TIÊu chuẩn quốc gia tcvn 9436 : 2012



tải về 331.82 Kb.
trang3/4
Chuyển đổi dữ liệu14.08.2016
Kích331.82 Kb.
#18919
1   2   3   4

7.6.4. Nên đồng thời thi công phạm vi đắp đoạn tiếp giáp và phạm vi đắp các phần tứ nón. Đắp trong phạm vi khu vực tác dụng cũng nên thực hiện đồng thời với đắp khu vực tác dụng trên đoạn đường nối tiếp liền kề.

7.6.5. Trường hợp đắp đoạn tiếp giáp bằng đất gia cố hoặc vật liệu khác thì phải tuân thủ chỉ dẫn kỹ thuật trong hồ sơ thiết kế (kể cả các chỉ tiêu và phương pháp kiểm tra). Thi công các kết cấu khác như bản quá độ, gối kê hoặc đóng cọc đỡ cuối bản quá độ... nằm trong phạm vi đắp đoạn tiếp giáp phải tuân theo các chỉ dẫn và bản vẽ thiết kế.

8. Thi công nền đào

8.1. Công tác đào.

8.1.1. Phải thi công đào từ trên xuống, không được đào tùy tiện, không được đào khoét hàm ếch.

8.1.2. Trong quá trình thi công đào phải có biện pháp bảo đảm ta luy đang đào luôn ổn định. Đào đến gần mặt ta luy và gần đến cao độ đỉnh nền thiết kế phải cẩn thận để tránh đào quá. Nếu đất dễ bị mưa làm xói mặt thì nên bảo lưu một bề dày dưới 20 cm để đến khi hoàn thiện (hoặc trước khi thi công khu vực tác dụng và kết cấu áo đường) mới gọt nốt cho đến sát mặt ta luy và cao độ đỉnh nền thiết kế.

8.1.3. Trong quá trình thi công, nếu phát hiện điều kiện địa hình địa chất có sai khác với thiết kế, phải kịp thời đề xuất các thay đổi về độ dốc ta luy, về các biện pháp bảo đảm ổn định ta luy và cả về vị trí, kích thước rãnh đỉnh trên đỉnh ta luy. Các đề xuất thay đổi phải được trình duyệt theo các qui định về quản lý dự án.

8.1.4. Trong quá trình đào, nếu phát lộ tầng hoặc vết lộ nước ngầm thì phải ngừng thi công và đề xuất, trình duyệt các giải pháp xử lý. Trong khi chờ xử lý phải thực hiện ngay các biện pháp thoát nước tạm thời, dẫn nước ngầm thoát ra khỏi phạm vi thi công hoặc đào hào hạ nước ngầm, không được để nước ngầm tự do thấm hoặc chảy tràn lan.

8.1.5. Sau khi đào đến cao độ thiết kế phải lấy mẫu đất trong phạm vi khu vực tác dụng thí nghiệm các chỉ tiêu qui định tại 6.6.2 và 6.6.3 để quyết định xem có cần thay đất trong phạm vi khu vực tác dụng không.

8.1.6. Phải dựa vào điều kiện địa hình, loại hình mặt cắt ngang nền đào, chiều dài vận chuyển và hướng vận chuyển đất đào để chọn máy thi công và phương án thi công thích hợp. Máy thi công nên chọn loại phù hợp với phạm vi sử dụng an toàn và kinh tế của chúng (tham khảo bảng A-1 Phụ lục A). Trên một đoạn nền đào có thể sử dụng phương án đào suốt cả đoạn từng lớp từ trên xuống hoặc đào từng đoạn trên một phần hoặc toàn bộ trắc ngang. Chọn phương án thi công phải kết hợp bảo đảm điều kiện thoát nước tốt trong quá trình đào đất như đã qui định tại 6.5.5 và bảo đảm điều kiện làm việc thuận lợi cho xe máy.

8.2. Thi công mái ta luy đào.

8.2.1. Mỗi khi đào sâu được từ 2 m đến 3 m nên kiểm tra và chỉnh sửa mặt mái ta luy ngay cho đúng vị trí và độ dốc (đặc biệt là với các đoạn nền đào sâu).

8.2.2. Phải loại trừ ngay các khối đá cô lập hoặc rời rạc còn nằm trên mái ta luy.

8.2.3. Kiểm tra yếu tố hình học, độ bằng phẳng của mái ta luy phải được thực hiện kịp thời như qui định tại 8.2.1 và cả lúc trước khi tiến hành bất kỳ biện pháp gia cố nào trên mặt mái theo yêu cầu tại Bảng 1. Cứ 20 m dài phải kiểm tra chất lượng hoàn thiện mái ta luy đào tại một mặt cắt ngang.

8.2.4. Việc thi công kết cấu gia cố phòng hộ bề mặt ta luy đào nên được thực hiện càng sớm càng tốt (kể cả các rãnh đỉnh) và phải thực hiện đúng theo hồ sơ và chỉ dẫn kỹ thuật thiết kế.

8.3. Đổ đất thừa

8.3.1. Trước khi thi công phải kiểm tra thực địa các khu vực dự kiến cho đổ đất thừa để bảo đảm chắc chắn rằng việc đổ đất không gây tác dụng xấu đến cảnh quan môi trường và không vi phạm qui hoạch sử dụng đất của địa phương như đã qui định tại 4.7.

Không được đổ đất thừa trong phạm vi đất đai canh tác; không được đổ xuống sông, suối làm cản trở dòng chảy gây xói lở thềm sông hoặc sườn dốc phía dưới nền đào và gây ô nhiễm dòng chảy phía hạ lưu.



8.3.2. Đổ đất không được tạo ra các yếu tố tác động xấu đến mức độ ổn định của bản thân nền đường: không được đổ đất thừa trên mái ta luy nền đắp, trên mái thiên nhiên dưới nền đào nơi có địa chất xấu hoặc có mạch nước ngầm. Không được đổ dồn đống trên phần ngoài lề đường và trên đỉnh ta luy đào.

8.3.3. Việc đổ đất thừa nên tuân theo các quy định sau:

- Nên đổ tập trung ở một số khu vực được phép đổ, tránh việc đổ rải rác tùy tiện;



- Để đảm bảo ổn định, độ dốc mái ta luy đống đất thừa không nên dốc hơn 1:1,5, chiều cao không nên cao quá 3 m. Tại chỗ đổ nên rải và đầm nén tạo độ dốc 2% trên mặt đống đất đổ.

8.4. Thi công rãnh thoát nước.

8.4.1. Trước khi thi công phải xác định vị trí tim rãnh từ tim tuyến và phải cắm cọc tim rãnh. Nên cắm cả cọc vị trí mép rãnh biên.

8.4.2. Rãnh biên lúc đầu nên đào nhỏ hơn kích thước thiết kế. Chỉ đào gọt hoàn thiện rãnh đúng kích thước thiết kế sau khi đã hoàn thiện nền đường (gọt mui luyện nền và bạt lề xong). Tránh đào rãnh lấn vào thân và ta luy nền đường.

8.4.3. Đất đào từ rãnh biên không được đổ lên lề đường. Đất đào từ rãnh đỉnh có thể đắp thành bờ chắn nước (con trạch) phía dưới dốc ngang và phải được đầm cẩn thận với mái dốc đắp có độ dốc 1:1,5, mặt trên nghiêng về rãnh đỉnh với độ dốc 2% đến 4%. Mép ta luy con trạch phải cách đỉnh ta luy đào tối thiểu là 5 m.

8.4.4. Độ dốc rãnh đỉnh ở tất cả các đoạn nên dưới 5%, nếu quá 3% thì phải có biện pháp gia cố rãnh; nước từ rãnh đỉnh không được cho đổ trực tiếp xuống rãnh biên hoặc giếng tụ hay cửa cống mà phải dẫn cho đổ nước xuống phía thượng lưu cách cửa cống ít nhất 30 m thông qua dốc nước hoặc bậc nước.

8.4.5. Rãnh xây và các bậc nước, dốc nước phải xây bằng đá; mạch vữa không được rộng quá 40 mm và đầy vữa.

8.4.6. Các rãnh dốc nước, bậc nước bằng bê tông xi măng nên phân đoạn dài từ 2,5 m đến 5 m và bằng đá xây nên phân đoạn dài 5 m đến 10 m để thi công và phải chèn khe nối giữa các đoạn bằng vật liệu phòng nước.

8.4.7. Đường mép bờ rãnh biên phải song song với tim đường. Đường mép bờ của tất cả các loại rãnh ở các đoạn thẳng phải ngay thẳng, ở các đoạn rãnh cong phải cong đều, không được gãy khúc, uốn lượn tùy tiện đặc biệt khi thi công các đoạn nối tiếp rãnh với các công trình thoát nước khác, tuyến và mép rãnh phải nối tiếp một cách êm thuận.

8.4.8. Trước và sau khi thi công gia cố rãnh theo thiết kế, phải kiểm tra các yếu tố hình học. Cách thức kiểm tra chất lượng thi công các loại rãnh và sai số cho phép phải tuân theo các qui định tại Bảng 1.

9. Thi công nền đường nửa đào, nửa đắp và nền đường cải tạo, nâng cấp mở rộng

9.1. Thi công nền đường nửa đào, nửa đắp.

9.1.1. Sau khi thi công xử lý nền tự nhiên dưới đáy phần nền đắp theo các qui định tại 7.2 mới được bắt đầu thi công phần nền đào. Đất đào ra nếu phù hợp với các yêu cầu về vật liệu đắp qui định ở điều 5 thì có thể đẩy xuống phần nền đắp, san rải và đầm nén từng lớp từ dưới lên cao dần.

9.1.2. Việc thi công phần đào và phần đắp cũng phải tuân theo các qui định tại điều 7 và điều 8.

9.1.3. Phải đặc biệt chú trọng biện pháp bảo đảm sự đồng đều về sức chịu tải trong phạm vi khu vực tác dụng giữa phần nền đào và phần nền đắp, cần thiết phải thay đất trong phạm vi khu vực tác dụng của phần nền đào để tương đương với phần đắp.

9.2. Thi công nền cải tạo nâng cấp mở rộng

9.2.1. Phải dựa vào bản vẽ thiết kế thực hiện gọn việc phá dọn đá vỉa, lề đường cũ, các trang thiết bị, báo hiệu và phòng hộ ở phía mở rộng nền đường; rãnh xây phải được phá dỡ khối xây, vét sạch vật liệu cũ và rải đất đầm nén đạt độ chặt qui định tương ứng.

Khi lấp các rãnh biên cũ phải làm trước các rãnh thoát nước tạm để việc thoát nước trên đường cũ không bị ảnh hưởng dẫn đến gây trở ngại cho việc bảo đảm giao thông trên đường hiện có.



9.2.2. Trước khi thi công, phải làm các công trình tạm chắn không cho nước từ bất kỳ nguồn nào chảy vào khu vực thi công đào hoặc đắp mở rộng.

9.2.3. Xử lý đáy phần đắp mở rộng phải dựa vào hồ sơ thiết kế và tuân theo các qui định tại 7.2

9.2.4. Trước khi đắp phần mở rộng phải gạt bỏ mái ta luy nền đắp cũ hết bề dày lớp hữu cơ, sau đó tạo bậc cấp theo yêu cầu thiết kế rồi mới được đắp từng lớp từ dưới lên. Không được dùng đất đào gọt từ mặt mái ta luy nền đường cũ để đắp phần nền đắp mở rộng mới.

9.2.5. Lớp dưới cùng của phần nền đắp mở rộng nên dùng sỏi, cát hoặc đá dăm đắp thành một tầng đệm dày 30 cm. Nếu một phần nền đắp mở rộng bị ngập nước hoặc có điều kiện địa chất xấu phải xử lý theo thiết kế.

9.2.6. Vật liệu đắp phần nền mở rộng nên sử dụng cùng loại với vật liệu đắp nền cũ hoặc chọn loại vật liệu có tính nén lún thấp.

9.2.7. Thi công phần nền đào mở rộng phải tuân theo các qui định tại điều 8.

9.2.8. Trường hợp đường vừa khai thác vừa thi công cải tạo nâng cấp, mở rộng phải có các biện pháp điều khiển, khống chế để bảo đảm giao thông luôn thông suốt, an toàn và thuận lợi cho việc thi công nền đường. Trong mùa mưa phải có biện pháp hạn chế đất rơi vãi trên mặt đường đang khai thác và hạn chế thời gian xe phải chạy trực tiếp trên nền đất mới thi công (nên cố gắng làm mặt đường sớm).

9.2.9. Khi phải hạ hoặc tôn cao cả kết cấu áo đường cũ cần tuân theo các qui định sau:

- Chiều dày lớp đất kẹp giữa kết cấu áo đường cũ và kết cấu áo đường mới không được nhỏ hơn 50 cm.

- Vật liệu đào bỏ kết cấu mặt đường cũ có thể được tận dụng để đắp ở những vị trí thích hợp nhưng phải được chấp thuận bởi tư vấn thiết kế.

10. Thi công hạng mục phòng hộ và gia cố ta luy

10.1. Quy định chung

10.1.1. Chỉ được thi công các công trình phòng hộ và gia cố trên các mái ta luy đã chắc chắn ổn định, không có nguy cơ bị nước ngầm phá hoại, đã hoàn thiện bề mặt và đã được kiểm tra nghiệm thu mặt ta luy theo các qui định tại 7.4.3 hoặc 8.2.3.

10.1.2. Trước khi thi công cần đối chiếu thiết kế với điều kiện địa hình, địa chất, thủy văn tại chỗ, nếu thấy không thích hợp cần đề xuất thay đổi biện pháp phòng hộ, gia cố kịp thời.

10.2. Trồng cây, cỏ chống xói mái ta luy

10.2.1. Phải chọn giống, loại và thời tiết thích hợp với điều kiện địa phương khi trồng cây, cỏ. Phải chăm sóc cho đến lúc cây, cỏ sống (tưới, bón phân...). Nước tưới cây, cỏ không được lẫn dầu mỡ và các chất có a xít hoặc kiềm.

10.2.2. Khi trồng cỏ bằng gieo hạt phải xăm đất trước rồi rắc hạt đều và có biện pháp bảo vệ hạt không bị trôi theo nước mưa, lượng hạt khoảng 200 g cho 100 m2. Khi trồng bằng vầng cỏ phải có bề dày vầng đất phía dưới từ 5 cm đến 10 cm, kích thước bề mặt vầng đất có cỏ từ 20 cm đến 30 cm. Trước khi xếp vầng cỏ phải xăm mặt sâu 3 cm đến 5 cm và phải găm vầng cỏ vào mặt ta luy bằng các đinh tre dài 15 cm đến 20 cm.

Vầng cỏ có thể xếp thành hàng song song với mép đường, khoảng cách giữa tim hai hàng cỏ khoảng 1,5 lần bề rộng vầng cỏ. Cũng có thể xếp thành ô vuông chéo với mép đường 450, mỗi ô có kích cỡ 1,2 m x 1,2 m, khoảng cách giữa tâm các ô là 1,4 m.



10.2.3. Việc trồng và chăm sóc các loại cây, cỏ và trồng cỏ bằng các kỹ thuật đặc biệt (phun hạt giống bằng máy, trồng trong các lồng bằng vải địa kỹ thuật... hoặc phun bắn các vầng cỏ lên mặt ta luy) phải tuân theo các chỉ dẫn của thiết kế.

10.2.4. Khi thi công trồng cây, cỏ ở mái taluy nên thực hiện từ dưới chân lên dần phía đỉnh; mái ta luy đào nên trồng quá đỉnh ta luy tối thiểu 1,0 m.

10.2.5. Kiểm tra chất lượng trồng cây, cỏ

- Diện tích cây, cỏ bị chết không được quá 10% và không có vùng cây cỏ bị chết thành mảng trên 1,0 m2;

- Bề dày lớp cỏ trồng nên dưới 10 cm;

- Kiểm tra ở thời điểm sáu tháng sau khi trồng, nếu không đạt yêu cầu nói trên thì phải trồng bổ sung;

- Việc trồng cây, cỏ trong các khung bê tông hoặc các ô xây đá để gia cố mái ta luy cũng được kiểm tra theo chỉ tiêu nói trên.

10.3. Thi công tầng phòng hộ bằng xếp đá khan và xây đá hoặc xây viên bê tông đúc

10.3.1. Phải dùng đá loại cứng có cường độ chịu nén lớn hơn 40 MPa (nếu là bê tông xi măng thì cũng nên có cường độ chịu nén lớn hơn 20 MPa), không được dùng đá đang phong hóa. Kết cấu lớp phòng hộ (kết cấu móng phía chân mái dốc, kết cấu lớp đệm...) phải theo đúng thiết kế.

10.3.2. Tầng phòng hộ xếp khan nên có phần chân móng xây vữa, đặc biệt là trường hợp phòng hộ mái ta luy nền đào có rãnh biên ở dưới chân ta luy.

10.3.3. Khe nối các viên đá xếp khan phải so le và phải được chêm chèn chặt bằng đá nhỏ.

10.3.4. Cường độ vữa xây phải đúng như yêu cầu thiết kế.

10.3.5. Việc xây đá hoặc viên bê tông xi măng phải kết thúc trước khi vữa bắt đầu ninh kết và phải bảo dưỡng (tưới nước) ngay khi vữa vừa ninh kết.

Khe nối mạch vữa xây phải so le và đầy vữa.



10.3.6. Chỉ nên xây tầng phòng hộ sau khi nền đường đã lún đạt yêu cầu qui định ở các tiêu chuẩn thiết kế và thi công nền đắp trên đất yếu hiện hành.

10.3.7. Xây đá hoặc bê tông phải có khe co dãn và phòng lún cách nhau từ 10 m đến 15 m, bề rộng khe 20 mm đến 30 mm. Phải để lỗ thoát nước theo đúng bản vẽ thiết kế.

10.3.8. Tại các vị trí ta luy có thể ngập nước, móng chân khay của tầng phòng hộ xây phải đặt sâu tối thiểu 1,0 m dưới cao độ bị xói. Nếu đào móng thấy điều kiện địa chất xấu, khác với bản vẽ thiết kế thì phải đề xuất biện pháp xử lý.

Sau khi xây xong và nghiệm thu móng, phải đắp hoàn trả ngay bằng vật liệu như yêu cầu thiết kế.



10.3.9. Kiểm tra chất lượng thi công

- Mặt lớp xếp khan hoặc lớp xây phải bằng phẳng. Các khe nối (xếp hoặc xây vữa) không có kẽ hở, phải so le, được chèn chặt, mạch vữa phải đầy. Các viên đá phải tiếp xúc với mặt mái ta luy, không được gối đè lên nhau;



- Cách kiểm tra và chất lượng tầng xếp khan phải đạt yêu cầu như tại Bảng 4, đối với tầng xây đá; phải đạt yêu cầu như tại Bảng 5 kể cả đối với xây viên bê tông xi măng.

Bảng 4: Cách kiểm tra và tiêu chuẩn chất lượng tầng phòng hộ xếp khan

Nội dung kiểm tra

Sai số cho phép so với thiết kế

Cách kiểm tra

Bề dày tầng phòng hộ

± 50 mm

100 m2 đo kiểm tra ngẫu nhiên bốn vị trí

Cao độ mặt tầng phòng hộ

± 30 mm

Dùng máy thủy bình đo ngẫu nhiên năm điiểm cho một đoạn dài 20 m

Độ bằng phẳng mặt tầng phòng hộ

50 mm (khe hở dưới thước 2 m)

Cứ 20 m dài đo năm vị trí

Bảng 5: Cách kiểm tra và tiêu chuẩn chất lượng tầng phòng hộ xây

Nội dung kiểm tra

Sai số cho phép so với thiết kế

Cách kiểm tra

Cường độ vữa

Không nhỏ hơn thiết kế

Cứ một ca thi công lấy hai tổ mẫu để thử

Cao độ

Mặt trên

± 20 mm

Máy thủy bình đo trước và sau khi xây. Cứ 20 m dài đo năm vị trí ngẫu nhiên

Mặt đáy

- 20 mm

Kích thước trên mặt cắt ngang tầng phòng hộ

± 30 mm

Cứ 20 m dài đo năm vị trí ngẫu nhiên

Độ bằng phẳng mặt tầng phòng hộ

30 mm (khe hở dưới thước 2 m)

Một đoạn dài 20 m đo ngẫu nhiên năm vị trí bằng thước 2 m

10.4. Thi công phòng hộ ta luy bằng cách đổ đá

10.4.1. Phải dùng loại đá cứng, chịu nước tốt, khó phong hóa; kích cỡ đá phải tùy thuộc chiều sâu nước ngập, tốc độ dòng chảy và áp lực sóng vỗ vào ta luy nhưng tối thiểu phải lớn hơn 300 mm.

10.4.2. Độ dốc của mái ta luy đá sau khi đổ phải thoải hơn góc nghỉ tự nhiên của đá ướt. Bề dày tầng đá phòng hộ không được nhỏ hơn 2 lần cỡ đá lớn nhất.

10.4.3. Nên chọn mùa nước cạn để thi công, nên dùng đá kích cỡ nhỏ đổ lẫn với đá có kích thước lớn hơn.

10.4.4. Kiểm tra chất lượng thi công:

- Kích cỡ đá và loại đá phải phù hợp với thiết kế.

- Vị trí đổ đá trên mặt bằng, khu vực đổ đá phải phù hợp với thiết kế (Sai số cho phép là -20 cm so với thiết kế), cao độ đỉnh đê đổ đá không thấp hơn thiết kế, độ dốc mái ta luy đống đá đổ không dốc hơn thiết kế.

10.5. Thi công tường chắn các loại và các công trình chống đỡ khác.

Thi công các loại công trình này phải tuân thủ các quy định trong chỉ dẫn kỹ thuật của hồ sơ thiết kế (kể cả cách kiểm tra và chỉ dẫn kiểm tra chất lượng thi công).



11. An toàn và bảo vệ môi trường trong quá trình thi công nền đường

11.1. Quy định chung

11.1.1. Trước khi thi công phải nghiên cứu kỹ các điều kiện địa hình, hồ sơ địa chất, thủy văn tại chỗ và dự báo các diễn biến thời tiết (mưa, bão...) có thể xảy ra để có biện pháp dự phòng nhằm bảo vệ an toàn cho người, xe máy tài sản như yêu cầu tại 4.6 và phải có các biện pháp hạn chế tác động xấu đến môi trường như yêu cầu tại 4.7.

11.1.2. Các biện pháp đảm bảo an toàn lao động phải dựa vào các văn bản pháp quy hiện hành hữu quan về bảo vệ sức khỏe, phòng chống cháy nổ, phòng chống dịch bệnh. Các biện pháp hạn chế tác động đến môi trường phải dựa trên báo cáo đánh giá tác động môi trường với các nội dung chi tiết quy định ở các văn bản pháp quy hiện hành đối với giai đoạn thi công các dự án; đặc biệt nên chú trọng điều tra các tuyến đường ống ngầm, đường dây điện, cáp quang ngầm trong phạm vi thi công.

11.1.3. Phải bố trí các biển báo rõ ràng và có sức thu hút sự chú ý để nhắc nhở mọi lực lượng thi công, dân cư lân cận và người đi qua phạm vi thi công có ý thức tự bảo vệ.

11.2. Các biện pháp bảo đảm an toàn thi công.

11.2.1. Phải có chiếu sáng nếu thi công về đêm. Sử dụng mạng điện chung phải tuân thủ các quy định của ngành điện lực.

11.2.2. Khi thi công đường tạm, cầu tạm phải bố trí cảnh báo, biển báo hoặc người trực tiếp chỉ dẫn giao thông.

11.2.3. Người tham gia thi công phải được huấn luyện trước về các quy tắc đảm bảo an toàn lao động trong công việc cụ thể của mình và phải mặc trang phục bảo hộ lao động khi vào hiện trường thi công. Người phối hợp với máy phải tránh làm việc ngay trong phạm vi máy đang thao tác.

11.2.4. Giữa các máy cùng thi công phải chú trọng giữ một khoảng cách đủ an toàn. Máy không được đi lại sát các rãnh, các hố móng, sát mép ta luy và các chỗ nền kém ổn định.

11.2.5. Máy chỉ được đào gần sát các thành vách cách công trình nhân tạo một khoảng đủ để bảo vệ an toàn cho công trình, khi đào lân cận các công trình này cần đặt biển cảnh báo.

11.2.6. Đào hố móng công trình hoặc đào các hào thoát nước phải có biện pháp đảm bảo vách hào ổn định (có mái dốc hoặc có cừ chống đỡ...) tùy theo điều kiện địa chất, thủy văn và chiều sâu đào. Nếu đào dưới chân mái taluy nền đường hoặc mái dốc thiên nhiên nên áp dụng biện pháp đào cách quãng xen kẽ, đào một đoạn và xây xong móng công trình hoặc đào một đoạn đặt hào, ống thoát nước xong, lấp lại rồi mới đào và thi công các đoạn xen kẽ còn lại. Nếu đào móng hoặc hố đào sâu thì phải đặt biển cảnh báo, bố trí hàng rào phòng hộ và phải theo dõi tình trạng biến động của bờ vách đào để có biện pháp xử lý kịp thời, đổ đất đào móng không được ảnh hưởng đến sự ổn định của vách đào.

11.2.7. Làm vòng vây chắn nước để thi công móng các công trình phòng hộ dưới taluy đắp có ngập nước phải dự báo mức nước ngập, dự báo khả năng có cát chảy, cát đùn để dự kiến biện pháp đề phòng.

11.2.8. Dùng thiết bị băng tải các kiểu hoặc các giá nâng kéo vật liệu lên cao để vận chuyển đá, phải bố trí công nhân chuyên nghiệp chỉ huy, cấm sử dụng quá tải, cấm dùng băng tải chở người.

Khi chuyển đá cấm người làm việc đứng, ngồi dưới các thiết bị nâng vật liệu lên cao.



11.2.9. Khi thi công xây lắp các tầng phòng hộ ta luy, cấm đi lại trên phần mặt dốc vừa xây, không được lăn đá, vật liệu hoặc dụng cụ từ trên cao xuống.

11.2.10. Khi dùng các máy phun vữa, máy hơi ép phải thường xuyên theo dõi đồng hồ đo áp lực, nếu có hiện tượng gia tăng hoặc chạy bất bình thường thì phải cắt điện ngừng máy kiểm tra xử lý.

11.2.11. Khi thi công nền đường nếu phải dùng đến biện pháp nổ mìn thì nhất thiết phải có thiết kế nổ mìn và lập hộ chiếu nổ mìn (Vị trí đặt thuốc nổ trên bình đồ, loại thuốc, biện pháp gây nổ, thời gian gây nổ, phạm vi các cự ly an toàn cho người thi công nổ mìn, cho công trường và cho dân cư, các chỉ dẫn khác về xử lý mọi tình huống có thể xảy ra khi thi công nổ mìn). Thi công nổ mìn phải tuân theo các quy định sau:

- Phải đào tạo các nhân viên chuyên nghiệp. Khi thi công phải có phân công và quy định trách nhiệm rõ cho từng người.

- Phải có cảnh báo và hiệu lệnh phòng tránh cho công trường và dân cư xung quanh, những nơi có người đi lại phải bố trí người canh gác và barie ngăn chặn.

- Trước khi gây nổ phải có người chuyên trách kiểm tra thi công mạng lưới gây nổ.

- Các nhân viên làm công tác liên quan đến bảo quản, vận chuyển, lắp đặt và gây nổ không được mặc quần áo có mang theo các vật dễ gây ra tĩnh điện.

- Vật tư gây nổ phải bảo quản riêng rẽ, thường xuyên kiểm tra và loại bỏ các vật tư kém hoặc suy giảm chất lượng. Phải thực hiện đúng các qui định khi nhập và xuất vật tư gây nổ và các qui định hiện hành khác về cất giữ vật liệu gây nổ.

- Lỗ mìn tránh đặt trực diện với đường đi, đường dẫn điện và các nhà cửa công trình xung quanh. Cấm lắp đặt thuốc nổ ở các lỗ mìn cũ không nổ.

- Khi mìn nổ, phải đếm số tiếng nổ để kiểm tra xem có phù hợp với số lỗ mìn đã lắp đặt không. Nếu phát hiện mìn câm, phải xử lý theo chỉ dẫn ở hộ chiếu bắn mìn.

- Thi công nổ mìn không nên thực hiện về đêm; gặp mưa, sấm chớp phải ngừng thi công và rút hết người ra khỏi phạm vi thi công.

- Mìn đã lắp đặt phải cho nổ ngay trong cùng một ca công tác.

- Phải thận trọng khi dọn đá vỡ sau khi gây nổ. Nếu phát hiện mìn câm hoặc đá ở vị trí dễ lăn đổ thì phải báo cáo và bố trí cảnh báo kịp thời.

11.3. Bảo vệ môi trường.

11.3.1. Phòng ngừa ô nhiễm đất, nguồn nước và xói lở đất:

- Phải cố gắng hạn chế và rút ngắn thời gian sử dụng đất phục vụ thi công.

- Không được lấy đất, khai thác cát, đá tùy tiện như đã qui định tại 4.7 và ở những nơi có dòng chảy dễ gây xói lở đất.

- Các rãnh thoát nước tạm thời trong quá trình thi công không được cho chảy ra ruộng vườn, hồ ao khác.

- Trong quá trình thi công phải đổ bỏ, chôn lấp phế liệu, phế thải sinh hoạt tại các nơi được phép của chính quyền địa phương, đặc biệt là phế thải có lẫn dầu mỡ dễ gây ô nhiễm nguồn nước.



tải về 331.82 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương