TỈnh hải dưƠng số: 149 /bc-ubnd cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam



tải về 105.21 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu10.08.2016
Kích105.21 Kb.
#16151

UỶ BAN NHÂN DÂN

TỈNH HẢI DƯƠNG



Số: 149 /BC-UBND


CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM


Độc lập - Tự do - Hạnh phúc




Hải Dương, ngày 21 tháng 10 năm 2013


BÁO CÁO

Kết quả thực hiện công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật

trên địa bàn tỉnh Hải Dương năm 2013

Thực hiện Nghị định số 59/2012/NĐ-CP ngày 23 tháng 7 năm 2012 của Chính phủ về theo dõi tình hình thi hành pháp luật và Công văn số 2252/BTP-VĐCXDPL ngày 22/3/2013 của Bộ Tư pháp về thực hiện công tác theo dõi thi hành pháp luật năm 2013, Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương báo cáo kết quả thực hiện công tác theo dõi thi hành pháp luật năm 2013 trên địa bàn tỉnh, cụ thể như sau:



I. TÌNH HÌNH TỔ CHỨC THỰC HIỆN CÔNG TÁC THEO DÕI THI HÀNH PHÁP LUẬT

Nhằm thực hiện có hiệu quả Nghị định số 59/2012/NĐ-CP ngày 23 tháng 7 năm 2012 của Chính phủ về theo dõi tình hình thi hành pháp luật và sự chỉ đạo của Bộ Tư pháp về trọng tâm công tác theo dõi thi hành pháp luật năm 2013 (Công văn số 2252/BTP-VĐCXDPL ngày 22/3/2013). Để đánh giá đúng thực trạng thi hành pháp luật trên phạm vi quản lý của tỉnh, trên cơ sở đó phát hiện, xử lý kịp thời những khó khăn, vướng mắc bất cập trong thực tiễn thi hành pháp luật hiện nay, UBND tỉnh Hải Dương đã ban hành:

- Kế hoạch số 18/KH-UBND ngày 04/01/2013 về triển khai thực hiện công tác theo dõi tình hình pháp luật năm 2013 trên địa bàn tỉnh Hải Dương;

- Quyết định số 1991/QĐ-UBND ngày 06/9/2013 về việc thành lập Đoàn kiểm tra tình hình THPL năm 2013;

- Các văn bản chỉ đạo về công tác thi hành pháp luật đối với các sở, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố;

- Giao cho Sở Tư pháp tổ chức tập huấn và tuyên truyền, phổ biến Nghị định số 59/2012/NĐ-CP ngày 23 tháng 7 năm 2012 của Chính phủ về theo dõi tình hình thi hành pháp luật cho cán bộ cấp huyện (12 đơn vị), cấp xã (265 đơn vị) trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, căn cứ vào các nhiệm vụ trọng tâm đã được Chính phủ, Bộ Tư pháp xác định và đặc điểm tình hình cụ thể ở địa phương, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố, thị xã quán triệt nội dung các văn bản quy phạm pháp luật về công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật. Trong đó đặc biệt là việc xây dựng, ban hành các văn bản, tài liệu hướng dẫn; chuẩn bị điều kiện về nguồn nhân lực, kinh phí và các điều kiện khác bảo đảm cho việc thi hành Nghị định 59/2012/NĐ-CP ngày 23 tháng 7 năm 2012 của Chính phủ về theo dõi tình hình thi hành pháp luật; thực hiện việc rà soát, hoàn thiện thể chế, tăng cường kiểm tra, thanh tra, kiểm soát chặt chẽ việc thi hành chính sách, pháp luật trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội quan trọng nhằm kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; bảo đảm phúc lợi, an sinh xã hội và cải thiện đời sống nhân dân; bảo đảm an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội; tăng cường bảo vệ môi trường, nâng cao hiệu quả khai thác, sử dụng tài nguyên… nhằm thực hiện mục tiêu tổng quát của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2013 của tỉnh. UBND tỉnh Hải Dương cũng xác định công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật năm 2013 tập trung vào lĩnh vực trọng tâm là “Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động trong các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh”.

Để đảm bảo việc triển khai thực hiện có hiệu quả những nội dung nêu trên, UBND tỉnh đã phân công cụ thể nhiệm vụ cho các cấp, ngành trong việc thực hiện công tác theo dõi thi hành pháp luật, yêu cầu bố trí cán bộ có đủ năng lực, trình độ thực hiện nhiệm vụ theo dõi tình hình thi hành pháp luật tại ngành, địa phương. Giao Sở Tư pháp là đầu mối giúp UBND tỉnh triển khai, thực hiện theo dõi tình hình thi hành pháp luật trên địa bàn tỉnh…



II. ĐÁNH GIÁ VỀ HOẠT ĐỘNG CỦA CÔNG TÁC THEO DÕI THI HÀNH PHÁP LUẬT NĂM 2013.

1. Tình hình thực hiện công tác theo dõi thi hành pháp luật nói chung trên địa bàn tỉnh.

Trong năm 2013, về cơ bản, công tác theo dõi thi hành pháp luật đã đáp ứng được yêu cầu theo đúng quy định tại Nghị định 59/2012/NĐ-CP ngày 23 tháng 7 năm 2012 của Chính phủ và Công văn số 2252/BTP-VĐCXDPL ngày 22/3/2013 của Bộ Tư pháp về thực hiện công tác theo dõi thi hành pháp luật năm 2013 thông qua việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành (cấp tỉnh đã ban hành 29 VBQPPL, cấp huyện đã ban hành trên 100 VBQPPL); Ngoài ra, chính quyền các cấp còn ban hành hàng trăm văn bản đôn đốc, tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên và của cơ quan nhà nước cùng cấp có thẩm quyền; tổ chức tuyên truyền phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật do cơ quan trung ương và địa phương ban hành có nội dung liên quan đến hoạt động của cơ quan, đơn vị mình nhằm góp phần nâng cao nhận thức của các tổ chức, công dân và cán bộ, công chức khi tham gia giải quyết công việc. Đồng thời tăng cường thực hiện việc rà soát, hoàn thiện thể chế, kiểm tra, thanh tra, kiểm soát chặt chẽ việc thi hành chính sách, pháp luật trên mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội.



2. Tình hình thực hiện công tác trọng tâm theo dõi thi hành pháp luật trong lĩnh vực “Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động trong các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh”

Thông qua công tác kiểm tra, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo cho thấy, thời gian qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền; người sử dụng lao động trên địa bàn tỉnh đã tổ chức tuyên truyền, tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ gia đình, Hợp tác xã, doanh nghiệp tham gia hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn. Các doanh nghiệp tham gia hoạt động sản xuất kinh doanh có sử dụng người lao động thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật liên quan đến việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động tại doanh nghiệp mình như: Bộ Luật lao động; Luật Công đoàn; Luật BHXH, Luật Bảo hiểm y tế; các Nghị định của Chính phủ quy định về mức lương tối thiểu vùng, lương tối thiểu chung, về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi và ATLĐ, VSLĐ….; Đặc biệt, với chức năng quản lý nhà nước được giao, UBND các huyện, thành phố đã chủ động, tích cực chỉ đạo các phòng, ban, cơ quan, đơn vị có liên quan trong việc phối hợp bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động trong các doanh nghiệp tại địa phương. Đồng thời tiến hành kiểm tra, chấn chỉnh, rút kinh nghiệm; kịp thời tháo gỡ những khó khăn vướng mắc và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người lao động.



2.1. Công tác chỉ đạo và ban hành văn bản hướng dẫn thi hành:

Trong thời gian qua, tỉnh Hải Dương đã chỉ đạo, ban hành một số văn bản như:

- Quyết định số 3194/2007/QĐ-UBND ngày 07/9/2007 của UBND tỉnh ban hành quy định tạm thời về đầu tư kết cấu hạ tầng và quản lý hoạt động các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Hải Dương (hiện nay đang được Sở Công thương nghiên cứu, chỉnh sửa cho phù hợp với thực tế);

- Chương trình hành động số 30-CTr/TU ngày 06/5/2013 của Tỉnh ủy Hải Dương thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 22/11/2012 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012-2020;

- Chỉ thị số 11/CT-UBND ngày 15/5/2009 của UBND tỉnh về việc tăng cường phổ biến giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật lao động của người lao động và người sử dụng lao động trong các doanh nghiệp;

- Kế hoạch số 1253/KH-UBND ngày 22/7/2011 của UBND tỉnh về việc thực hiện tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người lao động và người sử dụng lao động trong các loại hình doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Hải Dương;

- Công văn số 751/UBND-VP ngày 06/5/2011 của UBND tỉnh chỉ đạo các ngành có liên quan tăng cường một số biện pháp để phòng ngừa, giải quyết tranh chấp lao động;

- Kế hoạch số 890/KH-UBND ngày 28/5/2013 của UBND tỉnh thực hiện Đề án tuyên truyền phổ biến pháp luật cho người lao động và người sử dụng lao động trong các loại hình doanh nghiệp giai đoạn 2013-2016;

- Ngoài ra, các sở, ban, ngành đã ban hành một số văn bản hướng dẫn các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh thực hiện những quy định của pháp luật (gồm Bộ Luật lao động, Luật BHXH, BHYT, Luật công đoàn ...) như: các cơ quan BHXH, Liên đoàn lao động, Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh...

Thông qua các văn này nhằm quy định chi tiết, hướng dẫn các văn bản QPPL do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành để cơ quan cấp dưới cũng như người người sử dụng lao động triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và nhà nước về bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp người lao động tại doanh nghiệp mình.



2.2. Công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và trách nhiệm về bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động trong các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh:

Năm 2013, thực hiện sự chỉ đạo của UBND tỉnh, các cấp, ngành; các tổ chức, doanh nghiệp đã chủ động, tích cực tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức và trách nhiệm về bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động trong các doanh nghiệp, cụ thể:

- Đối với các sở, ban, ngành của tỉnh: đã tổ chức phối hợp, tuyên truyền sâu rộng cho người lao động và người sử dụng lao động trong các loại hình doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh (theo Kế hoạch số 890/KH-UBND ngày 28/5/2013 của UBND tỉnh). Thông qua việc tuyên truyền, giáo dục pháp luật nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật nói chung, pháp luật lao động nói riêng đối với người lao động và người sử dụng lao động, xây dựng quan hệ lao động hài hòa tại các doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy sản xuất phát triển, ổn định xã hội;

- Đối với UBND các huyện, thị xã, thành phố: tổ chức phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động trong các doanh nghiệp trên địa bàn chủ yếu thông qua hoạt động của các thành viên Hội đồng phối hợp công tác phổ biến GDPL cấp huyện (như Phòng Lao động TBXH, Phòng Tư pháp, LĐLĐ, BHXH…) và thông qua các phương tiện thông tin đại chúng của cấp huyện, cấp xã;

- Đối với các doanh nghiệp: tổ chức phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động trong doanh nghiệp chủ yếu thông qua các dịp do tỉnh và huyện phát động với các hình thức như: cử cán bộ tham gia tập huấn sau đó về phổ biến lại tại cuộc họp giao ban nội bộ, hội nghị của cơ quan; treo pano, khẩu hiệu; thông báo trên bảng tin, hệ thống loa phát thanh của doanh nghiệp…

Với các nội dung và hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nêu trên đã góp phần nâng cao nhận thức của người lao động, người sử dụng lao động trong việc thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về lao động. Tuy nhiên, công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật còn dừng lại ở mức độ chung; chưa tuyên truyền, phổ biến sâu rộng, quan tâm tới tính đặc thù của địa phương (đối tượng, địa bàn, ngành nghề…). Do đó, hiệu quả của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn đặt ra.



2.3. Tình hình tuân thủ pháp luật về bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động trong các doanh nghiệp:

Qua công tác quản lý, kiểm tra, nắm bắt tình hình cho thấy tình hình tuân thủ pháp luật về bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động trong các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Hải Dương, kết quả cụ thể như sau:



- Về việc làm, học nghề: Do tính chất đặc thù của từng ngành nghề trong từng doanh nghiệp nên đa số các doanh nghiệp phải tổ chức tự đào tạo nghề cho người lao động trước khi sử dụng hoặc thử việc trước khi ký hợp đồng lao động theo quy định. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp tổ chức đào tạo cho người lao động kéo dài từ 1 đến 3 tháng (không phân biệt trình độ, tính chất công việc) hoặc kéo dài thời gian thử việc và trả phụ cấp từ 1 đến 2 triệu đồng/tháng. Như vậy là chưa đúng theo quy định tại Điều 27, 28 của Bộ Luật Lao động năm 2012 (BLLĐ năm 2012).

- Về hợp đồng lao động: Có nhiều doanh nghiệp khi hết thời gian thử việc đã không ký hợp đồng lao động (HĐLĐ) theo quy định Điều 29 của BLLĐ năm 2012; kéo dài thời gian thử việc để trả lương thấp hoặc chỉ ký với một số lượng nhỏ người lao động sau khi hết thời gian thử việc để đối phó với cơ quan chức năng khi kiểm tra, điển hình như (tại huyện Kim Thành: Công ty TNHH MTV Tae il Vina, Công ty TNHH may Vạn Hoa…). Nội dung HĐLĐ còn chung chung, thiếu cụ thể (chưa đúng theo quy định của Điều 23 BLLĐ năm 2012) nên đã tạo điều kiện cho người sử dụng vi phạm, còn người lao động không có cơ sở để đấu tranh bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Điều 15 của BLLĐ năm 2012 có quy định “HĐLĐ là sự thoả thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về việc làm có trả lương, điều kiện làm việc, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động”, nhưng khi giao kết HĐLĐ không có thông tin rõ cho nhau biết, nhất là bên người sử dụng lao động: về công việc cụ thể, nơi làm việc và thời gian làm việc, tiền lương và phụ cấp (nếu có), ATVSLĐ và điều kiện làm việc….. Cá biệt một số doanh nghiệp chủ yếu ký HĐLĐ theo mùa vụ, HĐLĐ dưới 3 tháng để trốn tránh nghĩa vụ đóng BHXH, BHYT cho người lao động; nhiều doanh nghiệp nhỏ (trong đó có các hộ gia đình tham gia hoạt động sản xuất kinh doanh) có thuê lao động nhưng không ký HĐLĐ; tại một số doanh nghiệp còn diễn ra khá phổ biến tình trạng chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật của cả người lao động và người sử dụng lao động.

- Về thỏa ước lao động tập thể: Tỷ lệ thỏa ước lao động tập thể (TƯLĐTT) còn thấp; một số doanh nghiệp tuy đã xây dựng được TƯLĐTT nhưng còn mang tính đối phó, hình thức, nội dung còn sơ sài (chủ yếu là sao chép các điều luật) chưa thể hiện hết các chế độ, chính sách mang lại điều kiện có lợi hơn đối với người lao động. Do đó khi có tranh chấp về chế độ, chính sách xảy ra rất khó xác định được cơ sở để giải quyết, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người lao động. Một số doanh nghiệp mặc dù đã hoạt động ổn định từ nghiều năm nay, có tổ chức công đoàn song do nhận thức chưa đầy đủ về vai trò, tác dụng của việc ký kết TƯLĐTT nên đến nay vẫn chưa xây dựng hoặc ban hành TƯLĐTT của công ty (tại huyện Kim Thành có 20/22 doanh nghiệp, huyện Bình Giang có 16/24 doanh nghiệp thuộc LĐLĐ huyện quản lý thực hiện ký TƯLĐTT).

- Về tiền lương: Nhìn chung cho thấy đa số các doanh nghiệp trên địa bàn được đã thực hiện nghiêm túc Nghị định số 103/2012/NĐ-CP ngày 04/12/2012 của Chính phủ quy định về mức tiền lương tối thiểu vùng và Nghị định số 43/2013/NĐ-CP ngày 14/5/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của BLLĐ về tiền lương. Cụ thể, tính thu nhập trung bình của người lao động từ 3.00.000-3.500.000đồng/tháng/người; việc nâng bậc lương cho người lao động theo đúng quy định của HĐLĐ, TƯLĐTT; trả lương đúng ngày theo quy định…

Tuy nhiên, qua kiểm tra và báo cáo của đơn vị cho thấy, tại một số doanh nghiệp trên địa bàn huyện, thị xã, thành phố còn vi phạm chính sách tiền lương, cụ thể: chưa tính trả lương cho người lao động làm công việc đã qua đào tạo cao hơn 7% so với mức lương tối thiểu vùng; đối với các công việc độc hại, nguy hiểm chưa trả cao hơn 5% so với mức lương của nghề, công việc có điều kiện lao động bình thường (tại huyện Bình Giang có Công ty TNHH Duy Thái Hưng, Công ty TNHH giầy PanTa); một số doanh nghiệp chưa đăng ký thang, bảng lương hoặc khi có điều chỉnh về thang, bảng lương với cơ quan quản lý về lao động; trả lương thực tế hàng tháng cho người lao động thấp hơn thang, bảng lương do doanh nghiệp xây dựng; một số doanh nghiệp xây dựng thang, bảng lương thành nhiều bậc, tách tiền lương thành nhiều khoản phụ cấp, trợ cấp để trốn BHXH, BHYT…. thực tế cho thấy, trong doanh nghiệp đang tồn tại 3 loại lương (một chỉ để tham gia BHXH, BHYT và giải quyết chính sách; một để quyết toán thuế, và một để chi trả thực tế cho người lao động hàng tháng) điều này dẫn đến khó cho cơ quan quản lý nhà nước trong việc quản lý chính sách tiền lương đối với các doanh nghiệp trên địa bàn.



- Về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi: Đa số các doanh nghiệp thực hiện đúng quy định của pháp luật về chế độ làm việc. Tuy nhiên, qua kiểm tra cho thấy một số doanh nghiệp vẫn vi phạm về thời gian làm việc, cụ thể một số doanh nghiệp (đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh ngành may, dệt, da giầy) người lao động làm việc tăng ca thường xuyên (dao động khoảng 300 - 500 giờ trong năm, như Công ty TNHH TM & DV Thời trang Linh – Phú Tài Linh huyện Kim Thành; Công ty TNHH May mặc Quốc tế Phú Nguyên huyện Nam Sách). Việc doanh nghiệp tăng ca, quá thời gian như trên là vi phạm quy định trong BLLĐ năm 2012 (điểm b khoản 2 Điều 106: Bảo đảm số giờ làm thêm của người lao động không quá 50% số giờ làm việc bình thường trong 01 ngày, trường hợp áp dụng quy định làm việc theo tuần thì tổng số giờ làm việc bình thường và số giờ làm thêm không quá 12 giờ trong 01 ngày; không quá 30 giờ trong 01 tháng và tổng số không quá 200 giờ trong 01 năm, trừ một số trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định thì được làm thêm giờ không quá 300 giờ trong 01 năm). Lý giải cho những vi phạm này, chủ doanh nghiệp cho rằng do công việc gấp theo đơn đặt hàng và có sự đề nghị của người lao động (mong muốn được tăng thêm thu nhập khi làm thêm giờ); một số doanh nghiệp chưa bố trí thời gian nghỉ phép năm hoặc thanh toán tiền nghỉ phép năm cho người lao động theo quy định.

- Về kỷ luật lao động, trách nhiệm vật chất: Nội dung của pháp luật về kỷ luật lao động, trách nhiệm vật chất đã quy định đầy đủ những nội dung liên quan đến quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của người sử dụng lao động, người lao động trong việc xử lý kỷ luật lao động và trách nhiệm vật chất.

Tuy nhiên, qua kiểm tra và báo cáo của các đơn vị cho thấy tại một số doanh nghiệp có nhiều nội quy lao động do người sử dụng lao động áp đặt, có những điểm không phù hợp với quy định của pháp luật; có doanh nghiệp làm dụng quyền ban hành nội quy quy định xử phạt đối với người lao động khi vi phạm các lỗi do doanh nghiệp tự đặt ra như: Cổ phần Chế tạo bơm Hải Dương - thành phố Hải Dương (quy định nộp phạt 50.000đồng vào hòm công đức của công ty); Công ty TNHH TM & DV Thời trang Linh – Phú Tài Linh huyện Kim Thành (quy định khi người lao động vi phạm các lỗi: nghỉ tự do không báo cáo, xin phép; nghỉ việc chuyển làm công ty khác không có đơn…Công ty đặt ra các hình thức kỷ luật để áp dụng gồm: Nhắc nhở, Lập biên bản, Trừ thưởng, Quyết định chấm dứt HĐLĐ)…như vậy là vi phạm Điều 125 của BLLĐ năm 2012, Hình thức xử lý kỷ luật lao động bao gồm: Khiển trách; Kéo dài thời hạn nâng lương không quá 06 tháng; cách chức và Sa thải.



- Về an toàn – vệ sinh lao động: Tại các cơ sở sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp liên doanh, doanh nghiệp FDI đã chấp hành tốt các quy định về an toàn – vệ sinh lao động (ATVSLĐ); Công tác cải thiện điều kiện việc làm của người lao động, tăng cường các biện pháp giảm thiểu tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp (như trang bị bảo hộ lao động cá nhân, tổ chức huấn luyện ATVSLĐ, đăng ký kiểm định máy móc làm việc…) được đa số doanh nghiệp nỗ lực thực hiện điển hình như: Công ty TNHH – SXVLXD Thành Công huyện Kim Thành, Công ty Cổ phần Chế tạo bơm Hải Dương thành phố Hải Dương, Công ty TNHH May mặc Quốc tế Phú Nguyên huyện Nam Sách. Tuy nhiên bên cạnh đó, cũng còn có các doanh nghiệp (đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và các hộ gia đình sản xuất kinh doanh) thường vi phạm các lỗi như không tổ chức huấn luyện ATVSLĐ; không định kỳ kiểm tra, tu sửa máy móc, thiết bị làm việc; không lắp đặt hệ thống chống bụi, chống ồn… Điều dẫn đến ảnh hưởng sức khỏe người lao động; các tai nạn lao động còn xảy ra mặc dù trong thời gian qua (theo báo cáo) tuy chưa xẩy ra tai nạn nghiêm trọng xong những tai nạn nhỏ - nhẹ làm ảnh hưởng đến sức khỏe, người lao động phải ngừng việc từ 5 - 7 ngày diễn ra khá phổ biến; môi trường lao động ở một số doanh nghiệp đang bị ô nhiễm do các yếu tố độc hại ảnh hưởng tới sức khỏe người lao động vượt quá giới hạn cho phép (đặc biệt đối với các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh vật liệu xây dựng, dệt…).

Việc khám sức khỏe định kỳ cho người lao động đã được các doanh nghiệp tổ chức thường xuyên (hàng năm vào tháng 10). Tuy nhiên, qua kiểm tra cho thấy người lao động tại doanh nghiệp chưa được khám sức đầy đủ (tổ chức khám còn mang tính chiếu lệ; số lượng người lao động tại các doanh nghiệp tham gia khám sức khỏe đạt 60 - 80%); Sau khi tổ chức khám sức khỏe định kỳ thì việc phân loại, bố trí đối với người lao động xếp loại sức khỏe hạng 4, 5 chưa được các doanh nghiệp quan tâm, thực hiện nghiêm túc.



- Về những quy định riêng đối với lao động nữ, lao động chưa thành niên và một số lao động khác: Qua kiểm tra, báo cáo cho thấy, đa số các doanh nghiệp đã thực hiện tốt các chính sách về bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp đối với lao động nữ, lao động chưa thành niên và một số lao động là người khuyết tật như: lao động nữ có thai từ tháng thứ 7 trở lên, lao động nữ có con nhỏ dưới 12 tháng tuổi, lao động tuổi vị thành niên chỉ làm việc 7 tiếng/ngày, không tăng ca được hưởng lương như làm 8 tiếng; những đối tượng này còn được các doanh nghiệp bố trí sắp xếp công việc nhẹ hơn, có danh sách theo dõi riêng…

Tuy nhiên, tại một số doanh nghiệp thuộc ngành nghề may, da giầy thì vẫn có hiện tượng áp dụng thời giờ làm việc đối với lao động lao động nữ có thai những tháng cuối, lao động nữ có con nhỏ dưới 12 tháng tuổi như đối với người lao động bình thường; lao động nữ mang thai không tổ chức khám thai định kỳ theo quy định.



- Về Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế và Bảo hiểm thất nghiệp (gọi chung là Bảo hiểm xã hội - BHXH): Đây là một trong những chính sách quan trọng trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động trong các doanh nghiệp. Qua kiểm tra, báo cáo tại các đơn vị cho thấy, nhìn chung các doanh nghiệp trên địa bàn đã thực hiện các chế độ BHXH cho người lao động. Tuy nhiên những vi phạm đối với chính sách này còn diễn ra phổ biến tại các doanh nghiệp, đó là:

+ Hiện tượng doanh nghiệp không thực hiện chế độ BHXH bắt buộc đối với người lao động hoặc chỉ tham gia một phần trong tổng số người lao động thuộc đối tượng phải tham gia BHXH. Điều đó dẫn đến tỷ lệ người lao động tham gia BHXH tại các doanh nghiệp thấp;

+ Doanh nghiệp thực hiện mức lương đóng BHXH cho người lao động rất thấp (chỉ bằng hoặc cao hơn một chút so với lương tối thiểu), không phải là mức lương thực tế của người lao động;

+ Tình trạng nợ đọng BHXH còn diễn ra nhiều với mức nợ đọng cao, kéo dài;

+ Doanh nghiệp đã trích thu tiền BHXH của người lao động nhưng chưa nộp cho cơ quan BHXH theo quy định. Khi người lao động cần giải quyết các chế độ theo quy định thì doanh nghiệp tự ứng tiền để thanh toán;

+ Hiện tượng giữ thẻ Bảo hiểm y tế của nười lao động để ràng buộc trách nhiệm giữa người lao động với doanh nghiệp (Công ty TNHH giầy PanTa huyện Bình Giang);

+ Có doanh nghiệp sử dụng lao động làm việc thường xuyên nhưng chỉ ký hợp đồng lao động ngắn hạn 1 đến 2 tháng để tránh việc đóng BHXH cho người lao động. Hiện tượng này diễn ra khá phổ biến tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh…

Cụ thể:


. Tổng số Doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh khoảng 6.000 DN;

. Tổng số Doanh nghiệp tham gia đóng BHXH là 1.826 doanh nghiệp (trong đó, gồm 1.570 DN ngoài nhà nước, 74 DN có vốn đầu tư nước ngoài, 182 DN nhà nước và DN nhà nước chuyển đổi);

. Tổng số người tham gia đóng BHXH là 166.884 người;

. Có 531 Doanh nghiệp nợ tiền BHXH từ 3 tháng trở lên với số tiền khoảng 52 tỷ đồng;

. Cơ quan BHXH đã khởi kiện ra tòa án 05 DN nợ tiền BHXH (trong đó điển hình: Công ty Cổ phần Lilama 69.3 nợ 14,4 tỷ đồng, sau khi bị kiện ra tòa đã nộp 7,4 tỷ đồng; Công ty Cổ phần bê tông Vinaconex Phan Vũ, đến nợ 1 tỷ 999 triệu đồng - nợ trong 14 tháng, sau khi bị kiện ra tòa đã nộp 200 triệu đồng….);

. Trên địa bàn một số địa phương: (huyện Kim Thành: Tổng số doanh nghiệp trên địa bàn là 254 với 10.955 người lao động. Ngoài ra còn có 6.969 hộ gia đình cá nhân có đầu tư sản xuất kinh doanh với 10.787 người lao động. Tính đến ngày 31/8/2013, có 85/254 doanh nghiệp nộp BHXH cho 4.292/10.955 người lao động. Như vây, còn 169 doanh nghiệp với 6.663 người lao động chưa tham gia đóng BHXH, ngoài ra chưa kể các hộ gia đình cá nhân có đầu tư sản xuất kinh doanh trên địa bàn). Trong số các doanh nghiệp đã đóng BHXH có tới 30/85 doanh nghiệp vi phạm chế độ trích nộp BHXH theo quy định với số người bị ảnh hưởng là 1.545/4.292 người với số tiền là trên 3 tỷ đồng, đặc biệt là có 09 doanh nghiệp dừng đóng và nợ BHXH đã lâu, có doanh nghiệp chủ đã bỏ trốn như DN ChingHua, có doanh nghiệp phá sản như DN Đại Vũ…;

Huyện Bình Giang: Tổng số doanh nghiệp trên địa bàn là 230 doanh nghiệp với trên 6.000 người lao động. Số doanh nghiệp không tham gia BHXH cho người lao động là 86/230 doanh nghiệp. Trong số các doanh nghiệp đã đóng BHXH (144 Doanh nghiệp) thì số tiền các doanh nghiệp nợ đọng BHXH tính đến ngày 30/9/2013 là trên 2 tỷ đồng. Các doanh nghiệp sử dụng lao động làm việc thường xuyên nhưng chỉ ký hợp đồng lao động ngắn hạn 1 đến 2 tháng để tránh việc đóng BHXH cho người lao động như: Công ty Cổ phần kết cấu thép cơ khí, Doanh nghiệp tư nhân Thuý Liễu, Công ty TNHH MTV nhựa Đông Hải, Doanh nghiệp tư nhân Anh Thiện, Công ty Cổ phần may Hải Anh….

Thành phố Hải Dương: Tổng số doanh nghiệp trên địa bàn là 1.770 với 104.725 người lao động. Ngoài ra còn có 22.286 hộ gia đình cá nhân có đầu tư sản xuất kinh doanh với 33.939 người lao động. Tính đến ngày 31/8/2013, có 203/1.770 doanh nghiệp nợ đóng BHXH từ 3 tháng trở lên với số tiền gần 13 tỷ đồng….

- Về tổ chức Công đoàn: Theo quy định của Luật Công đoàn năm 2012, tổ chức công đoàn được thành lập đại diện của người lao động tại doanh nghiệp, bảo vệ quyền và lợi ích của người lao động; là một trong những chủ thể của quan hệ lao động tập thể, có vai trò quan trọng trong việc củng cố, xây dựng và phát triển quan hệ lao động. Tuy nhiên qua kiểm tra và báo cáo của các đơn vị cho thấy:

+ Còn nhiều doanh nghiệp chưa thành lập được tổ chức công đoàn cơ sở. Nguyên nhân chủ yếu được xác định là do chủ doanh nghiệp chưa tạo điều kiện cho việc thành lập và hoạt động của tổ chức công đoàn.

+ Những doanh nghiệp đã thành lập được tổ chức công đoàn thì chỉ mang tính đối phó; cán bộ làm công tác công đoàn phải kiêm nhiệm, chưa được đào tạo về nghiệp vụ. Do đó, vai trò của công đoàn cơ sở chưa làm tốt vai trò là tổ chức đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích của người lao động; nội dung hoạt động của nhiều tổ chức công đoàn tại doanh nghiệp còn sơ sài, chủ yếu là thăm hỏi động viên luc ốm đau, ma chay, hiếu hỉ và một số hoạt động thể thao, thăm quan – du lịch.

+ Một số doanh nghiệp đã thành lập tổ chức công đoàn nhưng không trích nộp kinh phí công đoàn theo quy định (phải trích nộp 2% kinh phí công đoàn).

+ Công tác theo dõi, nắm bắt một số công đoàn cơ sở trong các doanh nghiệp trên địa bàn của Liên đoàn lao động cấp huyện còn hạn chế: không nắm bắt được số lượng công đoàn cơ sở đã được thành lập tại các doanh nghiệp (chỉ nắm bắt được số công đoàn cơ sở do LĐLĐ cấp huyện quản lý như huyện Kim thành là 22/254 DDN, huyện Cẩm Giàng là 34/402 DN, còn các công đoàn cơ sở do các công đoàn ngành, trung ương, địa phương quản lý thì không nắm được).

- Về giải quyết tranh chấp lao động: Qua kiểm tra cho thấy, tại một số địa phương, doanh nghiệp đã thành lập Ban chỉ đạo giải quyết thanh chấp lao động tập thể (thuộc UBND cấp huyện như thành phố Hải Dương, huyện Kim Thành), Hội đồng hòa giải (tại doanh nghiệp) để giải quyết các vụ đình công, ngừng việc tập thể.. Tính đến 15/9//2013, trên địa bàn tỉnh đã xẩy ra 08 vụ đình công, lãn công tại 07 DN vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, với sự tham gia của trên 6.000 người lao động (giảm 01 vụ, tăng hơn 300 lượt người lao động so với cùng kỳ năm 2012), điển hình như: công ty TNHH Continuace Việt nam (thuộc huyện Cẩm Giàng); vụ đình công tại Công ty May II (thuộc thành phố Hải Dương); Công ty TNHH MTV Tae il Vina, Công ty TNHH Thương mại Du lịch Tân An (thuộc huyện Kim Thành). Nhìn chung, khi có tranh chấp xẩy ra, các cấp chính quyền địa phương và doanh nghiệp đã tích cực thương lượng, hòa giải, tháo gỡ để doanh nghiệp tiếp tục trở lại hoạt động bình thường. Nguyên nhân cơ bản của các cuộc đình công, lãn công chủ yếu là đòi tăng lương, cải thiện điều kiện và chế độ làm việc….

2.4. Thanh tra, kiểm tra tình hình thực hiện công tác theo dõi thi hành pháp luật về bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động trong các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh:

Ngay từ đầu năm, các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh đã xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra theo chức năng, nhiệm vụ của mình trong đó có việc quản lý nhà nước về chấp hành chính sách pháp luật trong hoạt động sản xuất kinh doanh và thực hiện nghĩa vụ với nhà nước (đặc biệt là trong lĩnh vực bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động trong các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh), cụ thể:

- Ngành Lao động thương binh và xã hội phối hợp với các cấp, các ngành có liên quan: đã tiến hành thanh tra 15 cuộc về thực hiện pháp luật lao động và BHXH; kiểm tra 15 cuộc về công tác ATVSLĐ; điều tra 08 vụ tai nạn lao động; triển khai công tác thanh tra vùng bằng việc phát phiếu tự kiểm tra việc thực hiện pháp luật lao động tới 250 DN có nhiều nguy cơ xẩy ra tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc việc thực hiện pháp luật lao động tại 177 DN sử dụng lao động. Qua thanh tra, kiểm tra đã đưa ra 1.243 kiến nghị, yêu cầu các đơn vị khắc phục những vi phạm về pháp luật lao động và nghiêm túc thực hiện; xử phạt vi phạm hành chính về hành vi vi phạm pháp luật lao động đối với 15 DN với tổng số tiền là 612.020.000đồng;

- Thanh tra tỉnh đã triển khai 06 cuộc thanh tra theo kế hoạch về chấp hành chính sách pháp luật trong hoạt động sản xuất kinh doanh và thực hiện nghĩa vụ với nhà nước tại 06 DN trên địa bàn tỉnh. Qua thanh tra đã phát hiện một số sai sót của các doanh nghiệp trong việc chấp hành chế độ, chính sách về lao động, BHXH, BHYT đối với người lao động và đã tiến hành lập biên bản và yêu cầu các đơn vị khắc phục những vi phạm về pháp luật lao động và nghiêm túc thực hiện;

- UBND tỉnh đã thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành (thành viên gồm các cơ quan: Tư pháp, Thanh tra, Y tế, BHXH và Liên đoàn lao động tỉnh) đã triển khai 04 cuộc kiểm tra về thực hiện công tác theo dõi thi hành pháp luật đối với lĩnh vực bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động trong các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Qua kiểm tra, đã phát hiện một số sai sót của các doanh nghiệp trong việc chấp hành chế độ, chính sách pháp luật về lao động, tiền lương; Hợp đồng lao động, BHXH, BHYT; thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi… đối với người lao động và đã yêu cầu các cơ quan, đơn vị khắc phục những vi phạm về pháp luật lao động và nghiêm túc thực hiện;

2.5. Đánh giá nguyên nhân của những hạn trong việc tuân thủ các quy định của pháp luật về bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động trong các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh:

- Mặc dù hệ thống các văn bản QPPL hiện hành đã quy định tương đối đầy đủ các chủ trương, chế độ, chính sách nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động trong các doanh nghiệp. Tuy nhiên, do nhận thức của một số chủ sử dụng lao động về chấp hành pháp luật còn hạn chế nên trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh chưa chấp hành đầy đủ những quy định của pháp luật về bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp đối với người lao động, các doanh nghiệp còn đặt lợi nhuận lên hàng đầu;

- Việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước về theo dõi tình hình thi hành pháp luật nói chung, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động trong các doanh nghiệp trên địa bàn nói riêng chưa được quan tâm, kịp thời (còn thiếu hoặc chưa ban hành các văn bản QPPL để quản lý đối với công tác này; sự phối hợp trong công tác quản lý, thanh tra của các phòng, ban, đoàn thể chức năng còn hạn chế);

- Các cấp chính quyền, doanh nghiệp chưa quan tâm đúng mức tới hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật; các chủ trương, chính sách của Đảng và nhà nước về bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động trong các doanh nghiệp;

- Người lao động còn thiếu hiểu biết về pháp luật lao động nên ý thức chấp hành kỷ luật lao động và tác phong công nghiệp còn hạn chế; không hiểu hoặc không tự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình nên khi doanh nghiệp vi phạm thường chấp nhận hoặc dễ bị giải hòa;

- Công tác thanh tra, kiểm tra của các cơ quan nhà nước đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp còn hạn chế. Đặc biệt là chưa kịp thời xử lý nghiêm khắc đối với các hành vi vi phạm của doanh nghiệp như không nộp BHXH, công tác ATVSLĐ, chế độ tiền lương….; Công tác kiểm tra sau thanh tra chưa được thực hiện đầy đủ;

- Ngoài ra, còn có nguyên nhân là do hệ thống văn bản quy định về chế độ, chính sách về pháp luật lao động, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động trong các doanh nghiệp còn mâu thuẫn, bất cập như: quy định về phạt tiền đối với hành vi chậm đóng BHXH còn thấp, thẩm quyền xử phạt… (Nghị định số 86/2010/NĐ-CP ngày 13/8/2010 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực BHXH)…

III. NHỮNG KHÓ KHĂN, VƯỚNG MẮC VÀ ĐỀ XUẤT KIẾN NGHỊ TRONG CÔNG TÁC THEO DÕI THI HÀNH PHÁP LUẬT

1. Những khó khăn, vướng mắc:

- Về cơ sở pháp lý: việc bảo đảm thi hành pháp luật ở địa phương được thực hiện trên cơ sở các quy định của pháp luật về thẩm quyền của chính quyền địa phương. Mặc dù, ngày 23/7/2012, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 59/2012/NĐ-CP về theo dõi tình hình thi hành pháp luật (Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 01/10/2012). Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa được triển khai sâu rộng đến các cấp, ngành, người dân để tổ chức thi hành;

- Hệ thống văn bản quy định về chế độ, chính sách về pháp luật lao động, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động trong các doanh nghiệp còn mâu thuẫn, bất cập như: quy định về phạt tiền đối với hành vi chậm đóng BHXH còn thấp, thẩm quyền xử phạt… (Nghị định số 86/2010/NĐ-CP ngày 13/8/2010 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực BHXH)…;

- Cán bộ làm công tác theo dõi thi hành pháp luật của các cơ quan, đơn vị chưa được đào tạo bồi dưỡng về chuyên môn, kiến thức pháp luật một cách bài bản, thường xuyên và kiêm nhiệm. Việc bồi dưỡng, tập huấn về nghiệp vụ theo dõi thi hành pháp luật còn hạn chế;

- Điều kiện cơ sở vật chất, kinh phí, trang thiết bị phục vụ cho công tác theo dõi thi hành pháp luật nói chung, pháp luật về bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động trong các doanh nghiệp chưa bảo đảm, chưa đáp ứng được yêu cầu;

- Việc phát hiện, kiểm tra và xử lý các vi phạm thường chưa được kịp thời và chưa nghiêm;

- Ý thức chấp hành pháp luật nói chung, pháp luật về bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động trong các doanh nghiệp nói riêng của một số cơ quan, đơn vị và người lao động còn thiếu hiểu biết về pháp luật lao động nên ý thức chấp hành kỷ luật lao động và tác phong công nghiệp còn hạn chế; Đối với người lao động thì không hiểu hoặc không tự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình nên khi doanh nghiệp vi phạm thường chấp nhận hoặc dễ bị giải hòa.

2. Đề xuất, kiến nghị:

* Đối với công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật nói chung:

- Đổi mới hoạt động để nâng cao chất lượng công tác xây dựng pháp luật tạo ra hệ thống pháp luật đồng bộ bao gồm các văn bản quy phạm pháp luật mang tính khả thi cao, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện. Đây là yêu cầu quan trọng làm cơ sở cho việc bảo đảm thi hành pháp luật, nhất là ở địa phương;

- Tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý về thẩm quyền của chính quyền địa phương trong việc bảo đảm thi hành pháp luật;

- Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thi hành pháp luật ở địa phương, trong đó có việc quy định cụ thể hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân và nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra của Uỷ ban nhân dân;

- Nâng cao trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là cán bộ, công chức cơ sở trong việc triển khai thi hành các quy định của pháp luật và bảo đảm thi hành pháp luật ở địa phương;

- Tăng cường các điều kiện cho việc bảo đảm thi hành pháp luật ở địa phương từ việc cung cấp đầy đủ, kịp thời các văn bản pháp luật đến các điều kiện để tổ chức thi hành pháp luật và tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật;

- Có chính sách bảo đảm thỏa đáng để các cơ quan bảo vệ pháp luật thực hiện đầy đủ trách nhiệm, quyền hạn trong việc áp dụng pháp luật ở địa phương. Đồng thời, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, phát huy vai trò của các tổ chức trong hệ thống chính trị tạo thành sức mạnh tổng hợp bảo đảm thi hành pháp luật ở địa phương.

* Đối với công tác theo dõi thi hành pháp luật về bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động trong các doanh nghiệp:

- Sớm hoàn thiện Dự thảo Luật BHXH, BHYT (sửa đổi), Luật Việc làm trình Quốc hội thông qua, kịp thời ban hành các văn bản hướng dẫn ngay sau khi luật được sửa đổi (đặc biệt, là đối các quy định về chế độ, chính sách về pháp luật lao động, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động trong các doanh nghiệp; quy định về xử phạt các hành vi vi phạm về BHXH, BHYT, BHTN…) hiện còn mâu thuẫn, bất cập như: quy định về phạt tiền đối với hành vi chậm đóng BHXH còn thấp, thẩm quyền xử phạt… (tại Nghị định số 86/2010/NĐ-CP ngày 13/8/2010 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực BHXH);

- Sửa đổi quy định về quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ (theo Điều 37 của BLLĐ năm 2012) vì một số người lao động sắp đến tuổi nghỉ hưu lợi dụng chính sách quy định quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ để được thanh toán một khoản tiền lớn thay bằng hưởng chế độ nghỉ hưu. Điều này đẫn đến sự sáo trộn, mất ổn định tại một số công ty; Quy định về trường hợp phải ngừng việc vì nguyên nhân bất khả kháng thì người lao động vẫn được trả lương, mức lương do hai bên thỏa thuận nhưng không thấp hơn mức lương tối thiểu chung (Khoản 3 Điều 98 của BLLĐ năm 2012), trên thực tế lại chưa có quy định cụ thể về nguyên nhân bất khả kháng bao gồm những trường hợp nào. Do đó, gây khó khăn cho cơ quan quản lý khi yêu cầu trả lương ngừng việc theo quy định …

Trên đây là báo cáo kết quả thực hiện công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật năm 2013 trên địa bàn tỉnh Hải Dương, Ủy ban nhân dân tỉnh tổng hợp báo cáo Bộ Tư pháp theo dõi, chỉ đạo./.





Nơi nhận:

- Bộ Tư pháp;

- TT Tỉnh uỷ;

- TT HĐND tỉnh;

- LĐ UBND tỉnh;

- Các sở, ban, ngành: Tư pháp; LĐ TB&XH,

Y tế; Thanh tra, BHXH; Liên đoàn lao động,

Liên minh HTX và BQL các KCN;

- LĐ VP UBND tỉnh;

- Lưu: VT. NC. (24)




KT. CHỦ TỊCH

PHÓ CHỦ TỊCH
Đã ký
Nguyễn Văn Quế







Каталог: ChinhQuyen -> hethongvanbanpq -> Documents
Documents -> Ủy ban nhân dân tỉnh hải dưƠNG
Documents -> UỶ ban nhân dân tỉnh hải dưƠng số: 141 /bc-ubnd
Documents -> UỶ ban nhân dân tỉnh hải dưƠNG
Documents -> UỶ ban nhân dân cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam tỉnh hải dưƠng độc lập Tự do Hạnh phúc
Documents -> Ủy ban nhân dân tỉnh hải dưƠNG
Documents -> TỈnh hải dưƠng số: 1018 /ubnd-vp v/v kiểm tra, kiểm điểm tình hình thực hiện Chương trình phát triển vật liệu xây dựng không nung trên địa bàn tỉnh CỘng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam
Documents -> Ủy ban nhân dân tỉnh hải dưƠNG
Documents -> Ủy ban nhân dân tỉnh hải dưƠNG
Documents -> UỶ ban nhân dân tỉnh hải dưƠNG
Documents -> UỶ ban nhân dân tỉnh hải dưƠNG

tải về 105.21 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương