THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna) Trụ sở : 5 Lý Thường Kiệt Hà Nội, Việt Nam



tải về 213.13 Kb.
trang1/5
Chuyển đổi dữ liệu02.09.2016
Kích213.13 Kb.
#31280
  1   2   3   4   5

THÔNG TẤN XÃ VIỆT NAM

Vietnam News Agency (VNA)

Trụ sở : 5 Lý Thường Kiệt - Hà Nội, Việt Nam


Tel: (84-4) 38255443; Fax (84-4) 38252984; E-mail : btk@vnanet.vn; http://news.vnanet.vn




Số 156/ TKNB-QT-TN Thứ Ba, ngày 19/8/2014

TIN THAM KHẢO NỘI BỘ

(Phần Quốc tế)


  1. PHẦN TIN LIÊN QUAN VIỆT NAM

Bàn về việc khắc phục khó khăn kinh tế ở Việt Nam

Đài BBC (đêm 18/8) - Một chuyên gia cảnh báo giới lãnh đạo Việt Nam phải lấy ngày hôm nay để khắc phục khó khăn kinh tế chứ đừng chờ tới Đại hội XII.


Trả lời BBC qua điện thoại, chuyên gia tài chính Bùi Kiến Thành ở Hà Nội nói: “Đợi tới Đại hội Đảng mới làm chính sách là vấn đề của Việt Nam. Chính sách kinh tế là ngày hôm nay, chứ sao lại nhìn vào Đại hội. Làm sao để mà doanh nghiệp có thể phục hồi và phát triển, làm sao để doanh nghiệp tạo công ăn việc làm cho nhân dân. Làm sao để doanh nghiệp trả được nợ xấu. Chuyện kinh tế là chuyện kinh tế còn các ông làm chính trị thì lại là chuyện khác. Ai mà suy nghĩ giải quyết kinh tế phụ thuộc vào chính sách của Đại hội thì có lẽ nên nghĩ lại”.

Một số nhà quan sát nói rằng trong quá khứ, thường Việt Nam không đưa ra các chính sách cải cách mạnh từ khoảng 1-2 năm trước Đại hội Đảng. Truyền thông trong nước đầu tuần này cho hay, phần lớn các ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính nửa đầu năm theo đó nhìn chung, nợ xấu đồng loạt tăng.



VnEconomy đưa tin: “Tình hình chung, nợ xấu tại hầu hết các ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính tính đến 30/6/2014 đều tăng, có những bước tăng mạnh và có những thành viên đã vượt 5%, thậm chí từ 7-8%. Theo đó, mức bình quân hệ thống đến tháng 6/2014 (hiện chưa công bố) có thể cũng đã tăng mạnh sau khi giảm dưới 4% cuối 2013. Ngay cả những thành viên có tỷ lệ nợ xấu rất thấp những năm gần đây như Ngân hàng Công thương Việt Nam (Vietinbank), Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) cũng không tránh khỏi xu hướng chung”.

'Toàn số ảo'

Trước câu hỏi của BBC về việc có tổ chức tín nhiệm quốc tế lại có đánh giá tích cực cho Việt Nam trong thời gian gần đây, ông Bùi Kiến Thành nói, ông không hiểu họ đưa ra mức đánh giá đó dựa trên cơ sở nào. Ông cho biết: “Các thông tư đưa ra không được áp dụng. Ngân hàng Nhà nước là cơ quan quản lý thì lại thông cảm với các ngân hàng thì làm gì chúng ta có con số thật. Con số nào đưa ra cũng là con số ảo. Hiện hệ thống ngân hàng Việt Nam không khai báo nợ xấu với con số thực và bức tranh thực tế không những không được cải thiện mà còn xấu đi. Đó là vì ngân hàng cho doanh nghiệp vay, mà doanh nghiệp thì chết hàng loạt. Vừa rồi, báo cáo của Bộ Kế hoạch Đầu tư và Viện thống kê cho thấy, doanh nghiệp bị phá sản năm nay còn nhiều hơn năm ngoái. Vậy nếu doanh nghiệp mà như thế thì làm sao ngân hàng lại sáng sủa hơn được”.

Tháng 2/2014, hãng đánh giá tín dụng Moody’s cho rằng nợ xấu trong hệ thống ngân hàng Việt Nam ước tính ở mức thấp nhất là 15% tổng tài sản. Con số này cao hơn gấp ba lần số liệu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (SBV) công bố vào cuối năm ngoái là 4,7%.

Một nhân viên ngân hàng (giấu tên) nói với BBC, vấn đề về nợ xấu của ngân hàng đang là ẩn số vì “định nghĩa nợ xấu rất khác nhau”. Người này cũng nói thêm rằng nợ xấu trên thực tế gấp nhiều lần so với những gì công bố và rằng nợ xấu tại nhiều ngân hàng đã “vượt qua cả vốn đăng ký”.


EIU: Thanh toán trực tuyến sẽ phát triển mạnh ở Việt Nam trong những năm tới

TTXVN (London 17/8) - Theo bình luận của Bộ phận dự báo, phân tích và tư vấn rủi ro (EIU) thuộc Tập đoàn Nhà Kinh tế (Anh), mặc dù tỷ lệ nghèo đói vẫn còn cao và hệ thống cơ sở hạ tầng còn yếu kém, nhưng Việt Nam đang tích cực phát triển mạng lưới Internet. Việc sử dụng máy tính ngày càng mở rộng, với một người sử dụng mạng trung bình dành 2,4 giờ/ngày để truy cập vào các mạng xã hội và báo điện tử. Bất chấp thực tế này, việc mua bán trực tuyến vẫn còn rất hạn chế. Tuy nhiên, gần đây đã có những dấu hiệu cho thấy thương mại điện tử đang được tiếp thêm đà khi Chính phủ Việt Nam ủng hộ xu hướng này và yêu cầu các ngân hàng hỗ trợ cho sự phát triển của hoạt động thương mại điện tử.

Phần lớn, các hoạt động mua bán ở Việt Nam hiện nay vẫn theo cách truyền thống. Tiền trao tay, quan hệ giữa doanh nghiệp và cá nhân được nuôi dưỡng và các mặt hàng được kiểm tra kỹ lưỡng trước khi việc mua bán được thực hiện. Chỉ có khoảng 22% dân số có tài khoản ngân hàng, trong khi rất nhiều người thích cất giữ tiền mặt ở nhà. Đối với nhiều người dân Việt Nam, đặc biệt là những người sống ở nông thôn, thẻ ghi nợ và thẻ tín dụng là một khái niệm lạ lẫm và ngân hàng vẫn chưa thực sự đáng tin. Thói quen lâu đời này lại được củng cố thêm sau khi xảy ra cuộc khủng hoảng ngân hàng gần đây cũng như một số vụ bê bối tham nhũng. Tỷ lệ dân số có tài khoản ngân hàng thấp khiến cho nhiều doanh nghiệp (cả quy mô lớn và nhỏ) gặp khó khăn trong việc xử lý các giao dịch thanh toán qua ngân hàng và buộc phải dùng tiền mặt. Nhiều người tiêu dùng ở các thành phố khi đi mua hàng trị giá lớn vẫn sử dụng tiền mặt để thanh toán.

Trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập quốc tế sâu rộng với nhiều cơ hội kinh tế lớn hơn, chính phủ nước này đã yêu cầu ngành ngân hàng phải đẩy nhanh tiến trình hiện đại hóa. Các ngân hàng được chỉ thị phải phát triển dịch vụ ngân hàng trực tuyến an toàn và đảm bảo, và thu hút thêm khách hàng. Theo Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VBA), việc này đã mang lại tác động nhanh chóng, với số người sử dụng dịch vụ ngân hàng trực tuyến tăng tới 45% trong giai đoạn từ 2011-2013. Hiện có tới 90% số ngân hàng ở Việt Nam cung cấp dịch vụ ngân hàng trực tuyến. Kết quả là, người dân cảm thấy thuận tiện hơn trong việc chi tiêu. Với nhịp độ tăng trưởng kinh tế khá cao (EIU dự báo kinh tế Việt Nam đạt 6,2%/năm trong năm 2014-2015) kết quả khảo sát do Ngân hàng ANZ (Asutralia) công bố hồi tháng 6 cho biết 38% số người được hỏi cho rằng bây giờ là thời điểm tốt để mua sắm những mặt hàng có giá trị lớn.

Mặc dù vẫn còn chặng đường dài trước khi mua sắm trực tuyến khai theo kịp với tiềm năng, nhưng đã có nhiều dấu hiệu cho thấy khả năng thành công rất lớn. Ngày càng có nhiều người sử dụng thẻ tín dụng và thẻ ghi nợ để mua sắm, và các nhà cung cấp dịch vụ thanh toán trực tuyến như Mobivi và NganLuong đang vượt qua được những khó khăn giao dịch ban đầu. Thành công bước đầu đã khuyến khích nhiều doanh nghiệp bán hàng và dịch vụ thông qua mạng Internet. Các nhà bán lẻ trong nước như Vatgia.com và Saigon Co-op Mart cũng được các nhà bán lẻ nước ngoài như Rakuten (Nhật Bản) liên kết qua mạng Internet. Theo Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin, doanh thu từ thương mại điện tử đạt 700 triệu USD trong năm 2012 và dự báo sẽ lên tới 1,3 tỷ USD vào năm 2015. Với ngày càng nhiều sản phẩm được cung cấp, doanh thu bán hàng trực tuyến chắc chắn sẽ tăng mạnh trong những năm tới.

Nắm bắt được xu hướng này, một số ngân hàng cũng đang tích cực khai thác những lợi thế từ mạng Internet. Ngân hàng Việt Nam Thịnh vượng (VPB) đang phối hợp với Tổng cục Hải quan và Tổng cục thuế cho phép các doanh nghiệp nộp thuế và các loại phí thông qua Internet. Trong khi đó, ở Thành phố Hồ Chí Minh, các chi nhánh của Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) đã hợp tác với 24 ngân hàng để thu hóa đơn tiền điện kể từ năm 2007 và gần một nửa doanh thu được nộp qua dịch vụ này.

Nhằm khuyến khích người dân chi tiêu trực tuyến nhiều hơn, Chính phủ Việt Nam đang phải nỗ lực giải quyết các vấn đề liên quan tới an ninh mạng. Theo Công ty an ninh mạng Bkav, 40% các trang web của Việt Nam có lỗ hổng an ninh và Việt Nam được cho là nước có nhiều tin tặc. Bộ Thông tin và Truyền thông (MIC) cũng đang hợp tác với các tập đoàn công nghệ thông tin hàng đầu thế giới để giải quyết vấn đề này, trong đó Tập đoàn Microsoft (Mỹ) đã cam kết rà soát và cải thiện tình hình an ninh mạng cho Việt Nam theo biên bản ghi nhớ ký hồi tháng 3 vừa qua.

Trong khi đó, Cục Thương mại điện tử thuộc Bộ Công Thương vừa khởi động chiến dịch nhằm kiểm tra tính xác thực của các trang web thương mại điện tử. Từ năm 2013, các nhà bán lẻ trực tuyến đã được yêu cầu đăng ký với Bộ Công Thương như một phần trong chiến dịch ngăn chặn gian lận và hàng nhái. Các công ty như Bkav sẽ có một thị trường ngày càng lớn để cung cấp chữ ký số cho các doanh nghiệp để hạn chế nạn tin tặc và bảo vệ các dữ liệu quan trọng chuyển qua mạng Internet và các mạng khác. Theo Tổng cục thuế, hơn một nửa trong số 500.000 doanh nghiệp đã đăng ký ở Việt Nam hiện đang sử dụng những dịch vụ này để khai báo thuế trực tuyến.

Các cơ quan chính phủ cũng tích cực tham gia xu thế này. Các bộ luật và chính sách thường xuyên được công bố trên cổng thông tin điện tử và các bộ trưởng tổ chức các hội giao ban trực tuyến. Ngay cả các sở, ban ngành ở địa phương vốn có tiếng là quan liêu, trì trệ cũng đang dần từ bỏ những sổ sách giấy tờ và thay vào đó là sử dụng hệ thống máy tính được phát triển tốt hơn. Đến cuối năm 2013, tất cả các cửa khẩu của Việt Nam đều đã áp dụng hệ thống hải quan điện tử quốc gia sau thời gian thử nghiệm thành công. Tổng cục Hải quan cho biết động thái này giúp cắt giảm 20% chi phí cho thủ tục xuất-nhập cảnh. Việc đưa hệ thống hải quan điện tử vào sử dụng cũng tạo thêm điều kiện thuận lợi cho các nhà đám phán Việt Nam tại cuộc đàm phán về Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Liên minh Hải quan (gồm Nga, Belarus, Kazakhstan). Tất cả những điều này cho thất thế giới trực tuyến có thể gây tác động mạnh tới Việt Nam. Đối với Việt Nam, mạng Internet sẽ giúp người dân chi tiêu nhanh hơn và thường xuyên hơn, mang lại cú hích quan trọng cho nền kinh tế.




  1. PHẦN BÌNH LUẬN VÀ NHẬN ĐỊNH VỀ VIỆT NAM

Dư luận về tương quan lực lượng Mỹ- Trung và sự lựa chọn của Việt Nam

TTXVN (Sydney 18/8) - Bàn về chuyến thăm Việt Nam mới đây của Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ, Tướng Martin Dempsey, Diễn đàn Interpreter (Australia) ngày 15/8 đăng bài viết nhận định Mỹ đang ve vãn Việt Nam thông qua chuyến thăm này.

Bài viết cho rằng, Việt Nam là lựa chọn chiến lược mà cả Tổng thống Mỹ Barack Obama và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel đều nhấn mạnh như vậy với Tướng Dempsey. Kết quả là đã có cuộc gặp giữa ông Dempsey và đối tác Việt Nam Đỗ Bá Tỵ ở Hà Nội nhân chuyến thăm đầu tiên của một chỉ huy quân đội hàng đầu của Mỹ tới Việt Nam kể từ năm 1971. Chuyến thăm là một phần của thỏa thuận hợp tác, đáp lại chuyến thăm của Tướng Tỵ tới Washington hồi năm ngoái, nhưng cũng là cơ hội để Mỹ và Việt Nam tăng cường hợp tác.

Sau cuộc họp kín, Bộ Quốc phòng Việt Nam ý tứ rằng hợp tác quân sự gần gũi hơn giữa Mỹ và Việt Nam sẽ diễn ra. Trong khi mối quan hệ hai nước đang ngày càng phát triển (đặc biệt trên mặt trận kinh tế) kể từ năm 1995, khi hai nước bình thường hóa quan hệ, hợp tác quân sự vẫn còn hạn chế. Chuyến thăm Việt Nam 4 ngày của Tướng Dempsey - người cũng có các cuộc gặp với Thủ tướng và Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam - diễn ra trong bối cảnh căng thẳng đang gia tăng trong khu vực. Sau nhiều tháng căng thẳng và đụng độ, hồi tháng 7 vừa qua, Công ty dầu khí CNOOC do nhà nước Trung Quốc kiểm soát đã rút giàn khoan ra khỏi vùng nước của Việt Nam. Với Bắc Kinh, đây là một sự đột nhập thành công để kiểm tra cách giải quyết của Mỹ và ASEAN (cả hai đều đã không phản ứng mạnh mẽ) và để thay đổi hiện trạng. Vào giai đoạn cuối của cuộc khủng hoảng, báo chí đã ngừng thông tin rằng giàn khoan nằm trong cái mà luật quốc tế coi là Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam, thay vào đó lại dùng “vùng nước tranh chấp”. Điều này khiến nhiều nước trong khu vực khó chịu và gây lo ngại cho lãnh đạo Việt Nam. Kết quả là có nhiều lời kêu gọi Hà Nội giữ khoảng cách khỏi tầm ảnh hưởng của Trung Quốc.

Tuy nhiên, câu chuyện phức tạp hơn nhiều. Lâu nay, Hà Nội vẫn thúc đẩy chính sách ngoại giao “thêm bạn, bớt thù”. Tất nhiên, một đối tác Mỹ mạnh hơn ngày nay có thể là một đối trọng với sự quyết đoán của Trung Quốc, và cũng có thể coi đây là một biện pháp trừng phạt hiệu quả. Nhưng trong khi chuyến thăm lần này của Lầu Năm Góc mở ra cánh cửa chào đón sự hợp tác hơn nữa của Việt Nam với Mỹ, điều đó không nên được phóng đại. Chính sách trên của Việt Nam đã được xác lập kể từ năm 1988.

Với Washington, cũng có thể tồn tại mối lo ngại không chỉ về sự quyết đoán của Bắc Kinh gần đây ở Biển Đông mà còn về mối quan hệ ngày càng mật thiết của Nga với Hà Nội. Moskva là đồng minh chủ chốt và nguồn cung cấp chủ yếu vũ khí quân sự cho Việt Nam. Hà Nội đã ký 17 thỏa thuận riêng rẽ về hợp tác quân sự và kinh tế với Nga trong chuyến thăm của Tổng thống Nga Vladimia Putin hồi tháng 10/2013. Hà Nội đã bắt đầu tiếp nhận tàu ngầm lớp Kilo của Nga, tàu khu trục hạng nhẹ Gepard và máy bay SU-30MK2. Tiềm lực mới này có thể khuyến khích Việt Nam có thái độ tích cực hơn trong bảo vệ biên giới, một mối lo mà tất cả các nước có liên quan tại Biển Đông đang quan ngại.

Hà Nội cũng là một nhân tố chủ chốt của Nga trong các kế hoạch về một Liên minh hải quan Á-Âu, là nhân tố chủ chốt của sự mở rộng châu Á với điểm nhấn là cảng Cam Ranh. Vì vậy, không ngạc nhiên khi với cánh cửa khép hờ, Mỹ tiếp tục đẩy mạnh quan hệ với Hà Nội. Hơn nữa, với việc cử một lãnh đạo quân sự sang thăm Việt Nam, Mỹ có thể tránh được những lời bình luận về tình hình nhân quyền Việt Nam vốn là tâm điểm chú ý của dư luận thời gian gần đây.



TTXVN (Roma 18/8) - Dưới đầu đề Vũ khí của Mỹ cho Việt Nam, khi lịch sử đổi chiều”, tác giả Vittorio Zucconi, đặc phái viên của nhật báo La Repubblica viết về từ Washington trong số báo ra ngày 18/8 như sau:

"Tháng 8/1964, sau sự kiện Vịnh Bắc Bộ, Mỹ tiến hành chiến tranh chống Hà Nội. Tua nhanh cuốn băng lên phía trước. Tháng 8/2014, Mỹ muốn bán vũ khí cho Việt Nam. Một nửa thế kỉ sau và sau khi đã khiến hơn 2 triệu người thiệt mạng trong một cuộc chiến đẫm máu, tấn bi hài kịch của lịch sử và lợi ích của các quốc gia đã đổi chỗ cho nhau.

Một cơn gió thổi qua 58.284 cái tên của những người lính Mỹ đã ngã xuống trên bức tường "tưởng nhớ" ở Washington, những người đã chết khi làm nhiệm vụ trong "Cuộc chiến tranh Đông Dương Thứ hai" như ở đây họ từng gọi như thế. Gió làm những tờ giấy trắng bay lên và làm run rẩy đôi tay của những đứa bé còn rất bé và những người già rất già đến đây thăm mộ của những người lính tử trận và tìm kiếm trên những hàng bia đó tên của ông, chồng, anh chị em họ hàng, những người bạn đã ngã xuống trong cuộc chiến.

Bà mẹ đã 80 tuổi của trung sĩ tử trận Maynardi trả lời điện thoại: "Tôi cảm thấy George con tôi chết thêm một lần nữa". Một người cựu chiến binh lần tìm tên của trung úy Lee Unger trên tờ giấy trắng. "Lee tình nguyện sang tham chiến ở Việt Nam. Anh ấy đã chết trên tay tôi ở Campuchia trong một trận đánh để ngăn chặn quân Bắc Việt tiếp viện vũ khí vào miền Nam. Thế mà bây giờ, Obama lại muốn trang bị vũ khí cho Hà Nội". Ông cười: "Đường Hồ Chí Minh đã được mở ra theo hướng ngược lại và chúng tôi, những người đã chết để ngăn chặn nó, giờ lại đang mở nó ra".

Những hối hận, những suy nghĩ và tình cảm của người người sống cũng như sự im lặng của những người đã chết không ý nghĩa gì đối với hiện tại, trong một chính sách đối ngoại thực dụng, đối với một quốc gia gần 100 triệu dân vẫn còn tự hào là Cộng sản, nhưng giờ đã trở thành một mảnh đất quan trọng trong cuộc đối đầu ở châu Á giữa Mỹ và Trung Quốc. Chuyến thăm của Tổng tham mưu trưởng liên quân Martin Dempsey đến Hà Nội, nơi mà Mỹ đã dội xuống 600 nghìn tấn bom trong chiến tranh, đã tái khẳng định con đường bình thường hóa mà Tổng thống Bill Clinton đã mong muốn từ năm 1995. Chuyến đi này cũng giống như là một lời đề nghị liên minh, sau khi Mỹ từ bỏ lệnh cấm vận bán vũ khí cho Việt Nam.

Tất cả là để chống lại Trung Quốc, để giật Việt Nam ra khỏi quỹ đạo bảo hộ của Trung Quốc và cùng với Nhật Bản, Philippines và Australia, nơi mà lính thủy đánh bộ Mỹ đã đóng quân từ sau Thế chiến thứ Nhất, tạo thành một mặt trận chống lại chủ nghĩa bành trướng và những tham vọng của Bắc Kinh. Đương nhiên, lịch sử luôn luôn khiến người ta có cảm giác kì quặc, như việc đề nghị bán một đơn vị hải quân nhẹ, nhưng được trang bị tốt hơn nhiều và hiện đại hơn nhiều các tàu hải quân mà Nga bán cho Việt Nam, để hải quân Việt Nam chống Trung Quốc trên vùng biển mà trong cuộc chiến cách đây hơn 4 thập kỉ, người Mỹ đã từng đi tuần tra.

Tháng 8/1964, gần một năm sau cái chết của Kennedy, người đã tỏ ra lưỡng lự trong việc đưa quân Mỹ tham chiến, tàu khu trục Mỹ Maddox đã thông báo về việc họ bị tàu phóng lôi Bắc Việt Nam tấn công trên Vịnh Bắc Bộ. Đấy là một thông tin sai, nhưng đủ để tạo cớ cho Tổng thống Johnson nhận được sự chấp thuận của Quốc hội Mỹ cho việc tiến hành đưa quân vào Việt Nam. Một sự cố mà sau đó đã được mệnh danh là "Chiến tranh của những bóng ma".

Phản ứng của Bắc Kinh sau chuyến thăm của Dempsey thật ngoạn mục. Tờ Nhân dân Nhật báo tố cáo Washington đang tìm cách tạo dựng lên quanh biển Hoa Nam mà Bắc Kinh coi đó như ao nhà của họ một bức tường liên minh thù địch chống Trung Quốc. Trong ván cờ sống còn đối với đường hàng hải và tài nguyên thiên nhiên dồi dào này mà Bắc Kinh đã đưa một giàn khoan khổng lồ vào để thực hiện việc thăm dò ngay trên lãnh hải của Việt Nam, thì người bạn cũ Hà Nội chính là đối tượng được nhắm đến.

Có biên giới trực tiếp với Trung Quốc, trong những năm 1980, hai bên đã bắn nhau bằng đại bác. Nhưng hiện tại, Việt Nam, một quốc gia đang phát triển, với GDP đầu người chỉ là 1.900 USD, ít hơn Italy 18 lần, vẫn phụ thuộc chủ yếu vào người láng giềng khổng lồ trên khía cạnh kinh tế và quân sự. Tuy nhiên, thông qua các căn cứ quân sự ở Vịnh Cam Ranh mà chính người Mỹ đã xây dựng lên trong cuộc chiến tranh Việt Nam, Hà Nội đang nắm giữ chìa khóa để kiểm soát vùng biển mà 2/3 số tàu siêu lớn chở dầu mỏ và khí đốt của thế giới lưu thông.

Việt Nam không thể cứ mãi thù địch Trung Quốc, và Trung Quốc cũng không thể đẩy Việt Nam vào vòng tay của Mỹ. Nhưng Trung Quốc cũng không hề yêu Việt Nam và không muốn thấy họ được trang bị vũ khí của Mỹ để chống lại lợi ích của mình trong khu vực. Mỹ lại cần Việt Nam để chống lại chủ nghĩa bành trướng của Trung Quốc ở khu vực Thái Bình Dương, nhưng cũng không thể đối đầu với Trung Quốc, đất nước cung ứng cho thế giới một lực lượng nhân công dồi dào với chi phí thấp và là chủ nợ của họ. Không một quốc gia nào trong số này dám thực hiện những bước đi liều lĩnh.

Những điều ấy, xét cho cùng, không là gì cả ở vùng đất xa xôi của thế giới này, với những nỗi sợ hãi, những truyền thuyết, những toan tính sai lầm và học thuyết domino đã giết chết 2 triệu người Việt Nam và 58 nghìn thanh niên Mỹ. Chỉ còn lại câu nói của Henry Kissinger rằng "các quốc gia không có bạn bè hay kẻ thù mãi mãi, mà chỉ có lợi ích dân tộc". Trên Bức tường những người lính tử trận và trên con sông Potomac dẫn đến những ngọn đồi của Arlington, cơn gió lạnh của sự vô nghĩa từ các chiến lược và chiến thắng chắc chắn của lợi ích quốc gia đang thổi".

TTXVN (Bắc Kinh 19/8) - Tờ Thời báo Hoàn cầu số ra ngày 18/8 đã đăng bài viết với tiêu đề trên, trong đó dẫn lại nguồn tin của tạp chí The Economist của Anh và tờ New York Times của Mỹ.

Theo The Economist, biên giới Việt-Trung ảm đạm phản ánh mối quan hệ giữa hai lân bang theo chủ nghĩa Cộng sản đang ở thời điểm tồi tệ nhất trong mấy chục năm qua. Tại vùng biên giới Việt-Trung, vài chiếc xe tải chạy trên đường dẫn vào nhà máy gang thép liên doanh với doanh nghiệp quốc hữu Trung Quốc có vốn đầu tư khoảng 340 triệu USD, khiến bụi tung mù trời, gần đó còn có một chợ lộ thiên và con đường chính, nơi đây bán hàng tiêu dùng mà trên bao bì đều có in tiếng Việt và tiếng Trung. Một người bán hàng Việt Nam cho hay, hàng trăm người Trung Quốc đến đây làm việc đã đóng góp cho sự phát triển kinh tế địa phương. Một người khác lại không ngớt lời nói về những vết thương khi Việt Nam bị Trung Quốc xâm phạm chủ quyền.

Từ năm 1991, quan hệ hai nước Việt- Trung bình thường hóa đến nay, chính phủ Việt Nam luôn nhấn mạnh hài hòa hình thái ý thức với nước láng giềng theo chủ nghĩa Cộng sản to lớn bên cạnh. Song đến nay, mối quan hệ này đã bị tổn thương. Việt Nam đang tìm thấy sự ủng hộ từ các nước khác. Đầu tháng 8, Nhật Bản tuyên bố sẽ tặng Việt Nam tàu tuần tra; tuần vừa qua Việt Nam và Ấn Độ tiến hành cuộc diễn tập quân sự chung…

Việt Nam chưa bao giờ nén trong lòng sự phẫn nộ khi bị kinh tế Trung Quốc lấn lướt. Mỗi năm, Việt Nam nhập siêu từ Trung Quốc gần 24 tỷ USD. Quá nhiều nhà máy của Việt Nam bị phụ thuộc vào nguyên liệu Trung Quốc. Mặc dù Đảng Cộng sản Việt Nam muốn duy trì ổn định quan hệ kinh tế giữa hai nước, tuy nhiên, luật sư tại đây cho biết, các khách hàng Trung Quốc đã tạm dừng dự án đầu tư vào Việt Nam. Chuyên gia dự báo, thị phần nhà thầu Trung Quốc tại Việt Nam sẽ giảm dần, một phần nguyên nhân là do doanh nghiệp địa phương không muốn sử dụng nhà thầu của Trung Quốc nữa.

Cho đến thời điểm này, cả hai nước Việt Nam và Trung Quốc đều chưa vội khôi phục quan hệ. Nếu so sánh hai nước, Trung Quốc là nước lớn mạnh hơn, giàu có hơn và nền kinh tế đa dạng hóa hơn nên càng có thể dễ dàng hóa giải những tác động xấu chịu ảnh hưởng do quan hệ song phương xấu đi. Song như ông Hoàng Anh Tuấn, Viện trưởng Viện nghiên cứu ngoại giao và chiến lược Việt Nam cho hay, Trung Quốc “đã đánh giá thấp thực lực, ý chí và tâm lý chủ nghĩa dân tộc của đối thủ”.

Còn tờ New York Times đã đăng bài “Mỹ lấy lòng cựu thù Việt Nam trong bóng đen Trung Quốc” cho rằng, Việt Nam ngày càng trở nên quan trọng với Washington trong bối cảnh gia tăng bất đồng về vấn đề Biển Đông giữa Mỹ - Trung. Gần đây, Thượng tướng Mỹ Martin Dempsey thăm Việt Nam, đây cũng là lần đầu tiên sau hơn 40 năm, Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng Liên quân Mỹ thăm lại cựu thù. Cho dù ngày càng gần gũi hơn với Mỹ, nhưng là đất nước do Đảng Cộng sản cầm quyền vẫn coi trọng quan hệ “anh em” với Bắc Kinh và thực tế lệ thuộc về kinh tế vào Trung Quốc nên Việt Nam đã bày tỏ sẽ không từ bỏ nước láng giềng phương Bắc hùng mạnh. Về điểm này, Tướng Dempsey nói Mỹ không buộc Việt Nam phải chọn giữa Bắc Kinh hay Washington, song thừa nhận Trung Quốc đã phủ bóng đen lên các cuộc đối thoại của ông tại Việt Nam.

Là hai nước đã từng đối địch nhau, đến nay khó có thể nói là Việt Nam hay Mỹ càng mong lấy lòng nước kia hơn. Theo giáo sư Womack tại Đại học Virgina, nhiều khả năng có thể Washington sẽ phải thất vọng. Bắc Kinh đang quan tâm đến mọi động thái trong quan hệ Việt-Mỹ, và coi việc Mỹ có thể nới lỏng lệnh cấm vận vũ khí với Việt Nam là hành động đối kháng với Trung Quốc ở Biển Đông. Chuyên gia cho rằng, Mỹ đang khuyến khích Việt Nam cứng rắn với Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông và Mỹ đang lo ngại về việc Việt Nam và Trung Quốc hòa dịu tranh chấp tại đây.

Ngoài ra, cũng trong số báo này, Thời báo Hoàn cầu còn đưa tin, Mỹ sẽ xuất khẩu vũ khí trọng yếu sang Việt Nam. Việt Nam có nhiều khả năng mua radar phòng thủ bờ biển, hệ thống tên lửa phòng không và máy bay tuần tra trên biển, còn Mỹ vẫn hy vọng Việt Nam chấp thuận mở cửa quân cảng để nước này thuê lại quân cảng Cam Ranh và Đà Nẵng.

Bài viết bình luận, từng là đối thủ trên chiến trường một sống một chết, Việt Nam và Mỹ gần đây lại nhanh chóng dựa sát vào nhau. Trong chuyến thăm Việt Nam của Tướng Mỹ Dempsey, phía Việt Nam bày tỏ hai bên sẽ tăng cường hợp tác quân sự, tập trung vào lĩnh vực an ninh trên biển, huấn luyện và khắc phục hậu quả chiến tranh để lại. Trước đó, phía Mỹ cho hay lệnh cấm vận xuất khẩu vũ khí trọng yếu sang Việt Nam sớm nhất sẽ được xóa bỏ vào tháng 9 tới. Theo suy diễn, để có thể kiềm chế Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông, Mỹ quyết tâm tiến xa hơn trên con đường trang bị vũ trang cho Việt Nam. Song cũng có chuyên gia cho rằng, đừng nên nghĩ rằng hợp tác quân sự Việt-Mỹ sẽ lý tưởng như vậy. Trên thực tế, cho dù Mỹ xóa bỏ lệnh cấm vận vũ khí, Việt Nam cũng không chắc nhập khẩu vũ khí với quy mô lớn từ Mỹ. Hiện vũ khí được trang bị của Việt Nam chủ yếu nhập từ Nga như hệ thống tên lửa phòng không S-300PMU1, chiến cơ Su-30MK2V, tàu ngầm Kilo loại 636, … ngoài ra một phần vũ khí được nhập khẩu từ các nước như Ukraine, Ấn Độ, Israel và CH Czech, và nhập tàu hộ vệ tàng hình Sigma của Hà Lan. Những vũ khí này đều rất hiện đại, hơn nữa giá cả khá rẻ, không có loại vũ khí nào bắt buộc phải mua từ Mỹ. Trước mắt, radar phòng thủ bờ biển và máy bay tuần tra chống ngầm tương đối hiện đại là vũ khí mà hai bên đang cân nhắc. Những vũ khí này có thể uy hiếp lớn đối với tàu nổi và tàu ngầm của Trung Quốc, song không thể ngay lập tức thay đổi sự đối trọng về lực lượng quân sự giữa Việt Nam và Trung Quốc. Chuyên gia Trung Quốc cho rằng, còn có thể xảy ra trường hợp là Mỹ sẽ vừa bán vừa cho Việt Nam những vũ khí hiện đang sử dụng. Chính phủ Việt Nam luôn cảnh giác với Mỹ, còn người Mỹ lại thích can dự vào nội bộ nước khác thông qua việc mua bán vũ khí. Điều này minh chứng sự hợp tác quân sự Việt Mỹ sẽ không hoàn toàn lý tưởng.

Đài VOA (đêm 18/8) - Bài viết của Nguyễn Quốc Hưng thể hiện quan điểm riêng của tác giả

Để chống lại âm mưu bành trướng trên Biển Đông của Trung Quốc, chỉ cần chút tỉnh táo, hầu như ai cũng nhận thấy Việt Nam chỉ có một con đường duy nhất là liên minh với nhiều nước khác, trong đó có Mỹ, hơn nữa, Mỹ phải là trung tâm của khối liên minh ấy. Nhưng, cũng chỉ cần chút tỉnh táo, chúng ta không thể không phân vân: Một, Mỹ có nhiệt tình giúp Việt Nam hay không. Hai, nếu nhiệt tình, liệu Mỹ có thể thắng được Trung Quốc hay không?

Việc Mỹ có nhiệt tình giúp Việt Nam hay không tùy thuộc vào nhiều yếu tố. Tuy nhiên, điều cần xác định ngay là Mỹ không bắt buộc phải giúp Việt Nam trong trận chiến chống lại Trung Quốc ở Biển Đông. Thành thực mà nói, việc Trung Quốc công bố con đường chín khúc (hoặc con đường lưỡi bò) bao trùm cả Hoàng Sa lẫn Trường Sa và một phần khá lớn lãnh hải Việt Nam chỉ có thể ảnh hưởng trực tiếp đến Việt Nam và một số quốc gia như Malaysia, Philippines và Brunei chứ không ảnh hưởng gì đến Mỹ. Ngày 23/11/2013, Trung Quốc tuyên bố lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên bầu trời biển Hoa Đông, bao trùm khu vực quần đảo Điếu Ngư/Senkaku mà họ và Nhật Bản đang tranh chấp. Nội dung của tuyên bố này là tất cả các máy bay bay ngang qua khu vực ấy đều phải thông báo và chấp hành mệnh lệnh của Trung Quốc. Ngay sau lời tuyên bố của Trung Quốc, Mỹ cho 2 chiếc phản lực cơ chiến đấu bay vào khu vực được gọi là vùng nhận dạng phòng không ấy. Trung Quốc im thin thít. Rồi cả Nhật lẫn Hàn Quốc đều cho máy bay chiến đấu đến vùng đó để tập trận. Mấy tháng sau, Trung Quốc vẫn giữ thái độ im lìm. Dường như họ thấy họ đi quá xa. Một cảnh huống tương tự cũng có thể xảy ra ở Biển Đông, Trung Quốc tuyên bố gì thì tùy họ, nhưng tàu bè của các nước lớn, trong đó có Mỹ, cứ thản nhiên qua lại. Dù sao, đó cũng là biện pháp cuối cùng. Cách tốt nhất vẫn là ngăn chặn ngay từ đầu để Trung Quốc không hợp pháp hóa con đường lưỡi bò ngang ngược ấy. Trong trường hợp này, họ cần đến sự đóng góp của Việt Nam. Dĩ nhiên, với một điều kiện là Việt Nam phải thực sự muốn và có quyết tâm bảo vệ biển và đảo của mình.

Vấn đề thứ hai phức tạp hơn, liệu Mỹ có thể thắng được Trung Quốc trên Biển Đông? Để trả lời câu hỏi ấy, không nên quên sức mạnh của Trung Quốc: Về phương diện kinh tế, Trung Quốc có tổng sản phẩm trong nước (GDP) lớn thứ nhì trên thế giới và theo dự kiến của nhiều nhà kinh tế học, trong vòng 1-2 thập niên tới, Trung Quốc sẽ vượt qua Mỹ về phương diện này. Về quân sự, Trung Quốc là nước chi tiêu cho quốc phòng lớn hàng thứ hai, chỉ sau Mỹ. Về dân số, cứ 1 trong 7 người trên mặt đất là người Tàu.

Hugh White, một chuyên gia về Trung Quốc tại Australia cho rằng chưa bao giờ Mỹ đối đầu với một địch thủ đáng gờm như Trung Quốc. Trong lịch sử, tính từ năm 1880 đến thời gian gần đây, Mỹ có 4 đối thủ chính: Chủ nghĩa dân tộc ở Đức trong Chiến tranh thế giới thứ nhất, chủ nghĩa phátxít Đức trong Chiến tranh thế giới thứ hai, chủ nghĩa Cộng sản trong thời Chiến tranh lạnh và các nhóm Hồi giáo cực đoan trong trận chiến chống khủng bố hiện nay. Trong 4 đối thủ ấy, chỉ có Liên Xô là ít nhiều có thể uy hiếp Mỹ, nhưng chỉ có thể uy hiếp về quân sự; còn về kinh tế và nhiều phương diện khác, Liên Xô đều thua xa Mỹ. Trường hợp của Trung Quốc thì khác: Kinh tế của Trung Quốc lớn hơn hẳn kinh tế của Đức và Nhật thời Chiến tranh thế giới lần thứ hai, việc quản lý kinh tế của họ cũng giỏi hơn hẳn Liên Xô thời chưa sụp đổ. Điểm yếu lớn nhất của Trung Quốc là họ không có đồng minh. Thời Chiến tranh thế giới thứ hai, Đức dù sao cũng có đồng minh (Nhật và Italy). Thời Chiến tranh Lạnh, Liên Xô càng có nhiều đồng minh, còn Trung Quốc hiện nay thì hầu như không có ai cả, hoặc nếu có chỉ một nước duy nhất là Triều Tiên. Về phương diện này, Mỹ có ưu thế hơn hẳn. Trước, trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, Mỹ có 4 đồng minh thân cận nhất là Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines và Australia. Gần đây, trước âm mưu bành trướng của Trung Quốc, khả năng Ấn Độ ngả sang Mỹ là điều rất khả thi (dù giới bình luận còn phân vân vì: Một, Ấn Độ có truyền thống trung lập. Hai, họ bị phân hóa rất trầm trọng về cả phương diện sắc tộc lẫn văn hóa và chính trị).

Trung Quốc có thể khắc phục tình trạng cô đơn của họ bằng hai cách: Một, nâng cấp quyền lực mềm bằng các chính sách ngoại giao văn hóa có hiệu quả (một trong các cách ấy là mở rộng các Viện Khổng Tử ở khắp nơi). Hai, vô hiệu hóa các quốc gia có khả năng chống lại họ. Khả năng thứ nhất, về quyền lực mềm, có lẽ còn lâu lắm may ra Trung Quốc mới có thể thành công. Một trong những điều kiện để phát huy quyền lực mềm là dân chủ, nhưng đó lại là điều Trung Quốc không có. Khả năng thứ hai gần hiện thực hơn, mua chuộc và dùng kinh tế để gây sức ép lên các quốc gia khác, đặc biệt trong khu vực châu Á để họ đừng công khai chống lại Trung Quốc. Chính sách này rõ ràng là có hiệu quả ít nhất đối với khối ASEAN: hầu như không nước nào dám công khai chống lại, thậm chí phê phán Trung Quốc (trừ Philippines).

Tương quan lực lượng giữa Mỹ và Trung Quốc, tuy vẫn nghiêng về phía Mỹ, nhưng Mỹ lại không có sức mạnh áp đảo để có thể tự tin chấp nhận bất cứ một sự đối đầu nào. Một số nhà bình luận chính trị cũng cho một sự đối đầu như thế vừa nguy hiểm vừa khó thắng. Một giải pháp được đề nghị, Mỹ chấp nhận vai trò của Trung Quốc với tư cách một siêu cường và đồng ý san sẻ quyền lực của Trung Quốc, ít nhất, trong khu vực Á châu, đặc biệt ở Đông Á. Một sự thỏa thuận như vậy, nếu được thực hiện, có khi kẻ bị hy sinh đầu tiên là Việt Nam. Chắc chắn Mỹ không thể bỏ Nhật, Hàn Quốc và Australia là những nước đồng minh lâu đời của Mỹ và Mỹ vẫn cần những nước ấy để kiềm chế Trung Quốc.

Nêu lên khả năng trên không phải để chúng ta tuyệt vọng. Nhưng đó là một cách nhắc nhở, Việt Nam không nên cho rằng Mỹ cần mình. Không, để có được một liên minh cần thiết với Mỹ và các nước khác, Việt Nam cần phải cố gắng hết sức. Trong chính trị thế giới thời hiện đại, nếu chúng ta không có nhiệt tình, không ai tự dưng xông vào cứu mình cả.





ASEAN cứng giọng với Trung Quốc về Biển Đông: Thời cơ cho Việt Nam

Đài RFI (đêm 18/8) - Phải chăng các hành động khiêu khích ngày càng dữ tợn của Trung Quốc tại Biển Đông, đặc biệt là đối với Việt Nam với vụ giàn khoan Hải Dương-981, đã bắt đầu khiến cho Khối ASEAN bớt dè dặt hơn trong đối sách nhắm vào Bắc Kinh? 

Câu hỏi này đã được giới quan sát nêu lên sau khi Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN họp lại tại Myanmar ngày 8/8, đã nhất trí thông qua một bản ‘Thông cáo chung’, trong đó vấn đề Biển Đông đã được nêu bật với nhiều chi tiết hơn bình thường cũng như với những từ ngữ khá cứng rắn.

Về lập trường chung của Khối ASEAN đối với vấn đề Biển Đông, đánh giá của giới quan sát dĩ nhiên là không đồng nhất. Có ý kiến cho rằng phản ứng của khối nước Đông Nam Á trước các hành vi quyết đoán của Trung Quốc trên Biển Đông tiếp tục yếu ớt. Lý do là nội bộ ASEAN vẫn chia rẽ, với nhiều nước vì lợi ích riêng tư nên tránh động chạm Bắc Kinh, trong lúc các quốc gia bị Trung Quốc trực tiếp chèn ép lại muốn ASEAN cứng rắn hơn, đặc biệt sau hành động thô bạo của Bắc Kinh với vụ giàn khoan Hải Dương-981. Phóng viên đài RFI đã có cuộc phỏng vấn Giáo sư Ngô Vĩnh Long thuộc Đại học Maine (Hoa Kỳ), một nhà nghiên cứu kỳ cựu về Biển Đông, nội dung như sau:

- Thưa ông, ASEAN vẫn bị tê liệt hay đã tiến bước đối với vấn đề Biển Đông?

+ Điển hình cho những đánh giá về thái độ e ngại Trung Quốc của ASEAN là bài phân tích của nhà báo kỳ cựu Bertil Lintner, được đăng trên chuyên san của mạng YaleGlobal thuộc Trường đại học Mỹ Yale ngày 12/8, theo đó: “Sự tê liệt của ASEAN giúp cho Trung Quốc rảnh tay tại Biển Đông”. Giới phân tích đều ghi nhận rằng tại các hội nghị của ASEAN, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã thẳng thừng bác bỏ đề nghị của Mỹ, đề nghị yêu cầu “đóng băng” các hành vi khiêu khích tại Biển Đông, nhấn chìm kế hoạch hành động ba điểm của Philippines và khẳng định trở lại chủ quyền của Trung Quốc đối với hầu như toàn bộ Biển Đông.

Ngược lại, với dòng ý kiến nêu trên, cũng có nhiều đánh giá cho rằng lần này ASEAN đã có tiến bộ trên vấn đề Biển Đông. Bài phân tích của nhà báo Clint Richards trên báo mạng The Diplomat ngày 11/8 chẳng hạn, đã chạy tựa “Dù Bộ quy tắc ứng xử còn xa vời nhưng ASEAN đã có bước tiến”. Một số tờ báo nhắc lại nguyên văn đánh giá của một số quan chức cao cấp Mỹ ngày 10/8, theo đó Trung Quốc đã bị đẩy lùi nhân Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN.

Dẫu sao vẫn phải công nhận rằng tranh chấp Biển Đông quả là đã gây sóng gió ở các Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN lần này (từ 8 đến 10/8) tại Myanmar, với sự đối đầu Mỹ-Trung. Bằng chứng cho thấy rõ rằng ngay cả sau khi cuộc họp kết thúc, ngày 11/8, Trung Quốc vẫn gay gắt lên tiếng tố cáo Mỹ là kẻ gây rối, buộc Washington phải tố ngược lại rằng chính Bắc Kinh mới là bên gây bất ổn bằng các hành động hung hăng nhắm vào các nước láng giềng.

Sóng gió cũng nổi lên ngay tại Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN. Dấu hiệu nổi cộm nhất là bản ‘Thông cáo chung’ chỉ được công bố ngày 10/8, tức là hai ngày sau khi Hội nghị Ngoại trưởng kết thúc. Trong khoảng thời gian đó, 10 nước được cho là vẫn tiếp tục “đàm phán”, tức là vẫn còn bất đồng về các nội dung cần đưa vào bản Thông cáo.

Theo tiết lộ của hãng tin Nhật Kyodo trong bản tin ngày 10/8, chính theo đề nghị của phía Việt Nam, bản ‘Thông cáo chung’ của ASEAN đã nâng cấp độ mối quan ngại chung của ASEAN về diễn biến gần đây tại Biển Đông, khi đưa từ “serious”, tức là “nghiêm trọng” hay “sâu sắc” vào văn kiện chung. Việc bản dự thảo bỏ qua từ này, cho dù đã có trong bản Tuyên bố riêng về Biển Đông ngày 10/5, cho thấy rõ là trong các thành viên ASEAN vẫn có một số nước còn e ngại, không muốn đụng chạm đến Trung Quốc.



- Brunei, Campuchia, Lào, Myanmar và Thái Lan đều 'sợ' Trung Quốc?

+ Một số nhà ngoại giao thạo tin cũng tiết lộ cho Kyodo biết nước nào trong ASEAN có thái độ e ngại Trung Quốc. Lập trường đó đã được phản ánh qua cuộc tranh cãi về khả năng nhắc đến tranh chấp Nhật-Trung trên vùng biển Hoa Đông trong bản Thông cáo chung của ASEAN.

Dự thảo ban đầu của văn kiện này có đoạn nói về mối quan ngại của ASEAN đối với “những căng thẳng hiện nay ở biển Hoa Đông”, bắt nguồn từ tranh chấp lãnh thổ gay gắt giữa Nhật Bản và Trung Quốc về quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, và kêu gọi các quốc gia liên quan “kiềm chế hành động đơn phương làm gia tăng căng thẳng và thay đổi hiện trạng”.

Thế nhưng toàn bộ đoạn văn này đã bị xóa bỏ trong bản ‘Thông cáo chung’. Theo các nguồn tin trên, có 5 nước là Brunei, Campuchia, Lào, Myanmar và Thái Lan đã yêu cầu xóa bỏ điều khoản này trong phiên bản cuối cùng của bản thông cáo, rõ ràng là vì đã cân nhắc hơn thiệt trong các mối quan hệ của họ với Trung Quốc.

Đối lập với nhóm quốc gia nói trên là Philippines, Singapore và Việt Nam, những nước đã thúc giục ASEAN giữ lại đoạn văn, trong khi hai thành viên còn lại là Indonesia và Malaysia không đưa ra quan điểm gì về vấn đề này.

Dẫu sao, cũng phải công nhận rằng, đối với vấn đề Biển Đông, các Ngoại trưởng ASEAN đã có được sự đồng thuận tương đối, thể hiện rõ rệt trong bản ‘Thông cáo chung’. Nhận xét chung của nhà báo Clint Richards trên báo mạng The Diplomat ngày 11/8 cho rằng ASEAN đã có “bước tiến”.

Tôi cho rằng qua bản Thông cáo chung lần này, các nước ASEAN đã nói rõ: “Nếu tiếp tục gây hấn trên Biển Đông, Trung Quốc sẽ không chỉ gây hấn với Việt Nam mà cả với toàn khu vực và thế giới”, và nhân Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN tại Myanmar vừa qua, đề nghị ‘đóng băng’ các hành vi khiêu khích “không phải chỉ của Mỹ mà là của hầu hết các nước trong khu vực”.

Trong bối cảnh đó, Việt Nam nên thúc đẩy hơn nữa sự cộng tác với các nước ASEAN, Mỹ và các nước đồng minh của Mỹ (như Nhật Bản, Hàn Quốc và Australia), trong việc thực hiện triệt để bản ‘Thông cáo chung’ vừa qua.



- Căn cứ vào bản Thông cáo chung, có thể nói ASEAN đã tỏ ra “cứng rắn” hơn một chút đối với vấn đề Biển Đông hay không?

+ ASEAN có cứng rắn hơn đối với vấn đề Biển Đông vì ‘Thông cáo chung’ được công bố ngày 10/8 này, lần đầu tiên, có 7 điều khoản tương đối chi tiết về Biển Đông. Điều khoản đầu tiên là Điều 149 của Thông cáo chung, khẳng định: “Chúng tôi tiếp tục bày tỏ mối quan ngại sâu sắc về những diễn biến gần đây, làm gia tăng căng thẳng ở Biển Đông, và khẳng định lại tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh biển cũng như tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông”.

Các nước ASEAN không những bày tỏ sự “quan ngại sâu sắc” mà, trong Điều 151, họ còn chỉ trích những “hành động làm phức tạp tình hình và gây phương hại đến hòa bình, ổn định và an ninh ở Biển Đông”. Do đó, điều khoản này yêu cầu “giải quyết tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình, không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực, bao gồm đối thoại thân thiện, tham vấn và thương lượng, phù hợp với các nguyên tắc được công nhận của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước LHQ về Luật Biển 1982 (UNCLOS)”.

Tuy không đề cập đến Trung Quốc, hai điều khoản vừa trích cho ta biết rõ là tất cả các nước ASEAN cho rằng những hành động của Trung Quốc đã làm phương hại đến hòa bình, ổn định và an ninh ở Biển Đông cũng như không phù hợp với các nguyên tắc của luật pháp quốc tế.



- Có yếu tố gì mới hơn trong phần nói về Biển Đông so với các ‘Thông cáo chung’ trước đây hay không? Đặc biệt là so với bản thông cáo riêng về Biển Đông được công bố ít lâu sau sự cố giàn khoan Hải Dương-981?

+ Các bản ‘Thông cáo chung’ trước đây chỉ nói chung chung, và bản ‘Thông cáo chung’ ngày 10/5, sau sự cố Hải Dương-981, chỉ nói đến sự “quan ngại sâu sắc về những diễn biến gần đây” nhưng không đề cập đến “những hành động làm phương hại đến hòa bình” như trong Điều 151 của ‘Thông cáo chung’ lần này. Điều này cho biết nếu Trung Quốc tiếp tục gây hấn trên Biển Đông thì họ sẽ không chỉ gây hấn với Việt Nam mà cả với toàn khu vực và thế giới. Đây là điều mà tôi nghĩ là bản ‘Thông cáo chung’ này đã nói rất rõ. Thêm vào đó, Điều 152 còn nêu đích danh Trung Quốc trong quan hệ với các nước thành viên ASEAN và nhấn mạnh rằng “Chúng tôi nhất trí tăng cường tham vấn với Trung Quốc về các biện pháp và cơ chế nhằm bảo đảm và tăng cường hơn nữa việc thực hiện đầy đủ và hiệu quả DOC một cách tổng thể, nhất là Điều 4 và Điều 5, cũng như đàm phán thực chất để sớm đạt được Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC)”.

Cụm từ “đàm phán thực chất” được lập lại trong Điều 154 khi nói về hai hội nghị bàn về DOC sẽ được tổ chức vào tháng 10/2014 tại Bangkok (Thái Lan). Điều này cũng cho biết Trung Quốc, từ trước đến nay, không chịu đàm phán thực chất, mà là cố tình tránh né. Nay Khối ASEAN và các nước tham dự Hội nghị vừa qua muốn Trung Quốc phải đàm phán đàng hoàng, không tránh né và đàm phán thực chất, nếu không, trong tương lai, ASEAN sẽ phải thay đổi thái độ với Trung Quốc.



- Theo Kyodo, chính Việt Nam đã gây sức ép buộc phải đưa từ “serious” vào bản ‘Thông cáo chung’ của ASEAN. Phải chăng đó là một dấu hiệu cho thấy Việt Nam kiên quyết hơn trong đối sách chống Trung Quốc về vấn đề Biển Đông?

+ Cụm từ “quan ngại sâu sắc” (seriously concerned) đã được nêu ra trong ‘Thông cáo chung’ của các Bộ trưởng ASEAN ngày 10/5 vừa qua. Nhưng vấn đề Việt Nam có cương quyết hơn trong đối sách với Trung Quốc về Biển Đông hay không, còn phải tùy vào những hành động thiết thực của Việt Nam trong thời gian tới là gì?

Ví dụ như, Việt Nam có ủng hộ Philippines trong vấn đề kiện Trung Quốc về đường lưỡi bò hay cùng kiện với Philippines hay không? Nếu không, Việt Nam có tự khởi kiện Trung Quốc về đường lưỡi bò và về việc Trung Quốc đánh chiếm Hoàng Sa và một số đảo ở Trường Sa, để sau đó dùng các vị trí này đe dọa an ninh của Việt Nam nói riêng, và của khu vực và thế giới nói chung hay không? Tôi nghĩ rằng một cụm từ được đưa ra tại một hội nghị, không phản ánh được dấu hiệu là Việt Nam có kiên quyết hơn hay không.



- Mỹ hay Trung Quốc đã thắng tại Hội nghị ASEAN lần này đối với vấn đề Biển Đông?Mỹ tự nhận là mình thắng, còn một số quan sát viên lại cho rằng Trung Quốc đã đẩy lùi được đề nghị của Mỹ muốn đóng băng các hành động khiêu khích.

+ Vấn đề không phải là ai thắng ai thua tại bàn hội nghị mà là ai có những hành động gì để đem lại an ninh và hòa bình cho khu vực và thế giới. Việc “đóng băng” các hành động khiêu khích thực chất chỉ là việc lặp lại Điều 5 của DOC, trong đó có nói: “Các nước thành viên của DOC phải tự kiềm chế những hành động gây phức tạp hay leo thang tranh chấp và làm phương hại đến hòa bình và ổn định, trong đó có việc tự kiềm chế những hoạt động, nhằm tạo cư trú trên những đảo, những cồn cát, và những mỏm đá, v.v..., hiện chưa có người sinh sống”. Do đó, đề nghị “đóng băng” trong hội nghị vừa qua không phải chỉ là của Mỹ, mà là của hầu hết các nước trong khu vực. Ví dụ như Ngoại trưởng Philippines có đưa ra sáng kiến “Kế hoạch hành động 3 bước (TAP) nhằm kiểm soát và giảm căng thẳng ở Biển Đông, nhưng Ngoại trưởng Vương Nghị của Trung Quốc lập tức bác bỏ. Việc bác bỏ này chứng tỏ Trung Quốc thực sự không muốn theo lập trường của mình (đã ghi) trên bản Tuyên bố DOC.

Dù sao đi nữa, Điều 155 của ‘Thông cáo chung’ cũng ghi nhận sáng kiến này của Philippines vì nó phù hợp với Điều 4 và Điều 5 của DOC, cũng như phù hợp với luật pháp quốc tế. Do đó, không hẳn là Trung Quốc đã thắng tại bàn hội nghị. Thêm vào đó, thái độ bất chấp và ngoan cố của Trung Quốc có thể ngày càng làm cho các nước ASEAN thấy cần phải dựa vào thế lực của Mỹ để bảo vệ an ninh chung.

Tôi thấy việc các quan chức Mỹ nào đó tự cho là Mỹ thắng, có thể vì chính bản thân họ vốn là những luật sư hơn là những nhà ngoại giao... Bởi vì, vấn đề của ngoại giao không phải là thắng thua ở bàn hội nghị, không phải chỉ nói suông mà cần được củng cố bằng những hành động thiết thực, nhất là bằng sức mạnh quân sự.

Thành ra, trong khi Việt Nam còn yếu trong lĩnh vực này, thì chẳng hạn Mỹ đã tăng cường quan hệ quân sự với Việt Nam. Vừa qua, Đại tướng Martin Dempsey, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, vừa mới đến thăm Việt Nam, và theo dự kiến, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel cũng sẽ đến thăm Việt Nam cuối năm nay. Vấn đề ở đây là Mỹ sẽ củng cố quan hệ với Việt Nam và các nước trong khu vực. Theo tôi, đây là một việc làm rất cần thiết, cho nên việc vừa mới ra khỏi bàn hội nghị đã nói đến thắng thua là kiểu nói của luật sư hơn là của các nhà ngoại giao.



- Sắp tới đây Việt Nam có thể làm gì?

+ Bản ‘Thông cáo chung’ của ASEAN vẫn còn chung chung, mặc dù đã đưa ra nhiều điều khoản chi tiết hơn các bản thông cáo trước đây. Theo tôi, sắp tới đây, Việt Nam nên thúc đẩy hơn nữa sự cộng tác với các nước ASEAN, đặc biệt là với Mỹ và các đồng minh của Mỹ (như Nhật Bản, Hàn Quốc và Australia) trong việc triển khai và thực hiện triệt để bản Thông cáo chung vừa qua. Công việc triển khai và thực hiện bản thông cáo này là rất quan trọng.

Theo tôi, “khẳng định lại tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh biển cũng như tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông” trong Điều 149 của ‘Thông cáo chung’, cũng như trong tuyên bố của Tướng Martin Dempsey tại Việt Nam, là chiều hướng chung của toàn khu vực và Mỹ. Do vậy, việc chỉ chú trọng đến tranh chấp chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa là không đúng hướng.

Nội dung của Điều 149 cũng là chính sách của Mỹ từ trước đến nay, do đó, Mỹ có thể giúp điều phối hoạt động của các nước trong khu vực khi trấn an và đối phó với Trung Quốc. Nếu Trung Quốc tiếp tục thách thức và không chịu dàn xếp ổn thỏa qua thương lượng thì Việt Nam nên khởi kiện Trung Quốc và vận động các nước đề cập trên, cũng như cộng đồng thế giới, ủng hộ Việt Nam trong việc làm thiết thực này.

Tóm lại, bản ‘Thông cáo chung’ là một bước đầu tích cực, nhưng bước đầu này cần phải được triển khai và thực hiện triệt để. Vai trò của Việt Nam trong việc này là rất quan trọng. Nếu Việt Nam không lên tiếng mạnh mẽ thì các nước khác trong khu vực cũng như Mỹ, một nước ở rất xa, sẽ rất khó vận động được quần chúng của họ ủng hộ cho Việt Nam và các nước khác trong khu vực.




  1. VẤN ĐỀ BIỂN ĐÔNG VÀ BIỂN ĐÔNG BẮC Á


Trung Quốc dùng tàu cá làm lực lượng bành trướng chủ quyền ở Biển Đông

Каталог: images -> detail
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna) Trụ sở : 5 Lý Thường Kiệt Hà Nội, Việt Nam
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna) Trụ sở : 5 Lý Thường Kiệt Hà Nội, Việt Nam
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna) Trụ sở : 5 Lý Thường Kiệt Hà Nội, Việt Nam
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna)
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna) Trụ sở : 79 Lý Thường Kiệt Hà Nội, Việt Nam
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna) Trụ sở : 79 Lý Thường Kiệt Hà Nội, Việt Nam
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna)
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna) Trụ sở : 5 Lý Thường Kiệt Hà Nội, Việt Nam
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna)
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna) Trụ sở : 5 Lý Thường Kiệt Hà Nội, Việt Nam

tải về 213.13 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
  1   2   3   4   5




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương