Tiểu Luận Về Khoa Học Và Triết Học Nguyễn Tường Bách Nhà Xuất Bản Trẻ tp. Hcm 2004



tải về 1.29 Mb.
trang3/18
Chuyển đổi dữ liệu25.04.2018
Kích1.29 Mb.
#37139
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   18

CÁI ĐẦY ĐẶC VÀ CÁI TRỐNG RỖNG


Aristotle đặt nền tảng cho nền vật lý đầu tiên của con người. Thế nhưng ông coi thường lĩnh vực “thế gian”, muốn hướng tư duy của mình về Thượng đế, về nguyên ủy của mọi vận động. Đối với Aristotle, vật chất được hình thành bởi bốn yếu tố đất, nước, lửa, gió. Ông dừng lại tại đó và không muốn tìm hiểu thêm nguồn gốc của vật chất. Song song với trường phái của Socrates, Plato, Aristotle, tại miền Hy Lạp khả kính của ngày xưa, trước công nguyên đã có nhiều hiền nhân bắt đầu dò tìm nguồn gốc của vật chất.

Có một vị hiền triết tên là Parmenides. Vị này sống tại miền nam nước Ý, thời đó thuộc Hy Lạp, vào khoảng thời đức Phật Thích Ca của Ấn Độ. Parmenides ưa thích làm thơ, đọc kệ và giảng giải quan điểm về thết giới trong những bài thơ kệ đó. Ông là một trong những triết gia đầu tiên của phương Tây phân biệt giữa cảm quan và lý tính, cho rằng cảm quan không thể nắm bắt được thực tại mà chỉ một quá trình tư duy biện chứng mới tiếp cận được với sự thực. Và thực tại của Parmenides là một cái “toàn thể, không thành, không hoại, bất động, toàn hảo”. Thực tại cả Parmenides dường như là một khối tròn vĩ đại, không có giới hạn của thời gian lẫn không gian. Đó là một thực tại không có chỗ cho chân không vì nếu đã là chân không thì không phải là thực tại. Theo Parmenides, thực tại là phi vật chất, nó chính là đối tượng của tư duy.

Thế nhưng tại sao lại có vũ trụ, có thể giới hiện tượng với muôn hình muôn vẻ? Theo Parmenides, tính đa nguyên của vũ trụ xuất hiện bởi có hai cực “sáng, tối”, do một nữ thần vận hành và điều chỉnh. Trên cơ sở của sự tương tác giữa hai cực này mà vũ trụ xuất hiện. Thế nhưng, thế giới hiện tượng mang đầy những cặp mâu thuẫn nhị nguyên đó lại cũng chính là thực tại. Thế giới hiện tượng cùng là thực tại bởi nó do con người xuất phát từ thực tại mà cảm nhận ra như thế. Thế nên không phải có hai thế giới – thực tại và thế giới hiện tượng – mà có hai cách cảm nhận thế giới. Con người là kẻ “tạo tác” thế giới giả tạo của mình. Đây là tiền thân của quan niệm thế giới là một sự trình hiện.

Parmenides là người đầu tiên đặt nền móng của bản thể học. Tư tưởng của ông dẫn xuất ra hai huớng lớn, một là lý luận logic của biện chứng học và bản thể học, hai là khoa học về tự nhiên. Song song, ý nệm về một cái “không thành không hoại” tồn tại lâu dài với thời gian trong ngành vật lý. Có lẽ Parmenides không hề ngờ quan niệm này đã đóng một vai trò trung tâm trong khái niệm về vật chất của khoa học tự nhiên suốt mấy ngàn năm sau và ngày nay nó vẫn tiếp tục nằm trong một vật thể tí hon mà người ta gọi là hạt cơ  bản.

Cái “bất hoại” trong tư tưởng của Parmenides xem ra có một sức thu hút mãnh liệt khi con người muốn biết thế giới vật chất do những gì cấu tạo nên. Sau Parmenides khoảng 20 năm có một triết gia Hy Lạp tên gọi là Empedokdes ra đời. Ông cũng là một nhà hoạt động chính trị và bị chính quyền thời đó lưu đày, phải sống lưu vong. Ông thừa nhận quan điểm bất hoại của Parmenides và cho rằng thế giới vật chất được tạo thành bởi bốn nguyên tố cơ bản: đất, nước, gió, lửa. Tính chất của bốn nguyên tố đó là bất thành, bất hoại, không biến dịch, đồng thể. Thế nhưng, khác với Parmenides, với Empedokdes các nguyên tố đó lại vận động và chúng có thể được chia nhỏ ra để phối hợp, trộn lẫn với nhau. Mọi vật trên đời đều do sự phối hợp của bốn nguyên tố đó mà thành – trong một tỉ lệ toán học nhất định. Nhưng cái gì là động cơ làm chúng vận động? Empedokdes cho rằng có hai thể “yêu, ghét” làm các nguyên tố vận hành. Cái “yêu” có lực hút lớn, làm chúng tụ hội, cái “ghét” có lực đẩy, làm chúng tách lìa. Hai thể yêu ghét đó hiển nhiên có tính chất siêu hình học, chúng là động cơ hình thành và hoại diệt của mọi vật, của mọi cơ cấu vi mô và vĩ mô.

Từ “yêu ghét” hẳn làm ta thấy kỳ lạ và tự hỏi tại sao người xưa phải đưa yếu  tố tâm lý này vào trong khoa học tự nhiên. Ta sẽ thấy, hình dung về vật chầt đang vận động thì dễ nhưng tìm hiểu động lực nào làm chúng vận động là một câu hỏi rất khó, nó luôn luôn dẫn đến các tư tưởng thuộc về thần học. Gần hai ngàn năm sau chỉ có một thiên tài như Newton mới tạm thời đưa ra được những giả định đầu tiên để mô tả sự vận động đó và nguyên nhân của nó, nhưng đối với cả Newton thì nguyên nhân cuối cùng vẫn có tính chất thiêng liêng, vẫ nằm trong lĩnh vực của thần học.

Sau Empedokdes khoảng mười lăm năm, xuất hiện một triết gia Hy Lạp khác, cũng lấy thực tại “bất hoại” của Parmenides làm nền tảng cho triết học của mình. Đó là Leucippus mà ngày nay người ta cho rằng là người phát minh ra khái niệm “nguyên tử”. Ông cho rằng thế giới được tạo nên bằng vô số nguyên tử tí hon, chúng đặc cứng và không thể phân chia. Đặc tính của chúng là liên tục vận động, qua đó chúng va chạm và liên kết với nhau. Khi chúng liên kết lại thì sự vật thành hình và cho cảm quan cho người những cảm giác khác nhau. Sự vật không hề cứng chắc như ta lầm tưởng mà do vô số nguyên tử kết thành và mọi sự vật sở dĩ khác nhau là do các nguyên tử khác nhau về dạng hình và cấu trúc xếp đặt của chúng. Cùng với quan điểm này, Leucippus nêu lên một khái niệm vô cùng quan trọng, đó là không gian trống rỗng. Không gian trống rỗng là cái tách rời các nguyên tử với nhau, là chỗ để nguyên tử vận hành. Với quan điểm của mình, Leucippus còn nêu lên một triết lý sâu sắc nữa, đó là thế giới hiện tượng không hề chỉ là bóng dáng vô nghĩa của một thực tại sâu kín mà nó vận hành từ một nguyên nhân hẳn hoi và có thể lý giải được. Leucippus đã “giải cứu hiện tượng”, cho nó một ý nghĩa đích thực và điều này có ảnh hưởng rất lớn về sau.

Leucippus có một vị học trò vui tính, đó là Democritus. Ông được mệnh danh là “triết gia hay cười” – để phân biệt với Heraclitus, “triết gia hay khóc” – người hay cười đùa về sự khờ dại của người đời. Ông học rộng biết nhiều; đời ông là cuộc đời du khảo. Ông từng nói, “thà tìm được một nguyên lý còn hơn làm vua xứ Ba Tư”. Và nguyên lý của ông quả nhiên làm nền tảng cho ngàn năm về sau.

Vừa tiếp thu, vừa điều chỉnh thuyết nguyên tử của thầy Leucippus, Democritus cho rằng thực tại chỉ gồm có cái dầy đặc và cái trống rỗng. Cái dầy đặc do vô số nguyên tử bất hoại cấu tạo nên, chúng chỉ khác nhau về hình dạng, kích thước, trọng lượng. Toàn bộ sự vật trong thế giới – kể cả linh hồn con người – chỉ là các hạt nguyên tử đang vận hành trong không gian trống rỗng. vì thế nhiều người xem Democritus phải là nhà duy vật đầu tiên của lịch sử tư tưởng. Tất cả đều là hệ quả của sự vận hành nguyên tử, ngoài ra không có gì khác. Những hiện tượng như xanh hay đỏ, ngọt hay chua, lạnh hay nóng đều chỉ là cảm quan, là “ý kiến” của con người khi bị nguyên tử tác động lên; trong thực tại các cảm quan đó không hề hiện hữu. Hình dung của Democritus về thực tại là cơ sở của chủ nghĩa duy vật cơ giới, được Galileo tiếp thu và là nền tảng của toàn bộ nền vật lý cổ điển đến đầu thế kỷ thứ hai mươi.

---o0o---


KHÔNG GIAN BA CHIỀU VÀ SỰ VẬN ĐỘNG CỦA THIÊN THỂ


Quan điểm về cái đầy đặc và cái trống rỗng đã đạt thành công vang dội ngay trong đầu công nguyên. “Cái đầy đặc” của vật chất sớm được mô hình hóa vằng một điểm vật chất, nó di động trong không gian ba chiều theo những quĩ đạo có thể tính trước bằng toán học. Và những bài toán đầu tiên của loài người không hề là những điều giản đơn trong đời sống hàng ngày mà là vận động của thiên thể trong bầu trời. Trong số những nhà thiên văn học đầu tiên của loài người, ngày nay người ta vẫn còn nhắc đến Ptolemy mà công trình của ông vẫn còn giá trị cho đến ngày nay, mặc dù hồi đó người ta luôn tưởng trái đất là trung tâm của vũ trụ, mọi thiên thể quay xung quanh nó.

Thời đại của Ptolemy đã đấu dấu hai thành tựu lớn của nền thiên văn học Hy Lạp: một là người ta đã có một mô hình về sự vận động của mặt trời và mặt trăng, hai là nhà toán học đã biết đến phép tính lượng giác. Thế nhưng, đến thời Ptolemy, với thiên tài toán học cùng với sự quan sát chi li sắc sảo, ông đã xây dựng một mô hình về vũ trụ hoàn chỉnh. Mô hình đó có giá trị 14 thế kỷ, mãi cho dến lúc Copernicus điều chỉnh lại trong thế kỷ thứ 16. Ptolemy để lại một tác phẩm lớn có đề tựa Almages với 13 tập. Ông đã tính toán chính xác thời điểm của các hiện tượng nhật thực, nguyệt thực; đã tính toán và lý giải độ lệch của mặt trăng trong quá trình vận động. ông đã tổng kết lại hệt thống các định tinh mà 88 bộ sao do ông phát hiện ngày nay vẫn còn đóng một vai trò trong thiên văn học. Đặc biệt, Ptolemy có một khuynh hướng lớn trong quan điểm của mình, đó là ông đưa ra nhiều mô hình, nhìều giả thiết khác nhau để giải thích một hiện tượng và cho rằng các mô hình đó là sản phẩm của đầu óc nghĩ ra, không nhất thiết thực tại phải vận hành đúng như thế.

Quan điểm này là đầu nguồn của chủ nghĩa công cụ, xem lý thuyết và mô hình chỉ là “công cụ” để khảo cứu thực tại chứ không nhất thiết đúng thực như thế. Như ta sẽ thấy, chủ nghĩa công cụ trong khoa học đóng một vai trò quan trọng trong triết học về thiên nhiên mà về sau sẽ được nhắc đến.

Thế nên, từ đầu công nguyên, một nền khoa học về tự nhiên với một thế giới quan hoàn chỉnh ra đời. Dĩ nhiên, nó còn rất thô sơ mà nhiệm vụ chính của nó chỉ là mô tả và tình toán sự vận động của vật chất, trong đó người ta chưa biết đến về lực. Người ta chỉ tiên đoán chúng sẽ đi đến đâu, trong không gian và thời gian. Vì những lẽ đó, không gian va thời gian là hai yếu tố chính của vũ trụ quan này, và đó là hai yếu tố chủ yếu nhất của hoa học tự nhiên đồng thời cũng là hai khái niệm khó hiểu nhất.

Thế nhưng, trước khi nói đến “không gian”, một vấn đề triết học sẽ làm ta nhức đầu, đã nhắc đến một người mà ta thường nghe tên, một nhà toán học thời cổ đại mà công trình của ông đã tồn tại đến ngày hôm nay. Đó là Euclid, người mà khi ta nói đến không gian và toán học, ta không thể quên.

Không ai rõ đời sống riêng tư của nhà toán học Hy Lạp này, người ta chỉ biết tác phẩm Các yếu tố của ông có ảnh hưởng lớn nhất của suy tư tâm linh phương Tây, là tác phẩm không những chỉ đặt nền tảng cho hình học và toán học mà nó còn nêu lên phép lý luận thuộc về phạm trù lý tính.

Trong lịch sử khoa học, không mấy ai viết được những tác phẩm sắc sảo và nhất quán được như Euclid. Trong Các yếu tố của ông có ảnh hưởng lớn nhất của suy tư tâm linh phương Tây, là tác phẩm không những chỉ đặt nền tảng cho hình học và toán học mà nó còn nêu lên phép lý luận thuộc về phạm trù lý tính.

Trong lịch sử khoa học, không mấy ai viết được những tác phẩm sắc sảo và nhất quán được như Euclid. Trong Các yếu tố với 13 tập, ông luôn luôn bắt đầu với những định nghĩa, sau đó là những giả định hay tiền đề. Trên cơ sở đó ông xây dựng một tòa lâu đài của lý luận logic, chặt chẽ và nhất quán với nhau. Bởi thế, Euclid nêu lên cả một mẫu hình của lý luận, không chỉ được hạn chế trong hình học hay toán học. Lịch sử khoa học cho ta thấy, mọi lâu đài lý luận đều xây dựng trên những định đề không chứng minh được, những định đề mà Wallace gọi là những “giả định siêu hình”. Trong toán học thì với năm định đề, Euclid xây dựng nên một nền hình học phẳng mà ngày nay chúng ta còn học.

Với không gian ba chiều của Euclid, về sau Newton xây dựng nên một khái niệm về không gian tuyệt đối, độc lập, đồng thể. Đó là một sân khấu vĩ đại mà trong đó vật chất tha hồ vận động. vật chất vận động trong không gian cũng như diễn viên trên sàn diễn, không có diễn viên thì sàn diễn cũng vẫn tồn tại. Cũng như thế, không gian là cái bất di bất dịch, vật chất không hề ảnh hưởng gì lên không gian cả.

Không gian là “vật” nằm ngoài con người, là khách quan, là có sẵn. Ngay cả Ptolemy – người đã từng nghĩ các mô hình của mình về thiên thể là do đầu óc con người giả định chứ chưa chắc thực tại đúng như thế - cũng xem không gian tồn tại khách quan, độc lập, là sân khấu để các thiên thể vận hành, là cái làm vật chất rạch ròi riêng lẻ bằng cách tách rời chúng ra khỏi nhau. Ptolemy không phải là người duy nhất nhận thức như vậy và quả thật, không gian Euclid là nền tảng của thế giới quan cơ học có giá trị mãi đến đầu thế kỷ hai mươi. Thật ra thì một không gian như thế cũng chỉ là một giả định siêu hình, dù xem ra nó rất thật đối với chúng ta.

Thế nhưng, nếu suy nghĩ kỹ, ta sẽ thấy khái niệm về không gian không hề đơn giản, ngay cả trong thời đại của vật lý cổ điển. Thời đó người ta cho rằng không gian chứa đựng vật thể, không gian là một đối tượng độc lập. Thế nhưng vật thể có thể bị đấy qua một bên nhưng không ai nghĩ có thể đẩy không gian qua một bên. Vật thể có thể tồn tại “đâu đó” trong không gian nhưng không thể nói không gian tồn tại “đâu đó”. Thật ra  nhờ có không gian mới có “đâu đó”. Người ta chấp nhận không gian là một đối tượng độc lập nhưng nó không thể được so sánh với vật thể, đó là tính phi đối xứng giữa không gian và vật thể. Đó là, ta không thể tưởng tượng một vật nằm “ngoài” không gian nhưng lại chấp nhận một không gian không có vật thể, lúc đó ta sẽ nói không gian “trống rỗng”.

Câu hỏi quan trọng ở đây là liệu vật thể và không gian là hai đối tượng độc lập hay không gian chỉ là tính chất của vật thể. Newton cho rằng không gian tồn tại độc lập, còn Leibniz cảm thấy không gian chỉ là thuộc tính của vật thể. Nhà vật lý Mach tiếp nhận và bênh vực ý kiến của Leibniz; nhưng về sau cả hai đều bị lý luận của Newton đánh quị vì Newton cho rằng phải có một không gian độc lập, nếu không thì làm sao giải thích được tính chất tuyệt đối của gia tốc. Nhưng, thú vị thy, trong khoa học không dễ sớm quyết định được kẻ thắng, người bại. Quan niệm của Leibniz và Mach về sau đã mở đường cho nền vật lý tương đối, trong đó không gian lại trở thành thuộc tính của vật chất. Dù sao đi nữa, môn hình học – môn khoa học về không gian – không đơn thuần là một ngành khoa học như các ngành khác mà nó còn là cơ sở, là nền tảng của ngành vật lý và nhận thức luận.

Đến đây, hẳn ta bắt đầu rối trí vì các vấn đề triết học. Nhưng quả thật, khoa học không thể tách rời khỏi triết học, hai lĩnh vực này luôn luôn bổ túc cho nhau. Cái khó của chúng ta thường không phải là tính chất triết học của vấn đề được đặt ra, mà cái khó nằm ở chỗ ta phải quay lại với những khái niệm quá quen thuộuc như không gian thời gian, với những điều tưởng chừng như “có sẵn”. Thế giới quanh ta, không gian, thời gian, sự biến dịch vận động, tất cả những điều đó không sớm thì muộn sẽ bị khoa học và triết học thẩm vấn, thực chất chúng là chì, chúng nằm ngoài ta một cách độc lập hay chỉ là sự tương tác với giác quan của ta, vai trò của chúng đối với ý thức của ta như thế nào.

---o0o---


BÓNG TỐI VÀ ÁNH SÁNG TRONG THỜI TRUNG CỔ


Người Hy Lạp là một dân tộc kỳ lạ. Họ đã sản sinh cho loài người suốt một ngàn năm vô số nhân tài về khoa học và triết học. Trong thể kỷ thứ năm có một triết gia tên là Proclus. Ông là người triển khai thêm toán học của Euclid, mang lại cho nền toán học và hình học một vai trò trung tâm trong triết học về tự nhiên. Thế nhưng ông đồng thời cũng đưa ra nghi vấn, rằng các mô hình toán học về sư vận hành của các thiên thể chỉ là sự tiấp cận gần đúng, rằng có thể có nhiều giả thiết khác nhau nhưng lại lý giải ổn thỏa cho một hiện tượng duy nhất. Suy tư của ông cả ngàn năm sau mới được chứng nghiệm.

Một thí dụ cụ thể là ngành thiên văn. Thiên văn học của Ptolemy đặt giả định mọi thiên thể đều quay quanh trái đất. Giả định đó hoàn toàn sau, thế nhưng những tiên đoán về các hiện tượng nhật thực nguyệt thực vẫn xẩy ra chính xác. Mãi đến khi Copernicus vào khoảng đầu thế kỷ thứ 16 khẳng định “trái đất không phải là trung tâm của thế giới” trong tác phẩm Derevolutionibus, người ta mới hay các giả định cũ đều sai lầm từ cơ bản.

Suy nghĩ của Proclus mở đầu cho một quan niệm mới, đó là các mô hình không tương thích lẫn nhau vẫn có thể cho một lời giải giống nhau về mặt thực nghiệm. Điều này sẽ để lại ảnh hưởng rất lớn trong ngành vật lý và làm cho các lý thuyết gia cần cẩn trọng hơn về các mô hình của mình. Thực vậy, các cuộc cách mạng về vật lý đều bắt đầu bằng những mô hình mới về thực tại. Dần dần người ta biết rõ, một mô hình cho những tiên đoán chính xác không nhất thiết phải đúng với thực tại, chúng chỉ có khả năng “giải cứu hiện tuợng” chứ chưa chắc nói lên đúng bản thân thực tại.

Kể từ khoảng thế kỷ thứ năm công nguyên, dường như Hy Lạp đã cạn kiệt nhân tài. Gia tài khoa học và triết học Hy  Lạp được trao lại cho một thời kỳ mà ta gọi là thời “Trung cổ” đây là cách gọi của phương Tây, thời kỳ được xem là kéo dài từ thế kỷ thứ 5 đến cuối thế kỷ thứ 14. Thời kỳ Trung cổ được hậu thế tại phương Tây xem là “bóng tối” vì quả thật đây là một khoảng thời gian dài gần một ngàn năm mà vắng bóng những phát hiện khoa học và triết học quan trọng. Một lẽ khác mà phương Tây ưa xem nhẹ thời kỳ này là vì khoảng từ thế kỷ thứ 9 đến 13, nền văn minh và học thuật của người hồi giáo Ả Rập vượt trội hơn châu Âu trên tất cả mọi phương diện như triết học, khoa học, toán học, thiên văn cùng như y khoa. Nhân vật Ả Rập đáng kể nhất trong thời đại này phải là Averroes.

Averroes là một bác sĩ và là nhà tư tưởng được xem là xuất sắc của thế kỷ thứ 12. Ông sớm đến với các tác phẩm của Aristotle, vốn đã được dịch ra tiếng Ả Rập khoảng năm 950. Thời đại của Averroes là giai đoạn mà tư tưởng Hồi giáo bắt đầu xơ cứng, chỉ biết tin vào giáo điều, xa lánh khoa học, nghi ngờ triết gia. Không sợ bơi ngược dòng, Averroes theo những nguyên lý của Aristotle, theo đó thế giới là trường tồn, trí năng là thể tâm linh bất tử, con người có thể lý giải thế giới thông qua những định luật vật lý. Quan điểm triết học này về thiên nhiên chỉ làm các nhà chức sắc trong giáo hội Hồi giáo và cả thiên chúa giáo khó chịu. Averroes soi rọi và làm tinh tế thêm mối liên hệ giữa niềm tin và lý tính, giữa cái tin và cái biết, một trong những vấn đề trọng đại nhất của triết học phương Tây. Ông là một nhà bác học xuất chúng trong nhiều lĩnh vực và để lại gần 80 tác phẩm với khoảng 20.000 trang khảo cứu mọi vấn đề về triết học, lý luận học, y học, khoa học tự nhiên. Cuối đời, Averroes bị chủ nghĩa giáo điều của Hồi giáo lên án, bị lưu đày đi Marrakesh ở Bắc Phi và mất tại đó.

Trong lịch sử khoa học, Averroes là một trong những người đầu tiên bị chủ trương giáo điều của tôn giáo bức hại. Ông không hề là nạn nhân suy nhất vì cũng ngay trong thế kỷ thứ 12, Giáo hội Thiên chúa giáo cũng đã bắt đầu thi hành một thứ “Tòa án dị giáo” để lên án và uy hiếp một cách hết sức hà khắc những ai có ý kiến khác với họ. Nhiều nạn nhân cũa thứ toà án này là những nhân vật hết sức xuất chúng của khoa học mà về sau ta sẽ biết rõ. Và chế độ tòa án này kéo dài gần sáu trăm năm, đến thế ký 18 mới chấm dứt. “Bóng tối của thời Trung cổ”, như cách nói của phương Tây, không phải chỉ là thời đại ưu việt của Hồi giáo so với Thiên chúa giáo mà cách dùng chữ ám chỉ sự xuất hiện của tư tưởng áp đặt kẻ khác theo ý kiến của mình, dựa trên thần quyền hay sự độc tôn tư tưởng.

Sống đồng thời với Averroes có một người Đức  tên là Albertus Magnus. Ông được mệnh danh là “Doctor universalis”vì có một kiến thức và tầm nhìn hết sức uyên bác. Albertus Magnus là người đầu tiên nhấn mạnh vai trò thực nghiệm của khoa học tự nhiên. Đối với ông, lý thuyết không quan trọng mà “kinh nghiệm từ những quan sát cõ thể lặp lại là thầy dạy trong khoa học tự nhiên”. Ông trình bày quan điểm này qua những tác phẩm có qui mô từ thiên văn học cho đến khoa học về sinh vật, đất đá và cỏ cây, tất cả đều xất phát từ sự quan sát của chính mình. Albertus Magnus phải là người tiên phong cho một khuynh hướng quan trọng của ngành vật lý tương lai, khuynh hướng thực nhgiệm chuyên về quan sát và đo lường, khác với những đầu óc chuyên về lý thuyết và thiết lập mô hình.

Albertus Magnus có một học trò hết sức xuất sắc, người tiếp nối và hoàn thiện công trình của ông về sự thống nhất giữa triết học Aristotle và thần học Thiên chúa giáo. Đó là Thomas Aquinas, một tài năng vĩ đại.

Thomas Aquinas lớn lên giữa thế kỷ thứ 13 tại Ý. Đó là một thời kỳ bắt đều biến động tại Tây âu về mặt triết học, thần học và xã hội. Lúc mới lên năm, Thomas Aquinas đã được tưa vào tu viện để thụ huấn về thần học. Hồi đó Giáo hội Thiên chúa giáo phải  đối phó với những vấn đề hết sức nan giải và có khả năng bị xã hội cô lấp nếu không biết trả lời thích đáng những vấn đề của thời đại.

Vấn đề số một được đặt ra là mối liên hệ giữa niềm tin và khoa học; và khoa học ở đây là hệ thống đồ sộ của Aristotle. Điều oái oăm là tư tưởng của Aristotle vốn đã bị quên lãng vài trăm năm trước nay bỗng nhiên được sự chú ý của giới trí thức trong thế kỷ thứ 13, thông qua các triết gia Ả Rập, trong đó có Averroes. Trong thời đại này thì tư tưởng của Aristotle xuất hiện như một hệ thống có thể lý giải thực tại vắng lý tính. Trước khi tư tưởng Aristotle du nhập thì Giáo hội còn dựa vào chủ nghĩa “tân Plato” để nhìn thế giới như hình ảnh và dấu ấn của Thượng đế. Nay với quan điểm của Aristotle về thực tại, cho rằng khoa học được lý tính khai sinh, chủ trương này đối chọi trực tiếp với niềm tin của Giáo hội.

Đó cũng là thời kỳ mà các trường đại học tại châu Âu ra đời và mâu thuẫn giữa lý tính và niềm tin bỗng trở nên nan giải. Giáo hội không làm gì khác hơn là chống trả mãnh liệt. Vì thế, tư tưởng của Aristotle bị Giáo hội tẩy chay, đại học Paris bị cấm giảng dạy triết học về khoa tự nhiên của Aristotle từ năm 1215.

Song song với vấn đề trên, xã hội Tây âu bắt đầu hình thành một lớp thị dân có thế lực kinh tế và quyền hành chính trị. Các nhà nước Tây âu ra đời, nhiều nhà vua tìm cách xa lánh giáo hoàng Roma. Đồng thời trong Giáo hội cũng có nhiều khuynh hướng nảy sinh chống lại tính chất “nhập thể” quá mức của Thiên chúa giáo.

Trong bối cảnh rối ren đó, tuy bị cấm đoán, tư tưởng Aristotle vẫn thổi một luống không khí mới, cho con người tự tin về khả năng nắm bắt thực tại của chính mình, đẩy niềm tin vào một vị trí không cần thiết. Đúng lúc đó thì Thomas Aquinas ra đời.

Theo chính lời của Albertus Magnus thầy của Thomas Aquinas thì người học trò xuất sắc này không những thống nhất lý tính và niềm tin vào một mối, mà thống nhất cả hai nền triết học của Plato và Aristotle với nhau. Đối với Thomas Aquinas thì vũ trụ, con người, lý tính là niềm tin đều bắt nguồn từ Thượng đế cả, con người nhận thức được thực tại bằng ánh sáng của Thượng đế. Thượng đế tạo ra vũ trụ, cũng như con người tạo ra dụng cụ rồi sử dụng chúng, như nghệ nhân tạo nên tác phẩm nghệ thuật bằng ý chí của mình. Thượng đế là “phi cá thể, toàn trí, toàn năng, toàn hảo, bất động, không thể nghĩ bàn và là nguyên ủy của tất cả mọi sự xảy ra”. Thượng đế tạo dựng vũ trụ và các “đơn vị” – thí dụ một con người, đóa hoa hồng hay con lừa – sống trong vũ trụ đó với tính cá thể nhưng mang hình ảnh và tính chất như chính mình.

Thượng đế được Thomas Aquinas xem là nguyên nhân “uyên nguyên” của thực tại, còn sự vật bị biếtn dịch trong thực tại là do nguyên nhân “thứ cấp” của bản thân thực tại. Có khi Thượng đế trực tiếp can thiệp vào thực tại; và đó là lý do để “phép lạ” có thể xảy ra.

Hệ thống tư tưởng của Thomas Aquinas hết sức quy mô và phong phú. Ông đã cung cấp một nền triết học bao quát làm nền tảng cho Giáo hộ suốt vài trăm năm. Năm 1332, Thomas Aquinas được phong thánh, nắm 1567 được xem là “giáo thụ”, là tư tưởng gia Giáo hội Thiên chúa giáo, của cả một nền thần học phương Tây.

Thomas Aquinas mất năm 1274, trước vị thầy Albertus Magnus của mình. Ông nói riêng với người em gái: “Tất cả những gì tôi viết ra chỉ như một cọng rơm so với những gì tôi mặc khải”. Không ai biết ông đã được mặc khải nhũng gì.

---o0o---




tải về 1.29 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   18




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương