Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa 淨土大經解演義



tải về 6.32 Mb.
trang21/33
Chuyển đổi dữ liệu13.06.2018
Kích6.32 Mb.
#39922
1   ...   17   18   19   20   21   22   23   24   ...   33

Phần 11

Tập 21



Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, xin hãy ngồi xuống. Xin xem Đại Thừa Kinh Vô Lượng Thọ Giải, trang mười chín, dòng thứ sáu đếm từ dưới lên, xem câu này từ trang sau. Chúng ta đọc kinh văn: “Linh minh đỗng triệt, trạm tịch thường hằng. Cô minh lịch lịch, bỉnh hách hư không. Linh quang độc diệu, huýnh thoát căn trần” (Linh minh đỗng triệt, trạm tịch thường hằng, riêng sáng vằng vặc, rạng ngời hư không, linh quang độc diệu, thoát sạch căn trần), chúng ta xem tới chỗ này. Mấy câu này do cổ đại đức tán thán, miêu tả tự tánh. Thật ra, chẳng có cách nào diễn tả tự tánh, nói cách nào cũng chẳng trọn vẹn, chỉ có thể nói được một phần rất ít. Tổng hợp cách nói của nhiều vị cổ đức, chúng ta có thể lãnh hội đôi chút, tổ sư bảo chúng ta: Chuyện này phải đích thân chứng thì mới có thể hiểu rõ, đó gọi là: “Như nhân ẩm thủy, lãnh noãn tự tri” (như người uống nước, nóng lạnh tự biết); quý vị chưa chứng đắc, nói kiểu nào, dù là Phật nói, hay Bồ Tát nói, [đối với quý vị] cũng đều rất khó hiểu, [vì] nó chẳng phải là cảnh giới của chúng ta. Trong đoạn này, cũng giảng rất rõ ràng, đó chính là Lý Thể của vạn hữu trong vũ trụ, tất cả hết thảy các pháp đều từ chỗ này biến hiện ra.Vì vậy, nó có thể sanh, có thể hiện, A Lại Da là có thể biến (năng biến). Cái “có thể sanh, có thể hiện” sẽ nhất định là đã có A Lại Da. Nếu không có A Lại Da, sẽ chẳng thể “có sanh, có hiện”. Cõi Thường Tịch Quang được nói trong Tịnh Tông chính là tự tánh, chữ “đại quang minh tạng” cũng nhằm hình dung tánh thể này. Nó chẳng phải là hiện tượng vật chất, mà cũng chẳng phải là hiện tượng tinh thần. Chẳng phải là hiện tượng vật chất, nên năm căn mắt, tai, mũi, lưỡi, thân của chúng ta chẳng có cách nào tiếp xúc nó. Nó chẳng phải là vật chất, nhưng cũng chẳng phải là hiện tượng tinh thần, nên chúng ta tư duy, tưởng tượng chẳng được. Vì vậy, trong kinh Phật thường dùng bốn chữ “bất khả tư nghị”, “tư” () là tư duy, quý vị nghĩ không ra. Tư duy có giới hạn, tuy nó có công năng rất lớn, đấy là thức thứ sáu, kinh dạy chúng ta: Đối với bên ngoài, tư duy có thể duyên tới hư không, pháp giới; đối với bên trong, nó có thể duyên tới A Lại Da, nhưng chẳng thể duyên tự tánh. Vì vậy, nhất định phải là đích thân chứng thì mới có thể biết. Đến khi nào sẽ có thể chứng đắc? Kinh dạy chúng ta: Từ Bát Địa trở lên. Có tất cả năm mươi mốt giai tầng Bồ Tát, giống như chúng ta đi học, lớp Một, lớp Hai, [có tất cả] năm mươi mốt lớp. Phải đạt tới Bát Địa, Bát Địa rất cao, cao nhất là Thập Địa Bồ Tát. Đệ Bát Địa đã thấy, kiến tánh. Nói “kiến tánh” tức là đã thật sự thấy. Nếu nói theo nghĩa rộng, Sơ Trụ trong Viên Giáo đã thấy rồi. Sau khi thấy, hãy còn có tập khí vô thỉ vô minh chưa đoạn! Tuy tập khí chẳng chướng ngại sự, tức là nói trong tự tánh vốn sẵn đủ trí huệ, đức năng, tướng hảo, nó chẳng bị chướng ngại. Có thể nói: Những điều này sau khi được thấu lộ, sẽ chẳng khác gì Phật quả rốt ráo, đó là vũ trụ thuở tối sơ được bắt nguồn như thế nào. Họ biết [những điều ấy] là do thầy nói, chứ họ chưa đích thân chứng được. Đạt tới Bát Địa sẽ đích thân chứng; vị ấy chứng đắc giống hệt như thầy đã giảng, chẳng khác nhau. Khi ấy là đích thân chứng đắc. Câu thứ nhất: “Linh minh đỗng triệt, trạm tịch thường hằng” nói về tác dụng của nó (tự tánh). Nay chúng ta gọi “linh”“cảm ứng”; đối với sự cảm ứng tột bậc vi tế, tự tánh đều có thể hiểu được, biết rõ ràng, rành rẽ sự cảm ứng ấy. Nó khởi tác dụng ra sao? Tác dụng là đối với những dao động vô cùng vi tế trong trọn khắp pháp giới, hư không giới, nó đều có thể hiểu rõ. Các khoa học gia hiện thời cũng phát hiện, họ nói trong thế gian này không có vật chất, tất cả hết thảy các hiện tượng đều là hiện tượng dao động, các khoa học gia cận đại đã nói như vậy. Phật pháp bảo khởi nguyên của vũ trụ là một hiện tượng dao động vô cùng vi tế! Trong Tu Hoa Nghiêm Áo Chỉ Vọng Tận Hoàn Nguyên Quán, Hiền Thủ quốc sư đã giảng rất rõ ràng. Trong sách ấy, ba đoạn đầu quả thật [nhằm giải thích] hai câu này: Từ Nhất Thể khởi Nhị Dụng, Nhị Dụng là hiện tượng vật chất và hiện tượng tinh thần sanh khởi.

Khi sanh khởi, tác dụng gồm ba điều:

1) Thứ nhất là “châu biến pháp giới” (trọn khắp pháp giới), “đỗng triệt” (洞徹) là trọn khắp pháp giới. “Linh minh đỗng triệt” là trọn khắp pháp giới hư không giới nó đều hoàn toàn biết, nó có tác dụng ấy! Hiện tượng vật chất cũng như vậy, mà hiện tượng tinh thần vẫn như vậy. Nói theo Phật pháp, hiện tượng vật chất và hiện tượng tinh thần dung hợp với nhau; tuy là hai thứ, nhưng chúng chẳng tách rời! Trong khi chúng ta học tập vấn đề này, dùng điện ảnh hiện thời để làm tỷ dụ, đặc biệt là TV, vì trong hiện tại, gia đình nào cũng hầu như hằng ngày chẳng rời khỏi TV. Tôi tỷ dụ màn hình như tự tánh, các hình ảnh trong TV ví như các hiện tượng dao động sanh khởi, tức là hiện tượng tinh thần và vật chất vĩnh viễn chẳng thể tách lìa tự tánh. Hễ tách lìa thì chúng (các hiện tượng vật chất và tinh thần) sẽ không còn nữa, chúng ắt phải hiển thị trên màn hình. Không có màn hình, chúng chẳng thể hiển thị. Màn hình là chân tánh; những hình tượng ấy là huyễn tướng. Một đằng là chân, một đằng là vọng. Chân là gì? Tướng được hiện trên màn hình sanh diệt trong từng sát-na. Nó có sanh diệt nên là hư huyễn, chẳng thật sự tồn tại. Màn hình là vĩnh hằng, vĩnh hằng không thay đổi, đó là Chân. Nhưng quý vị phải hiểu: Chân vọng bất nhị, chân vọng nhất thể, diệu dụng ở chỗ này. Khi nó khởi ra tác dụng thì sự dao động ấy đúng là trọn khắp pháp giới.

2) Loại thứ hai là “xuất sanh vô tận”. Trong tự tánh có A Lại Da. A Lại Da là thức biến. A Lại Da là cái thức năng biến (có thể biến), hết thảy các hiện tượng là sở biến (cái được biến hiện). Y báo và chánh báo trang nghiêm trong mười pháp giới là sở biến. Năng và Sở bất nhị, năng biến và sở biến là một, không hai. A Lại Da ở đâu? A Lại Da ở trong Tướng Phần, trong Kiến Phần và Tướng Phần đều có, đều chẳng tách rời. Nghiệp Tướng, Chuyển Tướng, Cảnh Giới Tướng tuy một mà ba, tuy ba mà một, quyết định chẳng thể độc lập. Vì thế, gọi là hư huyễn, huyễn tướng, mộng, huyễn, bọt, bóng. Bất luận dưới trạng thái nào, Thể của chúng đều là “trạm tịch thường hằng”, “trạm” () là thanh tịnh, “tịch” () là tịch diệt. Chúng ta dùng cương lãnh tu học trong tựa đề kinh này để nói sẽ dễ hiểu: Trạm là thanh tịnh, Tịch là bình đẳng, Thường Hằng là vĩnh hằng bất biến. Những chữ này nhằm miêu tả tự tánh và sự khởi tác dụng của tự tánh. Thể, Tướng và Dụng như kinh Hoa Nghiêm đã giảng đều thuộc trong một câu này (trạm tịch thường hằng). Vì vậy, câu này quả thật chẳng dễ hiểu cho lắm!

Tiếp theo là “cô minh lịch lịch” (riêng sáng vằng vặc) cũng là hình dung. “Cô” (: một mình) là chỉ có tự tánh, thực sự chỉ có tự tánh là bất sanh, bất diệt, chẳng có đối lập, chẳng có tương đối. Hễ khởi lên tác dụng thì có tương đối, quý vị thấy tinh thần và vật chất là tương đối. Tuy tương đối, chúng dung hợp với nhau, trong tinh thần có vật chất, trong vật chất có tinh thần. Hôm qua, có một vị đồng học tìm được trên mạng Internet, hôm nay đã làm thành DVD, tối qua tôi có xem một chút, hình như [đoạn phim ấy] dài bốn mươi lăm phút. Đó là báo cáo gần đây nhất của một nhà khoa học Mỹ đang khảo sát, nghiên cứu nhằm chứng tỏ nước có ký ức. Nếu sau khi phát hiện này được xác nhận, trong Vật Lý Học sẽ dấy lên một cuộc cách mạng rất lớn, cách mạng gì vậy? Hiện thời, chúng ta nói khoáng vật chẳng phải là sinh vật, nhưng nghiễm nhiên là trong ấy có thấy, nghe, hay, biết, lại còn có ký ức. Có ký ức thì có thể báo thù hay không? Chúng ta xử tệ với nó, nó có báo thù hay không? Nếu có báo thù sẽ phiền lắm. Ngày nay, chúng ta phá hoại núi, sông, đại địa trên địa cầu, phá hoại chúng. Nếu chúng ghi hận, sẽ báo thù; chúng nó sẽ báo thù bằng động đất, bằng thiên tai, rất đáng sợ! Do vậy, trong kinh giáo, đức Phật một mực dạy chúng ta hãy “cung kính hết thảy”. Trong Phật pháp nói tới luân lý, luân lý là nói về quan hệ. Người thế gian chúng ta nói tới luân lý thì chỉ nói về quan hệ giữa con người, Ngũ Luân là quan hệ cha con, quan hệ vợ chồng, quan hệ vua tôi, quan hệ anh em, quan hệ bằng hữu, nói tới những mối quan hệ này. Nhưng quan hệ được giảng trong Phật pháp không chỉ là quan hệ giữa con người với nhau, mà còn là quan hệ giữa con người và hết thảy động vật, Phật pháp giảng khá nhiều quan hệ! Quan hệ giữa con người và các chiều không gian khác nhau, trong các chiều không gian khác biệt lại có sinh vật, còn có mối quan hệ giữa con người và hoa cỏ cây cối, đó là quan hệ với thực vật, quan hệ giữa con người và núi, sông, đại địa, quan hệ giữa con người với trọn khắp pháp giới hư không giới, luân lý được giảng hết sức rộng!

Sau khi đã biết quan hệ, đức Phật sẽ dạy cho chúng ta một tâm thái: Cung kính hết thảy! Quý vị thấy sám nghi trong Phật pháp vừa mở đầu bèn: “Nhất tâm đảnh lễ, nhất thiết cung kính” (nhất tâm đảnh lễ, hết thảy cung kính). Chúng ta cung kính hoa, cỏ, cây cối, cung kính núi, sông, cung kính vạn pháp trong vũ trụ, không có gì chẳng dùng tâm cung kính. Nguyện thứ nhất của Phổ Hiền Bồ Tát là “lễ kính chư Phật”, bao gồm quan hệ luân lý được giảng trong nhà Phật. Đối xử tử tế với vạn vật, hoa, cỏ, cây cối, chúng nó có Thọ, Tưởng, Hành, Thức; trong những năm qua, chúng tôi cũng chứng thực chuyện này. Chúng tôi trồng trọt rau dưa, cây ăn trái đều có cảm ứng, chúng ta khởi tâm động niệm chúng nó sẽ biết, đều có cảm ứng. Chúng tôi đối xử tử tế với chúng, chúng cũng báo đáp rất tốt đẹp: Lá đặc biệt xanh, hoa đặc biệt thơm, quả đặc biệt ngọt, chúng nó báo đáp đấy! Nếu những loài chim nhỏ, trùng nhỏ muốn ăn những loài rau dưa, hoa quả ấy, chúng tôi ước định với chúng nó, chúng tôi cũng chiếu cố chúng nó, chúng nó cũng chiếu cố chúng tôi. Do vậy, vườn rau của chúng tôi nhất định chừa ra một khu nhỏ, khu ấy chuyên dành cho tiểu trùng ăn. Chúng đến đó ăn, chẳng quấy nhiễu những nơi khác. Cây ăn trái cũng vậy, chúng tôi chỉ định mấy cây chuyên dành cho các loài chim nhỏ, chim tới ăn trái cây, sẽ ăn trên mấy cây ấy. Nếu cây không được chỉ định sẵn, chúng nó chẳng quấy nhiễu. Do chúng tôi đối xử hết sức tốt đẹp với những loài trùng nhỏ, chim nhỏ ấy, đôi bên tôn trọng lẫn nhau, chiếu cố lẫn nhau, cho nên hoa quả chẳng cần thuốc sát trùng. Thuốc sát trùng có hại, khi chim nhỏ ăn vào sẽ mắc bệnh, con người ăn vào lâu ngày cũng sanh bệnh, bản thân trái cây cũng bị biến chất. Vì thế, chớ nên dùng những thứ ấy! Không chỉ chớ nên dùng thuốc sát trùng, mà phân hóa học cũng chớ nên dùng. Chúng ta chẳng cần đến những thứ ấy, dùng thiện tâm đối đãi những tiểu động vật và hoa, cỏ, cây cối, sẽ thấy đặc biệt tốt đẹp. Những nông phu lân cận đến thăm nông trường của chúng tôi đều vô cùng kinh ngạc: Các vị dùng phương pháp gì mà trồng tốt đẹp ngần ấy? Tôi bảo họ, tôi dùng phương pháp Niệm Phật để trồng. Trong vườn rau, vườn cây ăn quả, chúng tôi đặt máy niệm Phật, suốt hai mươi bốn giờ phát ra Phật hiệu “A Di Đà Phật” cho cây cối nghe. Chúng tôi chỉ dùng A Di Đà Phật để trồng trọt, những năm qua trồng trọt rất thành công! Vậy thì quý vị hãy nói, đó là đạo lý gì? Ở đây nói “linh minh đỗng triệt, trạm tịch thường hằng” chính là đạo lý và nguyên lý ấy, nó chẳng lìa tự tánh, từ trong tự tánh biến hiện. Do vậy, chúng ta tùy thuận Tánh Đức thì thứ gì cũng tốt đẹp, trái nghịch Tánh Đức sẽ xảy ra phiền phức liền! Khoa học kỹ thuật trái nghịch Tánh Đức, có thể trồng trọt quả, hạt to đùng, nhưng chẳng ngọt, chẳng có mùi vị gì, thoạt nhìn ngon lành lắm, ăn vào chẳng có mùi vị gì! Đó là gì? Đấy là thiên nhiên báo thù, chúng ta đừng nên đối đãi với chúng như thế!

Mấy câu tiếp theo đều là tán thán: “Bỉnh hách hư không” (rạng ngời hư không). Đây là tán thán “hàm dung Không Hữu” (dung chứa Không và Có) trong ba thứ trọn khắp [như sách Hoàn Nguyên Quán đã nói]; đấy cũng là như nhà Phật thường nói: “Tâm bao thái hư, lượng châu sa giới” (tâm bao trùm hư không, lượng trọn khắp các cõi có số lượng nhiều như cát), chẳng có ngằn mé. “Linh quang độc diệu, huýnh thoát căn trần” (linh quang riêng chiếu, vượt thoát căn trần), đây là đặc biệt nói với người tu hành, người tu hành hãy nên làm như thế. “Linh quang độc diệu” là nói về trí huệ, trí huệ viên mãn. Trí huệ viên mãn do đâu mà có? Quý vị có thể buông căn trần xuống, trí huệ và đức tướng trong tự tánh thảy đều hiện ra, “căn” là lục căn, “trần” là lục trần. Thật ra, ở đây vẫn nói về lục thức; nói cách khác, chớ nên chấp tướng! Căn và trần là hiện tượng vật chất. Lục thức: Trong căn trần bao gồm thức. Căn, trần, thức hợp thành mười tám giới. Thức là hiện tượng tâm lý. Hiện tượng vật chất và hiện tượng tâm lý thảy đều phải buông xuống, vì sao? Chúng là giả. “Linh quang độc diệu” là chân, linh quang độc diệu là trí huệ Bát Nhã sẵn có trong tự tánh, vạn đức, vạn năng. Trong kinh Hoa Nghiêm, đức Phật đã dạy: “Hết thảy chúng sanh đều có trí huệ và đức tướng của Như Lai”. Chữ “linh quang” chỉ điều ấy, chỉ cần quý vị buông phân biệt, chấp trước xuống, nó sẽ hiển hiện. “Cố Liên Trì đại sư tán viết: Đại tai chân thể, bất khả đắc nhi tư nghị giả, kỳ duy tự tánh dư” (Vì thế, Liên Trì đại sư ca ngợi: “Lớn thay chân thể! Chẳng thể nghĩ bàn thì chỉ có mỗi tự tánh mà thôi”). Những câu này đều nhằm tán thán tự tánh. Tự tánh cũng là bất đắc dĩ, gượng đặt tên là “tự tánh”, như trong phần trước đã nói: Ngay cả cái tên “tự tánh” cũng đừng nên chấp trước; hễ quý vị chấp trước thì cũng trật rồi!

Đoạn tiếp theo là: “Thật Tướng chi chỉ, như thượng thô minh” (Tông chỉ của Thật Tướng đã được giảng thô thiển như trên đây), tông chỉ của Thật Tướng đã được giảng đại khái trong đoạn trước. Hết thảy các kinh Đại Thừa đều căn cứ trên Thật Tướng của các pháp để nói, đấy là chân tướng của hết thảy các pháp. Đức Phật giảng kinh căn cứ vào đâu? Căn cứ trên chân tướng của hết thảy các pháp để nói. Nói những gì? Những gì Phật nói cũng chẳng rời khỏi chân tướng của hết thảy các pháp. Chúng ta có thể nói: Thích Ca Mâu Ni Phật, thậm chí hết thảy kinh giáo do mười phương ba đời hết thảy chư Phật Như Lai đã nói, đều nhằm giảng những gì? Thật Tướng của chư pháp. Nếu dùng một câu đơn giản, gần gũi để nói thì là “giảng về chân tướng của vũ trụ vạn pháp”, giảng về điều ấy. Tiếp đó, lại nói về bản kinh này: “Chí ư bổn kinh thể tánh” (còn như Thể Tánh của kinh này), đối với bộ kinh Vô Lượng Thọ này, “hà đắc xưng vi Thật Tướng da?” (cớ sao gọi là Thật Tướng), cũng có thể gọi là Thật Tướng ư? “Hạ thân kỳ thuyết”, [nghĩa là] tiếp đó bèn nói rõ, quả đúng như vậy! “Thế Thân Bồ Tát”, ngài Thế Thân (Vasubandhu) còn gọi là Thiên Thân, trong Vãng Sanh Luận có mấy câu như thế này: “Trang nghiêm Phật độ công đức thành tựu, trang nghiêm Phật công đức thành tựu, trang nghiêm Bồ Tát công đức thành tựu, thử tam chủng thành tựu nguyện tâm trang nghiêm, ưng tri” (trang nghiêm cõi Phật công đức thành tựu, trang nghiêm Phật công đức thành tựu, trang nghiêm Bồ Tát công đức thành tựu. Nên biết...). Ba thứ thành tựu ấy là thành tựu trong Tây Phương Cực Lạc thế giới: Phật độ (cõi nước Phật) là y báo, Phật, Bồ Tát là chánh báo. Phật là buông toàn bộ vọng tưởng, phân biệt, chấp trước xuống. Bồ Tát là đang buông xuống, chưa buông sạch sành sanh, chưa triệt để, đấy là Bồ Tát. Bồ Tát (Boddhisattva) là tiếng Phạn, Huyền Trang đại sư giải thích, dịch sang nghĩa tiếng Hán là Giác Hữu Tình. Hữu Tình (Sattva) là còn có tình thức, tình thức chưa đoạn, nhưng đã giác ngộ. Phật thì sao? Phật là Giác, dùng một chữ này là được rồi, phía sau chẳng có Hữu Tình. Phật thật sự giác ngộ viên mãn rốt ráo; Bồ Tát tuy giác ngộ, nhưng tình thức chưa đoạn, Huyền Trang đại sư dịch theo cách ấy. Chúng ta gọi những bản dịch trước thời Huyền Trang đại sư là Cổ Dịch, cổ đại đức dịch chữ Bồ Tát thành Đại Đạo Tâm Chúng Sanh, Đại Đạo Tâm là Giác, Chúng Sanh là Hữu Tình, cũng dịch rất hay! Quả thật là từ Huyền Trang đại sư trở đi, dùng cách gọi Bồ Tát là Giác Hữu Tình khá nhiều!



Ba thứ thành tựu này là y báo và chánh báo trang nghiêm. Quý vị thấy thầy là một vị Phật trang nghiêm, đó là công đức của thầy đã thành tựu, Bồ Tát là học trò. Do vậy, trong thế giới Tây Phương, trong thế giới Hoa Tạng, chúng ta chỉ nhìn thấy người trong các thế giới ấy gồm hai loại người: Một là Phật, hai là Bồ Tát. Trừ hai loại này ra, dường như kinh chẳng nói tới ai khác. Nếu chúng ta quan sát cẩn thận thế giới ấy, sẽ thấy thế giới ấy giống như gì? Thế giới ấy là trường học. Trong trường học, chỉ có thầy và học trò, không có tổ chức chánh phủ nào! Trong thế giới Cực Lạc chẳng nói có quốc vương, trước nay chưa hề nói. Thế giới Hoa Tạng cũng không có một thiên vương nào! Do vậy, những tổ chức như trong thế gian chúng ta chỉ trong lục đạo mới có, bốn thánh pháp giới chẳng có. Trong lục đạo bèn có, Sắc Giới thiên có Đại Phạm Vương (Brahma), Sơ Thiền Thiên có Ma Hê Thủ La Thiên Vương (Maheśvara), Tứ Thiền Thiên; trong Vô Sắc Giới không có! Vô Sắc Giới không có hiện tượng vật chất, chỉ có tinh thần. Nay chúng ta nói tới Duy Vật và Duy Tâm, thì Tứ Thiền và Tứ Không [có thể tạm hiểu là tương ứng với Duy Vật và Duy Tâm]. Tứ Không Thiên là duy tâm, người nơi ấy chẳng có nhục thể, tức là chẳng có hiện tượng vật chất. Do vậy, họ cũng chẳng cần sống trong cung điện, chẳng cần! Chúng ta gọi họ là “linh giới”, hoàn toàn là hiện tượng tinh thần. Nếu không có nhục thể thì là u linh; nhưng trong vật chất, nhất định có hiện tượng tinh thần. Trên thực tế, trong hiện tượng tinh thần vẫn có hiện tượng vật chất, nhưng chúng ta chẳng thấy hiện tượng vật chất ấy, Phật, Bồ Tát thấy được, A La Hán cũng thấy được. Đấy là nói rõ tinh thần và vật chất vĩnh viễn chẳng tách rời. Trong sắc có hiển sắc và bất hiển sắc, nhà Phật gọi [bất hiển sắc] là Vô Biểu Sắc (Avijñapti-rūpa). Thật ra, loại sắc này đối với chúng ta cũng chẳng khó hiểu. Mỗi người chúng ta đều có kinh nghiệm nằm mộng, trong mộng có sắc hay không? Có sắc tướng, chính mình nhìn thấy sắc tướng ấy rõ ràng, nhưng người khác chẳng nhìn thấy, đó là Vô Biểu Sắc. Chúng ta tưởng tượng, nghĩ đến Bắc Kinh, nghĩ đến Cố Cung, Cố Cung bèn hiện tướng ngay trong óc, chính chúng ta nghĩ đến rất rõ ràng, chúng ta biết, nhưng khi ta nghĩ, người khác chẳng biết. Thế nhưng đối với người có công phu, quý vị nghĩ gì, hiện ra tướng gì, người ấy sẽ thấy, nhưng người thường chẳng thể thấy. Điều này chứng tỏ vật chất và tinh thần vĩnh viễn chẳng thể tách rời. Nói duy tâm hay duy vật đều chẳng thỏa đáng, chúng là một Thể, chẳng thể chia thành hai phương diện. Chia thành hai phương diện là trật rồi! Giống như hiện thời chúng ta nói đến TV, màn hình TV và sắc tướng chẳng phải là một chuyện, nhưng chúng là nhất thể. Quý vị chẳng có cách nào tách rời chúng; hễ tách rời sẽ chẳng có. Câu tiếp theo rất quan trọng, phải nên biết, quý vị cần phải biết:

“Lược thuyết nhập nhất pháp cú cố” (nói đại lược [thì ba thứ trang nghiêm ấy] đều gồm trong một pháp cú), pháp cú gì vậy? Tiếp đó, sách có giải thích: “Nhất pháp cú giả, vị thanh tịnh cú” (một pháp cú là thanh tịnh cú). Thanh tịnh cú (câu thanh tịnh) là gì? “Thanh tịnh cú giả, vị chân thật trí huệ vô vi Pháp Thân cố” (Thanh tịnh cú là “Pháp Thân vô vi trí huệ chân thật”). Nói rõ ràng, trí huệ chân thật vốn trọn đủ trong tự tánh của chúng ta, đấy cũng là như trong kinh giáo, đức Phật thường nói “kiến, văn, giác, tri”, có thể thấy, có thể nghe, có thể cảm nhận, có thể biết. Đã thế, trong kiến văn giác tri chắc chắn chẳng nẩy sanh sai lầm, vì sao? Nó là tánh đức, là trí huệ chân thật. Khi giác ngộ, người ấy chẳng lấy thân này làm thân, thân này là sắc thân, là nhục thân, người ấy chẳng coi cái thân này làm thân [chân thật], biết thân này là giả, nên lấy Pháp làm thân. Pháp là gì? Toàn thể vũ trụ. Trong Phật pháp nói hết thảy vạn vật trọn khắp pháp giới hư không giới thảy đều là thân, do tự tánh biến hiện ra. Thân thể này của chúng ta vẫn là tự tánh, chẳng lìa khỏi tự tánh, giống như chúng ta xem TV, tất cả sắc tướng chẳng thể rời khỏi màn hình. Pháp Thân là gì? Màn hình là Pháp Thân, hết thảy các tướng được hiện trong màn hình đều là Pháp Thân, không có gì chẳng phải là Pháp Thân. Sau khi chúng ta hiểu rõ thân này chính là Pháp Thân, cũng là một trong các Pháp Thân. Tất cả hết thảy thân động vật đều là Pháp Thân, là một, không hai với ta, quả thật là một Thể. Chúng ta khởi tâm động niệm, mỗi thân ấy đều nhận được tin tức, mỗi cá nhân khởi tâm động niệm đều có thể giao thoa lẫn nhau, vô cùng nhạy bén, chẳng sai lầm tí nào! Cho đến cây cối, hoa, cỏ, núi, sông, đại địa, vô lượng vô số tinh cầu, tinh hệ trong vũ trụ, chẳng có gì không liên quan mật thiết với nhau, trao đổi khít khao với nhau trong từng sát-na. Nhà Phật dùng cái lưới làm tỷ dụ, tức là lưới trời của Đế Thích Thiên, giao thoa như vậy. Do vậy, theo vũ trụ quan của nhà Phật, vũ trụ là một Thể, có quan hệ mật thiết như vậy, đấy là Pháp Thân. Pháp Thân vô vi, nhưng không gì chẳng làm. “Vô vi” là nói về tự tánh, “không gì chẳng làm” là nói về A Lại Da. A Lại Da là vọng tâm, tự tánh là chân tâm, chân vọng bất nhị. Vì thế, điều này khác với triết học! Thời đầu Dân Quốc, Âu Dương Cánh Vô đại sư82 trong bài phát biểu nhân dịp giảng diễn lần thứ tư tại đại học Trung Sơn, khi ấy cũng gây chấn động trong giới học thuật. Ông ta nói: “Phật pháp chẳng phải là tôn giáo, chẳng phải là triết học, mà là nhu cầu tất yếu trong hiện thời”, nêu ra một lập luận như thế. Chẳng phải là tôn giáo thì chúng ta chẳng bàn tới, vì sao chẳng phải là triết học? Triết học có Năng và Sở (chủ thể và khách thể, chủ quan và khách quan), Phật pháp tuy nói đến Năng và Sở, nhưng Năng và Sở là một, chẳng hai. Do vậy, đấy chẳng phải là phạm trù triết học (Category)83, nên chẳng thể bảo Phật giáo là triết học được! Vậy thì nên nói là gì? Phật pháp là Phật pháp, không thể dùng danh từ nào khác để thay thế! Đó là cách nói của Âu Dương đại sư, chúng ta nghe xong cũng cảm thấy rất có lý, ông ta nói Phật giáo là nhu cần tất yếu trong hiện thời, câu nói này hết sức nói thẳng vào trọng tâm!

Do vậy, vô vi là Thể, hữu vi là Dụng. Vô vi là thanh tịnh, tịch diệt; hữu vi là cái thứ hai trong ba thứ “trọn khắp” (tam chủng châu biến) [được nói trong Hoàn Nguyên Quán]: “Xuất sanh vô tận”. Sau khi chúng ta hiểu rõ chân tướng, dùng tâm thái gì để đối ứng? “Hàm dung Có và Không”. Tâm lượng của quý vị vốn to như vậy, hết thảy đều có thể bao dung. Bao dung thì sẽ chẳng so đo, đúng là “tâm bao thái hư, lượng châu sa giới”, vốn là như vậy, mỗi mỗi đều là như vậy. “Thử luận trực hiển Sự Lý vô ngại chi Nhất Chân pháp giới. Tức Sự nhi chân, đương tướng tức đạo” (Luận này đã hiển thị trực tiếp Nhất Chân pháp giới Sự Lý vô ngại, do chính từ Sự mà nhập Chân, ngay nơi tướng chính là đạo). Đây là nói về chư Phật, Bồ Tát và hoàn cảnh sống của họ trong thế giới Cực Lạc, nay chúng ta gọi đó là vũ trụ. Cụ Hoàng vô cùng tán thán mấy câu này của Thế Thân Bồ Tát trong Vãng Sanh Luận. Khi chúng tôi gặp mặt, cụ cũng thường nhắc tới, cũng thường trích dẫn mấy câu này để chỉ rõ thế giới Cực Lạc là Nhất Chân pháp giới Sự Lý vô ngại. “Tức Sự nhi chân”, Sự là Tướng, Chân là Tánh, Tánh Tướng bất nhị, Tánh Tướng như một. “Đương tướng tức đạo”, Đạo là nói về Tánh, Tướng là nói về Sự. Hai câu này (tức “tức Sự nhi Chân”“đương tướng tức đạo”) có ý nghĩa tương đồng. “Cực Lạc thế giới chủng chủng y chánh trang nghiêm, nhất nhất giai thị chân thật trí huệ vô vi Pháp Thân” (Các thứ y báo và chánh báo trang nghiêm trong thế giới Cực Lạc, mỗi thứ đều là Pháp Thân vô vi trí huệ chân thật). Ở đây, cụ Hoàng đã giảng ý nghĩa lời nói của Thiên Thân Bồ Tát theo Lý, “chân thật” là tự tánh, “trí huệ” là Bát Nhã, “vô vi” là Đức, Pháp Thân là Tướng, chúng là nhất thể. “Nhất nhất tức thị Thật Tướng” (mỗi mỗi chính là Thật Tướng). Pháp vốn là như vậy, tự tánh là Thật Tướng, Bát Nhã là Thật Tướng, Đức cũng là Thật Tướng, Tướng cũng là Thật Tướng. “Cố vân bổn kinh dĩ Thật Tướng vi Thể dã” (Vì thế nói: Kinh này lấy Thật Tướng làm Thể vậy). Đây là nói theo Vãng Sanh Luận của Thiên Thân Bồ Tát.

Tiếp theo đó: “Minh Cừ Am đại sư viết: ‘Quỳnh lâm ngọc chiểu” (Cừ Am đại sư đời Minh nói: “Rừng quỳnh, ao ngọc”), “quỳnh lâm” là cây báu trong thế giới Tây Phương, “ngọc chiểu” là ao sen. Trong Đại Bổn lẫn Tiểu Bổn chúng ta đều thấy điều này. “Trực hiển ư tâm nguyên” (hiển hiện trực tiếp nguồn tâm), “tâm nguyên” là tự tánh. “Thọ lượng, quang minh, toàn chương ư tự tánh” (thọ lượng, quang minh, phô bày trọn vẹn tự tánh), thọ lượng là đức, quang minh là trí, phô bày trọn vẹn tự tánh, thảy đều là tự tánh viên mãn thấu lộ, chúng ta thường nói là “tự tánh phóng quang, quang minh biến chiếu” (tự tánh tỏa ánh sáng, quang minh chiếu khắp) chính là nói đến ý nghĩa này. “Chương” là “chương hiển” (彰顯: phô bày rõ rệt). Trong bộ Viên Trung Sao, U Khê đại sư cũng nói đến ý nghĩa này giống như vậy: “Quỳnh lâm, ngọc chiểu, thọ lượng, quang minh, cố nhất thiết chư pháp chi tướng dã, nhiên tắc trực hiển ư tâm nguyên, toàn chương ư tự tánh, cố hà tướng chi khả đắc tai” (Rừng quỳnh, ao ngọc, thọ lượng, quang minh vốn là tướng của hết thảy các pháp, nên chúng đã hiển lộ trực tiếp nguồn tâm, phô bày trọn vẹn tự tánh thì có tướng nào để đạt được?). Tướng chính là phi tướng, phi tướng chính là tướng, đấy là giáo pháp Đại Thừa đến chung cực nhập pháp môn Bất Nhị. Nhập pháp môn Bất Nhị tức là như đức Phật thường chỉ dạy chúng ta “chớ khởi tâm, đừng động niệm, chẳng phân biệt, chẳng chấp trước”, quý vị sẽ khế nhập. Làm được “chẳng phân biệt, chẳng chấp trước” thì vẫn chưa được, vẫn chưa nhập pháp môn Bất Nhị. Nhập pháp môn Bất Nhị là Pháp Thân Bồ Tát, theo như kinh Hoa Nghiêm đã giảng, đó là bậc Sơ Trụ trong Viên Giáo trở lên! Buông phân biệt, chấp trước xuống, nhưng còn có khởi tâm động niệm, quý vị vẫn chưa thoát khỏi mười pháp giới. Chưa ra khỏi mười pháp giới, quý vị sẽ chẳng có cách nào khế nhập cảnh giới Bất Nhị. Đấy là một giới hạn rất lớn, là ranh giới giữa phàm và thánh. Vượt thoát mười pháp giới bèn minh tâm kiến tánh, chúng ta thường nói là “thành Phật”. Cư sĩ Giang Vị Nông chú giải kinh Kim Cang, trong bộ Kim Cang Kinh Giảng Nghĩa của chính ông, đã giảng về chư Phật Như Lai. Quý vị thấy ông giải thích chữ “chư Phật” chẳng phải là nhiều vị Phật, mà “chư Phật” là bốn mươi hai tầng cấp, tức Thập Trụ, những địa vị ấy đều thuộc Viên Giáo, [ngoài] Thập Trụ [ra, còn có] Thập Hạnh, Thập Hồi Hướng, Thập Địa, Đẳng Giác, Diệu Giác. Ông ta giải thích “chư Phật Như Lai” là bốn mươi hai địa vị chư Phật Như Lai. Minh tâm kiến tánh bèn thành Phật, minh tâm kiến tánh là đã buông khởi tâm động niệm xuống, chẳng khởi tâm, chẳng động niệm, đương nhiên chẳng có phân biệt, chấp trước.

Trong cảnh giới này, vì sao còn có bốn mươi hai tầng cấp? Không khởi tâm, không động niệm, cớ sao vẫn còn có tầng cấp? Có tầng cấp thì chẳng phải là có khởi tâm động niệm ư? Chẳng khởi tâm, chẳng động niệm, đức Phật nói có bốn mươi hai tầng cấp. Chúng ta có thể hiểu: Bốn mươi hai tầng cấp ấy chẳng thể nói là có, mà cũng chẳng thể nói là không có, chẳng phải có, chẳng phải không. Nếu quý vị nói có thì do chẳng khởi tâm động niệm, lấy đâu ra bốn mươi hai tầng cấp? Quý vị nói chúng là không có, thì họ (các vị Pháp Thân Bồ Tát) chưa đoạn tập khí vô minh. Không khởi tâm, không động niệm là đoạn vô minh; vô minh đã đoạn rồi, nhưng còn có tập khí vô minh. Tập khí vô minh có dầy hay mỏng khác nhau, nên vừa mới đoạn vô minh, tập khí còn rất nồng, sau đó, [cảnh giới] càng cao lên, [tập khí vô minh] càng nhạt bớt. Chữ “tập khí” cũng chẳng dễ hiểu, nên cổ đức dùng bình rượu làm tỷ dụ, tỷ dụ này rất hay! Bình đựng đầy rượu, đổ sạch đi, đổ hết, lau chùi sạch bóng bên trong, một giọt cũng chẳng còn, thật sự chẳng có tí rượu nào, nhưng vẫn ngửi thấy mùi. Đó gọi là Tập Khí. Mùi vị ấy không lau mất được, nhưng nó cũng chẳng trở ngại Sự. Quý vị đem thứ khác đựng trong đó cũng chẳng ngại Sự. Tập khí ấy sau một thời gian lâu dài sẽ tự nhiên chẳng còn. Do vậy, trong cõi Thật Báo, họ dụng công đoạn tập khí ấy, chẳng có cách nào khác, nên gọi là Vô Công Dụng Đạo. Trong ấy, chớ nên có một tí ý niệm nào! Hễ quý vị khởi niệm sẽ đọa lạc, vậy là không được rồi! Vì thế, người ấy chắc chắn chẳng khởi tâm, không động niệm. Khi ấy, phiền não đã đoạn hết, chẳng cần phải dụng công đoạn phiền não. Lúc đó, tâm từ bi trong tự tánh hiện tiền, kẻ ấy đã đạt được chân thành, thanh tịnh, bình đẳng, chánh giác, từ bi trong tự tánh, các Tánh Đức xuất hiện, người ấy và hết thảy chúng sanh trong trọn pháp giới hư không giới sanh khởi sự cảm ứng đạo giao, chúng sanh có cảm, người ấy bèn ứng.

Hàng Sơ Trụ Bồ Tát trong Viên Giáo có năng lực này: Nên dùng thân Phật để độ, bèn hiện thân Phật để nói pháp. Như trong phẩm Quán Thế Âm Phổ Môn [của kinh Pháp Hoa] đã nói về ba mươi hai ứng thân [của Quán Thế Âm Bồ Tát]: Nên dùng thân gì để độ được, bèn hiện thân ấy. Bản thân Phật, Bồ Tát chẳng có ý nghĩ “ta phải hiện thân gì”, [nếu các Ngài có ý nghĩ như vậy] thì sẽ là phàm phu. Các Ngài không có Ngã, Ngã của các Ngài là Pháp Thân, chứ không có một cái Ngã đơn độc, không có ý niệm ấy! Pháp Thân ở nơi đâu? Pháp Thân trọn khắp pháp giới hư không giới, không chỗ nào chẳng tồn tại, không lúc nào chẳng hiện diện, một niệm của chúng ta bèn khởi cảm ứng. Do vậy, có bốn loại cảm ứng, chắc chắn có cảm ứng. Có khi có cảm ứng, nhưng bản thân chúng ta nghiệp chướng quá nặng nên chẳng thể thấy được, nhưng thật sự có cảm ứng. Biết chân tướng sự thật này, sẽ biết: Trong hết thảy chỗ, hết thảy lúc, chớ nên có ý niệm bất thiện. Đừng nghĩ không ai biết! Dấy lên một niệm bất thiện, chư Phật, Bồ Tát với số lượng chẳng biết nhiều hơn số người trên địa cầu bao nhiêu lần, các Ngài đều biết. Không chỉ chư Phật, Bồ Tát biết, mà như trong mấy đoạn trước chúng tôi cũng đã nói rất rõ ràng, tất cả vật chất đều có kiến văn giác tri, chúng đều biết! Ở nơi đây, chúng ta khởi tâm động niệm, bàn ghế có biết hay không? Biết. Vì sao? Hết thảy vật chất đều có Thọ, Tưởng, Hành, Thức, ý niệm dấy lên, chúng bèn cảm nhận, chúng cũng có thể suy nghĩ!

Trong sách Hoàn Nguyên Quán đã giảng chuyện này rất rõ ràng, rất minh bạch, nhỏ đến mức độ nào? Nhà Phật nói “vi trần”. Ba thứ châu biến (trọn khắp) trong Hoàn Nguyên Quán đều lấy một vi trần làm tỷ dụ. Một hạt vi trần, nhục nhãn chẳng thể thấy, khoa học hiện thời gọi nó là nguyên tử, điện tử, hạt cơ bản, năng lượng của một hạt vi trần như thế trọn khắp pháp giới. Sau khi mê, năng lượng ấy biến thành Thọ, Tưởng, Hành, Thức, trong tự tánh, nó được gọi là kiến văn giác tri. Trong A Lại Da, chúng được gọi là Thọ, Tưởng, Hành, Thức; Thọ là năm thức trước, Tưởng là thức thứ sáu, Hành là thức thứ bảy, cái cuối cùng là A Lại Da Thức. Thức trong “Thọ, Tưởng, Hành, Thức” chính là A Lại Da Thức. A Lại Da Thức là năng lượng, hai thức thứ sáu và thứ bảy là phân biệt và chấp trước, nay chúng ta gọi chúng là “thông tin”. Năm thức đầu là do vật chất khởi tác dụng, chúng có Thọ. Năm thức đầu là Thọ, chúng có thể tiếp nhận, có năng lực tiếp nhận. Vì thế, mỗi hạt cơ bản đều có Thọ, Tưởng, Hành, Thức; thân thể của chúng ta do bao nhiêu hạt cơ bản hợp thành, mỗi hạt cơ bản đều có Thọ, Tưởng, Hành, Thức. Trong kinh, đức Phật thường nói một sợi lông trên thân con người, nói theo y báo, tức là nói theo phương diện vật chất, mỗi vi trần đều có Thọ, Tưởng, Hành, Thức. Vì thế, các nhà khoa học hiện thời dùng nước làm thí nghiệm, [nhận thấy] nước có thể thấy, nghe, hiểu được ý nghĩ của con người, nó có cảm nhận, có Thọ, Tưởng, Hành. Hiện thời, họ còn thí nghiệm thấy nó có ký ức, ký ức ấy là Thức. A Lại Da Thức chứa đựng chủng tử, ký ức ấy chính là Thức khởi tác dụng, nó có toàn bộ Thọ, Tưởng, Hành, Thức, thảy đều trọn đủ. Đây chính là nói trong vật chất có đủ tâm pháp. Nhà Phật nói Ngũ Uẩn thì Sắc là hiện tượng vật chất, Thọ, Tưởng, Hành, Thức là hiện tượng tâm lý, bất luận trong vật thể nào cũng đều có, nhưng quý vị chẳng nhận biết. Vì thế, Phật pháp quả thật là phi thường! Tới khi nào mới có thể nhận biết hiện tượng này? Nói thông thường thì là khi đã đại triệt đại ngộ, minh tâm kiến tánh sẽ trông thấy hiện tượng này, triệt để hiểu rõ, trông thấy duyên khởi của vũ trụ. Duyên khởi của vũ trụ là lúc nào? Ngay trong lúc này, chẳng có quá khứ lẫn vị lai, mà là một niệm ngay trong lúc này! Thời gian và không gian là giả, là ảo giác. Trong Phật pháp, thời gian và không gian được gọi là Bất Tương Ứng Hành Pháp. Nói theo cách bây giờ, Bất Tương Ứng Hành Pháp là khái niệm trừu tượng, không có sự thật, [duyên khởi vũ trụ là] ngay lập tức.



Hai câu kế tiếp là: “Thử chánh vô tướng bất tướng” (đấy chính là vô tướng mà chẳng phải là không có tướng), vô tướng nhưng chẳng phải là không có tướng, câu này có ý nghĩa như vậy! “Tướng nhi vô tướng chi chánh thể” (cái chánh thể tuy có tướng nhưng là vô tướng), đó là Thật Tướng. Điều này nêu rõ đức Phật nói kinh Vô Lượng Thọ cũng là dựa trên Thật Tướng để nói. “Cái ngô nhân tâm tánh, lượng đồng pháp giới, linh minh đỗng triệt, trạm tịch thường hằng, thụ cùng tam tế, hoành biến thập phương. Cực Lạc quốc độ, phi tại tâm ngoại. Bách giới thiên như, giai ngã bổn cụ” (ấy là vì tâm tánh của chúng ta lượng bằng pháp giới, linh minh đỗng triệt, trạm tịch thường hằng, theo chiều dọc cùng tận ba đời, theo chiều ngang trọn khắp mười phương. Cõi nước Cực Lạc chẳng phải ở ngoài tâm, bách giới thiên như ta đều sẵn đủ). Đây là chân tướng sự thật. Tâm tánh của chúng ta lượng đồng pháp giới, pháp giới (tức là vũ trụ) không có ngằn mé, vì sao? Tâm tánh không có ngằn mé. Cổ nhân Trung Quốc đã nói hai câu: “Kỳ đại vô ngoại, kỳ tiểu vô nội” (không có gì lớn mà ra ngoài được, không có gì nhỏ nhoi chẳng gồm trong), [đó là] người Trung Quốc miêu tả tâm tánh. Do vậy, tôi nói tổ tiên của chúng ta là Phật, Bồ Tát tái lai, tuyệt đối chẳng phải là giả, họ nói hoàn toàn giống như Phật, quý vị hãy suy nghĩ hai câu nói ấy: “Kỳ đại vô ngoại, kỳ tiểu vô nội”, quyết định chẳng có ngằn mé, quý vị tìm ngằn mé chẳng ra! Các nhà khoa học và vật lý học hiện thời bảo: Vũ trụ mênh mông, chẳng có cái gì to lớn vượt ra khỏi nó, Lượng Tử Lực Học (Quantum Mechanics) nói về “kỳ tiểu vô nội”, nghiên cứu hai cực đoan này! Nghiên cứu cách nào đi nữa, vẫn chẳng có cách nào vượt khỏi những gì kinh điển đã nói, vì sao? Nhờ vào các máy móc, nhờ vào toán học đều chẳng có cách nào, đều là còn có giới hạn. Vì sao đức Phật biết? Đức Phật chứng đắc bằng Thiền Định. Khởi tâm động niệm, phân biệt, chấp trước Ngài thảy đều buông xuống; sau khi buông xuống, chân tướng ấy bèn rõ ràng, hiện tiền. Sau đấy mới hiểu: Khởi tâm động niệm là vô thỉ vô minh phiền não. Dùng từ ngữ này rất hay, vô thỉ vô minh phiền não, nó chẳng có khởi đầu, vì sao? Nhất niệm, đó là nhất niệm [vô minh]. Chúng ta bị phiền phức vì sau một niệm lại có một niệm khác tiếp nối, sanh ra tướng tương tục (tướng tiếp nối). Nếu nhất niệm là giác ngộ, tướng tương tục sẽ chẳng sanh, ngay lập tức Thường Tịch Quang hiện tiền. Do vậy, vấn đề chẳng có trước hay sau, quả thật là “đương hạ nhất niệm” (một niệm ngay trong hiện tại), quý vị chẳng nắm bắt niệm ấy được, nó quá nhanh. Trong một giây có bao nhiêu niệm? Nếu khảy ngón tay năm lần [trong một giây], sẽ là một ngàn sáu trăm triệu, làm sao quý vị có thể nắm bắt được? Do nó là giả, chẳng phải là thật, nên chẳng cần phải quan tâm, hễ bận tâm là trật rồi! Bận tâm sẽ sanh phiền não, quý vị bèn đọa vào vô minh, hết thảy đều buông xuống là đúng, chân tâm sẽ hiện tiền. Trong chân tâm có vô lượng trí huệ, vô lượng đức năng, nhà Phật gọi [những điều ấy] là công đức, vô lượng công đức trang nghiêm, trang nghiêm là tướng hảo. Vì thế, lượng đồng pháp giới.

Pháp giới, nói theo những cái nhỏ nhoi thì chẳng điều nhỏ nhặt nào không bao gồm. Nhà Phật nói trong vi trần có thế giới. Trong vi trần có thế giới, nhưng vi trần chẳng phình to, thế giới chẳng rút nhỏ, chúng bình đẳng như nhau! Phổ Hiền Bồ Tát có thể tiến nhập thế giới trong một vi trần để lễ Phật, cúng dường, nghe kinh, Phổ Hiền Bồ Tát có năng lực ấy. Vì sao Phổ Hiền Bồ Tát có năng lực ấy? Phổ Hiền Bồ Tát trở về tự tánh; bởi lẽ, mỗi nguyện trong mười đại nguyện vương của Ngài đều tương ứng viên mãn với tự tánh, Ngài có năng lực vào thế giới trong vi trần để lễ Phật, tham học. Chúng ta phải hiểu: Bên trong thế giới ở trong vi trần ấy lại có vi trần, trong vi trần ấy lại có thế giới, trùng trùng vô tận, đấy là Pháp Tánh. Do vậy, nhà Phật thường nói: “Rộng không ngằn mé, sâu không có đáy” là nói đến đạo lý này. Không có [ngăn ngại, giới hạn]! Không có đáy. Pháp Tánh vốn là như thế, vốn là như vậy. “Linh minh đỗng triệt, trạm tịch thường hằng”, là nói về tác dụng [của Pháp Tánh]. “Thụ cùng tam tế, hoành biến thập phương” (theo chiều dọc cùng tột ba đời, theo chiều ngang trọn khắp mười phương), “thụ” () là nói đến “tam tế” (三際), tức quá khứ, hiện tại, vị lai; một đằng nói về thời gian, một đằng nói về không gian. “Hoành biến thập phương” là nói về không gian. “Trọn khắp thời gian và không gian” là nói về tự tánh. Sau đấy, lại nói với quý vị: “Cực Lạc quốc độ, phi tại tâm ngoại” (cõi nước Cực Lạc chẳng ở ngoài tâm), do tự tánh biến. “Bách giới thiên như, giai ngã bổn cụ” (bách giới thiên như đều là thứ ta vốn sẵn có) là nói về toàn thể vũ trụ. “Thiên như” chính là mười món Như Thị được nói trong kinh Pháp Hoa, ngài Thiên Thai triển khai Thập Như Thị thành Thiên Như (một ngàn món như thị)84. Triển khai mười pháp giới, mỗi pháp giới đều trọn đủ mười pháp giới, nên [mười nhân mười] thành “bách giới”. Đấy là nói tới vô lượng vô biên thế giới trong toàn thể vũ trụ. Những điều được nói trong các phẩm Hoa Tạng Thế Giới và Thế Giới Thành Tựu của kinh Hoa Nghiêm đã giảng trọn hết tám chữ ấy, đều là những thứ vốn sẵn trọn đủ trong tự tánh.

Kế đó là lời kết luận, quý vị hiểu ngay: “Tâm tịnh tắc Phật độ tịnh, độ tịnh tức ngã tâm tịnh” (Tâm tịnh ắt cõi Phật tịnh, cõi tịnh thì tâm ta tịnh). Nếu hiện thời chúng ta muốn giải quyết vấn đề của địa cầu, cứu vớt địa cầu bằng cách nào ư? [Vận dụng] hai câu ấy là đủ rồi, tâm chúng ta tịnh, địa cầu sẽ thanh tịnh; địa cầu thanh tịnh, chứng tỏ tâm chúng ta thanh tịnh, vì chúng có cùng một Thể; cho nên cảm ứng hết sức nhạy bén. Ngày nay chúng ta phá hoại địa cầu, quý vị có phá hoại địa cầu hay không? Có! Ta phá hoại địa cầu khi nào? Mỗi ngày quý vị nghĩ đến tham, sân, si, mạn, mỗi ngày nghĩ tổn người lợi mình, chính là quý vị phá hoại địa cầu. Quý vị vì tự tư tự lợi mà tạo tiếng tăm, lợi dưỡng, tham cầu hưởng thụ ngũ dục lục trần, những điều ấy đều là sai lầm, tâm hạnh bất thiện tức là phá hoại địa cầu. Nói gần gũi hơn một chút, quý vị phá hoại thân của chính mình, thân thể này là tiểu vũ trụ, bên ngoài là đại vũ trụ. Tư tưởng bất thiện khiến cho thân thể quý vị chẳng khỏe mạnh, thật đấy! Chẳng giả tí nào! Thân thể con người là một cỗ máy; nếu quý vị biết quý trọng cỗ máy ấy, sẽ có thể sử dụng bao lâu? Trước kia, thầy tôi là lão cư sĩ Lý Bỉnh Nam cho tôi biết, thầy tinh thông Trung Y, y học rất cao minh, cụ bảo tôi [nếu bảo dưỡng thân thể đúng mực], tối thiểu phải sử dụng hai trăm năm. Quý vị không sống tới hai trăm năm là do chính mình đã làm hư hỏng [thân thể]. Do vậy, chúng ta thấy đạo lý này trong kinh Phật: “Tâm tịnh, ắt cõi Phật thanh tịnh”. Nếu chúng ta chỉ dùng cái tâm thanh tịnh, chắc chắn thân thể này có thể sống đến hai trăm tuổi, mà còn có thể nhiều hơn nữa. Trung Quốc có cụ Bành Tổ85 sống tám trăm tuổi. Kẻ bình phàm chúng ta chẳng dám tin [chuyện ấy], có phải là truyền thuyết hay chăng? Nếu chiếu theo kinh Phật để nói thì [Bành Tổ sống đến tám trăm tuổi] là chuyện có thể xảy ra!

Thích Ca Mâu Ni Phật có một vị đệ tử vẫn còn ở trên thế gian, chưa nhập diệt, ai vậy? Tôn giả Đại Ca Diếp. Ngài phải đợi Di Lặc Bồ Tát đến thế gian này thị hiện thành Phật, đem y bát của Thích Ca Mâu Ni Phật trao cho Di Lặc Phật. Ngài làm đại biểu, cho nên phải lưu lại thân thể trên thế gian. Phải lưu lại bao nhiêu năm? Phải lưu lại mấy chục ức năm. Có thể hay chăng? Có thể chứ! Hết thảy các pháp sanh từ tâm tưởng. Nhìn từ chỗ này, Bành Tổ tám trăm tuổi quá dễ dàng, có trở thành vấn đề hay chăng? Không thành vấn đề! Vì vậy, thọ mạng của chúng ta dài hay ngắn do chính tay ta thao túng, chẳng do người khác, phải biết điều gì? Tâm tịnh là trọng yếu, tâm thanh tịnh chẳng thể có ô nhiễm! Nghĩa là nhất định phải buông vọng tưởng, chấp trước xuống, đối với hết thảy các pháp thế gian và xuất thế gian chẳng chấp trước nữa, tâm thanh tịnh hiện tiền; chẳng còn phân biệt nữa, tâm bình đẳng hiện tiền. Có phân biệt sẽ bất bình đẳng; có chấp trước sẽ chẳng thanh tịnh. Tựa đề kinh ghi “thanh tịnh, bình đẳng, giác”, thật sự đạt tới “thanh tịnh, bình đẳng, giác” sẽ tự nhiên khai ngộ! Đấy là đại triệt đại ngộ, minh tâm kiến tánh. Do vậy, khởi tâm động niệm của chúng ta có quan hệ mật thiết với thân thể của chúng ta, mà cũng có quan hệ mật thiết với hoàn cảnh, cũng có quan hệ mật thiết với núi, sông, đại địa. Biết mối quan hệ này, biết chân tướng sự thật này, chúng ta sẽ biết: Chúng ta có thể cứu địa cầu này, có thể hóa giải tai nạn này, phương pháp là dùng “thanh tịnh, bình đẳng, giác”. Chính mình phải nghiêm túc học tập, lại còn phải giảng cho người khác nghe, vì sao? Người khác có cộng nghiệp với chúng ta, nhiều người có cái tâm thanh tịnh bình đẳng, tai nạn sẽ chẳng xảy ra, chẳng có! Vì thế, người giác ngộ, sau khi giác ngộ chỉ có một sứ mạng là giáo học, giúp đỡ kẻ chưa giác ngộ, chuyện là như thế đấy. Trừ chuyện này ra, chẳng có chuyện gì khác!

Hà hữu nhất pháp, tại ngã tâm ngoại” (há có pháp nào ở ngoài tâm ta), tổ sư đại đức thường nói: “Tâm ngoại vô pháp, pháp ngoại vô tâm” (ngoài tâm chẳng có pháp, ngoài pháp chẳng có tâm), tâm là tự tánh, không có một pháp nào ở ngoài tâm. “Bổn kinh sở thuyên, trực hiển bổn tâm, toàn chương tự tánh. Đương tướng tức đạo, vô phi Thật Tướng” (Những điều được nói trong kinh này nhằm chỉ thẳng cái tâm, phô bày trọn vẹn tự tánh. Từ ngay nơi Tướng chính là Đạo, không gì chẳng phải là Thật Tướng), mấy câu này nói rất hay! Đức Phật nói kinh Vô Lượng Thọ, nói ra bộ kinh này, các vị tổ sư đại đức thuở xưa đã giới thiệu cho chúng ta biết: Thuở đức Thế Tôn tại thế, Ngài đã nhiều lần tuyên giảng bộ kinh này. Hết thảy các kinh chỉ được đức Phật giảng một lần, chẳng giảng lần thứ hai, chỉ mình kinh Vô Lượng Thọ được giảng rất nhiều lần, những dấu vết hiện thời cho thấy tối thiểu kinh này được giảng ba lần! Nhưng kinh Vô Lượng Thọ từ đời Hán tới đời Tống, trong tám trăm năm ấy, tổng cộng được phiên dịch mười hai lần, tức là vốn có mười hai bản dịch. Rất đáng tiếc trong mười hai bản dịch ấy, có bảy bản bị thất truyền. Trong mục lục của Đại Tạng Kinh thì có [ghi tựa đề những bản dịch ấy], nhưng kinh không còn. Thất truyền bảy loại, còn giữ được năm loại. Năm loại ấy trong Đại Tạng Kinh đều có. Năm bản ấy sai khác rất lớn; nếu là bản gốc chỉ có một, chẳng thể nào có sai biệt lớn như vậy, mà phải là như thường nói: “Đại đồng tiểu dị”. Quý vị nói kinh Kim Cang có sáu bản dịch khác nhau, quý vị hãy xem kỹ trong Đại Tạng Kinh, [sáu bản ấy] đại đồng tiểu dị. Trong kinh Vô Lượng Thọ, phần quan trọng nhất là bổn nguyện tức là lời phát nguyện của A Di Đà Phật, hiện thời trong năm bản ấy, có hai bản ghi bốn mươi tám nguyện, có hai bản ghi hai mươi bốn nguyện, bản dịch đời Tống là bản cuối cùng, ghi ba mươi sáu nguyện, khi phiên dịch chắc chắn không thể nào có sai lầm được! Do vậy, cổ đại đức dựa vào điều này mà phán đoán: Tối thiểu đức Phật cũng giảng ba lần, tuy bảy bản thất truyền chẳng thấy, nhưng điều này đã chứng tỏ [kinh này được] tuyên giảng nhiều lần. Tuyên giảng nhiều lần, nhất định có dụng ý, đó là pháp môn này quá trọng yếu! Pháp môn này thật sự lợi ích chúng sanh, cũng có thể nói là trong hết thảy các kinh do đức Thế Tôn đã nói trong bốn mươi chín năm, kinh này trọng yếu nhất. Do vậy, lão nhân gia tuyên giảng nhiều lần.

Chúng ta phải hiểu “đương tương tức đạo, vô phi Thật Tướng” là cảnh giới gì? Sơ Trụ trong Viên Giáo, hay Sơ Địa trong Biệt Giáo bèn nhập cảnh giới này. Tướng là gì? Hiện tượng. Từ ngay nơi hiện tượng (hình tướng được hiện) ấy, chúng ta hiểu tự tánh, tướng do tự tánh biến. Cổ nhân nói: “Dùng vàng làm đồ vật, món nào cũng đều là vàng”, thấy các món đồ liền biết chúng là vàng; vàng và đồ vật chẳng thể tách rời. Tánh ở nơi đâu? Chúng ta đọc ngữ lục của Thiền Tông, tuy đọc không hiểu, nhưng thấy lão hòa thượng trắc nghiệm học trò, coi trò khai ngộ là ngộ như thế nào? Làm như thế nào? Thuận tay lấy một thứ gì đó để so sánh, [ấn chứng]: “Chẳng sai! Trò thật sự giác ngộ”. Chẳng lấy vật gì, duỗi một ngón tay cũng được! Từ ngay nơi tướng chính là đạo, thầy bèn ấn chứng cho trò, người này thật sự khai ngộ, thật sự khế nhập, đó là hiện tiền, chẳng rời khỏi khoảnh khắc trong hiện tại, không gì chẳng phải là Thật Tướng. Thật sự ngộ nhập, tâm thái hoàn toàn khác biệt, chẳng có phiền não! Thưa quý vị, đoạn vô minh phiền não thì mới kiến tánh; chẳng đoạn sẽ chẳng thể kiến tánh. Đoạn vô minh phiền não, quý vị liền biết phân biệt lẫn chấp trước đều chẳng có. Từ vô minh sanh ra phân biệt, từ phân biệt sanh ra chấp trước! Khi đã đoạn cội rễ, toàn bộ cành lá chẳng còn, sanh ra gì? Sanh ra trí huệ, trí huệ viên mãn. Kẻ thật sự kiến tánh, bất luận hỏi kẻ ấy vấn đề gì, người ấy đều có thể nói rõ ràng, rành rẽ. Người ấy chẳng học, mà chẳng cần phải học, vì sao? Chẳng lìa tự tánh, trí huệ, thần thông, đạo lực hiện tiền viên mãn. Hễ khai ngộ sẽ bình đẳng với thầy, thầy bảo trò: “Nhữ như thị, ngã diệc như thị” (ông như thế mà ta cũng như thế), bình đẳng! Tánh Đức hoàn toàn lưu lộ, chẳng có tăng giảm; vì thế, kim Phật giống như cổ Phật tái lai.



Thanh Lương đại sư khi giảng tựa đề kinh Tứ Thập Hoa Nghiêm đã nói một câu: Thích Ca Mâu Ni Phật giảng kinh, thuyết pháp trong bốn mươi chín năm, hết thảy các kinh mà Ngài đã nói đều do cổ Phật đã nói, Phật Thích Ca chẳng nói kinh nhiều hơn cổ Phật một chữ! Chúng ta có thể tin tưởng [điều này] hay chăng? Trước đức Phật Thích Ca, chẳng nghe nói tới một vị nào, về sau, đức Phật dạy chúng ta: Ngài là vị Phật thứ tư trong Hiền Kiếp. Nhưng thời gian mỗi vị Phật xuất thế rất ngắn, thời gian không có Phật rất dài, cớ sao [kinh do Phật Thích Ca đã nói chính là kinh do] cổ Phật đã nói? Ngài kiến tánh, cổ Phật cũng kiến tánh, kiến tánh bèn là Phật Phật đạo đồng. Nếu là đạo đồng thì quý vị có thể nói những lời do bản thân đức Thích Ca Mâu Ni Phật đã nói chính là lời giảng của cổ Phật; cũng có thể nói như thế này: Những gì cổ Phật đã giảng chính là lời giảng của Thích Ca Mâu Ni Phật, các Ngài là một, không hai. Mê mới có một, hai; khi ngộ, chẳng còn nữa! Tướng được biểu thị ấy rất hay, hình tướng được biểu thị trở về Tánh Đức, chẳng có chính mình, giống như Khổng lão phu tử đã biểu thị cho chúng ta thấy, lẽ nào Ngài chẳng phải là Phật, Bồ Tát! “Thuật nhi bất tác, tín nhi hiếu cổ” (thuật lại chứ không trước tác, tin tưởng, chuộng cổ), Ngài khai ngộ, cổ nhân cũng khai ngộ, những thứ của cổ nhân chính là của Ngài, những thứ của Ngài cũng là của cổ nhân. Ngài không nói tới chính mình, Ngài nói hết thảy những thứ của ta toàn là của cổ nhân, phá trừ cái tâm ngạo mạn của chúng sanh, dụng ý ấy quá tuyệt! Dụng ý ấy có công đức chân thật, hiện thân thuyết pháp. Chúng sanh chưa buông những phiền não, tham, sân, si, mạn này xuống được, đức Thế Tôn hiển thị thái độ ấy, Khổng Tử giảng những điều này, nếu chúng ta hiểu ý Ngài hãy nên cảm ơn, Ngài chỉ dạy chúng ta khiến cho chúng ta triệt để buông tham, sân, si, mạn xuống, chính mình khiêm tốn, tôn trọng người khác, tự tha bất nhị. Từ trong khiêm tốn mới hiển lộ Tánh Đức; từ lễ tán, hiển lộ đức hạnh và trí huệ chân thật trong tự tánh. Các Ngài hiện thân thuyết pháp nhằm dạy chúng ta, chúng ta phải nên thấu hiểu.

Tiếp đó: “Như Di Đà Yếu Giải vân, Thật Tướng vô nhị, diệc vô bất nhị” (như sách Di Đà Yếu Giải nói: “Thật Tướng không hai, mà cũng chẳng phải là không hai”), vô nhị là nói theo Thể. “Không phải là chẳng hai” là nói theo tác dụng. “Thị cố cử thể tác y, tác chánh, tác pháp, tác báo, tác tự, tác tha, nãi chí năng thuyết, sở thuyết, năng độ, sở độ, năng tín, sở tín, năng nguyện, sở nguyện, năng trì, sở trì, năng sanh, sở sanh, năng tán, sở tán, vô phi Thật Tướng chánh ấn chi sở ấn dã” (Vì thế, dùng toàn bộ cái Thể để làm y báo, chánh báo, Pháp Thân, Báo Thân, làm tự, làm tha, cho đến người nói (Thích Ca Mâu Ni Phật), cái được nói (pháp được nói), người hóa độ (Phật), kẻ được hóa độ (chúng sanh), người tin tưởng, pháp được tin tưởng, người phát nguyện (hành nhân tu Tịnh Độ), điều được phát nguyện (nguyện sanh về Tây Phương Cực Lạc), người trì (hành nhân Tịnh Độ), pháp được trì (danh hiệu A Di Đà Phật), kẻ sanh về, cõi nước được sanh về, người khen ngợi, cái được khen ngợi (pháp môn Tịnh Độ, thế giới Cực Lạc, A Di Đà Phật v.v...), không gì chẳng được Thật Tướng Chánh Ấn in vào). Hai câu đầu nói nhiều ngần ấy! Thật Tướng vô nhị, mà cũng chẳng phải là bất nhị; vì thế, “cử thể” tức là toàn bộ Thể biến hiện những gì? Biến hiện ra y báo hoặc chánh báo. Đối với “y, chánh” ở đây, chúng ta nhất định phải có khái niệm rất rõ ràng! Chánh báo là gì? Chánh báo là chính mình, y báo là hoàn cảnh sống của chúng ta. Do vậy, chư vị nhất định phải hiểu chánh báo; nếu quý vị nói chánh báo là hết thảy mọi người, trật rồi! Chánh báo là chính mình, là một người, ngoài ta ra, đều là hoàn cảnh sống, những người khác thuộc về hoàn cảnh nhân sự của ta! Trong hoàn cảnh có hoàn cảnh nhân sự, hoàn cảnh vật chất, hoàn cảnh tự nhiên, hoàn toàn thuộc về hoàn cảnh. Hoàn cảnh đều là y báo, chánh báo chỉ có một bản thân ta! Thân Thích Ca Mâu Ni Phật là chánh báo của Ngài, thân ta là chánh báo của ta. Nếu nói theo phía ta, Thích Ca Mâu Ni Phật là y báo của ta. Nói theo phía Thích Ca Mâu Ni Phật, chúng ta là y báo của Ngài. Do vậy, phải hiểu thật rõ quan niệm này: Chánh báo là một mình ta. “Tác Pháp, tác Báo”: Pháp là Pháp Thân, Báo là Báo Thân; “tác tự, tác tha”: Bất luận như thế nào, đều là một tự tánh, hoàn toàn do một tự tánh biến hiện. Giống như gì? Giống như y báo và chánh báo hiện ra trong giấc mộng. Điều này chẳng dễ hiểu, tự tánh của ta biến hiện ra như thế nào? Cớ sao ta có thể biến hiện người khác? Biến hiện người nhiều dường ấy? Trong những người ấy còn có oan gia đối đầu, còn có những cư xử chẳng vui lòng, vì sao có chuyện này? Giống như nằm mộng, quý vị thấy: Có lần nào nằm mộng mà trong mộng chẳng có chính mình? Quý vị có thể tìm được lần nào nằm mộng mà không có chính mình? Không có chính mình, sẽ không thể nằm mộng! Trong mộng nhất định có chính mình, quý vị mộng thấy rất nhiều người, mộng thấy núi, sông, đại địa, đó đều là y báo. Người bình phàm chúng ta đều có kinh nghiệm, đấy là tâm ý thức khởi tác dụng. Thế giới hiện tiền của chúng ta do tự tánh khởi tác dụng, thật ra, trong mộng vẫn chẳng lìa khỏi tự tánh. Truy cứu căn nguyên vẫn là tự tánh, hết thảy đều do tự tánh hiện.

Tiếp đó là nói tới “năng thuyết, sở thuyết”. Người có thể nói pháp (năng thuyết pháp) chính là Phật, sở thuyết pháp (pháp được nói) là kinh điển. Có thể độ chúng sanh là Phật, Bồ Tát; sở độ (kẻ được độ) là hết thảy chúng sanh. Năng tín, sở tín là chính mình; năng nguyện, sở nguyện cũng là chính mình. Chính mình phát nguyện là năng nguyện, chúng ta mong muốn nguyện của ta được thỏa. Những điều tiếp theo đều có Năng và Sở, Năng và Sở là một, không hai, bất nhị là Thật Tướng. Câu cuối cùng: “Vô phi Thật Tướng chánh ấn chi sở ấn dã” (không gì chẳng được chánh ấn Thật Tướng in vào). Do vậy, nhất định phải chú tâm thấu hiểu: Những câu đức Phật đã nói đều là lời chân thật, đều nhằm giảng về Thật Tướng của các pháp. Nếu chúng ta nhận biết, khẳng định những điều ấy, tâm quý vị sẽ định, trong tâm sẽ chẳng khởi tâm động niệm, bèn khế nhập cảnh giới. Tuy “chẳng khởi tâm, không động niệm” quá sâu, chúng ta chưa làm được, nhưng đó là sự thật, vậy thì chúng ta hãy làm từ chỗ nông cạn, dễ dàng, tức là: Đừng chấp trước, đừng phân biệt! Chấp trước là Kiến Tư phiền não, phân biệt là Trần Sa phiền não, chúng ta đổ công sức vào hai chỗ này; thấy sắc, nghe tiếng chẳng chấp trước, chẳng phân biệt. Quý vị tu gì? Chẳng chấp trước là tu tâm thanh tịnh, chẳng phân biệt là tu tâm bình đẳng, quý vị thật sự học. Lại thưa cùng quý vị, đó gọi là thật sự niệm Phật, chẳng phải là quý vị mong cầu sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới ư? Quý vị niệm Phật có phân biệt, có chấp trước, cũng chẳng sao, đới nghiệp vãng sanh, sanh vào cõi Phàm Thánh Đồng Cư của thế giới Cực Lạc. Nếu quý vị chẳng chấp trước, niệm Phật sẽ vãng sanh vào cõi Phương Tiện Hữu Dư. Nếu quý vị chẳng phân biệt, chúc mừng quý vị, quý vị tới thế giới Cực Lạc sanh vào cõi Thật Báo Trang Nghiêm. Vì sao? Quý vị bình đẳng, tâm bình đẳng là cõi Thật Báo, tâm thanh tịnh là Tịnh Độ, Tịnh Độ ấy là tứ thánh pháp giới, còn gọi là cõi Phương Tiện Hữu Dư. Phân biệt và chấp trước đều có, tâm quý vị vẫn chưa thanh tịnh, vẫn có thể vãng sanh. Pháp môn này quá thù thắng; vì thế, thích hợp khắp ba căn, thâu nhiếp toàn bộ lợi căn lẫn độn căn, vạn người tu, vạn người về.

Đoạn phiền não quả thật chẳng dễ dàng, đến cõi Phàm Thánh Đồng Cư bằng cách nào? Đối với cõi Phàm Thánh Đồng Cư, một câu Phật hiệu có thể khống chế phân biệt, chấp trước, giống như đá đè cỏ, [phân biệt, chấp trước vẫn] có, chưa đoạn, nhưng chúng nó chẳng khởi tác dụng là được rồi! Vào lúc nào? Trong một niệm vãng sanh, một niệm cuối cùng là một câu Phật hiệu, trong tâm vẫn là một câu Phật hiệu, không có ý niệm nào khác, quý vị sẽ vãng sanh. Trong một niệm cuối cùng, quý vị nghĩ tới chuyện khác, sẽ trở lại lục đạo, không thể vãng sanh! Chân tướng sự thật này hết sức trọng yếu! Khi quý vị chẳng hiểu rõ ràng, sẽ thường là luống uổng một đời này, nhất định phải hiểu rõ ràng! Niệm Phật trong lúc bình thường là gì? Lúc thường ngày giống như luyện binh, một niệm lâm chung là giao chiến. Do vậy, có rất nhiều người bình thường niệm Phật rất khá, niệm cả đời, nhưng khi lâm chung không xong, vì còn vướng mắc chưa buông xuống được, tôi đã thấy rồi! Lúc tôi mới xuất gia, tại chùa Lâm Tế thuộc Viên Sơn, Đài Bắc, có một lão cư sĩ lớn tuổi hơn tôi, học Phật lâu hơn tôi. Trong chùa ấy có hội niệm Phật, cụ làm Duy Na, hướng dẫn đại chúng niệm Phật, tới cuối cùng, cụ chẳng vãng sanh. Khi lâm chung, mọi người trợ niệm cho cụ, cụ bảo mọi người: “Các ngươi đừng niệm Phật tiễn ta, ta không thích!”, lại luân hồi! Cho đến lúc ấy, không thể làm chủ chính mình, tập khí vô minh phiền não quá nặng, cũng là như chúng tôi hay nói là “không buông xuống được!” Vì thế, buông xuống là phải buông xuống trong hiện tại, chớ nên đợi đến ngày mai hay năm sau, [nếu không], sẽ phiền phức lớn. Chúng tôi bình thường rất tôn kính vị lão cư sĩ ấy, niệm Phật rất giỏi, quý vị thấy cụ có thể làm Duy Na hướng dẫn đại chúng, nhưng một chiêu cuối cùng cụ làm không được, chẳng thật sự buông xuống. Do vậy, “do thượng khả kiến toàn kinh hốt luân tại nhất Thật Tướng trung” (do những điều trên đây, có thể thấy toàn bộ bản kinh gồm trọn trong Thật Tướng). Chữ “hốt luân” (囫圇) có nghĩa là “hoàn toàn, hoàn mỹ, hoàn chỉnh”. Toàn bộ từng câu từng chữ trong kinh đều thuộc trong Thật Tướng, lời này là thật. “Cố vân dĩ Thật Tướng vi Thể Tánh dã” (cho nên nói lấy Thật Tướng làm Thể Tánh [của kinh này]), nói những điều này, chẳng có gì khác, khiến cho chúng ta tin tưởng đức Phật nói bộ kinh này có căn cứ lý luận, chẳng phải là tùy tiện nói; một mực từ trong tự tánh tự nhiên lưu lộ, nói như vậy cũng hợp lý!

Trong đoạn cuối cùng, nêu kinh văn trong kinh này để chứng minh: “Hựu bổn kinh Đức Tuân Phổ Hiền phẩm vân, khai hóa, hiển thị chân thật chi tế” (hơn nữa, phẩm Đức Tuân Phổ Hiền trong kinh này có nói: “Khai hóa, hiển thị Chân Thật Tế”). Chân Thật Tế là tự tánh; khai thị, giáo hóa chúng sanh về Chân Thật Tế. “Đại Giáo Duyên Khởi phẩm vân: Dục chửng quần manh, huệ dĩ chân thật chi lợi” (Phẩm Đại Giáo Duyên Khởi nói: “Muốn cứu vớt quần manh, ban cho cái lợi chân thật”). Đức Phật nói kinh này, “quần manh” (群萌) là hết thảy chúng sanh, đức Phật giúp đỡ hết thảy chúng sanh, giúp họ lìa khổ được vui. Lìa khổ được vui nói đến chỗ rốt ráo là: Nếu quý vị chẳng rời khỏi lục đạo luân hồi, sẽ chẳng có cách nào thật sự lìa khổ. Tôi giúp quý vị sanh lên trời, sau khi quý vị hưởng hết phước trời, vẫn phải đọa lạc; đấy chẳng phải là rốt ráo. Giúp quý vị thoát ly lục đạo luân hồi, quý vị chẳng thoát khỏi mười pháp giới, sẽ chẳng có chân lạc. Vì thế, đức Phật giúp đỡ chúng sanh, thật sự chỉ có một mục tiêu: Giúp quý vị thoát ly mười pháp giới, vãng sanh Nhất Chân pháp giới, vấn đề này mới thực sự được giải quyết. Thật Báo Trang Nghiêm cũng là Nhất Chân pháp giới, cư dân nơi ấy không chỉ chẳng có phân biệt, chấp trước, mà ngay cả khởi tâm động niệm cũng đều không có, đó là thế giới gì? Thế giới Phật. Đến thế giới ấy, đều thật sự thành Phật, chẳng khởi tâm, chẳng động niệm, họ có thể cảm ứng đạo giao cùng hết thảy chúng sanh trọn khắp pháp giới hư không giới. Cảm ứng đạo giao thì họ có khởi tâm động niệm hay không? Không có. Chẳng khởi tâm động niệm, làm sao có thể cảm ứng đạo giao? Chúng tôi lúc mới học Phật có nỗi nghi hoặc này, nghi hoặc suốt mấy chục năm. Chúng tôi đến thỉnh giáo các vị lão hòa thượng, đại đức, họ cũng chẳng giảng rõ ràng. Học tập vài chục năm mới từ từ thông hiểu, đấy là do Tánh Đức trong tự tánh chẳng thể nghĩ bàn. Tánh Đức là Thường Tịch Quang, trong ấy cái gì cũng đều không có, chính là như Huệ Năng đại sư đã nói năm câu: “Nào ngờ tự tánh, vốn tự trọn đủ”. Câu này nói rõ ràng, nhưng trước kia chúng tôi không hiểu, nghe mà chẳng hiểu ý nghĩa này: Trong tự tánh, thứ gì cũng trọn đủ, chẳng có gì khiếm khuyết. Y báo và chánh báo trang nghiêm trong mười pháp giới thảy đều ở trong ấy, nhưng nó chẳng hiển lộ. Giống như màn hình TV, chúng ta không mở máy thì chỉ thấy một màn hình [trống trơn], trong ấy thứ gì cũng chẳng có! Lúc ấy, quý vị chẳng thể nói là nó không có; khi quý vị nhấn nút, chẳng phải là [hình ảnh] bèn xuất hiện ư? Nó ở trong cảnh giới ấy, cho nên thứ gì cũng đều chẳng có.

Khi ứng thì chư Phật, Bồ Tát có thể hiện hay chăng? Khi ứng thì sẽ hiện. Hiện như thế nào? Cảm ứng. Ai nhấn nút? Người cảm “đã nhấn nút”, chư Phật, Bồ Tát bèn tự nhiên ứng, các Ngài chẳng khởi tâm động niệm. Người cảm cầu Phật, Bồ Tát gia hộ, cho nên một niệm tâm ấy là Cảm, khi các Ngài ứng bèn vô tâm, giống như tỷ dụ của chúng ta trong hiện tại. Nói thật ra, chỉ có thể tỷ dụ phảng phất, chẳng có cách nào tỷ dụ khít khao, không thể [kiếm được tỷ dụ vừa khớp]. Giống như làm thí nghiệm trên nước, nước là khoáng vật, chúng ta đối với nước khởi lên ý niệm: “Ta ưa thích ngươi, ta yêu mến ngươi”, nước sẽ tiếp nhận, phản ứng bằng cách kết tinh rất đẹp đẽ cho chúng ta thấy. Chúng ta truyền cho nó một ý niệm khác: “Tao chán ghét mày, tao hận mày”, nó bèn truyền tin tức trở lại bằng cách kết tinh rất xấu xí cho quý vị thấy. Nó có khởi tâm động niệm hay chăng? Nước có khởi tâm động niệm hay chăng? Không có! Nó hiểu bằng cách nào? Thuở xưa, đức Phật đã dùng chuông trống làm tỷ dụ. Ngài nói quý vị gõ chuông, cố ý gõ chuông, nó sẽ ngân vang. Quý vị gõ mạnh, âm thanh sẽ to; gõ nhẹ, âm thanh nhỏ, chuông có khởi tâm động niệm hay chăng? Nó có phân biệt, chấp trước hay không? Tự tánh cảm ứng giống như chuông trống, quả thật chẳng khởi tâm động niệm, chẳng có phân biệt, chấp trước, gõ mạnh kêu to, gõ nhẹ kêu bé, thật sự chẳng khởi tâm động niệm. Vì sao? Do có đạo lý này: Do trong tự tánh có kiến văn giác tri, nó là bất sanh, bất diệt. Thọ, Tưởng, Hành, Thức có sanh diệt. Hễ mê thì từ tự tánh biến thành A Lại Da, bèn có Thọ, Tưởng, Hành, Thức. Trong tương lai, chuyển thức thành trí, Thọ, Tưởng, Hành, Thức bèn chẳng có. Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức đều không có, trở về tự tánh. Điều này quả thật chẳng dễ hiểu lắm, nhưng nó là chân tướng sự thật, các tướng được hiện toàn là huyễn tướng, ngàn vạn phần chớ nghĩ nó là thật. Hễ tưởng là thật thì quý vị đã trật rồi. Coi nó là thật thì sao? Coi các hiện tướng là thật sẽ tạo nghiệp. Nghiệp có nhiễm nghiệp, có tịnh nghiệp, có thiện nghiệp, có ác nghiệp, quả báo khác biệt. Do vậy, đối với hết thảy chúng sanh, đúng là đức Phật đã ban cho hết thảy chúng sanh lợi ích chân thật; chân thật là gì? Khiến cho quý vị minh tâm kiến tánh, trở về tự tánh.

Trong phẩm Tích Công Lũy Đức có một câu như thế này: “Trụ Chân Thật Huệ, dũng mãnh tinh tấn, nhất hướng chuyên chí trang nghiêm diệu độ” (trụ Chân Thật Huệ, dũng mãnh tinh tấn, một mực chuyên dốc chí trang nghiêm cõi nước mầu nhiệm). Ở đây nêu ra rất hay, nói ra ba thứ chân thật: “Chân thật chi tế, chân thật chi lợi, trụ chân thật huệ”, nói đến ba thứ chân thật. Chỉ có trụ trong Chân Thật Huệ thì mới có thể dũng mãnh tinh tấn. Chân Thật Huệ là gì? Là Thích Ca Mâu Ni Phật giảng bộ kinh Vô Lượng Thọ này. Kinh Vô Lượng Thọ dạy quý vị phương pháp “nhất hướng chuyên niệm”, dạy chúng ta phương pháp tu học để trở về tự tánh, phương pháp đại triệt đại ngộ, phương pháp thoát ly lục đạo, mười pháp giới, phương pháp vãng sanh cõi Thật Báo Trang Nghiêm, [tức là] tám chữ “phát Bồ Đề tâm, nhất hướng chuyên niệm”. Người thật sự làm, sẽ như Liên Trì đại sư đã nói: “Tam Tạng thập nhị bộ, nhượng cấp tha nhân ngộ” (Tam Tạng mười hai bộ, nhường cho người khác ngộ). Nay ta hiểu rõ, hiểu ý nghĩa thật sự của đức Thế Tôn, đó là chân thật nghĩa, ta chẳng còn kiếm lấy những nỗi phiền phức nữa, đó là “trụ Chân Thật Huệ”. Bao lâu sẽ có thể thành công? Tối đa là ba năm, thật đấy, chẳng giả tí nào! Ba năm sẽ đắc Niệm Phật tam-muội, có thể vãng sanh. [Điều này được] chứng tỏ trong Vãng Sanh Truyện, Tịnh Độ Thánh Hiền Lục, quý vị hãy đọc, trong ấy, gần như quá nửa là người ta [niệm Phật] ba năm bèn vãng sanh. Do vậy, trong quá khứ có một vị pháp sư hỏi tôi, vị này cũng đã mất, tức là pháp sư Đức Dung, hình như Sư đã qua đời chẳng ít năm, tuổi tác cũng xấp xỉ tôi. Sư từng hỏi tôi một câu. Sư nói: “Có đúng là những người được chép trong Vãng Sanh Truyện thọ mạng chỉ còn vừa đúng ba năm, sau ba năm, thọ mạng đã hết nên họ phải ra đi?” Tôi nghe hỏi như vậy, không cho cách nghĩ ấy là đúng, đâu có chuyện phù hợp khít khao như vậy? Hai, ba người thì có lẽ còn có thể, chứ đông như thế, mấy trăm người, làm sao có thể có chuyện như vậy được? Chuyện ấy chẳng thể xảy ra. Cớ sao họ niệm ba năm bèn vãng sanh? Khẳng định là tròn ba năm, người ấy đã tu được công phu thành phiến, bèn từ bỏ tuổi thọ. Công phu thành phiến tốt đẹp, chúng ta có thể chia công phu thành phiến thành ba bậc, chín phẩm. Thượng Phẩm vãng sanh ra đi tự tại, muốn đi bèn đi, ta có thọ mạng nhưng chẳng cần tới, ta sang thế giới Cực Lạc, thân cận A Di Đà Phật, đến bên kia để tu hành, thật sự đi được



Mấy năm trước, cư sĩ Hoàng Trung Xương ở Thâm Quyến, ba mươi mấy tuổi, còn rất trẻ, đã làm thí nghiệm: Bế quan niệm Phật ba năm, xem thử có thể vãng sanh hay chăng? Ông ta niệm hai năm mười tháng, còn thiếu hai tháng nữa mới viên mãn mà đã đi, thật sự chẳng giả tí nào! Chẳng cần [thọ mạng] nữa, thế gian này, quá khổ. Độ chúng sanh như thế nào? Cuộc biểu diễn ấy của ông ta nhằm độ chúng sanh, chẳng dạy bằng lời lẽ (ngôn giáo), mà dùng thân giáo, nêu gương cho quý vị thấy. Trong Tam Chuyển Pháp Luân, cách này gọi là Thị Chuyển, [tức là] thị hiện tấm gương cho quý vị nhìn vào, thật sự, chẳng phải là giả. Những trường hợp như vậy quá nhiều. Đấy là “trụ Chân Thật Huệ”, thâm nhập một môn. Đạt được công phu này, tam-muội là Định, chắc chắn Định sanh trí huệ, trí huệ sanh từ tâm thanh tịnh, tâm chẳng thanh tịnh sẽ sanh phiền não, tâm thanh tịnh sanh trí huệ. Trong Tịnh Tông, đạt được công phu như thế, một là vãng sanh Cực Lạc thế giới, hai là ở lại thế giới này hòng độ chúng sanh. Ở lại thế giới này thì cũng có thể nói là người ấy có nhiệm vụ: Mang thêm mấy người nữa về thế giới Cực Lạc. Chính mình vãng sanh thì lúc nào cũng đều có thể đi, đến đi tự do, muốn đi lúc nào bèn đi lúc ấy, chẳng vướng mắc tí nào! Người ấy trụ trong thế gian này mới thật sự là chịu khổ thay cho chúng sanh. Nếu người ấy chẳng trụ trong thế giới này, sẽ chẳng thể giúp đỡ người khác. Người ấy ở trong thế giới này, đúng là bốn đức đã được nói trong sách Hoàn Nguyên Quán: “Tùy duyên diệu dụng, oai nghi hữu tắc, nhu hòa chất trực, đại chúng sanh khổ” (tùy duyên diệu dụng, oai nghi có chừng mực, mềm mỏng, chân thật, thẳng thắn, chịu khổ thay cho chúng sanh). Người ấy làm những điều này, chịu khổ thay cho chúng sanh. Có phải là thật sự chịu khổ thay cho chúng sanh hay chăng? Chẳng phải! Người ấy thị hiện tướng trạng ấy. Vì sao? Tâm người ấy thanh tịnh, chẳng có phân biệt, chấp trước, làm sao có khổ được! Do vậy, trong tâm người ấy rất tự tại, giống như Thích Ca Mâu Ni Phật, đều là thị hiện. Thích Ca Mâu Ni Phật tam y nhất bát, đêm ngủ dưới cội cây, Ngài sung sướng lắm! Nhưng chúng ta thấy rất khổ, vì sao? Chúng ta chịu không nổi. Phật có thể chịu được, Ngài là thân kim cang bất hoại, cho nên ở trong ấy, Ngài có niềm vui, pháp hỷ sung mãn, thường sanh tâm hoan hỷ. Hôm nay lại hết thời gian rồi, ngày mai chúng ta sẽ học tập tiếp, hôm nay giảng tới đây.
---o0o---

Каталог: kinh -> Ebooks -> Giang-Kinh
Giang-Kinh -> LỜi vàng phật dạY (kinh pháp cú dhammapada)
Giang-Kinh -> Kinh bách dụ Tâm Minh ngô TẰng giao chuyển Thơ
Giang-Kinh -> A hàm Mưa Pháp Chuyển Hóa Phiền Não
Giang-Kinh -> VỚi phật giáo nhân gian hoằng Ấn Trước Tác
Giang-Kinh -> QUÁn thế Âm bồ TÁt phổ MÔn phẩm giảng ký 觀世音菩薩普門品講記 演培老法師講述 釋寬嚴記
Giang-Kinh -> Kinh Bát Nhã Trực Chỉ Đề Cương ht từ Thông o0o Nguồn
Giang-Kinh -> Kinh quán vô LƯỢng thọ Đời Lưu Tống, Ngài Cương-Lương Gia-Xá Dịch Việt Dịch : Hòa Thượng Thích Thiền Tâm Phật Học Viện Quốc Tế Xuất Bản pl 2526 1982
Giang-Kinh -> ÐẠo phật ngày nay một diễn dịch mới về ba bộ kinh pháp hoa

tải về 6.32 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   17   18   19   20   21   22   23   24   ...   33




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương