Tài liệu tham khảo


VI . TÔN KÍNH ĐỨC MẸ VÀ CÁC THÁNH



tải về 0.52 Mb.
trang7/7
Chuyển đổi dữ liệu27.07.2016
Kích0.52 Mb.
#7552
1   2   3   4   5   6   7

VI . TÔN KÍNH ĐỨC MẸ VÀ CÁC THÁNH . 

1 . Ý nghĩa.

Chúng ta không tôn thờ Đức Mẹ Maria, vì Ngài cũng là loài thụ tạo do Chúa dựng nên.


Tuy nhiên, chúng ta phải đặc biệt tôn kính Ngài vì Ngài là Mẹ Đức Giêsu, mà Đức Giêsu là Thiên Chúa, nên Ngài cũng là Mẹ Thiên Chúa và là Mẹ chúng ta.
Chúng ta tôn kính các Thiên Thần và các Thánh , vì các Ngài là những tôi trung, con thảo của Chúa và có thể cầu bầu cho chúng ta trước mặt Chúa.  

2 . Kính ảnh tượng,hài cốt.

Tôn kính các ảnh tượng đó vì nhắc nhở chúng ta nhớ đến các Ngài, để chúng ta thêm lòng kính mến và noi gương các Ngài.

Chúng ta tôn kính hài cốt (xương thánh) và di tích của các Thánh: là những kỷ niệm của các phần tử ưu tú trong Giáo Hội là Nhiệm thể Chúa Kitô và vì Chúa thường dùng những di tích ấy mà làm nhiều phép lạ.  

3 . Thực hành.

Tôi có thể làm những việc này:


  • Yêu mến, cậy trông cùng siêng năng cầu xin cùng Đức Mẹ và các Thánh.

  • Mừng lễ các Ngài cho sốt sắng và làm những việc sùng kính các Ngài như Giáo Hội khuyên dạy.

  • Noi gương nhân đức của các Ngài.


BÀI 38 : ĐIỀU RĂN THỨ HAI

2142 – 2167

Ngươi không được kêu tên Ðức Chúa, Thiên Chúa của ngươi mà làm điều bất xứng

(Xh 20,7; Ðnl 5,11)

"Anh em còn nghe luật dạy người xưa rằng: "Ngươi chớ bội thề...

còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết, đừng thề chi cả" (Mt 5,33-34)
I . Ý NGHĨA 

Điều răn thứ hai dạy tôi tôn kính Tên của Chúa, và giữ những điều tôi đã lấy danh của Ngài mà thề hoặc khấn hứa điều gì đó, đồng thời không được nói những lời lộng ngôn, phạm thượng



Lộng ngôn hay phạm thượng là nói hay làm điều gì xúc phạm tới Chúa, Đức Mẹ hoặc các Thánh.  

1 . Thề .

Là nhân danh Chúa, để làm chứng điều mình nói hay điều mình hứa là đúng sự thật.  



a . Khi nào nên thề?

Khi có việc quan trọng thì tôi có thể nhân danh Chúa mà thề, hoặc khi có lệnh chính đáng của giáo quyền thì tôi phải thề.



b . Mắc tội khi thề.

Khi thề vô cớ (thiếu lý do chính đáng), thề gian dối, thề làm điều xấu, hoặc lấy tên tà ma, quỷ thần mà thề.

Ai thề làm điều xấu thì không phải giữ lời thề. Vì ai thề như thế là đã phạm tội rồi, nếu còn thực hiện lời thề đó là còn phạm thêm một tội khác nữa.  

2 . Khấn.

Là hứa cùng Chúa sẽ làm một việc lành nào đó. Và qua việc khấn hứa đó, người ta có ý buộc mình, nếu không làm điều lành đó thì sẽ mắc tội với Chúa.  



 Giá trị của lời khấn.

Khi đã tự do khấn hứa một điều gì thì phải giữ và thi hành những gì mình đã khấn! Còn nếu không giữ nổi lời khấn thì phải xin giáo quyền hay là linh mục giải tội đổi việc mà tôi đã khấn đó ra một việc khác, hoặc là chuẩn chước (tha luôn)  khỏi phải làm việc đó nữa.



Khấn hứa là việc quan trọng.

Vì thế, trước khi khấn hứa phải suy nghĩ  chín chắn hoặc là bàn với linh mục giải tội. 



II . THỰC HÀNH. 

Để tôn kính Tên của Chúa, tôi phải tránh lộng ngôn phạm thượng, không được lỗi lời thề hoặc lời khấn hứa với Chúa. 



BÀI 39 : ĐIỀU RĂN THỨ BA

2168 – 2195

"Ngươi hãy nhớ ngày sa-bát, mà coi đó là ngày thánh. Trong sáu ngày, ngươi sẽ lao động và làm mọi công việc của ngươi. Còn ngày thứ bảy là ngày sa-bát kính Ðức Chúa, Thiên Chúa ngươi. Ngày đó, ngươi không được làm công việc nào" (Xh 20,8-10 ; Ðnl 5,12-15)

"Ngày sa-bát được lập ra vì loài người chứ không phải loài người được dựng nên vì ngày sa-bát.

Bởi đó, Con Người làm chủ luôn cả ngày sa-bát” (Mc 2,27-18)


I. Ý NGHĨA.  

Giới luật thứ ba dạy tôi THÁNH HÓA các ngày Chúa Nhật và các ngày lễ buộc.

Thánh hoá là tham dự Thánh lễ, nghỉ việc xác và làm thêm những việc tốt lành như dự các giờ kinh chung, đọc sách báo đạo đức, đi thăm viếng, làm việc thiện, làm việc tông đồ...  

II. THAM DỰ THÁNH LỄ.   

Phải tham dự Thánh lễ với lòng tin, chăm chỉ, sốt sắng và dự trọn lễ từ đầu cho đến hết. Ai vì lười biếng hoặc vì khinh thường mà bỏ lễ một phần quan trọng trong Thánh lễ, thì buộc phải dự thêm một lễ khác trong ngày hôm đó để bù lại.



Khi có lý do chính đáng mà không dự lễ được thì không phải là tội. Tuy nhiên, nên làm một hai việc lành để thánh hóa ngày ấy, như lần hột, đọc Sách Thánh hoặc dự Phép lành Mình Thánh Chúa.  

III. NGHỈ VIỆC XÁC.  

Là không làm những việc nặng nhọc phần xác, những việc mà người ta vẫn làm để lấy tiền sinh sống.

Ai cố tình làm những việc ấy quá 2 giờ đồng hồ (bất kể liên tục hay gián đoạn) vào những ngày Chúa Nhật hoặc lễ lớn thì mặc tội nặng (tội trọng).

Tuy nhiên, khi có lý do chính đáng và khẩn thiết hoặc khi đã có phép của giáo quyền thì được phép làm mà không lỗi luật này. 

Chú ý.

Những việc hằng ngày như nấu ăn, lau nhà... hoặc những việc học hành, giải trí thì được làm.

Tuy nhiên, không nên lạm dụng, phải biết nghỉ ngơi, dành thời giờ làm những việc có mục đích thánh hóa ngày lễ đó.  

IV. NHỮNG NGÀY LỄ BUỘC.  

Lễ buộc: là ngày lễ lớn trong Giáo Hội mà mọi người tín hữu buộc phải thánh hóa ngày ấy.

Chỉ còn 1 lễ buộc mà thôi, đó là ngày lễ Giáng Sinh(Noel).

Các ngày lễ Chúa Giêsu lên trời (Ascension), lễ Đức Mẹ lên trời (Assomption) và lễ Các Thánh (La Toussaint) không còn là lễ buộc nữa.

Còn các ngày lễ lớn khác thì đã trùng vào ngày Chúa Nhật rồi. 

V. CẦU NGUYỆN. 

Xin Chúa cho con biết thánh hoá ngày của Chúa, để đời sống đức tin của con được vững mạnh trong Chúa 


BÀI 40 : ĐIỀU RĂN THỨ TƯ

2197 – 2257

"Hãy trọng kính cha mẹ ngươi, để được sống lâu trên đất mà Ðức Chúa,

Thiên Chúa của ngươi, ban cho ngươi" (Xh 20,12)

"Người hằng vâng phục các ngài" (Lc 2,51)
I. THẢO KÍNH CHA MẸ.

            Giới luật thứ tư dạy tôi phải thảo kính cha mẹ cho trọn đạo hiếu. Thảo kính là kính mến, vâng lời và giúp đỡ cha mẹ khi còn sống cũng như khi đã qua đời.

Thảo kính cha mẹ vì cha mẹ có công sinh thành và dưỡng dục con cái. Các ngài thay quyền Chúa để săn sóc con cái phần hồn cũng như phần xác.  

1. Kính mến cha mẹ.

Tôi phải tỏ lòng tôn kính, yêu mến và biết ơn cha mẹ trong lời nói, việc làm, cùng ước ao cho cha mẹ được mọi sự lành hồn xác.



2. Vâng lời cha mẹ.

Khi cha mẹ dạy điều gì hợp lẽ phải, tôi phải mau mắn và vui  vẽ thi hành cho đầy đủ.



3. Giúp đỡ cha mẹ.

Phải sẵn lòng giúp đỡ cha mẹ phần hồn phần xác, nhất là lúc lớn tuổi, nghèo khổ, đau yếu. Khi cha mẹ bị bệnh nặng, phải lo cho các ngài được lãnh các Bí tích, và khi cha mẹ đã qua đời rồi thì lo chôn cất, cầu nguyện cùng xin lễ cho các ngài.  



II. B ỔN PHẬN CHA MẸ ĐỐI VỚI CON CÁI.

Cha mẹ có bổn phận nuôi nấng, thương yêu, giáo dục và làm gương sáng cho con cái.  



III. BỔN PHẬN VỚI NHỮNG NGƯỜI TRONG GIA TỘC.        Phải kính nể và yêu mến tất cả mọi người trong gia tộc, như ông bà, chú bác, cô dì và anh chị em, cùng giúp đỡ họ tùy theo khả năng của mình. 

IV. BỔN PHẬN ĐỐI VỚI XÃ HỘI.

Tôi còn phải kính nể và vâng lời những người có quyền trong đạo cũng như ngoài đời, như giáo quyền, chính quyền, thầy cô giáo và chủ nhân...



V. BỔN PHẬN ĐỐI VỚI TỔ QUỐC.

Đối với Tổ quốc, tôi phải tuân hành những luật lệ chính đáng và chu toàn nhiệm vụ của một công dân, như nộp thuế, thi hành quân dịch, bỏ phiếu.  



VI. CHÍNH QUYỀN CÓ BỔN PHẬN ĐỐI VỚI QUỐC DÂN.

Chính quyền có bổn phận duy trì trật tự công cộng, đảm trách công vụ, tôn trọng quyền lợi căn bản của mọi người dân, và dùng mọi cách để nâng cao mức sống vật chất cũng như tinh thần của dân chúng... 



VII. THẦY CÔ CÓ BỔN PHẬN ĐỐI VỚI HỌC SINH.

Thầy cô có bổn phận giáo dục học sinh cho nên người thông minh, đạo đức vàphải làm gương tốt cho học sinh noi theo.  



VIII. CHỦ NHÂN CÓ BỔN PHẬN ĐỐI VỚI NHÂN CÔNG.

Chủ nhân phải cư xử nhân đạo đối với nhân công của mình, trả lương công bằng, lại phải lo cho họ có đủ thời giờ chu toàn bổn phận tôn giáo của họ.  



IX. THÁI ĐỘ ĐỐI VỚI NGƯỜI NGOẠI QUỐC?

Tôi phải coi họ như những người anh chị em tôi, tôn trọng quyền lợi chính đáng của họ và duy trì tình thân hữu giữa các dân tộc với nhau. 



BÀI 41 : ĐIỀU RĂN THỨ NĂM

2258 - 2330

Ngươi chớ giết người (Xh 20,13)

"Anh em đã nghe Luật dạy người xưa rằng: Chớ giết người. Ai giết người sẽ bị đưa ra tòa.
Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: ai giận anh em mình, thì cũng đáng bị đưa ra tòa rồi
" (Mt 5,21-22)
I. Ý NGHĨA.

Giới luật thứ năm dạy tôi tôn trọng, giữ gìn thân xác và mạng sống của tôi cũng như của người khác.

Vì Chúa đã dựng nên thân xác tôi cho tôi sử dụng, chứ không phải cho tôi hoàn toàn làm chủ. Hơn nữa, thân xác tôi đã được Chúa cứu chuộc, là đền thờ của Chúa Thánh Thần (1Cor. 3,16-17; 6,19), và ngày sau chính thân xác ấy sẽ sống lại đời đời.

Điều răn thứ năm còn cấm giận hờn, ghen ghét, oán thù, chửi rủa, hay là xúi giục kẻ khác làm hại người ta, hoặc làm gương xấu lôi kéo người khác phạm tội.  



II. CÁCH TÔN TRỌNG. 

1. Mạng sống mình.

Tôi phải làm việc nuôi thân, phải chăm sóc sức khoẻ và không bao giờ được phép tự ý giết mình (tự tử) hoặc liều mạng sống mình khi không có lý do chính đáng.  



2. Mạng sống người khác.

Tôi không được cố tình hay vì khinh thường mà giết người khác, cũng không được đánh đập và đả thương người ta trái phép.



Đả thương: là làm cho người ta bị thương bằng mọi cách trực tiếp hay gián tiếp, như: đánh đập, đâm chém, gây tai nạn xe cộ, làm cho nhà sập, cây đổ...  

3. Trường hợp ngoại lệ.

Có những trường hợp đặc biệt không phạm vào điều răn:



  • khi chính quyền xử người gian ác theo luật pháp công minh.

  • khi bảo vệ Tổ quốc chống lại kẻ thù.

  • khi bị kẻ gian ác tấn công, mà không còn cách nào hơn là giết họ, để bảo vệ mạng sống mình.

III. THỰC HÀNH.

Giới luật thứ năm còn dạy tôi phải chăm lo cho phần rỗi linh hồn mình (chăm lo cho linh hồn mình được Chúa giải thoát và cứu rỗi), cũng như giúp đỡ người khác phần hồn (giúp đỡ về tinh thần) và phần xác (giúp đỡ về vật chất).  



.về vật chất.

Tôi phải làm những việc này :



  • Thứ nhất: cho kẻ đói ăn,

  • Thứ hai: cho kẻ khát uống,

  • Thứ ba: cho kẻ rách rưới ăn mặc.

  • Thứ bốn: viếng kẻ liệt cùng kẻ tù rạc.

  • Thứ năm: cho khách đỗ

  • Thứ sáu: chuộc kẻ làm tôi.

  • Thứ bảy: chôn xác kẻ chết.

về tinh thần.

Tôi phải làm những việc này:



  • Thứ nhất: lấy lời lành mà khuyên người,

  • Thứ hai: mở dạy kẻ mê muội (dạy kẻ dốt nát, tối tăm),

  • Thứ ba: an ủi kẻ âu lo,

  • Thứ bốn: răn bảo kẻ có tội,

  • Thứ năm: tha kẻ dể (khinh dể) ta,

  • Thứ sáu: nhịn kẻ mất lòng ta,

  • Thứ bảy: cầu cho kẻ sống và kẻ chết.

 (Kinh Thương người có mười bốn mối" được chia làm 2 phần) .
BÀI 42 : ĐIỀU RĂN THỨ SÁU VÀ THỨ CHÍN

2331 – 2400 ; 2514 - 2533

"Ngươi không được ngoại tình" (Xh 20,14, Ðnl 5,17)

"Ngươi không được ham muốn nhà người ta. Ngươi không được ham muốn vợ người ta,

tôi nam tớ nữ, con bò, con lừa hay bất cứ vật gì của người ta" (Xh 20,17)

"Anh em nghe luật dạy người xưa rằng: "Chớ ngoại tình". Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: "Ai nhìn người phụ nữ mà thèm muốn, thì trong lòng đã ngoại tình với người ấy rồi" (Mt 5,27-28)
I. Ý NGHĨA.

Giới luật thứ sáu và thứ chín dạy tôi giữ đức trong sạch trong tư tưởng, lời nói và việc làm vì :



Tôi được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa.  (St.1,26-27; 9,6), Tôi là chi thể mầu nhiệm của Đức Kitô (Eph. 5, 30),

Thân xác tôi là đền thờ Chúa Thánh Thần (1Cor. 3,16-17; 6, 19).  

II. ĐỜI SỐNG THỰC TẾ. 

1. Giới răn thứ sáu.

Cấm những tội dâm dục bề ngoài như nói năng, nhìn xem hay là làm những điều dâm ô trái phép.  



2. Giới răn thứ chín.

Cấm những tư tưởng, ước muốn nghịch với đức trong sạch.



Chú ý:

Nếu mới chỉ có những tư tưởng và hình ảnh xấu trong đầu óc thôi thì  chưa phải là tội, nếu tôi không ưng thuận theo. Trái lại, nếu tôi mau lẹ chống lại những tư tưởng và hình ảnh đó thì càng có công trước mặt Chúa.  



III. ĐỨC TRONG SẠCH TRONG HÔN NHÂN.

Người có gia đình cũng phải giữ đức trong sạch theo bậc sống của mình, như luật Chúa và Giáo Hội dạy.  



IV. DÂM Ô.

Dâm ô là một tội nặng vì làm cho người ta mất hạnh phúc đời đời, như Thánh Phaolô đã viết: "Kẻ gian dâm, ô uế... không được thừa hưởng cơ nghiệp trong nước của Đức Kitô và của Thiên Chúa" (xem: Thư Êphêsô 5, 5). Vả lại, tội phạm vào giới luật thứ sáu và thứ chín thường làm cho người ta chìm đắm trong tội và chán ngán những việc đạo đức. 



V. THỰC HÀNH. 

1. Việc nên làm.

Để giữ đức trong sạch tôi phải làm những việc này:

  • siêng năng cầu nguyện, lãnh nhận Bí tích Hòa giải (xưng tội) và rước lễ (communion),

  • giữ gìn ngũ quan và nết na trong cách ăn mặc, đi đứng,

  • tránh xa các dịp tội,

  • mạnh mẽ chống lại các cơn cám dỗ.

2. Việc nên tránh.

Có những việc này:

-         lười biếng, không chịu làm việc,

-         làm bạn với những người xấu nết,

-         xem sách báo, phim ảnh dâm ô,

-         trai gái giao thiệp quá tự do,

-         ăn uống say sưa quá độ. 



3. Cầu nguyện.

Tôi phải cầu nguyện xin Chúa và Đức Mẹ giúp sức, rồi tưởng nhớ tới những việc khác và tránh ngay dịp tội đó đi.  


BÀI 43 : ĐIỀU RĂN THỨ BẢY VÀ THỨ MƯỜI

2401 – 2463 ; 2534 – 2557
"Ngươi không được trộm cắp " (Xh 20, 15; Ðnl 5,19)

"Ngươi không được trộm cắp" (Mt 19,18)

"Ngươi không được ham muốn ... bất cứ vật gì của người ta" (Xh 20,17). "Ngươi không được ước ao nhà cửa, đồng ruộng tôi tớ nam nữ, con bò, con lừa, hay bất cứ vật gì của người ta" (Ðnl 5,21)

"Của cải anh ở đâu thì lòng anh ở đó" (Mt 6,21)
I. Ý NGHĨA. 

1. Dạy. (tích cực: dạy tuân giữ)

Giới luật thứ bảy và thứ mười dạy tôi giữ đức công bằng và tôn trọng của cải của người khác.

Vì của cải là Hồng ân Chúa ban và là công lao khó nhọc mà họ mới tạo nên được.  

2. Cấm. (tiêu cực: cấm, không được phép làm)

Giới luật thứ bảy cấm tôi lấy của người khác hay là giữ của người khác cách trái phép công bằng, cũng như làm hư hại đồ vật của người khác.

Giới luật thứ mười cấm tôi tham lam mơ ước của cải của người khác.  

II. HÀNH VI TỘI. 

1. Tội lấy của người cách bất công.

Là những tội này: trộm cắp, gian lận, cho vay ăn lời quá đáng, nhận của hối lộ hay là thâm lạm công quỹ.  

2. Tội giữ của cải của người cách bất công.

Là những tội này: không trả món nợ đã vay, không trả lại những gì đã mượn hay là lượm được, không trả tiền lương xứng đáng, trốn thuế, chứa chấp đồ gian.  

3. Lấy của người khác bao nhiêu mới là tội trọng (tội nặng)?

Phải xét theo cái mà mình đã lấy như thế là nhiều hay ít, và cũng phải tùy người bị mất của đó nghèo hay giàu mà xác định tội trọng hay tội nhẹ.  



III. ĐỨC CÔNG BÌNH. 

1. Trả lại.

Ai đã lấy hay là giữ của người khác cách bất công thì phải lo trả lại cho người đó càng sớm càng tốt.



2. Bồi thường.

Nếu đã làm hư hại của họ thì phải bồi thường cho cân xứng.

Phải bồi thường cho người mà mình đã lấy.

Nếu người đó đã chết hay là mất tích, thì phải bồi thường cho con cháu họ hay là người thừa tự của họ.

Còn nếu không biết phải bồi thường cho ai nữa, thì hãy dâng tiền của ấy vào công việc từ thiện, bác ái. 

IV. CẦU NGUYỆN. 

Xin chúa và Đức Mẹ Maria giúp con biết sống đức công bình cho tốt, để biết tôn trọng của cải người khác. 


BÀI 44 : ĐIỀU RĂN THỨ TÁM

2464 – 2513
Ngươi không được làm chứng gian hại người (Xh 20, 16)

Các ngươi còn nghe luật dạy người xưa rằng:

"Chớ bội thề, nhưng hãy trọn lời thề đối với Chúa" (Mt 5,33)
I. Ý NGHĨA. 

Giới luật thứ tám dạy tôi tôn trọng sự thật và tôn trọng danh giá của người khác.


Giới luật thứ tám cấm: nói dối (nói dóc, nói sai sự thật), cấm làm chứng gian.
Cấm tiết lộ những điều phải giữ kín và cấm làm hại danh giá của người khác.  

II. TÔN TRỌNG SỰ THẬT.

Là giữ sự thành thực trong tư tưởng, lời nói và việc làm.

Vì những lý do sau đây:


  • Vì Thiên Chúa là Đấng chân thật vô cùng, Ngài thấu suốt mọi sự và dạy tôi phải luôn thành thực,

  • Sự thành thực rất cần cho đời sống chung. 

Cho nên:

Không bao giờ được phép nói dối, dù là để chửa mình hay là để bênh vực người khác. 



III. TÔN TRỌNG DANH GIÁ NGƯỜI KHÁC.  

1. Tôn trọng danh giá. 

Tôi phải nghĩ tốt cho mọi người, không nên nói xấu ai, và khi không có luật lệ hay công ích đòi buộc, thì không được tố cáo điều lỗi của người khác.  



Điều bí mật.

-         Không được phép tiết lộ những điều phải giữ kín .

-         Trừ khi người có điều kín đó cho phép nói ra, hoặc là khi nói ra như thế thì có ích lợi lớn lao cho nhiều người.  

2. Làm hại danh giá.  

Khi tôi bỏ vạ (làm cho họ có lỗi, bị phạt), nói hành nói xấu, hoặc là khi hồ nghi điều xấu cho người khác mà không có lý do.  



3. Bồi thường danh giá 

Khi làm hại danh giá người khác, tôi phải đền trả tiếng tốt và danh dự cho họ.


Nếu gây thiệt hại về vật chất, tôi còn phải bồi thường cho họ nữa.
BÀI 44. ĐIỀU LUẬT CỦA GIÁO HỘI

2041 – 2043 ; 2048
LUẬT GIÁO HỘI.

Lề luật mà Giáo Hội quy định cho tất cả những người đã gia nhập Giáo Hội qua Bí tích Thánh Tẩy và ở trong những trường hợp do Giáo Hội ấn định thì phải tuân giữ lề luật của Giáo Hội, để họ sống theo ý Chúa cách trọn vẹn hơn.  



Giáo Hội có 6 điều luật, như sau :  

Thứ nhất: Xem lễ ngày Chúa Nhật cùng các ngày lễ buộc.

Thứ hai:    Chớ làm việc xác ngày Chúa Nhật cùng các ngày lễ buộc.

Thứ ba:     Xưng tội trong một năm ít là một lần.

Thứ bốn:  Chịu Mình Thánh Đức Chúa Giêsu trong mùa  Phục sinh.

Thứ năm: Giữ chay  những ngày Hội Thánh buộc.

Thứ sáu:   Kiêng thịt ngày Thứ Sáu cùng những ngày khác  Hội Thánh dạy.  

Ghi chú:

Ngoài 6 điều luật ấy Giáo Hội còn nhiều luật lệ khác nằm trong bộ Giáo luật (*) hoặc trong các văn kiện quy định những luật lệ về Phụng vụ, Bí tích, về giáo sĩ (**), giáo dân và các Dòng tu nam nữ...  

(*) Bộ Giáo luật đang áp dụng hiện nay đã được sửa đổi và ban hành vào năm 1983, gồm 1752 điều luật. 

(**) Hàng giáo sĩ: gồm các Giám mục, linh mục và phó tế. 



1. Điều luật thứ nhất và thứ hai .

Giáo Hội dạy phải tham dự lễ và nghỉ ngơi (không làm việc xác) vào những ngày Chúa Nhật và lễ buộc. 



2. Điều luật thứ ba.

Giáo Hội dạy mỗi năm ít nhất phải lãnh nhận Bí tích Hòa giải (xưng tội) một lần.

Giáo Hội không buộc phải lãnh nhận Bí tích Hòa giải vào một thời kỳ nào nhất định. Nhưng để tiện giữ luật rước lễ mùa Phục sinh, thì nên lãnh nhận Bí tích Hòa giải cũng vào mùa ấy. Nếu trong mùa Phục sinh mà không lãnh nhận Bí tích Hòa giải được, thì Giáo Hội buộc phải lãnh nhận Bí tích ấy bất cứ lúc nào trong năm.  

Tuy nhiên. Giáo Hội khuyên lãnh nhận Bí tích đó thường xuyên hơn, nhất là mỗi khi mắc tội trọng (tội nặng).  

3. Điều luật thứ tư.

Giáo Hội dạy phải rước lễ mỗi năm ít nhất một lần trong mùa Phục sinh.



Mùa Phục sinh bắt đầu từ Thứ Tư Lễ Tro, cho tới Lễ Đức Chúa Thánh Thần Hiện Xuống.

Chú ý:

Tại Việt Nam Giáo hội nới rộng việc rước lễ Mùa Phục sinh cho đến lễ Đức Chúa Trời Ba Ngôi.  



4. Điều luật thứ năm.

Giáo Hội dạy: từ 18 tuổi trọn cho đến hết 60 tuổi phải ăn chay vào những ngày Giáo Hội ấn định.  



Ăn chay.

Là ngày hôm đó chỉ được ăn một bữa no mà thôi. (Nếu lấy bữa trưa làm chính, thì 2 bữa sáng và tối chỉ ăn chút ít. Còn nếu lấy bữa tối làm bữa chính, thì 2 bữa sáng và trưa chỉ ăn chút ít.)  



Những ngày Giáo Hội chỉ định ăn chay là:

Thứ Tư Lễ Tro và Thứ Sáu Tuần Thánh.  



5. Điều luật thứ sáu.

Giáo Hội dạy từ 14 tuổi trọn trở lên phải kiêng thịt (không ăn thịt) vào những ngày Thứ Sáu và vào 2 ngày ăn chay ở trên.



Chú ý:

Khi không thể kiêng thịt vào ngày Thứ Sáu được, có thể làm một việc tốt lành khác thay thế.



Ý hướng của lề luật:

Luật này tập tín hữu biết hy sinh và chế ngự chính mình. Nên ở những nơi thịt mắc hơn cá, người ta thường chọn cá mà ăn. Còn ở những nơi cá mắc hơn thịt và cá ngon miệng hơn thịt, thì  nên chọn một thứ gì rẻ hơn, kém ngon miệng hơn mà ăn, cho hợp với tinh thần chay tịnh của lề luật.

            Theo tinh thần đó, Giáo Hội lập ra luật kiêng thịt và ăn chay có ý tập cho các tín hữu biết hy sinh, chế ngự chính mình, đền tội lập công, noi gương Đức Giêsu.

Tuy nhiên: những người đau yếu, già nua, những người phải làm việc cực nhọc, hay phải đi đường xa xôi thì không buộc phải giữ luật này.  

PHẦN IV : VIỆC CẦU NGUYỆN KITÔ GIÁO
Bài 46:  Thánh hoá đời sống hằng ngày. 

BÀI 46. THÁNH HÓA ĐỜI SỐNG HẰNG NGÀY
Thánh hóa đời sống hằng ngày là làm cho đời sống trở nên thánh thiện, tốt lành.

Nghĩa là sống kết hợp với Chúa trong mọi công việc làm hằng ngày, và sống hòa thuận thương yêu giúp đỡ mọi người, về vật chất cũng như tinh thần tùy theo khả năng của mình.  



I. BUỔI SÁNG.

Khi thức dậy tôi nên làm dấu Thánh giá, cám ơn Chúa đã cho tôi qua một đêm bằng an và phó thác cho Chúa mọi việc tôi sẽ làm trong ngày hôm đó.

Nếu là ngày không đến nhà thờ dự Thánh lễ được, thì hãy đọc một số kinh ban sáng, hay là dành một vài phút tưởng nhớ tới Chúa. 

II. TRƯỚC VÀ SAU BỮA ĂN.

Trước bữa ăn, nên làm dấu Thánh giá, đọc kinh Lạy Cha, xin Chúa ban phép lành cho những của ăn.

Còn sau bữa ăn thì nên cám ơn Chúa.  

III. KHI LÀM VIỆC.

Khi làm những công việc hằng ngày, nên có ý làm những việc đó để sáng danh Chúa, để cứu rỗi chính mình và cứu rỗi những người khác. Rồi đang khi làm việc như vậy, cũng nên thỉnh thoảng nâng lòng mình lên tưởng nhớ tới Chúa. Nên dùng những lời nguyện tắc phát xuất từ tâm hồn, để dâng công việc và tâm hồn lên Chúa.  



IV. LÚC ĐAU KHỔ.

Khi gặp đau khổ, nên cầu nguyện với Chúa và với Đức Mẹ, xin ơn can đảm vui lòng vâng theo thánh ý Chúa, chịu đựng gian nan đau khổ, để đền bù tội lỗi, khuyết điểm của mình và cũng là để lập công trước mặt Chúa. Nếu đẹp lòng Chúa, thì xin Chúa giúp thoát khỏi những đau khổ đó.  



V. TRƯỚC KHI ĐI NGỦ.

Buổi tối, trước khi kết thúc một ngày để đi vào sự nghĩ ngơi chuẩn bị cho một ngày mới, tôi nên đọc kinh ban tối, xét mình kiểm điểm về cách sống của mình trong ngày hôm đó và ăn năn thống hối, nếu cần. Đồng thời, dâng mình cho Chúa, Đức Mẹ và Thiên Thần bản mệnh, xin cho tôi được giấc ngủ bình an.  



VI. ĐỌC KINH CHUNG.

Ban tối và ban sáng, nên đọc kinh chung với nhau, như lời Chúa dạy: "Nếu ở dưới đất có hai người trong chúng con hợp ý cầu xin bất cứ điều gì, thì Cha Thầy - Đấng ngự trên trời - sẽ ban cho. Vì ở đâu có hai ba người họp lại vì danh Thầy, thì Thầy cũng ở đấy, giữa họ" (Mt. 18, 19-20).  



Ghi chú:

Rất nhiều Kitô hữu có thói quen tốt, khi nghe đánh chuông nhà thờ ban sáng, ban trưa và ban chiều thì đọc kinh Truyền Tin, để cảm tạ Ngôi Hai Thiên Chúa xuống thế làm người cứu chuộc nhân loại, và cũng là để tỏ lòng kính mến Đức Mẹ Maria.

Mùa Phục sinh thì đọc kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng.

VII. CẦU NGUYỆN.

Xin Chúa cho con biết dùng thời giờ và công việc Chúa ban hằng ngày cho xứng đáng, để làm vinh danh Chúa.



1 CĐ. Vatican II, Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes, 26: AAS 58 (1966), 1046;

     x. Giáo lý Giáo hội Công giáo, 1905-1912; Gioan XXIII, Thông điệp Mater et Magistra:

    AAS 53 (1961), 417-421; Gioan XXIII, Thông điệp Pacem in Terris: AAS 55 (1963),

    272-273; Phaolô VI, Tông thư Octogesima Adveniens, 46: AAS 63 (1971), 433-435.



2 HTXHCG, khoản 164


3 x. CĐ. Vatican II, Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes, 12: AAS 58 (1996), 1034;

Giáo lý Giáo hội Công giáo, 1879; x. Piô XII, Thông điệp Truyền thanh ngày 24-12-1942, 6:   AAS 35 (1943), 11-12;  Gioan XXIII, Thông điệp Pacem in Terris: AAS 55 (1963), 264-265.


4 x. Gioan Phaolô II, Thông điệp Sollicitudo Rei Socialis, 26: AAS 80 (1988), 544-547;

    CĐ. Vatican II, Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes, 76: AAS 58 (1966), 1099- 1100.



tải về 0.52 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương