THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna) Trụ sở : 5 Lý Thường Kiệt Hà Nội, Việt Nam



tải về 219.25 Kb.
trang3/4
Chuyển đổi dữ liệu07.07.2016
Kích219.25 Kb.
#1391
1   2   3   4

QUAN HỆ NGA-PHƯƠNG TÂY
Báo Độc lập: EU và NATO "mượn gió bẻ măng" để công kích Moskva

TTXVN (Moskva 22/9) - Báo Độc lập (Nga), cuối tuần qua, đưa tin các phương tiện truyền thông phương Tây tiếp tục bày tỏ sự lo ngại về khả năng Nga tiến hành xâm lược các nước láng giềng. Tuy nhiên, theo báo này, không loại trừ khả năng Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ đang "mượn gió bẻ măng", cố tình vin vào những tuyên bố của Tổng thống Nga Vladimir Putin (thông qua lời kể của Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko) để công kích nước Nga.

Báo Độc lập cho biết các phương tiện truyền thông hàng đầu của Đức, trong tuần qua, đã liên tục đăng tải nhiều thông tin và giả thuyết về những hiểm họa bắt nguồn từ Nga. Cụ thể, tờ báo theo đường lối trung hữu Frankfurter Allgemeine Zeitung cho biết "Putin đang gay gắt đe dọa châu Âu", còn tờ Tấm gương thì đăng tải bài viết có tựa đề "Putin đe dọa chiếm đóng Riga (Latvia) và Vacsava (Ba Lan)". Trong khi đó, tờ Suddeutsche Zeitung khẳng định họ dẫn nguyên văn tuyên bố của Tổng thống Putin trong một cuộc điện đàm mới đây với Tổng thống Poroshenko: "Nếu tôi muốn, trong vòng hai ngày, quân đội Nga không chỉ ở Kiev mà còn ở Riga, Vilnius (Litva), Tallinn (Estonia), Bucharest (Romania) hay Vacsava"... Phóng viên của tờ Suddeustche Zeitung cũng cho biết họ đã nhìn thấy Biên bản ghi nhớ của EU về cuộc họp giữa Tổng thống Poroshenko và Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jose Manuel Barroso hồi tuần trước, trong đó nhà lãnh đạo Ukraine đã đề cập đến "lời đe dọa" trên của ông chủ Điện Kremlin.

Không rõ những phát biểu của Tổng thống Putin do Poroshenko truyền đạt chính xác đến đâu, nhưng báo chí và giới chức phương Tây đã nhanh chóng dùng những phát biểu đó để chỉ trích, cáo buộc và gieo rắc nỗi sợ hãi về viễn cảnh Nga tiến hành xâm lược các nước láng giềng, những nước cũng là thành viên của EU và NATO.

Dmitry Peskov - Thư ký báo chí của Tổng thống Nga - cho rằng báo chí Đức đang đưa "tin vịt", đồng thời, khẳng định Nga không quan tâm đến những tin tức kiểu đó. Thậm chí, đại diện của EC cũng thận trọng không bình luận về những thông tin đầy tính suy diễn trên của báo chí Đức nói riêng và truyền thông phương Tây nói chung. Một quan chức của EC còn khẳng định: "Chúng tôi sẽ không thực hiện hoạt động ngoại giao trên báo chí hay thảo luận về những trích dẫn trong các cuộc hội đàm bí mật. Điều quan trọng với chúng tôi lúc này là nỗ lực đem lại hòa bình, ổn định và thịnh vượng lâu dài cho Ukraine".

Phát biểu được cho là lời đe dọa của Tổng thống Putin với người đồng cấp Poroshenko (được đề cập ở trên) cũng tương tự như tuyên bố được ông chủ Điện Kremlin đưa ra với Barroso trước đó. Và tuyên bố này cũng khiến dư luận phương Tây bám riết như cái cớ nhằm cáo buộc và chỉ trích gay gắt nước Nga. Chỉ khác một điều là, khi đó, Putin nói rằng "nếu muốn, tôi có thể chiếm Kiev chỉ trong hai tuần", chứ không phải là hai ngày như lần này.

Trong khi Kiev và phương Tây đang vin vào phát biểu của Putin trong cuộc điện đàm với Barroso để củng cố cho cáo buộc về việc Nga muốn xâm lược Ukraine và lên án cái mà họ miêu tả là sự thách thức của Putin thì một cố vấn chính sách đối ngoại của Điện Kremlin đã lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ Barroso về việc trích dẫn lại câu nói của Putin là không đúng ngữ cảnh. Phía Nga cho rằng dù lời nói của Putin có được trích dẫn nguyên văn, nhưng nếu câu nói này không được đặt đúng ngữ cảnh thì thông tin của nó chắc chắn cũng bị sai lệch. Đó là chưa kể, câu nói này có thể bị thổi phồng với những dụng ý khác.

Báo Độc lập kết luận bằng một câu hỏi rằng phương Tây, EU và Đức có dụng ý gì không khi "làm ngơ" trước việc báo chí Đức liên tục có những bài viết kiểu như vậy?
Nga thấm mệt với “trò chơi ném tuyết”?

TTXVN (Moskva 22/9) - Theo báo Độc lập (Nga), bất chấp các tuyên bố mạnh mẽ trước đây, Chính quyền Nga hiện vẫn chưa thông qua các biện pháp trả đũa kinh tế tiếp theo đối với EU và Mỹ. Phát biểu tại cuộc họp hôm 20/9 vừa qua, hai Phó Thủ tướng chính phủ Arkadi Dvorkovich và Dmitry Kozak đã thẳng thắn thừa nhận sự mệt mỏi của Nga liên quan đến các lệnh trừng phạt. Trong khi đó, giới chuyên gia cho rằng việc Nga áp dụng các biện pháp cấm nhập khẩu thực phẩm từ EU và Mỹ là một bước đi sai lầm, do vậy, chính quyền quyết định không lặp lại điều này một lần nữa. Một số nhà phân tích độc lập nhấn mạnh việc Nga dừng leo thang căng thẳng một phần là do các sáng kiến hoà bình ở miền Đông Ukraine đã đạt được thành công bước đầu.

Được biết, ngay sau khi EU và Mỹ quyết định thông qua gói trừng phạt tiếp theo hồi tuần trước, Bộ Ngoại giao Nga đã ra tuyên bố các biện pháp này sẽ nhận được sự đáp trả thích đáng từ phía Điện Kremlin. Đồng thời, trợ lý của Tổng thống Nga Andrey Belousov cũng cho biết “làn sóng” các biện pháp đáp trả thứ hai của Nga có thể sẽ bao gồm cả việc hạn chế nhập khẩu ô tô, đồ may mặc, các sản phẩm chế biến gỗ và một loạt các dịch vụ tài chính khác. Tiếp sau đó, Bộ trưởng Bộ Phát triển kinh tế nước này Alexay Ulukaev bổ sung thêm rằng các lệnh cấm nhập khẩu có thể sẽ liên quan đến cả tủ lạnh và các sản phẩm hóa dầu. Thậm chí, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev còn đe dọa sẽ cấm các chuyến bay của phương Tây đi qua không phận Nga.

Tuy nhiên, hiện nay các quan chức Nga gần như không còn giữ giọng điệu cứng rắn như trước đây, thậm chí, họ còn bóng gió cho biết các biện pháp phản đòn tiếp theo là gần như không có. Chính phủ hiện không coi công tác soạn thảo các biện pháp trả đũa là phương hướng hoạt động ưu tiên, thay vào đó là tìm cách tương thích nền kinh tế với điều kiện mới.

Hãng thông tấn Rianovosti dẫn lời Dmitry Kozak cho biết Nga quyết định không tiếp tục lao vào “trò chơi ném tuyết” vì biện pháp này không mang lại lợi ích gì cho nền kinh tế. Trong khi đó, giới chuyên gia nhận định, cách thức trả đũa bằng lệnh cấm nhập khẩu thực phẩm mà Putin áp dụng từ ngày 6/8 không đạt được mục tiêu đề ra. Trong khi thị trường Nga, ngay lập tức, chứng kiến sự thiếu hụt đến 20% tổng nhu cầu tiêu thụ thì hậu quả đối với phương Tây là không nhiều, khi lượng xuất khẩu vào Nga chỉ chiếm vỏn vẹn 1% tổng xuất khẩu ra thế giới.

Chuyên gia Alexay Arbatov từ Viện nghiên cứu kinh tế nhấn mạnh Nga cần xem lại quyết định hành chính đã gây nên tình trạng khan hiếm hàng hóa trên thị trường và giá cả leo thang, ảnh hưởng đến cuộc sống của nhiều triệu người dân. Thêm vào đó, nước Nga gần như không thể tìm được biện pháp đáp trả nào nguy hiểm đối với các đối thủ mà lại an toàn đối với nền kinh tế Nga. Đơn cử là quyết định cấm bay đối với các hãng hàng không của phương Tây có thể làm ngân sách Nga mất đi hàng tỷ USD tiền cho thuê không phận. Và nếu EU, Mỹ áp dụng các biện pháp đáp trả thì hãng hàng không lớn nhất của Nga là Aeroflot có nguy cơ phá sản. Chuyên gia này cho rằng Nga không nên “choảng nhau” với đối thủ không ngang tài ngang sức.

Tuy nhiên, cũng có luồng ý kiến nhận định rằng nguyên nhân chính của việc Nga ngừng leo thang là những tiến bộ vừa đạt được trong việc tìm kiếm giải pháp chính trị ngoại giao để giải quyết cuộc khủng hoảng ở Ukraine. Bên cạnh đó, sau khi cảm nhận được những hậu quả đầu tiên từ trò chơi dội nước lạnh với Nga, phương Tây có vẻ cũng có động thái dịu giọng. Trong bối cảnh bầu không khí bắt đầu có dấu hiệu được cải thiện như hiện nay, ngôn ngữ đe dọa trừng phạt không còn phù hợp và việc các bên liên quan thể hiện kiềm chế góp phần làm cho tiến trình hòa đàm ở Ukraine gặp thuận lợi hơn.


Châu Âu tìm cách phá tình trạng lệ thuộc vào Nga

Đài RFI (đêm 22/9) - Làm thế nào để tự chủ hơn về khí đốt và bớt bị lệ thuộc vào nguồn cung cấp từ Nga? Một trong những giải pháp đang được Liên minh châu Âu đẩy mạnh là “Tuyến đường ống dẫn khí Xuyên biển Adriatic” gọi tắt là TAP (Trans-Adriatic Pipeline), vận chuyển khí đốt của Cộng hòa Trung Á Azerbaijan từ vùng biên giới Hy Lạp-Thổ Nhĩ Kỳ đến miền Nam Italia, xuyên qua miền Bắc Hy Lạp, Albania và biển Adriatic.

Thủ tướng Italia, nước hiện là chủ tịch luân phiên của EU, Matteo Renzi, đã ghé thăm Azerbaijan ngày 20/9, để tiếp tục thảo luận về đề án Tuyến đường ống dẫn khí Xuyên biển Adriatic. Đây là phương án đã được cho phép, nhưng công cuộc xây dựng vẫn chưa bắt đầu, và sớm nhất cũng phải chờ đến năm 2019, châu Âu mới có thể được cung cấp khí đốt qua con đường này.

Đối với Pierre Terzian, Chủ nhiệm chuyên san Pétrostratégies (Chiến lược dầu hỏa), kể cả khi được hoàn tất, do công suất rất hạn chế, TAP vẫn chưa thể giúp EU giảm được đáng kể mức lệ thuộc vào khí đốt của Nga. Sau đây là nội dung bài phỏng vấn chuyên gia Pierre Terzian của RFI.

- Khủng hoảng Ukraine đã nêu bật việc châu Âu trở lại lệ thuộc vào nguồn năng lượng từ Nga. Khí đốt do Nga cung cấp hiện được chuyển đến châu Âu qua các đường ống dẫn khí nào?

+ Từ khi Liên Xô sụp đổ năm 1991, toàn bộ khí đốt từ Nga được chuyển đến châu Âu đều đi qua con đường Ukraine. Trước đó, khi Liên Xô còn tồn tại, hoàn toàn không có vấn đề gì, nhưng khi Ukraine trở thành độc lập, các bên đã phải có một số dàn xếp.

Vài năm sau đó, Ukraine bắt đầu gây khó khăn cho việc trung chuyển khí đốt, buộc Nga và châu Âu phải tính đến việc xây dựng các đường ống dẫn khí mới, không đi ngang qua Ukraine, để khỏi phải lệ thuộc vào một tuyến duy nhất là qua Ukraine, bởi khí đốt của Nga đã và vẫn chiếm 30% lượng khí đốt tiêu thụ của châu Âu.

Trước hết, châu Âu và Nga đã xây dựng một đường ống dẫn khí đi qua Ba Lan. Sau đó, họ thiết lập một đường ống khác dẫn đến Thổ Nhĩ Kỳ. Và bước thứ ba là xây dựng một đường ống dẫn đi qua biển Baltic, để chuyển khí đốt trực tiếp từ miền Bắc nước Nga sang Đức.

Đề án mới nhất, không đi qua Ukraine, mang tên South Stream (Dòng chảy phương Nam) - vốn cho phép hoàn toàn tránh được tình trạng trung chuyển qua Ukraine - hiện đang gặp vấn đề: Dự án này đã bị chặn lại từ khi nổ ra cuộc khủng hoảng Ukraine vào tháng 2/2014.

Tóm lại, ngay khi giành lại được độc lập, Ukraine đã có thế độc quyền trong việc cho phép khí đốt Nga quá cảnh để sang châu Âu. Thế độc quyền này đang trên đà bị xóa bỏ hoàn toàn do các vấn đề nảy sinh với Nga. Ukraine hiện không còn khả năng mua khí đốt của Nga do tình hình kinh tế gần như bị phá sản của mình.

- Đường ống dẫn khí Xuyên biển Adriatic phải chuyển khí đốt từ Azerbaijan đến Italia. Liệu đây có phải là một phương cách tốt nhất để tránh nhập khẩu khí đốt của Nga hay không?

+ Đây chỉ là một biện pháp có tác dụng rất nhỏ, bởi vì, sẽ chỉ có khoảng 10 tỉ m3 khí đốt từ Thổ Nhĩ Kỳ đi vào châu Âu. Một khối lượng quá ít so với mức tiêu thụ của châu Âu, hiện đã vượt quá 450 tỉ m3 và sẽ lên đến 500 tỉ. Để so sánh, lượng khí đốt nhập từ Nga là 150 tỉ m3.

Lý do châu Âu chọn tuyến đường đưa khí đốt về miền Nam Italia khá bí ẩn. Một cách logic, nếu muốn cạnh tranh với khí đốt Nga, dù chỉ trên quy mô nhỏ, châu Âu lẽ ra phải chọn dự án Nabucco. Châu Âu từ lâu đã đấu tranh cho Nabucco vì muốn đưa khí đốt đến khu vực trung tâm của châu Âu, tức đến Áo, chứ không phải đến miền Nam Italia, một khu vực rất xa các nơi tiêu thụ quan trọng và cũng đã được cung ứng dư thừa bằng nguồn khí đốt, đặc biệt là đến từ Libya và Algeri, cũng như bằng khí hóa lỏng.

Rủi thay, Tuyến đường ống xuyên biển Adriatic lại được chọn, với một khối lượng khí đốt cực nhỏ - chỉ 10 tỉ m3 - và sẽ chuyển đến một nơi tệ hại nhất, tức là miền Nam Italia.

- Phải chăng đây là một dự án mặc nhiên loại trừ các nước châu Âu bị lệ thuộc nhiều nhất vào nguồn khí đốt từ Nga?

+ Đúng vậy. Thoạt đầu được trình bày như một biện pháp cho phép đa dạng hóa nguồn cung cấp khí đốt và giảm sự lệ thuộc vào Nga, dự án này, rốt cuộc, đã “xì hơi” và biến thành một phương tiện cung cấp thêm khí đốt cho Italia, một nước đã được cung ứng đầy đủ, trong khi một bộ phận của châu Âu, phụ thuộc nặng nề nhất vào khí đốt của Nga nghĩa là vùng Trung Âu, Đông Âu và Bắc Âu, thì lại không được dự án này quan tâm.

Hơn nữa, TAP là một dự án cực kỳ tốn kém và sẽ không thể có lãi. Điều đó đã khiến cho hai tập đoàn châu Âu trong nhóm tham gia đề án - cụ thể là Total và Statoil - rút lui. Người ta đã nói đến một mức đầu tư là 56 tỉ USD. Đó là con số chính thức, và người ta cũng chính thức thừa nhận rằng chi phí đó rất có thể sẽ bị vượt qua.



- Phải chăng đó là lý do khiến cho EC không tha thiết với dự án này?

+ EC phải miễn cưỡng đồng ý do việc dự án Nabucco mà họ ủng hộ đã bị hủy bỏ vì những lý do bí ẩn. Họ nói: “Thôi được! Hãy chấp nhận những gì có sẵn và cái có sẵn là dự án này!”

Trên thực tế, Nga chưa bao giờ thực sự cắt khí đốt bán sang châu Âu. Họ cắt khí đốt bán cho Ukraine vì nước này không trả tiền mua. Nhiều vấn đề đã nảy sinh khi kinh tế Ukraine bị suy yếu, nước này không thể thanh toán tiền mua khí đốt của Nga và bắt đầu hút lượng khí mà Nga bán qua châu Âu. Chính châu Âu cũng công nhận điều này. Gốc rễ vấn đề nằm ở đó.

- Hợp đồng 57,8 tỉ USD mà Moskva đã ký với Trung Quốc, có thể giúp Nga gia tăng áp lực đối với châu Âu hay không?

+ Hợp đồng mà Nga đã ký với Trung Quốc là một giấc mơ cũ của Vladimir Putin. Khi lên nắm quyền, Putin đã nhận ra rằng nước Nga quá phụ thuộc vào châu Âu trong vấn đề bán khí đốt của mình. Trên thực tế, Nga chỉ có một khách hàng là châu Âu và về mặt chiến lược, họ ở trong một tình huống rất dễ bị tổn thương. Người ta nói rất nhiều đến sự lệ thuộc của châu Âu đối với Nga, nhưng lại quên rằng Nga thậm chí còn phụ thuộc nhiều hơn vào châu Âu.

Vladimir Putin lúc đó đã tự nhủ rằng ông phải quay sang châu Á. Các cuộc đàm phán để bán khí đốt cho Trung Quốc đã bắt đầu từ lâu, nhưng chỉ vào tháng 5/2014, hợp đồng mới được ký kết vì Nga muốn đa dạng hóa thị trường của họ. Thời điểm không phải là một sự trùng hợp ngẫu nhiên, vì việc ký kết chỉ diễn ra 2 tháng sau khi nổ ra cuộc khủng hoảng Ukraine. Nga trước mắt sẽ bán cho Trung Quốc 38 tỉ m3 khí đốt, sau đó khối lượng này sẽ tăng lên 60 tỉ.

Sau này, một đường ống dẫn khí đốt, được gọi là “phía Tây”, sẽ được xây dựng hướng tới Trung Quốc. Trong vòng 15 năm tới, Nga sẽ bán khí đốt qua châu Á, chủ yếu là qua Trung Quốc, nhưng cũng qua Nhật Bản dưới dạng khí đốt hóa lỏng, một khối lượng tương đương với những gì họ đang bán sang châu Âu, tức là từ 100 - 150 tỉ m3.

Vào thời điểm đó, lợi thế đàm phán của châu Âu sẽ bị suy yếu. Đó là những khả năng cần phải dự đoán, nhưng rủi thay chính trị lại có một logic mà kinh tế không hiểu được.

- Mỹ nuôi tham vọng lớn là xuất khẩu được khí đá phiến của họ sang châu Âu. Tình hình hiện ra sao? Điều đó có thực tế hay không?

+ Các dự án xuất khẩu khí đốt của Mỹ đang phát triển theo tốc độ riêng. Hiện nay, đã có 4 hoặc 5 dự án được phê duyệt hoàn toàn, cả trong lĩnh vực xuất khẩu lẫn xây dựng, vốn là hai vấn đề hoàn toàn khác nhau về mặt kỹ thuật. Tuy nhiên, khí đốt đó không nhất thiết là sẽ được xuất qua châu Âu, hiện có sự cạnh tranh của châu Á, với Nhật Bản, Hàn Quốc, những nơi vốn cũng rất cần khí đốt.

Quả là khí đá phiến của Mỹ sẽ là một nguồn cung cấp khi đốt mới cho châu Âu, nhưng không nên tin rằng điều đó sẽ giải quyết được tất cả các vấn đề khí đốt của châu Âu. Còn rất lâu mới có thể giải quyết được điều này.
KHỦNG HOẢNG UKRAINE
Quân đội Ukraine lợi dụng thỏa thuận ngừng bắn để tái trang bị?

Đài Tiếng nói nước Nga (đêm 22/09) - Tổng thống Poroshenko thừa nhận rằng, ông buộc phải sử dụng biện pháp hoà bình để giải quyết cuộc xung đột ở khu vực Donbass. Tuy nhiên, dù Liên hợp quốc (LHQ) và Tổ chức An ninh và hợp tác châu Âu (OSCE) kêu gọi không sử dụng lệnh ngừng bắn để giành lợi thế ở mặt trận, quân đội Ukraine đang tích cực tái trang bị và tăng cường vị thế của mình ở miền Đông Ukraine. Ông nói rằng Kiev không hài lòng với kế hoạch hòa bình nhưng họ không có sự lựa chọn nào khác. Trong một cuộc phỏng vấn với đài truyền hình địa phương, Tổng thống Poroshenko nói:

“Chúng tôi không ảo tưởng rằng việc đưa vào Lugansk và Donetsk mấy tiểu đoàn có thể giải quyết tình hình. Bởi vì người ta chỉ đơn giản sẽ không cho phép chúng tôi làm như vậy”.

Lời tuyên bố này không chỉ là một nỗ lực xoa dịu tâm trạng hiếu chiến trong thời gian chuẩn bị cho cuộc bầu cử Quốc hội sẽ tiến hành vào ngày 26/10. Nhà phân tích chính trị Viktor Kuvaldin cho biết:



“Tổng thống Poroshenko nói sự thật. Tất nhiên, giới thượng lưu ở Kiev, trong đó có cả vị tổng thống, muốn giải quyết cuộc xung đột ở khu vực Đông Nam bằng bạo lực, muốn đánh bại các nước Cộng hòa Nhân dân Donetsk và Lugansk. Nhưng chính quyền Kiev chỉ đơn giản không có khả năng làm như vậy. Quân đội Ukraine đã không thể giành chiến thắng trong cuộc xung đột này. Và ông Poroshenko đã thừa nhận điều đó. OSCE, LHQ và các tổ chức nhân quyền quốc tế nên lưu ý đến lời tuyên bố rất quan trọng này. Nó cho thấy rằng, phía Kiev chưa sẵn sàng giải quyết cuộc xung đột ở Ukraine bằng các biện pháp chính trị hòa bình. Trên thực tế, Kiev đang chuẩn bị cho vòng mới của cuộc đối đầu quân sự”.

Không có gì bí mật, quân đội Ukraine đang tích cực tái trang bị. Tuần trước, Tổng thống Poroshenko thậm chí đã thực hiện chuyến công du xuyên Đại Tây Dương: Ông đã đến Canada và Mỹ, yêu cầu cung cấp thiết bị quân sự hạng nặng và các loại vũ khí khác. Tuy nhiên, ông chỉ nhận được sự hỗ trợ tài chính để cải thiện hệ thống an ninh và lô hàng mũ bảo hiểm. Nhưng Kiev vẫn không từ bỏ ý muốn của mình. Các nhà máy quân sự địa phương đang hoạt động hết công suất. Sản phẩm - các xe bọc thép - ngay lập tức được gửi đến phía Đông của đất nước. Ở khu vực Đông Nam, Kiev đang tập hợp lực lượng vũ trang dường như không có thỏa thuận hoà bình.

Nhìn chung, có vẻ như chính quyền Kiev đang sống trong hai thế giới song song. Vào ngày 20/9, tại Minsk (Thủ đô Belarus) đã tiến hành vòng thường kỳ của cuộc tham vấn giữa Ukraine và hai nước cộng hòa ở vùng Donbass, với sự trung gian của OSCE. Kết quả là một bản ghi nhớ chi tiết về tiến độ thực hiện thỏa thuận ngừng bắn ở phía Đông Ukraine đã được ký kết vào ngày 5/9. Điều khoản thứ nhất của văn kiện này nhấn mạnh rằng các bên phải thực hiện lệnh ngừng bắn. Ngoài ra, quân đội Ukraine và lực lượng dân quân của hai nước cộng hòa phải hiệ̣n diện trên những vùng lãnh thổ mà họ chiếm đóng vào ngày 19/9. Bản ghi nhớ cũng qui định loại bỏ các vũ khí có đường kính vượt quá 100mm ở khoảng cách ít nhất là 15km mỗi bên và cấm bố trí vũ khí và thiết bị quân sự hạng nặng trong khu vực dân cư. Như vậy là thành lập một khu vực an ninh 30km. Trên khu vực này, tất cả các chuyến bay bị cấm, kể cả máy bay không người lái, ngoại trừ các phi cơ thuộc phái đoàn quan sát viên OSCE. Cần phải loại bỏ các bãi mìn có sẵn và không tạo ra những bãi mìn mới.

Các nhân vật được ủy quyền đã ký vào bản ghi nhớ. Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon đã chấp thuận văn kiện này. Tổng Thư ký OSCE Lamberto Zannier đặc biệt nhấn mạnh rằng, các bên tham gia cuộc xung đột ở phía Đông Ukraine không nên lợi dụng lệnh ngừng bắn để giành lợi thế ở mặt trận. Nhưng Kiev có cái nhìn khác về những gì đang xảy ra.

Vào ngày 21/9, Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Ukraine Andrey Lysenko nói rằng, điều khoản thứ nhất của bản ghi nhớ là không khả thi, vì thế không nên chú ý đến những điều khoản khác. Theo lời ông, quân đội Ukraine sẽ tiếp tục tập hợp lực lượng vũ trang đúng theo kế hoạch chiến thuật và chiến lược của ban lãnh đạo Ukraine.
Thực trạng khí tài của Ukraine

TTXVN (Moskva 22/9) - Theo Báo Độc lập của Nga, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine, Valery Heletey cho biết các nước thành viên NATO đã chuyển giao vũ khí cho Kiev. Trước đó, Tổng thống Ukraine, Petro Poroshenko thông báo tại hội nghị thượng đỉnh của NATO diễn ra ở Wales đã nhất trí về việc Mỹ, Ban Lan, Pháp, Na Uy và Italy cung cấp vũ khí cho nước này. Tuy nhiên, tất cả các nước đó đã bác bỏ tuyên bố của ông Poroshenko. Tổng thư ký NATO Anders Frog Rasmussen cho biết cuộc khủng hoảng tại Ukraine không thể giải quyết bằng quân sự, vì thế Kiev không được nhận hỗ trợ vũ khí. Tuy nhiên, NATO không phản đối quyết định riêng rẽ của các nước thành viên, cung cấp vũ khí cho Ukraine.

Ai cung cấp vũ khí như thế nào và số lượng bao nhiêu chúng ta chỉ có thể phỏng đoán. Chỉ có Italy đề nghị một cách hợp pháp cung cấp 90 xe bọc thép Iveco. Trị giá mỗi chiếc xe 5 chỗ này là gần 200.000 USD.

Điều thú vị nhất là vào năm 1991, Ukraine được thừa hưởng từ Liên Xô trước đây lực lượng vũ trạng hùng mạnh nhất châu Âu với lượng lớn vũ khí và trang thiết bị quân sự mà theo một số chỉ số còn nhỉnh hơn Nga. Những gì đã xảy ra khiến chỉ sau 4 tháng tiến hành chiến dịch chống khủng bố ở miền Đông, Ukraine không còn vũ khí?

Thiết giáp gỉ sét

Đầu năm 2014 trong phiên chế quân đội Ukraine có 616 xe tăng T-64. Điều có thể hiểu được là không phải tất cả số xe tăng này đều hoạt động. Tuy nhiên, tổn thất về xe tăng là rất lớn. Điều đáng buồn với các xe tăng này là chúng hầu như không có hệ thống bảo vệ chủ động, để vô hiệu hóa đạn súng phóng lựu. Hơn nữa, người sử dụng súng phóng lựu thường nhằm vào ranh giới giữa tháp pháo và thân xe, đây chính là nơi bên trong xe tăng, các kỹ sư thiết kế Kharkov vào thời gian của mình bố trí thùng lót với thuốc súng để tự động nạp đạn cho pháo xe tăng. Chỉ cần một mồi lửa - đạn trong xe nổ và tăng bị tung tháp pháo.

Ngoài ra, Lực lượng vũ trang Ukraine (APU) không có các xưởng sửa chữa chiến trường. Chỉ có các đội sửa chữa của nhà máy trên thực địa. Các đội này thay phiên nhau rời khỏi nhà máy để sửa chữa phương tiện bị bắn hỏng. Bộ Quốc phòng Ukraine đã gửi ra mặt trận hơn 900 tấn thiết bị thiết giáp gồm linh kiện, tổng thành và công cụ.

Trên thực tế các linh kiện có những vấn đề lớn. Số lượng dự trữ chúng là rất lớn, song nhu cầu không hề nhỏ. Ukraine đã bán hầu như toàn bộ dự trữ cho các nước, có trong phiên chế của mình phương tiện kỹ thuật quân sự Nga, từ thập niên 1990. Cũng như bán tất cả các xe tăng T-72 và các xe tăng khác, được xem là mới nhất vào thời điểm đó. Và nằm trong nhóm 10 nước xuất khẩu vũ khí lớn nhất thế giới, mà hầu như không sản xuất ra vũ khí của mình.

Ngoài xe tăng trong phiên chế quân đội, Ukraine còn sở hữu khoảng 2.000 xe tăng tại các cơ sở bảo quản và nhà máy sửa chữa xe tăng. Tuy nhiên, điều kiện bảo quản không được đáp ứng, xe không được bảo dưỡng. Vì vậy, những chiếc xe tăng này sau khi được lấy ra phải mất vài tuần khôi phục tại nhà máy sửa chữa.

Tại các nhà máy sửa chữa xe tăng tình hình còn tồi tệ hơn. Xe tăng, được chế tạo từ ​​30-40 năm trước, chủ yếu rút về từ Đức, đã một phần tư thế kỷ dãi nắng dầm sương. Nhà máy không có tiền để bảo hành và sửa chữa các phương tiện này. Tại Nhà máy sửa chữa xe tăng Kiev, xe tăng còn bị xếp chồng lên nhau thành 2, 3 tầng.

Tại Nhà máy sửa chữa xe thiết giáp Kharkov có 585 xe tăng T-64 và T-55. Tất cả được xem là "tài sản thừa" và không nằm trong sổ sách APU. Từ năm 1991, chúng đã cần phải tiến hành đại tu, và nay chỉ còn là sắt vụn. Thật khó tin khi cho rằng có thể lắp ắc qui, bơm nhiên liệu cho những xe tăng này để đưa ra chiến trường. Giám đốc Nhà máy xe tăng mang tên Malyshev ở Kharkov, trong thành phần có nhà máy sửa chữa xe tăng, ông Nikolai Belov cho biết các xe tăng này ít nhất cần thay động cơ, thiết bị quang học và điện tử. Tốt hơn nên sử dụng chúng làm linh kiện dự phòng.

Về sản xuất, chu trình chế tạo 1 xe tăng mất 9 tháng nếu đủ nguồn tài chính. Hiện tại Nhà máy xe tăng Kharkov mang tên Malyshev còn nợ lương 2 tháng, và trong số 4.000 công nhân còn lại 2.500 người. Nay nhà máy có các hợp đồng trị giá 4,3 tỷ hryvnia (1 hryvnia = 0,075 USD), mà hầu như tất cả dành cho xuất khẩu. APU ký 2 hợp đồng mua 10 xe tăng Oplot và hiện đại hóa 10 xe tăng T-64. Hợp đồng quan trọng nhất là cung cấp cho Thái Lan 49 xe tăng Oplot. Theo Giám đốc Belov, để thực hiện hợp đồng này, nhà máy cần đạt tốc độ sản xuất 4 xe tăng/tháng. Chưa rõ thời điểm chế tạo tăng cho APU vì chưa nhận được tiền để mua tổng thành.

Hầu hết tất các các nhà máy sửa chữa xe tăng trong những tháng gần đây đều thay đổi lãnh đạo, các lãnh đạo tiền nhiệm đang bị điều tra. Tại nhà máy thiết giáp Zhytomyr, 78 xe thiết giáp đã biến mất. Động cơ cùng với hộp số, tháp pháo, thiết bị ngắm bắn, radio và động cơ bị tháo mất. Theo kết quả kiểm tra của công tố viên "đã phát hiện thiếu 5506 máy chủ và tổng thể vũ khí và thiết bị" gây tổn thất hơn 12 triệu hryvnia.

Tại nhà máy sửa chữa Kiev cũng đã bán ra nước ngoài các chi tiết trị giá 2,3 triệu hryvnia. Tại đây vào tháng 6 năm nay đã ký hợp đồng cung cấp 20 thân xe thiết giáp BTR-3E-1 cho một công ty an ninh Odessa nào đó không có giấy phép chế tạo và buôn bán vũ khí. Công ty này đã trả trước 12 triệu hryvnia, song số tiền đã bốc hơi. Cũng tại nhà máy này các xe tăng T-72, có lẽ là cuối cùng trong kho của Ukraine, cũng biến mất. Có thể chúng đã được bán cho dân quân li khai Donbass.



Quan hệ thị trường

Hoạt động buôn bán vũ khí trong kho của Bộ Quốc phòng Ukraine cũng diễn ra rất nhanh chóng. Hoạt động này có sự tham gia của các cơ quan chính phủ và công ty trung gian tư nhân. Vì vậy, trên thực tế không thể xác định được người mua. Cũng chẳng rõ ai có quyền hợp pháp để sở hữu vũ khí tại Ukraine. Tiền được đưa vào một ngân quĩ đặc biệt của Bộ Quốc phòng, từ đó nó được rót cho quân đội.

Các nhà bán lẻ vũ khí chính là tập đoàn Ukroboronprom, Ukroboronservise, Ukrinmash. Trong nửa đầu năm 2014 các trang thiết bị bán được trị giá 84 triệu hryvnia. Nhờ tổ chức bán, các đối tác trung gian nhận được 17 triệu hryvnia cùng tiền hoa hồng 3,5 triệu hryvnia.

Trong thời gian này, Ukrinmash bán trong nước 35.900 khẩu tiểu liên AKM (cỡ nòng 7,62 mm), 1.237 súng phóng lựu RPG-7V, gần 5.000 tên lửa máy bay, 60 tên lửa chống tăng Fagot. Doanh nghiệp Promoboroneksport bán trong nước 10 xe bọc thép BTR-70, công ty Spetstehnoeksport bán 23 máy bay không người lái Reis. Trong số vũ khí được bán có 10.000 mũ bảo vệ và 2 trực thăng Mi-8.

Tham gia cung cấp vũ khí cho tiểu đoàn Azov, nhân vật tự nguyện tên là Svetlana Zvarych nêu giá, theo đó có thể mua được phương tiện kỹ thuật từ người trung gian, nằm trong danh sách của Bộ Quốc phòng. Xe ủi kết hợp đào hào BAT-2 có giá 20.000 USD. Xe bọc thép tuần tra-trinh sát BRDM-2 giá 18.000 USD. Xe kéo MTLBU - 14.000 USD. KamAZ đã qua sử dụng giá 234.000 hryvnia. Tuy nhiên, sau "lò nướng" (nơi quân đội Ukraine bị bao vây) ở Ilovaisk, tiểu đoàn này cần có các xe tải mới. Chúng được đề nghị bán với giá 15.000 USD. Một khi tiền đã trả, KamAZ được rút khỏi một trong các căn cứ quân đội của tỉnh Ivano-Frankivsk và được đưa tới điểm giao nhận. Đặc biệt, Svetlana Zvarych tự hào về vụ làm ăn với nhà máy Mayak, nơi không cần tiền mặt có thể mua 200 khẩu súng trường AKM và 20 súng máy.

Thật thú vị khi nhớ lại cách thức và người mua vũ khí của Ukraine. Ví dụ như chỉ mới hồi năm 2012 thôi, Ukraine bán vũ khí cho những nước mà nay đang cầu xin họ cung cấp vũ khí. Ukraine đã bán sang Mỹ 90.000 súng trường và carbine, Đức - gần 29.000 khẩu côn, súng lục, súng trường và carbine. Sudan- 22.000 súng trường. Chad - 15.000; Canada - 11.000. Ethiopia nhận được 99 xe tăng T-72; Thái Lan - 62 xe thiết giáp BTR-3E1; Iraq - 48 xe BTR-4 và 11 xe BTR-80; Sudan - 10 xe tăng T-72, 1 xe BTR-70 và 14 xe BMP-1, 11 pháo tự hành 122mm Gvozdika, 80 pháo không giật, 29 súng phóng lựu chống tăng.

Ukraine bán cả tên lửa, với khách hành chính là Mỹ và Israel. Ví dụ, Mỹ mua 137 hệ thống phòng không vác vai (MANPADS), và Israel - 193 tên lửa cho MANPADS và 120 tên lửa chống tăng. Mỹ sau đó dường như chuyển MANPADS cho một số người "dân chủ đối lập" ở Syria. Phi vụ này diễn ra đã hơn 20 năm qua.

Bởi vậy, chẳng có gì ngạc nhiên khi từ kho APU các tiểu đoàn tình nguyện nhận được súng cối năm 1943, súng trường và pháo cao xạ tự động sản xuất trong thập niên 50-60. Mới đây, Bộ Quốc phòng Ukraine đã cung cấp cho Bộ Nội vụ đại liên cỡ lớn, song không có giá kéo. Giờ lực lượng Cảnh vệ Quốc gia đang đau đầu vì kiếm ai ra để đặt các giá kéo, vẫn cần phải chế tạo.

Xe vận tải chủ lực của Cảnh vệ Quốc gia, và thường là cả binh sĩ APU là các xe buýt, xe tuyến được "huy động". Hồi mùa Xuân, Verkhovna Rada (Quốc hội) Ukraine đã thận trọng thông qua luật cho phép xung công cho nhu cầu quốc phòng bất cứ xe ôtô nào của các doanh nghiệp quốc doanh và tư nhân, cũng như xe riêng của người dân mà không cần áp dụng thiết quân luật hay tình trạng khẩn cấp. Đương nhiên chẳng ai muốn trao xe của mình. Đặc biệt nếu đó là phương tiện sản xuất chính. Vì vậy, hiện tại Ukraine đã có 53 vụ trốn "huy động xe cộ".

Mặc dù lực lượng Vệ binh Quốc gia trực thuộc Bộ Nội vụ Ukraine vẫn tìm được tiền để mua 44 chiếc MAZ của Belarus. Song việc "huy động" nhìn chung chẳng có giá rị gì. Vì vậy, chưa thể bù đắp số lượng xe lớn bị phá hủy. Tình hình với xe bọc thép còn tồi tệ hơn. Ví dụ tại các căn cứ đã không còn một chiếc BMD (xe bọc thép chở quân) nào. Kết cấu nhôm của chúng đã cháy trụi.



Tổn thất không thể bù đắp

Không quân Ukraine hầu như đã rời khỏi vùng trời Đông Nam. Một lượng lớn máy bay của lực lượng này đã bị bắn hạ. APU có 60 trực thăng, một nửa trong số này cho LHQ hay công ty "Trực thăng Ukraine" thuê. Chủ yếu trong số này là máy bay vận tải Mi-8. Trực thăng tấn công Mi-24 hầu như đã bị hạ hết.

Về chiến đấu cơ, Không quân Ukraine sở hữu 12 máy bay tấn công Su-25, 14 máy bay ném bom chiến thuật Su-24, 12 tiêm kích Su-27, 30 tiêm kích loại nhẹ MiG-29. Phần lớn số Su-24 và hầu như tất cả Su-25 đã bị dân quân li khai bắn hạ.

Việc tính toán tổn thất xe bọc thép khá khó khăn. Cả 2 phía đã giảm bớt thiệt hại của mình và phóng đại thiệt hại của đối phương. Và đôi khi các xe tăng và xe bọc thép 2-3 lần dịch chuyển từ bên này sang bên kia.

Bộ tư lệnh Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DPR) tự xưng thông báo rằng trong tháng 8, lực lượng an ninh Ukraine mất gần 220 xe tăng và hơn 480 xe bọc thép. Dân quân cũng bắn hạ 14 máy bay và 10 máy bay không người lái (UAV). Ngoài ra còn phá hủy hay loại khỏi vòng chiến đấu gần 190 giàn phóng rốc két đa nòng và khoảng 750 ôtô. Trong tháng 7, các trận đánh tại Shahtersk đã phá hủy 125 xe bọc thép.

Trong video dân quân ghi lại có thể thấy rất nhiều phương tiện kỹ thuật bị cháy sém, xe tăng, xe bọc thép chở quân và pháo tự hành đứt xích. Phần lớn trong số này cần được sửa chữa, sau đó đưa vào phiến chế DPR và LPR (Cộng hòa Nhân dân Lugansk). Tuy nhiên, rất khó để xác định tổn thất thực sự qua các video đó. Tính tương đối, APU mất khoảng từ 60-80% xe tăng, xe bọc thép, pháo và dàn phóng rốc két đa nòng.

Đầu năm nay, APU có gần 700 pháo cỡ nòng lớn hơn 100mm và dàn hỏa tiễn nhiều nòng. Do pháo tự hành và dàn hỏa tiễn nhiều nóng Grad không tham gia tấn công và không được bố trí trên các chiến hào tiền duyên nên tổn thất của chúng ít hơn rất nhiều. Tổn thất chủ yếu của pháo binh Ukraine là trong các cuộc tấn công nhằm vào đoàn xe đang hành quân và trong các "lò nướng".

Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng Ukraine vẫn chưa hết lạc quân. Phó Giám đốc Vụ phát triển và mua sắm vũ khí, thiết bị quân sự của Bộ Quốc phòng Ukraine, Igor Odnoralov cho biết: "Chúng tôi dự kiến vào cuối năm nay nhận được 145 đơn vị thiết bị quân sự. Đó là máy bay, trực thăng, xe bọc thép. Ngoài ra còn có hơn 500 đơn vị vũ khí cỡ nhỏ trong nước sản xuất, khoảng 2.000 ống ngắm hồng ngoại và khoảng 200 thiết bị liên lạc đặc biệt". Theo ông, trong dự toán ngân sách dành cho Bộ Quốc phòng năm nay là 11,7 tỷ hryvnia đã nhận được 6,9 tỷ hryvnia, trong đó đã chi 3,2 tỷ.



Каталог: images -> detail
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna) Trụ sở : 5 Lý Thường Kiệt Hà Nội, Việt Nam
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna) Trụ sở : 5 Lý Thường Kiệt Hà Nội, Việt Nam
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna)
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna) Trụ sở : 79 Lý Thường Kiệt Hà Nội, Việt Nam
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna) Trụ sở : 79 Lý Thường Kiệt Hà Nội, Việt Nam
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna)
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna) Trụ sở : 5 Lý Thường Kiệt Hà Nội, Việt Nam
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna)
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna) Trụ sở : 5 Lý Thường Kiệt Hà Nội, Việt Nam
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna) Trụ sở : 79 Lý Thường Kiệt Hà Nội, Việt Nam

tải về 219.25 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương