Tỉnh Hà Giang Số 21 Ngày 01 tháng 9 năm 2011 MỤc lụC


Điều 4. Phân cấp quản lý cây xanh đô thị



tải về 0.5 Mb.
trang5/6
Chuyển đổi dữ liệu28.07.2016
Kích0.5 Mb.
#8757
1   2   3   4   5   6

Điều 4. Phân cấp quản lý cây xanh đô thị

1. Sở Xây dựng là cơ quan quản lý thống nhất cây xanh đô thị trên địa bàn tỉnh Hà Giang.

2. Uỷ ban nhân dân huyện, thành phố quản lý đối với:

a) Công viên, vườn hoa và cây xanh trong công viên, vườn hoa được đầu tư xây dựng một phần hoặc toàn bộ bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước trong phạm vi đô thị thuộc ranh giới hành chính quản lý.

b) Hệ thống cây xanh dọc theo các tuyến đường, trong các khu đô thị, cây xanh trồng theo dãy đất ven sông và các nơi công cộng khác còn lại trong phạm vi đô thị thuộc ranh giới hành chính quản lý.

Điều 5. Nguyên tắc quản lý cây xanh đô thị

1. Nhà nước khuyến khích tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân tham gia các hoạt động trồng, chăm sóc, ươm cây, bảo vệ, phát triển cây xanh đô thị.

2. Việc trồng cây xanh đô thị phải thực hiện theo quy hoạch đô thị, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật nhằm bảo vệ, cải thiện môi trường đa dạng sinh học và mỹ quan đô thị.

3. Việc lựa chọn chủng loại và trồng cây xanh phải mang bản sắc địa phương, phù hợp với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng, đồng thời đáp ứng về các yêu cầu về sử dụng, mỹ quan, an toàn giao thông và vệ sinh môi trường đô thị; hạn chế làm hư hỏng các công trình hạ tầng ở trên, dưới mặt đất, cũng như trên không.

4. Các tổ chức, cá nhân có trách nhiệm quản lý, bảo vệ, chăm sóc cây xanh nơi công cộng, trước mặt nhà, trong khuôn viên đồng thời thông báo cho các cơ quan chức năng quản lý có thẩm quyền để giải quyết kịp thời khi phát hiện tình trạng cây nguy hiểm và các hành vi gây ảnh hưởng đến sự phát triển của cây xanh đô thị.

Điều 6. Các hành vi bị cấm

1. Trồng các loại cây trong danh mục cây cấm trồng; trồng các loại cây trong danh mục cây trồng hạn chế khi chưa được cấp có thẩm quyền cho phép.

2. Tự ý trồng cây xanh trên hè, dải phân cách, nút giao thông và các khu vực sở hữu công cộng không đúng quy định.

3. Tự ý chặt hạ, dịch chuyển, chặt nhánh, tỉa cành, đào gốc, chặt rễ cây xanh khi chưa được cấp phép.

4. Đục khoét, đóng đinh vào cây xanh, lột vỏ thân cây, đổ rác, chất độc hại và vật liệu xây dựng vào gốc cây xanh; phóng uế, đun nấu, đốt gốc, xây bục, bệ quanh gốc gây.

5. Treo, gắn biển quảng cáo, biển hiệu và các vật dụng khác trên cây; giăng dây, giăng đèn trang trí vào cây xanh khi chưa được phép.

6. Lấn chiếm, xây dựng công trình trái phép trên đất cây xanh hiện có hoặc đã được xác định trong quy hoạch đô thị và ngăn cản việc trrồng cây xanh theo quy định.

7. Các tổ chức, cá nhân quản lý hoặc được giao quản lý cây xanh đô thị không thực hiện đúng các quy định về quản lý cây xanh đô thị.

8. Các hành vi vi phạm khác theo quy định của pháp luật.
Chương II

QUẢN LÝ CÂY XANH ĐÔ THỊ
Điều 7. Quy định tiêu chuẩn, quy cách trồng cây xanh đô thị

Cây trồng cây xanh trên đường phố phải đáp ứng các tiêu chuẩn sau:

1. Cây thẳng, dáng cân đối, không sâu bệnh.

2. Cây không thuộc danh mục cây cấm trồng do Uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành.

3. Cây đưa ra trồng trên đường phố:

a) Cây tiểu mộc: Có chiều cao tối thiểu 1,50m, đường kính cổ rễ tối thiểu 5cm.

b) Cây trung mộc và cây đại mộc: Có chiều cao tối thiểu 3m, đường kính cổ rễ tối thiểu 6cm.

4. Cây đưa ra trồng nơi khác có chiều cao tối thiểu 2m, đường kính cổ rễ tối thiểu 3cm.

5. Cây mới trồng phải được chống giữ chắc chắn, ngay thẳng.

6. Cây xanh trồng trên đường phố phải được lắp đặt bó vỉa bảo vệ gốc cây. Mẫu bó vỉa (kiểu dáng, kích thước, vật liệu) do Sở Xây dựng hướng dẫn thực hiện.

Trồng cây xanh trên đường phố theo đúng quy cách sau:

1. Các tuyến đường có vỉa hè rộng trên 5m chỉ được trồng các loại cây khi trưởng thành có độ cao tối đa 15m.

2. Các tuyến đường có vỉa hè rộng từ 3m đến 5m chỉ được trồng các loại cây khi trưởng thành có độ cao tối đa 12m.

3. Tuỳ theo chủng loại, khoảng cách giữa các cây trồng trên đường phố có thể từ 7m đến 10m.

4. Cây trồng phải cách trụ điện 2m, cách miệng hố ga 2m, cách giao lộ 5m, cách đầu dãy phân cách 3m. Vị trí trồng bố trí theo đường ranh giới giữa 2 nhà.

5. Các tuyến đường có lưới điện trung, cao thế chạy dọc bên trên vỉa hè hoặc vỉa hè có diện tích hẹp, có công trình ngầm, các dãy phân cách có lưới điện chạy dọc bên trên chỉ được trồng các loại cây cao không quá 4m hoặc trồng hoa, trồng cây cảnh, trồng dây leo có hoa đẹp.

6. Các tuyến đường có chiều dài dưới 2 km chỉ được trồng một loại cây. Các tuyến đường dài trên 2 km có thể trồng từ 1 đến 3 loại cây khác nhau.

7. Các dãy phân cách có bề rộng dưới 2m chỉ được trồng các loại cây cảnh hoặc cây bụi thấp có chiều cao dưới 1,50m.

8. Các dãy phân cách có chiều rộng từ 2m trở lên có thể trồng các loại cây thân thẳng với chiều cao phân cành từ 5m trở lên. Bề rộng của tán, nhánh cây không rộng hơn bề rộng của dãy phân cách.

9. Trồng dây leo ở các bờ tường, trụ cầu của hệ thống đường dẫn, cầu vượt để tạo thêm nhiều dải cây xanh trên đường phố; cần có khung với chất liệu phù hợp cho dây leo và bảo vệ tường, trụ cầu.



Điều 8. Quản lý cây xanh trồng trên đường phố

Cơ quan được phân cấp quản lý cây xanh trồng trên đường phố có trách nhiệm thực hiện các công việc sau:

1. Lập Kế hoạch đầu tư, phát triển cây xanh hàng năm và 5 năm trình Giám đốc Sở Xây dựng phê duyệt.

2. Trồng cây xanh trên đường phố

a) Trồng thay thế cây xanh đường phố bị chặt hạ do bị sâu bệnh không có khả năng điều trị, cây xanh bị chết, cây xanh có nguy cơ đổ ngã.

b) Trồng cây xanh theo kế hoạch đầu tư, phát triển cây xanh hàng năm đã được Sở Xây dựng phê duyệt; theo quy hoạch chủng loại cây xanh trồng trên từng tuyến đường.

3. Bảo quản, chăm sóc cây xanh trên đường phố

a) Làm cỏ dại, xới đất, bón phân, tưới nước, kiểm tra định kỳ, xử lý sâu bệnh đảm bảo cây sinh trưởng tốt.

b) Cắt mé cành, nhánh nặng tàn, lấy nhánh khô, khống chế chiều cao, tạo dáng cho cây, bảo đảm mỹ thuật và an toàn khi bảo quản, chăm sóc cây.

c) Lập kế hoạch thông qua Sở Xây dựng xét duyệt thực hiện việc chặt hạ, thay thế các tuyến cây xanh lâu năm, già cỗi, không còn phát huy tác dụng cải thiện môi trường và không đảm bảo an toàn cho sinh hoạt của đô thị.

d) Khảo sát, lập kế hoạch chăm sóc đặc biệt đối với cây xanh cổ thụ, cây xanh cần bảo tồn, cây xanh có chiều cao từ 10m trở lên trên đường phố, trong công viên, vườn hoa, trên các dãy đất ven sông.

e) Tổ chức lực lượng theo dõi, kiểm tra, bảo vệ thường xuyên hệ thống cây xanh đường phố.

4. Phát hiện, lập kế hoạch, thực hiện việc chặt hạ cây xanh bị sâu bệnh, không có khả năng điều trị, bị chết, có nguy cơ đổ ngã và cây xanh thuộc danh mục cây cấm trồng do Uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành.

Điều 9. Quy định về chăm sóc, bảo vệ cây xanh đô thị

1. Đối với chăm sóc cây xanh

a) Cây trồng phải được định kỳ chăm sóc, kiểm tra và xác định tình trạng phát triển của cây để có biện pháp theo dõi, bảo vệ và xử lý kịp thời các tác động ảnh hưởng tới sự phát triển của cây.

b) Việc chăm sóc, cắt tỉa cây phải tuân thủ quy trình kỹ thuật đồng thời phải có biện pháp bảo đảm an toàn cho người, phương tiện và công trình.

2. Đối với bảo vệ cây xanh

a) Cây xanh đô thị phải được giữ gìn, bảo vệ và kiểm tra thường xuyên.

b) Mọi tổ chức và cá nhân, hộ gia đình có trách nhiệm chăm sóc, bảo vệ cây xanh đô thị, ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm các quy định về bảo vệ cây xanh trong đô thị đồng thời thông báo cho Uỷ ban nhân dân theo phân cấp quản lý để có biện pháp xử lý.

c) Các cơ quan quản lý theo phân cấp có trách nhiệm tổ chức bảo vệ, kiểm tra, xử lý các hành vi xâm phạm về cây xanh đô thị; tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định về bảo vệ cây xanh đô thị có trách nhiệm khắc phục, bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.

d) Đơn vị thực hiện dịch vụ về quản lý cây xanh đô thị có trách nhiệm bảo vệ cây xanh đô thị trên địa bàn được giao theo hợp đồng với cơ quan quản lý cây xanh đô thị theo phân cấp.
Chương III

QUẢN LÝ CÔNG VIÊN, VƯỜN HOA
Điều 10. Trách nhiệm của cơ quan được phân cấp quản lý, của chủ đầu tư xây dựng công viên, vườn hoa

Cơ quan được phân cấp quản lý, chủ đầu tư xây dựng công viên, vườn hoa có các trách nhiệm sau:

1. Ban hành, thực hiện và kiểm tra việc thực hiện nội quy bảo vệ công viên nhằm phục vụ tốt nhất các tầng lớp nhân dân đến nghỉ ngơi, luyện tập thể dục, thể thao, học tập nhằm giữ gìn, bảo vệ, phát triển công viên, vườn hoa.

2. Chăm sóc, bảo dưỡng thường xuyên vườn hoa, thảm cỏ, dây leo, cây cảnh, cây bóng mát, cây xanh khác trong công viên, vườn hoa.

3. Tổ chức thu dọn rác, nạo vét mương, cống thoát nước; đảm bảo công viên, vườn hoa sạch đẹp.

4. Bảo trì, sửa chữa thường xuyên các công trình kiến trúc, công trình kỹ thuật hạ tầng trong công viên, vườn hoa không để các hạng mục này hư hỏng xuống cấp.

5. Tổ chức lực lượng tuần tra, bảo vệ thường xuyên nhằm bảo đảm an ninh trật tự khu vực công viên, vườn hoa.

6. Việc chặt hạ, dịch chuyển cây xanh trồng trong công viên, vườn hoa được thực hiện theo quy định tại chương IV của Quy định này.

7. Công tác lắp dựng panô tuyên truyền, quảng cáo, bảng điện tử truyền thông trong công viên, vườn hoa phải thực hiện thủ tục cấp giấy phép xây dựng theo quy định hiện hành.

Điều 11. Nghiêm cấm các hành vi xâm hại công viên, vườn hoa

Nghiêm cấm các hành vi sau đây làm xâm hại đến công viên, vườn hoa:

1. Lấn chiếm, chiếm dụng, xây dựng, cư trú trái phép trong công viên, vườn hoa.

2. Các hành vi làm mất mỹ quan, trật tự trong công viên, vườn hoa (như: nấu nướng, ăn uống, tắm giặt, phơi phóng, cờ bạc, mê tín dị đoan và các hành vi liên quan đến tệ nạn xã hội, mại dâm, ma tuý…).

3. Đậu xe trái phép trên thảm cỏ công viên, vườn hoa; buôn bán, tụ tập trái phép; điều khiển phương tiện lưu thông vào khu vực cấm trong công viên, vườn hoa.

4. Săn bắt các loài động vật sống trong công viên, vườn hoa.

5. Bơi lội, tắm dưới các ao hồ trong công viên, vườn hoa; tổ chức chơi bóng trong khu vực không được phép.

6. Trèo lên tường rào, cây xanh; làm hư hỏng bồn hoa, ghế đá, thảm cỏ, cây xanh, công trình kiến trúc, công trình kỹ thuật hạ tầng.

7. Vứt, xả rác bừa bãi, khạc nhổ, tiểu tiện, đại tiện không đúng nơi quy định; chăn dắt thú nuôi thiếu kiểm soát gây nguy hiểm cho người khác hoặc để thú nuôi phóng uế, không thu dọn.

8. Mang chất dễ gây cháy, nổ và các hoá chất độc hại khác vào công viên, vườn hoa.

9. Các hành vi trang trí, tuyên truyền, quảng cáo làm mất mỹ quan, gây hư hại cây xanh và các công trình kiến trúc, hạ tầng trong công viên, vườn hoa.

10. Các hành vi vi phạm khác theo quy định của pháp luật và nội quy bảo vệ công viên, vườn hoa.



Điều 12. Tổ chức hoạt động kinh doanh thương mại, dịch vụ, văn hoá nghệ thuật trong công viên, vườn hoa

1. Các hoạt động kinh doanh thương mại, dịch vụ trong công viên, vườn hoa để phục vụ khách thăm quan, phải phù hợp với quy hoạch xây dựng đã được cấp thẩm quyền phê duyệt, phù hợp với chức năng của công viên và thực hiện đúng các quy định hiện hành của nhà nước đối với từng loại hình hoạt động.

2. Việc tổ chức phục vụ văn hoá nghệ thuật, hội chợ, triển lãm, lễ hội trong công viên, vườn hoa phải được sự chấp thuận về địa điểm, thời gian tổ chức của cơ quan quản lý công viên.
Chương IV

TRÌNH TỰ, THỦ TỤC CẤP PHÉP CHẶT HẠ,

DỊCH CHUYỂN CÂY XANH
Điều 13. Các trường hợp cấp giấy phép đốn hạ, di dời cây xanh

1. Các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân khi muốn chặt hạ, dịch chuyển các loại cây xanh sau đây thì phải có giấy phép chặt hạ, dịch chuyển cây xanh, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.

a) Cây xanh thuộc danh mục cây cổ thụ, cây cần bảo tồn.

b) Cây bóng mát trồng trong công viên, vườn hoa được đầu tư hoàn toàn bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước.

c) Cây bóng mát có chiều cao từ 10m trở lên trong khuôn viên của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân; không thuộc danh mục cây cấm trồng do Uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành.

d) Cây bóng mát trồng trên đường phố.

2. Trường hợp được miễn giấy phép chặt hạ, dịch chuyển cây xanh

a) Cây xanh cần chặt hạ ngay do tình thế khẩn cấp, đe doạ bởi thiên tai hoặc cây xanh có nguy cơ ngã đổ gây nguy hiểm tại Điều 17 của Quy định này.

b) Cây xanh thuộc danh mục cây cổ thụ, cây cần bảo tồn, cây xanh có chiều cao từ 10m trở lên nằm trong khu vực có dự án xây dựng công trình đã được Sở Xây dựng có ý kiến chấp thuận bằng văn bản.

c) Cây xanh nằm trong khu vực có dự án xây dựng công trình đã có ý kiến chấp thuận bằng văn bản cho phép chặt hạ, dịch chuyển của cơ quan thẩm quyền theo phân cấp.

d) Cơ quan được phân cấp quản lý thực hiện việc chặt hạ, dịch chuyển cây xanh trồng trên đường phố thực hiện nhiệm vụ theo quy định.

Điều 14. Thẩm quyền cấp giấy phép chặt hạ, dịch chuyển cây xanh

Khuyến khích áp dụng các biện pháp và phương tiện thích hợp để dịch chuyển (hạn chế chặt hạ) cây cổ thụ, cây cần bảo tồn và cây xanh có chiều cao từ 10m trở lên.

1. Sở Xây dựng cấp giấy phép chặt hạ, dịch chuyển cây xanh trong trường hợp cây xanh thuộc danh mục cây cổ thụ, cây cần bảo tồn trên địa bàn đô thị toàn tỉnh.

2. Uỷ ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố cấp giấy phép chặt hạ, dịch chuyển cây xanh trong các trường hợp sau:

a) Cây xanh trồng trên đường phố không thuộc danh mục cây cổ thụ, cây cần bảo tồn thuộc phạm vi đô thị quản lý theo phân cấp.

b) Cây xanh trồng trong công viên, vườn hoa không thuộc danh mục cây cổ thụ, cây cần bảo tồn được đầu tư hoàn toàn bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước theo phân cấp quản lý.

c) Cây xanh có chiều cao từ 10m trở lên trồng trong khuôn viên nhà đất của cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân thuộc địa bàn đô thị theo phân cấp quản lý.

Điều 15. Thủ tục cấp giấy phép chặt hạ, dịch chuyển cây xanh

1. Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép chặt hạ, dịch chuyển cây xanh bao gồm:

a) Đơn đề nghị cấp giấy phép chặt hạ, dịch chuyển cây xanh thực hiện theo mẫu (Phụ lục 1).

b) Bản vẽ thiết kế tổng mặt bằng trong đó có định vị cây xanh cần chặt hạ, dịch chuyển. Trường hợp không có bản vẽ thiết kế thì trong Đơn đề nghị nêu rõ vị trí chặt hạ, dịch chuyển kích thước, loại cây và lý do cần chặt hạ, dịch chuyển cây xanh.

c) Ảnh chụp hiện trạng cây xanh cần đốn hạ, di dời.

2. Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép chặt hạ, dịch chuyển cây xanh được nộp tại cơ quan phân cấp quản lý được quy định tại Điều 14 của Quy định này.

3. Thời gian cấp giấy phép chặt hạ, dịch chuyển cây xanh và trồng mới cây thay thế (nếu có) tối đa không quá 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ. Giấy phép chặt hạ, dịch chuyển cây xanh thực hiện theo mẫu (Phụ lục 2).

Điều 16. Thực hiện việc chặt hạ, dịch chuyển cây xanh

1. Thời hạn để thực hiện chặt hạ, dịch chuyển cây xanh là không quá 30 ngày kể từ ngày được cấp giấy phép.

2. Quá thời hạn quy định tại khoản 1 Điều này mà chưa thực hiện việc chặt hạ, dịch chuyển cây xanh thì giấy phép đã cấp không còn giá trị.

3. Đối với việc chặt hạ, dịch chuyển cây xanh phục vụ các công trình, dự án thì việc chặt hạ, dịch chuyển cây xanh được thực hiện theo tiến độ yêu cầu của công trình, dự án.

4. Việc đốn hạ, di dời cây xanh phải bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khoẻ, tài sản của tổ chức, cá nhân.

5. Trong trường hợp tự ý chặt hạ, dịch chuyển không có giấy phép theo quy định hoặc có tác động giết hại cây; khi phát hiện cơ quan có trách nhiệm quản lý lập biên bản, ghi hình hiện trạng, xử phạt theo thẩm quyền hoặc trình cấp thẩm quyền xử lý theo quy định pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng.



Điều 17. Xử lý một số trường hợp đặc biệt đối với cây xanh cần chặt hạ, dịch chuyển ngay; cây xanh đã bị gãy đổ

1. Trường hợp đột xuất cần chặt hạ, dịch chuyển cây xanh ngay do tình thế khẩn cấp, thiên tai hoặc cây có nguy cơ gãy đổ gây nguy hiểm thì đơn vị trực tiếp thực hiện việc chăm sóc, bảo quản công viên, vườn hoa, cây xanh; có trách nhiệm phối hợp ngay với Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn lập biên bản hiện trạng, thực hiện ngay việc chặt hạ, dịch chuyển cây xanh và lập hồ sơ báo cáo cơ quan được phân cấp quản lý cây xanh. Hồ sơ gồm có:

a) Bản tường trình có lý do chặt hạ, dịch chuyển cây xanh.

b) Ảnh chụp tình trạng cây xanh trước khi chặt hạ, dịch chuyển.

c) Biên bản hiện trạng cây xanh.

2. Trường hợp cây xanh đã bị gãy đổ thì đơn vị trực tiếp thực hiện việc chăm sóc, bảo vệ cây xanh có trách nhiệm lập biên bản hiện trạng, dọn dẹp, giải toả ngay mặt bằng và thông báo ngay đến Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn; và lập hồ sơ báo cáo cơ quan được phân cấp quản lý cây xanh. Hồ sơ gồm có:

a) Bản tường trình lý do cây xanh bị gãy đổ.

b) Ảnh chụp tình trạng cây xanh đã bị gãy đổ.

c) Biên bản hiện trạng cây xanh.

3. Khuyến khích các đơn vị quản lý vận dụng các biện pháp khẩn cấp để khắc phục nguy hiểm, bảo vệ an toàn cho cây xanh, an toàn cho nhân dân; hạn chế tới mức thấp nhất nguy cơ gãy đổ trong mùa mưa.


Chương V

TRÁCH NHIỆM QUẢN LÝ CÂY XANH ĐÔ THỊ
Điều 18. Sở Xây dựng

Sở Xây dựng là cơ quan tham mưu giúp UBND tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước về cây xanh đô thị trên địa bàn tỉnh:

1. Chủ trì soạn thảo các văn bản hướng dẫn về công tác quản lý cây xanh đô thị, lập kế hoạch hàng năm và 5 năm đầu tư phát triển cây xanh sử dụng công cộng trình UBND tỉnh ban hành.

2. Xác định danh mục đặc tính các loại cây trồng thường gặp, cây cổ thụ, cây cấm trồng, cây trồng hạn chế trong đô thị trình UBND tỉnh ban hành.

3. Hướng dẫn, kiểm tra, đánh giá việc quản lý, khai thác, sử dụng và bảo vệ cây xanh đô thị.

4. Chủ trì phối hợp với các sở, ngành có liên quan để quản lý việc phát triển, khai thác và sử dụng cây xanh; thanh, kiểm tra các hoạt động về quản lý, phát triển, khai thác và sử dụng cây xanh tại các đô thị trên địa bàn tỉnh.

5. Định kỳ hàng năm tổng hợp dữ liệu về cây xanh đô thị báo cáo UBND tỉnh và Bộ Xây dựng về tình hình quản lý cây xanh trên địa bàn tỉnh.

Điều 19. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Tham gia ý kiến cho các cơ quan có chức năng trong việc lựa chọn giống cây trồng phù hợp mục đích trồng, khí hậu, thổ nhưỡng địa phương nhằm tạo sự đa dạng trong phát triển hệ thống cây xanh đô thị, quy hoạch hệ thống vườn ươm cây phục vụ nhu cầu trồng cây xanh.



Điều 20. Sở Kế hoạch và Đầu tư

Tham mưu trình Uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành các chính sách cụ thể nhằm khuyến khích xã hội tham gia bảo quản và phát triển cây xanh đô thị.



Điều 21. Ngành Điện lực, Bưu chính viễn thông, Cấp - thoát nước

Trong quá trình thi công, xử lý kỹ thuật công trình, ngành Điện lực, Bưu chính viễn thông, Cấp - thoát nước có trách nhiệm thông báo, phối hợp chặt chẽ với cơ quan được phân cấp quản lý cây xanh để bảo đảm kỹ thuật, mỹ thuật, sự an toàn và phát triển của cây xanh.



Điều 22. Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố

1. Chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng trong việc lập, thực hiện và quản lý Quy hoạch tổng thể phát triển cây xanh đô thị trên địa bàn.

2. Thực hiện lập kế hoạch phát triển cây xanh đô thị hàng năm và 5 năm trên địa bàn đô thị theo phân cấp quản lý.

3. Thống kê và lập danh mục cây cổ thụ, cây cần bảo tồn trên địa bàn đô thị do mình quản lý, báo cáo Sở Xây dựng tổng hợp trình UBND tỉnh phê duyệt.

4. Quản lý hệ thống công viên - vườn hoa, cây xanh đường phố, cây bóng mát, ven sông trên địa bàn đô thị theo phân cấp.

5. Thực hiện việc cấp giấy phép chặt hạ, dịch chuyển cây xanh theo quy định tại khoản 2, Điều 14 của Quy định này.

6. Thực hiện chức năng quản lý các dự án đầu tư, các biện pháp khuyến khích hoạt động chăm sóc, bảo quản, phát triển cây xanh đô thị trên địa bàn quản lý theo thẩm quyền. Tại các đô thị chưa có đơn vị công ích trực tiếp thực hiện việc trồng, chăm sóc cây xanh thì tiến hành lựa chọn, ký hợp đồng với tổ chức, cá nhân có năng lực thực hiện việc trồng, chăm sóc cây xanh.

7. Ban hành quy định phân cấp cho Uỷ ban nhân dân cấp xã, phường, thị trấn, hộ gia đình trong việc chăm sóc, bảo vệ cây xanh đường phố; trong công tác quản lý địa bàn, không để tình trạng lấn chiếm sử dụng trái phép các vị trí được quy hoạch xây dựng công viên, vườn hoa, dãy cây xanh phân cách đường đô thị.

8. Kiểm tra, giám sát tình hình bảo đảm chất lượng cây xanh, việc tuân thủ quy chuẩn về tỷ lệ phủ xanh trong các dự án đầu tư xây dựng thuộc địa bàn quản lý.

9. Tuyên truyền, giáo dục, vận động các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân tích cực tham gia bảo vệ, chăm sóc và phát triển cây xanh đô thị.



Điều 23. Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân đối với cây thuộc danh mục cây cổ thụ, cây cần bảo tồn

Uỷ ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố quản lý nhà nước đối với cây xanh đô thị có trách nhiệm thực hiện các công việc sau:

1. Thực hiện việc thống kê, phân loại, đánh số, treo biển tên và lập hồ sơ cho từng cây phục vụ công tác quản lý.

2. Quản lý bảo đảm về sinh trưởng, mỹ thuật tán cây, an toàn khi chăm sóc, chặt hạ, dịch chuyển cây.

3. Kiểm tra định kỳ, cắt mé cành, nhành nặng tàn, lấy nhánh khô, khống chế chiều cao, chống sửa cây nghiêng, tạo dáng, bón phân, xử lý sâu bệnh đối với cây.

4. Hướng dẫn cho cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân quản lý trực tiếp cây về kỹ thuật chăm sóc cây.

5. Cấp phép chặt hạ, dịch chuyển cây xanh quy định tại Chương IV của Quy định này.

6. Kiểm tra việc chặt hạ, dịch chuyển cây

- Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân có trách nhiệm đối với cây thuộc danh mục cây cổ thụ, cây cần bảo tồn trong phạm vi công viên, vườn hoa, đường phố, khuôn viên đất do mình quản lý như sau:

7. Khi phát hiện cây có nhánh nặng tàn, cành khô, bị sau bệnh, có nguy cơ gãy đổ hoặc phát hiện hành vi xâm hại đến cây xanh quy định tại Điều 6 của Quy định này phải có trách nhiệm báo cáo kịp thời đến Uỷ ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố theo phân cấp quản lý tại khoản 2, Điều 4 của Quy định này.



Điều 24. Chủ đầu tư xây dựng công trình trên đất có trồng cây xanh

1. Đối với công trình không phải xin phép xây dựng

Chủ đầu tư công trình chỉ được chặt hạ, dịch chuyển cây xanh (đối với loại cây xanh phải cấp giấy phép) sau khi được cấp giấy phép theo quy định.

2. Đối với công trình phải xin giấy phép xây dựng

a) Cơ quan cấp giấy phép xây dựng công trình phải có ý kiến thoả thuận bằng văn bản của cơ quan quản lý chuyên ngành cây xanh đô thị về việc chặt hạ, dịch chuyển cây trước khi cấp phép xây dựng.

b) Trong trường hợp ý kiến của cơ quan cấp giấy phép xây dựng không thống nhất với ý kiến của cơ quan quản lý cây xanh, giao trách nhiệm cho cơ quan quản lý cây xanh trình Uỷ ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định.



Điều 25. Các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân được giao quản lý trực tiếp cây xanh đô thị

1. Đối với tổ chức có năng lực thực hiện trồng, chăm sóc cây xanh

a) Thực hiện trồng, chăm sóc và quản lý hệ thống cây xanh theo hợp đồng đã ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

b) Nghiên cứu đề xuất chủng loại cây, hoa phù hợp với quy hoạch xây dựng, với đặc điểm thổ nhưỡng, khí hậu và cảnh quan chung; tiếp thu và lai tạo các loại cây, hoa đẹp ở các địa phương khác để áp dụng trên địa bàn được giao quản lý.

c) Lập hồ sơ danh sách và tổ chức đánh số cây xanh cổ thụ, cây cần bảo tồn theo hướng dẫn và định kỳ hàng năm lập báo cáo kiểm kê chất lượng theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.

2. Đối với tổ chức, hộ gia đình, cá nhân

a) Chăm sóc, bảo vệ cây xanh trồng trong khuôn viên đất được giao quản lý không thuộc danh mục cây cấm trồng.

b) Thực hiện đúng quy định của cơ quan thẩm quyền về phân cấp quản lý cây xanh đường phố; kịp thời phản ánh đến cơ quan có thẩm quyền những vấn đề có liên quan về quản lý, chăm sóc và bảo vệ cây xanh.

c) Tham gia tuyên truyền vận động cộng đồng dân cư, người thân trong gia đình tự giác, chủ động trong quản lý, chăm sóc, bảo vệ và phát triển cây xanh.


Каталог: LegalDoc -> Lists -> Gazette -> Attachments
Lists -> TỈnh hà giang số: 22/2015/QĐ-ubnd cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam
Attachments -> Tỉnh Hà Giang Sè 25 + 26 Ngµy 05 th¸ng 7 n¨m 2012 MỤc lụC
Attachments -> Do ubnd tØnh Hµ Giang xuÊt b¶n Sè 03+04+05 Ngµy 10 th¸ng 01 n¨m 2011 Môc lôC
Attachments -> TỈnh hà giang số: 1852/QĐ-ubnd cộng hoà xa hội chủ nghĩa việt nam
Attachments -> Tỉnh Hà Giang Sè 22 + 23 Ngµy 10 th¸ng 10 n¨m 2011
Attachments -> Tỉnh Hà Giang Sè 03+04 Ngµy 10 th¸ng 01 n¨m 2012 MỤc lụC
Attachments -> Tỉnh Hà Giang Sè 29 + 30 Ngµy 12 th¸ng 9 n¨m 2012 MỤc lụC
Attachments -> Tỉnh Hà Giang Sè 19+20 Ngµy th¸ng 4 n¨m 2012 MỤc lụC
Attachments -> Do ubnd tØnh Hµ Giang xuÊt b¶n Sè 7 Ngµy 15 th¸ng 5 n¨m 2010 Môc lôC

tải về 0.5 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương