Thông tư số 01/2016/tt-bgtvt ngày 01/02/2016 của Bộ Giao thông vận tải quy định chi tiết chương trình an ninh hàng không và kiểm soát chất lượng an ninh hàng không Việt Nam


Điều 30. Quản lý, lưu trữ hồ sơ thẻ, giấy phép kiểm soát an ninh hàng không



tải về 1.13 Mb.
trang3/15
Chuyển đổi dữ liệu07.07.2016
Kích1.13 Mb.
#280
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   15
Điều 30. Quản lý, lưu trữ hồ sơ thẻ, giấy phép kiểm soát an ninh hàng không

1. Hồ sơ cấp thẻ, giấy phép phải được lưu trữ, tiêu hủy theo quy định của pháp luật về lưu trữ.

2. Tại nơi cấp thẻ, giấy phép phải niêm yết quy định về hồ sơ và quy trình cấp thẻ, giấy phép kiểm soát an ninh hàng không, thông báo trường hợp bất khả kháng ảnh hưởng đến thủ tục cấp thẻ, giấy phép.

3. Cục Hàng không Việt Nam hướng dẫn cụ thể về công tác quản lý và quy trình, biểu mẫu có liên quan trong việc tiếp nhận hồ sơ, tổ chức thẩm định, cấp thẻ, giấy phép kiểm soát an ninh cảng hàng không, sân bay và chỉ đạo tổ chức thực hiện.

Điều 31. Thẩm định và giải trình trong việc cấp thẻ, giấy phép kiểm soát an ninh cảng hàng không, sân bay

1. Cơ quan cấp thẻ, giấy phép chịu trách nhiệm thẩm định hồ sơ và các nội dung sau đây để cấp thẻ, giấy phép:

a) Đối tượng cấp thẻ, giấy phép;

b) Điều kiện cấp thẻ, giấy phép;

c) Phạm vi cấp thẻ, giấy phép;

d) Thời hạn cấp thẻ, giấy phép;

đ) Cảng hàng không, khu vực hạn chế được cấp trong thẻ, giấy phép.

2. Cơ quan, đơn vị và cá nhân người đề nghị cấp thẻ, giấy phép có trách nhiệm giải trình và cung cấp các tài liệu chứng minh cho cơ quan cấp thẻ, giấy phép để làm rõ các nội dung quy định tại khoản 1 Điều này trong quá trình thẩm định hồ sơ.

3. Cơ quan cấp thẻ, giấy phép có quyền từ chối nếu đơn vị và cá nhân người đề nghị cấp thẻ, giấy phép từ chối giải trình và cung cấp tài liệu chứng minh hoặc vi phạm các quy định về việc quản lý, sử dụng thẻ, giấy phép hoặc phát hiện hành vi khai, xác nhận không trung thực trong hồ sơ đề nghị cấp thẻ, giấy phép.

4. Việc cấp thẻ, giấy phép phải tuân thủ nguyên tắc làm việc tại cảng hàng không và khu vực hạn chế thì được cấp vào đúng cảng hàng không và khu vực hạn chế được phép hoạt động; đối tượng làm nhiệm vụ đến thời điểm nào thì cấp đến thời điểm đó.

Điều 32. Đối tượng, điều kiện, thủ tục cấp và quản lý thẻ, giấy phép kiểm soát an ninh nội bộ, thẻ nhận dạng tổ bay

1. Doanh nghiệp cấp thẻ, giấy phép kiểm soát an ninh nội bộ, thẻ nhận dạng tổ bay phải quy định đối tượng, điều kiện được cấp thẻ, giấy phép; mẫu thẻ, giấy phép; hồ sơ, thủ tục cấp thẻ, giấy phép; trách nhiệm, thẩm quyền quản lý, cấp, thu hồi thẻ, giấy phép trong Chương trình an ninh, Quy chế an ninh được Cục Hàng không Việt Nam phê duyệt.

2. Mẫu thẻ, giấy phép kiểm soát an ninh nội bộ, thẻ nhận dạng tổ bay không được gây nhầm lẫn với mẫu thẻ, giấy phép kiểm soát an ninh cảng hàng không, sân bay.

Điều 33. Quản lý, sử dụng thẻ, giấy phép kiểm soát an ninh hàng không

1. Thẻ, giấy phép kiểm soát an ninh hàng không chỉ được phép sử dụng khi làm nhiệm vụ được giao, không được phép sử dụng cho mục đích cá nhân khác, sử dụng sai quy định hoặc có hành vi vi phạm sẽ bị tạm giữ, thu hồi.

2. Người được cấp thẻ, người sử dụng phương tiện được cấp giấy phép phải bảo quản, giữ gìn thẻ, giấy phép; không cho người khác sử dụng dưới bất cứ hình thức nào; không được tẩy xoá, làm sai lệch nội dung trên thẻ, giấy phép; trường hợp người, phương tiện được cấp thẻ, giấy phép không còn nhiệm vụ tại khu vực hạn chế, phải trả lại thẻ, giấy phép cho đơn vị cấp; trường hợp bị rách, mờ không rõ các nội dung trên thẻ, giấy phép phải xin cấp lại. Trường hợp bị mất phải báo ngay cho đơn vị cấp thẻ, giấy phép và cơ quan chủ quản của mình.

3. Người sử dụng thẻ, người sử dụng phương tiện được cấp giấy phép vi phạm quy định về an ninh, an toàn hàng không, gây rối trật tự kỷ luật tại cảng hàng không, sân bay; vi phạm quy định về sử dụng thẻ, giấy phép, không còn đáp ứng điều kiện cấp thẻ, giấy phép sẽ bị tạm giữ, thu hồi.

4. Thủ trưởng cơ quan, đơn vị được cấp thẻ, giấy phép chịu trách nhiệm:

a) Quy định việc quản lý và sử dụng thẻ, giấy phép của các cá nhân, phương tiện của đơn vị mình khi được cấp để bảo đảm sử dụng đúng mục đích; không được sử dụng thẻ cho mục đích cá nhân;

b) Thu hồi và bàn giao cho đơn vị cấp: thẻ, giấy phép mất giá trị sử dụng quy định tại khoản 1 Điều 18 của Thông tư này, ngoại trừ thẻ, giấy phép hết hạn sử dụng; thẻ, giấy phép bị thu hồi theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền; thông báo ngay bằng văn bản theo mẫu quy định tại Phụ lục X ban hành kèm theo Thông tư này các trường hợp mất thẻ, giấy phép cho đơn vị cấp thẻ, giấy phép;

c) Tiêu hủy thẻ, giấy phép hết hạn sử dụng.

5. Cán bộ, nhân viên thuộc các cơ quan quản lý nhà nước về xuất nhập cảnh, xuất nhập khẩu tại cửa khẩu sử dụng thẻ kiểm soát an ninh hàng không để ra, vào khu vực hạn chế, không phải đeo thẻ trong quá trình làm việc theo quy định.

6. Cơ quan cấp thẻ, giấy phép phải thông báo ngay bằng văn bản theo mẫu quy định tại Phụ lục X ban hành kèm theo Thông tư này các trường hợp mất thẻ, giấy phép do đơn vị mình cấp cho lực lượng kiểm soát an ninh hàng không, lực lượng bảo vệ khu vực hạn chế ghi trên thẻ, giấy phép bị mất và Cục Hàng không Việt Nam để kịp thời ngăn chặn việc sử dụng thẻ, giấy phép đã mất.

Mục 2. KIỂM SOÁT AN NINH KHU VỰC HẠN CHẾ VÀ KHU VỰC CÔNG CỘNG

Điều 34. Thiết lập khu vực hạn chế

1. Căn cứ thực tế cơ sở hạ tầng và hoạt động hàng không dân dụng, các khu vực hạn chế sau đây phải được thiết lập:

a) Khu vực hành khách sau khi đã kiểm tra soi chiếu người và hành lý chờ để đi tàu bay (khu vực cách ly);

b) Khu vực sân đỗ tàu bay, đường hạ cất cánh, đường lăn và các khu vực khác trong sân bay (sân bay);

c) Khu vực phục vụ hành lý ký gửi sau khi đã được kiểm tra an ninh hàng không để đưa lên tàu bay (khu vực phân loại hành lý);

d) Khu vực dành cho hành khách quá cảnh, nối chuyến chờ để chuyển tiếp chuyến bay (khu vực quá cảnh);

đ) Khu vực phục vụ hàng hóa, bưu gửi sau khi đã kiểm tra soi chiếu để đưa lên tàu bay (khu vực phân loại, lưu giữ, chất xếp hàng hóa, bưu gửi);

e) Nhà khách phục vụ chuyến bay chuyên cơ, chuyến bay ưu tiên;

g) Khu vực giao nhận hành lý cho hành khách tại nhà ga đến;

h) Khu vực bảo dưỡng, sửa chữa, lắp đặt tàu bay;

i) Khu vực sản xuất, chế biến, cung ứng suất ăn;

k) Khu vực kho nhiên liệu cung cấp cho tàu bay;

l) Trung tâm hiệp đồng khẩn nguy cảng hàng không; Trung tâm chỉ huy điều hành bay; khu vực đài kiểm soát không lưu; khu vực trạm ra đa, thông tin VHF;

m) Trạm cấp điện, nước của cảng hàng không, sân bay;

n) Khu vực từ quầy làm thủ tục, băng chuyền hành lý vào bên trong khu vực soi chiếu hành lý ký gửi;

o) Khu vực làm thủ tục tiếp nhận hàng hóa, bưu gửi để vận chuyển bằng tàu bay.

2. Căn cứ khoản 1 Điều này, người khai thác cảng hàng không, sân bay chủ trì phối hợp với Cảng vụ hàng không và các cơ quan, đơn vị liên quan xác định các khu vực hạn chế và ranh giới cụ thể của từng khu vực hạn chế thuộc nhà ga, sân bay và khu vực hạn chế thuộc quyền quản lý, khai thác riêng của người khai thác cảng hàng không, sân bay khi xây dựng Chương trình an ninh hàng không.

3. Căn cứ khoản 1 Điều này, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hàng không tại cảng hàng không, sân bay chủ trì phối hợp với Cảng vụ hàng không và các cơ quan, đơn vị liên quan xác định khu vực hạn chế và ranh giới cụ thể của từng khu vực hạn chế thuộc quyền quản lý, khai thác đối với khu vực nằm ngoài nhà ga, sân bay khi xây dựng Quy chế an ninh hàng không; doanh nghiệp cung cấp dịch vụ không lưu, cơ sở xử lý hàng hóa, bưu gửi thiết lập khu vực hạn chế đối với các khu vực không thuộc cảng hàng không, sân bay.

4. Trong trường hợp phải tăng cường đảm bảo an ninh hàng không tại cảng hàng không, sân bay, xét thấy cần thiết tạm thời thiết lập khu vực hạn chế mới, người khai thác cảng hàng không, sân bay thiết lập và thông báo ngay cho Cảng vụ hàng không, các cơ quan, đơn vị hoạt động thường xuyên tại khu vực đó. Việc thiết lập tạm thời khu vực hạn chế phải đảm bảo yêu cầu sau:

a) Có thời hạn;

b) Có hàng rào cứng hoặc mềm làm ranh giới; có biển, tín hiệu cảnh báo phù hợp;

c) Có điểm kiểm tra an ninh hàng không và bố trí nhân viên kiểm soát an ninh hàng không để kiểm tra, giám sát trong thời gian thiết lập;

d) Có biện pháp bảo đảm an ninh hàng không phù hợp;

đ) Nếu thời hạn thiết lập tạm thời khu vực hạn chế trên 24 giờ thì phải được sự đồng ý bằng văn bản của Cục Hàng không Việt Nam.

5. Thiết lập các khu vực hạn chế và áp dụng các biện pháp kiểm tra, giám sát an ninh hàng không cho từng khu vực hạn chế phải phù hợp với mục đích bảo đảm an ninh hàng không và không gây cản trở cho người, phương tiện ra, vào, hoạt động bình thường tại khu vực hạn chế.

Điều 35. Quy định về việc ra, vào và hoạt động tại khu vực hạn chế

1. Người, phương tiện khi ra, vào và hoạt động tại khu vực hạn chế phải có thẻ, giấy phép kiểm soát an ninh hàng không được phép ra, vào khu vực đó.

2. Thẻ phải đeo ở vị trí phía trước ngực bảo đảm quan sát được mặt trước của thẻ trong suốt thời gian hoạt động trong khu vực hạn chế, trừ trường hợp cán bộ, nhân viên thuộc các đơn vị công an, hải quan cửa khẩu tại cảng hàng không, sân bay khi đang làm nhiệm vụ theo quy định của pháp luật; giấy phép phải để ở phía trước buồng lái hoặc tại vị trí dễ nhận biết của phương tiện.

3. Người, đồ vật mang theo, phương tiện ra, vào khu vực hạn chế phải đúng cổng, cửa quy định, tuân thủ sự hướng dẫn và các quy định về an ninh, an toàn, khai thác tại khu vực hạn chế; chịu sự kiểm tra, giám sát an ninh hàng không thích hợp.

4. Người, phương tiện sử dụng thẻ, giấy phép kiểm soát an ninh cảng hàng không, sân bay có giá trị sử dụng ngắn hạn khi hoạt động trong khu vực hạn chế phải có nhân viên kiểm soát an ninh hàng không hoặc nhân viên của đơn vị chủ quản khu vực hạn chế đó đi cùng hộ tống và hướng dẫn.

5. Phương tiện hoạt động trong khu vực hạn chế phải chạy đúng luồng, tuyến, đúng tốc độ, dừng, đỗ đúng vị trí quy định; chịu sự kiểm tra, giám sát và tuân theo sự hướng dẫn của nhân viên kiểm soát an ninh hàng không, nhân viên bảo vệ làm nhiệm vụ tại khu vực đó.

6. Việc tổ chức quay phim, chụp ảnh trong khu vực hạn chế không thuộc phạm vi bí mật nhà nước phải được đơn vị chủ quản cho phép bằng văn bản.

7. Trong trường hợp thực hiện nhiệm vụ khẩn nguy, cứu nạn, thủ trưởng cơ quan, đơn vị chủ quản của người và phương tiện tham gia thực hiện nhiệm vụ khẩn nguy, cứu nạn có trách nhiệm phối hợp với lực lượng kiểm soát an ninh hàng không, lực lượng bảo vệ của đơn vị chủ quản khu vực hạn chế để kiểm soát hoạt động của người và phương tiện mà không cần thẻ, giấy phép kiểm soát an ninh hàng không, kiểm soát an ninh nội bộ.

8. Trong khu vực hạn chế, hành lý ký gửi, hàng hóa, bưu gửi phải được bảo đảm nguyên vẹn:

a) Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị hoạt động tại cảng hàng không, sân bay chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống trộm cắp tài sản trong hành lý ký gửi và hàng hóa, bưu gửi thuộc phạm vi trách nhiệm của mình. Cảng vụ hàng không giám sát việc thực hiện quy định này của các đơn vị;

b) Người khai thác cảng hàng không, sân bay, các doanh nghiệp phục vụ hàng hóa, phục vụ mặt đất chịu trách nhiệm tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy trình, thủ tục, tiêu chuẩn trong dây chuyền phục vụ hành lý, hàng hóa;

c) Người khai thác cảng hàng không, sân bay chủ trì ban hành quy định cụ thể danh mục người, phương tiện được phép ra, vào cho từng cổng, cửa, lối đi cụ thể; quy định danh mục đồ vật nhân viên không được mang theo người vào làm việc tại các khu vực hạn chế;

đ) Các hãng hàng không thông tin, tuyên truyền cho hành khách biết các quy định về vận chuyển đồ vật có giá trị cao trong hành lý ký gửi; các thủ tục khiếu nại, khiếu kiện và đền bù trong trường hợp bị mất mát, thất lạc hành lý trong quá trình vận chuyển;

e) Các biện pháp cụ thể về công tác phòng, chống trộm cắp tài sản được quy định cụ thể trong Chương trình an ninh hàng không và Quy chế an ninh hàng không của các doanh nghiệp.

Điều 36. Quy định về việc mang vật phẩm nguy hiểm vào khu vực hạn chế

1. Việc mang, quản lý, sử dụng vật phẩm nguy hiểm trong khu vực hạn chế phải được quy định cụ thể trong Chương trình an ninh, Quy chế an ninh hàng không có liên quan trên cơ sở Danh mục các vật phẩm nguy hiểm cấm hoặc hạn chế mang theo người và hành lý lên tàu bay do Cục Hàng không Việt Nam ban hành.

2. Đơn vị sử dụng vật phẩm nguy hiểm là công cụ phục vụ cho công việc của các cơ quan, đơn vị trong khu vực hạn chế quy định tại các điểm a, b, c, d, đ, e và g khoản 1 Điều 34 của Thông tư này phải đăng ký với lực lượng kiểm soát an ninh hàng không và chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát an ninh hàng không khu vực đó.

3. Đơn vị chủ quản tổ chức quản lý và chịu trách nhiệm về việc quản lý, sử dụng, đảm bảo an ninh, an toàn đối với vật phẩm nguy hiểm quy định tại khoản 2 của Điều này.

Điều 37. Điểm kiểm tra an ninh hàng không tại cổng, cửa, lối đi giữa khu vực công cộng và khu vực hạn chế

1. Tại các cổng, cửa, lối đi từ khu vực công cộng vào khu vực hạn chế phải thiết lập các điểm kiểm tra an ninh hàng không.

2. Tại mỗi điểm kiểm tra an ninh hàng không phải có các tài liệu sau đây:

a) Quy trình kiểm tra người, đồ vật, phương tiện khi ra, vào khu vực hạn chế;

b) Mẫu thẻ, giấy phép kiểm soát an ninh hàng không được phép vào khu vực;

c) Danh sách những người, phương tiện bị mất thẻ, giấy phép; bị thu hồi nhưng không nộp thẻ, giấy phép kiểm soát an ninh hàng không;

d) Danh bạ các số điện thoại liên quan và các biểu mẫu, biên bản, phiếu đăng ký vật phẩm nguy hiểm, thiết bị điện tử, thiết bị đặc chủng, đồ vật có giá trị cao, phương tiện vào khu vực hạn chế;

đ) Sổ giao ca, ghi chép tình hình và kết quả kiểm tra, giám sát an ninh.

3. Tại điểm kiểm tra an ninh hàng không phải có biển báo, chỉ dẫn thích hợp, bố trí nhân viên, thiết bị an ninh thích hợp để bảo đảm việc kiểm tra an ninh hàng không được duy trì liên tục. Cổng, cửa, hàng rào di động tại điểm kiểm tra an ninh hàng không phải luôn trong trạng thái đóng (khóa) và chỉ được mở khi người, phương tiện đã được kiểm tra, đủ điều kiện ra, vào.

4. Phải có ca-me-ra giám sát an ninh, bố trí máy soi tia X, cổng từ và thiết bị phát hiện kim loại cầm tay để kiểm tra, soi chiếu người, đồ vật, hành lý từ khu vực công cộng vào các khu vực hạn chế được quy định tại các điểm a, b, c, d, đ, e, h, i và k khoản 1 Điều 34 của Thông tư này và Trung tâm chỉ huy điều hành bay (trừ các cổng, cửa, lối đi được thiết lập tạm thời).

Điều 38. Giám sát an ninh, tuần tra, canh gác tại khu vực hạn chế

1. Lực lượng kiểm soát an ninh hàng không phải tổ chức giám sát liên tục đối với hành khách, người, phương tiện hoạt động trong các khu vực hạn chế bằng các biện pháp thích hợp nhằm phát hiện những biểu hiện nghi ngờ, ngăn chặn kịp thời những hành vi vi phạm; kiểm tra, xử lý hành lý, đồ vật không xác nhận được chủ và thực hiện các biện pháp an ninh hàng không khác.

2. Lực lượng kiểm soát an ninh hàng không phải tổ chức tuần tra, canh gác để kịp thời ngăn chặn người, phương tiện, gia súc xâm nhập vào các khu vực hạn chế hoặc vi phạm các quy định bảo đảm an ninh, an toàn hàng không.

3. Tại cảng hàng không, sân bay dùng chung giữa dân dụng và quân sự, lực lượng kiểm soát an ninh hàng không thỏa thuận bằng văn bản với đơn vị quân đội đóng tại cảng hàng không, sân bay thực hiện tuần tra, canh gác, bảo vệ khu vực giáp ranh giữa khu vực sử dụng cho hoạt động hàng không dân dụng và khu vực sử dụng cho hoạt động quân sự.

4. Việc tổ chức giám sát, tuần tra, canh gác được mô tả chi tiết trong Chương trình an ninh, Quy chế an ninh hàng không có liên quan.

Điều 39. Kiểm tra, giám sát an ninh đối với người, phương tiện, đồ vật khi vào, ra và hoạt động tại khu vực hạn chế mà không phải hành khách, hành lý, hàng hóa, bưu gửi và đồ vật đưa lên tàu bay

1. Nhân viên kiểm soát an ninh hàng không, nhân viên bảo vệ chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát an ninh đối với người, phương tiện, đồ vật đưa vào, ra và hoạt động tại khu vực hạn chế.

2. Người, phương tiện, đồ vật đưa vào khu vực hạn chế ngoại trừ khu vực hạn chế quy định tại các điểm n và o của khoản 1 Điều 34 phải được kiểm tra an ninh hàng không các nội dung sau:

a) Thẻ, giấy phép kiểm soát an ninh hàng không;

b) Người và đồ vật mang theo;

c) Phương tiện và đồ vật trên phương tiện đó;

d) Vật phẩm nguy hiểm.

3. Người, phương tiện, đồ vật đưa vào và hoạt động tại khu vực hạn chế quy định tại các điểm n và o của khoản 1 Điều 34 phải được giám sát an ninh hàng không bằng các biện pháp thích hợp.

4. Người, phương tiện, đồ vật đưa ra ngoài khu vực hạn chế được lực lượng kiểm soát an ninh hàng không kiểm tra khi có biểu hiện nghi ngờ như: trộm cắp tài sản, buôn lậu và gian lận thương mại hoặc trong các trường hợp tăng cường bảo đảm an ninh hàng không hoặc theo chỉ đạo của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền. Nội dung kiểm tra gồm:

a) Thẻ, giấy phép kiểm soát an ninh hàng không;

b) Người và đồ vật mang theo;

c) Phương tiện và đồ vật trên phương tiện đó;

d) Vật phẩm nguy hiểm.

5. Quy trình kiểm tra người như sau:

a) Kiểm tra thẻ kiểm soát an ninh hàng không, quan sát đối chiếu thực tế;

b) Kiểm tra người bằng cổng từ, thiết bị phát hiện kim loại cầm tay ở những nơi có cổng từ, thiết bị phát hiện kim loại cầm tay. Khi cổng từ, thiết bị phát hiện kim loại cầm tay báo động thì phải tiếp tục kiểm tra trực quan. Kiểm tra trực quan ngẫu nhiên tối thiểu 5% trong trường hợp cổng từ, thiết bị phát hiện kim loại cầm tay không có báo động. Kiểm tra trực quan tại những điểm không có cổng từ, thiết bị phát hiện kim loại cầm tay;

c) Thứ tự, động tác kiểm tra thẻ, kiểm tra trực quan, sử dụng thiết bị phát hiện kim loại cầm tay; quy trình kiểm tra bằng cổng từ được quy định cụ thể trong Chương trình an ninh hàng không của người khai thác cảng hàng không, sân bay, Quy chế an ninh hàng không của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hàng không.

6. Quy trình kiểm tra đồ vật như sau:

a) Đưa đồ vật qua máy soi tia X ở những nơi có máy soi tia X. Khi qua máy soi tia X có nghi ngờ thì tiếp tục tiến hành kiểm tra trực quan.

b) Kiểm tra trực quan đồ vật tại những điểm không có máy soi tia X;

c) Thứ tự, động tác kiểm tra trực quan, kiểm tra bằng máy soi tia X được quy định cụ thể trong Chương trình an ninh hàng không của người khai thác cảng hàng không, sân bay, Quy chế an ninh hàng không của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hàng không.

7. Quy trình kiểm tra phương tiện như sau:

a) Yêu cầu người điều khiển phương tiện và những người đi cùng rời khỏi phương tiện;

b) Kiểm tra giấy phép của phương tiện;

c) Quan sát, kiểm tra bên ngoài phương tiện;

d) Dùng gương soi kiểm tra gầm, bề mặt phía trên của phương tiện;

đ) Kiểm tra trực quan bên trong buồng lái của phương tiện;

e) Kiểm tra khoang chở người, hàng của phương tiện (trừ các trường hợp khoang chở hàng được niêm phong theo quy định);

g) Kiểm tra các niêm phong của phương tiện, hàng hóa chuyên chở trên phương tiện;

h) Thứ tự, động tác kiểm tra trực quan và sử dụng gương soi gầm, bề mặt phía trên của phương tiện được quy định cụ thể trong Chương trình an ninh hàng không của cảng hàng không, sân bay, Quy chế an ninh hàng không của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hàng không.

8. Quy định về việc kiểm soát đồ vật mang vào, ra khu vực hạn chế:

a) Tại điểm kiểm tra an ninh hàng không phải lưu giữ tờ khai theo mẫu quy định tại Phụ lục XXVI của Thông tư này;

b) Người mang các vật phẩm nguy hiểm, thiết bị đặc chủng, đồ vật có giá trị cao vào khu vực hạn chế phải đăng ký tại tờ khai theo mẫu quy định tại Phụ lục XXVI của Thông tư này; vào cửa nào phải ra cửa đó;

c) Nhân viên kiểm soát an ninh hàng không tại điểm kiểm tra an ninh hàng không phải thu tờ khai, đối chiếu với các đồ vật mang vào, ra và ghi nhận sự thay đổi về số lượng nếu có sử dụng trong khu vực hạn chế, trừ trường hợp nhân viên kiểm soát an ninh hàng không mang theo công cụ hỗ trợ được trang bị trong khi thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh hàng không tại cảng hàng không;

d) Sổ sách, tài liệu về việc kiểm soát đồ vật mang vào, ra khu vực hạn chế phải được quản lý và lưu giữ theo quy định về văn thư, lưu trữ.

9. Quy trình kiểm tra, giám sát an ninh hàng không đối với từng khu vực hạn chế cụ thể phải được mô tả chi tiết trong Chương trình an ninh, Quy chế an ninh hàng không của đơn vị.

Điều 40. Biển báo, chỉ dẫn tại khu vực công cộng của cảng hàng không, sân bay

1. Lực lượng kiểm soát an ninh hàng không phối hợp với người khai thác cảng hàng không, sân bay, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hàng không và các cơ quan công an, giao thông phân luồng, tuyến và lắp đặt các loại biển báo, biển chỉ dẫn tại các trục đường giao thông công cộng, bãi đỗ xe, khu vực đón tiễn dành cho hành khách và các khu vực công cộng khác tại cảng hàng không, sân bay.

2. Người, phương tiện đi lại và hoạt động tại các khu vực công cộng phải tuân thủ quy định của pháp luật về giao thông đường bộ, các quy định của cảng hàng không, sân bay, chấp hành theo sự hướng dẫn của lực lượng kiểm soát an ninh hàng không, quy định về đảm bảo an ninh, an toàn hàng không, trật tự an toàn xã hội, giữ gìn văn minh, lịch sự.

Điều 41. Kiểm tra, giám sát an ninh khu vực công cộng của cảng hàng không, sân bay

1. Lực lượng kiểm soát an ninh hàng không chủ trì, phối hợp với cơ quan công an thiết lập các chốt kiểm soát, bố trí nhân viên kiểm soát an ninh hàng không, thiết bị phù hợp để tuần tra, giám sát, hướng dẫn người và phương tiện tham gia giao thông; duy trì trật tự tại các khu vực công cộng của cảng hàng không, sân bay; phối hợp với Cảng vụ hàng không liên quan, lực lượng công an, quân đội, chính quyền địa phương trong trường hợp cần tăng cường bảo đảm an ninh hàng không, trật tự công cộng, xử lý vi phạm.

2. Việc bố trí lực lượng tuần tra, giám sát, thiết bị chuyên dụng, trình tự kiểm tra, giám sát an ninh phải bảo đảm phát hiện và xử lý kịp thời đồ vật, hành lý, hàng hóa, phương tiện không xác nhận được chủ, hành vi gây rối, vi phạm pháp luật tại khu vực công cộng của cảng hàng không, sân bay và phải được mô tả cụ thể trong Chương trình, Quy chế an ninh hàng không.

3. Trong trường hợp tăng cường bảo đảm an ninh hàng không hoặc do nhà ga, khu vực công cộng cảng hàng không không đáp ứng được yêu cầu khai thác, lực lượng kiểm soát an ninh hàng không thiết lập các chốt kiểm soát an ninh hàng không ở khu vực công cộng để hạn chế, điều tiết số lượng người, phương tiện vào, hoạt động tại nhà ga, khu vực công cộng cảng hàng không, sân bay và thông báo cho Cảng vụ hàng không để giám sát.

4. Đồ vật, hành lý, tài sản của hành khách đi tàu bay hoặc người đưa tiễn gửi ở khu vực trông giữ tại khu vực công cộng của nhà ga hành khách phải được kiểm tra an ninh hàng không trước khi tiếp nhận bằng các biện pháp thích hợp.

Điều 42. Bảo đảm an ninh khu vực lân cận cảng hàng không, sân bay

1. Cảng vụ hàng không chủ trì cùng với người khai thác cảng hàng không, sân bay phối hợp với Ủy ban nhân dân địa phương liên quan thực hiện công tác tuyên truyền các quy định về an ninh, an toàn hàng không cho người dân cư trú trong khu vực lân cận cảng hàng không, sân bay.

2. Cảng vụ hàng không cùng với lực lượng kiểm soát an ninh hàng không có trách nhiệm phối hợp với chính quyền địa phương liên quan trong việc bảo đảm thực hiện các quy định về an ninh hàng không; ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật tại khu vực lân cận cảng hàng không, sân bay.

3. Cảng vụ hàng không, lực lượng kiểm soát an ninh hàng không phối hợp với cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng, cơ quan, đơn vị liên quan tại địa phương tổ chức đánh giá các vị trí có nguy cơ tấn công tàu bay bằng tên lửa phòng không vác vai.

4. Cảng vụ hàng không, lực lượng kiểm soát an ninh hàng không phối hợp với công an các cấp khu vực lân cận cảng hàng không, sân bay xây dựng và thực hiện phương án phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi can thiệp bất hợp pháp tại cảng hàng không, sân bay đối với tàu bay, việc sử dụng tên lửa phòng không vác vai và các loại vũ khí khác để tấn công tàu bay trong giai đoạn cất, hạ cánh.

5. Lực lượng kiểm soát an ninh hàng không, lực lượng bảo vệ của các cơ quan, đơn vị liên quan phối hợp với công an cấp phường, xã khu vực liên quan tuần tra khu vực lân cận cảng hàng không, sân bay, khu vực hạn chế bên ngoài cảng hàng không, sân bay khi có yêu cầu nhằm phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật.



tải về 1.13 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   15




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương