Thông tư số 204/2015/tt-btc ngày 21/12/2015 của Bộ Tài chính quy định về áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý thuế


Điều 12. Thu thập thông tin liên quan đến quản lý thuế từ nước ngoài



tải về 261.35 Kb.
trang2/3
Chuyển đổi dữ liệu06.08.2016
Kích261.35 Kb.
#14486
1   2   3

Điều 12. Thu thập thông tin liên quan đến quản lý thuế từ nước ngoài

1. Việc thu thập thông tin ở nước ngoài phục vụ quản lý nhà nước về thuế được thực hiện theo Luật Quản lý thuế số 78/2006/QH11 ngày 29 tháng 11 năm 2006, Luật số 21/2012/QH13 ngày 20 tháng 11 năm 2012 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn thi hành; bảo đảm tuân thủ các quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật Nhà nước.

2. Nguồn thông tin thu thập từ nước ngoài bao gồm:

a) Cơ quan thuế, các cơ quan quản lý khác của nước ký kết và vùng lãnh thổ cung cấp theo hiệp định tránh đánh thuế hai lần và các hiệp định hợp tác trao đổi, cung cấp thông tin mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết với các quốc gia và vùng lãnh thổ;

b) Các tổ chức quốc tế có liên quan cung cấp theo điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên;

c) Nhà sản xuất hàng hóa, người thực hiện xuất khẩu, nhập khẩu cung cấp theo đề nghị của cơ quan thuế được thực hiện theo điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên;

d) Tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ thông tin ở nước ngoài theo quy định của điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên;

đ) Các nguồn chính thức khác theo quy định của pháp luật.

3. Các hình thức thu thập, trao đổi, cung cấp thông tin:

a) Trao đổi, cung cấp thông tin dưới hình thức văn bản, fax, tài liệu giấy, thư điện tử hoặc chuyển giao dữ liệu;

b) Chia sẻ qua hệ thống dữ liệu điện tử của cơ quan thuế các nước và kết nối chia sẻ thông tin qua hệ thống thông tin với nước ngoài (trong trường hợp có điều ước quốc tế được ký kết giữa hai quốc gia);

c) Trao đổi dưới các hình thức: cử đại diện làm việc, xác minh, thu thập tài liệu, tổ chức hội thảo và các hình thức khác.



Điều 13. Quản lý thông tin hồ sơ người nộp thuế

1. Hồ sơ người nộp thuế là tập hợp thông tin về thành lập, đăng ký kinh doanh, đăng ký thuế, tình hình sản xuất kinh doanh, Báo cáo tài chính, các hồ sơ khai thuế, các báo cáo quản lý ấn chỉ thuế, quá trình tuân thủ pháp luật thuế và quy định của pháp luật có liên quan; kết quả nghiệp vụ quản lý của cơ quan thuế và các thông tin khác liên quan đến người nộp thuế.

Tổng cục Thuế xây dựng, quản lý tập trung hệ thống thông tin hồ sơ người nộp thuế trên hệ thống để phục vụ việc tích hợp, cập nhật thông tin, đánh giá tuân thủ pháp luật, đánh giá rủi ro và áp dụng các chế độ chính sách quản lý thuế phù hợp.

2. Hồ sơ người nộp thuế được xây dựng, áp dụng phù hợp với yêu cầu nghiệp vụ thuế trong từng thời kỳ, bao gồm:

a) Hồ sơ người nộp thuế;

b) Hồ sơ của các đối tượng khác có liên quan đến hoạt động của người nộp thuế;

c) Hồ sơ đại lý thuế.

3. Tổng cục Thuế ban hành quy định áp dụng bộ chỉ tiêu thông tin, xây dựng hệ thống thông tin và tổ chức thu thập, cập nhật, quản lý, ứng dụng hồ sơ người nộp thuế theo nguyên tắc: Thực hiện điện tử hóa, số hóa các chứng từ; tự động cập nhật hệ thống khi tác nghiệp; thực hiện tác nghiệp trên cơ sở hệ thống cơ sở dữ liệu về người nộp thuế.



Điều 14. Quản lý thông tin vi phạm pháp luật của người nộp thuế

1. Cơ quan thuế quản lý tập trung thông tin vi phạm pháp luật của người nộp thuế trên hệ thống thông tin nghiệp vụ để phục vụ tích hợp, cập nhật thông tin, phân tích, đánh giá rủi ro, đánh giá tuân thủ pháp luật thuế; thống kê, phân tích xu hướng vi phạm pháp luật thuế và đáp ứng yêu cầu của các hoạt động nghiệp vụ khác trong quản lý thuế đối với người nộp thuế.

2. Thông tin vi phạm pháp luật của người nộp thuế bao gồm: thông tin về các hành vi vi phạm pháp luật xảy ra trong lĩnh vực quản lý thuế và thông tin vi phạm pháp luật trên các lĩnh vực kế toán, thống kê do cơ quan thuế hoặc các cơ quan chức năng khác phát hiện, xử lý, cụ thể:

a) Thông tin vi phạm pháp luật của người nộp thuế do cơ quan thuế phát hiện, xử lý được quản lý theo hồ sơ vụ việc vi phạm, được cập nhật vào hệ thống theo biểu mẫu hồ sơ điện tử. Quá trình cập nhật từ thời điểm xác lập hành vi vi phạm hoặc hành vi có nguy cơ vi phạm pháp luật thuế cho đến khi hoàn thành việc xử lý vụ việc vi phạm.

b) Thông tin vi phạm pháp luật do các cơ quan chức năng khác phát hiện, xử lý được thu thập, cập nhật hệ thống thông tin theo Điều 10, Điều 11 Thông tư này và Quy chế phối hợp giữa cơ quan thuế với các cơ quan chức năng khác.

3. Công chức thuế trong khi thực hiện nhiệm vụ nếu phát hiện hành vi vi phạm pháp luật thuế phải tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật và tiến hành nhập thông tin về hành vi vi phạm vào hệ thống thông tin nghiệp vụ trong vòng 24 giờ kể từ khi ban hành quyết định xử lý vi phạm hành chính.

4. Đơn vị, công chức thuộc các bộ phận chức năng nghiệp vụ tại cơ quan thuế các cấp có trách nhiệm:

a) Theo dõi, kiểm tra, hướng dẫn nhằm đảm bảo việc cập nhật thông tin vi phạm pháp luật trên hệ thống được đầy đủ, chính xác, kịp thời;

b) Định kỳ hàng quý, phân tích, tổng hợp, báo cáo về tình hình, xu hướng vi phạm pháp luật thuế; phân tích, đánh giá tuân thủ pháp luật của người nộp thuế;

c) Khai thác, ứng dụng thông tin vi phạm để đáp ứng yêu cầu của các hoạt động nghiệp vụ thuế.

5. Tổng cục Thuế quy định, hướng dẫn cụ thể việc thu thập, quản lý, ứng dụng thông tin vi phạm pháp luật của người nộp thuế theo quy định tại điều 14 Thông tư này.

Điều 15. Ban hành bộ tiêu chí, bộ chỉ số phục vụ quản lý rủi ro

1. Tổng cục Thuế căn cứ tình hình thực tế để xây dựng, trình Bộ Tài chính ban hành các bộ tiêu chí đánh giá tuân thủ pháp luật thuế, đánh giá rủi ro về người nộp thuế đáp ứng yêu cầu quản lý thuế trong từng thời kỳ và phù hợp với các quy định của pháp luật thuế, các chính sách quản lý nhà nước hiện hành, bao gồm:

- Tiêu chí đánh giá tuân thủ pháp luật thuế đối với người nộp thuế;

- Tiêu chí đánh giá xếp hạng mức độ rủi ro đối với người nộp thuế;

- Tiêu chí lựa chọn trường hợp kiểm tra về đăng ký thuế;

- Tiêu chí lựa chọn hồ sơ khai thuế kiểm tra tại trụ sở cơ quan quản lý thuế;

- Tiêu chí phân loại giải quyết hồ sơ hoàn thuế và lựa chọn đối tượng hồ sơ có dấu hiệu rủi ro để bổ sung kế hoạch kiểm tra, thanh tra sau hoàn thuế;

- Tiêu chí lựa chọn đối tượng người nộp thuế có dấu hiệu rủi ro để xây dựng kế hoạch kiểm tra, thanh tra tại trụ sở người nộp thuế;

- Tiêu chí quản lý theo dõi thu nợ thuế và áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế;

- Tiêu chí xác định mức độ rủi ro để thực hiện chế độ quản lý, sử dụng hóa đơn, chứng từ theo quy định pháp luật và xác định trường hợp người nộp thuế có dấu hiệu rủi ro để bổ sung kế hoạch kiểm tra, thanh tra về tạo, in, phát hành, quản lý, sử dụng hóa đơn, ấn chỉ thuế.

2. Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế xây dựng, trình Bộ Tài chính ban hành các bộ chỉ số đánh giá tuân thủ pháp luật thuế, đánh giá rủi ro về người nộp thuế đáp ứng yêu cầu quản lý thuế trong từng thời kỳ và phù hợp với các quy định của pháp luật thuế, các chính sách quản lý nhà nước hiện hành, bao gồm:

- Chỉ số đánh giá tuân thủ pháp luật thuế của người nộp thuế;

- Chỉ số đánh giá xếp hạng mức độ rủi ro của người nộp thuế;

- Chỉ số lựa chọn trường hợp kiểm tra về đăng ký thuế;

- Chỉ số lựa chọn hồ sơ khai thuế kiểm tra tại trụ sở cơ quan quản lý thuế;

- Chỉ số phân loại giải quyết hồ sơ hoàn thuế và lựa chọn đối tượng hồ sơ có dấu hiệu rủi ro để bổ sung kế hoạch kiểm tra, thanh tra sau hoàn thuế;

- Chỉ số lựa chọn đối tượng người nộp thuế có dấu hiệu rủi ro để xây dựng kế hoạch kiểm tra, thanh tra tại trụ sở người nộp thuế;

- Chỉ số quản lý theo dõi thu nợ thuế và áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế;

- Chỉ số xác định mức độ rủi ro để thực hiện chế độ quản lý, sử dụng hóa đơn, chứng từ theo quy định pháp luật và xác định trường hợp người nộp thuế có dấu hiệu rủi ro để bổ sung kế hoạch kiểm tra, thanh tra về tạo, in, phát hành, quản lý, sử dụng hóa đơn, ấn chỉ thuế.

Điều 16. Đánh giá tuân thủ pháp luật thuế đối với người nộp thuế

1. Cơ quan thuế thực hiện đánh giá tuân thủ pháp luật thuế đối với người nộp thuế đang hoạt động để áp dụng các biện pháp quản lý thuế và các biện pháp nghiệp vụ cần thiết khác trong quản lý thuế đối với người nộp thuế.

2. Việc đánh giá tuân thủ pháp luật thuế đối với người nộp thuế được thực hiện trên hệ thống thông tin nghiệp vụ, hệ thống tự động đánh giá căn cứ các điều kiện tại khoản 3 Điều 16 Thông tư này để phân loại người nộp thuế tuân thủ pháp luật thuế theo ba (03) loại dưới đây:

a) Loại 1. Người nộp thuế tuân thủ pháp luật thuế tốt (sau đây gọi là người nộp thuế tuân thủ tốt);

b) Loại 2. Người nộp thuế tuân thủ pháp luật thuế ở mức độ trung bình (sau đây gọi là người nộp thuế tuân thủ trung bình);

c) Loại 3. Người nộp thuế tuân thủ pháp luật thuế ở mức độ thấp (sau đây gọi là người nộp thuế tuân thủ thấp).

3. Điều kiện đánh giá người nộp thuế tuân thủ pháp luật thuế.

a) Người nộp thuế được đánh giá là người nộp thuế tuân thủ tốt phải đáp ứng tất cả các điều kiện:

a.1) Đang hoạt động và thực hiện đầy đủ, đúng hạn việc kê khai và chấp hành nộp các loại thuế phát sinh theo quy định; số thuế nộp phù hợp quy mô, lĩnh vực đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp. Chấp hành tốt chế độ quản lý, sử dụng ấn chỉ thuế trong thời gian hai (02) năm trở về trước tính đến ngày đánh giá.

a.2) Tỷ trọng nộp các loại thuế liên quan đến sản xuất kinh doanh (thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp...) trên doanh số, đạt trên mức trung bình so với mức trung bình của các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh cùng lĩnh vực, ngành nghề.

a. 3) Trong thời gian hai (02) năm liên tục trở về trước tính đến ngày đánh giá không bị một trong các hình thức xử lý vi phạm sau:

- Không bị xử phạt vi phạm hành chính về thuế, ấn chỉ thuế với tổng mức phạt tiền vượt thẩm quyền xử phạt đối với hành vi vi phạm về thủ tục thuế của Chi cục trưởng Chi cục Thuế theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính về thuế.

- Không bị các cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính về các hành vi trốn thuế, gian lận thuế.

- Không bị cơ quan thuế xử lý hành chính về hành vi không chấp hành quyết định kiểm tra, thanh tra thuế, cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế.

- Không bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền qua thanh tra, kiểm tra, quản lý giám sát đánh giá không tuân thủ pháp luật về kế toán, thống kê Tài chính doanh nghiệp.

- Không bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền qua thanh tra, kiểm tra, quản lý giám sát đánh giá không tuân thủ pháp luật thuế, pháp luật hải quan.

- Không có vụ việc vi phạm bị khởi tố vụ án, người đại diện hợp pháp của người nộp thuế không bị khởi tố bị can về các hành vi vi phạm về thuế.

a.4) Không nợ thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt; các khoản phí, lệ phí thuộc ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật về phí và lệ phí; các khoản thu thuộc ngân sách nhà nước theo quy định của Luật đất đai do cơ quan thuế quản lý thu; các khoản thu khác thuộc ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật; trừ số tiền thuế nợ được gia hạn theo quy định pháp luật chưa hết thời gian gia hạn nộp tại thời điểm đánh giá.

b) Người nộp thuế được đánh giá là người nộp thuế tuân thủ trung bình là người nộp thuế không thuộc các trường hợp quy định tại điểm a và điểm c khoản 3 Điều 16 Thông tư này.

c) Người nộp thuế bị đánh giá là người nộp thuế tuân thủ thấp thuộc một trong các trường hợp dưới đây:

c.1) Tính đến thời điểm đánh giá thuộc một trong các trường hợp dưới đây:

- Chưa kê khai, nộp hồ sơ khai thuế và nộp thuế đầy đủ, đúng hạn ít nhất 01/3 (một phần ba) số tờ khai theo quy định trong vòng thời gian 12 tháng;

- Các kỳ kê khai âm về thuế giá trị gia tăng liên tục trên mức trung bình so với bình quân chung của các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh cùng lĩnh vực, ngành nghề;

- Có số lỗ lũy kế vượt quá 50% (năm mươi phần trăm) vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp tính đến thời điểm đánh giá;

- Người nộp thuế thuộc trường hợp bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế, nợ tiền chậm nộp, tiền phạt, phí, lệ phí hoặc các khoản thu khác phải nộp ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật.

c.2) Trong thời gian 02 (hai) năm liên tục trở về trước tính đến ngày đánh giá; hoặc từ ngày thành lập đến ngày đánh giá đối với NNT thành lập chưa tròn 02 (hai) năm thuộc một trong các trường hợp dưới đây:

- Hai (02) lần trở lên bị xử phạt vi phạm hành chính về thuế, ấn chỉ thuế với tổng mức phạt tiền vượt thẩm quyền xử phạt đối với hành vi vi phạm về thủ tục thuế của Chi cục trưởng Chi cục Thuế theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính về thuế.

- Bị các cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính về các hành vi trốn thuế, gian lận thuế; hoặc bị xử phạt vi phạm trong lĩnh vực kế toán.

- Bị cơ quan thuế xử lý hành chính về hành vi không chấp hành quyết định kiểm tra, thanh tra thuế, cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế.

- Có hành vi vi phạm pháp luật hình sự, bị khởi tố, điều tra.

- Bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền qua thanh tra, kiểm tra, quản lý, giám sát đánh giá không tuân thủ pháp luật thuế, pháp luật hải quan.

c.3) Có hành vi sử dụng ấn chỉ thuế bất hợp pháp hoặc sử dụng bất hợp pháp ấn chỉ thuế.

4. Tổng cục Thuế có trách nhiệm:

a) Xây dựng hệ thống thông tin nghiệp vụ, hệ thống cơ sở dữ liệu về người nộp thuế, tự động phục vụ cho cơ quan thuế các cấp trong việc đánh giá tuân thủ pháp luật đối với người nộp thuế.

b) Hướng dẫn áp dụng thống nhất điều kiện đánh giá tuân thủ pháp luật đối với người nộp thuế tại khoản 3 Điều 16 Thông tư này.

c) Quy định kỳ đánh giá tuân thủ pháp luật thuế đối với người nộp thuế.

d) Chỉ đạo, hướng dẫn cơ quan thuế các cấp trong việc thu thập, cập nhật thông tin, đảm bảo việc đánh giá tuân thủ pháp luật đối với người nộp thuế.

Điều 17. Đánh giá xếp hạng mức độ rủi ro của người nộp thuế trong quản lý thuế

1. Người nộp thuế trong quản lý thuế được đánh giá xếp hạng mức độ rủi ro, bao gồm:

a) Hạng 1: Người nộp thuế rủi ro rất thấp;

b) Hạng 2: Người nộp thuế rủi ro thấp;

c) Hạng 3: Người nộp thuế rủi ro trung bình;

d) Hạng 4: Người nộp thuế rủi ro cao;

đ) Hạng 5: Người nộp thuế rủi ro rất cao;

e) Hạng 6: Người nộp thuế có thời gian hoạt động dưới 12 tháng.

2. Cơ quan thuế các cấp thu thập thông tin, ứng dụng bộ tiêu chí nêu tại Điều 15 Thông tư này, hệ thống thông tin nghiệp vụ và đánh giá tuân thủ pháp luật thuế đối với người nộp thuế theo quy định tại khoản 2 Điều 16 Thông tư này để đánh giá, xếp hạng mức độ rủi ro của người nộp thuế.

3. Kết quả đánh giá, xếp hạng mức độ rủi ro của người nộp thuế được cung cấp, làm cơ sở cho việc quyết định áp dụng các biện pháp kiểm tra, thanh tra, giám sát đối với người nộp thuế có rủi ro cao hoặc áp dụng các biện pháp nghiệp vụ khác trong quản lý thuế đối với các nội dung quy định tại Điều 6 Thông tư này.

4. Tổng cục Thuế có trách nhiệm:

a) Xây dựng, ban hành quy trình nghiệp vụ và quy định trách nhiệm cụ thể của cơ quan thuế các cấp trong việc thu thập thông tin, đánh giá xếp hạng mức độ rủi ro đối với người nộp thuế.

b) Định kỳ đánh giá xếp hạng mức độ rủi ro; thực hiện cập nhật về danh sách người nộp thuế vi phạm pháp luật thuế; danh sách nợ thuế, danh sách nợ thuế ở mức công khai; danh sách doanh nghiệp thuộc loại rủi ro cao vi phạm pháp luật về thuế thực hiện mua hóa đơn do cơ quan thuế phát hành.

c) Căn cứ vào số lượng người nộp thuế hoạt động do cơ quan thuế các cấp quản lý để lập danh sách người nộp thuế thuộc diện đánh giá xếp hạng phù hợp với điều kiện, khả năng của từng cơ quan thuế.



Điều 18. Quản lý rủi ro đối với người nộp thuế giải thể, phá sản, bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Giấy chứng nhận đầu tư hoặc Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, ngừng hoạt động, tạm ngừng hoạt động

1. Tổng cục Thuế xây dựng cơ sở dữ liệu điện tử, cập nhật về người nộp thuế chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự; người nộp thuế đã giải thể, phá sản, đã bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Giấy chứng nhận đầu tư hoặc Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và đã chấm dứt hiệu lực mã số thuế theo quy định của pháp luật thuế theo xác nhận của cơ quan thuế hoặc các cơ quan chức năng khác.

2. Tổng cục Thuế xây dựng cơ sở dữ liệu điện tử, cập nhật về người nộp thuế tạm ngừng hoạt động, ngừng hoạt động nhưng chưa chấm dứt hiệu lực mã số thuế theo quy định của pháp luật thuế; cơ quan thuế vẫn phải thực hiện đánh giá tuân thủ pháp luật, đánh giá xếp hạng mức độ rủi ro đối với đối tượng này.

Điều 19. Lập, quản lý danh sách người nộp thuế rủi ro theo các nghiệp vụ quản lý thuế

1. Tổng cục Thuế sử dụng các bộ tiêu chí tại Điều 15 Thông tư này, sử dụng kết quả xếp hạng mức độ rủi ro của người nộp thuế tại Điều 17 và hệ thống thông tin nghiệp vụ để phân luồng, lập, quản lý danh sách người nộp thuế rủi ro theo từng nghiệp vụ quản lý thuế trong từng thời kỳ, gồm:

a) Danh sách trường hợp kiểm tra về đăng ký thuế;

b) Danh sách trường hợp kiểm tra hồ sơ khai thuế tại trụ sở cơ quan quản lý thuế;

c) Danh sách phân loại người nộp thuế trong giải quyết hồ sơ hoàn thuế và lựa chọn đối tượng hồ sơ có dấu hiệu rủi ro để bổ sung kế hoạch kiểm tra, thanh tra sau hoàn thuế;

d) Danh sách trường hợp lựa chọn kiểm tra, thanh tra tại trụ sở người nộp thuế;

đ) Danh sách trường hợp quản lý theo dõi thu nợ thuế và trường hợp áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế;

e) Danh sách người nộp thuế rủi ro phải sử dụng hóa đơn do cơ quan thuế tạo theo quy định của Bộ Tài chính (như hóa đơn đặt in hoặc hóa đơn điện tử có mã xác thực của cơ quan thuế) và trường hợp người nộp thuế có dấu hiệu rủi ro để bổ sung kế hoạch kiểm tra, thanh tra về tạo, in, phát hành, quản lý, sử dụng hóa đơn, ấn chỉ thuế.

2. Tổng cục Thuế lập danh sách cụ thể theo các trường hợp nêu tại khoản 1 Điều 19 Thông tư này về người nộp thuế từ hệ thống thông tin nghiệp vụ trình Thủ trưởng cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, kể cả danh sách cần bổ sung, điều chỉnh trong từng thời kỳ (nếu có). Thông tin về người nộp thuế theo danh sách các trường hợp nêu tại khoản 1 Điều 19 Thông tư này, bao gồm:

a) Tên người nộp thuế hoặc đại diện hợp pháp của người nộp thuế, mã số thuế, địa chỉ của người nộp thuế, ngành nghề kinh doanh chính;

b) Xếp hạng mức độ rủi ro theo khoản 1 Điều 17 Thông tư này;

c) Các thông tin khác liên quan đến người nộp thuế.

3. Danh sách người nộp thuế rủi ro theo các trường hợp nêu tại khoản 1 Điều 19 Thông tư này được cập nhật trên hệ thống thông tin nghiệp vụ của ngành thuế. Cơ quan thuế các cấp có trách nhiệm tổng hợp, cập nhật, quản lý danh sách người nộp thuế rủi ro toàn ngành, phục vụ cho công tác quản lý thuế trong toàn ngành thuế.

4. Tổng cục Thuế quy định chi tiết định kỳ việc đánh giá, lập danh sách người nộp thuế rủi ro theo các trường hợp nêu tại khoản 1 Điều 19 Thông tư này để xác định trọng điểm trong công tác quản lý thuế đáp ứng yêu cầu quản lý thuế trong từng thời kỳ.



Điều 20. Giám sát trọng điểm đối với người nộp thuế có dấu hiệu vi phạm pháp luật thuế

1. Người nộp thuế thuộc trường hợp giám sát trọng điểm về thuế là người nộp thuế có một trong các dấu hiệu sau:

a) Người nộp thuế thực hiện các giao dịch qua ngân hàng có dấu hiệu đáng ngờ theo quy định của pháp luật về phòng, chống rửa tiền có liên quan đến trốn thuế, gian lận thuế.

b) Người nộp thuế hoặc Người đại diện hợp pháp của người nộp thuế bị khởi tố về các hành vi vi phạm về thuế, ấn chỉ thuế.

c) Người nộp thuế có dấu hiệu rủi ro cao về thuế thuộc chuyên đề trọng điểm cần giám sát quản lý thuế.

2. Cơ quan thuế các cấp sử dụng ứng dụng hệ thống thông tin nghiệp vụ về các đối tượng tại khoản 1 Điều 20 Thông tư này để thực hiện các biện pháp nghiệp vụ quản lý thuế theo quy định.

3. Cơ quan thuế các cấp có trách nhiệm theo dõi, giám sát, áp dụng các biện pháp nghiệp vụ quản lý thuế phù hợp với từng trường hợp tại khoản 1 Điều 20 Thông tư này.

4. Cập nhật kết quả và phản hồi:

a) Cục Thuế tổng hợp, cập nhật kết quả áp dụng các biện pháp nghiệp vụ đối với từng trường hợp cụ thể báo cáo về Tổng cục Thuế.

b) Tổng cục Thuế tổng hợp, phân tích để đưa ra cảnh báo rủi ro trong công tác quản lý thuế đối với toàn bộ cơ quan thuế các cấp.

5. Tổng cục Thuế quy định cụ thể việc thu thập, phân tích thông tin, xác định trọng điểm giám sát, biện pháp giám sát phù hợp với quy định của pháp luật trong từng thời kỳ.

Mục 2. ÁP DỤNG QUẢN LÝ RỦI RO TRONG CÁC NGHIỆP VỤ QUẢN LÝ THUẾ

Điều 21. Áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý thuế về đăng ký thuế

1. Cơ quan thuế tổ chức tiếp nhận hồ sơ đăng ký thuế đối với hồ sơ nhận trực tiếp tại cơ quan thuế và hồ sơ do cơ quan đăng ký kinh doanh chuyển đến trên hệ thống kết nối thông tin với cơ quan đăng ký kinh doanh, căn cứ phân luồng của hệ thống cơ sở dữ liệu thông tin nghiệp vụ về trường hợp kiểm tra về đăng ký thuế tại Điều 19 Thông tư này để áp dụng biện pháp phù hợp trong giải quyết, xử lý hoặc phối hợp với cơ quan đăng ký kinh doanh giải quyết, xử lý theo quy định của pháp luật đăng ký kinh doanh, đăng ký thuế:

a) Đối với hồ sơ người nộp thuế mới thành lập thực hiện đăng ký thuế/ đăng ký doanh nghiệp lần đầu; hồ sơ thay đổi thông tin đăng ký thuế/đăng ký doanh nghiệp hoặc hồ sơ đăng ký tạm ngừng kinh doanh: Tự động cấp MST/MSDN cho người nộp thuế mới thành lập; chấp nhận hồ sơ thay đổi thông tin hoặc hồ sơ đăng ký tạm ngừng kinh doanh theo quy định hiện hành về đăng ký thuế và đăng ký kinh doanh. Đồng thời, căn cứ danh sách trường hợp kiểm tra về đăng ký thuế tại Điều 19 Thông tư này để thực hiện kiểm tra hoặc phối hợp với cơ quan đăng ký kinh doanh và các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan thực hiện kiểm tra theo quy định pháp luật hiện hành.

b) Đối với hồ sơ đăng ký giải thể, phá sản hoặc ngừng hoạt động:

- Thực hiện cập nhật trạng thái giải thể, phá sản hoặc ngừng hoạt động trên hệ thống ứng dụng đăng ký thuế đối với các trường hợp đã hoàn thành nghĩa vụ về thuế theo quy định;

- Yêu cầu người nộp thuế hoặc gửi thông báo cho cơ quan đăng ký kinh doanh thông báo yêu cầu người nộp thuế hoàn thành nghĩa vụ về thuế trước khi giải thể, phá sản, ngừng hoạt động.

Đồng thời, căn cứ danh sách trường hợp kiểm tra về đăng ký thuế tại Điều 19 Thông tư này để kiểm tra hoặc phối hợp với cơ quan đăng ký kinh doanh và các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan thực hiện kiểm tra theo quy định pháp luật hiện hành.

2. Cập nhật, phản hồi kết quả:

Cán bộ thuế giải quyết hồ sơ đăng ký thuế trên hệ thống cơ sở dữ liệu về người nộp thuế theo phương thức điện tử; trường hợp còn thực hiện theo phương thức giấy, cơ quan thuế phải thực hiện cập nhật đầy đủ, chính xác biện pháp xử lý, kết quả kiểm tra vào hệ thống thông tin nghiệp vụ đối với từng trường hợp cụ thể để phục vụ việc quản lý rủi ro, đánh giá tuân thủ pháp luật thuế của người nộp thuế.

Điều 22. Áp dụng quản lý rủi ro trong kiểm tra hồ sơ khai thuế tại trụ sở cơ quan quản lý thuế

1. Cơ quan thuế áp dụng quản lý rủi ro trong kiểm tra hồ sơ khai thuế tại trụ sở cơ quan quản lý thuế đối với người nộp thuế có đăng ký thuế nhưng thực hiện khai thuế không đầy đủ; người nộp thuế có sản xuất kinh doanh thực hiện khai thuế không đầy đủ, đúng hạn.

2. Cơ quan thuế tiếp nhận hồ sơ khai thuế, căn cứ phân luồng của hệ thống cơ sở dữ liệu thông tin nghiệp vụ về danh sách trường hợp người nộp thuế kiểm tra hồ sơ khai thuế tại trụ sở cơ quan quản lý thuế tại Điều 19 Thông tư này và cảnh báo của hệ thống về thông tin cần kiểm tra trên hồ sơ khai thuế của người nộp thuế để áp dụng biện pháp phù hợp trong giải quyết, xử lý hồ sơ khai thuế:

- Đối với người nộp thuế không thuộc danh sách trường hợp kiểm tra tại trụ sở cơ quan quản lý thuế, chưa phát hiện rủi ro, chưa có dấu hiệu vi phạm thì lưu hồ sơ theo dõi;

- Đối với trường hợp người nộp thuế thuộc danh sách trường hợp kiểm tra tại trụ sở cơ quan quản lý thuế thực hiện kiểm tra hồ sơ khai thuế, đề nghị người nộp thuế giải trình hoặc bổ sung thông tin.

3. Việc kiểm tra hồ sơ khai thuế tại trụ sở cơ quan quản lý thuế được thực hiện theo quy định của Điều 77 Luật Quản lý thuế và khoản 1, khoản 2 Điều 1 Luật số 21/2012/QH13 ngày 20 tháng 11 năm 2012 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế. Trong quá trình kiểm tra hồ sơ khai thuế, cơ quan thuế sử dụng dữ liệu thông tin của người nộp thuế đã được cập nhật vào hệ thống cơ sở dữ liệu thông tin nghiệp vụ quản lý thuế và các thông tin liên quan đến người nộp thuế (nếu có) để thực hiện kiểm tra hồ sơ khai thuế.

4. Cập nhật, phản hồi kết quả kiểm tra:

Cơ quan thuế khi kiểm tra hồ sơ khai thuế tại trụ sở cơ quan thuế đối với người nộp thuế nêu tại khoản 2 Điều 22 Thông tư này, ngay sau khi kết thúc việc kiểm tra phải thực hiện cập nhật đầy đủ, chính xác kết quả kiểm tra vào hệ thống cơ sở dữ liệu thông tin nghiệp vụ đối với từng trường hợp cụ thể để phục vụ việc quản lý rủi ro, đánh giá tuân thủ pháp luật thuế của người nộp thuế.




tải về 261.35 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương