TIÊu chuẩn ngành 14tcn 59: 2002 nhóm d


PHỤ LỤC E – QUY ĐỊNH VỀ VIỆC ĐỔ BÊ TÔNG DƯỚI NƯỚC



tải về 0.74 Mb.
trang10/11
Chuyển đổi dữ liệu23.07.2016
Kích0.74 Mb.
#2959
1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11

PHỤ LỤC E –

QUY ĐỊNH VỀ VIỆC ĐỔ BÊ TÔNG DƯỚI NƯỚC


(bắt buộc áp dụng)

E.1. Đổ bê tông dưới nước, phải theo quy định của thiết kế, đồng thời bảo đảm các yêu cầu sau:

  1. Hỗn hợp bê tông phải có đủ tính lưu động, tính kết dính (tính ổn định chống phân cỡ);

  2. Bảo đảm sự khít chặt của cốp pha (hay các bộ phận ngăn nước khác) để cho hỗn hợp bê tông không bị trôi đi do tác động của dòng nước;

  3. Phải đổ liên tục hỗn hợp bê tông, đồng thời rút ngắn thời gian thao tác. Trong một khối kết cấu, bê tông phải đổ theo một phương pháp như nhau, trong quá trình đổ phải kiểm tra đảm bảo chất lượng và chiều cao khối đổ.

E.2. Phương pháp đổ bê tông dưới nước chỉ nên áp dụng ở những công trình thứ yếu, phụ. Tuỳ từng trường hợp áp dụng các phương pháp sau:

  1. Phương pháp ống dẫn;

  2. Phương pháp đẩy vữa lên;

  3. Phương pháp đầm nện;

  4. Phương pháp xếp bao;

  5. Phương pháp dùng thùng chuyên chở.

E.3. Phương pháp ống dẫn: áp dụng khi chiều sâu của nước từ 1,5 - 50m, công trình bê tông đòi hỏi độ bền cao và tính liền khối.

E.3.1. ống để đổ hỗn hợp bê tông theo phương pháp ống dẫn nên làm bằng kim loại, kín, không có khe hở, có đường kính 20 - 40 cm. Đường ống chính được ghép bằng những đoạn ống có chiều dài 1 - 3 m và khi ghép phải bảo đảm thật kín nước. Có thể dùng những đoạn ống ngắn nối lại, nhưng mặt bên trong của ống phải nhẵn. ở đáy ống có nắp có thể đóng mở bằng kết cấu tự động.

Số lượng và vị trí đặt ống phải căn cứ vào phạm vi đổ và bán kính tác dụng của ống. Nói chung bán kính tác dụng của ống không quá 6m.



E.3.2. Bê tông đổ theo phương pháp ống dẫn phải đáp ứng các yêu cầu sau:

  1. Cốt liệu lớn nên dùng sỏi, hoặc sỏi có pha 20 - 30% đá dăm (tính theo % trọng lượng) và cần có phụ gia hoá dẻo;

  2. Kích thước lớn nhất của cốt liệu không được vượt quá 1/4 đường kính của ống, thường không lớn quá 6 cm;

  3. Độ sụt của hỗn hợp bê tông bằng: 6 - 12 cm khi đổ có chấn động; 16 - 20 cm khi đổ không chấn động. Khi bắt đầu đổ, độ sụt bé hơn một ít và lúc công tác đổ gần kết thúc có thể tăng độ sụt để cho hỗn hợp bê tông chảy ra và tự san bằng;

  4. Khi thiết kế thành phần của hỗn hợp bê tông, cường độ bê tông phải lấy cao hơn 20  25% so với cường độ dự kiến trong thiết kế.

E.3.3. Trong quá trình đổ, ống dẫn phải thường xuyên chứa đầy hỗn hợp bê tông, được nâng cao dần lên theo chiều cao đã đổ nhưng phải bảo đảm luôn luôn ngập trong khối bê tông (không ít hơn 0,8m khi chiều sâu đổ bê tông dưới 10m và không ít hơn 1,5m khi chiều sâu đổ bê tông dưới 20m) để hỗn hợp bê tông ở trong ống đi ra không tiếp xúc trực tiếp với nước.

Ống dẫn chỉ được nâng lên, hạ xuống, không di chuyển ngang.

Đáy ống khi bắt đầu đổ phải đặt gần sát mặt nền (khoảng 5-10cm) và nên đặt ở chỗ trũng.

E.3.4. Tốc độ chuyển động của hỗn hợp bê tông trong ống phải phù hợp với khả năng cung cấp hỗn hợp bê tông, bảo đảm trong ống luôn đầy đến miệng phễu. Tốc độ lớn nhất không được vượt quá 12 cm/s (giảm tốc độ bằng cách cắm sâu ống vào trong khối đổ).

E.3.5. Độ dốc của mặt hỗn hợp bê tông mới đổ (từ ống đến cốp pha) không vượt quá 1:5 (giảm độ dốc bằng cách tăng tốc độ đổ và nâng cao độ sụt của hỗn hợp bê tông).

E.3.6. Nếu cung cấp hỗn hợp bê tông bị gián đoạn, cần cho ống bị rỗng. Khi thời gian gián đoạn dài, chỉ được đổ lại khi:


  1. Cường độ của khối đổ bê tông đổ dưới nước đạt đến 2,5 MPa (25 kG/cm2);

  2. Sau khi đã lấy lớp hỗn hợp bê tông yếu ở trên mặt (có chiều dày 10 - 15cm);

  3. Có biện pháp bảo đảm sự liên kết chặt chẽ giữa bê tông mới đổ và bê tông đã đông cứng (như các móc neo).

E.4. Phương pháp đẩy vữa lên: áp dụng khi không thể dùng phương pháp ống dẫn (do kỹ thuật, hoặc không có hiệu ích kinh tế) để sửa chữa các công trình trong điều kiện chật hẹp, khi đổ bê tông những công trình có khối lượng nhỏ, cốt thép bố trí dày đặc và những công trình gồm các phần xây bằng đá; Phương pháp này áp dụng khi chiều sâu của nước không vượt quá 20m. Trường hợp dùng vữa xi măng không cát hoặc loại vữa gồm phụ gia dạng bột thì có thể áp dụng cho chiều sâu đổ bê tông từ 20 - 50m.

Phương pháp đẩy vữa lên được tiến hành như sau: Trong khối đá đổ hoặc khối đá dăm đặt một ống có đường kính 37 - 100 mm, qua ống đó nén vữa xi măng cát, vữa xi măng không cát hoặc vữa xi măng với phụ gia dạng bọt vào các khối cốt liệu đó. Vữa dâng từ dưới lên, đẩy nước ra khỏi các khe hở của khối cốt liệu và thành một khối liên kết. Trong qúa trình đổ, nâng ống dần lên nhưng luôn luôn ngập sâu trong vữa không ít hơn 0,8 m. Bán kính tác dụng của ống xác định bằng thực nghiệm. Trong thực tế bán kính đó có thể lấy không vượt quá 3m khi nén vữa vào đá đổ và không vượt quá 2m khi nén vữa vào đá dăm.



E.5. Phương pháp đầm nện: áp dụng khi chiều sâu của nước nhỏ hơn 1,5m, ở các kết cấu mà cao trình đỉnh của khối đổ nằm trên mực nước.

Đổ bê tông bằng phương pháp đầm nện phải theo quy định sau:



  1. Độ sụt của hỗn hợp bê tông vào khoảng 5 - 7 cm. Mái của khối đổ được đầm nện tạo thành một góc 35 - 45o so với mặt phẳng nằm ngang;

  2. Khối bê tông đổ đầu tiên phải bắt đầu từ mé bờ hoặc góc của khối cần đổ; nên dùng ống hoặc các thùng đặc biệt (thùng chuyên chở) để đổ và làm cho đống hỗn hợp bê tông cao hơn mặt nước khoảng 30 cm trở lên;

  3. Các phần hỗn hợp bê tông tiếp tục được đầm nện vào đống bê tông đã đổ trước phải tiến hành đều đặn theo một trình tự nhất định, không phá hoại quá trình đông cứng của bê tông đã đổ trước và cách mép nước ít nhất 20 - 30 cm;

  4. Phải có biện pháp chống xói lở do nước và các tác dụng cơ học khác cho bề mặt của khối bê tông nằm trên nước.

E.6. Phương pháp xếp bao: áp dụng ở những bộ phận phụ, không quan trọng; Thường áp dụng làm vật lấp kín khe hở giữa cốp pha và nền, thay cho cốp pha để đổ bê tông ở độ sâu mực nước dưới 2m, làm vật chắn nước tạm thời các hang hốc và các chỗ bị hư hỏng.

Đổ bê tông theo phương pháp xếp bao phải bảo đảm các yêu cầu sau:



  1. Bao bì để chứa hỗn hợp bê tông nên dùng loại bao bì có sợi chắc (bao tải) có dung tích khoảng 10 - 20 lít;

  2. Hỗn hợp bê tông được chứa trong bao nên có thể tích bằng 2/3 thể tích của bao để cho bao bê tông có thể biến dạng một cách thích ứng khi xếp, bảo đảm độ khít chặt giữa các bao;

  3. Độ sụt của hỗn hợp bê tông chứa trong bao tốt nhất là 2 - 5 cm, kích thước của cốt liệu không lớn hơn 10mm. Không được dùng bê tông trộn khô ở trong bao;

  4. Bao bê tông phải xếp so le nhau.

E.7. Phương pháp dùng thùng chuyên chở (các thùng mở được, chuyên chứa hỗn hợp bê tông, các gàu ngoạm): có thể dùng đối với mác bê tông nhỏ hơn 20 để đưa hỗn hợp bê tông đến nơi đổ và trút qua đáy thùng mở ra hoặc có cánh cửa mở. Thường dùng loại thùng chuyên chở dung tích từ 0,2 - 0,3m3, đậy kín ở trên và có thể bịt kín xung quanh các kẽ hở của nắp đáy, ngăn không cho hỗn hợp bê tông rơi ra tự do qua một lớp nước. Phương pháp này có thể áp dụng với chiều sâu của nước bất kỳ, đổ hỗn hợp bê tông ở những mặt nền mấp mô nhiều.

E.8. Cao trình của khối đổ phải cao hơn cao trình thiết kế khoảng 10 - 20 cm để sau khi đục lớp bê tông yếu trên mặt đi thì cao trình mặt bê tông bảo đảm đúng cao trình thiết kế.

a) b)




Hình E.1: Sơ đồ đổ bê tông dưới nước

a) Phương pháp ống dẫn; b) Phương pháp đẩy vữa lên

1. ống di chuyển theo chiều thẳng đứng; 2. Cốp pha hoặc đê quai ngăn nước;

3. Vữa bê tông đổ xuống; 4. ống cung cấp vữa; 5. Khối đá đổ;

6. ống bảo vệ; 7. Khối đá đổ đã được vữa lấp kín các kẽ hở.



Hình E.2: Sơ đồ đổ bê tông dưới nước bằng phương pháp đầm nện

PHỤ LỤC F –

QUY ĐỊNH THI CÔNG BÊ TÔNG BẰNG PHƯƠNG PHÁP NÉN VỮA



(bắt buộc áp dụng)

F.1. Thi công bê tông bằng phương pháp nén vữa là dùng cốt liệu lớn, sạch đổ và lèn chặt vào trong khoảnh đổ sau đó nén vữa vào các khe hở của cốt liệu, vữa và cốt liệu lớn đông kết thành bê tông. Phương pháp nén vữa bê tông áp dụng thích hợp với các công trình sau:

  1. Bộ phận công trình có bố trí cốt thép dày đặc, hoặc có đặt sẵn các cấu kiện phức tạp, công trình thi công dưới nước và những công trình khác khó đổ, khó đầm (như thi công đường hầm);

  2. Tu sửa, gia cố kết cấu bê tông và bê tông cốt thép.

F.2. Thi công bằng phương pháp nén vữa, phải căn cứ vào quy định trong văn bản thiết kế và quy trình thi công mà tiến hành, không được tuỳ ý thay đổi, chỉ thay đổi khi có tài liệu thí nghiệm và luận chứng rõ ràng và được thiết kế và cơ quan có thẩm quyền đồng ý.

F.3. Cốp pha: ngoài quy định ở Điều 3.1, còn phải tiến hành thiết kế kết cấu cốp pha, tránh hiện tượng biến dạng và sự cố trong quá trình nén vữa. Cốp pha phải kín, không được chảy vữa. Đỉnh của cốp pha nên chừa lỗ để khi nén vữa, không khí và hơi nước trong cốt liệu theo lỗ đó thoát ra ngoài.

F.4. Cốt liệu lớn nên dùng cấp phối gián đoạn. Chất lượng cốt liệu lớn phải phù hợp với tiêu chuẩn của bê tông thông thường, kích thước nhỏ nhất của cốt liệu lớn không nên dưới 2-3 cm), nên dùng cốt liệu có đường kính lớn, nhưng phải phù hợp với yêu cầu để giảm bớt kẽ hở trong cốt liệu lớn. Trước khi sử dụng cốt liệu lớn phải rửa sạch, sàng bỏ những hạt nhỏ và tạp chất. Cốt liệu lớn phải đảm bảo có cấp phối phù hợp với thiết kế. Nếu điều kiện thiết bị cho phép thì sau khi đổ xong cốt liệu dùng máy đầm để lèn chặt giảm bớt kẽ hở, tiết kiệm xi măng. Khi đầm không được làm cốt liệu lớn bị nát vụn, nói chung mức kẽ hở khoảng 30 - 40%.

F.5. Nên dùng loại cát nhỏ, nếu cát có đường kính vượt quá 2,5mm thì cần phải sàng lại để loại bỏ, mô đun độ lớn tốt nhất vào khoảng 1,2 - 2,4. Chất lượng của cát phù hợp với các yêu cầu về bê tông thông thường.

F.6. Vữa dùng để nén vào các kẽ hở của cốt liệu phải có tính lưu động tốt và không bị phân cỡ nhằm bảo đảm vữa vẫn có thể được nén vào các kẽ hở của cốt liệu dưới một áp lực nhỏ. Nên trộn vào trong vữa những vật liệu hỗn hợp hoạt tính (bột tro bay, xỉ v.v...) và các chất phụ gia khác (chất tạo bọt, chất hoá dẻo).

F.7. Để cho vữa có thể tích tăng lên thêm một ít trước thời kỳ đông kết ban đầu, nhằm giảm bớt độ co ngót của vữa, có thể trộn thêm một lượng bột nhôm thích hợp. Bột nhôm nên trộn đều với vật liệu hỗn hợp (lượng bột nhôm vào khoảng 0,4 đến 1 phần vạn của tổng trọng lượng xi măng và hỗn hợp vật liệu).

F.8. Khi thiết kế tỉ lệ pha trộn các thành phần của bê tông theo phương pháp nén vữa, nên căn cứ vào quan hệ giữa cường độ của bê tông nén vữa và cường độ của vữa. Trước hết nên dùng phương pháp thí nghiệm để tìm quan hệ giữa cường độ bê tông nén vữa và cường độ của vữa, rồi căn cứ vào cường độ của vữa để xác định tỉ lệ pha trộn.

F.9. Khi vận chuyển vữa có thể dùng loại bơm pít tông hoặc bơm có màng rung động, đối với khối lượng công trình tương đối lớn có thể dùng máy bơm bê tông. Để tránh cốt liệu lớn và tạp chất lẫn vào trong vữa, trước khi vào máy bơm vữa nên cho vữa đi qua sàng có kích thước lỗ 5  5mm.

F.10. Nên dùng máy để trộn vữa, lượng vữa phải thích ứng với phương tiện chuyển vữa vào trong kẽ cốt liệu. Nếu thiếu máy trộn vữa, có thể dùng máy trộn bê tông.

F.11. Đường ống chuyển vữa phải có đầu nối dễ tháo lắp và dễ rửa. Khi bố trí đường ống, cần không gây ra những hiện tượng cản trở, làm tắc ống trong suốt quá trình chuyển vữa. Cần phải theo các quy định sau:

  1. Chiều dài ống dẫn nên bố trí ngắn nhất;

  2. Đường ống có độ cong ít nhất, không có những chỗ gãy gấp;

  3. Góc giao nhau giữa ống nhánh và ống chính không được nhỏ hơn 60o. Chiều dài của ống nhánh tốt nhất là bằng nhau để tránh hiện tượng lượng vữa đi ra không đều do lực cản của các đường ống không đều.

F.12. Hình thức bố trí đường ống nén vữa: căn cứ vào hình dạng và mặt cắt lớn hay nhỏ của kết cấu mà xác định. Đường ống có thể đặt nằm ngang, xuyên qua mặt bên của cốp pha, hoặc đặt đứng. Khi đặt đứng, đường ống nên cách cốp pha ít nhất là 0,5m để tránh gây áp lực lớn đối với cốp pha. Đường ống nên đặt đồng thời cùng với việc đổ cốt liệu. Vị trí và khoảng cách của đường ống phải xác định theo thí nghiệm và tuỳ theo phạm vi đổ, bán kính của ống, độ lưu động của vữa, áp lực phụt vữa mà xác định; Nói chung, khoảng cách của đường ống nên lấy 1,5 - 2,0 m.

F.13. Dùng phương pháp nén vữa để tu sửa hoặc gia cố những bộ phận bê tông bị hư hỏng, trước hết cần phải đục bỏ phần bê tông hư hỏng và dùng tia nước rửa sạch, sau đó mới lèn cốt liệu và phụt vữa.

F.14. Trước khi thi công phải vận hành thử máy móc, thiết bị và tiến hành thí nghiệm ép nước vào trong các đường ống để kiểm tra ống có bị rò chảy hay không.

F.15. Thời gian trộn vữa không được dưới 3 phút. Mẻ vữa đầu tiên nên dùng loại vữa có nhiều xi măng để làm trơn đường ống, sau đó mới nén loại vữa có thành phần như đã quy định.

F.16. Sau khi nén vữa xong hoặc do một nguyên nhân nào đó phải ngừng thi công thì phải dùng nước đổ vào bơm để rửa sạch đường ống và các dụng cụ không để vữa đông kết làm hỏng thiết bị.

F.17. Nén vữa phải bắt đầu từ dưới lên trên, không được gián đoạn. Nói chung áp lực dùng để nén vào khoảng 0,2-0,5 MPa (2-5 kG/cm2), tốc độ nén vữa di chuyển theo chiều cao vào khoảng 50 - 100 cm trong 1 giờ. Nếu ống dẫn vữa bố trí theo hướng thẳng đứng thì ống được rút dần lên và luôn bảo đảm chiều sâu miệng ống nằm ngập trong vữa trên 30cm.

F.18. Để quan trắc một cách chính xác độ lên cao của vữa trong cốt liệu, khống chế tốc độ phụt vữa, phải đặt ống quan trắc cùng với việc đổ cốt liệu lớn, trong ống quan trắc nên có phao hoặc các biện pháp khác để biểu thị độ cao của vữa.

F.19. Sau khi bê tông đã đông kết xong, theo quy định trong văn bản thiết kế, tiến hành khoan lỗ kiểm tra và thí nghiệm áp nước, đồng thời lấy mẫu để thí nghiệm tính chất cơ lí của bê tông đổ theo phương pháp nén vữa.

PHỤ LỤC G –

QUY ĐỊNH VỀ ĐẶT CẤU KIỆN CHÔN SẴN

(bắt buộc áp dụng)

G.1. Đặt cấu kiện bằng kim loại

G.1.1. Trước khi đặt các loại cấu kiện chôn sẵn bằng kim loại cần phải cạo sạch rỉ, dầu sơn và các chất bẩn khác.

G.1.2. Quy cách, số lượng, vị trí và độ chôn sâu của các loại bu lông chôn sẵn trên bệ máy phải đúng quy định của thiết kế. Sai lệch vị trí tim của bu lông không vượt quá 2 mm, chiều dài của đoạn thừa ra ngoài phải bảo đảm đủ yêu cầu lắp ráp.

Các loại bu lông chôn sẵn để gắn chân máy phải đặt thật vững chắc để bảo đảm không bị xê dịch trong quá trình đổ bê tông ; có thể chừa lỗ trước trong bê tông để đặt bu lông và hàn gắn lại sau. Trước khi đặt bu lông, phải đánh xờm mặt bê tông của lỗ chừa sẵn và rửa sạch, hút khô nước. Sau khi đặt xong bu lông dùng loại vữa xi măng có số hiệu cao để lèn chặt.



G.1.3. Các bộ phận kim loại của cầu thang, tay cầm, lan can phải chôn đủ chiều sâu. Trước khi sử dụng nên thí nghiệm phụ tải để bảo đảm an toàn.

G.1.4. Thanh kim loại neo cố định trên nền đá, phải thoả mãn các yêu cầu sau:

a) Sai lệch về vị trí lỗ khoan:



  • Đối với cốt thép của trụ, cắm trước trong nền đá: 2 cm;

  • Đối với thanh thép cắm vào trong nền đá để nối liền với lưới cốt thép của tấm đáy: 5 cm;

  1. Đường kính của lỗ khoan ở đáy lỗ không được nhỏ hơn d + 20 mm (d là đường kính của thanh thép cắm vào);

  2. Chiều sâu của lỗ khoan nằm trong nền đá không được nhỏ hơn chiều sâu quy định của thiết kế, nhưng cũng không được sâu quá 10 cm.

  3. Độ xiên của lỗ khoan so với trục tim thiết kế không được lệch quá 5% so với toàn bộ chiều sâu;

  4. Sau khi khoan lỗ xong phải rửa lỗ khoan sạch sẽ, khi chưa đặt thanh thép thì phải dùng nút nhét ở miệng lỗ khoan, không cho tạp chất rơi vào;

  1. Để đảm bảo cho thanh thép và nham thạch bám kết chặt chẽ, nên dùng loại vữa xi măng cát có số hiệu cao và đổ vào lỗ với 1/3 chiều sâu, sau đó cắm thanh thép vào và lèn vữa thêm;

  2. Cao trình của đỉnh thanh thép phải phù hợp với yêu cầu của thiết kế. Thanh thép nối liền với cốt thép của kết cấu bên trên cần phải vững chắc, có thể dùng điện để hàn nối, hoặc dùng móc cong ở hai đầu thanh thép móc vào cốt thép;

  3. Sau khi đặt xong thanh thép phải đợi cho vữa xi măng cát đạt tới cường độ 2,5MPa (25 kG/cm2), mới được tiến hành công tác lắp ghép.

G.1.5. Móc hoặc vòng sắt gắn vào trong bê tông để phục vụ cho việc neo, kéo, vận chuyển, đỡ v.v... thì vị trí, quy cách, số lượng, hình dáng phải phù hợp với quy định của thiết kế và đợi cho bê tông đạt đến cường độ thiết kế mới được sử dụng.

G.2. Đặt máy móc quan trắc

G.2.1. Các loại máy móc quan trắc bên trong công trình phải theo quy định chuyên môn có liên quan, dựa vào bản thuyết minh của xưởng chế tạo và các yêu cầu của thiết kế. Trong quá trình thi công phải theo các quy định sau:

  1. Trước khi đặt phải kiểm tra kỹ và hiệu chỉnh máy móc quan trắc, lau chùi sạch sẽ mặt ngoài;

  2. Máy phải đặt theo số hiệu ghi ở bảng thiết kế; số lượng, vị trí phải đầy đủ và chính xác;

  3. Trong quá trình đổ bê tông phải bảo vệ máy móc. Sau khi đặt máy, phải kiểm tra nghiệm thu xong mới cho phép đổ bê tông;

  4. Khi đổ bê tông phải chọn bỏ những cốt liệu bê tông có đường kính lớn ra khỏi vị trí xung quanh máy, đồng thời đầm chặt bê tông ở xung quanh máy theo phương pháp đầm thủ công;

  5. Sau khi chôn xong phải ghi chép kỹ tình hình xảy ra trong quá trình thi công và vẽ bản vẽ hoàn công;

  1. Phải bảo quản, giữ gìn cẩn thận đầu dây điện và số hiệu ghi trên máy. Đầu dây điện không được đặt chìm trong nước hoặc để trần và phải thường xuyên giữ gìn sạch sẽ.

G.2.2. Khi lắp dây điện cho các máy đo bằng điện, phải theo quy định sau:

  1. Phải dùng loại dây điện bọc cao su có chất lượng tốt, sai lệch điện trở giữa các lõi dây không nên lớn quá;

  2. Mối nối dây điện nên hàn tiếp (không được hàn đối đầu), không được dùng chất hàn có tính axít. Trước khi đặt cần phải kiểm tra dây (chất lượng của lõi dây và chất cách điện). Sau khi nối xong phải kiểm tra màu sắc của lõi dây và dòng điện chạy bình thường trong dây dẫn;

  3. Dây điện phải đặt theo tuyến đường đã quy định trong bản vẽ thiết kế. Trong quá trình thi công phải bảo vệ dây điện, ghi chép tỉ mỉ các hiện tượng đã xảy ra và vẽ bản vẽ hoàn thành.

G.2.3. Công tác lắp ráp, chôn đặt lỗ chừa sẵn v.v... của các máy móc quan trắc đặt ở bên ngoài công trình phải tiến hành theo các bản vẽ và bản thuyết minh của thiết kế.

G.3. Đặt đường ống

G.3.1. Các loại đường ống (như ống dẫn dây điện, ống cung cấp nước, ống làm lạnh, ống phụt vữa và ống đo áp lực đặt bên trong bê tông) phải chôn đặt theo quy cách, hình thức, số lượng và vị trí đã quy định trong văn kiện thiết kế.

G.3.2. Để tiết kiệm thép, cần nghiên cứu áp dụng ống bằng bê tông, bê tông cốt thép và những vật liệu thay thế khác; nếu phải dùng ống bằng kim loại, nên ưu tiên sử dụng ống gang và phải được thiết kế và cơ quan có thẩm quyền đồng ý.

G.3.3. Đường ống đem chôn đặt, phải không có lỗ châm kim hoặc tắc nghẽn. Phải cạo sạch các lớp rỉ, dầu sơn, trên mặt ống.

G.3.4. Chỗ đầu nối của các ống phải vững chắc, không được rò nước hay rò khí v.v... Nối ống có thể dùng vữa bao tải dây thừng tẩm nhựa đường bao xung quanh. Các ống bằng kim loại có thể nối bằng phương pháp hàn, khi hàn xỉ hàn không được làm giảm tiết diện của ống.

G.3.5. Khi ống đặt qua khe nhiệt độ, ở tại khe nhiệt độ phải làm thêm đoạn co giãn.

G.3.6. Một nhóm đường ống đặt cùng một chỗ, để tránh nhầm lẫn, nên làm kí hiệu riêng ở miệng ống để phân biệt.

G.3.7. Sau khi đặt xong đường ống phải dùng phương pháp áp lực nước, áp lực khí để kiểm tra sự thông suốt của đường ống, nếu có hiện tượng tắc nghẽn, phải tiến hành xử lý.

G.3.8. Trong quá trình đổ bê tông phải bảo vệ đường ống không làm cho ống bị hỏng hay tắc nghẽn.

G.3.9. Khi đổ bê tông ở hai bên ống, nên tiến hành song song để đảm bảo có cùng một độ cao, tránh đổ một bên quá cao gây cho ống chịu áp lực lớn, có thể sinh ra biến dạng hoặc xê dịch vị trí.

G.3.10. Mặt ngoài của ống và bê tông phải liên kết chặt chẽ với nhau. Sau khi bê tông đạt tuổi 14 ngày phải tiến hành kiểm tra: nếu phát hiện thấy sự liên kết không tốt, cần phụt vữa ở vùng tiếp giáp giữa bê tông và thành ống.

G.3.11. Phụt vữa ở phía ngoài ống thép lớn chịu áp lực cao, có thể chừa lỗ trước ở thành ống để sau này lắp đầu ống phụt hoặc bố trí hệ thống ống phụt vữa sẵn trong bê tông. Nếu chừa lỗ ở thành ống thì sau khi phụt vữa xong, chất lượng đạt yêu cầu thì dùng thép tấm để hàn lại, mặt chỗ hàn phải bằng phẳng. Công tác phụt vữa phải theo của quy phạm phụt vữa.

PHỤ LỤC H –

QUY ĐỊNH VỀ THI CÔNG THIẾT BỊ CHẮN NƯỚC KHE CO GIÃN VÀ THIẾT BỊ TIÊU NƯỚC



(bắt buộc áp dụng)

H.1. Thiết bị chắn nước, khe co giãn

H.1.1. Vị trí, kích thước, vật liệu của thiết bị chắn nước và hình thức, vị trí, kích thước, quy cách, vật liệu của khe co giãn phải phù hợp với quy định của thiết kế. Nếu dùng vật liệu khác thay thế hoặc do một nguyên nhân nào đó, mà phải thay đổi, cần được sự đồng ý của thiết kế và phê chuẩn của cấp có thẩm quyền.

H.1.2. Tấm kim loại ngăn nước phải bằng phẳng; Nếu có lớp rỉ vảy sơn hoặc dầu bám vào trên mặt thì phải xử lý sạch sẽ; Nếu có những lỗ nhỏ thì phải hàn kín.

H.1.3. Tấm kim loại ngăn nước phải kín không cho nước rò qua. Khi nối tấm kim loại, căn cứ chiều dày để áp dụng phương pháp nối ngàm hay nối chồng, chiều dài mối nối chồng không được nhỏ hơn 20mm. Nối chồng, nối ngàm cũng phải hàn chặt cả hai mặt.

H.1.4. Phần nằm trong khe co giãn của tấm kim loại ngăn nước phải quét một lớp nhựa đường. Phần chôn vào trong bê tông nên gia công thành đuôi cá để đảm bảo tấm kim loại liên kết chặt vào trong bê tông, không cho nước rò rỉ.

H.1.5. Nhựa đường và hỗn hợp nhựa đường trước khi sử dụng phải tiến hành thí nghiệm, tỉ lệ của hỗn hợp phải thông qua thí nghiệm xác định.

H.1.6. Trước khi phủ nhựa đường lên mặt bê tông, mặt bê tông phải khô ráo để nhựa đường và bê tông gắn chặt với nhau.

H.1.7. Cột nhựa đường ngăn nước có thể chế tạo trước hoặc đổ tại chỗ. Khe để đổ nhựa đường phải sạch sẽ, khô ráo.

H.1.8. Khi dùng khuôn bê tông đúc sẵn đặt trong khe co giãn để tạo thành hố và sau đó đổ nhựa đường thì mặt tiếp xúc giữa khuôn bê tông đúc sẵn và khối bê tông sắp đổ phải đánh xờm (làm nhám) để liên kết chặt với nhau, nên dùng vữa xi măng bịt kín các đầu nối của bê tông đúc sẵn nên để không cho nước rò rỉ khi công trình chịu áp lực nước.

H.1.9. Khi dùng bao tải tẩm nhựa đường hay dây thừng tẩm nhựa đường thì bao tải, dây thừng phải sạch sẽ, bền chắc và thấm đều nhựa đường vào các sợi của bao tải; Đối với dây thừng thì nhựa đường phải thấm vào đến sợi bên trong của cốt lõi. Phương pháp thi công lèn dán bao tải tẩm nhựa đường vào khe co giãn, tốt nhất là thi công trực tiếp tại hiện trường, nếu không được mới làm sẵn từng tấm bao tải tẩm nhựa đường.


tải về 0.74 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương