Tăng cường quản lý an toàn bức xạ và hạt nhân trên địa bàn thành phố Hải Phòng Hoài Hưng



tải về 24.82 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu30.08.2016
Kích24.82 Kb.
#28446
Tăng cường quản lý an toàn bức xạ và hạt nhân trên địa bàn thành phố Hải Phòng

Hoài Hưng
Năm 2010 sẽ là năm kiểm soát chặt chẽ an toàn bức xạ bằng các hoạt động thanh tra về giấy phép cơ sở nguồn xạ, quá trình theo dõi nhân viên sử dụng bức xạ tại các cơ sở y tế, kiểm tra thiết bị đo bức xạ tại các nhà máy, xí nghiệp sử dụng bức xạ, các doanh nghiệp luyện kim, đo bức xạ tại các tòa nhà, cao ốc, các cơ sở thu mua phế liệu… Sở Khoa học và Công nghệ Hải Phòng đã và đang tăng cường công tác quản lý an toàn bức xạ hạt nhân trên địa bàn Thành phố.

Cùng với sự phát triển của khoa học và công nghệ, kỹ thuật bức xạ, hạt nhân đang được ứng dụng ngày càng rộng rãi trong các lĩnh vực của đời sống như: y tế, công nghiệp, nông nghiệp, nghiên cứu khoa học... Nhiều kỹ thuật bức xạ, hạt nhân không thể thay thế và đã trở thành công cụ, phương pháp hữu hiệu trong việc chẩn đoán và điều trị bệnh, bảo quản thực phẩm, thăm dò và khai thác tài nguyên.






Hội thảo khoa học về sự cố bức xạ và định hướng công tác ứng phó sự cố bức xạ trên địa bàn thành phố Hải Phòng ngày 25/8/2009
Bức xạ nhân tạo đầu tiên được phát hiện là tia X (1895), từ đó đến nay được ứng dụng mạnh mẽ trong y tế: chụp X-quang, chụp cắt lớp CT, xạ trị. Trong công nghiệp, bức xạ được ứng dụng trong các máy để kiểm tra mối hàn, kiểm tra mật độ dung dịch trong đường ống (phổ biến trong ngành dầu khí), thiết bị kiểm tra chiều dày giấy, thiết bị đo độ ẩm, thiết bị làm sạch không khí, đặc biệt là trong các nhà máy điện hạt nhân… Trong nông nghiệp, bức xạ được dùng để chiếu xạ triệt sản côn trùng, chiếu xạ diệt khuẩn thực phẩm thay cho hóa chất (chiếu xạ thanh long, bưởi… trước khi xuất khẩu), sản xuất phân vi sinh… Bức xạ và hạt nhân đã được ứng dụng trong sản xuất, đời sống, mang lại hiệu quả cao, có những đóng góp to lớn cho sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước, nhưng tất cả những hoạt động này nếu không được quản lý chặt chẽ sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực tới môi trường và sức khỏe con người.

Khi bức xạ tác động vào cơ thể sống, nếu vượt quá giới hạn cho phép, người nhiễm xạ có thể bị các triệu chứng, tổn thương như: ban đỏ da, hoại tử, nôn mửa, rụng tóc hoặc tử vong… đặc biệt nguy hiểm khi bị tổn thương tế bào, ADN. Cụ thể, bức xạ có thể làm tổn thương, đứt gãy phân tử ADN (có chức năng truyền thông tin di truyền và quy định các chức năng hoạt động của các tổ chức trong cơ thể) làm thay đổi cấu trúc, mật mã gắn với ADN… ảnh hưởng ngay lập tức tới sức khỏe người bị nhiễm xạ, hoặc ảnh hưởng lâu dài tới bản thân người nhiễm và các thế hệ sau.

Việc lạm dụng chụp X-quang, sử dụng thiết bị không đúng quy trình kỹ thuật; điều trị quá liều; điều trị nhầm bệnh nhân đều gây hậu quả nghiêm trọng. Tương tự, việc sử dụng bức xạ trong công nghiệp tiềm ẩn nguy cơ vỡ, mất nguồn phóng xạ, khó quản lý chất thải phóng xạ… Những sự cố mất nguồn phóng xạ, ngoài việc gây thiệt hại to lớn về kinh tế trong việc tổ chức tìm kiếm, tẩy xạ môi trường, quan trọng hơn là ảnh hưởng tới tâm lý xã hội…

Thực hiện các quy định của Luật Năng lượng nguyên tử, mà trước đó là Pháp lệnh An toàn và Kiểm soát bức xạ, Sở Khoa học và Công nghệ Hải Phòng đã tham mưu với UBND thành phố chỉ đạo và triển khai công tác quản lý, bước đầu đạt được những kết quả nhất định.

Sở Khoa học và Công nghệ đã phối hợp với Cục An toàn bức xạ và hạt nhân quản lý tốt nguồn phóng xạ trong công nghiệp trên địa bàn thành phố. Đến nay, tất cả các đơn vị tiến hành công việc bức xạ trong ngành công nghiệp của thành phố đều đã có đầy đủ giấy phép và chấp hành tương đối nghiêm túc quy định của pháp luật về an toàn và kiểm soát bức xạ. Các cơ sở công nghiệp được Cục An toàn bức xạ và hạt nhân cấp phép hoạt động nhưng luôn nghiêm túc thực hiện việc khai báo cũng như báo cáo định kỳ với Sở Khoa học và Công nghệ. Các cơ sở bức xạ không trong diện quản lý của địa bàn thành phố (làm dịch vụ bức xạ theo các hợp đồng tại Hải Phòng) cũng đã thực hiện việc báo cáo từ khi đưa nguồn vào địa bàn thành phố, quá trình triển khai công việc có liên quan đến bức xạ cho đến khi đưa nguồn ra khỏi thành phố (mà điển hình là công ty APAVE).

Hoạt động cấp phép X - quang y tế đã được Sở Khoa học và Công nghệ Hải Phòng thực hiện theo tiêu chuẩn ISO 9001:2000 và đưa thành quy trình cấp phép tại bộ phận 1 cửa với thời gian thực hiện quy trình (từ khi nhận được hồ sơ hợp lệ đến khi cấp phép) là 7 ngày làm việc. Quy trình này cũng thường xuyên được xem xét, đánh giá nhằm hoàn thiện thủ tục cấp phép, gia hạn giấy phép và các thủ tục khác một cách thường xuyên liên tục.

Để giảm thiểu nguy cơ ô nhiễm bức xạ và kiểm soát nguy cơ từ gốc, ngoài việc tăng cường công tác quản lý nhà nước về an toàn và kiểm soát bức xạ, hạt nhân, xây dựng văn hóa an toàn bức xạ, Sở KH&CN còn đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến về an toàn bức xạ, hạt nhân. Đó là các hội nghị nâng cao nhận thức về an toàn bức xạ và an ninh nguồn phóng xạ cho các cơ sở bức xạ và cán bộ các sở, ban, ngành; các hội nghị tập huấn, giới thiệu các văn bản quy phạm pháp luật về an toàn bức xạ và an ninh nguồn phóng xạ cho các cơ sở bức xạ và các đơn vị có liên quan; phối hợp với Sở Y tế, Cục An toàn bức xạ và hạt nhân, Viện Khoa học và Kỹ thuật hạt nhân tổ chức các khóa huấn luyện cơ bản về an toàn bức xạ và kiểm định thiết bị X-quang. Các văn bản quy phạm pháp luật, các tài liệu, các quy trình quản lý trong lĩnh vực an toàn bức xạ, hạt nhân được đăng tải trên website của Sở Khoa học và Công nghệ (www.haiphongdost.gov.vn), và phát hành tới các cơ sở bức xạ trên địa bàn thành phố. Mới đây, Sở đã biên soạn và xuất bản 15.000 tờ rơi khuyến cáo về an toàn bức xạ và an ninh nguồn phóng xạ, tổ chức đợt tuyên truyền, phát miễn phí cho nhân dân nhằm nâng cao sự hiểu biết của cộng đồng về an toàn bức xạ và hạt nhân.

Để kiểm soát chặt chẽ các cơ sở nguồn xạ, Sở luôn duy trì và đẩy mạnh công tác thanh, kiểm tra và tổ chức khai báo, thống kê, báo cáo định kỳ các nguồn phóng xạ, thiết bị bức xạ, chất thải phóng xạ và các hoạt động liên quan trên địa bàn thành phố. Công tác thanh tra, kiểm tra được triển khai một cách bài bản, đồng bộ, xử lý kịp thời, kiên quyết các vi phạm về an toàn và kiểm soát bức xạ. Hàng năm, thanh tra từ 30 – 35 cơ sở. Điều này thúc đẩy các đơn vị hoàn thiện các yêu cầu về an toàn và kiếm soát bức xạ, đồng thời, cũng hướng dẫn các cơ sở bức xạ thực hiện nghiêm chỉnh các quy định pháp luật về an toàn và kiểm soát bức xạ. Việc tổ chức ứng phó sự cố tại cơ sở là yêu cầu cấp bách nhằm ngăn chặn thiệt hại về người, hạn chế bức xạ lan truyền trước khi cơ quan chuyên môn về bức xạ, hạt nhân có mặt. Do vậy, Sở cũng chú trọng bồi dưỡng, nâng cao năng lực cán bộ đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ thanh tra, quản lý nhà nước về an toàn và kiểm soát bức xạ.

Đặc biệt, 10 sở ban ngành của Thành phố (gồm Sở KH&CN, Sở Y tế, Sở Công Thương, Sở Tài nguyên và Môi trường, Ban quản lý các kinh tế Hải Phòng, Cục Hải quan Thành phố, Công an Thành phố, Bộ chỉ huy quân sự Thành phố, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội) đã ký kết “Kế hoạch phối hợp tăng cường công tác quản lý an toàn bức xạ và an ninh các nguồn phóng xạ trên địa bàn thành phố Hải Phòng” và triển khai có hiệu quả trong thực tiễn các nội dung: Phối hợp nghiên cứu đề xuất và trình các cấp có thẩm quyền ban hành các quy định, chính sách về đảm bảo an toàn bức xạ và an ninh nguồn phóng xạ cho phù hợp với điều kiện thực tế của Thành phố; Tổ chức chỉ đạo thực hiện các quy định pháp luật về đảm bảo an toàn bức xạ và an ninh nguồn phóng xạ; tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ về an toàn bức xạ cho các cán bộ quản lý, cán bộ hoạt động trong môi trường bức xạ thuộc các lĩnh vực; Chỉ đạo xây dựng và tổ chức lập kế hoạch phối hợp phòng chống sự cố bức xạ và an ninh nguồn phóng xạ; Phát hiện, ngăn ngừa và phối hợp với các cơ quan chức năng của Trung ương và địa phương giải quyết sự cố bức xạ và huy động lực lượng hỗ trợ khắc phục hậu quả sự cố bức xạ tại các cơ sở bức xạ; Giám sát hoạt động của các đơn vị làm dịch vụ an toàn bức xạ trong mọi lĩnh vực theo quy định; Giáo dục truyền thông về vấn đề an toàn bức xạ và an ninh nguồn phóng xạ; xem xét đề nghị khen thưởng các cơ sở và cá nhân có thành tích trong việc quản lý hoạt động đảm bảo an toàn bức xạ và an ninh nguồn phóng xạ; Xử lý nghiêm những cơ sở bức xạ không chấp hành hoặc cố tình không chấp hành những quy định của Nhà nước và của các cơ quan chức năng khác bằng các hình thức: áp dụng phạt vi phạm hành chính; Rút giấy phép kinh doanh; giấy phép hoạt động; từ chối cấp phép có thời hạn hoặc vĩnh viễn.

Tuy vẫn còn tồn tại những bất cập như: hệ thống văn bản quy phạm pháp luật chưa được hướng dẫn đồng bộ để triển khai, gây khó khăn cho việc chấp hành, thực hiện của cả cơ quan quản lý nhà nước và các cơ sở bức xạ; trình độ nhận thức, ý thức chấp hành các quy định của pháp luật của một số cơ sở còn kém... , nhưng có thể nói, công tác quản lý an toàn bức xạ của thành phố Hải Phòng trong những năm qua đã thu được những kết quả nhất định. An ninh tại các cơ sở bức xạ trên địa bàn thành phố theo nhận xét của cơ quan chuyên môn (PA 17 - Công an thành phố) đến nay là đảm bảo.



Thời gian tới, Sở Khoa học và Công nghệ Hải Phòng sẽ chú trọng hơn nữa công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra và hướng dẫn các cơ sở bức xạ thực hiện các quy định của Nhà nước sau cấp phép, hoàn thiện và xây dựng các chương trình, kế hoạch phối hợp chặt chẽ với các ngành, các đơn vị liên quan thực hiện tốt việc tăng cường quản lý và đảm bảo an ninh nguồn bức xạ trên địa bàn thành phố./.

tải về 24.82 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương