THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna) Trụ sở : 5 Lý Thường Kiệt Hà Nội, Việt Nam



tải về 97.8 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu02.09.2016
Kích97.8 Kb.
#31142

THÔNG TẤN XÃ VIỆT NAM

Vietnam News Agency (VNA)

Trụ sở : 5 Lý Thường Kiệt - Hà Nội, Việt Nam


Tel: (84-4) 38255443; Fax (84-4) 38252984; E-mail : btk@vnanet.vn; http://news.vnanet.vn




Số 171/ TKNB-QT-TN Thứ Tư, ngày 10/9/2014

TIN THAM KHẢO NỘI BỘ

(Phần Quốc tế)
I. PHẦN TIN LIÊN QUAN VIỆT NAM
Việt Nam có thể không đạt chỉ tiêu tăng trưởng

Đài BBC (đêm 9/9) - Việt Nam có thể sẽ không đạt chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế cho cả năm 2014, theo báo cáo mới nhất của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia.

Báo cáo tình hình kinh tế trong 8 tháng đầu năm được truyền thông trong nước dẫn lại cho thấy tổng cầu thấp đang gây khó khăn cho chỉ tiêu tăng trưởng 5,8% trong năm nay.

Cơ quan này cũng cảnh báo tăng trưởng kinh tế trong cả năm 2014 sẽ chỉ đạt 5,6% cho đến 5,7% nếu không có các biện pháp hỗ trợ tổng cầu hiệu quả.

Báo cáo cho biết nguyên nhân khiến tổng cầu của nền kinh tế, nhất là cầu đầu tư, còn thấp là do doanh nghiệp đang đối phó với chi phí sản xuất cao.

Bên cạnh đó, tăng trưởng tín dụng trong 7 tháng đầu năm chỉ đạt 3,7%, thấp hơn mức tăng cùng kỳ năm 2013 là 4,7%.

Số liệu mới nhất từ Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia được công bố, chỉ vài tuần sau khi báo cáo của Tổng cục Thống kê hồi cuối tháng 8 cho biết 44.500 doanh nghiệp Việt Nam đã phá sản, giải thể từ đầu năm nay, tăng 12,9% so với cùng kỳ năm ngoái.

Chỉ riêng trong tháng 8, khoảng 6.700 doanh nghiệp đã phải đóng cửa, tăng 35% so với tháng trước đó.

Lo ngại ‘có căn cứ’

Trả lời BBC ngày 9/9, kinh tế gia Lê Đăng Doanh từ Hà Nội cho rằng nhận xét của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia là “thận trọng và đáng chú ý”.

“Từ đầu năm cho đến nay, các tổ chức quốc tế như WB và IMF đều hạ thấp dự đoán tăng trưởng của Việt Nam”, ông nói.

Ông Doanh cho biết, việc đạt được chỉ tiêu tăng trưởng cho năm nay “phụ thuộc vào quyết tâm thực hiện các cải cách của chính phủ”.

“Mức tăng trưởng hiện nay là dưới mức tiềm năng của nền kinh tế và khu vực kinh tế tư nhân chưa phát huy được sự năng động và tiềm năng của họ. Nếu cải thiện được tình hình thì Việt Nam vẫn có khả năng đạt được chỉ tiêu đề ra”, ông nói.

“Nhưng nếu vẫn cứ làm với tiến độ và hiệu quả như 8 tháng đầu năm thì tôi cho rằng báo cáo của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia là có căn cứ”.



‘Thừa vốn nhưng không cho vay’

Về sự tăng trưởng yếu ớt của tín dụng trong 7 tháng đầu năm, Tiến sỹ Doanh cho rằng nguyên nhân là do nợ xấu vẫn chưa có giải pháp hữu hiệu.

“Nhiều ngân hàng thương mại hiện nay đã giảm lãi suất huy động xuống dưới mức ngân hàng nhà nước ấn định, chứng tỏ các ngân hàng thương mại đó thừa vốn, không muốn huy động vốn nữa”, ông cho biết.

“Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp lại có nhu cầu vốn thực sự, họ ký được hợp đồng, có khả năng xuất khẩu, nhưng lại dính vào các khoản nợ chưa thanh toán được.

Tôi nghĩ cần có cơ chế bảo lãnh, thực hiện thể chấp một cách hiệu quả thì có thể khai thông được nguồn vốn tín dụng tăng trưởng mạnh mẽ hơn.

Cho đến tháng 8, tín dụng tăng trưởng có 4% trong khi mục tiêu cả năm lên đến 12%.

Việc đạt được chỉ tiêu tín dụng cho năm nay sẽ là điều rất khó khăn. Nếu tăng tín dụng bằng mọi giá, coi trọng số lượng, coi nhẹ chất lượng thì sẽ làm tăng thêm nợ xấu. Đó là điều không nên làm”, Tiến sĩ Doanh nói.
II. PHẦN BÌNH LUẬN VÀ NHẬN ĐỊNH VỀ VIỆT NAM
Việt Nam tìm kiếm phần của mình trong nền kinh tế toàn cầu

Đài VOA (đêm 9/9) - Mua một chai nước hay một thỏi son ở Việt Nam là có phần chắc sản phẩm này được đóng gói bởi Duy Tân, một công ty cung cấp nhựa dẻo cho các doanh nghiệp. Ông Đinh Đại Kỳ, đại diện doanh nghiệp thuộc bộ phận xuất khẩu của công ty Duy Tân, cho biết công ty của ông sản xuất nhiều nhựa dẻo tới mức hết cả khách hàng để bán.

Ông Kỳ nói: “Thị trường Việt Nam đã bão hòa, không còn đất dụng võ cho công ty chúng tôi nữa. Vì thế chúng tôi phải bành trướng”.

Công tuy Duy Tân đang để mắt tới các thị trường mới - từ Myanmar cho tới Thụy Điển, cũng như đang chuẩn bị nới rộng phạm vi hoạt động sang tới Hoa Kỳ. Ông Kỳ nhận định: “Mỹ có luật lệ, và an toàn cho nên làm ăn tại Hoa Kỳ rất tốt”.

Chính phủ ở Hà Nội đang nuôi hy vọng sẽ có nhiều doanh nghiệp hơn chia sẻ tham vọng của ông Kỳ bởi vì những tham vọng này phù hợp với tham vọng của Việt Nam. Nước này đang cố gắng tìm cách tăng thị phần của mình trong nền thương mại toàn cầu, mặc dù không thuần túy vì những lý do kinh tế.

“Hội nhập” đã trở thành cụm từ thông dụng trong thành phần các giới chức, vốn muốn thấy Việt Nam biến đổi thành một tay chơi được tôn trọng trong cộng đồng thế giới. Ngoài phát triển thương mại, Việt Nam đã gắng sức để hợp tác với càng nhiều quốc gia càng tốt trên các lĩnh vực an ninh, ngoại giao và nhân đạo.

Chiến tranh, quá khứ và hiện tại

Một điều lý thú là, động lực đứng sau chiến dịch đó là xung đột quân sự, cả trong quá khứ và có thể là trong tương lai.

Mặc dù 4 thập niên đã trôi qua từ sau chiến tranh Việt Nam, đất nước cộng sản này tiếp tục được coi là một bãi chiến trường của thời kỳ Chiến tranh Lạnh cũ, dưới con mắt của quốc tế. Việt Nam muốn thay đổi hình ảnh đó, và nhằm đạt mục tiêu đó, hội nhập đã trở thành thiết yếu.

Ông Dennis McCornac, một nhà kinh tế thuộc Đại học Loyola Maryland, nói: “Việt Nam muốn nói với thế giới rằng “Chúng tôi đã trưởng thành. Hãy nhìn chúng tôi, Việt Nam không còn là một cuộc chiến tranh, chúng tôi là một đất nước”. Ông McCornac đã làm cố vấn cho các quan chức Việt Nam về việc quá độ từ một nền kinh tế định hướng xã hội chủ nghĩa qua một nền kinh tế dựa trên thị trường tự do.

Người Việt Nam không những đã chán ngán với chiến tranh, mà còn cảm thấy lo ngại rằng chiến tranh lại có thể bùng ra ở Biển Đông. Bang giao với Trung Quốc đã xuống tới mức thấp nhất vào mùa Xuân năm nay, khi nước đàn anh Cộng sản đưa giàn khoan dầu vào vùng biển mà cả hai nước đều tuyên bố thuộc chủ quyền của mình.

Sự cố đó đã đẩy Việt Nam ra trước trường quốc tế, khi Việt Nam đệ trình kiến nghị lên LHQ để tìm cách giải quyết cuộc tranh chấp theo đường lối đa phương. Ông McCornac lập luận rằng hành động khiêu khích đó đã giúp đẩy nhanh tiến trình đã có sẵn theo đó Việt Nam giang cánh tay để làm bạn với nước ngoài.

Ông McCornac nói tình huống đó đã đẩy tiến trình ấy đi nhanh hơn một chút. Theo ông, “Việt Nam đã quyết định không bỏ hết tất cả các quả trứng của mình vào trong một chiếc giỏ duy nhất”.

Tăng cường thương mại

Rất nhiều người Việt Nam lo lắng rằng hiện Hà Nội đã bỏ ‘quá nhiều quả trứng vào trong chiếc giỏ Trung Quốc’. Mức thâm hụt mậu dịch của Việt Nam với Trung Quốc lên tới 17,8 tỉ hồi tháng 8, theo các số liệu của Cục Thống kê Việt Nam. Nếu các vụ xung đột bùng nổ ngoài biển, thì hầu như chắc chắn các cuộc xung đột này sẽ tác động đến các thị trường chứng khoán và tới túi tiền của nhiều người.

Đó là lý do tại sao Chính phủ Việt Nam khuyến khích các doanh nhân như ông Kỳ hãy phóng tầm nhìn ra xa hơn. Ông Kỳ nói ông sẽ được hưởng lợi nếu Hiệp định Hợp tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), được ký kết. TPP là một thỏa thuận thương mại có sự tham gia của 12 quốc gia kể cả Hoa Kỳ. Các nhà thương thuyết đang có mặt ở Hà Nội để tham gia đợt đàm phán mới nhất, chỉ vài ngày sau khi Chủ tịch Ủy hội châu Âu Jose Manuel Barroso đến thăm Việt Nam để tán thành một thỏa thuận mậu dịch tự do với Liên minh châu Âu (EU).

Phát biểu tại một buổi hội thảo dành cho các công ty xuất khẩu hôm 21/8, ông Trần Tuấn Anh, Thứ trưởng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam, nói với các công ty xuất khẩu rằng “Về mặt hội nhập, Việt Nam chưa bao giờ cởi mở tới mức này. Sự kiện Việt Nam chủ động tổ chức hội nhập vào các thị trường như thế này không những là điều cần thiết, mà là điều thiết yếu”.

Mùa Hè năm nay, Việt Nam cổ vũ việc siết chặt các quan hệ với các nước khác nhau như Ấn Độ, Nhật Bản, Scotland và Sri Lanka. Một diễn đàn đặc biệt quan trọng cho sự vươn ra thế giới của Việt Nam là ASEAN. Tổ chức khu vực này đang hoạch định một cộng đồng kinh tế theo kiểu EU, không có thuế quan, được phát động trong năm 2015. Ông Lê Lương Minh, một nhà ngoại giao Việt Nam, hiện là Tổng thư ký của hiệp hội này.

Một tay chơi toàn cầu

Bằng cách củng cố các quan hệ với nhiều bên khác nhau, Việt Nam không những dựng lên một rào cản chống Trung Quốc, mà còn định ra một cương lĩnh để tự khẳng định. Sau nhiều thập niên đối phó với hậu quả chiến tranh và tàn phá kinh tế, Việt Nam giờ đây đang tìm cách chứng tỏ rằng họ không còn là một nạn nhân phải lệ thuộc vào viện trợ phát triển nữa. Việt Nam muốn trở thành một thành viên đóng góp của một câu lạc bộ các nước văn minh. Ngoài việc chứng tỏ khả năng lãnh đạo trong ASEAN, Việt Nam còn đẩy mạnh sự tham gia vào nỗ lực gìn giữ hòa bình toàn cầu, kể cả ở Nam Sudan.

Đại tướng Martin Dempsey, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hoa Kỳ, nói đề tài này đã được nêu lên khi ông gặp gỡ các giới chức Việt Nam ở Hà nội.

Nói chuyện trước một cử tọa gồm các nhà báo địa phương cũng như quốc tế hôm 16/8 vừa qua tại Thành phố Hồ Chí Minh, Tướng Dempsey nói:

“Chính phủ Việt Nam đã quyết định khởi sự thăm dò các đường lối khác nhau để tham gia các hoạt động giữ gìn hòa bình, và chúng tôi thảo luận với họ về những cách thức mà chúng tôi có thể giúp họ làm điều đó”.

Tướng Dempsey nói ông nghĩ đây là một thời điểm quan trọng trong việc phát triển của quân đội Việt Nam bởi vì các hoạt động này bắt đầu cho họ thấy một quan điểm toàn cầu mà ông tin sẽ rất hữu ích cho việc phát triển của Việt Nam.

Đối với Việt Nam, quốc gia đông dân thứ 14 trên thế giới, việc quan tâm tới hợp tác toàn cầu cũng cũng đã mở rộng sang lĩnh vực hỗ trợ thiên tai và nhân đạo, biến đổi khí hậu và chống khủng bố. Ông Lewis Stern, cựu Giám đốc đặc trách Đông Nam Á của Bộ Quốc phòng Mỹ, tin rằng đây là một phần nằm trong một “lộ đồ” có chủ ý để cải thiện việc hội nhập trước năm 2020. Trong một bài viết hôm 18/3 cho Trung tâm Đông-Tây của Mỹ, ông Stern viết rằng chiến lược của Việt Nam bao gồm việc tham khảo ý kiến của các nhà phân tích phương Tây, thực hiện các cuộc đối thoại trực tiếp và nghiêm túc với người nước ngoài, và đưa ra nước ngoài để đào tạo các giới chức quân sự và chuyên gia về chính sách đối ngoại trẻ, có nhiều hứa hẹn.

Như ông Stern viết, “các giới chức trẻ, được rèn luyện tốt này tiêu biểu cho một thành phần nhân sự cấp trung mới xuất hiện chuyên về chính sách đối ngoại và an ninh quốc phòng, có khả năng chiến lược và khả năng phân tích nhạy bén”.


III. PHẦN QUỐC TẾ
ĐÔNG NAM Á
Liệu Thái Lan có khôi phục lại được vị thế của mình trong thu hút FDI ở khu vực?

TTXVN (London 10/9) - Theo bình luận của Bộ phận dự báo, phân tích và tư vấn rủi ro (EIU) thuộc Tập đoàn Nhà Kinh tế (Anh), Thái Lan là một trong những nước thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) hàng đầu ở Đông Nam Á trong nhiều thập kỷ qua, chiếm khoảng 10% lượng vốn FDI trong khu vực. Tuy nhiên, tình hình chính trị bất ổn kéo dài từ cuối năm 2013 đã gây thiệt hại đáng kể cho môi trường đầu tư nước này. Mới đây chính phủ quân sự Thái Lan đã thông qua một chiến lược mới cho giai đoạn 2015-2021 nhằm khôi phục lại vị thế của nước này trong hoạt động thu hút FDI.

Đối với các nhà đầu tư nước ngoài, Thái Lan từ lâu đã trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn nhờ nguồn cung cấp năng lượng ổn định và chính sách kinh tế tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp. Thái Lan cũng có lực lượng lao động được đào tạo tốt hơn so với các nước láng giềng như Myanmar, Lào và Campuchia, trong khi quy mô nền kinh tế Thái Lan lớn gấp 5 lần so với ba nền kinh tế này cộng lại. Ngân hàng Thế giới (WB) xếp Thái Lan ở vị trí thứ 18 trong tổng số 189 nước xét về môi trường kinh doanh thuận lợi, trên cả các nước công nghiệp phát triển như Đức và Nhật Bản.

Nguồn vốn FDI mới chỉ đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế Thái Lan trong thời gian gần đây. Theo Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD), trước cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1996-1997, Thái Lan chỉ thu hút được nguồn vốn FDI tương đương với 11% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này. Tuy nhiên, đến cuối năm 2013, con số này đã tăng lên 48%. Trong khi đó, dòng vốn đầu tư ra nước ngoài của Thái Lan cũng tăng mạnh, từ mức tương đương 1% GDP năm 1995 lên 15% vào năm 2013 khi mà các doanh Thái Lan vươn dài "cánh tay" ra Đông Nam Á trong bối cảnh hội nhập kinh tế khu vực ngày càng sâu rộng.

Tình hình chính trị trong nước hiếm khi ảnh hưởng lớn tới triển vọng thu hút FDI của Thái Lan. Một số nhà đầu tư thông báo hoạt động sản xuất, kinh doanh đã ổn định trở lại chỉ vài tháng sau khi các cuộc bạo động xảy ra. Chính phủ quân sự đã cam kết tổ chức tổng tuyển cử vào cuối năm 2015 mặc dù thời gian đất nước này nằm dưới sự kiểm soát của quân đội có thể kéo dài hơn. Tuy nhiên, sự tụt lùi của nền dân chủ có thể ảnh hưởng tiêu cực nhiều hơn đến hoạt động đầu tư so với trước đây vì Thái Lan hiện nay phụ thuộc nhiều hơn vào nguồn vốn FDI so với đầu thập kỷ 1990.



EIU cho rằng nhu cầu ở trong nước sẽ phải phục hồi trước khi dòng vốn FDI tăng trở lại. Chi tiêu tiêu dùng đã tăng đáng kể từ hồi tháng 5, song vốn đầu tư vẫn chưa theo kịp với xu thế này. Theo Ủy ban Kinh tế và Phá triển xã hội Quốc gia Thái Lan, lượng vốn FDI thấp là nguyên nhân chính khiến GDP nước này giảm mạnh trong 6 tháng cuối năm 2013 cũng như nửa đầu năm 2014. Các số liệu của Ủy ban Đầu tư (BOI) cho thấy nguồn vốn FDI được phê duyệt trong 6 tháng đầu năm nay giảm tới 17,7% so với cùng kỳ năm ngoái xuống còn 227 tỷ bath (khoảng 7,1 tỷ USD). Vốn FDI từ Nhật Bản - nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Thái Lan - cũng giảm 25% xuống còn 101 tỷ bath (3,1 tỷ USD).

Chính phủ quân sự Thái Lan cũng đã nhận thức rất rõ về nguy cơ trì trệ kinh tế của nước này. Nhiều người cho rằng sự tồn tại của chính phủ phụ thuộc vào quá trình phục hồi của nền kinh tế và các nhà lãnh Thái Lan đang nỗ lực thuyết phục các nhà đầu tư rằng họ sẽ mang lại sự ổn định chính trị và tiếp tục thực hiện các chính sách trước đây. Kể từ sau khi cuộc đảo chính xảy ra, BOI cũng đã phê duyệt nhiều dự án đầu tư trị giá hàng tỷ USD, nhưng rất ít dự án trong số này được khởi động và chắc chắn cần phải có thêm thời gian trước khi những dự án này mang lại tác động đối với nền kinh tế.

Giữa tháng 8 vừa qua, Chính phủ Thái Lan đã công bố một chiến lược đầu tư mới cho giai đoạn 2015-2021 nhằm thu hút thêm các dự án chế tạo có giá trị gia tăng cao cũng như các dự án đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao và sinh thái. Chính phủ Thái Lan cũng đang nỗ lực nhằm tăng ngân sách cho hoạt động nghiên cứu và phát triển, hiện chỉ chiếm khoảng 0,4% GDP (mức trung bình trên thế giới là 2%). BOI cho biết nước này sẽ tiếp tục ưu tiên thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, chế biến và phân phối hàng nông sản, khai khoáng, công nghiệp nhẹ, chế tạo máy và thiết bị vận tải, thiết bị điện và điện tử, hóa chất, sản xuất nhựa và giấy, dịch vụ và cơ sở hạ tầng.

Trong báo cáo đánh giá về môi trường đầu tư của các nước trên toàn cầu, WB đánh giá cao các nỗ lực của Thái Lan trong việc cung cấp điện và bảo vệ các nhà đầu tư, xử lý các giấy phép xây dựng và thực hiện các hợp đồng. Các chính sách của chính phủ quân sự có thể tiếp tục duy trì những ưu thế này để hỗ trợ các nhà đầu tư. Tuy nhiên, kết quả sẽ phụ thuộc rất nhiều vào quá trình cải cách, các ưu đãi đầu tư cũng như sự phục hồi của nhu cầu trong nước và nỗ lực của chính phủ trong việc đưa nền kinh tế quay trở lại với quỹ đạo tăng trưởng.


TRUNG QUỐC
Nguyên Chủ tịch Chính hiệp thành phố Hohhot, Nội Mông tự sát

TTXVN (Bắc Kinh 9/9) - Tân Hoa xã ngày 9/9 đưa tin: Tối ngày 8/9, nguyên Chủ tịch Chính hiệp thành phố Hohhot, khu tự trị Nội Mông (Trung Quốc), Trương Bành Tuệ bị phát hiện tự sát bằng hình thức cắt cổ tay đúng vào đêm Trung thu tại văn phòng làm việc thuộc toà nhà UBND thành phố Hohhot.

Ông Trương Bành Tuệ, sinh tháng 8/1954, từng làm Bí thư Huyện ủy Lâm Tây; Trưởng ban Tổ chức thành phố Xích Phong; Ủy viên Thường vụ, Trưởng ban Tổ chức thành phố Hohhot; Phó Bí thư Thành ủy Hohhot; làm Chủ tịch Chính hiệp thành phố Hohhot từ năm 2008-2013.



Xung quanh tin đồn cựu Tổng Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Giang Trạch Dân từ trần

TTXVN (Hong Kong 10/9) - Tờ Bình quả của Hong Kong ngày 10/9 cho biết gần đây trong giới truyền thông bên ngoài Trung Quốc nhiều lần lan truyền đồn đoán cựu Tổng Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Giang Trạch Dân từ trần. Tuy nhiên, đồn đoán này tới nay vẫn không được cơ quan chức năng Trung Quốc Đại lục chứng thực. Trong cuộc họp báo thường kỳ vào ngày 9/9, khi phóng viên hỏi rằng thông tin ông Giang Trạch Dân từ trần có chính xác không, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói rằng “lần đầu tiên nghe thấy đồn đoán liên quan, không thể chứng thực”.

Theo báo trên, đây là lần đầu tiên hiếm hoi mà quan chức Trung Quốc phản ứng đối với tin đồn về việc ông Giang Trạch Dân từ trần, hơn nữa lại không phản bác lại tin đồn liên quan. Vì vậy, Vương Đan, lãnh đạo phong trào sinh viên trong sự kiện Thiên An Môn năm 1989, hiện đang sống ở Đài Loan (Trung Quốc), đã bày tỏ sự hoài nghi về cách trả lời của Bộ Ngoại giao Trung Quốc. Vương Đan viết trên facebook của mình rằng: “sống thì nói là sống, chết thì nói là chết. Người phát ngôn của chính quyền Trung Quốc lẽ nào lại không biết ông Giang Trạch Dân sống hay chết? Cách trả lời như vậy thực sự quá kỳ lạ!”.

Tờ báo cho biết thêm những đồn đoán đầu tiên về việc ông Giang Trạch Dân từ trần xuất hiện vào cuối tuần trước. Khi đó, các blog trên truyền thông xã hội ở Trung Quốc và trên trang tin của Wechat đều không ngừng xuất hiện đồn đoán nói rằng “ông Giang Trạch Dân đã qua đời vì ung thư bàng quang”, đồng thời cho biết thông tin liên quan được truyền đi từ Tổng Y viện 301 của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) nằm ở Bắc Kinh. Đây là đơn vị chăm sóc sức khỏe cho các cán bộ lãnh đạo cấp cao của đảng, nhà nước và quân đội Trung Quốc.

Sau đó, trên các trang truyền thông xã hội ở bên ngoài Trung Quốc, gồm facebook đã dẫn nguồn của tờ Tín báo (Hong Kong) nói rằng “ông Giang Trạch Dân đã từ trần”. Nhưng ngay sau đó tờ Tín báo ra tuyên bố phủ nhận việc mình đã đăng tải thông tin liên quan. Trong số ra ngày 30/8, tờ Tin tức Tokyo của Nhật Bản đưa tin nói rằng gần đây, ông Giang Trạch Dân đã nhiễm bệnh nặng tại nơi cư trú ở Thượng Hải, được đưa tới bệnh viện của thành phố. Tình hình bệnh ung thư bàng quang mà ông Giang Trạch Dân mắc phải tiếp tục xấu đi. Hiện nay, tình hình không được lạc quan.

Ông Giang Trạch Dân năm nay 88 tuổi, sau khi có cuộc gặp gỡ với Tổng thống Nga V.Putin vào ngày 20/5/2014 không xuất hiện không khai nữa. Ở Trung Quốc, tình hình sức khỏe của lãnh đạo cấp cao luôn được coi là bí mật tối cao, không được tiết lộ ra bên ngoài. Đây cũng là nguyên nhân thường xuyên xuất hiện tin đồn liên quan tới lãnh đạo Trung Quốc. Trong quá khứ, tờ Thành báo của Hong Kong số ra cùng ngày cho biết thêm ông Giang Trạch Dân cũng từng vấp tin đồn từ trần. Đó là vào ngày 6/7/2011, Đài Truyền hình châu Á của Hong Kong đưa tin “ông Giang Trạch Dân từ trần” khi chưa nhận được sự phản hồi chính thức từ phía Trung Quốc”, sau đó đã phải ra tuyên bố xin lỗi.
KHỦNG HOẢNG UKRAINE
Báo Độc lập: Nga đóng cửa không phận hay chặn đường phát triển kinh tế đất nước?

TTXVN (Moskva 9/9) - Đến cuối ngày 8/9, EU đã thông qua quyết định vẫn tiếp tục tăng cường biện pháp trừng phạt mới chống Nga, bất chấp những động thái xuống thang của Nga liên quan cuộc khủng hoảng tại Ukriane; cho dù việc Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev cùng ngày cũng đã lên tiếng trước, đe dọa sẽ đóng cửa không phận đối với các hãng hàng không của hàng loạt quốc gia châu Âu. Ngay lập tức đồng nội tệ Nga lại sụt giảm so với "đồng bạc xanh", cũng như thị trường chứng khoán Nga lập tức có những phản ứng tiêu cực.

Báo Độc lập (Nga) ngày 9/9 bình luận rằng: "Chính phủ Nga không biết làm thế nào để tạo ra tăng trưởng kinh tế, mà chỉ tích cực chuẩn bị cho cuộc chiến với các đòn cấm vận và tăng thuế". Tờ báo này cho biết đây cũng là ấn tượng mà Thủ tướng Medvedev để lại trong cuộc phỏng vấn ngày 8/9 với tờ Vedomosti. Người đứng đầu chính phủ Nga đã đe dọa đóng cửa không phận đối với các hãng hàng không phương Tây và đóng cầu giao cung cấp điện cho Ukraine. Các quan chức Nga cho rằng đóng cửa không phận có thể khiến các hãng hàng không phương Tây thấm đòn, thậm chí có thể bị phá sản. Tuy nhiên, phá sản chưa thấy đâu, chỉ thấy ngay lập tức tuyên bố đáp trả "không tương xứng" của Thủ tướng Medvedev, giá cổ phiếu của Hãng hàng không quốc gia Nga "Aeroflot" đã sụt giảm mạnh, bởi giới chuyên môn lo ngại hiệu ứng ngược của lệnh cấm vận hàng không.

Đối với lời đe dọa cắt điện của Ukraine, giới chức Kiev cũng tự hỏi: Lời đe dọa ấy liệu có đáng sợ, khi mà sản lượng điện của Ukraine luôn cao hơn nguồn năng lượng nước này tiêu thụ?

Các số liệu thống kê cho thấy, trong nhiệm kỳ làm Thủ tướng Chính phủ của ông Medvedev, nền kinh tế Nga đã tăng trưởng chậm hẳn ba lần so với năm 2012. Các chỉ số kinh tế đến thời điểm này cho thấy tăng trưởng kinh tế của Nga trong năm 2014 giảm xuống dưới 1% so với 3,4% trong năm 2012. Trong hai quý liên tiếp, tăng trưởng kinh tế Nga hầu như bằng 0, trong khi là một cường quốc dầu khí, nền kinh tế Nga đáng lẽ phải gặt hái thành công khi mà giá dầu thế giới thời gian qua ở mức cao kỷ lục.

Có thể nhìn thấy trước thất bại của nền kinh tế Nga chính từ những chính sách kinh tế không thành công. Tại sao nền kinh tế các nước láng giềng tăng trưởng đều đặn, mà Nga lại nằm trong danh sách các nước tụt hậu? Đây là câu hỏi mà giới chức Nga cần nghiêm túc xem xét. Ví dụ nền kinh tế Ba Lan, trong năm nay dự kiến tăng trưởng hơn 3%. Còn Nga, nếu tình hình khả quan, chỉ số này chỉ vào khoảng 1%. Trong khi đó, Thủ tướng Medvedev cũng nêu rõ: "Không thể vin vào việc cho rằng tình hình ở các nước hoàn toàn khác với chúng ta", nhưng cũng thật khó để chấp nhận thực tế rằng nền kinh tế thế giới phát triển trung bình ở mức 3%, mà Nga lại chậm hơn tới 6 lần.

Hiện chưa rõ tình hình sẽ diễn tiến phức tạp tới đâu, song nếu Nga thực sự "cấm cửa" các chuyến bay quá cảnh, thì nước này cũng cần chuẩn bị đương đầu với viễn cảnh u ám tương tự, mà châu Âu có thể làm với hàng không Nga. Và hậu quả của một cuộc leo thang như vậy chắc chắn sẽ rất đau đớn, ngay cả đối với chính nước Nga.

Tuy nhiên, dù thế nào, cũng cần phải công bằng thừa nhận tính đúng đắn trong cảnh báo ngày 8/9 của Thủ tướng Nga Medvedev rằng các biện pháp trừng phạt bổ sung mà phương Tây dự kiến áp đặt đối với Moskva luôn là "con dao hai lưỡi", nó không giúp thiết lập hòa bình tại Ukraine, trái lại còn đe dọa tới hệ thống an ninh toàn cầu.

Trong khi đó, nhà kinh tế Maxim Kozyrev, lãnh đạo Viện Các chuyên gia nhận định rằng cuộc chiến cấm vận có thể đẩy mức độ lạm phát của Nga dao động trong khoảng từ 6,5% đến 8 hoặc thậm chí 10% vào năm 2015. Tác động của các biện pháp trừng phạt và trả đũa lẫn nhau được ghi nhận rõ nét nhất trong lĩnh vực thực phẩm. Người tiêu dùng Nga hàng ngày sẽ nhận thấy tác động của trừng phạt, khi mà những loại thực phẩm họ quen dùng cứ dần vắng bóng, và họ phải chấp nhận thay thế bằng các sản phẩm đắt tiền hơn. Chuyên gia này cho rằng lạm phát cao là một quá trình không thể đảo ngược, và chính phủ chỉ có thể nỗ lực để giảm thiểu tối đa những tác động tiêu cực của nó, mà không thể ngăn chặn. Câu hỏi duy nhất chỉ còn là vấn đề thời gian, khi nào thì những tác động tiêu cực sẽ trở nên rõ rệt nhất.
Thỏa thuận ngừng bắn tại Ukraine - chiến thắng mong manh của Putin?

AFP (Moskva 8/9) - Giới phân tích cho rằng lệnh ngừng bắn mong manh giữa quân đội Kiev và lực lượng nổi dậy do Moskva hậu thuẫn thực chất chỉ là một chiến thắng của Tổng thống Nga Vladimir Putin, chứ chưa đảm bảo sẽ đặt dấu chấm hết cho cuộc xung đột đẫm máu tại miền Đông Ukraine.

Ngày 5/9 tại Minsk, Kiev và các đại diện phe ly khai đã ký kết một thỏa thuận 12 điểm nhằm vạch ra lộ trình cụ thể để giải quyết cuộc xung đột kéo dài suốt 5 tháng qua. Song những vụ nã pháo lẻ tẻ trong vùng chiến sự lại đang đe dọa sự bền vững của lệnh ngừng bắn non trẻ này.

Thỏa thuận ngày 5/9 được đưa ra sau khi Ukraine và phương Tây nói rằng điện Kremlin đã triển khai quân dọc biên giới để tiến hành một cuộc phản công nhằm lật ngược tình thế sau nhiều tháng quân đội chính quyền Kiev chiếm ưu thế trên chiến trường, và cũng là để buộc Kiev phải đàm phán với quân nổi dậy. Nhà phân tích chính trị độc lập Maria Lipman, hiện đang làm việc tại Moskva, nhận định: "Sự hậu thuẫn to lớn của Nga đã tăng cường sức mạnh về mặt quân sự cho quân nổi dậy. Ưu thế quân sự đang dần trở thành ưu thế chính trị. Đó chính là mục đích ngay từ ban đầu của ông Putin khi muốn giành được tầm ảnh hưởng đủ mạnh để đưa ra các điều kiện ràng buộc Ukraine trong không chỉ cuộc chiến tại miền Đông (Ukraine) mà còn trong cả các vấn đề chính trị nói chung".

Những thiệt hại quân sự to lớn cùng nguy cơ của một cuộc xung đột toàn diện với Moskva buộc Ukraine phải ngồi vào bàn đàm phán cùng thủ lĩnh quân nổi dậy tại Donetsk và Lugansk. Điều này đồng nghĩa với việc Kiev phải thừa nhận tính hợp pháp của các lực lượng mà từ trước tới nay họ vẫn coi là "những kẻ khủng bố". Ông Stanislav Belkovsky - thuộc Viện Chiến lược Quốc gia tại Moskva - nói: "Putin đã có được thứ ông ấy muốn bởi Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko đã phải ngồi vào bàn đàm phán với Cộng hòa Nhân dân Donetsk và Cộng hòa Nhân dân Lugansk, đồng thời phải thừa nhận họ là các đối tác đàm phán".

Lệnh ngừng bắn tại miền Đông Ukraine mới chỉ là bước đầu trong thỏa thuận mà hai bên vừa ký. Thỏa thuận này còn bao gồm một số điều khoản gây nhiều tranh cãi về tương lai của các khu vực mà quân nổi dậy chiếm đóng. Điều này được cho là lỗ hổng có nguy cơ sẽ làm bùng phát các cuộc xung đột mới.

Mặc dù tránh đề cập tới yêu cầu Ukraine đổi sang mô hình "nhà nước liên bang" - điều mà Moskva vẫn thúc đẩy từ lâu - song thỏa thuận vừa qua đã đề xuất trao "tư cách đặc biệt tạm thời" cho các vùng lãnh thổ hiện đang thuộc quyền kiểm soát của phiến quân. Theo đề xuất này "chính phủ tự xưng địa phương sẽ điều hành các khu vực cụ thể". Có ý kiến cho rằng việc trong thỏa thuận không có phần nào đề cập tới vấn đề độc lập cho các khu vực nổi dậy được xem là một sự nhượng bộ đối với Kiev.

Tuy nhiên, sau khi hai bên ký kết thỏa thuận, thủ lĩnh cấp cao của quân nổi dậy Igor Plotnitsky nhấn mạnh rằng các khu vực ly khai vẫn đang tìm cách tách khỏi phần còn lại của Ukraine. Trong khi đó, theo giới phân tích, những chi tiết gây tranh cãi trong bản thỏa thuận vừa qua có thể đẩy cuộc xung đột tới chỗ bế tắc và khiến mọi chuyện trở thành các cuộc tranh cãi lãnh thổ, tương tự những gì đang diễn ra ở các khu vực ly khai được Nga hậu thuẫn tại vùng Abkhazia-Nam Ossetia của Gruzia và Transdniestr của Moldova - hai quốc gia thuộc Liên bang Xôviết trước đây.

Nhật báo Vedomosti có uy tín ở Nga cho rằng, thỏa thuận nói trên vẫn còn nhiều điểm mơ hồ, được nhiều người coi là một "thành tựu về mặt ngoại giao" này, khó có thể buộc cả hai bên cùng tuân thủ các cam kết dài hạn. Trong một bài bình luận được đăng tải trên số báo ra ngày 8/9, Vedomosti viết: "Tất cả các bên đều được lợi (từ thỏa thuận này) bởi thỏa thuận không ràng buộc bất kỳ ai".

Trong ngắn hạn, thỏa thuận kêu gọi các bên tham chiến "ngay lập tức" tiến hành trao đổi tù binh và yêu cầu "các nhóm vũ trang bất hợp pháp rút toàn bộ các loại vũ khí cùng lính đánh thuê" ra khỏi Ukraine. Tuy nhiên, một số nhà phân tích tin rằng lệnh ngừng bắn sẽ chỉ giúp hai bên có được cơ hội củng cố lực lượng trước khi tiếp tục tham gia các cuộc đụng độ mới.

Nhà phân tích Volodymyr Gorbach - thuộc Viện Hợp tác châu Âu-Đại Tây Dương ở Kiev - nói: "Thành tựu lớn nhất mà người ta có thể đạt được từ lệnh ngừng bắn là trao đổi tù binh. Cả hai bên đều cần tới thỏa thuận này, nhất là Ukraine. Chúng ta đã thiệt hại quá nhiều và cần thời gian để chuẩn bị cho một cuộc xung đột mới".

Các nhà phân tích khác cho rằng, sau các thất bại đáng kể trước lực lượng quân đội Nga chiến đấu cùng quân nổi dậy, Kiev dĩ nhiên khó có thể từ chối các đề xuất ngừng bắn mà ông Putin đưa ra. Nhà phân tích chính trị Volodymyr Fesenko tại Kiev nói: "Lệnh ngừng bắn rõ ràng là có lợi cho cả Kiev, bởi nếu không có thỏa thuận này, Ukraine sẽ phải đối mặt với một cuộc tấn công toàn diện của Nga và chiến sự có thể lan sang nhiều khu vực khác".

Báo Độc Lập: NATO chủ trương kìm hãm Moskva

TTXVN (Moskva 9/9) - Với việc khẳng định rằng sẽ cung cấp vũ khí chính xác cho Ukraine, có thể thấy rõ NATO đang quay trở lại thực thi chính sách kìm hãm Moskva. Đây là nhận định được đăng tải trên Báo Độc lập (Nga) ngày 8/9.

Tờ báo cho biết: Tại Hội nghị thượng đỉnh và cũng là dịp kỷ niệm 65 năm thành lập, các nhà lãnh đạo NATO cố tỏ ra bình tĩnh thảo luận những vấn đề như việc rút toàn bộ quân đội khỏi Afghanistan vào trước cuối năm 2014, vấn đề an ninh mạng hay những thách thức, những mối đe dọa trong thế kỷ XXI này. Tuy nhiên, có thể thấy rõ cuộc khủng hoảng Ukraine, câu chuyện Crimea rơi vào tay Nga, cũng như việc quốc gia này không chịu ngồi im nhìn Mỹ và NATO sắp đặt lại trật tự thế giới mới, cho thấy dường như mọi việc đang vượt quá sự tính toán cũng như tầm với của khối hợp tác quân sự lớn nhất hành tinh này.

Lần đầu tiên trong lịch sử tồn tại của NATO, Nga và Ukraine đã được đề cập ngay trong khổ đầu tiên của Tuyên bố chung, được thông qua tại Hội nghị thượng đỉnh. Văn kiện dài 24 trang này giống như một tài liệu tổng kết những kết quả đạt được của hai ngày hội nghị. Có thể trích dẫn nguyên văn điều này- "Hành động hiếu chiến của Nga đối với Ukraine về cơ bản đã làm thay đổi hiểu biết của chúng ta về sự toàn vẹn, tự do và nền hòa bình ở châu Âu". Tổng thư ký Anders Fogh Rasmussen cũng nêu rõ, có thể coi quyết định được 28 nước thành viên NATO thông qua là một tín hiệu rõ ràng dành cho Nga.

Mối quan tâm đặc biệt của giới chức NATO ở "độ tuổi" 65 chính là việc tạo dựng Lực lượng phản ứng nhanh, bởi chính từ cuộc khủng hoảng Ukraine, các nước này nhận ra họ đang phải đối mặt với quá nhiều bất cập, hở sườn. Mục tiêu hướng tới của NATO là xây dựng đội quân tinh nhuệ với khoảng 4.000 binh sĩ ở Đông Âu, có thể triển khai tới bất cứ đâu trong vòng 48 giờ và có thể hỗ trợ các nước thành viên hoặc đối tác của NATO cả trên bộ, trên không và trên biển. Ngay lập tức, các quốc gia Baltic, Ba Lan và Romania đã lên tiếng sẵn sàng chào mời NATO đặt Tổng hành dinh chỉ huy lực lượng này tại địa phận của họ.

Cũng trong dịp kỷ niệm 65 năm thành lập, tại Hội nghị thượng đỉnh lần này, NATO cuối cùng cũng đã quyết định chấm dứt quan hệ với Nga. Khối này một lần nữa lại nhắc tới việc áp dụng "tiêu chuẩn kép" trong quan hệ với Nga - một mặt sẽ duy trì thái độ cứng rắn, thậm chí triển khai trừng phạt Nga; mặt khác có thể tùy vào tình hình cụ thể, xác định mức độ cởi mở để đối thoại với Nga. NATO lại một lần nữa nói về việc "ngăn chặn bằng cách đe dọa" trong quan hệ với Nga. Rõ ràng những đường hướng này đang khiến dư luận không khỏi không nghĩ tới một thời kỳ nhân loại đã trải qua - đó chính là cuộc Chiến tranh Lạnh, tưởng đã lùi sâu vào quá khứ, nay đang có nguy cơ tái hiện.

Một tín hiệu cứng rắn khác dành cho Nga, đó chính là việc các nước NATO nhất trí coi Gruzia là một "đối tác đặc biệt" của NATO. Một nước cộng hòa thuộc Liên Xô trước đây, nay đã trở thành chủ sở hữu của chiếc "thẻ vàng" (thuộc nhóm tăng cường hợp tác) cùng với Australia, Jordan, Phần Lan và Thụy Điển trên chặng đường gia nhập tổ chức hợp tác quân sự này. Các nước NATO cũng ghi nhận "những nỗ lực mang tính quyết định của Gruzia trên con đường thể hiện mong muốn trở thành thành viên của NATO".

Đối với Ukraine, giới chức NATO cam kết nỗ lực hỗ trợ, mà cụ thể trong tương lai gần, sẽ giúp nước này đào tạo binh sĩ cũng như hiện đại hóa quân đội, giúp Ukraine tăng cường khả năng quản lý và nâng cao năng lực trong công tác hậu cần. Và một điểm đáng lưu tâm nữa, đó là lời hứa sẽ nhanh chóng cung cấp vũ khí cho Kiev, bao gồm cả vũ khí dẫn đường chính xác.

Tất cả những động thái trên cho thấy quá rõ ràng thái độ của NATO. Có lẽ đã đến lúc phải thừa nhận rằng đã qua rồi giai đoạn Nga và NATO cùng xây dựng mối quan hệ đối tác, thay vào đó là mối quan hệ giữa các đối thủ. Lúc này, NATO đang cáo buộc Nga cố tình ứng xử như một đối thủ, song trên thực tế, dường như chính NATO cũng đang coi Nga là một đối thủ thực sự, chứ không phải là đối tác như khối này vẫn từng khẳng định.


PHỤ LỤC
Trục Iran-Nga-Trung chống lại các lệnh trừng phạt của phương Tây

TTXVN (Ottawa 9/9) - Theo mạng tin Nghiên cứu toàn cầu (Canada) ngày 9/9, Thứ trưởng phụ trách kế hoạch thuộc Bộ dầu mỏ Iran Mansour Moazzemi đã tuyên bố rằng nước Cộng hòa Hồi giáo bắt đầu việc hợp tác mới với Nga và Trung Quốc để đối phó với các lệnh trừng phạt mà phương Tây áp đặt đối với họ.

Phát biểu trong một cuộc họp báo tại Bộ dầu mỏ Iran, ông Moazzemi nói: "Chúng tôi đang bắt đầu sự hợp tác nghiêm túc với Trung Quốc và Nga trong lĩnh vực năng lượng một cách mạnh mẽ đến mức Bộ trưởng dầu mỏ Iran hiện được chỉ định làm người đứng đầu ủy ban kinh tế chung Iran-Nga thay cho Ngoại trưởng và chúng tôi đã bắt đầu một công việc tốt để sử dụng các khả năng và năng lực chung. Nga hiện là đối tác chiến lược của Iran và chúng tôi sẽ hợp tác với Nga trong mọi lĩnh vực có thể, kể cả dầu mỏ. Iran cũng đang bắt đầu một công việc nghiêm túc với Trung Quốc, sẽ được công bố công khai trong thời gian tới".

Theo ông Moazzemi, sự hợp tác của Tehran với Moskva và Bắc Kinh là nhằm đối với các biện pháp trừng phạt của phương Tây chống lại Iran và nói rằng "việc Iran muốn tránh các lệnh trừng phạt, không muốn bị các lệnh trừng phạt cản trở và sẽ sử dụng mọi biện pháp để phá vỡ trừng phạt là hoàn toàn tự nhiên".

Một Thứ trưởng khác của Bộ Dầu mỏ Iran, ông Ali Majedi cho biết ngày 9/9, Bộ trưởng Dầu mỏ Iran Bijan Namdar Zanganeh và Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak đã ký kết một bản ghi nhớ có thời hạn 5 năm để tăng cường sự hợp tác kinh tế, có thể đưa Nga trở thành nhà nhập khẩu dầu thô lớn nhất của Iran. Theo thỏa thuận trên, Nga sẽ hỗ trợ Iran bán dầu mỏ. Tuy nhiên, Bộ Năng lượng Nga đã không cung cấp chi tiết về các điều khoản trong hiệp ước này, mà ông Novak chỉ khẳng định rằng kế hoạch hợp tác với Iran không vi phạm các thỏa thuận quốc tế và là quan trọng đối với những điều kiện thực tế của thị trường nước ngoài của Nga. Thỏa thuận giữa Iran và Nga bao gồm hợp tác trong lĩnh vực dầu khí, công trình xây dựng nhà máy điện và hệ thống đường dây, hàng hóa tiêu dùng và sản phẩm nông nghiệp.

Một phái đoàn Nga đang có mặt tại Tehran để tham dự kỳ họp lần thứ 11 của Hội đồng thương mại Iran-Nga để thảo luận các lĩnh vực năng lượng, giao thông, ngân hàng, công nghiệp và khai mỏ, nông nghiệp và bảo hiểm. Theo các quan chức của hai nước, sự hợp tác kinh tế Iran-Nga không vấp phải hạn chế nào.

Iran hiện cũng là nhà cung cấp dầu thô lớn thứ 3 của Trung Quốc và xuất khẩu cho Bắc Kinh khoảng 12% tổng tiêu thụ dầu mỏ hàng năm của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới. Một quan chức năng lượng cao cấp Iran đã công bố hồi tháng 8 rằng Iran đang hợp tác với các Công ty Năng lượng nổi tiếng của Trung Quốc và Đức trong các dự án khí đốt và dầu mỏ đá phiến. Ông Hormuz Qalavand, Giám đốc phụ trách việc thăm dò thuộc Công ty dầu mỏ quốc gia Iran (NIOC) đã nói: "Chúng tôi đang thương thuyết với Đức để sử dụng công nghệ tiên tiến của họ cho các dự án dầu khí đá phiến Lorestan", trong khi đang hợp tác với một công ty của Trung Quốc về phần phụ tùng công nghệ cao của dự án dầu khí tại Biển Oman.



Iran đang có trữ lượng dầu mỏ và khí đốt đá phiến lớn ở phía Tây và phía Nam nước này. Mặc dù một số nhà phân tích thị trường tin rằng các trữ lượng dầu mỏ và khí đốt đá phiến có thể khiến giá thị trường của dầu khí thông thường giảm sút, nhưng Bộ trưởng Dầu mỏ Iran Zanganeh đã tuyên bố rằng dầu mỏ và khí đốt đá phiến không phải là một nguy cơ của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC). Dầu đá phiến dầu là một loại đá trầm tích hạt mịn giàu chất hữu cơ và chứa một lượng lớn kerogen, có thể chiết tách các loại hydrocacbon lỏng. Kerogen đòi hỏi cần phải xử lý nhiều hơn để có thể sử dụng được so với dầu thô, các quá trình xử lý tốn nhiều chi phí so với dầu thô cả về mặt tài chính và tác động môi trường. Các vỉa dầu đá phiến phân bổ khắp thế giới, trong đó có những vỉa lớn đang được khai thác tại Mỹ. Ước tính các vỉa dầu đá phiến toàn cầu có trữ lượng khoảng 4.800-5.000 tỷ thùng./.




Каталог: images -> detail
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna) Trụ sở : 5 Lý Thường Kiệt Hà Nội, Việt Nam
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna) Trụ sở : 5 Lý Thường Kiệt Hà Nội, Việt Nam
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna) Trụ sở : 5 Lý Thường Kiệt Hà Nội, Việt Nam
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna)
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna) Trụ sở : 79 Lý Thường Kiệt Hà Nội, Việt Nam
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna) Trụ sở : 79 Lý Thường Kiệt Hà Nội, Việt Nam
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna)
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna) Trụ sở : 5 Lý Thường Kiệt Hà Nội, Việt Nam
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna)
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna) Trụ sở : 5 Lý Thường Kiệt Hà Nội, Việt Nam

tải về 97.8 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương