TOÁt yếu giáo lý CỦa hội thánh công giáo compendium of the Catechism of the Catholic Church


Việc thống hối trong đời sống người Kitô hữu được diễn tả dưới những hình thức nào?



tải về 1.01 Mb.
trang8/14
Chuyển đổi dữ liệu30.07.2016
Kích1.01 Mb.
#10584
1   ...   4   5   6   7   8   9   10   11   ...   14

301. Việc thống hối trong đời sống người Kitô hữu được diễn tả dưới những hình thức nào?

1434-1439

Việc thống hối được thể hiện qua nhiều hình thức khác nhau, đặc biệt qua việc ăn chay, cầu nguyện, bố thí. Các hình thức thống hối này, và nhiều hình thức khác, có thể được người Kitô hữu thực hành trong đời sống hằng ngày của họ, đặc biệt trong Mùa Chay và ngày thứ Sáu là ngày sám hối.

 

302. Các yếu tố chính yếu của Bí tích Giao hòa là gì?

1440-1449

Có hai yếu tố chính: hành vi của người sám hối, dưới tác động của Chúa Thánh Thần, và lời xá giải của linh mục, nhân danh Ðức Kitô, trao ban ơn tha thứ và xác định cách đền tội.

 

303. Hối nhân phải có những hành vi nào?

1450-1460

1487-1492

Những việc hối nhân phải làm là: xét mình cẩn thận; ăn năn tội cách trọn khi phát xuất từ lòng yêu mến Chúa và cách không trọn khi dựa vào những động lực khác, và quyết tâm không tái phạm nữa; xưng tội, tức là xưng thú tội lỗi với linh mục; đền tội, tức làm một số việc thống hối mà cha giải tội ấn định để đền bù những hậu quả do tội gây ra.

 

304. Phải xưng những tội nào?

1456

Chúng ta phải xưng tất cả các tội trọng nhớ được mà chưa xưng sau khi đã xét mình cẩn thận. Việc xưng thú các tội trọng là phương tiện thông thường duy nhất để được ơn tha tội.

 

305. Khi nào phải xưng thú các tội trọng?

1457

Mọi tín hữu khi đến tuổi khôn buộc phải xưng các tội trọng của mình ít nhất một năm một lần và, trong mọi trường hợp, phải xưng các tội trọng trước khi rước lễ.

 

306. Tại sao khi xưng tội cũng nên xưng thú các tội nhẹ?

1458

Hội thánh tha thiết khuyên chúng ta xưng thú các tội nhẹ, mặc dầu điều này không phải là cần thiết theo nghĩa hẹp, bởi vì việc xưng thú như vậy giúp tạo nên lương tâm ngay thẳng và giúp chiến đấu chống lại những hướng chiều về đàng xấu, để chúng ta được Ðức Kitô chữa lành và được tiến triển trong đời sống theo Thánh Thần.

 

307. Ai là thừa tác viên Bí tích này?

1461-1466

1495

Ðức Kitô đã ủy thác thừa tác vụ Giao hòa cho các Tông đồ của Người, cho các Giám mục kế nhiệm các ngài, và cho các linh mục, là những cộng tác viên của Giám mục. Như vậy, tất cả các vị ấy trở thành khí cụ của lòng thương xót và sự công chính của Thiên Chúa. Các ngài thực thi quyền tha thứ các tội lỗi nhân danh Cha, Con và Thánh Thần.

 

308. Việc tha thứ một số tội được dành riêng cho ai?

1463

Việc xá giải một số tội đặc biệt nghiêm trọng (như những người bị vạ tuyệt thông) được dành riêng cho Tòa thánh hay vị Giám mục sở tại hay một số linh mục được các ngài ủy nhiệm. Trong trường hợp nguy tử, bất kỳ linh mục nào cũng có thể xá giải bất cứ tội lỗi hay vạ tuyệt thông nào.

 

309. Cha giải tội có bị ràng buộc với bí mật tòa giải tội hay không?

1467

Vì sự tế nhị và cao cả của thừa tác vụ này và vì phải tôn trọng những người xưng tội, mọi cha giải tội buộc phải giữ "ấn tín tòa giải tội," nghĩa là phải bí mật tuyệt đối về những tội lỗi người ta đã xưng thú cho ngài trong tòa giải tội. Vấn đề giữ ấn tín tòa giải tội không có luật trừ, ai vi phạm sẽ bị những hình phạt rất nặng.

 

310. Hiệu quả của Bí tích này là gì?

1468-1470

1496

Hiệu quả của Bí tích Thống hối là: được giao hòa với Thiên Chúa, và như vậy, được tha thứ tội lỗi; được giao hòa với Hội thánh; được trở lại tình trạng ân sủng nếu như đã mất; được tha thứ hình phạt đời đời đáng phải chịu vì các tội trọng đã phạm và, ít nhất một phần, những hình phạt tạm là hậu quả của tội; được bình an thư thái trong lương tâm và được an ủi; được gia tăng sức mạnh thiêng liêng để chiến đấu trong cuộc lữ hành.

 

311. Trong một số trường hợp, có thể cử hành Bí tích này bằng việc xưng tội chung và xá giải tập thể không?

1480-1484

Trong những trường hợp thật sự khẩn cấp (như có nguy cơ sắp chết) người ta có thể cử hành chung Bí tích Giao hòa, gồm có việc xưng tội chung và xá giải tập thể, nhưng vẫn phải tuân giữ các luật lệ của Hội thánh và với quyết tâm sẽ xưng riêng các tội trọng vào thời gian sớm nhất.

 

312. Ân xá là gì?

1471-1479

1498

Ân xá là việc tha thứ trước mặt Thiên Chúa khỏi những hình phạt tạm đáng chịu vì những tội lỗi đã phạm, dù đã được tha thứ. Với những điều kiện được Hội thánh quy định, người tín hữu có thể lãnh nhận ơn tha thứ này cho chính mình hay cho những người đã qua đời, nhờ thừa tác vụ của Hội thánh, như là người phân phát ơn cứu chuộc và chia sẻ kho tàng công phúc của Ðức Kitô và các thánh.

 

Bí Tích Xức Dầu Bệnh Nhân

 

313. Trong Cựu Ước, người ta quan niệm thế nào về bệnh tật?



1499-1502

Trong Cựu Ước, con người, trong khi bị đau yếu, cảm nghiệm được sự hữu hạn của mình, đồng thời cũng nhận ra bệnh tật có liên hệ cách bí nhiệm với tội lỗi. Các tiên tri đã thoáng nhận ra rằng bệnh tật cũng có thể có một giá trị cứu chuộc các tội lỗi cá nhân của mình và của người khác. Vì thế người ta đón nhận bệnh tật trước tôn nhan Thiên Chúa và kêu cầu Ngài chữa lành.

 

314. Lòng trắc ẩn của Chúa Giêsu đối với các bệnh nhân có ý nghĩa gì?

1503-1505

Lòng trắc ẩn của Chúa Giêsu đối với các bệnh nhân và nhiều việc chữa lành Người đã thực hiện là một dấu chỉ chứng tỏ, nơi Người, Nước Thiên Chúa đã đến, và như vậy, đã đến lúc chiến thắng tội lỗi, đau khổ và cái chết. Bằng cuộc khổ nạn và cái chết của Người, Chúa Giêsu đem lại cho đau khổ một ý nghĩa mới, đó là, nếu được kết hợp với sự đau khổ của Người, thì đau khổ có thể trở thành một phương tiện thanh luyện và cứu độ cho chúng ta và cho những người khác.

 

315. Hội thánh đối xử thế nào đối với các bệnh nhân?

1506-1513

1526-1527

Khi nhận nơi Chúa mệnh lệnh chữa lành các bệnh nhân, Hội thánh cố gắng chăm sóc và cầu nguyện cho các bệnh nhân. Ðặc biệt, Hội thánh có một Bí tích đặc biệt dành cho các bệnh nhân, do chính Ðức Kitô thiết lập và thánh Giacôbê chứng nhận: "Ai trong anh em đau yếu ư? Người ấy hãy mời các kỳ mục trong Hội thánh đến và họ sẽ cầu nguyện cho người ấy, sau khi xức dầu nhân danh Chúa," (Gc 5, 14-15).

 

316. Ai có thể lãnh nhận Bí tích Xức dầu bệnh nhân?

1514-1515

1528-1529

Mọi tín hữu đều có thể lãnh nhận Bí tích này, khi họ bắt đầu lâm cơn nguy tử do bệnh tật hay già yếu. Chính người đó có thể lãnh nhận Bí tích này nhiều lần nữa, khi bệnh trở nặng hay mắc phải một cơn bệnh nặng khác. Nếu có thể được, nên cho bệnh nhân xưng tội riêng, trước khi cử hành Bí tích này.

 

317. Ai ban Bí tích này?

1516

1530

Chỉ có các tư tế (Giám mục hay linh mục) mới có thể trao ban Bí tích này.

 

318. Bí tích này được cử hành thế nào?

1517-1519

1531

Việc cử hành Bí tích này chính yếu là việc xức dầu, nếu có thể được là dầu do Giám mục làm phép, trên trán và hai bàn tay của bệnh nhân (trong nghi thức Rôma) và trên các phần thân thể khác (trong các nghi thức khác). Việc xức dầu có kèm theo lời nguyện của vị tư tế cầu xin ân sủng đặc biệt của Bí tích này.

 

319. Bí tích này mang lại những hiệu quả gì?

1520-1523

1532

Bí tích này mang lại một ân sủng đặc biệt, giúp bệnh nhân được kết hợp chặt chẽ hơn với cuộc khổ nạn của Ðức Kitô, để mưu ích cho bản thân và cho toàn thể Hội thánh. Ân sủng này mang lại cho bệnh nhân sức mạnh, bình an, can đảm và ơn tha thứ tội lỗi nếu bệnh nhân không thể xưng tội được. Ðôi khi, nếu Thiên Chúa muốn, Bí tích này cũng đem lại sự chữa lành thân xác. Dầu sao đi nữa, Bí tích Xức dầu bệnh nhân chuẩn bị cho một cuộc vượt qua để tiến về Nhà Cha.

 

320. Của Ăn đàng là gì?

1524-1525

Của Ăn đàng là Bí tích Thánh Thể được trao ban cho những người sắp rời bỏ cuộc sống trần gian và đang chuẩn bị cho cuộc vượt qua tiến vào đời sống vĩnh cửu. Ðược lãnh nhận vào lúc sắp rời bỏ thế gian để về với Chúa Cha, việc rước Mình và Máu Ðức Kitô tử nạn và phục sinh là mầm giống cho đời sống vĩnh cửu và sức mạnh phục sinh.

 

Chương Ba

Các Bí Tích Phục Vụ Cho Sự Hiệp Thông

Và Cho Sứ Vụ

 

321. Các Bí tích nào dành cho việc phục vụ sự hiệp thông và sứ vụ?



1533-1535

Có hai Bí tích, Truyền chức thánh và Hôn phối, đem lại một ân sủng riêng cho một sứ vụ đặc biệt trong Hội thánh, để phục vụ việc xây dựng dân Thiên Chúa. Cả hai đóng góp một cách đặc biệt cho sự hiệp thông trong Hội thánh và cho ơn cứu độ của những người khác.

 

Bí Tích Truyền Chức Thánh

 

322. Bí tích Truyền chức thánh là gì?



1536

Là Bí tích qua đó, sứ vụ Ðức Kitô đã ủy thác cho các Tông đồ của Người, được tiếp tục thực thi trong Hội thánh, cho đến ngày tận thế.

 

323. Tại sao gọi là Bí tích Truyền chức thánh (Ordo)?

1537-1538

Từ Ordo chỉ một phẩm trật của Hội thánh; người gia nhập vào phẩm trật đó phải được thánh hiến đặc biệt (Ordinatio). Nhờ hồng ân đặc biệt của Chúa Thánh Thần, việc thánh hiến này cho phép người thụ phong được thực thi một quyền thánh chức nhân danh và với thẩm quyền của Ðức Kitô để phục vụ Dân Thiên Chúa.

 

324. Bí tích Truyền chức thánh có vị trí nào trong kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa?

1539-1546

1590-1591

Trong Cựu Ước, có những hình ảnh tượng trưng về Bí tích này: việc phục vụ của chi tộc Lêvi, cũng như chức tư tế của ông Aaron và thể chế bảy mươi kỳ lão (x. Ds 11,25). Các hình ảnh này được kiện toàn nơi Ðức Kitô Giêsu, nhờ hy tế thập giá, là "Ðấng Trung gian duy nhất giữa Thiên Chúa và loài người" (1 Tm 2,5), là "vị thượng tế theo phẩm trật Melkisedec" (Dt 5, 10). Chức tư tế duy nhất của Ðức Kitô được hiện diện qua chức tư tế thừa tác.



"Ðức Kitô là vị Tư tế đích thực duy nhất, người này kẻ khác chỉ là những thừa tác viên của Người" (Thánh Tôma Aquinô).

 

325. Các cấp bậc khác nhau của Bí tích Truyền chức thánh là những cấp bậc nào?



1554

1593

Bí tích Truyền chức thánh gồm có ba cấp bậc, không thể thay thế trong cơ cấu tổ chức của Hội thánh, đó là chức Giám mục, chức linh mục và chức phó tế.

 

326. Việc truyền chức Giám mục có hiệu quả gì?

1557-1558

1594

Việc truyền chức Giám mục trao ban sự viên mãn của Bí tích Truyền chức. Bí tích này làm cho Giám mục trở thành người kế nhiệm hợp pháp của các Tông đồ và hội nhập ngài vào Giám mục đoàn, chia sẻ với Ðức Giáo hoàng và các Giám mục khác sự quan tâm chăm sóc cho toàn thể Hội thánh. Bí tích này trao ban cho Giám mục trách vụ giảng dạy, thánh hóa và cai quản.

 

327. Ðâu là nhiệm vụ của Giám mục trong Giáo hội địa phương được uỷ thác cho ngài?

1560-1561

Trong một Giáo hội địa phương được uỷ thác cho ngài, Giám mục là nguyên lý hữu hình và là nền tảng cho sự hợp nhất của Giáo hội đó; với tư cách là người đại diện Ðức Kitô, vị Giám mục chu toàn trách nhiệm mục vụ đối với giáo hội này, với sự giúp đỡ của các linh mục và phó tế của ngài.

 

328. Việc truyền chức linh mục có hiệu quả gì?

1562-1567

1595

Việc xức dầu bằng Chúa Thánh Thần ghi nơi linh mục một ấn tín thiêng liêng không thể tẩy xóa, khiến ngài nên đồng hình đồng dạng với Ðức Kitô-Tư Tế, và trao cho ngài khả năng hoạt động nhân danh Ðức Kitô-Thủ Lãnh. Là cộng sự viên của hàng Giám mục, linh mục được thánh hiến để loan báo Tin Mừng, cử hành việc phụng thờ Thiên Chúa, nhất là Bí tích Thánh Thể; từ đó ngài rút được sức mạnh cho thừa tác vụ của mình và cho nhiệm vụ là mục tử của các tín hữu.

 

329. Linh mục thi hành thừa tác vụ của mình thế nào?

1568

Dù được truyền chức cho một sứ vụ phổ quát, linh mục thực thi sứ vụ này trong một Giáo hội địa phương, liên kết trong tình huynh đệ với các linh mục khác, cùng nhau làm thành linh mục đoàn; các vị này, hiệp thông với Giám mục và thuộc quyền ngài, chịu trách nhiệm về Giáo hội địa phương đó.

 

330. Việc phong chức phó tế có hiệu quả gì?

1569-1571

1596

Ðược đồng hình đồng dạng với Ðức Kitô-tôi tớ cho mọi người, vị Phó tế được truyền chức để phục vụ Hội thánh. Dưới quyền Giám mục mình, phó tế thực thi việc phục vụ trong thừa tác vụ Lời Chúa, việc phụng thờ Thiên Chúa, trong trách nhiệm mục vụ và bác ái.

 

331. Bí tích Truyền chức thánh được cử hành thế nào?

1572-1574

1597

Cho cả ba cấp bậc, Bí tích Truyền chức thánh được trao ban qua việc Giám mục đặt tay trên đầu tiến chức, rồi long trọng đọc lời nguyện truyền chức. Qua lời nguyện này, Giám mục cầu xin Thiên Chúa đổ tràn Chúa Thánh Thần với các hồng ân của Ngài một cách đặc biệt trên tiến chức, giúp thực thi thừa tác vụ mà tiến chức phải đảm nhận.

 

332. Ai có thể cử hành Bí tích Truyền chức thánh?

1575-1576

1600

Chỉ có các Giám mục đã được tấn phong thành sự, với tư cách là người kế nhiệm các Tông đồ, mới có quyền tấn phong ba cấp bậc của Bí tích Truyền chức thánh.

 

333. Ai có thể lãnh nhận Bí tích Truyền chức thánh?

1577-1580

1598

Chỉ có những người nam đã lãnh nhận Bí tích Rửa tội mới có thể lãnh nhận thành sự Bí tích Truyền chức. Hội thánh biết mình bị ràng buộc với sự chọn lựa của chính Chúa. Không ai có quyền đòi hỏi được lãnh nhận Bí tích Truyền chức. Nhưng chỉ có thẩm quyền của Hội thánh mới đưa ra phán quyết về khả năng của các ứng viên.

 

334. Người lãnh nhận Bí tích Truyền chức thánh có buộc phải sống độc thân không?

1579-1580

1599

Hàng Giám mục luôn bị buộc phải sống độc thân. Ðối với hàng linh mục, trong Giáo hội La tinh, theo cách thông thường chỉ chọn các tín hữu phái nam đang sống độc thân và muốn giữ luật độc thân "vì Nước Trời" (Mt 19, 12). Trong các Giáo hội Ðông Phương, một người sau khi đã được truyền chức linh mục thì không được phép kết hôn. Những người đã lập gia đình có thể lãnh nhận chức phó tế vĩnh viễn.

 

335. Bí tích Truyền chức thánh có những hiệu quả nào?

1581-1589

Bí tích Truyền chức thánh đem lại sự tràn đầy ân sủng đặc biệt của Chúa Thánh Thần, Ðấng làm cho người được thánh hiến - thích ứng với từng cấp bậc của Bí tích - nên đồng hình đồng dạng với Ðức Kitô trong phận vụ của Người là Tư tế, Tiên tri và Vương đế. Bí tích Truyền chức thánh trao ban một ấn tín thiêng liêng không thể tẩy xóa, vì vậy không thể tái ban, cũng như không thể chỉ trao ban (để thi hành) trong một khoảng thời gian giới hạn.

 

336. Chức tư tế thừa tác được thực thi với thẩm quyền nào?

1547-1553

1592

Trong việc thực thi thừa tác vụ thánh, các tư tế được truyền chức nói và làm, không phải do thẩm quyền riêng tư, cũng không phải do mệnh lệnh hoặc sự uỷ thác của cộng đoàn, nhưng trong cương vị của Ðức Kitô - Thủ lãnh và nhân danh Hội thánh. Vì thế, chức tư tế thừa tác hoàn toàn khác biệt, chứ không chỉ khác biệt theo mức độ, với chức tư tế chung của tất cả các tín hữu; chính để phục vụ cho các tín hữu, Ðức Kitô đã thiết lập chức tư tế thừa tác.

 

Bí Tích Hôn Phối

 

337. Ý định của Thiên Chúa đối với người nam và người nữ là gì?



1601-1605

Thiên Chúa là tình yêu, và đã tạo dựng con người từ tình yêu. Ngài kêu gọi con người yêu thương. Khi tạo dựng họ có nam có nữ, Người kêu gọi họ sống đời hôn nhân trong một hiệp thông thân mật của sự sống và tình yêu với nhau, "vì lẽ đó, họ không còn là hai, nhưng là một thân thể" (Mt 19, 6). Khi chúc lành cho họ, Thiên Chúa nói: "Hãy sinh sôi nảy nở" (St 1,28).

 

338. Thiên Chúa đã thiết lập hôn nhân nhằm mục đích gì?

1659-1660

Sự kết hợp hôn nhân giữa người nam và người nữ được đặt nền tảng và được sắp xếp theo các luật lệ của Ðấng Sáng Tạo, tự bản chất được hướng tới sự hiệp thông và thiện ích của các đôi vợ chồng, cũng như việc sinh sản và giáo dục con cái. Theo ý định ngay từ ban đầu của Thiên Chúa, sự kết hợp hôn nhân là bất khả phân ly, như Ðức Giêsu Kitô đã xác nhận: "Sự gì Thiên Chúa đã liên kết, loài người không được phân ly" (Mt 19,6).

 

339. Tội lỗi đe dọa hôn nhân như thế nào?

1606-1608

Vì nguyên tội đã gây đổ vỡ cho sự hiệp thông, được Ðấng Sáng Tạo ban tặng, giữa người nam và người nữ, nên sự kết hợp hôn nhân luôn bị đe dọa bởi bất hoà và sự không chung thuỷ. Tuy nhiên, với lòng nhân từ vô bờ bến, Thiên Chúa ban cho người nam và người nữ ân sủng để họ thực hiện sự kết hợp đời sống của họ theo đúng ý định nguyên thủy của Ngài.

 

340. Cựu Ước dạy gì về hôn nhân?

1609-1611

Ðặc biệt qua việc giáo dục của Lề luật và các tiên tri, Thiên Chúa giúp đỡ dân Ngài dần dần trưởng thành trong ý thức về tính duy nhất và sự bất khả phân ly của hôn nhân. Hôn ước giữa Thiên Chúa với Israel chuẩn bị và tượng trưng cho Giao ước mới, được Con Thiên Chúa là Ðức Giêsu Kitô hoàn thành với Hội thánh là Hiền thê của Người.

 

341. Ðức Kitô đem lại điều mới mẻ nào cho hôn nhân?

1612-1617

1661

Ðức Giêsu Kitô không những tái lập quy định từ ban đầu do Thiên Chúa muốn, mà Người còn ban ân sủng để con người có thể sống hôn nhân trong phẩm giá mới của Bí tích, là dấu chỉ về tình yêu phu thê của Người đối với Hội thánh: "Người làm chồng hãy yêu thương vợ mình như Ðức Kitô đã yêu thương Hội thánh" (Ep 5, 25).

 

342. Có buộc tất cả mọi người phải kết hôn hay không?

1618-1620

Hôn nhân không phải là một sự bắt buộc cho hết mọi người. Ðặc biệt, Thiên Chúa kêu gọi một số người nam và người nữ, để theo Chúa Giêsu trong đời sống khiết tịnh và độc thân vì Nước Trời, giúp họ từ bỏ thiện ích to lớn của hôn nhân để lo toan những công việc của Chúa và tìm cách làm đẹp lòng Người. Như thế, họ trở thành dấu chỉ cho sự ưu tiên tuyệt đối của tình yêu Ðức Kitô và sự sốt sắng mong chờ ngày Người đến trong vinh quang.

 

343. Bí tích Hôn phối được cử hành thế nào?

1621-1624

Vì hôn nhân làm cho các người phối ngẫu sống một bậc sống công khai trong Hội thánh, nên việc cử hành Phụng vụ của Bí tích này cũng công khai, dưới sự chứng kiến của vị tư tế (hay của người chứng hôn được Hội thánh ủy thác) và các nhân chứng khác.

 

344. Sự ưng thuận kết hôn là gì?

1625-1632

1662-1663

Sự ưng thuận kết hôn là ý muốn do người nam và người nữ bộc lộ, để tự hiến cho nhau một cách dứt khoát, với mục đích sống một giao ước tình yêu chung thủy và sung mãn. Vì chính sự ưng thuận làm thành Bí tích Hôn phối, nên sự ưng thuận là điều không thể thiếu và cũng không thể thay thế được. Ðể Bí tích Hôn phối thành sự, sự ưng thuận phải có đối tượng là hôn nhân đích thực; và sự ưng thuận đó phải là một hành vi nhân linh ý thức và tự do, không do bị ép buộc hay vì sợ hãi một quyền lực nào.

 

345. Phải làm gì khi một trong hai người phối ngẫu không phải là công giáo?

1633-1637

Ðể hợp pháp, các hôn nhân hỗn hợp (giữa người công giáo và người đã Rửa tội ngoài công giáo) cần có sự cho phép của thẩm quyền Giáo hội. Các hôn nhân khác đạo (giữa người công giáo và người không Rửa tội), để thành sự, cần phải có phép chuẩn. Trong mọi trường hợp, điều chính yếu là đôi hôn phối phải ý thức chấp nhận những mục đích và đặc tính căn bản của hôn nhân; và về phần người công giáo, phải chấp nhận những cam kết là giữ đức tin và bảo đảm việc Rửa tội cũng như giáo dục công giáo cho con cái, cũng phải báo cho người phối ngẫu biết những điều ấy.

 

346. Bí tích Hôn phối có những hiệu quả nào?

1638-1642

Bí tích Hôn phối tạo nên một mối dây liên kết vĩnh viễn và độc nhất giữa hai người phối ngẫu. Chính Thiên Chúa đã xác nhận sự ưng thuận của những người kết hôn. Như thế, hôn nhân thành sự và hoàn hợp giữa những người đã được Rửa tội không bao giờ có thể tháo gỡ được. Mặt khác, Bí tích cũng trao ban cho đôi vợ chồng ân sủng cần thiết để họ đạt tới sự thánh thiện trong đời sống lứa đôi, cũng như trong việc sinh con có trách nhiệm và giáo dục con cái.

 

347. Các tội nghịch lại Bí tích Hôn phối một cách nghiêm trọng là các tội nào?

1645-1648

Ðó là các tội: ngoại tình và đa thê vì đi ngược lại với phẩm giá bình đẳng của người nam và người nữ, ngược lại với tính duy nhất độc hữu của tình yêu hôn nhân; từ chối sinh con, vì loại bỏ khỏi hôn nhân hồng ân con cái; ly dị, vì đi ngược lại với tính bất khả phân ly của hôn nhân.

 

348. Khi nào Hội thánh chấp nhận việc vợ chồng ly thân?

1629

1649

Hội thánh chấp nhận việc vợ chồng ly thân khi việc họ chung sống, vì những lý do nghiêm trọng, đã trở nên không thể được trong thực tế, mặc dù Hội thánh vẫn mong muốn họ hòa giải với nhau. Nhưng bao lâu người phối ngẫu còn sống, không ai trong đôi vợ chồng được tự do tái hôn; trừ khi hôn phối của họ là không thành sự và được thẩm quyền Hội thánh tuyên bố điều đó.

 

349. Hội thánh có thái độ nào đối với những người đã ly dị lại tái hôn?

1650-1651

1665

Trung thành với Chúa, Hội thánh không thể công nhận hôn nhân của những người đã ly dị lại kết hôn theo luật dân sự. "Ai rẫy vợ mà cưới vợ khác là phạm tội ngoại tình đối với vợ mình; và ai bỏ chồng để lấy chồng khác, thì cũng phạm tội ngoại tình" (Mc 10.11-12). Ðối với họ, Hội thánh giữ một thái độ chăm sóc ân cần, mời gọi họ duy trì đời sống đức tin, cầu nguyện, thực hành các việc bác ái và chăm lo việc giáo dục con cái theo Kitô giáo. Nhưng bao lâu tình trạng như thế của họ kéo dài, vì rõ ràng trái với luật Chúa, họ không được xưng tội, rước lễ, cũng như đảm nhiệm một số trách nhiệm trong Hội thánh.

 

350. Tại sao gia đình Kitô hữu được gọi là Hội thánh tại gia?

1655-1658

1666

Gia đình Kitô hữu được gọi là Hội thánh tại gia vì gia đình biểu lộ và sống bản chất "hiệp thông và gia đình" của Hội thánh như gia đình của Thiên Chúa. Mọi thành viên trong gia đình, tùy theo vai trò riêng của mình, thực thi chức tư tế được lãnh nhận từ Bí tích Rửa tội, góp phần xây dựng gia đình thành một cộng đoàn ân sủng và cầu nguyện, một trường dạy các đức tính nhân bản và Kitô giáo, là nơi đầu tiên đức tin được loan truyền cho con cái.

 

Chương Bốn

Những Cử Hành Phụng Vụ Khác

 

Các Á Bí Tích

 

351. Các á Bí tích là gì?

1667-1672

1677-1678

Ðó là những dấu chỉ thánh thiêng do Hội thánh thiết lập để thánh hóa một số hoàn cảnh trong cuộc sống. Các á Bí tích gồm một lời cầu nguyện, kèm theo là dấu thánh giá và những dấu chỉ khác. Trong số các á Bí tích, quan trọng nhất là các phép lành. Các phép lành này là một lời ca ngợi Thiên Chúa và một lời khẩn nguyện để kêu xin những hồng ân của Thiên Chúa; cũng có những việc thánh hiến con người cũng như các đồ vật được dùng vào việc thờ phượng Thiên Chúa.

 


Каталог: upload -> document
document -> THỦ TƯỚng chính phủ
document -> Ủy ban nhân dân cộng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam tỉnh thừa thiên huế Độc lập Tự do Hạnh phúc
document -> CỦa chính phủ SỐ 128/2008/NĐ-cp ngàY 16 tháng 12 NĂM 2008 quy đỊnh chi tiết thi hành một số ĐIỀu của pháp lệnh xử LÝ VI phạm hành chính năM 2002 VÀ pháp lệnh sửA ĐỔI, BỔ sung một số ĐIỀu của pháp lệnh xử LÝ VI phạm hành chính năM 2008
document -> Ủy ban nhân dân thành phố ĐÀ NẴNG
document -> THỦ TƯỚng chính phủ –––– Số: 56
document -> BỘ CÂu hỏi tình huống phục vụ Hội thi tìm hiểu về Luật bhxh, bhyt
document -> UỶ ban nhân dân tỉnh thừa thiên huế`
document -> BỘ ĐỀ thi đoàn Thanh niên với công tác cải cách hành chính Nhà nước năm 2014
document -> CHƯƠng 8 iso 9000 I. Giới thiệu chung về BỘ tiêu chuẩN iso 9000
document -> VĂn phòng luật sư V. L. C

tải về 1.01 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   4   5   6   7   8   9   10   11   ...   14




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương