Thương hình bóng cũ!



tải về 26.85 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu12.09.2017
Kích26.85 Kb.
#33224
Thương hình bóng cũ!
Hồi còn nhỏ, ba má tôi thường bắt ngủ trưa. Ba đứa nằm sắp lớp trên giường mà con mắt mở trao tráo. Con nít thích chơi hơn thích ngủ. Nhưng sợ bị đòn thì phải vậy chứ biết sao hơn?

Thằng em nhỏ nhứt được cưng, nằm võng. Trong cái trưa hè của làng quê Đạo Ngạn, Mỹ Tho… gió hây hây thổi, má tôi ru:


Gió đưa bụi chuối sau hè; anh mê vợ bé bỏ bè con thơ, con thơ tay ẵm tay bồng, tay nào xách nước tay nào vo cơm.” 

Nhưng ba tôi lại ru con, không bằng ca dao mà bằng bài ca vọng cổ:“Sầu Vương Biên Ải” Út Trà Ôn phát trên đài phát thanh Pháp Á: ... “Thâu canh hồn ngơ ngẩn nhìn bóng trăng khuya lặng lẽ giữa đêm… trường…”


Út Trà Ôn


Những năm 50, miền Nam thanh bình, trù phú, thạnh trị. Đêm không giới nghiêm. Nhà tôi có cái ra-dô chạy đèn, lúc đó chưa có ra-dô tran-sit-to như sau này. Thời đó có cái ra-dô như vậy là “oách” lắm rồi.

Tối Thứ Bảy bà con lối xóm: bà dì, bà cô, bà thiếm xách theo giỏ trầu đến nằm, ngồi trên bộ ngựa trong nhà, vừa nhai trầu bỏm bẻm vừa thả hồn theo câu xàng xê, câu vọng cổ của tuồng cải lương trực tiếp truyền thanh trên đài phát thanh Sài Gòn.

Ba tôi là người nghệ sĩ mần văn. Năm 1957, ông Trần Tấn Quốc, chủ báo Tiếng Dội, phụ trách trương kịch trường đầu tiên của làng báo Việt Nam Cộng Hòa, khuyến khích, thân phụ tôi viết kịch trường, phê bình những vở cải lương cùng với Thanh Tâm, bút hiệu của ông Trần Tấn Quốc, Phong Vân, Nguyễn Ang Ca và Việt Định Phương.

Cách phê bình của thân phụ tôi hơi khác, hơi lạ. Thay vì nhận xét về tuồng tích, phê phán khen chê soạn giả và diễn viên thì ba tôi lại lượm lặt những cảm xúc chân thành của bà con khán giả: bà Năm, cô Bảy, chị Hai, em Ba gom lại thành bài viết… Ông đóng vai kép độc như Việt Hùng chẳng hạn mà khán giả kêu ông bằng “thằng”, chửi ông tắt bếp thì ông đã thành công xuất sắc trong vai trò kép độc.





Ngọc Nuôi và Việt Hùng
Còn “Sầu Nữ Út Bạch Lan’ xuống một câu vọng cổ mà ai nấy đều thút thít khóc thì xứng danh với “Đệ Nhứt Đào Thương”. Những mỹ danh này đều do ký giả kịch trường đặt cho họ.



Út Bạch Lan
Cách viết đó, nửa thế kỷ về trước, là mới. Còn bây giờ là xưa rồi. Bây giờ họ “comment” bài viết của mình đôi khi chửi tác giả như tát nước… thôi hết biết đường nào mà kể...?!

Tôi được ba dẫn theo đi coi cải lương. Ba mặc áo dài tay, gài nút măng-sét, thắt cà vạt. Tôi, áo trắng bỏ vô quần sọt, mang xăng-đan. Ba nói: mình ăn mặc chỉnh tề để tôn trọng người nghệ sĩ. Khi trình diễn, họ ăn mặc đàng hoàng, y trang, cảnh trí, mình là khán giả, tại sao không?

Theo ba, tôi vừa hào hứng vừa e dè khi vào hậu trường, nơi có bàn thờ tổ khói hương nghi ngút. Có bàn trang điểm, làm mặt của kép và đào. Có ban nhạc cổ đang so dây, nắn phím. Đàn kìm giữ nhịp song lang, cò, guitar phím lõm, sáo, tranh, bầu, trống. Còn dàn nhạc Tây thì ngồi gần hàng ghế danh dự chứ không ngồi sau cánh gà như dàn cổ nhạc…

Khi trình diễn thì có người đứng sau lưng phông màn nhắc tuồng và người kéo micro theo cái ròng rọc cho nghệ sĩ hát.

Ký giả kịch trường được ngồi ghế thượng hạng, thường là sát bên với soạn giả, còn gọi là thầy tuồng.

Xưa chỉ có soạn giả viết tuồng rồi phân vai cho nghệ sĩ. Chứ không có đạo diễn như bây giờ.

Năm 1957, đoàn Thúy Nga Phước Trọng về Mỹ Tho, diễn phúc khảo tuồng hương xa: “Khi Hoa Anh Đào Nở” của Hà Triều Hoa Phượng tại rạp Vĩnh Lợi đường Lý Công Uẩn của thầy Năm Tú, ba tôi là ký giả kịch trường được mời đi xem.

Cha con tôi ngồi sát bên hai bác soạn giả Hà Triều Hoa Phượng.

Kép chánh đêm diễn là Thành Được, năm ấy ông mới vừa mười chín tuổi, mặc áo kiểu hiệp sĩ Lã Sanh Môn, dắt gươm trên lưng.

Còn đào chánh là “Kiều nữ Bích Sơn” mặc kimono đi từng bước ngắn trên đôi dép cao của Nhựt.





Thành Được
Đoạn cuối vở tuồng còn ngâm hai câu thơ: “Cổng chùa đã khép lại rồi…” Dàn nhạc tây thì chơi “Ò e Robe đánh đu, Tạc dăng nhảy dù, Zoro bắn súng”. Và màn nhung buông xuống, em trở lại đời thường, trả lại phấn son.

Ba tôi được hai bác soạn giả Hà Triều Hoa Phượng mời đi ăn cháo khuya cùng anh em nghệ sĩ. Cái tình văn nghệ thuở ấy sao mà nồng ấm như tô cháo trắng tép rang có chan nước cốt dừa của ngày năm cũ.

Vài hôm sau, bài viết của ba lên trương kịch trường của nhựt báo Tiếng Dội, tạo dư luận háo hức chờ đoàn hát nhập thủ đô Sài Gòn, rạp Nguyễn văn Hảo ra mắt bà con mộ điệu.

Sau “Khi Hoa Anh Đào Nở” thành công vang dội, Hà Triều Hoa Phượng còn thêm “Đợi Anh Mùa Lá Rụng, Cầu Sương Thiếp Phụ Chàng” .

Năm 61, tuồng hương xa đã xa hương, Hà Triều Hoa Phượng chuyển qua tuồng xã hội mà vở đầu tiên là “Nửa Đời Hương Phấn”.

Hương, con nhà gia giáo ở vùng Lái Thiêu, bị một tên nhạc sĩ sở khanh dụ dỗ đến mang thai. Sợ dư luận đàm tiếu, cô phải lên Sài Gòn trốn tránh. Số phận cay nghiệt đã đưa đẩy Hương vào con đường bán phấn buôn hương, rồi tình cờ gặp được Tùng. Vì danh giá gia đình không cho phép Tùng lấy một người con gái bán phấn buôn hương. Cang, anh Tùng phản đối và bày kế chia rẽ, khiến Tùng cứ ngỡ Hương phản bội mình nên đã bỏ đi lấy vợ. Nhưng trái ngang, đau lòng, vợ Tùng, Dịu, là em ruột của Hương. Hương đã vào chùa quy y để quên đi mối tình dang dở! Thân phụ tôi nói: “Dịu chứ không phải Diệu do Ngọc Nuôi đóng. Vì Hương, Út Bạch Lan tên “The” trước khi thành gái giang hồ. Tên mùi vị quê nhà, mà The cho là “quê” nên đổi tên là “Hương”. Hương, tên đẹp, nhưng là Hương của “Nửa Đời Hương Phấn”.

Cách chọn tên của soạn giả thiệt thâm trầm! “Nửa Đời Hương Phấn”, phảng phất Marguerite Gautier trong Trà Hoa Nữ và Lan Điệp trước cổng chùa, đã lấy đi nước mắt biết bao nhiêu khán giả khóc thương cho một mảnh hồng nhan bạc phận!

Đó là chuyện ba mươi năm về trước, khi tôi còn thơ dại… theo ba.

Năm 90, từ Adelaide, Nam Úc… thằng Quân, em tôi gởi giấy bảo lãnh về cho thân phụ tôi đi. Ba không muốn. Vì ba già rồi, vì không muốn má tôi nằm lại một mình, không ai nhang khói. Quê nhà ai muốn bỏ mà đi.?!

Tôi từ Cần Thơ “bay” về, nói “bay” nghĩa là về thiệt lẹ chứ Cần Thơ Mỹ Tho giàu có gì mà đi máy bay. Mà có máy bay đâu mà đi… Tôi thuyết phục ba tôi: “Em con lãnh ba đi, chắc nó có ở hai bên rồi, nên biết sướng khổ thế nào, nó không lãnh ba qua đó mà chịu khổ đâu. Đi khó về dễ! Ba cứ đi, nếu khổ quá thì về…” Ba tôi thấy tôi có lý.

Tiệc tiễn hành, ba nói: “Bên đó chắc không có cải lương đâu con?!” Em gái tôi tìm được cuộn cát sét “Nửa Đời Hương Phấn” cho ba mang theo…

Cả nhà nghe bài Phụng Hoàng với Út Bạch Lan vai Hương, Thành Được vai Tùng và Ngọc Nuôi vai Dịu. “Dù em có thành hôn với ai đi nữa, thì chị cũng ráng về với... em; để mừng ngày em xuất giá. Cho vui lòng ba má chị cũng nở mặt nở mày với lối xóm bà con… Còn dượng ba đây- là một thanh niên- có học thức lại đàng hoàng. Chị vô cùng sung sướng; thấy em có một tấm chồng đúng như lòng chị đã ước mong!

Cha con tôi nghe hết mấy câu Phượng Hoàng này thì lại nhớ về hình bóng một thời thơ mộng cũ. Thời có ba, có má, có anh, có em, có cải lương, có thanh bình mà không có tham vọng của một lũ điên.

Thời ba làm ký giả kịch trường dắt con thơ dại theo coi hát. Ba nói: “Mai, ba đi, mang theo hình ảnh quê nhà, hình ảnh má con và kỷ niệm nầy. Không biết ba còn có dịp trở về quê cũ nữa hay không?”

Ba tôi suốt một đời lao khổ vì con, chỉ hưởng được năm năm ở chốn thiên đường rồi vướng vào bạo bịnh, chiến đấu với bệnh tật ba năm nữa rồi thua cuộc. Trước khi đi vào hôn mê, ba trăng trối: “Hết giặc, tụi con mang tro than của ba về quê cũ. Ba muốn về cạnh má con! Sao đành bỏ má con một mình cho được…!” 

Nhà thương thí miền Tây con đâu ngờ lần cuối, ráng chiều cháy chân mây, ngày cuối cùng hấp hối, quê nhà! trái tim ba! ba nhìn con trăng trối...” “Mộ má nhìn ra lộ Đông Dương, như trông như ngóng người thương trở về; người thương nay đã trở về, dẫu tro than vẫn câu thề ngày xanh: ‘chừng nào xe lửa Mỹ bung vành; tàu Tây kia liệt máy anh mới đành xa em’

Ba tôi mất hơn mười năm lẻ, anh em tôi vẫn chưa thực hiện được lời trăng trối tha thiết của phụ thân; vì lẽ đêm quê nhà dài, dài quá cho tới bây giờ mà sao bình minh vẫn còn diệu vợi.

Vậy là hằng năm tới ngày giỗ ba, em tôi bay từ Adelaide lên, cả nhà đoàn tụ nhắc về kỷ niệm xưa của gia đình. Phượng, em gái tôi, mang cuộn cát sét kỷ vật “Nửa Đời Hương Phấn” ra hát lại.

Thời gian hủy hoại dần tất cả. Cuộn băng nhão đi, chỉ còn nghe được câu đầu: “Dù em có thành hôn với ai đi nữa, thì chị cũng ráng về với ..... em!” 

Và nước mắt!


đoàn xuân thu.

melbourne

tải về 26.85 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương