Tông huấn "Lời Chúa" của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI


Sách Thánh, sự linh hứng và sự thật



tải về 0.68 Mb.
trang3/11
Chuyển đổi dữ liệu07.07.2016
Kích0.68 Mb.
#1397
1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11

Sách Thánh, sự linh hứng và sự thật

19. Một ý niệm chủ chốt để hiểu bản văn thánh như chính lời Chúa trong ngôn ngữ con người chắc chắn là ý niệm linh hứng. Ở đây nữa, ta cũng có thể gợi ra một loại suy: như lời Thiên Chúa đã trở thành xác phàm bởi quyền năng Chúa Thánh Thần trong lòng Trinh Nữ Maria thế nào, thì Sách Thánh cũng sinh ra từ lòng Giáo Hội nhờ quyền năng của cùng một Chúa Thánh Thần như vậy. Sách Thánh là “lời Chúa được viết ra dưới sự linh hứng của Chúa Thánh Thần” (66). Do cách này, người ta nhận ra tầm quan trọng trọn vẹn của tác giả nhân bản, người đã viết ra bản văn linh hứng, và nhận ra chính Thiên Chúa mới là tác giả thật sự.

Như các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng đã quả quyết, chủ đề linh hứng rõ ràng có tính quyết định cho một lối tiếp cận thoả đáng đối với Sách Thánh và việc giải thích chúng cách đúng đắn (67), một việc phải được thực hiện trong cùng một Chúa Thánh Thần mà trong Người các bản văn thánh kia đã được viết ra (68).

Bất cứ khi nào ý thức về sự linh hứng kia yếu đi, ta sẽ liều mình đọc Sách Thánh như một đồ hiếm họa có tính lịch sử, chứ không phải là công trình của Chúa Thánh Thần trong đó, ta nghe chính Chúa nói và nhận ra sự hiện diện của Người trong lịch sử.

Các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng cũng nhấn mạnh tới mối liên kết giữa chủ đề linh hứng và chủ đề sự thật của Sách Thánh (69). Một nghiên cứu sâu hơn về diễn trình linh hứng chắc chắn sẽ dẫn tới một hiểu biết lớn hơn về sự thật chứa đựng trong các Sách Thánh. Như giáo huấn của Công Đồng vốn nói về phương diện này, các sách linh hứng dạy ta sự thật: “Cho nên, vì mọi sự được các tác giả linh hứng, hay các nhà truớc tác thánh, quả quyết phải được coi như chính Chúa Thánh Thần quả quyết, nên ta phải nhìn nhận rằng các sách của bộ Thánh Kinh đã dạy một cách chắc chắn, trung thành và không sai lầm sự thật mà Thiên Chúa, vì để cứu vớt ta, đã muốn thấy nó được giao phó cho Sách Thánh. Do đó, ‘mọi sách thánh đều được Thiên Chúa linh hứng và hữu ích cho việc giảng dạy, biện bác, sửa dạy và huấn luyện về đàng chính trực, hầu người của Chúa nên thập toàn, được trang bị đầy đủ để làm việc lành” (2Tm 3:16-17, bản Hy Lạp) (70).

Chắc chắn, suy tư thần học luôn coi sự linh hứng và sự thật như hai ý niệm chủ chốt đối với khoa chú giải Thánh Kinh trong Giáo Hội. Tuy thế, người ta phải nhìn nhận nhu cầu ngày nay muốn học hỏi một cách trọn vẹn và thoả đáng hơn các thực tại này, ngõ hầu đáp ứng tốt hơn nhu cầu giải thích các bản văn thánh theo bản chất của chúng. Ở đây, tôi tha thiết hy vọng rằng việc tìm tòi trong phạm vi này sẽ có tiến bộ và đem lại thành quả cho cả ngành khoa học Thánh Kinh lẫn đời sống thiêng liêng của tín hữu.



Thiên Chúa Ngôi Cha, suối và nguồn của lời

20. Nhiệm cục mạc khải có khởi nguyên và nguồn gốc nơi Thiên Chúa Ngôi Cha. Qua lời Người “một lời Chúa phán làm ra chín tầng trời, một hơi Chúa thở tạo thành muôn tinh tú” (Tv 33:6). Chính Người đã ban cho ta “ánh sáng để hiểu biết vinh quang Thiên Chúa nơi khuôn mặt Chúa Kitô” (2 Cor 4:6; xem Mt 16:17; Lc 9:29).

Nơi Chúa Con, “Lời thành xác phàm” (xem Ga 1:14), Đấng đến để thực hiện ý Đấng đã sai mình đến (xem Ga 4:34), Thiên Chúa, suối nguồn mọi mạc khải, đã tự tỏ mình ra như Chúa Cha và hoàn tất khoa sư phạm thần linh từng được chuyển tải qua lời các tiên tri và các công trình kỳ diệu thể hiện trong sáng thế và trong lịch sử của dân Người và của toàn thể nhân loại. Việc mạc khải của Thiên Chúa Ngôi Cha đạt tới đỉnh cao ở sự kiện Chúa Con ban Đấng Bào Chữa (xem Ga 14:16), tức Thánh Thần của Chúa Cha và Chúa Con, Đấng dẫn ta “vào mọi sự thật” (Ga 16:13).

Mọi lời Thiên Chúa hứa đều tìm thấy chữ “đúng” (yes) của chúng nơi Chúa Giêsu Kitô (xem 2 Cor 1:20). Như thế, mọi người chúng ta được ban cho khả năng lên đường về với Chúa Cha (xem Ga 14:6), ngõ hầu, kết cục, “Thiên Chúa là mọi sự cho mọi người” (1 Cor 15: 28).

21. Như thập giá Chúa Kitô Đã chứng tỏ, Thiên Chúa cũng nói trong sự im lặng của Người. Sự im lặng này, tức cảm nghiệm về khoảng cách với Chúa Cha toàn năng, là giai đoạn quyết định trong hành trình dương thế của Thiên Chúa Ngôi Con, của Ngôi Lời nhập thể. Bị treo trên cây thập giá, Người than vãn về sự đau khổ do sự im lặng kia tạo ra: “Lạy Chúa, lạy Chúa, sao Chúa bỏ con?” (Mc 15:34; Mt 27:46). Tiến tới vâng lời cho tới hơi thở cuối cùng, trong cõi âm u của sự chết, Chúa Giêsu đã kêu tới Chúa Cha. Nhưng rồi, Người phó mình cho Chúa Cha ở ngay thời khắc vượt qua này, từ cái chết vượt qua sự sống đời đời: “Lạy Cha, con phó linh hồn con trong tay Cha” (Lc 23:46).

Cảm nghiệm trên của Chúa Giêsu phản ảnh hoàn cảnh của tất cả những ai, sau khi nghe và nhìn nhận lời Chúa, cũng phải giáp mặt với sự im lặng của Thiên Chúa. Đó vốn là cảm nghiệm của muôn vàn thánh nhân và nhà huyền nhiệm, và cả nay nữa nó vẫn là một phần trong cuộc hành trình của nhiều tín hữu. Sự im lặng của Thiên Chúa nối dài những lời trước đó của Người. Trong những giờ phút đen tối ấy, Người nói bằng mầu nhiệm im lặng của Người. Bởi thế, trong cái năng động của mạc khải Kitô Giáo, im lặng xuất hiện như một biểu thức quan trọng của lời Thiên Chúa.

-----------------------------------

[14] Cf. XIIe ASSEMBLÉE GÉNÉRALE ORDINAIRE DU SYNODE DES ÉVÊQUES, Relatio ante disceptationem, I: L’ORf, 4 novembre 2008, p. 9.


[15] Cf. CONC. ŒCUM. VAT. II, Const. dogm. sur la Révélation divine Dei Verbum, n. 2.
[16] BENOÎT XVI, Lett. enc. Deus caritas est (25 décembre 2005), n. 1: AAS 98 (2006), pp. 217-218.
[17] XIIe ASSEMBLÉE GÉNÉRALE ORDINAIRE DU SYNODE DES ÉVÊQUES, Instrumentum laboris, n. 9.
[18] Credo de Nicée Constantinople: DS 150.
[19] SAINT BERNARD DE CLAIRVAUX, Homelia super Missus est, IV, 11: PL 183, 86 B.
[20] Cf. CONC. ŒCUM. VAT. II, Const. dogm. sur la Révélation divine Dei Verbum, n. 10.
[21] Cf. Proposition 3.
[22] Cf. CONGRÉGATION POUR LA DOCTRINE DE LA FOI, Déclaration sur l’unicité et l’universalité salvifi que de Jésus Christ et de l’Église Dominus Iesus (6 août 2000) nn. 13-15: AAS 92 (2000), pp. 754-756.
[23] Cf. In Hexaemeron, XX, 5: Opera Omnia, V, Quaracchi 1891, pp. 425-426; Breviloquium I, 8: Opera Omnia, V, Quaracchi 1891, pp. 216-217.
[24] SAINT BONAVENTURE, Itinerarium mentis in Deum, II, 12: Opera Omnia, V, Quaracchi, 1891, pp. 302-303; cf. Commentarius in librum Ecclesiastes, Chap. 1, vers. 11; Quaestiones, II, 3, Quaracchi 1891, p. 16.
[25] CONC. ŒCUM. VAT. II, Const. dogm. sur la Révélation divine Dei Verbum, n. 3; cf. CONC. ŒCUM. VAT. I, Const. dogm. sur la foi catholique Dei Filius, chap. 2, De revelatione: DS 3004.

[26] Cf. Proposition 13.


[27] COMMISSION THÉOLOGIQUE INTERNATIONALE, À la recherche d’une éthique universelle: un regard nouveau sur la loi naturelle, n. 39.
[28] Cf. Summa Theologiae, Ia-IIae, q. 94, a. 2.
[29] Cf. COMMISSION BIBLIQUE PONTIFICALE, Bible et morale, Racines bibliques de l’agir chrétien (11 mai 2008), nn. 13, 32 et 109.
[30] Cf. COMMISSION THÉOLOGIQUE INTERNATIONALE, À la recherche d’une éthique universelle: un regard nouveau sur la loi naturelle, n. 102.
[31] Cf. BENOÎT XVI, Méditation à l’occasion de l’ouverture du Synode des Évêques (6 octobre 2008): ASS 100 (2008), 758-761, L’ORf, 14 octobre 2008, p. 11.
[32] CONC. ŒCUM. VAT. II, Const. dogm. sur la Révélation divine Dei Verbum, n. 14.
[33] BENOÎT XVI, Lett. enc. Deus caritas est (25 décembre 2005), n. 1: AAS 98 (2006), pp. 217-218.
[34] “Ho Logos pachynetai (ou brachynetai)”. Cf. ORIGÈNE, Péri Archon, I, 2, 8: Sources Chrétiennes (par la suite SC ) 252, p. 127-129.
[35] BENOÎT XVI, Homélie au cours de la Messe de la Nativité du Seigneur (24 décembre 2006): AAS 99 (2007), p. 12, L’ORf, 2 janvier 2007, p. 2.
[36] Cf. XIIe ASSEMBLÉE GÉNÉRALE ORDINAIRE DU SYNODE DES ÉVÊQUES, Message final, II, 4-6.
[37] SAINT MAXIME LE CONFESSEUR, La vie de Marie, n. 89: CSCO 479, p. 77.
[38] Cf. BENOÎT XVI, Exhort. apost. post-synodale Sacramentum caritatis (22 février 2007), n. 9-10: AAS 99 (2007), pp. 111-112.
[39] Cf. BENOÎT XVI, Audience Générale (15 avril 2009): L’ORf, 21 avril 2009, p. 2.
[40] Cf. BENOÎT XVI, Homélie en la solennité de l’Épiphanie du Seigneur (6 janvier 2009): L’ORf, 13 janvier 2009, p. 6.
Đáp ứng Vị Thiên Chúa đang nói với ta

Ta được mời gọi bước vào giao ước với Thiên Chúa

22. Khi nhấn mạnh tới nhiều hình thức của lời, ta đã có thể chiêm ngưỡng được một số cách Thiên Chúa dùng để nói và gặp gỡ con người, làm cho Người được biết đến trong đối thoại. Như các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng đã tuyên bố, điều chắc là “cuộc đối thoại này, khi nói tới mạc khải, kéo theo tính tối thượng của lời Chúa được ngỏ với con người” (71). Mầu nhiệm của Giao Ước nói lên mối liên hệ giữa Thiên Chúa, Đấng lên tiếng mời gọi con người bằng chính lời của Người, và con người, kẻ đáp ứng, dù nó cho thấy rõ đây không phải là vấn đề gặp gỡ giữa hai người đồng trang lứa; điều ta gọi là Cựu Ước và Tân Ước không hề là một khế ước giữa hai bên ngang hàng, nhưng đơn thuần là một hồng ân của Thiên Chúa. Với hồng ân đầy yêu thương này, Thiên Chúa bắc nhịp cầu qua mọi phân cách và làm chúng ta trở nên các “bạn tình” (partners) của Người, hầu tạo nên mầu nhiệm hôn phối đầy yêu thương giữa Chúa Kitô và Giáo Hội. Trong viễn tượng này, mỗi người trong chúng ta xuất hiện như một chủ thể được lời nói với, thách thức và mời gọi bước vào cuộc đối thoại yêu thương bằng một đáp ứng tự do. Như thế, mỗi người chúng ta đều được Thiên Chúa ban cho khả năng biết nghe và đáp ứng lời Người. Ta được tạo dựng trong lời và ta sống trong lời; ta không thể hiểu được chính ta nếu ta không chịu cởi mở đón nhận cuộc đối thoại này. Lời Thiên Chúa cho ta thấy bản chất hiếu tử và có tương quan của cuộc hiện hữu nhân bản. Thực vậy, ta được ơn thánh mời gọi trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô, Con Một Chúa Cha, và được biến đổi trong Người.



Thiên Chúa nghe ta và trả lời các vấn nạn của ta

23. Trong cuộc đối thoại với Thiên Chúa này, ta hiểu được chính ta và tìm được câu trả lời cho các vấn nạn sâu xa nhất của trái tim ta. Lời Chúa thực sự không thù nghịch đối với ta; nó không làm ngột ngạt các khát vọng của ta, nhưng đúng hơn soi sáng chúng, thanh tẩy chúng và đem chúng đến thỏa mãn hoàn toàn. Trong thời đại ta, việc nhận ra chỉ có Chúa mới đáp ứng các khát vọng trong trái tim mỗi người chúng ta là việc quan trọng biết bao nhiêu! Điều đáng buồn cần phải nói là ngày nay, ở Tây Phương, người ta đang có ý niệm phổ biến cho rằng Thiên Chúa đứng ngoài cuộc sống và các vấn nạn của con người, và sự hiện diện của Người chỉ có thể là một đe dọa đối với quyền tự lập của họ. Ấy thế nhưng, toàn bộ nhiệm cục cứu rỗi đều chứng minh rằng Thiên Chúa lên tiếng và hành động trong lịch sử vì thiện ích ta và để cứu vớt ta một cách toàn diện. Như thế, đứng trên quan điểm mục vụ, điều có tính quyết định là trình bày lời Chúa trong khả năng nó có thể bước vào đối thoại với các vấn nạn thường ngày mà con người gặp phải. Chính Chúa Giêsu đã nói rằng Người tới để chúng ta được sống dồi dào (xem Ga 10:10). Thành thử, ta cần hết sức cố gắng chia sẻ lời Chúa như một cởi mở đối với các vấn nạn của ta, một trả lời cho các câu hỏi của ta, một mở rộng đối với các giá trị của ta và một thoả mãn hoàn toàn đối với các hoài mong của ta. Hoạt động mục vụ của Giáo Hội cần phải làm rõ việc Thiên Chúa lắng nghe các nhu cầu và yêu cầu xin giúp đỡ của ta ra sao. Như Thánh Bonaventura từng nói trong cuốn Breviloquium (Đoản Thoại?): "Hoa trái của Thánh Kinh không phải là bất cứ hoa trái nào, mà là chính sự viên mãn của hạnh phúc đời đời. Thánh Kinh là sách chứa đựng lời ban sự sống đời đời, đến nỗi, ta không phải chỉ tin mà còn có sự sống đời đời nữa, một sự sống trong đó ta sẽ thấy và sẽ yêu, và mọi khát vọng của ta đều được thoả mãn hoàn toàn” (72).



Đối thoại với Thiên Chúa bằng chính lời của Người

24. Lời Chúa lôi cuốn mỗi người chúng ta bước vào cuộc đàm thoại với Chúa: Đấng Thiên Chúa đang nói dạy ta cách để nói với Người. Ở đây, dĩ nhiên ta nghĩ tới Sách Thánh Vịnh, trong đó, Thiên Chúa ban cho ta lời dùng để nói với Người, để đặt đời sống ta trước mặt Người, và do đó, biến chính đời sống trở thành nẻo đường đưa ta tới Thiên Chúa (73). Trong các Thánh Vịnh, mọi tâm tình nhân bản có thể có đều được nói tới, được trình bày một cách tuyệt vời trước nhan thánh Chúa; niềm vui và nỗi đau, nỗi sầu muộn và niềm hy vọng, nỗi sợ sệt và nỗi lắng lo: tất cả đều được nói tới ở đây. Cùng với các Thánh Vịnh, ta cũng thấy nhiều đoạn khác của Sách Thánh nói lên việc ta hướng về Thiên Chúa trong lời kinh chuyển cầu (xem Xh 33:12-16), trong bài ca chiến thắng hân hoan (xem Xh 15) hay trong cơn buồn sầu vì gặp khó khăn trên đường thi hành sứ vụ (xem Gr 20:7-18). Theo cách đó, lời ta thưa với Chúa trở thành chính lời Chúa, và như thế củng cố bản chất đối thoại của mọi mạc khải Kitô Giáo (74), và trọn hiện sinh của ta trở nên một cuộc đối thoại với Thiên Chúa, Đấng nói và nghe, Đấng mời gọi ta và hướng dẫn đời ta. Ở đây, lời Chúa cho ta thấy: trọn cuộc sống ta diễn ra dưới lời mời gọi của Người (75).



Lời Chúa và đức tin

25. "‘Vâng tin’ (Rm 16:26; xem Rm 1:5; 2 Cor 10: 5-6) phải là đáp ứng của ta với Thiên Chúa, Đấng mạc khải. Bằng đức tin, ta tự ý tín thác hoàn toàn nơi Chúa, ‘tâm trí và ý chí ta hoàn toàn vâng phục Thiên Chúa, Đấng mạc khải’ và sẵn sàng đồng thuận mạc khải của Thiên Chúa” (76). Qua những lời này, Hiến Chế Tín Lý “Lời Chúa” muốn nói lên tư thế chính xác mà ta phải có đối với Thiên Chúa. Đáp ứng nhân bản thích đáng đối với vị Thiên Chúa đang nói chính là đức tin. Ở đây, ta thấy rõ điều này “để chấp nhận mạc khải, con người phải mở tâm trí của mình ra đón nhận hoạt động của Chúa Thánh Thần, Đấng giúp họ có khả năng hiểu lời Chúa hiện diện trong Sách Thánh” (77). Sự thực, chính việc rao giảng lời Chúa đã phát sinh ra đức tin, nhờ đó, ta đồng tâm nhất trí với chân lý đã được mạc khải cho ta và ta hoàn toàn tín thác vào Chúa Kitô: “Đức tin đến từ điều nghe được, và điều nghe được đến từ lời Chúa Kitô” (Rm 10:17). Trọn lịch sử cứu rỗi đã lần hồi chứng minh cho mối liên kết sâu xa giữa lời Chúa và đức tin, một đức tin vốn phát xuất từ cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô. Như thế, đức tin mang dáng dấp một cuộc gặp gỡ với Đấng ta tín thác trọn đời ta cho Người. Chúa Giêsu Kitô vẫn hiện diện trong lịch sử hôm nay, trong nhiệm thể Người là Giáo Hội; vì thế, hành vi đức tin của ta cùng một lúc vừa có tính bản thân vừa có tính giáo hội.



Tội lỗi là khước từ không nghe lời Chúa

26. Lời Chúa cũng không thể không mạc khải khả thể bi thảm này là tự do con người có thể làm họ rút chân ra khỏi cuộc đối thoại giao ước với Thiên Chúa, cuộc đối thoại mà vì nó ta đã được dựng nên. Lời Chúa cũng cho thấy tội lỗi vốn rình rập trong trái tim con người. Trong cả Cựu Ước và Tân Ước, ta thường đọc thấy tội lỗi được diễn tả là việc từ khước không nghe lời, là bẻ gẫy giao ước và do đó là đóng cửa với Thiên Chúa, Đấng vốn mời gọi ta hiệp thông với Người (78). Sách Thánh cho thấy tội lỗi con người, trong yếu tính, vốn là sự bất tuân và từ khước không nghe. Sự vâng lời căn để của Chúa Giêsu cho đến chết trên thập giá (xem Pl 2:8) đã hoàn toàn lột mặt nạ tội lỗi ấy. Sự vâng lời của Người đã phát sinh ra Giao Ước Mới giữa Thiên Chúa và con người, và ban cho ta khả thể giao hòa. Chúa Giêsu được Chúa Cha sai đến làm của lễ đền vì tội lỗi ta và tội lỗi toàn thế giới (xem 1 Ga 2:2; 4:10; Dt 7:27). Như thế, ta được hiến tặng khả thể cứu chuộc đầy nhân từ và việc khởi đầu một sự sống mới trong Chúa Kitô. Vì lý do đó, điều quan trọng là phải dạy tín hữu biết nhìn nhận rằng cội rễ của tội chính là việc từ khước không nghe lời Thiên Chúa và chấp nhận nơi Chúa Giêsu, Ngôi Lời Thiên Chúa, sự tha thứ vốn có đó để ta bước vào cứu độ.



Đức Maria, “Mẹ Lời Chúa” và “Mẹ đức tin”

27. Các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng tuyên bố rằng mục tiêu căn bản của Cuộc Họp Thứ Mười Hai này là “đổi mới đức tin của Giáo Hội đối với lời Thiên Chúa”. Để làm được điều đó, ta cần nhìn lên đấng mà nơi ngài hành động qua lại giữa lời Chúa và đức tin đã trở thành hoàn hảo, đó chính là Trinh Nữ Maria, “đấng, bằng tiếng ‘xin vâng’ đối với lời giao ước và sứ mệnh của mình, đã làm trọn một cách hoàn hảo lời mời gọi nhân loại của Thiên Chúa” (79). Thực tại nhân bản, do lời tạo ra, tìm được hình ảnh hoàn hảo nhất của nó trong đức tin vâng lời của Đức Maria. Từ Truyền Tin đến Hiện Xuống, ngài luôn tỏ ra là một người phụ nữ hoàn toàn cởi mở đón nhận ý Thiên Chúa. Ngài là Vô Nhiễm Thai, là đấng được Thiên Chúa làm cho “đầy ơn phúc” (xem Lc 1:28) và vâng phục lời của Người vô điều kiện (xem Lc 1:38). Đức tin vâng lời của ngài đã lên khuôn cho cuộc đời ngài mọi giây mọi phút trước kế hoạch của Thiên Chúa. Là một Trinh Nữ lúc nào cũng chăm chú lắng nghe lời Chúa, ngài sống hoà điệu hoàn toàn với lời ấy; ngài trân qúi trong lòng mọi biến cố của Con mình, nối kết chúng lại với nhau thành như một bức tranh ghép duy nhất (xem Lc 2:19, 51) (80).

Thời ta, tín hữu cần được giúp đỡ để thấy rõ hơn sợi dây nối kết giữa Đức Maria Thành Nadarét và việc nghe lời Chúa với niềm tin trọn vẹn. Tôi cũng khuyến khích các học giả hãy nghiên cứu mối liên hệ giữa Thánh Mẫu Học và nền thần học về lời. Điều này rõ ràng hết sức có ích đối với cả đời sống thiêng liêng lẫn việc nghiên cứu thần học và Thánh Kinh. Thực thế, điều mà sự hiểu biết của đức tin đã giúp ta biết được về Đức Maria nằm ngay ở tâm điểm chân lý Kitô Giáo. Vì người ta sẽ không thể nào quan niệm được sự nhập thể của lời nếu tách biệt nó khỏi sự tự do của người phụ nữ trẻ này, người, nhờ sự đồng thuận của mình, đã nhất quyết hợp tác với việc bước vào thời gian của Đấng Trường Cửu. Đức Maria là hình ảnh của Giáo Hội đang chăm chú lắng nghe lời Thiên Chúa, một lời đang lên xương thịt trong ngài. Đức Maria cũng tượng trưng cho sự cởi mở với Thiên Chúa và tha nhân; cho sự lắng nghe đầy tích cực, một sự lắng nghe biết nội tâm hóa và thẩm thấu, một sự lắng nghe trong đó lời trở thành một lối sống.

28. Ở đây, tôi muốn nhắc đến sự thân quen của Đức Maria đối với lời Chúa. Điều này thấy rõ trong Kinh Ngượi Khen (Magnificat). Trong kinh này, theo một nghĩa nào đó, ta thấy ngài đã đồng nhất hóa với lời, nhập hẳn vào lời; trong ca khúc đức tin đầy kỳ diệu này, Trinh Nữ đã ca bài tán tụng Chúa bằng chính lời của Người: “Kinh Ngượi Khen, bức chân dung vẽ chính linh hồn ngài, có thể nói như vậy, hoàn toàn đã được dệt bằng các sợi chỉ trong Thánh Kinh, những sợi chỉ rút ra từ lời Chúa. Ở đây, ta thấy Đức Maria đã hoàn toàn thân thuộc ra sao đối với lời Chúa, ngài thoải mái vào ra lời ấy. Ngài nói và suy nghĩ bằng lời Chúa; lời Chúa trở thành lời ngài, và lời ngài phát xuất từ lời Chúa. Ở đây, ta thấy tư tưởng của ngài hòa điệu ra sao đối với tư tưởng Thiên Chúa, ý chí của ngài là một với ý Chúa như thế nào. Vì Đức Maria hoàn toàn thấm nhuần lời Chúa, nên ngài có khả năng trở thành Mẹ của Lời Nhập Thể (81).

Đàng khác, nhìn lên Mẹ Thiên Chúa, ta thấy hoạt động của Thiên Chúa trên thế giới luôn mời gọi tự do của ta cam kết như thế nào, vì nhờ đức tin, lời Chúa biến đổi chúng ta. Công việc tông đồ và mục vụ của ta không bao giờ hữu hiệu nếu không học nơi Đức Mẹ cách để Thiên Chúa lên khuôn ta trong ta: “việc lấy lòng sốt sắng và tin yêu lấy Đức Mẹ làm khuôn mẫu và nguyên mẫu cho đức tin của Giáo Hội có một tầm quan trọng hàng đầu trong việc tạo ra trong thời ta một thay đổi điển hình cụ thể trong mối tương quan của Giáo Hội với lời, cả trong việc lắng nghe trong cầu nguyện lẫn trong việc dấn thân một cách quảng đại vào sứ vụ và rao giảng” (82).

Khi chiêm ngưỡng nơi Mẹ Thiên Chúa một cuộc đời hoàn toàn do lời lên khuôn, ta hiểu được rằng cả ta nữa cũng được mời gọi bước vào mầu nhiệm đức tin, nhờ đó, Chúa Kitô tới cư ngụ trong đời ta. Thánh Ambrôsiô nhắc nhở ta rằng xét theo một phương diện nào đó, mọi tín hữu Kitô đều tượng thai và sinh hạ lời Thiên Chúa: mặc dù chỉ có Mẹ Thiên Chúa là tượng thai bằng xương bằng thịt, còn chúng ta, Chúa Kitô là con cái của mọi người chúng ta trong đức tin (83). Như thế, điều xẩy ra cho Đức Maria cũng hàng ngày xẩy ra nơi mỗi người chúng ta, trong việc nghe lời Chúa và trong việc cử hành các bí tích.



Việc giải thích Thánh Kinh trong Giáo Hội

Giáo Hội là khung cảnh đệ nhất của khoa chú giải Thánh Kinh

29. Một chủ đề chính nữa phát sinh trong Thượng Hội Đồng mà giờ đây tôi muốn lưu ý là việc giải thích Thánh Kinh trong Giáo Hội. Sợi dây liên kết nội tại giữa lời và đức tin cho ta thấy rõ:khoa chú giải Thánh Kinh chân chính chỉ có thể có bên trong đức tin của Giáo Hội, một đức tin có khuôn mẫu nơi lời ‘xin vâng’ của Đức Maria. Thánh Bonaventura nói rằng không có đức tin, sẽ không có chìa khóa để mở tung bản văn thánh: “Đây là kiến thức về Chúa Giêsu Kitô, từ Người, như từ một nguồn suối, chẩy ra sự chắc chắn và sự hiểu biết toàn bộ Thánh Kinh. Do đó, không ai có thể đạt được kiến thức về chân lý ấy nếu không trước nhất có đức tin dấn thân vào Chúa Kitô, vốn là ngọn đèn, là cửa và là nền tảng của mọi Sách Thánh” (84). Còn Thánh Tôma Aquinô, khi trích dẫn Thánh Augustinô, đã nhấn mạnh rằng “chữ nghĩa, dù là chữ nghĩa của Tin Mừng, cũng chỉ sát hại, nếu không có ơn thánh bên trong của đức tin chữa lành” (85).

Ở đây, ta có thể chỉ ra tiêu chuẩn căn bản của khoa chú giải Thánh Kinh: khung cảnh đệ nhất để giải thích Thánh Kinh là đời sống Giáo Hội. Điều này không có nghĩa coi ngữ cảnh Giáo Hội như qui luật ngoại tại mà nhà chú giải phải tuân phục, nhưng đúng hơn nó là một điều được chính bản chất của Thánh Kinh cũng như phương thức dần dần thành hình của nó đòi hỏi. “Các truyền thống đức tin hình thành ra ngữ cảnh sống động cho sinh hoạt văn chương của các tác giả Sách Thánh. Việc các truyền thống trên được lồng vào ngữ cảnh này cũng bao hàm việc chia sẻ cả đời sống phụng vụ và đời sống bên ngoài của các cộng đoàn, lẫn thế giới trí thức, thế giới văn hóa và những thăng trầm trong lịch sử các định chế này. Cũng một cách tương tự như thế, việc giải thích Thánh Kinh đòi các nhà chú giải phải tham gia vào đời sống và đức tin của cộng đoàn tín hữu thời họ” (86).

Thành thử, “vì Sách Thánh phải được đọc và giải thích dưới sự soi sáng của cùng một Thần Khí nhờ đó nó đã được viết ra” (87), nên các nhà chú giải, các thần học gia và toàn bộ dân Chúa phải tiếp cận nó trong bản chất thực sự của nó, tức lời Thiên Chúa được chuyển tải tới ta bằng ngôn ngữ con người (xem 1 Tx 2:13). Đó là dữ kiện thường hằng hàm chứa trong chính Thánh Kinh: “Không ai được tự tiện giải thích một lời tiên tri nào trong Sách Thánh, vì lời tiên tri không bao giờ do ý muốn người phàm, nhưng chính nhờ Thánh Thần thúc đẩy mà có những người đã nói theo lệnh của Thiên Chúa” (2 Pr 1:20-21). Hơn nữa, chính đức tin của Giáo Hội nhận ra lời Chúa trong Thánh Kinh; như Thánh Augustinô đã nói câu đáng nhớ: “Tôi sẽ không tin Tin Mừng, nếu thẩm quyền Giáo Hội Công Giáo không hướng dẫn tôi làm như thế” (88). Chúa Thánh Thần, Đấng ban sự sống cho Giáo Hội, đã giúp ta khả năng giải thích Thánh Kinh một cách có thế giá. Thánh Kinh là sách của Giáo Hội, và vị trí chủ yếu của nó trong đời sống Giáo Hội phát sinh ra việc giải thích nó một cách chân chính.

30. Thánh Giêrôm nhắc ta rằng ta không bao giờ được đọc Sách Thánh theo ý riêng mình. Làm như thế, ta sẽ gặp rất nhiều chiếc cửa khép kín và chắc chắn sẽ dễ dàng rơi vào lầm lạc. Thánh Kinh được Dân Chúa viết cho Dân Chúa, dưới sự linh hứng của Chúa Thánh Thần. Chỉ trong sự hiệp thông ấy với Dân Chúa, ta mới có thể thực sự, như một “chúng tôi”, bước vào tâm điểm sự thật mà Thiên Chúa muốn chuyển tải cho ta (89). Thánh Giêrôm, người từng nói rằng “không biết Thánh Kinh là không biết Chúa Kitô” (90), đã quả quyết rằng chiều kích Giáo Hội trong việc giải thích Thánh Kinh không phải là một đòi hỏi được áp đặt từ bên ngoài: Sách ấy là chính tiếng nói của Dân lữ hành Thiên Chúa, và chỉ bên trong đức tin của Dân này, ta mới có cùng một cung điệu để hiểu Sách Thánh, có thể nói như thế. Vì thế, một giải thích chân chính về Thánh Kinh luôn luôn phải hoà điệu với đức tin của Giáo Hội Công Giáo. Chính vì thế, ngài đã viết cho một linh mục: “Hãy bám chặt lấy học lý truyền thống mà cha đã được giảng dạy, để cha có thể giảng giải người ta theo học lý lành mạnh và đánh bại những kẻ nói ngược lại nó” (91).

Tách khỏi đức tin, bất cứ cách tiếp cận bản văn thánh nào cũng chỉ có thể gợi ý cho ta một số yếu tố đáng lưu tâm về bình diện cấu trúc và hình thức bản văn, nhưng người ta đã chứng minh một cách chắc chắn rằng các yếu tố này chỉ là những cố gắng bất toàn về phương diện cấu trúc. Như Ủy Ban Giáo Hoàng về Thánh Kinh, khi lặp lại nguyên tắc đã được khoa giải thích thánh kinh hiện đại chấp nhận, đã quả quyết rằng: “việc đạt tới sự hiểu biết thích đáng các bản văn thánh chỉ dành cho ai biết lưu tâm đến điều Thánh Kinh nói trên căn bản kinh nghiệm sống” (92). Tất cả những điều này giúp làm rõ mối liên hệ giữa đời sống thiêng liêng và khoa giải thích Thánh Kinh. “Như độc giả trưởng thành trong sự sống Chúa Thánh Thần thế nào, thì khả năng hiểu các thực tại được Thánh Kinh nói tới của họ cũng tăng trưởng như thế” (93). Cường độ trong kinh nghiệm chân chính của Giáo Hội chỉ có thể dẫn tới sự tăng trưởng trong hiểu biết đức tin; ngược lại, đọc Thánh Kinh bằng đức tin cũng sẽ dẫn tới việc tăng trưởng trong chính đời sống Giáo Hội. Ở đây, một lần nữa, ta có thể nhận ra sự thật của câu nói thời danh của Thánh Grêgôriô Cả: “Lời Chúa tăng trưởng cùng với người đọc chúng” (94). Việc lắng nghe lời này dẫn nhập và gia tăng sự hiệp thông giáo hội với tất cả những người đang tiến bước trong đức tin.




tải về 0.68 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương