Tính cấp thiết của đề tài


ĐỐI TƯỢNG, NỘI DUNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU



tải về 1.21 Mb.
trang6/18
Chuyển đổi dữ liệu07.07.2016
Kích1.21 Mb.
#1412
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   18

ĐỐI TƯỢNG, NỘI DUNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

2.1. Đối tượng, phạm vi và địa điểm, thời gian nghiên cứu


Đối tượng nghiên cứu: Thành phần loài động vật và thực vật phân bố tại dải núi đá vôi phía Tây Nam tỉnh Hòa Bình.

Phạm vi nghiên cứu: ĐDSH dải núi đá vôi phía Tây Nam tỉnh Hòa Bình và các giải pháp đề xuất để nâng cao hiệu quả bảo tồn, phát triển bền vững ĐDSH dải núi đá vôi phía Tây Nam tỉnh Hòa Bình


Địa điểm nghiên cứu: 10 xã phía Tây Nam tỉnh Hòa Bình, bao gồm 4 xã của huyện Lạc Sơn (Tự Do, Ngọc Lâu, Ngọc Sơn, Tân Mỹ); 3 xã thuộc huyện Tân Lạc (Bắc Sơn, Nam Sơn, Ngổ Luông) và 3 xã thuộc huyện Mai Châu (Pù Bin, Noong Luông, Vạn Mai).

Thời gian nghiên cứu: Từ năm 2007 đến năm 2012

2.2. Nội dung nghiên cứu


2.2.1. Nghiên cứu đặc điểm ĐDSH tại khu vực nghiên cứu

- Nghiên cứu tính đa dạng thực vật tại khu vực nghiên cứu

- Nghiên cứu tính đa dạng động vật tại khu vực nghiên cứu

2.2.2. Nghiên cứu nguyên nhân suy giảm ĐDSH


Suy giảm ĐDSH được xác định bởi các nguyên nhân trực tiếp và gián tiếp: (1)- Nguyên nhân trực tiếp: Săn bắt động vật hoang dã, khai thác gỗ trái phép, thu hái lâm sản ngoài gỗ, chăn thả gia súc, xâm lấn rừng lấy đất canh tác, cháy rừng; (2)- Nguyên nhân gián tiếp: tăng dân số, tập quán sinh sống của người dân địa phương, sự nghèo đói và hiệu lực thi hành pháp luật về quản lý bảo vệ rừng, một số chính sách ở trung ương và địa phương chưa đi vào cuộc sống.

2.2.3. Nghiên cứu thực trạng quản lý và bảo tồn ĐDSH tại khu vực nghiên cứu

Trong khuôn khổ và giới hạn của luận án, chúng tôi tập trung nghiên cứu các vấn đề sau: Hệ thống tổ chức quản lý, nguồn lực và cơ sở hạ tầng; Công tác đào tạo, phát triển du lịch sinh thái và giáo dục nhận thức; ảnh hưởng của các chương trình, chính sách quản lý, bảo tồn ĐDSH tại khu vực nghiên cứu; mối quan hệ giữa chủ rừng và các bên liên quan trong công tác quản lý, bảo tồn ĐDSH; phân tích ma trận SWOT.


2.2.4. Đề xuất giải pháp quản lý và bảo tồn ĐDSH cho khu vực nghiên cứu

- Nhóm giải pháp chiến lược

- Nhóm giải pháp phát triển kinh tế xã hội

- Nhóm giải pháp về cơ chế chính sách

- Nhóm giải pháp về tổ chức-kỹ thuật

2.3. Phương pháp nghiên cứu

2.3.1. Phương pháp luận


Nghiên cứu được thực hiện dựa trên: (1)- Lý luận về tiếp cận hệ thống, (2)- Quan điểm bảo tồn – phát triển, (3)- Tiếp cận hệ sinh thái, (4)- Tiếp cận có sự tham gia.

(1)- Tiếp cận hệ thống: Hệ thống được hiểu là một cấu trúc hoàn chỉnh nó bao gồm nhiều bộ phận chức năng liên kết với nhau một cách tổ chức và trật tự, tồn tại và vận động theo những quy luật thống nhất. Một hệ thống luôn bao gồm những hệ thống nhỏ hơn hay còn gọi là hệ thống phụ. Sự tác động của người dân địa phương đến tài nguyên rừng là hoạt động trong hệ thống kinh tế xã hội và tác động tới hệ thống tự nhiên. Cách tiếp cận hệ thống cho thấy cần phải lồng ghép các giải pháp quản lý và bảo tồn vào các chương trình quy hoạch phát triển kinh tế xã hội địa phương với mục tiêu phát triển bền vững [20], [22].

(2)- Quan điểm bảo tồn – phát triển: Quan điểm bảo tồn và phát triển tạo ra sự liên kết việc bảo tồn tài nguyên và đáp ứng những nhu cầu phát triển địa phương, bao gồm 3 thành phần chính (cách tiếp cận sau):


- Thứ nhất là nếu nhu cầu phát triển tại địa phương đó có thể được đáp ứng bởi các nguồn thay thế khác thì ảnh hưởng của nó lên tài nguyên sẽ được giảm bớt và tài nguyên được bảo tồn: “Cách tiếp cận các giải pháp thay thế sinh kế”.

- Thứ hai là nếu cộng đồng rất khó khăn về mặt kinh tế, không thể nào quan tâm đến việc bảo tồn vì những nhu cầu thiết yếu của cộng đồng vẫn còn chưa được đáp ứng thì trước hết cần phải nỗ lực cải thiện nền kinh tế - xã hội của họ đủ tốt để họ có thể quan tâm hơn đến việc bảo tồn tài nguyên: “Cách tiếp cận phát triển kinh tế”.

- Thứ ba là cộng đồng địa phương đó cũng đồng ý với việc bảo tồn TNTN nếu như họ có thể được tham gia một cách tích cực vào việc quy hoạch và quản lý tài nguyên và được chia sẻ lợi nhuận từ tài nguyên đó. Theo cách này, tài nguyên có thể được bảo tồn bên cạnh đó một số nhu cầu cơ bản của người dân địa phương cũng được đáp ứng thông qua việc sử dụng và khai thác tài nguyên một cách hợp lí và bền vững: “Cách tiếp cận tham gia quy hoạch”.

Trong nghiên cứu này, cả 3 cách tiếp cận trên được vận dụng một cách linh hoạt để đề xuất các giải pháp quản lý và bảo tồn ĐDSH tại dải núi đá vôi phía Tây Nam tỉnh Hòa Bình.



(3)- Tiếp cận hệ sinh thái: Hệ sinh thái được cấu tạo bởi quần xã sinh vật và các yếu tố môi trường. Quá trình diễn biến của HST chính là quá trình biến đổi các yếu tố cấu thành. Hệ sinh thái càng đa dạng thành phần bao nhiêu thì càng ổn định và bền vững bấy nhiêu. Một trong yếu tố quan trọng cấu thành nên HST rừng là thảm thực vật, nó thể hiện tính đặc trưng, ngoại mạo của mỗi HST và có tính nhạy cảm cao. Nghiên cứu về tính đa dạng các bậc Taxon của thực vật rừng để nói lên mức độ phong phú và tính đặc trưng của các kiểu rừng trong HST. Đó cũng là cơ sở giúp việc định hướng, lựa chọn những giải pháp phù hợp và có hiệu quả phục vụ cho công tác bảo tồn. Vì vậy, việc nghiên cứu thực vật trên các tuyến điều tra là hết sức cần thiết, để từ đó đánh giá đa dạng về thành phần loài thực vật cũng như các kiểu rừng trong khu vực nghiên cứu [7], [9], [11].

(4)- Tiếp cận có sự tham gia: Sự tham gia được định nghĩa như là một quá trình, thông qua đó các chủ thể cùng tác động và chia sẻ những sáng kiến phát triển và cùng quyết định. Điều quan trọng là người dân địa phương tham gia vào việc tư vấn cho hoạt động điều tra khảo sát, có khả năng trao đổi các triển vọng của họ về tài nguyên rừng với các nhà nghiên cứu, các cơ quan quản lý và ngược lại, các cơ quan này có thể hiểu và đáp ứng các triển vọng được nêu ra. Điều này được thể hiện thông qua việc thiết kế các bảng hỏi, nội dung phỏng vấn trực tiếp và họp nhóm nhằm thu được các thông tin thực tiễn, nguồn kiến thức bản địa một cách cụ thể và nhanh chóng nhất [11], [17].

Trong nghiên cứu này, phương pháp tiếp cận có sự tham gia được áp dụng, trong đó người dân địa phương tham gia ở 3 mức độ, tức là tham gia qua hình thức tư vấn, cung cấp thông tin. Các phương pháp đánh giá nông thôn (PRA) và phương pháp đánh giá nông thôn có sự tham gia (PRA) sẽ được sử dụng để thu thập thông tin cho nghiên cứu. Các phương pháp này giúp thu thập được các thông tin và phân tích của chính người dân địa phương, nên thông tin có thể được sử dụng cho nhiều nhu cầu của địa phương như sự ủng hộ về quyền sử dụng tài nguyên rừng, các giải pháp quản lí và bảo tồn.


2.3.2. Thu thập và kế thừa thông tin, số liệu có chọn lọc


Thu thập, tổng hợp các thông tin, số liệu thứ cấp về điều kiện tự nhiên và kinh tế xã hội của dải núi đá vôi phía Tây Nam tỉnh Hòa Bình từ năm 2004 đến 2011. Tham khảo những số liệu ĐDSH, về dân tộc, hiện trạng sử dụng đất nông nghiệp và lâm nghiệp, tình hình sản xuất nông lâm nghiệp, tình hình đói nghèo, hiện trạng sử dụng tài nguyên và những khó khăn, thuận lợi trong phát triển kinh tế và công tác bảo tồn tại các xã trong khu vực nghiên cứu. Đặc biệt thu thập các số liệu từ Khu BTTN Ngọc Sơn – Ngổ Luông và hạt kiểm lâm Mai Châu. Kế thừa cơ sở dữ liệu của các tổ chức trong và ngoài nước đã và đang triển khai dự án trên khu vực như: dự án Ngọc Sơn- Ngổ Luông, dự án Pù Luông- Cúc Phương mà tác giả là cán bộ tham gia dự án.

2.3.3. Nghiên cứu đa dạng thực vật

Xác định địa điểm và tuyến thu mẫu: Để thu mẫu một cách đầy đủ và đại diện cho một khu nghiên cứu việc chọn tuyến và điểm thu mẫu là rất cần thiết. Tuyến đường đi phải xuyên qua các môi trường sống của khu nghiên cứu. Có thế chọn nhiều tuyến theo các hướng khác nhau, nghĩa là các tuyến đó phải đi qua các vùng đại diện cho khu vực. Để kiểm chứng cập nhật thông tin và các số liệu về thành phần loài chúng tôi lập một tuyến điều tra chạy dọc từ hướng Đông sang hướng Tây khu vực nghiên cứu chạy theo 10 xã từ xã Tân Mỹ đến xã Vạn Mai, trên tuyến đó lập 10 điểm nghiên cứu (hình 2.1).



Hình 2.1. Các điểm điều tra ĐDSH thực vật trong khu vực

Dụng cụ thu mẫu: Chúng tôi sử dụng cặp, túi đựng mẫu, giấy báo, dây buộc, nhãn, kim chỉ, bút chì 2B, sổ ghi chép, cồn, kéo cắt cành.

Phương pháp thu mẫu: Chúng tôi cắt mẫu bằng kéo cắt cành và đựng mẫu bằng túi polyetylen, có sổ ghi chép riêng, nhãn hay băng dính giấy có thể viết được.

Nguyên tắc thu mẫu: - Mỗi mẫu phải có đầy đủ các bộ phận, nhất là: cành, lá, hoa đối với cây lớn hay cả cây đối với cây thảo và có quả càng tốt.

- Mỗi cây nên thu từ 3 – 5 mẫu, còn mẫu cây thân thảo nên tìm các mẫu giống nhau và cũng thu với số lượng trên để vừa nghiên cứu các biến dạng của loài vừa để trao đổi.

- Các mẫu thu trên cùng một cây thì đánh cùng một số hiệu mẫu. Khi thu mẫu phải ghi chép ngay những đặc điểm dễ nhận biết ngoài thực địa như: đặc điểm vỏ cây, kích thước cây, nhất là các đặc điểm dễ mất sau khi sấy mẫu như: màu sắc, mùi vị…

- Thu và ghi chép xong cho vào túi polyetylen mang về nhà mới làm mẫu. Việc cho mẫu vào túi polyetylen có lợi là gọn nhẹ, không bị va quệt khi băng qua rừng, mẫu giữ tươi lâu kể cả khi trời nắng to nhưng cần chú ý là khi cho mẫu vào túi phải nhẹ nhàng, nếu có hoa thì dùng các lá của mẫu để bọc lấy trước khi cho vào túi. Có thể dùng túi nhỏ và mỏng đựng từng loài và buộc chặt lại rồi tất cả các túi nhỏ đó cho vào túi to hay bao tải.



Cách xử lý và bảo quản mẫu: Sau một ngày lấy mẫu cần đeo nhãn cho mỗi mẫu. Nhãn có thể chỉ ghi số hiệu mẫu của tác giả còn các thông tin khác sẽ ghi vào sổ riêng hoặc trên nhãn ghi đầy đủ các thông tin như sau: - Số hiệu mẫu.

- Địa điểm (tỉnh, huyện, xã…) và nơi lấy (ven suối, thung lũng, sườn hay đỉnh núi hoặc đồi…)

- Ngày lấy mẫu.

- Đặc điểm quan trọng: cây gỗ hay dây leo, độ cao, đường kính, màu lá, hoa , quả…

- Người lấy mẫu.

Khi ghi phải dùng bút chì mềm, tuyệt đối không dùng bút bi, bút mực để tránh bị mất khi ngâm tẩm về sau.



Xử lý mẫu và định tên loài cây: Mẫu vật sau khi thu về được ép, sấy và xác định tên khoa học, tổng hợp các danh lục thực vật của khu vực đã công bố, bổ sung danh sách mẫu vật thu thập được để lập nên danh lục thực vật cho toàn bộ khu vực nghiên cứu. Sau khi có được danh sách các loài, để định tên loài, một số sách liên quan đến hệ thực vật Việt Nam được sử dụng để định loại thực vật, như các cuốn “Thực vật chí Đông Dương - Flore G’en’erale de l'Indochine" (Ed. M.H.Lecomte & H.Humbert, 1907-1951), "Cây cỏ Việt Nam- An illustrated flora of Vietnam" (Pham Hoang Ho, 1970-1972, 1991-1993, 1999-2000.) [33], Sách Thực vật chí Việt Nam- Nguyễn Tiến Bân và cộng sự, Sách Đỏ Việt Nam (phần II - thực vật (2007) [2] và Danh lục đỏ IUCN (2012) [86], Cây rừng Việt Nam (2005), sổ tay hướng dẫn điều tra và giám sát ĐDSH [28], danh lục các loài thực vật [29] và cẩm nang nghiên cứu ĐDSH [66]. Tiêu bản mẫu lá, hoa của một số loài thực vật quan trọng, quý hiếm được thu thập và lưu trữ để phục vụ nghiên cứu. Ảnh của các cây qúy hiếm, có giá trị bảo tồn được chụp và ghi lại.

Phân tích đánh giá: Phân tích đa dạng về taxon cho khu vực nghiên cứu (số lượng các loài, chi và họ của mỗi ngành, tỷ trọng của mỗi ngành trong hệ), các họ và các chi đa dạng nhất; tính số loài quý hiếm theo Sách Đỏ Việt Nam, tỷ lệ so với hệ thực vật khu vực nghiên cứu. Căn cứ theo các tiêu chí phân loại thảm thực vật rừng mưa nhiệt đới của Richards (1996) và tiêu chí phân loại các kiểu thảm thực vật rừng Việt Nam của Thái Văn Trừng (1978) [69] để phân loại kiểu rừng trong khu vực nghiên cứu.

Phân loại về công dụng của các loài thực vật dựa trên kết quả phỏng vấn trực tiếp 10 thầy lang ở khu vực nghiên cứu trên cơ sở quan sát các tiêu bản thu thập được, kết hợp với các tài liệu định loài và xác định giá trị như cuốn 1900 loài cây có ích [47]. Với phương pháp liệt kê giá trị sử dụng và liệt kê các loài cây cho từng giá trị.



2.3.4. Nghiên cứu đa dạng động vật

- Kế thừa các thành quả có sẵn từ dự án Ngọc Sơn- Ngổ Luông, dự án Pù Luông- Cúc Phương mà tác giả là một thành viên trong dự án. Do phạm vi nghiên cứu rộng nên việc điều tra thực địa không thể thu thập được hết thông tin thành phần loài. Vì vậy, chúng tôi đã áp dụng phương pháp chủ yếu là kế thừa những tài liệu, số liệu nghiên cứu của nhiều tác giả trong và ngoài nước về các dẫn liệu đa dạng hệ động vật tại khu vực nghiên cứu.

- Phương pháp điều tra: Áp dụng các phương pháp điều tra động vật mà các tác giả Võ Quý, Đặng Huy Huỳnh, Lê Vũ Khôi, Phạm Trọng Ảnh, Nguyễn Văn Sáng,… và các cán bộ giảng dạy trường Đại học Lâm nghiệp, Đại học Khoa học Tự nhiên – Đại học Quốc gia Hà Nội, Viện Sinh thái Tài nguyên và Sinh vật, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam đang áp dụng thực hiện các nghiên cứu trong những năm gần đây.

Với nhóm Thú: Thu thập số liệu và mẫu vật bằng cách quan sát trực tiếp vào ban ngày, tiến hành lập tuyến điều tra thực địa (1 tuyến cho 10 xã). Tuyến này được thiết kế 10 điểm nghiên cứu đi qua các kiểu trạng thái rừng chính ở khu vực nghiên cứu (hình 1.1), Thời gian điều tra được tiến hành cả ngày bắt đầu từ 5h30 và kết thúc lúc 17h30. Trong quá trình điều tra trên tuyến đi với tốc độ 1-1,5km/h và cứ 30 phút dừng lại quan sát tại các điểm thoáng hoặc trên đỉnh giông khoảng 30 phút. Các địa điểm như vũng nước, điểm muối và dọc theo bờ suối nơi thú thường hay lui tới cũng được tác giả sử dụng để quan sát dấu chân thú. Vị trí các tuyến điểm khảo sát, tuyến điều tra và điểm phát hiện các loài được xác định ngoài thực địa và trên bản đồ bằng máy định vị toàn cầu (GPS). Trong quá trình điều tra, thông tin về sự có mặt của loài được ghi nhận thông qua cả dấu hiệu trực tiếp và gián tiếp. Dấu hiệu trực tiếp trong điều tra này đó là loài được quan sát trực tiếp ngoài thực địa. Các dấu hiệu gián tiếp bao gồm: Vết ăn, vết cào, vết chà sát, sừng, lông, phân, dấu chân, tiếng kêu và hót (đối với vượn)...Các thông tin ghi nhận trong quá trình điều tra được ghi vào các biểu điều tra thiết kế sẵn và sổ tay ngoại nghiệp.

Với nhóm Chim: lựa chọn tuyến điều tra và điểm quan sát để tiến hành điều tra như: Đại diện cho từng kiểu sinh cảnh và độ cao của toàn bộ khu vực điều tra, phân bố đều trong các khu vực điều tra, dùng lưới mờ để bắt mẫu chim sống để quan sát và chụp ảnh để ghi lại những sinh cảnh và những loài chim đã gặp. Thời gian khảo sát được tiến hành từ 5h 30 đến 17h 30. Sáng sớm và chiều tối là hai khoảng thời gian chim hoạt động nhiều nhất, do đó sẽ rất thuận lợi cho việc khảo sát.

Dùng lưới mờ: 6 lưới mờ được sử dụng để điều tra một số loài chim tại khu vực. Trong đó, có 5 lưới mờ kích thước 9x3 m và 1 lưới mờ kích thước 12x3m. Lưới được giăng ở các sinh cảnh khác nhau có trong khu vực nghiên cứu. Vị trí giăng lưới mờ thường ở chỗ tranh tối, tranh sáng để tránh sự phát hiện của chim. Thời điểm giăng lưới là lúc sáng sớm. Lưới được kiểm tra 1 giờ một lần. Với những cá thể chim dính lưới được gỡ ra cẩn thận tránh gây tổn thương hoặc làm chết. Sử dụng sổ tay hướng dẫn định loại thực địa Thú, Chim, Bò sát, Ếch nhái [53], sổ tay nhận diện các loài thú [54] và hướng dẫn nhận dạng các loài thú ở Việt Nam [55] để định loại, chụp hình và thả lại tại nơi dính lưới.

Điều tra theo tiếng hót: Ngoài quan sát trực tiếp, phương pháp xác định loài thông qua giọng hót cũng được áp dụng trong điều tra này. Nhiều loài chim thường có giọng hót hoặc phát ra những tiếng kêu rất đặc trưng cho loài và đó là cơ sở quan trọng giúp chúng ta nhận biết chúng. Đối với những loài dễ dàng nhận biết qua giọng hót, tác giả xác định tên loài ngay ngoài thực địa. Đối với những loài khó phân biệt qua giọng hót, sử dụng băng Casset ghi lại tiếng hót của chim để so sánh, xác định loài và dẫn dụ bằng băng Casset kêu gọi các loài chim đến gần để quan sát.

Với nhóm Bò sát lưỡng cư: Tuyến khảo sát dựa vào một số đường mòn trong rừng, dọc theo suối. Ban đêm khảo sát các loài ếch nhái và một số loài bò sát hoạt động về đêm. Các loài bò sát chủ yếu được khảo sát vào ban ngày.

Phương pháp thu mẫu: Tuỳ theo từng loài và dạng địa hình, tác giả sử dụng hai biện pháp thu mẫu chính: Bắt bằng tay và bằng vợt. Vợt có cán dài 1m, miệng vợt có hình tròn đường kính 25cm và mắt lưới cỡ 0,5 x 0,5cm. Khi quan sát thấy đối tượng, dùng vợt chụp lại và quay miệng vợt 900 tránh ếch nhái thoát ra ngoài. Do các vị trí thu mẫu thường không bằng phẳng nên việc bắt mẫu chủ yếu bằng tay. Mẫu ếch nhái thu được, đựng trong túi nilon, miệng túi có đường kính 20cm và độ sâu 40cm. Những mẫu có đặc điểm giống nhau được đựng chung vào một túi. Khi mang, các mẫu vật được phân loại sơ bộ, chỉ giữ lại 2-3 mẫu cùng loại, số mẫu còn lại được thả lại tự nhiên.

Xử lý mẫu ngoài thực địa: Mẫu được xử lý theo phương pháp của Phạm Nhật và cộng sự (2004) [53] Gồm các bước sau:

Bước 1: Gây mê mẫu vật bằng cách cho mẫu vào hộp nhựa rồi phun foocmon 8- 10% lên cơ thể làm con vật mê và mất phản xạ nhảy. Để mẫu trong tư thế tự nhiên, chụp ảnh.

Bước 2: Tiêm cồn 900 vào bụng và các cơ chi (đối với những mẫu có kích thước lớn) để định hình nội quan và các cơ, tránh cho mẫu vật không bị thối rữa.

Bước 3: Cố định mẫu bằng cách đặt mẫu lên gối bông mỏng có kích thước 45x45cm, xắp xếp mẫu ở tư thế tự nhiên, các ngón chân và tay được căng ra. Sau đó phun cồn 900 lên các khớp tay, chân và màng da nối các ngón chân tay và trên toàn cơ thể rồi phủ khăn bông lên số mẫu đã được định hình và giữ mẫu ở tư thế như vậy trong khoảng thời gian 1 giờ.

Bước 4: Gắn etiket cho mỗi mẫu, sau đó chuyển các mẫu đã được cố định ngâm vào formalin 8-10% hoặc cồn 700 trong túi nilông, những mẫu nhỏ được để riêng vào trong những lọ nhựa và xếp trong xô nhựa có nắp.

- Phương pháp định loại: Định loại thú dựa theo tài liệu của Corbet, G.B., J.E. Hill, 1992 [71] và tên tiếng Việt được dựa theo tài liệu của Đặng Huy Huỳnh, Đào Văn Tiến, Cao Văn Sung, Phạm Trọng Ảnh, Hoàng Minh Khiêm, 2007 [35], [36]; Định loại chim theo tài liệu của Inskipp và cộng sự, 1996 [85]; tên phổ thông và tên khoa học theo tài liệu của Võ Quý, Nguyễn Cử, Phạm Nhật,… [52], [53], [61], [62]. Định loại bò sát và lưỡng cư theo tài liệu của Frost, 2007 [83] và phần tên tiếng Việt tham khảo tài liệu của Nguyễn Văn Sáng, Hồ Thu Cúc và Nguyễn Quảng Trường, 2005 [63].

- Xác định các loài có giá trị bảo tồn: dựa theo các tài liệu sau

(1) Sách Đỏ Việt Nam (2007) - Phần I, Động vật [1] với các cấp đánh giá như sau: CR (Cực kì nguy cấp), EN (Đang nguy cấp); VU (Sẽ nguy cấp); LR (Hiếm); DD (Biết không chính xác). (2) Nghị Định của Chính phủ số 32/2006/NĐ-CP ngày 30 tháng 3 năm 2006 về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quí hiếm: nhóm I (Thực vật rừng, động vật rừng nghiêm cấm khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại); Nhóm II (Thực vật rừng, động vật rừng hạn chế khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại [18]. (3) Danh lục đỏ IUCN (2012) [86] với các cấp đánh giá sau: CR (Tối nguy cấp); EN (Nguy cấp); VU (Sẽ nguy cấp); NT (Gần bị đe dọa); DD (Thiếu dữ liệu). (4) Quyết định số 54 /2006/QĐ-BNN của Bộ NN và PTNT ngày 05 tháng 7 năm 2006 về việc công bố Danh mục các loài động vật, thực vật hoang dã quy định trong các Phụ lục của Công ước về buôn bán quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES) [4].


2.3.5. Phương pháp nghiên cứu nguyên nhân suy giảm ĐDSH


- Kế thừa dự thảo về tổ chức bộ máy nguồn nhân lực của KBT, Hạt Kiểm lâm và ghi nhận các kết quả sau các cuộc họp bàn, rút kinh nghiệm qua công tác quản lý, phối hợp hoạt động của lực lượng kiểm lâm với địa phương; tổng hợp các báo cáo về tình hình quản lý của địa phương (ban quản lý KBT, các phòng chức năng) và số vụ vi phạm lâm luật từ Hạt kiểm lâm (số vụ vi phạm, số vụ cháy rừng…).

- Phương pháp điều tra: sử dụng phương pháp đánh giá nhanh nông thôn có sự tham gia (PRA) để xác định nguyên nhân suy giảm ĐDSH, xác định tình hình khai thác gỗ, các loại lâm sản ngoài gỗ và săn bắt động vật. Đánh giá nhận thức và thái độ của cộng đồng người dân trong việc bảo vệ nguồn tài nguyên rừng. Đề tài chọn 3 trong số 10 xã (Ngọc Sơn, Nam Sơn, Vạn Mai) là đại diện của 3 huyện trong khu vực để tiến hành điều tra các loài cây gỗ, loài động vật rừng thường bị khai thác, săn bắt. Đây là các xã có đặc điểm kinh tế -xã hội tương đồng với các xã khác và có tính đặc thù, điển hình về vấn đề bảo tồn. Ở mỗi xã tiến hành chọn 3 thôn theo phương pháp lựa chọn ngẫu nhiên, mỗi thôn chọn 15 hộ để tiến hành phỏng vấn. Sự chính xác của thông tin được kiểm chứng bằng cách tiến hành họp dân lấy ý kiến tập thể của các thôn trong xã.


2.3.6. Đánh giá nhanh nông thôn có sự tham gia (PRA)


Trong phương pháp đánh giá nhanh nông thôn có sự tham gia của người dân có rất nhiều công cụ thực hiện, tuy nhiên để phục vụ cho mục tiêu và nội dung nghiên cứu chúng tôi chỉ sử dụng một số công cụ sau đây:

- Phỏng vấn, bảng hỏi: Phỏng vấn người dân địa phương, đặc biệt những thợ săn hay những người thường xuyên đi rừng, trong quá trình phỏng vấn có sử dụng các ảnh màu hoặc hình vẽ màu trong các tài liệu như “Sổ tay ngoại nghiệp nhận diện các loài thú của VQG Pù Mát” của Phạm Nhật và Nguyễn Xuân Đặng [54]; Hướng dẫn nhận dạng các loài thú ở Việt Nam của Parr John W.K. và Hoàng Xuân Thủy [55]; “Hướng dẫn điều tra ngoại nghiệp linh trưởng” của FFI [14]; “Nhận dạng động vật hoang dã bị buôn bán” của TRAFFIC; “Chim Việt Nam” của Nguyễn Cử, Lê Trọng Trải và Karen Phillipps [27], đồng thời tiến hành tìm hiểu các di vật của các loài động vật còn lại trong nhân dân như các sọ, các phần xương, cặp sừng, tấm da lông, đuôi, lông và cả những con vật còn sống mà người dân còn nuôi nhốt,…

Cùng với việc phỏng vấn hộ bằng các bộ câu hỏi, sử dụng các bảng hỏi để tiến hành phỏng vấn chính quyền và người dân trên 10 xã, phỏng vấn 70 hộ gia đình về tình hình sử dụng các nguồn tài nguyên đa dạng sinh học. Trao đổi mở với các cán bộ lãnh đạo của UBND các cấp ở địa phương, cán bộ phụ trách các vấn đề kinh tế xã hội, dân cư, phát triển nông lâm nghiệp, cán bộ hạt kiểm lâm, ban quản lý Khu bảo tồn. Tổng số có 95 cuộc phỏng vấn đã được tiến hành (bao gồm 10 lãnh đạo xã, 5 cán bộ dự án ở địa bàn, 10 kiểm lâm và 70 hộ dân) (phụ lục 09). Phỏng vấn, trao đổi với các hộ trong khu vực nghiên cứu về tình hình kinh tế xã hội, dân cư cũng như tình hình sử dụng tài nguyên, khai thác lâm sản ngoài gỗ.

Phân tích ảnh hưởng của cộng đồng địa phương đến ĐDSH và tình hình sử dụng tài nguyên thiên nhiên bằng phương pháp PRA, đánh dấu các điểm, khu vực cần quan tâm do cộng đồng cung cấp như: khu vực săn bắt, khu vực chăn thả, khu vực thu hái lâm sản ngoài gỗ, khu vực canh tác,…(phụ lục 09)

- Lát cắt: Đi theo lát cắt thôn bản và đường mòn trong rừng với sự tham gia của người dân địa phương, điều tra tình hình sử dụng đất và sử dụng tài nguyên rừng (điều kiện tự nhiên, tình trạng quản lý, hiện trạng sử dụng, khó khăn, thuận lợi,…). Từ đó vẽ sơ đồ lát cắt khu vực nghiên cứu và đề xuất biện pháp quản lý (phụ lục 07, 08).

- Quan sát và chụp ảnh: Quan sát hiện trạng tài nguyên trong khu vực để mô tả cấu trúc rừng, thu thập mẫu lá, hoa,… và chụp hình theo lát cắt các kiểu trạng thái rừng. Đối với động vật, thu thập số liệu và mẫu vật thực địa bằng cách quan sát trực tiếp vào ban ngày (dùng ống nhòm, máy ảnh, nghe tiếng kêu, tiếng hót, quan sát bằng mắt thường); hoặc dùng đèn pin quan sát vào ban đêm (quan sát điểm mắt, vết phân, dấu chân,…) dựa theo kinh nghiệm của chuyên gia và người dân địa phương thông thạo địa hình, tập tính của các đối tượng nghiên cứu.


2.3.7. Phương pháp tiếp cận HST và giải pháp quản lý tổng hợp ĐDSH


  • Tổng hợp tình hình quản lý trong khu vực qua các báo cáo, kiến nghị của địa phương, tổ chức các cuộc họp, hội thảo để trao đổi đối thoại, phân tích các văn bản pháp quy về kế hoạch xây dựng, phát triển và công tác quản lý đầu tư, quy hoạch của địa phương và các ban ngành hữu quan, phân tích kinh nghiệm từ các mô hình phát triển kinh tế xã hội, mô hình quản lý ĐDSH, các dự án đầu tư, phát triển đã thành công hoặc thất bại ở địa phương.

  • Nghiên cứu cơ cấu bộ máy tổ chức và nguồn nhân lực: Cán bộ trong khu bảo tồn, hạt kiểm lâm, tìm hiểu những bất cập trong công tác quản lý, nhất là sự chồng chéo về trách nhiệm và thẩm quyền, phân tích rõ tầm quan trọng và hiệu quả mang lại của từng chủ trương chính sách cụ thể làm cơ sở cho việc đề xuất giải pháp, đặc biệt quan tâm đúng mức đến nguyện vọng chính đáng của cộng đồng trong vấn đề phát triển KTXH kết hợp với công tác bảo tồn ĐDSH.

+ Thu thập thông tin qua điều tra, phỏng vấn trực tiếp bằng phiếu điều tra (70 phiếu) với các cấp chính quyền, cơ quan, đơn vị, tổ chức và cá nhân có liên quan bằng câu hỏi mở với nội dung đã định để có cơ sở đánh giá thực trạng và tiềm năng của công tác quản lý bảo tồn một cách chính xác (phụ lục 09).

+ Thẩm định thông tin qua các đợt khảo sát thực địa, các cuộc trao đổi, họp bàn với sự tham gia của nhiều thành phần đại diện ban quản lý KBT, Hạt kiểm lâm, các trạm kiểm lâm,…để tăng độ chính xác của các số liệu.

+ Phân tích và đánh giá hiện trạng, và tiềm năng quản lý của khu vực. Từ đó xác định vấn đề khó khăn, bất cập trong công tác quản lý bảo vệ rừng, vấn đề triển khai, thực hiện các dự án để từ đó có thể đưa ra các giải pháp và xây dựng hoạt động trong thời gian tới.


Каталог: DocumentLibrary -> 681ff0907584cc7f
DocumentLibrary -> TỈnh bắc kạn số: 53/QĐ-ubnd cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam
DocumentLibrary -> UỶ ban nhân dân thị XÃ BẮc kạN
DocumentLibrary -> UỶ ban nhân dân thị XÃ BẮc kạn cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa viêt nam
DocumentLibrary -> UỶ ban nhân dân cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam tỉnh bắc kạN Độc lập Tự do Hạnh phúc
DocumentLibrary -> Ubnd-qlđt v/v: Triển khai công tác tổng vệ sinh trong ngày 21/12/2012 CỘng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam
DocumentLibrary -> Nghị định 135/2004/NĐ-cp của Chính phủ về việc quy định chế độ áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở chữa bệnh, tổ chức hoạt động của cơ sở chữa bệnh theo Pháp lệnh Xử lý VI phạm hành chính và chế độ áp dụng đối với người thành niên
DocumentLibrary -> HỘI ĐỒng nhân dân tỉnh bắc kạN
DocumentLibrary -> Ubnd tỉnh bắc kạn sở KẾ hoạch & ĐẦu tư
681ff0907584cc7f -> Tính cấp thiết của đề tài
681ff0907584cc7f -> Tính cấp thiết của đề tài

tải về 1.21 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   18




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương