THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna) Trụ sở : 5 Lý Thường Kiệt Hà Nội, Việt Nam


Thủ tướng Narendra Modi: Trung Quốc phải chấp nhận luật toàn cầu trong tranh chấp lãnh hải



tải về 219.25 Kb.
trang2/4
Chuyển đổi dữ liệu07.07.2016
Kích219.25 Kb.
#1391
1   2   3   4

Thủ tướng Narendra Modi: Trung Quốc phải chấp nhận luật toàn cầu trong tranh chấp lãnh hải

Đài VOA (đêm 22/9) - Thủ tướng Ấn Độ nói Trung Quốc muốn được liên kết với thế giới và vì vậy cần tin tưởng là Bắc Kinh sẽ phải chấp nhận luật lệ toàn cầu trong các tranh chấp lãnh hải với những nước láng giềng.


Ngày 21/9, trong cuộc phỏng vấn với CNN, trước khi sang thăm Hoa Kỳ, ông Narendra Modi bác quan điểm so sánh tốc độ tăng trưởng kinh tế giữa hai nước Ấn-Trung. Ông nhấn mạnh dân chủ là di sản của Ấn Độ và với dân chủ, phát triển kinh tế là một điều khả thi.

Đáp câu hỏi liệu Ấn Độ có thể sánh kịp tăng trưởng GDP của Bắc Kinh, ông Modi quả quyết Ấn Độ có cơ hội trỗi dậy lần nữa thành cường quốc kinh tế toàn cầu và ông có một lộ trình rõ ràng để đạt được điều đó.

Khi được hỏi phản ứng về cách hành xử của Trung Quốc ở Biển Đông và biển Hoa Đông khiến một số chính phủ lo ngại, Thủ tướng Ấn Độ khẳng định Ấn Độ hoàn toàn khác. Ông Modi nói một quốc gia với 1,25 tỉ dân không thể vận hành đất nước nếu lo ngại về từng ‘chuyện nhỏ’.

Ông Modi nói thêm rằng, tuy nhiên, Ấn Độ cũng không thể làm ngơ trước mọi vấn đề, vì trong thời đại đối tác này, tất cả các bên đều phải tìm kiếm và mở rộng sự hỗ trợ lẫn nhau. Vẫn theo nhà lãnh đạo Ấn Độ, Trung Quốc thừa hiểu họ phải chấp nhận luật toàn cầu và phải đóng vai trò của họ trong việc hợp tác và tiến lên phía trước nếu không muốn bị cô lập.

Trước khi đặt chân tới Hoa Kỳ, ông Modi tuyên bố hai nước Ấn Độ-Hoa Kỳ có thể phát triển mối quan hệ đồng minh chiến lược chân thành, vì có rất nhiều điểm tương đồng giữa đôi bên. Chuyến công du Hoa Kỳ của Thủ tướng Ấn Độ trong tuần này diễn ra sau khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (Xi Jin Ping) vừa rời Ấn trong chuyến thăm từ ngày 17-19/9.

Trước đó, nhân chuyến thăm Việt Nam (14-17/9), Tổng thống Ấn Độ Pranab Mukherjee nhấn mạnh nước ông luôn ủng hộ giải pháp hòa bình, đối thoại theo luật quốc tế, không dùng vũ lực hay đe dọa trong các tranh chấp Biển Đông. Ông Mukherjee cũng bày tỏ tin tưởng mối quan hệ đối tác chiến lược Việt-Ấn sẽ ngày càng mở rộng thêm, góp phần vào sự phát triển của khu vực và thế giới.

Trong thông điệp mạnh mẽ gửi tới Trung Quốc ngay ngày Chủ tịch Tập Cận Bình tới Ấn Độ, Tổng thống Mukherjee nói hợp tác dầu khí Việt-Ấn ở Biển Đông từ năm 1988 tới nay hoàn toàn mang mục đích thương mại, phi chính trị.

Trung Quốc tuyên bố phản đối bất kỳ dự án dầu khí nào giữa Việt Nam với các nước tại những khu vực Bắc Kinh nói nằm dưới sự quản lý của họ ở Biển Đông.


III. PHẦN QUỐC TẾ
CHÂU Á-THÁI BÌNH DƯƠNG
Trục Nga-Trung: Mối đe dọa đối với thế giới?

Đài RFA (đêm 22/9) - Trung tuần tháng 9 vừa qua, tác giả Douglas Schoen, một chiến lược gia hàng đầu của đảng Dân chủ Hoa Kỳ và nhà báo Melik Kaylan, giới thiệu một cuốn sách mới có tựa ‘Trục Nga-Trung’.

Cuốn sách nói đến mối nguy hiểm của một cuộc chiến tranh lạnh đang tiềm ẩn với sự hình thành của liên minh Nga-Trung, để đối phó với Hoa Kỳ và mở rộng tầm ảnh hưởng của họ ra thế giới.



Phương Tây lo ngại

Để tìm hiểu thêm về sự hình thành mối liên minh Nga-Trung và sự nguy hiểm của mối liên minh này với các nước, nhất là ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, Việt Hà phỏng vấn tác giả Melik Kaylan. Trước hết, nói về các nhân tố cho thấy sự hình thành trục Nga-Trung, tác giả Kaylan cho biết:

“Điều mà chúng ta đã biết rất rõ ràng và hiển nhiên là Trung Quốc và Nga đã có sự hiểu biết về mặt chiến lược với nhau qua sự hình thành của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải, đây là một dạng giống như cơ cấu của phương Tây. Họ vẫn đang xây dựng tổ chức này. Họ có khoảng 10 nước hoặc hơn là những nước đã tham gia hoặc là thành viên quan sát. Vấn đề bắt đầu kể từ sau khi Hoa Kỳ bắt đầu tham gia cuộc chiến ở Afghanistan.

Theo tôi, điều này tạo ra một cú sốc với Nga và Trung Quốc, vì họ không quen với việc có bất cứ ai vào sân sau của họ như vậy, tìm cách thống trị khu vực đó và sử dụng nguồn tài nguyên ở đó. Cho nên họ đưa ra sáng kiến này, mà theo tôi, cuối cùng là để khóa chặt khu vực đó và đồng thời để không có sự bất đồng giữa họ với nhau và cho phép họ mở rộng từ đó. Điều này là những gì họ đã làm kể từ khi Nga quay trở lại tham vọng là đế quốc của châu Âu, còn Trung Quốc thì tiến ra khắp châu Á, nền kinh tế của họ mở rộng ra thế giới. Khi một đế quốc mở rộng về kinh tế thì họ cũng phải tìm cách bảo vệ sự mở rộng của mình bằng quân sự. Trung Quốc đang làm điều đó rất công khai. Họ xây dựng căn cứ quân sự ở Ấn Độ Dương, ở châu Á. Mục đích của họ là để thống trị khu vực vì mục đích kinh tế thương mại. Đó là điều chúng ta đang chứng kiến trên thế giới”.

- Tại sao Hoa Kỳ và phương Tây bây giờ phải lo ngại về mối nguy của trục Nga-Trung, khi mà hiện tại chúng ta có những mối đe dọa khác như nhà nước Hồi giáo ISIS mà hàng ngày chúng ta vẫn đọc thấy trên báo chí và xem trên TV, hay những lo ngại về sự trì trệ của nền kinh tế?

+ Theo tôi, điều chúng ta phải lo lắng là những gì sẽ xảy ra trong vòng 10 hay 20 năm nữa, khi trò chơi kết thúc và chúng ta ‘khó thở’ về kinh tế và không thể bảo vệ các đồng minh của mình, cũng như giữ trật tự thế giới trong vòng nửa thế kỷ qua hoặc hơn. Vào lúc này, điều mà chúng ta nhìn thấy trên truyền hình là nhà nước Hồi giáo - ISIS và các vấn đề về kinh tế nhưng khi chúng ta phải đối đầu với các cường quốc sở hữu vũ khí hạt nhân, bạn phải đối mặt với một vấn đề hoàn toàn khác, và đó là sự đe dọa cho toàn thế giới. Những cường quốc đó có thể có kế hoạch dài hạn.

Hãy nhìn lại thời gian mà chúng ta quá bận rộn ở vùng Trung Đông và Afghanistan, Nga đã lấy lại đế quốc của mình bằng việc xâm lược Gruzia, họ có thể có kế hoạch sử dụng nguồn lợi từ dầu mỏ để xây dựng quân đội. Họ có thể xây dựng kế hoạch dài hạn từ đó và đã làm như vậy từ khi chúng ta bị xao nhãng. Trung Quốc cũng trở thành một cường quốc về kinh tế trên thế giới trong thời gian đó và bây giờ họ có thể đem lại những nguy hại cho các trao đổi vệ tinh của chúng ta ở phương Tây và các nơi khác.

Chúng ta phải lo lắng về những mối đe dọa đó, vốn là những mối đe dọa có tính tổng thể hơn loại đe dọa chỉ làm chúng ta xao nhãng, những mối đe dọa không trực tiếp hướng vào chúng ta và chỉ có mang nặng kịch tính trên truyền hình.



Chiến tranh Lạnh “thế hệ mới”

- Trong cuốn sách, ông nói đến sự tiềm ẩn của một cuộc chiến tranh lạnh thứ hai trên thế giới. Chiến tranh lạnh lần này nếu xuất hiện, sẽ khác với cuộc Chiến tranh Lạnh trước kia ở điểm nào?

+ Theo tôi, Chiến tranh Lạnh này sẽ nguy hiểm hơn với chúng ta so với trước rất nhiều, vì trong Chiến tranh Lạnh trước kia, sự chia rẽ giữa các bên rất rõ. Chúng ta có những lựa chọn về tư tưởng rõ ràng và sự ảnh hưởng về kinh tế hoàn toàn tách rời nhau. Điều này bây giờ đã khác. Các đối thủ của chúng ta cũng có quan hệ phụ thuộc với chúng ta. Đức phụ thuộc Nga về đường ống dẫn khí, chúng ta phụ thuộc Trung Quốc về các khoản vay và đầu tư ... Cho nên bây giờ sẽ khó hơn cho chúng ta khi nói rằng họ là mối đe dọa của chúng ta và chúng ta phải đối mặt với nó vì mối đe dọa đã nằm ngay trong ‘phòng máy’ của chúng ta. Nó làm cho chúng ta khó mà nhìn nhận mối nguy hiểm. Đó là một phần mục đích của cuốn sách mà chúng tôi viết. Nga và Trung Quốc biết họ là ai và họ chống lại ai. Nhưng thực sự là Hoa Kỳ và phương Tây đã từ chối nhìn vào bức tranh tổng thể đó.

- Hoa Kỳ có chiến lược chuyển trọng tâm về châu Á-Thái Bình Dương để đối phó với một Trung Quốc đang lên, theo ông thì chiến lược này có hiệu quả hay không trong việc đối phó với mối đe dọa từ Trung Quốc như ông đề cập?

+ Chiến lược chuyển trục về châu Á, là một loại kế hoạch chiến lược dài hạn mà chúng ta cần phải làm. Nó đã mất một phần động lực vì những gì đang diễn ra tại Trung đông và ISIS. Đó là lý do vì sao chúng ta cần tập trung vào chiến lược dài hạn thay vì chỉ lo lắng cho những gì ngắn hạn và có tính kịch tính, tức thời mà cuối cùng cũng không thực sự nguy hiểm.

Điều mà chúng ta thấy là Trung Quốc đã bắt đầu thống trị khu vực về mặt kinh tế và bảo vệ quyền lợi của mình bằng quân sự. Họ làm những điều này không bằng những sự kiện có tính gây kích động trầm trọng như những gì chúng ta thấy của nhà nước Hồi giáo ISIS. Họ làm bằng những cách khiến chúng ta không thể phản ứng một cách dữ dội. Trung Quốc không làm theo cách để khiến phương Tây phải tập trung lực lượng để đối phó với họ. Không có gì quá lớn mà họ cứ làm dần từng thứ.

Trung Quốc sẽ không xâm chiếm Senkaku theo một cách rõ ràng. Họ làm dần dần, mở rộng tầm ảnh hưởng của mình để không ai có phản ứng dữ dội và cuối cùng, những đồng minh của chúng ta ở đó sẽ bị chìm vào trong những đe dọa, và ảnh hưởng của Trung Quốc đến một lúc họ không có đường lùi, cho đến lúc đó thì đã quá muộn.

- Trong cuốn sách, ông nói rằng NATO cần phải đề cao cảnh giác trước mối đe dọa từ trục Nga-Trung, nhưng NATO là ở châu Âu, còn ở châu Á thì sao, Hoa Kỳ có thể làm gì với các đồng minh của mình ở châu Á?

- Theo tôi, vai trò của Hoa Kỳ ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương chính là chất kết dính giữa các nước mà Trung Quốc đang đe dọa từng nước. Trung Quốc sẽ không thể đe dọa được các nước nếu các nước đi cùng với nhau. Vấn đề là các nước ở đó thường không có sự thông cảm với nhau. Họ không có mối lợi chung với nhau để khiến họ kết dính với nhau một cách hiệu quả. Điều mà Hoa Kỳ đã làm sau chiến tranh thế giới ở châu Âu, đã giúp các nước vốn là địch thủ của nhau trở nên gắn kết với nhau. Mối đe dọa thống nhất từ Liên Xô là điều mà Hoa Kỳ có thể áp dụng tương tự như ở châu Á để giúp các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, lãnh thổ Đài Loan, Philippines gắn kết với nhau đối đầu với một thế lực có thể gây chia rẽ trong họ và thống trị họ từng nước riêng rẽ.


TRUNG QUỐC
Tập Cận Bình củng cố phe cánh trong quân đội thông qua chiến dịch chống tham nhũng?

Đài RFI (đêm 22/9) - Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (Xi Jin Ping) sẽ bổ nhiệm hai tướng trẻ thân cận nhằm gia tăng cuộc chiến chống tham nhũng và đẩy mạnh cải cách quân đội. Theo báo Hong Kong South China Morning Post, trích nhiều nguồn thạo tin cho biết, đó có thể là tướng Lưu Nguyên (Liu Yuan), hiện là Chính ủy Tổng cục Hậu cần và tướng Trương Hựu Hiệp, lãnh đạo Tổng cục Vũ khí khí tài. Nhân hội nghị trung ương Đảng sẽ được tổ chức vào tháng tới, ít nhất, một trong hai người này sẽ được bổ nhiệm vào chức Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương, cơ quan lãnh đạo tối cao của quân đội.

Ba nguồn tin khác cho rằng tướng Lưu Nguyên có thể được bổ nhiệm làm lãnh đạo Ủy ban Kiểm tra Quân ủy. Như vậy, tướng Lưu và tướng Trương cùng với ông Tập Cận Bình, hiện giữ chức Chủ tịch Quân ủy, sẽ tạo thành một nhóm lãnh đạo nòng cốt trong Bộ Chỉ huy tối cao của quân đội Trung Quốc.

Quân ủy Trung Quốc hiện có hai phó Chủ tịch: tướng Phạm Trường Long (Fan Chang Long), sinh năm 1947 và tướng Hứa Kì Lượng (Xu Qi Liang), sinh năm 1950. Hai người này vừa được bổ nhiệm năm 2012.

Tướng Lưu Nguyên và tướng Trương Hựu Hiệp đều thuộc diện con ông cháu cha - Trung Quốc gọi là loại Hoàng tử đỏ - thân cận với Chủ tịch Tập Cận Bình. Ông Lưu Nguyên là con trai cố Chủ tịch Trung Quốc Lưu Thiếu Kỳ (Liu Shao Qi), người đã bị Mao Trạch Đông (Mao Ze Dong) thanh trừng. Tướng Lưu Nguyên được cho là người đứng đằng sau chỉ đạo vụ hạ bệ tướng Cốc Tuấn San (Gu Jun Shan), nguyên Tổng Cục phó Hậu cần, về tội tham nhũng.

Là con trai tướng lão thành Trương Tống Tốn, ông Trương Hựu Hiệp được đánh giá là người có nhiều kinh nghiệm trận mạc, từng tham gia chiến tranh biên giới Việt-Trung và các cuộc xung đột quân sự giữa hai nước, trong những năm 1970 và 1980.

Bên cạnh yếu tố “con ông cháu cha”, dường như lãnh đạo Trung Quốc còn chú ý tới hai tiêu chuẩn khác trong việc bổ nhiệm, củng cố phe cánh của mình: Đó là kinh nghiệm trận mạc và trẻ. Hai tướng sắp được bổ nhiệm đều sinh vào năm 1950 hoặc sau đó. Ngay trong Quân ủy Trung ương, sắp tới có nhiều khả năng những người sinh trước năm 1950, sẽ bị gạt ra bên ngoài. Một cựu sĩ quan quân đội nhận xét:

“Tướng Lưu là ứng viên hàng đầu, vì ông ta có vai trò trung tâm trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng trong quân đội. Tướng Trương cũng là ứng viên vì có nhiều kinh nghiệm trận mạc”.

Khi tiến hành cơ cấu, bổ nhiệm các tướng lĩnh trẻ, có kinh nghiệm chiến đấu, ông Tập Cận Bình còn muốn cải cách quân đội, hiện có quân số lớn nhất thế giới. Mặc dù ngân sách quốc phòng Trung Quốc liên tục tăng trên 10% trong nhiều năm qua, nhưng giới chuyên gia quân sự nước ngoài vẫn tỏ ra nghi ngờ về tính kỷ luật và khả năng tác chiến của quân đội nước này. Từ khi chấm dứt các xung đột quân sự với Việt Nam trong những năm 1980, quân đội Trung Quốc không phải đối mặt với một cuộc chiến nào và uy tín của quân đội bị sứt mẻ nghiêm trọng với các vụ tham nhũng, yếu kém trong luyện tập. Kể từ khi lên cầm quyền năm 2012, ông Tập Cận Bình nhấn mạnh đến việc duy trì một quân đội luôn luôn sẵn sàng chiến đấu. Một chuyên gia thuộc Đại học Luật và Khoa học Chính trị Thượng Hải, nói với South China Morning Post:

“Ở bên trong, Tập Cận Bình lên án mạnh mẽ những kẻ phản bội lại danh dự quân đội. Những kẻ này không chiến đấu vì đất nước và họ chỉ lợi dụng thành quả của các cuộc cách mạng. Đối với bên ngoài, Tập Cận Bình muốn có một quân đội đủ khả năng chiến đấu và chiến thắng”.

Đã đến lúc, Tập Cận Bình cần người của ông ta trong quân đội. Chuyên gia Bạc Trí Dược, thuộc Học viện Đông Nam Á, Singapore, nhận định:



“Cải tổ trên qui mô càng lớn, thì việc thay đổi bộ máy quân đội càng dễ dàng. Ông Tập Cận Bình có thể nói, nếu chúng ta chiến đấu chống một cuộc chiến thực sự trong tương lai, chúng ta cần những người trẻ nhất trung thành với đảng. Công việc này dễ dàng hơn là thay đổi từng người, mang tính cá nhân và dễ gây tranh luận”.
Các nhà đầu tư ngoại quốc bị vạ lây với cuộc chiến chống tham nhũng tại Trung Quốc?

Đài RFI (đêm 22/9) - Trang kinh tế báo Le Monde có bài viết: “Bắc Kinh tấn công vào tham nhũng và các công ty đa quốc gia”, nhân sự kiện tư pháp Trung Quốc, ngày 19/9, tuyên án công ty dược phẩm nổi tiếng của Anh GSK mức phạt kỷ lục 3 tỉ Nhân dân tệ (tương đương trên 400 triệu USD) vì đã móc ngoặc hối lộ các nhân viên y tế Trung Quốc nhằm giành thị phần bán sản phẩm của mình.

Theo Le Monde, đây là án phạt làm gương trong lúc mà chính quyền Bắc Kinh đang mở chiến dịch tấn công vào tham nhũng dưới mọi hình thức và mục tiêu, đặc biệt chú ý tới các công ty nước ngoài làm ăn tại Trung Quốc. Nhiều hãng xe hơi lớn cũng đang bị lao đao vì chính quyền áp dụng luật chống độc quyền thông qua năm 2008. Thực tế này đang khiến các nhà đầu nước ngoài ở Trung Quốc không khỏi hoang mang lo lắng.


“Giông tố” trên chính trường Hong Kong

Đài RFI (đêm 22/9) - Trên trang Tranh luận của Le Monde ngày 22/9, điểm lại một bài viết đăng trên tạp chí Phê bình (Critique), số ra trong tháng này có tựa đề “Hong Kong rời bến ra khơi”, đề cập đến những xáo động chính trị xã hội gần đây trên vùng đất có qui chế đặc khu hành chính của Trung Quốc.

Theo Le Monde, sau 17 năm trở về với Trung Quốc, Hong Kong - vùng đất thuộc địa cũ của Anh - đang kháng cự. Mặc dù chịu nhiều sức ép của Bắc Kinh, xã hội Hong Kong vẫn không được “bình thường hóa”.

Bài viết ngược lại thời gian, nhắc lại vào thời điểm năm 1997, khi Hong Kong trở về với Trung Quốc lục địa, nhiều người bi quan đã dự báo về sự sụp đổ của trung tâm tài chính lớn ở châu Á, về sự suy tàn của tiếng Quảng Đông, thứ ngôn ngữ của 7 triệu người dân Hong Kong và người ta cũng dự báo về hệ thống “một đất nước hai chế độ”, như thỏa thuận giữa Đặng Tiểu Bình (Deng Xiao Ping) và Margaret Thatcher (Thủ tướng Anh lúc bấy giờ) sẽ không thể duy trì được.

Thế nhưng những tiên liệu đó đã không xảy ra, Hong Kong với một xã hội dân sự sôi sục vẫn bảo tồn được bản sắc riêng của mình. Đây là điều đã được nhiều nhà báo, chuyên gia, học giả người Hong Kong, Trung Quốc đề cập đến qua nhiều bài viết ở các góc độ khác nhau về chính trị văn hóa xã hội ở vùng đất này. Tuy nhiên theo Le Monde, nếu như Trung Quốc Đại lục ưu ái, thậm chí hỗ trợ Hong Kong trong cuộc khủng hoảng tài chính 1997, thì chính Đại lục cũng đã bị ảnh hưởng bởi mảnh đất từng một thời bị coi là biểu tượng nhục nhã của triều đại Trung Hoa trong thế kỷ 19, dưới thời nhà Thanh.

Tự do ngôn luận, hoạt động tích cực của các tổ chức xã hội dân sự từ Hong Kong đang lan sang ảnh hưởng tới bầu không khí chính trị của tỉnh Quảng Đông nằm kế bên. Nhưng từ năm 2003, ý đồ đưa vào luật pháp Hong Kong tội “xâm hại an ninh quốc gia”, một tội danh vẫn được sử dụng ở Trung Hoa Đại lục để kết án những nhà ly khai với chế độ, thì bầu không khí ở Hong Kong bắt đầu trở nên căng thẳng. Sự huy động của phe dân chủ và đặc biệt sinh viên cũng như thái độ thù hằn với du khách đến từ Đại lục là những dấu hiệu căng thẳng dễ thấy nhất.

Gần đây, chính quyền Bắc Kinh vừa mới ấn định, theo cách thắt chặt hơn, những điều kiện chỉ định ứng cử viên lãnh đạo đặc khu cho bầu cử phổ thông đầu phiếu.

Bài báo trích dẫn nhà nghiên cứu Khổng Cáo Phong (Ho-fung Hung) thuộc đại học Johns Hopkins - Hoa Kỳ nhận định những diễn biến chính trị tại Hong Kong gần đây cho thấy đường lối của Bắc Kinh đang nôn nóng muốn đồng hóa Hong Kong và áp đặt cho vùng đất này cách thực thi quyền hành ở Đại lục, muốn nền dân chủ truyền thống của Hong Kong phải dựa trên ảo ảnh cải cách dân chủ của Trung Quốc. Trong khi đó, các phong trào tự quản địa phương đang thách thức Bắc Kinh đòi dân chủ cho Hong Kong nhưng vẫn hướng tới cuộc đấu tranh rộng lớn hơn cho việc dân chủ hóa ở Trung Quốc.

TTXVN (Hong Kong 22/9) - Ngày 22/9, hoạt động bãi khóa của sinh viên Hong Kong, do Hiệp hội Sinh viên Hong Kong (HKFS) tổ chức, đã diễn ra khá rầm rộ với lời kêu gọi các giới hành động phản ánh quyết tâm đấu tranh giành tổng tuyển cử thực sự. Tới khoảng 16 giờ cùng ngày, HKFS thông báo đã có hơn 13.000 sinh viên tham gia hoạt động trên, vượt dự đoán ban đầu và đại bộ phận đều hưởng ứng lời kêu gọi của nhà tổ chức mặc áo trắng, đeo ruy băng vàng. Nhiều giáo sư đại học đã lên diễn đàn phát biểu ủng hộ sinh viên bãi khóa, nhưng theo tờ Đông phương Nhật báo ngày 22/9, cũng có người như Chủ tịch Tập đoàn New World Trịnh Gia Thuần lại cho rằng sinh viên bãi khóa không phải là việc tốt. Bởi nó ảnh hưởng tới quy định và phá hoại trật tự của nhà trường, tác động tiêu cực tới cả nhà trường lẫn sinh viên.

Đáng chú ý hơn, theo HKFS, bãi khóa chỉ là cơn sóng đầu tiên của phong trào bất hợp tác. Thực tế cũng cho thấy, giông tố thực sự vẫn đang ở phía trước. Khi hoạt động bãi khóa kết thúc, Hong Kong lại chuẩn bị diễn ra hoạt động “Chiếm lĩnh Trung tâm” (khu vực được coi là “Phố Wall” của Hong Kong). Nhưng hoạt động “chiếm lĩnh trung tâm” cùng lắm cũng chỉ có thể diễn ra trong 2-3 ngày. Hành động cản trở việc thông qua các dự luật ở Hội đồng Lập pháp thì khác. Phái cấp tiến trong phe dân chủ muốn cản trở bất cứ khi nào và bao nhiêu lần cũng được, cho nên, đây có thể được coi là cuộc đấu tranh không có điểm dừng.

Dẫn nguồn thạo tin chính giới, tờ Đông phương Nhật báo tiết lộ, khi gặp Chủ tịch Hội đồng Lập pháp Hong Kong Tăng Ngọc Thành, một quan chức Trung ương giữ chức vụ rất cao đã hỏi về vấn đề cản trở (trình tự thông qua dự luật, chính sách) tại Hội đồng Lập pháp. Quan chức này đã tỏ rõ lo lắng về khả năng phe dân chủ (lực lượng đối lập ở Hong Kong, còn gọi là “phe dân chủ mở rộng” hay “phe phản đối”) làm tê liệt Hội đồng Lập pháp để làm tê liệt chính quyền Đặc khu, sau đó, thông qua việc làm tê liệt chính quyền Đặc khu để thực hiện “lật đổ Trưởng Đặc khu Lương Chấn Anh”. Từ đó, có thể thấy hành động cản trở của phe dân chủ tại Hội đồng Lập pháp là khó thay đổi, không chỉ đơn thuần phản ánh cuộc đấu tranh giữa hệ thống hành chính và hệ thống lập pháp ở Hong Kong, mà là cuộc quyết đấu trong vấn đề cải cách chính trị, giao chiến giữa phe dân chủ và Chính quyền Trung ương tại Bắc Kinh.

Người xưa thường nói “luyện binh nghìn ngày chỉ dùng trong một sáng”. Có thể phá được trận tuyến cản trở của phe dân chủ hay không cần phải nhìn vào khả năng của Chủ tịch Hội đồng Lập pháp Hong Kong Tăng Ngọc Thành. Cần phải biết rằng ngày 8/10 tới, Hội đồng Lập pháp Hong Kong sẽ nhóm họp trở lại, nếu phe dân chủ lập tức khai chiến, rất có thể xã hội Hong Kong sẽ lại không yên. Mấy tháng trước, trò hề cản trở ở Hội đồng Lập pháp liên tục rơi vào tình trạng mất kiểm soát. Nhưng khi phái ôn hòa trong phe dân chủ muốn vạch rõ giới tuyến với phái cấp tiến trong phe dân chủ, hy vọng ra đời cơ chế ngăn chặn cản trở đã nhen nhóm.

Tuy nhiên, cùng với những căng thẳng trong vấn đề cải cách chính trị, hy vọng nêu trên rốt cuộc tắt lịm. Hiện nay, có thể nói “cờ” chỉ còn nằm trong tay Tăng Ngọc Thành. Mới đây, Tòa án Chung thẩm ở Hong Kong đã bác bỏ vụ kiện của nghị sĩ Lương Quốc Hùng về việc bị Tăng Ngọc Thành ngắt lời, không cho phát biểu tiếp. Việc này có thể trở thành cơ sở pháp lý để Tăng Ngọc Thành quyết đoán, ngăn chặn trò phát biểu dài dòng tại Hội đồng Lập pháp (thực chất là kéo dài thời gian không cho biểu quyết về dự luật liên quan). Thời cơ quả thực đến rất đúng lúc.

Người Hong Kong rất thiết thực, tuyệt đại đa số không muốn “so găng” với Trung ương. Phe dân chủ không dám đối đầu trực tiếp với Trung ương, chỉ có thể sử dụng phương thức cản trở tại Hội đồng Lập pháp để tấn công chính quyền Đặc khu, “bắt cóc” quyền chủ đạo về hành chính nhằm đổi lấy “tiền chuộc chính trị”. Nhưng trong việc xử lý vấn đề cản trở ở Hội đồng Lập pháp, Tăng Ngọc Thành bị nhìn nhận là “quá mềm yếu”. Hồi tháng 6 vừa qua, Tăng Ngọc Thành lên tiếng ca ngợi các nghị sĩ gây cản trở, cho rằng họ hành động “chuyên nghiệp, nghiêm túc”, và còn cười mà hỏi mọi người rằng “có cảm tình với các nghị sĩ gây cản trở không”. Những lời nói này của Tăng Ngọc Thành càng gây ra nhiều phản ứng từ phe thân Bắc Kinh, xem ra từ nay về sau, sẽ không còn xuất hiện nữa. Rốt cuộc, theo báo trên, trong cuộc đấu cải cách chính trị lần này ở Hong Kong, việc bao vây tiêu diệt hành động cản trở tại Hội đồng Lập pháp trở thành một chiến dịch lớn, và không ai có thể rời bỏ đội ngũ của mình được.



TTXVN (Hong Kong 22/9) - Nhằm phản đối quyết định vào cuối tháng 8/2014 của Ủy ban Thường vụ Nhân đại Toàn quốc (Thường vụ Quốc hội) Trung Quốc, đặt ra “ba rào chắn” đối với cuộc tổng tuyển cử bầu Trưởng Đặc khu Hong Kong vào năm 2017, từ hôm nay (22/9), hàng loạt trường đại học, cao đẳng ở Hong Kong bắt đầu tiến hành bãi khóa kéo dài 5 ngày. Trong một bản tin phát đi vào trưa 22/9, đài truyền hình Now News của Hong Kong dẫn nguồn tin từ đơn vị tổ chức - HKFS - cho biết vào chiều cùng ngày, các sinh viên tham gia bãi khóa sẽ tụ tập tại Quảng trường Văn hóa thuộc Đại học Trung văn Hong Kong. Như vậy, nơi đặt biểu tượng của Đại học Trung văn Hong Kong, một lần nữa, trở thành đại bản doanh hành động của HKFS. Nếu chính quyền đối xử lạnh nhạt trước yêu cầu của sinh viên, HKFS nhấn mạnh họ không loại trừ khả năng bãi khóa vô thời hạn.

Theo tờ Minh báo của Hong Kong ngày 22/9, hoạt động bãi khóa lần này có 24 trường đại học, cao đẳng ở Hong Kong với hơn 8.000 sinh viên tham gia, phá vỡ kỷ lục bãi khóa phản đối giáo dục tẩy não vào năm 2012. Báo điện tử Đa chiều cho biết thêm ngay từ ngày 21/9, hai bên ở nơi đặt biểu tượng của Đại học Trung văn Hong Kong đã sáng đèn và treo biểu ngữ cỡ lớn với dòng chữ “bãi khóa đấu tranh”. Đại diện sinh viên cũng chuẩn bị đặc san bãi khóa, bố trí xe buýt để đón sinh viên các trường tới tham gia hoạt động tập hợp bãi khóa ở Đại học Trung văn Hong Kong.

Đại diện Ủy ban Bãi khóa Đại học Công nghệ Hong Kong cho hay sau khi tổ chức đại hội tuyên thệ vào sáng 22/9 trong khuôn viên trường, các sinh viên tham gia bãi khóa sẽ diễu hành một vòng quanh trường, kêu gọi thêm sự ủng hộ của sinh viên. Dự kiến, Đại học Công nghệ Hong Kong sẽ có hơn 100 sinh viên tham gia bãi khóa. Hội Sinh viên Đại học Baptist Hong Kong nói rằng hàng chục sinh viên đã được phân công rải truyền đơn trong khuôn viên trường để tuyên truyền cho hoạt động bãi khóa. Dự kiến, Đại học Công nghệ Baptist Hong Kong sẽ có hơn 500 sinh viên tham gia bãi khóa.

Trong khi đó, nhằm hưởng ứng phong trào bãi khóa, sinh viên trường y thuộc Đại học Trung văn Hong Kong đã thành lập Tổ Quan tâm tới vấn đề cải cách chính trị. Trợ giảng Hoàng Vĩ Giai của trường này cho biết ngày 22/9 phải đi làm, nhưng ông đã xin nghỉ để tham gia hoạt động bãi khóa của sinh viên. Theo Hoàng Vĩ Giai, tác dụng của phong trào bãi khóa chưa chắc đã phát huy tác dụng lớn trong vấn đề cải cách chính trị, nhưng ông nhất định phải nói lên tiếng nói của mình để ủng hộ sinh viên. Các sinh viên tham gia bãi khóa cũng không cần phải lo lắng về sự vắng mặt của mình ở trên lớp. Hội Giáo viên trường y thuộc Đại học Trung văn Hong Kong sẽ có nhiều biện pháp hỗ trợ sinh viên như ghi âm bài giảng, tiến hành dạy bù cho sinh viên… sau khi hoạt động bãi khóa kết thúc.

Trước đó, tờ Đông phương Nhật báo cho biết có gần 400 học giả các trường đại học, cao đẳng ở Hong Kong viết thư chung, biểu thị sự ủng hộ đối với các sinh viên tham gia hoạt động bãi khóa. Họ kêu gọi các giảng viên cần xử lý một cách khoan dung đối với các sinh viên vắng mặt trên lớp để tham gia phong trào xã hội, tránh tổ chức trắc nghiệm hoặc thi cử quan trọng trong thời gian bãi khóa và hỗ trợ sinh viên tham gia bãi khóa trả bài. Theo học giả Thái Tử Cường, một trong những người phát động việc viết thư chung nêu trên, những ngày gần đây, các sinh viên dự định tham gia bãi khóa gặp phải không ít áp lực. Cho nên, ông hy vọng bức thư chung của các học giả sẽ khiến sinh viên không cảm thấy đơn độc. Thái Tử Cường chỉ rõ ý nghĩa của hoạt động bãi khóa lần này cũng giống với việc sinh viên Trung Quốc tham gia phong trào Ngũ Tứ năm xưa, không chấp nhận chính sách của chính quyền.

Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, ngày 21/9, gần 100 người đã tham gia một hoạt động do “Phong trào Bảo vệ Hong Kong” và một số đoàn thể xã hội khác như “Năng động Thực sự” tổ chức tại quảng trường phía Đông, ngoài trụ sở chính quyền Đặc khu. Phát biểu tại hoạt động tụ họp này, Lưu Nãi Cường, thành viên Ủy ban Luật Cơ bản cho rằng các thế lực nước ngoài cố tình can dự vào việc thảo luận vấn đề cải cách chính trị của Hong Kong, khiến an ninh quốc gia của Trung Quốc bị đe dọa. Theo Lưu Nãi Cường, Scholarism (một tổ chức thanh niên cấp tiến ở Hong Kong) đã chịu ảnh hưởng của thế lực nước ngoài phát động bãi khóa. Về phần mình, bà Lương Mỹ Phần, thành viên Hội đồng Lập pháp Hong Kong, nhận định những kẻ khởi xướng phong trào “Chiếm lĩnh Trung tâm” và phe dân chủ không hiểu Trung ương. Họ phát động phong trào “Chiếm lĩnh Trung tâm” và chủ trương “công dân bỏ phiếu tổng tuyển cử” đã gây hại cho những người ủng hộ họ.


Каталог: images -> detail
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna) Trụ sở : 5 Lý Thường Kiệt Hà Nội, Việt Nam
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna) Trụ sở : 5 Lý Thường Kiệt Hà Nội, Việt Nam
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna)
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna) Trụ sở : 79 Lý Thường Kiệt Hà Nội, Việt Nam
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna) Trụ sở : 79 Lý Thường Kiệt Hà Nội, Việt Nam
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna)
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna) Trụ sở : 5 Lý Thường Kiệt Hà Nội, Việt Nam
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna)
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna) Trụ sở : 5 Lý Thường Kiệt Hà Nội, Việt Nam
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna) Trụ sở : 79 Lý Thường Kiệt Hà Nội, Việt Nam

tải về 219.25 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương