TỔng quan về biên giới việt nam làO


II. CÔNG TÁC TĂNG DÀY, TÔN TẠO HỆ THỐNG MỐC QUỐC GIỚI VÀ NỘI DUNG HAI VĂN KIỆN PHÁP LÝ BIÊN GIỚI VIỆT NAM



tải về 226.9 Kb.
trang2/2
Chuyển đổi dữ liệu04.01.2018
Kích226.9 Kb.
#35406
1   2

II. CÔNG TÁC TĂNG DÀY, TÔN TẠO HỆ THỐNG MỐC QUỐC GIỚI VÀ NỘI DUNG HAI VĂN KIỆN PHÁP LÝ BIÊN GIỚI VIỆT NAM - LÀO KÝ NGÀY 16/3/2016

1. Công tác tăng dày và tôn tạo hệ thống mốc quốc giới Việt Nam - Lào

1.1. Cơ sở thực tiễn của công tác tăng dày và tôn tạo hệ thống mốc quốc giới Việt Nam - Lào

Thực hiện Hiệp ước hoạch định biên giới năm 1977, từ năm 1978 đến 1987, Việt Nam và Lào đã phối hợp thực hiện và hoàn thành việc phân giới toàn bộ đường biên giới ở trên thực địa, xây dựng được tổng số 214 cột mốc tại 199 vị trí mốc. Hệ thống mốc quốc giới này đã đóng một vai trò rất quan trọng trong công tác quản lý biên giới chung giữa hai nước.



Tuy nhiên, sau hơn 20 năm, hệ thống mốc quốc giới Việt Nam - Lào được cắm từ những năm 1980 đã bộc lộ một số hạn chế, không đáp ứng được yêu cầu của công tác quản lý biên giới trong tình hình mới, cụ thể:

- Thứ nhất, với đường biên giới dài hơn 2.000 km mà chỉ có 199 vị trí mốc thì mật độ quá thưa, bình quân trên 10 km một mốc, cá biệt có những nơi hai cột mốc cách xa nhau hơn 40 km, gây khó khăn cho việc nhận biết đường biên giới và công tác quản lý biên giới.

- Thứ hai, do được thiết kế và xây dựng vào thời kỳ sau chiến tranh, hai nước còn nhiều khó khăn, năng lực, trang thiết bị kỹ thuật còn hết sức hạn chế, nên mốc có chất lượng không cao, không bền vững.

- Thứ ba, từ sau khi hoàn thành việc phân giới, cắm mốc và ký kết Hiệp định về quy chế biên giới, hai bên đã phối hợp mở và nâng cấp nhiều cửa khẩu biên giới cùng với các công trình mới được xây dựng khang trang, hiện đại, khiến cho hình thức và kích thước mốc cũ ở cửa khẩu quốc tế và cửa khẩu chính không còn phù hợp, không tương xứng với ý nghĩa là mốc quốc giới.

Xuất phát từ thực tiễn trên, nhằm hoàn thiện chất lượng của đường biên giới, xây dựng một hệ thống mốc quốc giới khang trang, chính quy, hiện đại, đáp ứng yêu cầu của công tác quản lý biên giới trong tình hình mới, lãnh đạo cấp cao hai nước đã thống nhất cùng phối hợp xây dựng và thực hiện Dự án tăng dày và tôn tạo hệ thống mốc quốc giới Việt Nam - Lào, coi đây là một trong những nội dung hợp tác quan trọng giữa hai nước, phục vụ nhu cầu phối hợp quản lý, bảo vệ biên giới ổn định lâu dài.

1.2. Nội dung Dự án tăng dày và tôn tạo hệ thống mốc quốc giới Việt Nam - Lào

Dự án tăng dày và tôn tạo hệ thống mốc quốc giới Việt Nam - Lào gồm có 9 nội dung chính sau đây:



- Thứ nhất, về mục tiêu, yêu cầu nhiệm vụ của dự án, hai bên thống nhất theo đúng chỉ đạo của lãnh đạo cấp cao, gồm: (i) Tăng dày hệ thống mốc quốc giới ở những vị trí cần thiết để làm rõ đường biên giới; (ii) Tôn tạo các mốc hiện có và mốc tại cửa khẩu biên giới để đảm bảo kiên cố, vững chắc, khang trang; (iii) Hoàn thiện hồ sơ pháp lý về đường biên giới Việt Nam - Lào (lập lại hồ sơ mốc giới và Nghị định thư ghi nhận toàn bộ thành quả giải quyết biên giới giữa hai nước cho phù hợp với số liệu đo đạc tại thực địa và trên bản đồ đường biên giới quốc gia Việt Nam - Lào tỷ lệ 1/50.000 do hai nước cùng thành lập).

- Thứ hai, về hệ thống mốc quốc giới: Hai bên thống nhất dự kiến số lượng, vị trí mốc tăng dày và tôn tạo trên toàn tuyến biên giới và thể hiện cụ thể trên 63 mảnh bản đồ tỷ lệ 1/50.000 mới thành lập. Đồng thời, thống nhất mẫu thiết kế, chất liệu xây dựng, nội dung thể hiện trên mặt từng loại mốc (mốc đại, mốc trung, mốc tiểu) và quy cách đặt số hiệu cho cả hệ thống mốc theo số thứ tự từ Bắc xuống Nam.

- Thứ ba, về các quy định pháp lý - kỹ thuật: Để phục vụ việc đo đạc, xác định vị trí mốc trên thực địa và hoàn thiện các tài liệu pháp lý, hai bên thống nhất "Quy trình kỹ thuật xác định vị trí mốc trên thực địa" và nhất trí sử dụng các trạm GPS đặt tại Việt Nam đo nối với các điểm khống chế tọa độ và độ cao thuộc lưới khống chế cơ sở biên giới Việt Nam - Lào. Hai bên cũng thống nhất quy trình soạn thảo và mẫu các loại văn bản pháp lý song phương để nghiệm thu kết quả thực hiện dự án.

- Thứ tư, về tổ chức quản lý và thực hiện dự án, hai bên nhất trí cơ chế phối hợp song phương gồm ba cấp: (i) Cấp trung ương có Uỷ ban liên hợp, Đoàn chuyên viên liên hợp và Tổ chuyên viên pháp lý, kỹ thuật và tài chính; (ii) Cấp tỉnh có Ban Chỉ đạo cắm mốc tỉnh; (iii) Cấp đội cắm mốc (tổ chức 105 Đội cắm mốc liên hợp). Hai bên cũng đã quy định rõ chức năng, nhiệm vụ của từng cấp để phối hợp quản lý và tổ chức thực hiện dự án.

- Thứ năm, về phân công thực hiện dự án: Hai bên thống nhất phân công cụ thể đối với từng hạng mục công việc của dự án. Trong đó, phía Lào nhất trí phân công phía Việt Nam đảm nhận phần việc xây dựng mốc (bao gồm cả khâu sản xuất mốc, vận chuyển vật tư, vật liệu và công tác bảo đảm để thi công mốc) và lắp đặt trạm GPS tạm thời, dưới sự tổ chức giám sát chung của hai bên.

- Thứ sáu, về kế hoạch tiến độ thực hiện: Hai bên thống nhất thời gian thực hiện dự án từ 5 đến 7 năm kể từ khi hai Chính phủ phê duyệt và cho phép triển khai thực hiện.

- Thứ bảy, về dự toán kinh phí: Hai bên thống nhất mỗi bên tự tính toán trên cơ sở khối lượng công việc được phân công và theo đơn giá, định mức hiện hành của bên mình để xác định tổng dự toán kinh phí và tổng hợp vào dự án chung.

- Thứ tám, về nguồn vốn thực hiện dự án: Phía Việt Nam sử dụng 100% vốn ngân sách Nhà nước. Phía Lào đề nghị phía Việt Nam giúp đỡ từ nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Việt Nam dành cho Chính phủ Lào.

- Thứ chín, về đánh giá tác động môi trường: Hai bên đánh giá mặc dù dự án có tổng vốn đầu tư lớn và quy mô trải dài trên địa bàn 10 cặp tỉnh biên giới Việt Nam - Lào, nhưng về thực chất thi công tại hiện trường chỉ là những điểm nhỏ, cách xa nhau; giá trị xây dựng trực tiếp của mỗi mốc chỉ vài chục triệu đồng, còn lại là các chi phí gián tiếp và các chi phí liên quan đến hoạt động song phương... Do đó, về mặt tác động môi trường tại mỗi vị trí xây dựng mốc chỉ tương ứng với một công trình xây dựng rất nhỏ bé, nên nhất trí kết luận dự án bảo đảm yêu cầu về an toàn vệ sinh môi trường.

1.3. Tình hình thực hiện công tác tăng dày, tôn tạo mốc quốc giới

a) Những thuận lợi, khó khăn

* Công tác tăng dày, tôn tạo hệ thống mốc quốc giới Việt Nam - Lào có những thuận lợi cơ bản là:



- Thứ nhất, công tác này được lãnh đạo cấp cao hai nước quan tâm, chỉ đạo sát sao và đã tạo mọi điều kiện thuận lợi để triển khai thực hiện; các bộ, ngành và địa phương hai bên đều hết sức phấn khởi ủng hộ và quyết tâm phối hợp hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

- Thứ hai, đường biên giới Việt Nam - Lào đã được hoạch định, phân giới cắm mốc; các tồn đọng và mâu thuẫn, sai lệch đã được giải quyết xong, nên việc xác định vị trí mốc cơ bản là thuận lợi.

- Thứ ba, dự án được các bộ, ngành và địa phương hữu quan của hai nước dày công phối hợp nghiên cứu, nên khối lượng công việc được xác định cơ bản đầy đủ, rõ ràng, từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho khâu lập kế hoạch và dự toán kinh phí thực hiện công tác cắm mốc hàng năm.

- Thứ tư, việc tổ chức thực hiện Kế hoạch tổng thể của phía ta đã đúc rút nhiều kinh nghiệm từ việc phân giới cắm mốc biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc, Việt Nam - Campuchia, nên vấn đề tổ chức, điều hành, quản lý, sử dụng kinh phí là những vướng mắc trước đây thì đến nay cơ bản đã được giải quyết.

- Thứ năm, Chính phủ đã cho phép đầu tư mua sắm những máy móc, trang thiết bị đo đạc hiện đại nhất, đảm bảo cho lực lượng kỹ thuật làm việc có hiệu quả, đảm bảo độ chính xác.

* Bên cạnh những thuận lợi, việc triển khai công tác cắm mốc cũng gặp phải không ít khó khăn cả về khách quan lẫn chủ quan, nhất là công tác ngoại nghiệp:

- Một là, khu vực biên giới Việt Nam - Lào có địa hình hết sức hiểm trở, thời tiết khắc nghiệt, mưa lũ thất thường, nên việc vận chuyển vật tư, vật liệu lên đường biên giới là một trở ngại lớn, đặc biệt là việc vận chuyển thân mốc (mốc tiểu nặng 250kg, mốc trung nặng 480kg, mốc đại nặng gần 1000kg).

- Hai là, hầu hết trên các địa bàn triển khai công tác cắm mốc là vùng sâu, vùng xa, chưa có đường giao thông, dân cư thưa thớt, kinh tế - xã hội chậm phát triển nên rất khó huy động phương tiện, trang bị kỹ thuật và dân công.

- Ba là, dọc tuyến biên giới, trong lòng đất, khe núi, đáy sông còn nhiều bom mìn và vật cản nổ do chiến tranh để lại có thể phát nổ bất kỳ lúc nào.

- Bốn là, trong quá trình triển khai công tác cắm mốc đã nảy sinh một số nội dung công việc phức tạp như: xử lý mâu thuẫn giữa lời văn mô tả hướng đi của đường biên giới với bản đồ và thực địa; xử lý các sai phạm khi thi công đường tuần tra biên giới; cắm thêm một số cọc dấu nhằm làm rõ hướng đi đường biên giới tại những khu vực cần thiết v.v…

- Bên cạnh đó, các thế lực thù địch có các hoạt động chống phá, kích động đồng bào dân tộc thiểu số ngăn cản việc thi công, xây dựng mốc, lực lượng thổ phỉ thường xuyên có các hành vi gây nguy hại cho công tác bảo vệ cột mốc, bảo đảm an ninh, an toàn cho lực lượng cắm mốc.

b) Tình hình, kết quả cắm mốc trên thực địa

Để có kinh nghiệm cắm mốc trên thực địa, hai bên thống nhất làm thí điểm công trình mốc đại ở khu vực cửa khẩu quốc tế Lao Bảo (Quảng Trị) - Đensavẳn (Sạ Vẳn Nạ Khệt); Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị được giao tiến hành thi công công trình dưới sự giám sát của phía Lào và đã hoàn thành trong tháng 8-2008, bảo đảm đúng vị trí mốc, các yêu cầu về thiết kế và kỹ thuật đã được hai bên thỏa thuận. Đây là cột mốc đôi số 605, phía Việt Nam là cột mốc 605(1), phía Lào là cột mốc 605(2). Ngày 05/9/2008, tại cửa khẩu quốc tế Lao Bảo (Quảng Trị) - Đensavẳn (Sạ Vẳn Nạ Khệt), Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Gia Khiêm và Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Lào Thoonglun Xixulít đồng chủ trì buổi Lễ khánh thành công trình mốc, chính thức khởi động công tác cắm mốc trên toàn tuyến biên giới Việt Nam - Lào.

Từ giữa tháng 9/2008, hai bên đồng loạt triển khai công tác cắm mốc trên toàn tuyến; đến cuối tháng 6/2013, xây dựng được 834 cột mốc tại 792 vị trí mốc và cắm bổ sung 29 cọc dấu tại 27 vị trí đường biên giới. Thành quả này được ghi nhận bằng Lễ Chào mừng hoàn thành công tác cắm mốc biên giới Việt Nam - Lào trên thực địa, tổ chức ngày 9/7/2013 tại cửa khẩu Thanh Thủy (Nghệ An) - Nậm On (Bô Ly Khăm Xay), với sự tham dự và chủ trì của Thủ tướng Chính phủ hai nước.

Giai đoạn từ tháng 7/2013 đến 10/2015, hai bên phối hợp xác định và xây dựng thêm 139 cọc dấu tại 86 vị trí đường biên giới, nâng tổng số cọc dấu trên toàn tuyến là 168 cọc dấu/113 vị trí; hoàn thành việc dịch chuyển 5 cột mốc và 1 cọc dấu đã xây dựng tới vị trí mới trên đường biên giới do cắm chệch đoạn biên giới kẻ thẳng hoặc không phù hợp với địa hình thực địa; hoàn thành đo tọa độ và độ cao bằng máy GPS hai tần số đối với 1002 mốc quốc giới và hơn 70 điểm kiểm tra đặc trưng địa hình khác; hoàn thành việc đo đạc để bổ sung cập nhật lên bộ bản đồ số đường biên giới quốc gia Việt Nam - Lào tỷ lệ 1/50.000 các đoạn đường tuần tra biên giới mới thi công...



c) Tình hình, kết quả công tác nội nghiệp

Trên cơ sở kết quả cắm mốc trên thực địa, hai bên đã lập, kiểm tra, nghiệm thu 1002 bộ hồ sơ pháp lý mốc quốc giới (gồm biên bản cắm mốc và kết quả đo tọa độ và độ cao mốc quốc giới bằng máy GPS hai tần số), tiến hành đối chiếu nhằm bảo đảm nội dung của toàn bộ 1002 bộ hồ sơ mốc quốc giới và cọc dấu (tiếng Việt - Lào và tiếng Lào - Việt) thống nhất với nội dung dự thảo Nghị định thư về đường biên giới và mốc quốc giới Việt Nam - Lào và bộ bản đồ biên giới quốc gia Việt Nam - Lào tỷ lệ 1/50.000.

Hai bên cũng tiến hành việc rà soát, kiểm tra công tác biên tập phục vụ chế in toàn bộ bản đồ, sơ đồ trích phóng (cả mảnh bản đồ tiếng Việt - Lào và tiếng Lào - Việt), gồm: 126 mảnh bản đồ tỷ lệ 1/50.000; 36 mảnh bản đồ tỷ lệ 1/10.000 của khu vực 16 cặp cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính và 5 khu vực có sự sai khác lớn về địa hình giữa bản đồ và thực địa; 118 sơ đồ trích phóng từ bản đồ tỷ lệ 1/50.000 đối với các khu vực cắm mốc đôi, mốc ba hoặc khu vực có nhiều mốc và cọc dấu.

Ghi nhận những kết quả đã đạt được nêu trên, hai bên đã tiến hành in chính thức:

i) 63 mảnh bản đồ đường biên giới quốc gia Việt Nam - Lào tỷ lệ 1/50.000 thể hiện toàn bộ đường biên giới và vị trí mốc quốc giới giữa hai nước (được đánh số từ Bắc xuống Nam, từ mảnh số 01(63) đến mảnh số 63(63)); lập thành hai bộ, một bộ tiếng Việt - Lào và một bộ tiếng Lào - Việt.

ii) 18 mảnh bản đồ đường biên giới quốc gia Việt Nam - Lào tỷ lệ 1/10.000 đối với 16 khu vực cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính, khu vực cửa khẩu phụ Tam Hợp (Nghệ An) - Thoong My Xay (Bô Ly Khăm Xay) và khu vực mốc số 139; lập thành hai bộ, một bộ tiếng Việt - Lào và một bộ tiếng Lào - Việt.

Hai bên cũng đã phối hợp xây dựng và hoàn thiện dự thảo "Nghị định thư về đường biên giới và mốc quốc giới giữa nước CHXHCN Việt Nam và nước CHDCND Lào" (kèm theo các tài liệu, bản đồ ghi nhận toàn bộ thành quả công tác biên giới giữa hai nước) và "Hiệp định về Quy chế quản lý biên giới và cửa khẩu biên giới trên đất liền giữa nước CHXHCN Việt Nam và nước CHDCND Lào", trình Chủ tịch nước hai nước cho phép đại diện hai nước Việt Nam và Lào ký chính thức hai văn kiện quan trọng này trong Lễ tổng kết việc hoàn thành Dự án tăng dày và tôn tạo hệ thống mốc quốc giới Việt Nam - Lào.

Ngày 16/3/2016, tại Hà Nội, Chính phủ Việt Nam và Lào long trọng tổ chức Lễ tổng kết cấp Nhà nước việc hoàn thành Dự án tăng dày và tôn tạo hệ thống mốc quốc giới Việt Nam - Lào. Tại buổi Lễ tổng kết, trước sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ hai nước và toàn thể đại biểu hai bên, Phó Thủ tướng Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh và Phó Thủ tướng Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Lào Thoonglun Xixulit đã cùng nhau ký "Nghị định thư về đường biên giới và mốc quốc giới giữa nước CHXHCN Việt Nam và nước CHDCND Lào" và "Hiệp định về quy chế quản lý biên giới và cửa khẩu biên giới trên đất liền giữa nước CHXHCN Việt Nam và nước CHDCND Lào".

Hai văn kiện pháp lý nêu trên đã được cấp có thẩm quyền hai nước phê chuẩn và chính thức có hiệu lực từ ngày 05/9/2017, đúng vào dịp kỷ niệm 55 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước (05/9/1962 - 05/9/2017).

1.4. Ý nghĩa của việc hoàn thành công tác tăng dày, tôn tạo hệ thống mốc quốc giới Việt Nam - Lào

Việc hoàn thành thắng lợi công tác tăng dày và tôn tạo hệ thống mốc quốc giới Việt Nam - Lào là nguyện vọng chung và lợi ích lớn của nhân dân hai nước, có ý nghĩa hết sức thiết thực và to lớn về mọi mặt, cụ thể là:



- Một là, việc hoàn thành công tác tăng dày và tôn tạo hệ thống mốc quốc giới Việt Nam - Lào thể hiện rõ quyết tâm của hai Đảng, Nhà nước, nhân dân Việt Nam và Lào vì một đường biên giới chung giữa hai nước hoà bình, ổn định, hợp tác cùng phát triển.

- Hai là, việc ký kết Nghị định thư về đường biên giới và mốc quốc giới Việt Nam - Lào và Hiệp định về quy chế quản lý biên giới và cửa khẩu biên giới Việt Nam - Lào có ý nghĩa hết sức quan trọng. Hai văn kiện này cùng với Hiệp ước hoạch định biên giới Việt Nam - Lào năm 1977 và các văn kiện biên giới đã ký kết trở thành bộ hồ sơ pháp lý hoàn chỉnh nhất về đường biên giới hai nước, tạo cơ sở pháp lý và thực tiễn thuận lợi, góp phần nâng cao hiệu quả của công tác quản lý biên giới trong tình hình mới, xây dựng đường biên giới Việt Nam - Lào hòa bình, ổn định, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển.

- Ba là, chất lượng đường biên giới Việt Nam - Lào được nâng lên cả về pháp lý và trên thực địa. Theo đó, đường biên giới được mô tả và thể hiện chi tiết trong Nghị định thư về đường biên giới và mốc quốc giới và bộ bản đồ đính kèm. Trên thực địa, đường biên giới được thể hiện rõ ràng bằng một hệ thống mốc quốc giới chính quy, hiện đại, bảo đảm tính trường tồn và thống nhất trên toàn tuyến. Thành quả này đã góp phần giải quyết triệt để các vấn đề về biên giới lãnh thổ giữa hai nước, đồng thời tạo cơ sở để các ngành chức năng tiến hành quản lý biên giới một cách hiệu quả, ngăn ngừa hiện tượng xâm canh xâm cư do thiếu nhận biết về vị trí đường biên giới; mở ra cơ hội mới cho công cuộc phát triển của mỗi nước, đặc biệt là tạo điều kiện cho các địa phương biên giới hai bên mở rộng hợp tác, phát triển kinh tế, tăng cường giao lưu hữu nghị.

- Bốn là, trên bình diện chính trị - pháp lý, việc hoàn thành công tác tăng dày và tôn tạo hệ thống mốc quốc giới Việt Nam - Lào là thành quả chung của nhân dân hai nước, là minh chứng thuyết phục cho việc hai bên giải quyết vấn đề biên giới, lãnh thổ trên cơ sở thương lượng bình đẳng, tôn trọng độc lập, chủ quyền và lợi ích chính đáng của nhau, hợp tác cùng phát triển, phù hợp với pháp luật và thực tiễn quốc tế.

2. Giới thiệu mục đích, yêu cầu ký kết và nội dung Nghị định thư về đường biên giới và mốc quốc giới và Hiệp định về Quy chế quản lý biên giới và cửa khẩu biên giới Việt Nam - Lào ngày 16/3/2016

2.1. Nghị định thư về đường biên giới và mốc quốc giới Việt Nam - Lào

a) Mục đích và yêu cầu ký Nghị định thư

- Trên cơ sở Hiệp ước hoạch định biên giới năm 1977, Hiệp ước bổ sung hoạch định biên giới năm 1986, Hiệp ước bổ sung hoạch định biên giới năm 2007, Hiệp ước về xác định giao điểm đường biên giới giữa 3 nước Việt Nam - Lào - Trung Quốc năm 2006 và Hiệp ước về xác định giao điểm đường biên giới giữa 3 nước Việt Nam - Lào - Campuchia năm 2008, tạo lập một văn kiện pháp lý có giá trị cao, không chỉ mô tả đầy đủ, chính xác hướng đi của đường biên giới, địa hình đường biên giới đi qua và vị trí các mốc quốc giới theo kết quả thực hiện Dự án tăng dày và tôn tạo hệ thống mốc quốc giới trên thực địa, phù hợp với hệ tọa độ, độ cao trên bộ bản đồ tỷ lệ 1/50.000, mà còn ghi nhận được toàn bộ thành quả giải quyết các vấn đề về biên giới giữa hai nước.

- Hoàn thiện hồ sơ pháp lý về đường biên giới và mốc quốc giới Việt Nam - Lào, bao gồm lập lại hồ sơ pháp lý về mốc quốc giới phù hợp với số liệu kỹ thuật đo đạc tại thực địa trong quá trình triển khai thực hiện Dự án tăng dày và tôn tạo mốc quốc giới, được thể hiện trên bộ bản đồ tỷ lệ 1/50.000.

- Góp phần hoàn thiện cơ sở pháp lý phù hợp với Hiến chương Liên hợp quốc và các nguyên tắc cơ bản của pháp luật quốc tế; nâng cao hiệu quả của công tác quản lý biên giới trong tình hình mới; tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh khu vực biên giới; tăng cường, củng cố và phát triển mối quan hệ hữu nghị, truyền thống, tình đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào.



b) Nội dung chính của Nghị định thư

Nghị định thư bao gồm Lời nói đầu và 15 điều, được chia làm 04 phần và 04 Phụ lục, cụ thể như sau:

- Lời nói đầu: Nêu rõ cơ sở pháp lý và thực tiễn cũng như mục đích của Nghị định thư.

- Phần I: Quy định chung.

Phần này bao gồm những nội dung: Thông tin chung, cơ bản về đường biên giới quốc gia Việt Nam - Lào, như: Điểm khởi đầu, điểm kết thúc, tổng chiều dài và đặc biệt quy định rõ hướng đi của đường biên giới, vị trí các mốc quốc giới và các cọc dấu được mô tả chi tiết tại Phần II của Nghị định thư, đồng thời được thể hiện trên Bộ Bản đồ tỷ lệ 1/50.000 - tại Phụ lục 1 (Điều 1); Các tiêu chí cắm mốc quốc giới, quy định về mốc quốc giới và cọc dấu, quy định về loại hình, kiểu dáng, kích cỡ, chất liệu, quy cách, mẫu, số hiệu, số lượng và các thông tin, thông số kỹ thuật của mốc và cọc dấu (Điều 2); Quy định về hệ tọa độ, độ cao, phương pháp tính tọa độ, quy cách đo độ cao, quy cách số liệu về tọa độ, độ cao mốc quốc giới và cọc dấu (Điều 3); Quy định về chủng loại, số lượng thông số kỹ thuật của các loại bản đồ đường biên giới quốc gia Việt Nam - Lào; quy định về cách thức thể hiện đường biên giới, vị trí mốc quốc giới, cọc dấu và cồn, bãi trên sông suối lên Bộ bản đồ này (Điều 4); Quy định về sông, suối biên giới; phương pháp quy thuộc và đánh số cồn, bãi trên sông suối biên giới; quy định về trường hợp sông hoặc suối biên giới đổi dòng thì đường biên giới vẫn giữ nguyên không thay đổi (Điều 5); Quy định về cách đo chiều dài đường biên giới; về cách đo khoảng cách từ mỗi cột mốc của cụm mốc ba cùng số đến giao điểm hợp lưu hoặc giao điểm phân lưu giữa sông, suối biên giới và khoảng cách từ mỗi cột mốc đôi, cọc dấu đôi cùng số và cột mốc ba cùng số đến đường biên giới; cách phân phối sai số theo tỷ lệ của số liệu đo (Điều 6); Quy định về cách thức mô tả, số liệu tọa độ, độ cao sử dụng trong mô tả hướng đi của đường biên giới và địa hình đường biên giới đi qua; về quan hệ tương ứng giữa hướng và góc phương vị tọa độ (Điều 7).

- Phần II: Mô tả vị trí mốc, cọc dấu và hướng đi của đường biên giới.

Phần này mô tả chi tiết hướng đi của đường biên giới và vị trí mốc quốc giới theo hướng từ Bắc xuống Nam, theo số thứ tự của vị trí mốc quốc giới và cọc dấu từ nhỏ đến lớn, gồm 792 vị trí mốc, tương ứng với 834 cột mốc và 113 vị trí cọc dấu, tương ứng với 168 cọc dấu (Điều 8).

- Phần III: Kiểm tra, bảo vệ và quản lý đường biên giới, mốc quốc giới và cọc dấu.

Phần này bao gồm những quy định liên quan đến: Kiểm tra, bảo vệ và quản lý đường biên giới và hệ thống mốc quốc giới (Điều 9); Thời gian, tần suất kiểm tra liên hợp đường biên giới; việc thành lập đoàn kiểm tra liên hợp; trình tự, phương pháp làm việc của đoàn kiểm tra liên hợp; giá trị pháp lý của biên bản kiểm tra liên hợp (Điều 10); Quy định bất kỳ sự thay đổi của địa hình, sông, suối thực địa đều không làm thay đổi đường biên giới và vị trí mốc quốc giới, trừ trường hợp hai Bên có thỏa thuận khác (Điều 11).

- Phần IV: Các điều khoản cuối cùng.

Phần này gồm các nội dung quy định: Các phụ lục đính kèm và Nghị định thư là một bộ phận cấu thành không thể tách rời của Hiệp ước hoạch định biên giới năm 1977 và Hiệp ước bổ sung năm 1986 (Điều 12); Về mối quan hệ giữa Nghị định thư này và Nghị định thư năm 1986 và Nghị định thư bổ sung năm 1987 (Điều 13); Về giải quyết bất đồng phát sinh liên quan đến giải thích hoặc áp dụng Nghị định thư (Điều 14); Quy định Nghị định thư phải được phê chuẩn và thời điểm hiệu lực của Nghị định thư (Điều 15).

- Đính kèm Nghị định thư có 04 phụ lục ký ngày 02/3/2016 gồm:

+ Phụ lục 1: “Bộ bản đồ đường biên giới quốc gia Việt Nam - Lào tỷ lệ 1/50.000”;

+ Phụ lục 2: “Bảng đăng ký mốc quốc giới”;

+ Phụ lục 3” “Bảng tọa độ và độ cao mốc quốc giới”;

+ Phụ lục 4: gồm có Phụ lục 4a “Danh sách sông, suối biên giới tàu thuyền đi lại được” và Phụ lục 4b “Danh sách sông, suối biên giới tàu thuyền không đi lại được”.



2.2. Hiệp định về Quy chế quản lý biên giới và cửa khẩu biên giới Việt Nam - Lào

a) Mục đích và yêu cầu ký Hiệp định

- Hoàn thiện cơ sở pháp lý quan trọng cho công tác quản lý biên giới và cửa khẩu biên giới Việt Nam - Lào trong tình hình mới; bảo đảm sự bền vững, ổn định của biên giới quốc gia, an ninh, trật tự và an toàn xã hội khu vực biên giới; tạo điều kiện thuận lợi cho việc giao lưu, đi lại và sản xuất của cư dân biên giới; thúc đẩy hợp tác phát triển kinh tế xã hội ở vùng biên giới giữa hai nước; góp phần tăng cường, củng cố và phát triển mối quan hệ hữu nghị, truyền thống, tình đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào;

- Đáp ứng yêu cầu hệ thống hoá và tiêu chuẩn hoá các văn kiện pháp lý quốc tế song phương giữa Việt Nam với các nước láng giềng trong lĩnh vực quản lý biên giới quốc gia, khắc phục những thiếu sót, bất cập của Hiệp định năm 1990 và Nghị định thư năm 1997, góp phần nâng cao hiệu lực và hiệu quả của công tác quản lý biên giới, đặc biệt là việc xây dựng các công trình sát đường biên giới; quản lý và sử dụng nguồn nước trên sông suối biên giới; quản lý, bảo vệ và kiểm tra liên hợp đường biên giới và mốc quốc giới; tạo cơ sở pháp lý cho việc tiếp tục hoàn thiện quy chế khu vực biên giới và cửa khẩu biên giới, đảm bảo lợi ích quốc gia, dân tộc trên nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và lợi ích chính đáng của nhau, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng, cùng có lợi;

- Gia tăng tính hài hòa và thống nhất giữa hai hệ thống pháp luật Việt Nam và Lào về quản lý, bảo vệ biên giới và cửa khẩu biên giới, qua đó tăng cường sự tương đồng và gắn kết lực lượng làm công tác biên giới nói riêng và hai nước nói chung, góp phần bảo đảm đường biên giới chung hòa bình, ổn định, hữu nghị, hợp tác và phát triển bền vững.



b) Nội dung chính của Hiệp định

Hiệp định bao gồm Lời nói đầu và 57 Điều, được chia thành 10 Chương và 12 Phụ lục, cụ thể như sau:

- Lời nói đầu quy định về căn cứ và mục đích của Hiệp định.

- Chương I: Những quy định chung

Chương này bao gồm những nội dung: Giải thích thuật ngữ (Điều 1); Các nguyên tắc thực hiện hiệp định (Điều 2); Thẩm quyền giải quyết các vấn đề đường biên giới, mốc quốc giới, cửa khẩu biên giới và các vấn đề liên quan khác (Điều 3).



- Chương II: Quản lý, duy trì và bảo vệ đường biên giới, mốc quốc giới và đường thông tầm nhìn biên giới

Chương này bao gồm những nội dung: Trách nhiệm và nghĩa vụ của hai Bên trong việc duy trì và bảo vệ đường biên giới, mốc quốc giới và đường thông tầm nhìn biên giới (Điều 4); Những hành vi bị nghiêm cấm trong khu vực biên giới (Điều 5); Phân công trách nhiệm quản lý và bảo vệ mốc quốc giới (Điều 6); Quản lý và bảo vệ mốc quốc giới (Điều 7); Quản lý và bảo vệ đường biên giới (Điều 8); Quản lý và bảo vệ đường thông tầm nhìn biên giới (Điều 9); Kiểm tra liên hợp mốc quốc giới và hướng đi của đường biên giới (Điều 10).



- Chương III: Quản lý và sử dụng vùng nước biên giới

Chương này bao gồm những nội dung: Quy định chung về quản lý và sử dụng vùng nước biên giới (Điều 11); Nuôi trồng và đánh bắt thủy sản trên vùng nước biên giới (Điều 12); Xây dựng các công trình liên quan đến vùng nước biên giới (Điều 13); Giao thông trên vùng nước biên giới (Điều 14); Hợp tác đo đạc địa hình, thủy văn (Điều 15).



- Chương IV: Quản lý hoạt động, sản xuất, xây dựng tại vùng biên giới

Chương này bao gồm những nội dung: Quản lý hoạt động sản xuất trong khu vực biên giới (Điều 16); Quản lý việc chăn thả vật nuôi trong khu vực biên giới (Điều 17); Phòng chống dịch bệnh, bệnh truyền nhiễm, sự kiện y tế công cộng, thiên tai, hoả hoạn trong vùng biên giới (Điều 18); Quản lý hoạt động bay (Điều 19); Xây dựng các công trình trong khu vực biên giới (Điều 20); Xây dựng, cải tạo và quản lý các công trình cắt qua đường biên giới (Điều 21); Hợp tác phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và du lịch tại khu vực biên giới (Điều 22).



- Chương V: Xuất, nhập qua biên giới và cư trú trong khu vực biên giới

Chương này bao gồm những nội dung: Việc xuất cảnh, nhập cảnh đối với người (Điều 23); Việc xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh đối với phương tiện (Điều 24); Việc xuất, nhập đối với hàng hóa, vật phẩm (Điều 25); Quyền và nghĩa vụ của người xuất cảnh, nhập cảnh qua biên giới (Điều 26); Ra vào, tạm trú trong khu vực biên giới (Điều 27).



- Chương VI: Duy trì, bảo vệ an ninh, trật tự và an toàn xã hội vùng biên giới

Chương này bao gồm những nội dung: Việc tạm thời hạn chế hoặc tạm dừng các hoạt động qua lại biên giới (Điều 28); Hợp tác duy trì bảo vệ an ninh và trật tự vùng biên giới (Điều 29); Di cư của công dân trong vùng biên giới (Điều 30).



- Chương VII: Cửa khẩu và quản lý cửa khẩu

Chương này bao gồm những nội dung: Cửa khẩu biên giới (Điều 31); Các cặp cửa khẩu đã mở (Điều 32); Lối mở biên giới (Điều 33); Trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành tại cửa khẩu biên giới (Điều 34); Quy trình thủ tục kiểm tra, kiểm soát tại cửa khẩu biên giới (Điều 35); Kiểm tra, kiểm soát, giám sát tại cửa khẩu phụ (Điều 36); Thời gian làm việc tại cửa khẩu (Điều 37); Nguyên tắc hạn chế hoặc tạm dừng các hoạt động qua lại biên giới tại các cửa khẩu biên giới (Điều 38); Thẩm quyền hạn chế hoặc tạm dừng các hoạt động qua lại tại các cửa khẩu biên giới (Điều 39); Nguyên tắc, thẩm quyền mở, nâng cấp cửa khẩu (Điều 40); Trình tự, thủ tục mở, nâng cấp cửa khẩu biên giới (Điều 41); Cơ chế làm việc và phối hợp giữa cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành tại cửa khẩu biên giới (Điều 42).



- Chương VIII: Giải quyết sự kiện biên giới

Chương này bao gồm những nội dung: Hợp tác giải quyết các sự kiện biên giới (Điều 43); Xử lý người xuất cảnh, nhập cảnh trái phép (Điều 44); Xử lý thi thể người, xác gia súc, gia cầm trong khu vực biên giới (Điều 45); Xử lý phương tiện bay hoặc thiết bị bay qua biên giới trái phép (Điều 46); Xử lý các vấn đề liên quan khác (Điều 47).



- Chương IX: Cơ chế tổ chức thực hiện Hiệp định

Chương này bao gồm những nội dung: Nhiệm vụ và quyền hạn của các đơn vị chuyên trách bảo vệ biên giới hai nước (Điều 48); Cơ chế làm việc giữa đơn vị chuyên trách bảo vệ biên giới của hai nước (Điều 49); Nhiệm vụ và quyền hạn của Người đứng đầu đơn vị chuyên trách bảo vệ biên giới (Điều 50); Hợp tác giữa các tỉnh biên giới (Điều 51); Nhiệm vụ và quyền hạn của chính quyền địa phương cấp tỉnh biên giới (Điều 52); Nhiệm vụ và quyền hạn của Cơ quan biên giới trung ương của hai Bên (Điều 53); Cơ chế làm việc giữa Ủy ban Biên giới quốc gia Việt Nam và Ban Biên giới Lào (Điều 54).



- Chương X: Các điều khoản cuối cùng

Chương này bao gồm những nội dung: Giải quyết bất đồng (Điều 55); Bổ sung, sửa đổi Hiệp định (Điều 56); hiệu lực của Hiệp định (Điều 57).

- 12 phụ lục đính kèm Hiệp định gồm: Các mẫu biên bản xử lý các công việc liên quan đến mốc quốc giới, các sự kiện biên giới; Mẫu công hàm liên quan đến thiết bị bay trong phạm vi 10km tính từ đường biên giới về phía nước mình hoặc bay qua biên giới vào lãnh thổ nước kia; Mẫu Giấy/Sổ Thông hành xuất nhập cảnh biên giới; Danh sách các đơn vị hành chính cấp huyện có một phần địa giới hành chính tiếp giáp với đường biên giới Việt Nam - Lào.

III. NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM CỦA CÔNG TÁC QUẢN LÝ BIÊN GIỚI VIỆT NAM - LÀO TRONG GIAI ĐOẠN HIỆN NAY

1. Quán triệt, thực hiện nghiêm túc quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước ta về biên giới, lãnh thổ quốc gia

Thống nhất và nhận thức sâu sắc về nhiệm vụ được Đại hội lần thứ XII của Đảng đề ra là: Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa. Giữ gìn hòa bình, ổn định, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế để phát triển đất nước. Nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.

Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam luôn nhất quán trong chủ trương giải quyết vấn đề biên giới lãnh thổ với các nước hữu quan, đó là: (i) Giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, duy trì đường biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định lâu dài, hợp tác và phát triển bền vững, góp phần duy trì môi trường hòa bình, ổn định trong khu vực và thế giới; (ii) Các bất đồng, tranh chấp về biên giới lãnh thổ phải được giải quyết bằng biện pháp hòa bình, thông qua thương lượng, trên tinh thần hữu nghị và láng giềng thân thiện, bình đẳng, tôn trọng độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau, phù hợp với luật pháp và thực tiễn quốc tế, nhằm xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị lâu dài giữa các dân tộc; (iii) Biên giới quốc gia phải do cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất xác định bằng các văn bản luật hoặc thông qua các điều ước quốc tế với các nước có chung biên giới.

2. Tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức cho toàn thể cán bộ, chiến sỹ và nhân dân về công tác biên giới nói chung và công tác biên giới Việt Nam - Lào nói riêng

Tuyên truyền về ý nghĩa, lợi ích của việc nâng cao hiệu quả của công tác quản lý biên giới, xây dựng một đường biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định và phát triển bền vững là tiền đề hết sức quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh khu vực biên giới.

Trước mắt, triển khai tốt công tác phổ biến, tuyên truyền rộng rãi nội dung Nghị định thư về đường biên giới và mốc quốc giới, Hiệp định về Quy chế quản lý biên giới và cửa khẩu biên giới trên đất liền Việt Nam - Lào vì đây là một công việc có tầm quan trọng đặc biệt, là một trong những nội dung có tính quyết định đối với hiệu quả và thành bại của công tác quản lý biên giới giữa hai nước.

3. Phối hợp chặt chẽ với phía Lào tổ chức thực hiện tốt Hiệp định về Quy chế quản lý biên giới và cửa khẩu biên giới đất liền Việt Nam - Lào, trọng tâm là:

- Bảo vệ tốt đường biên giới và hệ thống mốc quốc giới; kịp thời phát hiện các mốc bị hư hỏng hoặc có nguy cơ sạt lở cao báo cáo cấp có thẩm quyền, đồng thời kiến nghị biện pháp xử lý sát hợp.

- Ngăn chặn và xử lý kịp thời mọi hành động xâm phạm đường biên, mốc giới và vi phạm quy chế biên giới (như: xâm canh, di cư tự do và kết hôn không giá thú, vượt biên trái phép, buôn lậu, buôn bán người, buôn bán và vận chuyển ma túy, khai thác và vận chuyển trái phép khoáng sản và lâm thổ sản...); tiếp tục trao đổi thông tin, hợp tác chặt chẽ trong việc đảm bảo an ninh, xây dựng tuyến biên giới hai nước ổn định, phát triển toàn diện.

- Tiếp tục phối hợp thực hiện hiệu quả Thỏa thuận cấp Chính phủ về việc giải quyết vấn đề di cư tự do và kết hôn không giá thú trong vùng biên giới Việt Nam - Lào.



- Nỗ lực để thúc đẩy, mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác trên lĩnh vực kinh tế, đầu tư, thương mại, giao thông vận tải…; tổng kết rút kinh nghiệm để hoàn thiện mô hình kiểm tra “một cửa, một lần dừng” tại cặp cửa khẩu quốc tế Lao Bảo - Đen-xa-vẳn để có thể nhân rộng trên toàn hệ thống cửa khẩu biên giới Việt Nam - Lào; hoàn thiện Đề án Quy hoạch và phát triển cửa khẩu biên giới Việt Nam - Lào giai đoạn 2016-2025, tầm nhìn đến năm 2035 để sớm triển khai./.

1 Gần khu vực Cầu Treo, Hà Tĩnh ngày nay.

2 Chiều dài đường biên giới đo trên bản đồ Bonne tỷ lệ 1/100.000 của Pháp xuất bản.

3 Thời gian này, hai bên đã sử dụng bản đồ UTM tỷ lệ 1/50.000 do Mỹ xuất bản và phóng lên tỷ lệ 1/25.000 để đi phân giới, cắm mốc và ghi nhận kết quả phân giới, cắm mốc.

4 Bao gồm 27 khu vực có mâu thuẫn, sai lệch về đường biên giới và mốc quốc giới.

5 Trong quá trình triển khai, để đẩy nhanh tiến độ cắm mốc, hai bên đã thống nhất tổ chức thêm 04 Đội cắm mốc liên hợp.


tải về 226.9 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương