TIỂu thuyết thứ NĂM



tải về 1.05 Mb.
trang5/14
Chuyển đổi dữ liệu13.08.2016
Kích1.05 Mb.
#17777
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   14

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] Trần Văn Giàu (1983), Trong dòng chủ lưu của văn học Việt Nam - Tư tưởng yêu nước, NXB Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh.

[2] Trần Đình Hượu, Lê Chí Dũng (1988), Văn học Việt Nam 1900 - 1930, NXB Giáo dục, Hà Nội.

[3] Trần Đình Hượu, (1998), Nho giáo và Văn học Việt Nam trung cận đại, NXB Giáo dục, Hà Nội.

[4] Trần Ngọc Vương (1988), Văn học Việt Nam dòng riêng giữa nguồn chung, NXB ĐHQG, Hà Nội.

THE MOVEMENT OF PATRIOTIC CONTENTS IN THE VIETNAM’S LITERATURE IN THE 1nd HALF OF 19th CENTURY

Nguyen Van The, Le Thi Binh

ABSTRACT

To study the dynamics of domestic content requirements in patriotic literary period half of the nineteenth century in Vietnam with rich content: cultural and ideological basis, the intrinsic fluctuations of patriotic literature, crisis and the development of a patriotism ... it helps us see clearly the characteristics of the patriotic literature of this period compared to the period before and after it. Hopefully, it is an approach, with a different view. Achieving that goal we hope to enrich the knowledge and research methods, first served for researchers, teachers and students at the university.

Keywords: The movement, patriotic literature.

(Người phản biện: PGS.TS.Trần Ngọc Vương; Ngày nhận bài: 22/4/2011; Ngày thông qua phản biện: 10/5/2011; Ngày duyệt đăng: 2/8/2012).



HÌNH ẢNH CÁI CHẾT TRONG THƠ LÍ HẠ

Nguyễn Thị Tuyết1

TÓM TẮT
Ngâm vịnh say sưa những hình ảnh phi mĩ là đặc điểm nổi bật nhất của tính phản truyền thống, phản bình dị của hình ảnh thơ Lí Hạ - một nhà thơ nổi tiếng thời Trung Đường. Cái khiến cho người ta kinh hãi, thậm chí sởn tóc gáy như cái chết và những biến thể của nó là mộ địa tối tăm, ma trơi quỷ quái xuất hiện nhiều trong thơ Lí Hạ. Đó là kết quả của sự thực thi nguyên tắc hoá xú thành mĩ, đam mê theo đuổi cái đẹp. Bối cảnh thời đại và những đặc điểm thuộc về đời tư như ý thức về dòng dõi hoàng tộc, tâm thái lo âu bệnh tật là những nguyên nhân khiến Lí Hạ nói nhiều về cái chết trong thơ mình.

Từ khoá: Cái chết, thơ Lý Hạ.

1. ĐẶT VẤN ĐỀ

Có người đã gọi Lí Hạ là thi nhân của bóng đêm, của những tinh anh không tan cùng thể phách mà cứ mãi vật vờ trong cõi u minh. Điều này xuất phát từ một thực tế là trong thơ, ông hay nhắc tới cái chết, mộ địa, ma, quỷ. Hình ảnh cái chết cùng với những biến thể của nó (mộ địa, ma trơi, quỷ quái) bày binh bố trận, đóng tổng hành dinh trong thơ ông, mang lại cảm giác mạnh, thậm chí là rùng rợn, tạo sốc cho những ai không quen với cảm giác gai gợn trong thơ. Không tin có thần, không tin có tiên, nhưng qua thơ, có vẻ như Lí Hạ tin rằng thế giới này có ma, có quỷ, và chết chưa hẳn đã là hết. Khảo sát 53 bài thơ của Lí Hạ được tác giả Huỳnh Ngọc Chiến dịch và in trong cuốn Lí Hạ - quỷ tài quỷ thi, 2001, Nhà xuất bản Trẻ, chúng tôi thấy nhà thơ này có một số lượng lớn thơ viết về cái chết. Và chính hình ảnh phi mĩ này lại chiếm một địa vị danh dự trong thánh đường thơ thiêng liêng của Trường Cát. Tuy nhiên chưa có một công trình nào nghiên cứu chuyên biệt về biểu tượng cái chết trong thơ Lí Hạ. Ở Việt Nam, trong mấy năm gần đây, Lí Hạ được xem là hiện tượng mới lạ. Thơ ông được dịch ra tiếng Việt. Một số khoá luận tốt nghiệp đại học, luận văn thạc sỹ, luận án tiến sỹ cũng lựa chọn thơ của thi sĩ này làm đề tài nghiên cứu. Song, các tác giả chủ yếu quan tâm tới những vấn đề lớn, có tính khái quát như phong cách, đặc sắc nghệ thuật, huyền thoại trong thơ Lí Hạ… Cái chết có được nhắc tới như một biểu hiện của hình ảnh phản bình dị nhưng chưa được tìm hiểu sâu. Bài viết của chúng tôi tập trung giải mã ý nghĩa của biểu tượng cái chết trong thơ Lí Hạ và tìm hiểu những nguyên nhân chính khiến nhà thơ này hay viết về cái chết. Kết quả nghiên cứu của chúng tôi hi vọng sẽ góp phần nhỏ bé vào việc khơi lại một gương mặt thi ca từng bị chìm khuất.

2. NỘI DUNG

Mỗi người đều một lần phải chết. Khoảng cách giữa cái nôi và chiếc quan tài đôi khi chỉ là một chớp mắt, chập chờn cánh bướm hư ảo của Trang Chu. Vấn đề là ai cũng phải chết, nhưng cái chết vẫn là một bí ẩn đối với con người. Nó làm cho người ta kinh hãi, sợ sệt, tránh nhắc tới, sợ xui. Và người ta thay cho từ chết bằng những cách gọi khác như mất, chầu giời, băng hà, thất lộc… Cái chết cũng từng ám ảnh, đeo đuổi tâm tư Lí Hạ như hình với bóng, khiến người thơ sém lửa muộn phiền. Nhưng thay vì né tránh, Lí Hạ lại trực tiếp đối mặt với nó. Chữ tử âm u, đáng sợ, đầy không khí quỷ mị này dưới ngòi bút Lí Hạ lại trở thành duy mĩ và hàm chứa nhiều ý nghĩa bất ngờ.

2.1. Chết là quy luật

Theo Lí Hạ, từ cổ chí kim, cái chết đến viếng thăm mỗi người như sự thực thi luật công bằng của tạo hoá. Bất kể anh là thần tiên trên trời hay Tần Thuỷ Hoàng, Hán Vũ Đế một thời hiển hách, hay là người dân nhỏ bé, vô danh đều không thoát khỏi cái chết. Dù là người trường thọ như Bành Tổ, Vu Hàm hay chết sớm như Nhan Hồi, Bão Chiếu cũng đều không qua nổi lưỡi hái của tử thần. Ông tuyên bố xanh rờn rằng “Kỷ hồi thiên thượng táng thần tiên” (Trên cõi trời đã bao lần chôn cất các vị thần tiên - Quan nhai cổ); “Bành Tổ, Vu Hàm kỷ hồi tử” (Bành Tổ, Vu Hàm đã bao lần chết - Hạo ca). Còn Tần Thuỷ Hoàng, Hán Vũ đế thì không ít lần được nhắc đến trong thơ ông (Các bài: Khổ trú đoản, Cổ du du hành, Kim đồng tiên nhân từ Hán ca…). Trong bài Quan nhai cổ có những câu thơ như thế này:

Phiên âm: Chuỳ phát thiên niên nhật trường bạch

Hán Vũ Tần Vương thính bất đắc

Tùng quân thuý phát lô hoa sắc

Độc cộng Nam sơn thủ Trung Quốc

Kỉ hồi thiên thượng táng thần tiên

Lậu thanh tương tương vô đoạn tuyệt

Dịch nghĩa: Dùi vẫn gõ vào trống cả ngàn năm nay, mặt trời vẫn mãi mãi chiếu sáng



Hán Vũ đế và Tần Vương không còn nghe được tiếng trống này

Mái tóc xanh cùng theo ngài cho đến khi đầu điểm bạc

(Các ngài muốn trường thọ) riêng cùng núi Nam để giữ lấy Trung Quốc

(Mà không biết rằng) trên cõi trời đã bao lần chôn cất các vị thần tiên

Tiếng trống trong đêm vẫn vang lên không ngừng nghỉ

(Huỳnh Ngọc Chiến dịch)

Hán Vũ đế hùng tài đại lược, thuở sinh tiền dốc sức cầu trường sinh. Ông sai dựng một tiên nhân bằng đồng, hai tay bưng một mâm vàng hứng sương khuya từ mặt trăng rơi xuống để luyện thuốc trường sinh bất lão. Nhưng rốt cuộc, Hán Vũ Đế cũng chỉ như người khách đến và đi trong dòng chảy lịch sử, lăng tẩm chỉ còn là đám xương mục, cung điện phồn hoa xưa giờ đã rêu phong khắp chốn. Còn Tần Thuỷ Hoàng sai phương sĩ ra khơi để tìm cho được thần dược bất tử, nuôi hoài bão gây dựng đế chế ngàn năm, cuối cùng tấm thân vạn thặng lại phải lẫn cùng cá thối ở Sa Khâu. Khẳng định chết là quy luật chính là Lí Hạ đã lộn trái nỗi sợ hãi cái chết bằng nhận thức thấu triệt về cuộc đời, cuộc đời như nó vốn có chứ không phải được trang hoàng thêm một quầng mộng ảo. Quan niệm này của Lí Hạ gần với Trang Tử trong Nam hoa kinh, khi Trang Tử cho rằng những con vật tự nhiên với tuổi thọ dài ngắn khác nhau đều trải qua một quá trình sinh trưởng- già yếu- chết. Đứng ngoài nỗi sợ hãi cái chết, vứt bỏ nỗi quyến luyến và ảo tưởng đối với sinh tồn, khi cái chết đột ngột tới có thể thản nhiên đối phó là cách ứng xử của kẻ đạt đạo. Trang Tử thản nhiên gõ chậu hát ca khi vợ qua đời bởi hiểu đường sinh tử là lối ra vào của vạn vật. Còn Lí Hạ thấu triệt quy luật đời người để tiến tới khẳng định chết là quy luật, là đi vào thế giới chưa biết, cũng là cánh cửa của sự sống, của khả năng tái sinh.



2.2. Chết là đi vào thế giới chưa biết

Cái chết trong nhãn quan của Lí Hạ có sức hấp dẫn đặc biệt. Nó dẫn người ta vào thế giới chưa biết của mộ địa tối tăm với những hồn ma đa tình, đa cảm. Hạ thoát du hồn mình vào ảo giác, vào lòng mộ sâu, khai quật cái chết, khiến có lần nó hiện lên thành bông hoa thê lương, kiều diễm như thế này:

Phiên âm: U lan lộ như đề nhãn

Vô vật kết đồng tâm

Yên hoa bất kham tiễn

Thảo như nhân, tùng như cái

Phong vi thường, thuỷ vi bội

Du bích xa, tịch tương đãi

Lãnh thuý chúc, lao quang thái

Tây Lăng hạ, phong xuy vũ

(Tô Tiểu Tiểu mộ)

Dịch nghĩa: Mộ Tô Tiểu Tiểu



Sương trên cánh lan buồn, trông như giọt lệ trong mắt

Không có gì để kết mối đồng tâm

Làm cánh hoa trong khói, không chịu cắt bỏ đi

(Nơi nấm mộ) cỏ mượt như tấm thảm, cây thông đứng như dù che

Gió là quần áo, nước là vật trang sức

Chiếc xe du bích cùng hẹn đến tối đợi nhau

Trên mộ lập loè ánh lửa ma trơi

Dưới Tây Lăng, mưa gió đuổi nhau.

(Huỳnh Ngọc Chiến dịch)

Bài thơ miêu tả cảnh giới mộ địa tối tăm với hồn ma Tô Tiểu Tiểu. Nàng là danh kĩ tài hoa đất Tiền Đường, từng ôm ấp tâm sự tìm tri kỉ. Và khi chết, chút hận sầu chưa thoả, chút u tình chưa được hả hê cứ quằn quại vật vờ trong lòng mộ tối tăm. Hoa lan ngậm sương là kết tinh phẩm của trời đất. Nhưng chữ u đứng trước làm cho cảnh vật bỗng trở nên lạnh lẽo. Ánh mắt là cửa sổ tâm hồn, biết nói thay những lời ẩn ức. Mắt ướt át đen nhánh, mắt long lanh ứa lệ, mắt da diết tình cảm đã dựng dậy cả linh hồn sỏi đá. Thông qua miêu tả đôi mắt truyền thần ấy, chúng ta không chỉ thấy được dung nhan mà còn đọc được nội tâm đau buồn của Tô Tiểu Tiểu. Thế giới mộ địa không có niềm vui ca hát, không có ai làm bạn, không có gì để hi vọng, đợi chờ. Hoa trước mồ cũng trở thành vô nghĩa. Tuy chết rồi nhưng Tô Tiểu Tiểu vẫn đẹp đẽ, đáng yêu, xuân sắc, đượm tình, quyến rũ. Cỏ mượt là tấm thảm cô nằm, thông xanh là ô che, gió phơ phất là quần áo, nước chảy là vật trang sức. Xe vẫn đợi chờ cô đi đến cuộc hẹn dưới cây tùng cây bách chốn Tây Lăng. Và cũng như chiếc xe du bích, nến cũng được thắp sáng đợi chờ mà tình nhân không đến. Nhà thơ tập trung miêu tả cái có (nhan sắc, sức sống, xe, nến…) nhằm làm nổi bật cái không, sự trống rỗng: không có tình người. Chốn Tây Lăng từng là nơi Tô Tiểu Tiểu hướng tới với tình cảm ngọt ngào, giờ chỉ còn là cảnh mưa gió đuổi nhau, vần vũ trong cơn hoan lạc của đất trời, càng thêm phần ai oán, bi thương. Như vậy, thông qua miêu tả cảnh giới mộ địa tối tăm với hồn ma Tô Tiểu Tiểu lúc ẩn lúc hiện, hữu ảnh, vô hình trong thế giới hư ảo, âm u đáng sợ mà diễm lệ, Lí Hạ thể hiện những khám phá bất ngờ về một cõi chưa biết, chưa được định vị và gọi tên bởi ý thức. Nhưng mộ địa tối tăm đồng hành cùng đau khổ. Lí Hạ thắp lên nén tâm nhang thay người chết thể hiện nỗi cô đơn vĩnh hằng không thể giải trừ. Tô Tiểu Tiểu mộ là một bằng chứng về nỗi đau khổ của con người trong thiên thu, nỗi đau như là bản chất của cuộc đời. Và tin vào nỗi đau cũng là tin vào cuộc đời vốn không thể khác.

Nhưng hồn ma đội mồ thức dậy, mượn đêm tối gió mưa để trút nỗi niềm bi sầu tình oán cũng có nghĩa là nó vẫn sống, sống một cách dị kì. Đến đây, biểu tượng cái chết trong thơ Lí Hạ lại phát lộ một ý nghĩa mới: chết cũng là sự sống, chết đi để tái sinh cho cuộc sống cao hơn với sự hiện diện của quỷ.

2.3. Chết là đi vào cõi bất tử

Lí Hạ quan niệm chết không phải là hết, chỉ là sự chuyển kênh để được tái sinh. Do đó, thế giới âm phủ trong thơ ông là thế giới của cái chết mà không vong (tức không mất). Người chết biến thành quỷ. Quỷ “là tà ma, là vong hồn của người chết” [3 -755]. Tranh tượng cổ Hi Lạp thể hiện cái chết bằng hình ảnh ngôi mộ hoặc một quỷ thần có cánh. Hồn ma bóng quỷ là hiện hình của người chết, là linh khí của con người ở một thế giới khác đang hoá kiếp rong chơi. Quỷ chính là biểu hiện của sự bất tử hoá cái chết, là một hình thái khác của cuộc sống được kéo dài.

Trong thơ Lí Hạ, quỷ luôn đi liền với hình ảnh nấm mộ mùa thu. Mà mộ là đài chứa sự sống, khẳng định tính vĩnh cửu của sự sống qua các dạng biến thái của nó. Mộ gắn với hệ tượng trưng đất, nơi nảy mầm của các hạt. Tô Tiểu Tiểu vẫn đợi chờ người tình, chờ trong cô đơn, khắc khoải, chờ bằng cả niềm khát khao bỏng cháy “kết đồng tâm”. Chờ đợi là một điều khủng khiếp, nhưng không có gì chờ đợi còn khủng khiếp hơn nhiều. Trong Xuân phường chính tự kiếm tử ca thanh gươm là dương lại tượng trưng cho cái chết, quỷ mẫu là âm lại tượng trưng cho sự sống: “Ngao ngao quỷ mẫu thu giao khốc” (Ở vùng đất ngoài thành, mẹ quỷ khóc nức nở giữa mùa thu). Cái chết trở thành phần thưởng cao nhất của nhân sinh. Thi nhân tiếp nhận nó bằng thái độ hoan nghênh, và quỷ trở thành người bạn thân thiết với con người: “Tất cự nghinh tân nhân” (Ngọn đèn bằng cây sơn lập loè như đón chào người mới- “Cảm phúng”- bài 3).

Thơ Lí Hạ là thứ thơ nghiêng về âm tính, lắng tận đáy lòng nhịp đập của trời đêm, của tiếng thở muôn trùng, và đặc biệt là tiếng quỷ ngâm nga như lời kinh cầu bên vực thẳm:

Phiên âm: Đồng phong kinh tâm tráng sĩ khổ

Ai đăng lạc vĩ đề hàn tố

Thuỳ khan thanh giản nhất biên thư

Bất khiển hoa trùng phấn không đố

Tư khiên kim dạ trường ưng trực

Vũ lãnh hương hồn điếu thư khách

Thu phần quỷ xướng Bão gia thi

Hận huyết thiên niên thổ trung bích

(Thu lai)

Dịch nghĩa: Mùa thu đến



Ngọn gió thổi qua cây ngô đồng làm lòng người kinh sợ, tráng sĩ khổ tâm

Bên ngọn đèn hiu hắt, tiếng con vạc sành gợi nhớ đến áo mùa lạnh

Có ai xem thấy một cuốn sách chẳng có người đọc để mối mọt ăn nát thành bột

Đêm nay, (khi nghĩ đến cảnh đó) mà thêm đau lòng

Mưa lạnh, mảnh hồn thơm viếng điếu người làm ra sách

Trên nấm mộ mùa thu, tiếng quỷ ngâm nga thơ Bão gia

Máu hận ngàn năm ngấm vào đất và biến thành ngọc đá.

(Huỳnh Ngọc Chiến dịch)

Thời gian như nước chảy, thu đi thu lại về trong hình ảnh ngọn gió thổi rụng lá cây ngô đồng. Lòng người buồn khổ vì công danh chưa đạt, sự nghiệp chưa thành. Thi nhân một mình đối bóng. Dưới ánh đèn hiu hắt nghe tiếng kêu thảm thiết của con vạc sành như tiếng dệt áo vào mùa lạnh càng nhắc nhà thơ nhớ về thời gian đang vóng vót trôi. Bá Nha xưa còn có Tử Kì, những tuyệt tác ra đời trong lao tâm khổ tứ của thi nhân rốt cuộc không gặp được tri âm, đành làm bạn với mọt trong ngăn kéo quên lãng, vô tình. Nghĩ đến điều đó có người cầm bút nào không thấy khổ tâm? Trong tột cùng đau khổ, nhà thơ dường như nhìn thấy bạn tri âm đang ở trước mặt- một “mảnh hồn thơm” của thi nhân cổ đại đến viếng người làm ra sách. Hồn ma bóng quỷ trong nấm mộ mùa thu đang đọc thơ “trường hận” của Bão Chiếu năm nào hay chính hồn thi nhân “mang mối sầu uất ức không tan, trong đêm thu lạnh hiện thành quỷ để ngâm nga cho vơi mối hận thuở sinh tiền “ [2 - 50]. Bề mặt nói thơ Bão Chiếu, thực tế là mượn chén rượu người khác để tưới lên nỗi cô đơn ngậm ngùi dồn dập dâng dậy trong lòng mình giữa đêm thu. Phủ định sự kết thúc của cái chết cũng là biểu hiện sự theo đuổi và lưu luyến của nhà thơ đối với cuộc sống.



Con người sau khi chết có thể biến thành vật khác tiếp tục tồn tại. Cái chết trở thành quy ước để đạt được tái sinh. Quỷ trong thơ Lí Hạ kéo dài, nhân đôi sự sống, phơi bày quan niệm thời gian nguyên hình, tư duy biến hình tuần hoàn sống chết trong thần thoại cổ. Sinh có thể chuyển thành tử, tử có thể chuyển thành sinh, sinh và tử có thể chuyển hoá, thay thế lẫn nhau. Sinh mệnh có thể thông qua biến hình mà tồn tại. Quỷ và thần thực chất đều là biến hình của con người.

2.4. Cái chết là nơi quy nạp nỗi tuyệt vọng đời người

Theo dõi tiến trình tâm lí của nhà thơ chúng ta sẽ thấy lo âu bệnh tật và nhận chân cuộc đời vô thường làm cho Lí Hạ chán ghét trần gian đau khổ. Ông cầu mong sự sống và chuyển hướng nhìn về thế giới thần tiên. Thế giới tiên cảnh phần nào bổ sung và làm cân bằng tâm lí người thơ trong giây lát. Nhưng thiên đường mờ mịt. Thần tiên cũng phải chết. Ông quay về ca hát sự vĩnh hằng của cái chết với hồn ma bóng quỷ lang thang lặng thở khí trời đêm. Song, ngay cả khi khẳng định sự bất tử của cái chết, tận tình ca hát về ma trơi quỷ quái, hoá xú thành mĩ, biến chính thành kì, ông cũng không che dấu nổi những mâu thuẫn tiềm tàng trong đáy sâu tư tưởng, tình cảm. Lí Hạ sở trường trong việc nhờ vào ảo giác chuyển đổi sự thiếu hụt của mình sang phương hướng ngược lại. Chẳng hạn như ngoài đời, thể chất và ý chí Trường Cát đều rất bạc nhược, yếu đuối, nhưng trong thơ ông thích gọi mình là kiếm hiệp, tráng sĩ, thường tự ví mình với tuấn mã. Lí Hạ còn trẻ nhưng đã sớm bạc tóc, thơ ông lại thường miêu tả, ca ngợi mái tóc dày đẹp của người phụ nữ. Ngay trong những suy nghĩ về cái chết cũng vậy. Cách thức duy nhất để giải thoát đau khổ là phủ nhận nó về mặt tư tưởng. Người ta sợ chết, và mỗi lần nhắc đến quỷ luôn có cảm giác không rét mà run. Lí Hạ tự hoá giải cho mình bằng cách thức nhìn thấu nhân sinh theo chiều ngược. Ông đắm đuối bồng bềnh trong ảo tưởng để rồi lại quằn quại, giãy giụa trong chính ảo tưởng đó. Vì tận cùng ảo tưởng là hiện thực, là mình gặp lòng mình. Thơ viết về cái chết, về mộ địa tối tăm, về ma trơi quỷ quái của Lí Hạ thực chất là nơi quy nạp nỗi tuyệt vọng về lí tưởng nhân sinh của nhà thơ. Vì Trường Cát không giải quyết được tất cả những mâu thuẫn, cảm thương đến cực điểm mới biến thành quỷ rên rỉ ngâm xướng. Biểu tượng cái chết với những biến thể của nó là mộ địa tối tăm, hồn ma bóng quỷ xuất hiện dưới ngòi bút nhà thơ là hoá thân của con người, là tượng trưng cho thất ý, là ảo hoá nỗi bi thảm của nhân sinh, là tượng trưng cho đắng cay phiền muộn. Sự tự tin mà ông thể hiện trong mỗi câu thơ chỉ là tấm bình phong che đậy nỗi ám ảnh và lo sợ cái chết. Cuộc đời vô thường, sinh mệnh ngắn ngủi. Quyền uy trùm lấp bốn bể như Tần Thuỷ Hoàng, hùng tài đại lược như Hán Vũ đế khi băng hà nơi cầu Tần cũng chỉ có loài cá nhởn nhơ. Bậc kiêu hùng quán thế không thoát khỏi quy luật tử sinh, đến tượng đồng cũng phải nhỏ lệ vì cảnh đời phế hưng dâu bể, huống gì nghệ sĩ - người luôn mẫn cảm trước thay đổi của thời cuộc. Lí Hạ không khuyên con người “ngủ quách sự đời thây kẻ thức”, cũng không có cái an nhiên, tự tại của một bậc đạt đạo, nhìn thấy cuộc sống vô thường mà hờ hững với tham, sân, si, hay của một người đi gần tới mép lá cuộc sống, quay lại nhìn đời bằng đôi mắt bao dung, bình thản, thái hoà. Lí Hạ quằn quại giữa hai bờ hư - thực, tuyệt vọng- hi vọng, cái hi vọng thoi thóp sau cơn mưa trời có thể hửng nắng, để rồi thêm tuyệt vọng vì “Hồ trung hoán thiên vân bất khai. Bạch trú vạn lí nhàn thê mê” (Trong cơn say, cất tiếng gọi trời, trời im lặng không nghe nên mây chẳng mở ra. Giữa ban ngày, chỉ thấy mây mờ mịt lững lờ trôi hàng vạn dặm- Khai sầu ca). Thơ ông vĩnh viễn đắm chìm trong khổ đau phiền muộn, trong sự giãy giụa, cật vấn đến cùng với giọng điệu nổi loạn và tính chất dị thường quái kiệt. Đời người hữu hạn, ông đi tìm vĩnh cửu. Theo đuổi cái vĩnh hằng là tượng trưng cơ bản của thơ Lí Hạ, từ đó mà dẫn tới sự xuất hiện của thế giới tiên cảnh và thế giới mộ địa gắn liền với cái chết trong thơ ông.

2.5. Những nguyên nhân khiến thơ Lí Hạ nói nhiều về cái chết

Tài hoa nhưng đoản mệnh, mới hai mươi bảy tuổi Thượng đế đã vội rút Hạ về thiên giới. Sân khấu đời ông chưa kịp diễn gì về công danh, sự nghiệp, nhưng những gập ghềnh, trắc trở, chua xót gặp phải trên đường đời thì nhiều gấp vạn lần so với số tuổi của thi nhân. Cuộc đời ông nhàu nát vì đau khổ. Những con sóng lòng ông luôn va đập, tạo thành mâu thuẫn giữa hai nét tâm lí: tự tin (vì tài hoa thiên bẩm, cho rằng mình thuộc hậu duệ của tôn thất nhà Đường) và tự ti (vì thời đại suy vi, thói đời ghẻ lạnh, cảnh nhà khốn khó, thể chất gầy yếu, bệnh tật, diện mạo bên ngoài xấu xí khó coi, những lận đận trên con đường thi cử, làm quan). Cuộc đời ngắn ngủi của Lí Hạ diễn ra trong thời Trung Đường đầy phong ba bão táp và ngày một suy tàn. Hoàn cảnh chính trị, điều kiện kinh tế, văn hoá, xã hội thời này khiến thi nhân không tìm được niềm tin và sự ấm áp giữa cuộc sống trần gian, đành co rút vào thế giới thần thoại do mình tưởng tượng, làm bạn với ma, quỷ và nói nhiều về cái chết như một biểu hiện ngược của lòng ham sống. Tuy nhiên, trong bài viết này, chúng tôi muốn nhấn mạnh hai nguyên nhân thuộc về đời tư của Lí Hạ, khiến ông hay nói tới cái chết trong thơ mình là ý thức về dòng dõi hoàng tộctâm thái lo âu bệnh tật. Trung Đường là thời kì tôn sùng dòng dõi xuất thân. Lí Hạ cũng được xem là hậu duệ của hoàng tộc Trịnh Vương Lí Lượng. Nhưng thực ra, ông chỉ là một người mang dòng máu hoàng tộc đã sớm nhạt loãng. Được tính là thuộc tôn thất hoàng gia, nhưng phổ hệ đã xa rồi, ông không còn được tưới nhuần ơn mưa móc. Đại Trịnh Vương Lí Lượng cách Lí Hạ đã hơn hai trăm năm. Cái hoàng tộc suy vi lạnh nhạt này chỉ mang lại cho ông hư vinh, danh nghĩa đầu môi. Ông vẫn chỉ là một hàn sĩ xuất thân áo vải, không ai biết đến giữa trời đất cỗi già này. Trong thời đại tôn sùng dòng dõi xuất thân, thi nhân quý tộc chẳng qua là sự tự tôn quá nhạy cảm phát ra từ tâm lí tự ti của Lí Hạ. Thân phận hoàng tộc bị thất sủng, hữu danh mà vô thực. Lí Hạ thấm thía, song đành bất lực, oán hận tự trào. Chính nguồn gốc xuất thân này đã định số cho ông suốt một đời trắc trở. Sự phản trái mạnh mẽ khiến ông dễ sinh ra cảm giác hoảng sợ, hoang đường về thân thế, về giá trị sinh mệnh. Thơ ông nói nhiều về cái chết cũng một phần bắt nguồn từ tâm lí ấy. Ngoài ra, thân thể gầy yếu, bệnh tật cũng khiến ông dễ nhạy cảm với thời gian và vấn đề sinh mệnh. Bệnh nặng kéo dài dễ sinh ra ảo giác. Ông cảm thấy sinh mệnh dễ mất như ngọn đuốc trên mâm, gió thổi vụt tắt, như ngọn đèn hết dầu, như ánh chiều tà chìm khuất và mình sắp đi đến cái dốc cuối của đời người. Chính vì được dự báo rằng mình không thọ nên nhà thơ trong mọi nơi mọi lúc không quên sự uy hiếp của cái chết và sự tồn tại của quỷ thần. Ông như nghe thấy bước chân của quỷ thần đang đến gần, thấy lưỡi hái của tử thần đã huơ lên lạnh buốt sau lưng và tiếng cười săn lùng đón đợi của cái chết. Như vậy, từ lo âu bệnh tật mà liên tưởng tới cái chết, từ cái chết mà liên tưởng tới quỷ quái và thế giới âm phủ. Và để có thể giải thoát lo âu bệnh tật và nỗi sợ cái chết, nhà thơ bèn ca vịnh quỷ thần. Thơ ông dày đặc không khí tối tăm, u ám của cái chết, của mộ địa cũng chính vì lẽ đó.

3. KẾT LUẬN

Thơ Lí Hạ quả là “toà châu báu kết bằng hương kì dị” (Bích Khê). Chính sự xuất hiện của hình ảnh phản bình dị này khiến không ít người nâng lên đặt xuống, chê thơ ông không đủ khả năng bước lên thềm đại nhã. Gạt đi những nhận định thiên kiến, vô tình khoanh tròn, thu hẹp giá trị thơ Lí Hạ và bình tâm suy xét, ta sẽ thấy đó trước hết thể hiện sự xác lập của cảm quan cái tôi về thế giới. Lí Hạ khai quật thế giới của cái chết với ma trơi quỷ quái để nó không còn là vỉa mạch trầm tích nằm ngoài biên giới thi ca. Nếu như Lí Bạch như thiên mã hành không thì Lí Hạ như lửa lân tinh lượn lờ giữa mộ địa tối tăm. Lí Bạch thích tả tiên, Lí Hạ thích tả quỷ. Thơ Lí Bạch thường đưa người đọc vào trạng thái bồng bềnh như sắp gặp tiên. Thơ Lí Hạ lại làm cho người ta sởn tóc gáy như nhìn thấy quỷ. Lí Bạch là trích tiên giáng trần, tuy bị đày xuống trần gian đau khổ, song người tiên hào khí không hề suy giảm, thanh khí ngang dọc tung hoành, dật khí ngàn năm không ai sánh nổi. Lí Hạ là nữ quỷ u buồn diễm lệ còn lưu lại nhân gian, chán nản, buồn thương, bi phẫn và không nguôi vần vụ, giãy giụa dưới nấm mồ tiềm thức. Từ tiên cảnh tươi sáng trong thơ Lí Bạch đến quỷ cảnh âm u trong thơ Lí Hạ không chỉ phản ánh tiến trình lịch sử của thời Đường từ đỉnh cao tha hoá xuống vực sâu và diễn biến tâm thái của giới nhân sĩ từ tình cảm sục sôi chuyển sang tiêu cực, mà còn cho thấy sự thay đổi quan niệm về đối tượng miêu tả của thơ ca. Với Trường Cát, mọi vật đều mang một giá trị tự thân và nhiệm vụ của người làm thơ là khám phá ra giá trị ấy bằng cái nhìn nghệ thuật, cởi trói cho thơ những ràng buộc ngoài thơ.



tải về 1.05 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   14




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương