Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa 淨土大經解演義



tải về 6.32 Mb.
trang32/33
Chuyển đổi dữ liệu13.06.2018
Kích6.32 Mb.
#39922
1   ...   25   26   27   28   29   30   31   32   33
: hoa hồng), nhưng thường bị đọc trại thành Mân Côi, Văn Côi, Môi Côi, Mai Khôi, hay Môi Khôi trong tiếng Việt. Bản kinh này vốn có tên bằng tiếng Latin là Rosarium, có nghĩa là “vườn hồng” hay “tràng hoa hồng” nhằm vinh danh Đức Mẹ Maria. Thuật ngữ này cũng dùng để chỉ chuỗi hạt thường được dùng trong khi cầu kinh của Công Giáo. Thông thường, người Công Giáo tin bản kinh này và chuỗi Mân Côi do chính Đức Mẹ truyền cho thánh Dominic (Domingo, thánh Đa Minh) vào năm 1214. Khi thực hành, tín hữu Công Giáo đọc kinh này ra tiếng hay đọc thầm theo trình tự: Một kinh Lạy Cha (Pater Noster), sau đó là mười kinh Kính Mừng (Ave Maria), và kết thúc bằng một kinh Sáng Danh (Gloria Patri), mỗi trình tự như thế gọi là một “mầu nhiệm” (Mysteria, hay còn dịch là suy niệm), được hiểu là một bộ mười kinh. Một “mầu nhiệm” còn được gọi là một “sự”, tương ứng với một sự kiện về cuộc đời chúa Jesus và Đức Mẹ theo kinh Tân Ước. Đến thế kỷ 16, kinh Mân Côi đã bao gồm mười lăm “mầu nhiệm”, được chia làm ba nhóm: Mầu nhiệm năm sự vui (Mysteria Gaudiosa), mầu nhiệm năm sự thương (Mysteria Dolorosa), mầu nhiệm năm sự mừng (Mysteria Gloriosa). Tất cả hầu như không có gì thay đổi cho đến năm 2002, Giáo Hoàng Gioan Phao Lồ đệ nhị (John Paul II) công bố thêm năm “mầu nhiệm” mới, đó là “mầu nhiệm năm sự sáng” (Mysteria Luminosa). Do vậy, kinh Mân Côi hiện thời có hai mươi “mầu nhiệm”.

64 Đây là một chứng bệnh rối loạn hệ thống miễn nhiễm (Immune system) của con người, gây tổn hại nghiêm trọng đến phổi, da, thận, tế bào máu, và tim. Trong căn bệnh này, hệ thống miễn nhiễm của người bệnh tự tấn công các tế bào khỏe mạnh trong cơ thể, khiến bệnh nhân bị viêm nhiễm lâu dài. Y giới vẫn chưa biết rõ nguyên nhân của căn bệnh này. Bệnh kéo dài dai dẳng, có lúc tiềm ẩn, rồi bùng phát, khiến cho các tế bào bị tấn công, thân thể bệnh nhân sưng phồng, lở loét, các khớp đau cứng, khó thở, mệt mỏi, sốt cao, rụng tóc, lở miệng, ngứa ngáy, sợ ánh sáng, sưng các hạch lâm-ba (lympho nodes), nhức đầu, đau bụng, ói mửa, tim loạn nhịp, ho ra máu, da mọc vảy nến, bong tróc, đầu ngón tay tím tái. Trong trường hợp nghiêm trọng, người bệnh không thể cử động, thậm chí mặt sưng phù nề biến dạng trông hao hao như mặt con sói nên mới gọi là Lupus. Chữ “hồng ban lang sang” (lở loét nổi mẩn đỏ, mặt giống con sói) nhằm hình dung tình trạng phù nề và biến chứng trên da của người bệnh. Không rõ danh từ y khoa tiếng Việt dịch căn bệnh này chính xác như thế nào, chứ thuật ngữ y tế của Hà Nội dịch là “bệnh lupus viêm ban đỏ” nghe không ổn lắm!

65 Dân Mãn Thanh sống chủ yếu ở vùng Liêu Ninh, tức ở ngoài Sơn Hải Quan. Sơn Hải Quan là cửa ải trọng yếu của cực Đông vùng Trung Nguyên, nằm giữa ranh giới tỉnh Hà Bắc và Liêu Ninh. Sơn Hải Quan thuộc rặng Yên Sơn, địa thế hiểm yếu. Cái tên Sơn Hải Quan do đại tướng Từ Đạt của nhà Minh đặt ra khi vâng chiếu tu bổ Vạn Lý Trường Thành do nhận thấy ải này nằm giữa Yên Sơn và Bột Hải.

66 Quân phiệt cát cứ: Đây là thời kỳ các tướng lãnh địa phương nổi lên xưng hùng xưng bá chia nhỏ Trung Hoa thành từng vùng kể từ năm 1916 đến năm 1928. Tuy trên danh nghĩa, họ vẫn tuân phục chính quyền Trung Hoa Dân Quốc, nhưng các tướng lãnh quân phiệt hầu như có chính quyền, quân đội riêng biệt, và chánh quyền Trung Ương phải điều đình, mua chuộc, dựa dẫm họ. Thời kỳ quân phiệt nổ ra sau cái chết của Viên Thế Khải vào năm 1926 và chấm dứt sau cuộc Bắc Phạt, quân phiệt cát cứ vẫn tồn tại cho đến khi Mao Trạch Đông đánh bại phe Quốc Dân Đảng mới chấm dứt. Nguyên nhân xa là do triều đình nhà Thanh không có hệ thống quân đội trung ương, quân lực được tổ chức thành các tỉnh, các kỳ, do các quan Đoàn Luyện chỉ huy tại mỗi tỉnh. Mạnh nhất là quân đoàn Bắc Dương của Viên Thế Khải. Sau khi lật đổ nhà Thanh, chính quyền Nam Kinh của Tôn Dật Tiên phải liên kết với Viên Thế Khải để thống nhất Trung Hoa, và đổi lại, Viên Thế Khải trở thành đại tổng thống, thành lập chính quyền Bắc Dương. Mọi âm mưu chống đối bị họ Viên đè nát, và khi họ Viên tuyên bố lên ngôi hoàng đế, các tỉnh miền Nam chống đối, hình thành mặt trận Vệ Quốc, dẫn đến sự xuất hiện đông đảo các tướng lãnh quân phiệt. Trung Hoa bị tách thành hai chính quyền song hành: chính quyền Bắc Dương và chính quyền Nam Kinh. Những tướng quân phiệt nổi tiếng thời ấy là Trương Tác Lâm, Phùng Quốc Chương, Đoàn Kỳ Thụy, Lê Nguyên Hồng, Trương Huân, Tào Khôn, Đường Kế Nghiêu, Diêm Tích Sơn v.v...

67 Kinh, sử, tử, tập là cách phân chia truyền thống các sách vở của Trung Hoa, Tứ Khố Toàn Thư cũng được phân loại nội dung theo cách này.

1. Kinh bao gồm những tác phẩm giảng giải về chính trị, luân lý, đạo đức, chủ yếu là những tác phẩm truyền thống kinh điển của Nho gia như Tứ Thư, Ngũ Kinh, Xuân Thu Công Dương Truyện, Xuân Thu Cốc Lương Truyện, Nhĩ Nhã v.v...

2. Sử là những tác phẩm ghi chép sự kiện lịch sự, điển chương, chế độ, địa lý, lại được chia thành nhiều tiểu loại như chánh sử, biên niên, bổn sự, kỷ sự bổn mạt, biệt sử, tạp sử, chiếu lệnh, tấu nghi, sử ký v.v... Kể cả những tác phẩm đánh giá, bình luận sự kiện lịch sử.

3. Tử bao gồm các trước tác của bá gia chư tử, Nho gia, Phật, Đạo gia, chia thành các tiểu loại như Nho gia, binh gia, nông gia, pháp gia, y gia, thiên văn, toán pháp, thuật số, nghệ thuật, ký lục, tạp gia, số thư (sách bói toán), tiểu thuyết gia v.v...

4. Tập bao gồm các tác phẩm trước tác của các danh sĩ các đời như tản văn, biền văn, thơ, từ, ca khúc, bình luận văn học, bút ký v.v...


68 Ngài Nguyên Hiểu (617-685) là một vị cao tăng Đại Hàn, tục danh Tiết Tư (Seolsa), thụy hiệu Hòa Tịnh Quốc Sư, biệt hiệu Tây Cốc Sa Di, quê ở Khánh Sơn (Gyeongsan), sống vào thời đại Tân La (Syalla). Sư là bạn thân của sư Nghĩa Tương (Uisang) sáng tổ tông Hoa Nghiêm của Đại Hàn. Ngài Nguyên Hiểu trước tác vô cùng phong phú, chú giải cả trăm loại kinh luận khác nhau (có sách nói Ngài biên soạn đến 240 bộ chú giải), nên có mỹ hiệu là Bách Bộ Luận Chủ. Sư được coi là sơ tổ của Hải Đông Tông, tức tông phái chuyên nghiên cứu về Pháp Tướng tại Đại Hàn. Sư đặc biệt có ảnh hưởng lớn lao đến sự nghiên cứu các giáo nghĩa Hoa Nghiêm, Duy Thức và Như Lai Tạng trong Phật giáo Đại Hàn. Do quá lỗi lạc, vua Tân La là Vũ Liệt Vương đã ép Ngài phải lấy công chúa Dao Thạch làm vợ, sinh hạ một trai là Tiết Thông (Seol Chong). Tiết Thông cũng là một nhà nghiên cứu Nho học lỗi lạc thời ấy.

69 Đạt Lai Lạt Ma (ta thường gọi là Đại Lai Lạt Ma) là danh hiệu ghép bởi từ ngữ Dalai (biển cả) trong tiếng Ấn Độ và chữ Lama của tiếng Tây Tạng, dịch nghĩa chữ Guru (trong tiếng Ấn). Đạt Lai vừa là người lãnh đạo nhất của dòng tu Gelugpa vừa là quốc vương Tây Tạng. Tương truyền, danh hiệu Dalai được vua Mông Cổ Altan Khan ban cho Sonam Gyatso vào năm 1578; đổi lại, Sonam Gyatso công nhận Altan Khan là Phạm Vương của dân Mông Cổ. Tuy thế, đây chỉ là truyền thuyết, vì theo chính vị Đạt Lai Lạt Ma hiện tại, từ ngữ Dalai chỉ là dịch nghĩa danh hiệu Gyatso (biển cả) trong tiếng Tây Tạng, Sonam Gyatso (1543-1558) là trưởng tu viện Drepung đã cảm hóa được tù trưởng hung bạo nhất của Mông Cổ thời ấy là Altan Khan. Dưới sự giúp sức của Altan Khan và con trai của Altan là Sengge Dureng, Sonam Gyatso đã chuyển Mông Cổ thành quốc gia theo Mật Tông Tây Tạng. Theo truyền thống, Sonam Gyatso được coi là hóa thân của Gendun Drup (đại đệ tử của đại sư Tsongkhapa) đã tôn xưng hai vị Lạt-ma “tiền thân” của mình đều là Đạt Lai Lạt Ma, và tự nhận mình là hóa thân của Phagpa (vị cao tăng chế ra chữ Tây Tạng). Đến đời Đạt Lai Lạt Ma thứ năm, Ngawang Lobsang Gyatso (1617-1682), với sự giúp sức của vua Mông Cổ là Gushi Khan đã đánh bại các tông phái đối lập, trở thành quốc vương, và chính ông ta tự nhận mình là hóa thân của Quán Thế Âm Bồ Tát. Chính Đạt Lai Lạt Ma đã tôn xưng thầy mình là Lobsang Chokyi Gyaltsen là Panchen Lama (Ban Thiền Lạt Ma) và tuyên bố Ban Thiền là hóa thân của A Di Đà Phật. Trước đó, Lobsang Chokyi Gyaltsen được coi là hóa thân đời thứ tư của Khedrup Je (một trong các đại đệ tử của đại sư Tsongkhapa).

Vị Jebtsundamba đời thứ nhất là Undur Geghen Zanabazar (dịch âm chữ Jnanavajra, Trí Kim Cang) được Ban Thiền và Đạt Lai công nhận là Phật sống vào năm 1640 và trở thành pháp vương của toàn thể giáo đồ Phật giáo tại vùng Ngoại Mông. Vị này đã đóng góp rất nhiều vào văn hóa Mông Cổ cũng như là người đầu tiên đã chế ra văn tự Soyombo cho Mông Cổ.



Tsongkhapa (1357-1419), pháp hiệu Lobsang Drakpa (Thiện Huệ) là giáo tổ sáng lập tông phái Gelugpa (dòng đức hạnh hay còn gọi là phái Mũ Vàng). Vị này kế thừa giáo nghĩa của tôn giả Atiśa Dipankara Shrijnana, đã tổng hợp nhiều giáo nghĩa Mật giáo đã có từ trước tại Tây Tạng, nhấn mạnh đến hành trì giới luật (do giới luật trong các tông phái Cổ Mật thường rất lỏng lẻo, nên tổ Tông Khách Ba phế trừ những hành vi tính dục nhằm đạt đến giác ngộ trong Mật Tông trước đó). Ngài được coi là một nhà cải cách, chấn hưng tôn giáo của Tây Tạng, có công hệ thống giáo nghĩa Mật Tông Tây Tạng.

70 “Linh đồng” (xubilgan) là những đứa trẻ được coi là hóa thân của các lạt-ma đã mất. Dựa trên những huyền ký hoặc dự ngôn của vị lạt-ma đã mất, các môn đệ đi tìm đứa trẻ ấy đem về, trắc nghiệm chứng thực rồi tấn phong đứa trẻ ấy vào ngôi vị của vị lạt-ma đã mất. Sở dĩ Chương Gia đại sư nói “ba đời đầu tiên là thật, từ đời thứ tư trở đi, không dám chắc” vì trong quá khứ đã có trường hợp do tranh chấp quyền lực giữa các phe phái, không thể công nhận ai mới là vị lạt-ma hóa thân kế tiếp, phải dùng cách rút thăm quyết định từ chiếc bình vàng do vua Càn Long ban vào năm 1792. Các đời Đạt Lai Lạt Ma 10, 11 và 12 được chọn theo cách này.

71 Gia học là cách dạy học trong gia tộc, hoặc gia đình khá giả mời thầy về dạy dỗ cho con, hoặc trong làng, mời những người có học thức, đạo đức làm thầy dạy cho trẻ nhỏ; đôi khi do chính cha, anh, chú, bác, người trong họ dạy nhau. Nói chung, không chỉ là dạy chữ mà còn kèm cặp, uốn nắn tính tình. Do lớp học không đông, nên thầy theo dõi trò rất sát.

72 Một trang viên là một đơn vị kinh tế độc lập trực thuộc quyền sở hữu của một quý tộc hoặc một danh gia vọng tộc hay một kẻ giàu có thời cổ, tương tự như các lãnh địa của các lãnh chúa tại Âu Châu. Trang viên thường có ruộng đất riêng, có tường vây bao bọc, hay hàng rào phòng vệ, có quy củ, luật lệ riêng, theo mô hình kinh tế tự cung, tự cấp. Trong những trang viên lớn thường có xưởng chế biến thực phẩm, quần áo, vật dụng, kho dự trữ, hoặc các công xưởng chế tạo vật dụng. Tại Trung Quốc, trang viên đã có từ thời Nam Bắc Triều, nhất là do tình hình loạn lạc thường xuyên, các thủ lãnh, phú hào địa phương càng ngày càng có khuynh hướng chiếm đoạt, sát nhập đất đai vào lãnh địa của mình để tăng cường oai thế. Trang viên còn được gọi là điền trang, trang điền, trang trạch, trang viện, sơn trang.

73 Chùa Quang Hiếu vốn có tên là Chế Chỉ, vốn là nền trường học cũ của Ngu Phiên, được khai sơn vào khoảng năm 233. Chùa trở thành đạo tràng hoằng pháp của pháp sư Ấn Tông trong niên hiệu Nghi Phụng đời Đường Cao Tông. Chùa đổi tên thành Báo Ân Quảng Hiếu Tự vào năm Thiệu Hưng 20 (1150) đời Cao Tông nhà Nam Tống, về sau rút gọn tên gọi và đổi Quảng thành Quang, nên chùa có tên là Quang Hiếu Tự như hiện thời. Chùa Quang Hiếu cũng là nơi Tể Tướng Phòng Dung giúp pháp sư Bát Lạt Mật Đế nhuận sắc bản dịch kinh Lăng Nghiêm khi ông bị Võ Tắc Thiên đày xuống Khâm Châu (nay là huyện Khâm Châu tỉnh Quảng Đông).

74 Hắc Cốc Thượng Nhân chính là tôn xưng của ngài Pháp Nhiên, sáng tổ Tịnh Độ Tông (Jōdo Shū) Nhật Bản. Ngài Pháp Nhiên (Honen, 1133-1212) sinh ở huyện Mỹ Tác Quốc (Mimasaka), pháp húy Nguyên Không (Genkū). Sư còn được gọi là Cát Thủy Thượng Nhân hoặc Viên Quang đại sư. Sau khi thân phụ mất, năm chín tuổi, Sư xuất gia theo tông Thiên Đài (Tendai, tức Thiên Thai Tông Nhật Bản), sau đó, tu tại tổng bản sơn Tỷ Duệ (Hiei). Đến năm 24 tuổi, vẫn chưa cảm thấy thỏa mãn với giáo nghĩa Thiên Đài, Sư rời Tỷ Duệ đến tham học tại Đông Đại Tự và Hưng Phước Tự, nhưng vẫn chưa cảm thấy đã tìm được con đường giải thoát đúng đắn cho bản thân. Trở về Tỷ Duệ, vùi mình trong Tàng Kinh Các, cuối cùng Sư đã đọc Quán Kinh Tứ Thiếp Sớ của ngài Thiện Đạo, giải ngộ, chân thành đề xướng trì danh niệm Phật. Rời Tỷ Duệ, hòa mình vào tầng lớp bình dân, Sư giảng dạy giáo nghĩa Tịnh Độ, thu hút các tín đồ, kể cả các quan to trong triều. Điều này gây nên sự đố kỵ và lo ngại của giới tăng lữ thuộc tông Thiên Đài vì sợ mất ảnh hưởng quyền lực đối với triều đình. Các tăng sĩ như Minh Huệ (Myōe) và Trinh Khánh (Jōkei) đã công khai chỉ trích Pháp Nhiên là tà giáo. Đã thế, những tín đồ, môn đệ của ngài Pháp Nhiên trong nhiệt tình truyền giáo đã hiểu lệch lạc khái niệm Tha Lực nên không tuân thủ giới luật, kịch liệt chỉ trích những tông phái khác bằng luận điệu khiên cưỡng, bôi nhọ, dẫn đến phản ứng mạnh của tông Thiên Đài. Cuối cùng dưới sức ép của các tăng lữ chùa Hưng Phước, Thiên Hoàng Hậu Điểu Vũ (Go-Toba) đã hạ lệnh nghiêm cấm niệm Phật, bắt Pháp Nhiên và các đệ tử đi lưu đày. Mãi đến năm 1211, lệnh cấm mới được bãi bỏ và Pháp Nhiên được trở về Kinh Đô (Kyoto), nhưng Sư tịch vào năm sau. Một đệ tử của Sư là Thân Loan (Shinran) đã thành lập một tông phái Tịnh Độ mới là Tịnh Độ Chân Tông (Jōdo Shinshū).

75 Đăng đường nhập thất: Thời cổ, đối với kiến trúc trong các dinh thự, phủ đường lớn, các công trình phía trước gọi là đường, phía sau gọi là thất. “Đăng đường nhập thất” có nghĩa là tiến vào sảnh đường, vào tận những gian phòng ở sâu phía trong, tức là người thân thuộc với chủ nhân, hoặc người nhà. Do vậy, dùng hình ảnh này để mô tả những người đã thâm nhập, là học trò đã đạt mức độ thấu hiểu sâu xa đối với một môn học.

76 Tứ Khố Toàn Thư được chia thành bốn phần: Kinh, Sử, Tử, Tập. Tập chính là phần thu thập tất cả các trước tác văn chương, thi phú.

77 Phương ngoại là danh xưng chỉ người xuất gia. Bạn phương ngoại tức là tăng sĩ kết giao với người trong thế tục.

78 Hoàng Đế còn gọi là Hiên Viên Hoàng Đế, được coi là thủy tổ của người Hán. Theo huyền sử, ông trị vì từ năm 2697 đến năm 2598 trước Công Nguyên. Theo Hán Thư, Hoàng Đế vốn là họ Cơ, là con của Thiếu Điển, do sống tại gò Hiên Viên nên lấy Hiên Viên làm tên. Về sau, tên ấy được coi là họ (với danh xưng Hiên Viên Thị). Sách Sử Ký lại nói ông vốn họ Công Tôn, nhưng cũng công nhận do ông sống tại gò Hiên Viên nên lấy Hiên Viên làm tên. Do đặt tên nước là Hữu Hùng, nên còn gọi là Hữu Hùng Thị. Hoàng Đế liên kết Viêm Đế đánh bại Xi Vưu (thủ lãnh bộ tộc Cửu Lệ) tại cánh đồng Trác Lộc. Về sau, do mâu thuẫn quyền lợi, Viêm Đế và Hoàng Đế đánh nhau. Viêm Đế thua trận Bản Tuyền, Hoàng Đế trở thành Cộng Chủ (thủ lãnh liên minh các bộ lạc thời ấy) của cả Trung Nguyên. Các phát minh trong thời kỳ này đều được gán cho Hoàng Đế như làm nhà cửa, đóng ghe thuyền, chế kim chỉ nam, làm lịch, y học v.v... Tương truyền, một đại thần của vua là Thương Hiệt đã chế ra chữ Hán. Vợ Hoàng Đế là Luy Tổ được coi là người đầu tiên tìm ra cách kéo kén, dạy phụ nữ ươm tơ, dệt lụa.

79 Ý nói các pháp môn trong Phật pháp đều nhằm tu thanh tịnh, nhưng nếu hành giả tham cầu học càng nhiều pháp môn càng tốt, tưởng đó là quảng học đa văn, thật ra là vọng niệm, vọng niệm chẳng tương ứng với tâm thanh tịnh!

80 Ngũ Đại là giai đoạn lịch sử từ năm 907 đến năm 979, trải qua năm triều đại chính là Hậu Lương (907-923, do Châu Hoảng tức Châu Ôn sáng lập), Hậu Đường (923-937, do Lý Tồn Úc sáng lập), Hậu Tấn (936-947, do Thạch Kính Đường sáng lập), Hậu Hán (947-951, do Lưu Trí Viễn sáng lập), và Hậu Châu (951-960, do Quách Oai sáng lập). Trong giai đoạn này, ngoài năm vương quốc chính nói trên, có tất cả mười vương quốc được sáng lập và diệt vong trong một thời gian ngắn nên sử thường gọi chung là Ngũ Đại Thập Quốc. Mười nước ấy là Ngô (904-937, do Dương Hành Mật sáng lập), Nam Đường (937-975, do Lý Biện sáng lập), Ngô Việt (907-978, do Tiền Liêu sáng lập), Sở (897-951, do Mã Ân sáng lập), Mân (909-945, do Vương Thẩm Tri), Nam Hán (917-971, do Lưu Nghiễm sáng lập), Tiền Thục (907-925, do Vương Kiến sáng lập), Hậu Thục (934-965, do Mạnh Tri Tường sáng lập), Nam Bình (còn gọi là Kinh Nam hay Bắc Sở, 924-963, do Cao Quý Hưng sáng lập) và Bắc Hán (951-979, do Lưu Mân sáng lập).

81 Thoạt đầu, Trung Hoa chỉ coi hai mươi bốn bộ sử được coi là sách lịch sử chính thống, đến năm 1921, tổng thống Từ Thế Xương hạ lệnh đưa thêm Tân Nguyên Sử (do Kha Thiệu Mẫn biên soạn) vào danh sách ấy nên mới có hai mươi lăm bộ sử. Về sau, ngoại trừ tại Đài Loan vẫn chấp nhận quy định này, các nơi khác thay thế Tân Nguyên Sử bằng Thanh Sử Cảo (do Triệu Nhĩ Tốn chủ biên). Hai mươi bốn bộ sử truyền thống là Sử Ký (do Tư Mã Thiên biên soạn dưới thời Đông Hán), Hán Thư (do Ban Cố biên soạn), Hậu Hán Thư (do Phạm Việp biên soạn), Tam Quốc Chí (do Trần Thọ biên soạn), Tấn Thư (do Phòng Huyền Linh chủ biên), Tống Thư (do Trầm Ước biên soạn), Nam Tề Thư (do Tiêu Tử Hiển biên soạn), Lương Thư (do Diêu Tư Liêm biên soạn), Trần Thư (do Diêu Tư Liêm soạn), Ngụy Thư (do Ngụy Thâu soạn), Bắc Tề Thư (do Lý Bách Dược soạn), Châu Thư (do Lệnh Hồ Đức Phân chủ biên), Tùy Thư (do Ngụy Trưng chủ biên), Nam Sử (Lý Diên Thọ biên soạn), Bắc Sử (Lý Diên Thọ biên soạn), Cựu Đường Thư (do Lưu Hú chủ biên), Tân Đường Thư (do Âu Dương Tu biên soạn), Cựu Ngũ Đại Sử (Tiết Cư Chánh chủ biên), Tân Ngũ Đại Sử (Âu Dương Tu biên soạn), Tống Sử, Liêu Sử, Kim Sử (ba bộ này đều do Thoát Thoát chủ biên), Nguyên Sử (do Tống Liêm biên soạn), và Minh Sử (do Trương Đình Ngọc biên soạn).

Thập Tam Kinh là mười ba bộ kinh điển chủ yếu của Nho gia mà các sĩ tử Trung Hoa kể từ đời Tống bắt buộc phải học nếu muốn đỗ đạt, gồm kinh Thi, kinh Thư, Lễ Ký, Châu Dịch, Tả Truyện (Tả Thị Xuân Thu là bộ biên niên sử nhằm chú giải kinh Xuân Thu do Tả Khâu Minh biên soạn), Công Dương Truyện (chú giải kinh Xuân Thu do Công Dương Cao người nước Tề biên soạn), Cốc Lương Truyện (chú giải kinh Xuân Thu do Cốc Lương Tử biên soạn), Châu Lễ (tương truyền do Châu Công biên soạn, viết về cách tổ chức quan chế đời Châu), Nghi Lễ (ghi chép các thứ nghi lễ đời Châu), Luận Ngữ (ghi chép lời dạy của Khổng Tử), Hiếu Kinh (ghi chép lời Khổng Tử dạy Tăng Sâm về đạo hiếu), Nhĩ Nhã (bộ từ điển đầu tiên của Trung Hoa, không rõ tác giả) và Mạnh Tử (sách ghi lại tư tưởng, quan điểm của Mạnh Tử, thường được tin là do chính Mạnh Tử biên soạn, và do các học trò của ông như Vạn Chương, Công Tôn Sửu v.v... chỉnh lý).



82 Xin lưu ý là Âu Dương Cánh Vô là một triết gia, một nhà Phật học tại gia, chứ không phải là tăng sĩ. Hòa Thượng Tịnh Không dùng chữ “đại sư” ở đây theo cách dùng phổ biến của người Hoa để gọi một chuyên gia hàng đầu về một lãnh vực nào đó. Chẳng hạn, cụ Chương Thái Viêm được gọi là Quốc Học đại sư, Tề Bạch Thạch được gọi là Thư Pháp đại sư.

83 Có thể hiểu sơ lược như thế này: Phạm trù là cách phân loại những khái niệm trong triết học, người ta sắp xếp những khái niệm có cùng một số đặc điểm tiêu biểu và quy luật phát triển thành từng loại, xem xét quan hệ giữa những khái niệm ấy với khái niệm khác. Do vậy, phạm trù có thể hiểu là một cách hệ thống hóa tư tưởng, xác định phạm vi của những khái niệm, nghiên cứu sự tương tác giữa các khái niệm với nhau.

84 Thiên Như là phối hợp bách giới với mười món như thị mà thành. Sách Pháp Hoa Huyền Nghĩa giảng: “Mỗi pháp giới có mười như thị, mười pháp giới trọn đủ một trăm như thị. Lại nữa, trong mỗi pháp giới có chín pháp giới kia, cho nên một trăm pháp giới có ngàn món như thị”. Mười món Như Thị được nói trong phẩm Phương Tiện kinh Pháp Hoa như sau: “Chỉ có Phật và Phật mới có thể thấu hiểu rốt ráo Thật Tướng của các pháp, tức là các pháp như thị tướng, như thị tánh, như thị thể, như thị lực, như thị tác, như thị nhân, như thị duyên, như thị quả, như thị báo, như thị cứu cánh bổn mạt...”

85 Bành Tổ, tên thật là Tiễn, còn gọi là Tiễn Khanh, chắt của Chuyên Húc (một trong Ngũ Đế, người được coi là có công sáng chế lịch pháp, thiên văn, quy định người có quan hệ huyết thống không được lấy nhau v.v...). Do được vua Nghiêu phong cho thái ấp ở đất Bành, nên gọi là Bành Khanh. Bành Tổ được coi là thủy tổ của những người mang họ Bành. Ông giữ chức Thủ Tạng từ đời vua Nghiêu trải các đời Hạ, Thương, Châu. Theo truyền thuyết, do quá thọ, Bành Tổ lấy vợ bốn mươi chín lần, sanh được năm mươi bốn người con. Đạo giáo coi ông là một vị tiên, những tác phẩm như Bành Tổ Dưỡng Sanh Kinh, Bành Tổ Nhiếp Sanh Dưỡng Tánh Luận do hậu nhân biên soạn rồi gán cho ông.

86 Theo Hòa Thượng Tịnh Không đã nói trong Tịnh Độ Đại Kinh Khoa Chú, tập 19, ngài Hương Tượng chính là Hiền Thủ quốc sư, tác giả bộ Tu Hoa Nghiêm Áo Chỉ Vọng Tận Hoàn Nguyên Quán.

87 Do chữ Diễn (yǎn) và Nghiên (yán) có cách phát âm tương tự, nhất là chữ “nghiên giáo” (yán jiào: nghiên cứu giáo pháp) được dùng rất phổ biến, nên Hòa Thượng sợ người nghe hiểu lầm Ngài đang nói về “nghiên giáo” thay vì “diễn giáo”.

88 Giáp Cốt Văn, nói đầy đủ là Quy Giáp Thú Cốt Văn (văn tự trên mai rùa, xương thú vật), chủ yếu chỉ những ghi chép, lời bói toán được khắc trên yếm rùa, mai rùa, xương thú thời Ân Thương. Đây là hình thức văn tự sớm nhất của Trung Quốc, là thủy tổ của chữ Hán hiện thời. Giáp Cốt Văn được phát hiện tại di chỉ Ân Khư (An Dương, Hà Nam).

89 Hư tuế: Ta thường gọi là “tuổi ta”, tức là tính luôn năm sinh là một tuổi, chứ không đợi đến ngày sinh nhật năm sau.

90 Nguyên văn là A Hoanh (阿訇), đây là phiên âm của chữ Akhoond (Akhund, Akhwand), một từ ngữ có gốc từ tiếng Ba Tư, thường sử dụng tại Iran, A Phú Hãn, Azerbaijan và trong cộng đồng Hồi tộc (Dungans) tại Trung Hoa. Akhoond tương ứng với chữ Imam trong tiếng Ả Rập. Akhoond giữ vai trò hướng dẫn cầu nguyện, cử hành nghi lễ tôn giáo, dạy học trong các trường Hồi giáo. Điều đáng ngạc nhiên là hiện thời tại Iran, quê hương của từ ngữ Akhoond, từ Akhoond được coi như một từ ngữ mang nặng tính chất xúc phạm để chỉ những giáo sĩ đạo đức giả, kém cỏi, dốt nát, bại hoại!

91 Koran (Quran, Qur’an, Alcoran, al-Qur’ān) là kinh thánh của đạo Hồi, được coi là lời dạy trực tiếp từ Thượng Đế được thiên sứ Jibril (Gabriel) truyền cho tiên tri Mahomed trong vòng hai mươi ba năm kể từ năm 610 trước Công Nguyên khi Mohamed tròn 40 tuổi. Koran được biên tập bởi Caliph Abu Bakr một thời gian ngắn sau khi Mohamed chết. Truyền thống đạo Hồi tin Mohamed được trao truyền kinh Koran tại hang Hira trong vùng núi hoang.

92 Sáu tầng trời trong Dục Giới là Tứ Vương Thiên, Đao Lợi Thiên, Diễm Ma Thiên, Đâu Suất Thiên, Hóa Tự Tại Thiên, Tha Hóa Tự Tại Thiên.

93 Tam Công là ba chức quan phù tá tối cao của nhà vua, được thiết lập từ đời Châu, gồm Thái Sư, Thái Phó, Thái Bảo. Đến đời Hán, Tam Công là Thừa Tướng (về sau đổi thành Đại Tư Đồ), Thái Úy, Ngự Sử Đại Phu (về sau đổi thành Đại Tư Không). Nhà Hậu Hán gọi Thái Úy, Tư Đồ, Tư Không là Tam Công. Đến đời Tống Huy Tông, lại đổi Tam Công thành Thái Sư, Thái Phó, Thái Bảo. Về sau, với sự hình thành lục bộ và vai trò ngày càng lớn của Tể Tướng, Tam Công chỉ còn là chức quan danh dự tặng cho các vị cố vấn cao cấp.

94 Bốn nền văn minh cổ nổi tiếng nhất và sớm nhất trên thế giới là Cổ Ai Cập, văn minh lưu vực Lưỡng Hà (Mesopotamia), Cổ Ấn Độ và Cổ Trung Quốc. Đây là khái niệm do Lương Khải Siêu đưa ra trong bài xã luận Nhị Thập Thế Kỷ Thái Bình Dương Ca. Nếu theo quan điểm Tây Phương thì văn minh cổ không chỉ gồm bốn quốc gia này mà còn phải kể văn minh Babylon, văn minh Cổ Hy La (Hy Lạp - La Mã), văn minh của thổ dân châu Mỹ v.v...

Каталог: kinh -> Ebooks -> Giang-Kinh
Giang-Kinh -> LỜi vàng phật dạY (kinh pháp cú dhammapada)
Giang-Kinh -> Kinh bách dụ Tâm Minh ngô TẰng giao chuyển Thơ
Giang-Kinh -> A hàm Mưa Pháp Chuyển Hóa Phiền Não
Giang-Kinh -> VỚi phật giáo nhân gian hoằng Ấn Trước Tác
Giang-Kinh -> QUÁn thế Âm bồ TÁt phổ MÔn phẩm giảng ký 觀世音菩薩普門品講記 演培老法師講述 釋寬嚴記
Giang-Kinh -> Kinh Bát Nhã Trực Chỉ Đề Cương ht từ Thông o0o Nguồn
Giang-Kinh -> Kinh quán vô LƯỢng thọ Đời Lưu Tống, Ngài Cương-Lương Gia-Xá Dịch Việt Dịch : Hòa Thượng Thích Thiền Tâm Phật Học Viện Quốc Tế Xuất Bản pl 2526 1982
Giang-Kinh -> ÐẠo phật ngày nay một diễn dịch mới về ba bộ kinh pháp hoa

tải về 6.32 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   25   26   27   28   29   30   31   32   33




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương