Tình yêu đồng tính và quãng đời lưu vong của Byron



tải về 76.27 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu05.08.2016
Kích76.27 Kb.
#13500

Tình yêu đồng tính và quãng đời lưu vong của Byron







Theo Guardian, khi còn đi học, Byron đã có những năm tháng đáng nhớ với một vài mối tình đồng tính. Tại trường trung học Harrow, ông đã "thu thập" được một đám tùy tùng gồm các học sinh đồng lứa. Mùa thu 1805, năm Byron 17 tuổi, ông đã gặp và yêu John Edleston, thành viên dàn đồng ca của Đại học Trinity. Byron đã viết một số lời bài hát lãng mạn cho những ca khúc của Edleston, trong đó ông gọi người tình của mình với cái tên phụ nữ Thyrza. Sau này, khi Byron không còn ở Anh, ông hay tin về cái chết trẻ của Edleston và đã rất đau đớn vì không thể trở về London dự tang lễ.

Đầu thế kỷ 19, Byron đến thăm Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ, nơi ông có thể tìm thấy những người tình đồng giới đầy khao khát, cũng như chính bản thân ông. Đó là Eusthathius Georgiou, chàng trai Hy Lạp có "những lọn tóc xoăn như thiên thần", luôn mang theo cây dù để bảo vệ làn da của mình dưới ánh mặt trời, khiến người hầu của Byron cũng phải run rẩy. Hay Nicolo Giraud, chàng trai mang hai dòng máu Pháp - Hy Lạp với đôi mắt trong trẻo, đã dạy Byron tiếng Italy. Cả hai dành một ngày dài để thực hành động từ "ôm chặt". Trong những ngày cuối cùng ở Hy Lạp, Byron khoe khoang với những người bạn của mình, bằng một thứ ngôn ngữ ký hiệu, rằng ông đã có hơn 200 lần quan hệ tình dục.

Năm 1815, khi Byron vẫn còn định cư ở Anh, định kiến đối với đồng tính luyến ái ở nước Anh dâng cao và nhiều vụ tấn công, bắt bớ đã xảy ra. Bạn bè của Byron đã khuyên ông đốt đi tờ báo đăng một bài thơ ông làm tặng John Edleston. Byron đã phải nghe theo lời khuyên, một hành động mà về sau ông rất hối tiếc và cảm thấy mất mát không gì bù đắp được.

9h sáng ngày 25/4/1816, chàng thi sĩ George Gordon Lord Byron rời khỏi hòn đảo nước Anh quê hương để tới lục địa châu Âu. Trên tàu, Byron ngắm những vách đá lùi xa và biết rằng trái tim ông sẽ không bao giờ trở lại với nơi này. Ông vừa dính vào một vụ bê bối riêng tư và ly thân với người vợ chỉ sau một năm kết hôn.

Những người bạn trung thành của Byron vẫn quả quyết ông tự nguyện rời bỏ xứ sở chứ không phải bị ép buộc. Hầu hết nhà viết tiểu sử Byron đều ít nhiều che đậy nguyên do cuộc ra đi này. Trong một thời gian dài, người ta cho rằng những cáo buộc ngoại tình, mối quan hệ loạn luân với người em gái Augusta đủ để giải thích cho tất cả. Nhưng nhà tiểu sử Fiona MacCarthy trong cuốn sách "Byron: Life and Legend" đã đưa ra một nguyên nhân khác, ít được nói đến hơn nhưng không kém phần nghiêm trọng: Byron bị phát hiện là người đồng tính, vào thế kỷ 19 là một tội danh bị xử tử hình ở Anh, và bị đuổi khỏi đất nước.

Fiona MacCarthy ghi chép lại chia sẻ của nhà thơ qua lời kể các nhân chứng: "Bạn bè khuyên tôi không nên đến nhà hát vì có thể bị đám đông la ó, khuyên tôi dừng công việc ở quốc hội để tránh bị xúc phạm. Thậm chí vào ngày tôi khởi hành, các bạn tôi còn sợ rằng những kẻ phản đối sẽ tụ tập tấn công tôi ở bến tàu". Tại khách sạn ở Dover, những người phụ nữ cải trang thành phục vụ phòng để được tận mắt nhìn thấy Byron, người bị đồn là đồng tính. Byron có cảm giác như một con khỉ ở rạp xiếc hay đại loại thế. Thói kỳ thị của xã hội về sau vẫn tiếp diễn vào thời của Oscar Wilde, một nhà văn nổi tiếng, 80 năm sau đó.

Cuộc sống lưu vong của Byron đã được nhiều người nghiên cứu và phản ánh trong nhiều cuốn tiểu sử. Rời khỏi Anh năm 1816, điểm đến đầu tiên của ông là Geneva, Thụy Sĩ.

Hạ Huyền.

Đinh Thị Như Thúy: 'Tây Nguyên cho tôi sự cô đơn cần thiết'







"Ngày linh hương nở sáng", tập thơ của nữ tác giả Đinh Thị Như Thúy được tặng giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2011.

Việc một cô giáo làm thơ tại một huyện xa xôi của tỉnh Đăk Lăk được vinh danh ở giải thưởng uy tín cho thấy, văn chương đích thực không có khoảng cách, và mỗi người viết đều có một cơ hội như nhau.

Vì một tình yêu, Đinh Thị Như Thúy đã đến và gắn bó với Krông Pắc, và có lẽ cũng từ tình yêu với vùng đất đỏ hai mùa mưa nắng, nơi thiên nhiên biến chuyển linh hoạt và quyến rũ, nơi có những con người chân chất hiền lành đã nuôi mạch nguồn sáng tạo trong chị.

Chị có cuộc trò chuyện với eVan về công việc sáng tác của mình.

- Chị từng nói "thơ ca thường mang đến những hệ lụy không ngờ", vậy những giải thưởng chị đoạt được vừa qua mang đến cho chị điều gì?

- Khi nói "Một người làm thơ trước tiên phải có lòng can đảm, bởi thơ ca thường mang đến những hệ luỵ không ngờ", là tôi nghĩ đến những đau buồn trong tâm trạng mỗi người, mà chúng ta phải nhẫn nại chịu đựng để đi qua, và để đến được những câu thơ của mình.

Tôi cũng nghĩ đến những bất trắc, khi người làm thơ không thoát được trạng huống đơn độc đau buốt kia, để trở về với cuộc sống đời thường, vốn rất cần bình ổn thăng bằng.

Còn giải thưởng, tôi nghĩ không mang đến hệ lụy mà là ánh sáng dành cho thơ.

 

Nhà thơ Đinh Thị Như Thúy.


- Rất ít người xung quanh nơi chị sống và dạy học tại Krông Pắc biết chị làm thơ. Việc chị đoạt nhiều giải thưởng ảnh hưởng đến điều này như thế nào?

- Tùy vào cách nhìn nhận của mỗi người. Những người viết có thể quan tâm nhiều hơn tới giải thưởng. Còn những người nông dân, những học sinh, và những thầy cô giáo nơi tôi công tác thật sự chẳng mấy quan tâm đến những sự kiện này.

Với họ, sự kiện đó chỉ là một thông tin thoáng qua và có thể là không hề đọng lại. Họ có nhiều lo toan thiết thực hơn. Thầy cô và học sinh thì đang quan tâm đến các môn thi tốt nghiệp và việc kết thúc năm học sắp đến. Những người nông dân thì quan tâm đến thời tiết. Đã cuối mùa khô, họ đang mong chờ những cơn mưa đầu mùa đến sớm. Một cơn mưa rơi sớm mang đủ nước đến cho các rẫy ruộng sẽ làm họ đỡ đi một đợt tưới. Sẽ làm lợi cho họ hàng chục triệu tiền dầu chạy máy nổ. Rồi những lo toan về giá cả phân bón và sâu bệnh nữa.

Vì thế, việc đoạt giải của tôi, trong chừng mực nào đó, vẫn chỉ là niềm vui của riêng tôi mà thôi.

- Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nói, Đinh Thị Như Thúy (cùng với Mai Văn Phấn và Trần Tiến Dũng) đã tạo ra một thế giới thi ca mà có những điều anh ấy không làm được. Chị nghĩ sao trước ý kiến này?

- Tôi nghĩ đó là cách nói mang tinh thần trân trọng của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều với những người viết mà ông có đọc. Tôi tin ông đã đọc tôi và nhà thơ Mai Văn Phấn, nhà thơ Trần Tiến Dũng bằng thái độ nghiêm cẩn, và có cái nhìn nghiêm cẩn vào không gian sống, không gian thơ ít nhiều riêng biệt trong những gì chúng tôi viết ra.

Với riêng tôi, câu nói đó đã làm tôi muốn đọc lại thơ của mình.

- Ý tưởng về những vần thơ thường đến với chị những lúc nào?

- Tôi thật sự không biết. Tôi không thể sắp xếp thời gian cụ thể để đến với những câu thơ của mình. Nhưng tôi biết, nếu quá tỉnh táo, nếu luôn thăng bằng, nếu không choáng ngợp, không nặng nề, không đơn độc, nếu không bị thôi thúc, quyến rũ, mê hoặc bởi một ai, hay một điều gì đó, có lẽ tôi sẽ không sao viết được.

- Là người đi nhiều, vậy vùng đất nào lưu dấu nhiều kỷ niệm và có sự ảnh hưởng đến chị nhất?

- Tôi nghĩ mỗi nơi chốn chúng ta đã đi qua, đã, đang sống đều góp phần làm nên con người chúng ta. Huế cho tôi tâm hồn. Đà Nẵng cho tôi tính cách. Đà Lạt cho tôi cảm xúc. Còn Đăk Lăk là số phận. Tôi đã sống ở Đăk Lăk từ năm 1988, đã đi qua những ngày tháng thật vất vả, đã nếm trải niềm vui, hạnh phúc, và rất nhiều cực nhọc, khổ đau. Nhưng tôi nghĩ mọi tồn tại đều có ý nghĩa riêng và không gì là vô ích. Bởi nếu không có những ngày tháng đó, những vui buồn đó thì chúng ta sẽ gửi gắm những gì trong thơ của chúng ta?

- Nguyên cớ gì đã dẫn một cô gái sinh ra ở Huế, học đại học tại Đà Lạt như chị đến dạy học tại một huyện xa xôi của Tây Nguyên như Krông Pắc?

- Đó là chuyện rất riêng tư nhưng cũng rất giản dị. Hồi nhỏ tôi sống ở Đà Nẵng, một thành phố hiện đại ven biển, nhưng không hiểu sao tôi lại rất mê núi đồi và thảo nguyên, có lẽ vì ảnh hưởng của những truyện sách mà tôi đã đọc. Tôi chọn học đại học ở Đà Lạt chính vì lẽ đó.

Ở đại học Đà Lạt tôi gặp Phương. Phương đậu đại học năm 1978, nhưng năm đó chiến tranh biên giới Tây Nam khốc liệt, Phương vào lính và chiến đấu ở chiến trường Campuchia suốt 6 năm, để năm 1984 phục viên về Đà Lạt học cùng khóa với tôi.

Tôi học văn, Phương học toán. Điều thú vị là Phương không chỉ rất giỏi toán mà còn rất yêu thích văn chương. Quê Phương ở Quảng Ngãi nhưng gia đình anh đi kinh tế mới ở Đăk Lăk. Phương có đến 12 người em. Học xong đại học Phương muốn về Đăk Lăk với gia đình để lo cho các em. Tôi yêu Phương nên muốn về đó với anh. Trước quyết định của tôi, ba mẹ tôi ban đầu phản đối dữ dội lắm. Bởi năm 1988, Đăk Lăk, trong ý nghĩ của những người ở Đà Nẵng, là một vùng rừng thiêng nước độc, sốt rét, xa xôi, hoang vu và heo hút. Mà quả đúng là như vậy....

- Gắn bó hơn hai mươi năm với Krông Pắc, vùng đất đỏ xa xôi ấy đã cho chị điều gì?

- Tôi có gia đình, học sinh, những người bạn. Có cả một thiên nhiên kỳ vĩ thay đổi theo mùa. Và bao con người vất vả mà lương thiện sống quanh tôi. Hơn hết, tôi có thơ ca. Tôi vẫn thường nghĩ nếu không gắn bó với mảnh đất này có lẽ tôi đã không viết. Tây Nguyên cho tôi năng lượng, cho tôi tâm trạng, cho tôi sự cô đơn cần thiết để tôi có thể sáng tạo (theo cách nói của nhà thơ Inrasara).

- Chị thấy không khí văn chương tại địa phương mình đang sống như thế nào?

- Tôi thấy vui. Ở Đăk Lăk, tôi có một nhóm bạn văn chương rất dễ thương. Mỗi người một tính nết nhưng tất cả đều nồng nhiệt và đam mê viết. Tuy nhiên, vì tôi ở huyện còn hầu hết các bạn đều ở thành phố nên thi thoảng mới có dịp gặp nhau.

- Vừa qua có rất nhiều chuyện lình xình tại các Hội Văn học nghệ thuật địa phương mà phần lớn là những chuyện... ngoài văn chương. Ở góc nhìn riêng, chị lý giải điều này thế nào?

- Trong câu hỏi của anh dường như đã có câu trả lời. Chính vì quan tâm quá nhiều đến những chuyện ngoài văn chương nên mới có nhiều chuyện lình xình đến thế. Nếu những người làm công tác văn học nghệ thuật ở bất cứ đâu đam mê và đặt chuyện sáng tạo lên trên những chuyện khác thì có lẽ sẽ bớt đi những lình xình. Là tôi chủ quan nghĩ thế.

- Chị nghĩ sao nếu một ngày chị sẽ rời xa bục giảng để chuyên tâm với văn chương?

- Tôi chưa bao giờ nghĩ đến điều đó. Tôi thích công việc dạy học tôi đang làm, và thích nơi chốn lặng lẽ tôi đang sống. Nhưng tôi cũng không quá e ngại nếu phải thay đổi. Khi cần thiết có thể tôi sẽ suy nghĩ về chuyện này.

Đinh Thị Như Thúy sinh năm 1965 tại Huế. Lớn lên tại Đà Nẵng. Tốt nghiệp Đại học Đà Lạt. Hiện là giáo viên THPT tại Krông Pắc, Đăk Lăk. Đã in: Cùng đi qua mùa hạ (2005), Phía bên kia cây cầu (2007), Ngày linh hương nở sáng (2011).

Ngoài giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam 2011, chị còn đoạt giải nhất Thơ Làng Chùa lần hai, năm 2012, với chủ đề "Thơ ca và nguồn cội" (cuộc thi tổ chức 3 năm một lần trên phạm vi toàn quốc) với tác phẩm Nơi ngày đông gió thổi. Đầu năm 2012, chị được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam.

Dương Tử Thành thực hiện

Bùi Giáng - cuộc đời như giai thoại







Những tư liệu trích từ tập sách "Bùi Giáng trong cõi người ta", cuốn sách tập hợp các bài viết về "Đười ươi thi sĩ" của các nhà nghiên cứu, do dịch giả Đoàn Tử Huyến chủ biên, đã dựng lên một chân dung Bùi Giáng rõ ràng hơn so với những gì người ta đã biết về ông. 45 bài viết, cả chân dung và phê bình, ghi chép nhiều câu chuyện có thật về Bùi Giáng qua cảm nhận người viết, trong đó nhiều người đã tiếp xúc với ông. Đỗ Lai Thúy là cây bút miền Bắc hiếm hoi có bài viết được tập hợp trong sách, bên cạnh những cây bút miền Nam như Bùi Văn Nam Sơn, Bùi Công Thuấn, Nguyễn Hữu Hồng Minh, Thu Bồn, Thanh Tâm Tuyền...
Ảnh Bùi Giáng do nhà nhiếp ảnh Đào Trung Phụng chụp, trưng bày tại Trung tâm Văn hóa Pháp, Hà Nội.

Vậy sống như Bùi Giáng là thế nào? Khi nói về con người ông, nhiều người bảo ông điên. Điên thật. Ông từng vào nhà thương điên. Nhưng điên chỉ là hình thức thể hiện, sự phản chiếu ra ngoài của suy nghĩ trong ông về cuộc sống. Chính ông cũng đã phát biểu quan niệm về sự sống và cái chết, nhân bình một bài thơ của Huy Cận, bài "Chết". Bùi Giáng viết: "Chúng ta dường như quên mất rằng mỗi người chỉ có một cuộc sống thật xinh, và cuộc sống đó rất có thể bị những thứ tai hại trong hồn ta làm cho méo mó đi... Tiếc sao! Tiếc sao! Một sự sống quá đơn sơ, chúng ta cứ đời đời quên bẵng".

Nhà nghiên cứu Bùi Văn Nam Sơn, họ hàng của Bùi Giáng, từng viết: "Viết đôi lời về Bùi Giáng không bằng đọc thơ Bùi Giáng. Đọc Bùi Giáng không bằng giao du với Bùi Giáng. Giao du với Bùi Giáng không bằng sống như Bùi Giáng. Mà sống như Bùi Giang thì thật vui mà thật khó vậy". Đó là nhận định rất chính xác, đến nỗi về sau hầu như không ai nói về "Đười ươi thi sĩ" mà không trích dẫn câu nói này. Vậy nên, đọc bình về thơ Bùi Giáng thì cũng thích vừa vừa thôi, đọc chuyện kể Bùi Giáng hồi còn sống, còn rong chơi mới thật là thích.

Cuộc sống, theo Bùi Giáng, "có thể đổi dạng theo lối tuyệt vô hy vọng, hoặc điên cuồng, hoặc rồ dại. Nhưng cuối cùng, phải nên dìu nó về thể thái thanh thản khiêm tòng". Ông đã sống một cuộc đời có nhiều khoảnh khắc "thanh thản khiêm tòng", ấn tượng vẫn lưu lại trong ký ức và những câu chuyện của người thân, bè bạn.

Bùi Giáng rất yêu Huy Cận. Khi Marilyn Monroe chết, ông cảm thán: "Phải chi bình sinh nàng có đọc thơ Huy Cận, ắt nàng chẳng phải nên giận phận gì mà vội ngang tàn tính mệnh như thế" [1]. Ông xin chép bài "Nhạc sầu" ra để tặng nàng:

Ai chết đó! Nhạc sầu chi lắm thế...

xong xuôi lại viết: "Nhưng cố nhiên, chép xong rồi thì nên xếp giấy lại, ra đường phố dạo một phen rong chơi... Chẳng nên đăm chiêu dằng dặc. Chẳng nên o bế cái chết". Khóc than mỹ nhân cũng chỉ bấy nhiêu thôi. Sau cùng, vẫn là rong chơi. Bùi Giáng đến ngày tóc bạc hom hem vẫn ngày ngày lê la trên vỉa hè Sài Gòn. Cuộc sống với ông là thế. "Nên kiệt tận miên bạc bình sinh để sống cho đậm đà thơ mộng", vì với ông, nếu không làm thế, thì cuộc sống cũng chẳng khác nào cái chết.

Thời ông đi học, hai bài thơ "Chết" và "Nhạc sầu" của Huy Cận đã gây "chấn động dị thường" trong tâm can. Ông bỏ học, chạy về quê chăn dê. Bao nhiêu thơ làm ra, âm thầm tặng hết cho chuồn chuồn châu chấu. "Làm thơ tặng chú bé con/ Làm thêm câu nữa tặng con chuồn chuồn". Mấy năm chăn dê chính là khoảng thời gian đáng nhớ trong cuộc đời của thi sĩ, là lúc ông thực sự có "tâm sự u uất", muốn xa lánh cuộc đời, theo lời người em trai Bùi Công Luân.

Bùi Giáng có vẻ ngoài kỳ lạ, gặp rồi là khó có thể quên. Nhà báo Nguyễn Vạn Hồng kể lại: "Ông ăn mặc lôi thôi lếch thếch, bầy hầy hết chỗ nói". Nhà thơ Thanh Thảo tả: "Bùi tiên sinh quẩy cái gì đó trên vai, trông nửa như Bồ Đề Đạt Ma, nửa như... bác hành khất". Bùi Giáng lại có thời gian đi chăn dê ở Quảng Nam từ khoảng năm 1948, tổng cộng khoảng 3 năm, nhưng ông tự bịa là 15 năm, để tương đương với thời gian lưu lạc của nàng Kiều.

Những thông tin trên có thể khiến người đọc hình dung sai về gia cảnh của Bùi Giáng, vì nghe có vẻ... nghèo. Nhưng thực tế là ngược lại. Ông sinh ra trong một gia đình giàu có ở Quảng Nam, được coi là "một trang công tử". Năm 1945, Bùi Giáng lấy vợ lần đầu ở tuổi 19, vợ là bà Phạm Thị Ninh xinh đẹp có tiếng, cũng con nhà giàu (nhưng bà sớm qua đời vào năm 1948). Đến khi ông đi chăn dê, cũng là tự bỏ tiền ra mua đàn dê 100 con chứ không phải chăn thuê. Chăn chơi vì yêu dê, không phải để bán hay để thịt vì nhà giàu không cần tiền, theo lời kể của người em rể là Phạm Văn Hòa.

Trong bài viết "Bùi Giáng trong đời tôi", tác giả Phạm Văn Nga, một nhà giáo, kể lại kỷ niệm hồi trẻ gặp gỡ nhà thơ như sau: Năm 1972 tại Sài Gòn, tác giả thấy Bùi Giáng mang một tập sách đến "chào hàng" tại hiệu sách nhưng bị chủ cửa hàng chối đây đẩy. Thấy trong tay ông có hai cuốn "Cõi người ta" và "Hoàng tử bé" của Saint Exupéry còn mới, lại do chính Bùi Giáng dịch, tác giả rụt rè đề nghị mua cho ông. Bùi Giáng chỉ bán nửa giá, bán xong xuôi còn hỏi: "Ê, sao mày không để tiền bao gái, mua sách làm gì?". Phạm Văn Nga trả lời: "Dạ, tại con thích đọc".

Thích chí, thi sĩ rủ cậu học trò đi uống rượu, xong còn tặng anh thêm 4 cuốn sách khác của ông, đề tặng như sau: "Kính tặng Ngài Văn Nga". Ông giải thích: "Tao viết hoa chữ Ngài cho mày bằng Thượng đế vì những thằng mê sách đều xứng đáng là Thượng đế".

Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo từng kể một câu chuyện về Bùi Giáng khi đã già. Có lần ông ra đường chơi, đi qua một đám cưới, thấy cô dâu xinh đẹp quá, liền xông vào đuổi theo khiến cô dâu sợ quá chạy té khói, làm loạn cả đám cưới của nhà người ta. Con cháu hay tin, đến lôi ông về. Ông về, nằm được mấy ngày, lại xúi người nhà mở cửa "để tao đi chơi".

Thơ Bùi Giáng còn gây nhiều tranh cãi về độ hay dở, có những người không tiếc lời ca ngợi, nhưng cũng có những người cho là không ra gì. Nhưng hơn hết, Bùi Giáng không chỉ là thơ. Con người ông với cách sống, cách chơi, cách yêu kỳ lạ luôn khiến người ta cảm thấy thích thú khi nhắc tới. Chỉ qua thơ ông mà biết ông là điều không thể, và cũng không nên. Vì sẽ thiếu. Khi đã biết về ông, ít ai chưa một lần muốn sống như ông. Vui nhưng mà cũng khó.



Pham Mi Ly. 

Trương Đăng Dung: Thơ khám phá và giãi bày bản thể







Tập thơ "Những kỷ niệm tưởng tượng" của ông lấy tên một bài thơ được làm cách đây ngót ba thập niên vẫn khiến nhiều người ngạc nhiên vì sự mới mẻ. "Những kỷ niệm tưởng tượng" đã được trao giải năm 2011 của Hội Nhà văn Hà Nội. Việc một nhà nghiên cứu lý luận văn học gây tiếng vang bằng thơ ca đã cho thấy một điều, không hẳn như thiên hạ vẫn nghĩ, rằng "dao sắc không gọt được chuôi"...

- Theo ông, với một người làm thơ cần nhất là điều gì?

- Với một người làm thơ thì điều cần nhất là tài thơ. Và phải là một người tử tế.

- Cho đến giờ ông có nhớ bài thơ đầu tiên mình đã làm?

- Bài thơ đầu tiên tôi làm là "Âm hưởng mùa hè", được viết khoảng giữa năm 1974, khi tôi đang học ở Đại học Eotvos Lorand Budapest (Hungary). Đây cũng là bài thơ đầu tiên của tôi được in ở báo Văn Nghệ năm 1978, khi tôi vừa về nước.

- Bắt đầu làm và in thơ từ thời sinh viên, nhưng phải đến 25 năm sau thơ ông mới xuất hiện trở lại, tại sao lại có sự ngắt quãng lâu đến vậy?

- Đúng là sau khi một số bài thơ của tôi xuất hiện trên báo Văn Nghệ, tôi không in thơ ở đâu nữa cho đến năm 2004 thơ tôi mới lại in trên tạp chí Sông Hương. Sự thật là trong khi tôi muốn viết khác đi mà chưa viết được thì công việc nghiên cứu, dịch thuật văn học đã hút hết thời gian, tâm sức.

- Giữa nghiên cứu, lý luận văn học và thơ, ông coi trọng lĩnh vực nào hơn trong sự nghiệp của mình?

- Giữa thơ và nghiên cứu lý luận văn học, tôi không phân biệt cái nào quan trọng hơn cái nào. Tôi dành nhiều thời gian cho công việc nghiên cứu vì tôi được đào tạo để làm việc đó. Hơn nữa, tôi học được nhiều trong quá trình nghiên cứu lý luận văn học, nó giúp tôi hiểu hơn về bản chất của thơ. Đối với tôi, thơ là sự khám phá và giãi bày bản thể một cách tự nguyện. Nghĩa là không phải ngày nào cũng có thể làm thơ.

- Theo các mốc thời gian đề dưới những bài thơ trong tập "Những kỷ niệm tưởng tượng" thì thấy ông vẫn làm thơ rải rác trong những năm "vắng bóng", tại sao ông không công bố chúng?

- Tôi vẫn lặng lẽ làm thơ trong suốt những năm đó, nhưng với số lượng khiêm tốn và không công bố. Không công bố vì tôi biết là chưa thể công bố. Tôi có gửi thử bài "Những kỷ niệm tưởng tượng", viết từ năm 1983, đến một tờ báo ở Trung ương nhưng không được in. Mãi đến năm 2004, tạp chí Sông Hương mới in bài thơ này và nó nhanh chóng được bạn đọc chú ý.

- Như vậy, "Những kỷ niệm tưởng tượng" tuy mang tiếng là tập thơ đầu tay của ông nhưng cũng có thể gọi nó là "tuyển tập thơ Trương Đăng Dung"?

- Gọi là tập thơ đầu tay hay tuyển tập thơ cũng vậy, bởi vì bất cứ tập thơ nào cũng là kết quả của một sự tuyển chọn của tác giả từ nhiều bài thơ đã viết. Tôi đã không đưa vào "Những kỷ niệm tưởng tượng" một số bài thơ. Tôi muốn mỗi tập thơ phải có thông điệp riêng được toát ra một cách nhất quán từ vẻ đẹp của các bài thơ đứng cạnh nhau.

- "Những kỷ niệm tưởng tượng" chỉ có vẻn vẹn 25 bài, nếu so sánh quãng thời gian ông vắng bóng với thơ thì sẽ tương đương với... mỗi năm một bài. Ông có hài lòng với những bài thơ được ra đời có vẻ rất khắt khe ấy?

- Tôi chỉ tiếc là mình không viết được nhiều hơn những bài thơ hay trong thời gian qua, còn với những bài thơ đã viết thì tôi chấp nhận chúng như người mẹ chấp nhận những đứa con mình sinh ra.

- Đã có khá nhiều người nhận xét về thơ ông, cá nhân tôi đọc thì còn thấy nó rất... tình, cho thấy một người yêu rất sâu và không lúc nào thôi suy tưởng, ngay cả những khoảnh khắc thăng hoa nhất. Có khi nào ông nghĩ mình là một kẻ đa tình?

- Đa tình là phẩm chất của loài người. Không có nó thì trái đất ngừng quay và loài người tuyệt chủng! Bạn thử hình dung thế giới này sẽ ra sao nếu đàn ông và đàn bà chỉ gườm gườm nhìn nhau? Không phải ai đa tình cũng làm thơ, nhưng đã là nhà thơ thì thường đa tình. Vấn đề là người ta "ứng xử" ra sao với phẩm chất này.

- Tập thơ của ông được in giấy khá đẹp, ông nghĩ "y phục" phải xứng với "kỳ đức" hay thơ cần phải được trân trọng ở mức tốt nhất có thể?

- Trước hết là vì người đọc, vì sự tôn trọng người đọc và trân trọng thơ. Tôi nghĩ, mấy chục năm mình mới in một tập thơ để tặng mọi người thì nên in cho đẹp. Một món quà sẽ trở nên giá trị và có ý nghĩa hơn nếu nó được tặng đúng cách, với một hình thức đẹp, sang trọng.

- Nó cũng được in xen kẽ với bản in màu 4 bức tranh của Đặng Thu Hương và 8 bức anh của Hoàng Hải, điều đó có ý nghĩa gì thưa ông?

- Các họa sĩ có tranh trong tập thơ đều là những người bạn của tôi. Tôi muốn có kỷ niệm với bạn bè gần gũi.

- Đã gần chạm mốc sáu mươi của đời người, ông thấy điều gì là quan trọng nhất với mình ngoài sức khỏe?

- Ngoài sức khỏe, tôi cần gia đình, bạn bè và tình thương yêu, sự thấu hiểu của mọi người.

PGS.TS Trương Đăng Dung tốt nghiệp khoa Ngữ văn Đại học Tổng hợp Budapest, Hungary năm 1978. Bảo vệ luận án Tiến sĩ tại Budapest, Hungary năm 1984. Làm việc tại Viện Văn học từ 1978 đến nay. Trước khi nghỉ quản lý ông giữ cương vị Phó Viện trưởng. Tác phẩm chính đã xuất bản: Các vấn đề của khoa học văn học (chủ biên, 1990); Văn học và hiện thực (viết chung, 1990); Từ văn bản đến tác phẩm văn học (1998); Tác phẩm văn học như là quá trình (2004). Dịch: Truyện Kiều (dịch sang tiếng Hungary, 1984); Đứa trẻ mồ côi (tiểu thuyết Moricz Zigmond, 1987); Lâu đài (tiểu thuyết F.Kafka, 1998); Thằng điên và quỷ sứ (tiểu thuyết Sarkadi Imre, 2000). Ngoài ra còn dịch một số tác phẩm nghiên cứu và lý luận văn học. Tập thơ Những kỷ niệm tưởng tượng của ông được trao giải thưởng thơ năm 2011 của Hội Nhà văn Hà Nội.



Dương Tử Thành thực hiện

Vĩnh biệt Wislawa Szymborska, người bạn chân tình của VN







Ông Michal Rusinek, thư ký riêng của nữ nhà thơ kể lại rằng, trong những ngày ốm nặng nằm tại nhà, bà đề nghị đừng ai đến thăm, để cho trong tâm thức của mọi người, bà luôn luôn là một người khỏe mạnh.

Lễ tang nữ nhà thơ Wislawa Szymborska, công dân danh dự của thành phố Krakow, được cử hành ngày 9/2, theo thế tục, với sự tham dự của các vị đứng đầu Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ Ba Lan: Tổng thống Bronislaw Komorowski, Chủ tịch Thượng viện, Chủ tịch Hạ viện, Thủ tướng, nhiều vị bộ trưởng, các đại diện Ngoại giao đoàn, các nhà văn, nhà thơ, dịch giả, nghệ sĩ, bạn bè và những người mến mộ nữ nhà thơ.

Có trên 8.000 người tham dự lễ tang nữ nhà thơ, diễn ra trong giá lạnh, tuyết rơi trắng trời. Theo nguyện vọng của bà, đúng 12 giờ trưa, bình đựng hài cốt của bà được đưa từ nhà tang lễ tới khu mộ gia đình, nơi bố mẹ bà đang an nghỉ. Cùng lúc, trên tháp chuông nhà thờ cổ kính bậc nhất châu Âu, nhà thờ Mariacki ở trung tâm cố đô Krakow, thay vì tiếng kèn hiệu vào giờ này hàng ngày, ngân vang ca khúc phổ thơ của bà - bài "Không có gì hai lần", do Lucja Prus, nữ ca sĩ nổi tiếng Ba Lan từ những năm 1960 thể hiện.

Trong bài phát biểu vĩnh biệt nữ nhà thơ, Tổng thống Komorowski nói: "Tôi chỉ muốn nhấn mạnh một điều rằng, tài năng lớn này sẽ ở lại với chúng ta, khi trong những vần thơ của mình bà để lại cho chúng ta kỹ năng nhận biết chung quanh mình những mảnh nhỏ bình thường của cái đẹp và niềm vui của thế giới, những mảnh nhỏ luôn luôn gây kinh ngạc làm rung động và đôi khi trào lộng".

Buổi tối cùng ngày, tại Viện bảo tàng Mỹ thuật thành phố Krakow diễn ra Đêm văn học tưởng niệm nhà thơ Wislawa Szymborska, được Đài truyền hình Ba Lan TVP tường thuật trực tiếp. Theo di chúc của bà, Quỹ di sản Wislawa Szymborska sẽ được thành lập. Quy chế của quỹ này đã được soạn thảo rất chi tiết với sự chứng giám của bà khi còn sống. Nữ nhà thơ dự định trong năm nay sẽ cho công bố tập thơ mới, gồm những bài thơ bà sáng tác trong mấy năm vừa qua. Bà nói đùa, nhưng nghiêm túc rằng: "Tập thơ mới của tôi sẽ có tiêu đề 'Đủ rồi". Tập thơ sẽ được in tại Nhà xuất bản a5, nhà xuất bản mà bà ưa thích.

Ba Lan, đất nước với gần 40 triệu dân, có tới bốn nhà văn và nhà thơ được giải Nobel văn học: Henryk Sienkiewicz (Nobel 1905), Stanislaw Reymont (Nobel 1924), Czeslaw Milosz (Nobel 1980), Wislawa Szymborska (Nobel 1996). W. Szymborska là người cuối cùng trong số đó rời xa trần thế.

Trong thời gian hơn 50 năm cầm bút, W. Szymborska chỉ sáng tác trên 200 bài thơ, nhưng đó là những tinh hoa đã vượt qua sự chọn lựa vô cùng khắt khe của tác giả. Bà là một nhà thơ rất khiêm tốn, không thích xuất hiện trên tivi, trên báo chí, không thích xuất hiện trước đám đông. Nếu độc giả muốn biết về bản thân bà thì chỉ còn có cách phải đọc ra ở trong thơ bà mà thôi, bởi không bao giờ bà thổ lộ hoặc giải thích tiểu sử của mình. Khi rất cần thiết, như khi nhận giải thưởng Nobel, thì bà mới đọc một bài phát biểu không dài, chỉ đề cập đến thi ca và sự nghiệp sáng tác của bà.

Đối với Việt Nam, từ lâu nữ nhà thơ Wislawa Szymborska là một người bạn chân tình. Những tình cảm của bà dành cho Việt Nam, nhất là những người mẹ Việt Nam chịu nhiều mất mát, đau thương trong chiến tranh, đã được thể hiện rất xúc động trong hai bài thơ Việt Nam và Lá chắn do bà sáng tác.

Năm 2005, khi dự Hội nghị những người dịch văn học Ba Lan trên thế giới, tại nhà hát Slowacki cổ kính ở cố đô Krakow, tôi có cơ hội được gặp bà trong buổi lễ trao giải thưởng Transatlantyk - Con tàu xuyên Đại Tây Dương cho dịch giả văn học Ba Lan xuất sắc. Tôi tự giới thiệu, tôi là dịch giả Việt Nam, bà thốt lên: "Việt Nam! Tôi biết Việt Nam từ lâu, và tôi còn làm thơ về Việt Nam nữa đấy". Bà cảm ơn về việc các dịch giả Việt Nam đã dịch thơ của bà sang tiếng Việt và bà đề nghị tôi chụp ảnh chung với bà. Tấm ảnh đầy kỷ niệm này tôi đang treo trang trọng tại nhà tôi.

Những bài thơ có sức truyền cảm mạnh mẽ của bà được chuyển ngữ sang tiếng Việt đã thực sự cuốn hút các nhà thơ, nhà văn và những người yêu văn học Ba Lan ở Việt Nam. Đó sẽ là hình ảnh không bao giờ phai mờ của bà trong tâm trí người đọc Việt Nam.



Lê Bá Thự.
Каталог: 2012
2012 -> Những câu nói tiếng Anh hay dùng hằng ngày
2012 -> I. NỘi dung quy hoạch cao đỘ NỀn và thoát nưỚc mặt bản đồ hiện trạng cao độ nền và thoát nước mặt
2012 -> BÀI 1: KỸ NĂng thuyết trình tổng quan về thuyết trình 1 Khái niệm và các mục tiêu
2012 -> Người yêu lạ lùng nhất
2012 -> Thi thử ĐẠi họC ĐỀ thi 11 MÔN: tiếng anh
2012 -> SÔÛ giao thoâng coâng chính tp. Hcm khu quaûn lyù giao thoâng ñOÂ thò soá 2
2012 -> Commerce department international trade
2012 -> Những câu châm ngôn hay bằng tiếng Anh
2012 -> BỘ giáo dục và ĐÀo tạO ĐỀ thi tuyển sinh đẠi họC 2012 Môn Thi: anh văN – Khối D
2012 -> Tuyển tập 95 câu hỏi trắc nghiệm hay và khó Hoá học 9 Câu 1

tải về 76.27 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương