THÀnh duy thức luận hán Dịch: Tam Tạng Pháp Sư Huyền Trang Việt Dịch : ht. Thiện Siêu



tải về 2.12 Mb.
trang26/26
Chuyển đổi dữ liệu13.06.2018
Kích2.12 Mb.
#39903
1   ...   18   19   20   21   22   23   24   25   26


28 Ðoạn này nói về cảnh sở duyên của Mạt na.

Cảnh sở duyên của Mạt na chia làm hai giai đoạn. Giai đoạn chưa chuyển y, và giai đoạn đã chuyển y.

- Giai đoạn chưa chuyển y: Có bốn ý kiến:

a. Nan Ðà chủ trương Mạt na duyên Tâm vương, Tâm sở thức thứ tám làm cảnh.

b. Hỏa Biện chủ trưong Mạt na duyên kiến phần, tướng phần Tâm vương thức thứ tám làm cảnh. Duyên kiến phần chấp làm ngã, duyên tướng chấp làm ngã sở.

c. An Huệ chủ trương Mạt na duyên hiện hành và chủng tử thức thứ tám làm cảnh. Duyên hiện hành chấp làm ngã, duyên chủng tử chấp làm ngã sở.

d. Hộ Pháp chủ trương Mạt na chỉ duyên hiện hành kiến phần thức thứ tám làm cảnh, và chấp làm ngã. Ngã và ngã sở không phải chỉ có hai cảnh riêng biệt, không thể lìa ngã có ngã sở mà chỉ có một ngã kiến diễn dịch ra ngã và ngã sở, chứ không phải hai thứ riêng biệt nhau. Mạt na duyên thức thứ tám chấp làm ngã, rồi lại chấp đó là ngã của ta, ngã của ngã mà thành ngã sở thôi.

- Giai đoạn đã chuyển y: Mạt na chuyển thành Bình đẳng tánh trí, chứng được mười tánh bình đẳng, thì không chỉ duyên Tạng thức mà cùng duyên chơn như và hết thảy pháp. Nhờ biết rõ tri giải của Bồ tát Thập địa sai khác như thế nào, mà khởi hiện thân hiện độ tha thọ dụng để thuyết pháp giáo hóa. Ðó gọi là "Như Lai hiện khởi tha thọ dụng, Thập Bồ tát sở bị cơ".

Kinh Phật Ðịa nói mười thứ bình đẳng tánh như sau:

a. Các tướng tăng thượng hỷ lạc bình đẳng.

b. Hết thảy lãnh thọ duyên khởi bình đẳng.

c. Xa lìa dị tướng phi tướng bình đẳng.

d. Ðại từ hoằng tế bình đẳng.

đ. Ðại từ không chờ đợi bình đẳng.

e. Thị hiện theo sở lạc của hữu tình bình đẳng.

g. Nói ngã ái của hữu tình bình đẳng.

h. Thế gian đồng một vị tịch tịnh bình đẳng.

i. Pháp khổ lạc của thế gian nhất vị bình đẳng.

k. Tu trồng vô lượng công đức rốt ráo bình đẳng.

Mạt na từ thức đệ bát sanh lại duyên thức đệ bát giống như thức niệm trước sanh lại duyên thức niệm trước. Như vậy khi Mạt na lấy thức thứ tám làm chỗ nương, đó là tăng thượng duyên; khi lấy thức thứ tám làm cảnh sở duyên, đó là sở duyên duyên.

Mạt na lấy tư lương làm tự tánh và hành tướng của mình.


29 Mạt na thường tương ưng với bốn thứ Tâm sở là ngã si, ngã kiến, ngã mạn, ngã ái. Do mạt na có bốn thứ phiền não qúa tội lỗi này, nên dù có tu sáu độ hạnh như bố thí, trì giới v.v... vẫn không vong tướng, vẫn thành hữu lậu, cho nên gọi là tạp nhiễm. Nếu muốn giải thoát, trước phải siêng năng quán lý vô ngã, trừ hết bệnh vọng chấp mới giải thoát được. Song bệnh chấp ngã của thức Mạt na thuộc loại câu sanh rất vi tế, rất khó diệt trừ. Tự nó không thể quán vô ngã, phải nhờ ý thức thứ sáu có tâm sở Chánh tuệ tương ưng mói quán sát đứng đắn lý vô ngã, huân tập chủng tử kiến giải vô ngã vào Tạng thức, tô bồi cho chủng tử vô lậu vô ngã vốn có, được phát triển mạnh lên cho đến khi thành thục, có thật trí vô lậu hiện tiền, rồi dùng trí ấy nhiều lần tu quán sau đó mới có thể dứt sạch bốn thứ phiền não ấy.

Tại sao Mạt na không tự quán vô ngã mà phải nhờ Ý thức quán? - Vì khi đang mê, nghĩa là khi chưa chuyển y, Mạt na mê lầm rất trầm trọng, không tự đứng dậy được. Và lại chính ý thức tuy bị Mạt na lây nhiễm, những ý thức có tiếp xúc bên ngoài và trở lại bồi dưỡng Mạt na. Nếu nó bồi dưỡng những điều ô nhiễm thì ngã chấp của Mạt na càng sâu đậm bền chắc thêm; còn nếu nó nghe được giáo lý vô ngã, rồi quán vô ngã thì Mạt na mất sự bồi dưỡng ngã, trái lại làm cho ngã chấp của Mạt na biến dần đi cho đến khi tiêu mất; để chuyển thành trí bình đẳng tánh, bây giới nó lại luôn luôn tương ưng với hai mươi mốt Tâm sở như A lại da.

Ngoài bốn phiền não này, Mạt na còn tương ưng với phiền não nào nữa không? Ðối việc này có năm ý kiến:

a. Chủ trương nó không còn tương ưng với Tâm sở nào nữa hết.

b. Chủ trương nó tương ưng với 15 Tâm sở. Tức là bốn căn bản phiền não, năm Biến hành, thêm năm tùy phiền não là hôn trầm, trạo cử, bất tín, giải đãi, phóng dật và Biệt cảnh tuệ.

c. Chủ trương nó tương ưng với 19 Tâm sở, tức mười lăm thứ trên cộng thêm niệm, định, tuệ và hôn trầm.

d. Chủ trương nó tương ưng với 24 Tâm sở. Tức là bốn Căn bản phiền não, năm Biến hành, mười Tùy phiền não, cộng thêm năm Biệt cảnh.

đ. Hộ Pháp chủ trương nó tương ưng với 18 Tâm sở. Tức là bốn Căn bản phiền não, năm Biến hành, tám Ðại tùy phiền não, thêm Biệt cảnh tuệ.



30 Ðoạn này giải thích Mạt na tương ưng với thọ nào? Có ý kiến cho nó tương ưng xả thọ, có ý kiến cho nó tương ưng với bốn thọ ưu, lạc, hỷ, xả. Nhưng đúng nhất là ý kiến cho nó chỉ tương ưng với xả thọ.

Mạt na cũng như Tạng thức khi đã chuyển y rồi thì tương ưng với hai mươi mốt Tâm sở là năm Biến hành, năm Biệt cảnh, mười một Thiện, và Xả thọ.

Còn tánh của Mạt na khi chưa chuyển y là hữu phú vô ký mà khi đã chuyển y thì chỉ là thiện tánh.

Khi chưa chuyển y thì tùy thức A lại da sanh cõi địa nào, nó đều hệ thuộc theo mà chấp ngã theo cõi ấy, địa ấy. Khi đã chuyển y thì tự tại không còn hệ thuộc.



31 Ðoạn này nói đến địa vị khắc phục và dứt trừ Mạt na có hai:

- Một là không có Mạt na ô nhiễm. Ðó là ở địa vị A la hán, Vô học, các chủng tử lẫn hiện hành Mạt na ô nhiễm đều dứt sạch. Còn địa vị khi nhập Dịệt tận định thì cũng tạm thời dẹp trừ, nhưng khi xuất định thì vẫn còn. Bậc Hữu học cũng vậy, khi có đạo xuất thế hiện tiền thì không có Mạt na ô nhiễm, khi đạo xuất thế không hiện tiền thì lại có. Chơn kiến thật thấy lý vô ngã và hậu đắc trí, đều là vô lậu, nên gọi là xuất thế đạo; khác với lối tu còn hữu ngã gọi là thế gian đạo.

- Hai là có Mạt na thanh tịnh, vì Mạt na xuyên suốt cả địa vị nhiễm và không ô nhiễm. Nếu có tương ưng với Bổ đặc già la ngã kiến (tức câu sanh ngã chấp) thì từ phàm phu cho đến bậc Hữu học, khi không quán vô ngã thì đều có Mạt na ô nhiễm. Nếu nó tương ưng với pháp ngã kiến, thì từ phàm phu đến Thanh văn, Duyên giác và một hạng Bồ tát chưa có trí quả pháp không, thì đều có Mạt na vừa nhiễm vừa tịnh. Nếu nó tương ưng với Bình đẳng tánh trí thì chỉ có ở Như Lai. Ðây là Mạt na thanh tịnh.


32 Ðoạn này dẫn Thánh giáo để chứng minh có thức Mạt na riêng ngoài bảy thức kia.

Dẫn giáo chứng có hai:

1. Trong nhiều kinh, đức Bạt già phạn nói đến tâm, ý, thức. Theo nghĩa đặc biệt trỗi hơn thì tâm có nghĩa là tập khởi; ý có nghĩa là tư lương; thức có nghĩa đặc biệt, là liễu biệt. Còn theo nghĩa thông đồng thì tâm, ý, thức đều có đủ ba nghĩa là tập khởi, tư lương và liễu biệt. Như vậy nói ý tức là chỉ cho thức Mạt na. Trong mọi trường hợp lúc nào cũng có thức Mạt na, vì khi ở địa vị tâm hữu lậu từ phàm phu, Nhị thừa Hữu học và Bồ tát trước đệ bát địa, thì Mạt na thường duyên thức A lại da, hằng thẩm xét tư lương Bổ đặc già la, tức nhân ngã hay sanh ngã chấp. Ở địa vị nhập Diệt tận định và địa vị có trí quả sanh không hiện tiền thì Mạt na thường duyên thức Dị thục, hằng thẩm tư lương pháp ngã chấp. Ở địa vị Bồ tát địa thượng khi trí quả sanh không hiện tiền, thì Mạt na duyên thức Dị thục, hằng thẩm tư lương hai vô ngã, ở địa vị Như Lai thì Mạt na duyên vô cấu thức, hằng thẩm tư lương hai vô ngã.

Tiểu thừa thì lấy tâm quá khứ làm ý, tâm hiện tại làm thức, tâm vị lai làm tâm. Một tâm có ba tên theo ba đời.

Bạt già phạn tức Tức Thế Tôn. Theo kinh Phật địa, đủ sáu nghĩa gọi là Bạt già phạn.

a. Tự tại, vĩnh viễn không hệ thuộc theo phiền não.

b. Xí thạnh, lửa trí mãnh liệt.

c. Danh xưng, viên mãn mọi công đức thù diệu.

d. Ðoan nghiêm, đủ ba mươi hai tướng tốt.

đ. Cát tướng, thế gian thân cận, tán thán cúng dường.

e. Tôn quý, phát huy phương tiên, lợi lạc hữu tình, không hề giải đãi.

Hoặc phá hoại bốn ma, gọi là Bạt già phạn.

2. Trong kinh Giải Thoát có tụng: "Nhiễm ô ý hằng thời, Cùng các hoặc sanh diệt, Nếu giải thoát các hoặc, Chẳng đã và sẽ có". Nhiễm ô ý đây tức là thức Mạt na; hằng thời tương ưng với bốn căn bản phiền não là ngã si, kiến, mạn, ái. Khi nhờ có đạo đối trị (quán không vô ngã) dứt hết phiền não thì Mạt na được giải thoát, bấy giờ phiền não tương ưng với nó chẳng những hiện tại không có, mà quá khứ vị lai cũng không có; vì phiền não không có tự tánh thật. Do một niệm vọng tình hiện tại mà chứa đủ vô lượng chủng tử hoặc, nghiệp, khổ quá khứ để sanh ra vô lượng hoặc nghiệp, khổ trong vị lai. Nhưng quá khứ thì đã mất, vị lai thì chưa đến, chỉ một sát na tâm hiện tại, tâm hiện tại thay đổi không ngừng, đâu có thật thể. - Dựa vào vọng tâm mà thấy có ba đời, nếu tìm tâm không thấy được, thời hiện tại đã không, ba đời đâu có. Chỉ khi nào ngay tại chỗ ngồi hiện tại mà dứt hết vọng niệm ba đời, mới thấu đạt được ba đời. Lại tìm tâm không thấy được, thì còn hình tướng cách ngại, ngay khi đó mười phương tiêu vong trí sáng chiếu khắp mười phương, như Cổ đức nói đấy là nghĩa câu "Phiền não chẳng đã có, chẳng sẽ có".

Do đạo đối trị tức trí quán hai không mà thấy rõ phiền não vốn không tự tánh. Ðã không tự sanh, cũng không tha sanh, không tự tha cọng sanh, không vô nhân sanh, chỉ là nhân duyên hòa hiệp hư vọng có sanh. Ngay khi vọng sanh, vốn không ở trong, không ở ngoài, không ở trung gian, không ở quá khứ, không ở hiện tại, không ở vị lai, sanh tức vô sanh, rốt ráo không tự tánh. Tự tánh đã không, tha tánh đâu có, tự tha đã không, cọng tánh đâu có, nói có sanh còn không được, huống là nói vô nhân sanh. Quán sâu sắc như vậy không ngừng thì giải trừ sự huân tập mới, và chủng tử nghiệp hoặc tự tiêu. Cho nên phần quyết trạch trong luận Du già nói: "Hỏi: Khi dứt phiền não là xả bỏ trói buộc (triền, hiện hành) hay xả bỏ tùy miên (chủng tử phiền não)? Ðáp: Chỉ xả bỏ tùy miên, thì trói buộc hết. Hỏi: Bỏ tùy miên quá khứ, hay tùy miên hiện tại, hay tùy miên vị lai? Ðáp: Chẳng phải dứt quá khứ, vị lai, hiện tại, nhưng nói tùy miên ba đời dứt. Vì sao? - Vì nếu quá khứ có tâm tùy miên thì nó đã tự diệt, tánh nó đã dứt, còn dứt cái gì? Nếu ở vị lai có tâm tùy miên, thì tánh nó vốn chưa sanh, tự thể đã không có, thì sẽ dứt cái gì? Nếu ở hiện tại có tâm tùy miên, thì sát na nó sau biến chuyển, không trụ, không cần phải dứt. Lại tâm có tùy miên và tâm lìa tùy miên, không hòa hợp nhau, cho nên hiện tại chẳng phải dứt. Nhưng do nhân duyên của chánh pháp bên ngoài và chơn chánh tác ý bên trong, mà có chánh kiến phát sanh. Tùy khi tâm đối trị các hoặc bị đối trị phát ra, mà các tâm tùy miên bị đối trị diệt. Ngay khi tâm này sanh, tâm kia diệt, bình đẳng bình đẳng. Ðạo đối trị sanh, tùy miên bị đối trị diệt. Khi tâm đối trị có chánh kiến tương ưng, thì ngay ở hiện tại không có tùy miên, mà ở quá khú cũng không có tùy miên, sát na sau tâm lìa tùy miên, nên đời vị lai cũng không có tùy miên. Từ đây đã được chuyển y, đã dứt tùy miên, nhờ đó ngay trong thân tương tục này sẽ có được tâm thiện vô ký thuộc thế gian (nghĩa là điều thiện này còn sanh diệt). Ở vị trí quá khứ, hiện tại, vị lai đều lìa tùy miên, cho nên nói tùy miên ba đời đều dứt".



33 Ðoạn này dẫn chánh lý chứng minh có thức Mạt na riêng ngoài bảy thức kia. Trên là giáo chứng có hai, đây là lý chứng có sáu, là: hằng hành vô minh, làm duyên sanh thức, tư lương gọi là ý, vô tâm định sai khác, trời Vô tưởng ô nhiễm, ô nhiễm trong ba thời:

a. Hằng hành vô minh - Là thứ vô minh vi tế làm chướng ngại chánh trí, nó luôn có mặt khắp các tâm thiện, ác, vô ký, nơi loài dị sanh trong mọi địa vị, nên gọi là hằng hành. Nó lại là thứ vô minh chỉ tương ưng với thức Mạt na chứ không có ở các thức khác, nên cũng gọi nó là bất cọng vô minh. Gọi đủ là "Hằng hành bất cọng vô minh", khác với độc hành bất cọng vô minh, là thứ vô minh chỉ mê lý Tứ đế và chỉ tương ưng với thức thứ sáu. Lại vô minh có hai thứ là tương ưng vô minh, tức vô minh cùng khởi với tham, sân v.v... và độc hành vô minh là vô minh khởi riêng một mình nó. Vô minh nơi Mạt na cũng khởi với tham, sân, cũng gọi là tương ưng vô minh, nhưng vô minh này đặc biệt luôn có mặt khắp nơi, nên không gọi là tương ưng mà gọi là hằng hành; còn vô minh cùng khởi với tham, sân nơi thức thứ sáu thì là tương ưng. Nếu nó khởi riêng một mình thì gọi là "độc hành" thuộc vào bốn bộ loại kiến hoặc, chỉ do kiến đạo đoạn. Nếu nó khởi chung với mười tiểu tùy phiền não thì gọi là độc hành không phải chủ, thuộc vào năm bộ hoặc, phải do kiến đạo và tu đạo đoạn.

b. Làm duyên sanh thức - Năm thức trước đều lấy năm căn làm câu hữu y, tăng thượng duyên mà phát sanh. Vậy thức thứ sáu cũng phải có chỗ dựa làm câu hữu y, tăng thượng duyên mới phát sanh được. Vậy câu hữu y và tăng thượng duyên của thức thứ sáu là gì, nếu không phải Mạt na?

c. Tư lương gọi là ý - Khế kinh nói Tư lương gọi là ý. Nếu không có Mạt na thì ý tư lương này không có.

d. Ðịnh vô tâm sai khác - Trong hai định vô tâm là vô tưởng định chỉ diệt thức thứ sáu và Tâm sở của nó; còn Diệt tận định phải còn diệt thêm nhiễm ô ý thứ bảy. Nếu không có nhiễm ô ý thứ bảy thì hóa ra hai định này không khác gì nhau sao?

đ. Trời Vô tưởng ô nhiễm - Trời Vô tưởng dứt hết Tâm và Tâm sở của Ý thức. Nếu Ý thức đã không còn, Mạt na cũng không có thì trời Vô tưởng là cõi còn thuộc trong ba cõi luân hồi, hóa ra không còn ô nhiễm nữa sao?

e. Ô nhiễm suốt ba tánh - Trong cả ba tâm thiện, ác, vô ký của chúng sanh đều là ô nhiễm hữu lậu, nếu không có Mạt na thì thiện, vô ký làm sao ô nhiễm?

Tóm lại, do giáo và lý chứng minh trên đó, phải có thức Mạt na. Sở dĩ trong kinh nhiều khi chỉ nói sáu thức, đó là lối nói theo lối lý tùy chuyển, tức chuyển lý Ðại thừa rốt ráo mà nói; còn nói theo lý Tiểu thừa thì chưa rốt ráo. Chứ theo lý rốt ráo phải có đủ tám thức.



34 Ðoạn này nói về thức năng biến thứ ba, tức là thức liễu biệt cảnh hay sáu thức trước, gồm có ba mươi hai câu tụng, từ câu "Thức năng biến thứ Ba" ... đến câu "Khi ngủ mê, chết ngất", được chia ra làm chín môn để giải.

- Môn sai biệt - Thức năng biến thứ ba là liễu biệt cảnh thức, cũng là sáu thức, dựa theo sáu căn mà đặt tên. Thức dựa nhãn căn phát sanh gọi là nhãn thức; thức dựa nhĩ căn phát sanh gọi là nhĩ thức v.v... và vì nó dựa 6 trần mà phát sanh nên cũng có thể gọi là sắc thức cho đến pháp thức. Nhưng khi đã được tự tại như Phật thì chỉ nhãn thức cũng có thể duyên hết thảy trần, cho nên dựa trần mà đặt tên sắc thức, thanh thức v.v... không ổn. Năm trần cũng là pháp nhưng không nói mắt thấy pháp mà chỉ nói thấy sắc, vì sắc thanh là cuộc hạn nên chỉ mỗi thức duyên, còn pháp trần là chung, chỉ có Ý thức mới duyên được.



Căn đủ năm nghĩa: a. Y căn, tức dựa sáu căn câu hữu. b. Phát căn, từ sáu căn phát ra. c. Thuộc căn, lệ thuộc vào căn, căn mạnh thấy sáng, căn hỏng thấy mờ. d. Trợ căn, giúp cho căn tỏ rỏ. đ. Như căn, duyên đúng như cảnh của căn.

Môn tự tánh và hành tướng, Sáu thức đều lấy việc liễu biệt làm tự tánh và hành tướng.

- Cảnh có ba là tánh cảnh, đới chất cảnh, độc ảnh cảnh.

Tánh cảnh cũng gọi là thật cảnh. Cảnh có thật, gồm có hai; a. Thắng nghĩa tánh cảnh hay vô chất tánh cảnh, tức là chơn như thật tánh. Cảnh này chỉ do trí chứng, chứ không do thức phân biệt. b. Thế tục tánh cảnh hay hữu chất tánh cảnh là cảnh có thật do nhân duyên chủng tử phát sanh chứ không phải do chủ quan phân biệt biến hiện, như năm trần của năm thức duyên, hay như cảnh trong định. Cảnh này tuy có thật, nhưng là thật theo nghĩa tương đối thế tục, chứ không phải theo thắng nghĩa thì năm căn năm cảnh và thức cũng chỉ là giả huyễn. Thức thứ tám và sáu thức trước duyên được hữu chất tánh cảnh này.

Ðộc ảnh cảnh là cảnh ảnh tượng của riêng Ý thức duyên. Có hai: a. Hữu chất độc ảnh, là cảnh ở lúc này chỗ này không có, nhưng ở lúc khác chỗ khác có. Như Ý thức hiện tại nhớ lại cảnh đã trải qua. b. Vô chất độc ảnh, là cảnh ở lúc này chỗ này không có, mà ở lúc khác chỗ khác cũng không có, như lông rùa sừng thỏ, hay cảnh tượng tượng của Ý thức bịa ra. Khi chưa chứng chơn như tánh cảnh mà Ý thức biến ra tướng chơn như để quán cũng thuộc cảnh vô chất độc ảnh này.

Ðới chất cảnh, là cảnh thức biến có mang theo chất liệu bên ngoài. Có hai: a. Chơn đới chất, là cảnh lấy tâm duyên tâm, như ý thức duyên hết thảy Tâm, Tâm sở, Mạt na duyên kiến phần đệ bát. b. Tợ đới chất, là lấy tâm duyên sắc. Cảnh này chỉ là cảnh của độc đầu ý thức, là cái tướng mà Ý thức gán thêm lên trên sự vật. Như phân biệt cái bàn, cái ghế, mắt chỉ thấy hiển sắc, hình sắc; thân chỉ đụng chạm cứng, trơn; mũi chỉ ngửu thấy mùi gỗ v.v... thế là độc đầu ý thức lại thấy đó là cái bàn. Trong khi thấy tướng cái bàn, tướng đó vẫn mang theo hiển sắc, hình sắc v.v... cho nên gọi là đới chất.

- Môn ba tánh - Là thiện, ác, vô ký. Sáu thức đều có đủ. Nhưng có ý kiến cho năm thức có đủ ba tánh là do ý thức đạo dẫn.




35 Mười chơn như - Chơn như là thật tánh của tất cả pháp. Không hư vọng là chơn; không biến đổi là như. Thứ nhất biến hành chơn như. Biến hành nghĩa là có mặt khắp mọi pháp. Chơn như vốn không có hai, có ba huống gì có mười? Sở dĩ chia có mười chơn như là tùy chỗ chứng ngộ cạn sâu sai khác mà chia. Biến thành chơn như là chính, tức nói tánh chơn như biến khắp các pháp. Chơn như đồng nghĩa với chữ "vô vi" ở các nơi khác nói. Như kinh Kim Cang nói: "Nhất thiết Hiền Thánh đều do chứng ngộ vô vi cạn sâu mà chia ra nhiều địa vị sai khác".

36 Chữ Duy thức nguyên chữ Phạn là Vijnàptimàtratà. Vijnàpti Tàu dịch âm là Tỳ nhã để, dịch nghĩa là Thức. Chữ Màtrata Tàu dịch âm là Ma đát lạt đa, dịch nghĩa là Duy.

Thức là liễu biệt, nhận biết. Liễu là liễu tri, biệt là biệt chỉnh cảnh. Tức liễu tri mỗi mỗi cảnh riêng biệt, như nhãn thức liễu tri sắc, nhĩ thức liễu tri thanh v.v... 

Thức, nói một cách tổng quát là gồm đủ năm vị tức năm mặt:

1. Thức tự tướng, tức tám thức Tâm vương.

2. Thức tương ưng, tức sáu vị Tâm sở.

3. Thức sở biến, tức hai phần Kiến và Tướng.

4. Thức phận vị tức hai mươi bốn giả pháp Bất tương ưng hành, chúng chỉ là giả tướng sai biệt giữa Sắc và Tâm.

5. Thức thực hành, tức chơn lý, chơn như thật tánh của bốn thứ trên. Như vậy Thức thật tánh là lý, còn bốn thứ trên là sự. Năm vị pháp này là bao quát hết thảy pháp thế gian, xuất thế gian, hữu vi vô vi, hữu lậu vô lậu. Chúng đều không lìa thức, đều là biểu hiện của thức, nên gọi là Duy thức.

Mỗi mỗi hữu tình từ vô thỉ vốn có tám thức, sáu vị Tâm sở, các pháp sự lý như vậy. Chúng chỉ hiện hữu được trên thức, ngoài thức ra thì không có hiện hữu nào hết, vì ngoài thức ra thì ta không thể biết có gì cả, nếu ta tưởng tượng có một hiện tượng gì ở ngoài thức, thì nó cũng là thức biến, vì nó là tướng của thức tưởng tượng ra.

Duy có ba nghĩa:

1. Nghĩa giản trì: giản là giản biệt, kén chọn bỏ đi có tánh phủ định, giá thuyên. Bỏ đi cái gì? Bỏ đi hai chấp ngã và pháp thật có. Trì là giữ lấy, có tính khẳng định, biểu thuyên. Giữ lấy cái gì? Giữ lấy thức tướng Y tha khởi và thức tánh Viên thành thật. Các pháp Y tha duyên khởi là tướng của thức. Hai không (ngã không, pháp không) hiển lộ Viên thành thật tánh là tánh của Thức. 

2. Nghĩa quyết định: Luận Biện Trung Biên nói: "Thử trung định hữu không, ư bỉ diệc hữu thử" nghĩa là trong thức tướng Y tha duyên khởi thuộc tục sự này quyết định có thức tánh do hai không hiển lộ thuộc chơn lý kia, vì chơn không lìa tục mà có, ngược lại, trong chân lý hai không kia quyết định có tục sự Y tha duyên khởi này, vì tục không thể lìa chơn mà có. 

Như vậy "Thức" vừa có nghĩa giá và biểu. "Giá"thì ngăn chận, loại trừ ngã và pháp thật có ở ngoài thức. "Biểu" thì biểu thị thức tướng Y tha khởi và thức tánh Viên thành thật. Sự và lý, tục và chơn hai mặt quyết định gắn liền với nhau của thức.

3. Nghĩa hiển thắng: Thắng là hơn, là thù thắng, nhằm chỉ cho thức Tâm vương hơn là cho thức Tâm sở mỗi khi nói Duy thức. Khi nói Duy thức là chú ý nói Duy thức Tâm vương.

Torng ba nghĩa trên, trong Duy thức thường chỉ dùng nghĩa thứ nhất.

(Chú thích này là dựa theo lời giải thích của Thái Hư Đại Sư)





tải về 2.12 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   18   19   20   21   22   23   24   25   26




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương