúng ta kính mến Thiên Chúa trên hết mọi sự và bởi tình yêu đối với Thiên Chúa, chúng ta yêu thương người khác như chính mình. Chúa Giêsu lấy đức ái làm giới răn mới, là sự viên mãn của Lề luật. Ðức ái là "mối dây liên kết tuyệt hảo" (Cl 3,14), là nền tảng của các nhân đức khác mà nó làm cho sinh động, gợi hứng và ra lệnh. Không có đức ái, "tôi sẽ chẳng là gì cả và... chẳng ích gì cho tôi" (1 Cr 13,1-3).

 

389. Các ơn Chúa Thánh Thần là gì?

1830-1831

1845

Các ơn Chúa Thánh Thần là những xu hướng thường trực giúp cho con người ngoan ngoãn theo những linh ứng của Thiên Chúa. Có bảy ơn Chúa Thánh Thần: khôn ngoan, thông minh, mưu lược, dũng cảm, hiểu biết, hiếu thảo và kính sợ Thiên Chúa.

 

390. Những hoa trái của Chúa Thánh Thần là gì?

1832

Những hoa trái của Chúa Thánh Thần là những điều thiện hảo được khắc ghi trong chúng ta như hoa quả đầu mùa của vinh quang vĩnh cửu. Truyền thống Hội thánh đưa ra mười hai hoa trái của Chúa Thánh Thần: "Bác ái, hoan lạc, an bình, kiên nhẫn, quảng đại, nhân từ, từ tâm, khoan dung, trung tín, khiêm nhu, tiết độ và thanh khiết" (Gl 5,22-23).

 

Tội Lỗi

 

391. Ðể đón nhận lòng thương xót của Thiên Chúa, chúng ta phải làm gì?



1846-1848

1870

Ðể có thể đón nhận lòng thương xót của Thiên Chúa, chúng ta phải nhìn nhận và thống hối các tội lỗi của mình. Chính Thiên Chúa, qua Lời và Thánh Thần của Ngài, giúp chúng ta thấy rõ tội lỗi của mình, ban cho chúng ta lương tâm ngay thẳng và niềm hy vọng vào ơn tha thứ.

 

392. Tội là gì?

1849-1851

1871-1872

Tội là "một lời nói, hành vi hoặc ước muốn trái nghịch với Luật vĩnh cửu" (thánh Augustinô). Tội là một sự xúc phạm đến Thiên Chúa, không vâng phục tình yêu của Người. Tội gây thương tích cho bản tính của con người và làm thương tổn đến tương quan giữa con người. Qua cuộc Tử nạn, Ðức Kitô cho thấy rõ ràng tích chất trầm trọng của tội và đã chiến thắng nó bằng lòng thương xót của Người.

 

393. Có nhiều loại tội hay không?

1852-1853

1873

Có rất nhiều loại tội. Các tội có thể được phân biệt theo đối tượng của chúng hoặc theo các nhân đức hay các giới răn, mà tội đối nghịch. Người ta còn có thể phân biệt tội theo tương quan trực tiếp của chúng với Thiên Chúa, với tha nhân hoặc với chính bản thân. Ngoài ra, người ta cũng có thể phân biệt tội trong tư tưởng, lời nói, việc làm và việc bỏ sót không làm.

 

394. Người ta phân biệt tội theo tính chất trầm trọng của chúng như thế nào?

1854

Người ta phân biệt tội trọng và tội nhẹ.

 

395. Khi nào người ta phạm tội trọng?

1855-1861

1874

Người ta phạm tội trọng khi cùng lúc có chất liệu nặng, ý thức đầy đủ, và tự ý ưng thuận. Tội trọng phá huỷ đức mến trong chúng ta, cướp đi ân sủng thánh hoá và dẫn chúng ta đến cái chết đời đời trong hỏa ngục nếu không sám hối. Tội trọng được tha thứ cách thông thường nhờ Bí tích Rửa tội và Bí tích Thống hối, còn gọi là Bí tích Hòa giải.

 

396. Khi nào người ta phạm tội nhẹ?

1862-1864

1875

Khác biệt cách triệt để với tội trọng, người ta phạm tội nhẹ khi chất liệu là nhẹ, hoặc thậm chí chất liệu là nặng, nhưng không có đầy đủ ý thức hay không hoàn toàn ưng thuận. Tội nhẹ không cắt đứt tương quan với Thiên Chúa, nhưng làm suy yếu đức mến. Tội nhẹ biểu lộ lòng quyến luyến lệch lạc đối với của cải trần thế, ngăn cản sự tiến triển của linh hồn trong việc thực hành nhân đức và trong việc thực thi điều thiện luân lý. Tội nhẹ đáng chịu những hình phạt tạm thời để thanh luyện.

 

397. Tội sinh sôi nảy nở nơi chúng ta như thế nào?

1865, 1876

Tội tạo nên xu hướng về tội, và do việc lặp đi lặp lại cùng một hành vi, sẽ tạo nên thói xấu.

 

398. Các thói xấu là gì?

1866-1867

Ðối nghịch với các nhân đức, các thói xấu là những thói quen lệch lạc làm mờ tối lương tâm và hướng chiều về điều xấu. Các thói xấu có thể ghép lại thành bảy mối tội đầu: kiêu ngạo, hà tiện, ganh tị, nóng giận, dâm dục, mê ăn uống, và lười biếng.

 

399. Chúng ta có trách nhiệm gì đối với tội người khác không?

1868

Chúng ta có trách nhiệm đối với tội của người khác, khi chúng ta cộng tác cách có lỗi vào tội đó.

 

400. Các cơ cấu của tội là gì?

1869

Các cơ cấu của tội là những hoàn cảnh xã hội hay những tổ chức nghịch lại với Luật Thiên Chúa; chúng là những biểu lộ và là hậu quả của các tội cá nhân.

 

Chương Hai

Cộng Ðồng Nhân Loại
Cá Nhân Và Xã Hội

 

401. Chiều kích xã hội của con người hệ tại điều gì?



1877-1880

1890-1891

Con người không những được kêu gọi theo từng cá nhân để hưởng hạnh phúc, nhưng còn có một chiều kích xã hội, tạo thành một yếu tố căn bản của bản chất cũng như ơn gọi của mình. Thật vậy, tất cả mọi người đều được kêu gọi đến cùng một mục đích là chính Thiên Chúa. Có một sự tương tự nào đó giữa sự hiệp thông các Ngôi Vị Thiên Chúa với tình huynh đệ mà con người phải thiết lập với nhau, trong chân lý và tình yêu. Tình yêu đối với tha nhân không thể tách rời khỏi tình yêu đối với Thiên Chúa.

 

402. Ðâu là mối tương quan giữa cá nhân với xã hội?

1881-1882

1892-1893

Nguyên lý, chủ thể và mục đích của tất cả các định chế xã hội là và phải là con người. Một số cộng đồng, chẳng hạn như gia đình và tập thể dân sự, rất cần thiết cho con người. Các hiệp hội khác cũng hữu ích cho con người, cả trên bình diện quốc gia cũng như trên bình diện quốc tế, nhưng phải tôn trọng nguyên tắc hỗ trợ...

 

403. Nguyên tắc hỗ trợ là gì?

1883-1885

1894

Nguyên tắc này có nghĩa là một cộng đồng ở cấp độ cao hơn không được thâu tóm các phận vụ thuộc cộng đồng ở cấp độ thấp hơn, đến độ cướp mất thẩm quyền của cộng đồng cấp thấp này. Ðúng hơn, cộng đồng cấp cao phải nâng đỡ cộng đồng cấp thấp trong trường hợp cần thiết.

 


Каталог: upload -> document
document -> THỦ TƯỚng chính phủ
document -> Ủy ban nhân dân cộng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam tỉnh thừa thiên huế Độc lập Tự do Hạnh phúc
document -> CỦa chính phủ SỐ 128/2008/NĐ-cp ngàY 16 tháng 12 NĂM 2008 quy đỊnh chi tiết thi hành một số ĐIỀu của pháp lệnh xử LÝ VI phạm hành chính năM 2002 VÀ pháp lệnh sửA ĐỔI, BỔ sung một số ĐIỀu của pháp lệnh xử LÝ VI phạm hành chính năM 2008
document -> Ủy ban nhân dân thành phố ĐÀ NẴNG
document -> THỦ TƯỚng chính phủ –––– Số: 56
document -> BỘ CÂu hỏi tình huống phục vụ Hội thi tìm hiểu về Luật bhxh, bhyt
document -> UỶ ban nhân dân tỉnh thừa thiên huế`
document -> BỘ ĐỀ thi đoàn Thanh niên với công tác cải cách hành chính Nhà nước năm 2014
document -> CHƯƠng 8 iso 9000 I. Giới thiệu chung về BỘ tiêu chuẩN iso 9000
document -> VĂn phòng luật sư V. L. C

tải về 1.01 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   6   7   8   9   10   11   12   13   14




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương