TÓm tắt lý thuyết các chức năng quản trị


Lãnh đạo theo quan điểm phật giáo



tải về 233.1 Kb.
trang2/2
Chuyển đổi dữ liệu30.04.2018
Kích233.1 Kb.
#37641
1   2

Lãnh đạo theo quan điểm phật giáo


Bài pháp này Tiến sĩ-Đại Đức Thiện Minh giảng tại khóa tu An Lạc lần thứ 23 tại chùa Tường Vân thuộc huyện Bình Chánh TPHCM với sự tham gia của hơn 3000 hành giả đến từ các tỉnh miền Đông Nam bộ, Đồng Bằng Sông Cửu Long và TPHCM.

Nội dung bài giảng

Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!

Kính bạch Thầy trụ trì Tu viện Tường Vân!

Kính bạch Chư tôn đức Tăng!

Kính thưa các hành giả Phật tử!

Sư rất hoan hỷ và vinh dự được Đại đức Thích Phước Tiến mời thuyết giảng cho các Phật tử trong khóa tu tại Tu viện Tường Vân.

Đại hội Phật giáo toàn quốc vừa bế mạc hôm qua. Sư và đại đức Phước Tiến cùng đi dự đại hội, gặp nhau tại Thủ đô Hà Nội. Cách đây hơn 10 năm, Sư và đại đức Phước Tiến cùng đi giảng ở những Trung tâm cơ nhỡ theo lời mời của Ban Từ Thiện - Báo Công an TPHCM. Sau này ít có dịp gặp lại. Lần này thấy thầy Thích Phước Tiến không phải là Thích Phước Tiến như ngày xưa. Xưa thầy Phước Tiến nhìn có vẻ mảnh mai hơn bây giờ. Thầy trụ trì chùa lớn nên bây giờ tướng cũng lớn hơn xưa, người ta gọi là phát tướng. Cách đây 10 năm, lần đầu tiên Sư biết đại đức Phước Tiến, khi hai huynh đệ cùng giảng pháp tại các Trung tâm cơ nhỡ, sư đã thấy mình giảng ‘yếu’ quá vì cách đây 10 năm, đại đức Phước Tiến giảng pháp rất hùng hồn, sinh động. Hôm nay về đây giảng pháp, gặp đại đức Phước Tiến ở một ngôi chùa lớn như thế này, sư lại thấy thầy Phước Tiến như đang ở trên cung trăng còn mình thì ở dưới đất. Cách đây 10 năm sư đã thấy mình nhỏ bé so với đại đức Phước Tiến. Mỗi người đều có duyên phước riêng. Ngẫm đi ngẫm lại, số kí lô trên thân người sư thiệt sự cũng ‘yếu’ hơn, nhẹ hơn bên kia rất nhiều.

Thưa quý vị!

Nói về lãnh đạo theo quan điểm Phật giáo nghe có vẻ xa lạ với khóa tu Một ngày an lạc. Một ngày an lạc thì sống làm sao an lạc là thành công. Chúng ta đến đây để có sự an lạc. Qúy vị nghe pháp thấy an lạc. Chúng tôi giảng pháp thấy an lạc. Như vậy là một ngày tu an lạc. Nếu chúng ta đến đây mà tâm luôn căng thẳng, bực bội, khó chịu, bức xúc thì thế nào cũng lên ‘tăng xông’, hoặc bị tiểu đường. Hãy biết cuộc đời ngắn ngủi nên đừng quan trọng hóa vấn đề. Không những chúng ta đến đây an lạc mà về gia đình, công ty cũng an lạc. Nụ cười luôn nở trên môi, khuôn mặt lúc nào cũng nhẹ nhàng, tươi vui chứ không ‘chằm dằm như thịt bằm nấu cháo’. Về nhà thấy người thân, ta cười tươi. Trong lòng ta an lạc ta mới cười tươi được. Nếu không có an lạc trong lòng ta sẽ cười méo mó, cười ruồi, cười cầu tài, cười vô duyên. Đại đức Phước Tiến cười rất có duyên nên sư nghĩ chính nụ cười này đã giúp Thầy xây được ngôi chùa to như thế này. Vì khi Thầy cười thấy an lạc quá nên Phật tử mới rủ nhau về đây tu đông như vậy. Làm trụ trì mà mặt hằm hằm thì ai dám vô chùa tu?

Lãnh đạo theo quan điểm Phật giáo như thế nào?

Đức Phật thuyết trong Tiểu bộ kinh, trong kinh Bổn sanh có 10 quan điểm của một nhà lãnh đạo. Nhà lãnh đạo có thể là lãnh đạo quốc gia, công ty, văn phòng, trường học, xí nghiệp, ngôi chùa. Gần gũi nhất là lãnh đạo gia đình của mình. Tổ chức nào cũng cần có lãnh đạo tốt. Đức Phật ngài dạy nếu một nhà lãnh đạo có 10 pháp này thì quốc gia đó thịnh vượng, công ty phát triển, ngôi chùa hưng thịnh. Nếu lãnh đạo công ty thất bại thì công ty phá sản. Nếu lãnh đạo ngôi chùa thất bại, thì chùa chỉ có một mình trụ trì ở, một người một cõi thì không thể phát triển giáo pháp. Do vậy, muốn lãnh đạo tốt, người lãnh đạo phải biết 10 pháp sau đây:

 

1/ Lãnh đạo phải có tâm rộng lớn.

Tâm rộng lớn ám chỉ sự giúp đỡ, sự bao dung, bố thí. Sự giúp đỡ càng rộng lớn chừng nào thì sự phồn thịnh càng nhiều chừng ấy. Nếu người lãnh đạo có tâm keo kiệt, bỏn xẻn sẽ làm cho tổ chức bị hỏng, làm cho người khác không đến với mình được, mình cũng không đến với người ta được.

Qúy vị đi chùa thường thấy hình ảnh vị bồ tát thiên thủ thiên nhãn- nghìn mắt nghìn tay. Nhưng làm sao chúng ta có được nghìn mắt nghìn tay như vậy? Qúy vị tu tốt sẽ có được thiên thủ thiên nhãn. Đó là do ta có được tâm rộng lớn, tâm bố thí cúng dường, tâm bao dung từ ái thì tự nhiên ta có chất liệu của thiên thủ thiên nhãn, làm việc gì cũng có nhiều người cùng chung lo. Đại đức Phước Tiến tổ chức khóa tu quy mô như thế này chắc chắn phải có thiên thủ thiên nhãn mới làm được. Khi tâm ta không ích kỷ, ta sẽ có năng lực lớn, có thiên thủ thiên nhãn để làm được nhiều việc có ích cho cuộc đời. Trong kiếm hiệp ta thấy những vị chưởng môn thường có cách thu phục ‘kiếm sĩ’ trong giới giang hồ mà ngày nay ta gọi là chiêu hiền đãi sĩ. Trong nhà Phật nói phải có tâm rộng lớn, tâm vị tha mới đánh tan đi sự ích kỷ, hẹp hòi. Bởi vì bản năng con người do chấp ngã nên trong cuộc sống ta chỉ biết sống cho mình, làm bất cứ điều gì cũng nghĩ đến lợi ích cho mình trước. Cho nên bản chất phàm phu là hẹp lượng nên không bao giờ chiêu cảm được mọi người cùng chung lo với mình thì làm sao có thiên thủ thiên nhãn? Do vậy quý vị phải có tâm vị tha, bao dung. Cuộc sống vị tha, bao dung là cuộc sống đem lại cho tâm chúng ta sự an lạc. Ví như quý vị làm chủ hộ một gia đình với tâm bao dung rộng rãi lúc nào cũng muốn đem lại lợi ích cho những người chung quanh thì bà con cô bác mới đến nhà chơi. Ta vui vẻ nồng hậu đón tiếp, chớ nếu ta hững hờ quá thì không ai đến.

Lãnh đạo của một tổ chức phải có tâm rộng lớn để làm những điều lợi ích, đem lại an vui cho người khác. Tâm rộng lớn này sẽ lan tỏa giúp cho người lãnh đạo có được tính thiên thủ thiên nhãn, mọi người tự nguyện đi theo mình, trung thành với mình để giúp cho công ty, xí nghiệp, ngôi chùa phát triển ngày càng tốt hơn.

 

2/ Lãnh đạo phải có đạo đức.

Nếu người lãnh đạo không có đạo đức, không có giới hạnh thì bản thân người đó và tổ chức đó sẽ không tồn tại lâu dài. Qúy vị đọc sách, xem ti vi, phim ảnh về lịch sử thế giới xưa và nay biết rằng người lãnh đạo nào cũng phải cần có đạo đức.

Đạo đức nói lên tuổi thọ của một nhà lãnh đạo. Ông bà xưa nói: ‘Kính lão đắc thọ’. Có đạo đức tuổi thọ cao. Đạo đức hình thành ở thân khẩu ý.

Thân không làm chuyện ác. Khẩu không nói chuyện ác. Ý không nghĩ chuyện ác. Nếu hình thành thân, khẩu, ý thiện là có đạo đức. Thân không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm. Khẩu không nói dối, không chửi rủa, không nói lời đâm thọc. Ý không tham, không sân, không si. Đó là mẫu mực căn bản đạo đức của nhà lãnh đạo. Một lãnh đạo có thân, khẩu, ý bất tịnh không phải là lãnh đạo tốt. Nếu lãnh đạo một quốc gia, trụ trì một ngôi chùa, làm chủ một gia đình mà lời nói ác độc, dối láo hoặc thô lỗ, cộc cằn sẽ không thu phục được nhân tâm. Thành lập một ngôi chùa đã khó, điều hành một ngôi chùa tốt lại càng khó hơn.Trong những yếu tố giúp cho người lãnh đạo tồn tại lâu dài, yếu tố đạo đức bên trong con người ấy rất quan trọng.

 

3/ Lãnh đạo phải có tâm khoáng đạt, tâm hào phóng, tâm vị tha, tâm bao dung.

Nói cách khác, nhà lãnh đạo phải có tâm từ bi hỷ xả. Cha mẹ đối với con cái, thầy trụ trì đối với Phật tử, lãnh đạo quốc gia đối với dân chúng, giám đốc đối với công nhân viên… phải có tâm từ bi hỷ xả, đó là chất liệu cần thiết cho người lãnh đạo.



Từ là tâm chẳng sân si

Bi là thương hết không vì một ai

Hỷ là vui vẻ hài hòa

Xả là xóa hết đắng cay u buồn

Tâm từ đối trị với tâm sân giúp ta không bị bệnh tim. Tâm bi đối trị với tâm độc ác giúp ta không bị bệnh gan. Tâm hỷ đối trị với tâm ích kỷ giúp ta không bị bệnh táo bón. Tâm xả đối trị với tâm cố chấp, tâm dính mắc giúp ta không bị bệnh đường ruột, bao tử. Cái tâm ứng với thể trạng của chúng ta. Trong phong thủy có ngũ hành (kim, mộc, thủy, hỏa ,thổ) ứng cho ngũ tạng (tâm, can, tỳ, phế, thận) ứng cho ngũ vị (mặn, ngọt, chua, cay, đắng) ứng với ngũ sắc (xanh, vàng, trắng, đỏ, đen). Ngũ tạng là 5 thứ đều có tàng chứa tinh khí. Tinh khí là cơ sở hoạt động của thân mạng dưới sự thống lĩnh của tâm. Do vậy ảnh hưởng của tâm đối với sanh mạng rất lớn. Những ai hồi hộp, lo âu, mất ngủ, tim đập nhanh, nói sảng, cười vu vơ, hôn mê .v..v… phần nhiều là bệnh của tâm. Cho nên tâm mất quân bình thì lục phủ ngũ tạng sẽ nguy khốn, sắc pháp nhợt nhạt, mặt sạm đen khô như củi.

Cho nên mục tiêu của chúng ta tham dự khóa tu ‘Một ngày an lạc’ là để đạt được cái tâm hiền thiện nuôi dưỡng cho sanh mạng ngày càng tươi tốt. Phật pháp có 84 vạn pháp môn. Trong tất cả 84 vạn pháp môn ta thực tập pháp môn thiện nào cũng được. Miễn là pháp môn đó giúp tâm an lạc làm lợi ích cho mọi người là được. Từ tâm thiện sanh ra phước. Có tâm thiện rồi thì tất cả đều thiện. Tu một ngày an lạc để ta chuyển hóa thân tâm giúp cho gia đình hạnh phúc. Sống với Phật pháp ta có sự an lạc. Nếu ta không an lạc thì bị cái tâm ích kỷ, cống cao ngã mạn thiêu đốt mình. Có người ngồi đây tu nhưng tâm lo nghĩ sợ ông chồng đẹp trai ở nhà đi chơi với người khác. Đó là ta bị cái tâm ghen tuông thiêu đốt mất rồi.

Do vậy, quý vị biết tất cả đều do nhân duyên, nghiệp lực vận hành. Nếu tâm không bình tĩnh thì sẽ hành động không tốt. Một người an lạc sẽ luôn thể hiện tâm từ bi hỷ xả đối với người thân, bạn bè. Một ngày không an lạc là ngày đó ta đang đau khổ với chồng, đang phẫn nộ với con cái, thật uổng phí một ngày quý báu trong cuộc đời biết bao.

 

4/ Lãnh đạo phải có tính trung thực.

Ngay thẳng trung thực với mọi người. Pháp chân thật là món quà quý cho con người của chúng ta. Chân thật là bùa hộ mệnh. Nhà lãnh đạo thiếu pháp chân thật, trung thực sẽ không lãnh đạo lâu dài. Nhà lãnh đạo phải luôn ghi nhớ trong tâm tính trung thực, chân thật. Tâm chân thật và tâm thiện thường đi đôi với nhau. Người làm việc thiện không có điều gì phải che dấu hoặc dối trá.

Người Phật tử đã quy y rồi nếu không trung thực là phạm giới. Mất pháp chân thật này thì coi như ta đã chết rồi mà chưa chôn. Qúy vị hãy tập sống chân thật. Người chân thật thường làm việc thiện, việc đúng, khi có lỗi họ biết nhận lỗi. Người không chân thật là người nói dối, là nói không đúng sự thật. Chính vì vậy tâm của người không chân thật rất mệt mỏi vì họ luôn đặt điều, vọng tưởng khởi mãi thì sắc pháp héo hon, đường tu của người ấy khó bền. Nếu người sống chân thật, tâm không lo lắng, sợ hãi, sắc pháp tươi thắm tự nhiên. Qúy vị biết rằng càng có địa vị cao trong xã hội người ta càng có ý thức giữ gìn uy tín. Chữ tín hay nói khác đi là sự thật có sức mạnh lạ kỳ. Vì dù có che đậy thì sự thật bao giờ cũng là sự thật. Do vậy tốt nhất là quý vị hãy sống chân thật, đừng sống quanh co, dối láo mà đánh mất niềm tin nơi người khác.

Trong 101 truyện Thiền Nhật Bản có câu chuyện về thiền sư Ban kei. Chuyện kể rằng sau khi thiền sư Bankei qua đời, một người mù sống gần chùa của thiền sư nói với một người bạn: ‘Bởi vì tôi mù, tôi không thể quan sát sắc mặt người ta nên tôi phải xét tư cách của họ qua giọng nói. Thường thì khi tôi nghe một người chúc mừng người khác về chuyện vui hay thành công nào đó, tôi cũng nghe một âm bí mật của ganh tỵ. Khi chia buồn với người khác về mất mát của họ, tôi cũng nghe cái thích thú và thỏa mãn, cứ như người chia buồn thật sự vui vì có cái gì đó để lại cho họ hưởng trong thế giới riêng của họ. Tuy nhiên theo kinh nghiệm của tôi thì giọng nói của Bankei luôn luôn thành thật. Khi thiền sư bày tỏ hạnh phúc, tôi chẳng nghe gì khác ngoài hạnh phúc, và khi thiền sư bày tỏ buồn rầu tôi chẳng nghe gì khác ngoài buồn rầu.

Cho nên nói chân thật là bùa hộ mệnh của mỗi chúng ta là vậy. Nếu khen thì khen thành thật, đừng khen dối. Khi dối láo, người bị hại đầu tiên là chính mình vì nó làm tổn thương chính nhân cách của mình, sau đó hại người vì ta cho người ăn bánh vẽ. Cho nên im lặng là vàng, lời nói là bạc, nói thành thật là hột xoàn kim cương. Chúng ta sống thế nào để lời nói bên ngoài và suy nghĩ bên trong của mình là một. Dĩ nhiên nếu tâm đang có suy nghĩ tăm tối, bất thiện thì không thể giã vờ sáng trong bên ngoài được. Cho nên tâm phải thiện, phải lành, phải chân thật mới có khuôn mặt sáng rỡ, hiền hòa được.

Người có tâm chân thật và trung thực giống như đeo thêm đồ trang sức quý báu trở thành xinh đẹp lộng lẫy khiến cho ai cũng phải nhìn. Ông bà xưa nói: ‘Cái nết đánh chết cái đẹp’ cũng là để ca ngợi giá trị đạo đức bên trong. Người nổi tiếng có địa vị, giàu sang, uy quyền nếu không có pháp trung thực, chân thật thì tự nhiên hình ảnh sẽ sụp đổ trong lòng công chúng cũng như tự mình phế bỏ cuộc đời mình. Pháp chân thật, trung thực giúp cho người lãnh đạo chiêu cảm mọi người tự nguyện, trung thành đến với họ. Cha mẹ, chồng vợ, anh em… nếu đánh mất pháp chân thật, trung thực thì cuộc sống chung với nhau sẽ thiếu sự thông cảm, mất đi tình yêu thương.

Người Phật tử phải tu luyện để có pháp chân thật, trung thực trong tâm. Khi quy y rồi, trở thành Phật tử rồi phải nguyện có pháp chân thật trong tâm. Dù hình thức quý vị không đẹp nhưng trong tâm quý vị có pháp chân thật, trung thực thì mọi người luôn kính trọng quý vị, muốn gần gũi quý vị. Người ta nói có tiền mua đồng hồ nhưng không mua được thời gian. Có tiền đi bác sĩ nhưng không mua được sức khỏe. Ta không thể mua lòng trung thành mà chỉ có được nó bằng tình yêu thương chân thật mà thôi. Những ai sống giả dối sẽ không an vui vì cứ phải nghĩ ra thủ đoạn, đối phó, che đậy. Như vậy trái tim ta sẽ mệt, ta không khỏe, không trẻ mà mau già, ta đi bác sĩ dài dài, cuối cùng ta cũng héo mòn thôi dù ta có đi thẩm mỹ viện sữa chữa nhan sắc hằng năm. Khuôn mặt của ta tươi đẹp là do tâm ta thiện, tâm ta chân thật.

Đi chùa niệm Phật nhiều, ai cũng ngày càng đẹp tướng ra. Khuôn mặt đẹp, lời nói dịu dàng. Ngày xưa nói năng cộc cằn thô lỗ, một chút là gây gỗ với người khác. Bây giờ tu nhiều nên sửa cái tâm cũng nhiều do vậy cái tướng cũng thay đổi. Qúy vị hãy từ từ sửa đổi, từ từ tiến bộ, từ từ thành Phật lúc nào không hay. Ở ngoài xã hội, ta luôn gặp nhiều hạng người. Còn ở chùa ta học Phật pháp, gần gũi bạn đạo giúp cho ta chuyển hóa thân tâm ngày càng tốt hơn. Khi nào quý vị chuẩn bị gian dối, chuẩn bị ác độc với ai đó hãy nghĩ cuộc đời này sắp chấm dứt, vậy gian dối làm chi, có mang theo được gì đâu. Vậy cho nên chúng ta sống chân thật cho vui khỏe.

Trong truyện cổ có câu chuyện Đại đế Alexander nổi tiếng trước khi mất đã để lại chúc ngôn rằng: Sau khi ta chết, điều thứ nhất là những người tẩm liệm thi hài phải là các danh y nổi tiếng. Điều thứ hai là quan tài phải đục hai cái lỗ để hai tay ta thò được ra ngoài. Điều thứ ba là ngày đưa tang phải rải vàng bạc châu báu hai bên đường đi.

Nhiều người không hiểu tại sao vua lại có ý muốn những điều ‘không giống ai’ như vậy. Nhà vua bèn giải thích. Điều thứ nhất, danh y tẩm liệm thi hài để cho mọi người thấy rằng tất cả những danh y tài giỏi về thuốc thang bậc nhất cũng bất lực trước cái chết của mọi người. Điều thứ hai là đục lỗ để đưa hai tay thò ra ngoài quan tài cho mọi người thấy rằng ta đến với thế gian này bằng hai bàn tay trắng thì nay ta ra đi cũng với hai bàn tay trắng, không có gì nắm theo được cả. Điều thứ ba là rải ngọc ngà châu báu hai bên đường để cho mọi người hiểu được vạn sự trong cuộc đời này ‘của thiên trả địa’, đâu có cái gì là của ta.

Chúc ngôn của một vị đại đế thấm đẫm triết lý sâu xa cho ta suy gẫm về bản chất vô thường, khổ, vô ngã của đời người.

Do vậy, người Phật tử phải thiết lập pháp chân thật trong tâm dù trước mặt hay sau lung người, ta đều sống chân thật. Trong đời sống vợ chồng cũng vậy, nếu đánh mất pháp chân thật và trung thực thì không khí gia đình sẽ nặng nề dẫn đến nguy cơ đỗ vỡ gia đình.

 Pháp chân thật là một trong sáu pháp lục độ để trở thành Phật. Nếu không chân thật ta không thành Phật tử tốt được vì chân thật là biểu hiện của đạo đức.

Phật tử phải thiết lập pháp chân thật. Trụ trì không có pháp chân thật sẽ mất đi sự tín nhiệm. Mỗi khi làm điều gian dối phải nhớ lời Phật dạy.

 

5/ Lãnh đạo phải có pháp hòa nhã.

Là có tính khí nhẹ nhàng, tránh xa kiêu căng, phỉ báng người khác, phải sống vui tươi, khoan thai, giản dị. Đức Phật dạy phải sống lục hòa, hòa nhã, sống hài hòa với mọi người. Qúy vị phải tu một ngày an lạc, một tháng an lạc, một năm an lạc để tập cung cách hòa nhã. Nếu thấy người ta muốn hơn mình thì cho người ta hơn, muốn dạy đời thì cho người ta dạy đời luôn. Người tu 20 năm nhưng có người mới tu hôm qua muốn dạy đạo, dạy thiền cho dạy luôn. Càng khiêm tốn ta càng yên thân. Con người ta giàu sang mà thể hiện phong cách không giàu thì người khác mới nể. Người ăn chay đi vào chỗ ăn mặn ta hòa hợp nhưng không hòa tan. Chúng ta thấy các bậc vĩ nhân càng nổi tiếng họ càng giản dị. Qúy vị ở tu viện Tường Vân tu một ngày an lạc, về sống gần gũi với mọi người, cho mọi người sự an lạc. Muốn độ ai phải sống gần người đó, sống hòa với người ta. Muốn sống hòa nhã phải có tâm đại bi bao dung. Tâm cao ngạo, khinh mạn không thể gần gũi, san sẻ với mọi người được.

Hòa nhã là một phương pháp tu tập. Ta tu Một ngày an lạc, về nhà ông chồng nổi sân thì ta cứ thủng thẳng mà nói với ổng rằng:  Mỗi người mỗi tật. Ông chồng vẫn sân nhiều hơn thì ta thưa: Nam mô Quán Thế Âm Bồ Tát, tâm mỗi người mỗi khác. Ông chồng vẫn sân nhiều hơn nữa thì ta kính cẩn: Nam mô Đại Thế Chí mỗi người mỗi ý. Nếu ông chồng càng sân nhiều hơn nữa thì hãy nói: Nam mô A Di Đà Phật, con làm cái gì cũng trật. Đó là cách tốt nhất để chiến tranh không xảy ra trong gia đình, giữ được bầu không khí bình yên cho cả nhà.

Lời nói thể hiện nội tâm. Nội tâm ta luôn ở trong chánh niệm thì khi giao tiếp ta sẽ luôn có thái độ hòa nhà, lời nói hòa nhã. Đó cũng chính là trình độ tu tập của người con Phật.

 

Sự phát triển kinh tế nhìn từ triết lý Phật giáo






Giác Ngộ - Đạo Phật không ca ngợi sự nghèo khổ, cũng như không phê phán sự giàu có. Bởi vì, giàu nghèo chỉ là phương tiện, chứ không phải là cứu cánh. Cứu cánh là sự an lạc thật sự của thân tâm, chỉ có thể đạt tới được bằng đạo đức và trí tuệ...

Nhìn một cách khách quan, trong những năm gần đây một số nước châu Á đang có tốc độ phát triển kinh tế mạnh mẽ. Trong đó, kinh tế của nước ta cũng có những sự phát triển và thành tựu đáng kể.

Các nhà kinh tế cho rằng, một trong những bài học lớn của khoa phân tích kinh tế là thừa nhận sự phát triển kinh tế bằng những yếu tố đơn thuần kinh tế. Nhưng vấn đề không phải vậy, thiết nghĩ ngoài những yếu tố về tự nhiên và kinh tế, còn có một yếu tố khác nữa cực kỳ quan trọng, đó là văn hóa tâm linh với những hệ quả tâm lý và xã hội của chúng. Có thể xem đây là một trong những nhân tố làm đòn bẩy cho sự phát triển kinh tế nước nhà từ điểm nhìn văn hóa Phật giáo.

Có thể nói, nét chung của nền văn hóa mà chúng tôi đề cập là Phật giáo, là thành phần Phật giáo trong nền văn hóa của các nước này. Tất nhiên là còn có những thành phần văn hóa khác, như đạo Khổng ở Trung Hoa, Thần đạo ở Nhật. Thế nhưng, nét chung xưa nhất cho nền văn hóa các nước hữu quan vẫn là Phật giáo. Cũng có thể nói văn hóa Phật giáo đã hòa quyện vào trong mỗi nền văn hóa dân tộc mỗi nước, khó mà tách bạch rõ ràng được trong sự phát triển kinh tế, đời sống xã hội...

Khi phát biểu như vậy, không phải ai cũng đồng thuận quan điểm này. Đối với những người chưa tìm hiểu sâu đạo Phật, khách quan cho rằng đạo Phật với một triết lý chủ trương diệt dục, làm sao thúc đẩy để phát triển kinh tế, cũng như kích thích nhu cầu tiêu dùng. Nếu nhìn không sâu, đôi khi chúng ta cũng thấy hình như Phật giáo chống đối trực tiếp lại mọi thành tựu kinh tế và kỹ thuật khoa học. Cho rằng: Tâm linh của Phật giáo trái ngược với cái vật chất; Hướng nội trái ngược với hướng ngoại và kỹ thuật; Sự tìm hiểu bản thân trái ngược với sự tìm hiểu kỹ thuật và kinh tế thị trường; Sự tìm hiểu kiến thức về thế giới, sự cải tạo bản thân trái ngược với sự cải tạo bối cảnh và môi trường; Tinh thần hỷ xả, xả ly trái ngược với động cơ hành động; Lý tưởng cuộc sống xuất gia trái ngược với sự dấn thân nhập thế; Sự đoạn trừ dục vọng trái ngược với lòng ham muốn cuộc sống tiện nghi, lợi nhuận, quyền lực, thành công, sự phát triển; Sự an tịnh nội tâm trái ngược với nhiệt tình hành động v.v…

Thực ra, Phật giáo trước hết là một thực thể tổng hợp văn hóa, quyết định thái độ của con người đối với thế giới, đối với những người khác và đối với bản thân mình. Cốt lõi của Phật giáo là triết lý duyên sinh và nhân quả nghiệp báo. Không ai có thể sống một mình, con người có vô số mối quan hệ gắn liền với cộng đồng, xã hội, môi trường sống.... Điểm đáng nói, Phật giáo còn chủ trương con người là chủ nhân ông của nghiệp, là người thừa tự nghiệp. Và như thế, suy cho cùng, mục đích của đạo Phật có mặt ở đời là diệt khổ, nghĩa là đem đến hạnh phúc cho số đông mọi người.

Hệ quả: Phật giáo đề cao cuộc sống tri túc; Tinh thần tập thể trong mọi quyết định quan trọng; Tinh thần vô ngã, sự hy sinh cho lợi ích chung; Tính duy lý, sự phân tích tâm lý với thái độ bình thản, đối với mình cũng như mọi người; Ý thức sâu sắc về thời gian, về cuộc đời vô thường, niềm tin ở sự tiến bộ không có giới hạn; Ý thức sẵn sàng trao truyền kinh nghiệm và kiến thức cho mọi người; Ý thức không xem người đồng sự là phương tiện (nhằm đạt mục đích của mình). Từ những quan điểm nói trên cho chúng ta cái nhìn viễn cảnh phát triển kinh tế nước nhà, góp phần giải quyết lạm phát, bình ổn giá cả thị trường tăng đột biến, góp phần giúp mọi người có một đời sống  bình an.

Trong đời sống kinh tế thị trường, ai cũng biết muốn phát triển phải tăng cường đầu tư. Muốn đầu tư, phải tiết kiệm vốn. Tỷ lệ tiết kiệm vốn tùy thuộc thái độ đối với sự hưởng thụ. Người Phật tử hiểu đạo, sống theo đạo hẳn nhiên phải thực hành một nếp sống đạm bạc, tri túc, và cần siêng năng lao động theo tinh thần Bát chánh đạo. Huống chi, truyền thống của Phật giáo xưa nay được các thiền sư khuyến giáo cho mọi người là “Nhất nhật bất tác, nhất nhật bất thực” (một ngày không làm thì một ngày không ăn). Rõ ràng Phật giáo đề cao tinh thần tự chủ, độc lập trong vấn đề sinh tồn và phát triển cá nhân và tạo ra cơ sở đóng góp cho cộng đồng. Hơn nữa, ý niệm sâu sắc về cuộc đời vô thường cũng thúc đẩy người Phật tử sống biết đủ, đạm bạc và có một cái nhìn một cách tích cực và thiết thực.

Một trong những giá trị của đạo Phật đóng góp cho đời là giá trị thiết thực hiện tại: “Quá khứ không truy tìm, tương lai không ước vọng, chỉ có pháp hiện tại, tuệ quán chính tại đây”. Do đó, người Phật tử luôn ý thức sâu sắc đối với tầm quan trọng thực tiễn hiện tại khiến cho mình năng động hơn, tỉnh táo hơn, làm việc hết mình trong hiện tại. Người Phật tử cần chú trọng đến hành động hiện tại hơn là kết quả của lao động hiện tại, một sự hành động không có chấp thủ, nếu dùng một khái niệm Phật giáo quen thuộc.

Cuối cùng là Phật giáo luôn đề cao về sự ý thức khả năng tiến bộ không giới hạn của con người, sống và làm việc theo tinh thần duyên khởi tính, khiến người Phật tử làm việc khẩn trương tối đa, và luôn luôn học hỏi ở người khác giỏi hơn mình. Học hỏi rất chăm chỉ, người Phật tử thấy không cần phải phát hiện lại những điều mà người khác đã tìm ra được, qua một quá trình lao động khó nhọc.

Cho nên, khi người Phật tử trong vai trò lãnh đạo tối cao của công ty, người đó không nên xem công nhân như là phương tiện mà chính là mục đích của công ty mình phụ trách, thì điều đó không có nghĩa hy sinh mục đích cho phương tiện mà xem mục đích như là nội hàm, trong tất cả mọi phương tiện được sử dụng để đạt tới mục đích đó. Vận dụng nguyên tắc này, hệ quả, công nhân rất mực trung thành và tự hào với công ty của mình, thậm chí sẵn sàng tự nguyện chịu giảm lương để công ty có thể khởi động lên và làm ăn có lãi. Tất nhiên khi công ty phát triển, đời sống cá nhân và gia đình họ đều tăng thêm thu nhập. Và để đền đáp lại, công nhân làm việc thêm giờ tự nguyện, sẵn sàng hiến dâng những sáng kiến ở mọi cấp, chứ không phải từ cấp lãnh đạo công ty mà thôi.

Kinh nghiệm thực tiễn cho thấy, các quyết định trong Tăng già Phật giáo bao giờ cũng phải được tất cả mọi thành viên Tăng già tán đồng thì mới có hiệu lực. Có người hỏi, nếu vẫn có một thiểu số phản đối thì làm thế nào? Phương pháp cho đến nay vẫn là mở rộng thành phần tham dự, thí dụ mời Tăng sĩ của các tu viện ở gần tham gia thảo luận, làm rõ vấn đề rồi bỏ phiếu, cho đến khi nào đạt được sự nhất trí hoàn toàn mới thôi. Sự nhất trí tương đối không khó lắm trong các hội nghị Tăng chúng là do Tăng già vốn có truyền thống cởi mở, vô ngã, không cố chấp. Hình như càng mở rộng thành phần tham dự, thì càng có thêm dữ kiện hơn, nhiều thông tin hơn để đạt sự nhất trí.

Thiết nghĩ, trong các công ty, thành phần lãnh đạo cũng cần tham khảo các ý kiến tập thể công nhân trên tinh thần thống nhất mới đi đến quyết định quan trọng. Kết quả là giữa các thành viên của cộng đồng, không có ganh đua mà là tinh thần hợp tác, đoàn kết vì lợi ích chung của cộng đồng. Kết quả là có nhiều sáng kiến hay, xuất phát từ cấp dưới khi người ta sống tình nghĩa với nhau.

Rõ ràng, những tư tưởng Phật giáo cơ bản giúp cho sự phát triển kinh tế vĩ mô và vi mô. Thứ nhất là tư tưởng vô thường giúp cho người ta dễ thích ứng với hoàn cảnh mới, yêu cầu mới, công nghệ và kỹ thuật mới. Tư tưởng đó của đạo Phật tương tự như (và thậm chí còn tiến xa hơn) tư tưởng của Héraclite, là sự vật không những thay đổi liên tục mà còn phải thay đổi. Và điều này không có nghĩa là phủ định truyền thống mà duy trì những cái gì vẫn còn có giá trị sống và tiến bộ trong truyền thống. Truyền thống không phải là một sự áp đặt của quá khứ, mà là một nguồn biện pháp và phương tiện đã được thử thách, có tác dụng thật sự đối với hiện tại và tương lai. Theo quan điểm này, đổi mới kỹ thuật là tất nhiên và tất yếu. Phải tán thành và phải tham gia vào đổi mới kỹ thuật. Nếu cần phải đổi nghề và đổi mới cả lối sống, nó cũng hoan nghênh. Nó giải thích và cho thấy trong những xã hội đó và cả những công ty ở trong đó đều có khả năng tiếp thu những chuyển hướng căn bản, khi cần thiết.

Một tư tưởng Phật giáo khác có liên quan là sự thay đổi trong bản thân khi cần thiết, để thích ứng với hoàn cảnh đổi mới. Đó là tư tưởng Phật giáo nỗ lực tối đa, cải thiện tối đa, đối với cá nhân cũng như đối với toàn xí nghiệp, công ty. Đấy là lí do của hiện tượng: sản phẩm tốt và rẻ của các tổ chức làm kinh tế. Những người lãnh đạo, không thắc mắc quá đáng về vấn đề thị trường, vì họ tin rằng một sản phẩm tốt và rẻ nhất định sẽ có thị trường.

Một đặc sắc nữa của tư tưởng Phật giáo là chủ thể hòa nhập vào khách thể, là một hệ quả của thuyết vô ngã Phật giáo. Người công nhân hay kỹ sư hòa nhập vào xí nghiệp, và công việc chuyên môn của họ. Do đó, năng suất làm việc của mọi người tăng lên rất nhiều.

Tôn chỉ cuả đạo Phật là lấy trí tuệ làm sự nghiệp. Các Phật tử hiểu đạo cần ý thức kẻ thù số một của nó là vô minh, nghĩa là không sáng suốt, không hiểu hay hiểu sai. Người công nhân và kỹ sư của xí nghiệp cũng vậy, họ xem học tập, nâng cao trình độ kiến thức và nghề nghiệp của mình là mối quan tâm số một của họ. Người công nhân và kỹ sư Phật tử cần có thái độ học suốt đời, bằng một chương trình bồi dưỡng có tổ chức.

Mặt khác, khoa học và kỹ thuật là mẹ đẻ của phát triển kinh tế. Nếu trong lịch sử tôn giáo thời phong kiến châu Âu, từng có sự chống đối lại tiến bộ kỹ thuật, thì đạo Phật không cố chấp, cởi mở và duy lý hơn. Đạo Phật lấy thuyết nhân quả làm một chủ thuyết nền tảng của nó, mà thuyết nhân quả chính là cơ sở của tư tưởng khoa học hiện đại. Nói cách khác, Phật giáo dễ dàng tiếp thu mọi tư tưởng và phương pháp khoa học kỹ thuật hiện đại. Đạo Phật là tôn giáo điển hình không giáo điều và chống giáo điều. Phật tuyên bố: Ta không phải là kẻ giáo điều mà là một người phân tích (Kinh Soubha số 99). Tư tưởng chống giáo điều là một tư tưởng tiến bộ và thúc đẩy tiến bộ trong tất cả mọi lĩnh vực, đặc biệt là trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật và kinh tế.

Một đặc điểm nữa của tư tưởng Phật giáo là không bày tỏ lập trường đối với những vấn đề siêu hình, do đó đã tiết kiệm bao nhiêu là thời giờ và sức lực, dành cho tư duy và hành động sáng tạo. Tính thực tiễn đó của Phật giáo tiến xa tới chỗ biết và làm hợp nhất (Tri hành hợp nhất). Đó cũng là một khía cạnh của tư tưởng phi nhị nguyên của Phật giáo. Nó làm cho công tác lý thuyết có hiệu quả hơn, và công tác thực tiễn đúng đắn hơn.

Do đó, công tác giáo dục Phật giáo luôn chú trọng về vai trò lớn của ông thầy, của minh sư tức là ông thầy sáng suốt, hướng dẫn một hay là một số đệ tử, trong học tập cũng như trong mọi mặt khác của đời sống. Trong công ty, tập đoàn kinh tế cũng vậy, cũng cần chuyên gia, hay kỹ sư tài giỏi hướng dẫn một nhóm công nhân học nghề, tạo thành một tập thể sản xuất rất đoàn kết và hiệu quả.

Xem ra, nề nếp tư duy và công tác của đạo Phật cần có dấu ấn rõ nét trong tổ chức làm việc của các tập đoàn, công ty, xí nghiệp phát huy tác dụng như là những yếu tố phát triển kinh tế và sản xuất.

Rõ ràng, nếu biết vận dụng triết lý Phật giáo vào trong lĩnh vực kinh tế thì có khả năng đưa đến sự phát triển đời sống cho mọi người dân. Nếu có thời gian chiêm nghiệm giáo lý của Đức Phật qua các lời dạy được ghi lại qua các bản kinh dạy về đời sống vật chất và tinh thần cho người Phật tử tại gia thì sẽ thấy Ngài hết sức quan tâm đến động cơ và nội dung đạo đức của mọi chính sách và thực tiễn phát triển kinh tế. Trong khi đó, các nhà kinh tế học hiện đại lại rất coi nhẹ các vấn đề này. Đối với họ, mối quan tâm hàng đầu là lợi nhuận, là mức tăng trưởng kinh tế. Còn số lợi nhuận và mức tăng trưởng kinh tế đó đòi hỏi một trả giá như thế nào về mặt đạo đức và xã hội, thì họ không quan tâm hay là ít quan tâm.

Đức Phật khẳng định rằng mọi hoạt động của con người - kể cả hoạt động kinh tế cũng vậy, đều phải có nội dung đạo đức, nhằm tới hạnh phúc của bản thân cũng như cộng đồng. Bởi vì đồng tiền, không phải thâu góp bằng bàn tay đạo đức, sẽ là con dao hai lưỡi, sẽ giết chết người chủ của nó.

Xem ra, đồng tiền không thể là cứu cánh của nhân sinh, nếu xem đồng tiền là cứu cánh, nó sẽ làm cho con người tha hóa và thất vọng. Giá trị của đồng tiền là ở chỗ nó là phương tiện tạo ra môi trường thuận lợi cho sự tiến bộ đạo đức và tâm linh con người.

Phật không bao giờ ca ngợi sự nghèo khổ. Trái lại, trong kinh Kutadanta (Trường Bộ Kinh) và kinh Chuyển luân thánh vương tu hành (Trường A Hàm), Phật giải thích là muốn trừ nạn giặc cướp và trộm cắp thì dùng hình phạt hay là bố thí đơn thuần đều không thể giải quyết triệt để. Qua vị Bà-la-môn chủ tế, ở triều vua Mahavijita, Phật giải thích là muốn loại trừ triệt để bọn giặc cướp ở trong nước thì: “Những người nào trong quốc độ nhà vua, nỗ lực về nông nghiệp và mục súc, thì nhà vua hãy cấp cho những người ấy hạt giống và thực vật. Những người nào trong quốc độ của nhà vua mà nỗ lực về thương nghiệp, thì nhà vua hãy cấp cho họ vốn đầu tư. Những người nào trong quốc độ nhà vua, nỗ lực về mặt quan chức, thì nhà vua hãy cấp cho họ thực phẩm và lương bổng. Và những người này sẽ chuyên tâm vào nghề nghiệp riêng của mình và sẽ không nhiễu hại quốc độ nhà vua nữa. Và ngân quỹ nhà vua sẽ được dồi dào, quốc độ sẽ được an cư lạc nghiệp không có tai ương, ách nạn và dân chúng hoan hỷ vui vẻ, cho trẻ con nhảy đùa ở trong làng, và sống với nhà cửa mở rộng”(Trường Bộ Kinh, trang 241-242)

Nói cách khác, chúng ta muốn dân giàu nước mạnh, mọi người đều an cư lạc nghiệp, thì phải có một kế hoạch phát triển kinh tế toàn diện hợp lý, đảm bảo cho nghề nông, nghề buôn bán phát triển, còn công nhân viên chức thì lương bỗng tốt.

Nói tóm lại, đạo Phật không ca ngợi sự nghèo khổ, cũng như không phê phán sự giàu có. Bởi vì, giàu nghèo chỉ là phương tiện, chứ không phải là cứu cánh. Cứu cánh là sự an lạc thật sự của thân tâm, chỉ có thể đạt tới được bằng đạo đức và trí tuệ. Không những kinh tế dồi dào, mà những điều quý báu nhất của nhân sinh như là sức khỏe dồi dào, thọ mang lâu dài, dung nhan sáng đẹp v.v… tất cả đều phụ thuộc vào cuộc sống đạo đức và trí tuệ. Trong kinh “Chuyển luân thánh vương tu hành”, Đức Phật dạy: “Các vị phải siêng năng tu các điều thiện, nhờ điều thiện mà mạng sống lâu dài, nhan sắc thắm tươi và được an ổn, khoái lạc, của cải dồi dào, uy lực đầy đủ...” (Trường A Hàm - 327. Kinh Chuyển luân Thánh vương tu hành)

Trong tinh thần đó, chúng ta phát triển kinh tế là vì để cho tất cả mọi người đều được sống hạnh phúc trong một nước Việt Nam thái bình. Thế nên, việc thu hút vốn đầu tư để phát triển kinh tế là vì hạnh phúc thật sự của người dân, vì sự giàu mạnh và độc lập thật sự của đất nước chúng ta, với một môi trường sống được bảo vệ tốt, những kho tàng tài nguyên thiên nhiên được khai thác và sử dụng hợp lý, vì lợi ích không những của thế hệ hiện nay, mà còn của các thế hệ mai sau nữa, với những giá trị văn hóa truyền thống thắm màu bản sắc dân tộc. Đó cũng triết lý sống Phật giáo đã cung cấp và góp phần giúp cho chúng ta xây dựng một đời sống kinh tế phát triển và tâm linh được thăng hoa trong thời đại hội nhập toàn cầu hiện nay.



Thích Phước Đạt

---

CÂU 2

http://phatgiao.org.vn/doi-song/201212/Ren-luyen-hang-ngay-de-tu-chien-thang-ban-than-8880/

Rèn luyện hàng ngày để tự chiến thắng bản thân


(PGVN)

Tự chiến thắng mình chẳng những không làm trở ngại cho công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc mà còn làm tăng thêm sức mạnh để vượt qua những khó khăn, thách thức trong cuộc sống, để chiến thắng được thù trong giặc ngoài


Đức Bổn sư  của chúng ta đã trở thành vị giáo chủ, trở thành bậc đạo sư của trời người, trở thành một con người được cả thế giới khát ngưỡng, phụng thờ từ trong sâu thẳm của cõi lòng là vì Ngài đã chiến thắng được chính mình. Và Ngài đã từng ca ngợi rằng: “Chiến thắng vạn vật không bằng tự chiến thắng mình, chiến thắng mình chính là chiến công oanh liệt nhất”.

Suy cho cùng, mọi sự thất bại trên trường đời đều do tự mỗi cá nhân chưa thắng được những thói hư, tật xấu, những ham muốn thấp hèn của bản thân. Con người thường có nhiều thói hư, tật xấu. Không ai dám mạnh dạn bảo rằng, mình là một người hoàn thiện. Chiến thắng mình không có nghĩa là hủy diệt bản thân như trong trường hợp ta chiến thắng kẻ thù và hủy diệt kẻ thù. Chiến thắng mình tức là khắc phục những thói lười biếng, sự giả dối, tính tham lam, lòng giận hờn, sự ghen ghét, óc đố kỵ, vượt qua được những tình cảm si mê… Chiến thắng mình là chế ngự những ham muốn thấp hèn, là tu sửa bản thân, rèn luyện nhân cách để làm phát triển những phẩm chất cao đẹp như lòng vị tha, lòng nhân ái, tính hòa thuận với mọi người; có ý thức trách nhiệm cao đối với tập thể, phát huy hơn nữa những năng lực tiềm tàng trong mỗi con người… Từ đó làm cho cuộc sống của mỗi cá nhân được thăng hoa, để góp phần xây dựng cho cuộc sống gia đình và xã hội ngày càng tốt đẹp hơn.

Chiến thắng chính mình là một cuộc chiến vô cùng khó khăn, gian khổ. Vì trong cuộc chiến này rất khó  nhận biết kẻ thù, chúng lẩn tránh một cách tinh ma, chúng còn được ông thần tự ngã, tự ái trong ta giúp đỡ, bao che. Nhiều lúc chúng còn được ngụy trang dưới những “lớp sơn” rất hào nhoáng, rất kiêu sa, khiến chúng ta không thể nào nhận ra được và đã nhận giặc làm người thân, nên đã để cho chúng thỏa chí vẫy vùng. Cho nên, tự bản thân không kiên quyết, không tinh ý suy xét cho tường tận thì không thể nào khắc phục được những thói hư, tật xấu, những ham muốn thấp hèn trong ta.

Hơn nữa, đấu tranh với những thói hư, tật xấu, những ham muốn thấp hèn của mình là một cuộc chiến trường kỳ và thầm lặng, là một cuộc chiến đơn thân độc mã, không lúc nào ngừng nghỉ. Trong mọi nơi, mọi lúc, mọi hành vi, cử chỉ, mọi lời nói, việc làm và cả trong suy nghĩ, ta phải luôn luôn tỉnh giác để nhận diện kẻ thù và chiến đấu với nó. Nếu như có một lúc nào đó chúng ta lơ là, mềm yếu thì kẻ thù trong ta sẽ không bỏ lỡ cơ hội, chúng sẽ thừa cơ lấn tới, và thế là bao nhiêu sự cố gắng của ta bỗng trở thành công dã tràng.

Trong cuộc chiến này, ta không có người chỉ huy, cũng không có bạn đồng hành, không có ai giúp sức, mà cũng mấy khi được người khen thưởng. Cuộc chiến này hoàn toàn dựa vào sức mình. Thực tế, có nhiều tướng sĩ, có nhiều chủ soái khi thống lĩnh toàn quân xông trận thì rất uy dũng, hiên ngang, lẫm liệt vô cùng. Họ là những anh hùng trong chiến trận. Nhưng khi trở về với cuộc sống riêng tư, khi đối diện với lòng mình thì họ bị ngã quỵ, thất bại trước những ham muốn thấp hèn, những thói hư tật xấu của bản thân. Đôi lúc, chính những ham muốn thấp hèn ấy đã lôi kéo họ vào trong vũng bùn tội lỗi, làm cho họ sa ngã, thất bại thảm hại, đến nỗi bị thân bại danh liệt, thậm chí có khi mất mạng. Từ Hải vì nghe theo lời Thúy Kiều mà bị chết đứng giữa trận tiền; vua Trụ vì đam mê tửu sắc mà bị mất nước; vua Lê Long Đỉnh vì tham sắc đắm dục mầ trở thành ông vua ngọa triều và bị chết yểu,… Và còn vô số những gương thất bại thảm hại khác nữa đang diễn ra hàng ngày, hàng giờ trong đời sống hiện tại, tất cả chỉ vì chưa vượt qua được những ham muốn thấp hèn của bản thân. Những ham muốn ấy có sức mạnh vô cùng ghê sợ. Nếu ta không mạnh mẽ, không kiên cường và bền chí thì không thể nào loại bỏ được những thói hư, tật xấu, những ham muốn thấp hèn trong ta. Cho nên chiến thắng mình là một chiến công oanh liệt nhất, người ca khúc khải hoàn trong một chiến trận như thế quả thật là hào hùng.

Tự chiến thắng mình chẳng những không làm trở ngại cho công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc mà còn làm tăng thêm sức mạnh để vượt qua những khó khăn, thách thức trong cuộc sống, để chiến thắng được thù trong giặc ngoài. Thử hỏi khi đất nước bị giặc ngoại xâm, nếu công dân không chiến thắng thói ích kỷ, không bỏ được tính hèn nhát của bản thân thì làm sao huy động được sức mạnh của toàn dân để đánh giặc.

Mỗi cá nhân là tế bào của gia đình, mỗi một gia đình là  tế bào của xã hội. Do đó, giữa cá nhân và xã hội có mối quan hệ mật thiết với nhau. Mỗi cá nhân tốt thì có một xã  hội tốt, xã hội tốt thì sẽ giúp cho cá  nhân được tốt hơn. Để giải quyết vấn đề của xã hội thì phải bắt đầu từ mỗi cá nhân. Khi mỗi cá nhân biết gạn đục khơi trong, thì tất cả mọi người đã trở nên tốt và vấn đề đấu tranh chống lại những cái xấu, cái ác trong xã hội không còn là vấn đề cấp thiết phải đặt ra nữa. Đến lúc đó tự nhiên những hiện tượng tiêu cực trong xã  hội sẽ vắng bóng dần. Ngược lại, khi cái xấu, cái ác vẫn còn được ấp ủ, nuôi dưỡng trong lòng người, ngoài sự nỗ lực của cá  nhân, không có một sức mạnh nào ở bên ngoài  đủ sức để tấn công và loại bỏ được chúng được.

Xã hội ngày nay là một xã hội vàng thau lẫn lộn, một xã  hội đang tràn ngập những cám dỗ, cạm bẫy và  luôn tạo điều kiện cho những ham muốn thấp hèn, thói hư tật xấu nơi mỗi người trỗi dậy và  phát triển. Để có thể đứng vững trong cuộc sống, giữ gìn được nhân cách, phẩm giá  của mình và để góp phần xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho gia đình và cho xã hội thì  mỗi người phải kiên cường hơn nữa, tích cực hơn nữa trong việc khắc phục, loại bỏ những thói hư, tật xấu, những ham muốn thấp hèn của bản thân. Đồng thời phải không ngừng tu dưỡng đạo đức, rèn luyện nhân cách của mình.



Thời xưa, Đức từ phụ Thích Ca Mâu Ni đã anh dũng, kiên cường chiến đấu và chiến thắng được nội ma, ngoại chướng, trở thành con người siêu việt trong đời, trở thành đấng chánh biến giác, đem lại cho đời một nguồn sống mới, một nếp sống mới, một nếp sống mà trong đó thấm nhuần chất liệu từ bi và trí tuệ. Là những người học Phật, chúng ta hãy noi gương Ngài, chúng ta hãy tự chiến thắng mình, tự hoàn thiện bản thân mình và góp phần cải thiện xã hội, xây dựng quê hương, xiển dương giáo lý Phật đà. Có như thế mới không hổ danh là người đệ tử của đức Phật.

Tác giả Minh Đạo
Nguồn: Chùa Giác Đạo
---------------

tải về 233.1 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương