TÀi liệu tuyên truyền kỷ niệM 55 NĂm ngày bến tre đỒng khởI



tải về 34.02 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu05.08.2016
Kích34.02 Kb.
#13233

TÀI LIỆU TUYÊN TRUYỀN

KỶ NIỆM 55 NĂM NGÀY BẾN TRE ĐỒNG KHỞI (17/01/1960-17/01/2015)


Bài 1: Những cột mốc của quá trình Đồng Khởi

Tháng 5-1959, Hội nghị lần thứ 15 của BCHTƯĐCS đã phân tích những đặc điểm tình hình và xác định nhiệm vụ cơ bản của cách mạng miền Nam là: “Giải phóng miền Nam khỏi ách thống trị của đế quốc và phong kiến, thực hiện độc lập dân tộc và người cày có ruộng, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh”1. Nghị quyết khẳng định “Con đường cơ bản của cách mạng miền Nam là dùng bạo Iực. Theo tình hình cụ thể và yêu cầu hiện nay của cách mạng, thì đường lối dùng bạo lực là lấy sức mạnh của quần chúng dựa vào lực lượng chính trị của quần chúng là chủ yếu, kết hợp với lực lượng võ trang, hoặc nhiều hoặc ít tùy tình hình, để đánh đổ quyền thống trị của đế quốc và phong kiến, dựng lên chính quyền cách mạng của nhân dân”.2



Nghị quyết 15 của Ban chấp hành Trung ương Đảng đã đánh dấu một mốc quan trọng về đường lối có tính chất nguyên tắc cho cách mạng miền Nam và đặt cơ sở để tiến tới đề ra nhiệm vụ chiến lược một cách chính xác, toàn diện.

Tình hình miền Nam, từ giữa 1959 đã bộc lộ nhiều dấu hiệu chấm dứt sự ổn định tạm thời của chính quyền tay sai và bắt đầu thời kỳ khủng hoảng kéo dài. Mọi tầng lớp nhân dân đều bất bình, căm phẫn, sẵn sàng đứng lên đấu tranh chống lại địch. Nội bộ ngụy quân, ngụy quyền phân hóa mạnh. Chính quyền địch ở nông thôn trở nên bất lực, suy yếu, không đủ sức kiềm kẹp nhân dân như cũ. Đó là những điều kiện cho phép cuộc khởi nghĩa từng phần có thể nổ ra.

Tháng 12-1959, Hội nghị đại biểu các tỉnh miền Trung Nam Bộ được triệu tập để truyền đạt Nghị quyết 15 của Trung ương và bàn chủ trương chuyển hướng phong trào.

- Đêm 2-1-1960, Hội nghị cán bộ lãnh đạo Bến Tre do Thường vụ Tỉnh ủy triệu tập tại một địa điểm ở Mỏ Cày để truyền đạt nghị quyết của Trung ương và bàn kế hoạch phát động quần chúng nổi dậy diệt ác, phá thế kiềm kẹp của địch. Nghị quyết của hội nghị là phát động một tuần lễ nổi dậy đồng loạt trong tỉnh từ 17-1-1960 đến 25-1-1960.

- Ngày 17-1-1960, theo kế hoạch đã định, cuộc Đồng khởi nổ ra thắng lợi đúng như dự kiến tại 3 xã Định Thủy, Phước Hiệp, Bình Khánh (Mỏ Cày).

Ngày 22-2-1960, Mỹ, Diệm tập trung lực lượng phản kích mạnh mẽ. Chúng huy động hơn 12 ngàn quân chủ lực từ các tỉnh lân cận, có 15 tàu chiến và nhiều máy bay, đại bác yểm trợ tấn công vào trung tâm cuộc khởi nghĩa, nhằm tiêu diệt lực lượng võ trang cách mạng, hòng lập lại trật tự cũ. Lực lượng vũ trang non trẻ ở 3 xã đã chặn đánh địch quyết liệt.

- Ngày 27-2-1960, hàng ngàn dân các xã Phước Hiệp, Bình Khánh, Định Thủy đi trên 200 chiếc xuồng, gồm các chị, các mẹ bế theo con cái, mang người bị thương, đội khăn tang, đem theo gạo thóc, soong nồi, mùng mền “tản cư” vào thị trấn Mỏ Cày, đưa yêu sách đòi quận trưởng ra lệnh rút quân, chấm dứt càn quét khủng bố. Cuộc đấu tranh kéo dài 12 ngày đêm.

- Ngày 10-3-1960, đại diện Bộ Tổng tham mưu Sài Gòn bay đến Bến Tre, thị sát tình hình và sau đó phải ra lệnh rút quân, bỏ dở cuộc càn quét.

Sau khi chỉ đạo cuộc Đồng Khởi thắng lợi ở Mỏ Cày, Tỉnh ủy Bến Tre quyết định chuyển hướng sang Giồng Trôm, tập trung ở 3 xã trọng điểm Châu Hòa, Châu Bình và Phong Mỹ.

Tháng 3-1960, một cuộc đấu tranh chính trị của hơn 7.000 phụ nữ Giồng Trôm đòi các đơn vị quân chủ lực của địch đang đi càn quét phải rút về vị trí cũ.

Tháng 6-1960, Xứ ủy Nam Bộ quyết định phát động Đồng khởi trong toàn Nam Bộ

Tháng 9-1960, Ban lãnh đạo miền Trung Nam Bộ họp đánh giá tình hình, rút kinh nghiệm phong trào Đồng khởi Bến Tre, ra nghị quyết phát động phong trào Đồng khởi trong toàn khu 8.

Cao trào Đồng khởi từ Bến Tre nhanh chóng lan rộng khắp các tỉnh Nam Bộ, ra các tỉnh ven biển khu 5 và Tây Nguyên, làm thay đổi cục diện chính trị ở miền Nam, phá vỡ một mảng lớn hệ thống chính quyền cơ sở địch.

Ngày 24-9-1960, Bến Tre phát động cuộc Đồng khởi đợt II, sau khi đã kiểm điểm, rút kinh nghiệm của cuộc nổi dậy đồng loạt đợt I. Cuộc Đồng khởi không chỉ diễn ra ở những nơi có phong trào mạnh, mà còn được phát động ngay cả ở những vùng yếu, cơ sở cách mạng còn mỏng trong các huyện khác của tỉnh.

   Như vậy, Đồng khởi ở Bến Tre không chỉ có nghĩa đơn giản là cuộc nổi dậy đồng loạt của nhân dân từ tay không cướp đồn địch, giành chính quyền và cũng không chỉ giới hạn trong đợt I và đợt II. Đồng khởi là một quá trình liên tục tiến công, liên tục nổi dậy, liên tục giành thắng lợi, hết đợt này đến đợt khác. Đó là một hình thức đấu tranh độc đáo, sáng tạo của cách mạng Việt Nam.

Thắng lợi cuộc Đồng khởi Bến Tre và các cuộc Đồng khởi trong toàn miền tiếp sau đó đã đưa đến việc thành lập Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam ngày 20-12-1960./.

Nguồn: http://www.bentre.gov.vn/Pages/GioiThieu.aspx?ID=2051&CategoryId=S%u1ef1+ki%u1ec7n&InitialTabId=Ribbon.Read
Bài 2: Kỷ niệm 55 năm Đồng khởi Bến Tre (17/1/1960- 17/1/2015)
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, từ năm 1957 đến 1959 là thời kỳ vô cùng đen tối của các mạng miền Nam. Đế quốc Mỹ và tập đoàn tay sai Ngô Đình Diệm đã dùng mọi thủ đoạn thâm độc và tàn ác nhằm tiêu diệt cách mạng miền Nam, phá hoại Hiệp định Giơnevơ. Thực hiện Luật 10/59 chúng lê máy chém đi khắp miền Nam giết hại những người kháng chiến cũ, gia đình có người đi tập kết và quần chúng yêu nước.
Sự tàn ác của Mỹ- Diệm đã dồn nhân dân miền Nam không còn con đường nào khác là phải vùng lên dùng bạo lực chính trị, vũ trang để giải phóng cho mình. Dưới ánh sáng của Nghị quyết Hội nghị lần thứ 15 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (1959), nhân dân miền Nam đã từ các hình thức đấu tranh chính trị và đấu tranh vũ trang vùng lên khởi nghĩa, mở đầu bằng những cuộc Đồng khởi.



 Nhân dân miền Nam đấu tranh chống đế quốc Mỹ thành lập căn cứ và chống đạo luật phản động 10/59 (1959).


Tháng 12- 1959, Hội nghị đại biểu khu 8 được triệu tập để truyền đạt Nghị quyết 15 của Trung ương và bàn chủ trương, biện pháp chuyển hướng phong trào. Cuối tháng 12, Tỉnh ủy Bến Tre nhận được điện tóm tắt của Khu ủy khu 8 về chủ trương tổ chức khởi nghĩa. Đồng chí Võ Văn Phẩm, Bí thư Tỉnh ủy đã họp với các đ/c thường trực, quyết định triển khai chủ trương và kế hoạch ở hai khu vực: Cù lao Bảo và Cù lao Minh. Ngày 1-1-1960, tại nhà chị Bảy Tốt ở  ấp Tân Huề, xã Minh Đức, huyện Mỏ Cày, đ/c Nguyễn Thị Định, phó Bí thư Tỉnh ủy, truyền đạt tinh thần Nghị quyết 15 của T.Ư và chủ trương cụ thể của Khu ủy cho các đ/c lãnh đạo của tỉnh và huyện. Hội nghị nhất trí: phát động một tuần lễ toàn dân Đồng khởi, diệt ác ôn, phá thế kìm kẹp, giải phóng nông thôn, làm chủ ruộng vườn. Hội nghị quyết địnhkhởi nghĩa thống nhất từ ngày 17-1-1960 đến ngày 25-1-1960. Ba xã Định Thủy, Phước Hiệp, Bình Khánh được chọn làm điểm chỉ đạo của Tỉnh ủy.



 Lực lượng du kích xã Mỹ Nhơn, huyện Ba Tri anh dũng chiến đấu chống Mỹ- ngụy trong những ngày đầu Đồng khởi ở Bến Tre (1960).
 Đúng theo kế hoạch, ngày 17-1-1960, cuộc khởi nghĩa nổ ra và nhanh chóng giành thắng lợi tại 3 xã nói trên. Qua một đêm Đồng khởi, bộ máy kìm kẹp của địch ở một số xã bị tan rã hẳn. Sau hai ngày mất bốt Định Thủy, Bình Khánh, bốt Phước Hiệp bỏ chạy luôn, ta giải phóng hoàn toàn 3 xã Định Thủy, Phước Hiệp, Bình Khánh. Trung đội vũ trang đầu tiên của Bến Tre ra đời trong phong trào Đồng khởi đã làm lễ ra mắt tại một vườn dừa xã Bình Khánh, huyện Mỏ Cày ngày 19-1-1960. Đồng khởi nhanh chóng lan ra toàn huyện Mỏ Cày, Giồng Trôm, Thạnh Phú, Ba Tri, Châu Thành, Bình Đại. Hàng vạn nhân dân xuống đường, vũ trang, giáo mác, nổi trống mõ, truy lùng tề điệp ác ôn … Lực lượng tự vệ và quần chúng đã diệt đồn, giải tán các trụ sở hội đồng xã, các tổ chức tay sai của địch. Chỉ trong tuần lễ đầu  Đồng khởi, nhân dân 47 xã đồng loạt nổi dậy đập tan bộ máy kìm kẹp của địch, giải phóng 150 ấp, bức rút 47 đồn bốt, ta thu 150 khẩu súng và nhiều đạn dược các loại.



Mõ, nhân dân xã Thuận Điền, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre dùng trong phong trào Đồng khởi năm 1960 (hiện vật đang được trưng bày tại BTLSQG).
Trước thắng lợi của cách mạng, địch điên cuồng phản kích lại. Ngày 21-1-1960, chúng đưa tiểu đoàn thủy quân lục chiến về đóng tại xã Phước Hiệp, tìm cách bung ra, giải tỏa các đồn Định Thủy, Bình Khánh đang bị ta bao vây. Ngày 25-1-1960, địch huy động 3.000 quân đánh vào Phước Hiệp, Bình Khánh, Định Thủy hòng tiêu diệt cách mạng, nhưng chúng đã thất bại. Súng “ngựa trời” của nhân dân miền Nam anh hùng lần đầu tiên xuất hiện trong trận này. Cuộc Đồng khởi của đồng bào tỉnh Bến Tre đã kết thúc thắng lợi. Từ đây, làn sóng Đồng khởi như nước vỡ bờ lan ra khắp các tỉnh Nam Bộ, Tây Nguyên và một số nơi ở miền Trung Trung Bộ.



Súng ngựa trời, công binh xưởng tỉnh Bến Tre tự chế, dùng trong phong trào Đồng khởi năm 1960 (hiện vật đang được trưng bày tại BTLSQG).
Cuộc Đồng khởi quật cường, mưu trí, sáng tạo của nhân dân Bến Tre đã mở màn cho phong trào Đồng khởi của toàn miền Nam, góp phần tạo ra bước ngoặt chiến lược, đưa cách mạng miền Nam từ thoái trào, giữ gìn lực lượng chuyển hẳn sang thế tiến công chiến lược. Trong Đồng khởi Bến Tre, các tầng lớp phụ nữ đã dũng cảm, kiên cường trực diện đấu tranh với kẻ thù, góp phần quan trọng vào thắng lợi của cuộc Đồng khởi. Đó là sự phối hợp chặt chẽ giữa ba mũi tiến công chính trị, vũ trang và binh vận, tạo thành một sức mạnh tổng hợp, từng bước giành thắng lợi. Đồng khởi là một hình thức đấu tranh độc đáo, đầy sáng tạo của cách mạng Việt Nam.



 Phó Tư lệnh các Lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam Việt Nam, Nguyễn Thị Định thăm một đơn vị nữ du kích có nhiều thành tích đánh Mỹ- ngụy (1961)
Thắng lợi của Đồng khởi Bến Tre và các cuộc Đồng Khởi trong Toàn miền Nam bắt đầu từ mùa xuân năm 1960, đã đưa đến việc thành lập Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, ngày 20-12-1960. Phong trào Đồng khởi ở Bến Tre đã đi vào lịch như một ngọn cờ đầu, có một vị trí xứng đáng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước ở miền Nam và xứng đáng được gọi là Quê hương Đồng khởi, với tất cả nội dung và hình thức của nó.

Chu Lộc- Phương Thảo (tổng hợp)

Nguồn:

  1. Việt Nam những sự kiện 1945-1986. Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội- 1990.

  2. Bến Tre Đồng khởi và đội quân tóc dài. Nxb Phụ Nữ - 2010.

  3. Lịch sử Việt Nam 1954- 1975. Nxb Giáo dục - 2010.

  4. Ảnh tư liệu Bảo tàng Lịch sử Quốc gia.

Nguồn: http://baotanglichsu.vn/portal/vi/Tin-tuc/Theo-dong-lich-su/2014/01/3A923D24/



CÔNG ĐOÀN GIÁO DỤC TỈNH BẾN TRE

SƯU TẦM VÀ GIỚI THIỆU


1 Trích theo Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước 1954-1975, Nxb Quân đội nhân dân, H.1980.

2 Trích theo Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước 1954-1975, Sđd.





tải về 34.02 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương