TỔng cục thi hành án dân sự



tải về 318.85 Kb.
trang1/5
Chuyển đổi dữ liệu25.07.2016
Kích318.85 Kb.
#5065
  1   2   3   4   5

BỘ TƯ PHÁP

TỔNG CỤC THI HÀNH ÁN DÂN SỰ


Số: 1209 /TCTHADS-NV1

V/v giải đáp nghiệp vụ thi hành án


CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc



Hà Nội, ngày 27 tháng 5 năm 2013



Kính gửi: Cục Thi hành án dân sự tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

Thời gian qua, nhiều Cục Thi hành án dân sự tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có Công văn đề nghị Tổng cục Thi hành án dân sự giải đáp một số vướng mắc về nghiệp vụ thi hành án dân sự. Sau khi thống nhất với Vụ Kiểm sát thi hành án dân sự (Vụ 10) Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng cục Thi hành án dân sự có ý kiến về các vấn đề đó như sau (dưới đây, vướng mắc nghiệp vụ địa phương đề nghị giải đáp là phần chữ nghiêng):



I. VỀ LUẬT THI HÀNH ÁN DÂN SỰ 2008

1. Khoản 2 Điều 2 quy định: "2. Những bản án, quyết định sau đây của Toà án cấp sơ thẩm được thi hành ngay, mặc dù có thể bị kháng cáo, kháng nghị:

a) Bản án, quyết định về cấp dưỡng, trả lương, trả công lao động, trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm, trợ cấp mất sức lao động hoặc bồi thường thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ, tổn thất về tinh thần, nhận người lao động trở lại làm việc;

b) Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời."

Nhưng tại Điều 35 Luật Thi hành án dân sự về thẩm quyền thi hành án thì vấn đề này lại không được đặt ra cho các cơ quan thi hành án dân sự, còn Điều 36 Luật Thi hành án dân sự về việc ra Quyết định thi hành án thì đưa vấn đề này vào nhưng nêu một cách chung chung "1. Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự chủ động ra quyết định thi hành đối với phần bản án, quyết định sau đây... đ) Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời".

Theo các quy định trên thì Luật Thi hành án dân sự không trao thẩm quyền cụ thể việc ra Quyết định thi hành án đối với các Bản án, Quyết định quy định tại Khoản 2 Điều 2. Vì vậy, cơ quan thi hành án dân sự không được ra Quyết định thi hành án đối với các trường hợp này. Tuy nhiên, trên thực tế, các cơ quan Thi hành án dân sự vẫn ra Quyết định thi hành án đối với các Bản án, Quyết định trên.

Các Bản án, Quyết định quy định tại khoản 2 Điều 2 Luật Thi hành án dân sự là Bản án, Quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm. Theo Điểm a, Khoản 1 và Điểm a Khoản 2 Điều 35 Luật Thi hành án dân sự quy định về thẩm quyền thi hành án thì các Bản án, quyết định sơ thẩm của Toà án đã bao hàm cả Bản án, quyết định về cấp dưỡng, trả lương, trả công lao động, trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm, trợ cấp mất sức lao động hoặc bồi thường thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ, tổn thất về tinh thần, nhận người lao động trở lại làm việc và Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời do Tòa án cấp sơ thẩm ban hành. Như vậy, căn cứ vào Điều 35, cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền ra quyết định thi hành án đối với các trường hợp trên. Tuy nhiên, đối với Bản án, Quyết định quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều 2 không thuộc trường hợp cơ quan thi hành án dân sự chủ động ra quyết định thi hành án nên cơ quan thi hành án dân sự chỉ thi hành khi có đơn yêu cầu thi hành án.



2. Khoản 2 Điều 12 quy định: "Viện Kiểm sát các cấp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình kiểm sát việc tuân theo pháp luật về thi hành án của cơ quan thi hành án dân sự, Chấp hành viên, cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan đến việc thi hành án nhằm bảo đảm việc thi hành án kịp thời, đầy đủ, đúng pháp luật”. Vậy trong quá trình tổ chức thi hành án, Cơ quan thi hành án dân sự có phải chủ động mời Viện Kiểm sát nhân dân kiểm sát việc tuân theo pháp luật công tác thi hành án dân sự hay không?

Luật Thi hành án dân sự không quy định cơ quan thi hành án dân sự mời hay không mời Viện Kiểm sát nhân dân kiểm sát các hoạt động về thi hành án. Cơ quan thi hành án dân sự mời hay không mời không làm mất đi tính chủ động của Viện Kiểm sát trong quá trình kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong hoạt động thi hành án. Viện Kiểm sát chủ động kiểm sát hoạt động thi hành án thông qua việc kiểm sát thường xuyên các quyết định về thi hành án do Cơ quan thi hành án dân sự gửi (theo luật định) và nếu cần thiết Viện Kiểm sát sẽ thực hiện các quyền yêu cầu cung cấp hồ sơ, tài liệu hoặc trực tiếp kiểm sát hoạt động thi hành án. Tuy nhiên cơ quan thi hành án dân sự nên chủ động phối hợp chặt chẽ với Viện Kiểm sát trong quá trình tổ chức thi hành án để việc thi hành án đạt hiệu quả, đúng pháp luật, hạn chế thấp nhất vi phạm pháp luật.



3. Khoản 2 Điều 34 quy định việc từ chối nhận đơn yêu cầu thi hành án phải được thông báo bằng văn bản cho người nộp đơn yêu cầu thi hành án. Có ý kiến cho rằng cần bổ sung vào Điều luật quy định cơ quan thi hành án dân sự phải thông báo việc từ chối nhận đơn yêu cầu thi hành án cho Viện Kiểm sát nhân dân cùng cấp để thực hiện việc kiểm sát.

Luật Thi hành án dân sự chỉ quy định cơ quan thi hành án dân sự phải gửi các Quyết định về thi hành án cho Viện Kiểm sát. Còn các văn bản, tài liệu khác thì không bắt buộc gửi tất cả cho Viện Kiểm sát. Đối với các văn bản, tài liệu này Viện Kiểm sát nếu xét thấy cần để thực hiện nhiệm vụ, chức năng kiểm sát thì thực hiện quyền yêu cầu cung cấp hồ sơ tài liệu; hoặc thông qua kiểm sát thường xuyên các quyết định thi hành án; hoặc trực tiếp kiểm sát.



4. Khoản 2 Điều 39 quy định: "Việc thông báo phải thực hiện trong 3 ngày làm việc, kể từ ngày ra văn bản, trừ trường hợp cần ngăn chặn đương sự tẩu tán tài sản, hủy hoại tài sản, trốn tránh việc thi hành án".

Thực tế cho thấy, việc thực hiện quy định này rất khó khăn nhất là đối với miền núi dân cư thưa thớt, điều kiện đi lại khó khăn và các xã cách trung tâm huyện lỵ, đồng bào phải đi làm nương rẫy xa nhà nhiều ngày mới về, Chấp hành viên phải đi lại nhiều lần mới gặp nên khó khăn cho việc giao nhận thông báo. Bên cạnh đó, một số cơ quan thi hành án có số lượng vụ việc phải tổ chức thi hành lớn, trong khi biên chế, kinh phí, phương tiện còn hạn chế, địa bàn hoạt động rộng thì không thể đảm bảo thông báo cho tất cả các đương sự, các vụ việc kịp thời theo quy định của Luật.

Thực tế, Luật quy định như vậy nhằm tránh kéo dài việc thi hành án. Cần hiểu là phải thực hiện việc thông báo trong thời hạn 3 ngày làm việc mà không phải trong 3 ngày phải đưa thông báo đến tay người được thông báo. Việc thông báo đến nơi cần được thông báo còn tùy thuộc hình thức thông báo vì không phải chỉ có một hình thức thông báo là đưa trực tiếp cho đương sự mà có nhiều hình thức khác được quy định tại khoản 3 Điều này.



5. Khoản 2 Điều 44 quy định: "Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày chủ động ra Quyết định thi hành án hoặc kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu xác minh của người được thi hành án. Chấp hành viên phải tiến hành việc xác minh. Trường hợp thi hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời thì phải xác minh ngay..."

Một số ý kiến cho rằng Luật quy định thời gian xác minh trong thời hạn 10 ngày là quá ít. Bởi theo quy định tại khoản 2 Điều 36 Luật Thi hành án dân sự, cơ quan thi hành án dân sự phải ra Quyết định thi hành án trong 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu thi hành án, kể từ khi ra Quyết định thi hành án thì trong thời hạn 2 ngày mới phân công Chấp hành viên. Như vậy, còn 3 ngày thì Chấp hành viên không đủ thời gian để tiến hành xác minh. Luật không có gia hạn về thời hạn xác minh nên tình trạng Chấp hành viên vi phạm về thời hạn xác minh điều kiện thi hành án xẩy ra nhiều, chưa có biện pháp khắc phục. Việc xác minh điều kiện thi hành án được tiến hành trong thời gian tự nguyện thi hành án; nếu người phải thi hành án tự nguyện thi hành án thì việc xác minh điều kiện thi hành án là không cần thiết

Trường hợp này cần hiểu là: Thời hạn ra quyết định thi hành án theo đơn yêu cầu là 5 ngày, và 10 ngày để tính thời gian xác minh là tính từ ngày ra Quyết định thi hành án theo đơn yêu cầu, và trừ 2 ngày phân công Chấp hành viên thì còn 8 ngày để Chấp hành viên tiến hành xác minh lần đầu. Đồng thời việc xác minh có thể bằng hình thức Chấp hành viên ban hành công văn yêu cầu đơn vị, tổ chức đang nắm giữ thông tin về tài sản hoặc đang quản lý tài sản, tài khoản của người phải thi hành án cung cấp thông tin về tài sản, hoặc trực tiếp xác minh... Tuy nhiên, trên thực tế cũng có trường hợp cùng một lúc có nhiều Quyết định thi hành án được ban hành nên Tổng cục Thi hành án dân sự sẽ nghiên cứu, đề xuất vào nội dung sửa đổi, bổ sung Luật Thi hành án dân sự 2008.



6. Khoản 1 Điều 45 quy định thời hạn tự nguyện thi hành án là 15 ngày kể từ ngày người phải thi hành án nhận được thông báo hợp lệ Quyết định thi hành án. Khoản 1 Điều 46 lại quy định: hết thời hạn quy định tại khoản 1 Điều 45 của Luật này người phải thi hành án có điều kiện thi hành án mà không tự nguyện thi hành án thì bị cưỡng chế. Trong thực tế đương sự có điều kiện và tự nguyện thi hành án nhưng để giải quyết tài sản thì cần thời gian nhiều hơn đặc biệt liên quan đến tài sản là nhà cửa và đất đai; có trường hợp Chấp hành viên áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án nhưng để thực hiện xong thì không dưới 3 tháng hoặc có khi kéo dài trên một năm, kèm theo đó là huy động lực lượng, chi phí cưỡng chế, gây mất an ninh trật tự tại địa phương.

Do đó, đề nghị sửa đổi khoản 1 Điều 45 Luật Thi hành án dân sự theo hướng kéo dài thời gian tự nguyện thi hành án là 30 ngày, đối với thi hành án liên quan đến nhà đất thì thời gian tự nguyện là 60 ngày. Có như vậy thì đương sự mới đủ thời gian giải quyết tài sản, lo liệu nơi ăn chốn ở và tự chủ trong việc thi hành án có lợi hơn là áp dụng biện pháp cưỡng chế.

Án có hiệu lực phải được thi hành, nhưng để đảm bảo tính nhân đạo, khuyến khích đương sự tự nguyện thi hành án, Luật đã quy định thêm thời gian tự nguyện là 15 ngày, khi hết thời hạn "thì bị cưỡng chế". Việc cưỡng chế thực hiện ngay sau khi hết hạn luật định. Việc cưỡng chế hoàn thành xong ngay hay kéo dài còn tùy thuộc vào vụ việc cụ thể mà không có giới hạn về mặt thời gian. (Ví dụ: kéo dài do khi kê biên có tranh chấp, khiếu nại... hoặc thi hành xong ngay khi tiến hành khấu trừ trên tài khoản...)



7. Điều 46 quy định:

1. Hết thời hạn quy định tại khoản 1 Điều 45 của Luật này, người phải thi hành án có điều kiện thi hành án mà không tự nguyện thi hành án thì bị cưỡng chế.



2. Không tổ chức cưỡng chế thi hành án trong thời gian từ 22 giờ đến 06 giờ sáng ngày hôm sau, các ngày nghỉ, ngày lễ theo quy định của pháp luật và các trường hợp đặc biệt khác do Chính phủ quy định”.

Như vậy, hết thời hạn tự nguyện nếu người phải thi hành án có điều kiện nhưng không tự nguyện thi hành án thì bị cưỡng chế. Luật không quy định thời điểm ra Quyết định cưỡng chế dẫn đến việc Cơ quan thi hành án dân sự tùy tiện, có việc tổ chức cưỡng chế ngay sau khi hết thời gian tự nguyện, có việc để kéo dài. Đề nghị quy định rõ thời hạn ra quyết định cưỡng chế bao nhiêu ngày kể từ ngày hết thời hạn tự nguyện thi hành án.

Đến nay chưa có văn bản hướng dẫn của Chính phủ về những "trường hợp khác" không được tổ chức cưỡng chế theo quy định tại khoản 2 Điều này.

Về nguyên tắc hết thời hạn tự nguyện, nếu người phải thi hành án có điều kiện nhưng không tự nguyện thi hành án thì bị cưỡng chế, tuy nhiên do có các biện pháp cưỡng chế khác nhau nên Chấp hành viên có quyền lựa chọn để áp dụng biện pháp cưỡng chế thích hợp theo quy định của Luật và qui định tại Điều 8 Nghị định 58/2009/NĐ-CP ngày 13/7/2009 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự về thủ tục thi hành án dân sự.

Bên cạnh đó, khi thực hiện cưỡng chế cần chú ý thực hiện quy định tại Khoản 2 Điều 8 Nghị định 58/2009/NĐ-CP ngày 13/7/2009 của Chính phủ: “Ngoài những trường hợp do Luật Thi hành án dân sự quy định, cơ quan thi hành án dân sự không tổ chức cưỡng chế thi hành án có huy động lực lượng trong thời gian 15 ngày trước và sau tết Nguyên đán; các ngày truyền thống đối với các đối tượng chính sách, nếu họ là người phải thi hành án.”

8. Trên thực tế phát sinh một số khoản phải thi hành án cần ưu tiên nhưng chưa đưa vào Khoản 1 Điều 47 quy định về thứ tự thanh toán tiền thi hành án. Ví dụ: Bên phải thi hành án là đơn vị kinh tế phải thanh toán các khoản bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội. Bên được thi hành án là cơ quan bảo hiểm xã hội nên ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động, nếu không được ưu tiên thanh toán, phải chia theo tỷ lệ (trong trường hợp có nhiều người được thi hành án) là chưa phù hợp.

Điều 47 Luật Thi hành án dân sự quy định về thứ tự thanh toán tiền thi hành án. Các trường hợp không được quy định ưu tiên thì sẽ được thanh toán theo quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều 47 về “các khoản phải thi hành khác theo bản án, quyết định”.

- Khoản án phí có được ưu tiên thanh toán trước nghĩa vụ được bảo đảm từ việc bán tài sản cầm cố, thế chấp hoặc bán tài sản mà bản án, quyết định tuyên kê biên để bảo đảm thi hành một nghĩa vụ cụ thể (sau khi trừ đi các chi phí về thi hành án) hay không?

Khoản 3 Điều 47 quy định: “Số tiền thu được từ việc bán tài sản cầm cố, thế chấp hoặc bán tài sản mà bản án, quyết định tuyên kê biên để bảo đảm thi hành một nghĩa vụ cụ thể được ưu tiên thanh toán cho nghĩa vụ được bảo đảm đó sau khi trừ các chi phí về thi hành án”. Theo quy định tại Điều 90 Luật Thi hành án dân sự thì Chấp hành viên có quyền kê biên xử lý tài sản của người phải thi hành án đang cầm cố, thế chấp nếu giá trị tài sản đó lớn hơn nghĩa vụ được bảo đảm và chi phí cưỡng chế, sau khi xử lý tài sản kê biên người nhận cầm cố, nhận thế chấp được ưu tiên thanh toán theo quy định tại khoản 3 Điều 47 Luật Thi hành án dân sự. Như vậy, trong trường hợp xử lý tài sản của người phải thi hành án đang cầm cố, thế chấp thì số tiền thu được phải ưu tiên thanh toán cho người nhận cầm cố, nhận thế chấp trước mà không ưu tiên thanh toán khoản án phí. Tương tự đối với trường hợp bản án, quyết định tuyên kê biên để đảm bảo thi hành một nghĩa vụ cụ thể thì số tiền thu được khi xử lý tài sản sau khi trừ các chi phí về thi hành án được ưu tiên thanh toán cho nghĩa vụ cụ thể mà bản án, quyết định đã tuyên, không ưu tiên thanh toán khoản án phí đối với bản án này.



9. Điểm b Khoản 2 Điều 47 quy định: "Trong trường hợp có nhiều người được thi hành án thì việc thanh toán tiền được thực hiện như sau: Số tiền thi hành án thu theo Quyết định cưỡng chế thi hành án nào thì thanh toán cho những người được thi hành án đã có đơn yêu cầu tính đến thời điểm có Quyết định cưỡng chế đó. Số tiền còn lại được thanh toán cho những người được thi hành án theo các Quyết định thi hành án khác tính đến thời điểm thanh toán. Số tiền còn lại được trả cho người phải thi hành án"

Điều luật chưa quy định thủ tục, hình thức để cơ quan thi hành án dân sự giữ lại số tiền còn lại sau khi đã chi trả lần đầu theo quyết định cưỡng chế để chi trả tiếp cho những người được thi hành án tiếp theo (ví dụ như phải ra Quyết định thu giữ số tiền còn lại để thi hành án). Đồng thời, Luật cũng chưa quy định số tiền còn lại gửi giữ ở đâu, trong thời hạn bao nhiêu ngày phải nộp vào nơi gửi giữ.

Theo quy định tại Điều 9 Thông tư 22/2011/TT-BTP ngày 2/12/2011 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về hướng dẫn một số thủ tục trong quản lý hành chính về thi hành án dân sự thì “tất cả các khoản tiền thu được trong hoạt động thi hành án phải nộp ngay vào quỹ cơ quan thi hành án...”. Việc giữ, quản lý, chi trả tiền thi hành án được quy định tại Điều 10 Thông tư này.



10. Khoản 1 Điều 48 quy định về điều kiện hoãn thi hành án. Có ý kiến cho rằng Luật chưa quy định thời hạn hoãn.

Thời hạn hoãn các trường hợp tại khoản 1 Điều này đến khi "căn cứ hoãn thi hành án quy định tại khoản 1 Điều này không còn" (quy định tại khoản 4 Điều này), vì không thể xác định được bao giờ người phải thi hành án hết ốm nặng, cũng như không thể ấn định thời gian hoãn thi hành án của người được và người phải thi hành án...

Thời hạn hoãn theo yêu cầu của người có thẩm quyền quy định tại khoản 2 Điều này là 3 tháng và chỉ được yêu cầu hoãn 1 lần.

11. Khoản 2 Điều 48 quy định về điều kiện hoãn thi hành án. Tại đoạn 4 khoản 2 Điều 48: "Thời hạn hoãn thi hành án theo yêu cầu của người có thẩm quyền kháng nghị bản án, quyết định không quá 03 tháng, kể từ ngày ra văn bản yêu cầu hoãn thi hành án". Quy định như trên dẫn đến trong quyết định hoãn thi hành án của cơ quan thi hành án dân sự phải ghi có hiệu lực trước ngày ban hành vì cơ quan thi hành án dân sự nhận được văn bản yêu cầu thi hành án mới ra Quyết định hoãn (ngày ra Quyết định hoãn thi hành án luôn sau ngày ra văn bản yêu cầu hoãn). Đề nghị sửa Luật cho phù hợp.

Nhìn về hình thức thấy bất hợp lý như vướng mắc nêu, tuy nhiên Luật quy định như vậy là cho phép “hồi tố”; đồng thời nhằm không kéo dài việc thi hành án.



12. Điểm d khoản 1 Điều 50 quy định Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự phải ra quyết định đình chỉ thi hành án khi bản án, quyết định bị hủy một phần hoặc toàn bộ. Tuy nhiên, có một số vướng mắc trong quá trình áp dụng quy định này. Tại khoản 5 Điều 2 Thông tư liên tịch số 14/2010/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC ngày 26/7/2010 quy định trường hợp bản án, quyết định bị kháng nghị đã được tổ chức thi hành một phần thông qua bán đấu giá nay bị hủy, sửa thì cơ quan thi hành án dân sự tiếp tục hoàn thiện thủ tục theo quy định của pháp luật cho bên mua đấu giá, trừ trường hợp thủ tục bán đấu giá vi phạm quy định của pháp luật. Vậy, khi tiến hành cưỡng chế giao tài sản cho người mua trúng đấu giá thì căn cứ bản án, quyết định nào trong khi bản án, quyết định đã bị hủy, sửa. Do đó, quy định này thực tế không khả thi.

Điểm d khoản 1 Điều 50 Luật Thi hành án dân sự và khoản 5 Điều 2 Thông tư liên tịch số 14/2010/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC ngày 26/7/2010 của Bộ Tư pháp, Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao không mâu thuẫn và nhằm đảm bảo quyền lợi người đúng đấu giá, phù hợp với Điều 258 Bộ luật Dân sự vì bản án, quyết định của Tòa án nếu sai thì sẽ được điều chỉnh bằng Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước. Đồng thời Điều 135, Điều 136 Luật Thi hành án dân sự cũng đã quy định “Trường hợp bản án, quyết định đó đã thi hành xong thì Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự thông báo cho Toà án đã ra quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm, Viện kiểm sát cùng cấp và đương sự” và “Trường hợp tài sản đã được chuyển dịch hợp pháp cho người thứ ba chiếm hữu ngay tình thông qua bán đấu giá hoặc giao dịch với người mà theo bản án, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền là chủ sở hữu tài sản nhưng sau đó người này không phải là chủ sở hữu tài sản do bản án, quyết định bị huỷ, sửa hoặc tài sản thi hành án đã bị thay đổi hiện trạng thì chủ sở hữu tài sản ban đầu không được lấy lại tài sản nhưng được bồi hoàn giá trị của tài sản”. Vì vậy, cơ quan thi hành án dân sự căn cứ vào quy định của Điều 258 Bộ luật Dân sự, Luật Thi hành án dân sự, Nghị định 17/2010/NĐ-CP ngày 4/3/2010 về bán đấu giá tài sản, Thông tư 23/2010/TT-BTP ngày 06 tháng 12 năm 2010 quy định chi tiết và hướng dẫn thực hiện Nghị định 17/2010/NĐ-CP, Thông tư liên tịch số 14/2010/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC ngày 26/7/2010 khi cưỡng chế giao tài sản cho người mua trúng đấu giá.



13. Khoản 2 Điều 51 quy định: "Khi người phải thi hành án có điều kiện thi hành thì người được thi hành án có quyền yêu cầu thi hành bản án, quyết định trong thời hạn quy định tại khoản 1 Điều 30 của Luật này, kể từ ngày phát hiện người phải thi hành án có điều kiện thi hành".

Có ý kiến cho rằng, như vậy, nếu sau thời hạn 5 năm, kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật (khoản 1 Điều 30 Luật Thi hành án dân sự), người được thi hành án mới phát hiện người phải thi hành án có điều kiện thi hành, thì không có quyền yêu cầu thi hành án. Như vậy, quyền lợi hợp pháp của người được thi hành án sẽ bị hạn chế.

Trong trường hợp Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự trả đơn yêu cầu đối với các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 51 Luật Thi hành án dân sự, khi người phải thi hành án có điều kiện thi hành thì người được thi hành án có quyền yêu cầu thi hành bản án khi đáp ứng đủ hai điều kiện:

+ Trong thời hạn là 5 năm (thời hạn quy định tại khoản 1 Điều 30 Luật Thi hành án dân sự)

+ Thời điểm để tính thời hạn là kể từ ngày phát hiện người phải thi hành án có điều kiện thi hành theo quy định tại khoản 2 Điều 51 Luật Thi hành án dân sự (không phải kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật như ý kiến trên nêu).



14. Điều 52 quy định về kết thúc thi hành án. Có ý kiến cho rằng: có quyết định trả đơn yêu cầu thi hành án chưa phải là kết thúc thi hành án mà chỉ là chưa có điều kiện thi hành.

Việc trả đơn yêu cầu thi hành án Luật quy định là đương nhiên kết thúc việc thi hành án. Tuy nhiên, trong trường hợp trả đơn yêu cầu thi hành án do người phải thi hành án không có điều kiện thi hành thì khi phát hiện người phải thi hành án có điều kiện thi hành Luật lại quy định người được thi hành án được quyền yêu cầu thi hành án trở lại.



15. Khoản 1 Điều 55 quy định: "Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự phải ủy thác thi hành án cho cơ quan thi hành án dân sự nơi người phải thi hành án có tài sản, làm việc, cư trú hoặc có trụ sở".

Như vậy về cơ bản có 3 căn cứ để ủy thác thi hành án dân sự, đó là căn cứ về cư trú hoặc có trụ sở; căn cứ về nơi làm việc; căn cứ về tài sản. Nhưng thực tiễn thi hành án dân sự cho thấy để hiều và thống nhất áp dụng được các căn cứ ủy thác trong thi hành án dân sự là không đơn giản. Ví dụ hiểu thế nào là nơi cư trú làm căn cứ ủy thác (đương sự từ nơi này đến nơi khác làm thuê trong thời gian ngắn, có được xem là căn cứ về nơi cư trú của được sự để ủy thác thi hành án không). Qua thực tế không phải những thông tin về lý lịch nào của đương sự được Tòa án ghi nhận trong bản án khi nào cũng chính xác, có trường hợp Cơ quan cảnh sát điều tra nghe lời khai thiếu căn cứ của đương sự, sau đó không xác minh lại, nên đến giai đoạn thi hành án dân sự thì có thể là nơi cư trú của đương sự không còn tồn tại hoặc không có trên thực tế. Do đó, có ý kiến cho rằng Luật Thi hành án dân sự và các văn bản hướng dẫn chưa quy định rõ về căn cứ ủy thác và trả lại ủy thác.

Trường hợp căn cứ địa chỉ của người phải thi hành án ghi tại bản án, cơ quan thi hành án dân sự ủy thác đến cơ quan thi hành án dân sự theo địa chỉ của người phải thi hành án ghi tại bản án. Nơi nhận ủy thác qua xác minh thấy người phải thi hành án không có tại địa chỉ đã ghi trong bản án mà trả lại quyết định ủy thác là chưa đúng luật. Luật quy định chỉ trả lại ủy thác thi hành án khi sai sót về thẩm quyền của cơ quan nhận ủy thác, sai sót về nội dung thi hành án.

Đối với trường hợp không xác định được địa chỉ ghi trong bản án, cơ quan Thi hành án dân sự nơi được ủy thác phải nhận ủy thác và đồng thời tiến hành xác minh tiếp; Nếu xác định được nơi người phải thi hành án có tài sản, cư trú, làm việc là nơi khác thì ủy thác tiếp.

Do vậy, khi tiến hành xác minh nơi cư trú của người phải thi hành án, cơ quan thi hành án dân sự cần căn cứ Điều 12 Luật cư trú quy định về nơi cư trú của công dân để làm căn cứ ủy thác:

1. Nơi cư trú của công dân là chỗ ở hợp pháp mà người đó thường xuyên sinh sống. Nơi cư trú của công dân là nơi thường trú hoặc nơi tạm trú.

Chỗ ở hợp pháp là nhà ở, phương tiện hoặc nhà khác mà công dân sử dụng để cư trú. Chỗ ở hợp pháp có thể thuộc quyền sở hữu của công dân hoặc được cơ quan, tổ chức, cá nhân cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ theo quy định của pháp luật.

Nơi thường trú là nơi công dân sinh sống thường xuyên, ổn định, không có thời hạn tại một chỗ ở nhất định và đã đăng ký thường trú.

Nơi tạm trú là nơi công dân sinh sống ngoài nơi đăng ký thường trú và đã đăng ký tạm trú.

2. Trường hợp không xác định được nơi cư trú của công dân theo quy định tại khoản 1 Điều này thì nơi cư trú của công dân là nơi người đó đang sinh sống.



tải về 318.85 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
  1   2   3   4   5




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương