Thẩm quyền của Toà án trong việc giải quyết các tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ



tải về 40.49 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu07.01.2018
Kích40.49 Kb.
#35902




Thẩm quyền của Toà án trong việc giải quyết các tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ
Tiến sĩ Dominique De Stoop

Chuyên gia luật quốc tế

Trong bài này, chúng tôi sẽ đề cập về thẩm quyền của toà án trong việc giải quyết các tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ ở 6 quốc gia: Canada; Trung Quốc; Ấn Độ; In-đô-nê-sia; Niu-di-lân; và Thái Lan.


Canada:
Thẩm quyền: Thông thường việc khởi kiện hành vi vi phạm quyền sở hữu trí tuệ do chủ thể quyền hoặc người có lợi ích liên quan đến quyền đó như người được cấp li-xăng thực hiện. Việc giải quyết tranh chấp sở hữu trí tuệ thường do Toà án liên bang Canada thực hiện. Có một số lý do để Toà án liên bang giải quyết tranh chấp loại này như: Thứ nhất, các quy định trong luật của Canada cho phép Toà án liên bang là toà án duy nhất được quyền giải quyết các vấn đề như xác định bằng sáng chế có bị vi phạm hay không. Thứ hai, các biện pháp cưỡng chế do Toà án liên bang áp dụng được thực thi một cách tự động trên toàn bộ lãnh thổ Canada. Thứ ba, Toà án liên bang được coi là toà án “chuyên biệt” hoặc “chuyên nghiệp” giải quyết các vấn đề liên quan đến sở hữu trí tuệ.
Giải quyết tranh chấp: Trong vụ án xâm phạm bằng sáng chế mà nguyên đơn thắng kiện, toà án thường ra quyết định buộc người vi phạm không được sử dụng sáng chế và tiêu huỷ những hàng hoá vi phạm. Nguyên đơn còn có thể yêu cầu bồi thường thiệt hại, hoặc buộc trả lại những lợi ích mà người vi phạm đã thu được kể từ thời điểm được cấp bằng sáng chế. Các biện pháp chế tài đối với hành vi xâm phạm nhãn hiệu thương mại và làm giả bao gồm bồi thường thiệt hại hoặc thu hồi khoản lợi mà bị đơn thu được, tiêu huỷ tất cả hàng hoá vi phạm và cấm tiếp tục sử dụng nhãn hiệu khi chưa được phép.
Ở Canada, trong các tranh chấp về nhãn hiệu thương mại, đặc biệt là các vụ án liên quan đến các hoạt động trốn nợ như các cá nhân bán hàng giả (như đồng hồ, áo sơ mi) thì chủ sở hữu nhãn hiệu có thể yêu cầu toà án ra lệnh cho phép lục soát một địa điểm mà không cần thông báo trước hoặc lệnh cho phép chủ sở hữu nhãn hiệu được tịch thu các vật vi phạm và chuyển vào kho tạm giữ của toà án để chờ phán quyết cuối cùng. Các biện pháp cưỡng chế này nhằm đảm bảo rằng các chứng cứ quan trọng của vụ án không bị tiêu huỷ hoặc bị mất. Khi một nhãn hiệu thương mại, tên thương mại hoặc tên giao dịch chưa đăng ký bị vi phạm, chủ sở hữu hoặc người liên quan có quyền khởi kiện vụ án dân sự đối với hành vi “làm giả” ra toà án cấp tỉnh. Các biện pháp chế tài đối với hành vi xâm phạm quyền tác giả bao gồm yêu cầu bồi thường thiệt hại, tịch thu các khoản lợi thu được tiêu huỷ các bản sao trái phép và các biện pháp khác. Trong một số trường hợp hành vi xâm phạm quyền tác giả có thể là tội phạm và người vi phạm có thể bị phạt tù đến 5 năm hoặc/và phạt tiền đến 1 triệu đô. Chủ sở hữu kiểu dáng công nghiệp có thể khởi kiện yêu cầu người vi phạm phải bồi thường thiệt hại, chịu phạt, tịch thu các khoản lợi mà người này thu được, cấm người vi phạm được thực hiện một số hành vi và tiêu huỷ những đối tượng vi phạm.
Trung Quốc
Thẩm quyền: Trung Quốc áp dụng hệ thống kép về giải quyết tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ. Theo hệ thống này, các bên liên quan có thể lựa chọn giải quyết các tranh chấp thông qua thủ tục hành chính hoặc thủ tục tố tụng thông thường. Ở cấp sơ thẩm, các bên liên quan có thể tự thoả thuận với nhau về giải quyết tranh chấp thông qua hoà giải. Nếu các bên không đồng ý tiến hành hoà giải hoặc việc hoà giải không thành thì Toà án nhân dân nơi bị đơn cư trú hoặc nơi thực hiện hợp đồng sẽ tiến hành thủ tục tố tụng để giải quyết vụ án.

Toà án tối cao Trung Quốc, Toà án cấp cao của mỗi tỉnh, Toà thượng thẩm và trung thẩm của các tỉnh có thẩm quyền giải quyết các vụ án liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ. Năm 1992, Toà án tối cao thành lập một toà sở hữu trí tuệ trong toà tối cao và cho đến nay đã có 30 toà sở hữu trí tuệ được thành lập trên toàn lãnh thổ Trung quốc để giải quyết các tranh chấp về sở hữu trí tuệ. Theo hệ thống hiện hành thì toà án trung thẩm là toà án có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm các vụ án vi phạm sáng chế. Tuy nhiên, các vụ án liên quan đến vi phạm quyền tác giả thuộc thẩm quyền của toà án nhân dân cấp thượng thẩm và toà án này thường giao cho các toà án cấp dưới giải quyết theo thủ tục sơ thẩm các tranh chấp liên quan đến quyền tác giả. Các toà án Trung Quốc còn có thẩm quyền xử lý về hình sự đối với những hành vi vi phạm nghiêm trọng sở hữu trí tuệ theo quy định của Bộ luật hình sự.


Giải quyết tranh chấp: Người ta cho rằng quyền sở hữu trí tuệ không được thực thi tốt tại Trung Quốc. Tuy nhiên, đã có rất nhiều vụ án xâm phạm quyền tác giả ở cấp độ quốc gia và địa phương đã được phát hiện và một trong đó phải kể đến “chiến dịch diều hâu” được tổ chức trên toàn bộ lãnh thổ vào năm 2005. Trong chiến dịch này, đã có 5,981 người xâm phạm quyền tác giả bị bắt.
Một điểm đáng nói trong thực tiễn giải quyết các tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ ở Trung quốc là sự không nhất quán của các Toà án khi giải thích về pháp luật quyền sở hữu trí tuệ của Trung Quốc. Ví dụ, vụ kiện của Công ty Pfizer có trụ sở tại Hoa Kỳ về hành vi xâm phạm nhãn hiệu. Trong tháng 12 năm 2006, Toà án nhân dân sơ thẩm của Bắc Kinh ra phán quyết rằng nhãn hiệu Viagra (loại thuốc dùng để khắc phục sự bất lực) đã bị vi phạm và yêu cầu 2 công ty của Trung Quốc phải ngừng sản xuất các sản phẩm thuốc nhái của Viagra. Tuy nhiên đến tháng 01 năm 2007 thì cũng toà án này lại ra phán quyết cho rằng việc các nhà sản xuất thuốc tân dược của Trung Quốc sử dụng nhãn hiệu Weige, tên thường gọi của Viagra trong tiếng Trung Quốc, lại không phải là hành vi xâm phạm nhãn hiệu.
Vào năm 2005, chính quyền các cấp ở Trung Quốc đồng ý cho nâng số lượng các vụ án bị xử lý hình sự lên tương ứng với những trường hợp bị xử lý hành chính. Tuy nhiên, dường như để bị xử lý về hình sự thì các vụ án liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ vẫn phải thoả mãn yêu cầu về giá trị tối thiểu. Để có thể truy cứu trách nhiệm hình sự thì giá trị của hàng hoá bị tịch thu ít nhất phải là 50,000 nhân dân tệ đối với cá nhân và 150,000 nhân dân tệ đối với các công ty. Theo báo cáo cho thấy Bộ thương mại Hoa Kỳ và các quan chức của Hoa Kỳ cho rằng việc quy định mức tối thiểu để xử lý hình sự là vi phạm Hiệp định TRIPS của WTO.
Ấn Độ
Thẩm quyền của Toà án: Cũng như các quốc gia khác, ở Ấn Độ quyền sở hữu trí tuệ có thể được thực thi bằng hai con đường là khởi kiện vụ án dân sự và khởi tố vụ án hình sự.
Nếu người bị vi phạm quyết định khởi kiện vụ án dân sự đối với người có hành vi vi phạm quyền sở hữu trí tuệ thì người bị vi phạm phải nộp đơn khởi kiện hành vi “làm giả” (trong trường hợp nguyên đơn chưa đăng ký) tại Tòa án cấp cao hoặc toà án cấp quận. Nếu nguyên đơn có đầy đủ chứng cứ, Toà án Ấn Độ thường nhanh chóng đưa ra lệnh cấm theo đó bị đơn không được phép xâm phạm nhãn hiệu hàng hoá, quyền tác giả, sáng chế hoặc kiểu dáng của nguyên đơn. Ở Ấn Độ, các công ty luật thường nhận được quyết định này trong vòng 3 ngày sau khi nhận được văn bản và những thông tin từ khách hàng. Nếu bị đơn không đồng ý với đơn khởi kiện của nguyên đơn thì vụ án sẽ được đưa ra xét xử và có thể được giải quyết xong trong khoảng thời gian là 2 năm. Đối với các vụ án hình sự, ví dụ như vụ án làm giả hàng hoá, thì người bị hại có thể yêu cầu khởi tố vụ án tại Toà án và đề nghị Toà án ra lệnh cho phép tìm kiếm những sản phẩm vi phạm. Việc tìm kiếm có thể do Cảnh sát tiến hành và hàng hoá bị tịch thu cũng như hình phạt mà người có hành vi vi phạm phải gánh chịu sẽ được xem xét quyết định sau khi có cáo trạng.
Giải quyết tranh chấp: Nếu nguyên đơn khởi kiện tại Toà thượng thẩm và toà án cấp quận và thắng trong vụ kiện thì có thể được nhận các quyết định, phán quyết của Toà về các biện pháp cưỡng chế dân sự. Tất nhiên, biện pháp cưỡng chế phổ biến nhất chính là bồi thường thiệt hại đối với những lợi ích bị mất. Cũng như các nước theo hệ thống thông luật nói chung, các quyết định này thường do Toà án ban hành. Quyết định cưỡng chế là một loại lệnh của Toà án cho phép một người được yêu cầu ai đó phải thực hiện việc gì (ví dụ như nộp lại hàng hoá) hoặc không được làm việc gì (ví dụ như lệnh của toà án không cho phép sản xuất và phân phối các sản phẩm xâm phạm quyền đối với sáng chế của nguyên đơn). Theo quy định của pháp luật hình sự, ở đây là bộ luật hình sự và bộ luật tố tụng hình sự, thì cả người xâm phạm, và người bán các sản phẩm xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ ra thị trường đều có thể bị xử lý hình sự.
In-đô-nê-sia
Thẩm quyền và việc giải quyết các tranh chấp: Theo quy định của pháp luật trước đây thì các toà án cấp quận ở In-đô-nê-xia có thẩm quyền giải quyết đối với các vấn đề liên quan đến quyền tác giả, sáng chế và nhãn hiệu. Theo các luật mới về quyền tác giả (luật số 19 năm 2002), sáng chế (luật số 14 năm 2001), nhãn hiệu (luật số 15 năm 2001), bí mật thương mại (luật số 30 năm 2002), kiểu dáng công nghiệp (luật số 31 năm 2001) và hệ thống mạch tích hợp (luật số 32 năm 2002) trao thẩm quyền giải quyết các tranh chấp theo quy định của các luật này cho Toà thương mại, trừ một số vụ án cụ thể liên quan đến luật về bí mật thương mại. Hiện nay In-đô-nê-xia có 5 toà án thương mại và các toà này không chỉ giải quyết các vấn đề về sở hữu trí tuệ mà còn giải quyết các vấn đề thương mại được quy định trong pháp luật về ngân hàng, cạnh tranh, luật bảo vệ người tiêu dùng. Các Toà án này được đặt tại Jakarta, Semarang, Surabaya, Medan and Makasar.
Tuy nhiên, việc xử lý hình sự đối với hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ vẫn do Toà án cấp quận giải quyết. Luật về nhãn hiệu và luật về quyền tác giả đã quy định một số hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ là tội phạm. Một trong những khác biệt quan trọng giữa Toà án thương mại và Toà cấp quận thể hiện ở việc kháng cáo. Các kháng cáo đối với bản án của Toà thương mại được Toà án tối cao giải quyết trực tiếp và không cần phải qua Toà án trung thẩm cấp cao.
Niu-di-lân
Thẩm quyền: Nói chung, không có toà án chuyên biệt nào để giải quyết vấn đề sở hữu trí tuệ ở Niu-di-lân. Chỉ có ngoại lệ duy nhất là Toà án quyền tác giả. Toà này không xử các vụ xâm phạm quyền tác giả mà được thành lập để giải quyết các tranh chấp liên quan đến việc cấp lixăng đối với các tác phẩm có nhiều tác giả. Tại toà án quyền tác giả chỉ có một số ít vụ án được giải quyết tại đây do vậy nó đóng vai trò không đáng kể trong việc giải quyết các vụ án về sở hữu trí tuệ.
Phần lớn các tranh chấp liên quan đến sở hữu trí tuệ đều do Toà án cấp cao giải quyết. Một số tranh chấp về quyền tác giả có thể do Toà án cấp quận giải quyết và các toà án này có thẩm quyền giải quyết các vụ án có giá trị tranh chấp đến 200,000 đô la Niu-di-lân (các vụ án có giá trị như vậy chiếm tỷ lệ không lớn trong số các tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ). Kháng cáo đối với bản án của Toà án cấp cao có thể được gửi lên Toà án phúc thẩm và kháng cáo đối với bản án của Toà án phúc thẩm được gửi lên Toà án tối cao. Và cũng giống như các nước theo hệ thống thông luật thì không có thẩm phán hoặc hội đồng xét xử nào chuyên về sở hữu trí tuệ.
Giải quyết tranh chấp: Các toà án Niu-di-lân có thể buộc người có hành vi xâm phạm phải bồi thường những thiệt hại xảy ra do hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, trong đó bao gồm cả hành vi vi phạm quyền tác giả, kiểu dáng, sáng chế, thông tin bí mật, nhãn hiệu, làm giả và các quyền khác theo quy định của Luật thương mại công bằng. Trong trường hợp vi phạm quyền tác giả theo quy định của Luật quyền tác giả, thì nguyên đơn chỉ được quyền yêu cầu bồi thường lợi những ích bị mất nếu bị đơn không biết rằng tác phẩm đã được bảo hộ quyền tác giả.
Ngoài ra, ở Niu-di-lân còn có các biện pháp chế tài khác đối với hành vi xâm phạm sở hữu trí tuệ như lệnh cấm tạm thời hoặc vĩnh viễn, tiêu huỷ các vật phẩm vi phạm và lệnh khám xét mà không cần báo trước, theo đó lệnh này được thực hiện mà không cần báo cho bên kia biết trước và có thể sử dụng để tịch thu những đối tượng mà người vi phạm có thể tiêu huỷ nếu như được thông báo trước.
Thái Lan
Thẩm quyền: Toà án sở hữu trí tuệ và thương mại quốc tế (IP&IT) được thành lập vào năm 1997, có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm các tranh chấp thương mại quốc tế và sở hữu trí tuệ. Trong số các thẩm quyền được giao, Toà án IP&IT có cả thẩm quyền giải quyết vụ án hình sự và dân sự liên quan đến nhãn hiệu, quyền tác giả và sáng chế. Các thẩm phán của Toà án IP&IT là những người có chuyên môn trong các lĩnh vực cụ thể về sở hữu trí tuệ và thương mại quốc tế. Các phiên toà tại Toà án IP&IT có ít nhất 2 thẩm phán chuyên nghiệp và 1 thẩm phán không chuyên tiến hành.
Giải quyết tranh chấp: Các vụ án hình sự được đưa ra Toà IP&IT bình thường được giải quyết trong vòng 6 đến 12 tháng kể từ thời điểm phát hiện ra vi phạm cho đến khi bản án được ban hành. Ngoài thẩm quyền xem xét áp dụng hình phạt và quyết định việc bồi thường thiệt hại do hành vi vi phạm sở hữu trí tuệ gây ra, Toà án IP&IT còn có thẩm quyền ban hành các quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời hoặc kê biên tài sản trước khi khởi kiện.


------------------------------------------------------

tải về 40.49 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương