Tài liệu đang trong quá trình chỉnh sửa, không phải là giá trình chính thức Dân số và sự gia tăng dân số



tải về 151.45 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu07.07.2016
Kích151.45 Kb.
#1440

Tài liệu đang trong quá trình chỉnh sửa, không phải là giá trình chính thức


Dân số và sự gia tăng dân số

  1. Sự tăng trưởng dân số thế giới

Sự gia tăng không mong đợi của loài người tạo nên một nhân tố hàng đầu cuả sự huỷ hoại sinh quyển. Dù rằng sự đông dân đã xảy ra từ nhiều thế kỷ ở vài vùng như châu Á, nhưng sự tăng trưởng gia tốc cuả dân số thế giới vốn đã quá đông đúc tạo nên một sự kiện cơ yếu, đặc sắc cuả con người, gọi là sự bùng nổ dân số ở thế kỷ 20.

Việc quan trọng hơn không chỉ là số lượng vốn đã quá lớn, mà còn là dân số tăng với tốc độ lũy tiến (vitesse exponentielle). Không một chuyên gia nào có thể dự kiến chính xác khi nào thì dân số ổn định. Do đó Dorst (1965) xem sự bùng nổ dân số ở thế kỷ 20 là một hiện tượng có qui mô sánh với thảm họa điạ chất đã làm đảo lộn hành tinh.

Sự tăng trưởng dân số trên trái đất hiện nay đặt sinh quyển vào tình trạng khủng hoảng.

Ở giai đoạn từ khi con người xuất hiện đến cuộc cách mạng nông nghiệp, dân số thế giới còn thưa thớt, khoảng 125.000 người, chủ yếu sống tập trung ở châu Phi. Nhờ sự phát triển của bộ não, tổ tiên chúng ta đã có một nền văn hóa nguyên sơ được gọi là “Cách mạng văn hóa” mà đặc trưng của nó là những quy ước của xã hội, kinh nghiệm trong sản xuất (cách chế tác công cụ, thức ăn, phân biệt những động thực vật có hại hay ăn được…) được lưu giữ và truyền lại từ thế hệ này qua thế hệ khác bằng miệng. Nhờ đó, đời sống của các quần cư được cải thiện dần, tốc độ gia tăng dân số đạt đến 0,002% ở cuối thời kỳ với dân số tăng lên đến khoảng 5 triệu vào năm 8000 trước CN. Trong thời kỳ đó, con người đã phân bố rộng rãi trên toàn lục địa Âu-Á và xâm nhập sang Tây Bán Cầu vào khoảng 30.000 năm trước CN.

Vào cuối cách mạng nông nghiệp, sự gia tăng dân số không liên tục, khi tăng, khi giảm nhưng nhìn chung vẫn tăng. Nền văn minh nhân loại lúc tiến triển, lúc suy thoái, thời tiết thuận lợi, lúc khó khăn; mất mùa rồi bệnh dịch, chiến tranh. Tất cả đều là những yếu tố tác động trực tiếp hay gián tiếp đến kích thước dân số. Chẳng hạn, trong những năm 1348 -1350 bệnh dịch hạch đã làm cho dân số châu Âu giảm đi 25% riêng ở Anh từ năm 1348-1379 còn giảm mạnh hơn, tới gần 50%. Từ năm 1648, thế giới bước vào thời kỳ ổn định, sản phẩm nông nghiệp gia tăng, mở đầu cho sự ra đời của thương mại; quyền lực tập trung của thời phong kiến bị tan rã từng mảng lớn, thay vào đó nền kinh tế công nghiệp, trước hết là tiểu thủ công nghiệp ra đời và phát triển tạo nên bước ngoặt cho sự phát triển dân số.

Từ 1650-1850, cùng với cách mạng nông nghiệp ở châu Âu, thương mại trở thành động lực chính cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Trồng trọt, chăn nuôi phát triển dự trữ lương thực tăng, hàng hóa được trao đổi gữa các vùng nhiều hơn, nạn đói và dịch bệnh đẩy lùi. Kết quả tất yếu dẫn đến là dân số thế giới, đặc biệt ở châu Âu, tăng vọt, từ 103 lên 144 triệu. Dân số châu Á chỉ tăng 50-75%. Diện tích đất canh tác chung tăng từ 10 người/km2 lên 2 người/km2 do khá phá ra Châu Mỹ. Vào thế kỷ XVIII-XIX, người Châu Âu sang định cư ở Tân Thế Giới làm cho dân số ở đây tăng từ 4 triệu (1790) lên 23 triệu (1850). Dân số Châu Phi (1650-1850) ước tính có khoảng 100 triệu. Tỷ lệ tăng dân số thế giới diễn ra như sau: 0,3% giữa 1650-1750 và khoảng 0,5% giữa 1750-1850.

Giai doạn 1850-1930 được gọi là “giai đoạn chuyển tiếp dân số”. Lúc này ở Châu Âu và Bắc Mỹ, tỷ lệ tử vong giảm thấp, từ 22-24‰ xuống 18-20 ‰ do điều kiện sinh hoạt được cải thiện, y tế và vệ sinh phòng dịch tiến bộ. Đến cuối thế kỷ XIX, giai đoạn dân số thực sự bắt đầu ở các nước phương Tây với sự giảm cả tỷ tệ sinh và tỷ lệ tử, cả ở nông thôn và thành thị.

Sang thế kỷ XX, dân số thế giới tăng nhanh, mặc dầu quá trình chuyển tiếp dân số ở các nước phương Tây vẫn còn tiếp tục. Nhịp độ tăng dân số trung bình toàn thế giới trong khoảng thời gian 1850-1950 là 0,8%. Dân số tăng từ trên 1000 triệu người lên gần 2500 triệu người. Trong đó dân Châu Á tăng chưa đến 2 lần; Châu Âu và Châu Phi tăng 2 lần; Bắc Mỹ tăng 6 lần và Nam Mỹ tăng 5 lần (bao gồm cả sự nhập cư). Đến những năm 1930, ở một số nước Châu Âu tỷ lệ sinh giảm nhanh hơn cả tỷ lệ tử khiến cho sự gia tăng dân số chững lại. Sau đại chiến thứ 2, điều kiện sống được cải thiện, tỷ lệ sinh lại tăng cao và kéo dài cho đến những năm 1960. Ở đây cần nói thêm rằng, những yếu tố để tạo nên sự chuyển tiếp dân số ở các nước phát triển lại hầu như không có được ý nghĩa như vậy đối với các nước kém phát triển. Ở các nước này tỷ lệ sinh vẫn cao. Do đó, từ những năm 1940, nhất là khi con người đã chế ra nhiều loại thuốc công hiệu để loại trừ một số dịch bệnh nguy hiểm, dân số thế giới bước vào một giai đoạn bùng nổ thực sự với đặc trung tỷ lệ sinh cao, còn tỷ lệ tử thấp. Tỷ lệ tăng trưởng dân số trung bình toàn cầu từ 0,9% (năm 1950) lên đến 1,8% (1950-1980)

Vào đầu Công nguyên toàn thế giới chỉ có 136 triệu người. Từ đó tăng lên 0,5 tỷ vào giữa thế kỷ XVII. Phải đến năm 1850 dân số thế giới mới đạt đến 1 tỉ người rồi 80 năm sau (1930) đạt 2 tỉ; năm 1960 đạt 3 tỉ, năm 1975 đạt 4 tỉ và đến 11/07/1987 thế giới đã có 5 tỉ người. Tháng 07/1994, thế giới đã có 5,63 tỉ người, năm 1997, dân số thế giới là 5,8 tỉ người và gia tăng hàng năm là 1,7%. Các nhà khoa học dự kiến đến năm 2000 sẽ có khoảng 6, 1 tỉ người. Thực tế, dân số thế giới tròn 6 tỉ người tăng gấp 4 lần so với đầu thế kỷ 20 vào ngày 12/10/99. Khoảng 40 năm nữa, dân số có thể tăng gấp đôi nếu không có những biện pháp ngăn chặn đà gia tăng này. Sự bùng nổ dân số gây áp lực lên tài nguyên và môi trường.

Từ số liệu trên, nếu dân số nhân loại là và đạt đến 500 triệu vào năm 1650 thì trong khoảng thời gian đó dân số có 6-7 lần thời gian tăng gấp đôi. Như vậy, trong thời kỳ đó, để tăng gấp đôi dân số cần một thời gian trung bình là 1500 năm. Tiếp theo, thời gian này ngày một rút ngắn. Số dân 4 tỷ trên Trái Đất được ghi nhận vào năm 1975. Tính theo “chỉ số gia tăng dân số” vào năm 1970, thời gian tăng gấp đôi dân số lúc đó được tính là 36 năm. Ba giai đoạn đặc trưng của lịch sử dân số nhân loại: Cách mạng văn hóa, Cách mạng nông nghiệp và Cách mạng công nghiệp. Cho đến giữa thiên niên kỷ thứ 2 dân số ít và tăng trưởng chậm. Từ sau Cách mạng công nghiệp, dân số mới tăng nhanh và sự “bùng nổ dân số” mới xuất hiện 1-2 thế kỷ vừa qua.

Nếu như trong những năm đầu của thế kỷ XIX, để tăng thêm 1 tỷ người cần khoảng thời gian 100 năm, thì từ năm 1975 đến 1987 để tăng thêm 1 tỷ người chỉ cần 12 năm và trong tương lai mức tăng sẽ còn nhanh hơn nữa.

Trước nguy cơ về dân số bùng nổ, nhiều nước đã thực hiện quốc sách "kế hoạch hóa gia đình" nên đã hạn chế một phần tốc độ phát triển của dân số. Trong thập niên 80, mỗi năm thế giới có 130 triệu trẻ em mới sinh thì đến nay con số đó chỉ còn 86 triệu người, như vậy mỗi ngày thế giới vẫn còn tăng khoảng 238.000 người.

Mức độ tăng dân số không đều: cao nhất là ở Trung Mỹ (3,4%), Mỹ La Tinh (3%), Châu Phi (2,5%), Châu Á (2,3%), Bắc Mỹ (1,3%), Châu Âu (0,8%).... Trước đây 20 năm, tốc độ phát triển của dân số thế giới là 2% thì đến năm 1994 đã giảm xuống còn 1, 57%.

Một đặc điểm cần lưu ý là theo sự ước tính, trung bình cứ 10 đứa trẻ được sinh ra thì đã có 9 đứa được ra đời ở các quốc gia nghèo và các quốc gia đang phát triển, dân số các quốc gia này hiện nay chiếm khoảng 2/3 dân số thế giới. Tại thời điểm 1987 (khi dân số thế giới đạt mức 5 tỷ người), các quốc gia đông dân nhất là Trung Quốc (1,2 tỉ), Ấn Ðộ (919 triệu), Hoa Kỳ (261 triệu), Indonesia (195 triệu), Bresil (159 triệu), Pakistan (137 triệu), Nhật Bản (120 triệu).

Quá trình tăng dân số trong khoảng 1 triệu năm qua theo ước lượng của các nhà dân số học và diện tích đất bình quân trên đầu người được mô tả trong bảng dưới đây

Bảng : Kích thước dân số ở các giai đoạn và thời gian dân số tăng gấp đôi và diện tích đất bình quân đầu người



Thời gian

Dân số (triệu người)

Diện tích đất bình quân (ha/người)

Thời gian tăng gấp đôi

8000 trước CN

5

2997,5

1500

1650

545

27,5

200

1850

1000

15

80

1930

2000

7,5

45

1975

4000

3,0

≈ 35-37

19871

5000

1,88

48

1999

6000







Như vậy trải qua gần hết lịch sử loài người, dân số đạt đến 1 tỷ người vào năm 1850. Và sau đó chỉ 80 năm dân số đạt đến 2 tỷ vào năm 1930; chỉ sau 30 năm dân số tăng thêm 1 vào năm 1960 và 4 tỷ vào năm 1975.

Số liệu về dân số thế giới cho phép dự báo về sự phát triển của đường cong dân số trong tương lai. Những kết quả dự báo của Worldbank cho rằng, có 3 thời điểm khác nhau dân số thế giới dừng ở mức cân bằng có thế tin cậy được.

Kích thước dân số thế giới tăng dần theo lịch sử phát triển của loài người. Nếu giữ khuynh hướng như hiện tại, sự cân bằng dân số của thế giới sẽ xuất hiện vào năm 2110 với số lượng ở mức 10,5 tỷ người, gấp 2 lần dân số năm 1990. Nếu tốc độ sinh giảm nhanh hơn thì điểm dừng của dân số đến sớm hơn vào khoảng năm 2040 với dân số 8 tỷ, vượt dân số năm 1990, 86% và nếu tốc độ sinh giảm chậm hơn hiện tại thì điểm cân bằng sẽ rơi vào năm 2130 với 14,2 tỷ người, hơn 2 lần dân số hiện nay.

Trong khi đó trái đất, môi trường sống của con người, trong hàng trăm triệu năm qua không thay đổi về độ lớn. Trong lúc đó dân số loài người đã và đang tăng lên theo cấp số nhân. Diện tích đất bình quân đầu người theo đó đã giảm liên tục.

Với tổng diện tích trên trái đất là 15 tỷ ha, vào năm 0 bình quân mỗi người trên trái đất có thể sử dụng 75ha thì đến năm 1994 con số này là 3 ha, năm 2010 diện tích này còn lại là 1,875 ha. Sự hạn chế không gian sống còn bị sự phân bố không đều về mật độ dân số làm thêm căng thẳng. Tại các vùng đô thị, khu công nghiệp, vùng thâm canh nông nghiệp diện tích bình quân đầu người chỉ bằng 1/100 thậm chí 1/1000 trị số trung bình trên toàn trái đất.


  1. Gia tăng dân số và nhu cầu của con người

    1. Nhu cầu dinh dưỡng

Con người muốn sống và làm việc được thì cần phải ăn, trước hết là để xây dựng cơ thể và sau đó là để bù đắp phần năng lượng bị mất đi trong quá trình trao đổi chất, đặc biệt là để hoạt động và thực hiện những công việc lao động chân tay và trí óc một cách có hiệu quả.

Người ta đo năng lượng tiêu thụ bằng số calo cần có trong khẩu phần ăn. Ðối với người lao động nặng cần từ 3.500 - 5.000 kcal/ngày, người lao động trung bình cần từ 3.000 - 3.500 kcal/ngày và người lao động nhẹ cần 2.500 - 3.000 kcal/ngày. Tuy nhiên, nhu cầu năng lượng này thay đổi tùy theo giới tính, lứa tuổi, điều kiện khí hậu... Nên ta có thể công nhận con số trung bình là 2.400 kcal/ngày, con số này được coi là nhu cầu vừa phải để cung cấp đủ cho khả năng lao động chân tay và trí óc có hiệu quả.

Lấy mốc của năm 1963 thì dân số của thế giới là 3, 11 tỉ nên nhu cầu của nhân loại trong 1 năm là 3, 11 x 109 x 2400 x 365 = 2,7.1015 kcal, trong khi đó sinh quyển chỉ cung cấp được 2,6.1015 kcal/năm. Như vậy, có thể tạm coi là nguồn thức ăn do sinh quyển cung cấp nếu được phân phối đồng đều ở các nơi trên thế giới thì cũng chỉ vừa đủ nuôi sống nhân loại. Tuy nhiên sự phân phối nguồn lương thực này không đồng đều trên thế giới nên nhu cầu thỏa mãn cho mỗi người ở mỗi nơi lại khác nhau


    1. Thiếu dinh dưỡng, suy dinh dưỡng, bội dinh dưỡng và nạn đói

a. Thiếu dinh dưỡng và suy dinh dưỡng

Ðể có sức khỏe tốt thì không chỉ có đủ thức ăn mà thức ăn phải có đầy đủ chất dinh dưỡng như protein, carbohydrate, dầu mỡ, vitamin và khoáng chất.

Những người dân nghèo mà đại đa số các quốc gia kém phát triển, cuộc sống của họ phải dựa vào một số cây lương thực chủ yếu như lúa gạo, lúa mì, ngô, khoai tây... nên chế độ ăn uống của họ thường xuyên thiếu dinh dưỡng. Nếu trong khẩu phần ăn ở các nước công nghiệp phát triển là 90g protein/ngày/người với 3000 calo trong đó có 50 % là protein động vật thì ở các nước đang phát triển chỉ có chưa đến 60g/ ngày / người với 2100 calo và 15 % là protein động vật. Điều này đã và đang dẫn đến nạn suy dinh dưỡng trầm trọng Việc sử dụng lâu dài khẩu phần ăn thiếu chất dinh dưỡng dẫn đến cơ thể rơi vào tình trạng suy dinh dưỡng, làm cho sức khỏe suy giảm đến mức không còn đủ khả năng đề kháng với bệnh tật.

Tình hình xảy ra nghiêm trọng đến nỗi có thể nghĩ tới nạn "đói khu vực" và hiện tại có khoảng 1/3 dân số thế giới ăn chưa tốt, mà số này lại nằm trong các quốc gia kém phát triển và lại có tốc độ tăng dân số rất nhanh.



Cuộc sống của 90% dân số trên Trái Đất phụ thuộc vào 10-11% diện tích bề mặt Trái Đất. Hiện nay ở các nước đang phát triển có tới 60% gia đình thiếu ăn triền miên hoặc theo định kỳ trước và sau vụ thu hoạch. Có ít nhất 1 tỉ người trên trái đất đang bị nạn đói đe doạ, nhất là các nước Trung và Nam Phi. Tương tự, hội nghị quốc tế về lương thực được tổ chức ngày 13/11/1996 đã ước tính hằng năm có khoảng khoảng 800 triệu người bị suy dinh dưỡng mà phần lớn tập trung ở 2 lục địa Á châu và Phi châu, trong đó có 200 triệu trẻ em. Hằng năm có khoảng 5 triệu trẻ em suy dinh dưỡng bị chết vì các bệnh nhiễm trùng như sởi, cúm, tiêu chảy (trong đó có khoảng 3/4 trẻ em chết vì bị tiêu chảy) và đại đa số các trẻ này thuộc về các nước nghèo và các nước đang phát triển.

Trước tình hình gia tăng dân số, nguồn tài nguyên ngày càng suy thoái và cạn kiệt, bên cạnh đó là thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh xảy ra ở nhiều nơi trên thế giới, sản xuất lương thực thực phẩm không đủ cung ứng cho dân số ngày càng đông. Năm 1987, tổ chức lương nông thế giới (FAO) ước tính rằng để thỏa mãn nhu cầu lương thực và thực phẩm thì sản lượng lương thực phải tăng 100% và sản phẩm có nguồn gốc động vật phải tăng 200%. Như vậy, nếu giữ ở mức độ này thì đến năm 2000 số người bị thiếu ăn tăng lên từ 2 tỉ đến 3 tỉ người.



b. Bội dinh dưỡng

Bên cạnh hàng tỉ người thiếu ăn hoặc khẩu phần ăn thiếu chất dinh dưỡng cũng có hàng chục triệu người sống ở các quốc gia thuộc Châu Âu, Bắc Mỹ, Châu Úc và Tân Tây Lan..., sử dụng khẩu phần ăn thừa thải, thậm chí quá thừa thải chất dinh dưỡng mà ta có thể gọi đó là bội dinh dưỡng. Ăn uống thừa thải hẳn cũng không phải là điều dễ chịu và không nên nghĩ rằng một người được ăn uống tốt là người chỉ ăn những thức ăn ngon và thừa thải so với nhu cầu về protein, carbohydrate, dầu mỡ, vitamin và khoáng chất.

Ăn quá nhiều và quá thừa dinh dưỡng cũng có khả năng mắc nhiều bệnh nguy hiểm và cũng có thể làm tăng tỉ lệ tử vong. Các bác sĩ ở Hoa Kỳ cho rằng vấn đề cơ bản của việc bảo vệ sức khỏe cho dân cư nước họ không phải là bệnh ung thư cũng không phải là bệnh viêm thủng mà là sự dư thừa về trọng lượng của cơ thể gây nên gọi là hội chứng béo phì.


    1. Nhu cầu nhà ở và quần áo

Nhà là để ở và quần áo là để giữ ấm. Cả hai liên quan một cách phức tạp với toàn bộ đời sống và do đó tới sinh thái học người. Quần áo và nhà ở bảo vệ con người khỏi bị tác hại của nhiệt độ quá cao hay quá thấp; chống lại các tác hại vật lý khác như tiếng ồn, bức xạ; bảo vệ con người khỏi các tác hại hóa học và sinh học; các thú dữ, rắn độc và các loài thiên địch khác từ xa xưa là kẻ thù của người; và gần đây các tác nhân gây bịnh và các vật truyền bịnh (vectors) đáng sợ hơn. Ngoài ra khói bụi và các khí độc khác có thể gây hại sức khỏe nếu không có các phương tiện phòng tránh hữu hiệu.

Tóm lại, quần áo và nhà ở là các nhu cầu thiết yếu của con người. Khi dân số gia tăng, các khu đô thị phát triển và tài nguyên thiên nhiên được sử dụng nhiều, thì sự ràng buộc của quần áo và nhà ở với sinh thái học của người cần được xem xét tỉ mỉ và liên tục.

Với quần thể nhỏ và không gian rộng, con người không cần ngăn nắp và cầu kỳ. Khi mật số gia tăng, không gian trở nên có hạn và khi cơ may di dời đến nơi trù phú khác giảm đi, buộc người ta phải sống trong một hệ thống khép kín. Khi đó, người ta phải tạo ra sự trật tự ngăn nắp, tức phải đầu tư năng lượng nhiều hơn, tức phải khai thác và sử dụng tài nguyên nhiều hơn. Tài nguyên thiên nhiên, để làm các vật liệu tiêu dùng, không phải là không bị cạn kiệt. Các phụ phẩm từ các xí nghiệp mau chóng lấp đầy một cách vô tội vạ các khoảng đất trống. Nhà ở và nhà máy xây dựng chồng lấn nhau và tranh giành các khoảng không gian chật hẹp. Rác thải sinh hoạt và công nghiệp gây ra vấn đề ô nhiễm, đòi hỏi phải được xử lý.


    1. Nhu cầu đi lại

Nhu cầu đi lại hay di chuyển cũng là một trong các nhu cầu thiết yếu của con người. Hệ thống hoạt động của người (human activity system) bao gồm 3 điểm nút hoạt động (activity nodes), hay là 3 nơi đặc trưng cho các hoạt động này. Ðó là sống, làm việc và vui chơi. Chính sự di chuyển nối liền 3 hoạt động hay 3 nơi thực hiện các hoạt động trên.

Người ta còn có thể xếp các hoạt động của người theo các cách khác nhau. Nhưng tựu trung có thể xem nhà ở là trung tâm, từ đó người ta di chuyển đến các nơi khác để làm việc, học tập, giao dịch và giải trí.

Sự di chuyển (đi lại) đưa chúng ta đi từ nơi ở đến các địa điểm khác để thực hiện các sinh hoạt khác nhau. Ðó là sự đi lại thường ngày, có tính lập lại. Nên việc bố trí khoảng cách và cung cấp phương tiện di chuyển sao cho tiện lợi, tiết kiệm là điều quan tâm của các nhà thiết kế đô thị. Ngoài ra còn các sự di chuyển đường dài, liên quốc gia hay liên lục địa, cần các phương tiện nhanh hơn, hiện đại hơn và dĩ nhiên tiêu tốn nhiều nhiên liệu hơn.

Tóm lại, đi lại (di chuyển) là một nhu cầu cơ bản của con người. Nó đòi hỏi phuơng tiện và năng lượng. Chính năng lượng sử dụng cho các phuơng tiện di chuyển ở các quốc gia phát triển (xe hơi, máy bay...) là nguyên nhân chánh cho sự cạn kiệt tài nguyên không tái tạo và ô nhiễm không khí.



    1. Nhu cầu văn hóa

Văn hóa là nét đặc trưng của loài người, không thấy ở bất kỳ một sinh vật nào khác. Các nền văn hóa của các dân tộc khác nhau trên thế giới được duy trì, phổ biến và phát huy thông qua giáo dục và các phuơng tiện, như tiếng nói, chữ viết và các ký hiệu khác.

Một trong các phương tiện của văn hóa là chữ viết. Trong lịch sử của loài người, chữ viết được viết trên đất, đá, gỗ, lá cây, da thú, xương, kim loại... và hiện nay phổ biến nhất là giấy. Giấy được làm từ gỗ, rơm rạ, bã miá... nói chung là từ thực vật. Ngày nay, nhân loại sử dụng một luợng giấy khổng lồ, và điều này góp phần làm suy thoái thảm thực vật. Hơn nữa công nghiệp chế tạo giấy còn gây ô nhiễm môi trường, nhất là môi trường nước.

Hiện nay, máy tính cá nhân là phương tiện hiện đại và hữu dụng lớn lao cho con người. Người ta tưởng nhờ có nó, chúng ta tiết kiệm giấy hơn. Nhưng trái lại, lượng giấy dùng không giảm vì in ấn nhanh và dễ hơn, nên người ta thải giấy nhiều hơn là khi đánh máy hay viết tay. Ngoài ra, các thế hệ máy tính thay thế nhau rất nhanh, khối lượng máy thải ra (thường làm bằng các vật liệu khó bị phân hủy) cũng đặt thành vấn đề cho các quốc gia phát triển.

Tín ngưỡng cũng là một mặt của nền văn hóa. Các tôn giáo khác nhau có những công trình kiến trúc để ghi lại công ơn người sáng lập và để tín đồ thực hành tín ngưỡng. Các nhà thờ Thiên chúa giáo ở Châu Âu và chùa chiền Phật giáo ở Châu Á trước đây thường được xây cất bằng gỗ tốt, đã sử dụng một lượng gỗ đáng kể của các khu rừng lân cận. Tuy nhiên ở một mặt nào đó một số tín ngưỡng lại góp phần tích cực vào cải tạo đạo đức sinh thái của con người.



    1. Nhu cầu du lịch, giải trí, thể thao

Ðây cũng là các nhu cầu quan trọng của con người. Du lịch ngày nay trở thành nguồn thu nhập lớn cho nhiều quốc gia. Tuy gọi là ngành công nghiệp không khói, nhưng du lịch cũng gây nhiều thiệt hại cho môi trường và sinh vật hoang dã, và cũng làm ô nhiễm môi trường ở nhưng nơi thiếu sự quản lý chặt chẽ. Ở miền Nam, ai quan tâm đến môi trường sẽ thấy đau lòng trước sự tàn phá nhanh chóng của thực vật và động vật ở vùng biển Hà tiên, Vũng tàu, Nha trang... và các đảo Phú quốc, hòn Khoai...

Các công viên, sân bãi thể thao, các tụ điểm văn hóa... là không thể thiếu cho các khu dân cư của xã hội công nghiệp. Số lượng và chất lượng của các địa điểm trên ngày càng gia tăng theo sự gia tăng dân số và sự phát triển của xã hội.



  1. Mối tương quan giữa dân số, sử dụng tài nguyên và ô nhiễm môi trường

Theo mô hình đơn giản thì sự suy thóai và ô nhiễm môi trường ở cùng một nơi tùy thuộc vào 3 yếu tố: (1) số người dân, (2) số đơn vị năng lượng mỗi người sử dụng và (3) khối lượng của sự suy thoái và ô nhiễm môi trường do mỗi đơn vị năng lượng gây ra (Miller, 1993).

Sự đông dân bao gồm sự quá nhiều người và sự quá nhiều tiêu thụ. Sự quá nhiều người xảy ra ở những nơi mà số người nhiều hơn thức ăn, nước uống và các tài nguyên khác. Việc này thường xảy ra ở các nước đang phát triển, làm suy thoái các tài nguyên tái tạo và là nguyên nhân của sự nghèo đói. Sự quá nhiều tiêu thụ xảy ra ở các nước công nghiệp, khi một số ít người sử dụng một lượng lớn tài nguyên. Ðây là nguyên nhân chính làm cạn kiệt nguồn tài nguyên không thể phục hồi và làm ô nhiễm môi trường.



    1. Học thuyết Malthus

Thomas Robert Malthus là nhà kinh tế học người Anh, một trong những người sáng lập ra ngành dân số học chuyên nghiên cứu về tăng dân số. Ông ta trình bày một bài toán về tăng trưởng dân số trên cơ sở áp dụng nguyên lý cho rằng tất cả các quần thể sinh vật đều có tiềm năng tăng trưởng lớn hơn hiện tại trong khi nguồn cung cấp (thực phẩm, lương thực, nhiên liệu...) cho sự tăng trưởng này có tăng nhưng rất hạn chế.

Sau đây là một số luận điểm chính liên quan đến vấn đề này:



  • Nguồn sống là nhân tố hạn chế mức tăng dân số

  • Dân số tăng khi nguồn sống tăng, tăng trưởng dân số chỉ dừng lại khi có sự can thiệp bắt buộc

  • Nhân tố kiểm soát tăng dân số là lực lượng có thế lực trên cơ sở can thiệp vào nguồn sống

    1. Dân số và cân bằng sinh thái

Trong tự nhiên luôn luôn có xu hướng cân bằng hay còn được gọi là nội cân bằng. Đó là hệ thống tự ổn định điều khiển bằng những cơ chế nội tại. Các quần thể sinh vật đều có thể tự điều chỉnh mật độ bằng các cơ chế tập tính, làm tăng hoặc giảm cường độ sinh sản (yếu tố thực hiện) và bằng cách này mà kích thước quần thể (trị số điều khiển) được duy trì trong giới hạn cho phép.

Động thái tăng trưởng dân số: Động thái tăng trưởng dân số là sự tăng giảm dân số theo thời gian (năm, thế kỷ..).

Động thái tăng trưởng dân số phụ thuộc vào hai nhân tố chính là khả năng sinh học sinh sản của quần thể và sức chịu đựng của môi trường.

Sức chịu đựng của môi trường là toàn bộ các nhân tố cản trở một quần thể sinh sản đạt tới mức cực đại tiềm năng sinh học của chúng. Nó bao gồm tất cả các nhân tố gây chết, các nhân tố cản trở tỉ lệ sinh đẻ.


Vào buổi bình minh của lịch sử nhân loại, dân số thế giới khá ổn định. Động thái dân số chịu sự điều chỉnh của các nhân tố sinh học và tỉ lệ sinh đẻ cao hầu như được bù lại bằng tỉ lệ tử vong cao.

Con người vẫn là một phần của hệ tự nhiên nhưng mật độ trong quần thể tăng quá nhanh và không kiểm soát được đã làm mất đi khả năng tự điều chỉnh vốn có của tự nhiên. Điều này đang dẫn đến sự rối loạn các mối cân bằng sinh thái vốn có với hàng loạt các quá trình nội tại bị phá vỡ.



    1. Áp lực của sự tăng dân số quá mức

Một trong những thuộc tính cơ bản của sinh thái nhân văn là đánh giá chất lượng cuộc sống của từng thành viên, từng cộng đồng cũng như của một xã hội.

Chất lượng cuộc sống phụ thuộc vào tổng thể các nhân tố tự nhiên và xã hội, đặc biệt là nó tỉ lệ nghịch với số dân.

Có thể nói trong hầu hết các công trình nghiên cứu về nguyên nhân sâu xa của suy giảm chất lượng môi trường cũng như đói nghèo thì đều đi tới một kết luận chung là do sự tăng dân số quá mức.


    1. Dân số lên môi trường

Một trong những quá trình cơ bản trong sự vận động của một hệ sinh thái là sự phân phối năng lượng trong hệ. Khi hệ sinh thái còn trẻ thì dòng năng lượng chủ yếu được tập trung cho sức sản xuất, có nghĩa là tập trung cho sự tăng trưởng và cho tổ chức các cấu trúc phức tạp. Đến khi mật độ quần thể tăng gần đến mức bão hoà lúc đó hệ sinh thái đã thành thục. Lúc này hầu hết năng lượng được tập trung vào việc bảo tồn các cấu trúc phức tạp đã được tạo ra. Điều này hoàn toàn phù hợp đối với các quần thể người. Khi dân số tăng lên quá nhanh đồng thời nhu cầu cuộc sống của con người cũng không ngừng tăng lên. Để thoả mãn nhu cầu, con người đã tập trung mọi nỗ lực tinh thần và vật chất để tìm kiếm mọi lợi nhuận kinh tế mà không ngần ngại phá huỷ hoặc khai thác kiệt quệ các hệ sinh thái tự nhiên đồng thời gây ô nhiễm nghiêm trọng cho môi trường.

Sự gia tăng dân số kéo theo sự biến đổi về lượng và chất các hoạt động kinh tế xã hội và từ đó dẫn đến làm mất cân bằng sinh thái các hệ thống tự nhiên. Có thể nói sự gia tăng dân số là nguyên nhân trực tiếp cũng như gián tiếp dẫn đến ô nhiễm môi trường.

Số lượng dân xác định nhu cầu tài nguyên, cách thụ đắc, số lượng dùng. Các nhân tố dân số ( trình độ xã hội, kinh tế cuả một nước) có ảnh hưởng lên việc sử dụng tài nguyên. Các nước công nghiệp có nhu cầu về tài nguyên phức tạp và có khuynh hướng sử dụng nhiều tài nguyên không thể tái tạo. Các nước đang phát triển sử dụng nhiều tài nguyên tái tạo được. Sự phân bố dân cư cũng ảnh hưởng lên sự cung cấp, khai thác và sử dụng tài nguyên.


    1. Dân số lên ô nhiễm

Dân số gây ra ô nhiễm qua việc khai thác và sử dụng tài nguyên. Ô nhiễm có thể xảy ra từ việc sử dụng một tài nguyên như là nơi chứa rác thải sinh hoạt và công nghiệp. Ngoài ra khai thác tài nguyên (than đá, dầu và khí) gây ra sự suy thoái môi trường. Khối lượng tài nguyên và cách thức khai thác và sử dụng chúng xác định khối lượng ô nhiễm.

    1. Tài nguyên lên dân số

Tác động dương. Khám phá và sử dụng tài nguyên mới (dầu, than) làm tăng dân số, cũng như sự phát triển xã hội, kinh tế, công nghệ. Tài nguyên cho phép con người di chuyển đến các nơi ở mới cũng như việc lấy và sử dụng tài nguyên trước đây không được dùng. Thêm vào đó sự phát triển tài nguyên tạo nhiều nơi ở trong các môi trường khó khăn.

Tác động âm. Cạn kiệt tài nguyên làm giảm dân số và làm giảm sự phát triển xã hội, kinh tế, công nghệ. Suy thoái môi trường (ô nhiễm không khí) có thể làm giảm dân số hay tiêu diệt quần thể.



    1. Tài nguyên lên ô nhiễm

Khối lượng, cách thức khai thác và sử dụng tài nguyên có thể ảnh hưởng lên ô nhiễm. Càng khai thác và sử dụng nhiều tài nguyên thì càng gây nhiều ô nhiễm. Cạn kiệt tài nguyên có thể làm giảm ô nhiễm.

    1. Ô nhiễm lên dân số

Ô nhiễm có thể làm giảm dân số cũng như giảm sự phát triển xã hội, kinh tế và công nghệ. Ô nhiễm làm gia tăng tử vong và bệnh tật nên ảnh hưởng xấu lên kinh tế và xã hội. Ô nhiễm có thể làm thay đổi thái độ của con người từ đó làm thay đổi luật lệ, cách thức khai thác và sử dụng tài nguyên.

    1. Ô nhiễm lên tài nguyên

Ô nhiễm một môi trường có thể gây thiệt hại lên môi trường khác. Các luật mới nhằm làm giảm ô nhiễm có thể thay đổi sự cung cầu, khai thác và sử dụng tài nguyên.

Mô hình Dân số - Tài nguyên - Môi trường cho thấy con người sử dụng tài nguyên và gây ô nhiễm. Cả ba thành phần này có tác động tương hỗ.

Chúng ta thấy sự đông dân khiến người ta sử dụng nhiều tài nguyên hơn và làm suy thoái môi trường nhiều hơn. Chừng nào chúng ta chưa thay đổi cách sống, chưa ngừng hủy hoại môi sinh và các sinh vật khác thì sự sống sót và sự phát triển cuả chúng ta còn bị nhiều nguy cơ.


  1. Tình hình dân số Việt Nam

Dân số Việt Nam từ khi dựng nước cho tới thời kỳ Pháp thuộc rất ít tư liệu và nếu có cũng rất tản mạn, thiếu chính xác, gây nhiều tranh cãi giữa các nhà khoa học. Chỉ từ sau ngày miền Bắc giải phóng, chúng ta mới có những cuộc tổng điều tra dân số có quy mô và đem lại những kết quả đáng tin cậy. Theo niên giám thống kê, dân số nước ta từ đầu công nguyên đến nay diễn biến như bảng sau

Bảng: Dân số Việt Nam qua các thời kỳ chính (đơn vị 1000 người)



Thời kỳ

Dân số

Thời kỳ

Dân số

Đến Công nguyên

1.800

Năm 1965

34.929

Thời đại Quang Trung

4.000

Năm 1975

47.638

Gia Long (1802-1819)

4.290

Năm 1985

59.872

Minh Mạng (1820-1840)

5.023

Năm 1990

66.233

Thiệu Trị (1841-1847)

6.894

Năm 1992

69.405

Tự Đức (1847-1883)

7.171

Năm 1993

71.025

Năm 1921

15.500

Năm 1994

72.509

Năm 1931

17.702

Năm 1995

75.962

Năm 1941

20.900

Năm 1996

75.355

Năm 1951

23.061

Năm 1997

76.709

Năm 1955

25.074

Năm 2000

81.523







Năm 2009

85.789,573

Căn cứ vào số liệu trên, nếu lấy mốc năm 1931 với dân số 17,702 triệu thì thời gian để tăng dân số gấp đôi trùng vào khoảng năm 1965, tức là sau 34 năm. Thời gian tăng gấp 2 tiếp theo ngắn hơn, tức là 27 năm, trùng vào năm 1992 với dân số lên đến 69,4 triệu người.

Dân số Việt Nam đang trong trạng thái phát triển với đặc trưng lơp tuổi dưới 15 chiếm tỷ lệ cao (39%). Tuổi trung vị của dân số thấp, ở vào tuổi 20,2. Tỷ lệ tăng trưởng trung bình là 2,1%.

Những vùng có tỷ lệ tăng trưởng cao là Tây Nguyên, miền núi và trung du Bắc Bộ, Đông Nam Bộ và đồng bằng Sông Hồng. Mức tăng trưởng dưới 2% gặp ở duyên hải Trung bộ và đồng bằng Sông Cửu Long. Quy mô gia đình trung bình là 4,835 người, không có sự sai khác giữa nông thôn và thành thị.

Bảng: Những số liệu cơ bản về dân số xã hội (UBDS-KHHGĐ, 1998)



Tiêu chí

1992

1993

1994

1995

1996

1997

Tổng dân số (1000 người)

69.405

71.025

72.509

73.962

73.355

76.709

Thành thị (1000 người)

13.258

13.663

14.139

14.575

15.058

15.725

Nông thôn (người)

55.075

56.317

57.325

58.342

59.224

59.939

Mật độ (người/km2)

210

215

219

223

227

232

Tỷ lệ giới tính

95

95

95

95

95

96

Tỷ lệ tăng trưởng (%)

2,4

2,3

2,1

2,0

1,9

1,8

Tuổi thọ chung



















Nam







63,3










Nữ







68,3










Tổng sản phẩm trong nước (tỷ đồng)

110.535

136.571

170.258

222.840

258.609

295.696

Tốc độ tăng sản phẩm GDP (%)

6,8

8,1

8,8

9,5

9,3

8,8

DGP/ người (USD)

143

180

214

273

310

321

Mật độ dân số Việt Nam trung bình là 257 người/ km2. Tập trung chính ở đồng bằng Bắc Bộ và nam Bộ với mật độ từ 350 đến 1065 người/km2 (mật độ ở Hà nội là 3568 và TP Hồ Chí Minh là 3024 người/ km2) Miền núi dân cư thưa thớt (26-70 người/km2), song tỷ lệ tăng nhanh do cả nhập cư từ các miền khác đến. Trong vòng từ năm 1984 đến 1989 đã có 4,5% dân số di chuyển vùng sống trong nước, cùng tỉnh là là 2% và khác tỉnh là 2,5%. Luồng di chuyển chính là từ Bắc vào Nam; từ đồng bằng Bắc Bộ, duyên hải Trung Bộ lên Tây Nguyên. Dân số thành thị tăng chậm, từ 19,24% (1979) lên 20,11% (1989), thấp hơn mức năm 1975 (21,5%). Năm 1989 tỷ lệ dân số chưa có việc làm chiếm 5,8%, có 71% lao động làm nông nghiệp.

Tuổi kết hôn lần đầu trung bình ở nam giới là 24,5 và nữ giới là 23,2

Bảng: Dự báo tăng dân số Việt Nam đến năm 2020

Chỉ số

2000

2005

2010

2015

2020

Tổng số

81.523

88.071

94.200

99.824

104.722

Nam

40.598

43.934

47.063

49.917

52.387

Nữ

40.925

44.128

47.137

49.907

52.335

Thành thị

22.556

27.017

33.597

40.590

47.817

Nông thôn

58.003

60.134

59.729

58.410

56.133

Theo dự kiến đến năm 2015 nước ta mới bước vào giai đoạn dân số già, nhưng với tỷ lệ người trên 65 tuổi năm 2008 là 7,5% thì dân số nước ta đã già hóa (Một nước được gọi là dân số già khi số người trên 60 tuổi chiếm 10%; và trên 65 tuổi chiếm 7,5%). Năm 2008 tỷ lệ người trên 60 tuổi ở nước ta là 9,5% - xấp xỉ già hóa. Nhưng nếu dựa theo tỷ lệ người trên 65 tuổi thì dân số nước ta đã thuộc vào giai đoạn già hóa. Việt Nam là một trong số ít nước trên thế giới dân số già khi chưa giàu, chưa tích lũy được gì thì đã già2".

Tuổi thọ bình quân của người Việt Nam cao nhưng tuổi thọ bình quân khỏe mạnh khá thấp, xếp thứ 116 so với 174 nước trên thế giới. Bình quân mỗi người dân có tới 12 năm là ốm đau bệnh tật so với 72,2 tuổi sống.

Theo kết quả cuộc tổng điều tra dân số và nhà ở thực hiện ngày 1/43, công bố sáng 13/8 tại Hà Nội, nước ta có 85.789.573 người, là nước đông dân thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á và đứng thứ 13 trên thế giới.

Ngoài ra, một vấn đề đáng lo ngại là số phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ 14-49 tuổi tăng nhanh. Trong 10 năm tới, nhóm phụ nữ 20-34 tuổi (giai đoạn mắn đẻ nhất trong cuộc đời) sẽ đạt mức cực đại là 12,3 triệu người. Lý do là vì số phụ nữ sinh ra trong những năm 1975-1995 (thế hệ 8x, 9x) có quy mô đông nhất trong lịch sử nhân khẩu học Việt Nam. Các nhà nhân khẩu học gọi hiện tượng này là "bùng nổ dân số lần hai".

Cũng theo kết quả điều tra, tỷ số giới tính (là số nam trên 100 nữ) của nước ta luôn ở mức dưới 100, kể từ năm 1960 đến nay. Tuy nhiên, tỷ số này có xu hướng tăng từ năm 1979.

Nếu như năm 1979, cứ 100 nữ thì có tương ứng 94 nam giới, năm 1999 có 96,7 nam giới, thì năm 2009 đã là 98,1 nam trên 100 nữ.



Trong 10 năm qua, mỗi năm nước ta tăng 947 nghìn người, giảm so với con số 1,2 triệu của 10 năm trước.
- Vùng đông dân nhất là Đồng bằng sông Hồng, thấp nhất là Tây Nguyên.
- 29,6% dân số sống ở thành thị so với 23,5% của 10 năm trước.

Nước ta vẫn còn đến 70% dân số sống ở nông thôn



Từ năm 2010-2040. Nước ta bắt đầu giai đoạn cơ cấu “dân số vàng”. Nghĩa là, cứ 2 người trong độ tuổi lao động mới phải “nuôi” 1 người phụ thuộc (trẻ em dưới 15 tuổi và người già trên 60 tuổi). Đây là cơ hội mà tất cả các quốc gia đang phát triển chờ đợi để trỗi dậy. Trước đó, Hàn Quốc, Trung Quốc…đều đã “hóa rồng” ở giai đoạn cơ cấu “dân số vàng”

Đó là sự tập trung của một lực lượng lao động trẻ hùng hậu chưa từng có. Một khi lực lượng này được tận dụng tối đa trí tuệ, sức lao động, sẽ tạo ra khối lượng của cải vật chất khổng lồ, tạo ra giá trị tích luỹ lớn cho tương lai của đất nước, đảm bảo an sinh xã hội khi nước ta bước vào giai đoạn “dân số già”.

 Cùng đó, khi tỉ lệ trẻ em dưới 15 đang giảm đi đáng kể sẽ tạo cơ hội cải thiện tình trạng suy dinh dưỡng. Vả lại, trẻ em ít đi thì tỉ số giáo viên, cơ sở vật chất/ học sinh tăng lên, tạo điều kiện phát triển giáo dục và là cơ hội nâng cao thể lực, trí lực cho thế hệ trẻ. Bên cạnh đó, tỉ lệ phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ (15-49 tuổi) so với dân số trong độ tuổi lao động cũng đang giảm. Số không nằm trong độ tuổi sinh đẻ sẽ tham gia vào lực lượng lao động. Tỉ lệ người ở tuổi nghỉ hưu giảm đi cũng khiến quỹ phúc lợi xã hội “nhẹ gánh” và có cơ hội đầu tư nhiều hơn cho chất lượng sống của người già.

Theo ông Bruce Campbell - Trưởng Đại diện Quỹ Dân số Thế giới tại Việt Nam: Đây sẽ là cơ hội “vàng” để Việt Nam tiến những bước vượt bậc. Tuy nhiên, cần lưu ý đến mặt trái của vấn đề. Nếu không có sự chuẩn bị  đầu tư cho tương lai thì khi những thế hệ tương lai trưởng thành, họ sẽ không có việc làm kể cả khi họ di cư và tìm việc làm. Lúc đó, sẽ xảy ra một kịch bản rất nguy hiểm là các tệ nạn xã hội như: bán dâm, ma tuý sẽ phát triển.

Hiện nay ở nước ta, có tới 75% người chỉ là lao động giản đơn, không thể tạo ra nhiều sản phẩm cho xã hội. Hơn thế tình trạng thất nghiệp rất dễ xảy ra ở khu vực này. Bởi lượng cung đã át cầu. Trong khi đó, nước ta đang thiếu trầm trọng lao động kỹ thuật trình độ cao và lao động dịch vụ cao cấp trong các ngành tài chính, ngân hàng, du lịch, bán hàng... nên nhiều nghề và công việc phải thuê lao động nước ngoài. Trong khi đó, lao động xuất khẩu đa phần chỉ đạt chất lượng thấp, mới qua đào tạo sơ đẳng, không có ngoại ngữ4.

Trong năm 2009, do ảnh hưởng bởi khủng hoảng tài chính toàn cầu, rất nhiều thị trường tiếp nhận lao động Việt Nam đã đóng cửa. Nhiều lao động phải về nước trước thời hạn.  

Đương nhiên, thiếu việc làm, không thể tạo ra của cải vật chất đủ đáp ứng nhu cầu sống của xã hội, tất yếu giá trị tích lũy sẽ thấp. Hơn nữa, không có việc làm thanh niên rất dễ sa vào các tệ nạn xã hội. Thực tế ở nước ta cho thấy, hầu hết những người nghiện chích ma tuý, nhiễm HIV/AIDS đều rơi vào lứa tuổi lao động, lứa tuổi từ 20-29 tuổi.

Tình trạng đô thị hóa nhanh cũng đang làm nảy sinh nhiều vấn đề xã hội nhức nhối. Hầu hết số nông dân mất đất vẫn đang trong độ tuổi lao động. Tuy nhiên, họ không có cơ hội tìm được việc làm, do không có chuyên môn. Hiện đa phần chỉ sống dựa vào tiền đền bù do mất ruộng, đất. Ở những khu vực này cũng đang gia tăng nhanh chóng tỷ lệ thanh niên tội phạm (cờ bạc, hút chích, mại dâm)... do sẵn tiền lại thiếu công việc.

Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ LĐ-TB-XH tập trung đào tạo, nâng cao tay nghề người lao động, đặc biệt là nông dân. Các đơn vị chức năng cũng được giao trách nhiệm nỗ lực hơn nữa tăng cường các hợp đồng xuất khẩu lao động . Bên cạnh đó, Công nghệ thông tin và truyền thông cũng được xác định  là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của nước ta.  Mục tiêu đến năm 2020 là sẽ đào tạo 1 triệu nhân lực công nghệ thông tin, phát triển công nghiệp phần mềm, thu hút đầu tư nước ngoài

Sự gia tăng dân số đang tạo sức ép lớn đối với thiên nhiên, môi trường cũng như đời sống kinh tế xã hội của bất kỳ quốc gia nào hiện tại. Việc kiểm soát sự phát triển dân số đang là nhiệm vụ hàng đầu trong chiến lược quốc gia đối với sự phát triển một nền kinh tế xã hội bền vững ở nước ta, cũng như đối với các nước đang phát triển.



1 Theo dự đoán, dân số thế giới đạt mức 5 tỷ vào năm 1994. Nhưng thực tế con số này đạt tới vào 11/07/1987. Tháng 7 năm 1994, dân số thế giới là 5,63 tỷ

2 Theo ông Dương Quốc Trọng, quyền Tổng cục trưởng Tổng cục dân số - kế hoạch hóa gia đình tại hội thảo sáng 20/8 về định hướng công tác dân số Việt Nam giai đoạn 2010-2020, diễn ra tại Hà Nội

3 Cuộc tổng điều tra tháng 4/2009 là cuộc điều tra dân số với quy mô lớn trên cả nước, 10 năm mới tiến hành một lần. Tháng 12 tới một phần kết quả sẽ được công bố tiếp. Kết quả tổng thể sẽ được đưa ra vào 9/2010

4 Báo cáo cuối năm 2008 về tình hình thị trường lao động Việt Nam của Bộ LĐ-TB-XH





tải về 151.45 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương