Tình hình nhập khẩu điều thô của Việt Nam từ Châu Phi



tải về 29.11 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu02.09.2016
Kích29.11 Kb.
#31088

Tình hình nhập khẩu điều thô của Việt Nam từ Châu Phi


Theo Hiệp hội Điều Việt Nam, năm 2013, các doanh nghiệp đã xuất khẩu 264.000 tấn nhân điều, với kim ngạch đạt 1,66 tỷ USD. Nếu tính cả xuất khẩu các sản phẩm phụ như dầu vỏ hạt điều, kim ngạch xuất khẩu điều trong năm qua đạt khoảng 2 tỷ USD. Thị trường Mỹ, Trung Quốc và Hà Lan vẫn duy trì là những thị trường nhập khẩu điều lớn nhất của Việt Nam.
Đây là năm thứ 8 liên tiếp ngành điều Việt Nam vượt qua Ấn Độ để giữ vị trí số 1 thế giới về xuất khẩu điều nhân. Kết quả xuất khẩu điều trong năm qua đã phản ánh sự cố gắng rất lớn của các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu hạt điều, trong bối cảnh nền kinh tế còn khó khăn, sức mua trên thị trường thế giới giảm.

Để phục vụ nhu cầu chế biến xuất khẩu, năm 2013, ngành điều nhập khẩu 640.000 tấn điều thô nguyên liệu (tổng giá trị 601,2 triệu USD) trong đó kim ngạch nhập khẩu điều thô từ các nước châu Phi đạt 490,6 triệu USD.

Trong năm 2014, Hiệp hội Điều Việt Nam xác định khuyến khích các nhà máy đi vào chế biến sâu, để đẩy giá trị xuất khẩu lên khoảng 2 tỷ USD và sản lượng xuất khẩu vẫn giữ mức như năm 2013, tức là tăng giá trị xuất khẩu là chủ yếu. Còn về nguyên liệu nhập khẩu, khách hàng các nước Châu Phi đã cam kết trong năm nay sẽ dành nguyên liệu điều thô bán cho Việt Nam, đủ để cân đối nguyên liệu chế biến tại các nhà máy. Tại Hội nghị khách hàng quốc tế do Vinacas tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh ngày 28/11/2013 đã có 10 thỏa thuận mua bán điều thô giữa doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp Châu Phi, với tổng trị giá gần 100 triệu USD. 

Nếu như cách đây 10 năm, các doanh nghiệp chỉ nhập khẩu điều thô vào khoảng 20 - 30%, còn lại 70 - 80% là sử dụng nguồn nguyên liệu điều thô trong nước thì đến nay đã phải nhập khẩu tới 50% sản lượng điều thô mới đủ chế biến hàng chất lượng cao để xuất khẩu. Sự bất lợi của thời tiết, sự biến động tiêu cực về giá cả thị trường… khiến năng suất cũng như chất lượng hạt điều giảm sút, kéo theo đó là thu nhập của người nông dân trồng điều cũng giảm rõ rệt. Trước tình trạng đó, nhiều nông dân đã chặt bỏ cây điều để chuyển sang trồng các loại cây công nghiệp, cây ăn quả lâu năm có giá trị cao hơn, khiến diện tích trồng cây điều giảm mạnh. Ngoài ra, phần lớn diện tích đất trồng điều hiện nay là đất cằn cỗi và nằm phân tán rải rác ở nhiều nơi làm cho công tác chăm sóc không được quan tâm đúng mức, giống điều đang cho thu hoạch hiện nay lại là những giống cũ, năng suất phẩm chất không tốt, do đó sản lượng và chất lượng hạt điều Việt Nam ngày càng sụt giảm.

Từ một nước trồng điều, Việt Nam đang dần chuyển thành một nước gia công, chế biến điều. Đây là hoạt động chuyển hướng nhằm đem lại giá trị gia tăng cao hơn cho hạt điều, tuy nhiên sự phát triển của các nhà máy điều mang tính tự phát như thời gian qua, việc thiếu hợp tác giữa các doanh nghiệp trong ngành điều tạo nên sự cạnh tranh thiếu lành mạnh, gây ảnh hưởng đến xuất khẩu và uy tín chung của ngành điều Việt Nam. Trong công tác thị trường, việc tiếp thị và quảng bá về công dụng của hạt điều tại các thị trường tiềm năng cần được đẩy mạnh để tạo nên sự hấp dẫn của hạt điều so với các loại hạt khác, nâng cao giá trị và số lượng hạt điều xuất khẩu.

Trong khi đó, châu Phi là khu vực có vùng nguyên liệu điều lớn nhất thế giới, chiếm 40% sản lượng điều toàn cầu. Thời gian qua, kim ngạch nhập khẩu điều thô của Việt Nam từ châu Phi đã không ngừng tăng, đạt 490,6 triệu USD trong năm 2013. Nếu trước đây, khi nhập khẩu điều thô Châu Phi, hầu hết các DN Việt Nam đều phải qua trung gian các nhà môi giới Ấn Độ, thì nay nhiều DN đã mua bán trực tiếp với các nhà xuất khẩu điều Châu Phi. Như vậy, DN Việt Nam có nguồn nguyên liệu bảo đảm hơn, giá mềm hơn. DN Châu Phi cũng muốn bán trực tiếp để hy vọng được giá hơn. Mặc dù vậy, trong quá trình giao dịch, các doanh nghiệp Việt Nam cũng gặp phải những khó khăn nhất định.

Tình hình nhập khẩu điều của Việt Nam từ Châu Phi

Từ năm 1996, cùng với việc hạn chế xuất khẩu hạt điều thô ra nước ngoài, Việt Nam đã bắt đầu nhập khẩu nguyên liệu từ thị trường này để bù đắp thiếu hụt hạt điều thô trong nước nhằm phục vụ tăng trưởng của ngành công nghiệp chế biến hạt điều của Việt Nam.

Mỗi năm, ước tính Việt Nam nhập khẩu khoảng 500.000-600.000 tấn điều thô (bao gồm khoảng 250.000-300.000 tấn từ châu Phi). Hiện điều thô là một trong ba mặt hàng nhập khẩu chính của Việt Nam từ châu Phi bên cạnh bông và gỗ. Theo Tổng cục Hải quan Việt Nam, năm 2013, Việt Nam mua điều thô từ 15 nước châu Phi với tổng kim ngạch đạt 490,6 triệu USD, tăng gấp đôi so với năm 2012, trong đó từ Bờ Biển Ngà 197,5 triệu USD, Ghana 80,5 triệu USD, Guinea Bissau 61 triệu USD, Nigeria 56,07 triệu USD, Benin 25,2 triệu USD, Burkina Faso 17,3 triệu USD, Guinea 10,8 triệu USD, Benin 9,6 triệu USD, Senegal 6,5 triệu USD, Togo 6,3 triệu USD, Gambia 5,7 triệu USD...

Nếu như trước đây các giao dịch mua bán điều thô vẫn chủ yếu thông qua môi giới điều của Ấn Độ thì nay một số doanh nghiệp chế biến điều Việt Nam đã bắt đầu nhập khẩu trực tiếp từ các nhà cung cấp điều của châu Phi. Trong quá trình giao dịch, đã có một số vấn đề vướng mắc nảy sinh như thanh toán tiền hàng, kiểm soát chất lượng, tổn thất trên đường đi của hàng hóa. Cụ thể là các ngân hàng Việt Nam và châu Phi chưa thiết lập quan hệ hợp tác, điều này gây khó khăn trong việc mở L/C, tăng chi phí ngân hàng trung gian và kéo dài thời gian thanh toán. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ hai bên cũng gặp khó khăn trong khâu tiếp cận nguồn vốn phục vụ hoạt động XNK. Khó khăn thứ hai là một số doanh nghiệp của châu Phi còn thiếu tôn trọng hợp đồng đã ký (chẳng hạn trì hoãn việc giao hàng để ép giá), khi tranh chấp xảy ra rất khó xử lý… Khó khăn thứ ba là tình hình chính trị của một số nước châu Phi còn thiếu ổn định. Chẳng hạn tại Bờ Biển Ngà, do khủng hoảng chính trị đầu năm 2011, các doanh nghiệp của Việt Nam khi đó đã mất đi nguồn cung điều thô quan trọng và phải nỗ lực tìm kiếm nhà cung cấp khác. Ngoài ra, các doanh nghiệp Việt Nam còn gặp những trở ngại như thiếu thông tin về đối tác châu Phi, gặp các rào cản về văn hóa, ngôn ngữ, khoảng cách địa lý xa xôi dẫn đến chi phí vận chuyển cao, thiếu cơ quan ngoại giao, thương mại để hỗ trợ về thông tin, thủ tục visa...



Chính vì vậy, để hạn chế rủi ro trong giao dịch với các đối tác châu Phi, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn phải nhập khẩu điều qua trung gian là các doanh nhân Ấn Độ vì có thể mua trả chậm và dưới hình thức CIF mặc dù phải trả chi phí trung gian cao.

Nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam và Châu Phi giải quyết được những khó khăn nói trên, ngày 28-29 tháng 11 năm 2013, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) đã phối hợp tổ chức Hội nghị phát triển điều Việt Nam - châu Phi tại Thành phố Hồ Chí Minh. Tham dự Hội nghị có sự hiện diện của các nhà cung cấp điều thô đến từ các nước châu Phi như Bờ Biển Ngà, Ghana, Guinea Bissau, Nigeria, Benin… và Liên Hiệp hội Điều châu Phi (ACA). Sự kiện này đánh dấu bước phát triển mới giữa quốc gia xuất khẩu nhân điều lớn nhất thế giới (Việt Nam) và khu vực có vùng nguyên liệu điều nhiều nhất (Châu Phi), chiếm 40% sản lượng điều thế giới.

Tại Hội nghị, 3 biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Hiệp hội Điều Việt Nam với Hiệp hội các nhà xuất khẩu Điều Bờ Biển Ngà (AEC-CI), Hội đồng các nhà xuất khẩu Điều Benin (CoNEC Benin) và Hiệp hội Điều Nigeria (NCAN) và 8 hợp đồng ngoại thương giữa các doanh nghiệp Việt Nam và châu Phi đã được ký kết. Đây là một trong những hoạt động nhằm thắt chặt mối quan hệ giữa nhà nhập khẩu Việt Nam với các bạn hàng cung cấp nguyên liệu thế giới.

Cũng tại Hội nghị, các đại biểu đến từ châu Phi cho biết, hiện nay nhiều quốc gia xuất khẩu điều lớn như Bờ Biển Ngà, Guinea Bissau, Nigieria đang có nhu cầu học hỏi kinh nghiệm sản xuất chế biến xuất khẩu hạt điều thô, kêu gọi các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào công nghệ chế biến hạt điều tại đất nước họ. Chính phủ Nigieria đã đưa ra hàng loạt chính sách ưu đãi đối với các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào chế biến dầu vỏ hạt điều và chế biến điều nhân như, miễn 100% thuế thu nhập doanh nghiệp trong 5 năm đầu, hạ thuế suất nhập khẩu các loại máy móc, thiết bị xuống mức 0%. Đối tác phía Bờ Biển Ngà cũng mong đợi sự hợp tác từ phía các doanh nghiệp Việt Nam và sẵn sàng ưu đãi về thuế và giá mua nguyên liệu cho doanh nghiệp đầu tư công nghệ chế biến tại chỗ.

Trong thời gian tới, bên cạnh hoạt động thương mại thông thường, các doanh nghiệp Việt Nam cần xem xét phương hướng liên doanh liên kết, mở văn phòng đại diện, đầu tư chế biến sang thị trường các nước châu Phi, tạo thuận lợi cho việc giao dịch trực tiếp và tận dụng nguồn nhân công lành nghề, nguyên liệu dồi dào của địa phương, khai thác những lợi thế về thuế quan mà các nước châu Phi được hưởng để xuất khẩu hàng sang EU, Mỹ và những nước khác trong khu vực.

Tình hình sản xuất và xuất khẩu điều thô của châu Phi


Châu Phi được xem là “vựa điều” lớn nhất của thế giới với sản lượng trung bình hàng năm từ 700.000 đến 800.000 tấn. Quốc gia có sản lượng điều thô lớn nhất châu Phi là Bờ Biển Ngà (350.000 tấn), tiếp đến đến là Guinea Bissau (120.000 tấn), Benin (90.000 tấn), Tanzania (50.000 tấn), Nigieria (50.000 tấn), Mozambique (40.000 tấn)...

Là loại cây trồng dễ tính và mang lại nguồn thu ngoại tệ lớn thứ hai sau bông tại nhiều nước châu Phi, cây điều cung cấp loại hạt nổi tiếng về chất lượng nhờ thu hoạch đúng thời vụ, đặc biệt không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.

Ngoài giá trị là thức ăn, quả điều còn được sử dụng trong ngành công nghiệp dược do có những thuộc tính như diệt sâu bệnh, diệt nấm và diệt khuẩn. Quả điều còn được dùng trong ngành công nghiệp chế biến da thuộc, sản xuất rượu.

Liên hiệp hội Điều châu Phi (ACA) được thành lập theo luật của Ghana nhằm mục tiêu thúc đẩy năng lực cạnh tranh của ngành điều châu Phi, tăng thu nhập cho người dân, nâng cao công suất chế biến, xúc tiến thương mại và tham mưu chính phủ các nước châu Phi về chính sách phát triển ngành điều. Đến nay ACA đã có 50 thành viên thuộc nhiều quốc gia khác nhau trên khắp thế giới. Các thành viên sáng lập chính của ACA gồm Hiệp hội Điều Bờ Biển Ngà (ARECA), Quỹ hỗ trợ phát triển của Đức (GTZ), tổ chức USAID của Mỹ, tổ chức West Africa Trade Hub của Ghana, các công ty SITA và OLAM của Bờ Biển Ngà, hai công ty Kraft Foods  và RFA của Mỹ,...  

Năm 2009, Hiệp hội Điều Việt Nam (VINACAS) đã mở rộng quan hệ hợp tác với Liên hiệp hội Điều châu Phi (ACA) khi tham gia Hội nghị thường niên lần thứ 4 của ACA tổ chức tại thành phố Abidjan (Bờ Biển Ngà) vào tháng 9/2009. Trong những năm gần đây, VINACAS cũng thường xuyên tổ chức các Hội nghị quốc tế về điều tại Việt Nam với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp xuất khẩu điều thô của châu Phi. Dự kiến VINACAS sẽ tổ chức Diễn đàn quốc tế về Điều tại Bà Rịa-Vũng Tàu từ ngày 15-17/5/2014.

Hoàng Đức Nhuận



Каталог: Images -> editor -> files
files -> PHỤ LỤc I danh mục các tthc công bố BỔ sung
files -> CỘng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập- tự do- hạnh phúc
files -> TRƯỜng đÀo tạO, BỒi dưỠng cán bộ CÔng thưƠng trung ưƠNG
files -> BỘ giao thông vận tải báo cáo chuyêN ĐỀ
files -> THỐng kê SỐ liệu chậm hủy chuyến bay của các hàng hkvn
files -> BỘ giao thông vận tải cộng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam
files -> BỘ giao thông vận tảI
files -> Danh sách cấp giấy phép sản xuất phân bón vô CƠ
files -> CHƯƠng trình hội nghị đánh giá kết quả công tác 6 tháng đầu năm
files -> BẢn tin thị trưỜng tháng 3/2014 I/ Tình hình thị trường tháng 2/2014

tải về 29.11 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương