TỔng quan về biên giới việt nam làO



tải về 226.9 Kb.
trang1/2
Chuyển đổi dữ liệu04.01.2018
Kích226.9 Kb.
#35406
  1   2




TỔNG QUAN VỀ BIÊN GIỚI VIỆT NAM - LÀO

Đường biên giới Việt Nam - Lào dài 2.337,459 km, tiếp giáp giữa 10 tỉnh của Việt Nam (Điện Biên, Sơn La, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam và Kon Tum) với 10 tỉnh của Lào (Phông Sa Lỳ, Luổng Phạ Băng, Hủa Phăn, Bô Ly Khăm Xay, Khăm Muộn, Sạ Vẳn Nạ Khệt, Sả Lạ Văn, Xiêng Khoảng, Sê Kông và Ắt Tạ Pư). Trên toàn tuyến biên giới hai nước hiện có tổng số 33 cửa khẩu đang hoạt động (trong đó có 8 cửa khẩu quốc tế, 7 cửa khẩu chính và 18 cửa khẩu phụ).

I. QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH VÀ GIẢI QUYẾT ĐƯỜNG BIÊN GIỚI QUỐC GIA VIỆT NAM - LÀO

1. Biên giới Việt Nam - Lào trước khi Pháp xâm lược Đông Dương

Việt Nam và Lào là hai quốc gia láng giềng cùng nằm trên bán đảo Đông Dương. Nhân dân hai nước đã gắn bó với nhau trong quá trình bảo vệ và xây dựng đất nước, có mối quan hệ láng giềng thân thiện, có truyền thống hữu nghị từ lâu đời. Mặc dù là hai quốc gia có quá trình lập quốc khác nhau, nhưng do có chung các dải núi cao từ Phu Xám Sấu đến dãy Trường Sơn, cho nên biên giới giữa hai nước cơ bản đã hình thành trên thực tế và nhìn chung đều được chính quyền địa phương và nhân dân hai bên thừa nhận, tôn trọng. Tuy nhiên, biên giới giữa hai nước cũng trải qua nhiều biến động.

Đầu thế kỷ XIV, phía Tây Việt Nam có một quốc gia lớn đã hình thành và phát triển, đó là Vương quốc Lạn Xạng (năm 1353, Phạ Ngừm lên ngôi vua của Ai Lao, một bộ lạc ở hữu ngạn sông Mê Kông tiến hành đánh đuổi quân Chân Lạp, lấy lại đất đai của các bộ tộc đã thuần phục Ai Lao trước kia, thống nhất với Vương quốc Lão Qua ở phía Đông Bắc (giáp Trung Quốc và Việt Nam) và một số bộ tộc nhỏ khác thành một quốc gia rộng lớn từ Huổi Sai, Phông Sa Lỳ đến U Đon, Bát Sác).

Nhưng sau đó, Vương quốc Lạn Xạng (Vạn Tượng) từng bước suy tàn. Năm 1770, Xiêm La cường thịnh đã đánh chiếm hết đất đai ở hữu ngạn sông Mê Kông của Lạn Xạng sát nhập vào Xiêm La (gồm 13 mường Lào là Nọng Khai, Na Khon, Mục Đa Hán, Khôn Khều, U Đông, Bát Sác... tức là vùng Đông Bắc của Thái Lan ngày nay).

Đến đầu thế kỷ XVIII, dưới thời vua Minh Mạng, lãnh thổ phía Tây của Việt Nam đã bao gồm các vùng đất rộng lớn ở phía tả ngạn sông Mê Kông là:

- Trấn Man Phủ, thuộc tỉnh Thanh Hoá (ở vị trí tỉnh Hủa Phăn của Lào ngày nay);

- Trấn Ninh Phủ, thuộc tỉnh Nghệ An (ở vị trí tỉnh Xiêng Khoảng của Lào ngày nay);

- Trấn Định Phủ, thuộc tỉnh Nghệ An (ở vị trí tỉnh Khăm Muộn của Lào ngày nay);

- Trấn Tịnh Phủ, thuộc tỉnh Nghệ An (ở vị trí tỉnh Khăm Muộn và Sạ Vẳn Nạ Khệt của Lào ngày nay);

- Lạc Biên Phủ, thuộc tỉnh Nghệ An (ở vị trí Khăm Muộn và một phần thuộc đất Thái Lan - Tây sông Mê Kông ngày nay);

- Chín châu thuộc phủ Cam Lộ (Cam Lộ Cửu Châu) thuộc tỉnh Quảng Trị (ở vị trí tỉnh Sạ Vẳn Nạ Khệt ngày nay).

Năm 1828, Xiêm La lại đánh Lạn Xạng lần thứ hai và đến năm 1829, chiếm nốt Viêng Chăn. Đến đây, nước Lạn Xạng do Phạ Ngừm xây dựng từ thế kỷ XIV hoàn toàn bị diệt (trừ Vương quốc Lão Qua đã đổi là Vương quốc Nam Chưởng và thuần phục nhà Nguyễn).

Vào cuối thế kỷ XIX (1880 - 1885), trong lúc triều đình nhà Nguyễn bận đối phó với thực dân Pháp, Xiêm La đánh chiếm Nam Chưởng cùng với các vùng đất của Việt Nam ở phía tả ngạn sông Mê Kông. Đến đây, lãnh thổ của Vương quốc Lạn Xạng trước đây đã hoàn toàn bị Xiêm La thôn tính và cho đến khi Pháp chiếm Đông Dương thì trên thực tế không còn tồn tại nước Ai Lao.

2. Thực dân Pháp phân định lãnh thổ Đông Dương và sự hình thành biên giới Việt Nam - Lào

Sau khi chiếm xong Việt Nam (1884) và Cao Miên (1868), chính quyền Pháp chia các vùng đất mới chiếm đóng thành các xứ với các chế độ chính trị khác nhau để cai trị. Trong đó, Việt Nam bị Pháp chia làm ba xứ là Bắc Kỳ, Trung Kỳ và Nam Kỳ, còn Cao Miên là một xứ. Đồng thời, nhận thấy các vùng đất phía Đông sông Mê Kông mà Xiêm mới chiếm, trước đây là của Việt Nam và Cao Miên, Pháp đã gây sức ép buộc Xiêm phải trả lại. Trước sức ép của Pháp, Xiêm La đã buộc phải ký hòa ước Pháp - Xiêm (03/10/1893), trả lại cho Pháp những vùng đất mà Xiêm đã chiếm của Việt Nam và Cao Miên, kể cả một số Mường Lào ở phía Đông sông Mê Kông.

Năm 1893, Pháp thành lập hai cụm Thượng Lào và Hạ Lào trên cơ sở những đất đai còn lại của Ai Lao cũ được Xiêm trả lại:

Cụm Thượng Lào, gồm các mường Lào ở phía Bắc như Viêng Chăn, Luông Pha Băng, Huổi Hu...

Cụm Hạ Lào, gồm mường Lào Bát Sác và một số mường Lào lân cận ở phía Nam, đồng thời Pháp đã ghép cả vùng Tây Nguyên của Việt Nam (các vùng Thủy Xá, Hoả Xá) và vùng Stung Treng của Cao Miên vào cụm Hạ Lào.

Các cụm Thượng Lào và Hạ Lào là hai đơn vị hành chính độc lập và ở mỗi cụm Lào, Pháp đều đặt một đạo quan binh do một viên chỉ huy cấp cao trực thuộc Toàn quyền Đông Dương trực tiếp cai quản. Về địa lý, hai cụm Lào ở cách xa nhau bởi một vùng đất rộng lớn của Trung Kỳ, Việt Nam.

Ngày 30/9/1893, Toàn quyền Đông Dương De Lan Xe San ký nghị định thành lập hai đạo Sông Khôn và Cam Môn thuộc vào sự quản lý của triều đình Huế và Khâm sứ Trung Kỳ trên cơ sở những đất đai còn lại của Việt Nam mà Xiêm buộc phải trả lại:

- Đạo Sông Khôn, gồm toàn bộ đất đai của chín châu Cam Lộ cũ, thuộc huyện Thành Hoá, tỉnh Thuận Hoá (thường được gọi là Cam Lộ Cửu Châu);

- Đạo Cam Môn, gồm toàn bộ đất đai của các phủ Trấn Ninh, Trấn Định, Trấn Tịnh, Lạc Biên thuộc tỉnh Nghệ An cũ.

Năm 1895, để tạo cơ sở thành lập xứ Ai Lao sau này, Toàn quyền Đông Dương quyết định sát nhập hai đạo Sông Khôn và Cam Môn của Trung Kỳ vào khu Quan Binh Hạ Lào.

Năm 1899, Tổng thống Pháp ký sắc lệnh hợp nhất hai vùng Thượng Lào và Hạ Lào thành một đơn vị hành chính Lào thống nhất và gọi là xứ Ai Lao. Như vậy là xứ Ai Lao trong Đông Dương thuộc địa ra đời trên cơ sở những mường Lào còn lại và những vùng đất đai rộng lớn của Việt Nam trước đây.

Sau khi thành lập xứ Ai Lao, từ năm 1893 đến 1905, nhà cầm quyền Pháp đã có một số điều chỉnh đất đai giữa Ai Lao với các xứ khác (như điều chỉnh Húa Phăn vốn là đất trấn Man Phủ của tỉnh Thanh Hoá, Việt Nam về Ai Lao). Sau giai đoạn này lãnh thổ các xứ trong Đông Dương cơ bản đã được ổn định, nhà cầm quyền Pháp đã bắt đầu phân định ranh giới giữa các xứ trong Đông Dương.

Đối với biên giới Việt - Lào, sự phân định chỉ được thực hiện ở đoạn ranh giới giữa Ai Lao và Trung Kỳ (thực tế cũng chỉ thực hiện được một phần). Cụ thể, ngày 27/12/1913, có quyết định thành lập Ban phụ trách tiến hành phân định biên giới giữa Trung Kỳ và Lào (từ Hà Trại1 đến ngã ba Việt - Lào - Cao Miên), nhưng cho đến ngày 12/10/1916, khi Toàn quyền Đông Dương ra nghị định ấn định biên giới giữa Trung Kỳ và Lào cũng chỉ xác định rõ biên giới từ Hà Trại đến Thừa Thiên, còn đoạn phía Nam chưa bàn (ấn định sau). Như vậy, toàn bộ phần biên giới Việt - Lào còn lại chưa được Pháp phân định.

3. Đặc điểm đường ranh giới giữa Bắc Kỳ, Trung Kỳ và Ai Lao trên bản đồ của Pháp

Từ năm 1908 đến năm 1934, nhà cầm quyền Pháp đã cơ bản hoàn thành việc khảo sát, đo đạc trên thực địa để thể hiện ranh giới giữa Bắc Kỳ, Trung Kỳ và Ai Lao lên bản đồ Đông Dương do Pháp xuất bản.

Theo thống kê của Cục Đo đạc bản đồ Nhà nước, trong những năm 1957 - 1964, trên loại bản đồ Bonne tỷ lệ 1/100.000 do Sở Địa dư Đông Dương xuất bản (loại bản đồ mà sau này Việt Nam và Lào dùng làm căn cứ chính để giải quyết đường biên giới Việt Nam - Lào), đường ranh giới giữa Bắc Kỳ, Trung Kỳ và Ai Lao có những đặc điểm sau:

- Toàn bộ đường ranh giới có chiều dài tổng cộng 2.095 km được thể hiện trên 48 mảnh bản đồ. Trong đó có 812 km được biên vẽ trên cơ sở kết quả đo đạc tại thực địa (chiếm 38,7 %) còn lại 1.282,8 km là được biên vẽ trên cơ sở ảnh chụp từ máy bay (chiếm 61,3 %);

- Trên 48 mảnh bản đồ, còn có bảy đoạn dài khoảng 4,5 km đường ranh giới được thể hiện ở các khu vực chưa có địa hình (địa hình để trắng) và tám khu vực chưa thể hiện đường ranh giới.

- Bản đồ của Pháp tái bản nhiều lần, sau mỗi lần tái bản đều có sửa chữa nên các mảnh bản đồ cùng ký hiệu nhưng năm in khác nhau, đường ranh giới cũng được thể hiện khác nhau.

Cho đến năm 1945, ranh giới hành chính giữa các xứ trong Đông Dương đã dần dần ổn định trên thực tế và sau khi Việt Nam và Lào cùng giành được độc lập, ranh giới hành chính giữa các xứ Bắc Kỳ, Trung Kỳ và Ai Lao đương nhiên trở thành biên giới do lịch sử để lại giữa hai nước Việt Nam và Lào. Do được hình thành trên thực tế và trải qua quá trình quản lý lâu dài, đã trở thành tập quán nên phần lớn đường biên giới đó được nhân dân hai bên thừa nhận là đường biên giới Việt Nam - Lào (đường biên giới do lịch sử để lại).

Cần phải nói thêm là, trong các loại bản đồ địa hình do nhà cầm quyền Pháp xuất bản trong thời gian cai trị Đông Dương, thì loại bản đồ Bonne tỷ lệ 1/100.000, tuy còn có nhiều hạn chế nhưng là loại bản đồ chính xác nhất, thể hiện đường biên giới đầy đủ nhất và tương đối phù hợp với đường biên giới mà hai bên đang quản lý ở giai đoạn cùng giành được độc lập (1945).



4. Biên giới Việt Nam - Lào giai đoạn 1945 - 1975

Trong giai đoạn này, cả Việt Nam và Lào đều phải tiến hành kháng chiến chống Pháp và Mỹ. Cả hai nước đều thấy rằng việc giải quyết biên giới để phân rõ lãnh thổ của mỗi nước, nhằm chấm dứt những cuộc tranh chấp, va chạm xảy ra ở địa phương là cần thiết và hợp lý. Nhưng vấn đề biên giới, lãnh thổ là một vấn đề hệ trọng đối với cả Việt Nam và Lào. Không những thế việc giải quyết biên giới lãnh thổ còn là việc mới mẻ, cần phải có thời gian, cần tập trung trí lực của cả hai bên, việc đàm phán giải quyết vấn đề biên giới trong các cuộc kháng chiến chống Mỹ của cả hai nước đang ở vào thời kỳ quyết liệt nhất là chưa phù hợp. Do vậy, trong giai đoạn này, hai bên chỉ tiến hành một vòng đàm phán từ ngày 16/9 - 02/10/1957 nhưng cũng chưa đạt được thỏa thuận cụ thể nào.

Như vậy, có thể kết luận:

- Biên giới giữa Việt Nam và Lào đã hình thành từ lâu đời, song có nhiều biến động. Khi thực dân Pháp cai trị Đông Dương đã phân định lại lãnh thổ giữa các xứ trong Đông Dương và chính thức xác định ranh giới giữa các xứ này lên bản đồ.

- Khi Việt Nam và Lào giành được độc lập, ranh giới hành chính giữa xứ Ai Lao và hai xứ Bắc Kỳ, Trung Kỳ do nhà cầm quyền Pháp xây dựng đương nhiên trở thành biên giới lịch sử giữa hai nước Việt Nam và Lào. Tuy nhiên, đường biên giới này chưa phải là biên giới quốc tế do hai quốc gia độc lập có chủ quyền thương lượng, ký kết và thực tế cũng còn nhiều điểm chưa rõ ràng.

- Sau khi giành độc lập, các chính quyền kế tiếp của Việt Nam và Lào đã nhiều lần trao đổi đàm phán vấn đề biên giới nhưng do điều kiện khách quan và chủ quan chưa chín muồi nên đều chưa có kết quả.



5. Quá trình đàm phán hoạch định giai đoạn 1976-1977

Năm 1975, Việt Nam thống nhất, Lào cũng giành được thắng lợi trong cả nước. Vấn đề biên giới giữa hai nước có điều kiện thuận lợi để giải quyết. Tuy nhiên, để giải quyết vấn đề biên giới lãnh thổ, một vấn đề rất phức tạp, thì điều cốt lõi là hai bên phải thống nhất và xác lập được những nguyên tắc để cùng nhau thương lượng giải quyết.



5.1. Chủ trương và nguyên tắc hoạch định

a) Chủ trương của hai Đảng, hai Nhà nước

Trước sự cần thiết phải hoạch định rõ ràng đường biên giới giữa hai nước phù hợp với luật pháp và thực tiễn quốc tế, trước tình hình đặc điểm của đường biên giới Việt Nam - Lào, Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam đã chủ động gạt bỏ mọi quan điểm về biên giới truyền thống, biên giới tập quán và chủ trương lấy đường biên giới đã hình thành trên thực tế và thể hiện trên bản đồ của Pháp làm căn cứ để hoạch định biên giới giữa hai nước.

Tháng 2/1976, trong cuộc hội đàm hàng năm giữa hai Bộ Chính trị Trung ương hai Đảng tại Hà Nội, về vấn đề biên giới Việt Nam - Lào, Bộ Chính trị Việt Nam đã đề nghị nguyên tắc giải quyết là: “Lấy đường biên giới trên bản đồ của Pháp (in) năm 1945 khi hai nước chúng ta tuyên bố độc lập làm căn cứ chính nơi nào không có bản đồ của Pháp in năm 1945 thì dùng bản đồ Pháp in trước, sau đó một thời gian”.

Ngoài ra, Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam còn đề nghị một số điểm cụ thể để hai bên cùng nghiên cứu giải quyết vấn đề biên giới Việt Nam - Lào được nhanh chóng thuận lợi và Bộ Chính trị Đảng Nhân dân Cách mạng Lào đã thống nhất với đề nghị của phía Việt Nam.



b) Nguyên tắc đàm phán hoạch định

Hai bên đã thỏa thuận về nguyên tắc và nội dung cơ bản giải quyết vấn đề biên giới giữa hai nước như sau:



- Căn cứ để giải quyết: “Lấy bản đồ tỷ lệ 1/100.000 Bonne của Pháp in năm 1945 khi hai nước tuyên bố độc lập làm căn cứ chính. Nơi nào không có bản đồ Pháp in năm 1945 thì lấy bản đồ in trước hoặc sau đó một vài năm”.

- Các nội dung cụ thể:

+ Đất Việt Nam mượn của Lào: Thống nhất Việt Nam sẽ trả ngay cho Lào các vùng đã rõ, những nơi chưa rõ hai bên sẽ điều tra rồi báo cáo hai Bộ Chính trị giải quyết;

+ Những nơi đường biên giới không phù hợp với thực tế quản lý: Giải quyết ngay một số khu vực về Việt Nam hay về Lào, còn các khu vực khác chưa rõ, hai bên sẽ nghiên cứu và tiếp tục giải quyết;

+ Vấn đề dân ở những vùng sẽ điều chỉnh: Bên nào quản lý vùng nào trước thì có trách nhiệm vận động nhân dân địa phương ở lại, đồng thời cả hai bên đều phải tôn trọng quyền tự do lựa chọn quốc tịch và nơi cư trú của họ, nếu họ ở lại thì nhập quốc tịch mới, nếu họ không muốn ở lại thì có quyền sang phía bên kia.

Giữa Việt Nam và Lào không chỉ có yêu cầu giải quyết một số khu vực chưa rõ ràng trên đường biên giới mà là giải quyết toàn bộ đường biên giới Việt Nam - Lào, do đó những nguyên tắc mà hai Bộ Chính trị thoả thuận tháng 02/1976 cũng là nguyên tắc để hai bên đàm phán hoạch định toàn bộ đường biên giới quốc gia Việt Nam - Lào.



5.2. Diễn biến và kết quả đàm phán hoạch định

Thực hiện chủ trương của hai Bộ Chính trị tại hội đàm tháng 02/1976, hai Đoàn đại biểu Đảng và Chính phủ Việt Nam - Lào đã tiến hành đàm phán 04 đợt, tổng cộng 90 ngày trong khoảng thời gian hơn chín tháng (từ tháng 3 đến tháng 12/1976) để giải quyết biên giới Việt Nam - Lào và cuối cùng đã thoả thuận xong toàn bộ 2067 km2 đường biên giới giữa hai nước, cụ thể: giữ nguyên đường biên giới trên bản đồ của Pháp là 1734 km, thay đổi khác với đường biên giới trên bản đồ của Pháp là 333 km.

Ngày 15/01/1977, hai Đoàn đại biểu Việt Nam và Lào tiếp tục gặp nhau tại Viêng Chăn để cùng nhau soạn thảo Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia giữa hai nước.

Ban đầu, phía Lào muốn hai bên tiến hành phân giới, cắm mốc rồi mới ký Hiệp ước hoạch định. Phía Việt Nam cho rằng nếu làm như vậy thì không phù hợp với luật pháp và thực tiễn quốc tế cũng như luật pháp của Việt Nam (Hiệp ước phải được cơ quan quyền lực cao nhất của hai nhà nước phê chuẩn, sau khi hiệp ước có hiệu lực rồi mới tiến hành phân giới trên thực địa và cắm mốc quốc giới). Sau khi trao đổi, thảo luận, hai bên đã thống nhất sẽ chuẩn bị văn bản để ký kết hiệp ước hoạch định trước.

Về nguyên tắc làm việc, hai bên thống nhất: Cùng thoả thuận nội dung của hiệp ước và các điều khoản cần có để thể hiện nội dung đó; căn cứ vào nguyên tắc cơ bản đã được hai Bộ Chính trị thoả thuận ngày 10/02/1976 và các biên bản mà hai đoàn đã ký ngày 21/7/1976, ngày 30/8/1976 và ngày 11/12/1976, đã được hai Bộ Chính trị xác nhận, không bàn lại những vấn đề đã được hai Bộ Chính trị thống nhất giải quyết.

Hai bên sẽ sử dụng 48 mảnh bản đồ tỉ lệ 1/100.000 Bonne của Pháp in, đã được chuyên viên hai đoàn đối chiếu và ký xác nhận để miêu tả đường biên giới trong văn bản hiệp ước và thể hiện đường biên giới chính thức.

Về nội dung của hiệp ước, hai bên nhất trí trình tự thể hiện các nội dung và các nguyên tắc của văn bản hiệp ước: Nguyên tắc hoạch định đường biên giới giữa hai nước; nguyên tắc mô tả đường biên giới từ Bắc xuống Nam; nguyên tắc mô tả đường biên giới theo sông, suối biên giới, biên giới trên cầu bắc qua sông, suối biên giới và qua cù lao bãi bồi; nguyên tắc liên quan đến việc thành lập và hoạt động của Ủy ban liên hợp phân giới trên thực địa.

Ngày 18/7/1977, Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia giữa nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào đã được ký kết trọng thể tại Viêng Chăn, nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào.

Ngày 15/9/1977, Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia Việt Nam - Lào đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam phê chuẩn và ngày 25/10/1977, Hội đồng nhân dân tối cao nước Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào đã phê chuẩn hiệp ước.

Ngày 31/10/1977, tại Hà Nội, đồng chí Nguyễn Duy Trinh, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam và đồng chí Phun Xi Pa Xợt, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Lào, đại diện chính phủ hai nước đã trao đổi thư phê chuẩn hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia Việt Nam - Lào. Hiệp ước bắt đầu có hiệu lực.



6. Quá trình phân giới, cắm mốc và ký Hiệp ước bổ sung Hiệp ước hoạch định giai đoạn 1978-1987

6.1. Quá trình phân giới, cắm mốc

Thực hiện điều IV Hiệp ước hoạch định, hai bên đã thành lập Ủy ban liên hợp phân giới trên thực địa để tiến hành phân giới cắm mốc toàn bộ đường biên giới Việt Nam - Lào.

- Từ ngày 23/5 - 03/7/1978, Ủy ban liên hợp phân giới trên thực địa đã họp khoá đầu tiên tại Viêng Chăn để thông qua chủ trương, kế hoạch và phương pháp phân giới trên thực địa và cắm mốc quốc giới; đồng thời trao đổi thống nhất phương pháp giải quyết những nội dung có liên quan như: Vấn đề chuyển giao các khu vực cần chuyển giao, vấn đề xây dựng quy chế biên giới...

- Từ ngày 25/7/1978 - 31/3/1979, Ủy ban liên hợp đã triển khai làm thí điểm đoạn biên giới giữa Bình Trị Thiên và Sa Va Na Khet, mở đầu bằng đoạn 24 km ở phía Nam và phía Bắc cầu Xà Ợt trên đường 9 (Lao Bảo), sau đó tiếp tục làm đoạn 192 km còn lại.

- Tiếp đó, từ tháng 7/1979, Ủy ban liên hợp triển khai nhiều đợt công tác liên tục để hoàn thành công tác phân giới, cắm mốc đường biên giới Việt Nam - Lào. Đến tháng 6/1981, hai bên đã phân giới trên thực địa và cắm mốc xong 95% đường biên giới Việt Nam - Lào. Tuy nhiên, trong quá trình phân giới, cắm mốc, do hiệp ước có sai sót và do thực tế của đường biên giới cần có sự điều chỉnh cho phù hợp với yêu cầu của cả hai bên, nên Bộ Chính trị Trung ương hai Đảng đã phải trao đổi, thoả thuận và cuối cùng trong cuộc hội đàm ngày 28/01/1984, hai Bộ Chính trị đã thống nhất giải quyết xong toàn bộ các khu vực còn tồn tại trên biên giới Việt Nam - Lào.

Ngày 24/8/1984, thực hiện thoả thuận của hai Bộ Chính trị, hai bên đã cắm xong mốc G-12 ở khu vực Na Hàm, kết thúc công tác phân giới, cắm mốc đường biên giới Việt Nam - Lào theo hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia giữa hai nước. Tổng cộng trong giai đoạn này, hai bên đã phân giới được 1.877 km trong tổng số 2.067 km đường biên giới và cắm được 202 mốc quốc giới.

Ngày 24/01/1986, Nghị định thư về việc phân giới trên thực địa và cắm mốc toàn bộ đường biên giới quốc gia Việt Nam - Lào được ký tại Viêng Chăn. Nghị định thư đã miêu tả đầy đủ đường biên giới đã được phân giới trên thực địa giữa hai nước, các mốc quốc giới đã được cắm, các khu vực đã được chuyển giao giữa hai bên kèm theo có đầy đủ các văn bản, bản đồ, sơ đồ pháp lý ghi nhận kết quả phân giới, cắm mốc theo đúng thủ tục và trình tự của luật pháp quốc tế.

6.2. Việc ký Hiệp ước bổ sung Hiệp ước hoạch định

Trong quá trình đi thực địa, hai bên đã xác định được trên thực địa một đường biên giới về cơ bản là đường biên giới đã được hoạch định trong hiệp ước năm 1977, nhưng đồng thời đã thoả thuận một số chỗ điều chỉnh khác với đường biên giới hoạch định và sửa nguyên tắc hoạch định biên giới theo sông, suối cho phù hợp với luật pháp và thực tiễn quốc tế. Những sửa đổi có tính nguyên tắc đó đã được hai bên xác định trong Hiệp ước bổ sung Hiệp ước hoạch định và được ký vào ngày 24/01/1986 tại Viêng Chăn.

Thực hiện hiệp ước bổ sung, từ ngày 25/12/1986 đến ngày 06/4/1987, hai bên đã phối hợp thực hiện việc sửa đổi toàn bộ 196 km đường biên giới đi một bên bờ sông suối, thành đường biên giới đi ở giữa dòng trên cả thực địa và bản đồ; cắm mới 06 cụm mốc ba, 02 cụm mốc đôi và xây lại 01 mốc đơn, đồng thời đã phá dỡ 05 mốc không cần thiết trên sông, suối biên giới.

Ngày 16/10/1987, hai bên đã ký Nghị định thư bổ sung ghi nhận toàn bộ kết quả công tác phân giới, cắm mốc theo hiệp ước bổ sung, kèm theo đó có toàn bộ các văn bản pháp lý của quá trình này, kết thúc quá trình phân giới, cắm mốc toàn bộ đường biên giới Việt Nam - Lào.

Đánh giá kết quả quá trình phân giới và cắm mốc đường biên giới Việt Nam - Lào, đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam và đoàn đại biểu Chính phủ Lào đã cùng tuyên bố:

“Hai Bên rất vui mừng nhận thấy rằng: Trong quá trình phân vạch cụ thể đường biên giới trên thực địa, những trường hợp khó khăn do lịch sử để lại, do địa hình rừng núi hiểm trở gây ra, đều được giải quyết tốt trên cơ sở hoàn toàn nhất trí, tôn trọng lẫn nhau, vừa bảo đảm nguyên tắc, vừa bảo đảm hữu nghị, đậm đà tình nghĩa anh em, vì lợi ích của mối quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào".



7. Một số tồn tại của đường biên giới Việt Nam - Lào sau khi kết thúc công tác phân giới, cắm mốc giai đoạn 1978-1987

Như trên đã trình bày, thực hiện Hiệp ước hoạch định, từ năm 1978, hai bên đã tiến hành phân giới, cắm mốc và cơ bản hoàn thành công tác này vào năm 1987. Tuy nhiên, do một số nguyên nhân khách quan và chủ quan, biên giới giữa Việt Nam và Lào vẫn còn tồn tại ba vấn đề chưa được giải quyết, đó là:



7.1. Thành lập bộ bản đồ đường biên giới chính thức giữa hai nước

Trong quá trình hoạch định, hai bên cùng nhận thấy bản đồ Pháp tỷ lệ 1/100.000 có nhiều hạn chế nên đã thỏa thuận tại Điều IV của Hiệp ước hoạch định là: "Bản đồ đường quốc giới giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào do Ủy ban liên hợp lập sẽ thay thế cho bản đồ gồm 48 mảnh nói ở Điều I của Hiệp ước này và được lấy làm căn cứ chính thức”.

Tuy nhiên, trong giai đoạn phân giới, cắm mốc 1978-1987, do còn nhiều khó khăn về kinh tế cũng như kỹ thuật công nghệ, nên hai bên chưa thành lập được bộ bản đồ biên giới chính thức như đã thỏa thuận3.

7.2. Hoàn tất việc phân giới trên thực địa ở một số đoạn biên giới còn lại mà hai bên chưa đến được

Trong quá trình phân giới, cắm mốc 1978-1987, hai bên đã cơ bản đi thông tuyến và phân giới trên thực địa được gần hết đường biên giới chung. Tuy nhiên, do địa hình quá hiểm trở hoặc có bom, mìn nên vẫn còn 20 đoạn biên giới tồn đọng với chiều dài tổng cộng khoảng 190 km chưa được phân giới trên thực địa (trong đó có 02 đoạn liên quan đến nước thứ ba là Trung Quốc và Campuchia).



7.3. Tăng dày hệ thống cột mốc để làm rõ đường biên giới giữa hai nước trên thực địa

Kết quả phân giới, cắm mốc giai đoạn 1978-1987, hai bên đã xây dựng được 199 mốc quốc giới với 214 cột mốc, trong đó có 190 mốc đơn, 03 cụm mốc đôi và 06 cụm mốc ba. Tuy nhiên, hai bên cũng nhận thấy mật độ mốc đã cắm quá thưa (bình quân trên 10 km một mốc, cá biệt có những nơi gần 40 km một mốc) nên đã thỏa thuận tại khoản 5, Điều II, Nghị định thư phân giới, cắm mốc ký ngày 24/01/1986 như sau: “Ở những nơi mà hai bên thấy cần thiết phải cắm thêm mốc nhỏ để làm cho biên giới nơi đó được rõ ràng, thuận tiện cho việc quản lý, hai bên sẽ bàn bạc cụ thể về các vấn đề có liên quan và báo cáo lên Chính phủ hai bên”.

Tất cả các vấn đề nêu trên đã được xác định là giao cho cơ quan Biên giới Trung ương hai nước tiếp tục thực hiện khi có điều kiện (khoản 2, Điều IV của Nghị định thư bổ sung ngày 16/10/1987).

8. Các vấn đề tồn tại của đường biên giới Việt Nam - Lào đã được giải quyết trong thời gian qua

8.1. Lập bộ bản đồ đường biên giới quốc gia Việt Nam - Lào

Từ năm 1995 đến năm 2003, ta và Lào đã phối hợp chặt chẽ và có hiệu quả trong việc xây dựng và thực hiện Dự án thành lập bộ bản đồ đường biên giới quốc gia Việt Nam - Lào tỷ lệ 1/50.000.

Bộ bản đồ đường biên giới quốc gia Việt Nam - Lào tỷ lệ 1/50.000 được thành lập năm 2003 đã thể hiện chính xác, rõ ràng đường biên giới và hệ thống mốc quốc giới, là tài liệu pháp lý kỹ thuật hết sức quan trọng về biên giới lãnh thổ giữa hai nước. Cùng với việc hoàn thành Dự án thành lập bản đồ hai bên đã giải quyết tốt những mâu thuẫn sai lệch về đường biên, mốc giới được phát hiện trong quá trình chuyển vẽ đường biên giới, mốc quốc lên bản đồ mới thành lập4.

Sau khi được cấp có thẩm quyền của hai nước phê chuẩn cho phép đưa vào sử dụng, bộ bản đồ mới thành lập, sẽ thay thế cho bộ bản đồ tỷ lệ 1/100.000 đính kèm Hiệp ước Hoạch định biên giới quốc gia giữa hai nước ký ngày 18/7/1977 như quy định tại Điều IV của Hiệp ước và là căn cứ chính thức để quản lý và giải quyết các vấn đề có liên quan đến biên giới giữa hai nước.



8.2. Giải quyết các đoạn biên giới chưa phân giới trên thực địa

Để hoàn thiện chất lượng đường biên giới Việt Nam - Lào trên cả các tài liệu pháp lý và thực địa, từ năm 1999, kết hợp với quá trình xây dựng bộ bản đồ biên giới chung, hai bên đã phối hợp đi phân giới trên thực địa hoặc sử dụng bản đồ mới với độ chính xác cao, rõ ràng để giải quyết được hết các đoạn biên giới còn tồn đọng trước đây. Bên cạnh đó, hai Bên cũng đã phối hợp giải quyết vấn đề xác định vị trí ngã ba biên giới với các nước có liên quan, cụ thể:

- Về vị trí ngã ba biên giới Việt Nam - Lào - Trung Quốc, từ năm 2004, hai bên đã phối hợp với phía Trung Quốc nghiên cứu và xác định được điểm giao nhau của ba đường biên giới Việt Nam - Lào, Việt Nam - Trung Quốc và Lào - Trung Quốc tại đỉnh Khoan La San; đến tháng 6/2005, ba bên đã hoàn thành việc xây dựng cột mốc ngã ba biên giới Việt Nam - Lào - Trung Quốc; và ngày 10/10/2006 đã cùng nhau ký kết “Hiệp ước xác định giao điểm đường biên giới giữa nước CHXHCN Việt Nam, CHDCND Lào và CHND Trung Hoa”.

Trên cơ sở cột mốc ngã ba Việt Nam - Lào - Trung Quốc đã được xác định vị trí và xây dựng trên thực địa cùng với Hiệp ước ba bên Việt Nam - Lào - Trung Quốc ký ngày 10/10/2006, hai Bên đã đàm phán và đến ngày 16/11/2007 ký kết “Hiệp ước bổ sung Hiệp ước hoạch định đường biên giới quốc gia giữa nước CHXHCN Việt Nam và nước CHDCND Lào về việc sửa đổi điểm khởi đầu của đường biên giới quốc gia Việt Nam - Lào”.

- Về vị trí ngã ba biên giới Việt Nam - Lào - Campuchia, từ năm 2007, hai bên đã phối hợp với phía Campuchia nghiên cứu và xác định được điểm giao nhau của ba đường biên giới Việt Nam - Lào, Việt Nam - Campuchia và Lào - Campuchia; đến tháng 02/2008, ba bên đã hoàn thành việc xây dựng cột mốc ngã ba biên giới Việt Nam - Lào - Campuchia; và ngày 26/8/2008 đã cùng nhau ký kết “Hiệp ước xác định giao điểm đường biên giới giữa nước CHXHCN Việt Nam, CHDCND Lào và Vương quốc Campuchia”.

8.3. Tăng dày và tôn tạo hệ thống mốc quốc giới

Để hoàn thiện chất lượng của đường biên giới quốc gia Việt Nam - Lào, tạo thuận lợi cho công tác phối hợp quản lý, bảo vệ biên giới và hợp tác phát triển kinh tế xã hội khu vực biên giới hai bên, từ năm 2004, hai Bộ Chính trị và hai Chính phủ đã thống nhất chủ trương triển khai xây dựng “Dự án tăng dày và tôn tạo hệ thống mốc quốc giới Việt Nam - Lào”.

Hai bên xác định đây là công trình trọng điểm của hai quốc gia, có ý nghĩa to lớn về chính trị, kinh tế, an ninh quốc phòng, thể hiện ý chí nguyện vọng của hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước, góp phần giữ gìn hoà bình, ổn định trong khu vực và trên thế giới, là biểu trưng của mối quan hệ hữu nghị đặc biệt Việt Nam - Lào. Với nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương liên quan hai bên, Dự án tăng dày đã được Chính phủ hai nước phê duyệt năm 2007 và cho phép triển khai thực hiện từ năm 2008 và hai bên đã phối hợp hoàn thành toàn bộ dự án vào năm 2016.



tải về 226.9 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
  1   2




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương